24/2/13

Tập truyện ngắn Tô Hoài (T44-45)

44. Gặp lại

Tôi có việc đến Phnôm Pênh. Thời kỳ 1962 phức tạp, ở Phnôm Pênh có cả hai tòa đại diện ngoại giao miền bắc và miền nam Việt Nam. Gần Sài Gòn quá, nếu lộ tông tích, e xảy ra bất trắc. Phải làm thế nào, nhỡ khi la cà quá xá không ai biết là người ở Hà Nội tới. Bộ đồ mùa thu mới pha len xanh nhạt, túi áo vét cài mảnh khăn trắng nhỏ, bắt chước làm dáng kiểu Sihanuc, thời đó thịnh hành ở Phnôm Pênh.

Tối ấy, chơi sàn nhảy bè nổi Trăng Sáng trên sông Mê Công. Giữa trời nước, giả vẻ thôn dã. ánh điện vụn ra, mờ mờ trăng suông. Từ chỗ này đến chân cầu Chang Va, nhấp nhô, óng ánh những sàn nhảy, những quán ăn trên sóng.

Người ta vừa ăn, vừa nhảy, vừa nằm ngồi rủ rỉ trong những ngăn buồng vách bên sàn. Tôi ngồi một chỗ, nghe sóng ì ọp dưới chân và ngoài kia sáng trăng- trăng giãi lăn tăn như mắt lưới.

Một cô gái nhảy đến ngồi bên. Mụ Tú Bà, chẳng biết người ta hay người Tàu, mặc áo "xường xám" xanh, bước thon thót như con châu chấu ma. Sai phái con em đến với khách, mụ đã sắp cỗ cả.

- Mời anh...

- Không nhảy nhót gì đâu. Cút đi nhé?

Nghe mắng yêu và thấy tôi tợp cả ly rượu mạnh không pha đá, cô gái nhảy tỏ vẻ hiểu rồi.

- Em ngồi với anh vậy.

- Cứ đi, lúc nào nhảy mỏi hẵng lại đây nghỉ chơi.

"Anh đuổi em thật à. Cảm ơn nhé?". Tiếng cảm ơn chưa dứt người đã đi thoảng ra đằng trước. Nó chỉ mong có thế. Nó đã lĩnh tích kê ghép đôi với tôi, giờ lại được đi tìm khách, nhận tích kê tiền lần nữa. Có lẽ chúng nó bảo nhau hay mụ áo xường xám đã khéo để mắt, một cô khác vẫn đến.

- Cho em ngồi hầu anh.

- Cứ việc.

Một lát, không thấy tôi nói gì, nó bảo:

- Cho em đi nhé ?

- Cứ việc!

- Cảm ơn anh yêu.

Nó đi luôn. Nhà hàng đã tính một xuất, lại được đi tìm khách. Lãi quá. Có đứa vừa ló ra, tôi đã hất tay. Nó cười nhoẻn, đi ngay. Lại đứa khác.

Chẳng sao, đàn cá mài mại đến rỉa mồi. Chắc tôi được tiếng chơi sang nhất hội đêm nay rồi.

Cô này khuôn mặt quen như đã gặp ở đâu. Thoáng hiện về như gần mà như xa, dáng dấp một người chết đã lâu. Vong hồn cô Ðạm Tiên nào đêm nay theo nhau đến tận chốn sông nước chân mây này. Tôi im lặng. Cô gái mặt trái xoan nhẹ nhõm. Nếu không gặp ở đây không thể tưởng là một cô gái giăng hoa.

- Sao anh cứ nhìn em thết!

- Xin lỗi em.

- Em mới có lỗi. Không biết anh đến, em mặc dơ thế này thì không phải với anh.

- Chẳng sao.

- Anh đưa em về nhà thay đồ rồi em mới dám ra với anh. Anh lái cho em, em ở gần đây thôi.

- Anh mới bên Singapore sang, chưa mua xe.

Tôi đâu biết Singapore chốn nào! ấy là tôi đã được nghe kinh nghiệm đến Phnôm Pênh tỏ vẻ sành sỏi thì phải nào Casino núi Bokor dưới Kampot, rồi bãi tắm Kép, rồi nơi ăn chơi "Kép nhỏ" trên sông cách đây vài cây, rồi ông Sihanuc mới thuê từ Pháp về trưng bày cả phòng ba bức tranh của danh họa Buffet. Rồi bản ca khúc mới nhất của ông Sihanuc về Phnôm Pênh, rồi... Bấy giờ Singapore sống hoa lệ, Hồng Kông không bén gót. Nói ở Singapore về, làng chơi thèm rỏ rãi, mà gái chơi thì lác mắt. Quả nhiên bài thuốc Singapore nghiệm tức thì, cô gái nhìn tôi, mắt đăm đắm, thuần hơn. Ôi chao, sao mà nhớ ai kia, sao mà nhớ.

- Em ở đây?

- Em mới lên.

- ở Sài Gòn?

Cô gái nhảy mỉm cười, cúi xuống, nhắc ly rượu của tôi, uống một ngụm.

- Em theo người ta di cư vào nam. ở ngoài ấy, em đi nhảy các đồn biên thùy, Tiên Yên ra Hà Cối, Ðầm Hà... Anh biết Hà Cối chứ? Ðến khi tụi Tây vào Sài Gòn, nó hợp đồng đem chúng em đi. Ðược ít lâu, Tây cút về nước, cho rơi luôn, thế là bơ vơ.

- ở Sài Gòn làm ăn còn được.

- Anh chưa biết à? Dưới Sài Gòn nó cấm các "ba" rồi. Anh cũng người ngoài à?

- Bao giờ hết loạn mới được về với mẹ cái hĩm.

- Không che được mắt thánh đâu. Anh ở Hà Nội vào.

- Em đẹp lắm. Em giống một người ngày xưa của anh.

Cô gái lung linh mắt, cười.

- Hay là người ta đấy?

- Người ta chết rồi.

Nhưng cô gái đã khẩn khoản:

- Em có thằng em ở phố Hàng Giày. Hôm nào anh về cho em gửi nó mấy chữ. Ðời em gian truân lắm . . .

Lát sau, tôi về cùng với những ông chủ tiệc đã tha tôi đến đây. Tôi ôm người gái nhảy. Chúng tôi hôn nhau, hôn thật. Nước mắt cô ấy mằn mặn trên môi. Cuộc chia tay phút chốc đâm ra não nùng.

Sài Gòn giải phóng được ít lâu, thành phố vẫn còn ngổn ngang những phân vân, những ngỡ ngàng. Ngày trước tôi đã từng qua lại nên không lạ mắt lắm. Có vài dinh cơ và nhà cao tầng mới còn thì đại để vẫn thế. Ðường xe lửa điện không còn nhưng những cột đèn cột điện từ đầu thế kỷ vẫn đứng như những bộ xương người sụn lưng lọm khọm vì bị chằng chịt cơ man từng nạm dây điện vắt qua. Còn nhận ra nhà hàng Thanh Thế xưa đầu tiên bán kem Nhật và cái tiệm cơm chay vẫn chật chội thế ở trước ga xe lửa Mỹ, cánh cửa và bàn ghế xám xịt mầu nước dưa.

Tôi rỗi rãi, thỉnh thoảng ngồi xích lô rong phố.

Tôi hỏi người đạp xe:

- Quảng Ngãi vô hả?

- Chưa biết Quảng Ngãi ở đâu. Nghe bố con kể quê Quảng Ngãi thôi.

- Làm ăn thế nào?

- Cũng vậy vậy. Bây giờ khó nhiều. Các ông giải phóng không đi xích lô, các ông bảo vì thương người lao động, thế thì chết mẹ con rồi.

Tôi cười ha ha.

Mặc nhiên, cậu xích lô đời bố quê Quảng Ngãi ấy với cái ông Bắc di cư dởm cứ chuyện với lên với xuống thoải mái râm ran cả đường. Tôi hẹn cậu ấy vài hôm lại đến Thanh Ða gọi tôi đi dạo một vài cuốc. Ðôi khi, ghé quán làm chầu bia 3 con 3 còm. Tôi rủ, nhưng cậu xích lô không dám vào. Chắc e ngại có thật ông này dân di cư hay thế nào.

ở đường Ðồng Khánh, ở chợ Ðũi, chợ An Ðông, những tiệm nhảy, những nhà hàng đều còn đóng cửa nghe ngóng. Mấy quán bia tạm bợ lấp ló quầng ánh đèn không hắt sáng ra đến vỉa hè.

Quán ấy ở chợ An Ðông. Trong tôi có cái chán chường, chán mà vẫn đi, đi chơi kiểu lấp sổ như thế. Bia chai con hổ, con báo hay con ba ba, lờ mờ quá, nhưng mỗi khách vào thì cứ tự nhiên, một cô em đến bên cạnh, nửa đùa nửa thật làm quen.

- Anh cho em uống với.

- "Con hổ" nhé.

- Dạ.

Cô ấy đã bưng ra chai bia và ly trà đá. Cung cách thế biết là đi làm quán bia không công, chỉ ăn vào khách. Chốc nữa, những ly trà rồi tính với chủ thành một chai, hai chai, ba chai... Cũng như cái tích kê vào "ba" ở Phnôm Pênh ấy mà.

Ô hay, tôi lại thấy cái cô gái nhảy ở Phnôm Pênh tối năm trước bảo là có cậu em ở phố Hàng Giày. Cô đến ngồi với tôi. Tôi vẫn nhớ, mà tôi cũng đã quên rồi. Cái khuôn mặt hao hao ai ở tuổi mười tám đôi mươi dường như chỉ tưởng ra thế. Cho được ngậm ngùi thôi.

Hơn mười năm rồi, cô ấy bây giờ ốm hom hem, mặt phấn nhưng cái cổ để mộc, ngẳng lại, nổi vằn mấy đường gân xanh. Mùi nước hoa, xà phòng thơm không át được hơi thở tanh tanh. Ðêm xưa, cái hôn nước mắt trào xuống, chứ không phải người này.

- Anh mới vô?

- Bên Ða Kao thôi .

- Em cũng ở Ða Kao.

-Người như cua bò biết sao hết.- Rồi tôi hỏi trống không.

- Di cư à?

Cô gái buông một tiếng nhạt thếch.

- Không.

Chuyện tỉ tê, lông bông lăng nhăng. Cô không nhận ra tôi. Khách làng chơi, làm sao nhớ được. Thế cũng nhẹ mình.

Mấy năm sau, đôi ba khi lại vào Sài Gòn. Nhưng không nghĩ đến chợ An Ðông. Cũng thường chơi nhởi vậy mà ít đi ăn. Món ăn Bắc ở đây tuy được chuộng nhưng quà Bắc sai vị Bắc, đâm ngán. Thịt rựa mận phải có da có mỡ, đằng này là đĩa xương rựa mận, nước lợ như đường.

Những ngày cuối thu miền bắc hình như cũng làm cho trời đất phương nam dịu đi. Gió hây hẩy, những đốm lá me vàng rụng lăn tăn. Mát mẻ đôi chút, hay nghĩ đến thịt chó. Chúng tôi đi quán thịt chó Huế ở Lăng Ông- có người mách quán ấy cũng như quán bà cô đầu già ở hẻm đường xe lửa gần chợ Ðũi, những nơi còn ăn được. Nhưng thịt chó Ba La, Phủ Lỗ chứ, sao lại Huế? Chậc, thì cứ đi xem nào.

Chữ "Thịt chó Huế" sơn vào mảnh tôn treo bên gốc cây me cổ thụ, trước cái lều vách tôn, mái tôn, lá me rụng xuống đã bao nhiêu năm, dày kệp, mục đen như những mái rạ thời nào ở các làng miền bắc. Cơ chừng mà rúc vào cái hang cái hốc này chén món cẩu nhục có khi lại hay.

Nhưng những cái trước mắt đã làm cho chúng tôi ỉu dần. Hai chiếc bàn trống hốc. Bếp núc đằng sau vách, thấy làn khói than đước lên xanh len lét. Dưới gầm tấm ván bên, có đến ba bốn nhóc lầm lụi chui ra. Không biết chúng rúc vào nghịch hay ngủ trong ấy. Toàn con gái, ba đứa, bốn đứa, đứa nào cũng tóc xoăn xù, có đứa da đen nhẻm. Chưa hết, đằng sau nhà, tiếng búa, tiếng dao lạch xạch chặt củi, đụng vào vách tôn, kêu kênh kênh. Có tiếng người đàn bà đương rít lên, rủa: "Chúng bay chết đi! Chết hết đi!".

Biết có khách, bặt im. Một người đàn bà bước ra, tay còn cầm cái roi lò ô. Chao ôi, lại người ấy, vẫn người ấy. Ðời người ta, nhiều sự đã qua không nghĩ đến thì nó cứ trở lại như những ám ảnh không dứt ra được. Nàng đã tã lắm, lão lắm, không còn chút nào hao hao giống ai, mặt trễ xuống, má hõm lồi lõm, mớ tóc phi dê lờ phờ.

Người đàn bà đon đả:

- Chào các ông, mời các ông.

- Ðã bán mở hàng chưa?

- Vắng hả? Hôm này rằm. Chỉ có khách tri âm, tri kỷ, khách nghiền mới đến thôi.

- à...

- Thịt chó Huế có gì hay nào?

- Hay lắm. Các nơi khác thì chỉ bảy món, ở đây mười bốn món ạ, thứ thiệt. Chính gốc chứ không phải giả cầy như các ông bắc leo cây đâu. Các ông ngồi, mời...

Câu nói dài dòng tưởng không thể chắp nối kịp về con người, cuộc đời với giọng kể lể. Có thể coi như câu chuyện làm quà, để đưa đẩy, để bán hàng, để lấy cái kiếm sống, biết thế nào. Lúc thì bảo là ở Hà Nội, lúc thì di cư, lúc thì quê đẩu đâu, cái mà tôi trông thấy từ năm là gái nhảy ở sàng bè Trăng Sáng bên Nam Vang, rồi cô bia ôm chợ An Ðông, rồi bao nhiêu năm sau, lăn lóc đến quán thịt chó Huế mười bốn món này. Trước mặt đây, một lũ lĩ con gái, đứa da nhờ, đứa đen bóng, lêu đêu, tóc xoăn tít. Ðằng sau con người ấy, còn gì nữa?

Chỉ một thoáng đã lần lượt bày biện các thức ra đủ. Thế mà khoái mắt, người xơi thịt cày thích ăn uống trật tự, quy củ món trước món sau. Lũ trẻ con lốc nhốc ấy mà được việc. Bưng bê từng món, hơn cả món chó Hà Nội bây giờ xô bồ, khách vừa gọi đã lia ra cả thực đơn, chưa có đĩa bún, đã ngốt mắt bát rựa mận, đúng rựa mận. Mỡ và bì tiết ra một thứ nước sền sệt mầu mận chín quánh như mỡ. Bát sáo bốc mùi xương hầm, không ngọt lợ nước dừa. Ðích thị tay nghề thịt chó Cầu Ðơ Hà Ðông. Chứ kiểu cách nơi khác làm thế nào được. Sáo này thế là xài tốt, vậy cũng chưa vắng người thiện nghệ, người sành. Cái ngày rằm chén thịt nặng thì xúi quẩy, thế mà vẫn có khách tới ngồi bàn bên. Hai ba con chó dự trữ lục đục gặm xương dưới gầm nhà, gầm phản. Lũ trẻ con - mấy đứa bé nhất đã ngồi lên ván từ lúc nào, trố mắt hau háu nhìn sang khách như thèm ăn, như xem vô tuyến, còn hai nhóc đứng trực cửa bếp, chuyển món vào. Lúc đã bưng đến bát sáo và đĩa bún, thế là xong, mấy mẹ con cùng bước ra.

Tôi bảo:

- Ngồi uống vui với bọn này. Chẳng mấy khi...

Chị ngồi vào ngay. Tôi hỏi:

- Uống tối chứ?

Vẫn nhớ đêm ở sàn nhảy trên sông Mê Công cô đã uống chung với tôi ly "uých ky xếch". Cái hôn nóng nhày nhụa. Tôi cảm tưởng môi cô ấy thế. Nhưng mà môi nào chứ không thể cái môi trễ của mụ gà rù rúm ró này. Sàn nhảy bóng nhoáng khác cái cũi chó, cho nên nhớ mà như không, tội thế.

Tôi nói :

- Thịt chó này được.

- Ba tôi truyền nghề đó.

- Rựa mận kiểu bắc.

- ông làm như quê ông cái gì cũng nhất. Còn khuya!

Hai con mắt mu bào húp híp chằm chằm nhìn tôi.

Cái tối hôm ở Singapore về, "pôxét" cài "mùi xoa" trắng mốt mới, nhớ không? So với bây giờ thì người ấy đã tã đã gà rù lắm, gà rù lắm rồi, không nhất nữa đâu, đừng có vênh. Tôi lặng người như nghe ai chửi rủa ở đâu. Làm vẻ quên đi, quên rồi, nhưng mà cái câu rỉa rói "gà toi, gà rù, gà tã" mà tôi vừa thầm nghĩ về nó, bây giờ nó quăng độp cả vào mặt tôi, tím mặt tôi. Không còn "như con bướm lượn vành mà chơi" đâu nhé, tôi ơi là tôi ơi. ấy con người có thói thường ít tự biết.

Một chiếc xích lô lọc cọc nhô vào đỗ dưới gốc me ngoài cửa. Thình lình thằng bé xích lô quê Quảng Ngãi nhô vào. Nó nhìn tôi, nó reo lên:

- Chào bác, bác đến...

Một ông bạn cầm chén, hướng vào tôi:

- Nhận con, mày nhận con mày đi. Cái thằng này bạc như vôi. Ngủ với người ta rồi quên. Hề, hề, hề... Mày đã nghe hết mẹ mày xỉ vả ba mày về cái tội lòng thòng. Ðích đáng, đích đáng. Mời các ông, mời bà, mày nữa, một chén tái hồi Kim Trọng nào.

Thằng bé xích lô ngẩn mặt nghe giọng ông say lè nhè. Tôi thấy nước mắt người đàn bà lã chã. Bỗng nghe văng vẳng cái câu năm xưa: "Ðời em gian truân lắm" như vừa nói vừa khóc. Tôi tưởng là quả thật tôi đã có ăn nằm với người ta. Chén rượu Hóc Môn hẳn hoi mà sao vị nó cài cài không đậm như mọi khi.

10-1995

45. Gia truyền, cổ truyền, đặc sản

Tối 19-4, khi mới trở về Hà Nội, tôi hay la cà đi tìm lại người quen và vài người bạn cùng lứa tuổi. Tôi đến nhà người bạn ở cuối phố gần chợ Đuổi. Cùng đi với Nguyên Hồng. Tới cửa, Nguyên Hồng nhìn vào rồi hỏi tôi:
- Mày quen thằng bồi tiêm này ở tiệm hút nào đấy?
Tôi cười: “Bạn cũ thôi. Không phải nó nghiện đâu” Nguyên Hồng không vào, anh sang ngồi chờ tôi ở quán nước chè tươi bờ hè bên kia. Tôi bảo nó không nghiện cũng như Nguyên Hồng đoán nó nghiện, cũng là trông mặt bắt hình dong, bởi vì trước kia thằng này cũng gầy quắt queo, nước da mai mái như thằng bồi tiêm chuyên hút sái thuốc của khách bỏ lại.


Tôi quen nó từ khi tôi còn ở làng. Nó là con một bác làm đề lại trong phủ lỵ. Bố làm “lại” là thầy cò, dắt mối kiện cáo. Nó thì làm “nho”, chuyên luẩn quẩn quanh công đường, hóng người có việc vào cửa quan viết đơn thuê, ngày cũng kiếm được dăm ba hào. Tôi không biết nó lúc làm “nho” cửa phủ, mà đến khi nó làm thơ và biết tội có viết văn viết báo, nó tìm tôi làm quen. Ngẩng lên trước nhà, thấy treo cái bảng: “Vân Vân Tử xem tướng tay phương pháp Ấn Độ. 5 đồng một quẻ”.


Bên dưới có cái bảng nứa sơn hàng chữ: Lớp dạy làm thơ. Có nhiều thi sĩ danh tiếng đến giảng. Cam đoan ba tháng làm được thơ đăng báo. 15 đồng một khoá (đóng tiền trước)
Nó nhớ ra tôi ngay.
Tôi hỏi đùa:
- Xem bói và dạy làm thơ việc nào kiếm được hơn?
Biết tẩy nhau từ thời trứng nước rồi, chúng tôi trò chuyện hể hả. Nó nói:
- Việc nào cũng cần thiết. Ấy thế mà nghề bói lại ra tiền hơn nghề thơ.


Nó cho tôi biết ở trong Hà Nội nó làm thơ, ký là thi sĩ Tiên ông, năm ngoái mới in tập thơ Đại Dương Kình hay “kềnh”, tôi không hiểu nghĩa là gì. Tháng sau, tôi lại đi qua phố ấy. Thấy ngoài cửa đã bỏ cái bảng dạy làm thơ. Cái bảng “Xem tướng tay” vẫn nguyên thế với tên của thầy tướng Vân Vân Tử, nhưng sơn đổi một dòng: Xem tướng tay phương pháp học được ở bên nước Tích Lan Tây Trúc...


Tôi bước vào. Người tiếp tôi không phải là nó mà là cái ông to béo, lần trước đến tôi đã gặp. Ông là người thuê cái buồng liền với nhà ngoài. Ông to béo nói:
- Sừ ấy đi rồi.
Rồi kể: ông ấy xuống Hải Phòng đi tàu há mồm vào Nam.
Tôi hỏi nqra đùa nửa thực:
- Ông dọn ra nhà ngoài theo đuổi nghề Vân Vân Tử?
Ông to béo cũng cười, nhưng cãi:
- Sừ ấy học nghề tôi thì có.
Làm thế nào biết được ai học ai. Có lẽ đoán được vẻ mặt dửng dưng của tôi, lão nói:
- Cho biết tài nhé. Sừ đưa tay đây moa xem. Tay phải.
Tôi ngửa bàn tay phải cho lão ngắm nghía. Rồi lão thong thả phán từng câu:
- Có tướng lên xe xuống ngựa đây. Nhưng là có tiếng hơn là có tiền. Mười năm nữa có cái hạn to. Biết trước thế này thì có thể tránh được.
Tôi trả tiền ông. Ông không lấy, và nói: “Xin nhờ sừ quảng cáo hộ mấy chữ lên báo”.


Tôi băn khoăn không biết anh bạn tôi hay lão này là Vân Vân Tử, nhưng khi ra về tôi cũng quên ngay. Bây giờ lắm nhà làm ăn cũng mưu mẹo một cách ác ôn thế này. Chủ nhà ngoài hay nhà hàng xóm đi Nam nếu trước đây làm ăn khá thì chủ nhà trong ra ở, hay nhà hàng xóm sang trương bảng tên cửa hiệu và buôn bán y chang nhà ấy. Hàng bánh giò trước cổng công ty nhà Đờ Măng ở gần Cửa Nam không còn. Nhưng một hàng nước cũng ở chỗ gốc bàng ấy gắn cái bảng: ở đây bán bánh giò Đờ Măng. Dưới Hải Dương có một hiệu bánh đậu xanh ngon ở Hà Nội có một hàng bánh cốm có tiếng. Bây giờ cả trong phố và ngoài bến xe Hải Dương vô khối nhà làm và bán bánh đậu xanh, và hai bên dốc hàng Than ở đây mọc ra hàng chục hàng bánh cốm tên hiệu ghé gẩm chữ Ninh bánh cốm) hoặc ở Hải Dương thì vẽ con rồng vàng bánh đậu xanh) có ghi chú đầy đủ... gia truyền năm đời... cổ truyền ba đời...


Sự lập lờ gia truyền này có gốc gác ra đời từ thời tôi gặp thằng thày tướng Vân Vân Tử kiêm thi sĩ Tiên ông và lão béo nhà trong ra nối nghiệp xem bói khi Vân Vân Tử đi Nam.


Những sự lừa bịp ấy vào thời buổi này vẫn thời sự lại còn múa may biến hoá khôn lường. Lâu lâu tôi mới lại đi qua cái phố ấy gần chợ Đuổi. Trông thấy ở của nhà ông bạn cũ của tôi treo cái bảng to dài ngang gian nhà sơn chữ đỏ: Phở Tôn Nam Định gia truyền. Kính mời quý khách. Tôi đã biết phở gia truyền chỉ là các người bán phở gánh hay làm thuê chứ phở gốc là “ngưu nhục phần” (thịt bò, bánh) của người Trung Quốc đem sang. Khi tôi còn nhỏ, gánh phở lên đến chợ Bưởi còn là “phở tân thời” cho nên làm gì có gia truyền, có năm đời phở. Tôi cũng tò mò vào xem cái ông coi tướng tay đã đổi nghề mở hiệu phở. Nhưng anh chủ hiệu còn trẻ lễ phép nói:
- Thưa ông, bố cháu về quê rồi.
Tôi không hỏi lại anh ấy, về quê là về quê hay ông ấy đã chết. Tôi hỏi thân mật:
- Ngày trước ông cụ nhà cậu xem bói tướng tay cơ mà, đã bói cho tớ, gia truyền gì cái phở...
Anh trẻ tuổi cười ha ha, tay giơ lên, rồi xòe ngón tay ra như đương to tiếng tranh luận:
- Ông có biết hiệu chả cá Lã Vọng không? Chả cá là món riêng của nhà người ta để ăn chơi. Nhiều người khen ngon, rồi mới ra cửa hiệu. Sách đã nói thế, ông biết không? Phở nhà cháu cũng như chả cá Lã Vọng, còn bằng mấy chả cá Lã Vọng. Đời các cụ nhà cháu làm phở, để trong nhà thưởng thức vào dịp tết nhất Bây giờ đến thời cơ bung ra thì con cái phải mở mang giới thiệu cho trong nước ngoài nước biết món đặc sản dân tộc của gia đình. Khách Tây vào hàng tôi đông lắm, ông biết không? Ý nghĩa khoa học quan trọng cả đấy, có phải không nào?


Anh nói luyến thoắng, thao thao, đệm những câu bình, những câu hỏi: có biết không, có phải không, có đúng không, đúng chứ, đúng không nào... làm cho tôi chỉ ngồi nghe mà cũng gật gưỡng, mệt mỏi xiêu xiêu ngỡ như anh ta nói có lý, nói phải cũng nên. Biết không? Biết không? Anh mời tôi ăn một bát phở bò tái mỡ - không làm tái nạm, anh bảo “Nạm là cái gân chứ cái quái gì, chỉ bịp nhau cả” rồi bưng ra bát phở đầy ú ụ Cũng như mọi hàng phở đều làm bán phở thay cơm “cơm phở”, chứ bây giờ không còn là quà phở nhẹ nhàng, thanh cảnh nữa. Ăn xong, tôi hỏi, anh bảo xin ông năm đồng và tôi trả tiền, anh cầm tự nhiên.


Ở Hà Nội, cái năm tôi mới khoảng lên mười, ngoài phố thỉnh thoảng mới gặp một hàng phở gánh. Ở các chợ Mơ, chợ Bưởi ngoại ô còn lạ lờ gọi phở là quà tân thời. Và chỉ có phở gánh, chưa đâu có hiệu phở. Thằng phở Tốn gia truyền, cổ truyền Nam Định này chắc chắn chỉ từ cái nghề xem tướng tay học lỏm của bố nó mà ra. May quá, không thấy nó lại treo cái bảng gia truyền nghề dạy làm thơ. Tôi thầm nói lỡm lờ thôi chứ từ thời thằng bố nó đã vứt cái bảng dạy làm thơ của thi sĩ Tiên ông đi rồi. Vả chăng, kể cả cái thời Tiên ông quảng cáo trên báo về cái lớp dạy làm thơ cũng chẳng có ma nào đến ghi tên học. Nghề thơ văn của chúng tôi, tiếng tăm chẳng đi đến đâu, cái miếng thì cũng không ra gì, ai dây vào cho rách việc.


Bây giờ nói về hai chữ “đặc sản” cứ thấy viết, thấy sơn nhan nhản ở các nhà hàng và đăng trên báo. Tôi hãy kể về Hà Nội ngày trước đã, để soi cái gương sáng gương mờ với bây giờ xem sao. Tất nhiên, thuở ấy, Hà Nội bé tẻo teo với dân số đôi ba vạn người, chẳng nhiều hàng quán như bây giờ, nhưng cũng có những nơi ăn uống quen thuộc, phân minh như thịt chó Hàng Đồng, Hàng Lược, chim quay đầu Hàng Gai, nem Sài Gòn và tái lăn Hàng Quạt, ở đình Hàng Vải Thâm, các cao lâu Tàu ở Hàng Buồm... Những nơi ấy được tiếng vì có món ăn hấp dẫn, đấy là cái tiếng tự nhiên, có khéo có ngon thì khách mới đồn rủ nhau đến nhưng không có nhà hàng nào ngô nghê vỗ ngực tự xưng là quán “đặc sản”, vẽ vời quảng cáo một tấc đến giời khoe loạn lên như bây giờ.


Những cái trò vè này cũng có nguồn gốc cả, cứ như tôi mắt thấy tai nghe thì dường như nó cũng lại được đẻ đái nảy nở từ cái thời ông thầy tướng thầy bói Vân Vân Tử và thi sĩ Tiên ông bạn tôi có tập thơ Đại Dương Kình mà ra.

(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/