24/2/13

Tập truyện ngắn Tô Hoài (T46-47)

46. Giấc mộng ông thợ dìu

Chuyện đoạn này chưa phải là chuyện giấc mộng.
Cách đây hơn bốn mươi năm. lần ấy tôi đi công tác ở Campuchia. Tối nào các vị chủ cũng đưa khách ra nhà hàng, chè chén xong kéo nhau xuống sàn nhẩy trên cái bè nổi bên sông Mêkông. Chẳng phải vì các ông chủ muốn làm đẹp lòng khách mà bởi lẽ khách ba chủ nhà bốn, có một khách thì cả mười ông chủ mới mượm cớ chè chén tiền chùa.
Đêm nào cũng dập dềnh trên mặt nước. Một cô gái nhảy đến ngồi vào bàn tôi. Cô mời:
- Anh ra đi với em vài pa.
Những cô gái nhảy đều là người Bắc dưới Sài Gòn lên. Ở dưới đó các sàn nhảy bị đóng của. Gái già Trần Lệ Xuân nhảy đã tả tơi cả người rồi lại hô hào chấn hưng phong tục, xúi lão Diệm cấm nhảy, thế là các ả này phải dạt lên đây kiếm cơm.
Cô gái cười cười:
- Sàn đây rung lắm, em đưa anh mấy bước mới quen được. Anh biết nhảy chứ?
Một lần ở Lêningrat, một cô gái Nga đã dạy tôi: chỉ cần cần bước không dẫm vào chân người ta thế là biết nhảy. Tôi bảo ả gái nhảy:
- Biết chứ không dẫm chân người khác...
Ả mời tôi ra sàn, thì thào:
- Không dẫm chân em đừng thúc đầu gối lên bẹn em, thế là nhảy giỏi rồi.
Rồi sau tôi có cảm tưởng tôi biết nhảy, nhảy kền là đằng khác. Nhưng cũng chỉ đến Trung Á, đến Mông Cổ, đôi khi đã lâng lâng mới dám ti toe. Có Platon người Nga đi dịch cho tôi, Platon uốn lượn dẻo như múa. Platon bằng tuổi tôi, tôi bảo Platon:
- Ở Việt Nam người ta thường hỏi tuổi để đoán người. Mày với tao tuổi khỉ, chân tay vờn nhẹ nhàng nhỉ con khỉ.
Thế là tôi chẳng cần biết bài gì điệu gì, kèn trống đàn sáo ra sao, tôi nhảy theo miếng võ không dẫm chân người ta, không thúc lên bẹn người ta!
Ô hay, chứ sao, thế giới đã chăng có nhạc sĩ nổi danh chỉ hát cho người khác ghi nhạc và chú thần đồng Trần Đăng Khoa thì đã viết ra thơ từ khi chú chưa biết làm thơ đấy sao!
***
Câu chuyện đến đây thì tỏi đã như mê ngủ, tôi nằm chiêm bao.
Thời buổi này có những chuyện chẳng đâu vào đâu mà ngon ăn. Đọc báo Công an Sài Gòn, thấy ông phóng viên gọi cái tên thợ dìu thật là hay, sáng tạo cực kỳ. Thợ dìu là cái trò dạy nhảy đầm, gọi là ông dìu dắt thì lại nghiêm mà không hẳn đúng việc, chỉ dùng một chữ dìu thì vừa, lại lắm nghĩa đen nghĩa mờ. (Dạ đánh quần vợt cũng là nghề đương đắt khách, giúp cho người ta bớt mỡ, nhưng tên gọi nghề này chưa có chữ hay nhủ thợ dìu). Tôi đương đi thơ thẩn quanh hồ Thiền Quang, lấp lánh nhà hàng, tiệm nhảy một góc sáng đèn, trưng cái bảng to tướng có chữ Ha le cờ-lớp. Trời, con cháu mình sống trong đất nước độc lập mới hơn nữa thế kỷ mà đã nhãng ca sự tích những nông nỗi đau khổ. Cái thằng thực dân đốc lý Halais ngày trước ngồi lên đầu ông bà ta ở thành phố này đã bị xoá đi đã lâu lắm rồi, lại ở Sài Gòn: ở Đà Lạt bây giờ mọc ra những tên nhà hàng Tonkin (Bắc Kỳ), Indochine (Đông Dương, Đông Pháp) - những cái tên tủi nhục thòi mất nước. Thôi, nhớ những chuyện này thì buồn, mà tôi thì hình như đang muốn vui. Cái cảm tưởng tôi đương có thể là, tôi vẫn là thợ dìu: tôi vừa trông thấy ánh đèn lóng lánh ông thợ dìu ngày xưa lại trở về ám ảnh tôi, lạ không. Phải, tôi đã từng nhảy, tôi biết nhảy.
Tôi bước vào ánh điện xanh đỏ rối mắt. Trong ấy người đông như nêm cói. Con mắt “nghề nghiệp” của tôi cũng phải thất kinh. Thế kia thì giẫm vào chân người cặp đôi, giẫm cả vào chân người xung quanh nữa.
Một cô gái váy hồng, môi tím bước ra.
- Bố ơi! Bố đi tìm cậu cả nhà bố hả?
Tôi gật gù vẻ chịu chơi:
- Tao thợ dìu đấy chứ.
Cô gái liến thoắng:
- Thế thì thôi, chín giờ sáng mai bố đến với các ông các bà tập dìu nhau. Bây giờ chỉ có chơi thôi. Bố trông người ta nhảy có loạn hơn thời các bố không?
Tôi ngồi vào cái bàn trống góc ngoài.
- Bố uống gì?
Chắc là ả này vừa làm “hối théng” vừa quản gia.
- Cho tao cốc Fanta.
Ả nói năng một cách lễ phép ỡm ờ, đã khiến tôi hoá ra ngay là cụ chuột nhắt mà nó là con mèo cái, con mèo vờn lão chuột nhắt lử lả gần chết. Lại còn nói:
- Bố vào ôn lại vài pa xem thế nào.
Thế là ả xốc ngay tôi đứng lên. Quả là dữ tợn quá. Cả một sàn người cứ hò hét thụi nhau, đạp nhau, vật nhau chẳng thấy nhảy nhót gì cả. Tôi hắt hơi, nghẹn cổ, ngạt thở. Ả lại lôi tôi ra từ lúc nào. Tôi cố mím môi cười:
- Tao sắp chết đây, biết không.
- Em phải nắm vai bố mới kéo bố ra được đấy, chứ bố mà ngã xuống, chúng nó xéo lên thì bố chết thật. Bây giờ bố chuồn thôi.
Rồi ả nói lem lém:
- Để em tính tiền đã. 50 ngàn đồng công em làm thợ dìu. 20 ngàn cốc Fanta (mà tôi chưa uống ngụm nào). Cốc bố bao em là cốc nước lã, em không tính em biếu bố. Cả thảy bảy mươi ngàn đồng.
- Tao dìu mày đấy chứ?
- Thôi thôi, trong túi bố có bao nhiêu thì bỏ ra. Đương vội đây.
Tôi vừa giơ ra tờ hai mươi ngàn đồng, ả giựt lấy lườm một cái rồi quay phắt vào.
Tôi ngước mắt. Tôi bỗng lại thấy tôi đương lững thững ngoài bờ hồ. Từ lúc ấy, tôi nghĩ mãi mà không nhớ đã có khi nào tôi đi tìm ông thợ dìu, có phải không?

(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)

47. Hoa bìm biển

Ông Thái sắp vào Sài Gòn. Những năm mới nghỉ hưu, ông Thái cũng hay đi. Khi Hải Phòng, khi Nam Định. Hồi ấy các quốc doanh, các loại hợp tác xã mở tới tấp người ta cần đến nghề kế toán, tài vụ của ông. Tay nghề đã ngồi xó của ông Thái đâm ra còn dùng được. Lắm nơi sổ sách chồng chất, vài ba tháng lại tìm nhờ ông. Nào quyết toán, nào dự chi, những con số ma.

Ông Thái cũng chưa được vào Nam lần nào, từ khi thống nhất. Ông Thái chưa trông tận mắt cái máy bay bao giờ.

Nhưng làm như đã quen, rất thường. Ông Thái nói: "Trong Nam người ta thoáng lắm. Máy bay hay tàu hỏa thì ăn nhằm vào đâu!".

Ông Thái nói hách thế, nhưng cũng không gợi ai tò mò. Ông Thái nói, ông Thái đi đâu cũng chẳng khác ông ngồi ở cái cửa sổ tầng bốn, cả ngày đăm đăm ngóng ra.

Ông Thái đi Sài Gòn. Viết thế này, còn có thể đọc được, nhưng ngồi nghe ông kể, chắc chẳng ai tin. Một hôm, ông Thái nhận ra ngay thư của người con gái bốn mươi lăm năm trước, tên là Vân.

"Kính gởi ông Thới... Tôi có một người bạn thân kể là ngày xưa quen ông. Bạn tôi có ý tìm ông từ khi mới giải phóng, có nhiều người kháng chiến về Sài Gòn. Nhưng không biết hỏi ai. Rồi cũng lại ngại, bởi vì đã bao nhiêu nước chảy qua cầu, cây đa bến cũ chẳng còn như xưa. éã quên đi, nhưng rồi lại mong. Vậy cận trạng ông ra sao, gia đình khang an thế nào...".

Chữ ký loằng ngoằng cuối thư. Đàn bà là chúa hay vô ý. Ngày ấy, chỉ Vân gọi mình là Thới. "Muốn lấy vợ Nam Kỳ phải kêu là Thới. Thái, Thái nghe kỳ muốn chết". Thì còn "người bạn thân" nào nữa. Hay là sợ quên nhau, nhắc khéo. Ôi chao!

Ông Thái trả lời, đề thẳng kính gửi bà Huỳnh Thị Vân. Rồi nhận được một thư dài, giấy xanh, khổ giấy như trước kia. Trong thư, Vân nói mừng lắm, mừng anh vẫn nhớ chữ em. Ông Thái buồn cười vì cô ấy vờ như đánh tam cúc lại để hở bài cho người ta xem.

Rồi thư từ qua lại, hai người kể hoàn cảnh của nhau. Bà Vân lấy chồng người Ấn Độ, có cửa hiệu tơ lụa. Sau khi Tây thua ở éiện Biên Phủ, vợ chồng rời Sài Gòn, nhưng không về Bombay, mà sang Mỹ. Bốn đứa con đều có chồng, có vợ, ở riêng cả. Chồng bà mất đã lâu.

Bà Vân gửi ảnh cho ông Thái và bảo ông cho bà một cái mới chụp. Ông Thái đã không thể nhận ra bà nếu không có dòng chữ đề tặng. Trong hình, một bà già tóc cúp ngắn chấm tai - mốt của các bà đứng tuổi ở châu Âu bây giờ. ờ, mình bảy mươi ba thì Vân bảy mươi mốt rồi. "Em phải uống thuốc tiêu mỡ. Tụt cân nhiều đấy. Nay còn 92". Cái cô Vân học trò trường bà sơ Bồ Câu Trắng ở Sài Gòn, ngày xưa mảnh mai như liễu, tớ nhấc bổng lên được cơ mà.

Cụ Thái lặng lẽ đốt cái ảnh. Cụ cũng không gửi ảnh của cụ. Không phải vì cụ bà hay con cháu tọc mạch. Mà cái ảnh bà Vân kia lạnh ngắt, chẳng một nét nào bận đến cụ.

Một ngày kia, ông Thái nhận được một lá thư rất hay của bà Vân. Thế nào mà cái ông lão hàng ngày ngồi rù rù, người trong nhà đã quen mắt, như nhìn chỗ để xe đạp, cái ghế, cái tủ thuốc. Nhưng ông lão tự thấy khác. Ông thấy ông vẫn sống, mà sống có lửa, ngọn lửa tình đương bốc trong ông. Thư bà Vân hẹn ông tháng ấy ngày ấy ông vào Sài Gòn gặp bà. Cái hẹn còn xa, nhưng đích xác là ngày tháng thế.

Và tấm ngân phiếu bà Vân gửi cũng khiến ông nghĩ. Số tiền đủ mua một vé máy bay khứ hồi. Bà ấy gửi vừa khẳm. Thế này là thế nào? Thế nào nữa, bà ấy tặng mình tiền tàu xe. Ta là cán bộ, theo kháng chiến cả đời đến tóc rụng, răng rụng rồi, chứ mình đâu phải người nhà người ta ngồi hóng của.

Đánh giá nhau hay lắm, phải lắm. Nhưng ông Thái cũng không nghĩ thế được lâu. Giá bà ấy cứ gửi nhiều nhiều một chút cũng hay... Không được, thế là coi nhau chẳng ra gì. Bà ấy trọng mình, phải trọng mình chứ.

Chuyện ông đi kháng chiến kể ra cũng vừa bình thường, lại cũng khúc khuỷu như mối tình này. Nếu ngày ấy quân Nhật không chiếm Đông Dương, tàu hỏa vẫn thông thương bắc nam, có khi ông đã lấy bà ấy rồi cũng nên. Nói "có khi", bởi hai người chỉ là trai gái lứa tuổi không dưng gặp nhau. Vân ở Sa Đéc, nhà gửi lên Sài Gòn học. Thái làm công nhật cho một hiệu thuốc hoa liễu với các thứ cao đan hoàn tán ở Hà Nội chuyên đi quảng cáo và tính sổ cho đại lý các tỉnh.

Khi bắt đầu kháng chiến, ông Thái đương làm kế toán cho một hãng bảo hiểm nhân thọ ở Hải Phòng. Ông có việc lên Hà Nội. Đêm ấy nổ súng. Thế là nghẽn lại. Vợ ông và đứa con trai bị kẹt dưới Hải Phòng. Ông theo người ta tản cư ra vùng tự do, rồi vào làm cơ quan, vẫn nghề kế toán. éến tuổi, ông về hưu. Thằng con đỗ kỹ sư đã đi làm. Nó hay nói đùa láo lếu như nhiều người bây giờ: "Giá ngày ấy bố bị Tây bắt đi tù ít lâu, có phải đã làm quan to, lương hưu khá hơn không". Ông không thèm nói lại. Bây giờ và trước kia khác nhau lắm. Khác nhau cả cách nhìn cái ghế. Mà ông thì già rồi. Cháu ông mua về bốn chiếc ghế đẩu. Ông nhận ngay ra là gỗ nhội, đồ dởm. Dạo cơ quan tránh máy bay Mỹ sơ tán về Bùng, ông thấy người làng đi vác về những cây nhội mới hạ ở đường Sơn Tây mở rộng, đem ném xuống ao ngâm. Vài hôm, vớt lên cưa từng khoanh rồi đẽo thành thớt, đánh bóng đỏ sẫm. Mấy ngày áp tết quảy ra bán ngoài phố - tết nhất, nhiều nhà sắm cái thớt mới. Vô ý vớ phải cái thớt gỗ tươi ấy chỉ thái mạnh vài nhát dao, đã toác. Trông cái gỗ bủng nước, biết ngay. Nhưng thằng cháu ông cười như reo lên: "Không cần gỗ lim, gỗ lát. Chỉ cần kiểu mô đéc, giường Đức, ghế Nhật, hỏng thì mua cái khác, mốt khác. Thời buổi gấp gáp, ông ạ".

Có lẽ chúng nó phải. Người cao tuổi như mình, bàn chân cũng khô đét, giày dép thôi cả long đinh, há mõm. áo sơ mi, bao nhiêu năm nay chẳng phải may sắm. Không biết ngoài cửa sổ, các ve cổ áo sơ mi đã to huếch hoác, lại cụp lại, lại hủn hoẳn, nhỏ tý...

Ông Thái đi Sài Gòn, quần áo và đôi dép râu cũng vậy như mọi khi. Ông không định khác. Không thiếu thốn, mà quen xuềnh xoàng rồi. Nhưng có lẽ nên đi lắp mấy cái răng giả. Răng hàm chẳng còn cái nào. Nhưng cười huếch mép cũng không hở. Chỉ rầy rà mấy lỗ hỏng răng cửa hàm trên. Soi gương, thấy phiền thật. Nhưng rồi ông lại ngại.
Những cái răng đã gãy từ đời nảo, đời nào. Bà ấy cho là ông phát rồ hay sao, tự dưng lại đi làm răng giả.

Ông Thái không lo bà ấy sinh nghi. Nhưng ông tưởng tượng ra một sự kỳ quặc, có thể xảy ra lắm. Thế nào thì ông Thái cũng phải hôn bà Vân. Chao ôi, những cái hôn triền miên đầm đìa đêm xưa bên sông Sài Gòn. Bây giờ mà thế a, nhỡ những cái răng giả rời ra, rơi vào họng ai. Chẳng lẽ lại bảo hãy khoan để tháo răng ra đã, rồi hãy...

Thôi thôi, đã mộc mạc thì thế nào cứ thế. Cái hẹn tháng bảy dần dà tới... Ông Thái cứ lúc bồng bột, lúc lại thây kệ. Nghĩ toàn chuyện cản trở. Ngót hai tháng thư mới tới nơi, thì tin thế nào được ngày hẹn quá xa. Nhưng sự thật như cái đinh tai ác cứ nhô lên dần. Sắp tới rồi. Ông lại nghĩ ầm ừa: Hôm ấy mình cứ bay vào à? Không có bà ấy ra đón thì sao. Ông cũng có người quen, nhưng thình lình dò đến nhà người ta, không tiện...

Rồi ông Thái nhận được một bức điện.

Rồi cháu gái đón ông ở sân bay Tân Sơn Nhất. Bây giờ cháu đương đưa ông về nhà. Không đến khách sạn, nhà trọ. Cũng đỡ rắc rối.

Căn nhà nhỏ trong một hẻm sâu hun hút. Những hình ảnh lảng vảng, ông Thái như lững lờ trôi trong đám mây.

Năm xưa, ông Thái gặp bà Vân ở Sa Đéc. Thầy ký công nhật đi tính sổ đại lý. Thị xã nhỏ bé, Thái dạo qua một cửa hiệu vàng bạc. Thấy trong hàng có một cô gái ngồi bên máy khâu. ở Nam Kỳ hồi ấy, mỗi nhà sắm cái máy khâu Sanhde cũng là một lối chơi. Cô gái xinh quá, đúng dáng những người đẹp mẫu của Thái. Tuổi trẻ đâu cũng xông, thế là Thái bước vào. Cô gái vào nhà trong một thoáng rồi ra ngay. Người con trai đã kịp nhận thấy cô mới thay tấm quần lụa trắng muốt. Anh chàng gà trống tơ nghĩ vơ vào rằng thế là ăn tiền rồi.

*

Ông Thái nhìn qua cửa sổ mở. Bà Vân hệt tấm ảnh bán thân nhận được năm trước. Có điều khác, đây là người thật, một bà lão khỏe mạnh, to đùng. Hình như bà Vân đang dở tay làm gì, nhắc cái phích hay bày ấm chén. Bà chưa vội ra mở cửa. Nhận xét đầu tiên ấy khiến ông Thái buồn buồn. Chỉ đến lúc thoáng thấy bóng mình lù rù chiếc mũ cối như cái mu rùa trên đầu, hôm đi ông mượn của thằng cháu, ông mới nguôi ngoai và lại hơi ngượng.

Bà Vân nhìn ông, chào ông một câu đột ngột:

- Anh ốm quá!

Ông Thái đã sắp sẵn một câu đùa tình tứ. "Em trẻ, em trẻ lắm". Nhưng bị một câu phủ đầu mất vui, lại nhớ cái răng cửa hổng, ông Thái chỉ mỉm cười.

Chẳng mấy lúc, cũng may, ông Thái đã cảm thấy như ở nhà nhà mình thương yêu êm ấm, không phải căn hộ tẻ nhạt ở ngoài kia bây giờ. Bà Vân và cháu gái lên xuống dọn mâm bát. Nhớ lần về chơi nhà Vân dưới Sa Đéc. Cả nhà vờn vỡ, phong tục Nam Kỳ sao mà đáng yêu. Ông Thái đương trở lại cái gia đình tưởng tượng, hai người yên vui về già.

Bức tranh vẽ rồi lại xóa, lại vẽ, lúc hồng rực, lúc đen nhẻm. Ông Năm lấy trong tủ ra chai rượu ngâm thuốc. Ông Thái cười. Đã quen, không còn ngại hàm răng trống.

- Rượu thuốc à?

- Sâm em mua ở Băng Cốc về biếu anh Năm ngâm.

- Có bia hơi...

Bà Vân nhăn mũi:

- Bia hại thận, nghe. Rượu thuốc...

Ông Thái im, chợt lại thiu thỉu như mọi khi ở nhà.

Nhưng ông Thái với bà Vân cũng có phút giây mơ màng.

Bà Vân bảo: - Chúng ta đi vườn Bờ Rô.

Nhớ lúc nãy ngoài đường, xe máy liên hồi tạt qua mặt, ông ngại:

- Làm gì?

- Ôi anh quên trọi rồi sao! Cái năm hội chợ Sài Gòn, đêm hôm đó chơi vườn Bờ Rô.

Ông Thái lúng túng vì câu trách yêu. Ông Năm ở buồng trong góp chuyện ra.

- Bộ cô Ba tưởng vẫn cái vườn Bờ Rô năm cô Ba ở Sài Gòn à? Không đâu. Bây giờ vườn Bờ Rô, vườn Chuối loạn dữ, nhất là ban đêm. Không đi dạo được đâu.

Ông Năm gỡ cho ông Thái một cuộc đi chơi không hào hứng. Nhưng câu chuyện bên bàn nước vẫn lai rai. Tiếng mưa xầm xập xuống mái tôn nhà nào xung quanh, chẳng biết là đương ở đâu. Trời cũng giúp làm nhạt cái kỷ niệm vườn Bờ Rô rồi.

- Ngày mai đi Vũng Tàu.

- Vũng Tàu à?

- Trước em định nghỉ Long Hải. Nghe nói bên ấy yên tĩnh. Nhưng anh Năm nói Long Hải vắng lắm. ở Vũng Tàu hơn. Anh Năm với các cháu cũng đi.

- Cả nhà cùng đi cho vui.

Bà Vân cười:

- Không, anh Năm không đi chơi. Anh biểu anh Thới là cán bộ cách mạng, phải bảo vệ ảnh, không được lơ là cảnh giác. Ông nói như đọc báo vậy.

- Bảo vệ tôi à?

- Anh Năm biểu thế.

Ông Thái vừa buồn cười, vừa nhớ ra. Nhưng lại thú vị. Ông đã trông thấy ở Hà Nội những cán bộ có người bảo vệ. Ông cán bộ đi bách bộ cũng có người đeo súng ngắn sau lưng áo, đi cạnh. Ông cán bộ may ô quần đùi mặt đỏ lựng chạy tập thể dục buổi sáng bên bờ hồ, có hai thanh niên áo đại cán trịnh trọng, vẫn súng giắt lưng, lõng thõng chạy hai bên. Ông Thái như con kiến, ông muốn bò đi đâu thì đi. Bây giờ nghe có người nói đi bảo vệ ông. Cũng sướng.

Bà Vân nhìn ông Thái, nheo mắt, tinh nghịch:

- Nhưng mà anh Năm không đi nữa!

Ông Thái cũng rỡn:

- Không phải bảo vệ à?

- Em bảo anh Năm là ra Vũng Tàu ở khách sạn, ở boong-ga-lô mới lo bảo vệ, chứ ở chùa thì thôi, cửa Phật mà. Anh Năm thấy thế ưng được.

Rồi bà Vân lại cười:

- Có vậy mới được đi đôi!

Không biết bà Vân mừng thật hay chỉ là nói đùa. éột nhiên, bà Vân nói:

- Anh có còn nhớ chị Hậu không?

- Chị Hậu...

- Có lần anh vô Sài Gòn, em ra ga xe lửa Mỹ đón, có chị Hậu...

Thật ông Thái đã nhớ ra. Không những thế, ông Thái còn đương bấn trong đầu khi nghe đến tên người đàn bà ấy. Những liều lĩnh của tuổi trẻ thì vô vàn, nhưng đã nguội lạnh, xếp xó trong ký ức từ nửa thế kỷ rồi.

Vân trọ học nhà Hậu. Hậu hơn tuổi Vân, ở nhà giúp tiệm may của mẹ. Hậu theo Vân ra ga để "ngó mặt thằng Hai". Hậu chưa biết Thái. Nhưng Thái thoạt trông thấy Hậu đã cảm giác gờn gợn kỳ lạ. éôi mắt bồ câu lóng lánh đằm như làn nước muốn hút người ta trầm mình vào. Cô Hậu nhìn Thái. Thái đoán được đôi mắt ấy nói gì.

Đêm ấy, Thái nghỉ lại nhà Hậu. Mai, Vân và Thái về Sa ééc sớm. Thái nằm ngoài phòng khách. Vân và Hậu ngủ buồng cạnh đấy, cái giường to kề bên cửa sổ. Nửa đêm, chợt tỉnh, trời vẫn xầm xập mưa như đêm nay thế này.

Thái tha thiết nhớ hai con mắt Hậu. Thái lần ra, thò tay vào màn, mà Thái đã để ý, biết Hậu nằm cạnh cửa màn. Tay Thái vừa đụng vào cánh tay Hậu, thì một bàn tay ai nắm lấy, vuốt từ từ lên mặt Thái. Cái hôn dài vùi vào nhau, tưởng như hai làn môi không bao giờ rời ra được nữa.

Sáng hôm sau, đôi mắt Hậu khác hẳn, lay láy long lanh quang đãng như trời mưa tạnh. Rồi Thái và Vân về Sa ééc. Đến hôm lên đường ra Hà Nội không tạt được vào nhà Hậu. Người trai đào hoa không quên, nhưng cũng chẳng nhớ hơn nữa. Từ đấy, không khi nào còn gặp lại.

Ông Thái hỏi:

- Thế chị Hậu rồi sau ra sao? Giờ ở đâu?

- Cũng chẳng lấy ai!

Người đàn ông đam mê ngày trước chợt bồi hồi vu vơ. Bây giờ lòng yêu thành nỗi bùi ngùi cho ai có lẽ vẫn chờ mình từ sau đêm ấy, mà mình thì đương nhắm nhía cái đau của người ta.

- Rồi thế nào....

- Chị ấy đi tu.

- Cái năm em sang Mỹ, em có xuống chùa chào chị. Em vẫn được thư từ. Chị ở Vũng Tàu.

Ông Thái nhắc lại như trẻ con học nói:

- ở Vũng Tàu.

Bà Vân nói:

- Em được thư thấy nói thầy đau, có khi về người Phật mất. Ta xuống thăm thầy nhân thể.

Ông Thái lễ phép rụt rè:

- Vâng.

- Bây giờ gặp thầy, anh cũng không nhận ra được đâu. Mà thầy quy y đổi tên nhà Phật rồi.

Bãi Dứa ở Vũng Tàu, một bên gồ ghề sườn núi, một bên bờ đá. Chỉ có một bãi tắm nhỏ ở chân dốc sang bãi Sau bên kia. Nhưng lọt giữa những tảng đá lởm chởm, đôi chỗ hủm xuống một vùng cát choen hoẻn phẳng lỳ như manh chiếu cói trắng.

Dọc triền núi, ẩn hiện những ngôi chùa nhỏ, công đức của các nhà giàu trên Sài Gòn. Đã thành phong tục đem ảnh và bài vị người đã khuất lên chùa, tương tự ngày trước nhà có của cúng ruộng hậu.

Ông Thái và bà Vân xuống ô-tô ngoài bến rồi đi xích lô về bãi Dứa. Từ lúc gần đến Vũng Tàu, ông Thái đã lẩn thẩn sợ thế nào ấy. Sợ cả cái dáng bà Vân đi phăm phăm, tiêu tiền như vứt đi, tiền xe, tiền ăn sáng, tiền cho ăn mày. Được cái trông bà Vân không khác mấy bà luống tuổi. Khăn vuông lụa trắng, áo xuyến đen, quần lĩnh đen giản dị. Chẳng ai có thể đoán được bà ấy đã xa đất nước mấy chục năm qua. Ông Thái ngồi sau bà, lưng tựa đệm xe. Như con cá nằm trong cái kẹp thế lực.

Hai người lên bậc gạch một ngôi chùa, đi dưới đường chỉ thấy thấp thoáng mấy cành đại khẳng khiu nhô ra. Bà Vân vào thẳng nhà hậu. Ông Thái còn quáng mắt trong căn nhà tối ẩm, bà Vân đã tới trước bộ ván, ngồi sụp xuống đất, chắp hai tay:

- Bạch thầy, còn là Vân, con mới ở Mỹ về.

Trên phản, một người nằm, hai chân nề nặng trắng bệch. Có tiếng khe khẽ:

- à... Vân...

Một cô tiểu ngoài hiên bước vào. Cô tiểu đỡ người ốm ngồi lên. Bà thở khó nhọc, như con mèo gù, bà tựa lưng vào tường và vai cô tiểu đỡ... Ông Thái đã nhìn rõ. Không thể là cô Hậu năm nao. Cái đầu bà lão bủng vàng như nghệ, phù to ra.

Một cô tiểu bưng nước mời khách, đặt trên án thư bên cạnh. Bà Vân nói:

- Bạch thầy, thầy có nhớ ai đây không.

Nhà sư ngước cặp mắt trắng lờ đờ:

- Ông Thái ngày xưa đó.

Bóng mờ khuôn mặt xị không động đậy.

Các chùa ven bãi Dứa đều có nhà khách, vào mùa nắng, cho cả người chơi biển trọ. Ăn chay theo bếp nhà chùa. Hình như cũng vắng vẻ.

Bà Vân và ông Thái nghỉ ngoài nhà tổ. Gian giữa, một tượng Quan Âm. Mùi hương phảng phất, nằm trông lên thấy cái bệ tòa sen thếp vàng ánh. Bên một kệ đặt những khung ảnh người đã mất được đem gởi hậu. Ông Thái mắc cái màn nâu dưới chân kệ ảnh. Bà Vân nằm trên phản đầu gian bên. Như vợ chồng già vãn cảnh chùa, đường xa nghỉ lại.

Ngày ngày bà Vân ra bãi tắm. Bà Vân nói: "Em khỏe được là nhờ biển. Nhà em bên kia ở ngay cạnh nước. Hằng ngày cả thành phố tắm biển". Bà Vân rủ ông Thái tắm. Nhưng ông Thái lắc đầu. Bà Vân cũng không ép thêm. Bà Vân lội xuống nước. Ông Thái đội mũ cối, quần áo bộ đội xanh nhợt, ngồi cái quán cóc cạnh gốc dừa trên bờ. Ông ngồi trông quần áo cho bà Vân. Đôi lúc cao hứng, ông lội cả đôi dép râu đi dọc mép nước. Khi về, bà Vân vào chỗ dội nước ngọt thay quần áo, ông Thái cầm cái túi đứng ngoài.

Bà Vân đã ra bãi. Ông Thái ở vườn chùa vào nhà hậu. Ôi, năm mươi năm trước xa vời vợi, ở phía nửa trái đất bên kia. Ông Thái vẫn không thể nào tưởng cái cô Hậu ấy là bà sư liệt giường này. Không, không, ngày xưa đã qua rồi. Nghĩ thương thương, ông Thái bước vào.

Cô tiểu đến nâng sư thầy. Nhưng bà không giơ tay. Bà vẫn nằm nguyên đấy. Ông Thái lặng lẽ ngồi xuống ven giường. Ông Thái nghe tiếng thều thào như vẳng đâu tới:

- Ông già quá rồi.

Ông Thái đã muốn nói mấy câu gì đó. Nhưng ông không nói được nữa, ông ngồi yên.

Nhà sư từ từ quay mặt vào tường.

Ông Thái lững thững ra bãi. Ông Thái ngồi cái quán bà Vân gửi quần áo. Sóng biển lăn tăn, bà Vân đứng ở chỗ nước ngập ngang vai. Trông thấy ông Thái, bà Vân giơ tay vẫy vẫy.

Ông Thái vẫn chưa dứt cái đau, cái ngán ngẩm vừa rồi: "Ông già quá rồi", ông cũng sắp tịch rồi, câu nói thổi bay mất hào hứng và lòng thương người của ông. Ông Thái nhìn bà Vân vùng vẫy thảnh thơi dưới nước. Ông thở dài, bỗng cáu kỉnh: "Hay là cái đêm ấy nó biết. Nó thù đến tận bây giờ nên mới đầy ải mình ra đây". Ông Thái nhấp một ngụm rượu rồi lại nhẹ nhàng nghĩ có thể không phải thế.

Bà Vân đã lên. Bộ quần áo tắm vằn xanh, cánh tay và bộ đùi hộ pháp phục phịch đã bơi bắt nắng. Ông Thái thờ ơ nhìn. Bà Vân giơ ngón tay. Nách bà trắng bạch. Mọi hôm vẫn thấy mà không để ý. Ông lẩn thẩn đoán không biết bà ấy nhổ hay tự nhiên thế.

Bà Vân giơ tay nẹt đùa:

- Cấm uống bia nghe.

Ông Thái mỉm cười giơ ly rượu.

- Rượu thuốc. Rượu thuốc vẫn uống nhắm với ô mai ở bùng binh chợ Bến Thành, từ ngày xưa đấy.

Vào dội nước ngọt, thay quần áo ra, hai người lững thững về. Bà Vân tự nhiên nói:

- Chúng mình có duyên, nhưng không có nợ.

Có lẽ câu ông Thái vừa nói đã khiến bà Vân nghĩ ngợi. Ông Thái bâng khuâng, mủi lòng.

*

Hôm rời Vũng Tàu, ông Thái nhổ ngoài bãi cát một cái dây cây dại, không có tên. Lá dày tựa lá thài lài, hoa mầu xanh nhợt nhạt, man dại như hoa bìm bìm. Ông cắm vào cái vỏ bia 33, đem về.

Mấy hôm sau, ông Thái lại đã ở nhà. Ông lại ngồi ở cái góc buồng tầng bốn trông ra cái cửa sổ mới được trang trí thêm hộp bia trồng dây hoa bìm biển.

Những nhánh ba lá vào mùa thu đã ngả mầu vàng gắt. Không ai biết được cuộc phiêu lưu kỳ lạ ông Thái vừa trải. Ông im lặng như chiếc phất trần dựng xó tường. Cái phất trần thỉnh thoảng bà ấy còn lấy ra phảy bụi, ông thì chẳng ai đụng đến. Ông lặng lẽ. Ngồi xuống, không có rượu gặm nhấm lại kỷ niệm. Thói quen nghề nghiệp kế toán ông Thái tính một tuần lễ vừa qua mỗi người chỉ nói được ba câu đùa vui. Cứ vậy mà dự phòng, dự chi, thế mà còn hơn. Nếu nợ nhau thì có lẽ chỉ còn cáu gắt và im lặng như bây giờ.

Hai cái răng cửa đã rụng nốt. Hàm trên nhẵn thín, môi cúp xát vào lợi. Móm hẳn. Đã lâu lắm không nhận được thư của Vân. Ngộ như năm nao Vân lại về có gọi Thới vào, Thới cũng không đi nữa. Ông Thái quả quyết thế. Nhưng rồi cả năm cũng không được tin tức. Có lẽ ở bên ấy bà Vân cũng đương nghĩ như ông Thái. Một hôm, con mèo nhà ai nhảy cửa sổ, làm rơi ụp cái vỏ bia trồng dây hoa bìm biển. Ông Thái cũng chẳng buồn xuống nhặt lên.


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/