21. Mai Châu
Mai Châu, một vùng du lịch của tỉnh Hoà Bình. Ở huyện Mai Châu sinh sống các dân tộc Mường, Thái, Kinh, Dao, Mông. Đông nhất là Thái và Mường, chỉ có hai xã Mông Ơ, Mộc Hạ di cư xuống đã lâu đời.
Trên bốn mươi năm trước, lần đầu tôi đưa các bạn nhà văn Ấn Độ thăm các làng Thái, làng Dao ở Mai Châu. Rồi các nhà văn Nga, Pháp, Trung Quốc...
Hôm nay mới có dịp trở lại. Huyện đã có quy định ba thôn được đón và tiếp khách du lịch. Khách trong nước và nước ngoài đến Mai Châu, tha hồ đi khắp nơi nhưng khi ở lại hay nghỉ ngơi thì trở về ba thôn: các làng Bản Lác, Bản Văn và Phong Chóng.
Vào trong xóm, những tấm thổ cẩm màu lam màu điều dịu mắt vắt từng lớp trên dây, căng trên bờ rào, quanh gốc cây. Có thể mua làm quà lưu niệm - những chiếc mũ lưỡi trai hoa văn đương là cái đội thời thượng của thành phố. Hay là ta hãy vào dưới sàn xem những cô gái dệt thổ cẩm, cánh tay trần dịu dàng đưa thoi, so le mảnh áo ngắn ngang lưng, rồi hãy ra chọn hàng.
Vào trong thôn, khách có thể ở bất cứ nhà nào, nhưng có đủ tiện nghi thì mỗi thôn chỉ có một hai nhà. Những nhà này là những ngôi nhà sàn lớn, có nhà vệ sinh, vòi nước tắm và điện thoại. Trên sàn, góc ngủ xếp đệm hoa và chăn gối mời khách qua đêm như phong tục cũ ở những nhà khá giả. Sàn nhà rộng thênh thang ta ngồi chè chén rồi cùng nhau xoè múa và thi hút rượu cần. Tôi vào Bản Lác đến nhà cụ Hà Công Nhấm - nhà cụ Nhấm bây giờ cũng là ngôi nhà to, cột gỗ nghiến sáu cạnh. Năm xưa, tôi đã có dịp đưa khách đến nhà cụ. Khi đó, nhà chỉ có ba gian, lợp tranh, nhưng cũng thật nền nếp. Giữa nhà, trên bếp đặt cái ninh sôi đêm ngày không bao giờ tắt lửa. Khách nằm chơi ở gian ngoài, gối đầu lên thành cửa sổ trông ra chân cột sàn và ao cá nước chảy trước mặt. Trên mặt nước, những khóm lúa nếp cao cao. Mời cơm khách, ông chủ chỉ việc đem cái vợt ra chao xuống là được con trắm, con chuối, nhanh hơn bắt thịt con gà. Đã thành tục ngữ Mường, lâu đời câu “cơm trên, cá dưới trên cây lúa dưới con cá miêu tả cái phong lưu cơm sôi và cá nướng của người phong lưu thích vui là như vậy. Cụ Nhấm đã yếu, lại đau dạ dầy phải ăn kiêng và bỏ rượu rồi. Cụ Nhấm vẫn nấu rượu, nhưng chỉ để mời khách rồi xem khách uống và hỏi chúng tôi cái rượu của cụ có được không. Tôi muốn ở lại trò chuyện với cụ về những Mai Châu Đà Bắc ngày xưa. Nhưng hôm ấy Bản Lác đã đủ khách, không thể ở thêm. Trông sang cửa sổ nhà bên, những Tây đầm tóc vàng, tóc bạch kim và đầu trọc ngồi lố nhố. Dưới sàn, Tây ba lô dắt xe đạp khăn gói con cóc đeo lưng, đi nghênh ngáo. Còn nghe kể chẳng mấy khi ở đây vắng Tây ba lô và sinh viên ta lũ lượt cưỡi xe đạp xe máy ở Hà Nội lên. Cụ Nhấm hẹn tôi dịp khác.
Chúng tôi trở lại bản Phong Chóng, đã được đặt chỗ nghỉ dưới ấy. Ngôi nhà sàn ở đây cũng thênh thang chẳng khác nhà cụ Nhấm. Chặp tối, cơm rượu đã dọn ra, mỗi mâm cũng thịt luộc, cá không thui, mà cá rán xào cà chua chẳng khác đám nhậu ngoài phố. Nhưng gói xôi nếp bọc lá chuối, người ta vê bốc từng nắm và uống cái rượu gạo men lá nặng giọng còn hơi hướng biên giới miền tây.
Rồi các cô trong bản đến hát múa. Thấy bảo chị em hàng ngày làm đồng dệt cửi và đi rừng kiếm củi, tối có khách gọi thì đến “giao lưu” được trả công. Chỉ tiếc các cô Thái hát tiếng Kinh. Dẫu tôi không biết tiếng Thái, tiếng Mường nhưng chắc là nghe những giọng lạ tai ríu rít, líu lo lên, hẳn là được mơ màng hơn. Và cũng chiêng cũng phách đệm lại thêm đàn măng đô lin và ắc coóc, nghe trống xuôi kèn ngược những cái bà con tự biên tự diễn này. Lại nực cười, có cái khèn Mông rởm không có lỗ thổi chỉ cần trang trí, một anh chàng Mường nhảy lò cò.
Ở đất du lịch còn hoang sơ này cũng giống ở bản Thanh Lương trên Điện Biên, trong làng có ông già Thái ngày trước lái bè vốn tháo vát cũng cất cái nhà sàn to đón khách. Điện Biên đặc biệt có nhiều khách Pháp. Những ông tù binh thủa nào vẫn hay đem vợ con đến thăm lại nỗi khủng khiếp buồn. Huyện cũng chẳng có hoạt động du lịch, nhà ông lái bè được tiếp Tây, cho Tây ngủ đêm. Thanh Lương cách cửa khẩu Tây Trang sang nước Lào có mươi bước đường, tôi hỏi Tây lên đây có đòi hút hít không, chủ nhà lắc đầu, cười nhăn nhó, khó hiểu.
Đêm gió man mác dưới khe sàn lọt lên lạnh một bên má, tiếng gà gáy xa xa eo óc, trong cái ao trát xi măng, chốc chốc con cá chuối quẫy đuôi đen đét và tiếng sàn cọt kẹt dưới lưng mới nhớ được đương trong đêm làng rừng. Buổi sáng Mai Châu vào thu bâng khuâng. Làn sương mờ ảo bảng lảng qua triền núi thấp thoáng xanh đậm xanh mờ, mà ban ngày đi trên Thung Khe nhìn xuống nhìn rõ từng ô ruộng ô nhà thị trấn Phố Vãng giữa vệt đường sang Quan Hoá bên rừng Thượng Thanh.
Vào quán uống tách cà phê vị mặn - chứ không phải cái đắng quen thuộc. Có phải vị cà phê nông trường Cao Phong như thế hay là cà phê bã của đêm qua, cũng ở quán này có karaôkê hát hét tưng bừng, phố huyện núi cũng mới thêm trò này. Khách trong ngoài nước biết Mai Châu đã trên bốn mươi năm nay. Ấy là chưa kể xưa kia, trai gái tết đi chơi các hang đẹp, các quan Tây quan binh, quan phìa, quan lang đạo, lang cun đã biết chơi hang, tắm suối dưới chân thác. Thế mà đến bây giờ du lịch Mai Châu vẫn chỉ tự phát, được sao hay vậy. Cảnh và người thì nõn nà, tổ chức thì sài đẹn, những cái xộc xệch chàng đáng có mà chẳng cấp nào để mắt đến.
Nghe nói đầu năm vừa rồi tỉnh Hoà Bình đã ra quyết định đưa đất trời Mai Châu vào ngành công nghệ không khói hái ra tiền. Người yêu Mai Châu mong tin ấy chóng chóng từ công văn sang công việc. Đã ngót nửa thế kỷ qua rồi.
22. Mãi rồi cũng đâm quen
Ban ngày và cả ban đêm, ở ngoài phố, chốc chốc lại nghe rao Khúc ơ! Khúc ơ!. Cái xe đạp thồ bánh khúc nóng đã kẽo kẹt lẫn vào bóng tối, vẫn còn văng vẳng... Khúc ơ.., khúc ơ... Chắc cũng chẳng mấy ai còn biết cây lá bánh khúc thế nào. Cây lá khúc, khi mùa đông tới, chi chít mọc hoang ở những thửa ruộng đồng cao bên chân tre. Lá non mốc trắng, hoa khúc li ti vàng, như hoa cải. Gió bấc đã thổi, thế là đến mùa làm bánh khúc rồi. Người trong xóm ra hái ca lá cả hoa ôm về bỏ vào cối đá giã như giã cua, rỏi trộn với gạo nếp, nhân đậu xanh với miếng mỡ lợn, nặn từng cái bánh để vào chõ đồ lên.
Người ta hay nấu ngô bung và làm bánh khúc ăn chơi vào những ngày mưa dầm rét mướt. Nhưng bây giờ các ruộng cao trồng màu quanh làng đều đã xây làm lò gạch hay đắp nền xây nhà ở cả. Có lẽ chỉ những nơi xa lắm mùa rét mướt dài ngày mới còn cây lá khúc, bánh khúc. Thế mà ở Hà Nội cứ quanh năm rao “bánh khúc”. Mùa hè nóng vãi mỡ vẫn bánh khúc, bánh khúc. Cái bánh khúc vẫn còn nhân đậu xanh như cũ, nhưng miếng nỡ đã chảy đâu mất và lá khúc thay bằng cọng rau muống già, nghiền ra.
Đáng lẽ gọi là bánh rau muống mới đúng nhưng cái tên bánh khúc đã quen và người ăn cũng chẳng biết lá khúc và lá rau muống khác nhau như thế nào, rồi cũng quen.
Ngày trước, trong bát vằn thắn hoành thánh nhất thiết phải rắc lá hẹ và cũng chỉ có lá hẹ làm gia vị mới nổi mùi vằn thắn. Bây giờ các vườn rau quanh thành phố chẳ ng ai trồng lá hẹ, người ta thay lá hẹ bằng lá củ kiệu, lá củ kiệu cũng lăn tăn xanh như lá hẹ. Kiệu trồng để lấy củ, củ kiệu muối, kiệu ngâm giấm ăn với thịt quay. Cây hẹ chỉ có lá, nên không kinh tế, thế là lá kiệu thành lá hẹ.
Cô hàng vằn thắn bảo: Lá hẹ đấy! Tôi nói: “Lá kiệu thôi, không phải lá hẹ”. Thấy ông khách đứng tuổi, có vẻ “người ngày xưa cô bán hàng cười hiền lành: Nói thực, cháu cũng chẳng trông thấy cái lá hẹ bao giờ. Khách có hỏi, cháu cứ nói bừa là lá hẹ, người ta cũng ăn tất!”. Tôi cũng ăn tất, tôi ăn lá kiệu đã lâu, hôm ấy hỏi chơi thế thôi. Còn như bây giờ muốn biết mặt lá hẹ có lẽ phải lên tận các làng người Nùng ở huyện Chợ Rã cạnh hồ Ba Bể ngoài sân ảng mỗi nhà bắc một mảnh vầu trong trồng mấy khóm hẹ, đôi khi ngắt vào ăn với tiết canh lợn. Nhung ai mà cất công đi và về mấy trăm cây số lên hồ Ba Bể, lên thác Bản Giốc hái vài lá hẹ về bỏ vào bát vằn nhắn.
Cái lá mùi tầu vốn là cỏ, lên Tam Đảo thấy có này mọc từng đám khắp các bãi. Bây giờ người ta ăn phở ở Hà Nội thích lá mùi tầu hơn cả húng Láng lai húng Sơn Tây và rau mùi. Ở Sài gòn khách ăn bỏ cả cành lá mùi tầu vào bát phở. Tài thật không biết từ bao giờ ông tổ sư nghề rau nào đã hoá phép biến cái cỏ thành cái rau và đặt tên nó là mùi tầu
Rau cũng như cỏ, rau cỏ mà, rau thế thì thịt cũng đại khái thế. Mấy năm trước, người ta ăn thịt vịt chỉ chén tiết canh vịt, khinh thịt ngan chê thịt ngan tanh, xương ngan rắn. Bây giờ thịt ngan đã lên ngôi, các quán đã treo bảng: phở ngan, miến ngan, cháo ngan tiết canh ngan. Người vào ăn đông lắm.
Có gì đâu, chỉ vì ngan thì nuôi đàn, ngoài chợ có ngan bán quanh năm. Còn vịt lệ thuộc vào mùa vụ cấy hái, ruộng gặt quang rồi mới thả vịt và vịt chỉ được ra đồng khi ruộng xếp ải, cày bừa, cho nên con vịt ra chợ có lứa, không phải lúc nào cũng sẵn. Bây giờ người ăn sáng, người ăn tối lắm quá, các nhà hàng làm ảo thuật cho vịt biến thành ngan, thực khách xơi tuốt.
Một hôm, tôi ăn phở trưa, một hàng phở bình thường ngoài phố. Đã qua lúc đông khách, cửa hàng vắng không còn ai. Một cái xe máy tã thủa xe cá vàng phành phạch đỗ. Một người mũ cát, áo ka ki như ở trong làng ra, anh ta bê vào một túi ai lông, đổ ra hai cái rổ sảo thịt và xương bò.
Người bán thịt đã đi rồi, tôi hỏi chủ quán:
- Xương trâu hay xương bò?
Chủ quán chép miệng:
- Lẫn lộn cả, trâu hay bò thì cũng thế.
Tôi nói đùa:
- Mày vẫn cho tao ăn phở thịt trâu à?
Anh ta cười:
- Ai lại dám hỗn với ông, ông đã ăn các thứ phở ở phố này từ thời còn sống phở Chí với cà phê Hoà ở gốc si kia mà.
Tôi không được dị tướng như bác Nguyễn, mà nhà hàng cũng nhớ, kể cũng quý.
Thế rồi anh ta tồng tộc ruột ngựa nói luôn với khách thân:
- Chẳng phải chỉ thịt trâu mà thịt ngựa cũng có. Trâu già, ngựa ốm ngựa què, bọn lò mổ tận trong Thanh Oai đem ra đây cũng thành thịt bò cả.
- Thế khách có biết không?
Anh hàng phở kêu lên:
- Ối giời ôi, bây giờ người ta ăn như mưa rào. Mà cái gì cũng đâm ra quen hết.
23. Mỗi người một khác
Báo Thế giới mới số tháng năm 2000 đăng một tin ngắn: “Ông Hồ Ngọc Mỹ quê ở Quảng Điền Thừa Thiên lên dạy chữ cho người dân tộc Tà Ôi trên vùng núi phía tây Thừa Thiên từ 1947. Năm 1957, cũng ở vùng ấy, ông Mỹ lại lên chuyên dạy đào tạo giáo viên cho địa phương. Ông giáo Mỹ có tên tiếng Tà Ôi là ông Ku Nô. Ông đã soạn được bộ chữ tiếng Tà Ôi la tinh hoá. Bộ giáo dục đã củ cán bộ về giúp ông hoàn chỉnh bộ chữ này để dạy người Tà Ôi”.
Có nghĩa là ông giáo Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ, khi ở vùng bị chiếm, khi thì là vùng giải phóng, đã trên 30 năm dạy học ở với người Tà Ôi. Báo không đưa tin cho biết ông giáo lấy vợ người Tà Ôi hay có vợ ở quê. Tôi thật phục cái chí và can đảm của ông giáo Hồ Ngọc Mỹ Ku Nô.
Tôi đã đặt tên bài này là “Mỗi người một khác”, ấy là tôi cũng có một anh bạn có chí, nhưng lại là cái chí khác, cái can đảm khác. Đó là tấm gương mờ. Anh bạn chơi với tôi nên tôi biết anh nhiều hơn là chỉ được đọc cái tin trên báo về hành động dũng cảm và kiên trì của nhà giáo Hồ Ngọc Mỹ. Tên anh là Phạm Nhãn. Chữ Nhãn chỉ bỏ dấu thì thành tên Phạm Nhan, cái tên con ma hay quấy rầy trẻ hờn đêm. Ngày trước, cứ trẻ con mà khóc dai thì có cái hèm là người mẹ cầm một con dao rựa ra chém vào bờ rào mấy cái, quát to: “Thằng Phạm Nhan! Thằng Phạm Nhan. Mày mà về quấy con bà thì bà chém mày chết”. Không biết có phải vì đòn phép thế mà ma Phạm Nhan phải bỏ chạy hay là vì trẻ con khóc làm mỏi mồm thì im, nhưng bấy giờ người trong làng hay dỗ trẻ con bằng cách ấy.
Anh Nhãn bạn tôi hiền lành - hay ít ra là những cái tôi thấy tôi biết về anh đã khiến tôi nghĩ như thế. Tôi chỉ nghi có cái đầu húi cua của anh. Những người mới già thường hay để tóc ngắn. Ai còn nhớ cụ nhà thơ Thanh Tịnh, khi cụ chạc ngoài 60, cụ rất chăm cắt tóc, mà cắt thật cao. Chỉ rồi đến những năm già quá cụ chẳng buồn tân trang nữa, cụ mới lười lo chuyện cái tóc ngắn, cái tóc dài. Chỉ bởi vì để tóc ngắn thì người ta chỉ trông thấy người mới cao tuổi lấm tấm bạc ở chân tóc, không ngờ là cả cái đầu đã trắng phơ. Tôi không rõ anh Nhãn húi tóc cua để làm gì, trong khi tôi biết tóc anh đã bạc cả.
Tôi cho là Phạm Nhãn hiền lành, vì thấy anh chơi với bọn bợm bia, rượu, mà anh chỉ mới làm chưa hết góc vại, mặt đã đỏ lựng. Anh ngồi xem họ uống mà lấy làm vui. Không những thế, còn phục vụ tận tình là đằng khác.
Cứ khi nào lão hoạ sĩ Mai Văn Hiến mà cơ sắp xỉn thì nhất định phải đến tay Phạm Nhãn đưa về. Đỡ nhau đi bộ từ phố Huế đến giữa phố Hàng Đẫy, Hiến bước chệnh choạng - anh Phạm Nhãn phải giúp Hiến đi lảo đảo tựa vào vai mình, không có thì Hiến đến vồ ếch mất. Tây Hiến mũi lõ cao to thế mà đổ giữa đường thì ê chệ quá đỗi. Phạm Nhãn chưa hết khó nhọc đâu. Hiến say rồi Hiến lại hay vừa đi vừa can thiệp mọi sự xung quanh, còn hăng hái hơn nhà văn Nguyên Hồng nhiều. Đến vườn hoa Cửa Nam, thấy trẻ con đá bóng, ông cũng vào làm chân giữ gôn. Thấy một bà đương mặc cả xe xích lô, ông đến cắt nghĩa đường xa đường gần và mặc cả hộ. Có ông công an trên vỉa hè, ông nói “đề nghị đồng chí đứng ra giữa đường mới là chỗ chỉ huy xe cộ được”, và vân... vân... Cứ nhẩn nha như thế, có lần nửa đêm mới dìu được lão hoạ sĩ tới nhà, lại còn phải dắt đưa vào tận buồng, tận giường, kẻo ông đi nhầm nhà. Nào đã xong, cái điếu đâu, tìm mãi không thấy, cậu Nhãn xem hộ mình cái điếu...
Phạm Nhãn thật chịu khó với bạn. Và tận tình, như tôi đã kể trên.
Một hôm, Phạm Nhãn bảo tôi:
- Mình sắp đi Hà Lan.
- Đi làm gì?
- Về hưu rồi, đi ít lâu kiếm cái vốn con con. Vả lại, mình cả đời công tác dịch tiếng Pháp mà sắp xuống lỗ rồi vẫn chưa biết châu Âu ở đâu thì buồn quá.
Tôi cũng thông cảm cái bâng khuâng lãng mạn và thực dụng xưa nay của Phạm Nhãn, tôi hỏi:
- Đi bằng cái gì?
- Khi còn công tác, tôi quen nhiều bạn ở nước ngoài đến đây. Sẽ bảo một thằng ở Hà Lan viết thư mời sang chơi. Cầm cái cớ ấy đi xin giấy tờ thì xong ngay. Bây giờ dễ. Còn tiền thì sẽ tự xoay.
Anh kể anh sẽ mua một số tranh lụa gửi bán và đem theo, vừa tiền tàu xe vừa làm cái ăn đường. Tôi chịu những tính toán thiết thực và táo bạo của anh. Phạm Nhãn đi thật. Rồi anh viết thư về, khoe: đã tìm được việc làm hợp khả năng, khối việc. Đã thuê được nhà ở, có điện thoại. Lại gửi ảnh cho xem, đã đi Thuỵ Sĩ, đi Pháp, đi Anh, đi Tây Ban Nha... tài quá. Có điều chắc anh phải mưu mẹo thế nào, mới may mắn thế mà tôi không biết. Nhưng rồi Mai Văn Hiến nói thì tôi mới rõ được những ma mãnh của anh. Sang tới nơi, anh đã làm đơn xin nhà nước Hà Lan cho cư trú chính trị. chẳng là nếu đơn thất nghiệp, đơn kêu ốm, đơn bị tai nạn giao thông thì không ăn thua bởi thế thì anh chỉ là người qua đường không dính dáng gì đến nước người ta. Nhưng cái tị nạn chính trị, lôi thôi đến nhân quyền và tự do, mấy nước ú ớ này nhận đơn và bảo đợi trả lời.
Trong khi đợi, một năm chưa trả lời thì hai năm, đến bây giờ sáu năm qua rồi vẫn chưa được trả lời, mà người ta vẫn trợ cấp cho người đưa đơn có tiền để thuê nhà ở, có tiền ăn, có tiền đi giải trí và có thư anh đã hỏi tôi “có muốn sang Hà Lan chơi, mình sẽ bày cách cho, dễ ợt, sang chơi nhé”. Rủ tôi thế, là chắc Phạm Nhãn đoán tôi đã biết cái khôn, cái mẹo của anh. Anh viết thư giải thích cho tôi biết xin tỵ nạn là biện pháp tình thế, cái cớ để ở lại và có tiền tiêu, chứ cái điều anh đã tâm sự năm trước rằng đi vài năm kiếm cái vốn con con và được dịp đi chơi nữa, thì anh vẫn đinh ninh, anh đã có kế hoạch chi tiết cho một ngày thắng lợi trở về.
Tôi cũng tin anh nói thật, với những mơ màng ấy. Chỉ có điều tôi không hiểu thì vẫn không hiểu. Phải chăng cái đó thuộc về tâm tư con người, mỗi người một khác. Anh không giàu, nhưng cũng không bao giờ thiếu. Khi về hưu, những công việc dịch tài liệu, dịch ở các hội nghị hội thảo, lúc nào cũng bề bộn và kiếm ra tiền, anh đi chơi vung vinh vào Nam ra Bắc như con thoi. Lại không bia, không rượu, ngồi với anh em chỉ chén đẫy cơm và thịt, có nhắm chứ không uống vài củ lạc, miếng bánh đa. Thế thì đi mấy năm, chẳng biết mấy năm nữa mới “kiếm cái vốn con con về” để làm gì. Tôi hỏi Mai Văn Hiến, Hiến cũng chịu không cắt nghĩa được Chỉ nói thêm: “Thằng này có máu com-mẹc commerce: buôn bán. Và chỉ có máu thôi
Một hôm, đọc chỗ đuôi trang tư Báo Hà Nội mới thấy gia đình Phạm Nhãn đăng tin buồn. “Ông Phạm Nhãn đã tạ thế ngày... tháng... năm ở nước Hà Lan”. Cũng không nói ông tịch ở thành phố nào, tại sao ông chết. Có lẽ ở nhà cũng không biết. So ngày mất với ngày đăng tin buồn thì thấy cách nhau hơn bốn tháng?
Thế là toi cái mộng và cả người chủ mộng.
24. Qua miền Trung
NÚI CHỨA CHAN
Người qua cực nam Trung Bộ thường hỏi núi Chứa Chan ở chỗ nào, mà không mấy ai biết. Hầu như những vùng núi cao, thung lũng và cánh đồng đâu cũng là núi Chứa Chan, từ dọc dài bờ biển cực nam khuất khúc lên Tây Nguyên. Ai đã đặt tên cho núi? Chứa Chan là tiếng thở dài ngạc nhiên hay niềm mơ ước của người thợ rừng đẽo đá, người sơn tràng gặp được của đột ngột, hay là tâm sự người chiến sĩ ra chiến trường bao nhiêu éo le chan chứa đời người.
Trong sách Từ điển tiếng Việt miền Nam” của cụ Vương Hồng Sến có kể ở khe Dạ Lao trong núi Chứa Chan có nhà sư Ngộ Chân tu ở hang đá. Thế thì cái nghĩa Chứa Chan đã đến được hư không trong khổ hạnh. Cái nghĩa chứa chan biết sao là cùng. Sớm nay, trời mưa trắng núi trắng trời từ lúc ra khỏi thành phố. Ai cũng hỏi:
Tới núi Chứa Chan chưa? Chắc là qua rồi. Hay là chưa qua, bạt ngàn rừng cao su miền Đông, trong mưa như vẫn cả trăm nghìn con lũ xả xuống. Tây Nguyên! Tây Nguyên? Nhớ lần ấy chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952, quân đi vượt đèo Khau Vác, sắp vào trận đánh Nghĩa Lộ. Trú quân nửa đêm ở Sài Lương, trông sang nham nhở lửa đèn đồn địch bên kia, tôi được nghe một câu nói trầm ngâm khác thường của vị tướng cầm quân đang lâm trận:
- Anh có biết trong cuộc kháng chiến trường kỳ này phải cho đến khi nào ta tới được chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Tây Nguyên mới là toàn thắng.
Câu nói mơ màng trên đỉnh Khau Vác năm xưa cứ làm tôi ở Hà Nội bao nhiêu năm sau khi đã hoàn toàn thống nhất đất nước, mỗi lần máy bay lướt qua Tây Nguyên trập trùng hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất giữa vùng sông nước Sài Gòn xanh rờn bóng dừa, lại nhớ lời đinh ninh chiêm nghiệm chứa chan tin tưởng ngót ba mươi năm chinh chiến của vị tướng cầm quân giữa chiến trường.
Tạnh mưa, trời quang hẳn.
Cả trời cả biển Long Hải đương vun vút bên kia. Vùng Xuyên Mộc núi và rừng nhấp nhô liên tiếp như những dòng thời sự và lịch sử như mới hôm qua. Những ngày đêm du kích Bà Rịa Vũng Tàu phá kho hậu cần của nguỵ Pác, nguỵ Úc, chúng phải bỏ chạy về thị trấn đã qua rồi những đám người di tản đi đâu trên bờ xuống biển trong đêm tối thê thảm biết sống chết thế nào.
Bây giờ, con đường như đại lộ ra các bãi biển từ Mũi Né đến rừng tràm nước nóng khu du lịch Bình Châu bên kia. Trời xanh trong, xoá đi những đêm chiêm bao trắng núi trắng trời, rừng Chứa Chan lại thăm thẳm xanh xanh. Xe tải chở sắt thép, xi măng, cát và đồ đạc nội thất. Và những xe chồng chất từng bó lá buông cao ngất. Mỗi chiếc lá buông to như tàu lá cọ, người quanh vùng ngày ngày vào rừng chặt lá. Lá buông tải vào thành phố để người ta làm đồ xuất khẩu chơi cảnh và làm nón, đan chiếu bày bán ở các siêu thị nước ngoài.
Trong khe Dạ Lao hang đá núi Chứa Chan, không biết nhà sư Ngộ Chân có còn ngồi thiền hay đã xuống rừng chặt lá buông
NINH THUẬN
Mỗi khi qua Bình Thuận, Ninh Thuận lại nhớ Tế Hanh khi đi vào hậu địch những ngày đầu chống Pháp tháng bảy 1951,viết bài trường ca:
Tôi gặp chị một chiều Ninh Thuận
Vai mang gùi đầu quấn khăn tang.
Người đàn bà Ninh Thuận.
Những ngày kháng chiến của người cán bộ ở cực nam thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ đâu đâu cũng gay gắt, gian nan. Ôi cực Nam Trung Bộ ba mươi năm ác liệt, bây giờ chúng tôi lại đương được đi qua trên những con đường cái chính xứ, ngày đêm xe cộ nườm nượp. Phan Thiết, Phan Rang vẫn những cánh đồng phờ phạc, cằn cỗi, những bờ ruộng mấp mô đá tảng” vờn lên xa xa mỏm tháp Chăm như một dấu chấm đỏ lịm vừa thẩn thơ, vừa sừng sững. Cánh đồng đá lổn nhổn, những giàn dây thanh long vào mùa sang đông trơ trụi như những cây xương rồng hoang.
Ven đường đột ngột dựng một cái bảng lớn kẻ chữ Pháp, chữ quốc ngữ: “Nhà máy nước suối Vĩnh Hảo. Một quãng đường nhựa xếp dãy một hàng xe tải cỡ lớn, chắc là nước khoáng đem về thành phố. Nước suối Vĩnh Hảo đã được khai thác từ thế kỷ trước. Thuở ấy trên báo hàng ngày ở Hà Nội và Sài Gòn, trên những tấm pano dọc đường đề quảng cáo nước suối Vĩnh Hảo, nước khoáng Vĩnh Hảo hay hơn, bổ hơn nước suối Vichy bên Pháp. Thế mà cái ông tư sản này len lỏi nhanh thật, nước suối Vĩnh Hảo bây giờ, lại đầu thai ra ngay ở cái vùng núi đá hẻo lánh mà quen thuộc này. Trong triền núi đá nhô ra, chưa trông thấy rõ đàn bò hay đàn dê lon ton, chen chúc trên đồi ào xuống, đen đủi như bó rạ ở ruộng ải. Rồi nhìn ra là đàn cừu. Những con cừu như con chó con đi đông đặc như cả mảng gốc rạ. Những đàn cừu, cả trăm nghìn con cừu đương chạy thong dong trong nắng gió đất Ninh Thuận.
Hốt nhiên trông thấy con cừu, tôi nhớ lại kỷ niệm những chuyến đi xa. Ở Mông Cổ, khi mùa đông về, trên đồng cỏ hanh hao sông suối cạn kiệt nước. Những đoàn xe tải bịt bùng kín những nhà lều chuyển hàng nghìn vạn con cừu đi tìm chỗ trú đông ở những thung lũng có cỏ, có nước. Ở Đông Phi hay quanh vùng đất ẩm Địa Trung Hải, ngay ở đường phố Bây rút nước “Thuỵ Sĩ Phương Đông” khi chiều đến, lũ lượt người ra ngoại ô cõng những con cừu ngoài bãi cỏ về chuồng. Quanh sân bay ở sa mạc Sahara, người chăn cừu nhấc chiếc gậy lên, đàn cừu đi rùng rùng như sóng đất. Người và cừu ở đấy thật gần gũi, tấm da cừu trên vách nhà lều ấm như vách sưởi, cả con cừu thịt treo ngoài hiên lều như ướp lạnh, mỗi bữa ra xẻo một miếng vào nướng. Mùi cừu nồng thơm, phảng phất món cà ri nghệ mua ở chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành về nấu giả cầy, làm nhựa mận cũng đỡ thèm rồi.
Khỏi phải chờ, ở Hà Nội bây giờ đã có cao lâu đặc sản cá hồi sống Nhật Bản và quán cà ri Ấn Độ một quán sang trọng bên kia Hồ Gươm, một quán nho nho chen chúc giữa phố Mã Mây. Ông chủ Ấn Độ này kinh doanh hoặc làm quản lý của hãng buôn nào đấy hay ông làm nghề xẹt ty chetty cho vay lãi, ngồi bán hàng tơ lụa ở Hàng Ngang - Hàng Đào, cũng na ná như quán ăn Bôđêga cho tới Hà Nội 1954 ta còn thấy. Ông này cũng lấy một người vợ Hà Nộ và mở quán thịt cừu giữa phố cổ 36 phố phường buôn bán sầm uất - Ông làm một công đôi ba việc và người làm chạy bàn, tiếp phẩm, tính tiền khách ăn đều là người nhà vợ. Ông bảo:
- Những người nấu thịt cừu ở cửa hàng tôi đem bên Ấn Độ sang.
Ông đưa tôi vào tận bếp cho tôi thấy một ông tây đen râu xồm quàng cái tạp dề xanh lơ, rõ thật hạt cái khăn của ông tây đen quấn thừng.
Tôi hỏi:
- Thịt cừu thì lấy ở đâu?
- Thịt cừu hàng tuần có chuyến bay Hà Nội - Cancutta. Có khi phải mua dê Mộc Châu. Thịt dê Mộc Châu cũng ngon như thịt cừu.
Chuyến này về tôi sẽ mách ông ấy vào Bình Thuận, tha hồ kén cừu chính cống. Nhưng mà rồi tôi phải chào thua những tay tứ chiếng thương hồ.
Tôi khoe:
- Vào Ninh Thuận có thể mua cừu không phải làm cà ri dê Mộc Châu nữa đâu.
Ông cười cười:
- Biết rồi, tôi biết cừu Nha Trang đem ra Hà Nội, đem vào Sài Gòn cũng được. Tôi xin báo đế ông mừng cho tôi, tôi mới mở thêm một quán thịt cừu ở Sài Gòn. Thịt cừu ở Nha Trang vào Sài Gòn cũng gần hơn Hà Nội.
Làm sao tôi còn phải mất công đi mách nước cho những người buôn bán tài ba khắp thế giới như những ông Ấn Độ này. Thánh Găng Đi lúc thiếu thời đã từng đi bán vải các thành phố cảng quanh châu Phi kia mà.
Tôi lại mơ màng về những con cừu Phan Rang, Phan Thiết, những con cừu trên cánh đồng và bãi đá bao đời ở đất nước tôi đã quen thổ ngơi cái nắng cái gió nhiệt đới, bộ lông cừu cũng xoăn ngắn lại chỉ bằng cái áo gilê.
Những cái tháp Chàm chơ vơ chân trời. Có phải những đàn cừu còn lại từ khi cái tháp đo lịm nghìn năm vẫn ở đây. Con cừu và cái tháp vùng Châu Sa nói rằng các nền vân hoá văn minh của nhân loại là nối tiếp trên mặt đất khắp thế gian.
Ở sa mạc Di da ngoài thành Kê rô nước Ai Cập có tháp Kiôp vĩ đại. Những tảng đá đồ sộ kỳ lạ quanh chân tháp dường như miết ngón tay thành vệt được. Thế thì khác nào đá ong núi Ba Vì đào trong đất thì mềm phơi ra nắng thì mãi mãi hoá đá với thời gian. Mới đây một nhà khảo cổ Pháp nêu ra một giả thuyết về đá Kim Tự Tháp được thế giới đương bàn tán. Đá tháp Kiôp không phải đá tảng mà đá luyện có khuôn đóng. Cũng như tháp Chăm xây đá liền như ghép lại, cũng như đá ong mềm mà cứng?
TUY HOÀ
- Sông Ba! Sông Ba!
Qua cầu sông Ba. Cái cầu dã chiến mà chiến tranh đã tàn phá bao phen, những mố cầu rêu mốc nước chảy rào rào bên bờ lau. Tôi ngoảnh lại nhìn bên kia Đồng Bò. Cái nơi tôi đã nghe ngót nửa thế kỷ mặc dầu Đồng Bò chưa bao giờ tôi được đến mà tôi đã vừa đi qua. Bởi vì trên đường số 7 từ Tuy Hoà đi, nhưng tôi đã cùng đi với đoàn quân Nam tiến những ngày ghi nhớ:
Giữa năm 1946, hơn nửa thế kỷ trước, tôi làm phóng viên báo Cứu Quốc đi vào Nam. Mặt trận đã tới Nha Trang đương lan ra Tuy Hoà. Ở Đồng Bò bên kia sông Ba đã nghe tiếng đại bác rền tới. Thị xã Tuy Hoà mở hội chợ, những ngày ấy đương nô nức vui đất nước độc lập. Dường như mỗi người vẫn mỗi việc, không ai bận tâm đến tình hình cực kỳ khẩn trương. Chúng tôi lên mặt trận đường số 7. Dự định lên Củng Sơn, Cheo Reo. Trong đoàn đi có trung đoàn trưởng Cao Văn Khánh - sau này là tướng cầm quân cả hai cuộc chống Pháp, chống Mỹ và trung đoàn phó Thu Sơn - người dân tộc Tày - sau này là tỉnh đội trưởng tỉnh Tuyên Quang.
TÊN ĐƯỜNG SỐ 7
Giữa năm 1953, quân Pháp đương bị vây hãm đến kiệt cùng trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Trong thế nguy, quân Pháp phải rút một binh đoàn đương giúp Mỹ tham chiến ở chiến trường Triều Tiên. Binh đoàn tinh nhuệ này tức tốc trở về Việt Nam dự định mở kế hoạch Át Lăng tấn công các vùng tự do ven biển nam Trung Bộ, đỡ đòn cho Pháp ở Điện Biên Phủ.
Đội quân cứu nguy này đóng dọc dài trên đường số 7, từ đèo An Khê trở lên. Quân và dân khu Năm đã khoá đường số 7, phục kích tấn công suốt đèo An Khê. Trên một trăm xe tăng, xe bọc thép bị phá huỷ, hàng trăm địch bị tiêu diệt. Cả một binh đoàn tan tác, kế hoạch Át Lăng vỡ.
Vẫn trên đường số 7.
Hơn hai mươi năm sau, mùa xuân năm 1975, đại quân ta điểm huyệt Buôn Ma Thuộc thành phố mở đầu mặt trận Tây Nguyên. Cả Tây Nguyên rung chuyển. Bao nhiêu binh lính địch cả năm tỉnh Tây Nguyên dồn lại, chạy xuống đường số 7, tan tành cả ở đấy. Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam bắt đầu.
Năm 1952, ta đương tiến vào giải phóng Tây Bắc trên địa đầu tổ quốc, nhưng phải cho đến khi nào giải phóng được Tây Nguyên mới là toàn thắng - tôi còn nhớ lời tiên tri hơn hai thập kỷ trước của vị danh tướng cầm quân ngày ấy, khi qua đèo Khau Vác. Ngày ấy, chúng tôi không đến được Cheo Reo. Máy bay địch từ Kon Tum xuống bắn phá Củng Sơn. Chúng tôi phải trở về Tuy Hoà. Nửa đêm về tới. Những đám cháy ban chiều thị xã Tuy Hoà bị máy bay giội bom phá hội chợ, tàn lửa còn đỏ rực. Con ngựa thuộc đường trong bóng tối vẫn lùi lũi đi.
QUẢNG NGÃI
Tôi vội đi cho kịp chuyến bay Đà Nẵng mà cơn bão số 2 còn đương rập rình bên ngoài biến Đông. Không biết ghé lại thị xã Quảng Ngãi có kịp không.
Bởi vì tôi còn phải gặp cháu Dũng ở thị xã.
Dũng bây giờ đã trên ba mươi tuổi rồi. Những năm ấy Hà Nội đương bị Mỹ ném bom, thành phố cứ đông vắng từng lúc. Cơ quan đã đi sơ tán cả, chỉ để lại hai ba người thường trực hoặc ra bưu điện, hoặc đi nhà in. Nhưng loanh quanh rồi lại có mặt cả Cũng như hàng phố người ta chỉ đi khỏi nhà những khi bom bắn căng nhất. Lúc nào cũng thấy Dũng ngồi ở gốc cây sữa trên hè phố. Bấy giờ Dũng mới chỉ khoảng tám chín tuổi. Tôi hỏi:
- Cháu không đi sơ tán với nhà trường à?
Dũng ngẩn ngơ lắc đầu. Về sau, tôi mới biết mẹ và anh em Dũng ở cơ quan bên cạnh. Ba Dũng vào chiến trường B đã mấy năm rồi. Một năm, Dũng bị một cơn sốt rồi sau đấy, người như ngơ ngẩn khi quên khi nhớ. Dũng phải nghỉ học, ngày ngày tha thẩn, thường ngồi ở cửa cơ quan tôi. Mỗi khi chúng tôi ở nơi sơ tán về, có quả ngô nướng, khoai luộc, bánh đa chợ quê, ai cũng chia cho Dũng. Nhất là khi bác Nguyên Hồng ở Bắc Giang xuống, thế nào bác cũng có bọc lạc luộc của nhà, bác cho Dũng một nắm, có khi bác lấy cái nắp bi đông, rót cho Dũng một chén rượu ra nắp. Dũng lắc đầu, cười, bác đùa. Bác lại cầm chén rượu uống cho Dũng xem. Dũng quá quen ngồi chơi trong phòng, có khi ngủ trưa trên bàn, có còi báo động lại chạy xuống cái hố trú ẩn dưới gốc cây thông đuôi ngựa um tùm. Chẳng bao lâu, Dũng đã thuộc cả tên chúng tôi. Ở văn phòng, bác Tiếu, cô Hường.., và bác Nguyên Hồng, bác Tế Hanh...
Thế rồi đến ngày thống nhất tiếng pháo đốt vang động thành phố. Công việc bề bộn, tôi cũng không biết nhà Dũng đã về quê lúc nào. Nhưng đôi khi hỏi thăm cơ quan bên ấy cũng được biết tin. Ba Dũng ốm bệnh mất rồi, má Dũng đã về hưu. Dũng vẫn lẩn thẩn hiền hiền như thế, và đã biết làm vườn.
Một hôm tôi nhận được cái thư gửi từ Quảng Ngãi. Trong thư có một tờ giấy trắng to nguệch ngoạc mấy dòng: Cháu Dũng hỏi thăm sức khỏe bác cho cháu hỏi thăm bác Nguyên Hồng, cô Hường, bác Tiếu có khỏe không. Cháu nhớ cái hồ Hiền Thiền Quang.... Thư cụt ngủn không ký tên, không đề ngày nhưng tôi đã biết thư của ai. Thế ra Dũng đã biết, chữ, đã viết được. Bao năm đã qua ngoài mười năm rồi, bác Hồng, bác Tiếu, cô Hường đã mất cả Dũng vẫn hỏi thăm. Tôi viết thư cho Dũng ngay. Từ đấy thỉnh thoảng tôi lại thư cho Dũng tôi viết ngắn và nắn nót từng chữ. Tôi lại nhận được những cái thư mất dòng như thế. Nhưng bì thư thì chữ khác, đủ địa chỉ tới cẩn thận. Chắc Dũng nhờ người viết. Trong thư Dũng lại hỏi thăm sức khoe bác Hồng, bác Tiếu, cô Hường...
Tôi làm thế nào để cho Dũng biết là bác Tiếu, bác Hồng, cô Hường không còn nữa, để kể cho Dũng nghe cô ấy, bác ấy đã đau yếu như thế nào. Tôi chợt nghĩ ra tôi cứ kể như thế, má Dũng hay các anh các chị Dũng có thể cắt nghĩa được cho Dung.
Quả nhiên, lần này được thư Dũng vẫn chỉ máy chữ ngòng ngoèo, nhưng mấy chữ khác các thư kia... Cháu Dũng có lời chia buồn với bác Hồng, bác Tiết cô Hường.., cháu mong bác Hoài được sức khỏe...
Tôi vẫn nhận thư Dũng, nhất là vào dịp Tết, thư chỉ có vài chữ, nhưng bao giờ cũng chia buồn với bác Nguyên Hồng, bác Tiếu, cô Hường và cháu mong bác sức khoẻ... Nhớ cái hồ... Dũng chỉ viết được có thế, Dũng chỉ đinh ninh chữ và một vài hình ảnh những ý nghĩ ấy trong đâu. Đã hơn hai mươi năm bây giờ tôi mới có dịp qua Quảng Ngãi.
Cơn bão vẫn đe doạ ngoài kia, giữa trưa mà trời u ám, tôi đã đến Quảng Ngải thị xã xinh xắn phố xá quang đãng, tôi dễ tìm ngay được nhà Dũng.
Một bà người nhỏ bé đã có tuổi ngồi trong cửa trước mấy thạp gạo.
- Bà các tôi hỏi thăm nhà cháu Dũng.
Bà chợt ngạc nhiên rồi thốt lên.
- Ông là ông Tô Hoài...
- Vâng.
Rồi bà bối rối đưa tôi đến cái cổng khoá trong ngõ phố. Tôi trông vào đã thấy ngay Dũng. Dúng vẫn là Dũng lên tám lên chín khuôn mặt trẻ dại trắng trẻo, nhưng bây giờ Dũng đã là một người đàn ông đẫy đà, có râu ria.
Dũng cũng trông thấy tôi. Dũng gọi ngay:
- Ông Tô Hoài!
Rồi Dũng ngã ngất xuống gầm ghế.
Cả nhà hốt hoảng gọi Dũng, kéo Dũng ra, trong lúc hốt hoảng đi gọi bác sĩ, may Dũng đã dần dần tỉnh. Má Dũng nói dạo này Dũng yếu, hay ngã. Các em kể:
- Dũng học đến viết thư được cho ông. Nhất định không cho ai viết hộ. Dũng lại đem ra bưu điện, bưu điện không đọc được địa chỉ, bấy giờ mới để cho chúng tôi viết phong bì hộ.
Tôi ôm má Dũng, Dũng bám chặt vào vai tôi.
NHA TRANG
Năm trước, ở bến Đá, gặp ông chủ Trí Nguyên, người khai sinh ra cái hồ cá Trí Nguyên ở Nha Trang thời cũ. Ông khoát tay ra ngoài khơi, nói: Vùng biển này tôi định rồi tôi ngăn lại để nuôi cá voi Khách chơi trên nhà sàn, ăn uống và ngắm cá voi. Ông Trí Nguyên được giữ lại làm công nhân trông hồ cá. Ông có mấy người con chưa có việc làm và ông phàn nàn người xem ném rác xuống hồ bẩn quá, cá chết. Ông lão móm mém nói không ra mếu không ra cười:
- Thưa ông, tôi vẫn còn bản đồ, và phác thảo thiết kế các điểm chơi, các vùng nuôi cá voi đây. Ông lão chí thú với du lịch chắc là đã khuất núi ở chân trời góc biển nào, con cái ông có người nào xin được việc làm ở hồ không, như hồi ấy ông mong ước bây giờ tôi thấy trên có biển Trí Nguyên, cũng như bên vùng biển Nha Phu, cả ngày những ca nô, tàu nhỏ tấp nập người đi xem những hồ cá, những đảo khỉ những lưới nuôi ngọc trai. Nhưng chưa thấy cái mộng hùng vĩ nuôi cá voi của ông lão nằm mơ được có.
Qua Nha Trang thành phố ven biển bây giờ chỗ nào cũng loang lổ xây dựng. Có còn tiếng chuông văng vẳng nửa đêm chùa Long Sơn, bây giờ ngước mặt chỉ thấy bóng trăng trắng toát trên tượng phật bà Quan âm cao cao. Những đàn cò trắng trên các cánh đồng Diên Khánh đã phiêu dạt đi đâu để lấy chỗ cho con đường đỏ ối lên chùa Bồ Đề. Bãi biển từng quãng, được đóng cọc, rào giậu, che ni lông, ván. Chắc là chia ô để thành phố cho thuê những bãi khơi, bãi tắm, nhưng bây giờ thì còn lốn nhổn. Hàng dừa dọc bên bờ mọi khi xanh mát mắt, nhưng mùa này bụi đường và lá úa tơi tả. Người ta bảo năm nay hạn nắng cháy cả lá, bọ dừa ra nhiều đục rơi cả từng tầu lá. Mỗi đường phố Nha Trang đều mở ra biển. Buổi sáng buổi chiều mọi người thành lệ tấp nập tắm biển.
Chỉ có tôi ngồi tựa gốc dừa nhìn ra khơi. Mấy cái tải bắp ngô luộc người ta bày ra bán. Bên mép nước, một lũ trẻ đương đùa với mấy con chó. Trẻ con và chó không biết sợ nước. Sóng đánh vùi cả lũ, tiếng chó vẫn sủa tang tang. Tôi được biết có người nước ngoài cũng đến đây mở quán. Không ở Hà Nội, ở Sài Gòn, ở Đà Lạt mà ở thành phố biển này.
Quán rượu Bittrô Cá Mập ở ngã tư phố gần biển. Phố nhỏ, có những quán khang trang, đông khách nhưng quán này chỉ có một gian sâu tối mờ mờ, bàn ghế gỗ giản dị, vách trang trí mấy cái rá làm chao đèn, bên cạnh cái niêu đất, cái rế, mảnh chiếu hoa, tàu lá buông lót vách như đan phên, to nhất là cái bảng quán rượu Bittrô Cá Mập treo trước cửa.
Mấy cậu chạy bàn ra mời khách. Các cậu bé nhỏ, áo lụa vàng màu da cam, da mai mái. Có cậu mặt láu lỉnh đeo đôi tai vòng bạc. Nước da xám nắng.
- Ông chủ có nhà không?
Một cậu khoanh tay lễ phép:
- Dạ, ông con đi dạo ngoài biển.
- Tối không bán hàng à?
- Ông con hay đi dạo biển chiều thứ bảy.
Vừa hay một cậu khác nói:
- Ông về kìa.
Một người âu gầy và cao, mặc quần ngắn, cái áo sơ mi cộc, hai mắt sâu hoắm nhìn hau háu, đầu hói hết tóc. Nếu ông ta mặc áo choàng đen, có dáng một linh mục.
Ông nói tiếng Việt sõi và hóm quá. Chúng tôi vào bàn bia hơi Đức ngay gần cửa. Tôi hỏi:
- Quê anh ở đâu? Beclin hay ở Ham bua?
Tiếng ông nói như con yểng nói:
- Dạ, quê em ở Vĩnh Phú.
- Nói đùa.
Nói thật thì em tên là Phong, Nguyễn Văn Phong. Quê em ở Laixich.
- Vẫn nói đùa đấy.
Anh cười.
- Cán bộ bắt khai lý lịch như công an hộ khẩu à? Tôi là Genke F., 40 tuổi. Tôi có một người bạn cùng quê ở Vĩnh Phú. Anh ấy học ở Laixich mà quen. Chúng tôi kết làm anh em. Anh là Kiến, đặt tôi là Phong, Nguyễn Văn Phong. Chúng tôi chống phong kiến mà.
Nói rồi lại cười. Tôi hỏi:
- Sao lại đến đây?
- Tôi đi Tây ba lô lang thang thôi. Đến Việt Nam mười năm rồi. Hà Nội, Sài Gòn đã ở cả. Nhưng tôi thích Nha Trang.
- Mở quán ăn.
- Vâng, quán rượu Cá Mập.
- Tên quán hay là có bán món Cá Mập thật?
Anh nói to:
- Cá mập thật. Cá mập ăn thịt người thì người phải ăn thịt nó. Tôi kén thịt cá mập ngon. Không mua ở chợ Đầm, cầu Bóng, tôi xuống Cầu Đá chọn cá mập chỉ nhỏ bằng con cá hồng. Ngon lắm, ăn thử. Anh ta chuyện hay quá. Anh kể tôi cũng muốn ăn ngay:
- Cá mập nướng, uống với bia Đức, đã lắm.
Tối hôm ấy, tôi chén một bữa cá mập. Cũng chẳng biết cá thật hay rởm, bởi vì cá đã xay nhỏ rồi rán chả béo xèo xèo. Lại uống vốtka liên doanh Nga Mỹ thì chẳng biết thịt nướng hay cá nướng nữa. Chủ quán cũng đến nhắm chơi và chúc rượu.
Tôi vuốt một cái vòng bạc tòn ten trên tai cậu chạy bàn đến rót rượu. Chủ quán nâng rượu cười rung cả mặt, nhìn con mắt tò mò của tôi, trịnh trọng nói chặn:
- Tôi chỉ đồng tình thôi, không đồng tính đâu, ông khách đừng phê bình.
Rồi chủ quán lại cười to, hàm răng trắng muốt, chắc là răng giả.
Sớm hôm sau, tôi ra biển. Thấy chủ quán đã cởi trần vừa đi vừa hút thuốc lá.
Rồi mời:
- Sáng sớm đi Cầu Đá lấy cá mập rồi. Tối đến nhé. Tôi cũng rời Nha Trang hôm ấy.
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/