Một tuần lễ ở Grêmiatsi Lốc, Đavưđốp đã húc phải một loạt các vấn đề như húc vào bức tường… Đêm đêm, ở trụ sở Xôviết hoặc ở trụ sở uỷ ban quản trị nông trang đặt tại ngôi nhà thênh thang của Titốc trở về nhà mình, Đavưđốp lại đi đi lại lại mãi trong gian phòng anh ở, hút thuốc, đọc báo “Sự thật” và báo “Tay búa” do người đưa thư mang đến. Và nghĩ miên man đến những con người ở Grêmiatsi Lốc, đến nông trang, đến những chuyện xảy ra trong ngày. Như một con sói bị cắm cờ (*), anh cố thoát ra cái vòng luẩn quẩn những ý nghĩ về nông trang, bồi hồi nhớ phân xưởng của mình, nhớ bạn bè, nhớ công việc ngày trước. Anh thoáng buồn khi nghĩ rằng giờ đây xưởng anh chắc đã có nhiều thay đổi, mà anh thì lại vắng mặt; rằng giờ đây anh không còn có thể thức trắng đêm ngồi nghiên cứu bản vẽ một động cơ máy kéo, cố tìm cách cải tiến cái hộp số nữa; rằng cỗ máy khó tính và khắt khe của anh đang do một người khác sử sụng, chắc hẳn là do anh chàng Gônđơsmít tự cao tự mãn kia; rằng sau những bài diễn văn nghe rất hay, nồng nhiệt tiễn đưa anh em “Hai vạn rưởi” lên đường, xem chừng giờ đây người ta đã quên anh rồi. Rồi bỗng ý nghĩ của anh lại chuyển sang Grêmiatsi Lốc, cứ như có ai vừa chuyển cầu dao cắt điện trong óc anh, lái dòng suy nghĩ của anh sang hướng khác. Anh về công tác nông thôn không đến nỗi như một dân thành thị ngây thơ, ù ù cạc cạc. Nhưng cuộc đấu tranh giai cấp phát triển phức tạp, rối như mớ bòng bong, với những hình thức thường thường là âm ỉ, bí mật, đã diễn ra trước mắt anh không phải chỉ phức tạp như những ngày đầu mới tới Grêmiatsi Lốc anh đã thấy mà thôi. Thái độ khăng khăng của đa số trung nông không chịu vào nông trang mặc dù cái lợi rành rành của kinh tế tập thể, anh thấy nó khó hiểu quá. Có nhiều người anh không tìm ra chìa khoá để hiểu được họ và mối quan hệ giữa họ với nhau. Titốc hôm qua còn là du kích, hôm nay đã là kulắc, là kẻ thù.
Chimôphây Bôrsép, bần nông mà lại công khai bao che cho một tên kulắc. Ôxtơrốpnốp là một nông dân có trình độ, tự giác vào nông trang, nhưng Nagunốp lại tỏ một thái độ mặc cảm và cảnh giác với lão. Những con người Grêmiatsi Lốc lần lượt diễu qua trong óc Đavưđốp… Và ở họ có nhiều điều anh không hiểu, nó như bị phủ lên một tấm màn không nhìn thấy, không sờ thấy. Đối với anh, trang ấp này chẳng khác gì một chiếc động cơ phức tạp cấu trúc kiểu mới. Đavưđốp căng đầu óc ra, chăm chú mầy mò cố tìm hiểu nó, nghiên cứu, táy máy từng chi tiết, nghe ngóng từng chỗ trục trặc trong nhịp đập rộn rã suốt ngày không biết mỏi của cỗ máy tinh thần ấy.
Vụ án mạng bí hiểm giết hai vợ chồng anh bần nông Khốprốp đưa anh đến cái phán đoán là trong bộ máy kia có một lò xo bí mật nào đó đang tác động. Anh lờ mờ cảm thấy có một mối quan hệ nhân quả giữa cái chết của Khốprốp với cuộc vận động tập thể hoá, với cái mới đang húc đổ bức tường xiêu vẹo của chế độ làm ăn riêng lẻ. Buổi sáng hôm phát hiện ra xác hai vợ chồng Khốprốp, anh đã trao đổi hồi lâu với Radơmiốtnốp và Nagunốp. Hai anh chàng này cũng hết đoán già lại đoán non. Khốprốp là bần nông, trước kia có đi bạch vệ, thờ ơ với sinh hoạt làng xóm, không hiểu sao cứ bám riết lấy tên kulắc Lápsinốp. Có người đưa ra giả thuyết đây là một vụ giết người cướp của, nhưng rõ ràng giả thuyết ấy vô lý, vì nhà anh ta không bị lấy đi cái gì, vả lại cũng chẳng có quái gì mà lấy. Radơmiốtnốp nêu ra một ý kiến khác:
- Chắc lại chuyện gái, trêu gan thằng nào đấy thôi. Sờ vợ nó, nó giết chứ gì!
Nagunốp lặng thinh. Anh không thích ăn ốc nói mò. Nhưng khi Đavưđốp đưa ra phán đoán là thế nào cũng có một tên kulắc nhúng tay vào vụ án mạng này, và đề nghị trục xuất ngay bọn chúng ra khỏi làng, thì Nagunốp dứt khoát ủng hộ ý kiến ấy:
- Một tay trong bọn chúng nó khử Khốprốp chứ ai, còn gì phải bàn nữa! Tống cả bọn chó đểu ấy tới vùng băng giá đi thôi!
Radơmiốtnốp nhún vai cười khẩy:
- Nên tống chúng nó đi, dĩ nhiên là như thế. Chúng nó cản trở bà con nhân dân vào nông trang. Nhưng có điều là Khốprốp bị không phải do bàn tay chúng đâu. Anh ta không liên can gì với chúng. Đành rằng anh ta cứ bám lấy thằng Lápsinốp, thường xuyên đến làm cho nó, nhưng đã chắc đâu không phải vì miếng ăn? Bụng đói, thế là phải mò đến Lápsinốp. Chả nên chuyện gì cũng đổ cho bọn kulắc, thế thì cũng quá đáng, các cậu ạ! Không, muốn gì thì gì, đây nhất định là chuyện gái.
Huyện cử một nhân viên điều tra và một y sĩ về. Họ mổ tử thi, thẩm vấn các nhà xung quanh, láng giềng của Khốprốp và Lápsinốp. Nhưng cuộc điều tra cũng không tìm ra manh mối gì về thủ phạm và nguyên nhân vụ án mạng. Ngày hôm sau, mồng 4 tháng Hai, đại hội nông trang viên nhất trí thông qua nghị quyết trục xuất các gia đình kulắc ra khỏi miền Bắc Cápcadơ. Hội nghị cũng bầu ra ban quản trị nông trang, thành phần gồm có Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp (được Đavưđốp và Radơmiốtnốp nhiệt liệt ủng hộ, mặc cho Nagunốp phản đối), Paven Liubiskin, Đemka Usakốp, Akaska Mênốc (trầy trật mới trúng cử), và người thứ năm là Đavưđốp, được thông qua một cách vui vẻ, không có ý kiến gì. Điều đó một phần cũng do hôm qua mới nhận được giấy của Nông hội huyện báo tin huyện đồng ý với Nông hội giới thiệu đồng chí Đavưđốp, đặc phái viên huyện uỷ, cán bộ đoàn “Hai vạn rưởi”, ra ứng cử chủ tịch nông trang.
* * *
Đavưđốp vẫn ở nhà Nagunốp. Anh ngủ trên chiếc giường hòm kê cách giường hai vợ chồng Nagunốp một tấm màn gió vải hoa treo thâm thấp. Bà chủ nhà, một bà goá không con, ở gian đầu. Đavưđốp biết mình cũnglàm vướng Maka, nhưng những ngày đầu bận tíu tít và căng thẳng chẳng có thời giờ đi tìm chỗ ở khác. Luska, vợ Nagunốp, đối với Đavưđốp vẫn ân cần săn đón, tuy vậy, từ sau cuộc nói chuyện tình cờ với Maka, được anh ta hở cho biết vợ mình ăn nằm với thằng Chimôphây, con lão Mũi toác, thì anh không giấu nổi ác cảm với cô ả, và thấy phiền phiền phải ở tạm đây. Sáng sáng, không bắt chuyện nhưng Đavưđốp vẫn thường đảo mắt để ý nhìn Luska. Cô ả nom vẻ không quá hai nhăm, mặt trái xoan lấm tấm tàn nhang nom từa tựa quả trứng chim khách. Nhưng trong đôi mắt đen láy như hắc ín, trong toàn bộ thân hình thon thả và khô khô của ả có một vẻ đẹp gì quyến rũ và đĩ thoã lạ lùng. Đôi lông mày cong cong mềm mại của ả lúc nào cũng hơi rướn lên, dường như lúc nào ả cũng đang đón đợi một cái gì thú vị; đôi môi đỏ chót không che kín hàm răng đều sin sít hơi hơi mái hiên, lúc nào cũng khẽ nhếch như sẵn sàng cười. Đi đứng, ả rún rẩy đôi vai xuôi, cứ như lúc nào cũng đợi sắp có người ôm chầm lấy mình. Ả ăn mặc cũng chỉ như mọi chị em kô-dắc ở Grêmiatsi, có thể có phần nào chải chuốt hơn đôi chút.
Một hôm, sớm bảnh mắt, Đavưđốp đang xỏ giầy thì nghe thấy tiếng Maka nói sau tấm màn gió:
- Trong túi áo varơi anh có nịt chun đấy. Em dặn Xêmiôn mua phải không? Hôm qua anh ấy lên phố về, nhờ anh đưa cho em.
- Thật không, anh Maka? – Giọng Luska âm ấm ngái ngủ, run run mừng rỡ…
Chị chàng mặc độc tấm áo lót nhảy tót trên giường xuống, chạy tới chỗ áo varơi của chồng treo trên đinh, rút trong túi áo ra không phải là đôi nịt tròn thít lấy bắp chân, mà là loại nịt của các bà các cô thành thị, thắt lên lưng, viền xanh. Đavưđốp nhìn thấy bóng ả trong gương: ả đứng vươn cái cổ ngẳng như cổ trẻ con, ướm thử hàng mới mua được vào cẳng chân khô khô của mình. Đavưđốp nhìn trong gương thấy đôi mắt long lanh của ả cười nheo lại, và đôi má lấm tấm tàn nhang hây hây đỏ. Vừa ngắm nghía chiếc bít tất bó sát đùi, ả vừa quay về phía Đavưđốp. Qua cổ tấm áo lót mình, trông thấy đôi vú ả núng na núng nính, đôi vú ngăm ngăm rắn chắc, thây lẩy chĩa sang hai bên và chúc xuống như vú dê cái. Vừa lúc đó, ả nhìn qua đầu màn gió trông thấy Đavưđốp, và đưa hai tay từ từ khép cổ áo lại, chẳng quay đi, đôi mắt lim dim và miệng mỉm một nụ cười quánh sệt. Đôi mắt trâng tráo ấy như muốn nói: “Anh xem, em xinh không!”.
Đavưđốp buông phịch người xuống mặt hòm làm nó kêu ken két. Anh đỏ mặt, đưa tay hất ngược mớ tóc đen nhánh xoã xuống trán: “Bố khỉ! Mụ ấy lại tưởng mình nhìn trộm mụ ấy đấy…Dấm dớ quá, tự nhiên lại đứng dậy! Khéo mụ ấy lại nghĩ là mình mê mụ ấy…”.
Nghe tiếng Đavưđốp đằng hắng khó chịu, Maka cằn nhằn vợ:
- Có người lạ mà cứ tô hô thế kia!
- Anh ấy có thấy đâu!
- Lại còn không thấy!
Đavưđốp ho húng hắng phía sau tấm màn gió. Cô ả luồn váy qua đầu, nói thản nhiên như không:
- Thì đấy! Cứ nhìn cho sướng mắt. Maka, có ai lạ đâu mà. Nay lạ, mai sẽ là của em, nếu em muốn. - Ả rũ ra cười, nhảy lăn kềnh vào giường: - Anh lành như đất ấy! Ông bụt! Ông bụt đất của em!...
* * *
Ăn sáng xong, vừa bước chân ra khỏi cổng, Đavưđốp đã nói độp:
- Con vợ cậu chẳng ra cái đếch gì.
Nagunốp nhìn Đavưđốp, khẽ đáp:
- Quan trọng gì đến cậu?
- Nhưng đối với cậu thì quan trọng đấy! Hôm nay mình sẽ dọn ngay đi nơi khác, gai mắt lắm! Đường đường một thằng cha như cậu mà cứ để nó xỏ chân lỗ mũi! Chính mồm cậu nói là nó ngủ với thằng con lão Mũi toác.
- Vậy làm thế nào, đánh à?
- Không đánh, nhưng phải uốn nắn nó! Mình cứ nói toạc móng heo: mình là một thằng cộng sản đây, nhưng về chuyện này mình hơi khó tính. Mình sẽ sửa cho một trận rồi đuổi mẹ nó đi! Nó làm cậu mất cả uy tín với quần chúng, thế mà cậu cứ im thin thít. Đêm nó đi đâu? Chúng mình đi họp về chẳng đêm nào thấy mặt nó cả. Mình không can thiệp vào chuyện nhà cửa của cậu…
- Cậu có vợ chưa?
- Chưa. Nhưng bây giờ nhìn cảnh vợ chồng cậu, mình sẽ ở vậy đến già.
- Cậu coi vợ như một thứ của riêng à?
- Ê, cha tiên nhân anh, đồ vô chính phủ nửa mùa! Của riêng! Thế chẳng còn của riêng là gì? Sao cậu đã vội thủ tiêu nó? Gia đình có còn không nào? Cậu ăn phải bùa mê của vợ, dung túng thói đàng điếm của nó, ra cái điều rộng lượng. Mình sẽ đưa vấn đề này ra chi bộ!.. Bà con nông dân phải noi gương anh. Thế mà tấm gương sáng gớm nhỉ!
- Được rồi, tôi sẽ giết nó!
- Thôi đi anh!
- Này, bảo cái đã… Cậu đừng nhảy vào chuyện này làm gì…- Maka dừng lại giữa đường, đề nghị. – Mình khắc gỡ ra, nhưng lúc này thì chẳng còn bụng dạ đâu nghĩ đến chuyện ấy. Mà chuyện đâu phải mới hôm qua, mình chịu đựng lâu rồi.. nán đợi ít nữa, rồi sẽ liệu… Mình yêu nó héo lòng héo ruột.. Nếu không thì xong lâu rồi… Cậu đi đâu bây giờ? Lên trụ sở Xôviết à? – Anh lái sang chuyện khác.
- Không, mình định đến nhà Ôxtơrốpnốp. Mình muốn đến thăm nhà, chuyện trò một tí. Lão ấy là một mugích sáng ý đấy. Mình muốn đưa lão ra làm quản lý. Cậu thấy thế nào? Đang cần một người quản lý cầm đồng côpếch của nông trang biết làm cho nó thành đồng rúp. Xem ra thì Ôxtơrốpnốp là một người như vậy.
Nagunốp bực lắm, xua tay:
- Lại cái luận điệu ấy! Cậu với Anđrây là hay khen Ôxtơrốpnốp lắm đấy! Nông trang cần đến lão ấy để làm gì.. Mình phản đối. Mình sẽ đòi cho bằng được phải khai trừ lão ấy ra khỏi nông trang! Cái thằng khốn kiếp giàu sụ ấy đã phải đóng thuế phụ thu (**) hai năm rồi đấy, trước chiến tranh nó là một tên kulắc, thế mà ta lại đưa nó lên ư?
- Lão ấy là một người làm nông nghiệp có trình độ. Theo như ý cậu thì là tôi bênh vực cho một tên kulắc hay sao?
- Nếu vừa qua chúng mình không xén lông xén cánh lão ấy thì lão ấy đã biến thành một tên kulắc từ lâu rồi!
Họ chia tay nhau mỗi người một ngả, không nhất trí được với nhau, bực nhau không chịu được.
----------------------
(*) Đi săn chó sói, khi phát hiện ra con sói lẩn quất ở góc rừng nào, người ta chăng dây có buộc những lá cờ nhỏ, vây lấy khu vực ấy. Con sói sợ, không dám nhảy qua, cứ luẩn quẩn trong vòng vây cờ ấy. – ND.
(**) Sau Cách mạng tháng Mười, những nhà giàu ở nông thôn ngoài thuế cơ bản, phải đóng thuế phụ thu theo phần trăm mức dư. - ND
Tập I - Chương 14
Tháng Hai…
Cái rét làm cho đất cũng co quắp lại. Mặt trời mọc lên trên nền mầu trắng chói chang của băng tuyết. Những chỗ nào gió xua bay hết tuyết thì ban đêm đất nẻ kêu răng rắc. Gò đống mồ mả ngoài thảo nguyên nứt ra những đường ngoằn ngoèo như những trái dưa bở chín mõm. Đằng sau làng, quanh các đám ruộng cày thu, cánh đồng phủ tuyết chói chang nhức mắt. Hàng dương hai bên bờ sông long lanh vảy bạc. Từ ống khói các nhà dựng lên những cột khói màu da cam, như những thân cây mọc thẳng. Trong các nhà đập lúa, giá rét làm cho rơm rạ bốc lên thoang thoảng mùi hương của tháng Tám trong xanh, cái hơi thở nóng hổi của gió hanh, cái hương vị của trời hè…
Trong các chuồng trại lạnh buốt, bò đực và bò cái cứ tha thẩn suốt đêm. Đến sáng thì các máng không còn sót lấy một ngọn cỏ. Cừu con và dê con lứa đẻ mùa đông thì không để trong chuồng. Đêm đêm các bà mắt nhắm mắt mở bế chúng ra bú mẹ, rồi lại đùm vào vạt váy ôm trở vào trong nhà ấm hơi than. Và sự có mặt của các chú dê cõn, những chú cừu non với bộ lông măng quăn tít làm cho căn nhà thơm ngát hơi băng giá, mùi cỏ khô băm nhỏ và mùi sữa dê dìu dịu. Dưới lớp vỏ cứng bên ngoài, tuyết bên trong xôm xốp, sào sạo như hạt muối. Đêm khuya u tịch quá, khiến cho bầu trời giá lạnh với hằng hà sa số những ngôi sao lung linh nom heo hút dường như sự sống đã rời bỏ thế gian. Một con sói đi qua cánh đồng tuyết xanh lam. Nó bước không để lại lốt chân trên tuyết đã đóng băng, và ở những chỗ móng nó cào vỡ mặt băng cũng chỉ còn lại những vết xước lấp lánh ánh ngọc.
Ban đêm, nếu như có một ả ngựa cái nào nhức đôi vú sữa đen mượt như xa tanh có hí khẽ lên một tiếng, thì tiếng hí của nó vang xa, nghe thấy cách hàng bao nhiêu dặm.
Tháng Hai…
Buổi trước hoàng hôn xanh lam, u tịch.
Giải Ngân hà mênh mông hoang vắng nhạt dần.
Những ô cửa sổ đen ngòm của các nhà bừng lên ánh lửa đỏ rực, ánh lửa các bếp lò đang nhóm.
Trên sông, một chiếc cuốc chim đang gõ chan chát xuống mặt băng. Tháng Hai…
* * *
Trời chưa sáng, Iakốp Lukits đã khua con trai và cánh đàn bà trong nhà dậy. Họ nhóm lò. Xêmiôn, con trai Iakốp Lukits, đem dao ra mài. Tên quan ba Pôlốptxép cuốn cẩn thận đôi xà cạp xung quanh đôi bít tất len, đi giày lót nỉ vào. Hai bố con cùng với Pôlốptxép đi xuống chuồng cừu. Nhà Iakốp Lukits có 17 con cừu và 2 con dê. Xêmiôn biết rõ trong đàn con nào sắp đẻ, con nào đã có con. Nó cứ bắt mò, chẳng cần đèn, loại riêng ra cừu thiến, cừu đực, cừu cái, đẩy vào trong gian chuồng ấm sực. Pôlốptxép kéo cái mũ lông trắng sụp xuống trán, túm lấy chiếc sừng lạnh ngắt có khía của một con cừu thiến, vật nó xuống đất, đè cả người lên con vật nằm sóng soài, kéo ngửa nó ra, lấy dao cắt tiết. Máu đen tuôn ra ồng ộc.
Iakốp Lukits là người làm ăn căn cơ. Lão không muốn thịt cừu của lão được bày trên bàn ăn của công nhân một xí nghiệp, hoặc bàn ăn của một đơn vị Hồng quân nào đó. – Họ là những người Xôviết. Thế mà chính quyền Xôviết thì trong mười năm qua đã ức hiếp Iakốp Lukits, bóp nặn thuế má, không để cho lão mau chóng được làm giàu, mở mày mở mặt. Chính quyền Xôviết và Iakốp Lukits là hai kẻ thù, không đội trời chung được. Như một đứa bé muốn bắt lấy ngọn lửa, Iakốp Lukits suốt một đời cứ khao khát giàu sang. Trước cách mạng, lão đã bắt đầu khá giả, đã tính chuyện cho thằng con vào học trường võ bị Nôvôtsetrkaxkơ, chuyện sắm một chiếc máy sản xuất bơ – lão đã dành dụm đủ tiền rồi, chuyện mướn lấy ba người làm công. Hồi ấy, đôi lúc nghĩ đến cảnh thần tiên mà cuộc sống đang hứa hẹn cho lão, lòng lão lại đê mê vui sướng. Lão cũng tính chuyện mở một tiệm buôn nhỏ xong sẽ mua lại cái máy xay bỏ vạ bỏ vật của lão địa chủ thất cơ lỡ vận Giôrốp, thượng sĩ nhà binh… Trong mơ tưởng của lão hồi ấy, lão thấy mình, Iakốp Lukits, không phải mặc chiếc quần sarôva mạt hạng, mà là diện bộ cánh tuýt-xo với sợi dây vàng đeo lủng lẳng trước bụng, không phải với hai tay chai sạn mà là với hai bàn tay trắng trẻo, mịn màng, đã biến mất những ngón tay cáu đen ghét chẳng khác gì con rắn đã lột da vậy. Thằng con lão biết đâu sẽ chẳng đóng quan năm, sẽ lấy một tiểu thư tài sắc, và một ngày kia, Iakốp Lukits sẽ ra ga đón con không phải là đi bằng xe ngựa nữa, mà là ngồi trên chiếc ô tô riêng như ô tô của lão địa chủ Nôvôpáplốp vậy…Chà, trong cái thời vàng son ấy, khi mà cuộc đời hiện ra rực rỡ và sột soạt trong tay lão như tờ giấy bạc Nữ hoàng Êkatêrina in màu ngũ sắc, lão đã không cần ngủ mà vẫn nằm mơ thấy thiếu gì chuyện! Cách mạng đã thổi tới luồng gió lạnh của những đảo lộn kinh thiên động địa. Đất rung dưới chân Iakốp Lukits. Nhưng lão chẳng hoang mang. Với tất cả cái tỉnh táo và khôn ngoan là bản chất của lão, lão đã trông thấy trước bão táp đổ tới, và đã mau lẹ tẩu tán hết của cải, êm ru, hàng xóm dân chài chẳng ai biết… Lão đã bán chiếc máy hơi nước tậu năm 1916 đi, chôn một hộp đựng ba mươi đồng tiền vàng mười rúp và một túi da đầy đồ bạc. Lão bán bớt gia súc đi, thu hẹp diện tích gieo. Lão chuẩn bị sẵn sàng. Và cách mạng, nội chiến, các mặt trận lướt qua đầu lão như gió lốc thảo nguyên lướt qua đầu ngọn cỏ: bắt ngả, thì ngả, nhưng bẻ gục hoặc đánh tướp ra thì đừng hòng. Trong bão táp, chỉ những cây dương, cây sồi là gãy và bật rễ, còn hoa đồng cỏ dại thì chỉ nằm rạp xuống đất để rồi lại ngóc đầu lên. Ấy thế nhưng Iakốp Lukits lại không “ngóc đầu” lên được! Chính vì vậy mà lão chống lại chính quyền Xôviết, chính vì vậy mà lão sống buồn thỉu buồn thiu như một chú bò đực thiến: còn thiết gì đến sáng tạo, còn đâu niềm say rạo rực của nó. Cũng chính vì vậy mà giờ đây lão coi Pôlốptxép gần gũi hơn vợ, thân thiết hơn thằng con đẻ của mình. Được ăn cả, ngã về không: hoặc là cùng với Pôlốptxép lấy lại cuộc đời xưa rực rỡ và sột soạt như tờ giấy trăm in màu ngũ sắc, hoặc là từ giã cõi đời này! Cũng chính vì vậy mà Iakốp Lukits, uỷ viên ban quản trị nông trang Grêmiatsi, đang vật ra mổ thịt mười bốn đầu cừu. Iakốp Lukits đã nghĩ bụng: thà vứt thịt cừu cho con chó mực kia đang quẩn bên chân ông quan ba, hau háu liếm những đám máu cừu nóng hổi, còn hơn là đưa cừu vào trại nông trang để chúng béo lên, sinh sôi nảy nở, nuôi sống cái chính quyền thù địch kia! Ông quan ba là người học rộng, nói cấm có sai đâu, ông ấy bảo: “Phải giết gia súc! Phải băm nát đất dưới chân bọn bônsêvích. Mặc xác cho bò chết trương chết rũ, không chăm nom. Khi nào chiếm được chính quyền khắc lại có bò! Họ sẽ gửi bò từ bên Mỹ, bên Thuỵ Điển sang cho ta. Ta sẽ bóp chết chúng nó bằng đói rét, bằng sự rệu rã, bằng nổi dậy! Còn con ngựa cái thì đừng tiếc. Iakốp Lukits ạ, tập thể hoá ngựa thì càng hay. Tiện cho ta lắm… Bao giờ nổi dậy chiếm làng, ta chỉ việc vào chuồng nuôi tập thể, lôi ngựa ra, và thắng yên vào, khỏi phải chạy từng nhà mà tìm”. Thật là những lời vàng ngọc. Đầu cóc ông quan ba thật đắc lực chẳng kém gì hai cánh tay ông ta…”.
Iakốp Lukits đứng trong nhà kho xem Pôlốptxép và Xêmiôn loay hoay lột da mấy con cừu treo lủng lẳng trên chiếc xà ngang. Cây đèn “Con dơi” chiếu ánh sáng gắt lên những bộ lông cừu trắng. Công việc lột da cũng đơn giản. Iakốp Lukits đưa mắt nhìn một con cừu đã cắt tiết treo ngược, cái cổ cụt đầu chúc xuống đất, đang lột dở tới quãng cái rốm xám ngoét, nhìn chiếc sỏ cừu đen thui nằm lăn lóc bên cái thùng và tự dưng lão rùng mình một cái như bị ai gõ vào đầu gối. Lão tái mặt đi.
Trong đôi mắt vàng ệch của con vật với hai con ngươi mở thao láo còn chưa đục đi, có một vẻ khiếp đảm. Iakốp Lukits sực nhớ đến con vợ Khốprốp, đến tiếng kêu thều thào líu lưỡi, nghe đến rùng rợn của nó: “Bác!... Ôi bác ơi! Sao thế này hả bác?” Iakốp Lukits kinh tởm nhìn súc thịt cừu đỏ bầm, những đường gân, những thớ dọc lột trần. Và cũng như buổi nọ, mùi máu tanh nồng nặc lại làm lão muốn lộn mửa, lảo đảo choáng váng. Lão vội bước ra ngoài.
- Trông thịt mà sợ…Lạy Chúa!... Ngửi mùi cũng đã kinh rồi.
- Thế dẫn xác vào đây làm gì? Ai cần đến đồ nhát như cáy ấy! – Pôlốptxép mỉm cười và cứ để nguyên tay máu me và hôi mùi mỡ cừu như thế, cuốn thuốc lá hút.
Họ hì hục cho đến lúc sắp tới bữa sáng thì xong. Cừu đã mổ họ đem treo vào trong kho thóc. Đám đàn bà nấu món đuôi cừu. Pôlốptxép nằm tịt trong gian buồng xép (ban ngày y không bao giờ thò ra ngoài). Người nhà mang vào cho y món xúp cừu bắp cải, món khấu đuôi cừu nấu. Chị con dâu vừa mới dọn bát đĩa trong buồng y đi thì bên ngoài có tiếng kẹt cổng.
- Thày ơi! Đavưđốp đến! – Xêmiôn là người đầu tiên trông thấy Đavưđốp bước vào sân, thốt lên.
Iakốp Lukits tái mét đi như gà cắt tiết. Còn Đavưđốp thì đã đứng ngoài hiên cầm cái chổi phủi tuyết bám đầy giầy, ho khan vài tiếng, và bước từng bước chắc nịch.
“Nguy to rồi! – Iakốp Lukits nghĩ bụng. – Nom kiểu nó đi kìa, quân chó đẻ! Cứ như chúa tể thiên hạ! Cứ như nó đang đi trong nhà nó vậy! Ôi, nguy to rồi! Chắc nó đến bắt mình về chuyện thằng Khốprốp đậy, nó biết hết rồi, quân khốn kiếp!”.
Tiếng gõ cửa. Một giọng nam cao oang oang:
- Vào được không đây?
- Xin mời. – Iakốp Lukits muốn nói to, nhưng chỉ thốt ra được một tiếng thều thào.
Đavưđốp đợi một tí, rồi mở cửa bước vào. Iakốp Lukits cứ ngồi nguyên, không đứng dậy (lão không tài nào đứng dậy nổi! Lão lại còn phải kiễng đôi chân bủn rủn cứ run bần bật lên nữa, để người ta khỏi nghe thấy tiếng gót giầy gõ lập cập xuống sàn).
- Chào ông chủ.
- Chào đồng chí! – Vợ chồng Iakốp Lukits đồng thanh đáp..
- Ngoài đường rét tợn…
- Dạ, rét lắm.
- Liệu thóc gieo có bị chết giá không nhỉ, bác thấy thế nào? – Đavưđốp thò tay vào túi rút ra một chiếc mùi soa cháo lòng, nắm lọt thỏm trong tay, xì mũi.
Iakốp Lukits mời:
- Mời đồng chí vào quá trong này, đồng chí ngồi chơi.
“Quái lạ, lão ấy sợ cái gì thế chẳng biết?” – Đavưđốp lấy làm ngạc nhiên thấy chủ nhà mặt cứ tái đi, đôi môi run bần bật lắp bắp không ra hơi.
- Thóc gieo liệu có sao không?
- Thưa chẳng sao đâu… tuyết vùi kín rồi… Chỗ nào gió thổi sạch mất tuyết thì cũng có thể.
“Hắn mào đầu bằng chuyện lúa má, và bây giờ thì chắc hắn sắp bảo: “Nào, chuẩn bị đi!” Có đứa nào đã tố giác chuyện ông Pôlốptxép rồi chăng? Khám nhà chắc?” – Iakốp Lukits nghĩ bụng như vậy. Lão dần dần đã hoàn hồn, hồi lại máu mặt. Mồ hôi lão vã ra, lăn từng giọt trên trán, chảy xuống bộ ria mép muối tiêu và cái cằm lởm chởm của lão.
- Mời đồng chí vào phòng trong, xin cứ tự nhiên.
- Tôi đến có chuyện muốn bàn với bác. À mà gọi tên bác thế nào cho tiện nhỉ?
- Tên tôi là Iakốp Lukits (*).
- Iakốp Lukits hả? Này, Iakốp Lukits ạ, hôm nọ họp, bác đã phát biểu rất hay về nông trang. Bác bảo là nông trang cần có máy móc hiện đại thì hẳn là đúng rồi. Nhưng vấn đề tổ chức lao động thì bác đã nhầm, thực tế thế! Chúng tôi định đưa bác ra làm quản lý đấy. Nghe nói bác là người làm ăn có trình độ…
- Thì mời đồng chí vào đây đã nào! Bà nhà ơi, đặt ấm samôva lên! Đồng chí xơi bát xúp nhá? Hay là dùng tạm khoanh dưa muối vậy? Mời quý khách vào quá trong này! Đồng chí đã dẫn dắt chúng tôi vào cuộc đời mới… Iakốp Lukits nghẹn ngào mừng rỡ, tưởng đâu như cất được cả một hòn núi đè nặng trên vai: - Làm ăn có trình độ, đồng chí nói quả là chí lý. Tôi muốn thoát ra khỏi những lề thói dốt nát tối tăm của ông cha ta ngày xưa…Xem như bây giờ bà con cày cuốc đấy! Đúng là họ khảo đất lấy của! Tôi đã được một giấy khen của phòng nông nghiệp khu . Xêmiôn! Mang tờ giấy khen ra đây, tờ đóng khung ấy. Nhưng thôi ta vào đấy xem cũng được, đồng chí ạ!
Iakốp Lukits dẫn khách vào phòng khách, kín đáo nháy mắt ra hiệu cho Xêmiôn. Thằng con hiểu ý, đi ra hành lang định đóng cửa gian buồng xép của Pôlốptxép lại. Nó nhòm vào phòng và phát hoảng lên: gian phòng trống không. Xêmiôn bổ sang phòng lớn. Pôlốptxép chân đi độc đôi tất len đang đứng nép sau cánh cửa ăn ra phòng khách. Y ra hiệu bảo Xêmiôn đi ra, và áp vào cánh cửa cái tai gân guốc vểnh lên như tai thú dữ. “Tợn thật, lão quỷ!” – Xêmiôn thoáng nghĩ như vậy, bước ra khỏi phòng.
Mùa đông, gian phòng lớn lạnh lẽo của nhà Ôxtơrốpnốp bỏ không, không có hơi người ở. Trong một góc sàn gỗ sơn, chủ nhà đổ đống hạt đay năm này lưu năm khác. Cạnh cửa đặt một thùng ngâm táo. Pôlốptxép ngồi ghé xuống miệng thùng. Y nghe rõ mồn một từng lời đi tiếng lại bên ngoài. Ánh hồng chiều tà lọt qua các khoang cửa sổ mờ sương. Hai chân Pôlốptxép buốt tê, nhưng y cứ ngồi, không nhúc nhích, uất hận sục sôi lắng nghe cái giọng nam cao khàn khàn của kẻ thù cách mình độc cánh cửa. “À, đồ chó đẻ! Mày mít tinh gào lên mãi đã khản đặc tiếng! Ông thì cho mày… Chà, ước gì được sốt sột ngay bây giờ!” Pôlốptxép ghì vào ngực hai nắm tay máu dồn đỏ tấy, móng cắm ngập vào lòng bàn tay.
Phía sau cửa có tiếng nói:
- Thưa đồng chí lãnh đạo nông trang, tôi xin thưa với đồng chí thế này: ta làm ăn theo lối cũ thì không ăn thua đâu! Lấy chuyện lúa mì chẳng hạn. Vì sao nó lại bị giá và nhiều khi mỗi đêxiachin được hai mươi pút vẫn còn là may, và có nhiều người không thu đủ bù giống nữa kia? Còn lúa của tôi thì mùa nào cũng như mùa nào, lách không được. Có lần tôi đi thăm đồng, cưỡi con ngựa cái, vắt chéo hai bông lúa qua lưng ngựa, tết lại được. Bông ra bông, nắm không lọt tay. Được như thế là do tôi giữ được tuyết, cho đất uống no nước. Người khác chặt quỳ sát tận gốc, tham mà: họ bảo để lấy củi đun. Giống ngu như bò ấy, mùa hè họ chẳng bao giờ chịu lấy phân chuồng làm chất đốt cả, họ lười chảy thây ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đeo đẳng cái bệnh lười ấy và không hiểu nổi là nếu chỉ cắt độc ngọn thôi, để lại thân, thì cái thân còn lại sẽ giữ được tuyết, cản gió cuốn tuyết xuống khe. Sang xuân thì đất ấy còn tốt hơn cả chân ruộng cày thu kỹ nhất. Còn nếu như không giữ tuyết, nó sẽ tan uổng đi, người mất ăn và đất cũng chẳng thêm được chút màu mỡ gì.
- Đúng quá!
- Đồng chí Đavưđốp ạ, không phải vô cớ mà vị cha nuôi của chúng ta là chính quyền Xôviết đã tặng bằng khen cho tôi. Công việc tôi hiểu đâu ra đó. Mà ngay cả những nhà nông học cũng có khi sai lầm, nhưng trong khoa học thì họ cũng có nhiều cái đúng. Chẳng hạn như tôi có đặt mua dài hạn một tờ tạp chí nông nghiệp trong đó có một ông học rộng tài cao, thuộc loại các ông dạy học cho sinh viên ấy, đã viết là cây lúa chẳng chết vì băng giá đâu, mà chết vì đất bị trơ ra không có một lớp tuyết phủ sẽ nứt nẻ và làm đứt luôn cả rễ lúa.
- À, ra thế! Vậy mà tôi không biết đấy.
- Mà ông ta viết thế là đúng. Tôi đồng ý với ông ấy. Và chính tôi cũng đã làm thử xem thực hư ra sao. Tôi đào đất lên xem: những sợi rễ con, nhỏ li ti như sợi tóc nhờ nó mà hạt thóc hút chất bổ béo từ trong đất, đã bị đứt tung ra. Hạt thóc không có gì nuôi nữa, thế là chết thôi mà. Nếu ta cắt đứt mạch máu con người thì liệu người có còn sống được không? Hạt thóc cũng vậy thôi.
- Đúng, Iakốp Lukits ạ, bác nói chí lý lắm. Phải giữ lấy tuyết. Bác cho tôi mượn tờ tạp chí nông nghiệp ấy tôi đọc.
“Vô ích, mày ơi! Không kịp đọc đâu! Đời mày chẳng còn được mấy chốc!” – Pôlốptxép mỉm cười nói thầm như vậy.
- Lại còn chuyện làm cách nào giữ được tuyết trên ruộng cày thu nữa chứ! Cần có rào chắn. Và thế là tôi nghĩ ra cách làm rào chắn bằng cành khô… Phải trị cái nạn khe rãnh xói mòn nữa, hàng năm nó cũng làm chúng tôi mất mất hơn một nghìn đexiachin đấy.
- Đúng lắm. Nhưng bác cho ý kiến ta nên làm thế nào để chuồng bò được ấm hơn. Sao cho vừa tốt vừa tiết kiệm.
- Chuồng bò ấy à? Cái ấy thì chúng tôi sẽ làm. Phải bắt các bà ấy lấy đất trát kín phên vách, thế là một. Hoặc không thì có thể lấy phân khô súc vật đổ vào giữa hai lớp vách cũng được…
- À.. à…à.. Còn ngâm giống thì thế nào?
Pôlốptxép định ngồi cho ngay ngắn trên cái thùng gỗ, nhưng đã làm nắp thùng tuột ra rơi đánh xoảng xuống đất. Răng Pôlốptxép va vào nhau lập cập khi y nghe thấy Đavưđốp hỏi:
- Cái gì rơi thế?
- Chắc có ai đánh đổ cái gì đấy. Buồng ấy mùa đông chúng tôi không ở, tốn củi sưởi lắm.. À mà để tôi đưa đồng chí xem một loại gai giống. Tôi gửi đặt mua đấy. Mùa đông tôi cất trong buồng này. Mời đồng chí sang xem.
Pôlốptxép nhảy ra cái cửa thông ra hành lang, cánh cửa này nhờ đã bôi mỡ nên không cót két. Y lách ra ngoài không một tiếng động…
Đavưđốp ở nhà Iakốp Lukits đi ra, tập tạp chí cắp nách, hài lòng về kết quả cuộc thăm hỏi này và càng tin chắc rằng cần trọng dụng Ôxtơrốpnốp. “Chính là với những người như thế mà ta có thể làm cho làng xóm thay đổi hẳn đi trong vòng một năm! Cha ấy thật là một dân mugích sáng dạ, lại chữ nghĩa nữa. Lão ấy thật đúng là biết làm ăn, hiểu nghề nông! Thế mới gọi là lành nghề! Mình chẳng hiểu tại sao cậu Maka lại cứ ngờ vực hắn, rõ ràng là lão ấy sẽ giúp cho nông trang được khối việc!”. Đavưđốp chân bước về trụ sở Xôviết, bụng nghĩ như vậy.
------------------------
(*) : Tên của người Nga gồm có ba phần: tên riêng, tên bố, họ. Tên “Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp” có thể tạm dịch là: Iakốp, con ông Luka, họ Ôxtơrốpnốp. Khi kính trọng, người ta gọi bằng hai yếu tố đầu. – ND.
Tập I - Chương 15
Bắt chước Iakốp Lukits, đêm nào ở Grêmiatsi Lốc người ta cũng làm thịt gia súc. Vừa sẩm tối đã nghe thấy đâu đó tiếng cừu be lên một tiếng cụt lủn, tắc nghẹn, lợn bị chọc tiết giẫy chết kêu eng éc, hoặc bò cái tơ rống lên. Cả nông trang viên lẫn người còn cá thể đều mổ thịt gia súc. Bò đực, cừu, lợn, và cả bò cái nữa, đều bị đè ra thịt; người ta thịt cả những con giữ lại làm giống.. Trong hai đêm, số gia súc có sừng ở Grêmiatsi Lốc đã vợi đi một nửa. Chó tha ruột, tha lòng đi khắp làng. Các nhà kho, nhà đập lúa đầy ắp những thịt. Trong hai ngày cửa hàng hợp tác mua bán đã bán bay đi gần hai trăm pút muối tồn kho từ năm rưỡi nay.
“Thịt quách đi, có phải của mình nữa đâu!”
“Thịt quách đi, đằng nào thì người ta cũng mang nó lên kho thực phẩm!”
“Thịt quách đi, kẻo rồi vào nông trang sẽ chẳng được miếng dính răng đâu!”
Những lời xì xào nhỏ to như thế cứ lan đi. Và người ta mổ thịt gia súc. Người ta ăn tống ăn táng. Già trẻ lớn bé bị bội thực ráo cả. Đến bữa ăn, bàn nào bàn nấy trĩu xuống những thịt luộc, thịt quay. Đến bữa ăn, ai nấy mồm mép nhờn nhẫy, ợ lên, cứ như đi ăn cỗ giỗ. Và mắt ai cũng đờ ra vì no nê, phè phỡn.
Bác Suka là một trong những người đầu tiên đã vật con bê mới đẻ vụ hè ra thịt. Ông lão và bà lão muốn treo con bê lên xà ngang để lột da cho dễ; hai ông bà hì hục mãi mà không treo nổi (con bê béo quá, nặng như cái cùm!), thậm chí bà lão đã bị trẹo xương hông trong khi nâng đít con bê. Và mụ lang đã phải úp nồi gang lên lưng, giác cho bà cụ suốt một tuần. Sáng hôm sau, bác Suka đã phải tự tay thổi nấu lấy. Và chẳng hiểu vì lo cho bà bị trẹo khớp tay hay vì háu ăn quá mà bữa chiều hôm ấy, lão đã ngốn thịt thăn ghê đến nỗi suốt mấy ngày sau lão không ló mặt ra khỏi ngõ nữa, quần chẳng buồn cài khuy, và bất kể ngày đêm, giá rét đại hàn, chốc chốc lại lủi ra sau nhà kho, trong vườn quỳ. Ai đi ngang qua căn lều xiêu vẹo của lão vào những ngày ấy ắt thấy cái mũ lông của lão nhô lên trong vườn, giữa đám ngọn quỳ. Nó nhô lên, không nhúc nhích. Rồi thì bỗng chính bác Suka hiện ra từ trong đám quỳ, bước thấp bước cao trở về nhà, mắt chẳng nhìn ra ngõ, vừa đi tay vừa túm giữ cái quần chẳng thiết cài khuy lại. Lão bước đi mệt rã, chân lê không nổi, và vừa tới cổng thì bỗng, như sực nhớ đến một việc gì không thể trì hoãn được, lão quay lại, chạy nước kiệu trở ra vườn. Và một lần nữa, cái mũ lông của lão lại nhô lên, trang nghiêm, im phắc, giữa đám ngọn quỳ. Và trời vẫn rét như cắt da cắt thịt. Và gió vẫn thổi hun hút trong vườn, cuốn tuyết chất lên xung quanh người lão thành từng đống dựng đứng, chỏm nhọn…
Được hai hôm như thế thì buổi chiều, Radơmiốtnốp được tin là việc giết gia súc đã mang tính chất phổ biến, vội chạy đến tìm Đavưđốp.
- Ngồi chễm chệ đấy à?
- Mình đọc quyển sách. – Đavưđốp gấp góc trang sách nhỏ bìa vàng lại trầm ngâm mỉm cười: - Sách ra sách! Cậu ạ, đọc cứ bị cuốn đi theo! – Anh cười, nhăn ra hàm răng sứt, và giang rộng hai cánh tay ngắn, chắc nịch.
- Thế ra người ta ngồi đọc tiểu thuyết! Hoặc quyển sách hát nào chẳng biết. Trong khi đó thì khắp làng…
- Bậy nào! Ai đọc tiểu thuyết! Và làm gì ra sách hát nào! – Đavưđốp cười ha hả, kéo Anđrây ngồi xuống chiếc ghế đẩu trước mặt mình, dúi cuốn sách nhỏ vào tay anh ta: - Đây là báo cáo của Anđrâyép đọc tại hội nghị đảng bộ Rôxtốp. Cái này, cậu ạ, còn bằng mười quyển tiểu thuyết ấy chứ, thực tế thế! Mình mở ra xem, và thế là quên cả ăn, cứ đọc miết. Chà! Chán quá… Bây giờ cơm nước chắc đã lạnh tanh cả rồi.
Khuôn mặt rám nắng của Đavưđốp lộ ra vẻ ngán ngẩm, rầu rĩ. Anh đứng dậy ỉu sìu, xốc cái quần ngắn cũn lên, đút hai tay vào túi quần, đi xuống bếp, Radơmiốtnốp cáu quá, hỏi:
- Người ta nói, ông có nghe không thì bảo?
- Ô hay, sao lại không nghe! Nghe chứ! Mình lên ngay đây.
Đavưđốp mang ở dưới bếp lên một bát sành xúp bắp cải nguội ngắt, rồi ngồi xuống. Anh ngoạm luôn một miếng cái bánh mì to tướng, nhai nhồm nhoàm, làm cho hai thớ thịt phía dưới hai gò má hồng hồng của anh cứ đưa đi đảo lại, và lẳng lặng đưa cặp mắt xám mệt mỏi lim dim nhìn Radơmiốtnốp. Trên mặt xúp, mỡ bò đóng váng lại từng khoanh vàng, và một quả ớt nổi lềnh bềnh tươi như ngọn lửa đỏ.
- Xúp thịt hả? - Anđrây trỏ ngón tay vàng khè khói thuốc vào bát xúp, ranh mãnh hỏi.
Đavưđốp đang nghẹn, gượng cười gật đầu với vẻ hài lòng.
- Thịt đâu ra thế?
- Biết được! Sao?
- Trong làng người ta đã giết thịt một nửa số gia súc rồi chứ sao!
- Ai giết? - Đavưđốp xoay xoay khoanh bánh mì, rồi gạt sang một bên.
Vết sẹo trên trán Radơmiốtnốp ửng đỏ lên:
- Trời đất! Thế mà là chủ tịch nông trang đấy! Xây dựng nông trang khổng lồ đấy! Nông trang viên của ông giết chứ còn ai! Và cả đám cá thể nữa! Họ hoá rồ cả rồi! Họ giết chết tươi ráo cả, cả bò đực nữa!
- Cậu có cái thói là hơi tí.. ngoạc mồm ra, cứ như đi mít tinh… - Đavưđốp lại chúi vào bát xúp, khó chịu nói. - Thì cậu cứ bình tĩnh kể lại mình nghe đầu đuôi ra sao, ai giết, và tại sao giết?
- Nào có biết tại sao?
- Cậu thì lúc nào cũng hét lên, gào lên… Nhắm mắt lại thì tưởng đâu là hồi cách mạng năm mười bảy vậy.
- Địa vị cậu dễ cậu không hét!
Radơmiốtnốp kể lại cho Đavưđốp những điều anh biết rõ về chuyện giết gia súc mới xảy ra đây. Nghe đến gần hết chuyện thì Đavưđốp ăn hầu như nuốt chửng, không nhai. Giọng đùa cợt của anh mất hẳn, những vết nhăn rẻ quạt hằn bên đuôi mắt, và gương mặt anh dường như già sọm đi.
- Cậu đi ngay, triệu tập cuộc họp toàn thể. Bảo Nagunốp .. Thôi, để tôi ghé qua cậu ấy.
- Họp cái gì?
- Còn cái gì nữa! Ta sẽ cấm giết gia súc! Sẽ đuổi ra khỏi nông trang và truy tố. Đây là một vụ cực kỳ nghiêm trọng, thực tế thế! Lại bọn kulắc thọc gậy bánh xe ta đây! À mà này, hút điếu thuốc đã, rồi đi luôn đi… Ờ, mình cũng quên, không khoe với cậu.
Gương mặt Đavưđốp thoáng một ánh ấm áp trong khoé mắt, một nụ cười sung sướng. Anh không giấu nổi niềm vui trong lòng, mặc dầu cố mím môi lại ra vẻ nghiêm nghị:
- Hôm nay mình nhận được qùa Lêningrát… Ừ, của anh em gửi cho… - Anh cúi xuống, lôi dưới gậm giường ra một hòm con, mở nắp, và mặt anh đỏ lên vì vui sướng.
Trong hòm lổng chổng mấy bao thuốc lá, một hộp bánh quy, sách vở, một hộp thuốc lá bằng gỗ chạm và những cái gì gì nữa gói kín.
- Anh em còn nhớ đến mình, gửi cho đấy… Cậu ạ, đây là thuốc lá quê mình đấy, thuốc Lêningrát.. Này, cậu xem, lại cả sôcôla nữa. Mà mình thì cần gì đến sôcôla nhỉ? Nên gửi cho nhà nào có trẻ.. Nhưng ý nghĩa là ở sự việc, chứ không phải ở chỗ ấy. Phải không? Điều quan trọng là anh em đã nhớ đến, gửi quà, và có cả thư nữa này…
Giọng Đavưđốp nghe dịu dàng lạ thường. Đây là lần đầu tiên Anđrây được thấy anh bạn Đavưđốp sung sướng mê mẩn lên như vậy. Và rồi, không hiểu sao, chính Radơmiốtnốp cũng thấy vui lây. Anh lầu bầu, trong thâm tâm là muốn nói với bạn một câu thân tình:
- Ờ, hay đấy! Cậu là người tốt, thế cho nên anh em mới gửi quà cho. Chỗ này đâu phải một rúp mà mua nổi.
- Vấn đề đâu ở chỗ ấy! Cậu cũng biết đấy, mình đại loại là, nói mà chán kinh, một kẻ tứ cố vô thân: vợ con chả có, chả có ai cả, thực tế thế! Vậy mà bỗng, độp một cái, đây, quà đây! Cảm động thật! Cậu xem, lá thư này có bao nhiêu là chữ ký!
Đavưđốp một tay đưa hộp thuốc lá ra mời, một tay cầm lá thư chi chít những chữ ký. Cả hai tay run run.
Radơmiốtnốp châm điếu thuốc Lêningrát hút, và hỏi:
- À mà thế nào, chỗ ở mới có vừa ý không? Bà chủ nhà được chứ? Quần áo giặt giũ thế nào? Hay là mang đến bà cụ mình giặt cho? Hoặc nhờ bà chủ nhà cũng được… Cái áo sơmi cậu mặc gươm chém không rách, và mồ hôi khét lẹt, như mùi hôi ngựa chết.
Mặt Đavưđốp ửng đỏ lên, rồi đỏ tía.
- Quả có thế thật… Mình ở nhà Nagunốp có phần không tiện.. Còn khâu vá thì mình làm lấy, giặt rũ đại loại cũng vậy! Và nói chung, từ ngày tới đây mình cũng chưa tắm giặt, có thế! Và cái áo săngđay này cũng chưa giặt… Cửa hàng đây không bán xà phòng. Mình có nhờ bà chủ nhà, nhưng bà ấy bảo: “Anh đưa xà phòng đây”. Mình sẽ viết thư cho anh em, bảo họ gửi cho mình ít xà phòng. Còn chỗ ở thì được, không có trẻ, tha hồ đọc sách, và nói chung…
- Thế thì cậu mang quần áo lại, bà cụ mình giặt cho. Cứ tự nhiên. Bà cụ nhà mình dễ lắm.
- Cám ơn, cái ấy mình khắc phục được, cậu khỏi lo. Phải xây một nhà tắm cho nông trang, nếu có lo thì nên lo chuyện ấy. Ta sẽ xây, thực tế thế! Thôi, cậu đi tổ chức họp đi.
Radơmiốtnốp hít vài hơi thuốc lá, rồi đi. Đavưđốp hờ hững xếp lại đống quà, thở dài một cái, sửa lại cái cổ áo săngđay vàng sẫm cáu ghét, vuốt lại mái tóc chải hất ngược, rồi mặc áo.
Dọc đường anh tạt qua nhà Nagunốp. Nagunốp tiếp anh, đôi mày cau lại, mắt nhìn lảng đi. Anh vừa bắt tay Đavưđốp, vừa càu nhàu:
- Họ đang thịt gia súc… Họ tiếc của tư hữu. Đây đúng là cái kiểu hoang mang tiểu tư sản, không chê được! - Rồi quay sang nói tiếp ngay nghiêm giọng bảo vợ: - Cô, cô ra ngoài một lát. Sang chơi bên bà chủ nhà. Tôi không đủ tinh thần nói chuyện trước mặt cô.
Luska bỏ đi xuống bếp, vẻ buồn bã. Mấy hôm nay, từ ngày thằng Chimôphây, con lão Mũi toác, cùng với các gia đình kulắc rời làng ra đi, cô ả cứ ngơ ngẩn như người mất hồn. Đôi mắt sưng húp của ả quầng một quầng xanh buồn rượi, biếc như màu nước hồ. Và cả mũi ả cũng nhọn ra, như mũi người chết. Xem ra cô ả đau lòng lắm vì cuộc ly biệt người yêu. Hôm bọn kulắc lên đường đi các miền băng giá Bắc cực, ả cứ lởn vởn suốt ngày quãng gần nhà Bôrsép đợi Chimôphây, công khai, không biết ngượng. Và về chiều, khi đoàn xe tải ngựa kéo chở các gia đình kulắc và đồ lề hành lý rời khỏi Grêmiatsi Lốc thì ả kêu thét lên một tiếng thảm thiết, ngã vật xuống tuyết. Thằng Chimôphây nhảy bổ trên xe xuống lao về phía ả, nhưng lão Phrôn Mũi toác quát gọi giật nó lại. Chimôphây cuốc bộ lẽo đẽo theo xe, chốc chốc lại ngoảnh lại nhìn về phía Grêmiatsi Lốc, cắn chặt đôi môi nhợt đi vì lòng căm thù nóng bỏng.
Những lời tình tứ của Chimôphây không còn thủ thỉ bên tai ả như cành lá bạch dương nữa. Rõ ràng là từ nay Luska không bao giờ được nghe những lời ấy nữa. Cô gái yêu kiều làm sao mà tránh khỏi héo hon vì âu sầu chán nản, sao cho khỏi nẫu ruột nẫu gan? Từ nay ai là người say đắm nhìn vào mắt ả mà nói: “Luska ơi, cái váy xanh này hợp với em ghê lắm! Em mặc nom nổi hơn cả một bà vợ sĩ quan ngày xưa”. Hoặc những lời của một bài dân ca: “Em ơi, xa cách từ đây. Em xinh em đẹp anh ngây ngất lòng”. Chỉ có Chimôphây mới làm được cho Luska mê mẩn tâm thần với cái lối mơn trớn và yêu đương sỗ sàng của hắn.
Từ hôm ấy, ả hoàn toàn lạnh nhạt với chồng. Thấy vậy, Maka đã bình tĩnh nói chuyện với ả, giọng như búa tạ và nói dài một cách khác thường:
- Cô còn sống ở nhà tôi vài ngày nữa, cứ sống nốt. Rồi thì thu nhặt áo xống, nịt tất, son phấn cuốn xéo đi đâu tuỳ ý. Yêu cô, tôi đã dơ cái mặt nhiều rồi, và bây giờ không chịu nổi nữa! Cô lăng nhăng với một thằng con kulắc, tôi lơ đi cho cô. Nhưng trước mặt đông đủ bà con nông trang viên giác ngộ mà cô khóc sướt mướt vì nó thì quá quắt lắm, tôi không chịu được. Cô em ạ, sống với cô thì tôi chẳng những không kéo nổi được đến ngày cách mạng thế giới đâu, mà có thể bị rụng lúc nào không biết. Trong đời tôi, cô là cái địu quàng vào cổ. Bây giờ thì tôi muốn quẳng nó đi cho nhẹ xác! Cô hiểu chưa?
- Hiểu rồi. - Luska đáp, rồi nín thinh.
Đúng chiều hôm ấy, Đavưđốp có một buổi nói chuyện riêng với Nagunốp.
- Vợ cậu bôi gio trát trấu vào cậu qúa quắt lắm! Bây giờ cậu ăn nói làm sao với bà con nông trang viên được nữa, hả Nagunốp?
- Lại chuyện cũ rích…
- Cậu thật trơ như gỗ đá! Ương bướng như con bò! - Cổ Đavưđốp đỏ tía lên, mấy đường gân trên trán nổi phồng.
- Biết nói thế nào với cậu được nhỉ? - Nagunốp đi đi lại lại trong phòng, bẻ ngón tay răng rắc, lặng lẽ mỉm cười một nụ cười hóm hỉnh: - Lỡ mồm một tí là cậu bám ngay lấy: “Vô chính phủ! Lệch lạc!”. Cậu biết mình coi giống đàn bà là thế nào không? Và duyên cớ làm sao mà mình lại cắn răng chịu cảnh bị mọc sừng như vậy không? Hình như có lần mình đã nói với cậu là mình không có ảo tưởng gì về đàn bà cả. Cậu có ý kiến gì về cái đuôi con cừu cái không hả?
- Khôôông… - Sửng sốt trước sự đổi giọng bất ngờ của Nagunốp, Đavưđốp đáp một tiếng kéo dài.
- Mình thì mình nghĩ thế này đây: tạo hoá đã gắn thêm cho con cừu cái cái đuôi để làm gì nhỉ? Hình như chẳng để làm gì cả. Con ngựa, hoặc con chó thì đã đành: những con này dùng đuôi để xua ruồi. Còn con cừu cái thì tạo hoá đắp cho nó tám phuntơ mỡ ấy. Nó vẫy đuôi đấy, nhưng không xua nổi con ruồi nào, mùa hè có đuôi lại thêm bức, chỉ tổ cỏ gai bám vào…
- Chuyện đuôi điếc thì dính dáng gì đến đây? - Đavưđốp trong bụng đã bắt đầu phát khùng.
Nhưng Nagunốp cứ tỉnh khô đi, nói tiếp:
- Theo mình, nó được gắn thêm đuôi là để che cái của dơ dáng kia đi. Không tiện lắm, nhưng đành vậy biết làm sao bây giờ? Đối với mình cũng thế thôi, đàn bà, nghĩa là vợ, cũng cần như con cừu cái cần cái đuôi vậy. Mình hướng toàn tâm toàn ý vào cuộc cách mạng thế giới. Đấy là người yêu mà mình mong đợi… Còn đàn bà thì mình chỉ coi là cái rơm cái rác, không hơn không kém. Tóm lại là như vậy. Nhưng không có nó cũng không xong, vì người ta cần che cái của dơ dáng của mình đi… Mình là một thằng đàn ông đang sung sức, có hơi ốm yếu một tí, nhưng cái khoản ấy thì cũng có thể đáp ứng được. Còn nếu con vợ mình có ngứa trôn, đi lăng nhăng một tí thì mặc mẹ nó. Mình đã bảo với nó thế này: “Nếu cô thiếu thốn, cho cô thả cỏ, nhưng liệu đấy, chớ có vác bụng về nhà hoặc chuốc lấy bệnh vào người mà tôi vặn cổ sớm”. Ấy thế mà đồng chí Đavưđốp ạ, đồng chí chẳng hiểu cóc khô gì cả. Đồng chí cứ như cái thước sắt gấp ấy. Và nhìn cách mạng cũng nhìn bằng con mắt không đúng.. Đó, vậy anh hạch tôi cái gì về tội lỗi của con vợ tôi? Nó cũng còn sức đáp ứng tôi, và bây giờ nó dan díu với một thằng kulắc, khóc lóc vì hắn, vì một tên kẻ thù giai cấp, thì với cái tội ấy nó là một đồ sâu bọ, và mình sẽ đuổi cổ nó đi. Còn đánh nó thì mình chịu. Mình đang bước vào cuộc đời mới và không muốn bẩn tay. Còn cậu thì chắc cậu sẽ đánh chứ gì? Nhưng thế thì có khác gì nhau giữa cậu, một người cộng sản, với con người cũ, một anh công chức nào đó chẳng hạn? Bọn ấy vẫn chuyên môn đánh vợ. Thôi, anh bạn ạ, anh hãy thôi, đừng nói với tôi chuyện con Luska nữa. Tôi khắc tự giải quyết lấy, anh dây vào nữa là thừa. Đàn bà là một chuyện chẳng đơn giản tí nào. Khối cái phụ thuộc vào họ. - Nagunốp mơ màng mỉm cười và sôi nổi nói tiếp: - Bao giờ ta phá vỡ được mọi đường biên giới, mình sẽ là người đầu tiên lớn tiếng tuyên bố: “Đi đi, đi mà lấy vợ khác giống nòi!” Mọi giống người sẽ lấy nhau lẫn lộn, và trên thế gian này sẽ không còn chuyện phi lý là người này thì da trắng, người kia da vàng, người kia nữa da đen, và người da trắng thì cứ trách cứ những người kia về màu da của họ và cho họ là thấp kém hơn mình. Mọi người ai rồi cũng sẽ như ai, ngăm ngăm đen dòn. Thỉnh thoảng đêm nằm mình cứ nghĩ như thế đấy…
- Maka ạ, cậu sống cứ như trong mộng vậy! - Đavưđốp nói, vẻ không hài lòng. - Cậu có nhiều cái mình không hiểu. Chuyện thành kiến chủng tộc thì đúng thế đấy, nhưng còn những chuyện kia thì… Trong những vấn đề về sinh hoạt, mình không đồng ý với cậu. Nhưng thôi, mặc xác cậu! Có điều là mình sẽ không ở nhà cậu nữa, thực tế thế!
Đavưđốp lôi ở dưới gậm bàn ra chiếc vali (bên trong nghe loảng xoảng những dụng cụ đồ nghề để lay lứt không dùng đến), và bước ra khỏi nhà. Nagunốp tiễn anh đến chỗ ở mới, tại nhà bác Philimônốp, một nông trang viên không con cái. Suốt dọc đường đi đến nhà bác Philimônốp, hai người nói chuyện công việc gieo hạt, còn chuyện gia đình và sinh hoạt thì không đả động gì đến nữa. Từ đấy trở đi, cái không khí lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai người cảm thấy càng rõ hơn…
Và lần này cũng vậy, Nagunốp tiếp Đavưđốp độc cứ nhìn cúi xuống đất hoặc lảng đi, nhưng Luska đi khỏi rồi thì anh nói đã hoạt bát hơn:
- Đồ chó má, chúng nó giết gia súc! Chúng nó sẵn sàng ăn nhồi ăn nhét, miễn sao khỏi phải đưa vào nông trang. Mình đề nghị thế này: ngay hôm nay đưa ra hội nghị biểu quyết đem xử bắn lũ đồ tể khốn nạn ấy đi!
- Saaao?
- Mình bảo là đem bắn. Muốn bắn thì phải xin phép ai nhỉ? Toà án nhân dân không có quyền, phải không? Cứ cho bục đôi ba thằng đã mổ thịt bò cái chửa thì những thằng còn lại chắc chắn sẽ tỉnh ngộ ra ngay! Bây giờ phải hết sức nghiêm khắc.
Đavưđốp quẳng cái mũ cátkét lên mặt hòm, đi đi lại lại trong phòng. Trong giọng anh nói có cái vẻ bực bội và phân vân:
- Cậu lại làm to chuyện… Làm việc với cậu mệt lắm, Maka ạ! Cậu ngẫm mà xem: chẳng lẽ lại có thể đem bắn người ta vì tội thịt một con bò cái? Chẳng có điều luật nào như thế cả, thực tế thế! Có quyết định của Ban chấp hành Trung ương các Xôviết và Hội đồng dân uỷ, trong đó có vấn đề này đã nói rõ: hai năm tù, có thể tịch thu ruộng đất, những kẻ ngoan cố thì cho đi đày, vậy mà cậu thì lại đòi đem bắn. Thật chả biết cậu là cái ông gì…
- Ông gì? Chả ông nào cả! Cậu thì suốt ngày chỉ đo đạc với kế hoạch. Nhưng rồi đây ta lấy cóc gì mà cày gieo? Lấy bò đâu… nếu như những người nào chưa vào nông trang đem thịt hết bò đực?
Maka bước tới sát Đavưđốp, đặt hai lòng bàn tay lên đôi vai rộng của anh ta. Anh cao hơn Đavưđốp gần một đầu. Anh từ trên nhìn xuống Đavưđốp, nói:
- Xêmiôn! Mình ái ngại cho cậu qúa! Sao đầu óc cậu lại u mê thế nhỉ? - Rồi nói gần như quát: - Không giải quyết được khâu gieo hạt thì chúng ta sẽ đi tong! Cậu không hiểu sao? Dứt khoát phải bắn ngay vài ba thằng chó má ấy để cứu gia súc! Phải lôi bọn kulắc ra bắn! Bàn tay chúng nó đấy! Phải đề nghị lên trên!
- Đồ ngu!
- Thế là tôi lại thành đồ ngu rồi…- Nagunốp buồn rầu cúi đầu, nhưng rồi lại lập tức hất lên như con ngựa bị thúc, nói oang oang: - Chúng nó sẽ thịt sạch! Tình thế lúc này chẳng khác gì ngoài mặt trận, hồi nội chiến, kẻ thù đang đột phá tứ phía, thế mà cậu thì… Những loại như cậu sẽ làm cho cách mạng thế giới thất bại mất thôi… Nó không thể đi tới được thắng lợi với những con người đầu óc đụt như các cậu! Quanh ta, ở các nước, bọn tư bản đang hút cạn máu giai cấp công nhân, tiêu diệt hồng quân Trung Quốc, tàn sát đủ các thứ dân đen, thế mà cậu cứ gượng nhẹ với kẻ thù! Thật là xấu hổ! Xấu hổ hết sức! Mình cứ khô héo cả tim gan mỗi lần nghĩ đến những anh em giai cấp ở các nơi đang bị bọn tư sản coi bằng nửa con mắt. Chính vì thế mà mình chẳng thể nào đọc báo được!.. Đọc báo là mình cứ lộn ruột lên! Còn cậu thì.. Cậu nghĩ thế nào về những anh em giai cấp đang bị kẻ thù bỏ tù rũ xương? Cậu đâu có thương họ!...
Đavưđốp thở hổn hển, đưa tay lên vò rối mái tóc đen nhánh:
- Quỷ tha ma bắt anh đi! Sao lại không thương? Thực tế thế! Thôi xin cậu, đừng gào lên nữa. Cậu loạn óc và muốn làm người khác cũng loạn theo! Trong chiến tranh dễ thường tôi đã vì đôi mắt xanh của Luska mà tiêu diệt bọn phản cách mạng đấy phỏng? Cậu đề xuất cái gì? Ngẫm lại mà xem! Không thể có chuyện bắn giết được! Tốt hơn là cậu hãy đi làm công tác quần chúng, giải thích đường lối chính sách của ta, chứ bắn thì đơn giản quá! Cậu chỉ chuyên môn thế! Hơi trục trặc một tí là cậu rơi luôn vào cực đoan, thực tế thế! Thế vừa qua cậu ở đâu?
- Cậu ở đâu mình ở đấy!
- Vấn đề chính là ở chỗ ấy đấy! Tất cả chúng mình đã làm hỏng đợt vận động này, và bây giờ phải sửa chữa chứ không phải nói chuyện bắn giết! Hò hét điên cuồng thế là đủ rồi! Làm việc thôi! Đồ quỷ sứ, anh đúng kiểu một cô tiểu thư! Còn tồi tệ hơn một cô tiểu thư móng tay nhuộm đỏ nữa kia!
- Móng tay mình nhuộm toàn máu đào!
- Những người ra trận không đeo găng, đều thế cả, thực tế thế!
- Xêmiôn này, sao cậu lại gọi mình là cô tiểu thư?
- Tiện mồm.
- Cậu hãy rút lui danh từ ấy đi. - Nagunốp dịu giọng, nói.
Đavưđốp lặng thinh nhìn Nagunốp, rồi phì cười:
- Ừ thì rút. Thôi, cứ bình tĩnh, và đi họp thôi. Phải làm ráo riết để ngăn chặn cuộc giết hại gia súc này.
- Suốt ngày hôm qua mình chạy nhông các nhà, giải thích.
- Cách làm tốt đấy. Còn phải chạy nữa, và ta sẽ chia nhau chạy.
- Đấy, cậu lại… Hôm qua, mình đến giải thích cho một nhà, rồi khi bước chân đi ra, nghĩ bụng: “Mình nói, có vẻ họ nghe ra đấy!” Mình vừa đi khuất mắt thì nghe thấy: “Éc, eeéc!” một con lợn bột bị chọc tiết đã kêu ằng ặc rồi. Thế mà mình đã nói suốt một tiếng đồng hồ với cái tên tư hữu chó chết ấy về cách mạng thế giới và chủ nghĩa cộng sản đấy! Mà nói ra nói, chứ xoàng đâu! Nói đến nỗi mấy lần chính mình cũng ứa nước mắt. Không, không nên thừa lời giải thích cho chúng nó, cứ nện vào đầu mà bảo: “Đồ sâu bọ ăn tàn phá hại! Đừng có nghe bọn kulắc xui dại! Đừng học chúng cái đầu óc tư hữu! Đừng giết hại gia súc nữa, quân chó đểu!” Chúng nó tưởng chỉ giết một con bò cày, thực ra thì là cầm dao đâm vào lưng cách mạng thế giới!
Đavưđốp vẫn giữ ý kiến:
- Có người phải nện, có người phải giải thích.
Họ bước ra sân. Tuyết ẩm rơi lả tả. Những bông tuyết dẻo quánh phủ lên lớp tuyết cũ đông cứng trên các mái nhà và tan dần. Họ bước đi trong bóng đêm đen như mực tới trường học. Tới dự họp chỉ có một nửa số dân Grêmiatsi. Radơmiốtnốp đọc Quyết định của Ban chấp hành Trung ương các Xôviết và Hội đồng dân uỷ “Về những biện pháp đấu tranh chống nạn giết hại gia súc”. Sau đó, Đavưđốp phát biểu ý kiến. Để kết luận, anh đặt thẳng vấn đề:
- Thưa đồng bào, chúng tôi đã nhận được hai mươi sáu lá đơn xin gia nhập nông trang. Mai, chúng tôi sẽ đưa ra hội nghị xét những lá đơn ấy. Và những ai đã ăn phải bả bọn kulắc mà giết hại gia súc trước khi vào nông trang thì chúng tôi sẽ không nhận, thực tế thế!
Liubiskin hỏi:
- Thế những ai đã vào rồi mà giết thịt súc vật non thì sao?
- Những người ấy chúng tôi sẽ khai trừ.
Hội trường ồ lên một tiếng, xôn xao. Bôrsép nói tướng lên:
- Thế thì giải tán nông trang thôi! Cả làng không có nhà nào không thịt gia súc.
Nagunốp chĩa vào anh ta vung hai nắm đấm:
- Câm cái mồm, đồ tay sai kulắc! Đừng có chõ mõm vào công việc của nông trang! Không cần có anh người ta cũng khắc làm được! Chính anh cũng thịt một con bò đực ba tuổi phải không?
- Tôi là chủ con bò của tôi.
- Được, để mai tôi tống anh vào tù, rồi ngồi đấy mà làm chủ!
Giọng một người nào khàn khàn nói toáng lên:
- Quá lắm! Đặt vấn đề thế thì quá lắm!
Cuộc họp tuy ít người vẫn náo nhiệt. Tan họp, bà con giải tán lặng lẽ và chỉ khi đã bước ra khỏi trường, chia thành từng tốp nhỏ, họ mới vừa đi vừa bàn tán. Nông trang viên Xêmiôn Kugienkốp than thở với Liubiskin:
- Đúng là ma xui quỷ khiến mình mổ thịt mất hai con cừu. Bây giờ nhờ ông móc họng lôi cái thịt ấy ra dùm…
- Mình thì cũng làm xằng làm bậy như ông thôi, ông ạ, thịt béng mất con dê cái… - Liubiskin thở dài đánh sượt một cái. - Bây giờ đi họp mặt cứ đực ra! Ôi, con mụ nhà tôi! Mả mẹ nó, nó xui dại mình: “Thịt quách đi cho rồi!” Mụ ấy thèm thịt mà! Chà, cái con quỷ mặc váy ấy! Mình về bây giờ sẽ cho nó một trận.
Cụ Akim Bexkhlépnốp, bố vợ Liubiskin, vội khuyên:
- Lựa lời mà bảo nó thôi. Anh thế là sai đứt rồi, chẳng gì anh cũng đã là nông trang viên.
- Con có dám cãi đâu! - Liubiskin thở dài trong đêm tối, tay gạt tuyết bám vào ria, và vấp dúi một cái vào mô đất.
Đemka Usakốp, hàng xóm cụ Bexkhlépnốp, ho húng hắng hỏi:
- Còn cụ, cụ Akim, cụ cũng thịt con bò đực lang rồi phải không?
- Thịt rồi, chú nó ạ. Thì đằng nào chẳng phải thịt? Nó què cái cẳng mà, con lang phải gió ấy! Số nó run rủi tự nhiên dẫn xác đến cái hầm, sa xuống đấy gẫy cẳng.
- Đúng rồi, lúc sớm tinh mơ cháu thấy cụ với bà con dâu cầm gậy xua nó chạy ra phía hầm ấy mà…
- Anh này nói lạ! Anh trông gà hoá cuốc rồi! - Cụ Akim hoảng lên, đứng sững lại giữa đường, mắt nháy lia nháy lịa trong đêm tối như nũ hút.
Đemka đấu dịu:
- Đi thôi, đi thôi, bố già ơi! Làm sao bố đứng sững đấy như bụt mọc vậy? Tay bố dồn con bò xuống hầm mà…
- Chính nó nhảy xuống đấy chứ! Đừng nói thế phải tội. Tội tày đình chứ chơi đâu!
- Bố ranh lắm, nhưng chẳng ranh hơn con bò đâu. Con bò thè lưỡi ra liếm được đuôi, chứ bố thì cầm chắc là bố chịu, có phải không nào? Bố đã nghĩ bụng thế này chứ gì: “Mình xô cho nó ngã què, thế là hết ý kiến!”
Ngọn gió ẩm thổi lồng lộn trong làng. Dương liễu và bạch dương trong các cánh rừng trũng bên sông quật ào ào. Đêm đen như mực trùm lên thôn xóm. Trên các nẻo đường làng tiếng người còn râm ran hồi lâu, chìm trong khí ẩm. Trời đông rũ xuống những lớp sương muối cuối mùa…
Nguồn: http://tusach.mobi/