24/2/13

Tập truyện ngắn Tô Hoài (T16-20)

16. Hà Nội với Hà Tây

Hà Nội và Hà Tây, Hà Nội với Hà Tây- Chữ với khác chữ và. Với là ta với nhau, tôi cố gắng cắt nghĩa chữ với, ta với nhau, ta với mình, Hà Nội với Hà Tây.
Quan hệ giữa Hà Tây và Hà Nội lâu đời như cùng trên cõi đất phát tích của dân tộc, bởi nó là một miền đất không thể kể sự khác nhau của mỗi thời kỳ theo tên gọi và theo địa giới hành chính. Hà Nội là thủ đô Thăng Long nhiều triều đại. Ngót một trăm năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội là thủ phủ xứ Bắc Kỳ và Thủ Đô của ba nước Đông Dương, Hà Nội là đất nhượng địa cho thực dân Pháp giữa xứ Bắc Kỳ bảo hộ. Hà Nội chật hẹp theo địa giới hành chính, phía bắc đến bãi Giữa dưới cầu Long Biên đã thuộc tỉnh Bắc Ninh, các phía khác thì cuối phố Huế bây giờ đã ra ngoại thành, đến Ngã Tư Vọng đến sau trường Chu Văn An và ra ô Yên Phụ đã sang tỉnh Hà Đông. Hà Nội chỉ chu vi trong thành và khu phố cổ, khu phố cũ với một dân số khi đông nhất cũng mới trên dưới 20 vạn người.
Dân số Hà Nội, trong từng giai đoạn lịch sử và do tình hình, cả nước di cư đến nhiều khi từng đợt, vì con người cả nước mà tạo nên thủ đô, nhưng có một hiện tượng thú vị là chắc chắn trong thống kê dân số ở Hà Nội thì mục nguyên quán ở Hà Đông và Sơn Tây là con số lớn nhất. Hà Nội là trung tâm, là thủ đô thời nào cũng có những ràng buộc, gắn bó với cả nước; các quan chức và binh lính đến Thăng Long theo chức trách, những làng nghề về nơi đô hội làm ăn và buôn bán. Ở lâu rồi định cư cả đời, nhiều đời. Hà Tây và Hà Nội cũng không ra ngoài quy luật trên. Nhưng khác tất cả các nơi, Hà Nội với Hà Đông và Sơn Tây còn là láng giềng liền vách, có thể nói là cùng ở một vùng, một thổ ngơi. Hà Nội là thị thành thì sức hút của nơi đô hội tất nhiên là to lớn mạnh mẽ mà trước nhất sự hấp dẫn chỉ có một chiều ấy đã tác động tới mọi tầng lớp, mọi giới ở lân cận.
Giới trí thức, cho tới ngày nay, đời nào cũng có những quan chức ở Thăng Long rồi nhiều người có trang ấp, nhà cửa toạ lạc các làng xóm xung quanh. Từ Chu Văn An ở Thanh Trì, Nguyễn Trãi ở Thường Tín, đến Phan Huy Chú ở Quốc Oai, Đặng Trần Côn ở Thanh Trì, Hà Tông Quyền ở Thanh Oai, cho đến cuối thế kỷ vừa qua, khi ra đời văn học quốc ngữ các cây bút tài danh thủa ban đầu như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh ở Phú Xuyên, Phan Kế Bính ở Thuỵ Khuê, Nguyễn Khắc Hiếu ở Khê Thượng. Tôi chỉ kể một vài nhân vật tiêu biểu làm ví dụ.
Nhưng tôi muốn nói đến số đông. Số rất đông, đó là người ở những làng nghề, những người thợ khéo mà hầu như cơ sở nòng cốt của thủ đô được tạo nên chủ yếu phải do lớp người này, đã cha truyền con nối từ bao giờ cho đến tận bây giờ. Thậm chí, khi nhà Nguyễn thiên đô vào Phú Xuân đã phải đem một số làng nghề và nghệ nhân vùng Hà Nội, Hà Đông vào Huế. Thời nào cũng vậy, trong thành các quan lại đến và đi theo chức trách, chỉ có ngoài thị mới là người ở lại lực lượng này đã sinh hoạt, đã phục vụ đời sống phố phường, thành hình thù dáng vẻ, cốt cách người Hà Nội. Đó là những làng nghề xung quanh thành phố như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, nhưng Hà Đông và Sơn Tây đông đảo nhất, có điều kiện khách quan là ở cùng vùng với Hà Nội.
Trong 36 phố phường Hà Nội, những phố nghề và phố buôn bán, cùng với những phố người Hưng Yên, người Bắc Ninh thì số nhiều các làng nghề khác nhau là người các làng xung quanh. Phố Hàng Bạc có thợ kim hoàn Thanh Trì, phố Hàng Lược, Hàng Nón là người Thường Tín, phố Hàng Khay, thợ khảm Phú Xuyên, phố Hàng Trống, phố Hàng Tàn làm lọng người Thường Tín, phố Hàng Bừa là thợ rèn Từ Liêm.
Có biết bao nhiêu người, bao nhiêu làng ở Hà Đông ra Kẻ Chợ hàng ngày làm ăn. Ngày trước, cứ đến mùa hanh hao, gặt hái đã xong, lại có từng bọn thợ đấu ở Phùng, ở Đan Phượng vào các làng ven nội đào ao đắp nền nhà. Cả phố Hàng Quạt, quạt nan làng Lủ - Thanh Trì, quạt thóc ở Vẽ - Từ Liêm, quạt lông ngỗng trong Đơ Đình, quạt Vác ở Canh Hoạch.
Cũng nghề vót nan làm quạt bây giờ phát triển linh hoạt, thức thời, ấy là nghề làm lồng chim làng Vác. Ở các chợ chim, phố chim ngoài Hà Nội hôm nay, các lồng xịn mà đúng kiểu cách cho mỗi thứ chim đều là lồng Vác. Có người chơi cầu kỳ không mua lồng chợ mà đã về thửa lồng tận nơi sản xuất. Và cũng đến bây giờ, các cơ quan xuất khẩu nông sản và thực phẩm, đến dịp đưa hàng đi nước ngoài, có chuối có dứa, có chanh quả, khi đóng gói đều phải cần đến sọt Huyền Kỳ. Xe bò kéo sọt ra thành phố cả ngày, sau cấm xe ban ngày vào thành phố thì xe bò đi cả đêm, bây giờ cấm cả đêm, thì không biết sọt xuất khẩu đưa ra Hà Nội bằng phương tiện gì. Từ xa xưa, phố Sinh Từ - nay là phố Nguyễn Khuyến, là phố bán dao kéo Đa Sỹ và Phùng Xá, bây giờ dao kéo Phùng Xá và Đa Sỹ vẫn tấp nập và đắc dụng. Mặc dầu dao kéo Thái Lan đẹp mã cũng không thay được các kéo đại ở các xưởng may xuất khẩu của người thợ rèn trong Bùng hay là con dao phay, dao rựa lò rèn Đa Sỹ vẫn được dùng hàng ngày ở các bếp nhà hàng, khách sạn Đai U, Sô Phi Ten sang trọng. Còn biết bao liên quan rất đặc điểm nữa, cả cái rễ cây quấn quanh tảng đá, nhỏ nhưng chắc, đốt thành than hoa để nướng chả, quạt bánh đa, đun thuốc sắc thuốc trong nhà máy ngành dược, cũng được tải từ chân núi Ba Vì về chợ Long Biên.
Sự liên quan mạnh mẽ và sâu sắc của Hà Nội với Hà Tây có thể nhận xét cả trong tiếng nói. Tiếng nói là một minh hoạ của sự liên quan và phát triển. Tiếng Hà Nội, giọng Hà Nội rành rọt và thanh lịch ngày trước chỉ nghe ở trong vùng tụ hội người tứ xứ, cái giọng cái tiếng trộn lẫn không giống bất cứ vùng nào, không của địa phương nào chỉ thường nghe phổ biến trong phạm vi nội thành, ra tới làng Thuỵ đã bắt đầu giọng ngoại ô, giọng kẻ Bưởi, và đi quá chợ Mới Mơ đã sang vùng kẻ Mơ, nói ngọng. Bây giờ tiếng Hà Nội đã lan khắp. Tiếng Sơn Tây nhạt hẳn, đi chợ Nghệ chỉ còn nghe phảng phất ở mấy cụ lão bà trên Bất Bạt xuống chợ. Tiếng Hà Nội đã tràn lan. Không cần phải bắt chước phải sửa giống người ta cứ nói khác đi lúc nào mà không tự biết.
Hà Nội với Hà Tây đó là sự gắn bó và phát triển trong một vùng.

17. Hội làng

Trong làng, không kể nhà giầu nhà nghèo, người có cái ăn hay người không một đồng xu, cũng không tính các ngày giỗ và đám ma, đám cưới, bốc mộ, “dưng” sao giải hạn, đặt tự ở đền chùa và ốm đau phải cầu cúng, từng nhà cũng như việc làng, việc xã và những ngày giỗ tổ của họ, chi họ, việc hàng giáp, chòm xóm - nghĩa là những dịp phải đóng góp và có động đũa động bát, và cứ kể riêng cái thứ lo tết nhất trong một năm, mỗi nhà theo cho có được bát nước cúng và nén hương, cũng đã vất vả, đã khướt, huống hồ lắm khi lại phải kiếm ra lẻ gạo nếp, miếng thịt lợn và cút rượu đặt lên giường thờ.
Con người ta làm ra cái ăn đều khó nhọc cả. Hãy đếm những cái Tết trong một năm. Trước tiên, tết Nguyên Đán, tết cả. Kể cho kỹ trước và sau cái tết lớn này, còn có những ngày râu ria mà nhà nghèo rớt mồng tơi cũng phải lo cho có được gói hoa, nén hương. Hai mươi mốt giỗ tổ - tổ nghề giấy, tổ nghề lụa, chẳng biết tổ là ông bà nào nhưng mọi nhà vẫn phải đầy đủ giỗ chạp. Hai mươi hai, ngày sắp ấn. Các quan làng cất triện, nghỉ việc. Làm người bạch đinh chân tràng thì chẳng bận gì thế mà nhà nào cũng cúng lễ sắp ấn. Hai mươi ba, tết ông công - vua bếp hai ông một bà. Chiều ba mươi, lễ tiên thường rồi tối cúng trừ tịch. Cúng trừ tịch tiễn năm cũ và lễ tiên thường khấn mời các cụ dưới âm về sớm sớm kịp mùng một ăn tết với cả nhà con cháu. Thế rồi, mùng một, mùng hai, mùng ba, đến mùng bốn lễ hoá vàng, mùng bảy hạ cây nêu và động thổ, nhà nhà vào khung cửi đưa mấy nhát thoi lấy may. Đến rằm tháng giêng, ngày Phật lên chùa lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng, mới thật cạn hết những cái tết trong tháng đầu năm.
Sang mùng ba tháng ba - tết bánh trôi nước, bánh chay cúng ông Giới Tử Thôi bên Tàu chết cháy trong rừng, ngày hôm ấy các nhà phải kiêng lửa. Mùng năm tháng năm, tết Đoan Ngọ, mừng hoa quả mới. Và đến mùa hè nắng nôi oi ả, trời đất toàn những cái khiếp đảm. Cửa đền cửa miếu cứng quan ôn, nấu cháo vảy ra bờ bụi cho các âm hồn bơ vơ lang thang đói khát được hớp nước ngũ cốc, ngọc thực. Kịp đến tháng bảy, tết rằm vong nhân xá tội. Rằm tháng tám, trung thu của trẻ con và của cả người lớn. Rồi gió heo may thổi giải đồng, vào tháng mười, mùng mười gặt hái đến, làng không có một miếng ruộng cũng mừng tết cơm mới. Kể ra đếm đầu cái tết, chứ còn có lo được mọi tết đủ các việc làng, việc họ, việc nhà cùng là các thứ giỗ chạp như thế, không phải nhà nào cũng chạy vạy bằng nhau được. Nhưng mà sống ở làng, sang ở nước, đến ngày tết ngày kỵ, thấy hàng xóm bốn bên rộn rịch cũng áy náy, không yên. Rồi phải vay mượn, giựt nóng, bán tào bán huyệt. Cùng quá không trông vào đâu được, đành nhịn. Nhưng thế thì là thằng liều không còn mặt mũi nhìn ai, rồi phải đến bỏ làng, tha phương. Những tang thương ấy, các làng ở đâu thế nào thì người thiếu thốn khó khăn ở làng tôi cũng tương tự. Lệ làng, giỗ tết và hội hè đình đám vừa mong ước vừa nghiêm ngặt. Mỗi năm, làng nào cũng có một dịp việc làng. Tế thành hoàng, mở hội hay không, còn tùy. Có làng hội hè linh đình. Cho là có hèn, đói cũng cố phải làm vậy. Có làng chỉ xôi gà qua loa cho xong rồi ông từ đóng cửa đình, cửa đền. Người ta cho là cũng vì cái sự tích ông thánh thế. Nhưng thật ra chỉ vì từ xa xưa đã làng thì có, làng thì chẳng bằng ai mà thành lệ. Làng tôi không có hội, kể từ khi tôi biết, cả đời chỉ đi xem hội làng thiên hạ.
Dưới làng Mọc Cự Lộc, Mọc Quan Nhân tháng giêng vào hội to, có cả đánh cờ người. Sắm sửa xống áo quân cờ cũng phải nhà khá giả mới lo được Các làng này giàu có nhiều quan to và người đi làm việc nhà nước. Cả vùng cơm đùm cơm nắm trảy hội Mọc từ gà gáy, nửa buổi đã tới cống Mọc. Tháng giêng, tháng tám hội đền Ghềnh bên kia sông. Hàng quà có khế cơm không chua không ngọt, bánh đa đường gấp, bà đồng khăn chầu áo ngự về đền, người xem hội càng nô nức. Đền Trại ở Thủ Lệ thì rước kiệu bò. Kiệu bát cống sơn son thếp vàng nguy nga. Mười tám trai kiệu thong dong bốn bên. Người đô tùy nào cũng lực lưỡng cởi trần, đóng khố điều, đầu chít khăn nhiễu tam giang, mắt đeo kính râm. Một tay mở quạt tàu lụa bạch. Lúc cất tiếng hí, kiệu bay kiệu bò, một tay lại xòe quạt che miệng. Nhiều nơi rước xách, song chỉ đến đền Trại mới được xem kiệu bò. Đám rước kiệu bò từ cánh đồng lên cái gò dài song song với hồ nước trước đền mà người ta bảo đấy là lưng con rồng. Rước đến chỗ kiệu bò lên đồi mới là lúc hay nhất, thiêng nhất. Các đô tùy nghỉ ở chân gò được nhấp một chén rượu, mặt đỏ phừng đứng cùng một loạt nhấc đòn kiệu lên vai, cất tiếng hí ran như cả đàn ngựa động đực rồi nâng “kiệu bay” xoay tròn trong cánh đồng.
Các trai kiệu lần lượt người quỳ người đứng giữ bát nước cúng trên mâm bồng không đổ một giọt, cái kiệu từ từ bò lên mặt gò. Người xem hội đông nghịt khắp đến các chân tre. Trên gò cao đứng xa đến đâu cũng nhìn được cái kiệu bát cống bò được lên gò rực rỡ lộng lẫy, thật sướng mắt.
Các làng quanh làng cũng có hội. Những hội nhạt nước ốc, chẳng mấy nô nức. Hội bơi ở Đăm, mấy chiếc thuyền đã tróc sơn bơi rào rạt trong cái đìa đầu làng. Vui xem hát, nhạt xem bơi là thế. Hội làng Noi thì, quan viên đi rước quần nâu xắn móng heo. Chỉ đáng xem có mỗi cái kiệu bát cống mà cái năm Tây hạ thành, người Noi đã vào trong thành Cửa Bắc khiêng ra được. Hội làng Đông, làng Hồ được chờ đợi hơn cả.
Hội Đông Hồ khoảng từ rằm tháng tư trở ra, kéo dài một phiên chợ Bưởi. Nhưng làng Đông cũng chỉ có tế thần và mấy tối chèo hát sân đình. Bên làng Hồ vui hơn.
Làng Hồ có rước to. Rước về đình từ đền Voi Phục bên kia cống Đõ hay từ cái miếu ở xế cổng xóm Đông Lân không nhớ. Chỉ thấy người xem người cứ đông ngộn lên. Các cô gái làng khiêng long đình. Mỗi cô một cái quạt đào. Chốc lại xòe quạt che miệng, khẽ hí đều một tiếng. Các cô kén đâu được khăn sa tanh, áo dài hoa đào, quần lĩnh tía giầy cườm. Con trai cầm tán, che lọng. Các ông trạc năm mươi, vừa mới lên lão, áo the hoa khăn lượt, bưng đồ bát bửu dùi đồng, phủ việt thong thả bước sau phường bát âm, tiếng trúc thánh thót sinh tiền réo rắt, tiếng nhị cò cử, người gõ cảnh đánh tiêu...
Trẻ con xúm quanh xem anh đánh trống.
Chiếc trống cái hai người khiêng. Người thủ hiệu diện khăn nhiễu tây nón dứa chóp mạ kền, quai lụa điều. Mắt đeo kính râm, áo the hoa cặp. Quần là ống sớ. Chân bít tất lụa đào xỏ trong đôi giày Gia Định mõm ngóe đen nhoáng. Tay lót mùi xoa lụa mỡ gà viền chỉ hồng, cầm cái dùi trống sơn đỏ. Khi đánh trống, múa dạo mấy vòng, đổi bên tay mùi xoa, rồi giơ cao, quay người uốn éo, nhô lên cúi xuống thấp thoáng qua lại, mắt kính nghiêng ngả nhìn ra hai bên người đương trầm trồ, tấm tấc khen thủ hiệu múa dẻo. Thế rồi, một tay chống nạnh, nghiêng nghiêng thong thả buông một dùi vào mặt trống. Xong lại lùi ra, hoa dùi lên múa mấy vòng rồi mới đứng yên. Rồi lại đổi mùi xoa lót tay bên kia cầm dùi, bắt đầu múa lại. Tiếng trống nổi. Đằng kia, tiếng chiêng nhịp nhàng đáp. Tùng.., bi.., li... Tùng.., bi.., li.., bi.., li...
Những người xem càng đông hơn quanh đám phường chèo đóng đường. Các đào kép phường hát đón bên Bắc về đi diễu ban ngày giữa đám hội. Môi son má phấn, mũ giáp, cờ cắm tua tủa sau lưng. Có người đóng ông phễnh đeo chiếc mặt gõ to bằng cái mẹt điệp bạc, áo thụng tay phe phẩy chiếc quạt mo. Trẻ con và bọn con gái thì xán đến trước mặt hai anh trai làng mặc giả gái làm con đõ đánh bồng”. Áo the đổi vai cánh sen, vạt hoa lý thắt qua gàng, quần lĩnh tía, khăn vuông láng thâm, cũng má phấn môi son trai lơ. Đôi vú độn to bằng cái ấm giỏ phổng lồi trong yếm, vai đeo quai chiếc trống cơm dài ngoằng. Các cô đĩ bước núng nính, hai bàn tay toẽ cong ngón, đập khe khẽ vào mặt cái trống. Tiếng trống cơm bùng bùng, xàm xạp, ngẩn ngơ. Những cô gái làng càng chen xô vào nhìn tận mặt con đĩ đánh bồng”, như chưa biết bao giờ, rồi đấm lưng nhau cười rinh rích. Hai anh trai làng đóng đĩ đánh bồng, vẫn thản nhiên núng nính hai tay vỗ bập bùng hai mặt trống cơm, các anh ả mặt chín lừ - mấy cô cười tít mắt bấm nhau thế.
Trẻ con chạy theo à à. Đám rước rồng làng Hồ cuốn hút người hơn cả. Con rồng nhấp nhô mỗi khúc một người đỡ, có đến hơn chục khúc. Người cầm đuôi, người cầm đầu, người múa ngọc và người đánh trống, bốn người được cắt chân quan trọng nhất đám, diện bảnh chọe giống hệt nhau. Khăn nhiễu thiên thanh, áo cánh lụa thâm, thắt lưng điều quần túm ống vào trong xà cạp hoa đào. Chân đi đôi giầy tàu vải thâm. Lại như những chàng trai ăn diện đương thành mốt, mỗi người một đôi kính râm, mắt kính đen kịt.
Chiếc xe trống cái một người kéo thong thả. Người đánh trống xe, một tay chống nạnh lấy điệu, ngả người nện liên hồi. Con rồng vươn lên vờn ngọc, đầu bắt đuôi vẫy vùng, rồi đuổi ngọc, nhấp nhô trong tiếng trống cái dồn dập.
Trong sân đình làng có hội thi cây cảnh. Cây cảnh người đem về thi treo quanh hiên ngay cạnh các giải thưởng: vuông vải điều, bánh pháo, chùm dừa. Những quả hồng, quả na, quả bưởi, quả cam bằng sáp nhuộm khéo như thật. Người xem tha thẩn, ngắm nghía. Gần đấy, bên góc sân đình, cánh đu tiên tròn xoe cao hơn ngọn cây ngọc lan. Những người đánh đu trai lẫn gái ngồi trong vòng quay bổng lên, trầm xuống như guồng vè cây suốt. Tiếng mây tre trên đu cọ vào nhau cót két, kĩu kịt giữa tiếng hát inh ỏi. Rạp chèo rung trống từ lúc lên đèn đến nửa đêm. Người chen ra chen vào, đông như nêm cối.
Mấy ai biết mỗi năm, bên trong đám hội diễn ra biết bao cảnh ganh đua, tranh giành, những cái khổ công đóng góp hàng phe hàng giáp nặng nề đến từng nhà. Người chững chạc vai vế thế nào mới được kén vào cầm bát bửu, cái kích đồng, quả chùy... Con trai nhà ai vào chân thủ hiệu đánh trống, con gái được khiêng kiệu vai trước hay vai sau. Cũng phải ngôi thứ mới được cầm tán, cầm lọng và người được chọn múa đầu rồng, cầm đuôi rồng cũng khác những chân cầm độn các khúc giữa. Anh trai bạch đinh kéo xe trống khác với anh thủ hiệu đánh trống, giầu nghèo cách bức trời vực rồi. Chỉ có mấy gã đeo mặt nạ làm ông phễnh, cầm quạt mo, và người đóng làm đĩ đánh bồng, đấy là những anh ả trơ trẽn ăn chơi đã có tiếng, thì không kể thứ bậc gì. Và những người lép vế mới phải cáng chân khiêng trống, cầm cờ ngũ hành đuôi nheo. Lại còn công phu sắm hay đi mượn, đi thuê đâu kỳ được, xoàng ra cũng phải có tấm áo the mà xỏ tay. Chẳng may phải là người chân trắng, không ai ngó ngàng tới, đóng vai phất phơ len lén đi xem thì thật xấu hổ.
Tôi được đi xem hội làng Đông, làng Hồ từ khi còn nắm váy bà, đòi bà cõng. Chín mười tuổi thì theo các dì đi hội. Lớn nữa, cùng bạn bè đua đả đi nhông nháo, chim gái, đánh nhau. Trong ngày đám, con trai thường gây gổ như những con gà chọi hay con hoạ mi sĩ diện có mái xùy. Trai làng choảng trai lạ đến ve vãn gái làng. Làng này đánh nhau với làng khác. Chẳng tối nào không có tiếng hô hoán, người chạy ầm ầm. Nhưng ác nỗi vác gậy đi giữ mình, khác nào bảo chúng mày đi ra đây đánh nhau với ông. Như thế, có thể vừa tới cửa đình đã bị ăn đòn vỡ đầu. Thế là chúng tôi thủ thân trong túi mấy hòn đá đường tàu, hòn gạch củ đậu. Hay để sẵn gậy gộc ngoài bờ bụi đường cái. Nghe đâu ồn ào, xô đến. Không bận đến mình cũng đánh hôi. Chẳng biết thằng ấy là thằng nào. Đòn hội chợ, phang lung tung, không phải đầu cũng phải tai.
Nhưng các trai làng cứ đi hội, không biết hãi. Còn tập võ để đi đánh nhau là đằng khác. Trong vùng có nhiều lò võ, ở làng tôi có lò ông lang Dương, đêm nào cũng đông người đến tập. Đinh tấn, trảo mã tấn, tối tối đái vào bẹn rồi bóp cho săn gân, tập cả mấy tháng vững vàng thế đứng tấn rồi mới đến các món quyền cước. Tôi cũng đi tập võ. Nhưng tôi theo ông Tâm đi tầm sư học đạo bí mật tận lò xa. Để cho chúng mày thấy ông giỏi võ lúc nào mà không biết, thế mới đặc biệt. Tôi xuống học lò võ ông Hồ ở Thể Giao, cái xóm giữa đầm lầy cạnh hồ Bảy Mẫu.
Hội quanh vùng chỉ như thế.
Thế mà đàng tôi chẳng bao giờ có hội hè gì. Chỉ mang máng nhớ đã lâu, tháng hai dưới làng Dâu, Yên Phú các quan viên khăn lượt áo the lên chạ Nghè, chạ Tân rước thần, khênh xuống cái long đình. Mỗi năm vào mùng mười tháng hai, làng có tiệc, ông từ ra mở cửa đình. Anh mõ Tư Mít vào vườn tre bà hương Nhầm xin cây tre, chặt về, phần đóng cọc, phần làm cột cờ. Lá cờ may bằng vuông nỉ đỏ có chữ thần to tướng, bay lất phất trên bờ sông. Trẻ con đầy sân đình, đánh trống tòm tòm cả ngày. Năm trước, còn có tế, có việc làng. Mỗi năm mổ lợn, có năm tậu bò về thui mổ, chia phần. Những năm sau đói kém thiếu ăn quá, rồi cũng bỏ. Rồi còn kém nữa, sơ sài nữa. Cái năm mất trộm bộ áo thánh, làng chẳng sắm nổi cái áo mới cho ông thành hoàng. Lạy thánh mớ bái, phải lấy vạt cờ đuôi nheo trùm lên ngai làm áo khoác cho thánh. Năm có chèo hát, năm không. Làng Tân, làng Dâu chẳng mấy khi gom nổi tiền đóng phường chèo, chỉ đi xem kẹ chèo hát hội làng bên. Làng Yên Phú đút nút phường tuồng vào cái cầu giữa làng. Phường kiết xác, không đủ hơi ra diễn rạp giữa trời. Một bó giáo thanh gỗ đã tròn vẹt đầu, tróc hết sơn. Có mỗi một cái hòm mộc phải đựng quần áo, mũ mãng. Anh kép gánh đồ, quảy một đứa bé một bên cho cân.
Chúng tôi chen hẳn vào trong cầu lúc chập tối đã rung trống giáo đầu rồi. Thế nào mà chui ngay chỗ buồng trò nhìn ra. Không biết đương diễn trò gì. Thấy một bác kép đóng, tướng nách cài hai miếng gỗ, cắm sáu lá cờ con con, sặc sỡ như trẻ con đeo bùa túi ngày tết mùng năm tháng năm. Bác kép vừa nghỉ vai, nhảy phắt một phát vào buồng trò che cái chiếu. Bác ấy cởi phăng giáp trụ lôi thôi, hở trần lưng mồ hôi nhễ nhại. Bác vội rút miếng gỗ cắm cờ đằng lưng, gõ lạch cạch mấy cái xuống mặt hòm. Một lũ rệp đói lép kẹp to bằng móng tay đen mờ rơi lả tả trong ánh đèn hoa kỳ nhạt nhẽo. Rệp đã đốt bác từ lúc còn đứng múa hát ngoài kia.
Nguồn: Cái áo tế Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004

18. Khu du kích 99

Khu du kích chống Pháp trong kháng chiến có mật danh là 99. Một vùng rừng núi hiểm trở bắt đầu từ huyện Phù Yên, Bản Thải xuống qua sông Đà quanh đến bến Pac Lừm và Pac Ngà. Vùng Pac Lừm và Pac Ngà bây giờ ở trong vùng sẽ xây dựng thuỷ điện Sơn La. Khi ấy, giấy tờ trong giao thông thường viết tắt hai chữ PP, người đọc quen nhầm là 99 rồi thành tên. Đường giao thông bí mật khu 99 từ Phú Thọ, Yên Bái vào Sơn La, Lai Châu suốt qua hậu địch Tây Bắc, các làng và các chiến khu người Mường, người Thái, người Dao, người Mông.
Bấy giờ là năm 1952 bộ đội ta đương tiến quân vào giải phóng Tây Bắc. Trận đầu tiên tiêu diệt quân khu Nghĩa Lộ rồi sang giải phóng Phù Yên. Đại quân tập trung ở cửa Vạn, vượt sông Đà tiến sang châu Mộc.
Các khu du kích tấp nập đi tải lương, tải đạn, tải thương phục vụ mặt trận. Là phóng viên báo, tôi cũng tham dự mọi công tác phục vụ chiến trường. Tôi đương đi đôn đốc dân công trên các làng người Mông trong những rặng núi khu du kích 99. Suốt ngày, máy bay địch bắn phá, ném bom hai bên sông trong khi ở trên núi người Mông ăn Tết Nguyên Đán.
Theo phong tục cái Tết đầu năm của người Mông thật ngày rộng tháng dài có khi hàng tháng. Bấy giờ trên nương đã gặt xong, thóc và ngô đã cất vào kho rồi. Thế là cả xóm cả làng nhà nhà mổ lợn làm cỗ uống rượu, các đầu làng rộn rã những người chơi, thổi sáo, nhảy khèn, đánh pao. Những cuộc vui và những đám cỗ được ăn lần lượt từng nhà. Hôm nay nhà này ăn Tết, ngày mai đến lượt nhà khác lại mời khắp xóm đến, ăn thịt uống rượu rồi vui chơi cả ngày cả đêm cho đến khi ngoài trời có mưa mới, các ruộng quanh núi ngập trắng nước, bấy giờ mới cày nương làm mùa. Và bấy giờ mới hết Tết.
Nhưng cái tết năm ấy khác thường. Máy bay địch bắn phá suốt cả đêm. Trong đêm tối âm u, máy bay điên cuồng thả bom. Cứ chỗ nào có ánh lửa là bom dội xuống. Nhưng đêm rét buốt giữa rừng thì không thể làng xóm nào vắng được lửa sưởi những cây gỗ pơ mu làm củi sưởi thơm ấm khắp nơi. Bom ném xuống nhà cháy rừng rực. Cả các xóm Xín Vàng, Háng Chú, chớp bom sáng trắng vách đá.
Ngoài dốc đầu núi, từng đoàn ngựa thồ người dắt lùi lùi xuống. Những con ngựa thồ đi lặng im trong chớp bom như sét đánh. Người ngoảnh lại không biết lửa bom vào rừng hay lửa cháy nhà. Tờ mờ sáng bỗng nhiên im phăng phắc. Không nghe tiếng đàn vượn trên núi gọi sáng như mọi khi. Bốn phía sương đùn như mây trắng mù mịt. Bỗng tiếng chó sủa tang tang. Trong các khe cạn, người trốn bom lũ lượt chạy ra. Cùng lúc ấy, đàn ngựa bên mép núi đá lũ lượt đi lên. Những con ngựa trễ tràng trên lưng chất cao những bao tải không còn một túi ngô, bây giờ là những cái tải xếp không, dẹp đét, mấy người rúc vào, ngồi núp trong tải tránh rét, những con chó cũng ẩn vào đấy. Chó sủa lắc rắc trong bước chân móng ngựa vấp đá.
Suốt ngày hôm ấy không một tiếng bom.
Được tin bộ đội đã sang sông, nửa đêm chiếm được đồn Bản Hoa, đại quân đã tràn qua châu Mộc rồi.
Ngoài đầu xóm, các sân chơi pao, chơi quay có người đã ra lúi húi dọn đá nham nhở. Người già nhìn lên trời, nói:
- Nước mưa chưa về. Ta lại ăn Tết nốt thôi.

19. Lại chuyện về cái túi nilon

Cuộc đời miếng ni lông khá chìm nổi, phiêu lưu. Mấy chục năm trước, ai có áo ni lông màu vẽ hoa lá - phải là được người ở nước ngoài về cho hay được biếu. Thật ra, trong khi ấy ở các nước người ta thì cái ni lông đã xuống dốc rồi. Người nghèo kiết mới mặc áo quần ni lông. Cái thần tình là ni lông có thể đem giặt rồi ngồi cởi trần đợi một lúc nó đã khô, lại mặc vào ngay được. Nhưng thời đó cũng đã qua lâu rồi và miếng ni lông lộn kiếp đương biến hoá ba đầu sáu tay. Bàn ghế nhựa ni lông đã đánh quỵ các đồ mộc thông dụng và các túi ni lông to nhỏ thì bóp chết tươi mọi thứ rổ rá, thúng mủng, túi đay, túi cói rồi. Để xem một bà, một chị đi chợ, chợ xa thì xách cái làn nhựa, chợ gần thì hai tay cầm túi ni lông to nho mà bên trong còn có túi ni lông nhỏ nữa, đựng mắm tôm, dưa muối, khúc cá tươi, lòng lợn, cà muối, dấm ớt... đủ thứ, đủ thứ.
Cái túi ni lông thì nhà hàng sẵn quá, đã biếu không, coi như giấy gói, lá gói. Ni lông cần thiết nhưng đem về đến nhà, bỏ các thức ăn ra rồi vứt ni lông vào thùng rác, cái rác ra xe rác, ra bờ bụi, cống rãnh nào đấy, mỗi nhà mỗi phố mỗi làng cả nước hàng ngày thải bỏ vô vàn túi ni lông, hàng gò đống túi ni lông.
Túi ni lông không như cái rổ, cái lồng bàn, cái ghế hỏng đem làm củi đun, cái túi ni lông không tiêu, ni lông trơ ra, ni lông có tan biến cũng phải mất hàng trăm năm? Tôi đã trông thấy trên đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng, công ty làm đường Hàn Quốc lấy cát đắp thay đất làm nền đường. Lót tấm ni lông ở dưới, xe đổ cát lên trên rồi trên làn cát phẳng lỳ thì lát đá, trải nhựa, có tấm ni lông đỡ sau cùng, đường không bao giờ lún sụt, lồi lõm. Ni lông được dùng vào công trình vững chắc đời đời. Nhưng mà cái túi ni lông không bao giờ chết ấy vứt lung tung khắp nơi khắp xó. Không phải ở đâu và ai cũng có ý thức tìm cái thùng để bỏ rác. Ni lông đùn lại trong cống làm tắc cống, ni lông lẫn vào đất tắc mạch nước ngầm làm chết cây và hoa màu. Triệu triệu cái túi ni lông ném ra hàng ngày thành tai hoạ ni lông. Tai hoạ ni lông là tai hoạ môi trường mỗi đất nước và toàn cầu, nước ta cũng trong vòng báo động ấy. Vài năm trước đây chỉ có người thành phố đi chợ về là xách túi ni lông, bây giờ túi ni lông đã lây lan khắp chợ cùng quê.
Trên thế giới, nhiều nước đã có kế hoạch, đã xây dựng cả nhà máy diệt ni lông thải. Ở ta chưa có phong trào và quy mô như vậy. Nhưng có những sáng kiến thích ứng rất hay.
Báo Hà Tây số tháng sáu 2001 đăng một tin: Tái chế túi ni lông góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Ở làng Thượng Hiệp xã Tam Hiệp ông Trần Nghĩa Đàn có cái máy tái chế túi ni lông thành các đồ dùng hàng ngày: dây buộc hàng, ni lông lót cặp học sinh, lưỡi trai mũ, khuy, hạt nhựa... và những vật dụng cỏn con khác. Túi ni lông do người các làng xung quanh nhặt nhạnh đem đến bán. Mỗi tuần tái chế được một tấn Mỗi năm tiêu thụ hết hơn 40 tấn nguyên liệu túi ni lông.
Làng Thượng Hiệp có nghề may gia công. Làng nông nghiệp này không chỉ độc canh mà nghề phụ may gia công đã đưa làng Thượng Hiệp trở thành một làng nông công nghiệp giàu có, nhà nhà sản xuất có xưởng có cửa hàng may mặc và bán sản phẩm. Thượng Hiệp trở thành phố làng và được tỉnh công nhận làng văn hoá Thượng Hiệp. Ở một làng kinh tế và văn hoá đang phát triển sáng kiến cái máy tái chế ni lông có một ý nghĩa đặc biệt ngoài cái nhỏ bé trong phạm vi gia đình.
Bài báo nói ông Trần Nghĩa Đàn đã mua các thiết bị về lắp máy, tiền vốn hết 50 triệu không cho biết cái máy có mẫu mã sẵn hay sáng chế của ông Đàn. Cái máy tái chế ni lông của ông Trần Nghĩa Đàn ở Thượng Hiệp là một công cụ có lợi ích và thiết thực có thể nhân rộng mọi nơi.

20. Loăng quăng

Tôi đã viết đại khái: mỗi năm mình một già không phải soi gương hay đôi khi gặp người ta than hộ mấy câu mất vui “dạo này sao xuống thế, mà chỉ cần lặng lẽ đi ra ngoài phố. Phố xá người qua lại nhiều, mấy năm trước đôi khi còn có người chào hỏi, bây giờ thì đi cả hàng phố, cả mấy phố, cả buổi cũng chẳng gặp ai ới ơi, chẳng có người nào bắt tay, ngả mũ gì cả. Biết rằng ta đã vào cái lớp người sắp xuống đất với giun, tụ dưng xa lạ với xung quanh. Thế là tự dưng đổi tâm đôi tính cứ mỗi ngày một đâm ngại, chẳng muốn ra đến cửa nữa.
Thôi chuyện loăng quăng cho đỡ buồn nào, đôi khi sau tiếng thở dài lại sinh ra cái cười cũng nên. Hôm mới rồi tôi đi qua hồ Thiền Quang. Buổi sáng, sắp đến giờ làm việc, lòng đường vỉa hè tấp nập người. Tôi lừng khừng đi. Có một cô đẫy đà, đứng tuổi quần phăng áo vét xanh nhạt, cái mũ vải mềm như mũ đương mốt, chiếc xe đạp Trung Quốc mới cứng, cái làn mắt cáo trước ghi đông trong để cái túi. Không đoán được người ngành nghề nào, nhưng chắc là người cơ quan đi làm. Cô ấy dắt xe lên vỉa hè lại tôi. Thoạt tiên, tôi ngỡ người sắp hỏi đường. Nhưng nhìn lại cách ăn mặc của người quen thuộc đường phố thì chắc không phải.
Cô ả hỏi tự nhiên:
- Anh đi đâu đấy? Anh có đi không?
Tôi biết ả hỏi việc gì và gạ đi đâu rồi. Tôi yên lặng, không nhìn và vẫn lững thững đi. Dáng chừng ả đã nhìn lại lão già, ả đẩy cái xe đạp xuống đường rồi lại điềm nhiên đạp đi giữa những làn xe cộ tấp nập. Câu hỏi thật dễ dàng như nhỡ thiếu tiền thì hỏi mượn mấy đồng mua rau, mà mới sáng ngày ra.
Đến chỗ họp, tôi kể với Vũ Cao cái chuyện gặp xúi quẩy Vũ Cao hỏi tôi:
- Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
- Tám mươi mốt.
- Mình cũng hơn bảy mươi. Vẫn đạp xe từ nhà đến đây, đi ngang thành phố mà chưa lần nào được có đứa hỏi như thế.
Ồi, ông mặc áo bốn túi lại người to xương hóc thế kia thì nó hỏi ông để làm cái gì, con điếm hay đứa có tính điếm thì nó xá gì tuổi tác. Nhưng thôi để yên cho nhà thơ băn khoăn và bâng khuâng, còn tôi thì buồn, buồn đời.
Chắc rằng cái chuyện thảm ấy cũng hiếm, có phải không? Tôi xin kể những mắt thấy tai nghe vui vui vậy. Ngoài đường bây giờ chỗ nào cũng nhốn nháo, chỉ chốc lát có ngồi trên bờ trông ra hồ, mặt nước hồ Thiền Quang hay bồ Tây cũng được, thì tai mắt và trong bụng có lẽ mới có thể vên yên được. Bởi vì chỉ có mặt nước, mặt nước sáng trong, mặt nước xa xa gần gần mới thấy như muôn thủa. Nếu ai còn nhớ, hãy nhớ ngày trước hay trông thấy con chim bói cá, đốm trắng đốm đen, chim đương bay trên thinh không bỗng rơi tõm mình xuống mặt nước, quắp lên con cá mương trắng loáng. Vâng, ở nơi trống không nay mới được mơ màng với tưởng tượng.
Cứ nhìn ra mặt hồ kia, chứ ngoảnh lại đằng sau lưng thì bên phải bên trái phía nào cũng ngổn ngang, rầm rập những xe đạp, xe máy rối mắt, các kiểu ôtô không lúc nào dứt. Cái hè, con đường không còn dành cho chân người nữa. Vía hè cũng không yên, người đi mua bán, đi ăn uống vào cửa hiệu hàng hàng xe chất đống như đắp đê cao cao. Người đi bộ hoá con kiến, nhưng phải là con kiến gió thoăn thoắt nhanh chân lúc chui lúc tránh, nếu không thì xe quệt, không thì đâm vào xe. Có một cụ chỉ đụng nào cái ghi đông xe để trên bờ hè, cũng quỵ xuống, gấy xương ống chân. Có một lão đầu hói sáng sớm đi tập dưỡng sinh ở công viên Pát-tơ, quả bóng trẻ con đá rơi xuống đỉnh đầu, cụ ngã, cụ chết.
Bất giác, tôi nhớ lạc hậu ví những xe cộ bây giờ lềnh kềnh như đám củi rều trôi ngoài sông Cái mùa nước lên. Nhưng nước lũ to đến đâu cũng không có củi rều trôi ngược. Chỉ có cái gậy thần của Từ Đạo Hạnh đi đánh sư Đại Điên thì mới dựng đứng lên trôi ngược sông Tô Lịch, mà cũng chỉ trôi từ Láng lên Cống Vị thôi. Bây giờ những cái xe lúc nào cũng phát cuồng chạy loạn xạ khắp nơi.
Người nước ngoài thường khen Hà Nội xanh và êm đềm. Hãy nghĩ thêm về những lời nói khen, câu viết khen. Ông ấy chưa đến Hà Nội, thấy cái thành phố này mới vào công nghiệp và thị trường hiện đại chưa rối rít bằng cái thành phố quê ông ấy, hoặc chỉ là câu khen đãi bôi dạo này trông ông khoẻ quá và phở Hà Nội ngon hơn phở gia truyền Nam Định” chứ người châu Âu nếu phải ăn “súp” phở điểm tâm sáng sớm thì còn lâu họ mới quen được. Cũng như khách nước ngoài trước kia ngày Tết cổ truyền của ta họ đều ngán tiếng pháo vì tiếng pháo chẳng khác tiếng súng, nhưng có hỏi cảm tưởng thì các bạn chỉ mỉm cười.
Chao ôi, thương nhớ những cây bằng lăng mùa hạ nở hoa tím thẫm và những rặng liễu thướt tha ven hồ. Bây giờ đương vào mùa hạ, hoa bằng lăng tím ngan ngát thế kia, những cành liễu rủ mơ màng quanh ta, có dở hơi mà đi thương với nhớ, nhưng mà như những người già đi đường mới có thể cảm được nông nỗi, còn sức đâu mà nhìn mà ngắm được nữa, đấy chỉ là tơ tưởng cái đã qua. Chợt nghe chim chích choè vi vút khoan thai từng tiếng đâu đây. Ô hay chim chích choè về giữa thành phố con chim vốn hay nhảy dưới bờ ao buổi chiều. Bỗng dưng nó lạc loài vào nơi đô hội thế này. Trông lên dưới cái mái tôn đầu hè mới biết. Không, đấy là những con chim chích choè mắc bẫy về phải tù trong những chiếc lồng người ta treo bán dưới mái hiên. Con chim chích choè, con cà cuống con khướu mun, khướu bạc má... không biết chúng hót vui hay hót buồn, ai có nghe được tiếng chim thì mới hiểu ra đấy là con chim đương than khóc hay là đương chửi rửa người nhốt nó. Ngồi nhà mà viết loăng quăng như thế này, chứ ra đường thì còn bụng dạ đâu mà để mắt đến cái cây và con chim. Chỉ lo bước nhanh bước chậm và đứng dừng tránh xe đã hết hơi rồi. Lão hoạ sĩ Mai Văn Hiến có một cách vượt qua ngã tư rất đúng luật đi đường. Cụ đứng nghiêm trên bờ hè, hai bàn tay chắp lại rồi giơ thẳng ra trước mặt như sắp nhảy pờ lông dông xuống hồ. Nhưng không, cụ cứ giơ hai tay như thế và từ từ qua đường mặt chăm chắm không cần nhìn hai bên. Đứa nào dám đâm vào cụ Cụ đi sang đường khí thế lắm. Nhưng bây giờ cụ Hiến đã bệnh, chỉ lết được trong nhà, không chắc khi nào còn cần phải bơi cạn sang ngang nữa rồi. Nhà thơ Trần Lê Văn đồng tuế với tôi thì đi đường, sang đường còn khoa học hơn nữa. Anh dắt xe đạp ra phố. Đương nhiên có xe đạp thì đi xe đạp nhưng anh chỉ đạp xe quãng đường nào vắng. Còn chiếc xe đạp kềnh càng, để dùng làm cái lá chắn. Cái xe đạp làm hiệu cho người ta biết có xe có người đương dắt đây, thằng xe máy, thằng ôtô, chúng mày phải lùi lại, hãy tránh ra cho ông đi, mà ông chỉ đi từ từ thôi, chúng mày la hét thế nào mặc kệ, rõ ràng có cái xe đạp, dắt đi cũng qua có vững tâm hơn.
Còn tôi, tôi hèn hơn hai ông có mẹo sáng tạo ra luật đi đường. Có khi tôi đứng cơ hồ cả nửa tiếng mới sang được ngã tư, mà vẫn phải nhớn nhác mắt trước mắt sau. Từ khi các ngã ba ngã năm có đèn xanh đèn đỏ thì ai nấy cũng cảm thấy người đi đường được thành phố tôn trọng và thương người ta hơn trước. Nhưng đôi khi vẫn thót rốn. Ấy là có lúc cả trên hai bên cột đã bật đèn xanh có hình thằng người chạy qua hẳn hoi, thế mà có đứa mất dạy vẫn lao xe chui qua mép đường. Chẳng lẽ cái luật đi đường lại còn có khe hở định giết tôi à? Dù sao, chặp tối hôm ấy chúng tôi lóp ngóp qua giữa các thứ xe rồi chúng tôi cũng đến được cái quán ăn quen. Một ông Trần Lê Văn bữa nay không dắt xe đạp. Một ông Thợ Rèn Phạm Lê Văn, người dẹp đét như con rệp đói, đi ra đường cứ nem nép tựa con cò gặp bão. Vào được đây cả, ngồi ghế có bàn, có chai rượu, thơ văn lại cong cớn lên ria rồi.
Tôi cất tiếng mừng công trước:
- Ấy này các ông ạ, nhiều bài thơ của Nguyễn Bính ngày trước hay ghi nơi viết ở gác Sơn Nam. Có cái gác Trần Huyền Trân trọ trong ngõ Sơn Nam thật. Nhưng không phải Nguyễn Bính đã hoài cổ cái trấn Sơn Nam của hai ông quê Nam Định đâu. Cái phố hẻm Sơn Nam cạnh Cống Trắng ở Khâm Thiên ấy, cả dãy nhà là của triệu phú Bạch Sơn Nam, lão lấy tên lão đặt cho tên ngõ. Như ngõ Tân Hưng là ngõ toàn nhà của cụ Chấn Hưng hàng Bạc đấy.
Biết cả rồi.
Đã nhạt hết những cái hú vía đi đường, câu chuyện miên man sang thơ.
- Này có ông nào nhớ bài thơ Nhạc xuân của Nguyễn Bính khai bút năm Canh Thìn 1940, trong bài có bốn câu kết, mà bây giờ in lại, báo sách nào cũng in sai.
Sai thế nào?
- Huyền Trân ơi! Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi. Giờ đây chín vạn... Không phải thế. Tết năm ấy, Nguyễn Bính có viết bài thơ chữ như rồng bay phượng múa vào một tờ giấy lệnh treo trên tường nhà tôi ở Nghĩa Đô. Những câu kết bài thơ ấy như sau:
Huyền Trân
Huyền Trân
Huyền Trân ơi!
Mùa xuân
Mùa xuân
Mùa xuân rồi.
Mùa xuân chín vạn bông trời nở.
Riêng có tình ta khép lại thôi.
Ông Thợ Rèn tán:
- Tôi cho là ông nhớ đúng. Bài thơ này dài, mạch câu đều bảy chữ. Cả bài câu bảy chữ mà một câu ba chữ mở đầu thì khập khiễng. Thơ Nguyễn Bính cũng đá Nho, không bao giờ chịu hẫng thế, lại còn cái tình nữa, đến đoạn cuối tác giả xuống thang lên thang thảm thiết gào lên nhưng cũng vẫn chỉ trong vòng bảy chữ.
Ông Trần Lê Văn cũng gật gù. Câu chuyện thơ càng làm chúng tôi tạm khuây cái lo đường xá phố phường. Nhưng đôi lúc cứ phảng phất lúc ra về, không biết đương còn vui hay lại nhớn nhác, lo ngay ngáy.


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/