15/3/13

Đất vỡ hoang (TII-C14-16)

Tập II - Chương 14 


Mặc dầu họ chỉ mới gặp nhau có vài lần trên huyện uỷ và chỉ nghe tiếng nhau nhiều hơn, chủ tịch nông trang "Ánh hồng" Nhikipho Pôlianhítxa - nguyên là thợ nguội nhà máy luyện kim Đnhiéprôpêtơrốpxkơ và cũng là dân hai vạn rưởi, - đã đón tiếp Đavưđốp tại trụ sở ban quản trị nông trang như tiếp người bạn cũ.
- A, anh bạn Đavưđốp thân mến của tôi đấy mà! Chào anh lính thuỷ Bantích! Ngọn gió nào đưa anh đến cái nông trang lạc hậu về mọi chỉ tiêu là nông trang của chúng tôi thế này? Xin mời vào, ngồi chơi, ở đây anh là thượng khách!
Khuôn mặt tròn vành vạnh lốm đốm tàn hương của Pôlianhítxa nở ra một nụ cười giả tạo, láu lỉnh và đôi mắt đen ti hí của anh ta ánh lên một vẻ hiếu hách vờ vĩnh. Cuộc đón tiếp quá ư niềm nở ấy làm Đavưđốp cảnh giác. Anh chào một câu gọn lỏn, ngồi xuống bên bàn, rồi từ từ đưa mắt nhìn quanh.
Theo ý Đavưđốp, phòng làm việc của một chủ tịch nông trang mà thế này thì quả là nghịch mắt: gian phòng rộng thênh thang ngổn ngang những chậu đất, những bồn gỗ sơn vàng cắm những bông hoa phủ trắng bụi, và giữa đống chậu hoa ấy lạc loài vài chiếc ghế mây đã tã xen lẫn mấy chiếc ghế đẩu bẩn thỉu; bên cửa ra vào lại kê một chiếc đivăng hình thù kỳ quái, rách bươm, để lòi cả ra ngoài những chiếc lò xo rỉ; tường thì dán đầy những tranh ảnh cắt trong tạp chí “Ruộng đồng” ra và những tranh thạch bản rẻ tiền, nào là tranh lễ rửa tội của nước Nga tại Kiép, nào là trận vây hãm Xêvaxtôpôn, chiến trận ở Sípka, nào là cuộc tấn công Liêu Dương năm 1904 của quân đội Nhật.
Phía trên bàn làm việc của ông chủ tịch có treo một tấm ảnh Xtalin đã vàng ố, và trên bức tường đối diện là bức tranh quảng cáo màu sắc loè loẹt và lốm đốm cứt ruồi của nhà máy xe chỉ Môrôdốp. Tranh vẽ một chàng tôrêađô (*) dũng cảm mặc áo chẽn đỏ một tay giữ một con bò mộng hung dữ đang lồng lên, sừng bị một sợi dây thòng lọng bằng chỉ bó chặt, còn tay kia thì hững hờ đặt lên đốc kiếm. Và dưới chân chàng ta lăn lóc một cuộn chỉ trắng khổng lồ tháo dở với cái nhãn hiệu đề rõ: “Số 40”.
Bổ sung thêm vào sự bày biện ấy là một cái hòm to tướng đóng đai sắt đặt ở góc phòng. Chắc hẳn Pôlianhítxa dùng cái hòm ấy thay cho két sắt. Một ổ khoá kho cỡ đại, tương xứng với kích thước hòm và được đánh bóng lộn, chứng tỏ rằng tài liệu cất trong hòm phải thuộc loại tối ư quan trọng.
Nhìn lướt qua gian phòng một lượt, Đavưđốp không thể không mỉm cười. Pôlianhítxa suy diễn nụ cười ấy theo ý mình, hể hả nói:
- Ông thấy thế nào, bày biện thế được đấy chứ! Mình đã giữ nguyên tất cả những gì của lão chủ cũ là một tên kulắc để lại, giữ nguyên kiểu trang trí trong gian phòng. Chỉ có cái giường có đệm lông và gối là mình cho chuyển sang phòng chị lao công thôi, còn thì nói chung mình giữ nguyên cái không khí ấm cúng của nó, ông lưu ý cho điều đó. Không có tí vẻ gì là cơ quan cả! Không có tí vẻ gì là trụ sở! Phải, thú thật với ông là mình rất thích cái không khí gia đình và muốn ai đến gặp mình đều cảm thấy thoải mái như ở nhà người ta vậy. Mình nói thế có đúng không hả?
Đavưđốp chỉ nhún vai, không trả lời. Rồi anh nói thẳng vào đề:
- Ông bạn hàng xóm ạ, hôm nay tôi đến gặp ông có chuyện không được vui cho lắm.
Đôi mắt lươn láu cá của Pôlianhítxa như chìm xuống giữa những nếp nhăn húp híp, và từ đó chúng ánh lên một ánh biêng biếc như hai mẩu than đá nhỏ, và đôi lông mày đen sâu róm của anh ta rướn cong lên.
- Hàng xóm láng giềng thân thiện thì có chuyện gì không vui được nhỉ? Đavưđốp ơi, ông làm mình hoảng lên đấy! Mình với ông xưa nay vẫn như cá với nước, thế mà bỗng đâu: tôi đến ông có chuyện không vui! Mình không thể tin được! Ông muốn nói gì thì nói, mình chả tin đâu!
Đavưđốp nhìn thẳng vào đôi mắt Pôlianhítxa, nhưng chịu, không bắt được một ý gì trong đôi mắt ấy cả. Vẻ mặt Pôlianhítxa vẫn cứ sởi lởi và kín như bưng, và trên đôi môi anh ta vẫn là nụ cười điềm nhiên, niềm nở. Xem ra ông chủ tịch nông trang “Ánh hồng” là một diễn viên bẩm sinh, rất tự chủ và đóng vai rất khéo.
Đavưđốp nói toạc móng heo:
- Có phải ông cho người đến chở trộm cỏ của chúng tôi đêm qua không?
Đôi lông mày Pôlianhítxa rướn cao lên nữa:
- Ô hay, cỏ nào?
- Cỏ chứ, còn cỏ nào, cỏ thảo nguyên.
- Tin mới toanh đấy! Người ta chở trộm cỏ của ông à? Người bên Tubianxki chúng mình à? Làm gì có chuyện! Mình không tin! Ông cứ giết mình đi, bắn mình đi, mình vẫn không tin! Xêmiôn ạ, xin ông lưu ý rằng nông trang viên “Ánh hồng” là những người lao động rất trung thực trên đồng ruộng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, và ông nghi ngờ họ như thế là xúc phạm đến họ, không những thế, còn xúc phạm đến tôi là chủ tịch nông trang này nữa. Ông bạn ơi, mình xin ông lưu ý cho điều đó.
Đavưđốp nén bực, bình tĩnh nói:
- Này, ông bạn hờ ơi, đối với ông tôi không phải là Lítvinốp (**) và đối với tôi ông không phải là Tsembéclen (***), cho nên chúng ta không việc gì phải giở trò ngoại giao với nhau. Anh cho lệnh họ lấy cỏ khô của chúng tôi phải không?
- Lại cỏ khô! Nhưng ông bạn ơi, ông nói cỏ khô nào nhỉ?
- Ông đừng giở cái giọng dớ da dớ dẩn, - Đavưđốp bực dọc kêu thốt lên.
- Ông bạn ơi, xin ông lưu ý rằng tôi hỏi ông một cách nghiêm chỉnh: ông định nói chuyện cỏ khô nào?
- Cỏ khô ở cánh đồng Kim ngân. Ở đấy đồng cỏ hai bên giáp giới nhau, và người bên các anh đã sang nẫng nhẹ cỏ khô của chúng tôi, thực tế thế!
Pôlianhítxa dường như lấy làm thú vị vì một chuyện hiểu lầm đã được giải quyết tốt đẹp như vậy, vỗ đánh đốp một cái vào mặt da khô của đôi ủng đang đi ở chân, và sằng sặc cười:
- Ông bạn ơi, sao ông không nói rõ ra như thế ngay từ đầu! Ông lại cứ cỏ khô, cỏ khô, nhưng cỏ khô nào mới được chứ? Ở cánh đồng Kim ngân, chẳng biết là do vô tình hay là cố ý, các ông đã cắt cỏ khô trên đất chúng tôi. Chỗ cỏ khô ấy chúng tôi dã cho thu hồi lại trên cơ sở hợp pháp và chính đáng. Rõ chưa, ông bạn?
- Chưa, ông bạn hờ ơi, chưa rõ. Nếu cỏ khô ấy là của các ông, sao các ông lại chở đêm hôm vụng trộm?
- Chuyện ấy thì phải hỏi dưới đội. Đêm hôm mát mẻ, người làm đỡ nhọc, vật kéo cũng đỡ nhọc, chắc là do thế nên anh em mới chở ban đêm đấy. Thế bên các ông không làm đêm bao giờ à? Thế là dại! Đêm, nhất là những đêm trăng sáng, làm việc khoái bằng mấy ban ngày trời nắng chang chang.
Đavưđốp cười khẩy:
- Cữ này đêm lại tối như hũ nút, thực tế thế!
- Ờ ông bạn ơi, đêm tối mấy thì tối, đưa thìa lên miệng chẳng ai đút trượt ra ngoài cả.
- Nhất là khi cái thìa ấy lại múc cháo ở bát người khác…
- Ông bạn ơi, ông thôi cho cái trò đó đi! Ông lưu ý cho rằng những lời cạnh khía của ông đã xúc phạm nặng nề đến nông trang viên rất chi là trung thực, rất chi là giác ngộ của chúng tôi, và xúc phạm vào tôi là chủ tịch nông trang “Ánh hồng”. Muốn nói gì thì nói, nhưng chúng tôi là những người lao động chứ đâu phải quân trộm cắp, xin ông lưu ý điều đó!
Đôi mắt Đavưđốp long lên tức giận, nhưng anh vẫn trấn tĩnh lại được, nói:
- Còn ông thì hãy thôi đi những lời hoa mỹ ấy đi, ông bạn hờ ạ, và hãy đi thẳng vào chuyện. Chắc ông biết là xuân vừa rồi ở hai bên lũng Kim ngân đã có ba cột mốc cắm làm ranh giới chứ gì? Các nông trang viên rất trung thực của ông đã di chuyển cột mốc, sửa lại đường ranh giới lấn chiếm của chúng tôi ít ra là bốn năm hécta đất. Chuyện ấy ông biết không?
- Ờ, ông bạn, ông moi đâu ra cái chuyện ấy thế? Ông lưu ý cho rằng những sự nghi ngờ của ông đã xúc phạm sâu sắc đến những người không có chút tội tình gì…
Đavưđốp không nén được nữa, sôi lên cắt ngang:
- Thôi đừng ba hoa, giả vờ giả vịt nữa! Anh coi tôi là trẻ con đấy phỏng? Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh với anh, còn anh thì cứ giở trò đóng kịch, ra cái điều bị vu oan. Trên đường sang đây, tôi đã tạt qua cánh đồng Kim ngân, đích thân kiểm tra lại những điều nghe bà con nông trang viên báo cáo. Thì quả đúng như vậy: cỏ bị chở trộm, cột mốc bị di chuyển. Chuyện ấy anh không trốn được với tôi đâu.
- Tôi cũng chẳng định trốn đi đâu cả! Cái thằng tôi đây, nó đây, ông cứ việc tay không mà bắt, nhưng… trước khi bắt nhớ bôi nhựa vào tay! Bôi kỹ nhựa vào tay, ôngbạn ạ, không thì tôi sẽ tuột đi như con chạch đấy, ông lưu ý cho điều đó…
- Việc các nông trang viên Tubianxki các anh đã làm là cái việc được gọi là tự động chiếm đoạt, và anh, anh Pôlianhítxa, anh sẽ chịu trách nhiệm về việc đó.
- Cái đó, anh bạn ơi, còn cần phải có chứng cớ, đây là tôi nói chuyện di chuyển cột mốc. Anh bạn ạ, đó mới là lời khẳng định suông của anh thôi, không hơn không kém. Còn chuyện cỏ khô thì cỏ khô của anh làm gì có dấu.
- Con cừu có đánh dấu thì chó sói vẫn xơi như thường.
Pôlianhítxa khẽ nhếch mép cười và lắc đâu ra vẻ trách móc:
- Chà-chà-chà! Bây giờ anh lại ví chúng tôi với chó sói! Anh muốn nói gì thì nói, nhưng tôi không tin có ai lại đào cột mốc lên cắm đi chỗ khác.
- Thì anh cứ việc ra tận nơi, đích thân kiểm tra thì biết vết chôn cũ còn không? Vẫn còn đấy! Ở chỗ ấy đất xốp, cỏ thấp, và mấy cái lỗ tròn nom rành rành ra đấy như trên lòng bàn tay, thực tế thế! Anh sẽ ăn nói thế nào? Nếu muốn thì chúng ta cùng đi ra đó, đồng ý không? Không, đồng chí Pôlianhítxa ơi, đồng chí không chuội được với tôi đâu! Thế nào, ta đi chứ?
Đavưđốp lẳng lặng ngồi hút thuốc, đợi câu trả lời. Pôlianhítxa cũng ngồi lẳng lặng, miệng vẫn mỉm cười thản nhiên như không. Gian phòng bề bộn hoa ngột ngạt khó thở. Có tiếng ruồi bay vo ve và va đầu vào các ô kính bụi mờ của cửa sổ. Nhìn qua kẽ lá um tùm xanh bóng của một cây si, Đavưđốp thấy bước ra hiên một chị đàn bà trẻ, phát phì trước tuổi nhưng nom vẫn còn duyên dáng, mặc một chiếc váy đã tàng và một áo ngủ cộc tay giắt vào váy. Chị ta đưa tay lên mắt che nắng, nhìn dọc theo phố như tìm cái gì rồi bỗng bốc lên, tru tréo bằng một giọng the thé chối tai:
- Phênia, con chết giẫm kia, lùa bê về! Mày không thấy bò đã về rồi à?
Pôlianhítxa cũng đưa mắt ra phía cửa sổ nhìn hai cánh tay trần đến tận vai, tròn trĩnh và trắng như trứng gà bóc của chị đàn bà, nhìn mớ tóc dày nâu nâu của chị ta loà xoà dưới mái khăn vuông và phất phơ trước gió rồi không hiểu sao, cắn môi thở dài:
- Chị lao công đấy, chị ta ở ngay tại trụ sở, làm công việc quét dọn. Chị ta cũng không đến nỗi nào, chỉ phải cái tội to mồm quá quắt lắm, bảo thế nào cũng không bỏ được cái tính to mồm… Còn chuyện ra đồng thì tôi chẳng ra làm gì đâu, Đavưđốp ạ! Anh đã ra, đã xem, thế là đủ rồi. Còn cỏ khô thì tôi không trả lại anh, không trả, trước sau chỉ thế thôi! Mảnh đồng ấy là chuyện còn đang tranh chấp giữa hai bên Tubianxki và Grêmiatsi. Việc phân chia đất đai tiến hành cách đây đã năm năm, và không phải tay anh với tay tôi mà có thể giải quyết được cuộc tranh chấp này.
- Thế thì tay ai?
- Tại huyện.
- Được, tôi đồng ý với anh. Nhưng tranh chấp đất đai là một chuyện, cỏ là một chuyện. Cỏ anh phải trả lại tôi. Cỏ do tay chúng tôi cắt thì là của chúng tôi.
Xem chừng Pôlianhítxa đã quyết định cắt đứt cái câu chuyện theo quan điểm của anh ta là vô bổ này. Lúc này anh ta không mỉm cười nữa. Mấy ngón bàn tay phải anh ta đang đặt hờ hững trên bàn, khẽ mấp máy rồi từ từ nắm lại, ngón cái đặt đút vào khe ngón trỏ và ngón giữa. Anh ta hất hàm chỉ cái nắm tay của mình, rồi sang sảng nói, không hiểu sao tự nhiên lại chuyển sang tiếng Ukraina mẹ đẻ của anh ta:
- Anh có hiểu thế này là thế nào không? Là tôi coi thường! Ý kiến tôi là như vậy! Bây giờ tôi có chút việc bận, xin chào anh thôi!
Đavưđốp cười khẩy.
- Tôi xem ra thì anh có cái lối tranh luận cũng kỳ lạ thật… Chẳng lẽ anh không đủ lời để nói hay sao mà phải giở quả đấm kiểu ấy ra với tôi, như một con mụ hàng tôm hàng cá vậy? Đó đâu phải là một lý lẽ, anh bạn ơi! Thế nào, có phải anh định buộc tôi vì cái chỗ cỏ khô khốn nạn kia mà phải kiện đến công tố uỷ viên hay sao?
- Anh muốn kiện đi đâu thì kiện, xin cứ việc! Công tố uỷ viên cũng được, huyện uỷ cũng được, còn cỏ khô thì tôi không trả lại và đất thì tôi cứ giữ, xin anh lưu ý cho điều đó, - Pôlianhítxa trở lại nói tiếng Nga, đáp.
Biết nói nữa thì cũng bằng vô ích, Đavưđốp đứng dậy, trầm ngâm nhìn chủ nhà:
- Đồng chí Pôlianhítxa ạ, tôi nhìn đồng chí và tôi cứ lấy làm lạ: đồng chí là một công nhân, một chiến sĩ bônsêvích, sao lại bị chìm nhập, lút đầu trong vũng bùn tiểu tư hữu nhanh chóng thế nhỉ? Lúc nãy anh khoe với tôi là anh cố giữ nguyên cái hình thức bề ngoài kiểu kulắc ấy, nhưng theo tôi, không phải anh chỉ giữ cái hình thức mà cả cái tâm địa kulắc nữa, thực tế thế! Nửa năm sống trong gian phòng này, anh đã tiêm nhiễm cái tâm địa kulắc ấy! Nếu anh sinh ra đời sớm hơn hai mươi năm trước, nhất định anh đã thành một tên kulắc chính cống trăm phần trăm, tôi nói thực với anh như thế!
Pôlianhítxa nhún vai, và đôi mắt sắc như dao của anh lại chìm xuống những nếp da mặt anh ta.
- Chẳng biết tôi có thành một tên kulắc hay không, nhưng anh, Đavưđốp ạ, anh lưu ý cho điều này là nhất định anh sẽ thành một cha cố, hoặc nếu không thì cầm chắc cũng là một lão thày cả nhà thờ.
- Sao lại thế? – Đavưđốp thực sự ngạc nhiên.
- Vì rằng anh là một lính thuỷ cũ, thế mà anh lại chìm ngập lút đầu trong mê tín dị đoan. Anh lưu ý cho rằng tôi mà là bí thư huyện uỷ thì anh đã phải đặt tấm thẻ Đảng của anh lên mặt bàn tôi vì những cái trò ấy của anh rồi.
- Trò nào? Anh nói gì vậy? – Đavưđốp sửng sốt quá rướn cả vai lên.
- Thôi anh đừng giả vờ giả vịt nữa! Anh thừa hiểu tôi nói gì rồi. Chi bộ chúng tôi ở đây dốc toàn lực ra đấu tranh chống tôn giáo, hai lần chúng tôi đã đưa ra hội nghị toàn nông trang và toàn ấp về vấn đề đóng cửa nhà thờ, còn anh thì làm cái gì? Anh làm cái việc chọc gậy bánh xe chúng tôi, anh làm cái trò ấy đấy, anh lưu ý cho điều đó!
- Hay lắm, anh nói tiếp đi! Tôi chọc gậy bánh xe các anh thế nào nhỉ?
- Thế nào à? – Pôlianhítxa đã phát cáu ra mặt, nói tiếp: - Các ngày chủ nhật, anh cho xe ngựa chở lũ mụ già đi sang bên tôi lễ nhà thờ, anh làm thế chứ thế nào! Anh lưu ý cho là các mẹ bên tôi thấy thế chỉ muốn nhảy xổ vào móc mắt tôi ra. Họ bảo “Anh là cái đồ quỷ quái, anh định đóng cửa nhà thờ chúng tôi để làm câu lạc bộ, anh hãy mở mắt ra mà nhìn ông chủ tịch bên Grêmiatsi kia kìa, ông ta rất là một sự kính trọng bà con đi đạo, thậm chí ngày lễ còn cho xe ngựa chở bà con đi nhà thờ nữa đấy”.
Đavưđốp bất giác cười phá lên:
- Ra là thế đấy! Tội mê tín dị đoan của tôi té ra là thế! Ồ, không có gì ghê gớm lắm đâu!
- Đối với anh có thể là không ghê gớm, nhưng anh lưu ý cho là đối với chúng tôi thì không còn gì tai hại hơn! – Pôlianhítxa nóng nảy nói tiếp: - Anh muốn lấy lòng nông trang viên của anh, muốn tỏ ra cho họ thấy là anh tốt, nhưng anh lại phá hoại công tác vận động chống tôn giáo của chúng tôi. Cộng sản thế mới đẹp mặt, khỏi nói! Anh buộc tội người ta đầu óc tiểu tư hữu, còn bản thân anh làm những trò gì thì có ma quỷ biết. Giác ngộ chính trị của anh để đâu rồi? Đâu là Đảng tính bônsêvích và tinh thần đấu tranh không điều hoà với tôn giáo của anh?
- Khoan đã, nhà tư tưởng ba hoa! Nói năng phải thận trọng tí chứ!... Anh bảo “muốn lấy lòng” là thế nào? Anh có biết tại sao tôi lại cho xe chở các mụ ấy đi không? Anh có biết tôi tính thế nào mà hành động thế không?
- Những sự tính toán của anh, thì tôi cứ nhổ toẹt vào! Anh muốn tính toán thế nào mặc anh, nhưng đừng phá sự tính toán của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống bọn thày tu. Muốn gì thì gì tôi cũng sẽ đặt vấn đề này ra trước ban thường vụ huyện uỷ, anh lưu ý cho điều đó.
- Thú thật với anh, anh Pôlianhítxa ạ, tôi cứ tưởng anh thông minh hơn kia, - Đavưđốp buồn rầu nói và bỏ đi ra, chẳng buồn chào.
--------------------------------
(*) Người đấu bò tót trong các ngày hội ở Tây Ban Nha. – ND.
(**) Lítvinốp: Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô hồi đó. – ND.
(***) Tsembéclen: Bộ trưởng ngoại giao Anh. – ND.


Tập II - Chương 15 

Ngay trên đường trở về Grêmiatsi Lốc, Đavưđốp đã quyết định sẽ không đưa vấn đề bên Tubianxki chiếm đất và lấy trộm cỏ ra phòng tư pháp làm gì vội. Anh cũng không định kiện lên huyện uỷ. Trước hết cần phải làm sáng tỏ rõ ràng cái mảnh đất tranh chấp ở cuối cánh đồng Kim ngân trước kia thực tế thuộc về ai đã, rồi tuỳ theo kết quả điều tra ấy mà xác định nên hành động thế nào.
Nhớ lại cuộc trao đổi với Pôlianhítxa, Đavưđốp vẫn hậm hực trong lòng, và nghĩ bụng: “Chà, cái mê hoa và mê cảnh nhà cửa ấm cúng ấy khôn lỏi thật! Không thể nói hắn là người thông minh rất mực được, chuyện ấy rõ ràng khỏi nói, nhưng đúng là hắn ranh, cái lối ranh vặt của phần lớn những đứa ngu ngốc. Thằng ấy thì chớ có dại đưa ngón tay vào mồm hắn mà hắn nuốt chửng mất luôn cả cánh tay… Họ chở trộm cỏ tất nhiên là có sự đồng ý của hắn, nhưng vấn đề chính không phải chuyện cỏ, mà là chuyện cột mốc. Chẳng có lẽ hắn lại ra lệnh cho di chuyển cột mốc. Hắn chả dại mà làm thế đâu: mạo hiểm quá. Hay là hắn biết chuyện, nhưng nhắm mắt làm ngơ? Thế thì thật không ra cái chó gì! Nông trang thành lập mới vẻn vẹn nửa năm trời mà đã xoay ra đi chiếm đất hàng xóm và trộm cắp, thế thì làm hư hỏng nông trang viên đến tận xương tận tủy chứ còn gì? Thế có nghĩa là đẩy họ trở lại những lề thói cũ của cuộc sống cá thể: không từ một thủ đoạn nào, miễn là vơ vét được nhiều. Không, không thể để thế được! Mình mà xác minh được khoảnh đất ấy là thuộc chúng mình, mình sẽ phóng lên huyện ngay tắp lự, để các ông ấy cạo cho mình lẫn hắn một trận: mình, về chuyện hai mụ già kia, còn Pôlianhítxa, về chuyện dậy nông trang viên làm bậy”.
Nước kiệu nhong nhong của con ngựa như ru Đavưđốp thiu thiu ngủ gà, và qua màn sương mù nửa tỉnh nửa mê anh bỗng thấy nổi bật lên hình ảnh cái chị lao công to béo đứng trên bực thềm bên Tubianxki. Anh bĩu môi ghê tởm, trong đầu láng máng nghĩ: “Con mụ này thừa có biết bao nhiêu là mỡ, là thịt… Trời nóng bức thế này nó chắc phải mồ hôi mồ kê như tắm, thực tế thế!”. Và liền đó, dường như để anh dễ so sánh, cái trí nhớ quá ư mẫn cán của anh đã làm hiện lên trước mắt anh rõ mồm một cái dáng con gái thon thả của Luska, cái bước đi nhẹ tênh tênh của ả, và cái điệu bộ duyên dáng khó tả của ả khi ả đưa hai bàn tay xinh xắn lên vuốt lại mái tóc, kèm theo một cái liếc trộm tình tứ của đôi mắt giễu cợt, lọc lõi sự đời… Đavưđốp giật mình đánh thót, như bất thần bị ai xô. Anh ngồi thẳng người lên yên, nhăn mặt lại như bị đau lắm, rồi hầm hầm vung roi quất con ngựa, thúc cho nó phi nước đại…
Suốt những ngày này, cái trí nhớ tai ác của anh cứ chơi anh những vố đến khó chịu, vào những lúc thật là oái oăm: lần thì giữa lúc anh đang bàn bạc công tác, lần thì đang suy nghĩ, lần thì giữa giấc đang ngủ, nó lại làm hiện lên hình ảnh Luska, cái hình ảnh mà anh muốn quên đi nhưng chưa làm sao quên nổi…
Giữa trưa thì anh về đến Grêmiatsi. Ôxtơrốpnốp và lão kế toán đang sôi nổi nói với nhau chuyện gì, nhưng Đavưđốp vừa mới đẩy cửa thì trong phòng lắng bặt, như theo một hiệu lệnh.
Đường xa nóng bức, Đavưđốp thấm mệt, ngồi xuống bên bàn, hỏi:
- Các ông tranh luận cái gì vậy? Nagunốp có đến đây không?
Ôxtơrốpnốp liếc vội lão kế toán một cái rồi mới đáp:
- Không, anh Nagunốp không đến. Mà chúng tôi có tranh luận gì đâu, hả đồng chí Đavưđốp, đồng chí tưởng thế đấy thôi. Nói chung là chúng tôi chuyện trò linh tinh, chủ yếu là chuyện làm ăn. Thế nào, bên Tubianxki có trả lại ta cỏ không hả đồng chí?
- Họ còn yêu cầu cắt thêm nữa cho họ… Iakốp Lukits ạ, theo bác, khoảnh đồng ấy là thuộc ai?
Ôxtơrốpnốp nhún vai:
- Ai mà biết được! Chuyện này rắm rối lắm, đồng chí Đavưđốp ạ. Lúc đầu, đất ấy cắt sang cho bên Tubianxki, đấy là nói hồi trước cách mạng, nhưng dưới chính quyền xôviết thì phần trên của cánh đồng Kim ngân được phân cho ta. Lần quy hoạch cuối cùng, hồi năm hăm sáu, bên Tubianxki lại bị lấn thêm ít nữa, nhưng đường phân giới cụ thể là chỗ nào thì tôi chả rõ, vì ruộng tôi không ở phía ấy. Hai năm trước, Titốc đã ra đấy cắt cỏ. Hắn cứ cắt liều hay là hắn đã ngầm mua lại mảnh đất ấy của anh kiết xác nào thì tôi cũng chẳng rõ, chẳng biết nói thế nào. Nhưng có lẽ đơn giản nhất là cứ đi mời đồng chí Sportnôi, phụ trách địa chính huyện về. Đồng chí ấy cứ việc giở những bản đồ ngày xưa ra xem là biết ngay trước kia đường ranh giới chạy qua những quãng nào. Chính đồng chí ấy cũng là người chia lại đất hồi hăm sáu. Đồng chí ấy không biết thì chả còn ai biết?
Đavưđốp tươi tỉnh lên, vui vẻ xoa tay:
- Hay lắm! Đúng là Sportnôi hẳn phải biết đất ấy thuộc ai. Trước tôi cứ tưởng việc quy hoạch đất đai do một đội lưu động nào đó làm. Bác đi ngay đi, tìm bác Suka, bảo bác ấy đóng đôi ngựa giống vào xe lên huyện đón Sportnôi về đây. Để tôi viết cho anh ấy vài chữ.
Ôxtơrốpnốp đi ra, nhưng dăm phút sau lại trở lại, cười tủm trong hàng ria, và giơ ngón tay ra hiệu gọi Đavưđốp:
- Đồng chí vào kho cỏ đây mà xem, có cái này hay lắm…
Ngoài sân trụ sở, cũng như khắp nơi trong làng, là cái cảnh ắng lặng như tờ của buổi ban trưa, cái ắng lặng thường chỉ có trong những ngày hè oi ả nhất. Thoang thoảng mùi lá non héo nắng, và từ phía chuồng ngựa bay tới mùi phân ngựa khô. Và khi Đavưđốp bước tới nhà chứa cỏ thì xộc vào mũi anh mùi hương thơm gắt của lứa cỏ đang độ ra hoa, vừa mới cắt và mới khô tai tái, đến nỗi trong một khoảng khắc anh ngỡ mình đang đứng giữa thảo nguyên, bên một đụn cỏ thơm vừa mới đánh đống.
Iakốp Lukits thận trọng đẩy một bên cánh cửa, đứng lánh sang bên nhường bước cho Đavưđốp, hạ giọng nói nhỏ:
- Đồng chí nhìn mà xem đôi chim cu kìa! Có ai ngờ được là mới cách đây một tiếng chúng nó còn đánh nhau chí tử. Xem ra chỉ lúc ngủ khò chúng nó mới hoà được với nhau…
Thoạt đầu, mắt chưa quen với bóng tối, Đavưđốp chẳng trông thấy gì ngoài một tia nắng xuyên qua lỗ hổng trên mái đổ thẳng xuống chỏm đống cỏ chất lung tung giữa gian kho, rồi sau đó anh mới nhìn ra cái bóng bác Suka đang nằm ngủ trong đống cỏ với còn dê Tơrôphim cuộn tròn nằm bên.
- Suốt sáng hôm nay ông bố già cứ cầm roi đuổi theo con Tơrôphim lẵng nhẵng, thế mà bây giờ, đồng chí xem, lại ôm nhau nằm ngủ, - Iakốp Lukits, chẳng cần hạ giọng nữa, nói.
Thế là bác Suka tỉnh dậy. Nhưng bác chưa kịp chống tay nhỏm lên thì con Tơrôphim đã bật bốn cẳng như bốn cái lò xo nhảy tót từ trên đống cỏ xuống đất, cúi chúc đầu xuống và lắc lắc bộ râu dê với một vẻ hiếu chiến khiêu khích ra mặt.
- Đấy, bà con xem, khác gì quỷ sứ nhà giới chưa? – bác Suka lè nhè hỏi bằng một giọng yếu ớt, miệng nói, tay chỉ con Tơrôphim đang đứng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. – Suốt đêm, nghĩa là từ xẩm tối đến sáng ngày, nó cứ tha thẩn trên đống cỏ, bới, hắt hơi, nghiến răng kèn kẹt. Nó không để cho lão chợp đi được một phút nào đâu, cái con trời đánh thánh vật ấy! Buổi sáng lão đã phải chiến đấu với nó biết bao trận chớ kể, thế mà bây giờ, rõ khéo chửa, ma quỷ lại xui khiến nó đến rúc vào nách lão mà ngủ. Và vừa mới đánh thức nó dậy, nó đã lại muốn gây sự đánh nhau rồi, cái quân phản Chúa! Thế thì bảo lão sống sao nổi với những sự hành hạ như vậy? Sự thể này nghe sặc mùi án mạng, hoặc là có ngày lão sẽ giải quyết đời nó, hoặc là nó sẽ húc lòi mạng mỡ lão ra, và thế là đi đời nhà ma bố già Suka! Tóm lại là với cái giống quỷ sứ có sừng này thì thế nào cũng xảy ra chuyện chẳng lành, và nhà này thế nào cũng có kẻ toi mạng…
Một cái roi hiện ra bất thần trong tay bác Suka, nhưng bác chưa kịp vung lên thì con Tơrôphim đã nhảy hai phát vào cái góc kho tối om, và đứng đó gõ móng cồm cộp với vẻ khiêu khích và giương đôi mắt xanh lè nhìn bác Suka. Bác đặt roi xuống cạnh, lắc đầu rầu rĩ:
- Đấy, nom cái giống sâu bọ ấy nó ba chân bốn cẳng có gớm không! Lão chỉ có nhờ cái roi mới thoát được nó, và chẳng phải lần nào cũng thoát được đâu, vì cái giống phản Chúa ấy, mả mẹ nó, nó cứ rình chơi mình vào những lúc mình chẳng ngờ tí nào! Bởi thế cho nên ngày đêm lão có dám rời cái roi ra đâu. Không còn làm sao quanh quéo được với cái con dê khỉ gió ấy! Cứ chỗ nào bất ngờ nhất là y như rằng nó hiện ra. Lấy xí dụ mới hôm qua đây thôi: hôm qua lão có việc đại tiện khẩn cấp, phải ra cái đống xa xa sau kho. Lão nhìn quanh: chả có dê diếc nào cả. Lão nghĩ bụng: “Tốt! Lạy Chúa, chắc là cái con quỷ sứ Tơrôphim ấy đang nằm mát ngủ khì chỗ nào đây, hoặc là mò đi đâu gặm cỏ rồi”. Lão yên trí lớn, đình huỳnh đi ra sau kho, nhưng tìm được chỗ kín vừa yên vị ngồi xuống thì mả mẹ nó, đã ở đâu dẫn xác đến, rón rén, rón rén tới gần, chúc sừng xuống, rồi lao đầu định húc cho lão một cái vào mạng mỡ. Thế là lão đành phải bật dậy… Lão cầm roi quật đuổi nó chạy, rồi vừa mới lại ngồi xuống thì nó đã lại từ góc nào xông ra… Nó cứ vậy, định mưu hại lão không biết đến bao nhiêu lần! Và thế là tịt mẹ nó cả mót! Sống thế thì sống làm sao nổi? Chân lão phong thấp, và lão cũng chẳng còn trẻ trung gì, hơi sức đâu mà đứng lên ngồi xuống hàng bao nhiêu lần, hệt như tập quân sự vậy. Kết quả là chân lão cứ run lẩy bẩy và ruột đau quặn ở ngang lưng. Cái con Tơrôphim ấy, có thể nói là nó, cướp của lão chút sức tàn còn lại, cho nên chẳng lấy gì làm lạ là có ngày lão sẽ chết bỏ xác bên hố xí cho mà xem! Trước kia lão có thể ngồi xổm thu lu như con đại bàng hàng nửa ngày giời ấy, nhưng bây giờ thì đành chỉ có nhờ ai xốc nách đỡ hộ cho thôi… Cái con Tơrôphim trời đánh thánh vật ấy đã đẩy lão đến cái nước khổ nhục thế đấy! Ối chao ôi!
Bác Suka giận dữ nhổ toẹt một bãi, rồi vừa sờ soạng lục bới cỏ vừa lẩm bẩm chửi rủa cái gì một hồi.
Đavưđốp cười, khuyên bác:
- Này bác ơi, bác nên sống văn minh một tí, vào nhà xí chứ ai lại phóng bậy sau kho thế bao giờ.
Bác Suka buồn bã nhìn anh, lắc tay thất vọng:
- Lão chịu thôi! Phần hồn lão không cho phép thế. Lão đâu phải dân thành thị. Cả đời lão chỉ quen tháo ruột ngoài giời, để cho có gió phe phẩy xung quanh mà, cái nghĩa nó là thế! Mùa đông, ngay cả những ngày đại hàn, cũng chả bảo được lão chui vào cái nhà xí của các anh. Nó nặng mùi quá quẳn, chỉ dòm vào lão cũng đã ngất, không khéo thì ngã quay lơ.
- Thế thì tôi cũng xin chịu, chả giúp gì bác được. Tuỳ bác xoay xở lấy. Còn bây giờ xin bác hãy đóng đôi ngựa vào xe, lên huyện tìm ông cán bộ trắc địa về đây. Chúng tôi đang cần đến ông ta ghê lắm. Bác Iakốp Lukits, bác biết nhà riêng Sportnôi chỗ nào không?
Không nghe thấy tiếng trả lời, Đavưđốp quay lại thì thấy Ôxtơrốpnốp đã biến đâu mất tăm: theo kinh nghiệm biết bác Suka nhúc nhắc được thì cũng còn lâu, lão ta đã ra chuồng ngựa đóng xe lấy.
- Lên huyện thì lão chỉ nháy mắt một cái là xong thôi, chuyện ấy đối với lão thì có thấm tháp gì, - bác Suka khẳng định. – Nhưng này, đồng chí Đavưđốp ơi, đồng chí hãy cắt nghĩa cho lão vấn đề này: duyên do làm sao mà tất cả những con vật nào xưa kia thuộc bọn kulắc, không trừ một con nào, đều giống tính chủ như đúc, nghĩa là độc địa kinh hồn và mưu mẹo thì không để đâu cho hết! Cứ tạm lấy cái con Tơrôphim bất nhân kia thôi: thử hỏi tại sao nó chả bao giờ chơi trò xỏ lá với, chậc, với Iakốp Lukits chẳng hạn, mà cứ độc nhè vào lão thôi? Đó là vì nó đánh hơi biết Iakốp Lukits là họ hàng máu mủ kulắc nhà nó, nó tránh không đụng đến, và cứ đầu lão mà trút tất cả cái xấu xa độc địa của nó.
Hoặc giả là ta lấy một con bò cái kilắc, con nào cũng được: có bao giờ nó lại cho chị vắt sữa của nông trang cũng nhiều sữa như cho con mẹ chủ kulắc yêu quý của nó xưa kia đâu. Chậc, kể ra nó cũng có lý của nó: cái con mụ chủ cho nó ăn củ cải đường này, nước vo này, hoa quả nọ kia này, còn chị vắt sữa nông trang ta thì chỉ quẳng cho nó một lượm cỏ khô không khốc để từ năm ngoái, rồi ngồi thiu thiu dưới cái vú nó, chờ sữa chảy.
Hoặc giả ta lấy bất cứ cái con chó kulắc nào: tại sao mà nó chỉ xông vào người nghèo ăn mặc rách rưới? Nói xí dụ như lão đây chẳng hạn. Vấn đề quan trong đấy. Lão đã hỏi anh Maka về vấn đề này, và anh ấy bảo: “Đó là đấu tranh giai cấp”. Nhưng đấu tranh giai cấp là cái gì thì anh ấy chẳng giải thích, chỉ cười xoà rồi bỏ đi làm việc. Nhưng cái đấu tranh giai cấp ấy nó được tích sự khỉ gì cho lão, nếu như đi lại trong làng thấy con chó nào lão cũng cứ nơm nớp mắt trước mắt sau? Vì trên trán nó đâu có ghi rõ: con này là chó lương thiện, con kia là chó kulắc cũ? Thế nếu như nó là chó kulắc, kẻ thù giai cấp của lão, như anh Maka giải thích, thì lão phải làm thế nào? Tịch thu tài sản nó ư? Nói xí dụ như anh đây chẳng hạn, anh làm thế nào để tịch thu tài sản nó, nghĩa là tước sống của nó bộ lông? Có làm được cái chết tiệt! Nó sẽ xin khéo anh bộ da thì có. Nghĩa rằng là vấn đề rõ rành rành: cái tên kẻ thù giai cấp ấy, phải treo nó lên dây đã, rồi mới lột được lông nó. Có lần lão đã đưa ra cái đề nghị ấy với anh Maka, nhưng anh ta bảo: “Này, lão lẩm cẩm ơi, thế lão định treo cổ một nửa số chó trong làng ư?”. Nhưng giữa anh ta với lão, ai lẩm cẩm thì cũng chưa biết đâu, đó cũng là một vấn đề nữa. Theo lão, chính là Maka có tí lẩm cẩm, chứ không phải lão… Cửa hàng da thú có nhập da chó để chế biến không? Nhập chứ! Thế mà trên cả nước ta có bao nhiêu chó kulắc sống lang thang kiếp chó hoang vô chủ? Hàng triệu! Nếu giả dụ ta đem lột da tuốt, phần da đem thuộc, phần lông đem đan bít tất thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là một nửa nước Nga sẽ có ủng bóng lộn để đi, và những ai mang bít tất lông chó thì sẽ hết phong thấp cho đến mãn kiếp. Cái bài thuốc ấy lão nghe được của mồ ma bà nội lão cơ, và nếu anh muốn biết thì trên đời này không có phương thuốc nào thần hiệu bằng nó đâu. Và có gì mà phải nói lôi thôi nhỉ, chính lão đây đã khổ sở vì phong thấp, ấy thế mà chỉ có nhờ bít tất lông chó mà khỏi đấy. Không có bít tất lông chó thì lão đã đi ăn đất với giun từ lâu rồi.
- Này bác, thế bác định lên huyện hôm nay hay bao giờ? – Đavưđốp gặng hỏi.
- Tất nhiên là hôm nay, nhưng lão đang nói sao anh lại cứ cắt ngang, để yên lão nói tiếp cho mà nghe. Cái sáng kiến vĩ đại sử dụng da chó, lão nảy ra như thế này đây. Hai ngày hai đêm liền lão không chợp mắt, nghĩ nát óc xem lại cái sáng kiến vĩ đại của lão sẽ làm lợi cho nhà nước bao nhiêu tiền, và nhất là lão sẽ được bao nhiêu? Nếu lão không bị cái bệnh run tay, lão sẽ đích thân viết thư lên trung ương, nói anh biết thế, rồi thế nào lão cũng vớ được cái gì, cấp trên thế nào cũng có tí tỉnh gì cho lão, thưởng cái công lão đào sâu suy nghĩ. Thế rồi lão quyết định nói hết cho anh Maka nghe. Lão không phải là người tham mà. Lão đến, có gì trình bày cho anh ấy nghe hết, rồi bảo: “Anh Maka ạ, lão già rồi, chả thiết gì giàu sang danh vọng, lão chỉ muốn sao cho anh sung sướng suốt đời: anh hãy viết thư lên chính quyền trung ương trình bày sáng kiến của lão, thế nào anh cũng được gắn cái huân chương như các anh được gắn hồi chiến tranh ấy. À, mà nếu như thêm vào đó lại có món tiền thưởng nữa thì tất nhiên hai bác cháu mình sẽ chia nhau, mỗi người một nửa. Anh thích thì anh xin xỏ huân chương, còn lão thì chỉ cần vớ được món tiền đủ tậu con bò cái mới đẻ một lứa, hoặc con bò cái tơ thôi, lão cũng bằng lòng rồi”.
Kể như người khác ở vào địa vị anh ta thì sẽ cúi rạp đầu xuống đất mà cảm ơn lão. Nhưng cái anh Maka này cảm ơn người ta lạ lắm… Ôi, anh ta đang ngồi ghế thì nhảy cẫng lên, xỉa xói lão tối tăm mặt mũi: “Cái lão này càng già càng lẩm cẩm! Trên cổ lão không phải cái đầu mà là cái cà mèn rỗng!”. Và cứ mỗi câu lại một tiếng đồ này, đồ nọ, đồ kia, tới tấp con ruồi bay không lọt. Anh ta mà dám mở miệng chê lão lẩm cẩm! Thật là trứng đòi khôn hơn vịt! Miếng ngon đến miệng chẳng biết ăn, và lại còn đi ngăn người khác. Lão kệ, cứ ngồi, đợi cho anh ra quát chán mỏi mồm. Lão nghĩ bụng: “Cho anh ấy nhảy cẫng lên, trước sau anh cũng sẽ phải ngồi lại xuống chỗ anh vừa ngồi thôi”.
Quả y như rằng, quát chán mệt nhoài, cậu Maka nhà ta ngồi xuống, rồi hỏi lão: “Đủ chưa? Muốn nữa không?”. Thế là lão điên lên, mặc dầu lão đối với anh ta là chỗ bạn thân tình. Lão bảo: “Nếu anh mỏi mồm rồi thì nghỉ tí, rồi cứ việc tiếp tục. Lão chả bận gì, ngồi được. Có điều là, anh Maka ơi, anh chửi rủa lão thế là anh ngu. Lão muốn điều hay cho anh thôi. Cái sáng kiến ấy thì cứ gọi là báo chí toàn nước Nga này sẽ phải đăng tên anh!”. Thế là anh ta bỏ đi, đóng sập cửa lại, nhảy cẫng ra ngoài cứ như bị lão giội nước sôi vào đũng quần vậy!
Tối hôm ấy, lão đến gặp thầy giáo Spưn để hỏi ý kiến, vì dù sao ông ấy cũng là một người thông thái. Lão kể ông ta nghe đầu đuôi, lão phàn nàn với ông ta về anh Maka. Nhưng theo lão, các nhà thông thái đều có tí cám hấp cả, mà cũng chả phải một tí đâu! Anh biết ông ta bảo gì không? Ông ta cười ruồi, bảo: “Các vĩ nhân bao giờ cũng bị đời hắt hủi, bác cũng vậy, bác nên ráng chịu chờ xem”. Thế mà cũng gọi là động viên! Cái đồ ăn nói ba lăng nhăng chứ ông giáo gì lão ấy! Chờ thì còn nói chuyện làm quái gì nữa? Con bò cái trong tầm tay lão rồi, thế mà đến tí lông đuôi cũng chẳng xơ múi được.. và tất cả chỉ tại cái thằng Maka phản đối, trời hại hắn! Thế mà hắn dám tự xưng là bạn! Và cũng chính vì hắn mà lão tan cửa nát nhà… Lão đã trót khoe với bà lão ở nhà là Chúa có thể cho hai ông bà già mình con bò cái đấy, để thưởng công lão đào sâu suy nghĩ. Hoá ra là xôi hỏng bỏng không! Bây giờ bà ấy cứ đay nghiến lão: “Đâu, bò cái đâu? Chỉ được cái nói khoác thì không ai bằng!”. Thành thử là lão lại phải ráng chịu thêm đủ sự hành hạ của bà ấy nữa. Nếu các vĩ nhân đều phải ráng chịu cả, thì lão cũng đành vâng theo ý Chúa thôi…
Cái sáng kiến rất chi là hay của lão rơi tõm như vậy đấy mà chẳng đem lại cho lão được tí gì cả… Nhưng biết làm thế nào? Không phải muốn gì được nấy…
Đavưđốp đứng tựa khung cửa cười rung lên không thành tiếng. Còn bác Suka thì nguôi nguôi đi được một chút, bắt đầu thủng thỉnh đi giày, và bây giờ thì không thèm để ý đến một tí gì nữa đến Đavưđốp, bác tiếp tục thao thao bất tuyệt:
- Trị bệnh phong thấp thì bít tất lông chó cứ gọi là thuôc tiên! Suốt mùa đông lão đi bít tất lông chó, không lúc nào rời nó ra, và mặc dù sang xuân chân lão có thum thủm, mặc dù bà ấy có bao nhiêu lần đuổi cổ lão ra đường vì cái mùi chó khắm thối, nhưng lão đã khỏi được cái bệnh phong thấp và suốt một tháng trời lão nhảy tưng tưng như chú gà sống choai quanh đàn gà mái vậy. Nhưng rồi thì có được cái tích sự gì không? Chả được tích sự gì cả! Bởi vì rằng là sang xuân lão nghĩ dớ dẩn thế nào mà lại đi rửa chân một cái. Thôi thế là công cốc, bệnh đâu lại hoàn đấy! Nhưng bây giờ lão không sợ cái bệnh ấy nữa, lão có cách trị nó rồi. Hễ gặp con chó xù nào lành lành là lão húi luôn lông, thế là hết ngay phong thấp, cứ như làm phép vậy? Lúc nãy đấy lão bò lê bò lết như thế nào anh thấy chứ gì? Chả khác nào con nghẽo già ních đầy bụng lúa đại mạch, nhưng cứ xỏ đôi bít tất chữa bệnh ấy vào chân là lão lại nhảy tưng tưng như hồi mười tám đôi mươi ngay. Chỉ khổ một nỗi là bà nhà lão không chịu xe lông chó đan bít tất cho lão. Ngửi thấy mùi lông chó là bà ấy hoa mắt váng đầu, ngồi vào xa quay là bà ấy lợm giọng. Thoạt đầu bà ấy nấc cứ ừng ực, rồi bà ấy nghẹn, rồi cuối cùng lục phủ ngũ tạng có cái gì thì nôn tháo ra hết như lộn cái bị. Thành thử, lạy Chúa, lão cũng chả ép bà ấy làm cái việc ấy. Lão tự tay giặt lông, tự tay phơi, tự tay xe sợi, và tự tay đan tất. Chú nó ạ, cái khó nó buộc mình, việc kinh tởm mấy cũng phải học mà làm… Nhưng như thế đâu đã phải là cực! Đấy mới là cực một nửa thôi, nói cực thì chính là ở chỗ bà nhà lão đúng là một con rắn mai hoa! Hồi năm kia, lão thấy đau ê ẩm trong ống chân. Làm thế nào được nhỉ? Và thế là lão nhớ đến bài thuốc bít tất lông chó. Rồi một buổi sáng, lão lấy bánh khô nhử ả chó cái bên hàng xóm vào nhà, rồi húi trụi luôn, khéo như một anh thợ cạo chính cống vậy. Lão chỉ để lại cho nó hai bên tai hai dúm lông, để cho đẹp mà, và một dúm ở cuối đuôi để nó xua ruồi. Nói thật khó tin, nhưng đúng là lão lấy của nó được đến nửa pút(*) lông!
Đavưđốp ôm mặt cười đến phát rên phát nghẹn:
- Thế có nhiều quá không?
Nhưng những câu hỏi hóc búa còn bằng mấy thế cũng chẳng bao giờ làm cho bác Suka cứng họng được. Bác khinh khỉnh nhún vai, rồi cũng vui lòng nhượng bộ với một thái độ đại lượng:
- Chậc, cũng có thể kem kém một tí, mươi, mười hai phuntơ(**) gì đó, lão cũng chả cân. Có điều là cái ả chó cái ấy, sao mà nó lại lắm lông thế, chả kém gì một con cừu giống Mêrinôx. Lão nghĩ là chỗ lông ấy của nó đủ cho lão có bít tất đi cho đến ngày mãn kiếp. Nhưng đâu có phải thế! Lão mới đan được có độc một đôi thì chỗ lông còn lại bị bà lão vớ mất, đem ra sân đốt sạch, không còn lấy một sợi. Không phải là một mụ già, mà là một con hổ cái! Về cái khoản xâm độc thì bà ấy chả có chịu thua con Tơrôphim ba lần trời đánh này tí nào đâu, bà ấy với nó là đầu mút, lạy Chúa, lão nói cấm ngoa đâu! Nói tóm lại là bà ấy đốt cháy sạch dự trữ lông chó của lão, làm lão hoàn toàn phá sản! Lão lại còn mất cho con chó ấy một bọc tướng bánh khô nữa chứ, để nó chịu đứng yên cho mình húi mà. Đấy, nó như thế đấy…
Lại nói chuyện con chó cái ấy, số nó thật không may! Lão húi cho nó xong, nó chạy đi, xem vẻ bằng lòng hể hả được lão trút đi hộ nó bao nhiêu lông thừa nhẹ xác nó. Nó lại còn ve vẩy cái đuôi có túm lông ở đầu mút ra vẻ mãn nguyện, rồi té chạy ra sông. Nhưng khi nó nhìn xuống sông thấy bóng mình dưới nước thì nó đâm ra xấu hổ kêu rống lên… Về sau lão nghe bà con nói nó cứ lang thang quanh quẩn bờ sông mãi: chẳng là nó thấy nhục quá, muốn tự vẫn mà. Nhưng cái sông ta đây thì con chim sẻ lội xuống chỉ đến đầu gối, mà cái ả chó cái kia lại không nghĩ ra chuyện nhảy xuống giếng. Nó đâu có đủ thông minh! Vả lại ta cũng không nên đòi hỏi nó nhiều quá. Dẫu sao nó cũng chỉ là con vật, có thể nói là một giống sâu bọ, nó khôn ngoan sao được bằng người…
Nó chui vào kho thóc nhà hàng xóm lão, nằm đó mà rống ba ngày ba đêm liền, lão nghe thấy mà cứ nẫu ruột nẫu gan. Nó nằm lì đó, không ló mặt ra nữa, không muốn để ai thấy nó trong cái bộ dạng thểu não ấy. Thế rồi nó bỏ làng đi, không ai thấy bóng vía nó đâu cho đến tận mùa thu, rồi chỉ đến khi lông nó lại mọc ra, nó mới lại vác thân trở về nhà chủ. Cái con chó cái ấy hoá ra nó lại còn biết ngượng, hơn khối bà phụ nữ ta đấy, lão cấm nói điêu đâu, có Chúa chứng giám!
Từ đó lão quyết định: thảng hoặc có cần đến lông chó thì lão không sờ đến chó cái nữa, không tước của chúng bộ cánh che thân, khỏi đụng chạm đến cái tính đàn bà con gái cả thẹn của chúng nó. Lão sẽ chọn toàn lũ chó đực, lũ ấy thì còn biết ngượng là gì, cạo thế nào thì cạo, chúng nó cũng chẳng buồn vẫy tai đâu.
---------------------
(*) Pút = 16,38kg. ND.
(**) Phuntơ = 0,404kg. ND.
Đavưđốp ngắt lời bác:
- Chuyện sắp hết chưa bác? Bác phải đi mà. Nhanh lên tí chứ!
- Có ngay đây. Đi xong đôi giày là lão sẵn sàng thôi mà. Nhưng lạy Chúa, lão đang nói anh đừng có cắt ngang. Anh mà cứ cắt ngang là đầu óc lão sẽ rối tinh xoè, quên hết không biết đang nói chuyện gì cho mà xem. Vậy là lão đang nói với anh chuyện anh Maka: anh ấy coi lão là lẩm cẩm, thế là anh ấy lầm to! Đối với lão, anh ấy còn non choẹt, chưa đủ lông đủ cánh, nhưng lão, lão là con chim sẻ già biết hạt thóc nào lép hạt nào mẩy, anh ấy học lấy ít thông minh của lão cũng chẳng phải là thừa đâu. Chuyện nó là như vậy đấy.
Bác Suka đang giữa lúc lên cơn ba hoa xích đế. Bác ta đã “lên dây cót”, như Radơmiốtnốp thường nói, và bây giờ chặn bác lại không chỉ là chuyện khó, mà là chuyện hầu như không thể nào làm được. Đavưđốp xưa nay vẫn đối xử với ông lão có số phận hẩm hiu ấy với thái độ dễ dãi ân cần pha chút thương hại, lần này quyết định cắt đứt những lời dông dài của lão:
- Thôi, bác ơi, tôi nhắc cho bác nhớ là bác phải lên huyện đón đồng chí Sportnôi về, và việc ấy khẩn cấp đấy. Bác có biết anh ấy không?
- Lão lạ gì! Trên huyện không phải lão chỉ biết có đồng chí Sportnôi nhà anh, mà lão còn nhẵn mặt từng con chó.
- Về chó thì bác đúng là chuyên gia rồi, nhưng tôi cần đồng chí Sportnôi cơ, bác rõ chưa?
- Lão đã bảo anh là lão sẽ đưa anh ta về thì lão sẽ đưa về, và đúng giờ, như đưa cô dâu ra nhà thờ làm lễ cưới vậy. Nhưng anh đừng có cắt ngang lời lão. Anh Đavưđốp ạ, bây giờ anh lại đâm ra quá quẩn hơn cả anh Maka rồi, lạy Chúa! Cái anh Nagunốp ấy, ít ra anh ta cũng bắn chết được thằng Chimôphây, anh ta là một anh hùng kôdắc, anh ta có hay ngắt lời lão đi chăng nữa, lão vẫn kính trọng anh ấy. Còn anh thì có làm được cái gì anh hùng như thế không? Anh có cái gì mà lão phải kính trọng? Dứt khoát chẳng có cái gì cả! Anh cứ lấy thúng nục bắn chết cái con dê thổ tả nó làm cho lão không sống nổi kia đi thì từ nay đến chết lão sẽ cầu Chúa phù hộ cho anh, và sẽ kính trọng anh chả kém gì anh Maka. Còn anh Maka thì đúng là một anh hùng! Anh ta thông suốt các loại khoa học và nay thuộc tiếng Anh như cháo; cái gì anh ta cũng biết, chả kém gì lão đâu, thậm chí cả về cái môn nghe gà gáy anh ta cũng sành sỏi không ai bằng. Anh ta đã đuổi cổ con Luska đi, còn anh thì lại ngớ ngẩn mà đi tán tỉnh nó. Và cái thằng Chimôphây nguy hiểm kia, anh ta chỉ một phát là cho nó về chầu trời…
Đavưđốp không chịu nổi nữa, sốt ruột thốt lên:
- Thế nào, đi giày thì đi nhanh nhanh lên chứ!
Bác Suka miệng rên i ỉ trở mình trên đống cỏ khô, rồi làu bàu:
- Thì lão đang buộc giây giày đây, anh không thấy hay sao? Tối như hũ nút thế này thì quỷ sứ cũng không biết đường nào mà lần!
- Thì ra ngoài sáng kia!
- Ngồi đây buộc mãi rồi cũng phải xong. Ơ-ờ-ờ, lão bảo là cái anh Maka nhà ta anh ấy như vậy đấy. Anh ta không những học cho bản thân anh ấy tài giỏi, mà còn dạy lại cho lão nữa…
- Dạy những gì vậy? - Đavưđốp mỉm cười, hỏi.
- Các thứ khoa học, - bác Suka chỉ đáp lờ mờ thế. Rõ ràng bác không muốn đi sâu vào chi tiết, và nhắc lại với một vẻ miễn cưỡng: - lão bảo với anh là các thứ khoa học, anh có hiểu không? Bây giờ lão đã xâm nhập được cả tiếng ngoại quốc nữa cơ đấy. Ghê không?
- Tôi chả hiểu cái chết tiệt gì cả. Bác bảo tiếng ngoại quốc nào?
- Anh đã dốt đặc cán mai thế thì hỏi làm gì nữa, - bác Suka càu nhàu đã ra vẻ khó chịu, khịt khịt mũi công khai để lộ ra cái bực mình của mình trước những câu căn vặn dớ da dớ dẩn.
- Bác ạ, bác cần đến tiếng ngoại quốc cũng như người chết rồi cần đến lá thuốc cao vậy. - Đavưđốp vẫn tươi cười như thế, yêu cầu bác: - Nào, sửa soạn nhanh nhanh lên tí chứ!
Bác Suka phì ra như con mèo nổi cáu:
- Nhanh với lại chả nhảu! Cái khoản nhanh nhảu ấy thì chỉ cần cho ta khi ta bắt con bọ chét thôi, hoặc khi đêm hôm mò vào giường vợ người ta, rồi bị thằng chồng nó đuổi chạy, bám riết sau đít… Quái, cái roi đâu nhỉ, tay mình vừa mới cầm mà! Mới quanh đi quẩn lại mà nó đã bốc hơi đâu mất rồi? Mà roi không có thì chả còn dám đi đâu một bước vì cái con dê thổ tả kia… Đây rồi, lạy Chúa! Nhưng cái mũ của lão đâu nhỉ? Anh có thấy cái mũ của lão đâu không, hả anh Đavưđốp? Lão nằm ngủ còn gối đầu lên nó mà… Ôi, cái trí nhớ của lão bây giờ nó cứ như cái rây thủng… Đây, lạy Chúa, cái mũ của lão cũng tìm thấy đây rồi, bây giờ chỉ còn tìm cái áo dipun nữa là xong. Chà, cái con Tơrôphim quỷ tha ma bắt kia! Đánh cuộc là nó đã dúi cái áo của lão vào trong cỏ khô rồi, bây giờ có mà tìm đến đêm… À, lão nhớ ra rồi! Áo dipun lão để ở nhà… Mà nóng thế này thì cần gì đến áo dipun? Lão đem nó đến đây làm quái gì cơ chứ?
Đavưđốp đưa mắt nhìn ra cửa, thấy chiếc xe đã đóng ngựa có Ôxtơrốpnốp đứng bên đang buộc cương, mắt âu yếm nhìn đôi ngựa và miệng tỉ tê nói gì với chúng.
- Iakốp Lukits đã đóng xe rồi kia kìa, còn ông thì cứ dềnh dàng mãi! Bao giờ ông mới loay hoay xong, hả cái con rùa già?
Bác Suka văng luôn ra một hàng chửi rủa:
- Cái ngày phải gió này là không ra cái gì! Quả thật là chả nên xuất hành hôm nay. Toàn những điềm gở! Này đây nhá, anh thử nói lão nghe, lúc nãy thì tìm mãi mới thấy cãi mũ, bây giờ cái túi thuốc lá lại biến đâu mất rồi. Thế là lành ư? Có lành cái phải gió! Dọc đường thế nào cũng gặp chuyện rắc rối, chả thoát được… Thế có lạ không, lão mà không tìm thấy cái túi thuốc thì là bỏ mẹ đấy! Hay là con Tơrôphim lại nuốt chửng mất rồi! Chà, lạy Chúa, thế là cái túi thuốc lão cũng tìm thấy nốt, bây giờ thì lão có thể đi được rồi… Hay ta hoãn mai hẵng đi nhỉ? Vì điềm gở lắm… Mà trong kinh thánh, trong cái chương nào của thánh Mátphây ấy, lão quên mất rồi, chậc, chương nào thì chương, cần quái gì, nhưng đại để là có nói một câu cấm sai: "Nếu ngươi định xuất hành mà thấy điềm gở, thì hãy ở lại, ngồi tịt nhà, chớ ló mặt đi đâu". Thế bây giờ, đồng chí Đavưđốp ạ, đồng chí quyết định, và đồng chí chịu trách nhiệm: lão có nên đi bây giờ không?
- Đi, bác ạ, đi ngay bây giờ! - Đavưđốp nghiêm nghị ra lệnh.
Bác Suka thở dài đánh sượt một cái, nhưng không cãi lại. Bác trượt từ trên đống cỏ xuống, rồi lê chân lọm khọm, kéo cái roi lệt sệt sau lưng, và mắt lấm lét nhìn con dê đang nấp trong góc tối, bác lần ra cửa.


Tập II - Chương 16 

Chật vật lắm mới đẩy được bác Suka đi xong, Đavưđốp quyết định ra trường học để xác định tại chỗ xem có thể làm những gì nữa để đến chủ nhật này trường học có được cái không khí ngày hội. Ngoài ra anh còn muốn trao đổi với ông hiệu trưởng, cùng với ông ra ước tính xem cần bao nhiêu và những loại vật liệu xây dựng nào để sửa chữa ngôi trường; và đến bao giờ thì bắt đầu để vừa đảm bảo sửa chữa cẩn thận vừa không cập rập mà vẫn kịp trước lúc khai giảng.
Chỉ những ngày qua Đavưđốp mới có cái cảm giác rõ rệt mà anh đang bước vào một thời kỳ công tác căng thẳng nhất trong suốt cái thời gian anh về Grêmiatsi Lốc: chưa cắt xong cỏ thì đã sắp đến gặt; lúa tiểu mạch thu đang vàng trông thấy, đại mạch cũng chín rộ hầu như đồng thời; cỏ dại mọc tứ tung và những cánh đồng ngô và hướng dương, so với những mảnh ruộng cá thể ngày xưa thì nom thật bao la bát ngát, đang lặng lẽ đòi hỏi được dẫy cỏ vun gốc, và công việc thu hoạch lúa mì thì cũng đã sờ sờ trước mắt.
Từ nay cho đến gặt còn khối việc phải làm: chuyển vận cỏ khô về làng càng nhiều càng tốt, chuẩn bị sân đập, hoàn thành việc tập trung về một nơi các kho thóc của bọn kulắc cũ, sửa sang chiếc máy đập chạy bằng hơi nước độc nhất của nông trang. Ngoài ra còn một lô một lốc những việc lớn nhỏ nó đổ lên đầu Đavưđốp, và việc nào cũng co kéo bắt anh phải chú ý thường xuyên và chặt chẽ.
Đavưđốp bước lên mấy bậc thềm cũ kỹ ọp ẹp của cái hiên trường rộng thênh thang. Một con bé khoảng mười tuổi mũm mĩm tròn như củ khoai, chân đi đất, đang đứng ở cửa, lánh sang bên nhường lối anh đi.
- Cháu là học sinh phỏng? - Đavưđốp âu yếm hỏi.
- Vâng ạ, - con bé nhỏ nhẻ đáp và mạnh dạn ngước mắt lên nhìn Đavưđốp một cái nhìn từ dưới lên trên.
- Thầy hiệu trưởng của các cháu ở đâu?
- Thầy không có nhà ạ, thầy sang bên kia sông với cô, đi tưới bắp cải ạ.
- Chán quá nhỉ … thế trong trường có ai không?
- Có cô giáo chúng cháu, cô Liútmila Xergêyépna.
- Cô đang làm gì ở đấy?
Con bé tủm tỉm:
- Cô đang dạy thêm cho các bạn học kém. Ngày nào cơm chiều xong cô cũng dạy các bạn ấy ạ.
- Nghĩa là cô phụ đạo các bạn ấy hả?
Con bé im lặng gật đầu.
- Tốt lắm! - Đavưđốp tán thưởng và bước vào hành lang tối xâm xẩm.
Từ đâu đó trong lòng sâu của chiếc hành lang dài vọng lại những tiếng trẻ con. Đavưđốp lững thững đi ngang qua và đưa con mắt chủ nhân ông quan sát các phòng học bỏ không, và đến phòng cuối, nhìn qua cánh cửa hé mở, anh thấy khoảng mươi đứa nhỏ ngồi thênh thênh trên dãy bàn đầu kê nối liền nhau, và đứng trước mặt chúng là một cô giáo trẻ măng. Nhỏ người, gày gò, vai xuôi, mái tóc quăn vàng hoe và cắt ngắn, nom cô ta cứ như một đứa con gái mới lớn chứ không ra vẻ cô giáo.
Lâu lắm rồi Đavưđốp không bước qua ngưỡng cửa nhà trường và giờ đây, đứng trước cửa lớp học, chiếc mũ cát két bạc phếch vì nắng mưa nắm chặt trong bàn tay trái, anh thấy trong lòng dâng lên một cảm giác kỳ lạ. Một cái gì bắt nguồn từ tinh thần kính trọng lâu đời đối với nhà trường, một cảm giác bổi hổi bồi hồi êm ái trong chốc lát nhớ lại những năm tháng thơ ấu xa xôi, đã bừng dậy trong lòng anh vào những giây phút này…
Anh rụt rè đẩy cửa, húng hắng ho một tiếng mặc dầu trong họng chẳng ngứa tí nào, khẽ hỏi cô giáo:
- Cô cho phép vào?
- Xin mời vào, - một giong con gái thanh thanh đáp lại lời anh.
Cô giáo quay đầu lại, đôi lông mày ngạc nhiên rướn lên, nhưng rồi nhận ra Đavưđốp, cô lúng túng nói:
- Xin mời đồng chí vào.
Đavưđốp cúi chào ngượng ngập.
- Chào cô. Xin lỗi, tôi phiền cô một tí, một phút thôi ạ… Tôi muốn xem qua cái phòng này, tôi đến về chuyện sửa chữa trường. Nhưng tôi đợi tí cũng được.
Các em đứng dậy nhao nhao chào, và Đavưđốp nhìn cô giáo chợt nghĩ bụng: "Mình có vẻ cái ông nhà giàu nghiêm khắc làm cha đỡ đầu trường học… Đấy, cô giáo cũng đỏ mặt, cuống lên kia kìa. Rõ đến lúc nào chẳng đến, lại đến vào cái lúc này!".
Cô giáo bước tới trước Đavưđốp:
- Mời đồng chí vào, đồng chí Đavưđốp! Vài phút nữa là tôi dạy xong thôi. Mời đồng chí ngồi. Có cần đi gọi bác Ivan Nhikôlaêvits không ạ?
- Thưa, bác ấy là ai?
- Hiệu trưởng chúng tôi ấy mà, bác Ivan Nhikôlaêvits Spưn. Đồng chí không biết ư?
- Biết. Thôi khỏi phiền cô, tôi đợi cũng được. Tôi có thể ngồi đây trong khi cô giảng cho các em được không?
- Dạ được ạ, mời đồng chí cứ ngồi.
Cô gái nhìn Đavưđốp, nói chuyện với anh, nhưng không sao kìm nổi cơn bối rối; cô ta đỏ mặt lên một cách đau khổ, hai hõm vai cũng ửng hồng, còn tai thì chín rừ.
Đó là cái Đavưđốp không chịu nổi! Anh không chịu nổi chỉ vì một nỗi là hễ cứ thấy người phụ nữ nào nói chuyện với mình mà đỏ mặt thì không hiểu sao anh cũng đâm ra đỏ mặt, và vì thế mà càng thêm lúng túng ngượng nghịu.
Anh ngồi xuống chiếc ghế cô giáo chỉ cho anh, bên cái bàn nhỏ. Cô bước ra phía cửa sổ, cất giọng đọc rành rọt từng tiếng cho các em viết chính tả:
- Mẹ - nấu - bữa… Các em viết xong chưa? Nấu - bữa - cho - chúng - em - ăn. Sau chữ "ăn" chấm một cái. Cô đọc lại này…
Viết lại lần thứ hai câu ấy xong, bọn trẻ tò mò nhìn đổ dồn vào Đavưđốp. Anh làm bộ mặt quan trọng đưa ngón tay lên mép, ra vẻ như vuốt ria, và nháy mắt thân thiện với chúng. Chúng tủm tỉm cười; thế là quan hệ hữu nghị dường như đã đặt xong. Nhưng cô giáo lại đọc tiếp câu gì nữa, rành rọt từng tiếng như thường lệ, và bọn trẻ lại chúi đầu xuống vở.
Lớp học phảng phất mùi nắng, mùi bụi, mùi bí bí của căn phòng không thoáng khí. Những khóm tử dương và xiêm gai mọc chen chúc sát cửa sổ cũng không tạo nên cảm giác mát mẻ. Gió lay động cành lá, và những đốm náng nhảy nhót trên ván sàn.
Đavưđốp nhíu đôi mày lại, tập trung tư tưởng, nhẩm tính: "Cần ít ra là hai mét khối gỗ ván thông thay vào những tấm mục. Khung cửa còn tốt, nhưng những cánh cửa đôi tháo ra hồi mùa xuân thì phải xem lại tình trạng nó thế nào, và có còn không nữa kia. Kính phải mua một hòm. Kho chắc cũng chẳng còn lấy một tấm, còn như bảo trẻ con đừng đập vỡ kính thì đó là chuyện không thể làm được, thực tế thế! Kiếm được tí sơn trắng thì tốt, và chả biết cần đến bao nhiêu để sơn đủ cho trần, các khung và cánh cửa? Hỏi lại cụ thể anh em thợ mộc. Thay mới lại mấy bậc thềm. Gỗ ván không cần mua: ngả hai cây liễu, xẻ ra là xong. Công việc sửa chữa sẽ ngốn khối tiền đây… Cái nhà kho củi cũng phải lợp rạ lại mới. Việc thế là đủ bù đầu rồi, thực tế thế! Xong mấy cái kho thóc là phải ném ngay vào đây toàn bộ đội mộc. Mái trường cũng phải sơn mới lại… Nhưng tiền đâu bây giờ? Chết thì chết, nhưng mình sẽ xoay ra tiền cho trường học! Thực tế thế! Mà cũng chẳng việc gì mà chết: ta sẽ bán một đôi bò già đi, tiền đấy chứ đâu! Bán bò thì thế nào cũng phải đấu đá một phen với Uỷ ban huyện, không thế không xong… Mà bán giấu thì mình sẽ khốn nạn… Mặc, cứ liệu. Lẽ nào Nextêrenkô lại không ủng hộ mình?".
Đavưđốp rút sổ tay ra, ghi: "Trường: ván, đinh, kính - một hòm. Bột sơn xanh cho mái. Bột sơn trắng. Dầu sơn…".
Anh đang đăm chiêu ghi chữ cuối cùng thì một viên giấy nhỏ từ một ống đồng nào bắn ra đập đánh bép một cái vào trán anh và dính chặt luôn vào đó. Đavưđốp bị bất ngờ, giật mình đánh thót một cái, và liền đó có tiếng một đứa trẻ nào bít miệng phì cười. Tiếng cười rúc rích lao xao lan đi các bàn học.
- Cái gì thế hả? - Cô giáo nghiêm nghị hỏi.
Đáp lại lời cô hỏi là một sự im lặng kín đáo.
Đavưđốp bóc viên giấy trên trán ra, mỉm cười đưa mắt lên quan sát lũ trẻ: những mái đầu tóc vàng, tóc nâu, tóc đen đang cúi gằm xuống vở, nhưng trong ngần ấy bàn tay nhỏ nhán rám nắng kia, chẳng bàn tay nào viết một chữ…
- Các em xong chưa? Bây giờ cô đọc viết tiếp câu sau…
Đavưđốp kiên nhẫn đợi, đôi mắt vui vui không rờikhỏi những mái đầu đang cúi xuống. Và rồi một đứa trong bọn con trai từ từ trộm ngẩng đầu lên, và Đavưđốp nhận ra ở ngay phía trước mặt mình một anh bạn cũ: chẳng phải ai khác mà chính là thằng Phêđốt Usakốp mà hồi đầu xuân có lần anh đã gặp ngoài đồng, đang nhìn anh bằng đôi mắt híp tịt lại còn cái miệng đỏ chót thì cười ngoác ra đến tận mang tai. Đavưđốp nhìn bộ mặt láu tôm láu cá của thằng bé, và chính anh cũng xuýt phì cười ra tiếng, nhưng anh kịp nén được, rồi xé vội một tờ giấy trắng trong cuốn sổ tay, đút vào miệng nhai, mắt thì liếc vội cô giáo một cái rồi nhấm nháy ranh mãnh với thằng Phêđốt. Thằng bé giương tròn mắt nhìn anh, nhưng để khỏi lộ mình đang cười, nó đưa lòng bàn tay lên bịt miệng.
Tận hưởng cái khoái làm được thằng Phêđốt nhấp nhổm sốt ruột, Đavưđốp cứ thủng thỉnh vê vê kỹ viên giấy, đặt lên móng ngón cái của bàn tay trái, nheo nheo mắt trái lại như ngắm bắn. Thằng Phêđốt phồng má lên, sợ hãi rụt cổ lại: viên đạn to tổ bố, và nặng, chứ bỡn đâu… Chọn lúc thời cơ thuận lợi, Đavưđốp búng viên đạn đi. Thằng Phêđốt hụp vội xuống tránh và va trán đánh bốp một cái vào bàn. Rồi nó vội ngồi ngay ngắn lên, trố đôi mắt sợ hãi chằm chằm nhìn cô giáo, tay từ từ xoa cái trán đỏ ửng. Còn Đavưđốp thì nhịn cười người cứ rung lên bần bật. Anh quay mặt đi và theo thói quen úp hai bàn tay lên che mặt.
Dĩ nhiên hành động của anh là một trò trẻ con không thể tha thứ được, và cần hiểu rõ hiện anh đang ngồi ở đâu. Tự chủ được mình rồi, anh mỉm cười hối lỗi lấm lét nhìn cô giáo, nhưng thấy cô cũng đang cố nén cười, quay mặt ra phía cửa sổ. Đôi vai gầy của cô đang rung rung, còn một tay thì cầm chiếc mùi soa vo tròn đưa lên lau những giọt nước mắt trào ra vì cười.
Đavưđốp nghĩ bụng: "Đẹp mặt ông đỡ đầu nghiêm khắc chưa! Thế là mình đã phá quấy mất cả buổi học hôm nay. Phải chuồn đi thôi".
Đavưđốp làm vẻ mặt nghiêm trang đưa mắt nhìn thằng Phêđốt. Thằng bé ngó ngoáy như con choi choi, ngồi không yên chỗ; nó đưa tay chỉ lên miệng, rồi há mồm ra: ở chỗ hồi nào còn là cái lỗ hổng, thấy nhô ra hai chiếc răng bàn cuốc trắng hếu mọc chưa hết cỡ xen vào giữa hai hàng răng sữa, nom ngồ ngộ đến nỗi Đavưđốp không khỏi mỉm cười.
Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ kia, nhìn những mái đầu đủ các màu tóc kia đang cắm cúi bên bàn, Đavưđốp cảm thấy trong lòng thư thái hẳn đi. Anh chợt thấy mình hồi nào, xa xưa lắm rồi, cũng giống hệt như thằng bé ngồi cạnh Phêđốt kia, cũng có cái thói khi viết hoặc vẽ, cứ cúi rạp đầu xuống và thè lè lưỡi, dường như cái lưỡi có thể đỡ mình trong công việc khó khăn ấy. Và một lần nữa, cũng như trong lần đầu tiên bắt quen với thằng Phêđốt hồi mùa xuân, anh thở dài nghĩ bụng: "Các con chim non ơi, đời các em rồi sẽ khá, và ngay bây giờ đây cũng đã khá rồi, nếu không thì anh chiến đấu để làm gì? Đâu phải để các em cũng lại bị trăm bề cay đắng như anh đây hồi nhỏ!".
Một lần nữa, cũng vẫn thằng Phêđốt ấy đã kéo anh ra khỏi dòng suy nghĩ: ngồi bên bàn, nó cứ múa may như con rối buộc Đavưđốp phải để ý đến nó, làm đủ điệu bộ để anh hiểu nó muốn biết tình hình cái răng của anh đến đâu rồi. Đavưđốp đón lúc cô giáo quay mặt đi, thất vọng giang hai tay, nhe răng cho nó xem. Thấy trong mồm Đavưđốp vẫn là cái răng sứt mà nó đã biết, Phêđốt rúc vào lòng bàn tay cười, nhưng sau đó nó tủm tỉm nom hài lòng ra mặt. Tất cả cái vẻ đắc ý của nó nói lên rõ hơn bất cứ lời lẽ nào: "Chú thua cháu rồi nhé! Răng cháu mọc lên rồi, còn chứ sứt vẫn hoàn sứt!".
Nhưng một phút sau đó đã xảy ra một chuyện mà mãi về sau này mỗi lần nghĩ đến, Đavưđốp không khỏi rùng mình. Một lần nữa thằng Phêđốt nghịch như ranh lại muốn Đavưđốp phải để ý đến nó. Nó gõ nhẹ xuống bàn, và khi Đavưđốp đưa mắt lơ đãng nhìn nó, nó ngửa người ra sau với một bộ dạng quan trọng, thò tay phải vào túi quần, rút ra một quả lựu đạn na, rồi đút vội lại ngay vào túi. Việc diễn ra nhanh quá đến nỗi lúc đầu Đavưđốp chỉ nheo mắt lại ngơ ngác, rồi sau đó mới tái mặt đi…
"Nó nhặt đâu thế nhỉ? Nhỡ còn kíp thì sao? Nó mà va vào ghế một cái… Trời, cha tiên nhân mày, làm thế nào bây giờ đây?!". Đavưđốp kinh hoàng nghĩ bụng, mắt nhắm nghiền, và không còn cảm thấy trán, cằm và má mình đang toát mồ hôi lạnh.
Phải xử lý thế nào đây ngay bây giờ. Nhưng xử lý thế nào? Đứng dậy, rồi đè nó ra mà lấy quả lựu đạn ư? Thế nhỡ nó hoảng lên, vùng vẫy, và rất có thể là ném quả lựu đạn đi, mà không biết rằng làm thế là nó tự giết nó và bao nhiêu người khác nữa… Không, thế không được. Đavưđốp gạt phăng ngay phương án ấy. Mắt vẫn nhắm, anh căng đầu óc ra tìm một giải pháp. Anh nghĩ rất lung, và trí tưởng tượng nhanh nhẩu của anh đã tự động phác ra trước mắt anh cái cảnh: một tiếng nổ toé lửa vàng, một tiếng kêu thét lên, những thân mình trẻ con thịt nát xương tan…
Đến bây giờ Đavưđốp mới cảm thấy mồ hôi hột trên trán anh đang từ từ lăn xuống hai bên gốc mũi, buồn buồn chảy vào đuôi mắt. Anh thò tay vào túi định lấy mùi soa và tay anh đụng vào con dao xếp, một tặng phẩm từ lâu lắm rồi của một anh bạn cũ. Đavưđốp loé ra một ý nghĩ: tay phải rút con dao ra, anh đưa ống tay áo trái lên lau mồ hôi lã chã trên trán rồi ngồi vân vê ngắm nghía con dao với một vẻ chăm chú đặc biệt, dường như mới nhìn thấy nó lần đầu. Trong khi đó mắt anh vẫn liếc theo dõi Phêđốt.
Con dao đã cũ, lưỡi mòn vẹt, nhưng được cái hai má xà cừ của nó cứ ánh biếc lên khi có nắng rọi vào,và ngoài hai lưỡi dao, cái tua-vít và cái mở nút chai ra lại có cả một cái kéo xinh xinh nom hay đáo để. Đavưđốp lần lượt biểu diễn các của báu ấy, mắt chốc chốc lại liếc vội theo dõi Phêđốt. Thằng bé nhìn con dao không rời mắt như bị thôi miên. Đó đâu phải một con dao, mà là cả một kho báu thật sự! Nó chưa từng thấy cái gì đẹp đến như thế! Nhưng đến khi Đavưđốp xé một tờ giấy trắng trong sổ tay ra, dùng cái kéo cắt luôn một hình đầu ngựa thì thằng Phêđốt cứ mê cu tơi lên!
Lát sau thì tan giờ học Đavưđốp bứớc tới chỗ Phêđốt thì thầm hỏi:
- Nom thấy con dao chưa?
Thằng Phêđốt nuốt nước bọt đánh ực, gật đầu chẳng nói chẳng rằng.
Đavưđốp ghé xuống, thì thầm:
- Đổi nào!
- Đổi cái gì cơ? - Thằng Phêđốt đáp lại, thì thầm còn nhỏ hơn anh.
- Đổi con dao lấy cục sắt trong túi quần cậu ấy.
Phêđốt gật đầu đồng ý một cách quá hăng hái đến nỗi Đavưđốp phải đưa tay giữ cằm nó lại. Anh dúi vào tay nó con dao và thận trọng đỡ lấy quả lựu đạn. Quả lựu đạn không có kíp! Đavưđốp đứng thẳng người lên, thở phào.
- Chú cháu có chuyện gì bí mật vậy? - Cô giáo đi ngang qua, mỉm cười hỏi.
- Chúng tôi là bạn quen biết cũ mà, lâu lắm chưa gặp nhau….Cô thứ lỗi cho, - Đavưđốp nói bằng giọng kính cẩn.
- Tôi rất sung sướng được đồng chí đến dự buổi học hôm nay. - Cô gái đỏ mặt nói.
Không để ý đến sự bối rối của cô, Đavưđốp đề nghị:
- Nhờ cô báo giùm đồng chí Spưn chiều nay đến gặp tôi ở trụ sở, và trước khi đến, đồng chí ấy hãy suy nghĩ xem trường cần sửa chữa những gì và dự trù chi phí cần bao nhiêu. Được không cô?
- Thưa được ạ, tôi sẽ báo đồng chí ấy. Mời đồng chí thỉnh thoảng ghé thăm trường chúng tôi.
- Vâng, rỗi rãi thế nào tôi cũng đến, thực tế thế! - Đavưđốp khẳng định dứt khoát, rồi hỏi tiếp theo luôn một câu nghe chẳng có liên quan gì với câu chuyện vừa nói: - Cô trọ ở nhà ai vậy?
- Nhà cụ Agphia Gavrilôpna. Anh biết bà cụ không?
- Biết. Còn gia đình cô thế nào?
- Còn bà cụ tôi và hai thằng em nhỏ, ở Nôvôtserkaxkơ. Nhưng đồng chí hỏi những cái ấy để làm gì?
- Tôi muốn biết qua về cô một tí, cô không cho là tôi thóc mách chuyện đời tư cô chú? - Đavưđốp nói đùa.
Ngoài thềm bọn trẻ đang vòng trong vòng ngoài xúm quanh Phêđốt xem con dao. Đavưđốp gọi ông chủ may mắn của con dao ấy ra một chỗ, hỏi:
- Ông nhỏ Phêđốt này, ông nhặt được cục sắt ấy ở đâu thế?
- Cháu chỉ cho chú nhớ?
- Thế thì tốt quá?
- Ta đi đi. Đi luôn bây giờ, không chốc nữa cháu bận, - Phêđốt khẩn trưong đề nghị.
Nó nắm lấy ngón tay trỏ của Đavưđốp và hãnh diện ra mặt được làm người dẫn đường cho đích thân ông chủ tịch nông trang chứ không phải một chú tầm xoàng nào khác, nó khệnh khạng bước trên đường cái, chốc chốc lại quay lại nhìn các bạn nhỏ.
Hai chú cháu cứ thong dong đi sóng đôi như vậy, thỉnh thoảng trao đổi với nhau một vài câu ngắn gọn.
- Chú có muốn đổi lại không? - Thằng Phêđốt chạy lên trước vài bước, lo ngại nhìn thẳng vào mắt Đavưđốp hỏi.
- Đổi lại là thế nào! Việc đã xong là xong, - Đavưđốp nói cho nó yên tâm.
Chú cháu đi với nhau dăm phút nữa trong một vẻ im lặng trầm ngâm, như hai người lớn, rồi Phêđốt không chịu nổi nữa lại dấn lên trước, tay vẫn không buông ngón tay Đavưđốp, và ngước mắt nhìn anh, hỏi bằng một giọng thông cảm: - Chú không tiếc con dao à? Đổi thế chú có xót không?
- Chả xót tí nào! - Đavưđốp đáp lại dứt khoát.
Rồi lại lẳng lặng đi. Nhưng xem ra có cái gì cứ cắn rứt trái tim nhỏ bé của thằng Phêđốt thì phải, hình như nó cho rằng trong cuộc đổi chác này Đavưđốp bị thiệt, cho nên sau một hồi lâu im lặng, nó lại hỏi:
- Cháu các thêm cho chú cái súng cao su của cháu nhé? Chú lấy không?
Đavưđốp gạt phắt đi với một thái độ cao thượng thản nhiên mà thằng Phêđốt thấy khó hiểu quá:
- Không, chú lấy làm gì! Cháu cứ giữ lấy khẩu súng cao su mà chơi. Chúng mình đã trao đổi sòng phẳng chứ gì? Thực tế thế!
- "Sòng phẳng" là cái gì?
- Nghĩa là thoả thuận ấy mà, rõ chưa?
Không, Phêđốt thấy chẳng rõ gì cả. Một chú người lớn mà lại đổi hớ như thế thì làm cho Phêđốt ngạc nhiên hết sức, thậm chí làm nó cảnh giác nữa… Một con dao lịch sự, bóng nhoáng đổi lấy một cục sắt vớ vẩn, không, có cái gì đáng ngờ đây. Một lát sau, thằng Phêđốt có đầu óc thực tế ấy lại vừa đi vừa đưa ra một đề nghị mới:
- Thế, chú không thích súng cao su thì hay là cháu đưa cho chú cái vỏ ốc nhớ? Thêm cho chú ấy mà. Vỏ ốc của cháu ác lắm nhớ! Mới toanh cơ!
- Vỏ ốc chú cũng chả cần, - Đavưđốp thở dài một cái, mỉm cười đáp. - Nếu là hai mươi năm có lẻ về trước thì vỏ ốc chú cũng chả từ chối đâu, cháu ạ. Chú sẽ đè cháu ra mà lấy nữa ấy chứ. Nhưng bây giờ thì cháu cứ yên tâm. Ông Phêđốt ơi, ông đừng lo, con dao ấy đứt đuôi con nòng nọc là của ông rồi, thực tế thế!
Rồi lại im lặng. Và vài phút sau lại một câu hỏi nữa:
- Chú ơi, thế cái cục tròn tròn cháu cho chú ấy mà, nó ở cái gì ra thế hả? Ở cái quạt hòm phải không?
- Cháu thấy nó ở đâu?
- Ở cái kho cỏ ta đang đi đến đây, dưới gầm cái quạt hòm. Cái quạt hòm cũ ơi là cũ, nằm đổ nghiêng, bục tứ tung, dưới gầm có cái cục ấy. Chúng cháu chơi ú tim, cháu chui xuống gầm nó trốn, thấy cục ấy. Thế là cháu nhặt.
- Vậy thì nó là một bộ phận của cái quạt hòm. Thế quanh đấy cháu có thấy cái gì nom như cái que sắt không?
- Không, không có gì nữa cả.
"Phúc tổ! - Đavưđốp nghĩ bụng. - Phúc tổ là không có gì, chứ nếu có thì mày đã gây ra những chuyện kinh thiên động địa khổ các bố rồi".
- Thế cái bộ phận quạt hòm ấy, chú cần lắm hả? - Thằng Phêđốt thắc mắc hỏi.
- Cần quá đi chứ!
- Cần cho nông trang hả? Lắp vào cái quạt khác à?
- Đúng, thực tế thế!
Im lặng một lát, rồi Phêđốt nghiêm trang nói giọng trầm:
- À, nếu là chuyện cần cho nông trang thì đúng là là không xót, chú đổi thế là phải rồi, còn dao thì chú sẽ mua con mới, lo gì!
Thằng Phêđốt lý sự ông cụ non đi đến kết luận như vậy, và nó yên tâm mỉm cười. Rõ ràng bụng dạ nó đã thoải mái.
Đó, hai chú cháu đi đường nói chuyện đầu đuôi chỉ có thế, nhưng câu chuyện ấy là cần để kết thúc mỹ mãn cuộc đổi chác giữa hai người…
Bây giờ thì Đavưđốp đã biết chính xác trăm phần trăm là thằng Phêđốt sẽ dẫn anh đến đâu. Và khi phía bên trái đường ngõ hiện ra khóm nhà nguyên là cơ ngơi lão bố thằng Chimôphây Mũi toác, Đavưđốp liền trỏ vào cái nhà kho lợp cói, hỏi:
- Ở đó phải không?
- Chú đoán tài thật. - Phêđốt thốt lên phục lăn và buông ngón tay Đavưđốp nó đang nắm ra. - Thôi, bây giờ chú đi một mình được rồi, cháu chuồn đây, cháu đang bận lắm!
Đavưđốp lắc lắc bàn tay bé nhỏ của thằng bé, như bắt tay một người lớn, nói:
- Phêđốt ạ, cám ơn cháu đã chỉ cho chú. Thỉnh thoảng đến chơi chú nhá, chú nhớ cháu lắm. Chú sống có một mình…
- Được, hôm nào cháu sẽ đến, - Phêđốt hứa bằng một giọng kẻ cả.
Nó đằng sau quay, đưa hai ngón tay lên mồm theo kiểu dân anh chị huýt lên một tiêng, chắc là để gọi lũ bạn nó, rồi ù té chạy, nhanh đến nỗi qua lớp bụi mù chỉ còn trông thấy loang loáng hai cái gót chân đen đen bé nhỏ của nó.
Đavưđốp không rẽ vào khu nhà Đamaxkốp mà đi thẳng về trụ sở. Trong gian phòng xâm xẩm tối nơi ban quản trị thường họp, Iakốp Lukits và anh chàng thủ kho đang ngồi đánh cờ với nhau. Đavưđốp ngồi vào bàn, viết lên một trang sổ tay: "Ông quản lý I. L. Ôxtơrốpnốp. Giao cho cô giáo L.X. Egôrôva 32 kilô bột mì, 8 kilô kê và 5 kilô mỡ lợn, tất cả trích vào tiêu chuẩn tôi". Ký xong, Đavưđốp chống nắm tay lên cái cằm bạnh, ngồi trầm ngâm một lát, rồi hỏi Ôxtơrốpnốp:
- Cái cô giáo, cô Liútmila Egôrôva ấy mà, cô ta sống thế nào nhỉ?
- Bánh mì suông ạ. - Ôxtơrốpnốp tay đi nước cờ, miệng đáp gọn.
- Tôi vừa ở trường học về, tôi đến để xem cái việc sửa chữa trường, tôi có nhìn cô ấy… Gầy nhom, xanh như tàu lá, rõ ràng là thiếu ăn! Ông chuyển ngay hôm nay cho bà chủ nhà cô ấy trọ tất cả những thứ tôi ghi ở đây. Mai tôi sẽ kiểm tra. Rõ chưa?
Để lại tờ giấy trên bàn, Đavưđốp đi thẳng đến chỗ bác Salưi.
* * *
Anh vừa đi khỏi thì Iakốp Lukits xoá bàn cờ đi, đưa tay chỉ hất qua vai ra phía cửa:
- Chó dái ghê không! Đầu tiên là con Luska vợ Nagunốp, rồi thì anh ta làm cho con Varia Kharlamôva chết mê chết mệt, bây giờ lại chạy sang cô giáo. Và tất cả các con chó cái của anh ta, anh ta đều bắt nông trang è cổ ra nuôi… Anh ta làm nông trang sạt nghiệp vì phải nuôi gái cho anh ta.
- Anh ấy có lệnh phát cho con Kharlamôva cái gì đâu, còn cô giáo thì ăn vào tiêu chuẩn của anh ấy đấy chứ. - Anh chàng thủ kho cãi lại.
Nhưng Iakốp Lukits trịnh thượng cười mỉm:
- Con Varia thì chắc là anh chàng cho tiền, còn những thứ cho cô giáo thì nông trang phải chịu. Và con Luska thì theo lệnh mật của anh ta tôi đây đã phải tuồn cho nó biết bao nhiêu là lương thực, thực phẩm! Nó là thế đấy!
Kể cho đến ngày thằng Chimôphây bị bắn chết, Iakốp Lukits đã tiếp tế cho nó và Luska vô khối lương thực lấy ở kho nông trang ra, nhưng lão lại nói với thủ kho:
- Đavưđốp ra lệnh gắt gao cho tôi là con bồ Luska của anh ta đòi hỏi những gì thì phải phát cho đủ, và lại còn doạ: "Tôi báo ông biết, ông và cậu thủ kho mà bép xép một câu thôi thì sẽ không thoát được Xibia với tôi đâu!". Thế thì anh bạn ơi, xin anh bạn cứ việc câm cái mõm đi, và đưa mỡ, đưa mật, đưa bột đây, không phải cân kẹo gì cả. Việc phê phán đánh giá cấp trên đâu phải việc của cái thứ anh và tôi!
Và anh chàng thủ kho đã xuất cho Ôxtơrốpnốp tất cả những thứ gì lão đòi lấy, và theo lời lão khuyên, anh ta đã khéo léo cân ăn gian cho các đội để khỏi lộ chỗ lương thực hao hụt ấy.
Vậy thì lần này tại sao Iakốp Lukits lại không vớ lấy cơ hội thuận lợi để bôi nhọ Đavưđốp một chuyến nữa?
Ngồi buồn rỗi hơi, Ôxtơrốpnốp và anh chàng thủ kho còn "bôi bác" cả Đavưđốp, Nagunốp lẫn Radơmiốtnốp hồi lâu nữa.
Trong khi đó thì Đavưđốp và bác Salưi bắt tay vào hành động: để cho bên trong nhà kho của lão Phrôn Mũi toác sáng sáng được hơn một tí, Đavưđốp trèo lên mái lấy cào cào rơm ra cho hổng một lỗ. Cào xong, anh hỏi:
- Thế nào, ông lão ơi, nhìn đã rõ chưa?
- Đủ rồi, đừng dỡ mái nữa! Sáng như ngoài sân rồi. - Tiếng bác Salưi từ trong nhà kho vọng lên đáp.
Đavưđốp bước mấy bước trên cái xà ngang rồi nhảy tót xuống mặt đất mềm mục ải.
- Ta bắt đầu từ đâu, bác?
- Nhảy múa thì bao giờ cũng nhảy từ giữa phòng nhảy đi, còn cánh ta lục soát thì phải soát từ cái tường này soát đi, - bác phó rèn ồm ồm nói.
Tay cầm hai cái thuốn sắt to, đầu nhọn hoắt, vừa rèn vội ở lò ra xong, họ song song đi lần theo bức tường, vừa đi vừa thuốn thật lực xuống đất, từ từ tiến về phía cái quạt hòm đặt phía bờ tường bên kia. Đến cách cái quạt hòm mấy bước, thuốn của Đavưđốp bỗng thụt hẫng xuống đất đến tận gần chuôi và va vào kim loại kêu đánh cạch một tiếng.
- Cái kho tàng bí mật của anh đây rồi! - Bác Salưi cười khẩy và vớ lấy cái xẻng.
Nhưng Đavưđốp tranh lấy:
- Để tôi đào, tôi trẻ hơn bác.
Ở độ sâu một mét, anh đào thấy một cái bọc to tướng. Hai người đấu sức vào lôi cái bọc dưới hố lên, lẳng lặng cởi dây, rồi lẳng lặng đưa mắt nhìn nhau: đó là một khẩu đại liên Maxim bọc kỹ trong một tấm vải sơn. Họ lẳng lặng châm thuốc hút.
Rít hai hơi rồi bác Salưi lên tiếng:
- Cha con cái thằng Mũi toác này định nắn gân Chính quyền xôviết thực đấy chứ không bỡn đâu…
- Mà bác xem, chúng nó giữ khẩu súng giỏi thật đấy chứ: không một vết rỉ, không một vết va vấp, chỉ việc lắp băng vào là chơi luôn! Nào, tránh ra tôi nhảy xuống, may ra tìm được thêm cái gì nữa…
Nửa giờ sau, Đavưđốp thận trọng đặt rải quanh miệng hố bốn cuộn băng đại liên, một khẩu súng trường, một hòm đạn súng trường dùng dở và tám quả lựu đạn có đủ kíp, bọc trong một mảnh vải sơn đã mục. Trong hố, ăn ngoàm ra dưới chân bức tường đá còn có một bao súng không, tự tạo. Theo kích thước của nó thì trước đây nó dùng để bọc một khẩu súng trường.
Đavưđốp và bác Salưi ngồi trong gian lò rèn cho đến lúc mặt trời lặn, tháo khẩu súng máy ra, lau chùi cẩn thận, cho ăn dầu mỡ. Rồi trong bóng tối xâm xẩm, trong cảnh tịch mịch êm đềm của buổi hoàng hôn đang trùm xuống Grêmiatsi Lốc, khẩu đại liên lên tiếng, một tiếng nói đổ hồi, chinh chiến, đầy đe doạ. Một loạt dài, hai loạt ngắn, và một loạt dài nữa. Rồi im lặng lại trùm lên thôn xóm, lên thảo nguyên đang nghỉ ngơi sau một ngày nóng nực, lên thảo nguyên thơm ngát mùi cỏ héo, mùi hương đất đen dãi nắng.
Đavưđốp rời tay súng đứng dậy, nói nhỏ:
- Súng tốt thật đấy! Hết ý!
Đáp lại lời anh, bác Salưi cất giọng ồm ồm ống lệnh giận dữ nói:
- Bây giờ phải sang nhà lão Ôxtơrốpnốp, mang thuốn sang, xới tung cả sân trước sân sau, vuờn trong vườn ngoài nó lên. Còn trong nhà thì lộn tùng phèo tất cả lên mà lục soát. Gượng nhẹ với hắn thế là đủ rồi!
- Ông già ơi, ông điên rồi! - Đavưđốp đáp, lạnh như tiền. - Ai cho phép chúng ta tự tiện tiến hành lục soát nhà dân, làm xáo động cả nông trang? Không, ông điên rồi, thực tế thế!
- Nếu ở nhà thằng Mũi toác ta đã tìm thấy một khẩu súng máy thì ở nhà thằng Ôxtơrốpnốp tất sẽ đào được một khẩu bảy nhăm li chôn ở một nơi nào đó trong kho cỏ của nó! Và không phải lão điên đâu, mà anh là một thằng ngốc, lão cứ nói toạc móng heo với anh như thế! Anh cứ đợi đến lúc thằng Iakốp Lukits nó đào khẩu đại bác của nó lên, nó nã cả vào buồng anh, lúc ấy anh tha hồ mà "thực tế thế!".
Đavưđốp cười phá, muốn ôm hôn ông lão, nhưng ông lão quay phắt đi, nhổ toẹt một bãi, rồi chẳng thèm chào, lừng lững bỏ về làng, miệng lẩm bẩm chửi rủa.


Nguồn: http://tusach.mobi/