25. Quán Cây Si
Quán Cây Si, quán Cây Dừa, quán Vườn Trúc trước đây có đôi ba lần tôi đến với Hoàng Trung Thông. Nếu bây giờ quán nào còn chắc vẫn nhớ ông Hoàng. Còn tôi thì như cái bóng, cái bóng chẳng có gì để người ta nhớ. Tôi cũng hay lượn lờ quán xá vỉa hè thích lai vãng hàng quán, nhưng phải cái tội là ở đâu đông đông thì tôi lẩn dần. Ở quán cóc, ngồi ghế băng cả năm bảy người một dãy, được bạn uống láng giềng hỏi han thì tôi nói tôi về hưu đã lâu, trước làm kế toán ở cơ quan x, y - không hẳn tôi nói dối, vì xưa kia tôi cũng võ vẽ làm phụ kế toán. Như thế, câu chuyện bao giờ cũng tràn lan và tha hồ bốc phét. Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu có tả tôi thường uống một hai chén rồi lủi. Cũng không hẳn như thế. Tôi ngồi quán cóc cốt hóng chuyện thiên hạ, không được thế thì mất cái thú. Tôi nghĩ như nói về tôi thế này thì có thể là tả thực hơn. Ở quán cụ 71 mà gặp những ông nhà văn có tuổi và nhà văn trẻ thì tôi uống và ngồi im. Nhưng đến đấy mà có ông xích lô, mấy ông bác sĩ viện Mắt đi uống rượu vụng mà uống khỏe lắm, mà tôi là lão kế toán về hưu, thì tôi cũng ba hoa chích choè lắm chứ. Chẳng biết thế là thôi quen, là tật hay bệnh mãn tính. Còn như uống, có khi đến năm bảy chén suông rồi biến thì phải kể loại nhất thì tôi biết là hoạ sĩ Dương Bích Liên - cái người lúc nào cũng sợ người, tránh người. Đã lâu mới lại đến quán Cây Si - thật có cây si cây si thả rễ loăn xoăn lòng thòng xuống trước mặt chứ không phải thân già này còn nỡm đời mà trồng cây si trước cửa nhà mụ nào, con nào và mong ngóng ai ai bây giờ.
Nhưng tay long tay hổ đi với tôi hôm nay không phải hai ông bạn văn nhớn nhác giơ tay xin đường qua ngã tư ngã năm hôm trước, cũng không phải cụ Kim Lân mà có hôm được các cháu nhà hàng gọi hỗn đáng yêu mà cụ lại cứ muốn chúng nó gọi láo lếu là anh Hạc, anh Hạc lão Hạc cũng máu phất phơ hàng quán và uống vẫn tợn. Nhưng anh Hạc này mới bị trẹo cái đĩa cột sống ngay trên mông đít đã hay đi đái giắt cứ thình lình không ngóc được lưng lên, còn ông bạn chí cốt Nguyễn Văn Bổng của tôi thì nằm ngửa trên giường đã vài mươi năm nay rồi. Ôi chao, còn ai nữa... Những cái quán cóc vẫn lèm nhèm, lúi húi như thủa trước. Nhưng trong ruột xôm trò hơn xưa nhiều. Có những khách không phải hạng lép túi, nhưng họ thú vị với cái ú ớ xuềnh xoàng thế này. Trước tiên là quốc lủi, cái rượu quốc cấm ngày nào phải đựng trong bong bóng ni lông cất kỹ dưới gầm giường thì bây giờ được bày lên một loạt vò da lươn như những cái vại con, chẳng biết thửa ở Hương Canh hay Phù Lãng. Đậu phụ, đậu nướng thì ê hề. Lại mới thêm mặt hàng đương ăn khách: vó bò và chân gà, ngầu pín, giái dê tương gừng nhà hàng mở tủ lạnh bưng ra cả mẹt, tha hồ chọn. Các thứ mì ăn liền, bò hay gà thì cũng một mùi hăng hắc như nhau, ra đời từ cái ngày giải phóng miền Nam, bây giờ là món ăn cổ điển như là bún. Kể cũng tiện, ngất ngưởng rồi làm một gói vừa bụng và cũng là xong bữa.
Các chủ quán, bà Hai hay ông 71 đã về nhà lạnh cả rồi. Nhùng ánh đèn hoa kỳ lom đom với bó đóm gỗ diêm, và cái ống điếu cày thì vẫn để dưới gầm bàn - chỉ khác nó không còn phải xích vào chân cột. Thì vẫn tích cũ, con nhà chùa thì quét lá đa” vậy. Bà bán xôi ngô hè phố Nguyễn Du cũng về với các cụ rồi thì con trai con dâu bà mỗi sáng lại ngồi xích lô chở xôi ngô từ phía chợ Mơ đến ngay chỗ ấy và khách hàng ăn quà sáng vẫn chen chúc kẻ đứng người ngồi. Cụ phở Chí đi rồi thì thằng Hải con cụ nói nghiệp phở gà Chí, dẫu vợ chồng Hải đã tậu nhà đổi đi phố khác, nhưng con người cũng như con mèo, con ngựa giỏi đánh hơi đường cũ vẫn được khách theo. Bãi cỏ cứ đi mãi thành vệt đường, người ta ăn uống cũng theo vết kỷ niệm. Lâu lắm tôi không đến quán Cây Si - có lẽ từ khi ông trạng Thông chầu trời nhưng cái dáng người nho nhỏ dật dờ của tôi bước vào, cũng cho tôi tự cảm thấy tôi đã là người của mọi khi rồi. Tôi cùng đi với một thằng lạ. Nó cao lớn mật sạm nắng gió, trong bóng tối như thằng mắc bệnh gan. Chưa hẳn đã già, mà không thể đoán được tuổi, bảo là gần bằng tôi thì cũng đại khái tương tự. Nó mặc cái áo cộc tay vải đen vằn trắng cũng như mọi người qua đường bây giờ quần áo loạn các kiểu, các màu thế, chẳng đáng để ý.
Nhưng đời nó và cái sự nó đi với tôi thì không ai có thể tượng tượng ra được. Nó ở thành phố Hồ Chí Minh ra. Chưa đến Hà Nội bao giờ. Nó đi khỏi Sài Gòn tháng 4-1975 từ lúc thiếu niên. Chẳng có thân thích nào ở Sài Gòn. Nó xuống Vũng Tàu, chỉ vì ngày trước nghe mẹ nói đã sinh nó ở Vũng Tàu. Nhưng cung chỉ đi trông lại thành phố và bãi biển mà nó không nhớ cái gì cả. Nó là con của chị vợ tôi. Bà chị lang bạt vào Nam từ thời trẻ. Vợ tôi không biết mặt nó, chưa thư từ với nó bao giờ. Nó thình lình đến. Cô và cháu phải xưng tên mới biết nhau. Nó bay ra Hà Nội, xuống máy bay rồi xe tacxi đưa về đâu thì ở đấy. Nó lần ra điện thoại tôi mà nó cũng chỉ ở Hà Nội có hai đêm một ngày, mai về Sài Gòn rồi bay luôn.
Một ngày một mình lang thang đi phố. Chụp mấy cái ảnh đền Ngọc Sơn, ảnh Lăng Bác. Tôi hỏi:
- Mày làm gì ở bên Mỹ?
- Đi bỏ mối nhà ạ.
- Ở Sài Gòn cũng có nghề mối lái nhà.
- Vâng, trên thế giới này đâu chẳng có người bán nhà, người mua nhà, có thế cháu mới sống được.
- Đủ sống không?
- Được mối tốt thì cả năm chỉ việc ăn chơi.
Cách ăn nói thế, chắc nó cũng dân bụi bên Tây. Nó lại biết ông Võ Phiến. Nó chửi ông Phạm Duy chỉ nói phét. Có mấy bài hát khá thì làm khi theo kháng chiến, đến khi về thành ông ta đổi hết lời, thế mà vẫn vênh. Có nghĩa là thằng này cũng biết về văn nghệ văn nghẽo đôi chút. Đưa nó ra cái chỗ bụi lau vào Lương Sơn Bạc này được.
Nó nói, như tuyên bố.
- Cháu không hít, không rượu, không đớp, chỉ có nghiện cái món đàn bà.
Đến quán cây Si, nó hỏi:
- Đi ăn “bittrô” ạ?
- Không phải quán ăn nhanh đâu, ngồi cả đêm được.
Quán còn vắng, khách ngày thì hết rồi mà khách đêm thì chưa tới lúc. Tôi hỏi nó uống gì. Tôi kể có rượu bán chui, gọi là quốc lủi, có lạc luộc, có đậu phụ đậu nghệ mắm tôm, đậu nướng muối ớt, có mực nướng, có thể có cả bia Mỹ- để tôi hỏi. Nó bảo nó sợ mắm tôm, nó ngửi mùi nước mắm thì hắt hơi còn bia Mỹ thì như mùi hôi nách, không chịu được. Nó uống quốc lủi, nhấm nháp hột lạc luộc. Ở gian trong, cố ghế một không ghế băng như ngoài này, khuất cái vách ni lông, chỉ thấy thấp thoáng. Cũng biết có hai cô gái chắc là gái làng chơi ra hóng khách sớm. Thằng này khoe là háu đàn bà nhưng không thấy nó ngó nghiêng gì.
Chúng tôi ngồi im lặng.
Chỗ tôi ngồi chếch vào trong, trông rõ. Loại mắt xanh mỏ đỏ này cũng thường gặp. Nhưng hai ả xanh đỏ này có kỳ quái hơn thường. Đầu tóc mặt mũi cứ tía như đầu con gà chọi. Cái môi vàng nghệ và cái tóc hun rực như lửa, đã thấy ở Karachi, ở Tây Béclin mấy chục năm trước bây giờ mới lan đến đây.
Câu chuyện của hai ả không nói tiếng lóng, nhưng lạ tai. Và họ trò chuyện bô bô như không có chúng tôi ở vách ngoài. Cái mụ chủ quán đầu xù như con chó bông, thinh thoảng lại vào góp mấy câu nhấm nhẳn.
- Cho tao mấy vé Hàn Quốc ấy, bao nhiêu cũng cân.
- Nhưng không bèo như chuyến trước đâu. Đây toàn tay chủ cỡ bự.
- Hôm nào vô trỏng? Chuyến 9 giờ, đêm nay thôi. Thế thì...
Chuyện đến đây, hai ả giơ hai tay ngón tay thoăn thoắt làm hiệu. Như đài truyền hình đến mục phát cho người câm điếc. Rồi cả hai cười rinh rích, đứng lên uống cạn cốc bia Cácbớc. Họ đi ra qua mặt, cũng chẳng thèm để nửa cái đuôi mắt lại. Có thể vì cái mã chúng tôi cũng cú thôi và bọn này không phải những quân đĩ quán, đĩ lường.
Thằng cháu gật gù:
- Bọn chúng nó buôn người.
- Ở Mỹ cũng có à?
- Buôn người, buôn nhà đâu chả có. Nhưng ở đây...
- Ở đây sao?
- Ở Mỹ thì hai con này bị bắt rồi. Chủ quán gọi điện thoại, lính đến tóm ngay chủ quán được tiền thưởng. Tôi toan nói: “Ở đây người còn rẻ, ế nhiều lắm!, nhưng lại thôi và ngồi im. Thằng kia cũng không nói gì nữa. Nó vẫn uống rượu và bóc lạc, rồi lại trầm ngâm. Tôi cũng không hỏi, không gợi chuyện khác. Thằng này hay chuyện. Quả nhiên thế, và lại là câu chuyện mới.
Nó kể:
- Ở Cali có nhiều ông già Việt mắc bệnh mất ngủ, rồi chết, nhiều lắm, như gà chết dịch. Ông ấy đi Mỹ hợp pháp với con cháu ung dung lắm. Nhà bốn buồng. Ở tầng 15. Chúng nó đi làm cả ngày, trẻ con đi học vắng nhà suốt tuần. Một mình ông ăn sáng, ăn trưa đã có thúc ăn sẵn trong tủ lạnh ăn xong, ông ngồi trước ấm chè cho đến tối mới có người về. Một năm, mấy năm, mười năm. Một hôm, các con về thấy ông ngồi trên ghế. chết rồi: trước mặt vẫn cái chén và ấm chè.
- Nhớ nhà quá.
- Nhớ hay không, không rõ. Nhưng cái thang máy không biết xuống, mà xuống thì đi đâu. Cứ ngồi thế cả năm thì cũng chỉ nghĩ mà chết thôi.
Trưa hôm sau, ở sân bay Nội Bài. nó gọi điện về chào chúng tôi. Nó bảo:
- Cháu không muốn mắc bệnh chết ngồi đâu. Cháu sẽ về, về ở Sài Gòn.
- Mày là thằng Mỹ rồi, chết sao được!
- Thằng Mỹ dởm, cũng chết ạ.
26. Quán cóc
Không biết cái quán cóc gốc là từ năm Sài Gòn giải phóng người ta hay la cà vỉa hè uống rượu lậu - tiếng lóng là nước trắng, nước mưa, hay là bia xanh nhắm với quả cóc chấm muối mà thành tên là quán cóc, - chợ cóc rồi cái tên về sau lan ra Hà Nội thành quán cóc là những hàng rượu chợ như thế, và tên quán cóc, chợ cóc là như vậy chăng?
Bấy giờ tôi hay uống ở quán cóc bà Xiếc. Gọi quán bà Xiếc chỉ bởi cái quán nước của bà ở cạnh bến tô Kim Liên trông sang rạp xiếc bên vườn hoa Thống Nhất ở đường bên kia. Bà là người Hà Nội cũ. Bà bán hàng cho vui - mà cũng có thể là kiếm được. Trông cái tay bà đếm lóng cóng tùng đồng hào giấy, cùng biết không phải là người bán quan. Rượu bà Xiếc cũng là quốc lủi tạp nhưng được cái đều giọng. Chỉ vì bà lấy rượu một thổ quanh năm - cái thổ rượu hiểm hóc mà thật chắc đấy. Rượu đồng chiêm trũng nào chò chỉ, nào Phú Xuyên... Cứ lâu lâu lại có một xe cứu thương ở phía nam lên. Xe lừ lừ không bóp còi toe toe, hai bên sườn xe có hai chữ thập đỏ, cứ thế mà bon bon. Đến chỗ mấy cây si bờ hồ Thiền Quang của vào Công viên Thống Nhất, cái xe cứu thương ấy đỗ từ từ. Bác lái xe mặc áo đại cán chỉnh tề xách ra một cái bọc nilông xám bước vào hàng bà Xiếc. Bà cất ngay vào nhà trong cai bọc nilông ấy. Nó là cái bìu đựng rượu chui đồng chiêm lên. Người nghĩ ra được cái xe cứu thương đụng rượu lậu đã là mưu mẹo hơn một đầu các tay bắt rượu bấy giờ.
Thỉnh thoảng bà Xiếc cũng lấy rượu của ông Đặng Đình Hưng. Bà cười: Ông này vừa bán rượu vừa uống rượu. Nhưng cái rượu Chương Mỹ quê ông, khách khen cái Chương Mỹ đậm”.
Ngồi quán cóc như ngồi xem sách, có khi ham hơn xem sách vì cứ ngồi mà đoán ra lắm kiểu người. Cứ đến buổi tan cơ quan, đi làm về buổi trưa, buổi chiều người đi xe đạp tíu tít qua. Người vào quán lăng lặng, bà hàng đã biết lệ, rót ngay cho một chén, hai chén. Ông ghếch xe, uống đứng, rồi đạp xe bay luôn. Chắc ông này uống rượu vụng, nhà đương đợi cơm. Có hôm thấy thằng Viễn con ông Đoàn Giói làm ở Công ty Cây Xanh bên Công viên Thống Nhất. Nó chào lễ phép, mời tôi uống. Khác Nguyễn Đỉnh Chính có hôm nhác qua quán đi ngay, làm như không trông thấy. Cũng như cái quán ở gần rạp Đông Đô, Lưu Quang Vũ vào mua chai rượu con con rồi lủi ngay.
Cũng như uống rượu với cụ Nguyễn Tuân ở nhà hàng trước cửa ga Hàng Cỏ, cụ Tuân bước sang bàn bên kia chào cụ Cao Xuân Huy. Hai cụ bắt tay nhan. Tôi biết cụ Cao có con rể là nhà nghiên cứu văn học Văn Tâm, nhà ở phố gần đấy. Cụ Cao ngồi một mình, uống một cốc bia ngữ nhỏ. Cụ khẽ ho. Cụ lặng lẽ lấy mảnh báo trong túi ra khạc đờm rồi gấp lại, bỏ vào túi áo vét. Có lẽ cả thành phố chỉ còn cụ Cao giữ vệ sinh công cộng lịch sự đến thế? Thành phố ngày ngày báo động, có lúc bị bắn, bị ném bom, chiều chiều người ta la đà uống bia. Trên phố Tông Đản, quán bia thường mở sớm. Người mua bia xếp hàng dài lằng lặng. Cụ Nguyễn hay đạp xe lên uống bia ở đây vì ở đây thường có bia mới rót ở thùng ra. Mà cụ đi đâu chăng có người phục dịch vô tư. Cụ vào ngồi trong sân cơ quan có cây đại cổ thụ, cán bộ miền Nam tập kết ở, cụ cứ việc ngồi đấy. Có người kẹp hai ngón tay xách vào hai vại bia trước tiên. Cụ ưa cái quán này uống được hơn cái bia chuồng cọp bên hồ Thiền Quang. Bia Chuồng Cọp hay phở không người lái là tiếng lóng thời sự chớp nhoáng, thời sự chiến tranh cả đấy. Ở ngoài Côn Đảo mấy phóng viên nước ngoài ra viết phóng sự về tù binh ngoài ấy đã mày mò tìm ra được những khu xà lim giam đặc biệt các chiến sĩ Việt Cộng bị án nặng, chúng tôi đặt tên chỗ ấy là chuồng cọp. Sự việc được phanh phui lên tin tức và báo chí thế giới. Các ông háu bia ở Hà Nội cũng đặt tên chỗ xếp hàng mua bia là cái chuồng cọp chỉ vì nhà mậu đóng song hành hai vành gỗ như vành móng ngựa để người sắp hàng phải lên lĩnh bia lần lượt không thể chen ngang được. Trong kia bia không rót ở thùng mà bia đổ ra cái bể ximăng, cô nhà mậu lấy cái gáo nhựa mục bia ở bể ra cho nhanh. Phở không người lái có sự tích ác liệt của Thủ đô và của chiến trường miền Nam trong kia đang ác liệt cả đấy. Ngày ngày máy bay Mỹ không người lái vẫn do thám trời Hà Nội, người ta bèn đặt tên cho hàng phở ban không thịt là phở không người lái, và canh không người, cơm cũng không người lái!
Những hôm bia nhạt, các cô nhà mậu pha nước lã liều lượng quá tay chăng, tôi phải đến các quán cóc ở cạnh rạp Đông Đô. Vì mềm môi, rồi hay rủ rê nhau, tôi cũng uống lân ở quán này. Cái quán chăng ra cái hàng quán gì cả. Vào một ngách nhà như vào trong lối đi của phu đổi thùng phân mỗi nhà ngày trước. Thế rồi lọt một cái buồng con. Bà bán rượu chít khăn lượt, đầu bạc, bà lôi rượu ở nhũng chai đã đong sẵn ở bịch nilông ra. Bà chỉ có thức nhắm lạc luộc, mấy bị lạc treo quanh tường.
Cái bà bán rượu trong hẻm này người Công giáo, sáng chú nhật bà đi lễ nhà thờ Hàm Long. Trong gian buồng chỉ có cái phản gỗ ba miếng ván. Bà lấy chai rượu và đĩa chén ở gầm giường ra. Chúng tôi đều ngồi cả trên phản, người bó gối, có người thòng cả hai chân xuống. Như ngồi xem bói tướng tay. Không còn nhở ngồi trên cái phản chỉ có một hai tấâm ván ấy thì rồi mùa hè tới, mùa đông qua thế nảo. Chỉ nhớ mỗi khi gió thổi hun hút như ống sao đầu tường, chúng tôi vẫn dựa vào tường, nói, cười ầm ĩ.
Có cái anh Hùng viết kịch. Tôi chỉ thấy anh ngồi uống rượu trong quán cóc này. Có lẽ thấy nhiều người văn thơ đến uống thì anh tương là viết văn, viết kịch thì phải uống rượu, hôm nào Hùng cũng đến, ngồi lúc nhúc với mọi người. Vóc người anh tợn tạo, uống bợm lắm. Ít lâu không gặp, lại lâu lắm không gặp. Có người bảo anh chết rồi, người ta cãi anh chết vì ốm, không phải vì uống rượu.
Ở đây tôi cùng gặp lại anh Nghĩa làm ở cơ quan thông tấn, quê trong Quảng Ngãi. Nghĩa uống rượu như uống nước. Nghĩa hay dắt cả vợ đến cùng uống. Chị ấy cũng uống ra trò. Lúc về, chồng đèo xe đạp đi thong thả như không. Mấy năm, khi đất nước đã thống nhất, Nghĩa có ra Hà Nội chơi. Bà bán rượu đã mất, chị ấy cũng đã mất. Nghĩa già quăn queo, lúc nào cũng đội mũ nồi, vì tóc rụng trọc cả đầu. Nghĩa chịu khó đi tìm đến chơi với bạn rượu. Nhưng Nghĩa chùa rượu từ lâu. Ở các quán gần chợ Hôm này, tôi cũng hay gặp Nguyễn Thế Phương. Ấy là nhũng hôm tôi thường cùng Dương Bích Liên, khi đã uống vài vại tà tà ở bãi Chuồng Cọp rồi đến làm thêm đôi ba chén trắng cho khỏi nhạt miệng ở cái quán trước cái may nước cụt vòi ở ngã tư chợ Hôm.
Bấy giờ cũng gần lên đèn. Bà chủ quán, như người Đình Bảng chợ Dầu đã cứng tuổi chít khăn nhung đen, đôi mắt sắc như dao. Hàng nhà bà chỉ kê chiếc ghế dài, đặt hai cái ấm giỏ. Khách uống nước chè có chén bên cạnh. Khách dùng cái trắng thì chén cất vào trong, rồi bà chủ lấy ra rót ở ấm khác. Ông thuế chỉ bắt rượu. Chúng tôi đến quán này khi nào cũng đã sẩm tồi. Nhà hàng chưa bật đèn, ở góc tường có cai đèn hoa kỳ cho người hút thuốc lào.
Hôm nào ông Phương cũng ngồi ở góc tường trong, chốc lại cầm cái điếu cày hút thuốc lào, lúc ấy mới chỉ có một ngọn điện le lói. Cái mặt rượu lừ đừ của ông như trông thấy tôi mà cũng như không trông thấy tôi. Mấy năm nay, Nguyễn Thế Phương đã viết những truyện ngắn và mấy truyện dài. Ông hay uống bia pha cái trắng. Không biết ông nghiện hay không, ông ngồi từ chập tối đến lúc lên đèn, cạnh cái ấm giỏ đựng rượu và cái điếu cày. Cứ một chỗ như thế.
Ít lâu, nghe nói Nguyễn Thê Phương lại về Thanh. Rồi nghe tin ông mất. Cái quán cóc có hai cái ấm đụng nước chè và đụng rượu, đi qua không thấy và các mảnh gỗ đóng kín Cái quán ở phố Bà Triệu ngày trước có bà hàng hay có đậu nghệ nướng, đã có hôm cụ Nguyễn Tuân nhớ bánh đậu nướng có mùi nghệ chấm muối cũng mò đến. Cụ Nguyễn ngồi cái ghế dài ngoài cửa hàng, ngồi uống chen vai với khách. Thế là cụ đã chịu khó lắm. Những mặt các người quen lại tụ tập cả. Hoàng Trung Thông, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trọng Hứa... Nhưng một cái phiền khác lại đến, gần đấy có một bệnh viện. Các thầy thuốc vãn việc ra uống rượu, mặc cả áo trắng. Các nhà thuốc uống nhanh và uống nhiều. Hồi này có một ông thầy thuốc trẻ đi guốc mộc hút thuốc lá, đi nghênh nghênh. Tôi đành bỏ ông ngầu pín.
Tôi được mách ông giáo Xưởng ở Sinh Từ. Cụ Nguyễn Tuân cũng hay dùng rượu ở quán ông giáo. Cụ cho là rượu ông giáo uống được. Nhưng cụ cũng chỉ cho cậu Đảo con cụ đi mua về uống thôi.
Ông giáo là người Cầu Giấy. Ngày trước tôi có quán ông giáo Mai, hoạt động phong trào Mặt trận bình dân ở dưới ấy nên ông giáo với tôi biết nhau ngay. Tôi nói tôi về hưu, làm kế toán Bộ Văn hoá - ngày xưa tôi cũng biết làm sổ sách nhà giày ba ta mà! Cái rượu của ông giáo Xương được đấy. Đầu phố nhà ông buổi sáng có một bác phở gánh đông khách. Sáng sớm ngà ngà rồi điểm tâm bát phở chín cũng hay. Rồi lại không lui tới được rượu ông giáo Xưởng. Một hôm, cậu con trai đi dạy học về, trông thấy tôi cậu chào vồn vã. Thế rồi, ngay bấy giờ ông Xưởng lập cập đem trong nhà ra cho tôi một quyển vở, ông nhờ tôi đọc hộ mấy bài thơ Lamáctin của ông dịch để kỷ niệm bà ấy mất. Họa sĩ Nguyễn Sáng ưa cái rượu hơi khê khê của ông giáo. Cũng tiếc. Nhưng Sáng bảo cái rượu ở quán Thủy Hử mới đặc biệt. Sáng kết nghĩa với chủ quán. Một hôm, tôi đến rủ Sáng. Nguyễn Sáng đương mặc quần áo sắp đi đâu. Nghe tôi nói, Sáng nói như quát: “Đi chỗ khác thôi! Tao vừa đánh nhau với nó” .
Làm sao mà Nguyễn Sáng đánh nhau được với người ta. Không biết cái tay còn cái hồn vẽ không, chứ cái miệng đã rụng hết răng, chỉ đi ăn cháo tiết ở chợ cửa ga Trần Quý Cáp cho khỏi phải nhai thì còn hùng hổ với ai. Nhưng cái tính hùng hố bất thường của ông này thì biết rồi. Có lần người yêu của ông đến chơi, không hiểu trò chuyện hay cãi cọ ầm ầm thế nào, Nguyễn Sang đuổi cô ấy hốt hoảng chạy xuống cầu thang gác rơi cả mũ mà không dám quay lại nhặt.
27. Rồi thì người ở một mình
Dạo trước, trên báo Người Hà Nội tôi đã báo động ở vùng Đồng Tháp Mười trong Nam bây giờ người ta bẫy chim bằng cát xét, tiếng chim đã được thu băng, mở cát xét ra chim kêu chim hót líu lo. Đàn chim bay qua ngỡ chim gọi đàn, sà xuống bờ nước, hàng trăm hàng chục con mòng két, con cu gáy, con ngói lao xuống, sa cả vào lưới
Mỗi ngày cả ngàn con chim hoá ra chả chim, xáo chim trong các quán nhậu bên kênh rạch, ven đường, các lái chim còn tải chim lên Sài Gòn - Chợ Lớn bán vào các nhà hàng sang trọng. Bây giờ cái cạm chim ghê gớm có tiếng chim hót ấy đã được đưa ra đến Hà Nội. Cái đầu đề trong một số báo Hà Nội Mới vừa đây: có những xâu chim đem về chợ chim ở đường Hoàng Hoa Thám. Thoạt đầu tôi lấy làm lạ con chim sâu, chim chích thì nuôi sao được mà người ta cũng đem bán. Đọc bài mới biết xâu chim đây là cái dây, cái lạt, xâu dây thép buộc con chim lại thành một xâu đem đi bán
Tôi vẫn băn khoăn nỗi ở ngoài này đâu có nhiều chim như ở các cánh đồng và vườn, rừng phía Nam. Ở Hà Nội, đêm đêm chỉ còn nghe con chim lợn kêu rùng rợn mà người ta bảo chim lợn bay qua đâu mà kêu là ở đó sắp có người chết, còn muốn trông thấy con cò bay, con diều hâu miệng xây giếng cho tròn thì phải tìm đến lưng chừng núi Tam Đảo, núi Ba Vì may ra mới trông thấy được. Thế mà bây giờ có người đem cả xâu chim đi bán?
Chủ nhật, tôi đến đường Hoàng Hoa Thám có những cửa hàng chuyên bán chim và cây cảnh. Hai bên đường bóng cây mát rượi, đầy nhan nhẩn những chim là chim, không phải chim trên cây mà chim trong lồng nan tre, nan nhôm những con sáo, con khướu, con hoạ mi.., ca trăm thứ chim. Những chưa thấy xâu chim nào ở đâu. Hỏi thăm mới biết người bán chim ăn thịt, ở tận ciối đường đằng kia, dạo trước, người ta xách xâu chim đi bán rong, nhưng rồi những hàng chim trong lồng trống thấy những người cứ vác chim chết lượn lồ đi, đâm ra sốt ruột. Biết đâu những con chim sống trong lồng thấy những con chim bị xâu, bị trói, nhỡ cái nó biết sợ, biết chạnh lòng, nó cắn lưỡi chết cả thì sao. Thế là người ta đuổi bọn bán chim chết không được lướn phướn đến mà phải đứng một chỗ.
Những người xách xâu chim túm tụm lại một nơi. Năm trước, tôi thường trông thấy mỗi chiều chủ nhật có ông đi xe máy vai đeo súng săn phóng xe từ các vùng đầm nước ở Suối Hai, ở Đại Lải về: buộc đằng trước xe những xâu chim bắn được, nào con le, con mòng, nào vịt trời. sâm cầm. Đấy là những ông đi chơi săn chim và cải thiện đôi chút. Nhưng bây giờ trông những người đi bán xâu chim thì thiểu não, vất vả nhiều. Chiết xe đạp méo mó và cả người như vùi trong bùn lên. Họ vắt trước ghi đông những xâu chim chết, thôi thì chào mào sáo đá, cả con choi choi bé tí tẹo. Trông thấy mà thương tâm. Thế nào thì xung quanh thành phố người ta tiêu diệt hết các giống chim đến nơi.
Tôi hỏi bâng quơ:
- Không bán diều hâu à?
Người bán chim lật xât chim lên, có con diều hâu mình vằn máu, mỏ khoằm nằm chết rũ ở dưới.
Tôi lại hỏi:
- Diều hâu bay cao thế, sao bẫy được?
- Mở băng tiếng diều hâu kêu la, xuống ngay chứ?
- Thu được băng diều hâu?
- Ông ơi? Cụ giời trên thiên đình mà nói cũng thu được tiếng cả cụ giời. Nào ông mua đi, diều hâu nướng lên thơm chẳng kém gì gà gô. Cháu lên Lương Sơn nhiều, có chục con diều hâu vào bẫy cũng hết băng, chim rừng mà.
- Diều hâu này bắt ở tận đâu?
- Chân Tam Đảo đấy.
Tam Đảo và Ba Vì, những vùng rừng quốc gia, nghe uy nghiêm lắm, thế mà người ta đương phá đến kiệt cùng mà cũng chẳng ai cấm đoán, bắt bớ gì. Những con chim con cò này còn thấy có lúc nó bay trên sông, có lúc nó lội dưới ruộng, chứ còn bao nhiêu thứ của rừng, trong rừng, giữa rừng mà người ta đã bòn mót quanh năm đến hết sạch, mất sạch. Tôi đã từng viết về nạn tiêu diệt bướm ở Tam Đảo. Tôi đã mắt trông thấy những người châu Âu, người Nhật chơi Tam Đảo vào rừng tay cầm vợt vợt bướm và đeo những cái lồng đựng bướm. Đã nhiều năm rồi, người lớn và trẻ con các làng quanh núi đã hành nghề đi bắt bướm cho Tây. Không mấy ai để ý khi mùa xuân về, rừng Tam Đảo chỉ còn những đàn bướm trắng và bướm ma chập chờn bay ra, chứ những bướm rồng, bướm chúa, bướm tiên quý hiếm chẳng thấy đâu nữa.
Mới đây, tôi lại biết thêm có nghề lẩy phong lan ở Tam Đảo và Ba Vì. Thật ra tôi chỉ mới được biết, chứ nghề này đã sinh ra từ mười mấy năm nay, mà toàn người tỉnh xa về hành nghề. Cũng như ít ai để ý việc mò ốc bươu, ốc vặn ở hồ Tây phần nhiều người Thanh Hoá ra, ở Nam Định lên. Nghề lấy phong lan cũng thế, nhưng công phu và bán được nhiều tiền hơn mò ốc. Người ta nói bây giờ người đi rừng kiếm phong lan ngày một nhiều, những năm trước chỉ cái rìu với cái dao, vào rừng nửa buổi đã vác về hàng giỏ, bấy giờ phong lan còn mọc la liệt trong hẻm núi, ở gốc cây. Bây giờ người kiếm phong lan phải đi thành bọn vào rừng sâu mang cả bạt, đeo cả gạo và xoong nồi đi vài ngày. Mà đồ lề lấy phong lan bây giờ không chỉ có chiếc rìu, con dao mà phải đem cưa, thang dây, có cả cưa máy chạy điện quay tay, còn nhiêu khê hơn thợ sơn tràng đi rừng. Bởi bây giờ chỉ còn phong lan trên lưng chừng cây, phải trèo lên cưa cây, hạ cây xuống thì mới lấy được một vừng phong lan có nghĩa là phải phá rừng mới lấy được phong lan.
Ở bên Nhật có núi Phú Sĩ ngoại ô Tôkyô, ngọn núi thiêng liêng, trong mỗi bức ảnh phong cảnh Tôkyô nhất định phải có núi Phú Sĩ nên thơ. Ở Hà Nội, đứng bờ hồ Tây cũng trông thấy núi Tam Đảo, núi Ba Vì nổi lên bên kia ngấn nước, đẹp lạ lùng. Chẳng biết núi Phú Sĩ có nạn bắt bướm, nạn phá rừng lấy phong lan và săn chim, bẫy chim đến kiệt cùng như ở ta không? Ở thủ đô Tân Đê Li bên Ấn Độ, đứng đợi xe buýt trên hè, trông lên cây thấy mấy con chim vàng anh đương nhảy lao xao. Ở ta, chúng mày đậu thế thì chết với ông rồi.
Và ở ta, chỉ nghe khẩu hiệu hò hét trên báo về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường chứ chẳng thấy người để mắt đến tác hại cụ thể, tỉ mỉ ấy. Rồi một ngày kia, trên mặt đất, trên bầu trời sẽ hết chim, hết hoa thì con người ở với ai.
28. Suối Bình Châu
Từ bờ biển Vũng Tàu đến Bình Châu hơn sáu mươi cây số. Bình Châu cách Sài Gòn hơn một trăm cây. Tôi từ Vũng Tàu lên Bình Châu, cưỡi ngựa xem hoa một ngày.
Đường qua Long Đất, Xuyên Mộc đương mở lớn song song với những bãi biển mênh mông từ Vũng Tàu sang Long Hai rồi liên tiếp tới Bình Châu. Cơ ngơi tương lai vùng nghỉ mát và an dưỡng này không còn tính một Bãi Sau. một Long Hải mà là cả trăm cây số trải dài một bên là biển Đông, sau lưng trùng điệp rừng núi miền cuối Đông Nam Bộ giáp với Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên.
Vùng rừng biển núi nguyên sinh đại ngàn Bình Châu, chân rừng ra tới mép biển sâu vào những bãi hoang ngập nước mọc những cây trắc dại vỏ trắng loang lổ, giống cây lai sức này chịu nắng chịu nước mới có thể trồi lên từ trong bùn thành đại thụ.
Suối nước nóng Bình Châu được hình thành có lẽ cũng khác thường. Không như những dòng nước nóng từ các hẻm núi đá tuôn ra thành suối như ở Lai Châu. Ở Sơn La hay suối Kênh Gà ở Ninh Bình, suối Kim Bôi ở Hoà Bình. Mang trong lòng đất vùng này, dưới chiều sâu cả chục nghìn thước có những dãy núi lửa. nước nguồn chảy vào sôi lên rồi lại trào ra theo mạch sủi nước nóng lên mặt bùn. Suối nước nóng ở Bình Châu ẩn hiện từng quãng, từng quãng như những mỏ nước giữa rừng hoang nước lợ. Bây giờ người ta đào cho nước nóng dâng vào lòng giếng. Rồi những lạch nước có bờ đê cao hai bên đưa nước chay đến các nhà nghi, các hồ bơi các bến ngâm chân, các phòng tắm bùn. Có một vùng hoang vắng hôm nay và mai kia sẽ nguy nga lên cả trăm, mấy trăm cơ ngơi an dưỡng. Đã đến vườn rừng nước nóng Bình Châu. Thoạt trông cũng chẳng khác dọc đường, nếu không có cái cổng chào đồ sộ tết lá hai chữ Bình Châu to tướng.
Một cái nhà con con như cái lô cốt, cái bốt gác, nhưng đấy là trạm thu lệ phí xe và người vào cổng, trong khi trông ra quanh mình chỉ là rừng là rừng. Rồi lác đác nhà mái gỗ một tầng - nhà nghỉ, nhà trọ, nhà bán hàng lưu niệm. Nhưng đồ này quá sơ sài ở Sài Gòn, ở Vũng Tàu cũng chẳng thiếu những thứ ấy. Đặc sản Bình Châu có mỗi cái mũ lưỡi trai vải trắng in hai chu Bình Châu. Ai cũng mua để mang ky niệm khoe ta mới ở Bình Châu về.
Trên bãi có, mấy chiếc xe ngựa gỗ hóng khách, xe độc mã xe song mã. Người lác đác tùng bọn đi chơi. Chẳng trông thấy người nào quần đùi cởi trần, khoác áo tắm như ở bãi biển. Vào một bể tắm cửa đóng, khoá xích, treo bảng “nghỉ”. Không có ai mà hỏi. Thế thì tha thẩn ngắm phong cảnh trời nước và rừng cây. Có những con đường nho nhỏ trong lùm cây chỗ xếp đá, chỗ lát gạch quanh co khúc khuỷu một cách cố ý có chỗ lại cheo leo qua chiếc cầu nhỏ. Những con đường hữu tình này chắc dẫn đến các nhà nghỉ.
Chẳng buồn đi tìm bể tắm nữa, chúng tôi đến một nơi mà ai tới Bình Châu cũng phải biết chỗ ấy. May, nơi vui chơi này không nghỉđóng cửa và không phải trả thêm lệ phí. Ấy là một cái giếng giữa bãi ngập nước, thành giếng cao tròn, đường kính ước khoảng một thước. Người ta mua sẵn trứng gà mang đến, bỏ vào cái giỏ để đấy rồi dòng dây xuống giếng. Những người đã đến chơi đây bảo chỉ bảy phút trứng chín, kéo lên, đập ăn “la cooc” rất được.
Tôi trông những cái giỏ đặt xếp hàng dưới đáy giếng trong làn nước lặng tờ, không biết nước nóng hay nước lạnh mà chỉ bảy phút trứng ăn được.
Nhiều người cũng có vẻ nghi ngờ như tôi. Quãng bảy, tám phút, ai cũng kéo giỏ trứng lên xem sao. Rồi đem trứng ra cái chòi lợp lá cạnh đấy, cái chòi giả cổ, ghế và bàn bằng gốc cây, thân cây, tự nhiên như giữa rừng. Ấy thế mà thật những quả trứng đã nóng hổi ăn được. Tôi khẽ đập hai đầu trứng, dúm lấy hạt muối, hút tụt vào miệng. Đặc biệt, lòng đỏ chín trước, lòng trắng còn lờ đờ, ăn thế đương ngon. Nhiều người bóc vỏ trứng, húp từng thìa.
Rồi ra ngồi trên bờ thành suối thả chân xuống làn nước nóng chảy ra. Nước nóng hẳn hoi. Mấy chục người ngồi ngâm chân, Mặt nghiêm nghị như ngâm nước thánh, tưởng bệnh gì trong người cũng đương khỏi. Lại nhớ ngày nào nước suối Kênh Gà, trông thấy ở ga Hàng Cỏ cả trăm người xếp hàng mua vé tàu vào Ninh Bình, vai đeo sẵn cái vò đựng nước, nước suối Kênh Gà chữa bách bệnh, có người quảy cả đôi thùng.
Đấy là chuyện trẻ con một thời.
Tôi ước ao và tôi tin một ngày kia Bình Châu sẽ có bệnh viện ngâm tắm bùn nóng chữa bệnh. Nước suối nóng và bùn suối nóng chữa dược nhiều bệnh, nhiều nước trên thế giới được sông suối thiên nhiên ưu đãi đều có những nhà nghỉ, nhà an dưỡng, bệnh viện quý như vậy. Vùng Bình Châu của Bà Rịa Vũng Tàu đương hên doanh xây dựng với Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh, chắc sẽ đến một ngày đẹp như thế. Nhưng mà đến được ngày ấy, của cải và sức người còn phải bỏ ra không biết bao nhiêu. Những nơi có thắng cảnh trở thành của báu đều phải có công sức lớn lao của người mới nên được. Bình Châu tuyệt đẹp còn đang hoang dã. Rừng Bình Châu có hơn mươi loài thú, có beo lửa, gấu chó... rắn cạp nong, hổ mang chúa... Con hổ con voi trong rừng sâu không dám lai vãng ra, nhưng bây giờ đi vào những bãi cỏ lau, những đồng hoang ngập nước chắc cũng vẫn sẵn những con hổ mang hổ lửa.
29. Tạnh mưa
Tôi ghé vào chơi nhà Nhung tối hôm ấy. Trước kia, Nhung ở Hà Nội, rồi chuyển vào Đà Lạt, đã mấy năm nay. Những bạn cùng trang lứa kháo nhau cô ấy chuyển vùng tìm người yêu, tìm chồng, ở ngoài này người đông mà đâm ra của hiếm, mà tuổi ấy cũng cứng rồi.
Trong phòng khách lúc ấy chỉ có hai người, cậu Tuấn và cô Hạnh, các bạn cùng cơ quan.
Trời đổ mưa, mưa Sài Gòn hay mưa Đà Lạt hầu như cũng tương tự, cứ thình lình ào ào rồi lại bỗng dứt hạt. Chỉ khác, ở thành phố dưới kia mưa rơi vào tường, vào mái bằng lặng im hay là có khi hạt mưa đập vào mái tôn cứ thì thùng như trống ngũ liên, sốt cả ruột mà không biết việc gì. Nhưng mưa Đà Lạt, mưa to hay mưa thưa cũng rì rào trong cây.
Hạnh đứng lên:
- Chào cả nhà. Em phải về có việc, đợi mưa tạnh thì nhỡ mất.
Rồi Hạnh xuống nhà.
Hạnh ra khỏi, Nhung bảo Tuấn:
- Cậu cầm cái ô xuống cho Hạnh. Mưa chưa dứt hạt đâu, nó ướt hết mất.
Lúc ấy mưa chưa tạnh, nhưng đã ngớt. Tuấn mở ô, bước ra. Nhung nhìn theo và bảo tôi:
- Bà mối đương vun vào cho hai đứa. Anh thấy có được không?
Tôi không đáp. Vì cũng không biết nói thế nào. Năm nay tôi lại vào Đà Lạt, đến chơi nhà Nhung. Tôi thấy Nhung đã lập gia đình, hồi ấy tôi đã nhận được thiếp báo hỉ. Nhung lấy Tuấn, đám cưới làm năm ngoái.
Nhung cười cười hỏi tôi:
- Em lấy Tuấn, anh thấy có lạ không?
Tôi nói:
- Chẳng lạ đâu. Tôi biết từ năm trước, cái lúc trời ngớt mưa cô đưa cái ô cho Tuấn. Hình như bao giờ cũng thế, không thiếu những bà mối vơ vào.
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/