Tập II - Chương 26
Pôlốptxép và Liachépxki trở lại gian phòng xép nhà Ôxtơrốpnốp, và ở đây đã được ba hôm. Chúng đến vào lúc rạng sáng, khoảng nửa tiếng sau khi Radơmiốtnốp, suốt đêm hôm ấy ngồi phục ở góc vườn bên cạnh nhà lão Ôxtơrốpnốp để quan sát nhà lão, ngáp một cái cuối cùng rồi đứng dậy, rón rén trở về nhà, trong bụng nghĩ quẩn nghĩ quanh: “Thằng cha Xêmiôn bày ra cái trò quái gở không chịu được! Bao nhiêu đêm rồi ngồi mục ra trong xó xỉnh sân vườn nhà người ta, như những tên trộm ngựa, thậm chí như những thằng trộm cắp vặt, ngồi chết rũ ra đấy, chẳng đêm nào được ngủ, và vất vả như thế để rồi chẳng được cái tích sự mẹ gì cả! Nào có thấy bóng vía bọn gian phi ấy đâu? Độc mình rình bóng mình… Phải đi nhanh nhanh lên, kẻo có mụ nào quen dậy sớm vắt bò, trông thấy mình thì rồi chuyện lại sắp lan đi khắp làng như sóng lan đi trên mặt nước cho mà xem: “Radơmiốtnốp sáng bạch nhật mới được thả cho về! Con mụ nào mà gớm thế, nó khéo chiều, khéo ấp ủ làm sao mà sáng toét ra ông ấy mới bừng mắt tỉnh dậy?”. Rồi miệng lưỡi thiên hạ tha hồ mà thêu dệt, mình tha hồ mà mất uy tín… Phải chấm dứt cái trò này thôi! Mặc cho GPU đi mà lo việc bắt gian phi, mình không việc gì mà phải bao biện làm thay. Suốt đêm hôm qua mình ngồi trong vườn, căng mắt nhìn đến lòi cả con ngươi ra, thế thì hôm nay còn làm việc thế nào được nữa? Ngồi trụ sở mà ngủ gục xuống bàn hay thế nào? Giương đôi mắt đỏ ngàu mà nhìn người ta hay sao? Rồi người ta lại bảo: “Thằng ma bùn, nó đi lượn suốt đêm để rồi bây giờ ngồi ngáp như con chó ngáp ruồi vậy!”. Rồi đi tong hết uy tín của mình…
Ray rứt vì hoài nghi, bã người ra sau một đêm thức trắng và trong bụng đinh ninh việc theo dõi này là một việc làm vô tích sự, Radơmiốtnốp rón rén bước vào sân, và chạm trán ngay ở thềm với bà mẹ ở trong nhà đi ra.
- Con đây mẹ à, - Anđrây lúng túng nói và định lách vào nhà.
Nhưng bà lão chặn anh lại, nghiêm nghị nhận xét:
- Tôi nom thấy anh rồi, tôi đã mù đâu… Này Anđrây, anh thôi cái trò chó dái chạy nhông suốt đêm như thế đi được rồi đấy! Anh chả còn trẻ trung gì nữa, hết cái thời trai gái lăng nhăng lâu rồi, cũng phải biết xấu hổ với mẹ, với bà con thiên hạ chứ? Liệu lấy vợ và tu tỉnh con người đi, quá thể lắm rồi đấy!
- Lấy ngay bây giờ, hay là chờ mặt trời lên cao cao tí có được không hả mẹ? – Anđrây hỏi kháy.
- Tôi không thúc ép anh đến thế đâu. Cứ cho mặt trời lên cao xuống thấp ba lần đi, nhưng sang đến lần thứ tư anh phải lấy vợ, - bà mẹ tảng lờ, làm như không biết ý hỏi kháy của con, đáp lại hoàn toàn nghiêm trang. – Anh phải thương tôi già chứ! Tôi già nua sức yếu rồi mà hết vắt sữa bò lại thổi nấu, giặt rũ cho anh, lại lo vườn rau, làm mọi việc trong nhà như thế thì chịu sao nổi… Có thế thôi mà không hiểu được hả con? Việc nhà cửa là anh không hề mảy may sờ đến. Anh chả đỡ đần cho tôi được tí gì cả! Đến nước anh cũng chẳng gánh. Ăn xong lại ra trụ sở, cứ như người ở trọ, như khách lạ trong nhà vậy. Anh chỉ còn độc biết lo cho mấy con bồ câu, và cứ mê lên như đứa trẻ con vậy. Đấy đâu phải công việc của người lớn? Chơi cái trò trẻ con ấy thì anh phải biết xấu hổ với thiên hạ chứ! Nếu không có con Nhiurka đến đỡ đần tôi bấy lâu nay thì tôi đã nằm liệt giường từ lâu rồi! Anh có mù đâu mà không trông thấy con bé ấy ngày nào cũng chạy sang nhà ta, không làm việc này thì lại làm việc khác, lúc vắt sữa bò, lúc tưới rau, làm cỏ, thôi thì đủ mọi việc. Anh thử đi khắp cái vùng này tìm xem có đứa con gái nào tốt người tốt nết như nó không? Nó nhìn anh tha thiết, nhưng anh đi chơi lắm mờ cả mắt, chả trông thấy gì cả! Suốt đêm qua anh mò đi đâu? Thử soi gương mà xem kìa: cỏ bám đầy đầu đầy tóc, cứ như con chó hoang vậy! Cúi đầu xuống xem nào, thế này thì có chết không! Người ta lôi anh vào đâu người ta quần thế này hả?...
Bà lão đặt bàn tay lên vai anh, khẽ ấn bắt anh cúi xuống, rồi khó khăn mới gỡ ra được cả một nắm cỏ gai khô bám chắc vào mái tóc hoa râm của anh.
Anđrây đứng ngay người lên, cười chữa thẹn, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt đang nhăn lại kinh tởm của mẹ, nói:
- Mẹ đừng nghĩ xấu về con! Không phải con chơi bời bậy bạ đâu, mà công việc bắt con phải lăn lộn trong cỏ. Bây giờ thì mẹ chưa hiểu được, nhưng rồi bao giờ con nói được cho mẹ biết thì mẹ sẽ hiểu. Còn như cái chuyện lấy vợ, mẹ giao hẹn cho con ba ngày thì nhiều quá đấy: mai con sẽ dắt Nhiurka về cho mẹ. Có điều là mẹ cẩn thận đấy, mẹ ơi, chính mẹ đã kén nó về làm dâu thì mẹ liệu mà ăn ở với nó thế nào cho khỏi om sòm nhà cửa. Còn con thì có thể sống với ba bà trong cùng một nhà mà vẫn êm ru, mẹ biết rồi đấy, con rất dễ tính, đừng có ai đụng đến con là được rồi… Còn bây giờ thì mẹ tránh ra cho con vào, con ngủ tí cho đỡ cay mắt rồi đi làm.
Bà lão làm dấu phép rồi né ra.
- Ôi, nhờ ơn Chúa soi sáng cho anh biết thương mẹ già. Vào đi con, vào chợp mắt đi một tí, để mẹ đi làm cho ít bánh tráng mà ăn sáng. Mẹ để dành cho con cả một ít kem nữa đấy. Vui mừng thế này thì biết mời anh cái gì cho bõ bây giờ!
Anđrây vào đã khép chặt cửa lại rồi mà bà lão vẫn đứng đó nói, rất nhỏ, cứ như anh vẫn đang đứng sát bên bà:
- Tôi chỉ còn độc có mình anh trên đời này thôi! – rồi bà thút thít khóc.
Hôm ấy, cùng một lúc ở mấy góc làng, có năm người đến tảng sáng mới đặt lưng xuống ngủ. Ngoài Anđrây Radơmiốtnốp ra, còn có Đavưđốp đã ngồi suốt đêm dưới mái nhà kho Atamantsukốp, có Nagunốp đã không chợp mắt lúc nào, còn có cả Pôlốptxép và Liachépxki đã luồn được trót lọt vào nhà của Ôxtơrốpnốp.
Trong buổi sáng hè êm ả phơn phớt sương mù ấy, năm con người khác nhau về tính cách và niềm tin đến như thế chắc rằng đã mơ thấy những giấc chiêm bao rất khác nhau, nhưng họ đã ngủ thiếp đi cùng một giờ ấy…
Trong bọn họ, Anđrây Radơmiốtnốp là người thức dậy đầu tiên. Anh cạo râu nhẵn nhụi, gội đầu, mặc chiếc áo sơmi sạch tươm vào, xỏ chiếc quần dạ của anh chồng cũ của Marina Pôiarkôva được chuyển sang tay anh theo quyền thừa kế trực tiếp, rồi sau khi nhổ bao nhiêu nước bọt lên đôi ủng, anh ngồi đánh rất kỹ bằng mảnh dạ xé từ vạt chiếc áo capốt cũ. Anh sửa sang trang điểm lặng lẽ trầm ngâm, không vội vã.
Bà mẹ đoán biết anh trang điểm thế để làm gì rồi, nhưng không hỏi han gì cả, sợ lỡ mồm câu nào làm lung lay mất cái quyết tâm trịnh trọng của con trai. Bà chỉ lăng xăng bên cái bếp lò, tíu tít khác thường lệ, và thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm anh một cái. Rồi hai mẹ con lẳng lặng ngồi ăn sáng.
- Con đi đến chiều mới về, mẹ đừng đợi con, - Radơmiốtnốp dặn mẹ bằng giọng ông chủ tịch.
- Cầu Chúa phù hộ cho con! – Bà mẹ chúc.
- Cứ đợi đấy rồi Chúa phù hộ… - Radơmiốtnốp đối đáp lại, giọng ngờ vực.
Khẩn trương chứ không dềnh dàng như Đavưđốp, anh chỉ mất vẻn vẹn có mười phút là hỏi xong vợ. Tuy nhiên, bước chân vào nhà hai cụ thân sinh ra Nhiurka, anh cũng làm đúng như phép tắc ở đời, nghĩa là anh đã để hai phút ngồi lẳng lặng hút thuốc, rồi trao đổi vài câu với ông bố cô Nhiurka về mùa màng, thời tiết, rồi tuyên bố luôn, cứ như việc ấy đã được quyết định từ lâu vậy:
- Mai tôi sẽ lấy cô Nhiurka nhà ta.
Ông bố cô dâu vốn không thiếu hóm hỉnh, hỏi:
- Lấy làm gì vậy? Làm thường trực trụ sở Xôviết à?
- Còn tồi tệ hơn thế ấy chứ. Lấy làm vợ.
- Cái ấy thì tùy nó…
Radơmiốtnốp quay sang phía cô dâu mặt đang đỏ như gấc, rồi không có một bóng nụ cười nào trên cái miệng bình thường hay cười của anh, anh hỏi:
- Cô đồng ý chứ?
- Tôi đồng ý từ mười năm nay rồi, - cô gái trả lời dứt khoát, và đôi mắt dũng cảm, tròn xoe và say đắm của cô nhìn Anđrây không rời.
- Vậy thế là xong, - Radơmiốtnốp hài lòng nói.
Thể theo phong tục xưa nay, hai ông bà cụ muốn thách cưới, nhưng Anđrây châm điếu thuốc thứ hai xong, dứt khoát gạt phăng mọi mưu đồ của hai ông bà đi:
- Tôi không đòi cô ấy của hồi môn, vậy hai bác còn muốn thách gì nữa nhỉ? Thách ít khói thuốc lá nhá? Hai bác sửa soạn cho cô ấy đi. Hôm nay tôi sẽ đưa cô ấy lên huyện làm giá thú, rồi về ngay, mai sẽ tổ chức đám cưới, như vậy đấy!
- Gì mà anh làm sôi lên như cháy nhà vậy? – bà mẹ cô dâu tự ái hỏi.
Nhưng Radơmiốtnốp lạnh lùng nhìn bà, đáp:
- Sự đời tôi cháy hết từ mười hai năm trước cơ, cháy rồi và chỉ còn tro tàn thôi… Còn bây giờ tôi vội là vì mùa màng đến nơi rồi, và bên nhà tôi, các bác cũng biết đấy, bà cụ tôi đã đến lúc phải cho nghỉ hưu thôi. Vậy ta thỏa thuận với nhau thế này: rượu vốtka tôi sẽ tải trên huyện về, độ mươi lít, không có hơn nữa đâu. Còn cái nhắm thì cũng tùy rượu mà các bác chuẩn bị cho, và mời khách nữa. Bên tôi chỉ có ba người: bà cụ tôi, Đavưđốp và bác Salưi.
- Còn Nagunốp? – ông bố ngạc nhiên hỏi.
- Anh ta bị ốm, - Anđrây bịa phứa ra trả lời. Anh tin chắc chắn là Maka sẽ không đời nào chịu đặt chân đến dự đám cưới anh.
- Ngả một con cừu chứ hả, anh Anđrây Xtêpanưts?
- Tùy các bác, có điều là đừng làm gì quá đáng, ở cương vị tôi thì không nên, người ta sẽ hạ tầng công tác, cho ăn cái kỷ luật vi phạm chính sách của Đảng rồi thì lại ngồi hàng năm mà xuýt xoa, thổi phù phù vào mấy cái ngón tay nâng cốc ấy. – Rồi quay sang phía cô dâu, anh nháy mắt một cái hóm hỉnh, và mỉm một nụ cười nửa miệng, nói: - Nửa giờ nữa tôi sẽ quay lại, trong khi đó cô liệu đóng bộ diện cho ác vào, Nhiurka ạ. Cô lấy chồng là chủ tịch Xôviết, chứ không phải lấy anh cha căng chú kiết nào đâu đấy!
* * *
Đám cưới đã diễn ra tẻ ngắt, không hát hỏng, không nhảy múa, không cả những lời pha trò vui nhộn và những lời chúc mừng cô dâu chú rể thường thấy ở bất cứ đám cưới kôdắc nào đôi khi làm cho khỉ cũng phải ngượng đỏ mặt… Thái độ nghiêm trang của Radơmiốtnốp đã chi phối mọi người: anh giữ một vẻ nghiêm trang không hợp lúc, dè dặt ít nói, ít uống rượu. Anh hầu như không tham gia các câu chuyện trò, thường thường chỉ ngồi im, và thỉnh thoảng lắm một hai ông khách ngà ngà say có hò: “cay lắm” thì anh lại như miễn cưỡng, quay sang phía cô dâu mặt đang đỏ dừ, gượng gạo hôn cô với đôi môi giá lạnh. Và đôi mắt anh thường ngày linh lợi là thế, lúc này lại chẳng nhìn cô dâu, chẳng nhìn khách, mà lại nhìn tận đâu, và hình như đang nhìn vào cái dĩ vãng xa xăm, rất xa xăm và đau buồn.
Tập II - Chương 27
Cuộc sống ở Grêmiatsi Lốc vẫn xuôi dòng, và cao cao bên trên thôn xóm vẫn là cái cảnh trôi xuôi lững lờ và oai nghi có tự ngàn xưa ấy: vẫn những đám mây trôi đi bên trên xóm làng, đôi lúc trắng điểm màu sương giá, đôi lúc chuyển màu sắc, từ màu xanh thẫm giông bão sang cái màu đùng đục không xác định; đôi khi, lúc mặt trời lặn, chúng bốc cháy lên một ánh sáng rực hoặc xỉn, báo hiệu hôm sau có gió, và những lúc ấy, trong tất cả các sân nhà, đám đàn bà con trẻ lại được nghe thấy từ miệng các ông chủ gia đình hoặc những người sắp thành chủ gia đình, những câu ngắn gọn có giá trị thuyết phục cũng từ ngàn xưa: “Gió ấy thì đánh rơm, chở cỏ cái gì?”. Rồi một ai trong đám người ngồi đó – ông già bà cả trong nhà hoặc người hàng xóm – đáp lại sau một phút im lặng: “Chả phải nói. Gió bẻ gãy sừng bò đấy”. Và trong cái gian trên trời gió đông thổi lồng lộn, dưới đất người người bị dồn vào cảnh ăn không ngồi rồi, thì tại tất cả ba trăm ngôi nhà trong thôn xóm, người ta lại kể lại vẫn cái câu chuyện về một chàng Ivan Ivanôvits Đechiarép nào đó chết từ lâu rồi. Ngày xửa ngày xưa, anh chàng Ivan ấy đã nảy ra ý định đi chở lúa ngoài đồng về vào một hôm trời nổi gió đông, và khi thấy gió cuốn đi mất của anh từng bó lúa, từng lượm lúa chín vàng, thất vọng thấy mình chống lại gió không nổi, anh bèn cầm cây đinh ba xóc lên một bó lúa to tướng, rồi quay nhìn về hướng đông tức giận quát lên bảo gió: “Nào, mày đã khỏe thế thì mày cuốn nốt cả cái này đi này! Cuốn đi, đồ khốn kiếp!”. Rồi anh lật xe đổ hết những bó lúa xếp vuông vức ra, đi xe về không, miệng chửi vung tán tàn.
Cuộc sống ở Grêmiatsi Lốc vẫn đủng đỉnh xuôi dòng, nhưng mỗi ngày mỗi đêm lại mang đến cho mỗi một trong ba trăm ngôi nhà của thôn xóm những vui buồn, những niềm lo âu lớn nhỏ, những đau thương không phải chốc lát mà nguôi đi... Hôm thứ hai, cụ Agây, người chăn bò của làng từ bao năm nay, đã qua đời ở ngoài bãi thả vào lúc rạng đông. Cụ đuổi theo để lùa về một con bò cái non mất nết, nhưng mới lóc cóc chạy được một quãng thì bỗng đứng sững lại, ôm cái roi đè lên quãng tim, loạng choạng một phút, hai cẳng chân lòng khòng giẫm tại chỗ, rồi lảo đảo như người say rượu, cụ buông rơi cái roi, bước thấp bước cao từ từ quay trở lại. Người con dâu cụ Bexkhlépnốp đang dắt bò đi qua vội chạy lại nắm lấy hai bàn tay già lạnh giá của cụ, vừa hổn hển thở hơi thở nóng hổi của mình vào đôi mắt như sứ của ông lão, vừa hỏi:
- Cụ ơi, cụ khó chịu trong người hay sao thế?! – Và lấy lại được hơi, chị kêu lên: - Cụ ơi, cụ cần gì không để con giúp?!
Cụ Agây lắp bắp, lưỡi đã líu lại:
- Cháu ơi, đừng sợ… Đỡ lão tí, không lão ngã mất…
Rồi cụ ngã, đầu tiên là khuỵu đầu gối phải, rồi đổ nghiêng xuống. Và tắt thở. Tất cả chỉ có thế. Và vào lúc ăn trưa, hầu như cùng một giờ, có hai chị nông trang viên sinh nở. Một chị đẻ rất khó. Đavưđốp đã phải vơ quàng một chiếc xe ngựa phái hỏa tốc sang Vôixkôvôi mời thầy thuốc. Anh đi viếng cụ Agây, vừa mới ở chỗ gia đình côi cút của cụ trở về thì anh nông trang viên trẻ tuổi Mikhây Kudơnétxốp chạy xộc vào trụ sở nông trang. Tái xanh tái xám và hớt hơ hớt hải, chửa đặt chân đến cửa anh ta đã mở máy:
- Đồng chí Đavưđốp ơi, lạy Chúa, đồng chí giúp cho! Nhà tôi đau đẻ đã hai hôm nay rồi mà không làm sao rặn ra được. Ngoài cô ấy ra, tôi lại còn một nách hai đứa nhỏ, và nom cô ấy mà rớt nước mắt. Đồng chí giúp cho cái xe, phải tìm thầy thuốc, chứ các bà mụ nhà ta thì chịu rồi…
- Đi theo tôi! – Đavưđốp nói, và bước ra sân.
Bác Suka đã đi chở cỏ khô ngoài thảo nguyên. Ngựa đều đi có việc cả.
- Ta đi về nhà anh, anh cứ vào với chị ấy, tôi ở ngoài này vớ được cái xe nào tôi sẽ phái ngay sang Vôixkôvôi.
Đavưđốp thừa biết đàn ông không nên có mặt quanh chỗ đàn bà đẻ, nhưng anh vẫn rảo chân đi đi lại lại bên hàng giậu thấp của nhà Kudơnétxốp, mắt nhìn dọc từ đầu này đến đầu kia con đường làng vắng tanh, tai nghe những tiếng rên rỉ âm thầm và tiếng kêu kéo dài của người đẻ; miệng anh cũng hầm hè đau hộ cái đau đẻ của người chẳng thân thích gì với anh, và lẩm bẩm những câu chửi rủa tục tĩu nhất của ngôn ngữ lính thủy. Và khi thấy đủng đỉnh trên đường cái xe chở nước của thằng bé mười sáu tuổi Anđrây Akimốp, anh chạy đâm bổ ra chặn lại, lăng xăng như một đứa trẻ, rồi hì hục vần cái thùng đầy nước từ trên xe xuống, và vừa thở dốc vừa nói:
- Này, mày ơi, ở đây có một bà đang gay go. Ngựa mày khỏe, mày phóng ngay sang Vôixkôvôi mời ông y sĩ, sống chết cũng chở về đây cho tao! Cứ cho ngựa phóng đi, tao chịu trách nhiệm, thực tế thế!
Và trong cái im lặng lắng đọng của buổi ban trưa, một lần nữa một tiếng kêu lại xé lên, rồi lắng xuống, nghẹn ngào, trầm trầm, rồi bặt, tiếng kêu của người quằn quại trong cơn đau đẻ rứt ruột. Đavưđốp nhìn chòng chọc vào mắt thằng bé, hỏi:
- Nghe thấy chưa? Thế thì đi đi!
Đứng thẳng người trên xe, thằng bé nhìn Đavưđốp một cái như người lớn:
- Chú Xêmiôn ạ, cháu hiểu rồi. Còn ngựa thì chú cứ yên tâm!
Đôi ngựa lao đi như tên bắn. Thằng bé đứng thẳng ưỡn trên xe, huýt miệng và vung roi một cách hiên ngang, còn Đavưđốp đứng nhìn bụi đường cuốn lên dưới cái bánh xe ngựa một lát rồi khoát tay một cái thất vọng, bước về trụ sở nông trang. Dọc đường anh còn nghe thấy một lần nữa cái tiếng đàn bà kêu thảm thương ấy. Anh nhăn mặt lại như chính mình bị đau, và đi quá được hai ngõ rồi anh mới hậm hực càu nhàu:
- Thế đấy! Đã định đẻ mà lại không biết đẻ cho ra hồn, thực tế thế!
Ngồi ở trụ sở, anh chưa kịp giở ra xem những cái gọi là công việc sự vụ hàng ngày thì một anh chàng trẻ nom vẻ bối rối, bước vào. Đó là anh con trai cụ nông trang viên Abramốp. Anh ta cứ đứng lắc lư đó, rồi ngượng ngịu nói:
- Báo cáo đồng chí Đavưđốp, hôm nay nhà chúng tôi có đám cưới, mời đồng chí đến dự với gia đình chúng tôi. Vắng đồng chí e không tiện.
Và thế là Đavưđốp xả hơi luôn. Đang ngồi, anh chồm bật dậy, kêu lên:
- Ô hay, cái làng này hóa rồ cả rồi hay sao đấy?! Họ bảo nhau chết, sinh đẻ, cưới xin, tuốt tuồn tuột cả vào một ngày! – Rồi trong bụng cười thầm mình nóng nảy, anh dịu giọng xuống hỏi: - Nhưng cậu đi đếch đâu mà vội thế? Đợi sang thu cưới có hơn không. Mùa thu mới đúng là mùa cưới.
Anh chàng như đứng trên than hồng, nói:
- Cái sự nó không đợi được ạ.
- Cái sự gì thế?
- Thưa đồng chí Đavưđốp, chắc đồng chí cũng tự hiểu được ạ…
- À ra thế… Cái sự ấy, chú nó ạ, phải nghĩ đến trước chứ! – Đavưđốp nói bằng giọng dạy đời. Và liền ngay đó, anh mỉm cười nghĩ bụng: “Mình chưa phải cái mặt dậy hắn, và hắn cũng chưa phải là cái đứa phải nghe mình”. Im lặng một lát cho có vẻ trịnh trọng rồi anh nói tiếp: - Thôi được, chiều chúng tôi sẽ lại qua, cả ba. Cậu đã nói với anh Nagunốp và Radơmiốtnốp chưa?
- Có mời cả rồi ạ.
- Được rồi, ba chúng mình sẽ đến, ngồi chơi độ một tiếng. Rượu thì chúng mình không uống nhiều được đâu, thời buổi này không tiện, gia đình cũng bỏ quá đi cho. Thôi, cậu về đi, tiện đây chúc cậu hạnh phúc. Lát nữa đến nhà chúng mình sẽ chúc cả đôi sau… À, thế bụng cô ấy đã to lắm chưa?
- Chưa to lắm, nhưng trông rõ ạ…
- Trông rõ thì càng hay, - Đavưđốp lại nhận xét với vẻ có chút dạy đời và nhận thấy cái giọng giả tạo của câu chuyện, anh lại mỉm cười.
Và một giờ sau, khi Đavưđốp đang ký giấy má thì ông bố Mikhây Kudơnétxốp tràn trề hạnh phúc xuất hiện, chạy đến ôm choàng lấy Đavưđốp, mừng quýnh tuôn ra một tràng:
- Thật là Chúa sai anh xuống làm chủ tịch cho chúng tôi! Thằng Anđrây đưa ông y sĩ về kịp thời quá: bu nó nhà tôi đã tưởng chết, thế rồi nhờ ông ta mà đã rặn ra được cho tôi một thằng cu hay ra phết, chà, phải bằng con bê, bế không nổi. Ông y sĩ bảo nó ra ngược thì phải. Nhưng theo tôi, ngược xuôi gì cũng mặc, cứ biết trong nhà thế là có thằng còn giai! Đồng chí nhận cho làm cha đỡ đầu nó đấy, đồng chí Đavưđốp nhá!
Đavưđốp đưa tay lên xoa trán, nói:
- Được, mình nhận. Mừng rất mừng thấy chị ấy thế là mẹ tròn con vuông. Ở nhà cần thứ gì, mai cậu cứ đến gặp Ôxtơrốpnốp, mình sẽ có lệnh cho lão ấy. Còn việc thằng bé ra ngược thì không sao: cậu nên biết rằng con giai thực sự là con giai thì ít khi ra xuôi… - Và lần này anh không cười nữa, không cảm thấy mình có cái giọng dạy đời mà lúc nãy anh thấy buồn cười.
Còn chối vào đâu được nữa, rõ ràng chàng lính thủy là anh đã đâm ra tình cảm ủy mị rồi, một khi mà niềm vui của người khác và một bà mẹ sinh nở được vuông tròn đã làm cho anh phải ứa nước mắt cảm động. Và cảm thấy mình rưng rưng, anh đưa bàn tay to bè lên che mắt, kết thúc câu chuyện bằng một giọng hơi thô lỗ:
- Thôi về đi, chị ấy đang chờ cậu ở nhà. Cần gì cậu đến sau, còn bây giờ thì về đi, mình không có thời giờ. Cậu nên hiểu là chẳng cần cậu quấy, mình cũng đã đủ bù đầu rồi.
Cũng ngày hôm ấy, chiều tối rồi, đã xảy ra một sự kiện đặc biệt có tầm quan trọng không nhỏ đến với Grêmiatsi Lốc và hầu như chẳng ai biết: vào khoảng bảy giờ tối, một chiếc xe nhỏ lịch sự đã tới đỗ trước cửa nhà Ôxtơrốpnốp. Chiếc xe do đôi ngựa rất đẹp mã kéo. Một người tầm thước mặc áo cổ đứng vải thô và quần cũng bằng vải thô bước trên xe xuống, đi vào cổng. Với cái vẻ đỏm dáng của một ông già sang trọng, lão phủi bụi gấu quần, rồi nhanh nhẹn bước lên thềm nhà Ôxtơrốpnốp, đường hoàng đi vào hành lang ở đó Iakốp Lukits đang đứng đợi lão, trong lòng thấp thỏm lo lắng trước cuộc viếng thăm chưa từng có này. Lão khẽ nhe hàm răng vàng khè khói thuốc lá, đưa bàn tay nhỏ nhắn khô khốc nắm chặt lấy khuỷu tay Iakốp Lukits, mỉm cười thân mật hỏi:
- Iakốp Lukits phải không? Nhìn dáng, tôi nhận ra ngay anh là gia chủ đây. Ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits có nhà không?
Nhìn hình dáng và điệu bộ của khách lạ, và qua kinh nghiệm của một người lính từng trải đánh hơi thấy đây là một thượng cấp, Iakốp Lukits vội rập đôi gót giầy mòn vẹt kêu đánh bốp một cái, luống cuống đáp:
- Bẩm quan lớn! Ngài đấy ạ? Lạy Chúa, các ông ấy ở đây chờ ngài mãi!
- Dẫn ta đi!
Với một sự nhanh nhẩu vốn không phải bản tính lão, Iakốp Lukits xun xoe mở rộng cánh cửa gian phòng xép của Pôlốptxép và Liachépxki.
- Thưa ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits, xin ông thứ lỗi, tôi đã không bảo khách chờ, có thượng cấp đến gặp ông ạ!
Khách lạ bước vào khung cửa mở toang, giang rộng cánh tay với điệu bộ đóng kịch, nói:
- Xin chào các vị ẩn sĩ thân mến! Ở đây có thể nói to thoải mái được không đấy?
Pôlốptxép đang ngồi bên bàn và Liachépxki đang uể oải nằm ườn trên giường như thường lệ, bật cả dậy như có tiếng hô nghiêm.
Khách lạ ôm lấy Pôlốptxép hôn, còn Liachépxki thì chỉ được hắn đưa tay trái kéo sát vào người, và nói:
- Mời các ngài sĩ quan ngồi xuống. Tôi là đại tá Tóc bạc, người vẫn gửi lệnh cho các ngài, và do số phận xoay vần, hiện đang là cán bộ canh nông phòng nông nghiệp khu. Như các ông thấy, tôi đến với các ngài với danh nghĩa đi thanh tra. Thời gian của tôi có hạn. Tôi muốn cho các ngài biết qua tình hình.
Khách mời hai viên sĩ quan ngồi xuống, rồi vẫn với nụ cười để lộ hai hàm răng ám khói thuốc ấy, nói tiếp bằng giọng làm ra vẻ thân mật:
- Các ngài sống túng thiếu lắm nhỉ, chắc cũng chả có gì mà đãi khách… Nói thế thôi chứ không phải thết đãi gì đâu, tôi sẽ ăn tối ở chỗ khác. Chỉ yêu cầu cho ra mời anh xà ích của tôi vào bàn đây với chúng ta, và cho người vọng tiêu bảo đảm an toàn cho chúng tôi.
Pôlốptxép nhanh nhảu lao ra cửa, nhưng vừa lúc ấy, viên xà ích của ngài đại tá, một người dáng cao lớn, thân hình cân đối, đã bước vào. Hắn chìa tay ra bắt tay Pôlốptxép:
- Chào ngài đại úy! Theo phong tục Nga, không ai bắt tay nhau qua ngưỡng cửa… - Và quay sang phía tên đại tá, hắn kính cẩn đề nghị: - Ngài cho phép? Vọng tiêu tôi đã đặt rồi.
Lão đại tá vẫn mỉm cười như trước với Pôlốptxép và Liachépxki, nheo nheo đôi mắt xám trũng sâu:
- Giới thiệu với các ngài sĩ quan, đây là đại úy kị binh Kadantxép. Còn ngài Kadantxép ạ, các vị chủ nhà đây thì ngài biết rồi. Bây giờ ta vào việc. Ta ngồi quanh cái bàn của các vị độc thân này.
Pôlốptxép rụt rè đề nghị:
- Thưa ngài đại tá, có lẽ ngài cho phép chúng tôi mời ngài xơi tạm cái gì? Chả có gì đâu ạ, gọi là chút lòng thành.
Lão đại tá gạt phắt:
- Xin cảm ơn, không cần. Ta bàn việc ngay thôi, thời giờ tôi rất eo hẹp. Đại úy lấy cho tôi tấm bản đồ.
Viên đại úy Kadantxép rút ở túi ngực áo véttông ra tấm bản đồ gập tư vùng biển Adốp – Hắc Hải, tỷ lệ một phần năm trăm nghìn, trải ra trên bàn, rồi cả bốn tên châu đầu vào.
Lão đại tá sửa lại cái cổ đứng đang bẻ ra của chiếc áo vải bạt, rút trong túi ra cây bút chì xanh, gõ gõ xuống bàn, nói:
- Như các ngài biết, tên thật của tôi không phải là Tóc bạc… mà là Nhikônxki, đại tá ở Bộ tổng tham mưu quân đội Hoàng gia. Đây là một bản đồ phổ thông, nhưng với nhiệm vụ chiến đấu của các ngài thì cũng không cần bản đồ chi tiết hơn. Nhiệm vụ của các ngài là: với khoảng hai trăm lưỡi lê và kiếm các ngài có trong tay, đánh tan xong bọn cộng sản địa phương đừng để những trận đụng độ nhỏ lằng nhằng kìm chân lại, theo đội hình hành quân tiến thẳng tới nông trường quốc doanh “Vừng hồng”, dọc đường tiến cắt đứt hết mọi liên lạc của chúng. Tới nông trường, làm xong những việc cần thiết, các ngài sẽ thu được gần bốn chục súng trường với số đạn tương ứng và cái quan trọng nhất là với số súng trường và súng máy nắm được trong tay mà các ngài phải giữ gìn nguyên vẹn, với gần ba chục ôtô vận tải thu được ở nông trường, phải hành binh cấp tốc tới Milêrôvô. Còn việc quan trọng này nữa… Các ngài xem đấy, tôi giao cho các ngài biết bao nhiêu là nhiệm vụ quan trọng… Tôi ra lệnh cho ngài, ngài đại úy ạ, phải đánh một đòn bất ngờ vào trung đoàn đóng quân trong thành phố Milêrôvô, làm cho nó không kịp triển khai, đánh tan nó trên đường hành tiến, tước vũ khí, chiếm lấy toàn bộ phương tiện hỏa lực của nó, thu nạp những binh sĩ Hồng quân nào muốn theo ta, rồi tất cả lên xe, tiến về hướng Rôxtốp. Tôi chỉ vạch nhiệm vụ của các ngài trên những nét đại cương, nhưng nhiều điều sẽ phụ thuộc vào sự hoàn thành nhiệm vụ ấy. Nếu chẳng may cuộc tiến quân của các ngài về Milêrôvô gặp phải một sự đề kháng bất ngờ, các ngài sẽ vòng tránh Milêrôvô mà tiến thẳng về Kamenxcơ, đây, theo đường này. – Lão đại tá cầm bút chì xanh uể oải vạch một nét thẳng trên bản đồ. – Tôi với quân đoàn của tôi sẽ đợi ngài ở Kamenxkơ, ngài đại úy ạ.
Ngừng một lát rồi lão nói tiếp:
- Có thể là trung tá Xavachêép sẽ yểm hộ các ngài từ phía bắc. Nhưng các ngài không nên quá trông mong vào điều đó, và hãy độc lập tác chiến. Cần hiểu rõ thành công của các ngài sẽ quyết định rất nhiều cái. Đây là tôi nói về vệc tước vũ khí trung đoàn Milêrôvô và tận dụng các phương tiện hỏa lực của nó. Thế nào cũng có một đội pháo trợ chiến, những khẩu pháo ấy sẽ đỡ cho ta rất nhiều. Rồi từ Kamenxkơ chúng ta sẽ triển khai chiến sự, đánh chiếm Rôxtốp, vì biết rằng chúng ta sẽ được sự tiếp viện của các lực lượng quân ta ở Kuban và Chêrếch, sau đó ta sẽ có tiếp viện của quân đồng minh, và thế là toàn bộ miền Nam đã ở trong tay chúng ta. Các ngài sĩ quan ạ, các ngài thấy rõ rằng kế hoạch chiến dịch chúng tôi vạch ra như thế là khá mạo hiểm, nhưng chúng ta không còn đường nào khác! Nếu chúng ta không biết nắm lấy thời cơ mà lịch sử đã đem lại cho chúng ta vào năm ba mươi này thì thôi, vĩnh biệt nền đế chế, và chúng ta chỉ còn có chuyển sang hoạt động khủng bố lẻ tẻ mà thôi… Đó là tất cả những điều tôi cần nói với các ngài. Bây giờ ngài phát biểu đi, đại úy Pôlốptxép, nhưng nói ngắn thôi. Nên nhớ là tôi còn phải đến trụ sở Xôviết đây lấy dấu vào công lệnh rồi lên huyện. Tôi đã nói với các ngài, danh nghĩa tôi là cán bộ canh nông của phòng nông nghiệp, cho nên các ngài nên nói ngắn thôi.
Không nhìn viên đại tá, Pôlốptxép trầm trầm nói:
- Thưa ngài đại tá, ngài đã vạch ra cho chúng tôi nhiệm vụ chung, không có chi tiết cụ thể nào. Chúng tôi sẽ chiếm nông trường, nhưng tôi cho rằng sau đó chúng tôi phải đi lôi kéo dân kôdắc nổi dậy, nhưng ngài lại giao cho chúng tôi nắm một trung đoàn thường trực của Hồng quân mà chiến đấu. Ngài có thấy rằng với khả năng và lực lượng của chúng tôi thì đó là một nhiệm vụ không thể hoàn thành nổi không? Và chỉ cần một tiểu đoàn chặn đánh chúng tôi trên con đường tiến quân thôi… phải chăng ngài đã đặt chúng tôi vào tình thế chắc chắn là bị tiêu diệt?!
Lão đại tá Nhikônxki gõ gõ mấy ngón tay xương xẩu xuống bàn, cười khẩy:
- Tôi nghĩ rằng hồi người ta đề bạt ngài cấp đại úy là sai lầm. Nếu gặp phút khó khăn ngài do dự và không tin tưởng vào thắng lợi của kế hoạch tác chiến chúng tôi vạch ra thì ngài không xứng đáng là một sĩ quan của quân đội Nga chút nào! Ngài chớ có vỗ ngực ta đây rồi tự ý đặt ra kế hoạch của riêng mình! Tôi phải hiểu lời của ngài như thế nào đây? Ngài sẽ chấp hành mệnh lệnh hay là cần phải loại ngài ra?
Pôlốptxép đứng dậy, cúi nghiêng cái trán dô xuống, đáp nhỏ:
- Thưa ngài đại tá, tôi sẽ chấp hành mệnh lệnh. Có điều là… Có điều là trường hợp thất bại, ngài sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không phải tôi!
- Ô, ngài đại úy, điều ấy thì ngài khỏi lo! – Viên đại tá Nhikônxki mỉm cười không lấy gì làm vui vẻ lắm, vừa nói vừa đứng dậy.
Lập tức viên đại úy Kadantxép cũng đứng dậy theo:
Ôm hôn Pôlốptxép, Nhikônxki nói:
- Dũng cảm và dũng cảm hơn nữa! Đó chính là cái hiện đang thiếu cho đội ngũ sĩ quan của quân đội hoàng gia hùng mạnh ngày xưa! Họ đã bị mòn mỏi đi trong cái nghề giáo viên trung học và cán bộ canh nông. Truyền thống quân đội ta đâu cả rồi? Những truyền thống vẻ vang của quân đội Nga các ngài quên rồi sao? Nhưng không sao. Đầu tiên các ngài chỉ có việc chấp hành những cái người ta đã nghĩ thay cho các ngài, rồi sau đó… Rồi sau đó, càng ăn sẽ càng thấy ngon miệng! Ngài đại úy ạ, tôi mong sẽ được thấy ngài đóng lon thiếu tướng, ở Nôvôrôxixcơ, hoặc ở Mátxcơva chẳng hạn. Trông cái vẻ cô độc, ít cởi mở của ngài thì biết ngài là người dám làm nhiều việc! Thôi, hẹn gặp nhau ở Kamenxcơ! À, còn một điểm cuối cùng: lệnh phát hỏa nhất loạt ở tất cả các điểm nổi dậy sẽ được báo riêng cho các ngài sau, điều ấy thì các ngài hiểu. Tạm biệt, một lần nữa hẹn gặp nhau ở Kamenxcơ!
Lạnh lùng ôm hôn hai ông khách xong, Pôlốptxép mở tung cửa gian phòng xép và bắt gặp cái nhìn lo lắng của Iakốp Lukits đứng ngoài hành lang. Xong việc trở vào, Pôlốptxép không ngồi vào bàn mà lăn đùng xuống giường. Nằm một lát rồi y hỏi Liachépxki đang đứng tựa lưng vào cửa sổ:
- Ông có thấy con bọ hung nào như thế bao giờ chưa?
Liachépxki khinh bỉ khoát tay một cái:
- Giêsu Maria, ngài còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa ở cái tay võ quan Nga ấy? Ngài Pôlốptxép ạ, lẽ ra ngài nên hỏi tôi ma quỷ nào xui khiến mà lại dây vào với các ngài?!
Và cũng trong ngày hôm ấy còn xảy ra một tấn thảm kịch: con dê Tơrôphim đã chết đuối dưới giếng. Tính nết thất thường và nhiều đêm cứ đi lang thang khắp làng, chắc là đêm qua nó đã vấp phải một đàn chó đi ăn sương, rồi bị bọn này đuổi, bức nó phải nhảy qua miệng giếng ở canh trụ sở ban quản trị. Do sơ xuất của bác Suka già lẫn cẫn chiều hôm trước quên không đậy nắp cho nên miệng giếng vẫn để mở tênh hênh. Chú dê già bị chó đuổi theo cắn, hoảng quá nhảy qua miệng giếng, đã trượt cái cẳng già và lăn tùm xuống giếng chết đuối.
Đến chiều bác Suka đi chở cỏ về, định cho ngựa uống nước, thả thùng xuống giếng múc thì thấy thùng chạm phải cái gì mềm mềm. Bác loay hoay hất dây gầu hết sang bên này lại đến bên kia cố múc lấy ít nước, nhưng mọi cố gắng của bác đều vô hiệu quả. Linh cảm thấy một chuyện gì kinh khủng, lão ngơ ngác đưa mắt nhìn khắp sân, hy vọng thấy tên kẻ thù truyền kiếp của mình đang đứng vắt vẻo quãng nào đó trên nóc nhà kho. Nhưng mắt bác đảo nhìn mọi chốn đều vô ích: chẳng thấy con Tơrôphim đâu cả. Bác Suka lật đật đi vào kho cỏ, rồi le te chạy ra cổng: vẫn chẳng thấy con Tơrôphim đâu… Thế là bác Suka mếu máo nom đến là tội nghiệp, bước vào phòng quản trị nơi Đavưđốp ngồi, buông phịch người xuống tấm ghế dài.
- Ôi anh Xêmiôn ơi, khốn to rồi, anh ơi! Con Tơrôphim nhà ta chết đuối dưới giếng rồi, không sai! Anh ơi, đi kiếm cái móc câu, phải cẩu nó lên.
- Bác xót nó à? – Đavưđốp mỉm cười hỏi. – Bác vẫn luôn mồm đòi thịt nó cơ mà?
- Nói chuyện đòi thì nói làm quái gì! – Bác Suka cáu sườn kêu lên. – Cũng tạ ơn Chúa là các anh không thịt nó! Không có thì lão sống thế nào đây bây giờ? Không ngày nào nó không làm lão sợ hết vía, từ sáng bảnh đến tối mịt không lúc nào rời được cái roi, phòng thủ nó, nhưng bây giờ thì lão biết sống ra sao đây? Chỉ độc có một nỗi buồn trơ trụi! Thôi thì bây giờ lão cũng đến đâm đầu xuống giếng chết nốt đi cho rồi… Lão với nó thì có tình nghĩa gì với nhau đâu! Không có tí ti nào! Lão và nó sống với nhau chỉ để chiến đấu với nhau thôi. Có lần, lão tóm lấy sừng nó, con khốn kiếp ấy, và bảo nó: “Này Tơrôphim ơi, cha đẻ ra con mẹ mày, mày là con dê chẳng phải non trẻ gì, vậy mà mày học được ở đâu cái thói độc địa ấy thế? Mày lấy ở đâu được lắm cái táo tợn thế đến nỗi không để cho tao được một phút yên thân? Lúc nào mày cũng cứ rình để húc tao vào đít hoặc vào bên sườn. Mày cũng phải hiểu tao hom hem ốm yếu và phải có tí xông cảm với tao chứ...”. Nó cứ giương mắt ếch nhìn lão, và chả thấy có tí gì nhân đạo trong con mắt nó cả. Lão không thấy có tí xông cảm nào trong đôi mắt nó. Thế là lão quất cho nó một roi vào lưng và quát theo nó: “Cút đi, trời đánh thánh vật mày, đồ quỷ sứ nhà giời! Tao với mày thì không nói được với nhau điều gì tử tế đâu!”. Nó cong đít chạy, cái quân mất dạy ấy, nhưng chỉ chạy độ mươi bước là lại nhởn nhơ gặm cỏ rồi, cứ làm như nó sắp chết đói không bằng, quân khốn kiếp! Trong khi đó thì hai con mắt trân trân của nó vẫn liếc lão, chắc là nó đang mưu mô hại gì lão đây. Không phải là lão sống với nó nữa, mà là làm trò hề với nó! Bởi vì cái đứa ngu ngốc như thế, nói đúng thì nó cũng chỉ là đứa ngớ ngẩn thôi, thì lão không tài nào mà hòa hảo được! Nhưng bây giờ nó chết đuối rồi thì lão thương nó, và đời lão thế là khốn nạn… - Bác Suka não nề khóc thút thít rồi đưa cánh tay áo cáu bẩn lên quệt nước mắt.
Mượn được bên nhà hàng xóm chiếc “cần cẩu”, Đavưđốp và bác Suka lôi ở dưới giếng lên các xác đã bắt đầu trương phềnh của con Tơrôphim. Đavưđốp quay mặt đi, hỏi ông lão:
- Ta làm thế nào bây giờ?
Bác Suka vẫn thút thít như thế, lau nước mắt đáp:
- Anh về đi, anh Xêmiôn ạ, về mà lo công việc quốc gia, còn việc chôn cất nó để đấy cho lão. Đây không phải việc thanh niên các anh, mà là việc ông già bà cả. Lão sẽ chôn cất nó đàng hoàng, cái đồ báo hại này, rồi theo đúng tục lệ, lão sẽ ngồi bên mồ nó khóc vài tiếng… Đội ơn Chúa đã cho anh đến giúp, chứ nếu không một mình lão thì chả thể nào kéo nổi nó lên đâu: con ngựa có sừng này, nó cũng phải ngót nghét ba pút chứ chẳng bỡn. Nó chẳng ăn không của người ta nhiều quá mà, thế nên nó mới chết đuối, cái đồ ngu ấy, chứ nếu nó nhẹ cân hơn, nó đã nhảy qua được cái giếng dễ như không rồi! Chắc là bọn chó kia đuổi rát quá, nó bấn tung đầu óc lên mới bay qua giếng như thế. Nhưng cái giống già mà ngu như nó thì có đầu óc sáng suốt làm sao được? Nhưng anh Xêmiôn ơi, anh phúc đức cho lão tiền mua phần tư lít vốtka, để tối nay lão vào kho cỏ ngồi uống gọi là tưởng nhớ nó một tí. Chứ về nhà với bà nhà lão mà làm gì, lão về thì được cái tích sự gì cơ chứ? Độc cái thần kinh căng thẳng thôi. Rồi lại chiến đấu nữa chứ! Vào ở tuổi lão thì cái đó hoàn toàn chẳng có lợi gì cả. Đằng này lão cứ thủng thỉnh lão uống ngồi tưởng nhớ đến kẻ đã qua đời, rồi lão đi cho ngựa uống nước, rồi lão ngủ, thực tế thế!
Đavưđốp cố hết sức nén cười, dúi vào tay bác Suka đồng mười rúp, và ôm lấy đôi vai gầy của bác:
- Thôi bác ạ, bác đừng thương tiếc nó quá. Cùng lắm thì chúng tôi sẽ mua cho bác một con dê khác mới tinh.
Bác Suka buồn bã lắc đầu, đáp:
- Một con dê như nó thì chả tiền nào mua được đâu, trên thế giới này nó có một không hai. Lão đành ôm hận suốt đời lão thôi! – Rồi bác đi tìm cái xẻng, dáng đi gù gù, nom thật thảm hại, thật tức cười và thật tội nghiệp trong nỗi đau đớn chân thật của bác.
Và đến đây là chấm dứt một ngày đầy những sự cố lớn nhỏ của làng Grêmiatsi Lốc.
Tập II - Chương 28
Ăn tối xong, Đavưđốp trở về buồng, vừa ngồi vào bàn định xem qua mấy tờ báo bưu điện mới đưa tới thì nghe thấy một tiếng gõ nhẹ vào khung cửa sổ. Anh hé mở cửa sổ ra. Nagunốp bước một chân lên thềm, thì thào nói:
- Chuẩn bị hành động! Nhưng mở cửa ra đã, mình vào kể cho mà nghe…
Gương mặt đen sạm của anh nom tái mét và căng thẳng. Anh nhẹ nhàng nhảy qua cửa sổ, tiện thể ngồi luôn xuống tấm ghế đẩu và đấm vào đầu gối.
- Mình đã bảo mà, Xêmiôn ạ, diễn ra đúng như ta dự đoán! Thế là mình đã phát hiện ra một thằng rồi. Mình nằm phục đến hai tiếng đồng hồ cạnh nhà Ôxtơrốpnốp thì bỗng thấy có một thằng, nom dáng thâm thấp, lò mò bước, nghe ngóng rất thận trọng, chắc đó là một trong những tên chó má ấy… Mình đến phục hơi muộn, lúc ấy đã tối rồi. Mình đến muộn vì phải ra đồng. Biết đâu trước nó chả đã có một thằng khác nữa đến rồi? Tóm lại, ta đi thôi, dọc đường sẽ lôi Radơmiốtnốp cùng đi, không nên chậm trễ. Ta sẽ bắt được chúng nó còn tươi nguyên, ngay tại nhà Iakốp Lukits! Không thì chí ít cũng tóm được một thằng ấy.
Đavưđốp thọc tay vào dưới gối lấy ra khẩu súng lục.
- Nhưng bắt bằng cách nào? Ta bàn qua trước đi.
Nagunốp rít một hơi thuốc lá, khẽ nhếch mép cười:
- Việc này mình làm quen lắm rồi. Cậu nghe mình bảo, thế này nhé; cái thằng thâm thấp ấy, nó không gõ cửa ra vào, mà lại gõ cửa sổ, như mình gõ vừa rồi. Nhà Iakốp Lukits có gian buồng xép có một cửa sổ nhỏ ăn ra sân. Cái thằng gian ấy, nó mặc áo dipun hoặc áo mưa cộc gì đó, tối quá mình nom không rõ. Nó gõ vào cửa sổ, rồi ai đó, hoặc là Iakốp Lukits, hoặc là thằng Xêmiôn con trai lão ấy, khẽ hé cửa ra, và nó lẻn vào nhà. Lúc bước lên thềm, nó ngó quanh một cái, lúc vào cửa, lại ngó cái nữa. Mình nằm sau hàng giậu nom rõ hết. Xêmiôn ạ, cậu phải biết là người lương thiện không ai lại đi đứng kiểu lấm la lấm lét như chó sói thế! Mình đề nghị kế hoạch như thế này nhá: mình với cậu sẽ gõ cửa, còn Anđrây sẽ nằm phục ngoài sân, bên cửa sổ. Đứa nào ra mở cửa cho chúng ta, chúng ta sẽ rõ, nhưng cái cửa gian phòng xép, mình nhớ, đi ở ngoài hành lang vào thì nó là cái cửa đầu tiên, bên phải. Cẩn thận, cửa sẽ khóa chặt đấy, có khi phải phá. Hai chúng mình sẽ vào, và nếu có thằng nào nhảy qua cửa sổ, Anđrây sẽ hạ nó. Ta sẽ bắt sống mấy ông khách đêm này, không khó lắm đâu! Mình sẽ phá cửa, cậu sẽ đứng lùi phía sau một tí, lôi thôi thì bắn luôn, không vớ vẩn gì hết!
Maka hơi nheo nheo mắt lại nhìn thẳng vào mắt Đavưđốp, và một lần nữa, bóng một nụ cười lại thoáng hiện trên đôi môi cương nghị của anh:
- Cái đồ chơi này cậu chỉ cầm trong tay, nên kiểm tra lại băng và cho đạn lên nòng đi, ngay tại đây. Ta ra bằng lối cửa sổ này, rồi khép lại.
Nagunốp xiết lại thắt lưng áo varơi, vứt mẩu thuốc lá xuống sàn, nhìn mũi và ống đôi ủng bê bết đất cát, rồi lại cười nụ:
- Vì mấy cái đồ rác rưởi khốn nạn ấy mà mình phải lăn lộn đất cát như con chó con, nằm sắp sạp, lê la khắp, đợi các vị khách quý… Một thằng đã xuất hiện rồi… Nhưng mình cho là ở đó chúng nó có khoảng hai ba thằng gì đó, không hơn. Chẳng có lẽ lại là cả một tiểu đội?
Đavưđốp kéo quy-lát, đẩy một viên đạn lên nòng, đút khẩu súng lục vào túi áo véttông, nói:
- Maka ạ, hôm nay sao cậu có vẻ phởn thế? Ngồi nhà mình có năm phút thế mà đã ba lần mỉm cười…
- Xêmiôn ạ, làm cái việc thích thú thì cười chứ sao.
Họ leo qua cửa sổ ra ngoài, khép cánh cửa chớp lại, đứng một lát. Đêm ấm áp, từ phía dưới sông thoảng lên hơi gió mát, xóm làng thiêm thiếp ngủ, những lo âu bận rộn thanh bình trong ngày đã chấm dứt. Đâu đó một ả bò cái tơ rống lên, đằng cuối làng mấy con chó sủa, bên hàng xóm một chú gà sống bàng hoàng tỉnh giấc, nhẩm sai giờ cất giọng gáy không phải lúc. Maka và Đavưđốp lẳng lặng đi tới nhà Radơmiốtnốp. Maka gập ngón tay trỏ gõ rất khẽ vào khung cửa sổ. Một lát sau, trông thấy khuôn mặt Anđrây hiện ra lờ mờ, anh vẫy tay ra hiệu gọi, chỉ trỏ khẩu súng lục.
Đavưđốp nghe thấy trong nhà vọng ra một tiếng nói nén giọng, nghiêm nghị:
- Mình hiểu rồi. Ra ngay đây.
Radơmiốtnốp hiện ra ở bậc cửa gần như liền sau đó. Trước khi khép cửa lại, anh ngoái vào trong nhà nói bằng một giọng hơi bực dọc:
- Cô rắc rối lắm, Nhiurka ạ! Xôviết triệu tập lên có việc chứ người ta đi chơi đâu! Thôi ngủ đi, đừng thở dài nữa, anh về ngay bây giờ đây.
Ba người đứng xúm lại bên nhau. Radơmiốtnốp phấn khởi hỏi:
- Tóm được chúng nó rồi à?
Nagunốp thì thầm kể qua đầu đuôi câu chuyện.
… Cả ba người lẳng lặng bước vào căn nhà Iakốp Lukits. Radơmiốtnốp ngồi xổm tựa lưng vào chân tường âm ẩm bên cửa sổ. Anh thận trọng đặt ghếch nòng súng lục lên đầu gối, khỏi mỏi cổ tay phải vô ích.
Nagunốp bước lên bậc thềm đầu tiên, tới trước cửa, lắc canh cách cái vòng khóa cửa.
Ngoài sân và trong nhà Ôxtơrốpnốp im lặng như tờ. Nhưng cái im lặng nặng nề ấy kéo dài không lâu: từ trong hành lang vọng ra giọng Iakốp Lukits, nghe vang to lạ lùng:
- Quái, ai đêm hôm còn mò đến thế nhỉ?
Nagunốp đáp:
- Ông Iakốp Lukits ơi, xin lỗi, khuya rồi còn đến đánh thức ông, nhưng có việc, tôi với ông phải đi sang nông trường ngay bây giờ. Việc gấp lắm, không hoãn mai được.
Một phút im lặng ngắc lại.
Nagunốp đã sốt ruột dục:
- Thế nào? Mở cửa ra!
- Đồng chí Nagunốp ạ, khuya khoắt thế này, tối mò mò… Mấy cái then này… khó mở quá, đồng chí đợi cho tí.
Bên trong nghe có tiếng chốt sắt nặng lách cách, rồi tấm cửa nặng nề chỉ mở hé ra.
Nagunốp lấy vai trái đẩy mạnh cánh cửa, xô Iakốp Lukits vào tường, bước sấn vào hành lang, nói với qua vai bảo Đavưđốp:
- Lôi thôi quất luôn!
Một mùi nhà ở ấm áp lẫn với mùi hạt hống bố tươi xộc vào mũi Nagunốp. Nhưng lúc này anh chả thời giờ đâu mà để ý đến mùi vị. Tay phải lăm lăm khẩu súng lục, anh đưa tay trái nhanh nhẹn lần sờ tìm cánh cửa gian phòng xép, rồi đạp một cái bật tung cánh cửa chỉ cài chốt sơ sài.
- Ai thì nói ngay, không tao bắn!
Nhưng anh không kịp bắn: tiếp theo tiếng quát của anh, một quả lựu đạn nổ gầm lên ngay bên ngưỡng cửa, rồi một loạt súng máy choang choang, nghe thật rùng rợn trong đêm khuya tĩnh mịch. Liền sau đó, tiếng cửa kính vỡ loảng xoảng, một tiếng súng nổ lẻ loi ngoài sân, một tiếng ai kêu…
Nagunốp ngã quật xuống chết ngay tại chỗ, người nát mảnh lựu đạn. Đavưđốp xông vào phòng, kịp bắn bừa hai phát vào bóng tối rồi hứng luôn một tràng súng máy.
Anh ngã ngửa xuống, bất tỉnh nhân sự, đầu ngửa ra sau một cách đau đớn, bàn tay trái nắm chặt một mảnh gỗ cánh cửa bị đạn xé văng ra.
* * *
Chao ôi, không phải dễ dàng gì mà sự sống rứt khỏi cái lồng ngực rộng bị bắn xuyên thủng bốn lỗ của Đavưđốp…từ cái lúc các bạn anh khiêng anh về, dọc đường vấp dúi dụi trong đêm tối nhưng cố hết sức để anh khỏi bị lắc, chưa có một lần nào anh hồi tỉnh lại, và cuộc chiến đấu gay go của anh chống lại thần chết đã kéo dài mười sáu tiếng đồng hồ rồi…
Tảng sáng, một đôi ngựa chạy sùi cả bọt mép đã đưa ông bác sĩ phẫu khoa trên huyện về, một con người còn trẻ nhưng nghiêm trang trước tuổi. Ông vào phòng Đavưđốp nằm, ở đó không quá mười phút, và trong thời gian đó các đảng viên chi bộ Grêmiatsi và bao nhiêu nông trang viên ngoài Đảng yêu quý Đavưđốp đứng ngóng ngoài bếp trong sự im lặng căng thẳng, chỉ nghe thấy một lần từ trong phòng vẳng ra một tiếng rên nhẹ âm thầm của Đavưđốp, như tiếng rên trong mê. Bác sĩ bước ra bếp, lấy khăn lau tay, ống tay áo xắn cao, mặt tái nhợt, nhưng vẻ ngoài nom bình tĩnh. Ông cầm khăn lau tay, trả lời câu hỏi lặng lẽ của bà con đứng đấy:
- Không hy vọng gì. Chẳng tài nào cứu được. Anh ấy còn sống đến bây giờ cũng là lạ! Để anh ấy nằm nguyên đấy, đừng chuyển đi đâu cả, và nói chung không nên đụng chạm đến bệnh nhân. Nếu kiếm được đâu nước đá… mà thôi, không cần. Nhưng cần có người luôn luôn túc trực bên anh ấy.
Radơmiốtnốp và Maiđanhikốp theo gót bác sĩ ở trong buồng bước ra. Môi Radơmiốtnốp cứ run run, và đôi mắt ngây dại của anh ngơ ngác đảo nhìn gian bếp mà chẳng trông thấy đám bà con dân làng đứng túm tụm đấy. Maiđanhikốp đi, đầu cúi gằm, hai đường gân xanh nổi phồng lên kinh khủng hai bên thái dương, và hai nếp nhăn vắt ngang trán, gần sát sống mũi, đỏ ửng lên như hai vết sẹo. Mọi người, trừ Maiđanhikốp, túm tụm bước ra thềm, tản xuống sân. Radơmiốtnốp đứng đè ngực lên cổng hàng giậu, đầu rũ xuống, và hình như có những lớp sóng dội lên rung mạnh đôi bả vai anh. Ông lão Salưi bước tới hàng giậu, nắm lấy một cái cột gỗ sồi đã nghiêng, lay như điên như dại. Đemka Usakốp thì đứng úp mặt vào tường nhà kho như một học sinh bị phạt, lấy móng tay cạo cạo lớp vữa tường bị nước mưa xói lở, nước mắt ròng ròng lăn xuống má cũng chẳng buồn lau. Mỗi người chịu đựng một cách sự mất mát này, nhưng cái tang lớn đang trút lên đầu mọi người này là một niềm đau chung…
Đavưđốp qua đời đêm hôm ấy. Trước khi chết anh có hồi tỉnh lại một lát. Ngước mắt nhìn bác Suka đang ngồi bên đầu giường một cái, anh ngạt thở, nói:
- Có gì mà khóc thế hả bác? – Nhưng liền đó đờm và máu trong mồm anh ứa ra. Anh nghèn nghẹn cổ nuốt vài cái, ngả cái má nhợt nhạt xuống mặt gối, rồi phều phào mấy lời cuối cùng: - Không nên thế… - và cố mỉm cười.
Rồi rên dài một tiếng, anh nặng nề ruỗi thẳng người, và tắt thở…
… Thế là Đavưđốp và Nagunốp, hai con người mà tôi yêu quý, không còn nữa. Con chim họa mi miền sông Đông không còn hót cho họ nghe nữa, ngọn lúa chín vàng không còn thì thầm chuyện trò với họ nữa, và dòng sông không tên từ đâu đó trên thượng nguồn lũng Grêmiatsi chảy về không còn reo vui trên lòng đá sỏi róc rách bên tai họ nữa… Thế là hết!
* * *
Hai tháng trôi qua. Trên đầu Grêmiatsi Lốc vẫn lững lờ như vậy những đám mây trắng giờ đây đã ngả sang đám mây thu trên nền trời cao bạc phếch đi vì nắng hạ, nhưng lá cây dương đã dát vàng hai bên bờ con ngòi Grêmiatsi mà dòng nước đã trong vắt và lạnh giá. Và trên hai ngôi mộ của Đavưđốp và Nagunốp được mai táng ở cái bãi cách trường học một quãng, đã xuất hiện một lớp cỏ xanh úa còi cọc dưới sự ấp ủ của của cái nắng hiếm hoi mùa thu. Thậm chí lại còn có một cánh hoa thảo nguyên không tên nào đó nép vào thanh gỗ hàng rào mà vươn lên, cố khẳng định một cách muộn màng cuộc sống lay lắt của nó. Ngược lại ba ngọn hướng dương mọc ra sau những trận mưa vào tháng Tám cách hai ngôi mộ không xa, đã vươn lên cao được chừng nửa thước và đã bắt đầu nhẹ nhàng đung đưa mỗi khi có ngọn gió là là thổi qua bãi.
Hai tháng qua bao nhiêu nước đã chảy xuôi đi dưới lòng con ngòi Grêmiatsi. Làng xóm cũng có nhiều sự đổi thay. Chôn cất hai người bạn xong, bác Suka đã đuối đi trông thấy, khác hẳn đi, nom không nhận ra nữa: bác tránh những chỗ đông người, lầm lì ít nói, và càng mau nước mắt hơn trước… Ma chay xong, bác về nhà, nằm liệt giường bốn ngày đêm, và khi bác dậy thì bà lão không dấu nổi kinh hoàng, thấy miệng bác méo xệch đi và cả nửa bên trái mặt bác như lệch vẹo.
- Ông làm sao thế này? – bà lão hoảng hốt chắp hai tay kêu thốt lên.
Lưỡi hơi líu lại, bác Suka thản nhiên đáp, và đưa mu bàn tay lên quệt nước rãi ở góc mép trái rớt xuống:
- Có gì là lạ? Những người trai trẻ như thế mà còn nằm xuống thì tôi cũng đã đến lúc về chầu trời từ lâu rồi. Nhiệm vụ rõ chưa?
Nhưng khi lững thững đi ra bàn thì bác nhận thấy cẳng tay trái bác như bị liệt. Và cuốn điếu thuốc, bác khó nhọc mới cất nổi tay trái lên…
- Thôi đúng rồi, bà nó ạ, tôi bị liệt rồi, mả mẹ nó! Tôi thấy trong người nó khang khác, không như ít lâu trước. – Bác Suka vừa nói vừa ngạc nhiên nhìn bàn tay nó không chịu nghe bác sai khiến nữa.
Tuần lễ sau bác đã kha khá hơn, dáng đi đã vững hơn, không cần cố gắng cũng điều khiển được tay trái, nhưng bác từ chối dứt khoát không nhận làm xà ích nữa. Đến trụ sở nông trang, bác đã tuyên bố như vậy với Kônđrát Maiđanhikốp, chủ tịch mới của nông trang.
- Tôi xin từ cái chân đánh xe ngựa thôi, anh Kônđrát ạ, chả còn sức đâu mà trị được ngựa.
- Tôi với anh Radơmiốtnốp đã nghĩ về trường hợp của bác, - Maiđanhikốp đáp. – Nếu phân công bác làm thường trực gác cửa hàng hợp tác thì bác nghĩ sao? Chúng tôi sẽ dựng cho bác cái chòi ấm áp, mùa đông sẽ đặt vào đấy cái lò sưởi gang, làm cái ổ, và sẽ cấp cho bác một chiếc varơi bông, chiếc áo ngoài và đôi ủng dạ. Sống thế nghe thế nào? Bác sẽ có lương này, công tác nhẹ này, và quan trọng nhất là có việc làm cho đỡ buồn. Thế nào, bác đồng ý chứ?
- Giêsu lạy Chúa tôi, lão nghe cũng thấy hợp đấy. Cám ơn các anh đã không quên lão. Dù sao thì đêm lão vẫn kém ngủ và dạo này thì hoàn toàn chả chợp mắt được tí nào. Nhớ hai anh ấy, anh Kônđrát ạ, thế rồi giấc ngủ nó như trốn mình hẳn… Thôi, lão đi chia tay với mấy con ngựa rồi về nhà đây. Lão phải giao ngựa cho ai bây giờ?
- Cho cụ Bexkhlépnốp.
- Ông cụ ấy cứng cáp đấy, còn lão thì đuối lắm rồi. Hai anh Maka và Đavưđốp đã làm lão kiệt sức, và lão có bao nhiêu vía thì các anh ấy mang đi theo hết sạch… Còn các anh ấy thì lão cũng cố sống dấn thêm một hai năm nữa đấy, nhưng các anh ấy đi rồi, phải lăng xăng trên đời này lão thấy phát ớn… - Bác Suka buồn bã nói và lau mắt bằng cái chỏm mũ lưỡi trai cũ kỹ.
Từ đêm hôm ấy bác bắt đầu thường trực gác cửa hàng.
Mộ của Đavưđốp và Nagunốp bao bọc một hàng rào thấp, ở đối diện cửa hàng, cách một quãng không xa, và ngay ngày hôm sau, bác Suka mang cưa và rìu ra đóng một tấm ghế dài nhỏ đặt bên hàng rào. Đêm đêm bác sẽ ra đấy ngồi gác.
- Thế này là lão được gần các anh ấy… Có lão, các anh ấy nằm đây cũng vui hơn, và lão ngồi bên các anh ấy cũng thấy đêm ngắn đi nhiều. Anh Anđrây ạ, đời lão không có con, ấy thế mà lão cảm thấy như mình đã mất luôn một lúc hai đứa con… Và cái tim lão, mả mẹ nó, ngày đêm nó cứ đau nhoi nhói, không để cho lão yên lúc nào! – bác nói với Radơmiốtnốp như thế.
Và Radơmiốtnốp, giờ đây là bí thư chi bộ, nói chuyện với Maiđanhikốp, tỏ vẻ lo lắng:
- Kônđrát à, cậu có thấy bác Suka nhà ta dạo này già đi tợn không? Ông lão sầu não về hai anh ấy thế nào mà nom người không còn nhận ra nữa. Xem có vẻ cũng sắp về đến nơi rồi… Đầu cứ lẩy bà lẩy bẩy, và tay thì đầy nốt đen. Lạy Chúa, ông lão đi thì sẽ là cái tang đau đớn cho bà con ta đấy! Ta đã quen có ông lão lẩm cẩm ấy rồi, ông ấy đi thì làng xóm sẽ cảm thấy có cái gì trống trống.
Ngày đã ngắn hơn, và khí trời trong trẻo hơn. Gió không đưa tới hai ngôi mộ mùi hương hăng hắc của cây ngải cứu ngoài thảo nguyên nữa mà là mùi rơm lúa mới đập la liệt ở sân kho phía sau làng.
Làng bắt đầu đập lúa thì bác Suka cảm thấy vui lên: cho đến tận khuya, máy quạt lúa chạy ầm ầm trong các nhà kho, trục đá lăn lục cục trên nền đất nện, tiếng người í ới xen lẫn với tiếng ngựa hí. Rồi tất cả lặng tờ. Đêm đã dài và tối hơn, và tiếng động ban đêm cũng khác hẳn: bây giờ đó là tiếng thở than của con sếu trên nền trời đen thẫm, tiếng gọi nhau buồn bã của con mòng mòng, tiếng kêu khàn khàn của ngỗng và tiếng cánh vù vù của đàn vịt giời bay qua.
- Chim kéo nhau đi tìm nơi ấm, - bác Suka lắng nghe tiếng chim lao xao từ trời cao vọng xuống như vẫy gọi và thở dài trong cảnh cô đơn của mình.
Một hôm, lúc trời đã tối, một người đàn bà trùm khăn đen nhẹ bước tới chỗ bác Suka rồi dừng lại, im lặng.
- Ai thế vầy, lạy Chúa? – bác hỏi, cố nhìn xem ra là ai, nhưng chịu.
- Cháu đây, ông ơi, Varia đây mà…
Bác Suka đem hết khả năng nhanh nhẹn còn lại của mình rời ghế đứng dậy:
- Ôi, cháu, cháu đã về đây à? Thế mà lão cứ tưởng cháu quên bà con làng xóm rồi đấy… Ôi, cháu Varia Hẩm hiu ơi, anh ấy đi, để lại hai bác cháu ta côi cút thế này! Vào đây, cháu ơi, mộ anh ấy đây, bên góc này… Cháu ngồi với anh ấy một tí, để lão đi xem lại cửa hàng đã khóa kỹ chưa.. Lão canh cửa mà, lắm việc lắm, đủ cho cái tuổi của lão… Đủ, cháu ạ!
Ông lão lật đật bước thấp bước cao đi qua cái bãi và một tiếng đồng hồ sau mới trở lại. Varia đang quỳ bên mộ Đavưđốp, nhưng nghe thấy tiếng ho húng hắng tế nhị của bác Suka, cô đứng dậy, bước ra ngoài, loạng choạng, và sợ hãi vịn vào hàng rào. Cô đứng lặng thinh. Ông lão cũng lặng thinh. Rồi cô khẽ nói:
- Cháu cám ơn ông đã để cho cháu được ở lại một mình với anh ấy…
- Có gì đâu. Bây giờ định thế nào, hả cháu?
- Cháu về hôm nay là về hẳn. Cháu đi từ sáng sớm, khuya mới về đến đây để không ai trông thấy…
- Việc học hành thì thế nào?
- Cháu bỏ rồi. Cháu phải về kiếm ăn nuôi nhà.
- Anh Xêmiôn của chúng ta chắc sẽ không bằng lòng thế đâu, lão nghĩ như vậy.
- Cháu biết làm thế nào hả ông ơi? – Giọng Varia nói run run.
- Lão chả biết khuyên cháu thế nào đâu, cháu ạ, tự cháu xét thôi. Có điều là không nên làm anh ấy buồn, anh ấy yêu cháu lắm, thực tế thế!
Varia quay ngoắt người, và không phải đi, mà cắm cổ chạy qua bãi, vừa chạy vừa khóc nấc lên. Cô không đủ sức để chào ông lão nữa.
Và trên nền trời đen thăm thẳm, tiếng kêu rền rĩ và gọi tới nơi đâu của những đàn sếu bay qua vang lên cho tới lúc rạng đông, bác Suka không chợp mắt, cứ ngồi gù gù trên tấm ghế, thở dài, làm dấu và khóc…
* * *
Dần dần, ngày này qua ngày khác, cái mớ bòng bong của vụ âm mưu phản cách mạng chuẩn bị gây bạo loạn ở vùng sông Đông đã được gỡ ra.
Ba ngày sau khi Đavưđốp chết, các cán bộ công an khu từ Rôxtốp về Grêmiatsi Lốc, đã dễ dàng nhận diện tên bị Radơmiốtnốp bắn chết nằm trong sân nhà Ôxtơrốpnốp, là tên Liachépxki, nguyên thiếu úy đội bạch quân tình nguyện, một kẻ tội phạm đang bị truy nã từ lâu nay.
Ba tuần sau, một người mặc thường phục, dáng dấp không có gì đáng chú ý, đã đến một nông trường quốc doanh cách Tasken không xa, tìm gặp viên kế toán đã đứng tuổi, tên là Kalasnhikốp, mới xin vào làm ở đây ít lâu nay. Người ấy cúi xuống bên bàn viên kế toán, nói nhỏ:
- Ngài kiếm được cái chỗ hay quá nhỉ, thưa ngài Pôlốptxép… Im! Ta ra ngoài kia một phút, mời ngài đi trước!
Ngoài hiên, một người khác cũng mặc thường phục, tóc hoa râm, đã đợi họ sẵn ở đó. Người này không có thái độ rất mực lễ phép và từ tốn như anh bạn ít tuổi hơn kia, và vừa trông thấy Pôlốptxép đã bước sấn tới, mặt tái đi vì căm thù, chớp chớp mấy cái, nói:
- Đồ sâu bọ! Mày bò xa đấy… Mày tưởng chui vào cái hốc này thì thoát được tay chúng tao phỏng? Mày cứ đợi đấy, rồi về Rôxtốp ta sẽ nói chuyện với mày! Trước khi chết mày sẽ còn được múa may…
- Ôi, sợ quá! Ôi, ông anh làm tôi hãi quá! Tôi cứ run bắn cả người, như cầy sấy! – Pôlốptxép dừng lại trên thềm, mỉa mai nói, rồi châm một điếu thuốc lá rẻ tiền, hút. Y lừ lừ nhìn người cán bộ công an bằng đôi mắt cười cợt và căm thù.
Y bị khám ngay tại chỗ, trên thềm ấy. Y nhẫn nhục quay người cho khám, và nói:
- Tôi bảo các anh, đừng mất công vô ích! Súng tôi không mang theo: ở đây thì tôi tha nó theo mình làm gì? Khẩu Maude của tôi, tôi giấu nó trong buồng tôi. Về đấy mà tìm!
Trên đường về nhà, y nói năng thản nhiên, và lý sự với người cán bộ công an tóc hoa râm:
- Anh ngây thơ lắm, anh định lấy gì để làm tôi sợ? Lấy tra tấn ư? Không ăn thua, tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chịu đựng tất cả. Vả lại tra tấn tôi là một việc vô nghĩa, vì tôi sẽ không giấu giếm quanh co gì, sẽ kể hết, dứt khoát là kể hết những gì tôi biết! Tôi lấy danh dự sĩ quan hứa như vậy. Đằng nào các anh cũng chỉ giết chết tôi được một lần thôi, và chết thì tôi đã sẵn sàng từ lâu rồi. Chúng tôi đã thua, và sống đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Đó không phải là câu văn hoa mỹ miều đâu, tôi không phải kẻ hợm hĩnh thích làm ra vẻ, mà đó là sự thật cay đắng đối với tất cả chúng tôi. Trước hết đây là vấn đề danh dự: thua thì phải trả! Tôi thua, tôi sẵn sàng đem tính mạng mình ra để trả! Lạy Chúa, chả có gì đáng sợ!
- Im mồm, bỏ cái thói huênh hoang ấy đi, còn muốn trả thì mày sẽ được trả, - người mà Pôlốptxép vừa mới đọc bài diễn văn khoa trương ấy cho nghe, khuyên y.
Khám xét buồng y, ngoài khẩu Maude ra không thấy tang vật gì nữa. Trong chiếc vali gỗ dán của y không có một thứ giấy tờ nào. Nhưng trên mặt bàn lại có đủ hai mươi nhăm quyển Lênin toàn tập xếp ngay ngắn.
- Cái này của anh phải không? – anh cán bộ hỏi Pôlốptxép.
- Phải.
- Anh giữ những sách này làm gì?
Pôlốptxép mỉm cười ngạo mạn:
- Muốn tiêu diệt kẻ thù thì phải biết vũ khí của nó…
Y đã giữ lời hứa: trong cái buổi hỏi cung ở Rôxtốp, y đã khai ra tên đại tá Nhikônxki – Tóc bạc, tên đại úy Kadantxép, và nhớ được tên những ai ở Grêmiatsi Lốc và các ấp lân cận đã tham gia tổ chức của y thì khai ra người ấy. Nhikônxki đã tố giác những người còn lại.
Một làn sóng bắt bớ lan ra khắp vùng biển Adốp – Hắc Hải. Hơn sáu trăm người kôdắc tham gia vụ âm mưu ấy, trong đó có hai bố con Ôxtơrốpnốp, đã bị đưa ra tòa án đặc biệt xử tù theo những hạn tù khác nhau. Trong bọn chúng chỉ có những kẻ trực tiếp thực hiện những hành động khủng bố giết người là bị đem ra bắn. Pôlốptxép, Nhikônxki, Kadantxép, tên trung tá Xavachêép ở tỉnh Xtalingrát cùng hai tên trợ thủ của y và, ngoài ra, chín tên sĩ quan và tướng tá bạch vệ nữa sống ở Mátxcơva dưới tên họ giả, đều bị xử bắn. Trong số chín tên bị bắt ở Mátxcơva và các thị trấn lân cận có cả một tên trung tướng kôdắc nổi tiếng trong hàng ngũ đội quân Đênhikin. Y trực tiếp lãnh đạo vụ âm mưu này và giữ liên lạc đều đặn với các tổ chức sĩ quan di cư ở nước ngoài. Chỉ có bốn tên trong trung tâm lãnh đạo là lọt được lưới vây bắt ở Mátxcơva và bằng đường này đường khác trốn được ra nước ngoài.
Thế là chấm dứt cái mưu đồ tuyệt vọng đã bị lịch sử lên án ngay từ trong trứng nước, cái mưu đồ phản cách mạng nổi dậy chống Chính quyền xôviết ở miền nam đất nước.
* * *
Varia trở về làng được mấy ngày thì Anđrây Radơmiốtnốp đi công tác ở Sakhơtư cũng trở về. Theo đề nghị của Maiđanhikốp anh lên đó để mua một đầu máy động cơ hơi nước cho nông trang. Tối hôm ấy ba người, là Maiđanhikốp, Radơmiốtnốp và Ivan Naiđênốp – bí thư chi đoàn Kômxômôn tổ chức ở Grêmiatsi Lốc – ngồi chơi rất khuya ở trụ sở nông trang. Radơmiốtnốp kể chuyện tỉ mỉ chuyến đi mua máy, rồi hỏi:
- Nghe nói Varia Kharlamôva đã bỏ học về làng, và hình như có đến gặp Đúpxốp xin vào đội cậu ấy, có đúng không?
Maiđanhikốp thở dài:
- Đúng. Bà cụ và lũ nhỏ nhà cô ấy lấy gì mà sống? Thế cho nên cô ấy mới phải bỏ học. Đáng tiếc, con bé có nhiều khả năng.
Xem ra Radơmiốtnốp đã nghĩ đâu ra đó về trường hợp Varia rồi, và lúc này anh phát biểu với một niềm tin chắc chắn sẽ được anh em đồng tình.
- Cô ấy là vợ chưa cưới của Xêmiôn. Cô ấy cần phải học. Xêmiôn muốn như vậy. Cho nên ta phải làm như vậy. Mai ta sẽ triệu cô ấy đến đây, giải thích cho cô ấy rồi trả cô ấy trở lại trường, còn gia đình cô ấy thì nông trang sẽ trợ cấp. Đavưđốp không còn sống với chúng ta nữa thì chúng ta phải nhận trách nhiệm chăm lo gia đình anh ấy. Đồng ý cả chứ?
Maiđanhikốp lặng lẽ gật đầu, còn anh chàng Ivan Naiđênốp sôi nổi thì nắm chặt lấy tay Radơmiốtnốp mà reo lên:
- Chú Anđrây ơi, chú hay lắm!
Đến đây, Radơmiốtnốp chợt nhớ ra:
- À, các cậu ạ, mình quên kể các cậu nghe… Các cậu có biết ở Sakhơtư, đi ngoài đường mình gặp ai không? Thử đoán xem ai nào? Luska Nagunôva, các cậu ạ! Mình đang đi thì thấy một mụ béo ị đi cạnh một người đàn ông đầu hói cũng béo ị… Mình nhìn, và đâm ra hoang mang: không biết có phải không nhỉ? Cái mặt tròn vành vạnh, cái mắt húp híp, và muốn ôm thì phải nối thêm một cánh tay nữa. nhưng xem dáng đi thì đúng cô ả. Mình mới bước tới, chào, rồi hỏi: “Luska, có phải cô đấy không?!”. Ả ấy đáp: “Thưa ông, tôi không quen ông”. Mình cười, bảo ả: “Cô quên bà con làng xóm nhanh gớm nhỉ! Cô là Luska vợ cậu Nagunốp chứ gì?”. Mụ ấy cắn môi, theo cái lối tỉnh thành mà, và nói: “Phải, trước kia là vợ Nagunốp, trước kia là Luska đấy, nhưng bây giờ thì là Lukêria Nhikititsna Xviriđôva rồi. Xin giới thiệu, đây là nhà tôi, Xviriđốp, kỹ sư mỏ”. Mình bắt tay lão kỹ sư, lão ấy nhìn mình như nhìn một con quỷ: chắc lão ấy lấy làm lạ tại sao mình, lại ăn nói với vợ lão ấy tự nhiên như thế? Rồi hai vợ chồng mụ ấy bỏ đi, cả hai nom ục ịch, và có vẻ mãn nguyện lắm. Mình nghĩ bụng: “Các mẹ ấy mạnh thật! Chả trách mà cậu Maka suốt đời đã nổi dậy chống lại các mẹ ấy! Mẹ ấy chưa kịp chôn xong hai chàng Chimôphây và Maka mà đã vớ được ngay anh thứ ba rồi!”. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ nó vớ hay không vớ, mà là ở chỗ nó làm sao mà đắp được vào người lắm mỡ thế?! Mình cứ đứng giữa phố, ngẩn ngơ nghĩ mãi cái chuyện ấy. Và không hiểu sao trong bụng buồn buồn, tiếc cái ả Luska xưa, trẻ trung, chanh chua, xinh đẹp, không phải là cái ả mà mình sống cùng làng, va chạm hàng ngày đâu, mà cái ả ngày xưa đêm đêm mình vẫn nằm mơ thấy… - Và Radơmiốtnốp thở dài: - Thế đấy, các cậu ạ, cuộc đời xoay vần lắm lúc đến là oái oăm! Đôi khi nó xoay mà mình không thể nào tưởng tượng được! Thôi, ta về thôi chứ?
Họ bước ra hiên. Bên kia sông Đông, những đám mây dông đen kịt kéo ùn ùn, những tia chớp rạch xé bầu trời, sấm ầm ì vang động.
- Quái thật, năm nay dông muộn thật đấy, đến bâygiờ còn dông! – Maiđanhikốp nói. – Ta đợi xem dông tí chăng?
- Các cậu xem thì xem, mình về đây. Radơmiốtnốp bắt tay hai người rồi nhanh nhẹn chạy xuống thềm.
Anh đi ra sau làng, dừng chân một lát, rồi lững thững đi tới nghĩa địa ngoài xa kia, vòng qua những cây thập tự hiện lên mờ mờ, những ngôi mộ và bức tường rào bằng đá đã đổ nát mất một nửa. Anh đi tới cái chỗ lòng anh bắt anh phải đến. Anh ngả mũ, đưa tay phải lên vuốt lại mái tóc hoa râm, rồi nhìn ngôi mộ sụt lở, anh thì thầm nói:
- Em Épđôkia ơi, anh thật không phải với em, anh đã không biết chăm nom chu đáo nơi an nghỉ cuối cùng của em… - Anh cúi xuống, nhặt một hòn đất khô, bóp vụn trong tay, rồi lầm rầm nói: - Cho tới nay anh vẫn yêu em, người duy nhất anh yêu trong suốt cả đời anh và không bao giờ quên được… Nhưng bận quá, em ạ… Chả mấy khi chúng mình gặp được nhau… Em vui lòng bỏ quá cho mọi điều sơ suất của anh… Mọi điều anh ăn ở không phải đạo với em từ ngày em qua đời…
Đầu trần, lưng gù gù như ông lão, anh đứng đó hồi lâu không nhúc nhích, như lắng tai đợi một câu trả lời. Gió ấm phả vào mặt anh, lác đác rắc những hạt mưa âm ấm… Bên kia sông Đông, những ánh chớp nguồn bừng lên sáng rực, và đôi mắt nghiêm nghị và buồn buồn của Anđrây giờ đây không còn nhìn xuống nữa, không còn nhìn ngôi mộ thân yêu bốn bề sụt lở nữa, mà nhìn ra xa xa, phía chân trời mịt mùng kia, nơi một nửa bầu trời vừa mới bừng lên ánh bình minh đỏ rực; nơi đang có cơn dông cuối cùng trong năm nay, cơn dông hùng vĩ và sôi sùng sục như giữa những ngày hè nóng nực, lay tỉnh thiên nhiên đang thiêm thiếp ngủ.
1932 – 1959
HẾT
Nguồn: http://tusach.mobi/