15/3/13

Đất vỡ hoang (TII-C24-25)

Tập II - Chương 24

Hôm sau, còn lâu mới sáng, Đavưđốp đã đánh thức bác Suka nằm ngủ trong kho cỏ dậy, giúp bác thắng ngựa vào xe, rồi cho đánh xe đến nhà bà Kharlamôva. Qua cánh cửa khép không kín, anh thấy trong bếp có ánh đèn.
Bà Kharlamôva đang làm bếp; lũ trẻ đang ngủ, nằm ngang chiếc giường gỗ rộng, còn Varia thì quần áo đã chỉnh tề sẵn sàng lên đường, đang ngồi trên tấm ghế dài, và lúc này ngồi trong nhà mẹ đẻ, nom cô đã như không phải người nhà mà như khách đảo qua chơi.
Cô đón Đavưđốp với nụ cười đầy hạnh phúc và biết ơn:
- Em sẵn sàng từ lâu rồi, anh chủ tịch ạ, em đang đợi anh đây.
Bà cụ chào Đavưđốp, rồi thêm vào lời con gái:
- Gà gáy lần đầu nó đã dậy sắm sửa rồi đấy. Cứ háo hức như đứa trẻ con! Gì chứ về cái ngố rừng của cô ấy thì khỏi nói!... Bữa sắp được rồi đây. Vào đi, đồng chí Đavưđốp, ngồi chơi tí.
Ba bà con ăn vội ăn vàng món xúp bắp cải nấu từ hôm qua cùng mấy củ khoai tây rán, rồi uống sữa. Xong bữa, Đavưđốp đứng dậy, cám ơn bà chủ nhà, và nói:
- Nào, đi thôi. Varia từ biệt mẹ đi, nhưng phiên phiến thôi nhá. Chả việc gì phải mưa sướt mướt, có phải đi đời đi kiếp đâu. Có dịp lên khu, con sẽ đưa mẹ lên thăm con gái… Con ra xem qua lại ngựa. – Ra đến cửa, anh quay lại hỏi Varia: - Em có mang cái áo ấm nào đi không đấy?
Varia đáp, có ý ngượng ngập:
- Em có cái áo cánh bông, nhưng cũ lắm rồi…
- Cũ cũng được, đi dạ hội đâu mà diện, thực tế thế…
Một giờ sau họ đã khuất làng một quãng xa, Đavưđốp ngồi bên phải bác Suka, còn Varia thì ngồi bên trái. Thỉnh thoảng cô lại luồn tay qua lưng bác Suka, khẽ nắm lấy tay Đavưđốp một lát rồi lại thả mình nghĩ miên man. Trong cuộc đời con gái ngắn ngủi của cô, cô chưa xa làng lâu lần nào, mới chỉ có vài lần lên phố huyện, chưa trông thấy xe hỏa bao giờ, cho nên lần đầu tiên đi lên một thị trấn lớn, cô vừa hồi hộp phấn khởi, vừa bồn chồn lo lắng. Phải xa nhà, xa bạn dẫu sao cũng buồn, và chốc chốc mắt cô lại rơm rớm.
Qua phà sông Đông xong, trong lúc đôi ngựa bước một leo lên ngọn gò bên bờ sông, Đavưđốp nhảy xuống xe, vòng sang phía Varia ngồi, lững thững đi bộ bên xe. Đôi ủng anh bước quệt rụng những hạt sương bám hằng hà sa số trên những bụi ngải cứu thấp lè tè mọc bên đường, những hạt sương trong khi mặt trời chưa mọc nom vẫn còn nhợt nhạt, chưa long lanh đủ ngũ sắc cầu vồng như khi có những tia nắng đầu tiên rọi xuống. Chốc chốc anh lại nhìn Varia, mỉm cười động viên cô, nói:
- Kìa, Varia, tạnh mưa đi thôi chứ!
Hoặc: “Bêu! Con gái lớn tướng mà còn nhè!”.
Và Varia đang nước mắt ngắn nước mắt dài lại ngoan ngoãn kéo góc khăn vuông xanh lau đôi gò má ướt, thì thào câu gì nghe chẳng rõ, và bẽn lẽn mỉm cười với anh một nụ cười ngoan ngoãn.
Sương mù dày đặc trên vùng đồi núi đá vôi nhấp nhô của miền sông Đông này, và đỉnh ngọn gò còn bị mù che kín.
Vào cái giờ sớm tinh mơ này, kể cả cây mã đề thảo nguyên lẫn những cành nặng trĩu hoa vàng của cây kim hoa và lúa mọc từ chân gò ra sát tận đường đều chưa tỏa hương ban ngày của chúng. Ngay cả cây ngửi cứu thơm hắc như thế mà cũng không còn mùi gì nữa – mọi mùi hương đều đã bị sương nuốt chửng, một thứ sương đầm đìa ngọn cỏ, lá lúa, tưởng đâu như vừa mới có một trận mưa tháng bảy đổ xuống nơi đây. Cho nên vào cái lúc ban mai thanh bình phẳng lặng này, ngự trị toàn quyền trên thảo nguyên chỉ có hai mùi hương giản dị: của sương và của bụi đường thấm sương bết dí xuống.
Bác Suka, mặc chiếc áo mưa vải sơn cũ chẽn một thắt lưng vải đỏ còn cũ kỹ hơn, ngồi xo ro lạnh, và trái với lệ thường của bác, hồi lâu bác chẳng nói chẳng rằng, chỉ vung roi đen đét và huýt miệng giục đôi ngựa chẳng cần bác giục cũng đang chạy hăm hở rồi.
Nhưng mặt trời mọc lên thì bác như hồi tỉnh, và hỏi:
- Anh Xêmiôn ạ, làng xóm người ta tán là anh định lấy con bé Varia này đấy. Có đúng vậy không?
- Đúng đấy, bác ạ.
- Chậc, cái việc lấy vợ lấy chồng là việc chả chạy đâu cho thoát, sớm muộn rồi cũng phải lấy thôi, nghĩa là lão nói về giới đàn ông ta, - ông lão nói bằng một giọng triết lý cao siêu. – Mồ ma các cụ cố nhà lão cũng lấy vợ cho lão từ khi lão mới nứt mắt mười tám tuổi. Mà lão thì ngay từ hồi ấy cũng đã ranh kinh lắm cơ và đã hiểu cái trò lấy vợ lấy chồng là cái trò con tườu rồi… Thế cho nên lão mới vùng vẫy dãy dụa loạn lên nhá! Lão biết quá rõ lấy vợ chẳng phải là ngọt bùi gì đâu. Anh Xêmiôn ạ, thôi thì lão đã giả vờ đủ cách! Giả vờ điên này, giả vờ ốm này, giả vờ động kinh này. Để chữa cho lão bệnh điên, ông cụ lão, bình sinh là người già đòn non lẽ, đã lấy roi quật cho lão hai giờ đồng hồ liền, khi cái roi gãy đôi trên lưng lão mới thôi. Chữa bệnh động kinh thì cụ quất bằng dây cương ngựa. Còn khi lão giả vờ ốm thì thoạt tiên cụ quát thiên quát địa, bảo là ruột gan tim mề lão thối hết cả rồi, sau đó cụ chẳng nói chẳng rằng đi ra vác cái càng xe trượt tuyết vào. Nghĩa là cụ đã vào nhà kho, phá tan tành cái xe trượt tuyết để lấy độc chiếc càng mà chẳng biết xót ruột, cái cụ quỷ ấy! Đấy, mồ ma cụ tính như thế đấy, cầu Chúa cứu vớt linh hồn cụ! Cụ vác cái càng xe vào bảo lão, ngọt cứ như mía lùi: “Con ơi, con ngồi dậy, thày chữa cho con khỏi bệnh ngay đây…”. Lão nghĩ bụng: ối, cái càng xe cụ còn bẻ ngoéo đi không biết xót ruột thì cụ còn xót ruột gì mà không bẻ ngoéo cái cẳng của mình đi bằng lối chữa bệnh ấy của cụ. Cái càng xe trong tay cụ đâu phải chuyện bỡn. Hơn nữa ông cụ lão đôi lúc cũng hâm hâm, ngay từ hồi còn bé tẹo lão cũng đã thấy cái tật ấy của cụ rồi… Thế là lão nhảy phốc ngay trên giường xuống, cứ như có ai vẩy nước sôi vào đít vậy. và lão xin là lấy vợ. Phải ông bố lẩm cẩm thế thì lão cũng phải đành thế thôi chứ biết làm thế nào? Và từ đó cái đời lão nó rối tinh rối mù, nó khập khà khập khiễng, nó lộn tùng phèo, không ra thế nào! Nếu như bây giờ bà nhà lão nặng tròn tám pút thì hồi mười chín bà ấy cũng phải được là… - bác Suka ngẩng đầu lên, trầm ngâm nhai móm mém, rồi khẳng định dứt khoát: - ít ra là mười lăm pút, lão nói điêu lão chết!
Đavưđốp cười tưởng chết sặc, nói không ra hơi:
- Thế có nhiều quá không?
Bác Suka vặn lại anh một cách rất chí lý:
-Đối với anh thì có can hệ gì? Thêm một pút hay bớt một pút, đối với anh thì có gì là khác nhau nhỉ? Vì anh đâu có phải giơ lưng ra chịu những trận đòn của bà ấy, mà là lão đây cơ! Mẹ kiếp, chứ đa mang vợ vào, đời lão thật nhục như con chó, đến cái nước muốn treo cổ lên ấy chứ! Nhưng bà ấy đã vớ phải một tay chẳng vừa! Lão mà điên lên là lão liều! Mà lão liều là lão nghĩ bụng: bà cứ treo cổ trước đi, tôi sẽ treo sau…
Bác Suka vui vẻ ngó ngoáy đầu, cười khúc khích, vẻ như đang chìm đắm trong những ký ức linh tinh đủ các loại, và thấy chuyện mình nói được chăm chú nghe, bác cũng sẵn lòng kể tiếp:
- Chà, các đồng bào thân mến… và mày, Varia ạ! Hồi trẻ, lão và bà nhà lão yêu nhau ác liệt lắm nhá! Lão xin hỏi: tại sao lại bảo là ác liệt? Tại là vì suốt đời lão cái tình yêu ấy độc đưa vợ chồng lão đến những chuyện hung ác thôi, mà ác liệt và hung ác thì cũng chỉ là một, lão đã đọc trong quyển tờ điển dày cộp của anh Maka thấy nói như vậy.
Có những lần nửa đêm thức giấc, lão thấy bà ấy lần thì khóc rưng rức, lần thì cười, lão nghĩ bụng: “Cứ khóc đi, mình bé bỏng của tôi ơi, nước mắt đàn bà là những giọt sương rơi của Chúa, đời tôi sống với cô cũng chẳng phải ngọt bùi gì, nhưng tôi đâu có thèm khóc!”.
Và vợ chồng lão lấy nhau được năm năm thì xảy ra một chuyện như thế này: anh hàng xóm nhà lão tên là Pôlikarpơ đi lính cận vệ ở trung đoàn Atamanxki giải ngũ về. Thằng ma tịt ấy đi lính học được cái lối vuốt ria, và về nhà nó giở luôn cái trò vuốt ria ấy với vợ lão. Một buổi tối lão thấy nó cùng bà nhà lão đứng với nhau bên hàng giậu, nó một bên, bà nhà lão một bên. Lão cứ đi vào nhà, làm như đui mù, không trông thấy gì. Tối hôm sau lại vẫn thế. Lão nghĩ bụng: chà, cái trò bố láo đây! Ngày thứ ba lão cố tình vắng nhà tối mịt mới về: lại đứng thế! Quá thể lắm! Phải làm cái gì chứ nhỉ! Lão sáng kiến ra ngay: lão lấy một quả gang nặng ba phuntơ bọc vào trong cái khăn mặt, đi đất rón rén đến sau lưng thằng Pôlikarpơ, không để cho nó nghe thấy, rồi giữa lúc nó đang vuốt ria, lão choang cho nó một quả thật lực vào gáy. Nó quay cu lơ ra nằm thẳng cẳng dưới chân hàng giậu như một khúc gỗ.
Vài hôm sau thì lão lại gặp nó. Cu cậu đầu băng bó, cay cú bảo lão: “Bố tiên sư khỉ, mày oánh thế thì chết ông chứ còn gì!”. Lão liền bảo nó: “Cái thằng nằm quay cu lơ dưới chân hàng rào và cái thằng đứng hai chân đàng hoàng, trong hai thằng ấy chưa biết thằng nào khỉ”.
Từ hôm đó hai anh chị tịt hẳn cái trò đứng hàng rào, cứ như có phép tiên vậy. Có điều là chỉ ít lâu sau bà nhà lão học đâu được cái lối ban đêm cứ nghiến răng ken két. Một đêm, nghe thấy bà ấy nghiến răng lão giật mình choàng dậy, hỏi: “Mình bé bỏng của tôi đau răng hay sao đấy?!” Bà ấy đáp: “Mặc xác người ta, đồ khỉ!”. Lão nằm xuống, nghĩ bụng: “Cái người nghiến răng ken két và cái người ngủ say tít thò lò như thằng cu ngủ trong nôi, trong hai người ấy chưa biết ai khỉ!”.
Sợ chạm tự ái ông lão, Đavưđốp và Varia cứ ngồi im thin thít. Varia lẳng lặng cười, người rung lên bần bật, còn Đavưđốp thì quay đi, hai tay ôm mặt và không hiểu sao, cứ ho sặc sụa từng cơn. Bác Suka chẳng để ý gì, cao hứng kể tiếp:
- Đấy, yêu nhau ác liệt thì đôi lúc nó như thế đấy! Tóm lại là những cuộc lấy vợ lấy chồng hiếm khi đưa đến cái gì tốt đẹp, ấy là nói theo cái kinh nghiệm già đời của lão. Hoặc lấy xí dụ như trường hợp này: ngày xưa làng ta có một anh giáo trẻ. Anh ta có một cô vợ chưa cưới con một nhà buôn, cũng dân làng này. Cái anh giáo ấy rất chi là bảnh bao, rất chi là đẹp, ấy là lão nói về cách ăn mặc của anh ta, nom cứ như một chú gà sống choai, và chẳng cuốc bộ bao giờ, toàn đi xe đạp. Hồi ấy mới có xe đạp. Nếu như đối với bàn dân thiên hạ trong làng, cái xe đạp đầu tiên ấy đã là một của lạ thì đối với lũ chó lại càng khỏi phải nói. Anh giáo cứ ló mặt ra phố, hai bánh xe đạp sáng choang, là y như rằng bọn chó khốn kiếp kia làm cứ như điên như dại. Thế là để thoát khỏi bọn chó, anh ta cúi rạp người xuống xe mà phóng, hai chân đạp nhắng lên, nhanh đến nỗi không còn trông thấy cái gì nữa. Số chó con bị anh ta đè thì không biết bao nhiêu mà kể, nhưng phải nói là anh ta cũng khốn khổ khốn nạn với chúng nó!
Rồi một buổi sáng lão đi ra thảo nguyên tìm con ngựa cái. Lúc tắt qua quảng trường lão gặp ngay một đám cưới chó. Một ả chó cái chạy đầu, theo đuôi nó là cả một dây chó đực ít ra cũng ba chục con. Mà hồi ấy, mả mẹ cái dân làng ta, họ nuôi sao mà lắm chó thế! Con nào cũng dữ như cọp, và to không kém gì con bê. Chả là để chúng canh kho, canh hòm xiểng cho họ mà. Nhưng thế thì được cái tích sự gì? Chẳng được gì, chiến tranh đã làm cho họ còn có cái chết tiệt gì trong kho mà canh… Thế là cái đám cưới chó ấy, nó tiến về phía lão. Lão là người không đến nỗi đần độn cho nên lão quẳng luôn cái cương đi, và tót một cái lão đã leo lên đỉnh cột giây thép, nhanh như con mèo hạng chúa, lấy chân quặp lấy cột điện, ngồi đó nhìn. Vừa lúc đó thì anh chàng giáo học ở đâu đâm bổ ra, ngồi ngay đơ trên xe đạp với hai bánh và ghi đông sáng loáng. Chúng liền vây lấy anh ta. Anh ta quẳng xe, đứng giậm chân tại chỗ. Lão quát bảo anh ta: “Này, cái anh ngớ ngẩn kia, leo lên cột này mau lên, không chúng xé xác ra bây giờ!”. Khốn nạn cho anh ta, anh ta trèo lên, nhưng hơi muộn mất một tí: anh ta vừa túm lấy cái cột thì trong nháy mắt chúng đã lôi tuột của anh ta mất cái quần phăng mới toanh và cái áo đuôi tôm đại lễ có khuy đồng vàng chóe và tất cả bộ đồ lót. Và mấy con dữ nhất hình như đã ngoạm cả vào thịt ở cái chỗ kín nào đó của anh ta.
Chúng lấy anh ta làm trò mua vui chán chê rồi kéo nhau đi cái công việc cẩu trệ của chúng. Còn anh ta thì ở lại trên cột giây thép, may mắn còn giữ được trên người cái mũ kêpi có phù hiệu, nhưng đã gãy mất lưỡi trai trong lúc trèo vội.
Lão với anh ta ở trên chỗ trú ẩn ấy tụt xuống, anh ta xuống trước, lão xuống sau, vì lão leo cao lên tận gần chỗ các bình sứ mắc giây thép. Hai người nối đuôi nhau tụt xuống, anh ta nghĩa là trần như nhộng, còn lão thì mặc độc cái áo sơmi và cái quần vải gai. Anh ta đề nghị lão: “Chú ơi, chú cho cháu mượn tạm cái quần, nửa giờ cháu trả”. Lão bảo: “Anh bạn ơi, tôi cho anh mượn thế nào được, vì tôi không mặc quần lót. Anh lên xe anh đi, còn tôi giơ mông ra quay đèn cù quanh cái cột này giữa ban ngày ban mặt hay sao? Tôi có thể cho anh mượn tạm cái áo sơmi, còn quần thì xin lỗi anh, không được đâu”. Anh ta xỏ chân vào ống tay áo, lấy áo làm quần, khẽ đặt chân nọ lên trước chân kia mà nhích dần từng bước một. Lẽ ra thì anh ta phải ba chân bốn cẳng mà chạy thì mới phải, nhưng chân cẳng anh ta bị bó lại như ngựa bị tròng chân thế thì chạy sao được? Rồi cái cô con gái lão nhà buôn, là vợ chưa cưới của anh ta, đã trông thấy anh ta diện cái áo sơmi của lão như vậy… Và ngay hôm đó cuộc tình duyên của hai anh chị cũng chấm dứt luôn. Anh chàng vội vàng xin chuyển sang trường khác, phần vì xấu hổ, phần vì có ba hồn bảy vía thì bị chó làm cho mất sạch, phần vì bị vợ chưa cưới bỏ và cuộc tình duyên bị tan ra mây khói, anh chàng đã bị bệnh lao tẩu mã mà chết. Nhưng lão thì lão cho rằng anh ta chết vì sợ và xấu hổ thôi. Đấy, xem đấy thì biết cái chuyện yêu đương đáng nguyền rủa ấy dẫn người ta đến đâu, ấy là chưa nói đến những đám thành vợ thành chồng. Cho nên tội nghiệp anh, anh Xêmiôn ạ, anh nên suy đi nghĩ lại trăm lần cho kỹ đi đã rồi hãy lấy Varia. Giống đàn bà là đều ở cùng một lò ra cả, và chẳng phải vô cớ mà anh Maka với lão đều căm ghét họ.
- Được rồi, bác ạ, tôi sẽ nghĩ thêm, - Đavưđốp hứa, và lợi dụng lúc bác Suka châm thuốc lá, anh kéo vội Varia vào lòng, hôn lên thái dương cô, đúng cái chỗ có mớ tóc tơ đang lất phất trước gió.
Mệt vì kể chuyện và có thể là vì những ký ức gợi lại, chả mấy chốc bác Suka đã bắt đầu thiu thiu. Đavưđốp đỡ lấy dây cương ngựa từ bàn tay đã đờ đẫn của bác. Rũ ra vì buồn ngủ, bác lẩm bẩm:
- Lão cám ơn. Anh đánh ngựa hộ, để lão thiếp đi độ một tiếng. cái tuổi già đến là khổ! Cứ nắng lên một tí là buồn ngủ díp mắt… và mùa đông, càng rét lại càng buồn ngủ, có khi ngủ quên mà chết cóng cũng chưa biết chừng.
Loắt choắt và gầy guộc, bác nằm sóng soài giữa Varia và Đavưđốp, nom như cái roi ngựa vứt trên ghế, và chỉ lát sau đã ngáy o o như cây sáo diều.
Và thảo nguyên được ánh nắng mặt trời sưởi ấm lúc này đã tỏa ra tất cả các loại hương của muôn loài cây cỏ, quyện lẫn mùi cỏ khô với mùi bụi đường hâm hấp, và xa xa, đường chân trời chìm trong quầng ánh sáng đang mờ mờ hiện lên xanh ngát. Varia đưa mắt hau háu nhìn quanh, ngắm cảnh thảo nguyên xa lạ vùng bên kia sông Đông, xa lạ nhưng cũng lại vô cùng thân thiết.
* * *
Xẩm tối thì họ vượt được hơn một trăm cây số, và dừng xe lại nghỉ đêm ở chân một đống cỏ. Bữa tối là mấy thứ đồ ăn thức uống đạm bạc ở nhà mang đi; ăn tối xong, họ ngồi nghỉ một lúc bên xe ngựa, lẳng lặng nhìn trời sao. Đavưđốp nói:
- Mai ta lại phải dậy sớm đấy, liệu thu xếp chỗ ngủ đi thôi. Em Varia ạ, em lên xe nằm, lấy cái áo của anh mà đắp, còn hai bác cháu ta thì nằm dưới đống cỏ này.
- Quyết định rất chi là đúng, anh Xêmiôn ạ, - bác Suka vui vẻ hoan nghêng, rất hài lòng được ngủ chung với Đavưđốp.
Chả cần giấu rằng ông lão rất sợ phải ngủ một mình ở giữa nơi đồng đất xa lạ vắng tanh vắng ngắt này.
Đavưđốp nằm ngửa, hai tay vắt sau gáy, nhìn bầu trời xanh bàng bạc, thở dài một cái, rồi bất giác thấy mình mỉm cười bâng quơ.
Chỉ đến nửa đêm mặt đất ban ngày bị nắng thiêu mới nguội hẳn và trời mới thực mát mẻ. Dưới khe lũng, đâu đó, gần đây thôi, ắt hẳn phải có một cái hồ hoặc đầm lầy thảo nguyên gì đó, vì nghe thoang thoảng có mùi bùn, mùi cói. Một con cun cút kêu lên rất gần. Ếch nhái ộp oạp cất lên vài tiếng do dự. Một con cú mèo non nào ngái ngủ hú lên trong đêm khuya…
Đavưđốp vừa thiếp đi thì có một con chuột chạy sột soạt trong cỏ. Bác Suka nhảy chồm dậy nhanh như cắt lay Đavưđốp:
- Xêmiôn, anh nghe thấy gì không?! Chọn cái chỗ mả mẹ gì mà lạ thế này! Đống cỏ nhung nhúc những rắn. Anh nghe thấy không, đấy, cái giống khốn kiếp ấy nó đang bò sột soạt đấy! Rồi lại cú kêu, cứ y như ở nghĩa địa vậy… ta ra chỗ khác thôi, chỗ này đầy tử khí!
- Ngủ đi, đừng tưởng tượng nữa, - Đavưđốp ngái ngủ đáp.
Bác Suka lại nằm xuống và trằn trọc mãi. Bác nằm đắp chiếc áo mưa trùm kín đầu và dắt kỹ mép áo xuống xung quanh người, miệng lẩm bẩm:
- Lão đã bảo đem cái xe tải đi, nhưng anh cứ nằng nặc đòi mang cái xe con này đi để vấy cơ. Bây giờ mới sướng nhá! Mang cái xe tải đi thì đã có phải là chất được đầy xe toàn loại rơm tốt của nhà, đi cũng yên trí, và bây giờ cũng được ngủ cả ba người trên xe, chứ đâu đến nỗi phải chui rúc trong đống cỏ xa lạ như con chó hoang thế này. Varia nhà anh ngủ đàng hoàng trên xe, như cô tiểu thư ấy, còn chúng mình thì trên đầu sột soạt, hai bên sườn sột soạt, dưới chân cũng sột soạt, có ma biết con gì nó đang sột soạt? Được, anh cứ ngủ đi, cho con rắn nó bò vào, đớp cho anh một cái vào chỗ kín, rồi anh hết đường lấy vợ! Cái giống khốn nạn ấy nó mổ anh vào chỗ nào là chỗ ấy thối thịt ra mà chết ấy chứ. Đến lúc ấy thì cô Varia nhà anh sẽ đổ ra hàng thùng nước mắt, và như thế thì được cái tích sự gì nhỉ?... Lão thì chả con rắn nào cắn làm gì, lão già rồi, thịt dai, toàn những gân, hơn nữa lão lại sặc mùi dê đực, vì con Tơrôphim hay rúc vào bên lão mà ngủ ở trong kho cỏ, mà rắn thì nó kỵ mùi dê. Rõ ràng là nó sẽ cắn anh, chứ không cắn lão đâu… Nào, ta ra chỗ khác nằm đi!
Đavưđốp bực mình nói:
- Cái bố này hôm nay sao rắc rối thế? Nửa đêm thế này đi đâu?
Bác Suka buồn bã đáp:
- Anh đưa lão đến chỗ chết… Biết thế này thì lão đã vĩnh biệt bà nhà lão, chứ ai lại bỏ đi cứ như chưa hề là vợ là chồng với nhau bao giờ vậy. Anh Xêmiôn ơi, thế anh cứ nhất định không đổi chỗ à?
- Không. Ông ngủ đi.
Bác Suka thở dài đánh thượt một cái, làm dấu phép, rồi nói:
- Ngủ được thì đã sướng quá, anh Xêmiôn ạ, nhưng sợ xanh mắt thì ngủ sao được. Hết nghe thấy tim mình đập thình thịch lại đến cái con cú khốn kiếp kia nó hú, ồi, sao nó không câm cái họng nó đi…
Những lời ca cẩm nói bằng giọng đều đều của bác Suka đã ru Đavưđốp thiếp đi ngủ say như chết.
Trời hửng sáng thì anh thức giấc. Bên anh, Varia đang ngồi tựa vào đống cỏ, hai chân thu lại, và tay đang vuốt lại những mớ tóc rối lòa xòa trên trán anh. Và cái vuốt ve của những ngón tay con gái ấy nó nhẹ và dịu êm đến nỗi Đavưđốp đã tỉnh dậy rồi mà hầu như cũng không cảm thấy.
Còn ở trên xe thì bác Suka, nằm vào chỗ Varia và mình đắp chiếc áo bành tô của Đavưđốp, đang ngủ say tít cung mây.
Varia hồng hào như buổi rạng đông này, nhỏ nhẻ nói:
- Em đã chạy ra đầm rửa mặt rồi. Anh đánh thức ông cụ dậy, ta đi thôi! – Cô khẽ áp đôi môi lên lên cái má lởm chởm râu ria của Đavưđốp rồi nhẹ nhàng bật đứng dậy. – Anh đi rửa mặt đi chứ, anh Xêmiôn? Em chỉ đường cho.
Đavưđốp đáp, giọng khê nặc:
- Đi rửa mặt bây giờ thì muộn quá, Varia , anh rửa dọc đường vậy. Con chuột đồng già kia đánh thức em dậy đã lâu chưa?
- Bác ấy có đánh thức em đâu. Tang tảng sáng em thức dậy thì thấy bác ấy đang ngồi bó gối hút thuốc cạnh anh. Em hỏi: “Bác không ngủ à?”. Bác ấy trả lời: “Cả đêm qua lão không ngủ cô em ạ, quanh đây toàn những rắn. Cô đi dạo chơi thảo nguyên một vòng, để lão nằm vào chỗ cô chợp đi độ tiếng đồng hồ, ngủ cho yên”. Thế là em dậy, đi ra đầm rửa mặt.
Buổi sáng hôm ấy, họ đã đến Milêrôvô. Đavưđốp vào trụ sở khu ủy độ nửa tiếng, rồi quay ra, vẻ phấn khởi, mỉm cười nói:
- Đồng chí bí thư đã giải quyết mọi việc cho ta theo đúng tác phong của một khu ủy, nghĩa là nhanh, gọn: chị em trong chi đoàn Kômxômôn cơ quan khu ủy sẽ đỡ đầu em đấy, em Hẩm hiu ạ. Và ta đi ngay bây giờ đến trường canh nông, anh sẽ đưa em vào nhận chỗ ăn ở. Đã thương lượng và thống nhất với đồng chí hiệu phó rồi. Từ nay cho đến ngày thi vào trường, anh em giáo viên sẽ bổ túc cho em, để đến sang thu là em đã được trang bị đến tận răng, thực tế thế! Chị em trên khu sẽ xuống thăm em, anh đã thảo luận với họ qua giây nói. – Theo thói quen, Đavưđốp xoa xoa mạnh hai bàn tay, hỏi: - Varia ạ, em có biết họ cử ai về chỗ ta làm bí thư chi đoàn Kômxômôn không? Em có ngờ được là ai không? Ivan Naiđênốp, cái anh chàng đội tuyên truyền về ta hồi mùa đông ấy mà! Một thằng cha rất năng nổ, hắn về thì anh mừng ghê lắm. Công tác chi đoàn của ta sẽ chạy băng băng, anh nói chắc chắn với em như vậy!
Hai giờ sau thì cả ở trường canh nông mọi việc cũng được thu xếp xong ổn thỏa. Phút chia tay đã đến. Đavưđốp nói bằng giọng cứng cỏi:
- Chào em Varia Hẩm hiu của anh! Đừng buồn, em hãy học cho tốt. Vắng em, ở nhà cũng chẳng xảy ra chuyện gì đâu.
Và lần đầu tiên anh hôn lên môi Varia. Rồi theo hành lang đi ra. Tới cửa, anh nhìn ngoái lại thì bỗng một niềm thương hại da diết làm lòng anh thắt lại, đến nỗi anh cảm thấy lớp ván sàn gồ ghề hình như tròng trành dưới chân anh, như mặt boong tàu: Varia đang đứng tì trán vào tường, hai tay ôm mặt, tấm khăn vuông xanh lơ tuột sã, sao mà đau khổ, cái đau khổ không còn trẻ dại nữa; Đavưđốp chỉ còn biết kêu lên một tiếng cắm cổ bước vội ra ngoài.
Rời làng ra đi, đến cuối ngày thứ ba thì anh trở về Grêmiatsi Lốc.
Khuya rồi mà Nagunốp và Radơmiốtnốp vẫn còn ngồi ở ban quản trị đợi anh. Nagunốp lầm lầm bắt tay anh, và cũng lầm lầm như thế, nói:
- Xêmiôn ạ, mấy hôm nay cậu làm gì mà mất mặt suốt: lên huyện chán rồi lại lên khu… Có việc gì quan trọng thế mà phải đi Milêrôvô?
- Khi nào cần mình sẽ báo cáo. Ở nhà có gì mới không?
Radơmiốtnốp không đáp, mà lại hỏi:
- Dọc đường cậu có để ý xem lúa không? Trên ấy đã chín chưa?
- Đại mạch có đám gặt được rồi, nhưng cũng còn chín lỏi, lúa mạch đen cũng vậy. Nhưng theo mình thì mạch đen có thể gặt đại trà được rồi, nhưng không hiểu sao các ông hàng xóm của ta vẫn lề mề.
Radơmiốtnốp như nói một mình:
- Thế thì ta cũng chẳng đi đâu mà vội. Nắng ráo thì xanh một tí cũng gặt được, nó sẽ chín tiếp khi còn để lại trên ruộng. Nhưng ngộ mưa thì sao? Mưa thì hỏng bét.
Nagunốp đồng ý với anh:
- Đợi ba ngày thì cũng được thôi, nhưng hết ba ngày thì liệu lăn xả vào mà gặt, bằng cả tay cả răng, không thì huyện ủy sẽ ăn thịt cậu đấy, Xêmiôn ạ Còn mình và Anđrây thì họ băm chả làm đồ nhắm… Nhân tiện, mình cũng có tin mới bảo các cậu: mình có một anh bạn đồng ngũ hiện công tác ở nông trang quốc doanh, và hôm qua mình đã đến thăm hắn. Từ lâu rồi hắn cứ mời mình đến chơi, nhưng chả lúc nào đi được. Hôm qua mình mới quyết. Mình nghĩ bụng: ta đến chơi hắn một hôm, vừa là thăm bạn, vừa là nhân thể xem cái máy cày nó thế nào. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa được thấy bao giờ, nên cũng tò mò muốn thấy! Họ đang cày đất hưu canh và ngày hôm ấy mình cứ lang thang ngoài đồng suốt. Chà, cái máy kéo Phorđxơn ấy, phải nói là hay ra phết, các cậu ạ! Đất hưu canh thì có cày nhanh như ngựa chạy nước kiệu ấy. Nhưng đất hoang ở chỗ vòng thì khổ thân nó, nó không đủ sức. Nó chồm lên như một con ngựa chưa thuần gặp chướng ngại vật. Nó dựng đứng lên một lúc, rồi lại buông phịch bánh xuống đất, vòng trở lại đi cày đất hưu canh, chứ đất hoang thì nó chịu… Nhưng nông trang ta có được đôi ngựa ấy thì dẫu sao vẫn cứ hay, mình nghĩ như thế và lúc nào đầu óc cũng lởn vởn cái ý nghĩ ấy. Một cơ sở sản xuất thì rất nên có cái của ấy! Mình mê mải với nó, chẳng còn lúc nào ngồi uống với ông bạn cốc rượu. Mình ở cánh đồng của họ về thẳng nhà.
- Nhưng cậu định đi tham quan Trạm máy kéo Martưnốpxkaia cơ mà? – Radơmiốtnốp hỏi.
- Trạm máy kéo với nông trang thì có gì khác nhau? Đâu thì cũng vẫn là cái máy cày ấy. Hơn nữa lại xa, mà mùa màng thì đến đít rồi.
Radơmiốtnốp nheo nheo mắt ranh mãnh:
- Thú thật là mình đã nghi oan cho cậu, Maka ạ, mình cứ tưởng cậu đi Martưnốpxkaia rồi tạt qua Sakhơtư thăm Luska…
- Mình đấm thèm vào! – Nagunốp nói dứt khoát. – Nếu là cậu thì chắc cậu đi đấy, mình đi guốc vào bụng cậu!
Radơmiốtnốp thở dài:
- Cô ấy mà là vợ cũ của mình, thì không những nhất định mình đến thăm mà còn ở lỳ với cô ta ít ra là một tuần lễ! – Rồi nói tiếp, bây giờ thì bằng giọng khôi hài: - Mình đâu phải loại anh hùng rơm như cậu!
- Mình đi guốc vào bụng cậu, - Nagunốp nhắc lại. Rồi ngẫm nghĩ một tí, anh nói tiếp: - Còn mình thì đâu phải loại lẵng nhẵng bám đít đàn bà như cậu, đồ quỷ mê gái!
Radơmiốtnốp nhún vai:
- Mình đã sống cảnh góa vợ mười ba năm nay. Cậu còn muốn gì mình nữa?
- Thế cho nên cậu mới lẵng nhẵng bám đít đàn bà chứ gì!
Sau một phút im lặng, Radơmiốtnốp nói nhỏ, và bây giờ thì bằng một giọng hoàn toàn đứng đắn:
- Mà có lẽ trong mười hai năm nay mình vẫn yêu một người, cậu không biết à?
- Cậu ấy ư? Còn lâu mình mới tin cậu!
- Chỉ một người thôi.
- Hay lại là Maria Poiarkôva?
- Là ai thì không việc gì đến cậu, và cậu cũng đừng nhảy chồm chồm vào đời tư người khác! Có thể là bữa nào say bí tỉ mình sẽ kể cậu biết ai là người mình đã yêu và đến bây giờ vẫn đang yêu, nhưng… Maka ạ, cậu là người lạnh như băng giá, chả hơi đâu mà tâm sự với cậu. Cậu đẻ vào tháng nào nhỉ?
- Tháng Chạp.
- Mình cũng đoán như vậy. Chắc là một hôm ra cái lỗ cuốc trên mặt băng lấy nước, bà cụ đã đẻ rơi cậu ngay trên mặt băng, vì thế cho nên suốt đời cậu lúc nào cậu cũng toát ra hơi băng. Vậy thì tâm sự với cậu làm gì cho hoài hơi?
- Còn cậu thì đẻ ra trên miệng hỏa lò đang cháy phải không?
Radơmiốtnốp nhận luôn:
- Có vẻ thế lắm! Vì vậy lúc nào mình cũng toát ra hơi ấm, như những hôm gió hanh nóng. Còn cậu thì khác.
Nagunốp ngán ngẩm nói:
- Chuyện chán bỏ mẹ! Xin đủ cái chuyện gái ấy thôi, thà để thời giờ mà bàn chuyện phân công ai xuống đội nào để đôn đốc chuẩn bị cho vụ gặt.
Radơmiốtnốp phản đối:
- Không được, chuyện đang nói dở thì cứ nói nốt, còn việc ai xuống đội nào thì thiếu gì lúc bàn. Maka ạ, chuyện như thế này, cậu thử bình tĩnh phân tích mình nghe: cậu bảo mình là mê gái, nhưng lúc này làm sao lại có thể mê gái được nếu như mình sắp mời cả hai cậu đến dự đám cưới mình?...
- Lại còn đám cưới gì nữa thế nhỉ? – Nagunốp nghiêm khắc hỏi.
- Đám cưới mình lấy vợ chứ còn đám cưới gì! Bà cụ mình già lắm rồi, lo việc nhà không nổi nữa và bắt mình lấy vợ.
- Và cậu nghe bà cụ chứ gì, đồ khỉ già? – Nagunốp không giấu nổi cơn phẫn nộ ghê gớm của mình.
Radơmiốtnốp làm vẻ nhũn như chi chi, đáp:
- Thì mình biết làm thế nào được, hả cậu ơi?
- Đồ ngu khổ khu sở! – Rồi trầm ngâm gãi gãi cuống mũi, Nagunốp kết luận: - Xêmiôn ạ, mình với cậu đến phải thuê chung một gian buồng, ở chung với nhau cho đỡ buồn. Và trước cửa ta sẽ viết: “Dành riêng cho những người không thèm lấy vợ”.
Đavưđốp vội đáp luôn:
- Ý đồ ấy thì không thành rồi, Maka ạ. Mình đã hỏi vợ và chính vì thế mà mình đi Milêrôvô đấy.
Nagunốp đưa con mắt dò xét nhìn hết Đavưđốp lại đến Radơmiốtnốp, cố hiểu xem hai người nói đùa hay nói thực, rồi anh từ từ đứng dậy, hai lỗ mũi nở phồng, thậm chí mặt hơi tái đi vì xúc động.
- Các cậu có hóa dại không đấy thì bảo? Mình hỏi các cậu lần cuối cùng: các cậu nói thế là nói thực hay là định nỡm tôi? – Nhưng chẳng đợi trả lời, anh quyết liệt nhổ toẹt một bãi xuống dưới chân, rồi chẳng chào ai, lừng lững đi ra.

Tập II - Chương 25 

Buồn đến mụ mẫm người, và tinh thần mỗi ngày một sa sút vì cái cảnh ăn không ngồi rồi bắt buộc, Pôlốptxép và Liachépxki vẫn tiếp tục giết thời gian hết ngày này qua đêm khác trong gian phòng xép chật chội nhà Iakốp Lukits.
Thời gian gần đây không hiểu sao các chuyến liên lạc đã thưa hẳn đi, và các lời hứa hẹn tràn đầy hy vọng của tổng hành dinh khởi nghĩa gửi cho chúng trong những phong bì nom sơ sài nhưng niêm phong rất cẩn thận, từ lâu nay đã mất hết tác dụng đối với chúng…
Pôlốptxép xem ra chịu đựng khá hơn cái cảnh tù túng kéo dài thế này, thậm chí bề ngoài y có vẻ lại càng phớt tỉnh. Nhưng Liachépxki thì thỉnh thoảng lại lên cơn, mỗi lần một kiểu khác nhau. Lần thì suốt mấy ngày liền y không nói một câu, cứ ngồi nhìn bức tường trước mặt bằng con mắt mất hết thần sắc. Lần thì y trở nên đặc biệt ba hoa, nói nhiều đến chối tai, không chịu nổi, và những lúc ấy, mặc dầu nóng bức, Pôlốptxép lại lấy chiếc áo burka (*) trùm kín đầu, chốc chốc trong bụng lại sôi lên một ý muốn gần như không nén nổi, ý muốn đứng bật dậy, rút kiếm ra khỏi vỏ, thẳng cánh chém một nhát xuống cái đầu chải chuốt nắn nót của Liachépxki. Rồi một lần, trời vừa đổ tối Liachépxki đã biến đi đâu lúc nào không biết, gần sáng mới mò về, ôm theo một bó hoa tướng ướt đẫm sương.
Suốt đêm hôm ấy Pôlốptxép không chợp được mắt, trong bụng lo sốt vó vì tên đồng đảng mất tăm, tai vểnh lên nghe mỗi lần có tiếng động dù là rất nhỏ từ bên ngoài vọng vào. Liachépxki đi chơi về nom phấn khởi, vui vẻ, toàn thân toát ra cái tươi mát của đêm khuya. Y xách ở ngoài hiên vào một xô nước, thận trọng thả hoa vào đó. Gian phòng bí hơi sực lên hương thơm ngây ngất của những bông hoa pêtunhia (**), hoa thuốc lá, hoa đổng thảo và những hoa gì nữa Pôlốptxép không biết tên, và lúc ấy đã xảy ra một chuyện bất ngờ: Pôlốptxép, viên quan ba kỵ binh lòng gang dạ sắt ấy, sau khi hít mạnh đầy lồng ngực những hương hoa lâu ngày rồi đã quên, bỗng òa khóc… Nằm trên cái giường hôi hám, trong bóng tối trước lúc bình minh, y đưa hai bàn tay nhơm nhớp mồ hôi lên ôm mặt, và khi những cơn nức nở bắt đầu làm y nghẹt thở, y vùng mạnh quay phắt vào tường, cắn chặt răng vào góc gối.
Liachépxki đi chân đất, nhẹ bước đi đi lại lại trên mặt sàn âm ấm của gian phòng xép. Cái phong cách tế nhị lịch thiệp của thuở ngày xưa thức tỉnh lại trong con người y, và y huýt sáo rất nhẹ một khúc nhạc ôperetta, làm ra vẻ như không nghe, không trông thấy gì…
Mười một giờ trưa, choàng tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn nhưng nặng chĩu, Pôlốptxép định mắng cho Liachépxki một trận tàn nhẫn về chuyện tự ý bỏ đi chơi, nhưng lại chỉ nói:
- Phải thay nước trong xô đi… kẻo hoa héo mất.
Liachépxki vui vẻ đáp:
- Xin chấp hành ngay tắp lự.
Y xách vào một bình nước giếng mát lạnh, còn nước ấm trong xô thì đem vẩy sàn.
- Anh lấy hoa này ở đâu thế? – Pôlốptxép hỏi.
Ngượng ngùng vì cơn yếu đuối của mình, xấu hổ vì những giọt nước mắt y đã khóc lúc ban đêm, y quay mặt nhìn đi chỗ khác.
Liachépxki nhún vai:
- Nói “lấy” thì lịch sự quá, ngài Pôlốptxép ạ. Phải nói là “ăn cắp”, nghe chối tai đấy, nhưng đúng hơn. Tôi đang đi tha thẩn quãng trường học thì ngửi thấy đúng mùi thần tiên thơm ngào ngạt, tôi liền vượt hàng rào vào vườn nhà lão giáo Spưn, vặt trụi đi một nửa hai luống hoa đem về để phần nào làm cho cuộc sống khốn nạn của chúng ta đỡ tẻ nhạt. Tôi xin hứa từ nay sẽ cung cấp cho ngài đủ hoa tươi.
- Ấy chớ!
- Tôi nhận thấy ông cũng chưa hoàn toàn mất hết những tính người, - Liachépxki nói nhỏ, giọng ám chỉ, và nhìn Pôlốptxép chòng chọc.
Tên này nín thinh, làm ra vẻ không nghe thấy…
Hai đứa mỗi tên giết thời giờ một cách. Pôlốptxép thì ngồi bên bàn hàng giờ liền bói bài, mấy ngón tay chuối mắn sờ vào những quân bài cáu bẩn, mặt nhăn lại ghê tởm. Còn Liachépxki thì ngồi giường đọc lại lần thứ hai mươi rồi chứ không ít cuốn sách độc nhất y có trong tay, cuốn Qua vadis của Xienkêvits, thưởng thức từng chữ một của cuốn tiểu thuyết ấy.
Đôi lúc Pôlốptxép quẳng bài đấy, ngồi xếp bằng tròn dưới sàn, trải miếng bạt ra, lấy khẩu trung liên mà không cần lau lại cũng đã sạch bóng tháo ra, lau lại, chùi sạch từng bộ phận, rồi bôi mỡ, cái mỡ lau súng đã chảy ra vì nhiệt độ của căn phòng. Sau đó lại thủng thỉnh lắp khẩu súng vào, ngồi ngắm nghía, cái đầu trán dô nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia. Rồi thở dài một cái, y bọc khẩu súng vào mảnh vải bạt ấy, đem cất cẩn thận dưới gầm giường, lấy băng đạn ra lau, lắp đạn trở lại, và ngồi vào bàn, rút ở dưới đệm ra cây kiếm sĩ quan, thử lưỡi kiếm vào móng tay cái, rồi cầm hòn đá mài khô thận trọng liếc qua vài cái vào lưỡi thép ánh lên một ánh mờ mờ. “Như lưỡi dao cạo!” – y hài lòng lẩm bẩm.
Những lúc như thế, Liachépxki lại gấp sách lại, nheo nheo con mắt độc nhỡn, mỉm một nụ cười cay độc:
- Tôi lấy làm lạ, hết sức lấy làm lạ vì cái bệnh tình cảm ngớ ngẩn của ngài! Việc gì mà ngài phải nâng niu con dao thái thịt của ngài như một thằng ngốc nâng niu một đồ cổ giả thế? Ngài nên nhớ rằng bây giờ là năm ba mươi rồi và thời đại của những thanh kiếm, xà mâu, gươm giáo và mọi thứ đồ sắt rèn khác đã vĩnh viễn qua rồi. Ngài thân mến ạ, trong cuộc chiến tranh vừa qua, quyết định hết thảy là pháo binh chứ không phải là lính tráng cưỡi ngựa hoặc không cưỡi ngựa. Và pháo binh cũng vẫn sẽ quyết định kết quả những trận đánh và những cuộc chiến tranh tương lai. Là một pháo thủ già đời, tôi xin khẳng định với ngài một cách hết sức dứt khoát như vậy!
Pôlốptxép, như thường lệ, le lé mắt nhìn Liachépxki, rít răng lại nói:
- Thế anh định khởi sự bằng gì? Ngay từ đầu bằng hỏa lực lựu pháo hay bằng lính tráng cầm kiếm? Anh cứ đưa tôi dù chỉ một khẩu đội bảy nhăm mà thôi, tôi cũng sẽ sẵn sàng trao ngay thanh kiếm của tôi cho mụ vợ Ôxtơrốpnốp. Nhưng nếu không có thì anh hãy im mồm đi, đồ quý tộc bẻm mép ạ! Nghe anh lải nhải mà tôi buồn nôn. Những chuyện về vai trò pháo binh trong chiến tranh vừa qua, anh hãy đem kể cho các cô tiểu thư quý tộc Ba Lan, chứ đừng kể với tôi. Và nói chung, anh luôn luôn kiếm cơ hội ăn nói với tôi bằng cái giọng ngạo mạn, nhưng thưa ngài đại diện của nước Ba Lan vĩ đại, tôi báo cho ngài biết là không xong đâu. Cái giọng của ngài, và những câu chuyện rông dài của ngài không ngửi được. Tiện đây, tôi nói cho ngài biết là những năm hai mươi người ta đã nói về cái tổ quốc của ngài như sau: “Nước Ba Lan chưa chết, nhưng đã thối hoắc mùi tử thi…”.
Liachépxki thốt lên bằng giọng làm ra bi đát:
- Lạy Chúa, một sự nghèo nàn về trí tuệ đến khủng khiếp! Hết quân bài lại lưỡi kiếm, hết lưỡi kiếm lại quân bài… Nửa năm nay không thấy ngài đọc được lấy một chữ in nào. Ngài đã trở lại mọi rợ rồi! Thế mà ngài đã có hồi nào cũng dạy trường trung học cơ đấy…
- Tôi đi dạy học là do tình thế bắt buộc, thưa ngài quý tộc Ba Lan yêu quý ạ! Ngậm đắng nuốt cay mà dạy học đấy!
- Hình như ông Tsêkhốp của các ngài có một mẩu chuyện về dân kôdắc như thế này: ở một ấp nọ có một tay địa chủ kôdắc vô học có hai anh con lớn đần độn suốt ngày chỉ làm có độc một việc là một anh bắt gà trống trong chuồng ra tung hê lên trời để anh kia cầm súng bắn. Và cứ như thế hết ngày này sang ngày khác. Chẳng đọc sách, chẳng có một nhu cầu văn hóa nào, chẳng một mảy may quan tâm gì đến các giá trị tinh thần… Đôi lúc tôi thấy hình như ngài là một trong hai anh con trai ấy thì phải… Hay tôi lầm?
Pôlốptxép chẳng buồn trả lời, hà hơi lên lưỡi thép ánh lên một màu chết chóc của thanh gươm, ngồi nhìn vệt hơi nước xanh xanh lan ra rồi tan dần đi. Rồi y lấy vạt áo Tônxtôi xám của y lau sạch lưỡi kiếm và thận trọng, thậm chí với một vẻ trìu mến, đút thanh kiếm vào trong cái vỏ đã sờn, nhẹ nhàng, không nghe thấy một tiếng cọ xát.
* * *
--------------
(*) Burka: Một kiểu áo bành tô dạ thường mặc ở vùng Cápcadơ. ND.
(**) Pêtunhia: một giống hoa cánh to, nhiều màu. ND.
* * *
Nhưng không phải những cuộc chuyện trò nổ ra bất ngờ và những lời châm chọc lẫn nhau ấy bao giờ cũng kết thúc êm ả như thế. Gian phòng ít khi được mở cửa, bí hơi đến ngột ngạt; thời tiết ngày càng nóng bức làm cho cuộc sống khốn khổ khốn nạn của chúng tại nhà Ôxtơrốpnốp càng trở nên khó chịu. Và càng ngày càng có nhiều lúc Pôlốptxép đang nằm trên cái giường nhớp nháp và sặc mùi mồ hôi, nhảy bổ xuống đất, nén giọng lại mà gầm lên: “Như cái nhà tù! Ta đến chết rục trong cái nhà tù này mất!”. Rồi ngay cả ban đêm, ngủ mê y cũng luôn luôn nhắc đến cái tiếng nặng nề ấy, cho đến lúc Liachépxki phát sốt ruột, phải bảo y:
- Ngài Pôlốptxép ạ, nghe có thể tưởng như trong cái vốn từ vựng đã quá nghèo nàn của ngài chỉ còn giữ lại được có độc một tiếng “nhà tù”. Nếu ngài mê cái tổ chức từ thiện ấy thì tôi thực tình khuyên ngài: ngài hãy lên GPU huyện ngay hôm nay đi, và đề nghị họ cho vào tù nghỉ mát tối thiểu là hai chục năm gì đó. Tôi cam đoan với ngài đề nghị ấy sẽ không bị họ khước từ đâu!
- Cái ấy gọi là cái gì nhỉ? Tiếng Ba Lan gọi là một câu pha trò có duyên phải không? – Pôlốptxép mỉm cười méo xệch, nói.
Liachépxki nhún vai:
- Ngài thấy nó nhạt quá chăng?
- Tôi thấy anh là một con vật, - Pôlốptxép hờ hững nói.
Liachépxki lại nhún vai cười gằn:
- Có thể lắm. Tôi sống bên cạnh ngài lâu quá rồi cho nên nếu có mất hết tính người thì cũng chẳng lấy gì làm lạ…
Sau cuộc đụng chạm ấy, suốt ba ngày ba đêm chúng không nói với nhau một lời. Nhưng đến ngày thứ tư thì xảy ra một chuyện làm chúng bắt buộc phải nói…
Sáng sớm hôm ấy, Iakốp Lukits còn chưa ra trụ sở thì có hai người lạ mặt bước vào sân. Một người mặc áo mưa vải sơn mới tinh, còn người kia thì mặc chiếc áo choàng vải thô lem luốc, có mũ trùm. Người thứ nhất cắp nách một cái cặp to, phồng căng, còn người thứ hai thì vắt vai một chiếc roi ngựa, cán roi kết ngù có dây da nom rất sang. Theo đúng điều quy định với nhau từ lâu, Iakốp Lukits nhìn qua cửa sổ thấy có người đến, bước vội vào hiên trong gõ hai tiếng thong thả vào cửa phòng xép hai tên ở, rồi lững thững bước ra thềm, chân bước tay vuốt ria.
- Bà con đến tìm tôi phải không ạ? Cần lấy cái gì ở kho nông trang chăng? Các vị là ai? Người ở đâu đến?
Người béo mập cầm cặp mỉm cười niềm nở, hai má phinh phính lúm xuống hai đồng tiền như má đàn bà, đưa tay lên vành chiếc mũ cátkét đã sờn, nói:
- Bác là gia chủ đây phải không? Xin chào bác Iakốp Lukits. Bà con láng giềng nhà ta giới thiệu chúng tôi sang gặp bác. Chúng tôi đi thu mua gia súc, tiếp phẩm cho anh em thợ mỏ, để anh em bồi dưỡng, như người ta thường nói. Chúng tôi trả giá cao, cao hơn giá thu mua nhà nước quy định một chút. Chúng tôi trả giá cao là vì phải cho anh em thợ mỏ ăn tử tế một tí và không được gián đoạn. Bác là quản lý nông trang, chắc bác hiểu nhu cầu của chúng tôi… Nhưng chúng tôi không mua gia súc của nông trang đâu, chúng tôi chỉ mua gia súc riêng của nông trang viên thôi, và của bà con cá thể nữa. Chúng tôi nghe nói bác có con bò cái tơ. Bác có bán không? Về giá cả chúng tôi không cò kè đâu, và tiền nào của ấy.
Iakốp Lukits nín thinh một lát, đưa tay gãi gãi lông mày nghĩ ngợi, tính nhẩm trong bụng là nếu bán được cho những anh tiếp phẩm dễ tính thì hời đây, lại khỏi phải lê la ngoài chợ. Rồi lão trả lời như đa số những nông dân thạo mua bán thường trả lời:
- Bò cái tơ để bán thì nhà tôi chả có.
- Có lẽ bác cứ cho xem, may ra chúng ta đồng ý với nhau được giá đây. Tôi xin nhắc lại lần nữa, chúng tôi sẵn sàng trả giá hời một tí.
Iakốp Lukits lại im lặng một phút, đưa tay lên vuốt ria mép, rồi để cho có vẻ quan trọng, chậm rãi nói, như nói với mình:
- Kể ra bò cái tơ thì nhà tôi cũng có một con đấy, mà lại béo tốt, nom rất là mỡ màng! Nhưng chúng tôi cũng cần giữ nó, vì con mẹ già rồi, phải thay, mà giống này thì tốt sữa, tốt bơ, tốt lắm cơ. Không, các đồng chí tiếp phẩm ạ, nhà tôi không bán đâu!
Người béo mập cầm cặp thất vọng thở dài:
- Đành vậy, bán hay không là ở gia chủ… Thôi thế xin lỗi bác, chúng tôi đi mua nhà khác vậy, - và một lần nữa anh ta lại vụng về đưa tay lên chiếc lưỡi trai mũ nhàu nát, rồi đi ra.
Anh chàng dắt bò nom lực lưỡng, cổ cày vai bừa, cũng bước ra theo sau, tay vung vẩy cái roi, mắt lơ đãng nhìn đảo một lượt cái sân, mấy gian nhà ở, mấy cửa sổ, và khung cửa con đóng kín mít của gian buồng áp mái…
Đến đây thì máu tham của Iakốp Lukits không nén được nữa. Để cho hai ông khách ra đến cổng ngoài, lão lại réo gọi người béo mập:
- Này, đồng chí tiếp phẩm ơi. Quay lại tí đã! Đồng chí trả bao nhiêu một cân hơi.
- Cái đó ta sẽ bàn. Nhưng tôi đã nói với bác là giá cả thì chúng tôi không cò kè đâu, và chúng tôi được tự quyền chi. Tiền chúng tôi không nhiều đâu, nhưng cũng không đến nỗi thiếu, - người béo mập dừng lại ở cổng đợi và đưa bàn tay phốp pháp vỗ vỗ lên cái cặp nom cũng phốp pháp, có ý khoe.
Iakốp Lukits bước từ trên thềm xuống với vẻ dứt khoát:
- Nào ta đi xem bò, trong khi nó chưa đi nhập đàn. Nhưng xin các đồng chí nhớ cho là rẻ thì tôi không bán đâu đấy. Nể các đồng chí quá, vì thấy các đồng chí dễ dãi, không bủn xỉn như những tay con buôn. Những loại con buôn bủn xỉn ấy thì đừng hòng đặt chân vào nhà tôi!
Cả hai anh lái thịt xem xét và sờ nắn con bò rất kỹ lưỡng, xoi mói bới lông tìm vết, sau đó người béo mập mặc cả róng riết, còn người cầm roi xem vẻ chán ngấy cái trò ấy, miệng thổi sáo, chân bước lang thang sân trước sân sau, mắt thì đưa đảo ngó hết chuồng gà, đến cái chuồng ngựa bỏ không, ngó khắp, kể cả những chỗ không nên ngó đến… Và lúc ấy Iakốp Lukits mới như chợt bừng tỉnh: “Ôi, lạy Chúa, họ vào đây chưa chắc đã phải để mua bò đâu!”.
Lão lập tức đồng ý bớt bảy mươi lăm rúp, nói:
- Thôi được, để bồi dưỡng các đồng chí thợ mỏ thì tôi cũng sẵn lòng bán thiệt một chút vậy. Bây giờ xin lỗi các đồng chí, tôi phải ra trụ sở, không tiếp các đồng chí được. Các đồng chí dắt bò đi ngay bây giờ chứ? Thế thì cho xin tiền ngay đi!
Người béo mập đứng bên cửa nhà kho, nhấp nước bọt ngón tay, dềnh dàng đếm tiền, thêm mười lăm rúp vào số tiền đã ngã giá, rồi nháy mắt một cái bắt tay Iakốp Lukits đang nóng ruột như bào:
- Thế nào, mua bán xong xuôi rồi ta cũng phải làm một chai chứ hả bác Iakốp Lukits? Nghề mua bán của chúng tôi là lúc nào cũng phải có tí chất cay trong túi để khao mà! – Và vẫn dềnh dàng như thế, anh ta rút trong túi ra một chai vốtka còn nguyên tem ánh lên mờ mờ dưới nắng sớm.
Iakốp Lukits làm ra vẻ hồ hởi đáp:
- Để đến tối, các bác ơi, đến tối! Tối tôi rất lấy làm vui mừng được ngồi tiếp các bác một cốc. Cái chất tươi đóng chai bác vừa giơ ra ấy thì ở nhà chúng tôi đây cũng có, nhờ trời chúng tôi cũng chưa đến nỗi kiết xác, còn bây giờ thì các bác thứ lỗi cho: sức khỏe tôi bắt tôi phải kiêng rượu buổi sáng, thêm nữa công việc bận, tôi còn phải ra trụ sở. Xẩm tối mời các bác đến, ta sẽ chạm cốc mừng cho con bò nhà tôi.
- Ít ra thì bác cũng mời chúng tôi vào nhà nếm thử cốc sữa của con bò mẹ chứ nhỉ, - người béo mập cười tươi roi rói hai má lúm đồng tiền, nắm lấy khuỷu tay Iakốp Lukits nói như năn nỉ.
Nhưng Iakốp Lukits vẫn không đổi ý kiến. Toàn thân lão co lại trong một quyết tâm căng thẳng đến tột độ, và lão trả lời với nụ cười có phần nào khinh bỉ:
- Các ngài ạ, dân kôdắc chúng tôi có cái lệ là không phải khách muốn vào thăm lúc nào thì đến, mà khi được chủ mời mới vào. Ở chỗ các vị khác thế chăng? Nhưng nhập gia tùy tục, các vị ạ: tối ta sẽ gặp nhau, đồng ý chứ? Sáng sớm chả nên nhiều lời. Thôi, xin chào!
Quay lưng lại hai ông khách mua, và cũng chẳng thèm ngó đến con bò mà người to lớn lực lưỡng đang đủng đỉnh tròng dây, Iakốp Lukits lắc lư người, ì ạch bước lên thềm. Tay trái nắm lấy ngang lưng, lão ề à, giả vờ rên lên một tiếng, bước lên từng bậc một. Nhưng vào tới trong hành lang thì lão thôi hết mọi cái vờ vịt, tay ôm ngực đứng độ một phút, mắt nhắm lại, đôi môi tái nhợt thều thào: “Mả cha chúng bay!”. Rồi cơn đau nhói ở tim lão dịu đi, đầu cũng hết choáng váng. Iakốp Lukits đứng độ một lát nữa, rồi gõ cửa buồng Pôlốptxép, lễ phép nhưng kiên trì.
Bước qua ngưỡng cửa, lão mới kịp nói: “Khốn rồi, ngài ơi!...” – thì liền lúc đó như dưới một ánh chớp lóe lên giữa đêm dông bão, lão trông thấy một nòng súng lục chĩa vào lão, cái hàm răng bạnh và nhô ra đằng trước của Pôlốptxép, con mắt trừng trừng nhìn không chớp của y, và anh chàng Liachépxki ngồi trên giường trong một dáng điệu vụng về, hai bả vai tựa chặt vào vách, với khẩu trung liên kê trên hai đầu gối hơi chồng lên, cái nòng súng chĩa ra cửa, ngay tầm ngực Iakốp Lukits… Tất cả những cái đó, Iakốp Lukits đã thoáng thấy như trong giây lát một quầng sáng lóe lên chói lòa, kể cả cái nụ cười của Liachépxki và cái ánh long sòng sọc trong con mắt độc nhỡn của y, trong khi đó thì tai lão nghe thấy như vọng từ xa lại:
- Ông chủ thân mến ơi, ông rước ai về nhà ông thế vậy?
Iakốp Lukits đang lúc rối bời, không nhận ra tiếng nói ấy của ai, cứ như đó là tiếng của một người thứ ba nào đó, vô hình, một tiếng nói hổn hà hổn hển, xen những tiếng rin rít. Một sức mạnh không lệ thuộc vào lão đã buộc lão biến đổi hẳn đi trong khoảnh khắc: hai cánh tay lão đang ở tư thế nghiêm buông thẳng cứng dọc theo nẹp quần bỗng trùng lại ở hai khuỷu, toàn thân lão mềm nhũn, rủ xuống. Nhưng lão cất tiếng nói, và lời lão nói, mặc dầu không mạch lạc gì và bị ngắt quãng, đã nghe là một giọng khác:
- Tự họ dẫn xác đến chứ tôi đâu có rước ai về. Và các ngài ơi, các ngài còn định quát tháo hành hạ tôi như quát tháo một thằng nhãi ranh thế này đến bao giờ nữa mới thôi? Tôi không thể chịu được nữa rồi! Tôi nuôi không các ngài ăn, mua rượu các ngài uống, hầu hạ các ngài đủ vành. Mẹ con nhà nó thì giặt rũ quần áo các ngài, thổi nấu các ngài xơi mà không đòi lấy một xu… Giết tôi thì các ngài có thể làm lúc nào cũng được, ngay lập tức cũng được, nhưng sống mà có các ngài ở trong nhà như thế này thì gay go quá chừng! Và con bò cái tơ tôi đã đành bán lỗ vốn đi vì cũng phải có cái gì mời các ngài xơi chứ? Chả lẽ quan lớn như các ngài mà tôi toàn mời xúp suông mãi, nhất thiết cũng phải có tí thịt mới coi được. Các ngài lúc nào cũng đòi rượu vốtka… Và khi mấy cái thằng khách không mời mà đến ấy dẫn xác vào nhà, tôi cũng đã báo trước các ngài rồi, và về sau, vừa mới phát hiện ra chúng chỉ là đóng giả khách mua thôi, tôi đã quay đít đi ngay: “Thôi được, con bò tôi biếu không các vị đấy, nhưng các vị hãy đi khỏi đây nhanh lên!”. Ấy thế mà các ngài lại còn… Ôi, nói với các ngài mà làm gì? – Iakốp Lukits khoát tay một cái tuyệt vọng, rồi áp ngực vào khung cửa, hai tay ôm mặt.
Pôlốptxép, từ lâu nay sinh ra có thái độ dửng dưng một cách lạ lùng, bỗng nói bằng một giọng mất hẳn thần sắc:
- Ông Liachépxki ạ, lão già nói có lý đấy. Xem chừng động rồi, chúng ta phải chuồn khỏi nơi này thôi, trong khi còn chưa muộn. Ý kiến ông thế nào?
- Phải đi ngay hôm nay, - Liachépxki phát biểu dứt khoát và thận trọng đặt khẩu trung liên xuống đống chăn gối nhàu nát.
- Nhưng còn liên lạc?
- Sau hẵng hay. – Liachépxki hất hàm chỉ Iakốp Lukits. Rồi quay sang phía lão, nói bằng giọng gay gắt: - Này, Iakốp Lukits, thôi cái trò đàn bà ấy đi! Ông hãy kể chúng tôi nghe xem đã nói chuyện gì với hai thằng lái buôn ấy. Chúng đã trả xong tiền chưa? Chúng có còn đến đây nữa không?
Iakốp Lukits khóc thút thít như trẻ con, xỉ mũi vào vạt chiếc áo sơmi buông thõng không thắt dây lưng, đưa mu bàn tay lên quệt mắt, quệt râu ria, rồi mắt chẳng nhìn lên, lão kể lại ngắn gọn đầu đuôi câu chuyện nói với hai người tiếp phẩm, về thái độ khả nghi của người dắt bò, không quên nhắc lại chuyện họ hẹn tối sẽ lại uống rượu ăn khao.
Pôlốptxép và Liachépxki nghe kể, cứ lẳng lặng đưa mắt nhìn nhau.
- Hay lắm! – Liachépxki cười bẳn, nói. – Nhà anh không nghĩ ra được cái trò gì khác là mời chúng nó đến chén à? Mả mẹ anh chứ sao ngu thế, tối như hũ nút!
- Tôi đâu có mời, tự chúng nó đến đấy chứ, mà lại còn định xộc vào nhà ngay lúc ấy nữa, tôi đã phải giở đủ trò để hoãn binh đến tối. Và thưa các ngài quan lớn, thật tôi cũng chả biết gọi các ngài thế nào, các ngài chửi mắng tôi, coi tôi là thằng ngu thế thì cũng không phải… Lạy Chúa, mả mẹ tôi dại gì mà lại mời chúng nó vào nhà trong khi các ngài còn ngồi lù lù ra đây? Để chúng nó treo cổ tôi lên cùng với các ngài à?
Đôi mắt rơm rớm của Iakốp Lukits ánh lên một ánh bực tức và lão nói tiếp bằng giọng đã hằn học ra mặt:
- Thưa các ngài sĩ quan, cho đến năm mười bảy, các ngài vẫn cho chỉ có các ngài là thông minh thôi, còn lính tráng và những dân lành kôdắc chúng tôi đều là những kẻ ngu ngốc cả. Bọn đỏ đã dạy cho các ngài một bài học, nhưng xem ra thì họ cũng chưa dạy được đến nơi đến chốn… Bài học và trận đòn ấy cũng chưa làm được cho các ngài mở mắt ra!
Pôlốptxép nháy mắt một cái với Liachépxki. Tên này cắn môi, lẳng lặng quay mặt ra phía khung cửa sổ buông rèm kín, còn Pôlốptxép thì bước tới sát người Ôxtơrốpnốp, đặt tay lên vai lão, cười đấu dịu:
- Này anh Iakốp Lukits, việc gì mà anh phải bực dọc vì những lời nói không đâu? Lúc nóng lên thì người ta bạ đâu nói đấy, ta cũng chả nên chấp nhặt từng câu từng lời. Anh nói cái này thì đúng này: hai thằng mua bò ấy là nhân viên tiếp phẩm thì chẳng khác nào tôi là giáo chủ vậy. Cả hai thằng đều là nhân viên công an cả. Ông Liachépxki đã nhận mặt được một thằng. Anh hiểu chưa? Chúng đang tìm chúng tôi, nhưng còn là tìm mò, cho nên chúng phải đóng giả cán bộ tiếp phẩm. Bây giờ thế này: từ giờ đến trưa, chúng tôi phải rời khỏi nơi đây, đi lẻ từng người một. Anh hãy đi tìm và giữ chân hai thằng ấy lại hai ba giờ gì đó tùy anh, và bằng cách nào cũng tùy anh. Anh có thể kéo chúng nó đến nhà một bà con nào đó trong đám chiến hữu của chúng ta hiện có mặt ở nhà, ngồi uống rượu và tán chuyện với chúng. Nhưng cầu Chúa giữ cho anh và anh chủ nhà kia là đừng có say lúy túy rồi mà phun ra hết! Tôi mà biết, tôi sẽ giết cả hai! Điều ấy anh nên nhớ cho kỹ! Và trong khi anh chuốc rượu kìm chân chúng thì chúng tôi bí mật theo đường khe sau nhà đây, luồn ra thảo nguyên. Và ra đến đấy rồi thì có thánh tìm được chúng tôi! Anh bảo thằng con anh ngay bây giờ đem thanh kiếm của tôi, khẩu trung liên, mấy băng đạn và cả hai khẩu súng trường của chúng tôi giấu kỹ trong kho chứa phân bò.
- Giấu khẩu súng trường của ngài thôi, khẩu của tôi tôi mang theo, - Liachépxki nói chen vào.
Pôlốptxép im lặng nhìn hắn, rồi nói tiếp:
-Tất cả những thứ ấy phải bọc kỹ trong cái chăn và bí mật đem vào trong kho, trước khi đem vào phải quan sát kỹ xung quanh đã. Tuyệt đối không được giấu một cái gì trong nhà. Có một yêu cầu này nữa với anh, nói cho đúng hơn là một mệnh lệnh: thư từ gửi đến đề tên tôi, anh cứ nhận, và nhận xong thì giấu ngay dưới cái cối đá đập lúa bên nhà kho. Ban đêm thỉnh thoảng chúng tôi sẽ rẽ qua xem. Rõ cả chưa?
Iakốp Lukits thều thào:
- Rõ.
- Thôi, anh đi đi, và đừng rời mắt hai cái thằng tiếp phẩm khỉ gió ấy! Đưa chúng nó đi đâu cách xa đây càng xa càng tốt, trong khoảng hai giờ là chúng tôi không còn đây nữa. Anh có thể mời chúng nó tối nay đến nhà. Giường này thì đem gác trên phòng áp mái, mở cửa buồng ra cho thoáng khí. Đem vài thứ đồ tầm tầm quẳng vào đây cho chúng khỏi ngờ, và nếu chúng yêu cầu, cứ cho chúng đi xem khắp nhà một lượt… và chắc chắn chúng sẽ kiếm cớ này cớ khác đòi đi xem nhà anh đấy… Chúng tôi đi độ một tuần rồi sẽ quay lại. Chuyện ăn uống vừa qua của chúng tôi anh đừng cằn nhằn! Tất cả chi phí của anh, tất cả những tốn kém anh phải chịu vì chúng tôi, sẽ được đền bù lại cho anh gấp bội khi sự nghiệp của chúng ta thắng lợi. Nhưng chúng tôi sẽ phải trở lại đây nữa, vì cuộc nổi dậy trong khu vực tôi phụ trách sẽ được khởi sự từ Grêmiatsi đây. Và giờ hành động sắp đến rồi! – Pôlốptxép trịnh trọng kết luận và ôm hôn Iakốp Lukits một cái vội vàng: - Thôi đi đi, anh bạn già, cầu Chúa phù hộ cho anh!
* * *
Cánh cửa vừa khép lại sau lưng Ôxtơrốpnốp thì Pôlốptxép ngồi vào bàn, hỏi:
- Ông đã gặp thằng nhân viên GPU ấy ở đâu? Ông có chắc chắn không nhớ nhầm không?
Liachépxki nhích ghế lại gần, cúi ghé vào Pôlốptxép và có lẽ đây là lần đầu tiên trong suốt thời gian chúng biết nhau, hắn nói bằng giọng không có chút mỉa mai châm biếm:
- Giêsu Maria! Tôi nhầm làm sao được! Cái thằng ấy thì tôi nhớ cho đến ngày xuống lỗ! Ngài có trông thấy má nó có cái sẹo không? Đó là tôi cầm dao găm xỉa cho nó khi nó đuổi bắt tôi đấy. Và mắt tôi, con mắt trái của tôi đây này, là tay nó đánh lòi ra trong khi tra hỏi tôi. Ngài có trông thấy nắm tay nó khiếp thế nào không? Chuyện đó xảy ra cách đây bốn năm, ở Kraxnôđa. Một con đàn bà đã làm phản, đi khai báo tôi, nhưng ơn bề trên, nó đã chết ngoẻo rồi! Tôi đang còn ngồi tù thì anh em ta đã phát hiện ra tội nó. Tôi vượt ngục được hai ngày thì nó đã phải đền tội. Con khốn nạn ấy, nó rất trẻ, và đẹp, một đứa con gái kôdắc Kuban, một con chó cái Kuban thì đúng hơn. Câu chuyện là như thế… Ngài có biết tôi đã vượt ngục thế nào không? – Liachépxki xoa xoa vào nhau hai bàn tay nhỏ khô khốc, mỉm cười mãn nguyện. – Trước sau đằng nào chúng cũng sẽ lôi tôi ra bắn. Tôi chẳng còn cái gì để mất nữa, cho nên tính kế liều, thậm chí phải dùng đến cái sách cũng hơi hèn hạ một tí… Đầu tiên tôi bịp bọn dự thẩm, khai mình là một tên lính tốt đen chẳng biết gì, thì chúng quẳng tôi vào xà lim cấm cố, giam rất nghiêm ngặt. Tôi bèn quyết định đi nước bài cuối cùng để mưu cách thoát: tôi khai ra một thằng kôdắc ở ấp Kôrênốpxkaia. Nó cũng ở trong tổ chức của ta, nhưng là khâu cuối của dây chuyền. Nó chỉ có thể khai thêm ba người nữa cùng làng mà thôi, vì ngoài ra nó không còn biết một ai khác trong chúng ta cả. Lúc ấy tôi nghĩ bụng: “Chúng sẽ đem bốn thằng ngu ngốc ấy ra bắn hoặc đưa đi đầy, nhưng mình sẽ thoát, và đối với tổ chức thì tính mệnh của riêng mình còn quan trọng bằng vạn lần tính mệnh của bốn con vật kia”. Phải nói ngài biết rằng trong tổ chức của ta ở Kuban, tôi đóng một vai trò không kém quan trọng. Có thể đánh giá vai trò ấy qua sự việc là từ năm hai mươi hai đến nay tôi đã vượt biên năm lần đi Pari gặp tướng Kuchêpốp. Thấy tôi khai ra bốn tên, lão dự thẩm đã nới tay với tôi: nó cho phép tôi được đi dạo tại sân trong cùng với các tù nhân khác. Tôi phải hành động ngay, không thể chậm trễ được. Điều ấy chắc ngài hiểu. Một buổi chiều, đi dạo chơi lẫn trong đám đầu trộm đuôi cướp Kuban bị án tử hình, ngay từ vòng đầu tôi đã để ý thấy có cái thang bắc tựa vào nhà chứa cỏ, có vẻ là mới được đặt đấy ít lâu gì đó thôi. Hồi ấy đang là mùa cắt cỏ và hàng ngày bọn công an vẫn chở cỏ về cho ngựa. Tôi đi một vòng nữa, hai tay chắp sau lưng, đúng như quy định. Sang vòng thứ ba, tôi điềm nhiên đi tới cái thang, mắt chẳng ngó nghiêng, rồi từ từ trèo lên thang, hai tay vẫn chắp sau lưng, như người làm xiếc… Tôi đã dự kiến rất chính xác, ngài Pôlốptxép ạ! Chính xác về mặt tâm lý. Ngẩn tò te trước sự táo tợn đến lạ lùng của tôi, bọn lính gác đã để cho tôi có đủ thời gian leo lên đến bậc thứ tám rồi mới có một đứa giật mình quát lên: “Đứng lại!”. Trong khi đó thì tôi đã bò rạp người chạy lên được hai bậc nữa, rồi như một con dê, nhảy phốc lên mái nhà kho. Súng bắn loạn xạ lên nhá, và gào thét, và chửi! Nhảy tiếp hai cái là đến mép mái nhà, và một cái nữa là xuống dưới đường. Thế là xong. Ngay sáng hôm ấy tôi đã có mặt ở Maikốp, trốn tại một cơ sở bí mật tin cẩn… Tên cái thằng hộ pháp đã làm tôi chột mắt ấy là Khigiơnhiắc. Hôm nay ngài đã trông thấy nó rồi đấy, cái tượng hộ pháp mặc quần ấy. Vậy thì ngài bảo làm sao tôi lại có thể để nó lọt khỏi tay tôi mà sống đàng hoàng được? Không, nó đã đánh tôi lòi một mắt thì tôi phải cho nó nhắm tịt cả hai mắt lại! Một đổi lấy hai!
- Ông điên rồi ư? – Pôlốptxép kêu thốt lên phản đối. – Vì tư thù mà ông định làm hỏng việc lớn hay sao?
- Ngài cứ yên trí. Tôi sẽ khử thằng Khigiơnhiắc và tên đồng chí của nó không phải ngay tại đây đâu, mà sẽ phục ở một quãng nào đó, cách ấp Grêmiatsi Lốc này xa. Tôi sẽ dựng lên một vụ giết người cướp của là xong thôi mà! Tiền của chúng tôi sẽ lấy. Anh lái buôn mà để bị cướp là anh lái buôn tồi… Khẩu súng của ngài cứ giấu, còn khẩu của tôi, tôi sẽ thủ vào áo đi mưa, mang theo. Ngài không nên nghĩ đến chuyện ngăn cản tôi. Ngài nghe ra chưa? Một khi tôi đã quyết là tôi làm! Tôi sẽ đi trước, ngài đi ra sau một lát. Thứ bảy này chúng ta sẽ gặp nhau vào lúc xẩm tối ở khu rừng cạnh ấp Tubianxki, bên bờ suối, nơi chúng ta đã gặp nhau lần trước. Xin chào ngài, ngài Pôlốptxép ạ! Những ngày ở đây chúng ta đã đi tới chỗ hơi quá đáng, hiểu theo nghĩa thần kinh bị mất thăng bằng, và phải thừa nhận là đôi lúc tôi đã đối xử với ngài không được xứng đáng.
- Thôi được rồi… Hoàn cảnh của chúng ta thì nên miễn những lời yếu đuối, - Pôlốptxép bối rối càu nhàu, tuy vậy vẫn ôm lấy Liachépxki, đặt môi lên cái trán tái nhợt của hắn với thái độ một người cha.
Liachépxki xúc động trước biểu hiện bất ngờ của tình bạn ấy, nhưng quay đi, không muốn để lộ ra là mình bồi hồi. Tay đã nắm lấy quả nắm cửa rồi, y nói:
- Tôi sẽ đem thằng Măcxim Kharitônốp bên Tubianxki đi theo. Nó có súng, hơn nữa nó là đứa có thể tin cậy được trong những lúc khó khăn. Ngài không phản đối chứ?
Pôlốptxép im lặng một lát, rồi đáp:
- Kharitônốp trước là hạ sĩ quan ở đại đội tôi. Chọn hắn là phải. Ông cứ đem hắn đi cùng. Không biết bây giờ hắn thế nào nhưng ngày xưa hắn là xạ thủ xuất sắc đấy. Tôi hiểu tâm trạng của ông. Ý ông thế, ông cứ tiến hành, nhưng tuyệt đối không được tiến hành ở lân cận Grêmiatsi Lốc, không tiến hành trong thôn xóm, mà phải chọn chỗ nào đó ngoài thảo nguyên…
- Xin vâng. Thôi, chào ngài.
- Chúc ông thành công.
Liachépxki bước ra hành lang, khoác lên vai chiếc áo dipun cũ của Ôxtơrốpnốp, ghé mắt nhìn qua khe cửa ra lối ngõ vắng tanh. Một phút sau y lững thững bước qua sân, khẩu cácbin kỵ binh kẹp bên sườn trái, rồi cũng lững thững như thế y đi khuất góc nhà kho. Nhưng vừa mới nhảy xuống cái kho sau nhà xong là lập tức y biến đổi hẳn: y xỏ tay mặc hẳn áo dipun vào, cầm khẩu cácbin ra tay, mở chốt an toàn, len lén men theo con đường lên dốc núi, dáng điệu như một con dã thú, mắt sắc sảo quan sát tứ phía, tai vểnh lên lắng nghe từng tiếng xào xạc nhẹ, và chốc chốc lại ngoái nhìn xuống cái xóm phía dưới kia còn đang chìm trong làn khói lam buổi sớm.
* * *
* * *
Hai ngày sau, vào buổi sáng thứ sáu, trên quãng đường giữa hai ấp Tubinaxki và Vôixkôvôi, cách khe Phong khoảng sáu chục mét, có hai nhân viên tiếp phẩm đã bị giết cùng với một con ngựa trong đôi ngựa kéo chiếc xe của họ. Người đánh xe, một anh kôdắc dân làng Tubianxki, đã chặt đứt dây thắng con ngựa còn lại, cưỡi lên nó chạy thoát về được Vôixkôvôi. Và anh ta đã đến Xôviết ấp trình báo sự việc.
Nhân viên cảnh vệ địa phương cùng với chủ tịch Xôviết, người đánh xe ngựa và mấy người làm chứng đã ra xem xét tại chỗ xảy ra vụ thảm sát, và đã xác định được diễn biến sự việc như sau: bọn cướp nấp ở trong rừng đã bắn ra khoảng mươi phát súng trường. Phát đầu tiên đã giết chết tươi người chăn bò cao lớn lực lưỡng có đôi vai rộng. Anh ta đã bị đạn bắn trúng tim và ngã sấp mặt từ trên xe xuống. Anh tiếp phẩm lùn mập đã hét lên bảo người đánh xe: “Phóng lên!” rồi giằng lấy roi ở tay anh ta, vung lên định quất con ngựa bên phải, nhưng chưa kịp quất thì bị phát đạn thứ hai quật ngã gục xuống xe. Viên đạn bắn trúng đầu anh ta, phía trên tai trái một chút. Hai con ngựa lồng lên, và xác anh ta rơi xuống đường, cách xác anh thứ nhất khoảng hai chục mét. Tiếp theo đó là vài loạt đạn nữa từ hai khẩu súng trường đồng thời bắn ra. Con ngựa gióng trái đang phi bị trúng đạn ngã lộn một vòng, làm gãy cái càng xe và kéo theo cái xe đổ lật nhào đè lên nó. Người đánh xe đã chặt đứt dây thắng của con ngựa còn sống, nhảy lên phi như bay. Bọn cướp đã bắn mấy phát đuổi theo anh ta nhưng chỉ là bắn dọa chứ không chủ tâm giết, vì theo lời anh ta kể lại, đạn bay vèo vèo qua đầu anh ta rất cao.
Túi quần áo hai tử thi được lộn trái ra, nhưng không thấy có giấy tờ gì. Chiếc cặp rỗng không của anh nhân viên tiếp phẩm nằm lăn lóc trong đám cỏ ven đường. Người dắt bò đã bị bọn cướp lật ngửa ra để lục soát, và căn cứ vào dấu vết hằn trên da mặt thì anh đã bị chúng dùng gót giày giẫm lòi mắt trái.
Chủ tịch Xôviết Vôixkôvôi, một anh kôdắc già đã tham gia hai cuộc chiến tranh, phát biểu ý kiến với anh nhân viên cảnh vệ:
- Xem này, Luka Nadarưts, cái thằng chó má nào người ta chết rồi nó còn hành hạ, không tha! Anh này đã chắn ngang đường nó đang theo chăng? Hay là tranh nhau một mụ đàn bà? Chứ nếu chỉ là cướp đường thôi thì không tàn ác với nhau đến như thế này đâu.. – Và cố tránh không nhìn cái hốc mắt rỗng hoác đỏ lòm kia và cái dòng máu chảy xuôi xuống má đã khô vón lại kia, đồng chí chủ tịch Xôviết lấy khăn tay của mình đắp lên mặt tử thi, rồi đứng thẳng dậy thở dài: - Cái bọn này táo tợn thật! Chắc chắn là chúng nó đã theo dõi hai anh này từ lâu, và tiền của các anh ấy chúng khoắng được rõ ràng phải đến hàng nghìn… Quân khốn kiếp! Chỉ vì đồng tiền mà chúng giết oan giết uổng những con người cường tráng như đại bàng thế này…
Ngay ngày hôm ấy, tin Khigiơnhiắc và Bôikô-Glukhốp bị giết đã loan về tới Grêmiatsi Lốc. Ngồi lại một mình với Đavưđốp ở trụ sở ban quản trị, Nagunốp hỏi:
- Xêmiôn ạ, cậu có hiểu được câu chuyện này rồi sẽ ra thế nào không?
- Cũng tàm tạm hiểu được như cậu hiểu. Đây là bàn tay thằng Pôlốptxép hoặc đồng đảng của chúng nó đây, thực tế thế!
- Đích thị thế rồi. Có một điều mình không hiểu: nhưng làm sao mà chúng nó đã phát hiện ra hai anh này là ai, vấn đề là như vậy! Và kẻ nào đã làm công việc điều tra phát hiện ấy?
- Vấn đề ấy thì mình với cậu chả thể giải quyết nổi. Nó là một bài toán có hai ẩn số, mà chúng mình thì không cứng về số học và đại số học gì cho lắm. Cậu đồng ý không?
Nagunốp ngồi im lặng hồi lâu, chân vắt chữ ngũ, mắt nhìn đăm đăm vào mũi chiếc ủng bụi trắng mà thực ra để tâm tận đâu đâu, rồi anh nói:
- Một ẩn số mình giải được rồi…
- Cái nào vậy?
- Con chó sói không bao giờ bắt mồi ở gần hang nó…
- Thế nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là những tên kia từ xa đến, chứ không phải từ Tubianxki, và cũng không phải từ Vôixkôvôi. Điều ấy thì chính xác!
- Vậy cậu cho là từ Sakhơtư hay từ Rôxtốp sao?
- Không nhất thiết. Biết đâu lại không từ làng ta?
- Rất có thể, - Đavưđốp ngẫm nghĩ một lát rồi nói. – Maka ạ, vậy cậu có ý kiến gì đề xuất không?
- Phải chỉ thị cho các đảng viên mở to mắt ra mà nhìn, ban đêm bớt ngủ đi và bí mật tuần tra khắp làng, quan sát kỹ. Biết đâu chúng ta lại chẳng vớ được ở ngay trong làng hoặc quanh làng chính cái thằng Pôlốptxép ấy, không thì cũng là một kẻ lạ mặt khả nghi nào đó. Sói thường xuyên lượn ban đêm…
- Thế cậu bảo chúng mình là sói à? – Đavưđốp khẽ nhếch mép mỉm cười.
Nhưng Nagunốp không cười. Anh ta cau mày lại, nói:
- Sói là chúng nó, còn chúng mình là người săn sói. Phải luận ra mà hiểu chứ.
- Đừng cáu. Mình đồng ý với cậu, thực tế thế! Bây giờ ta triệu tập các đảng viên tới họp ngay đi.
- Không nên ngay, mà muộn tí, chờ cho mọi người ngủ đi đã.
- Ý kiến ấy cũng đúng. – Đavưđốp đồng ý. – Nhưng không nên đi tuần, vì sẽ làm động dân làng ngay. Nên ngồi phục thì hơn.
- Biết chỗ nào mà phục? Phục chỉ uổng công vô ích! Mình phục thằng Chimôphây thì dễ: nó chỉ mò đến nhà con Luska thôi, ngoài ra nó không còn đường nào khác. Còn bọn này thì bảo đợi chúng nó ở đâu? Trời đất thì rộng, trang trại trong làng thì nhiều, người đâu mà rải ra nhà nào cũng canh?
- Việc gì phải nhà nào cũng canh.
- Biết chọn nhà nào?
- Ta hãy điều tra xem hai đồng chí tiếp phẩm đã vào nhà nào mua gia súc, rồi cứ những nhà ấy ta theo dõi. Hai đồng chí ấy chỉ quanh quẩn phần lớn các nhà những người khả nghi và vào mua gia súc các nhà ấy… Bọn giặc cỏ kia sẽ lần mò đến nhà một tên nào đó trong đám ấy… Cậu hiểu chưa?
- Cậu quả là cao kiến! – Nagunốp chịu phục. – Đôi lúc cậu cũng nảy ra được những ý kiến khá ra phết!



Nguồn: http://tusach.mobi/