Tập I - Chương 26
Mồng mười tháng Ba, từ chiều tối, sương mù đổ xuống Grêmiatsi Lốc. Trời sắp sáng thì tuyết tan trên các mái nhà rỏ xuống róc rách: từ mạn nam, từ núi đồi thảo nguyên thổi tới làn gió nồm ẩm. Đêm đầu tiên đón xuân về thoáng hơi mát gió xuân, đêm chìm trong tĩch mịch, trong màn sương bồng bềnh nom như một màn lụa đen, trùm lên Grêmiatsi Lốc. Đến nửa buổi, màn sương đã hồng lên mới tan đi, để lộ ra bầu trời và vầng thái dương; từ phương nam gió thốc tới, bây giờ thì ào ào từng đợt. Tuyết to hạt lún xuống, tan chảy thành từng dòng, chỗ róc rách, chỗ cuồn cuộn. Các mái nhà trở lại sâm sẫm, đường xá sũng lên những vũng nước đen đen. Khoảng trưa thì nước trên núi, trong vắt như nước mắt, cuộn lên sùng sục qua các khe, lũng lòng chảo, ào ào đổ xuống thành hằng hà sa số những giòng thác nhỏ chảy vào các khu đất trũng, các cánh rừng thấp ven sông, các vườn tược, ngâm sũng các nhánh rễ đắng của cây anh đào, dâng ngập những đám lau sậy hai bên bờ sông.
Ba ngày sau, gò đống đã phô trơ đất ra đón gió bốn phương, các sườn đồi được rửa sạch sáng ánh lên lớp đất sét ướt, nước khe đá đục ngầu lại, cuốn theo dòng chảy cuộn sóng sùng sục của mình những đám bọt phồng lên vàng vàng, những khóm rễ sạch bong, những túm cỏ khô còn sót trên các ruộng cày, những bụi kim ngư bị nước cuốn đi.
Con ngòi chảy qua Grêmiatsi Lốc nước dâng tràn bờ. Từ đâu đó trên thượng nguồn của nó lềnh bềnh trôi về những tảng băng xanh xanh lấp lánh ánh nắng. Ở những quãng uốn khuỷu, chúng trôi ra khỏi dòng, quay tròn và va vào nhau, như những con cá khổng lồ trên bãi đẻ trứng. Đôi lúc dòng nước hất chúng lên bờ dốc ngược, và có lúc một tảng băng trôi theo dòng lũ đổ ra sông, lao vào trong các vườn tược, lềnh bềnh giữa cây cối trong vườn, va chan chát vào các thân cây, làm gãy những cây non, làm xây xát những cây táo, vít cả những bụi anh đào rậm rạp xuống.
Ngoài làng những đám ruộng ải đã sạch tuyết nổi sẫm lên như vẫy gọi. Xế trưa, lớp đất đen màu mỡ bị lưỡi cày xới lộn lên bốc hơi nghi ngút. Một không khí tĩnh mịch bát ngát và dễ chịu ngự trị thảo nguyên vào những giờ trưa. Bên trên ruộng cày, vầng mặt trời, làn hơi nước trắng màu sữa, tiếng hót rộn ràng của con sơn ca đầu mùa, và tiếng gọi nhau của đàn sếu bay thành hình tam giác đều, lao mũi nhọn khoảng không xanh biếc của bầu trời không gợn bóng mây. Trên đỉnh các gò đống, hơi nóng bốc lên tạo thành ảo ảnh mặt nước lăn tăn; ngọn cỏ non xanh, dài và nhọn như lưỡi mác, chọc thủng thân cỏ năm qua đã chết khô, vươn lên ánh sáng. Lúa mì gieo đông gió thổi hong khô dường như kiễng chân ngỏng lên, vươn ngọn lá nhỏ hứng lấy tia nắng rực. Nhưng trên thảo nguyên sự sống vẫn còn rời rạc lẻ tẻ. Cu ly và chuột đồng vẫn còn say sưa giấc ngủ mùa đông, các giống thú vẫn ẩn náu trong rừng và khe vực. Thảng hoặc mới thấy một chú chuột đồng lủi qua bãi cỏ dại và những con đa đa chia đàn thành từng cặp vợ chồng bay về những cánh đồng ủ đông.
Đến ngày 15 tháng Ba thì ở Grêmiatsi Lốc thóc giống đã nhập xong. Nông dân cá thể giao thóc vào một kho riêng, chìa khoá kho do ban quản trị nông trang giữ, còn thóc của nông trang viên thì chất đầy ắp sáu gian kho tập thể. Người ta mang thóc ra sàng sảy bằng máy cả ban đêm nữa, dưới ánh sáng ba cây đèn bão. Trong lò rèn của bác Ipôlít Salưi, chiếc bễ miệng rộng hoác thở phì phà phì phò tới tận tối mịt, búa dọt làm bắn văng những hạt lửa vàng và đe vang rộn rã. Bác Salưi làm dấn một lèo đến 15 tháng Ba thì sửa xong tất cả những đồ mang đến cho bác: bừa, cày, máy gieo. Và tối hôm 16, tại trường học, trước mặt đông đủ bà con nông trang viên, Đavưđốp đã trao tặng bác những dụng cụ đồ nghề anh mang ở Lêningrát đến, làm phần thưởng. Anh phát biểu:
- Chúng tôi trong ban quản trị nông trang xin trao những dụng cụ này cho bác phó rèn thân mến của chúng ta, đồng chí Ipôlít Salưi, để tặng thưởng bác đã làm việc thực sự gương mẫu đáng để tất cả bà con nông trang viên ta noi theo.
Đavưđốp - để đi dự buổi lễ trao giải thưởng long trọng này cho bác thợ rèn làm việc gương mẫu đã cạo mặt nhẵn nhụi và mặc chiếc áo săngđay giặt sạch tinh tươm – cầm đống dụng cụ bày trên vuông vải đỏ nhấc lên, còn Anđrây Radơmiốtnốp thì đẩy lên bục bác Ipôlít mặt đỏ dừ.
- Thưa đồng bào, cho đến ngày hôm nay đồng chí Salưi đã hoàn thành một trăm phần trăm công việc sửa chữa nông cụ, thực tế thế! Tổng cộng đồng chí ấy đã lắp xong năm mươi tư lưỡi cày, sửa được mười hai máy gieo các loại sẵn sàng hoạt động, mười bốn chiếc cày xới.v.v. Xin đồng chí vui lòng nhận món quà anh em này của chúng tôi tặng đồng chí làm phần thưởng, và để làm sao cho sau này, lạy trời, bố già nhà ta bao giờ cũng xung phong gương mẫu như vậy; làm sao cho nông cụ của ta luôn luôn được bảo quản tốt, thực thế! Và bà con ta nữa cũng phải xung phong gương mẫu như thế trong sản xuất, có như vậy ta mới xứng đáng với tên gọi của nông trang ta, nếu không thì chúng ta chỉ là một trò cười nhục nhã cho toàn Liên bang xôviết mà thôi, thực tế thế!
Dứt lời, Đavưđốp bọc món tặng phẩm lại bằng tấm xatanh đỏ dài ba mét, trao cho bác Salưi. Bà con Grêmiatsi chưa biết vỗ tay hoan hô, nhưng khi bác Salưi đưa hai bàn tay run rẩy ra đón lấy gói xatanh đỏ thì cả hội trường nhao nhao lên:
- Đáng công đáng của lắm!
- Cũ mà sửa thành mới toanh.
- Đồ nghề để ông lão, còn xatanh thì mang về cho bà lão may áo dài!
- Ipôlít, khao đi thôi, ông nhọ chảo ơi!
- Tung nào (*)
- Thôi đi, quỷ sứ! Ông ấy tung hoành quanh đe như thế là đủ rồi!
Tiếp đó là tiếng hò hét chuyển thành một tiếng ầm ầm liên tục, nhưng rồi bác Suka cũng át được tiếng ồn ấy bằng cái giọng đàn bà the thé của mình:
- Sao đứng ỳ cục thịt ra thế, ông ơi! Mở miệng ra đi! Phát biểu tí cảm tưởng chứ! Người đâu mà lành như đất vậy! (**)
Bà con hưởng ứng bác Suka, hò la, nửa thật, nửa tếu:
- Đêmít Miệng hến phát biểu thay đi thôi!
- Ông Ipôlít ơi, phát biểu mau lên, kẻo quay lơ ra đấy bây giờ!
- Nom kìa, chân cẳng ông ấy run bần bật!
- Mừng quá nuốt chẳng mất lưỡi rồi chắc?
- Phát biểu thì gay hơn quai búa rồi!
Nhưng Anđrây Radơmiốtnốp vốn thích nghi thức long trọng và hôm nay điều khiển buổi lễ trao giải thưởng, đã dẹp được ồn ào, đưa hội nghị đang nhốn nháo trở lại trật tự:
- Từ từ chứ nào, bà con ơi! Làm gì mà loạn lên như vậy? Mùa xuân động cỡn cả rồi hay sao? Vỗ tay cho tử tế chứ ai lại gào lên thế bao giờ! Yêu cầu im lặng, để cho người ta có vài ý kiến chứ! – Rồi anh quay sang bác Salưi, thúc ngầm cho một quả vào mạng mỡ, rỉ tai bảo: - Hít mạnh một cái lấy hơi rồi phát biểu đi, ông nội ơi. Đề nghị nói dài dài tí vào, như một nhà thông thái ấy chứ. Hôm nay bác là đầu trò của buổi lễ long trọng này đấy, phải đọc một bài diễn văn chính quy, đàng hoàng vào.
Bác Ipôlít, xưa nay vốn chẳng được đề cao, suốt đời chưa từng đọc một bài diễn văn “đàng hoàng” bao giờ cả, và làm giúp bà con làng xóm công xá thường chỉ là một chầu cay gọi là mà thôi, hôm nay trước tặng phẩm của ban quản trị và buổi lễ trao quá ư long trọng này, có bao nhiêu tinh thần bay đi đâu mất sạch. Hai tay bác ôm khư khư bọc lụa đỏ vào ngực cứ run bắn; hai cẳng chân bác xưa nay đứng trong lò rèn giạng háng ra vững như bàn thạch, cũng run bắn… Vẫn ôm khư khư cái bọc, bác đưa cánh tay áo lên quệt giọt nước mắt rưng rưng, chùi cái mặt nhân dịp đặc biệt nay đã được lau rửa kỳ cọ đến phát đỏ ửng lên. Rồi phát biểu, giọng khàn khàn:
- Dụng cụ này, đối với chúng tôi, tất nhiên là rất cần.. Xin đa tạ… Đa tạ ban quản trị, đa tạ gói tặng phẩm này… Một lần nữa xin rất là một sự đa tạ! Nghĩa rằng thì là… tôi bố mẹ sinh ra là thợ rèn và có thể… bây giờ lại làm nông trang viên rồi, tôi xin hết lòng… Còn tấm xatanh này, dĩ nhiên là để dành cho bà nó nhà tôi… - Bác nhớn nhác nhìn quanh gian lớp học chật nêm người, tìm bà lão, trung bụng ngầm hy vọng bà lão sẽ cứu nguy cho bác. Nhưng không nhìn thấy bà lão đâu cả, bác thở dài đánh sượt một cái và kết thúc bài diễn văn chẳng lấy gì làm đàng hoàng lắm của bác: - Thưa đồng chí Đavưđốp, xin rất là một sự cám ơn đồng chí, cám ơn nông trang… về cái món dụng cụ bọc trong tấm xatanh này, về sự cố gắng của chúng ta!
Radơmiốtnốp thấy bài diễn văn bối rối của bác Salưi sắp hết đến nơi rồi, cuống quýt ra hiệu hoài cho bác. Bác chẳng thèm để ý đến hiệu của anh, cúi chào hội nghị, rời khỏi diễn đàn, hai tay bưng gói tặng phẩm giơ ra đằng trước như bê một đứa trẻ đang ngủ.
Nagunốp giật vội cái mũ lông trên đầu xuống, vẫy ra hiệu; ban nhạc gồm hai cây đàn và một vĩ cầm cử hành bài “Quốc tế ca”.
---------------------------
(*) Phong tục phương Tây: để hoan hô ai, người ta xúm lại tung người ấy lên trời, đỡ lấy khi rơi xuống, tung tiếp nhiều lần. – ND.
(**) Nguyên văn: ông ấy do hai khúc gỗ lấy nhau đẻ ra. – ND.
* * *
Các đội trưởng sản xuất Đúpxốp, Liubiskin, Đemka Usakốp ngày nào cũng cưỡi ngựa ra thảo nguyên xem xem đồng đã có thể cho cày, gieo được chưa. Mùa xuân tràn về thảo nguyên trên những ngọn gió khô hanh. Ngày đã đẹp trời, và đội sản xuất số 1 đã chuẩn bị sẵn sàng để cày khoảng ruộng cát xám thuộc diện tích của đội.
Tổ tuyên truyền đã được gọi về ấp Vôxkôvôi, nhưng theo đề nghị của Nagunốp, Kônđrátkô đã để Ivan Naiđênốp ở lại Grêmiatsi trong thời gian gieo hạt.
Phát phần thưởng cho bác Salưi hôm trước thì hôm sau Nagunốp cắt đứt với Luska. Cô ả dọn đến ở với bà dì họ sống riêng biệt ở một nơi, ở lì đó hai ngày không ló mặt đi đâu, rồi một bữa gặp Đavưđốp quãng gần trụ sở nông trang, ả giữ anh lại hỏi:
- Bây giờ tôi sống làm sao đây, hả đồng chí Đavưđốp? Góp ý kiến với tôi một tí.
- Thế mà cũng hỏi tôi à! Sắp tới, chúng tôi định tổ chức vườn trẻ, hay cô vào đấy mà làm?
- Cám ơn, chứ chịu thôi! Con cái chả có, bây giờ lại đi dỗ con người ta à? Anh xem còn cách nào khác không?
- Thế thì xuống đội sản xuất.
- Tôi không phải người chân lấm tay bùn, làm đồng là bị hoa mắt chóng mặt…
- Xin lỗi, cô yểu điệu quá nhỉ! Thế thì cô cứ việc đi nhởn, rồi đừng ăn nữa. Nguyên tắc của chúng ta là “không làm không ăn”.
Luska thở dài, lấy giày mũi nhọn bới bới mặt cát ẩm và cúi đầu nhìn xuống:
- Anh bạn Chimôphây của tôi có gửi cho tôi một lá thư từ Kốtlax trên miền bắc… Anh ấy hẹn nay mai sẽ về.
- Chuyện phất phơ! – Đavưđốp mỉm cười; - Và nếu hắn về thật, chúng tôi sẽ tống đi xa hơn.
- Nghĩa là đối với anh ấy thì không có khoan hồng?
- Không! Cô đừng đợi làm gì, và đừng ăn bơ làm biếng nữa. Phải lao động đi, thực tế thế! – Đavưđốp trả lời gay gắt và định bỏ đi nhưng Luska níu anh lại, vẻ hơi bối rối. Giọng ả run run có chiều lả lơi giễu cợt khi ả dài giọng ra hỏi:
- Anh có thể giới thiệu cho tôi một anh chàng ế xưng nào làm chồng được không?
Đavưđốp điên tiết nhe nanh ra, cấm cảu nói:
- Tôi rỗi hơi đi làm việc ấy! Thôi, chào cô.
- Hượm đã! Tôi hỏi thêm cái này!
- Hỏi gì?
- Thế anh không muốn lấy tôi à? – Giọng Luska rõ ra cái ý giễu cợt và khiêu khích trắng trợn.
Bây giờ đến lượt Đavưđốp bối rối. Anh đỏ dừ mặt, môi mấp máy mà không nói được câu gì.
Luska làm bộ nhũn nhặn, nói tiếp:
- Nhìn thử em một tí, đồng chí Đavưđốp ơi! Em xinh đấy chứ, để mà yêu thì cũng tuyệt… Anh xem đây: mắt em đẹp này, lông mày cũng đẹp này, đùi cẳng nom cũng hay, tóm lại là tất… - Ả lấy đầu ngón tay khẽ vén tà váy len màu hoa lý lên, uốn éo quay một vòng trước mặt Đavưđốp đang đứng ngây tán tàn: - Đẹp hay xấu? Thế nào, nói đi chứ, anh…
Đavưđốp hất ngược cái mũ cátkét ra sau gáy trong một cử chỉ tuyệt vọng, đáp:
- Cô thì mê ly rồi, khỏi nói. Đùi cẳng đẹp thật, chỉ có điều là… có điều là với đùi cẳng ấy thì cô không đi đến chỗ cần đi thôi, thực tế thế!
- Thì em muốn đi đâu thì cứ đặt chân đến đấy chứ! Thế nghĩa là em không nên hy vọng gì ở anh ư?
- Tốt hơn hết là cô không nên hy vọng.
- Anh đừng tưởng em chết mê chết mệt vì anh hay muốn bám lấy anh đâu. Em chỉ thương hại anh mà thôi. Em nghĩ bụng: “Anh chàng này vợ con chả có, sống một mình, xa lánh với đàn bà…”. Và mỗi lần anh nhìn em, em đâm ra thấy ái ngại: anh có vẻ thèm rõ dãi.
- Cái cô này, có thánh mà hiểu cô… Thôi, xin chào cô! Tôi đang bận, không có thì giờ đứng với cô. – Và tiếp thêm một câu dí dỏm: - Chờ đấy, gieo xong, lúc ấy tha hồ cho cô tấn công anh chàng cựu thuỷ binh này, có điều là phải xin phép Maka đi đã!
Luska cười khanh khách, nói đuổi theo anh:
- Anh Maka lúc nào cũng giơ cách mạng thế giới ra đánh bài lảng với tôi, còn anh thì gieo giống! Xin kiếu thôi, các ông anh ơi! Hạng như các anh tôi chả thiết! Tôi cần tình yêu rạo rực kia, còn cái kiểu này thì chán lắm! Công tác đã làm máu trong người các anh nguội lạnh đi rồi, cảnh sống này thì chán ngấy lắm rồi.
Đavưđốp đi đến trụ sở, miệng lơ đãng mỉm cười. Anh nghĩ bụng: “phải giao cho cô ả một công tác gì, kẻo cô gái yêu kiều này lại lạc đường lối. Ngày thường mà cô ả cứ diện, và ăn nói đến hay…”. Rồi chậc lưỡi, nghĩ: “Chà, thì mặc xác nó! Nó còn bé bỏng gì nữa, tự nó phải hiểu. Mình đâu phải một bà tư sản chuyên lo việc từ thiện? Mình đã xếp công ăn việc làm cho nó, nó không muốn. Thì cứ việc nhởn nhơ!”.
Gặp Nagunốp, anh hỏi gọn lỏn:
- Cắt đứt rồi à?
- Thôi, đừng hỏi nữa! – Nagunốp vừa càu nhàu vừa ngắm nghía đầu móng những ngón tay dài ngoẵng của anh với một vẻ quá chăm chú.
- Mình muốn hỏi…
- Mình không muốn trả lời!
- Quỷ tha ma bắt cậu đi! Bây giờ lại cấm hỏi nữa đấy!
- Đội một đáng lẽ phải xuất quân hôm nay rồi, nhưng họ cứ lần lữa.
- Cậu nên uốn nắn Luska, cô ấy sẽ làm bừa bãi bây giờ.
- Mình là cha cố để cứu vớt nó đấy à? Anh mặc xác tôi! Tôi nói chuyện với anh về đội một, chuyện mai phải bắt họ ra đồng…
- Mai đội một sẽ ra đồng… Cậu tưởng là đơn giản thế ư: cắt đứt, thế là hết chuyện à? Sao cậu không muốn giáo dục một người đàn bà theo tinh thần cộng sản? Cậu chẳng được cái tích sự gì cả, thực tế thế!
- Mai mình cũng sẽ ra đồng với đội một… Mà sao cậu cứ bám lấy mình như đỉa đói thế vậy? Giáo dục, lúc nào cũng giáo dục! Mình giáo dục thế quái nào được nó trong khi chính mình cũng chẳng được giáo dục tí chó nào? Mình cắt đứt với nó rồi. Còn muốn gì nữa? Cậu dai thật, Xêmiôn ạ, cứ như chão rách!... Lại còn chuyện thằng Banhích kia nữa! … Mình còn phải lo chuyện mình, thế mà cậu cứ lải nhải mãi với mình về con vợ cũ của mình…
Đavưđốp vừa định đối đáp lại thì ngoài sân trụ sở vang lên tiếng còi ô tô. Chiếc xe “Pho” của huyện lắc lư chạy vào, thanh lá chắn rẽ nước tuyết tan thành vũng. Xamôkhin, trưởng ban kiểm sát huyện, mở rộng cửa xe, bước xuống.
- Đến về việc mình đây…- Nagunốp nhăn mặt lại và hầm hầm nhìn Đavưđốp: - Cậu chú ý, đừng có nói linh tinh gì với hắn về con vợ mình, kẻo hắn đút mình vào nhà tu kín đấy! Lão Xamôkhin này, cậu có biết hắn thế nào không? Hắn sắp vặn vẹo: “Tại sao li dị, và li dị trong hoàn cảnh nào?”. Đối với hắn, một anh cộng sản mà li dị vợ là một nhát dao đâm vào tim hắn. Hắn là cha cố chứ không phải là uỷ viên kiểm sát công nông. Mình không sao chịu nổi cái con quỷ trán dô ấy! Chà, mình mà vớ được thằng Banhích bây giờ nhỉ! Quân chó má ấy, lẽ ra phải giết quách nó đi và…
Xamôkhin bước vào, tay vẫn ôm cái cặp vải sơn, chẳng chào hỏi, nửa nạc nửa mỡ hỏi luôn:
- Thế nào, Nagunốp, cậu làm lôi thôi gì vậy? Vì cậu mà trời đất thế này mình phải chạy nhông đây. Anh đồng chí nào đây nhỉ? Có phải Đavưđốp không? À, xin chào! – Anh bắt tay Nagunốp và Đavưđốp, rồi ngồi vào bàn: - Này đồng chí Đavưđốp ạ, cho chúng mình nói chuyện riêng độ nửa tiếng, mình có tí việc với con người độc đáo này (và trỏ Nagunốp).
- Vâng, cứ tự nhiên.
Đavưđốp đứng dậy đi ra, rất đỗi ngạc nhiên nghe thấy Nagunốp, vừa mới rồi còn yêu cầu anh đừng hở ra chuyện anh ta cắt đứt vợ, càu nhàu nói với Xamôkhin (chắc là sau khi đã kết luận rằng nói gần nói xa chẳng qua nói thật):
- Tôi đã đánh nhừ từ một tên phản cách mạng, đúng thế, nhưng chưa hết đâu, đồng chí Xamôkhin ạ…
- Lại còn cái gì nữa?
- Tôi đuổi cổ con vợ tôi đi rồi!
- Sa-a-ao? – Anh chàng Xamôkhin gầy nhẳng, trán dô, hoảng hốt thốt lên một tiếng, và thở phì phà phì phò, lẳng lặng lục cặp, lôi giấy tờ sột soạt…
Tập I - Chương 27
Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ Iakốp Lukits nghe thấy tiếng chân bước, tiếng lịch kịch ngoài cổng, nhưng không làm sao tỉnh dậy được. Và khi đã ráng hết sức dứt mình được ra khỏi giấc ngủ, thì là nghe thấy, lần này chính tai nghe thấy một tấm gỗ hàng rào kêu cót két như dưới sức nặng của người ai đè lên, và đâu như có một cái gì bằng sắt kêu loảng xoảng. Lão nhảy bổ ra cửa sổ, dán mắt vào khe cửa, và trông thấy trong bóng tối như hũ nút của lúc trước rạng đông một bóng ai cao lớn, nặng nề nhảy qua hàng rào, nghe đánh huỵch một cái. Nhìn bóng cái mũ nổi lên trăng trắng trong đêm, lão đoán ra là Pôlốptxép. Lão khoác véttông vào, lôi đôi ủng da trên lò sưởi xuống, xỏ vào, bước ra ngoài. Pôlốptxép đã dắt con ngựa vào sân, đóng cổng, cài then lại. Iakốp đón lấy cương ngựa ở tay y. Con ngựa ướt sũng đến tận đầu sống lưng, thở dốc ruột và bước đi loạng choạng. Pôlốptxép không đáp lại lời chào, thì thào hỏi, giọng khản đặc:
- Anh chàng … Liachépxki vẫn đấy chứ?
- Đang ngủ. Đến là khổ với ông ta… thời gian qua độc nốc rượu…
- Quỷ tha ma bắt hắn đi! Quân ôn vật… Con ngựa của mình, hình như đã bắt nó chạy quá sức…
Giọng Pôlốptxép nghe nhỏ khác thường, không nhận ra nữa, và trong giọng nói ấy Iakốp Lukits cảm thấy có một cái gì tan vỡ , một nỗi lo ngại lớn và sự mệt mỏi…
Vào tới gian phòng xép, Pôlốptxép tháo ủng, rút trong xắccốt ra một chiếc quần sarôva kô-dắc màu xanh có nẹp đỏ, mặc vào, còn cái vừa thay ra thì ướt đẫm đến tận thắt lưng, y treo hong lên trên đầu giường.
Iakốp Lukits đứng tựa cửa, theo dõi những động tác cử chỉ chậm chạp của viên chỉ huy của mình; tên này ngồi xuống phản, hai tay ôm đầu gối, hơ sưởi hai lòng bàn chân để trần ngồi đờ ra thiu thiu đi một phút. Rõ là y buồn ngủ rũ, nhưng y ráng sức cậy mắt ra, đăm đăm nhìn một lúc lâu tên Liachépxki đang đánh giấc li bì của kẻ say rượu, và hỏi:
- Rượu thế lâu chưa?
- Ngay từ những hôm đầu. Uống say bí tỉ! Tôi đâm ra khó ăn khó nói với người ta… Ngày nào người ta cũng thấy mình vác vốtka về… Họ có thể nghi.
- Ôn vật! – Pôlốptxép rít răng lại nói, bằng một giọng hết sức khinh bỉ. Và lại ngồi thiếp đi, gật gà gật gù cái đầu to hoa râm.
Nhưng chỉ sau vài ba phút cơn ngủ ập đến như vậy, y lại giật mình tỉnh dậy, buông hai bàn chân xuống, mở mắt ra.
- Ba ngày đêm nay không ngủ rồi… các sông tràn bờ hết. Con sông Grêmiatsi này cũng phải bơi qua mới được.
- Đi nằm đi, ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits ạ.
- Đi nằm đây. Xin tí thuốc. Thuốc tôi ướt cả.
Rít hai hơi ra rít xong, Pôlốptxép tỉnh táo hẳn lại. Cơn buồn ngủ díp biến khỏi đôi mắt y, giọng y rắn rỏi lại.
- Thế nào, công việc ra sao?
Iakốp Lukits kể lại vắn tắt; rồi đến lượt lão hỏi:
- Thắng lợi đến đâu rồi, hả ông? Sắp chưa?
- Trong những ngày này đây, hoặc là… không bao giờ cả. Đêm mai, anh sẽ đi với tôi sang Vôxkôvôi. Phải nổi dậy từ đấy nổi đi. Gần huyện lỵ hơn. Ở đấy hiện có một đội tuyên truyền. Ta sẽ thử sức với nó. Đi chuyến này tôi rất cần đến anh. Anh em kô-dắc bên đấy biết anh, lời anh nói sẽ kích động được họ. – Pôlốptxép ngừng lại, đưa bàn tay rộng bè bè âu yếm vuốt ve hồi lâu con mèo đen vừa nhảy vào lòng y. Rồi thều thào, và trong cái giọng thều thào ấy có một vẻ thiết tha trìu mến không phải là thói thường của y: - Meo! Miu! Sao lông mày đen thế hả mèo? Anh Iakốp Lukits ạ, mình thích chơi mèo lắm nhá! Ngựa và mèo là những con vật sạch sẽ nhất... Nhà mình trước có con mèo Xibia, to, lông mịn mà… Bao giờ nó cũng ngủ với mình… Lông nó màu… - Pôlốptxép lim dim mắt mơ màng, mỉm cười, mấy ngón tay xua xua: - xám xám tro lốm đốm trắng. Một con mèo tuyê-ê-ệt đẹp! Thế anh không thích chơi mèo à, hả Iakốp Lukits? Còn chó thì mình không ưa, mình ghét cay ghét đắng. Này, hồi bé ấy mà, mình bị một chuyện, lúc ấy mình lên tám thì phải. Nhà mình hồi ấy có một con chó con, bé tí. Một hôm mình đùa với nó, mình xem chừng đã làm nó đau. Thế là nó đớp lấy ngón tay mình, cắn vãi máu ra. Mình cáu quá, vớ lấy thanh củi khô, vụt. Nó chạy, mình đuổi sát và cứ thế vụt, vụt… bằng thích tay! Nó chạy vào nhà kho, mình vào theo, nó chui xuống gậm thềm, nhưng vào đấy mình cũng với tới và cứ quất, quất. Mình quất đến nỗi nó đái tung té ướt hết người nó, và không còn kêu ăng ẳng được nữa, mà chỉ rên khừ khừ và nấc lên… Thế là lúc ấy mình ôm nó lên… - Pôlốptxép mỉm cười bẽn lẽn, ngượng ngịu, chỉ nhếch một bên mép. – Mình ôm nó lên rồi thương nó quá, oà khóc, khóc đến thắt ruột thắt gan lại! Bà cụ mình chạy tới, còn mình nằm lăn dưới đất cạnh con chó, bên nhà xe, chân giẫy đành đạch… Từ hồi ấy mình không chịu nổi giống chó. Còn mèo thì mình thích ghê lắm. Cả bọn trẻ con nữa. Bọn bé bé ấy. Mình yêu chúng nó lắm, thành như một cái tật. Nghe trẻ con khóc mình không chịu nổi, ruột gan cứ nao nao… Còn anh, anh bạn già, anh có thích mèo không?
Iakốp Lukits lắc đầu, vô cùng sửng sốt trước biểu hiện của những tình cảm giản dị đầy tính người như vậy, trước những lời chuyện trò ít thấy ở viên chỉ huy của mình, viên sĩ quan già đời ngay từ hồi chiến tranh chống Đức đã khét tiếng tàn bạo đối với người kô-dắc. Pôlốptxép im lặng một lát, nghiêm sắc mặt lại, và hỏi, bây giờ thì bằng giọng bàn việc khô khan:
- Lâu nay có thư từ gì không?
- Nước lũ, sông ngòi dâng lên đầy ắp cả, đường xá xấu. Tuần rưỡi nay không có chuyến thư nào.
- Trong làng có nghe nói gì về bài của Xtalin không?
- Thưa bài nào ạ?
- Bài đăng báo, nói về chuyện nông trang ấy.
- Không, không nghe thấy gì. Chắc là các báo ấy không về đến ta. Trong bài nói cái gì vậy, thưa ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits?
- Chậc, chả có gì… Chả lý thú gì đối với anh. Thôi, đi ngủ đi. Ba tiếng nữa nhớ cho ngựa uống nước. Và tối mai xoay lấy đôi ngựa nông trang, xẩm tối là ta sẽ đi Vôxkôvôi. Anh đi không thôi, không cần yên, đây sang đấy cũng gần.
Sáng hôm sau Pôlốptxép ngồi nói chuyện hồi lâu với Liachépxki lúc ấy đã dã cơn say. Chuyện trò xong, Liachépxki đi xuống bếp, mặt hầm hầm, tái mét.
- Có lẽ, cần tí cay chăng? – Iakốp Lukits hỏi đón trước, nhưng Liachépxki nhìn đi tận đâu đâu, qua đầu lão, và đáp dằn từng tiếng:
- Bây giờ thì không cay đắng gì hết!
Rồi hắn trở vào phòng, nằm úp sấp mặt xuống giường.
Trực chuồng ngựa nông trang đêm ấy là Ivan Batansikốp, một trong những người đã được Iakốp Lukits kết nạp vào “Liên minh giải phóng sông Đông”. Nhưng với hắn Iakốp Lukits cũng không nói rõ là mình đi đâu, có việc gì. Khi Batansikốp hỏi, lão chỉ trả lời lấp lửng; “Phải đi đàng này, việc sự nghiệp của chúng ta”. Batansikốp không chút ngần ngừ, dắt luôn hai con ngựa hay nhất ra. Iakốp Lukits dẫn chúng đi vòng sau kho thóc, buộc vào hàng rào, và đi gọi Pôlốptxép. Đến gần cửa gian buồng xép, lão nghe thấy tiếng Liachépxki kêu lên: “Nhưng như thế có nghĩa là chúng ta sẽ bị đánh bại, ông có hiểu không?” Đáp lại, Pôlốptxép nói một câu gì gay gắt bằng giọng ồm ồm. Iakốp Lukits, trong lòng canh cánh cái linh cảm về một chuyện gì chẳng lành, đưa tay gõ cửa.
Pôlốptxép vác yên ngựa ra. Họ ra cổng, tháo ngựa. Rồi phóng nước kiệu. Ra khỏi làng, họ lội qua sông. Suốt dọc đường Pôlốptxép không nói không rằng, cấm hút thuốc và ra lệnh tránh đường cái, đi men cách dăm chục xagien (*).
Ở Vôxkôvôi người ta đang đợi họ. Khoảng hai chục dân làng tụ tập tại nhà một lão kô-dắc bạn bè với Iakốp Lukits. Đa số là ông già. Pôlốptxép bắt tay mọi người, rồi kéo một người ra cửa sổ, thì thầm nói gì trong dăm phút. Những người khác ngồi lẳng lặng, hết nhìn Pôlốptxép lại nhìn Iakốp Lukits. Ngồi bên bậu cửa, giữa đám người lạ, ít quen biết, Iakốp Lukits cảm thấy lúng túng, ngượng ngịu…
Các cửa sổ đều che kín bên trong bằng vải bố, cánh cửa đóng chặt, ngoài sân có anh con rể của chủ nhà đứng canh, mặc dù vậy, Pôlốptxép vẫn nói nhỏ:
- Thưa các vị kô-dắc, giờ của chúng ta sắp điểm! Thời nô lệ của các vị sắp chấm dứt, ta phải hành động. Tổ chức chiến đấu của ta đã sẵn sàng. Tối ngày kia, ta sẽ khởi sự. Một bán đại đội kỵ binh sẽ tới Vôxkôvôi đây, và nghe thấy loạt súng đầu tiên, các ông sẽ xông vào những nhà… bọn đội tuyên truyền đóng. Làm sao cho không một thằng nào sống sót! Tôi trao cho ông quản Marin trách nhiệm chỉ huy phân đội của các ông. Tôi khuyên các ông trước khi hành động nên khâu vào mũ mỗi người một chiếc băng trắng, để trời tối khỏi bắn nhầm nhau. Mỗi người phải chuẩn bị sẵn sàng một con ngựa, vũ khí của mình sẵn có – gươm, súng trường, hoặc súng săn cũng được – và lương ăn ba ngày. Sau khi thanh toán xong đội tuyên truyền và bọn cộng sản địa phương các ông, phân đội các ông sẽ nhập vào bán đại đội tới tăng viện cho các ông. Quyền chỉ huy sẽ chuyển giao sang tay ông chỉ huy bán đại đội ấy. Ông ta dẫn các ông đi đâu, các ông phải tuân lệnh đi đấy. – Pôlốptxép thở dài sâu một cái, rút mấy ngón tay của bàn tay trái ra khỏi thắt lưng tấm áo kiểu Tônxtôi, đưa mu bàn tay quệt mồ hôi trên trán, lên cao giọng nói tiếp: - Vị kô-dắc Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp mà các ông ở đây đều biết cả, là người trung đoàn tôi, ở Grêmiatsi Lốc hôm nay đi cùng với tôi sang đây. Ông ấy sẽ nói để các ông rõ dân chúng Grêmiatsi Lốc đã sẵn sàng đi cùng chúng ta tới mục tiêu vĩ đại giải phóng vùng sông Đông khỏi ách cộng sản. Nói đi, Ôxtơrốpnốp!
Cái nhìn nặng ngàn cân của Pôlốptxép đã lôi bật Iakốp Lukits rời khỏi mặt ghế đẩu. Lão đứng phắt dậy, cảm thấy sức nặng ấy đè lên toàn thân lão, và một cái gì nóng bỏng trong cổ họng khô đắng. Nhưng lão không kịp nói: một trong những người tới dự cuộc họp này đã cướp lời nói trước, một lão kô-dắc nom vẻ già nhất đám, uỷ viên ban quản trị nhà xứ, trước chiến tranh là trùm trưởng trường dòng Vôxkôvôi. Lão đứng dậy cùng một lúc với Iakốp Lukits, và không để cho Iakốp Lukits kịp mở miệng, hỏi luôn:
- Bẩm quan lớn, bẩm ngài quan lớn, thế vậy ngài đã nghe tin về cái chuyện rằng là… Nghĩa là trước khi ngài tới, mấy chúng tôi có hội ý.. Là mới có cái tờ báo hay lắm ạ…
- Sa-a-ao? Ông nội bảo cái gì? – Pôlốptxép hỏi, giọng khàn lại.
- Dạ, tờ báo ạ, tôi bảo có tờ báo ở Mátxcơva về, trong ấy đăng bức thư của ông chủ tịch toàn Đảng…
- Ông bí thư chứ! – Tiếng ai trong đám ngồi bên bếp lò đính chính lại.
- …À phải, của ông bí thư toàn Đảng, tức là đồng chí Xtalin. Đây, tờ báo ấy đây, đề ngày mồng hai tháng này. – Ông lão nói, giọng già chậm rãi, the thé, miệng nói, tay đã rút ở túi áo trong ra một tờ báo gấp cẩn thận làm tư. – Mấy bà con chúng tôi đã xướng lên đọc cho nhau nghe, ấy chỉ có một tí trước khi ngài tới thôi, và… thành thử là nhờ có tờ báo ấy mà ngài đi đường ngài còn chúng tôi sẽ đi đường chúng tôi thôi ạ! Đường chúng tôi, nghĩa là anh em dân cày chúng tôi, là con đường khác, thành thử là… Hôm qua chúng tôi nghe nói có tờ báo ấy, và thế là sáng nay, tôi lên ngựa, và chẳng quản tuổi già sức yếu đâm bổ đi lên quận lỵ. Qua vực Lépsốp phải bơi, phát khóc lên, nhưng rồi cũng qua được. Tôi đến hỏi một bà con trên quận lỵ, viện cả Chúa ra nữa mới mua được tờ báo, trả tiền ông ta. Giá là mười lăm rúp! Mua xong mới xem thì tờ báo đề giá có năm kôpếch! Chậc, tiền thì rồi tập thể sẽ góp trả tôi, thu mỗi nhà một hào, chúng tôi đã quyết nghị như thế. Nhưng tờ báo cũng đáng tiền đáng của, còn rẻ nữa ấy chứ…
- Cụ cứ nói hươu nói vượn cái gì vậy? Già đâm ra lẫn rồi chắc? Ai cử cụ thay mặt tất cả những người ngồi đây phát biểu? – Pôlốptxép hỏi vặn, giọng giận dữ run lên.
Thế là một bác kô-dắc dáng người bé nhỏ, nom trạc bốn mươi, có bộ ria mép vàng hoe cắt ngắn và cái mũi tẹt, tiến ra. Bác ta tiến ra từ chỗ đám người ngồi ven tường, lên tiếng thách thức và uất hận:
- Đồng chí cựu sĩ quan ơi, ông đừng có quát tháo các cụ chúng tôi, thời xưa các ông quát tháo các cụ đã nhiều. Các ông làm cha làm mẹ thế đã đủ rồi, bây giờ không được ăn nói sỗ sàng. Dưới chính quyền xôviết, chúng tôi không còn quen nghe những giọng ấy nữa, ông hiểu chưa? Và cụ đây nói đúng đấy, chúng tôi có hội ý với nhau, và cứ như cái bài đăng trên báo “Sự thật” thì chúng tôi quyết định không nổi dậy nữa. Chúng tôi và ông, ai đi ngả người nấy! Chính quyền ấp chúng tôi có làm nhiều chuyện bậy bạ, ép bừa người ta vào nông trang, quy sai cho nhiều bà con trung nông thành kulắc, và có một điều này các ông chính quyền ấp chúng tôi không hiểu ra, là người ta có thể ép duyên chứ không ép dân được. Như cái ông chủ tịch xôviết chúng tôi, ông ta khoá mõm chúng tôi ghê quá đến nỗi vào họp, cấm ai dám phát biểu chống lại một câu. Ông ta thít dây đai bụng chúng tôi chặt quá đến nỗi không còn thở được nữa, mà một ông chủ tốt thì qua bãi cát, qua quãng đường xấu, sẽ thả lỏng cương cho ngựa, sao cho con ngựa được thoải mái hơn… Trước đây, tất nhiên là chúng tôi tưởng từ trên trung ương có cái lệnh như vậy, bảo phải vắt chúng tôi như vắt quả chanh; thế cho nên chúng tôi cũng ngỡ là cái sự tuyên truyền này là do từ Ban chấp hành Trương ương cộng sản đưa xuống, bà con chúng tôi bảo nhau là không có lửa thì làm gì có khói (**). Vì thế chúng tôi mới quyết định nổi dậy và tham gia “liên minh” của các ông. Ông rõ chưa? Nhưng bây giờ hoá ra là những anh cộng sản địa phương cứ lùa ép dân vào nông trang và đóng cửa nhà thờ chẳng thèm hỏi ai, thì bị Xtalin cạo cho nên thân và cách chức. Và hoá ra là dân cày đã dễ thở rồi, dây đai bụng được nới ra rồi, muốn vào nông trang thì vào, muốn ở cá thể thì ở. Thế là chúng tôi quyết định: chia tay vui vẻ với ông… Ông trả chúng tôi những tờ giấy chúng tôi đã dại dột ký đưa ông, rồi ông đi đâu tuỳ ông, chúng tôi sẽ chẳng hại gì ông đâu, vì cái lẽ chúng tôi cũng dơ mặt…
Pôlốptxép bước ra chỗ cửa sổ, tựa lưng vào khung cửa, tái mặt đi đến nỗi ai cũng trông thấy, nhưng giọng y vẫn rắn rỏi, khô đanh khi y đảo nhìn một vòng, hỏi:
- Thế là thế nào, anh em kô-dắc? Phản bội à?
Một cụ già khác đáp:
- Ông muốn gọi là gì thì gọi, nhưng bây giờ thì ông đi đằng ông, chúng tôi đi đằng chúng tôi thôi. Khi mà chính vị to nhất đứng ra bênh vực chúng tôi, thì chúng tôi việc gì phải rẽ ngang rẽ ngửa đi đâu nữa? Như tôi đây đã bị tước oan mất quyền bầu cử, họ đe doạ trục xuất tôi, nhưng thằng con tôi đi Hồng quân, và thế là quyền bầu cử của tôi sẽ được trả về cho tôi. Chúng tôi không chống lại Chính quyền xôviết, chỉ chống lại những cái bừa bãi trong xóm ấp mình thôi, thế mà ông lại muốn hướng chúng tôi chống lại Chính quyền xôviết. Không, chuyện ấy chúng tôi không mê đâu! Ông hãy trả lại chúng tôi giấy tờ trong khi chúng tôi còn đề nghị tử tế.
Một bác kô-dắc khác nữa đã cứng tuổi phát biểu, vừa nói vừa từ tốn đưa tay trái lên vuốt bộ râu xoăn tít:
- Chúng tôi lầm to rồi, đồng chí Pôlốptxép ạ… Chúa chứng kiến là chúng tôi đã lầm to! Chúng tôi dính với ông là lầm đường lạc lối rồi đấy. Trước, chúng tôi nghĩ: cứ thử cái xem, chẳng mất gì, nhưng bây giờ thì chúng tôi sẽ thẳng đường cái mà đi thôi, không loanh quanh nữa… Lần trước, chúng tôi nghe ông nói hứa hẹn với chúng tôi những núi vàng núi bạc mà chúng tôi cứ lấy làm lạ: những điều ông hứa nghe ngon quá! Ông bảo chúng tôi là ta nổi dậy thì quân đồng minh sẽ gửi tắp lự sang cho chúng ta súng ống và đồ quân dụng. Ta chỉ độc có việc bắn giết cộng sản thôi. Nhưng sau đó chúng tôi suy nghĩ lại, và kết quả nó là thế nào? Họ sẽ đổ bộ vũ khí sang cho ta, cái đó chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cẩn thận đấy, liệu rồi họ có đổ bộ chính họ lên đất ta không? Họ vào, rồi thì mời được họ ra cũng khó đấy! Rồi lại đến phải dùng súng gươm mà tống cổ họ ra khỏi đất Nga này thôi. Cộng sản là người giống nòi ta, họ là ta, xuất thân như thế rồi, còn bọn quỷ sứ nhà giời kia thì xì xà xì xồ cái thứ tiếng gì chả biết, lại vênh váo, giữa mùa đông cũng đừng hòng xin được họ nắm tuyết, và nếu rơi vào tay họ thì đợi đấy họ buông tha! Hồi năm hai mươi tôi đã ra nước ngoài rồi, đã nếm thử bánh mì Pháp ở Galipôli, và chỉ muốn chạy thoát khỏi đấy thôi! Chà, bánh mì của họ, sao mà nó cay đắng thế! Tôi đã được mắt thấy nhiều nước, và tôi xin nói là ngoài cái dân Nga ra, chả có dân nào đáng yêu hơn, tốt bụng hơn. Tại Kônxtantinôpôn (***) và Aphitnư (****), tôi đã làm ở cảng, đã từng thấy bọn Anh, bọn Pháp chán rồi. Cái quân ôn vật quần áo bảnh bao ấy đi qua gần mình thì bĩu môi nhăn mặt, bởi vì rằng, tôi nói ông nghe, mình râu tóc bù xù, bẩn như hủi, mồ hôi khét lẹt nó trông thấy mình nó đã muốn buồn nôn. Nó cứ như con ngựa sĩ quan, được rửa ráy kỳ cọ đến tận khấu đuôi, và nó lấy thế làm vênh vang, và ghê tởm mình. Bọn lính thuỷ của họ vào quán rượu sinh sự với anh em ta, hơi tí giở bốc ra với mình. Nhưng bà con sông Đông và Kuban ta sống ở nơi đất khách quê người rồi cũng quen dần, và cũng bắt đầu chơi lại! – Bác kô-dắc mỉm cười, hàm răng sáng xanh lên giữa chòm râu như một ánh dao sắc loáng. – Một dân chọi nhà ta đã cho thằng Anh một đòn kiểu Nga, thằng cha này ngã quay lơ ra, nằm thẳng cẳng, tay ôm đầu, miệng thở dốc. Đối với quả đấm Nga thì xương thịt họ mềm quá, họ ăn thì đẫy, thế mà yếu như sên. Các vị đồng minh ấy chúng tôi đã va chạm và biết tỏng rồi! Thôi, thôi, chúng tôi sẽ tìm cách nào tự mình dàn xếp hoà hảo với chính quyền của chúng tôi thôi, trong nhà có điều gì không hay thì đóng cửa bảo nhau… Những giấy tờ ấy xin ông hãy trao trả lại chúng tôi!
“Hắn sắp nhảy qua cửa sổ bây giờ, còn trơ khấc lại mình, như con tôm trên bãi cát! Sướng cái thân đời chưa… Ôi mẹ ơi, mẹ đẻ ra con vào cái giờ chết giẫm rồi! Tự nhiên đi dính vào cái thằng hai lần trời đánh này! Thật là ma đưa lối, quỷ dẫn đường!” – Iakốp Lukits nhấp nha nhấp nhổm trên chiếc ghế đẩu, nghĩ bụng như vậy, mắt theo dõi Pôlốptxép không rời. Nhưng Pôlốptxép vẫn thản nhiên đứng bên cửa sổ, và bây giờ má y không phải là tái nữa mà tím bầm vì giận dữ và quyết tâm. Hai đường gân xanh to chạy ngang trên trán y nổi phồng, hai bàn tay bám chặt lấy thành cửa sổ:
- Đã thế thì, thưa các vị kô-dắc, nhân tâm tuỳ các vị, các vị không muốn đi với chúng tôi, chúng tôi không yêu cầu, không van nài. Còn giấy tờ thì tôi không trả, tôi không mang theo đây, mà để trên bộ tham mưu. Các vị đừng ngại, tôi đây không tố giác các vị với GPU đâu…
- Thế cũng được. – Một cụ già tỏ vẻ đồng ý.
- … Mà đáng sợ không phải là GPU đâu… - Pôlốptxép từ nãy giờ vẫn nói thong thả, nhỏ nhẹ, bỗng quát tướng lên: - Đáng sợ là chúng tao đây! Chụng tao sẽ bắn chết hết chúng mày, như những tên phản bội!... Thôi, dãn ra! Đứng sang một bên! Sát vào tường! … Và rút súng lục, cầm lăm lăm giơ ra đằng trước, y tiến ra cửa.
Đám kô-dắc dãn cả ra, kinh ngạc. Iakốp Lukits đi trước Pôlốptxép lấy vai đẩy tung cánh cửa, vọt ra hiên, như viên sỏi bắn vút ra từ chiếc súng cao su.
Họ tháo ngựa mò trong tối, rồi phi nước kiệu, chuồn. Từ trong nhà vẳng tới tai họ những tiếng giận dữ nhao nhao thốt lên, nhưng không ai chạy ra, không một ai trong đám kô-dắc nghĩ đến chuyện bắt giữ họ lại.
* * *
Về tới Grêmiatsi Lốc, sau khi Iakốp Lukits đã đi trả lại chuồng ngựa nông trang đôi ngựa nhễ nhại mồ hôi sau một cuộc phi nhanh, Pôlốptxép gọi lão vào căn phòng xép của y. Y để nguyên quần áo, mũ mãng; vừa bước chân về, y đã ra lệnh cho Liachépxki chuẩn bị, đọc lướt qua bức thư do liên lạc cưỡi ngựa mới mang tới trước khi họ về một lát. Đọc xong thư, y ném vào lò đốt đi và bắt đầu xếp đồ lề vào xắccốt.
Iakốp Lukits bước vào phòng thì thấy y đang ngồi bên bàn. Liachépxki, mắt long lanh, đang lau khẩu Maude bằng những động tác nhanh nhẹn và chính xác lắp lại các bộ phận tháo rời đã bôi dầu mỡ. Nghe tiếng kẹt cửa, Pôlốptxép nhấc bàn tay đang ôm lấy trán ra, quay mặt về phía Iakốp Lukits, và đây là lần đầu tiên lão trông thấy những giọt nước mắt lăn ra từ đôi mắt trũng sâu đỏ hoe của viên quan ba, và long lanh trên sống mũi rộng của y..
- Tôi khóc vì công việc của chúng ta không thành… không thành lần này… - Pôlốptxép nói oang oang, và bằng cử chỉ dứt khoát, kéo chiếc mũ lông trắng xoăn xoăn trên đầu xuống, cầm lau nước mắt: - Sông Đông đã vợi hết những người kô-dắc chân chính rồi, sinh sôi nảy nở ra toàn những loại chó má: bọn phản bội và bọn vô lại… Bây giờ chúng tôi đi, Iakốp Lukits ạ, nhưng chúng tôi sẽ trở lại! Tôi vừa nhận được lá thư này… Ở Tubianxki và ở quê tôi, bọn kô-dắc cũng từ chối, không muốn nổi dậy. Xtalin đã nhờ bài báo ấy lôi kéo được họ. Chà, ước gì… ước gì mình… - Trong họng Pôlốptxép có thứ tiếng gì sôi lên òng ọc, dưới hai bên gò má bắp thịt hàm nổi cuộn lên, mười ngón tay của hai bàn tay chắc nịch quắp lại, nắm chặt đến tấy lên ở những quãng đầu khớp. Thở hắt ra một hơi dài khò khè, y từ từ duỗi mười ngón tay ra, nhếch một bên mép, cười khẩy: - Dân ngu-u-u-u lạ! Súc sinh!... Đần độn, trời đánh thánh vật!... Chúng nó không hiểu rằng bài báo ấy chỉ là một sự lừa bịp xấu xa, một mưu kế mà thôi! Và chúng nó tin… như lũ con nít. Ôi, bọn dân ngu khu đen! Bọn ngu xuẩn ấy, người ta nhử mồi chúng nhằm một mưu đồ chính trị, như thả mồi câu nhử cá, người ta nới dây đai cho chúng để chúng khỏi nghẹt thở mà chết, tất cả những thứ bạc giả ấy, chúng lại ngỡ là bạc thật… Nhưng, thôi được! Chúng sẽ hiểu ra, và sẽ hối tiếc, chỉ có điều lúc ấy đã quá muộn. Chúng tôi đi đây, anh Iakốp Lukits. Chúa ban phước lành cho anh vì lòng mến khách của anh, vì tất cả. Đây là mệnh lệnh của tôi, anh hãy chấp hành: cứ ở nông trang, đừng ra, và tìm mọi cách gây thiệt hại cho chúng. Còn với những người đã vào “liên minh” của chúng ta, anh hãy bảo họ như thế này, và coi đó là những lời tôi nói như đinh đóng cột: tạm thời chúng tôi rút lui, nhưng chúng tôi không phải đã bị đánh bại. Chúng tôi sẽ còn trở lại, và lúc ấy thì liệu hồn những kẻ xa lìa chúng tôi, phản bội chúng tôi và sự nghiệp…, sự nghiệp vĩ đại giải phóng quê hương sông Đông khỏi chính quyền của bọn bônsêvích. Chết dưới lưỡi gươm kô-dắc, đó sẽ là sự trừng phạt đối với họ, anh cứ nói với anh em như thế.
Lời nói và những giọt nước mắt của Pôlốptxép đã làm lão mủi lòng, trong thâm tâm lão mừng thầm đã thoát được mấy ông khách trọ nguy hiểm kia, và tất cả câu chuyện này đã kết thúc một các êm đẹp như vậy: từ nay không còn phải lo sợ cho tài sản, cho cái đầu của lão nữa.
- Tôi sẽ nói. – Lão nhắc lại và đánh bạo hỏi: - Thế bây giờ các ông đi đâu, thưa ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits?
- Anh hỏi làm gì? – Pôlốptxép cảnh giác vặn lại.
- Thưa, phòng có việc gì cần, hoặc có ai đến tìm ông chăng?
Pôlốptxép lắc đầu, đứng dậy:
- Không, tôi đi đâu không thể nói anh biết được. Nhưng khoảng ba tuần nữa, anh đợi tôi. Thôi, chào anh! – Và y chìa ra bàn tay lạnh giá.
Y tự tay đóng yên cương cho ngựa, vuốt cẩn thận tấm dạ lót yên, kéo căng đai bụng. Liachépxki đang từ biệt Iakốp Lukits ở sân, dúi vào tay lão hai tờ giấy bạc.
- Thưa, ông đi bộ ạ? – Iakốp Lukits hỏi hắn.
- Đi mấy bước ra khỏi cổng đây thôi; ngoài đường cái đằng kia là ô tô riêng của tôi đợi đấy rồi. – Viên quan một vẫn nói đùa, chẳng tỏ ra mất tinh thần tí nào, và đợi cho Pôlốptxép ngồi lên yên xong, hắn nắm lấy dây đeo bàn đạp: - Nào, phi đi, hoàng tử, một mạch tới trận địa quân thù, chưa biết chừng đi bộ tôi lại tới trước đấy!
Iakốp Lukits tiễn khách ra quá ngoài cổng, nhẹ hẳn cả người, cài then cửa lại, làm dấu phép, và băn khoăn rút trong túi ra món tiền nhận được của Liachépxki. Trong bóng đêm trước buổi rạng đông, lão căng mắt ra cố xem xem món tiền là bao nhiêu, và sờ soạng, nghe tiếng giấy sột soạt mà xác định là bạc thật hay giả.
------------------------
(*) Xegien = 2,13m. – ND.
(**) Nguyên văn: Không có gió thì cánh quạt cối xay quay thế quái nào được. – ND.
(***) Kônxtantinôpôn – Một thành phố lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. – ND.
(****) Aphinư – Thủ đô Hy Lạp (Tiếng Pháp là Aten). – ND.
Tập I - Chương 28
Ngày hai mươi tháng Ba, giao thông đã mang tới Grêmiatsi Lốc những báo chí ùn lại do nước lũ, trong đó có số đăng bài của Xtalin “Choáng váng vì thắng lợi”. Ba số báo “Tay búa” chỉ nội một ngày đã được chuyền đi khắp các nhà, và đến chiều tối đã biến thành những mảnh giấy tã, nhem nhuốc mỡ, ẩm xì xì. Từ thuở có ấp Grêmiatsi Lốc đến nay, chưa từng có tờ báo nào đã tập hợp được quanh nó lắm người nghe như ngày hôm ấy. Người ta đọc, túm năm tụm ba trong nhà, ngoài ngõ, đằng sau chuồng bò, trên hiên kho… Một người xướng lên, mọi người khác nghe, chỉ lo sót mất chữ nào, và giữ tuyệt đối im lặng. Quanh bài báo này đã nổ ra khắp nơi những cuộc tranh cãi kịch liệt. Mỗi người hiểu theo ý riêng của mình, đa số là hiểu theo ý mình muồn. Và hầu như ở đâu cũng thế, cứ động xuất hiện Nagunốp hoặc Đavưđốp thì không hiểu sao người ta vội vàng chuyền tờ báo qua tay nhau, và tờ báo như một con chim trắng bay lượn giữa đám người cho đến lúc nó biến mất hút vào trong cái túi to bè của ai đó.
Banhích đắc chí, đầu tiên đưa ra nhận định:
- Nào, bây giờ thì các nông trang sẽ bục ra như cái áo tã.
Đemka Usakốp đối đáp lại:
- Rác rưởi sẽ trôi đi, màu mỡ sẽ đọng lại.
- Coi chừng là ngược lại đấy! – Banhích bác lại và hấp tấp bỏ đi đến chỗ khác, rỉ tai những người tâm đắc với mình: “Cứ làm toáng lên, xin rút ra khỏi nông trang đi, người ta đã tuyên bố tự do cho nông nô rồi!”.
Paven Liubiskin trỏ cho đám nông trang viên trung nông đang chuyện trò sôi nổi, nói với Mênốc:
- Các bố trung nông đang giạng háng ra kìa! Một chân đặt trong nông trang, chân kia thì ghếch lên, lắc la lắc lư, lăm le nhảy tót ra khỏi nông trang trở về xó đất nhà mình.
Các bà nhiều điều chưa hiểu rõ, đoán già đoán non với nhau theo kiểu đàn bà. Và đầu làng cuối xóm các bà bàn tán:
- Sẽ giải tán nông trang đấy!
- Bò sẽ trả lại, lệnh của Mátxcơva.
- Đám kulắc sẽ được về và đưa vào nông trang.
- Ai bị tước quyền bầu cử sẽ được trả lại.
- Bên Tubianxki đã mở cửa lại nhà thờ và lấy lúa mì trữ trong nhà thờ chia cho nông trang viên làm lương ăn.
Sắp diễn ra những sự kiện quan trọng đây. Ai cũng cảm thấy như vậy. Tối hôm ấy chi bộ họp kín. Đavưđốp phát biểu gay gắt.
- Bài báo của đồng chí Xtalin ra thật đúng lúc! Ví dụ như Maka chẳng hạn, bài báo ấy không phải phang vào lưng mà là phang vào giữa mặt đồng chí ấy! Maka đã choáng váng vì thắng lợi, và cả chúng mình nữa cũng có phần nào choáng váng… Đề nghị các đồng chí cho ý kiến, ta sẽ sửa cái gì. Gà vịt ta đã trả lại rồi, ta đã kịp thời trông thấy vấn đề, nhưng cừu với bò cái thì bây giờ thế nào đây? Giải quyết chúng nó thế nào bây giờ, các đồng chí! Nếu ta giải quyết việc ấy thiếu chính trị thì, thực tế thế, kết quả… kết quả là chẳng khác gì bảo người ta: “Thôi, mạnh ai nấy chạy!”, “Cao chạy xa bay ra khỏi nông trang đi thôi!”. Và họ sẽ chạy, lôi súc vật về hết, và ta sẽ đứng trơ mắt ếch ra đấy. Rõ như ban ngày!
Nagunốp, đến dự họp sau rốt, đứng lên, đưa cặp mắt rơm rớm đỏ ngầu nhìn Đavưđốp chòng chọc, phát biểu (và lúc đó Đavưđốp ngửi thấy Maka sặc mùi rượu mạnh):
- Đồng chí bảo bài báo ấy phang vào giữa mặt tôi hả? Không, không phải vào mặt, mà xuyên trúng tim! Xuyên suốt tận lưng! Và tôi choáng váng không phải khi chúng ta thành lập nông trang đâu, mà chính là bây giờ đây, sau khi có bài báo này…
- Nhất là sau khi làm một chai vốtka. – Ivan Naiđênốp đế nhẹ một câu.
Anđrây mỉm cười, nháy mắt một cái tỏ ý tán thành, Đavưđốp cúi đầu xuống bàn, còn Maka thì phồng hai lỗ mũi trắng nhợt lên, đôi mắt đục ngầu giận dữ long sòng sọc:
- Này, chú nó ơi, chú nó còn ít tuổi quá, không lên lớp bắt bẻ anh được đâu! Chú nó chưa rụng rốn thì lúc ấy anh đã chiến đấu cho chính quyền xôviết và đã có chân trong Đảng rồi… Thế đấy! Còn chuyện hôm nay anh có làm vài hớp thì, nói bắt chước đồng chí Đavưđốp, thực tế thế. Và không phải một chai đâu, hai kia!
Radơmiốtnốp hậm hực buông ra một câu:
- Thế còn khoe! Say thế nên nói ba lăng nhăng…
Maka lườm anh một cái, nhưng nói đã hạ giọng đi, tay không hoa loạn lên nữa, mà nắm chặt lại ép vào ngực, và cứ đứng như thế cho đến hết đoạn phát biểu sôi nổi và chẳng có mạch lạc gì của anh:
- Đâu phải tôi ba lăng nhăng, anh nói linh tinh rồi, Anđrây ạ! Tôi uống rượu nguyên do là vì bài báo ấy của Xtalin đã xuyên qua người tôi như một viên đạn, và trong tôi máu cứ sôi lên sùng sục… - Giọng Maka run run và càng hạ thấp nữa: - Ở đây tôi là bí thư chi bộ, đúng không nào? Tôi đề ra cho nhân dân, đề ra với đồ khỉ gió các anh là phải tập trung gà ngỗng vào nông trang, thế chứ gì? Tôi đã vận động thành lập nông trang như thế nào? Như thế này đây: tôi đã bảo thẳng vài quân chó má, mặc dầu nó là trung nông, như thế này: “Mày không vào nông trang hả? Thế nghĩa là mày chống lại Chính quyền xôviết phải không? Hồi năm mười chín mày đã đánh nhau với chúng tao, chọi với chúng tao, bây giờ mày cũng lại chống lại hả? Được, thế mày đừng hòng tao để cho mày yên. Tao sẽ cho mày một trận rũ xương, đồ chó đểu, cho đến nỗi ma quỷ trông thấy cũng phải táng đởm kinh hồn!”. Có đúng tôi đã nói thế không? Đúng! Tôi còn đập súng lục xuống bàn nữa. Tôi không chối cãi! Thực ra không phải với ai tôi cũng nói thế cả, mà chỉ nói với những đứa trong bụng chống lại ta đặc biệt kịch liệt mà thôi. Và hôm nay tôi có say đâu, xin đừng ăn nói hàm hồ! Bài báo ấy làm tôi không chịu nổi, vì nó nên nửa năm nay rồi hôm nay lần đầu tiên tôi lại uống. Bài báo nào vậy? Bài báo của đồng chí Xtalin viết chứ bài báo nào, và tôi đây, nghĩa là Maka Nagunốp, đã oạch một cái, ngã lộn cổ, mắt úp sấp xuống bùn, chổng vó… Thế là thế nào? Thưa các đồng chí! Tôi đồng ý là về chuyện gà qué và súc vật linh tinh khác, tôi đã tả khuynh… Nhưng, thưa các anh em, tại sao tôi làm thế mới được chứ? Và các đồng chí cứ tròng thằng Tơrốtxki vào cổ tôi, đánh đồng tôi với nó, bảo tôi ý hợp tâm đầu với nó? Anh ấy, anh Đavưđốp ạ, anh lúc nào cũng chụp mũ tôi là tơrốtxkít tả khuynh. Tơrốtxki chủ trương thế nào, tôi không biết, nhưng tôi không phải như nó… tôi vào Đảng không phải như một nhà thông thái rởm, mà bằng trái tim, bằng giọt máu của mình đổ ra vì Đảng!
- Nói vào đề đi, Maka! Thời gian quý báu thế này mà cứ con cà con kê mãi thế? Thời giờ gấp lắm rồi. Những sai lầm chung của chúng ta, ta nên sửa thế nào, đồng chí có ý kiến gì thì nêu ra, việc gì phải nhai nhải, hệt như Tơrốtxki: “Tôi ở trong Đảng, tôi và Đảng…”.
- Để yên tôi nói! – Maka gầm lên, mặt đỏ tía tai, bàn tay phải càng xiết chặt hơn nữa vào ngực: - Tôi đâu có cấu kết với Tơrốtxki! Tôi rất lấy làm xấu hổ bị vứt vào cùng một rọ với nó! Tôi không phải là một tên phản bội, và tôi báo trước các anh biết: anh nào bảo tôi là tơrốtxkít, tôi đập cho vỡ mõm! Tôi đập cho nhừ xương! Và tôi có tả khuynh trong chuyện gà thì đó không phải vì Tơrốtxki, mà vì muốn mau đi tới cách mạng thế giới! Qua chuyện ấy tôi mốn cho mọi việc đi nhanh hơn, thít chặt hơn với bọn tư hữu tiểu tư sản. Tất cả là để tiến gần tới ngày thủ tiêu chủ nghĩa tư bản thế giới! Nào, sao các anh im tịt thế? Bây giờ thế này: theo bài báo của đồng chí Xtalin, tôi là hạng người như thế nào? Đây, ở quãng giữa bài có viết như thế này. – Maka rút một tờ “Sự thật” từ trong túi áo varơi, mở ra, đọc chậm chậm: - “Những lệch lạc ấy, cách vận động hợp tác hoá bằng những sắc lệnh quan liêu ấy, những sự đe doạ không đáng làm ấy đối với nông dân, tất cả những cái ấy có lợi cho ai? Không có lợi cho ai cả ngoài kẻ thù của chúng ta! Những lệch lạc ấy có thể dẫn tới đâu? Dẫn tới chỗ làm kẻ thù mạnh lên và làm mất lòng tin của quần chúng vào tư tưởng hợp tác hoá. Chẳng rõ ràng là những người chủ trương những lệch lạc ấy tự cho mình là “tả”, thực ra đã đổ nước vào cối xay của bọn cơ hội hữu khuynh hay sao?”. Thế này hoá ra là, trước hết, tôi quan liêu mệnh lệnh, tôi đã làm mất lòng tin của nông trang viên, và tôi đã đổ nước vào cối xay của bọn cơ hội hữu khuynh, làm cho nó quay. Và tất cả những cái đó chỉ vì mấy con cừu, mấy con gà chết toi! Và vì tôi đã làm co vòi vài thằng bạch vệ cũ vào nông trang mà cứ giở lối lừng khà lừng khừng. Đâu phải như thế! Chúng ta loay hoay, loay hoay mãi mới lập xong được cái nông trang, bây giờ bài báo lại đánh bài rút lui. Tôi đã từng dẫn một đại đội kỵ binh đánh cả bọn Ba Lan, cả bọn Vranghen, tôi biết: một khi đã xông lên tấn công thì chớ có quay lại nửa đường!
- Nhưng anh lại vượt lên trước đại đội của anh đến trăm mét… - Radơmiốtnốp, ít lâu nay vẫn kiên quyết ủng hộ Đavưđốp, sa sầm mặt xuống, nói: - Này, Maka, đề nghị phanh lại thôi, bàn vào công việc đi! Để bao giờ người ta bầu đồng chí làm tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương thì đồng chí tha hồ cắm đầu lao đi tấn công, còn bây giờ đồng chí là một chiến sĩ đứng trong hàng ngũ thì phải tôn trọng kỷ luật, không thì chúng tôi phê cho một trận đấy!
- Anđrây, anh đừng chặn họng, để yên tôi nói! Tôi phục tùng mọi mệnh lệnh của Đảng, và lúc này tôi muốn nói thì không phải với ý định chống lại Đảng thân yêu của tôi, mà vì muốn có lợi cho Đảng. Đồng chí Xtalin có viết là phải vận dụng tình hình địa phương, đúng thế không? Thế vậy thì, Đavưđốp, tại sao anh lại bảo bài báo ấy phang vào mặt tôi? Trong bài báo ấy có ghĩ rõ Maka Nagunốp là quan liêu, là làm bậy chăng? Hay là những tiếng ấy cũng chẳng dính dáng gì đến tôi cả? Ấy nếu như đồng chí Xtalin có về Grêmiatsi Lốc, thế nào tôi cũng phát biểu với đồng chí ấy: “Thưa đồng chí Iôxíp Vixariônưits thân mến của chúng tôi, thế nghĩa là đồng chí không tán thành việc chúng tôi răn đe những anh trung nông của chúng tôi ư? Đồng chí thương xót họ và muốn ăn nói nhẹ nhàng với họ ư? Nhưng nếu cái anh trung nông ấy, ngày xưa nó đi lính bạch vệ kô-dắc và tới giờ vẫn trung thành đến cùng với chế độ tư hữu thì tôi phải vuốt ve mơn trớn nó ở quãng nào để nó vui lòng vào nông trang và kiên trì đi tới cách mạng thế giới? Nhưng cái thằng cha trung nông ấy, nó vào nông trang mà vẫn không từ bỏ được đầu óc tư hữu của nó, vẫn bám khư khư lấy, dù chỉ là để ném cho con bò của nó ăn no hơn một tí mà thôi. Nó là loại người như vậy đấy!”. Và nếu đồng chí Xtalin sau khi đã xem xét loại người như vậy, vẫn khăng khăng bảo là tôi lệch lạc, tôi làm mất lòng tin của nông trang viên, thì lúc ấy tôi sẽ nói thẳng với đồng chí ấy: “Thưa đồng chí Xtalin, thế thì để ma quỷ gây lòng tin cho họ vậy, còn tôi thì xin chịu, do tình hình sức khoẻ của tôi đã tiêu ma ngoài mặt trận rồi. Đồng chí hãy điều tôi ra biên giới Trung Quốc, ở đây tôi sẽ phục vụ Đảng được tốt hơn, còn việc tập thể hoá ấp Grêmiatsi thì xin mời anh Anđrây Radơmiốtnốp. Xương sống anh ấy mềm hơn, anh ấy cúi rạp xuống chào bọn bạch vệ cũ thì không chê được, và rỏ vài giọt nước mắt… Cái ấy anh ta cũng làm được!”.
- Này, đừng chọc vào tôi, không thì tôi chọc lại đấy…
- Thôi, đủ rồi! Hôm nay giải quyết thế thôi! – Đavưđốp đứng dậy, tiến sát đến Maka, hỏi bằng giọng lạnh lùng ít thấy ở anh: - Đồng chí Nagunốp, bức thư của Xtalin là đường lối của Ban chấp hành Trung ương đấy. Có phải đồng chí không tán thành nội dung bức thư ấy không?
- Phải.
- Vậy những sai lầm của đồng chí, đồng chí có nhận không? Tôi chẳng hạn, tôi nhận sai lầm của tôi. Không thể nhắm mắt trước sự thật và không thể cắm đầu làm liều. Tôi không những thừa nhận là chúng ta đã đi quá đà trong việc tập thể hoá gia súc nhỏ, mà tôi sẽ còn sửa chữa những sai lầm ấy. Chúng ta quá lao theo con số phần trăm tập thể hoá, mặc dù trong chuyện này huyện uỷ cũng có khuyết điểm, và chúng ta coi quá nhẹ việc củng cố nông trang một cách thiết thực. Đồng chí có thừa nhận như vậy không, đồng chí Nagunốp.
- Tôi thừa nhận.
- Thế thì còn thắc mắc nỗi gì?
- Bài báo ấy sai.
Đavưđốp đưa lòng bàn tay xoa xoa một lát tấm vải sơn rải bàn bẩn nhem nhuốc, và không hiểu tại sao tự nhiên vặn cho cháy to lên cái bấc đèn đang cháy vừa ngọn, xem có vẻ anh đang cố nén bực nhưng không nén được:
- Cái đồ cậu! Cám hấp! Con tườu!... Cứ những câu ăn nói như vậy thì ở chỗ khác người ta đuổi cổ cậu ra khỏi Đảng rồi! Thực tế thế! Cậu loạn óc rồi sao? Hoặc là cậu chấm dứt ngay cái… cái lối… cái thái độ chống đối của cậu đi, hoặc là chúng tôi sẽ… Thực tế thế! Chúng tôi ngồi nghe cậu thao thao thế là quá kiên nhẫn rồi, và nếu cậu đặt vấn đề ấy một cách thực sự thì cũng được thôi! Chúng tôi sẽ chính thức báo cáo lên huyện uỷ về lời phát biểu của cậu chống lại đường lối của Đảng.
- Cứ việc báo cáo
Nghe giọng nói bối rối của Maka, Đavưđốp hơi dịu đi phần nào, nhưng trong lòng vẫn không nguôi hậm hực, nhún vai nói:
- Này, Maka, cậu đi ngủ một giấc đi, rồi ta sẽ nói chuyện sau với nhau một cách tử tế. Nếu không, tôi với cậu bây giờ cứ như trong truyện hai con bò trắng vậy: “Hai ta có đi với nhau không? – “Có”. – “Vớ được cái áo mền phải không?” – “Phải”. – “Vậy thì ta chia nhau cái áo như đã thoả thuận” – “Cái áo nào?”. – Thế thì ta có đi với nhau không?” – Có…”. Và cứ luẩn quẩn như thế mãi, không bao giờ hết. Cậu bảo cậu nhận sai lầm, và vừa mới nói buông mồm xong thì lại bảo bài báo sai. Nếu theo cậu, bài báo là sai, thì cậu nhận những sai lầm nào? Cậu quẫn rồi, thực tế thế! Thêm nữa, có đời thuở nào một anh bí thư chi bộ vác cái xác say bí tỉ đến hội nghị chi bộ không? Thế là nghĩa lý gì, hả đồng chí Nagunốp? Thế là vi phạm kỷ luật Đảng, đồng chí là đảng viên kỳ cựu, là du kích đỏ, có Huân chương Cờ đỏ, thế mà tự dưng lại giở cái trò này ra… Naiđênốp đây là thanh niên Kômxômôn, anh ta sẽ nghĩ như thế nào về đồng chí? Thêm nữa, nếu đến tai ban kiểm tra huyện chuyện đồng chí say rượu, mà lại vào một lúc quan trọng như lúc này, chuyện đồng chí không những giơ súng ra doạ dẫm nạt nộ trung nông mà còn có thái độ chẳng bônsêvích tí nào trước sai lầm của mình, thậm chí phát biểu chống lại đường lối của Đảng, thì anh sẽ khốn nạn đấy. Anh không những sẽ không còn là bí thư chi bộ nữa, mà không còn là đảng viên nữa kia, anh nên biết như thế! Tôi nói thực đấy! – Đavưđốp vò đầu, ngừng nói một lát, cảm thấy mình đã điểm trúng huyệt Maka. Rồi nói tiếp: - Làm rùm beng về bài báo làm gì vô ích. Anh không lái được Đảng theo mình đâu, những người còn bằng mấy anh ấy chứ, Đảng còn bẻ cho gãy sừng kia kìa, và bắt phải phục tùng. Những điều ấy mà anh không hiểu sao?
- Hoài hơi mà mất thời giờ ngồi dài dòng với cậu ấy! Cậu ấy làm om sòm suốt một tiếng đồng hồ, mà nghe chẳng ra chuyện gì cả. Để cậu ấy về, cho cậu ấy ngủ đi. Về đi, Maka! Xấu hổ quá! Soi gương thử một cái xem, cậu sẽ phát khiếp: mặt mũi húp híp, mắt thì như mắt chó dại, sao mà lại nhếch nhác thế kia không biết? Về đi! – Radơmiốtnốp chồm lên, túm lấy vai Maka lay lấy lay để, nhưng Maka uể oải, thẫn thờ gạt tay anh ta ra, và cùng gù lưng xuống…
Đavưđốp gõ nhịp ngón tay xuống bàn trong không khí im lặng nặng nề. Ivan Naiđênốp, suốt từ nãy cứ mỉm cười ngơ ngác nhìn Maka, đề nghị:
- Đồng chí Đavưđốp ạ, đề nghị kết thúc thôi.
Đavưđốp hoạt bát lên:
- Thế này nhé, các đồng chí, tôi đề nghị như sau: trả lại cho nông trang gia súc nhỏ và bò cái, nhưng những ai đã góp hai con thì vận động họ để lại cho đàn bò tập thể của nông trang. Ngay sáng mai phải triệu tập họp, tiến hành công tác giải thích. Trọng tâm bây giờ là tuyên truyền giải thích! Tôi e rằng sẽ có những người xin ra nông trang, trong khi nay mai ta đã phải xuất quân ra đồng rồi… Đây, Maka ạ, đây chính là chỗ cho đồng chí thi thố bản lĩnh của mình đấy. Đồng chí hãy giải thích cho người ta, mà không cần dùng đến súng lục, sao cho người ta không xin ra nông trang, đó sẽ là một việc làm thiết thực. Thôi, thế ta biểu quyết chứ? Lấy ý kiến đề nghị của tôi để biểu quyết. Ai tán thành? Anh không biểu quyết ư, Maka? Được, ta cứ ghi: “một phiếu trắng…”.
Radơmiốtnốp đề nghị ngay ngày mai tổ chức trừ chuột đồng. Hội nghị quyết định huy động vào việc này một số nông trang viên, lấy trong số những người không bận vào việc làm đồng, cấp cho họ vài đôi bò đực để chở nước, và sẽ yêu cầu ông giáo Spưn, phụ trách trường, dẫn học sinh ra đồng tham gia diệt chuột.
Suốt từ nãy Đavưđốp trong bụng cứ phân vân: có nên siết Maka không? Có nên đặt vấn đề cậu ta vi phạm kỷ luật Đảng qua lời phát biểu chống lại bài báo của Xtalin, qua việc từ chối không chịu thanh toán hậu qủa của những sai lầm “tả khuynh” đã phạm phải trong quá trình thành lập nông trang không? Nhưng đến cuối hội nghị, nhìn khuôn mặt Maka nhợt nhạt như người chết rồi, nhễ nhại mồ hôi, có mấy đường gân xanh nổi phồng lên hai bên thái dương, anh quyết định: “Không, không nên! Tự câu ta sẽ hiểu ra. Để cậu ta tự giác, không có một sức ép nào ở bên ngoài. Linh tinh lắm chuyện, nhưng là đồng chí ta trung thành lắm đấy chứ! Lại thêm cái bệnh kia nữa… động kinh. Thôi, ta ỉm đi thôi!”.
Còn Maka thì cho đến hết hội nghị cứ ngồi lặng thinh, bề ngoài không tỏ ra xúc động gì cả. Đavưđốp nhìn anh ta và chỉ có một lần trông thấy hai bàn tay Maka buông thõng trên đầu gối tự nhiên run bắn lên một cái như có một làn sóng lướt qua…
- Lôi Nagunốp về nhà cậu ngủ, theo sát, cho hắn khỏi uống rượu. – Đavưđốp rỉ tai Radơmiốtnốp. Radơmiốtnốp gật đầu đồng ý.
Đavưđốp đi một mình về nhà. Gần nhà của Luka Tsêbakốp có một đám kô-dắc ngồi chơi trên một hàng dậu đổ, và từ phía ấy vẳng lại tiếng chuyện trò sôi nổi. Đavưđốp đi bên lề đường bên kia. Đi ngang qua chỗ họ, anh nghe thấy tiếng ai lạ lạ nói một cách dứt khoát, giọng ồm ồm pha ý chế giễu:
- “…đưa bao nhiêu, nộp bao nhiêu, chúng nó vẫn thấy chưa vừa!”.
Và một giọng khác:
- "Chính quyền xôviết bây giờ lại sinh ra có hai cánh: cánh hữu và cánh tả. Bao giờ thì họ cất cánh bay cút mẹ nó đi cho mình thoát nợ?".
Một tiếng cười nhiều giọng rộ lên, rồi im bặt. Một tiếng thì thào hoảng hốt:
- Suỵt!... Đavưđốp.
Và liền đó, vẫn cái giọng nói ồm ồm lúc nãy những bây giờ thì không còn một tí gì ỡm ờ nữa, ề à nói, ra bộ lo làm lo ăn.
- Pha-a-ải… Nếu không mưa, ta gieo xong cũng chóng thôi… Đất khô nhanh lắm… Thôi chứ, anh em, ta về ngủ thôi chứ? Xin chào!
Một tiếng ho. Tiếng chân đi…
Banhích đắc chí, đầu tiên đưa ra nhận định:
- Nào, bây giờ thì các nông trang sẽ bục ra như cái áo tã.
Đemka Usakốp đối đáp lại:
- Rác rưởi sẽ trôi đi, màu mỡ sẽ đọng lại.
- Coi chừng là ngược lại đấy! – Banhích bác lại và hấp tấp bỏ đi đến chỗ khác, rỉ tai những người tâm đắc với mình: “Cứ làm toáng lên, xin rút ra khỏi nông trang đi, người ta đã tuyên bố tự do cho nông nô rồi!”.
Paven Liubiskin trỏ cho đám nông trang viên trung nông đang chuyện trò sôi nổi, nói với Mênốc:
- Các bố trung nông đang giạng háng ra kìa! Một chân đặt trong nông trang, chân kia thì ghếch lên, lắc la lắc lư, lăm le nhảy tót ra khỏi nông trang trở về xó đất nhà mình.
Các bà nhiều điều chưa hiểu rõ, đoán già đoán non với nhau theo kiểu đàn bà. Và đầu làng cuối xóm các bà bàn tán:
- Sẽ giải tán nông trang đấy!
- Bò sẽ trả lại, lệnh của Mátxcơva.
- Đám kulắc sẽ được về và đưa vào nông trang.
- Ai bị tước quyền bầu cử sẽ được trả lại.
- Bên Tubianxki đã mở cửa lại nhà thờ và lấy lúa mì trữ trong nhà thờ chia cho nông trang viên làm lương ăn.
Sắp diễn ra những sự kiện quan trọng đây. Ai cũng cảm thấy như vậy. Tối hôm ấy chi bộ họp kín. Đavưđốp phát biểu gay gắt.
- Bài báo của đồng chí Xtalin ra thật đúng lúc! Ví dụ như Maka chẳng hạn, bài báo ấy không phải phang vào lưng mà là phang vào giữa mặt đồng chí ấy! Maka đã choáng váng vì thắng lợi, và cả chúng mình nữa cũng có phần nào choáng váng… Đề nghị các đồng chí cho ý kiến, ta sẽ sửa cái gì. Gà vịt ta đã trả lại rồi, ta đã kịp thời trông thấy vấn đề, nhưng cừu với bò cái thì bây giờ thế nào đây? Giải quyết chúng nó thế nào bây giờ, các đồng chí! Nếu ta giải quyết việc ấy thiếu chính trị thì, thực tế thế, kết quả… kết quả là chẳng khác gì bảo người ta: “Thôi, mạnh ai nấy chạy!”, “Cao chạy xa bay ra khỏi nông trang đi thôi!”. Và họ sẽ chạy, lôi súc vật về hết, và ta sẽ đứng trơ mắt ếch ra đấy. Rõ như ban ngày!
Nagunốp, đến dự họp sau rốt, đứng lên, đưa cặp mắt rơm rớm đỏ ngầu nhìn Đavưđốp chòng chọc, phát biểu (và lúc đó Đavưđốp ngửi thấy Maka sặc mùi rượu mạnh):
- Đồng chí bảo bài báo ấy phang vào giữa mặt tôi hả? Không, không phải vào mặt, mà xuyên trúng tim! Xuyên suốt tận lưng! Và tôi choáng váng không phải khi chúng ta thành lập nông trang đâu, mà chính là bây giờ đây, sau khi có bài báo này…
- Nhất là sau khi làm một chai vốtka. – Ivan Naiđênốp đế nhẹ một câu.
Anđrây mỉm cười, nháy mắt một cái tỏ ý tán thành, Đavưđốp cúi đầu xuống bàn, còn Maka thì phồng hai lỗ mũi trắng nhợt lên, đôi mắt đục ngầu giận dữ long sòng sọc:
- Này, chú nó ơi, chú nó còn ít tuổi quá, không lên lớp bắt bẻ anh được đâu! Chú nó chưa rụng rốn thì lúc ấy anh đã chiến đấu cho chính quyền xôviết và đã có chân trong Đảng rồi… Thế đấy! Còn chuyện hôm nay anh có làm vài hớp thì, nói bắt chước đồng chí Đavưđốp, thực tế thế. Và không phải một chai đâu, hai kia!
Radơmiốtnốp hậm hực buông ra một câu:
- Thế còn khoe! Say thế nên nói ba lăng nhăng…
Maka lườm anh một cái, nhưng nói đã hạ giọng đi, tay không hoa loạn lên nữa, mà nắm chặt lại ép vào ngực, và cứ đứng như thế cho đến hết đoạn phát biểu sôi nổi và chẳng có mạch lạc gì của anh:
- Đâu phải tôi ba lăng nhăng, anh nói linh tinh rồi, Anđrây ạ! Tôi uống rượu nguyên do là vì bài báo ấy của Xtalin đã xuyên qua người tôi như một viên đạn, và trong tôi máu cứ sôi lên sùng sục… - Giọng Maka run run và càng hạ thấp nữa: - Ở đây tôi là bí thư chi bộ, đúng không nào? Tôi đề ra cho nhân dân, đề ra với đồ khỉ gió các anh là phải tập trung gà ngỗng vào nông trang, thế chứ gì? Tôi đã vận động thành lập nông trang như thế nào? Như thế này đây: tôi đã bảo thẳng vài quân chó má, mặc dầu nó là trung nông, như thế này: “Mày không vào nông trang hả? Thế nghĩa là mày chống lại Chính quyền xôviết phải không? Hồi năm mười chín mày đã đánh nhau với chúng tao, chọi với chúng tao, bây giờ mày cũng lại chống lại hả? Được, thế mày đừng hòng tao để cho mày yên. Tao sẽ cho mày một trận rũ xương, đồ chó đểu, cho đến nỗi ma quỷ trông thấy cũng phải táng đởm kinh hồn!”. Có đúng tôi đã nói thế không? Đúng! Tôi còn đập súng lục xuống bàn nữa. Tôi không chối cãi! Thực ra không phải với ai tôi cũng nói thế cả, mà chỉ nói với những đứa trong bụng chống lại ta đặc biệt kịch liệt mà thôi. Và hôm nay tôi có say đâu, xin đừng ăn nói hàm hồ! Bài báo ấy làm tôi không chịu nổi, vì nó nên nửa năm nay rồi hôm nay lần đầu tiên tôi lại uống. Bài báo nào vậy? Bài báo của đồng chí Xtalin viết chứ bài báo nào, và tôi đây, nghĩa là Maka Nagunốp, đã oạch một cái, ngã lộn cổ, mắt úp sấp xuống bùn, chổng vó… Thế là thế nào? Thưa các đồng chí! Tôi đồng ý là về chuyện gà qué và súc vật linh tinh khác, tôi đã tả khuynh… Nhưng, thưa các anh em, tại sao tôi làm thế mới được chứ? Và các đồng chí cứ tròng thằng Tơrốtxki vào cổ tôi, đánh đồng tôi với nó, bảo tôi ý hợp tâm đầu với nó? Anh ấy, anh Đavưđốp ạ, anh lúc nào cũng chụp mũ tôi là tơrốtxkít tả khuynh. Tơrốtxki chủ trương thế nào, tôi không biết, nhưng tôi không phải như nó… tôi vào Đảng không phải như một nhà thông thái rởm, mà bằng trái tim, bằng giọt máu của mình đổ ra vì Đảng!
- Nói vào đề đi, Maka! Thời gian quý báu thế này mà cứ con cà con kê mãi thế? Thời giờ gấp lắm rồi. Những sai lầm chung của chúng ta, ta nên sửa thế nào, đồng chí có ý kiến gì thì nêu ra, việc gì phải nhai nhải, hệt như Tơrốtxki: “Tôi ở trong Đảng, tôi và Đảng…”.
- Để yên tôi nói! – Maka gầm lên, mặt đỏ tía tai, bàn tay phải càng xiết chặt hơn nữa vào ngực: - Tôi đâu có cấu kết với Tơrốtxki! Tôi rất lấy làm xấu hổ bị vứt vào cùng một rọ với nó! Tôi không phải là một tên phản bội, và tôi báo trước các anh biết: anh nào bảo tôi là tơrốtxkít, tôi đập cho vỡ mõm! Tôi đập cho nhừ xương! Và tôi có tả khuynh trong chuyện gà thì đó không phải vì Tơrốtxki, mà vì muốn mau đi tới cách mạng thế giới! Qua chuyện ấy tôi mốn cho mọi việc đi nhanh hơn, thít chặt hơn với bọn tư hữu tiểu tư sản. Tất cả là để tiến gần tới ngày thủ tiêu chủ nghĩa tư bản thế giới! Nào, sao các anh im tịt thế? Bây giờ thế này: theo bài báo của đồng chí Xtalin, tôi là hạng người như thế nào? Đây, ở quãng giữa bài có viết như thế này. – Maka rút một tờ “Sự thật” từ trong túi áo varơi, mở ra, đọc chậm chậm: - “Những lệch lạc ấy, cách vận động hợp tác hoá bằng những sắc lệnh quan liêu ấy, những sự đe doạ không đáng làm ấy đối với nông dân, tất cả những cái ấy có lợi cho ai? Không có lợi cho ai cả ngoài kẻ thù của chúng ta! Những lệch lạc ấy có thể dẫn tới đâu? Dẫn tới chỗ làm kẻ thù mạnh lên và làm mất lòng tin của quần chúng vào tư tưởng hợp tác hoá. Chẳng rõ ràng là những người chủ trương những lệch lạc ấy tự cho mình là “tả”, thực ra đã đổ nước vào cối xay của bọn cơ hội hữu khuynh hay sao?”. Thế này hoá ra là, trước hết, tôi quan liêu mệnh lệnh, tôi đã làm mất lòng tin của nông trang viên, và tôi đã đổ nước vào cối xay của bọn cơ hội hữu khuynh, làm cho nó quay. Và tất cả những cái đó chỉ vì mấy con cừu, mấy con gà chết toi! Và vì tôi đã làm co vòi vài thằng bạch vệ cũ vào nông trang mà cứ giở lối lừng khà lừng khừng. Đâu phải như thế! Chúng ta loay hoay, loay hoay mãi mới lập xong được cái nông trang, bây giờ bài báo lại đánh bài rút lui. Tôi đã từng dẫn một đại đội kỵ binh đánh cả bọn Ba Lan, cả bọn Vranghen, tôi biết: một khi đã xông lên tấn công thì chớ có quay lại nửa đường!
- Nhưng anh lại vượt lên trước đại đội của anh đến trăm mét… - Radơmiốtnốp, ít lâu nay vẫn kiên quyết ủng hộ Đavưđốp, sa sầm mặt xuống, nói: - Này, Maka, đề nghị phanh lại thôi, bàn vào công việc đi! Để bao giờ người ta bầu đồng chí làm tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương thì đồng chí tha hồ cắm đầu lao đi tấn công, còn bây giờ đồng chí là một chiến sĩ đứng trong hàng ngũ thì phải tôn trọng kỷ luật, không thì chúng tôi phê cho một trận đấy!
- Anđrây, anh đừng chặn họng, để yên tôi nói! Tôi phục tùng mọi mệnh lệnh của Đảng, và lúc này tôi muốn nói thì không phải với ý định chống lại Đảng thân yêu của tôi, mà vì muốn có lợi cho Đảng. Đồng chí Xtalin có viết là phải vận dụng tình hình địa phương, đúng thế không? Thế vậy thì, Đavưđốp, tại sao anh lại bảo bài báo ấy phang vào mặt tôi? Trong bài báo ấy có ghĩ rõ Maka Nagunốp là quan liêu, là làm bậy chăng? Hay là những tiếng ấy cũng chẳng dính dáng gì đến tôi cả? Ấy nếu như đồng chí Xtalin có về Grêmiatsi Lốc, thế nào tôi cũng phát biểu với đồng chí ấy: “Thưa đồng chí Iôxíp Vixariônưits thân mến của chúng tôi, thế nghĩa là đồng chí không tán thành việc chúng tôi răn đe những anh trung nông của chúng tôi ư? Đồng chí thương xót họ và muốn ăn nói nhẹ nhàng với họ ư? Nhưng nếu cái anh trung nông ấy, ngày xưa nó đi lính bạch vệ kô-dắc và tới giờ vẫn trung thành đến cùng với chế độ tư hữu thì tôi phải vuốt ve mơn trớn nó ở quãng nào để nó vui lòng vào nông trang và kiên trì đi tới cách mạng thế giới? Nhưng cái thằng cha trung nông ấy, nó vào nông trang mà vẫn không từ bỏ được đầu óc tư hữu của nó, vẫn bám khư khư lấy, dù chỉ là để ném cho con bò của nó ăn no hơn một tí mà thôi. Nó là loại người như vậy đấy!”. Và nếu đồng chí Xtalin sau khi đã xem xét loại người như vậy, vẫn khăng khăng bảo là tôi lệch lạc, tôi làm mất lòng tin của nông trang viên, thì lúc ấy tôi sẽ nói thẳng với đồng chí ấy: “Thưa đồng chí Xtalin, thế thì để ma quỷ gây lòng tin cho họ vậy, còn tôi thì xin chịu, do tình hình sức khoẻ của tôi đã tiêu ma ngoài mặt trận rồi. Đồng chí hãy điều tôi ra biên giới Trung Quốc, ở đây tôi sẽ phục vụ Đảng được tốt hơn, còn việc tập thể hoá ấp Grêmiatsi thì xin mời anh Anđrây Radơmiốtnốp. Xương sống anh ấy mềm hơn, anh ấy cúi rạp xuống chào bọn bạch vệ cũ thì không chê được, và rỏ vài giọt nước mắt… Cái ấy anh ta cũng làm được!”.
- Này, đừng chọc vào tôi, không thì tôi chọc lại đấy…
- Thôi, đủ rồi! Hôm nay giải quyết thế thôi! – Đavưđốp đứng dậy, tiến sát đến Maka, hỏi bằng giọng lạnh lùng ít thấy ở anh: - Đồng chí Nagunốp, bức thư của Xtalin là đường lối của Ban chấp hành Trung ương đấy. Có phải đồng chí không tán thành nội dung bức thư ấy không?
- Phải.
- Vậy những sai lầm của đồng chí, đồng chí có nhận không? Tôi chẳng hạn, tôi nhận sai lầm của tôi. Không thể nhắm mắt trước sự thật và không thể cắm đầu làm liều. Tôi không những thừa nhận là chúng ta đã đi quá đà trong việc tập thể hoá gia súc nhỏ, mà tôi sẽ còn sửa chữa những sai lầm ấy. Chúng ta quá lao theo con số phần trăm tập thể hoá, mặc dù trong chuyện này huyện uỷ cũng có khuyết điểm, và chúng ta coi quá nhẹ việc củng cố nông trang một cách thiết thực. Đồng chí có thừa nhận như vậy không, đồng chí Nagunốp.
- Tôi thừa nhận.
- Thế thì còn thắc mắc nỗi gì?
- Bài báo ấy sai.
Đavưđốp đưa lòng bàn tay xoa xoa một lát tấm vải sơn rải bàn bẩn nhem nhuốc, và không hiểu tại sao tự nhiên vặn cho cháy to lên cái bấc đèn đang cháy vừa ngọn, xem có vẻ anh đang cố nén bực nhưng không nén được:
- Cái đồ cậu! Cám hấp! Con tườu!... Cứ những câu ăn nói như vậy thì ở chỗ khác người ta đuổi cổ cậu ra khỏi Đảng rồi! Thực tế thế! Cậu loạn óc rồi sao? Hoặc là cậu chấm dứt ngay cái… cái lối… cái thái độ chống đối của cậu đi, hoặc là chúng tôi sẽ… Thực tế thế! Chúng tôi ngồi nghe cậu thao thao thế là quá kiên nhẫn rồi, và nếu cậu đặt vấn đề ấy một cách thực sự thì cũng được thôi! Chúng tôi sẽ chính thức báo cáo lên huyện uỷ về lời phát biểu của cậu chống lại đường lối của Đảng.
- Cứ việc báo cáo
Nghe giọng nói bối rối của Maka, Đavưđốp hơi dịu đi phần nào, nhưng trong lòng vẫn không nguôi hậm hực, nhún vai nói:
- Này, Maka, cậu đi ngủ một giấc đi, rồi ta sẽ nói chuyện sau với nhau một cách tử tế. Nếu không, tôi với cậu bây giờ cứ như trong truyện hai con bò trắng vậy: “Hai ta có đi với nhau không? – “Có”. – “Vớ được cái áo mền phải không?” – “Phải”. – “Vậy thì ta chia nhau cái áo như đã thoả thuận” – “Cái áo nào?”. – Thế thì ta có đi với nhau không?” – Có…”. Và cứ luẩn quẩn như thế mãi, không bao giờ hết. Cậu bảo cậu nhận sai lầm, và vừa mới nói buông mồm xong thì lại bảo bài báo sai. Nếu theo cậu, bài báo là sai, thì cậu nhận những sai lầm nào? Cậu quẫn rồi, thực tế thế! Thêm nữa, có đời thuở nào một anh bí thư chi bộ vác cái xác say bí tỉ đến hội nghị chi bộ không? Thế là nghĩa lý gì, hả đồng chí Nagunốp? Thế là vi phạm kỷ luật Đảng, đồng chí là đảng viên kỳ cựu, là du kích đỏ, có Huân chương Cờ đỏ, thế mà tự dưng lại giở cái trò này ra… Naiđênốp đây là thanh niên Kômxômôn, anh ta sẽ nghĩ như thế nào về đồng chí? Thêm nữa, nếu đến tai ban kiểm tra huyện chuyện đồng chí say rượu, mà lại vào một lúc quan trọng như lúc này, chuyện đồng chí không những giơ súng ra doạ dẫm nạt nộ trung nông mà còn có thái độ chẳng bônsêvích tí nào trước sai lầm của mình, thậm chí phát biểu chống lại đường lối của Đảng, thì anh sẽ khốn nạn đấy. Anh không những sẽ không còn là bí thư chi bộ nữa, mà không còn là đảng viên nữa kia, anh nên biết như thế! Tôi nói thực đấy! – Đavưđốp vò đầu, ngừng nói một lát, cảm thấy mình đã điểm trúng huyệt Maka. Rồi nói tiếp: - Làm rùm beng về bài báo làm gì vô ích. Anh không lái được Đảng theo mình đâu, những người còn bằng mấy anh ấy chứ, Đảng còn bẻ cho gãy sừng kia kìa, và bắt phải phục tùng. Những điều ấy mà anh không hiểu sao?
- Hoài hơi mà mất thời giờ ngồi dài dòng với cậu ấy! Cậu ấy làm om sòm suốt một tiếng đồng hồ, mà nghe chẳng ra chuyện gì cả. Để cậu ấy về, cho cậu ấy ngủ đi. Về đi, Maka! Xấu hổ quá! Soi gương thử một cái xem, cậu sẽ phát khiếp: mặt mũi húp híp, mắt thì như mắt chó dại, sao mà lại nhếch nhác thế kia không biết? Về đi! – Radơmiốtnốp chồm lên, túm lấy vai Maka lay lấy lay để, nhưng Maka uể oải, thẫn thờ gạt tay anh ta ra, và cùng gù lưng xuống…
Đavưđốp gõ nhịp ngón tay xuống bàn trong không khí im lặng nặng nề. Ivan Naiđênốp, suốt từ nãy cứ mỉm cười ngơ ngác nhìn Maka, đề nghị:
- Đồng chí Đavưđốp ạ, đề nghị kết thúc thôi.
Đavưđốp hoạt bát lên:
- Thế này nhé, các đồng chí, tôi đề nghị như sau: trả lại cho nông trang gia súc nhỏ và bò cái, nhưng những ai đã góp hai con thì vận động họ để lại cho đàn bò tập thể của nông trang. Ngay sáng mai phải triệu tập họp, tiến hành công tác giải thích. Trọng tâm bây giờ là tuyên truyền giải thích! Tôi e rằng sẽ có những người xin ra nông trang, trong khi nay mai ta đã phải xuất quân ra đồng rồi… Đây, Maka ạ, đây chính là chỗ cho đồng chí thi thố bản lĩnh của mình đấy. Đồng chí hãy giải thích cho người ta, mà không cần dùng đến súng lục, sao cho người ta không xin ra nông trang, đó sẽ là một việc làm thiết thực. Thôi, thế ta biểu quyết chứ? Lấy ý kiến đề nghị của tôi để biểu quyết. Ai tán thành? Anh không biểu quyết ư, Maka? Được, ta cứ ghi: “một phiếu trắng…”.
Radơmiốtnốp đề nghị ngay ngày mai tổ chức trừ chuột đồng. Hội nghị quyết định huy động vào việc này một số nông trang viên, lấy trong số những người không bận vào việc làm đồng, cấp cho họ vài đôi bò đực để chở nước, và sẽ yêu cầu ông giáo Spưn, phụ trách trường, dẫn học sinh ra đồng tham gia diệt chuột.
Suốt từ nãy Đavưđốp trong bụng cứ phân vân: có nên siết Maka không? Có nên đặt vấn đề cậu ta vi phạm kỷ luật Đảng qua lời phát biểu chống lại bài báo của Xtalin, qua việc từ chối không chịu thanh toán hậu qủa của những sai lầm “tả khuynh” đã phạm phải trong quá trình thành lập nông trang không? Nhưng đến cuối hội nghị, nhìn khuôn mặt Maka nhợt nhạt như người chết rồi, nhễ nhại mồ hôi, có mấy đường gân xanh nổi phồng lên hai bên thái dương, anh quyết định: “Không, không nên! Tự câu ta sẽ hiểu ra. Để cậu ta tự giác, không có một sức ép nào ở bên ngoài. Linh tinh lắm chuyện, nhưng là đồng chí ta trung thành lắm đấy chứ! Lại thêm cái bệnh kia nữa… động kinh. Thôi, ta ỉm đi thôi!”.
Còn Maka thì cho đến hết hội nghị cứ ngồi lặng thinh, bề ngoài không tỏ ra xúc động gì cả. Đavưđốp nhìn anh ta và chỉ có một lần trông thấy hai bàn tay Maka buông thõng trên đầu gối tự nhiên run bắn lên một cái như có một làn sóng lướt qua…
- Lôi Nagunốp về nhà cậu ngủ, theo sát, cho hắn khỏi uống rượu. – Đavưđốp rỉ tai Radơmiốtnốp. Radơmiốtnốp gật đầu đồng ý.
Đavưđốp đi một mình về nhà. Gần nhà của Luka Tsêbakốp có một đám kô-dắc ngồi chơi trên một hàng dậu đổ, và từ phía ấy vẳng lại tiếng chuyện trò sôi nổi. Đavưđốp đi bên lề đường bên kia. Đi ngang qua chỗ họ, anh nghe thấy tiếng ai lạ lạ nói một cách dứt khoát, giọng ồm ồm pha ý chế giễu:
- “…đưa bao nhiêu, nộp bao nhiêu, chúng nó vẫn thấy chưa vừa!”.
Và một giọng khác:
- "Chính quyền xôviết bây giờ lại sinh ra có hai cánh: cánh hữu và cánh tả. Bao giờ thì họ cất cánh bay cút mẹ nó đi cho mình thoát nợ?".
Một tiếng cười nhiều giọng rộ lên, rồi im bặt. Một tiếng thì thào hoảng hốt:
- Suỵt!... Đavưđốp.
Và liền đó, vẫn cái giọng nói ồm ồm lúc nãy những bây giờ thì không còn một tí gì ỡm ờ nữa, ề à nói, ra bộ lo làm lo ăn.
- Pha-a-ải… Nếu không mưa, ta gieo xong cũng chóng thôi… Đất khô nhanh lắm… Thôi chứ, anh em, ta về ngủ thôi chứ? Xin chào!
Một tiếng ho. Tiếng chân đi…
Nguồn: http://tusach.mobi/