Bên đường là một ngọn đồi mộ. Trên đỉnh đồi dãi dầu sương gió, những thân cành trụi thui lụi của cây ngải và cỏ kim hoa lứa năm ngoái rì rào buồn bã. Những bụi cỏ lau nâu nâu rầu rĩ ngả rạp xuống đất. Những đám cói dại vàng vàng lông tơ phơi ra trên sườn đồi, từ đỉnh xuống đến chân. Xám xịt một màu ảm đạm, phai bạc nắng mưa, chúng rải ra trên mảnh đất cổ xưa bị phong hoá này những cành ngọn xơ xác của chúng, nom già nua héo hắt, cằn cỗi, ngay cả vào mùa xuân giữa lúc muôn loài cây cỏ tưng bừng nở hoa, và chỉ đến lúc cuối thu về chúng mới rực rỡ lên, lóng lánh màu trắng kiêu hãnh của tuyết sương. Và chỉ đến mùa thu thì ngọn đồi mộ mới dường như thức tỉnh dậy trong tấm áo giáp vẩy bạc, đứng lên sừng sững trấn giữ thảo nguyên.
Mùa hè, chiều chiều, một con đại bàng thảo nguyên từ trên chín tầng mây nhào xuống đỉnh đồi mộ. Nó vỗ cánh phành phạch buông mình đậu xuống ngọn đồi, vụng về nhảy vài ba bước, rồi lấy chiếc mỏ quặp rỉa đôi cánh nâu xoè ra như cái quạt, rỉa bầu diều phủ lông màu rỉ sắt. Rồi nó đứng lên, thiu thiu, đầu ngửa ra sau, đôi mắt màu hổ phách viền đen đăm đăm nhìn lên bầu trời xanh muôn thuở. Con đại bàng đậu không nhúc nhích, nâu nâu hoe vàng, nom như một khối ngọc nguyên sinh, nghỉ ngơi một lát trước buổi săn chiều, rồi lại nhẹ nhàng cất cánh bay đi. Và cho đến lúc mặt trời lặn, người ta còn trông thấy nhiều lần bóng xám đôi cánh oai hùng của nó lướt trên thảo nguyên.
Gió thu lạnh lẽo sẽ đưa nó tới nơi đâu? Tới dãy núi Cápcadơ xanh lam chăng? Hay tới vùng thảo nguyên Maganxkơ! Tới miền Ba Tư? Hoặc sang tận Ápganixtan?
Về mùa đông, khi ngọn đồi mộ khoác tấm áo tuyết trắng lông chồn bạc, hằng ngày, trong bóng chạng vạng xanh lam của buổi trước bình minh, một chú cáo già lông xám lại hiện ra trên đỉnh đồi. Nó đứng đó hồi lâu, như chết, nom như tạc bằng đá cẩm thạch Karakơ màu vàng lửa, cái đuôi xù xì màu hung hung buông thõng xuống mặt tuyết tim tím, cái mồm nhọn với đầu mõm phơn phớt đen vươn ra đón ngọn gió. Lúc đó, chỉ có cái mũi ươn ướt như tạc bằng đá mã não của nó là đang sống trong cái thế giới ngào ngạt của trăm nghìn mùi hương hoà quyện, đôi cánh mũi mấp máy mở rộng hít lấy hít để nào là mùi tuyết nhàn nhạt bao trùm lên tất cả, nào là mùi cay hăng hắc của cây ngải chết khô vì băng giá, nào là mùi phân cỏ tươi của ngựa từ con đường gần đó đưa tới, nào là hương vị thoang thoảng, ngây ngất lạ thường của một ổ chim đa đa giấu mình trong bờ cỏ dại xa xa.
Trong mùi chim đa đa ấy có biết bao nhiêu sắc hương quyện lại đến nỗi cáo muốn hít cho đã, buộc phải rời ngọn đồi, chân không nhấc khỏi mặt tuyết lấp lánh như sao, lê cái bụng nhẹ bỗng, bám đầy hạt băng, qua những ngọn cỏ dại, trườn đi một quãng dăm chục xagien. Và đến lúc ấy mới lùa vào đôi cánh mũi đen đen của nó luồng hương thơm đốt cháy xúc giác nó: mùi chua nồng của cứt chim tươi và mùi lông chim gồm hai mùi gộp lại; ẩm hơi tuyết, lông chim cọ xát với cỏ toả ra mùi ngải cay cay nhiễm được ở cỏ, đó là lớp ngoài, còn dưới lớp xanh xanh cho đến phần nửa dưới cắm vào thịt, nó toát lên mùi máu nồng mằn mặn…
… Lớp đất đắp bạ vào ngôi mộ bị gió hanh xỉa, bị nắng trưa nung, bị mưa rào xói lở, bị những cơn băng giá tháng Giêng xé nứt nẻ, nhưng đồi mộ vẫn trơ gan trấn ngự thảo nguyên y như xưa kia, bao nhiêu trăm năm về trước, khi nó được bàn tay ngăm ngăm đen đầy vòng xuyến của những người vợ, bàn tay của binh lính, của bà con thân thích, của nô lệ xây đắp lên trên thi hài của một vị hoàng thân bộ tộc Pôlôvétxkơ được an táng theo quân lễ…
Ngôi mộ đứng dựng trên một ngọn đồi cao cách Grêmiatsi Lốc tám dặm, và từ ngày xửa ngày xưa đã được dân kô-dắc gọi là Ngôi mộ Tang tóc. Tục truyền rằng ngày xưa một chiến thương kô-dắc đã chết dưới chân đồi này, có lẽ chính là người được nhắc đến trong bài dân ca cổ:
… Vung kiếm sắc, anh chém toé lửa,
Nhen đốt mớ ngải cứu cháy bùng
Anh đun, đun kỹ nước suối trong
Dội vào vết tử thương, anh rửa:
"Ôi vết thương, vết thương của ta máu chảy ròng ròng
Buốt tận đáy tim ta nhức nhối cả lòng!..."
… Nagunốp phi nước đại một mạch ra cách khỏi làng huyện uỷ đóng khoảng chục dặm, tới gần ngôi mộ Tang tóc mới dừng lại. Anh nhảy xuống, đưa bàn tay gạt đám bọt như bọt xà phòng trên cổ ngựa xuống.
Tiết trời ấm áp, như ít thấy vào cữ đầu xuân. Nắng hun nóng mặt đất như nắng tháng Năm. Một ráng khói lam bồng bềnh phía chân trời nhấp nhô như sóng lượn. Từ mặt đầm thảo nguyên xa xa, gió đưa về tiếng ngỗng quàng quạc, tiếng vịt giời hoà giọng, tiếng kêu rền rĩ của chim mỏ nhát.
Maka tháo hàm thiếc cho ngựa, buộc cương vào một cẳng trước của nó và nới đai bụng cho nó. Con ngựa hau háu vươn tới đám cỏ non, vừa bước vừa vặt những bụi cỏ lứa năm ngoái đã khô cháy.
Một đàn vịt giời lướt qua trên đỉnh đồi mộ, vỗ cánh rào rào. Chúng sà xuống đầm. Maka, đầu óc trống rỗng, nhìn theo đàn chim bay, nhìn chúng buông mình xuống mặt hồ như những hòn đá rơi, nhìn nước hồ quanh bãi sậy bị chúng khua lên sôi sùng sục. Liền đó một đàn ngỗng giời bị khuấy động bay vụt lên khỏi mặt đê.
Thảo nguyên chết lặng trong cảnh hoang vắng. Maka nằm hồi lâu dưới chân đồi mộ. Thoạt đầu anh còn nghe thấy gần đó con ngựa khịt mũi, gõ móng, lắc hàm thiếc lách cách. Sau đó nó đi xuống khe, nơi có cỏ mọc rậm hơn, và thế là bốn bề lặng tờ, cái lặng tờ chỉ có vào dạo cuối thu ở một vùng đất trồng trọt của thảo nguyên đã bị con người rời bỏ.
"Về nhà, mình sẽ vĩnh biệt Anđrây và Đavưđốp, mặc vào chiếc áo capốt mang ở mặt trận Ba Lan về, rồi rút súng tự sát. Chẳng còn gì ràng buộc mình với đời nữa! Và cũng chẳng thiệt hại gì cho cách mạng. Cách mạng thiếu gì người! Không mợ thì chợ vẫn đông… - Maka nằm sấp suy nghĩ. Anh nghĩ một cách thản nhiên, cứ như nghĩ về chuyện ai, mắt đăm đăm nhìn đám cỏ rối nhằng. - Chắc là đứng trước mộ mình Đavưđốp sẽ phát biểu: "Nagunốp bị khai trừ khỏi Đảng thật, nhưng anh vẫn là một đảng viên tốt. Chúng ta không tán thành hành động tự sát của anh, thực tế thế, nhưng sự nghiệp của anh đấu tranh chống bọn phản cách mạng thế giới, chúng ta sẽ đưa nó đến thắng lợi cuối cùng".
Và Maka mường tượng thấy một cách sắc nét khác thường thằng cha Banhích đang cười nụ đi trong hàng người, tay vê vê bộ ria mép trắng nhợt, miệng nói: "Sáng danh Chúa, thế là đi đứt một thằng! Chó thì chết kiểu chó!".
- Ồ không, tiên sư cha mày! Đừng hòng ông tự sát! Mày và bọn như mày, ông sẽ làm cho tới số! - Maka nghiến răng ken két, nói thốt ra miệng và đứng vùng dậy, như bị ong đốt đít. Ý nghĩ về Banhích đã làm anh thay đổi quyết định. Anh đưa mắt tìm ngựa, bụng đã nghĩ: "Mẹ kiếp! Ông sẽ chôn hết chúng mày đã, sau đó ông tịch cũng vừa! Chúng mày đừng hòng ăn mừng ông chết! Còn **rghinxki, ồ mà chẳng lẽ ý kiến của hắn lại là quyết định sao? Gieo xong, mình sẽ lao lên khu. Khu sẽ phục hồi cho mình! Hoặc lên tỉnh, lên Mátxcơva!... Mà nếu không được thì không đảng viên mình cũng sẽ vẫn chiến đấu tiêu diệt bọn sâu bọ ấy!".
Anh đưa đôi mắt bừng sáng đảo nhìn một vòng cảnh vật quanh mình. Đến lúc này anh cảm thấy cơ sự mình không đến nỗi tuyệt vọng, vô phương cứu chữa như mấy tiếng trước đây anh tưởng.
Anh lật đật xuống khe tìm ngựa. Bị bước chân anh làm động, một con sói đẻ từ trong cỏ rậm nhô lên trên một mô cao. Nó đứng đấy một thoáng, nghiêng nghiêng cái đầu trán dô, xem xét người lạ, rồi cụp tai xuống, quắp đuôi lại bỏ chạy xuống khe. Hàng vú đen chảy xệ nhũng nhẵng lắc lư dưới cái bụng lép kẹp của nó.
Maka chưa tới sát con ngựa thì nó đã lắc lắc cái đầu một cách bướng bỉnh. Sợi dây cương buộc vào chân nó đã đứt rời từ lúc nào.
- Trrr! Vaxiốc! Vaxiốc! Trrr, đứng lại! - Maka nhỏ nhẹ dỗ dành con ngựa đang ngúng nguẩy, tìm cách mon men đến đằng sau nó túm lấy bờm hoặc cái bàn đạp.
Con ngựa lắc lắc đầu, bước rảo lên, gườm gườm liếc nhìn chủ. Maka rảo bước chạy theo, nhưng con ngựa không để anh tới gần, đá hậu một cái rồi vọt qua đường, băng mình phi lộp cộp về hướng làng.
Maka văng ra một câu chửi, rồi đi theo nó. Anh đi băng qua đồng khoảng ba dặm, cứ nhằm thẳng vào đám ruộng cày thu trông thấy ở gần bên ấp. Những con chim báo bão và những đôi đa đa bay vù lên từ trong cỏ rậm. Xa xa, bên bờ khe, một chú chim báo bão đang đi đi lại lại, canh cho con mái ấp. Không kìm được cơn thèm đạp mái, nó xoè cái đuôi hung hung có riềm màu trắng gỉ, rũ đôi cánh ra cào cào mặt đất khô hanh, để rớt xuống vài chiếc lông cuống phủ lông tơ hồng hồng…
Công việc sinh sôi nảy nở vĩ đại của muôn loài đang diễn ra trên thảo nguyên: cỏ mọc lên um tùm, chim chóc muông thú hành dục, duy chỉ có những đám ruộng cày bị người bỏ vạ vật là đang phơi ra với trời những khoảnh đất chưa gieo bốc hơi nghi ngút…
Maka bước đi trên cánh ruộng cày đất khô đóng cục lại trong bụng giận điên lên. Anh cúi vội xuống, bốc một nắm đất bóp vụn trong tay. Nắm đất đen, lổm ngổm thân cỏ chết xào xạo, khô và nóng như rang. Đất cày thu để lâu quá rồi. Không thể chậm trễ một giờ nào nữa, phải cho ba bốn hàng bừa rượt qua lớp đất cỏ lằng nhằng này, cho răng bừa xé tơi đất để lâu đã khô cứng, rồi sau đó cho máy gieo ra chạy trên những luống đất đã bở tơi, sao cho những hạt tiếu mạch vàng óng được vùi sâu.
"Muộn mất rồi! Đất đến hỏng mất! - Maka nghĩ bụng, ngao ngán đảo mắt nhìn những thửa ruộng đen đen chưa được cày bừa, trơ trụi nom mà rợn. - Chỉ hai ba ngày nữa thì phải cho nhảy ngay đi, để qua lúc ấy nó còn thiết gì đến đực nữa. Đất cần đến người cũng kiểu như vậy… Trong việc này, trừ con người chúng ta ra, mọi vật đều sòng phẳng rành mạch. Mọi con vật, lẫn cây cỏ, và đất cát đều biết kịp thời lúc nào là lúc chúng phải thụ giống, còn con người… còn chúng ta thì xấu xa bẩn thỉu hơn cả con vật bẩn thỉu nhất! Đấy, họ không chịu đi gieo hạt là vì đầu óc tư hữu đang lồng lộn lên trong con người họ… Lũ khốn kiếp! Mình về bây giờ sẽ xua hết tất cả ra đồng! Tất, không sót đứa nào!".
Anh rảo bước mãi, có lúc chuyển sang chạy. Mồ hôi rỏ xuống từ trong mũ kêpi của anh, lưng áo anh sẫm lại, môi anh khô se, và trên đôi má anh những vết đỏ lang bệnh tật hiện ra mỗi lúc một rõ…
Tập I - Chương 35
Anh về đến ấp giữa lúc người ta náo nhiệt chia thóc. Liubiskin và đội anh ta vẫn còn ngoài đồng. Quanh kho người chen lấn xô đẩy nhau. Người ta hối hả ném những bao thóc lên bàn cân, xe kéo đến không ngớt, đàn ông đàn bà chở thóc bằng thùng, bằng bao, bằng màn cửa. Thóc vương vãi đầy đất, đầy các bậc kho…
Nagunốp hiểu ngay sự tình. Anh gạt dân làng ra, len tới chỗ đặt cân.
Ivan Batansikốp, một nông trang viên đã xin ra, đứng cân và phân phát thóc, có Apôlôn Pexkôvátxkốp giúp sức. Chẳng thấy mặt Đavưđốp, chẳng thấy mặt Radơmiốtnốp hoặc một anh đội trưởng nào quanh kho cả. Chỉ thoáng hiện ra một giây lát gương mặt hoang mang của lão quản lý Iakốp Lukits, nhưng rồi lão cũng biến nốt trong đám xe ngựa chen nêm.
- Ai cho phép chia thóc? – Maka gạt Batansikốp ra, nhảy lên bàn cân, thét hỏi.
Đám đông lặng thinh.
Vẫn quát tháo như thế, Maka hỏi Batansikốp:
- Ai giao cho anh đứng cân thóc?
- Tập thể …
- Đavưđốp đâu?...
- Tôi đâu biết được!
- Ban quản trị đâu? Ban quản trị cho phép anh phát thóc à?
Đêmít Miệng hến đang đứng gần chỗ đặt cân, mỉm cười đưa tay áo lên lau mồ hôi. Cái giọng ồm ồm cuả anh ta vang lên chất phác và tự tin:
- Chúng tôi tự cho phép, không cần ban quản trị. Tự chúng tôi lấy đấy!
- Tự lấy?... À ra thế! – Nagunốp nhảy hai bước lên đến thềm kho, đấm cho anh chàng đang đứng bên cửa kho một quả ngã lộn cổ xuống và đóng sầm cửa lại, tựa phắt lưng vào cửa. – Giải tán! Cấm không được lấy thóc! Kẻ nào bén mảng vào kho, tôi tuyên bố là kẻ thù của Chính quyền xôviết!...
- Ái chà! – Đưmốc đang giúp cho một người bên cạnh chất thóc lên xe, chế giễu nói.
Nagunốp xuất hiện lúc này là một chuyện bất ngờ lớn cho đa số. Trước khi anh lên huyện, người ta đã đồn đại mãi là anh sẽ bị đưa ra toà vì tội đánh đập Banhích, sẽ bị cách chức và cầm chắc sẽ bị bỏ tù… Mới sáng nay thôi, nghe phong phanh Maka lên huyện, Banhích đã tuyên bố:
- Thằng Nagunốp không trở về nữa đâu! Ông công tố uỷ viên đã bảo với chính tôi đây là hắn sẽ bị nghiêm trị! Thằng Maka còn gãi đầu gãi tai! Hắn sẽ bị tống cổ ra khỏi Đảng, cho hắn chừa cái thói đánh đập bà con nông dân. Bây giờ đâu có phải như ngày xưa!
Bởi thế cho nên sự xuất hiện của Maka bên bàn cân mới gây nên một không khí im lặng hoang mang và phân vân như vậy. Nhưng khi anh rời bàn cân nhảy lên thềm kho và đứng tựa lưng vào cửa thì thái độ của đa số lập tức được xác định.
Tiếp lời Đưmốc, tiếng la ó nổi lên ào ào:
- Bây giờ chính quyền là của chúng tao!
- Chính quyền nhân dân!
- Bưng nó đi, anh em ơi!
- Ở đâu ra thì cút về đấy đi!
- Cứ như-ư-ư quan lớn!...
Đưmốc là người đầu tiên tiến về phía kho, hiên ngang đưa đảo đôi vai, vừa đi vừa mỉm cười ngó lại. Vài chàng kô-dắc nữa ngập ngừng tiến lên theo hắn. Một người trong đám ấy vừa đi vừa cúi xuống nhặt một hòn đá…
Nagunốp thong thả rút trong túi quần ra một khẩu súng lục, lẩy cò lên. Đưmốc dừng lại, trù trừ do dự. Đám đi sau cũng dừng lại. Anh chàng đã nhặt hòn đá tướng, vần vần hòn đá trong tay, rồi quẳng đi. Ai cũng biết rằng Nagunốp mà đã bật cò súng lên thì khi cần anh sẽ chẳng ngần ngại gì mà không cho nó mổ xuống. Và Maka cũng chứng minh ngay điều đó:
- Tao sẽ giết đủ bảy thằng khốn kiếp rồi chúng mày mới vào được kho. Nào, đứa nào muốn chết trước? Vào đây!
Chẳng ai thích chết trước cả… Một phút hoang mang chung. Đưmốc đang nghĩ kế, chưa quyết sấn tới kho. Nagunốp hạ mũi súng xuống, quát:
- Giải tán!... Giải tán ngay, không tao bắn!...
Anh chưa nói hết câu thì một cái chốt sắt ở đâu lao qua đầu anh choang rầm một cái vào cánh cửa. Êphim Tơrubasép, bạn thân của Đưmốc, đã ném cái chốt ấy. Hắn nhằm vào đầu Maka, nhưng khi thấy đã trượt, vội ngồi thụp xuống nấp sau một chiếc xe. Nagunốp hạ quyết tâm ngay như trong chiến đấu: anh tránh một hòn đá từ dưới đám đông ném lên, bắn chỉ thiên một phát rồi lao luôn từ trên thềm xuống. Đám đông chịu thua: những người đứng phía trên xô đẩy nhau bỏ chạy, càng xe bò xe ngựa kêu răng rắc, một mụ bị bọn đàn ông xô ngã, tru tréo gào lên.
Banhích ở đâu hiện ra, lên tiếng động viên, giữ những người đang đang chạy dừng lại:
- Đừng chạy! Nó chỉ còn sáu viên thôi!
Maka lại quay trở lại kho, nhưng anh không đứng khuất trên thềm nữa, mà đứng bên tường theo góc độ có thể đưa mắt kiểm soát được cả dãy kho.
- Đứng lại! – Thấy Đưmốc, Tơrunatsép và mấy người nữa lại đến chỗ đặt cân, anh quát. – Đứng lại, bọn kia! Không tao bắn chết!
Từ đám đông đã lùi ra cách kho khoảng trăm bước, Ivan Batansikốp, Atamantsukốp và ba người nữa là những người đã ra nông trang, bước ra. Họ quyết định dùng mưu. Họ tiến lên khoảng ba chục bước, Batansikốp giơ tay ra hiệu:
- Đồng chí Nagunốp! Khoan đã nhá, đừng giơ súng.
- Chúng mày muốn gì! Tao bảo giải tán!...
- Vâng thì giải tán, nhưng đồng chí nóng nảy thế là sai rồi… chúng tôi được phép lấy thóc mà…
- Ai cho phép?
- Có một anh nào trên khu về… Trên uỷ ban ấy mà, chính anh ấy cho phép chúng tôi…
- Anh ta đâu? Đavưđốp đâu? Radơmiốtnốp đâu?
- Đang họp cả ở trụ sở.
- Mày nói láo, đồ khốn!... Tao bảo mày lùi xa cái cân ra! Thế nào?... – Nagunốp gập cánh tay trái lại làm bệ, tỳ nòng súng lâu ngày đã bạc ánh thép.
Batansikốp nói tiếp, không chút sợ hãi:
- Không tin, đồng chí cứ đến trụ sở mà xem, hoặc nếu không, chúng tôi mời họ đến ngay bây giờ. Bỏ cái lối giơ súng doạ đi, đồng chí Nagunốp ạ, không thì lôi thôi đấy. Đồng chí chống lại ai? Chống lại nhân dân! Chống lại toàn ấp!
- Đứng lại! Không được tiến lên nữa! Tao không đồng chí đồng choé với mày! Mày ăn cướp thóc của nhà nước thì mày là một thằng phản cách mạng!... Tao không cho phép chúng mày chà đạp lên chính quyền xôviết.
Batansikốp định nói gì nữa thì vừa lúc ấy Đavưđốp từ sau một góc hiên nhà kho hiện ra. Anh đi loạng choạng, bước thấp bước cao, mặt mũi mình mẩy thâm tím, xây xát máu me, húp híp, rũ rượi nom rợn người. Nagunốp nhìn anh rồi nhảy bổ vào Batansikốp, quát lên bằng một giọng khàn khàn: “Á-á-à-à, đồ sâu bọ! Mày đánh lừa ông hả? .. Hành hung người chúng ông hả?!”.
Batansikốp và Atamantsukốp bỏ chạy. Nagunốp bắn đuổi theo hai phát, nhưng không trúng. Đưmốc đứng một góc nhổ lấy cái cọc rào, số còn lại vẫn đứng nguyên, hằm hè phản đối.
Maka nhảy xổ vào đám đông, rít lên, răng nghiến chặt:
- Tao không cho phép… chà đạp .. lên… chính quyền xôviết!
- Đánh bỏ mẹ nó đi!
- Bây giờ mà có một khẩu súng nho nhỏ nhỉ! – Iakốp Lukits đứng phía cuối rên lên, hai bàn tay chắp lại, trong bụng nguyền rủa Pôlốptxép đã biến đi đâu mất không đúng lúc như vậy.
- Anh em kô-dắc đâu!.. Tóm cổ thằng anh hùng rơm ấy lại, cho nó một mẻ!... – Vang lên giọng nói giận dữ, hung hăng của Marina Pôiarkôva. Mụ đẩy mấy anh chàng kô-dắc về phía Nagunốp đang lao tới, và túm lấy tay Đêmít Miệng hến, hằn học hỏi: - Kô-dắc gì mà thế này? Sợ à?
Và bỗng đám đông tan ra, chạy toé, xô về phía Nagunốp…
- Công an!!! – Naxchia Đônétxkôva thét lên một tiếng kinh hoàng.
Khoảng ba chục người cưỡi ngựa, dàn theo đội hình tấn công, từ trên đồi phi như bay về làng. Bụi xuân cuốn bốc lên dưới vó ngựa như những đám khói nhẹ chơi vơi…
Năm phút sau trên sân kho vắng tanh vắng ngắt, chỉ còn lại có Đavưđốp và Maka. Tiếng vó ngựa lộp cộp nghe mỗi lúc một gần. Trên con đường đầu làng đã xuất hiện đoàn người ngựa. Paven Liubiskin cưỡi con ngựa tịch thu của Lápsinốp, dẫn đầu. Bên phải anh là anh chàng Agaphôn Đúpxốp mặt rỗ, tay cầm chầy, điệu bộ kiên quyết nom ghê người, và lộn xộn đằng sau là anh em đội sản xuất số hai và số ba cưỡi ngựa đủ các màu lông…
Về chiều có một cán bộ công an trên huyện xuống theo đề nghị của Đavưđốp. Anh ta ra đồng bắt giữ Ivan Batansikốp, Apôlôn Pexkôvátxkốp, Êphim Tơrubatsép và vài “cốt cán” nữa trong đám những người đã xin ra nông trang. Mụ mẹ đẻ ra Igơnachênốc thì bị bắt tại nhà. Tất cả bị giải lên huyện, có nhân chứng đi cùng… Đưmốc tự mình đến trụ sở xôviết trình diện:
- Con chim xanh đây hả? – Radơmiốtnốp đắc chí hỏi.
Đưmốc nhìn anh với một vẻ giễu cợt, đáp:
- Tôi đây. Chả cần ăn gian làm gì, một khi mình thừa điểm…
Radơmiốtnốp cau mày lại:
- Thừa điểm là thế nào?
- Đánh bài thì phải tính điểm chứ thế nào nữa? Quá hai mươi mốt điểm là thừa! Tôi phải đi đâu bây giờ đây?
- Đi lên huyện.
- Thế ông công an đâu?
- Anh ấy đến bây giờ, gì mà đã nóng ruột thế? Toà án nhân dân sẽ dạy cho chú biết thế nào là tội đánh chủ tịch! Dù thiếu điểm thì toà án nhân dân cũng xử mày thôi!...
- Tất nhiên rồi! – Đưmốc đồng ý ngay, không ý kiến ý cỏ gì cả, rồi ngáp dài một cái, đề nghị: - Tôi buồn ngủ lắm, anh Radơmiốtnốp ạ. Hay là anh đút tôi vào cái kho nào, giam lại, trong khi chờ đợi ông công an, tôi làm một giấc. Đề nghị anh giam lại hẳn hoi, kẻo ngủ mê tôi lại trốn mất đấy.
Hôm sau tiến hành việc thu hồi số thóc bị lấy cướp. Maka Nagunốp đi một vòng các nhà hôm qua đã lấy thóc. Chẳng chào hỏi, mắt quay nhìn đi, anh hỏi cộc lốc:
- Có lấy thóc không?
- Có.
- Có định mang trả không?
- Phải trả chứ…
- Thế thì mang đi! – Rồi chẳng chào ai, anh bước đi ra.
Nhiều người thoát ly nông trang đã lấy thóc quá số họ góp. Thóc đã được phân phát theo lối hỏi mồm: anh chàng Batansikốp sốt ruột cứ hỏi: “Góp bao nhiêu?” – “Bảy mươi pút”. – “Mang bao ra cân đi!”.
Thực tế là người này khi góp thóc đã đổ vào kho thiếu mười bốn pút mới đủ bảy mươi. Ngoài ra, đám đàn bà con gái còn dùng màn cửa, thúng mủng vác đi khoảng trăm pút nữa, chẳng cân đong gì cả.
Đến chiều thì lúa mạch đã thu hồi đủ, chênh lệch vài pút. Chỉ thiếu khoảng hai mươi pút tiểu mạch và vài bao ngô. Ngay chiều hôm ấy thóc giống của nông dân cá thể được hoàn lại hết cho họ.
Trời tối mịt thì cuộc họp toàn thể dân ấp bắt đầu. Đứng trước số nhân dân kéo đến trường học đông chưa từng thấy, Đavưđốp phát biểu:
- Thưa đồng bào, hành động hôm qua đây cuả những nông trang viên đã xin ra và một bộ phận nông dân cá thể có ý nghĩa thế nào? Có nghĩa là họ đã nhảy sang phía các phần tử kulắc! Họ đã nhảy sang phía kẻ thù của chúng ta, đây là một thực tế. Và thật là một hành động nhục nhã cho những đồng bào nào hôm qua đã cướp kho thóc, giày đạp hạt thóc quý xuống dưới đất, đùm vào màn cửa tẩu tán về nhà. Có những đồng bào đã la ó vô ý thức, xúi các bà các chị đánh đập tôi, và các bà ấy đã vớ được cái gì đánh bằng cái ấy. Thậm chí có một nữ đồng bào lại còn phát khóc lên vì tôi đã không tỏ ra nao núng. Tôi nói cô đấy, nữ đồng bào bé nhỏ ạ! – Và Đavưđốp chỉ cô Naxchia Đônétxkôva đứng bên tường và từ lúc Đavưđốp vừa mới phát biểu đã vội kéo khăn vuông che mặt. – Chính là cô đã thụi vào lưng tôi thùm thụp, rồi lại còn khóc vì tức quá, và bảo: “Mình đấm nó, nhưng cái thằng mặt sứa này, nó cứ trơ như đá!”.
Khuôn mặt che tùm hụp tấm khăn vuông của Naxchia đỏ dừ vì quá xấu hổ. Cả hội nghị nhìn đổ dồn vào cô, còn cô ả thì cứ cúi gằm mặt xuống, bối rối ngượng ngùng, chỉ lắc lư đôi vai, cọ cọ lưng vào mặt tường trắng.
Đemka Usakốp tức không chịu nổi:
- Nom kìa, uốn éo như con rắn độc bị xỉa cây đinh ba ấy.
Anh chàng Agaphôn Đúpxốp mặt rỗ đế thêm:
- Khéo lưng lại lau sạch mất vôi tường của người ta đấy!
Liubiskin gầm lên:
- Thôi đừng vặn vẹo nữa, đồ mắt ếch kia! Có gan đánh thì ra hội nghị phải có gan nhìn thẳng vào mắt người ta!
Đavưđốp không buông tha, nói tiếp, nhưng trên đôi môi rách toạc của anh đã thoáng một nụ cười khi anh nói:
- … cô ấy muốn tôi phải quỳ gối, lạy lục van xin, nộp chìa khoá kho thóc cho cô ấy! Nhưng thưa đồng bào, những người bônsêvích chúng tôi đâu phải là loại người để người ta muốn bắt sao phải vậy! Hồi nội chiến, bọn Iunke (*) đã đánh tôi, nhưng nào có moi được ở tôi lời nào! Những người bônsêvích không quỳ gối trước ai, và không bao giờ quỳ gối cả, thực tế thế!
- Đúng! – Giọng run run xúc động của Maka Nagunốp vang lên, khàn khàn và phát ra từ đáy tim gan.
- … thưa đồng bào, chúng tôi đây mới là những người xưa nay quen bắt kẻ thù của giai cấp vô sản phải quỳ gối. và chúng tôi sẽ tiếp tục bắt.
- Và bắt trên phạm vi toàn thế giới! – Nagunốp lại chêm vào.
- Đúng. Chúng tôi sẽ làm việc ấy trên phạm vi toàn thế giới, thế mà hôm qua, đồng bào đã nhảy sang phía kẻ thù ấy, giúp sức cho chúng. Thưa đồng bào, đồng bào đã phá cửa kho, đã đánh tôi thừa sống thiếu chết, còn Radơmiốtnốp thì lúc đầu đồng bào trói, giam xuống hầm, rồi sau đó điệu đến trụ sở xôviết và dọc đường lại muốn khoác vào cổ anh ta cây thánh giá, thế thì hành vi ấy nên coi là thế nào? Có đích thị là một hành vi phản cách mạng! Bà cụ anh nông trang viên Mikhain Igơnachênốc bây giờ bị bắt rồi, nhưng lúc điệu anh Radơmiốtnốp đi, đã mồm loa mép giải: “Thằng phản Chúa! Thằng quỷ Xatăng!...”, và có các bà khác về hùa, định khoác lên cổ anh ta chiếc dây đeo thánh giá. Nhưng đồng chí Radơmiốtnốp của chúng tôi, đúng như một người cộng sản phải xử sự, không để cho phép ai nhục mạ mình như thế được! Anh ấy đã nói với các bà trẻ bà già tệ hại đã bị bọn thày tu làm cho u mê kia rằng: “Đồng bào ạ, tôi không đi đạo, tôi là người cộng sản! Các bà mang thánh giá ra chỗ khác”. Nhưng các bà ấy cứ nhâu nhâu vào, và chỉ đến lúc anh ấy cắn đứt sợi dây thánh giá, rồi lấy đầu húc, lấy chân đá vung lên đẩy lùi các bà ấy ra, thì các bà ấy mới chịu để cho anh ấy yên. Thưa đồng bào, thế là thế nào? Thế là đích thị phản cách mạng! Và toà án nhân dân sẽ nghiêm trị những kẻ láo xược như bà cụ anh Mikhain Igơnachênốc ta đây.
Mikhain Igơnachênốc ngồi trên những hàng ghế đầu nói tướng lên:
- Tôi không chịu trách nhiệm về bà cụ tôi! Bà cụ tôi cũng có quyền công dân, bà ấy tự chịu trách nhiệm lấy!
- Tôi không nói anh đâu. Tôi nói những kẻ vẫn ngoạc mồm phản đối việc đóng cửa nhà thờ. Họ không bằng lòng khi người ta đóng cửa nhà thờ, nhưng cái việc họ dùng vũ lực tròng thánh giá vào cổ một người cộng sản thì họ cho là được! Và thế là họ đã tự vạch trần cái giả nhân giả nghĩa của họ! Những kẻ đầu sỏ gây ra vụ rối loạn và những ai tích cực tham gia đã bị bắt, còn những người khác đã cắn phải câu của bọn kulắc thì phải tỉnh ngộ lại và phải hiểu rằng mình đã lầm đường lạc lối. Tôi nói nghiêm chỉnh đấy… Một đồng bào nào không rõ đã ném lên chủ tịch đoàn hội nghị một mẩu giấy, hỏi: “Có phải tất cả những ai đã lấy thóc đều sẽ bị bắt, bị tịch thu gia sản và đưa đi đày không?”. Thưa đồng bào, không phải thế đâu! Những người bônsêvích không trả thù, có thẳng tay trừng trị là trừng trị kẻ thù thôi; còn đồng bào, mặc dù đồng bào đã nghe lời bọn kulắc xúi giục mà xin ra nông trang, mặc dầu đồng bào đã cướp kho và hành hung chúng tôi, chúng tôi vẫn không coi đồng bào là kẻ thù. Đồng bào là những trung nông ngả nghiêng, một lúc nào đó lầm lạc, cho nên chúng tôi không áp dụng biện pháp hành chính với đồng bào, mà sẽ mở mắt cho đồng bào thấy rõ hay, dở.
Tiếng người nói rì rầm lan đi khắp trường học. Đavưđốp nói tiếp:
- Còn cô, cô em ạ, cô đừng sợ, đừng che mặt nữa, không ai làm gì cô đâu, mặc dù hôm qua cô đã nện tôi một trận nên thân. Nhưng mai đây ta ra đồng mà cô làm phất phơ, tôi sẽ đét cho cô một cái trời giáng, báo cho cô biết thế! Chỉ có điều là tôi không đét vào lưng đâu, mà thấp hơn kia, để cho cô không ngồi, không nằm được, quỷ tha ma bắt cô đi!
Một tiếng cười khúc khích rụt rè cất lên, và khi lan tới những hàng cuối thì biến thành tiếng cười phá rạp, cười thoải mái.
- … thưa đồng bào, công việc chúng ta lề mề chậm trễ quá rồi! Đất cày để lâu quá, thời vụ trôi qua, bây giờ phải làm việc chứ không phải bày ra những trò vớ vẩn, thực tế thế! Gieo xong đi đã, rồi tha hồ đấu đá, cắn xé nhau… Tôi đặt thẳng vấn đề thế này: ai tán thành Chính quyền xôviết thì mai ra đồng, ai chống lại thì cứ ở nhà mà cắn hạt quỳ. Nhưng mai ai không gieo thì nông trang chúng tôi sẽ lấy đất chúng tôi gieo.
Đavưđốp rời góc sân khấu, trở lại ngồi vào bàn chủ tịch nhưng khi anh giơ tay với lấy bình nước thì từ phía cuối phòng, trong bóng tối lờ mờ ánh sáng đỏ quạch của cây đèn dầu hoả, có giọng trầm ấm áp và vui vẻ của ai cảm động cất lên:
- Anh Đavưđốp, đút miếng gan xào vào miệng anh. Hoan hô anh Đavưđốp!... Hoan hô đã không để bụng thù… đã không chấp… Dân làng cứ lo ngay ngáy… mắt không dám nhìn đâu, trong bụng cắn rứt… Và các bà cũng bối rối… Mà dù sao ta cũng phải chung sống với nhau… Anh Đavưđốp ạ, tôi đề nghị thế này nhá: ta xuý xoá, đứa nào còn nhắc đến chuyện cũ đứa ấy chết cả nhà nó! Đồng ý không?
* * *
Sáng hôm sau năm mươi người đã ra, lại xin trở lại nông trang. Bà con cá thể và tất cả ba đội sản xuất của nông trang Grêmiatsi tờ mờ sáng đã ra đồng làm.
Liubiskin đề nghị để lại một tổ canh gác kho, nhưng Đavưđốp cười:
- Theo mình thì bây giờ không cần nữa…
Trong bốn ngày nông trang đã gieo xong gần một nửa diện tích đất cày thu. Ngày mồng Hai tháng Tư đội sản xuất số ba đã chuyển sang làm đất cày xuân. Trong suốt thời gian ấy, Đavưđốp chỉ đến trụ sở có mỗi một lần. Anh đưa ra đồng tất cả những ai có khả năng lao động, thậm chí cả đến bác Suka anh cũng tạm thời rút khỏi công vụ xà ích, đưa xuống đội hai. Còn anh thì tờ mờ sáng đã ra đi, xuống chỗ các đội làm, và chỉ trở về làng lúc đã quá nửa đêm, khi gà bắt đầu gáy sáng.
-----------------------------
(*) Iunke: Học sinh trường sĩ quan ở nước Nga Sa hoàng. – ND.
Tập I - Chương 36
Trong sân mọc đầy cỏ của trụ sở ban quản trị nông trang, cũng như trên các bãi cỏ ngoài làng, hoàn toàn im ắng. Dưới nắng trưa, mái ngói đỏ rỉ của dãy nhà kho chói lên một màu sáng rực ấm cúng, nhưng trong bóng râm của các nhà kho, trên mặt cỏ bị xáo nát, vẫn còn lung linh những giọt sương nặng xam xám như hoa cà.
Một ả cừu cái trụi lông, gầy đến thảm hại, đang đứng giữa sân, bốn cẳng khẳng khiu xoạc ra, và kề bên nó, một chú cừu non, cũng lông trắng như mẹ, đang quỳ hai chân trước hau háu húc vào vú mẹ mà bú.
Liubiskin cưỡi một con ngựa cái nhỏ tiến vào sân. Qua cửa nhà xe, anh vung roi cau có vụt con dê con đang đứng trên mái nhà giương đôi mắt xanh lè như mắt ma nhìn xuống, và anh càu nhàu:
- Chỉ được cái nhảy tót lên mái nhà, đồ quỷ sứ nhà giời! Có cút xuống không?
Liubiskin hầm hầm, mặt khó đăm đăm, phi từ thảo nguyên về, không ghé nhà, mà đến thẳng trụ sở. Theo sau con ngựa cái hung hung đỏ lang vàng của anh có một chú ngựa con chân cẳng mảnh khảnh, đuôi vểnh ngược, chạy lon ton, lóc nhóc nhạc ở cổ. Đối với vóc người Liubiskin thì con ngựa cái qúa bé đến nỗi bàn đạp phải thả trễ xuống gần như quá gối nó; nom anh như chàng kỵ sỹ gù trong truyện cổ tích cặp con ngựa còm nhom giữa đôi cẳng lực sỹ của mình… Đemka Usakốp đứng trên hè nhìn theo anh, phì cười:
- Nom ông cứ như đức Chúa Giêsu cưỡi lừa vào thành Giêruxalem vậy… Hệt!
- Có cậu là đồ con lừa ấy! – Liubiskin vừa đi tới bên hè, vừa vặc lại.
- Co cái chân lại tí, kẻo cày đất lên bây giờ!
Liubiskin chẳng thèm đáp, nhảy vội xuống ngựa, quấn cương vào lan can, nghiêm giọng hỏi:
- Đavưđốp có nhà không?
- Có. Đang ngồi trong ấy, rũ rù rù, mong ông mòn con mắt. Ba ngày đêm nay anh ấy chẳng ăn, chẳng uống gì cả, cứ luôn mồm: “Paven Liubiskin thân yêu của tôi đâu rồi? Vắng Paven tôi chỉ muốn chết, không thiết gì trên đời này nữa!”.
- Cứ nói đi! Bẻm mép nữa đi! Vả vỡ mồm cho bây giờ!
Đemka đưa mắt liếc nhìn cái roi Liubiskin cầm tay, và im bặt. Liubiskin bước vào trong trụ sở.
Đavưđốp cùng với Radơmiốtnốp và các đại biểu hội nghị phụ nữ vừa mới thảo luận xong về vấn đề tổ chức vườn trẻ. Liubiskin đợi cho mấy bà phụ nữ đi ra rồi bước tới bên bàn. Tấm áo sơmi vải bố cuả anh, không thắt đai và trắng bụi ở hai bả vai, khét mùi mồ hôi, nắng và bụi…
- Tôi ở dưới đội lên…
- Làm ăn thế này thì chết mất! Đội tôi còn cả thảy hai mươi tám người có khả năng lao động, nhưng chẳng anh đếch nào chịu làm, ỳ thần xác ra đấy cả… Không sao bảo được họ. Hiện tôi có mười hai chiếc cày. Kiếm mãi mới gọi là đủ thợ cày. Nhưng chỉ có độc Kônđrát Maiđanhikốp là nai lưng ra làm, quần quật như bò, còn những thằng Akim Bexkhlépnốp, Xêmiôn Kugienkốp, hoặc cái thằng đâm ba chẻ củ Atamantsukốp và những đứa khác thì toàn là một thứ tai ương nghiệp chướng, chứ không phải thợ cày! Cứ như từ thuở cha sinh mẹ đẻ họ chưa sờ đến cái bắp cày bao giờ! Cày bạ sao nên thế. Đi được một xá ngồi xuống hút thuốc, rồi nạy đít không đứng dậy được.
- Mỗi ngày các cậu cày được bao nhiêu?
- Maiđanhikốp và tôi chơi mỗi đứa được ba phần tư đêxiachin còn bọn kia… giỏi lắm là nửa đêxiachin. Cứ cày điệu này thì sang giữa mùa thu phải gieo ngô vậy thôi.
Đavưđốp chẳng nói chẳng rằng, gõ gõ đít bút chì xuống bàn, rồi hỏi khác:
- Thế cậu về đây làm gì? Nhờ chúng tôi lau nước mắt cho cậu à? – Và mắt anh cau lại, khó chịu.
Liubiskin giãy nảy lên:
- Tôi đến đây không phải để khóc! Anh cho tôi thêm người, thêm cày, còn như đùa dai thì tôi cũng chẳng cần anh phải dạy!
- Đùa dai thì cậu giỏi rồi, thực tế thế, nhưng đến cộng việc thì cậu cà là mèng! Thế cũng gọi là độ-ộ-ội trưởng! Không bảo nổi bọn ăn bơ làm biếng? Buông lỏng kỷ luật, rồi lại đủ trò mềm mỏng xuê xoa, thì không bảo được thật ấy chứ, thực tế thế!
- Anh thì bảo được! – Liubiskin bực toát mồ hôi hột, làm om lên: - Trong mọi chuyện xảy ra, thằng Atamantsukốp là thằng đầu sỏ. Nó lung lạc bà con trong đội, và bây giờ mà đuổi cổ thằng mẹ mìn ấy, nó sẽ lôi kéo nhiều người khác ra thêm. Anh Xêmiôn Đavưđốp, có thật anh định nỡm tôi không thì anh bảo? Anh buộc vào cổ tôi mấy thằng đui què mẻ sứt rồi anh lại còn hạch tôi về công việc! Như lão Suka ấy thì tôi biết nhét vào đâu bây giờ? Cái lão ba hoa xích đế ấy thì chỉ có đem chôn chân vào vườn làm bù nhìn giữ dưa thôi, thế mà anh đẩy xuống đội tôi, tròng vào cổ tôi như cái địu! Không được cái tích sự gì! Theo cày không được, rong bò cũng không xong. Nói thì cứ léo nhéo như chim sẻ, bò nó cũng chẳng coi lão là người nữa, chẳng sợ! Con khỉ già chân vòng kiềng ấy cứ đánh đu với cái bắp cày, và đi được một xá thì kềnh ra đến mười lần! Lần thì buộc lại giây giày, lần thì nằm chổng vó lên, đút cho rom tụt vào. Các mẹ kia lại vứt bò đấy, xúm lại xem, reo ầm lên: “Bác Suka rơi đâu mất cái rom rồi!...”. Thế là người ta xô lại để xem lão khỉ ấy làm thế nào đút cái rom thụt lại được vào trong bụng như cũ. Thật là trò mần tuồng, chứ không phải là đi cày! Hôm qua chúng tôi đành phân công cho lão ở nhà nấu cháo, vì lão bị lòi rom, nhưng nấu cháo cũng không nên thân, lại còn làm bậy nữa! Chúng tôi đưa cho lão thịt mỡ để bỏ vào cháo, lão chén hết, còn cháo thì lão tống đẫy muối vào và cho thêm cái chết tiệt gì nữa chẳng biết.. Vậy anh bảo tôi biết dúi lão vào đâu bây giờ?
Dưới hàng ria đen, đôi môi Liubiskin run run tức giận. Anh vung roi lên, giơ ra cái nách áo sơmi bẩn thỉu bạc trắng mồ hôi muối một khoang tròn, thất vọng nói:
- Anh cho tôi thôi đội trưởng. Loay hoay mãi với lũ người ấy tôi chịu không nổi nữa rồi: đến chết về lối làm ăn của họ thôi!...
- Cậu cứ làm như chết đến đít rồi không bằng! Bao giờ cần cho cậu thôi đội trưởng, chúng tôi khắc cho, còn bây giờ thì cậu đi ra đồng đi, làm sao cho từ giờ đến tối phải cày xong mười hai hécta. Và không xong thì đừng trách! Hai tiếng nữa tôi sẽ xuống kiểm tra. Thôi đi đi!
Liubiskin đóng cửa đánh sầm một cái sau lưng, lao xuống thềm. Con ngựa buộc bên thềm đang đứng rũ đầu xuống. Nắng rọi vào đôi mắt tím rắc những hạt vàng của nó. Sửa lại tấm dạ lót yên phơi nắng nóng ran xong, Liubiskin thong thả nhảy lên lưng ngựa. Đemka Usakốp nháy mắt hỏi kháy:
- Đội đồng chí cày được nhiều rồi chứ, hả đồng chí Liubiskin?
- Không việc gì đến mày…
- Không việc gì hả!... Để tôi móc ông vào cái xe kéo moóc rồi xem có việc gì không?
Liubiskin ngồi trên lưng ngựa quay ngoắt lại, bàn tay khoẻ đen xạm bóp chặt đến sưng vù các đầu khớp lên, đe:
- Có giỏi cứ xuống! Ông sẽ sửa cho mày đôi mắt, thằng quỷ lác xệch! Ông sẽ xoay mắt mày ra sau gáy và dạy cho mày cách đi giật lùi!
Đemka nhổ toẹt một bãi, coi khinh:
- Thế thì cũng tài đấy! Nhưng trước hết ông hãy về sửa bọn thợ cày của ông đi đã, để họ cày cho ông nhanh nhanh lên một tí…
Liubiskin phi như bay qua cổng, lao ra thảo nguyên như người lao lên xung phong. Tiếng lách cách rôm rả của quả nhạc lúc lắc ở cổ con ngựa con chưa tắt hẳn thì Đavưđốp đã bước ra hè, tất tưởi bảo Đemka:
- Tôi xuống đội hai vài ngày, cậu ở nhà thay tôi giải quyết công việc. Chú ý theo dõi việc tổ chức vườn trẻ, nghe chưa? Có chuyện gì mắc mớ, phóng ngựa xuống tìm tôi. Rõ chưa? Đóng hộ tôi con ngựa, rồi bảo Radơmiốtnốp đến gặp tôi có việc. Tôi chờ ở nhà.
- Hay là để tôi với anh em xuống vỡ hoang, đỡ Liubiskin một tay? – Đemka đề nghị, nhưng Đavưđốp gạt phắt đi, gắt:
- Cậu lôi thôi! Mặc họ phải xoay xở lấy! Tôi sẽ xuống, thúc cho họ vào đít, rồi xem có mặt tôi họ có còn cày mỗi người được nửa đêxiachin nữa hay không! Đóng ngựa đi!
Radơmiốtnốp tới nhà Đavưđốp, ngồi trên cỗ xe một ngựa dành riêng cho ban quản trị. Đavưđốp đã đứng bên cổng đợi anh, nách cắp một bọc khăn gói nhỏ. Radơmiốtnốp cười nụ:
- Lên đi! Mang cái gì đấy, đồ nhắm hả?
- Quần áo.
- Mang quần áo đi làm gì?
- Để thay chứ làm gì.
- Sao lại phải thay!
- Thôi đi đi, hỏi gì hỏi lắm thế? Mang quần áo đi để rận nó khỏi ăn thịt mình, rõ chưa? Mình xuống đội hai đây, và sẽ ở lại đó cho đến khi cày xong. Khép cái mồm lại, và cho chạy đi.
- Này, chẳng hay đầu óc cậu có méo mó không đấy? Cậu định làm gì ở đấy cho đến hết vụ cày?
- Mình đi cày.
- Bỏ công việc chỉ đạo để đi cày? Sáng kiến hay gớm nhỉ?
- Đi! Bảo đi mà! – Đavưđốp cau mặt lại.
Radơmiốtnốp xem chừng cũng bắt đầu cáu:
- Này, đừng có giở giọng! Yêu cầu anh giải thích tôi rõ: không có anh thì dễ thường dưới đội họ cày không được hay sao? Cậu phải lãnh đạo, chứ không phải đi cày! Cậu là chủ tịch nông trang…
Đavưđốp trợn mắt long sòng sọc:
- Gì nữa?.. Lên lớp nốt đi!... Mình trước hết là một người cộng sản, rồi sau đó… thực tế thế!... Rồi sau đó mới là chủ tịch nông trang! Việc cày bừa bê trễ ra đấy, mà mình ngồi đây được sao?... Thôi đi đi, bảo đi mà!...
- Thì đi, sợ gì! Con ôn vật này, nhúc nhắc lên! Đi! – Radơmiốtnốp vung roi quất con ngựa.
Xe giật mạnh làm Đavưđốp bị xô ngửa, và khuỷu tay vào thành xe một cái đau điếng. Bánh xe lăn êm êm trên con đường dẫn ra thảo nguyên.
Ra khỏi đầu làng, Radơmiốtnốp cho con ngựa đi bước một. Anh đưa tay áo lên lau trán sẹo:
- Này, Đavưđốp ạ, cậu làm thế dở òm! Cậu nên xuống dưới ấy chấn chỉnh cho họ đâu vào đấy, rồi về thôi. Anh bạn ạ, cày thì có khó quái gì. Một người chỉ huy tốt không được đi ích ê trong hàng, mà đứng ngoài chỉ huy một cách thông minh, tôi nói sơ sơ với anh như vậy.
- Xin anh xếp cho tôi cái giọng lên lớp ấy đi! Mình phải dạy cho họ biết làm việc, và mình sẽ dạy được, thực tế thế! Thế mới đúng là lãnh đạo! Đội một và đội ba gieo xong cả rồi, còn ở đây thì đang chết tắc. Liubiskin xem ra xoay sở không nổi. Thế mà cậu cứ lải nhải: “Một người chỉ huy giỏi”, với những cái chết tiệt gì nữa… Việc gì mà cậu cứ phải làm bảo mẫu cho tôi? Dễ cậu tưởng tôi chưa được thấy những người chỉ huy tốt bao giờ sao? Người chỉ huy tốt là người lúc khó khăn biết dẫn dắt mọi người bằng tấm gương của mình. Và mình sẽ làm như thế!
- Tốt hơn hết là cậu ném mấy chiếc cày ở đội một sang cho họ.
- Thế người? Người thì mình đào đâu ra? Thôi quất đi, quất cho đi nhanh lên!
Hai người ngồi nín thinh cho đến lúc xe tới đỉnh đồi. Bên trên thảo nguyên, cao cao giữa đỉnh đầu, một đám mây mưa đá tím mọng nước bị gió thổi thốc đứng dựng lên, lấp cả mặt trời. Đường viên của mây trắng cứ xoáy tròn và lóng lánh như ánh tuyết, nhưng đỉnh mây đen ngòm lại nom đáng sợ trong cái dáng bất động nặng nề của nó. Luồng nắng xuyên qua kẽ mây, qua riềm mây nhuốm màu da cam, chênh chếch đổ xuống xoè như nan quạt. Mảnh, nhọn như mũi lao trên nền trời rộng, chúng toả ra như thác đổ khi xuống gần mặt đất, trải lên những luống đất của thảo nguyên nâu bát ngát phía chân trời xa xa, làm nó đỏ rực lên, trẻ lại, nom lạ mắt và hân hoan…
Thảo nguyên u ám bóng mây dông im lìm cam phận đợi cơn mưa. Gió cuốn trên đường một cột bụi xám. Gió đã ngan ngát mùi hương nước mưa. Và một phút sau, trời bắt đầu mưa lác đác, thưa hạt. Hạt mưa, nặng và lạnh, rơi thụt xuống lớp bụi đường, vê thành viên bùn nhỏ xíu. Chuột đồng rít lên thảng thốt, tiếng gọi nồng cháy của con chim bão đã im bặt. Ngọn gió là là thổi hoà vào chân giạ kê, làm giạ kê rì rào xù lên. Thảo nguyên tràn ngập tiếng thở than xào xạc của cỏ dại lứa năm ngoái. Ngay sát chân mây, một con quạ sải đôi cánh đón luồng gió nghiêng nghiêng bay lên một tiếng, lao chúc xuống. Lao qua một luồng tia nắng, mình quạ vụt rực lên trong giây lát như một bó đuốc tẩm nhựa bốc cháy; nghe rõ tiếng cánh quạ xé không khí, rào rào như tiếng bão xa. Nhưng xuống tới cách mặt đất dăm chục xagien, quạ lại vỗ cánh vọt ngược lên. Liền lúc đó một tiếng sét nổ đanh, xé tai.
Lán đội hai đã hiện ra trên đỉnh đồi thì Radơmiốtnốp trông thấy một người đi ngược lại phía họ. Người ấy đi tắt, nhảy qua những vũng nước lội, thỉnh thoảng chuyển sang chạy, kiểu chạy le te bước ngắn của người già. Radơmiốtnốp lái ngựa đi về phía người ấy và từ xa đã nhận ra bác Suka. Nhìn điệu bộ thấy rõ bác Suka chắc đã gặp chuyện gì chẳng lành… Bác bước tới xe họ. Đầu bác đội mưa, tóc dính bết lại. Bộ râu ướt sũng và đôi lông mày bác bê bết những hạt kê chín. Bác tái xanh tái xám, vẻ hốt hoảng và Đavưđốp thoáng trong đầu một ý nghĩ nặng nề: “Tình hình trong đội không ổn… Lại choảng nhau rồi!”.
- Làm sao thế? – Anh hỏi.
Bác Suka thở hắt ra:
- Hút chết! Họ định giết lão…
- Ai?
- Liubiskin và bọn họ.
- Sao vậy?
- Vì họ thích gây sự… Vì chuyện cháo… Lão thì tợn, không nhịn được… và thế là Liubiskin vớ lấy con dao, sấn vào lão… Lão mà không nhanh chân khéo bây giờ đã bị xiên vào đầu mũi dao đem nướng chả rồi chứ còn gì!...
Đavưđốp thở hắt một cái nhẹ nhõm, ra lệnh:
- Bác về làng đi, chuyện này ta sẽ làm ra nhẽ sau.
… Số là nửa giờ trước ở lán đã xảy ra câu chuyện như sau: bác Suka, hôm trước đã nấu cháo quá mặn, muốn gỡ lại uy tín trước toàn đội, đã trở về làng từ chiều, ngủ qua đêm rồi sáng dậy mang theo một cái bao tải, trên đường về đội, bác tạt qua nhà lão Kraxnôkutốp ở ngay đầu làng, lẻn qua rào như một thằng ăn cắp, và nấp phục sau đống rơm vụn. Kế hoạch của bác Suka đơn giản một cách tài tình: rình một ả gà mái nào, tóm gọn, chặt đầu đi, quẳng vào nồi cháo và nhờ đó tranh thủ được sự mến phục của đội. Bác nằm bẹp nửa tiếng đồng hồ, nín thở, nhưng đàn gà như trêu ngươi bác, chỉ cào bới đâu đó quanh hàng rào, dường như chẳng nghĩ đến chuyện vào kiếm ăn bên đống rơm. Thế là bác Suka nghĩ ra cách khe khẽ gọi nhử: “Pập, pập, pập!... Chít-chít-chít-chít-chít!”. Bác thều thào gọi, nấp kín sau đống rơm như con thú rình mồi. Ông lão Kraxnôkutốp lúc ấy tình cờ đang đứng gần nhà chứa thóc. Nghe như có tiếng kẻ trộm gọi gà, lão liền ngồi thụp xuống sau hàng rào… Đàn gà cả tin chạy tới đống rơm, và ngay lúc đó Kraxnôkutốp trông thấy một bàn tay ai từ sau đống rơm thò ra túm cẳng một con gà mái non. Bác Suka bóp chết con gà mái, thoắt như một con cáo già, nhưng vừa mới định đút gà vào bao tải thì nghe thấy một tiếng hỏi nhẹ: “Bắt gà hả?”, và trông thấy lão Kraxnôkutốp từ sau hàng rào đứng nhô lên. Bác Suka rụng rời chân tay, đến nỗi buông rơi cái bao tải rồi trật mũ ra chào rất vô duyên:
- Chào bác Aphanaxi Pêtơrôvits!
Lão Kraxnôkutốp đáp:
- Không dám, thế nào, bác quan tâm đến gà nhà tôi thế?
- À, à, chả là tôi đi qua, trông thấy con gà mái hoa. Con gà lông đốm lắm màu quá, làm tôi không đừng được. Tôi mới nghĩ bụng: ta bắt thử, xem một tí, gà đâu mà đẹp thể nhỉ! Thật là già một đời người chửa thấy con gà nào lạ thế!
Mẹo của bác Suka vô duyên quá đến nỗi lão Kraxnôkutốp phải cắt phéng luôn:
- Thôi đi, điêu xoen xoét! Xem gà việc gì phải đút vào bao tải? Muốn sống muốn chết nói thật: ăn cắp gà làm gì?
Bác Suka đành thú thật muốn chiêu đãi anh em thợ cày trong đội một chầu gà. Bác ngạc nhiên thấy Kraxnôkutốp chẳng cằn nhằn một lời nào, lại còn bảo:
- Chiêu đãi thợ cày thì được, không sao. Lão đã vồ được một con rồi thì đút vào bao đi, lấy gậy vụt thêm con nữa, đừng bắt con ấy, con kia cơ, con có cái bờm ấy, nó không đẻ nữa … Một con gà cho cả đội thì ai ăn ai đừng. Bắt mau lên con nữa rồi chuồn ngay đi, kẻo chẳng may bà lão nhà tôi lại thì cả hai ta ốm ho với bà ấy.
Bác Suka thấy câu chuyện kết thúc như vậy, mừng quýnh. Bác tóm thêm con gà nữa, rồi nhảy qua hàng rào. Hai tiếng sau, bác về tới lán, và khi Liubiskin lên gặp Đavưđốp trở về thì cái nồi ba mươi của bác đã sôi sùng sục, hạt kê ninh đã nhừ bung, và thịt gà xắt miếng đã nổi váng mỡ lều bều. Cháo ngon hết ý. Bác Suka chỉ lo có một điều: sợ cháo tanh mùi nước tù, vì nước nấu cháo bác múc ở cái đầm cạn gần lán mà mặt nước đọng đã váng rêu xanh. Nhưng bác đã lo hão: mọi người ăn cứ khen rối khen rít, thậm chí đến cả đội trưởng Liubiskin cũng phải bảo: “Từ bé đến giờ chưa ăn bữa qué nào ngon thế này! Thay mặt cả đội, xin cám ơn bố già!”.
Nồi cháo vợi đi nhanh chóng. Những anh nhanh tay nhất đã bắt đầu cạo cháo cháy lẫn với thịt vụn. Đến lúc ấy thì xảy ra một chuyện làm vĩnh viễn tiêu tan sự nghiệp đầu bếp của bác Suka…
Liubiskin nhặt được một miếng thịt nhỏ, định đưa lên mồm thì bỗng lùi lại, tái mặt đi. Anh giơ miếng thịt nhừ trắng nhợt kẹp vào hai đầu ngón tay, cau có hỏi bác Suka:
- Cái gì thế này?
Bác Suka thản nhiên đáp:
- Đầu cánh đấy.
Mặt Liubiskin từ từ đỏ bầm lại trong một cơn giận dữ khủng khiếp. Anh gầm lên:
- Đâ-â-ầu cánh?... Mở mắt nhìn thử, thế mà là đâ-â-ầu bếp!
Một bà rú lên:
- Ối làng nước ôi! Nó lại có móng này!...
Bác Suka sừng sộ:
- Con mẹ này ăn nói lăng nhăng! Cánh mà lại có móng? Lật váy lên mà tìm, có cái móng trong đũng ấy!
Bác quăng cái thìa đi, bước tới xem: bàn tay run run của Liubiskin giơ ra một khúc xương nhỏ, đầu xương là một bàn chân có da nối liền ngón với mấy cái móng nhỏ xíu…
Akim Bexkhlépnốp kêu lên hoảng hốt:
- Anh em ơi! Ta ăn phải thịt ngoé rồi!...
Thế là bắt đầu nhốn nháo: một trong những bà ghê tởm thịt ngoé nhất rên rỉ giãy nảy lên, ôm miệng chạy ra sau lán. Kônđrát Maiđanhikốp nhìn đôi mắt trợn tròn vô cùng kinh ngạc của bác Suka, ngã bổ kềnh ra, cười lăn lộn, mãi mới kêu lên được:
- Ôi, các bà ơi! Các bà vi phạm tục ăn chay rồi!
Những anh chàng không kinh thịt ngoé lắm đế thêm vào:
- Bây giờ là các bà không được chịu lễ nữa đâu! – Kugienkốp giả vờ sợ hãi kêu lên.
- Cười cái đếch gì mà cười? – Đánh bỏ mẹ lão Suka đi!...
Liubiskin vặn hỏi bác Suka:
- Ngoé ở đâu mà nhảy được vào nồi bác?
- Bác ấy múc nước đầm, không nhìn chứ gì nữa.
Chị Anhixia, dâu nhà Đônhétxkốp, rít lên xỉa xói:
- Thằng già chó đẻ!... Cho người ta ăn cái của nợ gì thế? Người ta đang có mang! Bây giờ mà bà đẻ non là tại mày, đồ khốn nạn!...
Miệng nói tay hắt luôn bát cháo vào giữa mặt bác Suka.
Thế là om sòm ầm ĩ. Các bà xúm lại túm râu bác Suka, mặc cho bác vừa hoang mang vừa hoảng hốt cố gân cổ lên cãi:
- Khoan khoan tí nào! Ngoé đâu mà ngoé! Thề có Chúa, không phải ngoé mà!
Anhixia Đônhétxkôva sấn sổ, lồng lộn nom đến ghê:
- Không ngoé thì là cái gì?
Bác Suka cố bài bây:
- Các chị độc tưởng tượng! Trông gà hoá ngoé!
Nhưng khi Liubiskin yêu cầu bác nhai thử cái xương ngoé “tưởng tượng” ấy thì bác chối đây đẩy. Có lẽ câu chuyện chỉ đến thế là xong nếu như cuối cùng bác Suka lộn ruột vì các mẹ nói dai, không gắt lên:
- Đồ quỷ cái! Mồm như cái tĩ! Cứ ngoạc ra mà chẳng hiểu gì cả là đây đâu phải con ngoé thường, mà là con sò của người ta đấy.
Các bà ngạc nhiên:
- Cái gì?
- Con sò, vểnh tai lên mà nghe! Ngoé là của bẩn thỉu, còn sò là của quý! Hồi chế độ cũ một ông bạn thân tôi là lính hầu cho đích thân tướng Philimonốp, kể chuyện ông tướng nuốt chửng cứ là hàng trăm con trừ bữa! Mà lại ăn sống nữa chứ! Con sò chửa kịp há mồm là ông ta đã cầm dĩa moi ra, xiên vào đầu dĩa, thế rồi ực một cái, mất tăm! Nó kêu la thảm thiết, mặc, ông ta cứ nuốt trôi. Các nhà chị biết quái gì, cái miếng ấy biết đâu chẳng là giống thịt sò? Các vị tướng là khoái món ấy lắm, và có thể là tôi đây đã cố tình ném một con vào nồi cháo, cho ngọt nước mà ăn, lũ ngu ạ!...
Đến đấy thì Liubiskin không chịu nổi nữa: anh vớ lấy cái muôi đồng, nhảy chồm lên, quát tướng:
- Các vị tướng hả? Cho ngọt nước hả?... Ông là du kích đỏ đây, thế mà lại cho ông ăn thịt ngoé, như cái thằng tướng chết toi nào không biết!
Bác Suka nom ngỡ Liubiskin cầm dao, vội ba chân bốn cẳng bỏ chạy, không ngoái đầu lại…
Những chuyện ấy Đavưđốp được nghe khi đã tới lán, còn như lúc này, bảo bác Suka đi về xong, anh giục Radơmiốtnốp thúc ngựa. Và một lát sau họ tới lán đội hai.
Mưa vẫn rào rào trên thảo nguyên. Một cầu vồng ngũ sắc vắt ngang trời từ Grêmiatsi Lốc tới mặt đầm xa xa. Lán không có một ma nào. Chia tay với Radơmiốtnốp rồi Đavưđốp đi ra khoảnh ruộng cày gần đấy nhất. Gần tới thì thấy mấy con bò đã tháo ách đang tha thẩn gặm cỏ, còn anh thợ cày Akim Bexkhlépnốp, ngại về lán, nằm lăn kềnh ngay trên luống cày, trùm tấm áo dipun kín đầu đang thiu thiu ngủ trong tiếng mưa rơi lộp độp như ru. Đavưđốp lay anh ta dậy:
- Sao bỏ đấy không cày?
Akim miễn cưỡng đứng dậy, ngáp một cái, cười trừ:
- Mưa thế này không cày được, đồng chí Đavưđốp ạ. Thế mà đồng chí không biết à? Con bò đâu phải cái máy kéo. Hễ lông cổ nó mà ướt thì vai cày cọ xát làm bật máu tươi cổ ra ngay, thế là từ đấy hết cày! – Thoáng thấy một vẻ nghi ngờ trong anh mắt Đavưđốp, anh ta vội thêm: - Đúng thế đấy, cấm sai đâu. Đồng chí ra can cái đám đánh nhau kia đi thì hơn kìa. Từ sáng đến giờ Maiđanhikốp cứ cà khịa suốt với Atamantsukốp thôi… Đấy, bây giờ họ lại đang choảng nhau ở khoảnh ruộng đằng ấy đấy. Kônđrát bắt thả bò, còn Atamantsukốp thì bảo: “Đừng đụng đến cày của ông, không ông đánh vỡ đầu đấy…”. Đấy, họ lại túm ngực nhau đấy.
Đavưđốp nhìn ra cuối khoảng ruộng thứ hai sau lán kho và thấy đúng là có chuyện gì như ẩu đả: Maiđanhikốp đang vung một thanh sắt, như vung kiếm, còn anh chàng Atamantsukốp cao kều thì một tay gạt anh ta ra, không cho đụng đến ách cày, một tay nắm chặt ngoặt sau lưng. Xa quá nên không nghe thấy lời đi tiếng lại. Đavưđốp vội rảo bước tới, réo lên từ xa:
- Chuyện gì lôi thôi đó?
- Đời thuở nào thế này không, đồng chí Đavưđốp! Đang mưa, mà nó cứ cày! Nó làm toét hết vai bò ra chứ còn gì! Tôi bào nó: “Trời mưa thì tháo bò ra”, nó mắng ngay vào mặt tôi: “Không việc gì đến mày!”. Thế thì việc đến ai, đồ chó đẻ? – Maiđanhikốp quay sang phía Atamantsukốp, vung thanh sắt lên quát: - Tiên sư mày, việc đến ai?
Xem ra hai người đã choảng nhau được một trận rồi: một bên mắt Maiđanhikốp sưng u lên, tím bầm, còn Atamantsukốp thì cổ áo sơ mi rách toạc và máu chảy đọng trên đôi môi sưng vểu râu ria nhẵn nhụi.
Mừng thấy có Đavưđốp đến, Maiđanhikốp quát:
- Tao không cho phép đứa nào làm hại nông trang! Nó dám mở miệng nói: “Bò nông trang, bò tao đâu mà tao cần!”. À, thế là bò nông trang thì mày định lột da nó ra à? Buông bò ra, đồ ăn tàn phá hại!
- Đừng có giở lối ra lệnh! Và mày không có quyền đánh tao! Không cẩn thận tao cho mày một quả này thì bửa mặt mày ra! Tao phải đạt mức mà mày lại định cấm tao hả? - Atamantsukốp gào lên khàn khàn, tay trái sờ soạng tìm khuy cài cổ áo.
Đavưđốp vừa đi vừa giằng lấy thanh sắt ở tay Maiđanhikốp, quẳng xuống đất, và hỏi Atamantsukốp:
- Mưa có cày được không?
Mắt Atamantsukốp long lên sòng sọc. Hắn ngoái cái cổ ngẳng lại, rít giọng hằn học đáp:
- Cày cho chủ thì không được, cày cho nông trang thì cứ phải cày!...
- “Cứ phải” là thế nào?
- Phải đạt kế hoạch chứ thế nào! Mưa hay không, cứ cày. Cày không đạt mức, thằng Liubiskin này lại sắp lải nhải suốt ngày, nói rát mặt.
- Câm mẹ nó cái mồm đi… Hôm qua nắng ráo, mày có đạt mức không?
- Tao cày hết sức tao rồi!
Maiđanhikốp cười sằng sặc:
- Nó cày được một phần tư đêxiachin! Đồng chí nhìn bò của nó mà xem! Với tay không tới sừng, thế mà nó cày thế nào? Ta lại đây, đồng chí Đavưđốp! Rồi đồng chí xem. – Anh nắm lấy tay áo măng tô ướt sũng của Đavưđốp, dẫn ra luống cày. Anh uất nghẹn lên, lắp bắp: - Chúng tôi quyết định cày sâu ít ra là ba vécsốc rưỡi, thế mà đây, đồng chí đo thử xem!
Đavưđốp cúi xuống, thọc ngón tay xuống lớp đất cày nhão nhoét và dính bết. Từ đất rắn lên đến mặt cỏ sâu không hơn một rưỡi hai vécsốc.
- Thế này mà là cày ư? Là gãi đất, đâu phải là cày! Sáng nay tôi đã muốn nện cho hắn một trận rồi, về cái thành tích này đây. Đồng chí cứ đi xem hết, chỗ nào hắn cũng cày thế cả!
- Này, lại đây! Bảo lại đây mà! – Đavưđốp réo gọi Atamantsukốp đang miễn cưỡng tháo ách bò.
Atamantsukốp lừng khừng bước tới. Đavưđốp rít cái răng sứt hạ giọng hỏi:
- Anh làm ăn… thế hả?
- Anh còn muốn thế nào nữa? Muốn cày sâu tám vécsốc chắc? - Atamantsukốp lim dim mắt hằn học, trật mũ giơ ra cái đầu cạo trọc lốc, cúi rạp xuống chào; - Xin cám ơn các anh! Anh thử cày lấy xem có sâu hơn được không? Nói thì ai cũng nói được, nhưng làm thì cấm thấy mặt ai!
- Anh hỏi tôi muốn thế nào hả? Muốn đuổi cổ anh ra khỏi nông trang, đồ chó má! – Đavưđốp quát, đỏ mặt tía tai. – Và tôi sẽ đuổi cho mà xem!
- Mời anh đuổi cho tôi nhờ! Chẳng đuổi tôi cũng tếch! Tôi đâu phải đầy tớ nai lưng ta làm mòn đời cho các anh. Mọt xác để làm gì không biết!
Và hắn bỏ về lán, miệng huýt sáo.
Tối hôm ấy, họp toàn đội ở lán, vừa khai mạc Đavưđốp nói ngay:
- Tôi đặt vấn đề này đề nghị đội thảo luận: ta nên xử lý thế nào với kẻ mang tiếng là nông trang viên mà lại làm ăn trí trá với nông trang và Chính quyền xôviết, đáng lẽ phải cày sâu ba vécsốc rưỡi thì lại chỉ cày một vécsốc rưỡi, làm hỏng bét cả? Với kẻ cố tình làm dưới trời mưa để giết bò, còn lúc nắng ráo thì chỉ đạt nửa định mức?
- Đuổi ra! – Liubiskin nói.
Ý kiến của anh được các bà các chị ủng hộ đặc biệt hăng hái.
- Trong đám ta có một nông-trang-phá-hoạt-viên như vậy đấy. Anh ta kia! – Đavưđốp giơ tay chỉ Atamantsukốp đang ngồi trên chiếc càng xe: - Đội ta có mặt đông đủ. Tôi xin đặt vấn đề biểu quyết: ai tán thành đuổi cổ ra khỏi nông trang kẻ phá hoại và ăn bơ làm biếng Atamantsukốp?
Trong tổng số hai mươi bảy người, có hai mươi ba người tán thành. Đavưđốp đếm xong, lạnh lùng bảo Atamantsukốp:
- Mời anh xéo đi cho. Từ nay anh không phải nông trang viên nữa, thực tế thế! Đợi một năm nữa chúng tôi sẽ xét: nếu anh biết sửa chữa, chúng tôi sẽ nhận lại. Bây giờ, thưa các đồng chí, tôi có một vấn đề quan trọng nói ngắn vài câu với các đồng chí. Hầu hết các đồng chí đều làm ăn không ra sao. Rất không ra sao! Không một ai, trừ Maiđanhikốp, đạt định mức cả. Thật là đáng xấu hổ cho đội hai các đồng chí! Cứ kiểu này thì thật dơ mặt. Làm việc như thế thì thành đèn đỏ và mặt kiếp đèn đỏ! Ta phản chấn chỉnh lại tận gốc.
Akim Bexkhlépnốp phát biểu:
- Định mức đặt cao quá! Bò kéo không nổi.
- Cao quá ư? Bò kéo không nổi ư? Vô lý! Thế sao bò Maiđanhikốp lại kéo nổi? Tôi sẽ ở lại với các đồng chí, nhận bò của Atamantsukốp và sẽ bằng hành động thực tế làm để các đồng chí thấy rằng mỗi ngày có thể cày được một hécta, thậm chí là một hécta tư.
- Ê, anh Đavưđốp, anh khéo lắm! Mồm mép anh thật là chẳng còn hớ vào đâu, - Kugienkốp cười hề hề, tay túm lấy chòm râu muối tiêu ngắn cụt của mình: - Cày bằng bò Atamantsukốp thì đến sừng quỷ cũng cày bật đi được! Đưa tôi đôi bò ấy thì một hécta tôi cũng làm bay…
- Bò anh không cày được à?
- Có cày cái chết tiệt!
- Nào, thế thì ta đổi? Anh lấy bò của Atamantsukốp, tôi lấy bò anh! Được chưa?
Kugienkốp ngẫm nghĩ một tí, rồi thận trọng đáp giọng nghiêm trang:
- Để thử xem.
… Đêm hôm ấy Đavưđốp cứ trằn trọc. Nằm trong chiếc lều dã chiến, anh thức giấc luôn, lúc thì do mái tôn gió thổi lẻng xẻng, lúc thì do nằm co ro dưới tấm áo capốt ngấm mưa chưa khô, nửa đêm bị lạnh, lúc thì do rệp lúc nhúc trong tấm lông cừu anh nằm… Tờ mờ sáng Kônđrát Maiđanhikốp lay anh dậy. Kônđrát đã đánh thức toàn đội dậy cả rồi. Đavưđốp nhảy ra khỏi lều. Trời đằng tây nhấp nháy bóng sao mờ, mảnh trăng lưỡi liềm nom như nét khắc vàng óng trên tấm giáp thép xanh biếc của bầu trời. Đavưđốp vốc nước đầm rửa ráy. Kônđrát đứng bên anh, băn khoăn nhấm nhấm đầu bộ ria vàng hoe, nói:
- Hơn một đêxiachin một ngày thì nhiều đấy… Hôm qua đồng chí nói hơi bốc, đồng chí Đavưđốp ạ! Khéo chuyến này chúng mình hố…
- Tất cả là tuỳ ta hết, tất cả trong tay ta! Quái nhỉ, cậu sợ cái gì? – Đavưđốp động viên anh ta, nhưng trong bụng nghĩ: “Chuyến này thì mình sẽ chết lăn ra giữa luống cày đây, nhưng mình sẽ làm bằng được! Đêm mình sẽ dong đèn lên cày, không thì không thể đạt được một đêxiachin tư. Dơ mặt toàn thể giai cấp công nhân…”.
Trong khi Đavưđốp lau mặt bằng vạt áo vải dày cộm Kônđrát đã đóng xong bò của cả hai anh em, réo gọi:
- Ta đi thôi!
Trong tiếng bánh xe cày rít cót két, Maiđanhikốp giải thích cho Đavưđốp rõ những nguyên tắc đơn giản đã áp dụng bao nhiêu chục năm nay của cách cày bằng bò:
- Bọn tôi cho cày Xakốp là loại cày tốt nhất. Đơn cử cái cày Ácxaixkơ, cày ra cày đấy, khỏi nói, ấy thế mà còn xa mới bằng cái anh Xakốp! Kiểu nó không hay bằng cày Xakốp. Bọn tôi đã quyết định cày như thế này: anh nào làm lô anh ấy, và cứ thế mà dũi. Lúc đầu, Bexkhlépnốp, Atamantsukốp, Kugienkốp, và cả anh chàng Liubiskin nữa cũng nhập bọn, cày theo cái lối nối đuôi nhau. Họ bảo: “Nông trang thì phải làm tập thể, cày sau theo cày trước”. Họ cứ thế mà làm. Chỉ có tôi là thấy làm thế chẳng đi đến đâu… Cày trước mà dừng lại là các cái sau cũng dừng. Giả sử cày đầu trục trặc thì các cái sau dồn xô vào nhau. Thế là tôi làm om lên, bảo: “Để tôi đi đầu, không thì ai cày lô người ấy”. Đến lúc này thì Liubiskin nữa cũng đã thấy cày thế là không ổn. Ai làm tốt, ai làm xấu cũng chẳng hay. Chúng tôi mới chia lô ra, tôi cũng tách ra cày riêng, và thắng luôn bọn khỉ gió ấy mười điểm! Mỗi lô của chúng tôi là một đêxiachin: một trăm sáu mươi xagien cày xá dọc và mười lăm xagien cày xá ngang.
- Thế tại sao xá ngang lại không cày nhỉ? – Đavưđốp nhìn rìa lô đất cày, thắc mắc hỏi:
- À, nó là thế này: anh cày xong xá dọc, rồi anh cho bò quay ngang, thế chứ gì? Nếu bắt chúng quay ngoắt một cái, anh sẽ xé toạc cổ chúng ra, thế là đi đứt con bò, cày kéo sao được nữa! Thành thử phải cày dọc đã, rồi quay cày và rong bò đi không mười lăm xagien, còn máy kéo thì nó quay ngoắt được là bởi vì bánh trước của nó quặt được, rồi sau đó cho nó đi ngược chiều lại, còn như ba bốn cặp bò thì quay như thế làm sao được? Lũ bò thì cũng như lính trong hàng, phải quay cùng chân trái, để ở chỗ ngoặt ấy vẫn cày được như thường. Chính vì vậy mà cày bằng bò không thể cày lô lớn được. Máy cày đường càng dài thì cày càng nhẹn, còn như với bò thì tôi xới một trăm sáu mươi xagien luống dọc xong thì cày của tôi lại phải đi ngang, gãi đất không thôi. Đây, tôi vẽ cho anh xem. – Và Kônđrát dừng lại, lấy đầu que nhọn vạch xuống đất một ô dài: - Đây là khoảng bốn đêxiachin. Dọc: trăm sáu mươi xagien, và ngang: sáu mươi. Đây nhá, tôi cày luống dọc thứ nhất, anh xem đây: giả sử tôi cày một đêxiachin tôi phải đi không mười lăm xagien ở đoạn rẽ, vậy nếu tôi cày bốn đêxiachin thì đi không sáu mươi xagien. Rõ ràng không ổn chứ gì? Anh rõ chưa? Lãng phí thời gian…
- Rõ rồi. Cậu trình bày cụ thể lắm.
- Anh đã cày bao giờ chưa?
- Chưa, cậu ạ, chưa có dịp nào. Cái cày, mình có biết đại khái, nhưng sử dụng nó thì mình chịu. Cậu chỉ bảo cho mình, mình học cũng sáng dạ.
- Tôi đóng cày cho anh, đi với anh hai xá, rồi là anh khắc cày lấy một mình thôi mà.
Kônđrát lắp cày cho Đavưđốp, lắp chốt, để độ sâu ba vécsốc rưỡi và chuyển sang “mình mình cậu cậu” lúc nào không biết, vừa đi vừa giải thích:
- Ta cày, rồi cậu sẽ thấy: nếu bò kéo nặng quá, cậu cứ vặn cái này vào vòng rưỡi. Cái này chúng mình gọi là cái thùng; cậu thấy không, nó quay được, còn hàng luống thì đóng cố định. Cậu vặn cái thùng, lưỡi cày sẽ nâng lên, và sẽ ăn rộng không phải ra hết tám insơ (*) mà chỉ sáu thôi, bò kéo sẽ nhẹ hơn. Nào, ta cày! Vắt, con hói này! Vắt, brrrr!.... Đừng có gượng nhẹ cái bụng, đồng chí Đavưđốp ạ!
Dong bò cho Đavưđốp là một thằng bé. Nó vung roi đánh đét một cái, và đôi bò đằng trước nhịp nhàng gò lưng lấy đà. Đavưđốp nắm lấy tay cày, trong bụng hơi bồi hồi, bước đi theo cày, mắt nhìn lớp đất đen mỡ màng bị lưỡi cày bóc ra, vặn theo diệp cày bóng loáng và đổ nghiêng xuống, nom như một đàn cá ngủ.
Đi hết xá cày, Maiđanhikốp chạy tới chỗ Đavưđốp, chỉ bảo:
- Cho cày né sang trái để nó trượt lướt, và muốn khỏi phải rửa diệp cày thì như thế này, nom đây! – Anh đè lên tay cày bên phải, dựng “cắm mũi” cày xuống, thế là lớp đất bóc nghiêng nghiêng xiết mạnh vào diệp cày, liếm sạch bùn bám chặt trên lưỡi diệp.- Đấy, làm như thế! – Kônđrát đẩy cái cày ra, mỉm cười: - Đây cũng là kỹ thuật chứ bỡn đâu! Còn nếu như không “cắm mũi” cày xuống thì khi cày đi ngang cậu sẽ phải lấy que gạt bùn bám vào diệp. Bây giờ thì cày của cậu đã sạch như lau thì cậu có thể vừa đi vừa cuốn điếu thuốc hút cho ấm bụng. Này!
Anh chìa cho Đavưđốp túi thuốc vo tròn, cuốn một điếu, hất hàm chỉ đám bò của mình:
- Cậu nom, con mụ nhà mình nó cày bới tung bới toé lên kìa! Cày chỉnh rồi đấy, nhảy cóc ít thôi; chỉ một mình mụ cũng cứ cày được đấy…
Đavưđốp hỏi:
- Chị ấy dong bò cho cậu à?
- Phải, mụ ấy. Làm với mụ ấy cũng dễ chịu. Đôi lúc có quát lên mụ ấy cũng không lấy thế làm bực, và nếu có bực thì cũng chỉ hết ngày hôm ấy thôi… Đêm lại làm lành: chẳng gì cũng là vợ chồng…
Kônđrát mỉm cười và xoạc cẳng bước thấp bước cao đi trên luống cày.
Tầm đầu, cho tới lúc nghỉ ăn sáng, Đavưđốp đã cày được một phần tư đêxiachin. Anh nuốt quấy quá bát cháo, đợi cho bò ăn xong, nháy mắt bảo Kônđrát:
- Tiếp tục chứ?
- Có ngay. Anhiútka, dắt bò ra!
Và hết xá nọ đến xá kia, đất bị nén chặt lại qua hàng bao nhiêu thế kỷ lại tiếp tục bị lưỡi cày và diệp cày xắn ra, đổ ngả xuống. Cỏ bị lộn tung lên, giơ lên trời những chùm rễ co quắp, mặt cỏ bửa ra, úp xuống, khuất vào hõm tối. Đất bên mé diệp cày đưa đảo, lộn nhào xuống, như sóng lượn. Mùi hương nhàn nhạt của đất đen nghe dễ chịu và khoẻ người. Mặt trời còn cao, vậy mà lớp lông bạc màu của con bò đã xẫm lại vì đẫm mồ hôi…
Về chiều, chân Đavưđốp bị ủng cọ xát buốt nhức nhối, lưng đau ở ngang hông. Anh đi đo khoảng đất vừa cày, chân vấp lên trượt xuống, và nở một nụ cười trên đôi môi khô nẻ bụi bám đen: ngày hôm nay anh đã cày được một đêxiachin.
Khi Đavưđốp lê chân về tới lán, Kugienkốp hỏi, miệng thoáng một nụ cười ranh mãnh:
- Thế nào, hôm nay bới lên được bao nhiêu?
- Thử đoán xem!
- Có được nửa đêxiachin không?
- Xin lỗi anh, một đêxiachin, thêm một xá!
Kugienkốp đang ngồi lấy mỡ bôi chỗ chân vấp phải răng bừa bị đứt toạc, kêu lên một tiếng, đi ra đo khoảng đất Đavưđốp đã cày… Nửa giờ sau, lúc trời đã tối sẫm, anh ta trở về, ngồi xuống cách đống lửa hơi xa xa.
Đavưđốp hỏi:
- Không phát biểu gì à, Kugienkốp?
- Tôi đang đau chân… Còn phát biểu gì nữa, một đêxiachin thật… Cày khá đấy! – Kugienkốp miễn cưỡng đáp, nằm dài xuống bên lửa, kéo áo dipun lên đầu.
- Người ta khoá miệng ông rồi hả? Giờ thì hết quang quác chứ? – Kônđrát cười ha hả, nhưng Kugienkốp cứa lặng thinh, như không nghe thấy.
Đavưđốp ngả lưng xuống bên lán, nhắm mắt lại. Từ đống lửa bốc lên mùi tro củi. Bước suốt ngày hôm nay, hai lòng bàn chân anh bỏng rát, hai ống chân nhức nhối. Co duỗi chân kiểu nào vẫn thấy không ổn, vẫn muốn đổi kiểu khác… Và vừa đặt mình nằm xuống đã thấy bồng bềnh hiện ra trước mắt làn đất đen bị xáo động: lưỡi cày sáng bóng lướt êm ru, và bên nó, làn đất đen trườn mình, thay hình đổi dạng, sôi lên như hắc ín… Cảm thấy hơi choáng váng nôn nao, Đavưđốp mở mắt ra, réo gọi Kônđrát.
Kônđrát hỏi lại:
- Không ngủ được à?
- Không hiểu sao đầu cứ quay như chong chóng, nhắm mắt lại độc thấy lưỡi cày vặn đất lên…
- Ấy, thế là thường! – Giọng Kônđrát nghe như thoáng có một nụ cười thông cảm. – Suốt ngày anh cúi nhìn xuống chân, do đó sinh ra chóng mặt chứ sao. Thêm nữa, cái hơi đất nó cũng khiếp lắm cơ, ngửi đâm say. Anh Đavưđốp ạ, mai đừng nhìn cắm xuống đất nữa, cứ nhìn ra xung quanh thì hơn…
Đêm hôm ấy, Đavưđốp chẳng còn biết đến rệp đốt, chẳng còn nghe tiếng ngựa hí cũng như tiếng đàn ngỗng trời về muộn xao xác nghỉ đêm trên đỉnh đèo: anh ngủ say như chết. Trời chưa sáng, anh tỉnh dậy đã thấy Kônđrát xúng xính tấm áo dipun bước tới lán.
Đavưđốp còn đang ngái ngủ, ngóc đầu lên hỏi:
- Đi đâu về thế?
- Chăn mấy con bò của cậu và của mình… Lũ bò được bữa no. Mình xua chúng nó xuống lòng khe, cỏ ở đấy tốt lắm…
Tiếng nói khàn khàn của Kônđrát hối hả xa đi, rồi lắng bặt… Đavưđốp không nghe được hết câu: con ma ngủ lại kéo đầu vật xuống tấm áo lông ướt đẫm sương đêm, dìm anh trong cơn mơ mơ màng màng.
Ngày hôm ấy, Đavưđốp cày đến chiều được một đêxiachin, thêm hai xá, Liubiskin được đúng một đêxiachin, Kugienkốp non một đêxiachin. Và điều hoàn toàn bất ngờ cho họ là Anchíp Gráts, xưa nay vẫn thuộc nhóm lạc hậu mà Đavưđốp gọi đùa là “đội ốm ho”, đã vượt lên hàng đầu. Anh ta cày bằng mấy con bò gầy của thằng Titốc trước. Lúc ăn trưa, anh ta cứ nín thinh, chẳng kể lể mình đã cày được bao nhiêu; ăn uống xong, cô vợ, người dong bò cho anh, đã lấy khẩu phần của bò là sáu phuntơ thức ăn đóng bánh để vào vạt váy cho bò ăn; và Anchíp lại còn rũ nốt vào váy vợ những mẩu bíanh mì ăn còn thừa cho bò “cải thiện” thêm. Liubiskin thấy thế mỉm cười:
- Dấn lên, Anchíp!
- Thì dấn! Cái giống nhà tôi làm lụng có kém gì ai! – Gráts, nước da phơi nắng xuân càng đen sạm thêm, đối đáp lại với giọng thách thức.
Quả là anh ta dấn hăng thật: đến chiều anh đã cày được một đêxiachin một phần tư.
Trời đã tối thì Kônđrát Maiđanhikốp lùa bò về trại. Nghe Đavưđốp hỏi: “Được bao nhiêu?”, anh khàn khàn đáp: “Thiếu một xá đầy một đêxiachin rưỡi. Cho xin điếu thuốc… nửa ngày chưa được hơi nào đây…”, và đưa đôi mắt mệt mỏi như đắc thắng nhìn Đavưđốp.
Cơm chiều đã xong xuôi, Đavưđốp tổng kết:
- Thưa các đồng chí, phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa đang lên mạnh trong đội hai ta! Tốc độ cày rất khá. Ban quản trị nông trang xin gửi đội hai lời cảm ơn bônsêvích. Các đồng chí thân mến, chúng ta sẽ đuổi kịp được các đội bạn, thực tế thế! Nhất định sẽ đuổi kịp, vì thực tế đã chứng tỏ mức đặt ra là có thể thực hiện được! Bây giờ ta phải dốc sức vào việc bừa. Và nhất thiết phải bừa ba lượt! Đặc biệt xin cám ơn đồng chí Maiđanhikốp, vì đồng chí ấy là uđarnhích (**) gương mẫu nhất.
Chị em mang bát đi rửa. Đám thợ cày đi nằm. Bò được dắt ra bãi. Kônđrát đã thiu thiu ngủ thì chị vợ rúc vào dưới tấm áo dipun anh đang đắp, huých vào sườn anh, hỏi:
- Anh Kônđrát này, Đavưđốp bảo anh là cái gì nhỉ… Để tuyên dương ấy mà… “Uđarnhích” là cái quái gì không hiểu?
Kônđrát đã nghe cái tiếng ấy nhiều lần rồi, nhưng không biết giải nghĩa thế nào. Anh ngán ngẩm nghĩ bụng: “Chán quá, giá mình hỏi Đavưđốp!”. Nhưng anh không thể đánh bài lờ, để mất uy tín trước mặt vợ, đành hiểu sao nói vậy:
- “Uđarnhích” ấy hả? Sao cô dốt thế! “Uđarnhích” là… ờ… Nghĩa là… Nói thế nào cho cô hiểu bây giờ! Đây nhé, nói thí dụ, khẩu súng nó có cái cò mổ vào đít đạn – cái đó cũng gọi là uđarnhích. Trong khẩu súng nó là bộ phận quan trọng nhất, thiếu nó đố bắn được… Trong một nông trang thì cũng vậy thôi: “Uđarnhích” là vai trò quan trọng nhất, hiểu chưa? Thôi ngủ đi, đừng quấy rầy người ta nữa!
---------------------------
(*) Insơ = 2.5 cm. – ND
(**) Có nhiều nghĩa: lao động tiên tiến, kim hoả (qs), v.v.. – ND.
Nguồn: http://tusach.mobi/