Đội đang ăn trưa. Thợ cày và người dắt bò chen chúc nhau quanh chiếc bàn dài thô sơ. Họ ăn, thỉnh thoảng ném ra một câu pha trò tục tĩu và trao đổi nhận xét về chất lượng món cháo của chị nhà bếp.
- Suốt đời nhạt muối! Của tội của nợ chứ không phải nhà bếp!
- Nhạt thì cũng không chết. Thích ăn mặn thì cho thêm muối vào.
- Nhưng mình và thằng Vaxili ăn chung một bát, mình thích mặn, nó thích nhạt. Làm thế đếch nào bây giờ? Cậu tài thì cậu thử xem nào!
- Mai chúng tớ sẽ đan cho cái liếp ngăn đôi bát các cậu ra, có thể thôi mà. Cậu đần lắm! Chuyện đơn giản thế mà nghĩ không ra!
- Còn cậu thì khôn, khôn như con bò cày của cậu ấy, không hơn không kém.
Có lẽ họ còn châm chọc nhau, trả miếng nhau quanh bàn ăn còn lâu nếu như phía xa xa không thấp thoáng một chiếc xe ngựa. Anh thợ cày Prianhisnhikốp, người tinh mắt nhất đội, khum bàn tay che trán, khẽ huýt lên một tiếng:
- Lão cám hấp Ivan Argianốp đấy, và Đavưđốp đi cùng.
Cùi dìa lạch cạch hạ xuống bàn và con mắt mọi người sốt ruột chăm chú nhìn về phía cái xe vừa khuất đi chốc lát sau một cồn đất.
- Bỏ mẹ rồi! Anh chàng ấy đến để lại thúc đít chúng mình đây, - Agaphôn Đúpxốp cố nén bực mình, nói. - Cũng đáng đời cơ! Nhưng tớ thì xin đủ! Bây giờ đến lượt các đằng ấy è cổ ra mà đỡ, tớ è mãi chán rồi, tớ không còn mặt mũi nào mà nhìn anh ấy nữa!
Đavưđốp cảm thấy lòng xúc động khoan khoái khi thấy mọi người nhất tề đứng dậy chào anh. Anh bước rảo tới, và để đón anh, các bàn tay đã chìa ra, nhiều nụ cười đã rạng lên trên các khuôn mặt hơi hơi rám ửng của các bà các cô. Chị em phụ nữ này thì chẳng bao giờ bị sạm nắng thực sự: đi làm đồng họ trùm khăn vuông trắng kín đến nỗi chỉ còn hở một cái khe cho mắt nhìn. Đavưđốp chân bước, miệng mỉm cười mắt đảo nhìn các khuôn mặt quen thuộc. Đến bây giờ họ đã gắn bó với anh, thực sự vui mừng khi thấy anh đến, và đón anh như đón người nhà. Đavưđốp ý thức được ngay tất cả những điều đó và một niềm vui sâu sắc rung động tận đáy lòng anh, làm giọng anh cao lên, hơi khé:
- Kính chào những người lao động chậm tiến! Thế nào, có mời khách chén không đây?
- Khách đến ở lâu thì có chén, còn ghé thăm qua chốc lát thì chúng tôi xin miễn, chỉ cung kính tiễn chân thôi. Có đúng không, đội trưởng? - Prianhisnhikốp nói giữa tiếng cười ồ của mọi người.
Đavưđốp mỉm cười: - Chắc là tôi sẽ ở đây lâu đấy.
Đúpxốp cất giọng ồm ồm như lệnh vỡ:
- Quản lý đâu! Ghi cho anh ấy một khẩu phần chẵn bắt đầu từ hôm nay, còn chị, chị nuôi ơi, múc cháo cho anh ấy xơi kỳ đến vỡ bụng thì thôi!
Đavưđốp đi một vòng bàn ăn, bắt tay mọi người. Anh em thì như thường lệ, bắt tay anh thật chặt, còn chị em thì nhìn vào mắt anh, bẽn lẽn chìa ra cho anh bàn tay để úp: cánh đàn ông kô-dắc trong làng có bao giờ quan tâm quá tới họ như vậy đâu, và hầu như chả bao giờ lại tự hạ mình tới mức chào hỏi, bắt tay họ như những người bằng vai.
Đúpxốp kéo Đavưđốp ngồi xuống bên, đặt bàn tay nặng chịch và nóng hổi lên đầu gối anh:
- Anh Đavưđốp ạ, anh đến, anh em chúng tôi khoái lắm!
- Mình thấy. Cám ơn!
- Chỉ có điều là anh đừng vội quát tháo chúng tôi ngay…
- Nhưng mình có định quát tháo tí nào đâu.
- Không, anh nhịn quát sao nổi, không quát thì anh không sống được. Vả lại vài lời cứng rắn cũng là tốt đối với chúng tôi. Nhưng anh cứ tà tà. Trời đánh cũng tránh bữa ăn.
Đavưđốp cười khanh khách:
- Đợi tí cũng được. Vài lời hảo tâm ấy ta cũng chả tránh được đâu, nhưng ngồi bên bàn ăn thì ta chưa nên khơi, ta sẽ cố nhịn, phải không, bà con?
- Nhất định là phải nhịn rồi! - Đúpxốp tuyên bố dứt khoát giữa tiếng cười ồ của mọi người, và làm gương, cầm thìa ăn tiếp.
Đavưđốp cặm cụi, lẳng lặng ăn, đầu vùi vào bát. Anh hầu như không để tai đến những tiếng nói cố hạ giọng của đám thợ cày, nhưng lúc nào cũng cảm giác có đôi mắt ai đó nhìn dán lên mặt mình. Ăn xong bát cháo, Đavưđốp thở dài khoan khoái: lâu nay đây là lần đầu tiên anh được một bữa thực sự no. Anh liếm thìa, như một đứa trẻ con, và ngẩng đầu lên. Phía bên kia bàn một đôi mắt màu xám đang đăm đăm nhìn anh không chớp, và trong đôi mắt ấy có biết bao nhiêu là tình yêu nồng cháy, thầm lặng, biết bao nhiêu chờ đợi, hy vọng và nhẫn nhục đến nỗi tự nhiên anh đâm hoang mang. Trước đây anh đã nhiều lần, trong các cuộc họp hoặc chỉ là ngẫu nhiên ngoài đường làng, gặp cô gái mười bảy tuổi, cao lớn, xinh đẹp và có hai bàn tay to ấy, và lần nào cô ta cũng đã bối rối mỉm cười nhìn anh âu yếm, và vẻ ngượng nghịu hiện rõ trên gương mặt bỗng đỏ ửng của cô. Nhưng lần này trong cái nhìn của cô có cái gì khang khác, chín muồi hơn, và không phải chuyện đùa…
Đavưđốp lơ đãng nhìn gương mặt ửng đỏ của cô gái, nghĩ bụng - “Ngọn gió nào đã đưa em đến với tôi, hả cô em bé nhỏ? Tôi cần gì em? Và em cũng cần gì tôi? Thiếu gì những chàng trai trẻ đang lượn quanh em, nhưng em thì lại để mắt đến tôi, cô em khờ dại! Tôi gấp đôi tuổi em, bị thương, xấu trai, răng sứt, những cái ấy em lại chẳng nhìn thấy… Không, tôi chẳng cần đến em đâu, hỡi Varia hẩm hiu! Em cứ ăn no chóng lớn không có tôi là hơn!”.
Bắt gặp cái nhìn của Đavưđốp, cô khẽ quay đi, mắt nhìn xuống, Hai hàng mi cô chớp chớp và những ngón tay thô chai ráp của cô vuốt lại nếp chiếc chiếc áo cánh tàng tàng nhem nhuốc cứ run lẩy bẩy trông rõ. Có biết bao nhiêu ngây thơ vụng dại trong sự bất lực của cô không che đậy nổi nó, đến nỗi chỉ có ai mù mới không thấy.
Kônđrát Maiđanhikốp quay sang Đavưđốp, cười phá lên:
- Anh đừng nhìn con bé Varia nữa, kẻo có bao nhiêu máu nó bốc lên mặt hết bây giờ! Này, mày ơi, đi rửa mặt đi, may ra dập tắt được lửa đấy. Nhưng chả hiểu nó có còn bước nổi nữa không nhỉ? Chân tay rụng rời hết rồi còn gì… Nó dắt bò cho tôi đấy anh ạ, và cứ vừa đi vừa luôn mồm hỏi tôi bao giờ anh Đavưđốp đến. “Bao giờ anh ấy đến thì tao biết đâu đấy, hỏi mãi điếc tai”, - tôi bảo nó thế, nhưng nó cứ căn vặn tôi miết, gõ tôi suốt từ sáng đến tối như con chim gõ kiến gõ cành khô vậy.
Như để chứng tỏ rằng chân mình chưa rụng rời, Varia Kharlamôva quay ngang người, khẽ nhún chân nhảy tót một cái qua tấm ghế dài mình đang ngồi, chạy ra chỗ chiếc xe lều, mắt hầm hầm nhìn Maiđanhikốp và miệng tái nhợt lẩm bẩm điều gì. Tới đó cô ta mới dừng lại, quay về chỗ mọi người đang ngồi, nghẹn ngào kêu lên:
- Chú, chú Kônđrát… chú độc nói điêu!
Mọi người cười ồ đáp lại.
Đúpxốp vừa cười vừa nói: - Nó chạy ra xa mới cãi. Đứng xa mà cãi thì dễ mà.
- Cậu cứ trêu cô ấy thế làm gì? Chả nên! - Đavưđốp không hài lòng, nói.
- Anh chưa biết nó đấy thôi, - Maiđanhikốp lấy giọng bề trên, đáp lại. - Có anh nó mới tử tế thế, không có anh thì nó móc mắt người ta ngay, chả tha ai đâu. Mồm mép nanh nọc ra phết đấy! Gái đâu mà như con gà chọi! Anh thấy nó nhảy tót một cái đấy không? Như con dê rừng!...
Không, cái mối tình quê mùa trinh bạch kia mà cả đội ai ai cũng đã biết từ lâu, còn anh thì chỉ đến hôm nay mới được rõ lần đầu, nó chẳng mơn trớn được lòng tự ái của anh đàn ông trong Đavưđốp. Chao ôi, giá mà một đôi mắt khác cũng nhìn anh, dù chỉ một lần thôi, với một sự say đắm và trung thành không bờ bến như thế kia nhỉ!...
Để cắt đứt câu chuyện đã trở thành khó chịu, Đavưđốp nói đùa:
- Thôi, cảm ơn chị nuôi và cám ơn cái cùi dìa của tôi! Cả hai đã cho tôi một bữa căng bụng.
- Này, anh chủ tịch ơi, anh hãy cảm ơn cái miệng rộng hoác và cái bàn tay phải của anh nó đã tích cực hoạt động ấy, chứ cám ơn gì chị nuôi với cái cùi dìa. Ăn thêm tí nhá? - Chị nuôi, một bà đồ sộ, to béo ít thấy, vừa đứng lên vừa hỏi.
Đavưđốp nhìn, vẻ kinh ngạc ra mặt,cái thân hình phốp pháp, đôi vai bè bè và bộ ngực người ôm không xuể của bà ta, và hỏi nhỏ Đúpxốp: - Kiếm đâu ra cái của hiếm thế này hả?
- Đúc theo đơn đặt hàng đặc biệt của chúng tôi tại nhà máy luyện thép Taganrốc đấy, - kế toán viên, một cậu thanh niên mồm mép suồng sã, nói.
- Quái, sao trước đây con chưa thấy mẹ lần nào nhỉ? - Đavưđốp vẫn chưa hết sửng sốt. - Mẹ ơi, tầm cỡ mẹ như thế mà con lại không trông thấy là thế nào?
Bà cấp dưỡng phì cười:
- Mẹ con cái gì! Tôi mới bốn bảy, đâu dám làm mẹ anh? Anh không thấy tôi là vì mùa đông tôi không ló mặt ra khỏi cửa mà. To béo và chân ngắn cũn như tôi thì không đi trên tuyết được, dễ mắc kẹt lắm. Mùa đông tôi ngồi lỳ nhà, kéo sợi, đan khăn vuông, lần hồi qua ngày. Tuyết tan bùn lầy tôi cũng chẳng lội được: tôi như con lạc đà, hãi trơn ngã dập mặt. Trời khô ráo tôi mới đi làm cấp dưỡng. Và đồng chí chủ tịch ạ, tôi chẳng mẹ con gì với anh đâu! Nếu anh muốn sống hoà bình với tôi thì hãy gọi tôi là chị Đaria Kuprianốpna, và như thế, xuống đội, anh sẽ không bao giờ đói.
- Thưa bà chị Đaria Kuprianốpna, tôi xin hoàn toàn đồng ý sống hoà bình với chị, - Đavưđốp mỉm cười nói và đứng dậy cúi chào với vẻ hết sức nghiêm trang.
- Thế thì càng hay, hay cho anh và hay cả cho tôi. Bây giờ anh đưa bát đây, tôi múc cho anh ít sữa chua tráng miệng, - bà cấp dưỡng nói, rất hài lòng trước thái độ lịch sự của Đavưđốp.
Bà mạnh tay múc vào bát cả một kilô sữa chua đã gạn kem, trao cho Đavưđốp kèm theo một cái chào cúi rạp.
- Nhưng sao chị lại đi làm cấp dưỡng mà không ra đồng hả? - Đavưđốp hỏi. - Nặng cân như chị, chị chỉ cần ấn nhẹ một cái là lưỡi cày sẽ phập sâu xuống đất nửa mét, thực tế thế!
- Số là tôi bị đau tim! Các bác sĩ bảo là tim tôi nặng mỡ, hoạt động kém. Làm cấp dưỡng cũng thấy vất vả rồi, cứ động loay hoay với đống bát đĩa là tim tôi đã thót lên đến tận cổ rồi. Không đâu, đồng chí Đavưđốp ạ, đi cày thì tôi chịu thôi. Cái trò ấy tôi xin vái.
- Lúc nào cũng kêu tim phổi, thế mà đã chôn ba đời chồng rồi đấy. Ba ông kô-dắc, và bây giờ đang tìm một ông thứ tư, nhưng chả ông nào dám xung phong. Bà chị ấy mà quần cho thì cứ nát xương! - Đúpxốp nói.
Bà cấp dưỡng phát khùng lên thật sự, quát:
- Cái thằng mặt rỗ điêu xoen xoét kia! Tội tình gì tao nếu ba chàng kô-dắc ấy chả anh nào ra hồn người, toàn giống hom hem, ốm dở cả? Chúa không cho họ sống mãn kiếp, tội lại đổ lên đầu tao à?
Đúpxốp vẫn không chịu thua: - Thì bà chị cũng giúp cho các ông anh ấy mau mau chóng chóng xuống lỗ.
- Tao giúp thế nào?
- Thế nào thì đã rõ…
- Rõ thì nói ra xem!
- Đối với tôi thì hai năm rõ mười rồi…
- Không, rõ thì phải nói ra, đừng có khua môi múa mép hão thế!
- Giúp thế nào thì rõ rồi chứ còn gì: chị yêu các ông anh tôi quá, - Đúpxốp vừa cười vừa dè dặt nói.
- Cái thằng ngu lòi ruột lòi gan kia! - bà cấp dưỡng quát lên, át cả tiếng cười ầm ầm của mọi người, và vơ một ôm hết nửa số bát trên bàn.
Nhưng không dễ gì quật ngã anh chàng Đúpxốp mặt lạnh như tiền kia. Anh vẫn từ tốn chén nốt bát sữa chua, đưa lòng bàn tay lên quệt ria mép, rồi nói:
- Có thể là tôi ngu, có thể là tôi lòi ruột lòi gan, nhưng bà chị tôi ơi, những cái trò ấy thì tôi hiểu tỏng tòng tong.
Thế là bà cấp dưỡng tương cho Đúpxốp một câu đến nỗi mọi người cười rộ lên như phá rạp. Đavưđốp đỏ mặt tía tai vì cười và ngượng nói không ra hơi:
- Thế là thế nào nhỉ, anh em? Mình đã từng đi lính thuỷ, thế mà cũng chưa hề nghe thấy cái tiếng ấy bao giờ!...
Nhưng Đúpxốp vẫn giữ vẻ hoàn toàn nghiêm trang, gào lên giọng cố làm ra vẻ bị kích động:
- Tôi xin thề trước Thánh kinh! Xin hôn Thánh giá! Nhưng bà chị Đaria ơi, tôi xin cứ là vẫn giữ ý kiến: chị đã yêu ba ông anh tôi quá nên đã đưa họ sang thế giới bên kia mà! Ba vị, đâu có phải chuyện bỡn… Và Vlađimia Grátsép năm ngoái sao bỗng dưng ông ta lại chết? Ông ta đi lại với chị…
Đúpxốp chưa nói dứt câu đã vội cúp gập xuống: một chiếc môi gỗ nặng bay vèo qua đầu anh như một mảnh đạn trái phá. Đúpxốp vắt cẳng nhảy tót qua tấm ghế dài, lanh lẹn như một chú thiếu niên. Aanh đã chạy ra xa bàn mười thước thì bỗng nhảy cẫng sang bên, quay ngoắt lại, vừa kịp tránh cái bát sắt bay vù qua, bắn tung toé sữa chua rồi vẽ thành một đường cong, rơi xa xa ra đồng. Đúpxốp đứng giạng háng, giơ nắm đấm lên doạ, quát:
- Ê này, bình tĩnh nào, chị Đaria! Muốn ném cái chết tiệt gì thì ném, cấm ném bát đĩa! Vỡ thì lạy Chúa, sẽ bắt đền trừ vào công điểm đấy! Bắt chước con Varia ra nấp sau cái xe kia kìa, đứng đấy mà thanh minh thì dễ hơn!... Còn tôi, tôi vẫn giữ nguyên xi ý kiến: chị giết mấy ông chồng chị, bây giờ chị lại trút giận lên đầu tôi…
Đavưđốp vất vả mới lập lại được trật tự. Họ ngồi xuống hút thuốc cách chòi canh một quãng và Kônđrát Maiđanhikốp cười sặc sụa nói:
- Ngày nào cũng thế, bữa trưa hoặc bữa tối, cũng xảy ra cái trò ấy. Cậu Agaphôn bị sưng vêu má tím bầm mất một tuần, mụ Đaria cho cậu ấy xơi một quả tống mà, thế mà vẫn không chừa trêu mụ ấy. Này, Agaphôn ạ, cậu không qua được vụ cày này lành lặn mà trở về đâu, mụ ấy chẳng đánh lòi con ngươi cậu ra thì cũng vặn gãy cẳng cậu, lúc ấy sẽ hết trêu…
- Đàn bà gì mà cứ như cái máy kéo Phoxơn! - Đúpxốp vừa nói bằng một giọng thán phục vừa liếc trộm chị cấp dưỡng đang diễu qua gần đó.
Rồi làm ra vẻ không trông thấy chị ta, anh ta nói to hơn:
- Này, anh em ạ, chả xấu gì mà phải dấu, mình mà chưa vợ thì mình lấy em Đaria ngay. Nhưng chỉ lấy trong một tuần thôi, rồi đánh bài chuồn. Khoẻ như mình đây thì quá một tuần mình cũng chẳng chịu nổi. Mà chết thì lúc này mình chưa muốn. Tội gì mà chết uổng nhỉ? Đánh nhau suốt một cuộc nội chiến không sao, để bây giờ chết vì gái… Không chơi, mình ngu lòi ruột lòi gan thật đấy, nhưng vẫn còn khôn chán! Mình sẽ cầm cự với em Đaria một tuần, đến ngày thứ tám, nửa đêm mình sẽ lẳng lặng tụt trên giường xuống, bò ra cửa, rồi phi nước đại về tận nhà… Anh tin tôi, anh Đavưđốp ạ, có Chúa chứng giám, tôi không nói điêu đâu, và có cậu Prianhisnhikốp đây thì tôi nói điêu sao được: một lần, tôi và cậu ấy đã đánh cuộc với nhau một bữa chén ôm thử em Đaria xem. Hắn ôm đằng trước, tôi ôm đằng sau, nắm lấy tay nhau, nhưng không sao ôm nổi, em ấy đô quá thể! Chúng tôi réo cậu kế toán, cậu ấy non tuổi lại thêm cái non gan, sợ, cóc dám đến gần em Đaria. Thành thử đến mãn kiếp em ấy cũng sẽ không bao giờ được biết mùi cái ôm thực sự ra ôm…
- Đồng chí Đavưđốp ạ, đừng nghe mồm cái thằng trời đánh thánh vật ấy, - chị cấp dưỡng đã hết cơn thịnh nộ, vừa cười vừa nói. - Một ngày mà nó không nói lảm nhảm thì nó sẽ buồn chết trương chết rũ ra ngay. Trời sinh ra nó mồm cứ như cái trôn trẻ!
Chầu thuốc xong, Đavưđốp hỏi:
- Còn phải cày bao nhiêu nữa?
- Cày đến tết! - Đúpxốp miễn cưỡng đáp. - Hơn trăm rưởi hécta. Một trăn năm mươi tám, tính đến hết ngày hôm qua.
- Làm ăn giỏi đấy, thực tế thế! - Đavưđốp lạnh lùng nói. - Thế suốt ngày các anh làm gì? Mần tuồng với bà cấp dưỡng phải không?
- Anh nói quá.
- Đội một và đội ba xong từ đời nào rồi mà sao các anh vẫn cứ dây dưa lề mề thế ?
Đúpxốp đề nghị:
- Anh Đavưđốp ạ, để tối nay ta họp toàn thể bàn bạc thoải mái, còn bây giờ đi làm đã.
Đó là một đề nghị hợp lý và Đavưđốp ngẫm nghĩ một tí rồi đồng ý.
- Các anh để tôi bò nào?
- Lấy bò tôi mà cày, - Kônđrát Maiđanhikốp khuyên. - Bò tôi quen việc và khoẻ. Có hai cặp bò non thì hiện nay chúng tôi đang cho nghỉ.
Đavưđốp ngạc nhiên: - Sao lại nghỉ?
Đúpxốp mỉm cười giải thích:
- Chúng nó yếu quá, cứ gục giữa luống. Chúng tôi đã cho tháo ra, thả ở bãi cỏ bên bờ đầm. Cỏ ở đấy tốt, bổ, cho chúng nó ăn lại sức, đằng nào thì lúc này chúng nó cũng chằng được cái việc quái gì. Qua mùa đông, chúng nó đã gày tọp đi, và bây giờ ngày nào cũng cày, chúng nó cũng ớn, cóc kéo nữa, thế là chịu đấy! Chúng tôi đã thử ghép đôi một với bò già, nhưng mả mẹ nó, không đi đến đâu. Kônđrát nói phải đấy, anh cứ lấy bò cậu ấy mà cày.
- Thế thì cậu ấy làm gì?
- Tôi cho cậu ấy về nhà, nghỉ hai ngày. Chị ấy ốm, nằm liệt giường, chị ấy cũng chẳng đưa bác Ivan Argianốp quần áo cho cậu ấy nữa và nhắn gọi cậu ấy về.
- Thế thì được. Mình lại cứ tưởng ông định cho cậu ấy thả cỏ nốt. Mình thấy ở đây đang có phong trào thả cỏ…
Đúpxốp đưa mắt ra hiệu cho mọi người, không để Đavưđốp thấy. Tất cả đứng dậy, lục tục ra lắp bò.
Tập II - Chương 7
Mặt trời lặn thì Đavưđốp cày đến cuối ruộng. Anh tháo bò ra, ngồi xuống vệ cỏ bên luống, đưa cánh tay áo véttông lên quệt mồ hôi trán, cuốn điếu thuốc lá bằng mấy đầu ngón tay run run, và đến lúc ấy anh mới thấy thấm mệt. Lưng anh đau như dần, mấy đường gân dưới đầu gối cứ giần giật, tay run lẩy bẩy như ông lão.
Anh hỏi Varia: - Sớm mai liệu ta có tìm thấy lại bò không?
Cô đứng đối diện anh, trên thửa ruộng cày. Hai bàn chân bé nhỏ đi đôi giày to tướng tã mướp của cô lún tới mắt cá xuống lớp đất bở tơi vừa cày lật lên. Tháo tấm khăn vuông đầy bụi trùm mặt xuống, cô nói:
- Thấy chứ, đêm nó không đi xa đâu.
Đavưđốp rít lấy rít để điếu thuốc, hai mắt nhắm lại. Anh không muốn nhìn cô gái. Còn cô thì khuôn mặt rạng rỡ một nụ cười sung sướng và mệt mỏi, nói nhỏ:
- Anh quần cho cả em, cả bò mệt nhoài. Anh nghỉ thưa quãng quá.
- Tôi đây cũng mệt muốn chết, - Đavưđốp đáp, mặt khó đăm đăm.
- Phải cho nghỉ mau hơn. Chú Kônđrát nghỉ có vẻ nhiều hơn, cho bò thở, thế nhưng bao giờ cũng cày được nhiều hơn anh em khác. Anh chưa quen cho nên mệt đấy…
Cô suýt thêm: “anh thương yêu”, và hoảng quá mím chặt môi lại.
Đavưđốp đồng ý: - Đúng đấy, tôi chưa quen.
Anh ậm ạch cất mình đứng dậy, ậm ạch nhấc đôi cẳng mỏi nhừ bước dọc luống trở về lán. Varia bước theo sau, rồi tiến lên, đi sánh ngang với anh. Tay trái Đavưđốp túm lấy chiếc áo mayô lính thuỷ bạc phếch rách tan. Ngay lúc còn sáng, sửa lại cày, anh đã cúi xuống, móc cổ áo phải tay cày, rồi ngẩng phắt dậy, làm cho cái áo rách toạc làm đôi. Trời nóng, anh chẳng cần quái gì đến áo, nhưng cởi trần trùng trục đi theo cày trước mặt một người con gái là một việc anh không có gan làm. Anh ngượng nghịu khép hai vạt áo lính thuỷ lại, hỏi Varia có chiếc ghim băng nào không. Cô đáp: tiếc là không có. Đavưđốp ngán ngẩm nhìn về phía lán. Từ đây đến đấy ít ra phải hai cây số. “Hai cây cũng phải đi”, - Đavưđốp nghĩ bụng, thở dài đánh sượt một cái, văng thầm một câu, rồi nói:
- Này, cô Varia hẩm hiu này, đợi tôi tí, tôi chạy về lán một cái.
- Về làm gì thế?
- Lấy cái véttông, thay cái tã rách này.
- Mặc véttông trời này thì nóng chết.
- Nóng cũng đi, - Đavưđốp cứ một mực.
Mẹ kiếp, dẫu sao thì anh cũng không thể chơi cái mốt đánh trần trùng trục được! Còn gì là đời nếu cái con bé ngây thơ và đáng yêu này trông thấy trên ngực anh, trên da bụng anh có những hình vẽ gì. Thực ra những hình xăm trên hai thớ thịt nổi gồ của bộ ngực nở nang của Đavưđốp cũng vô thưởng vô phạt thôi, có đôi chút tình tứ nữa là khác: một đôi chim bồ câu do bàn tay của một nhà hoạ sỹ lính thuỷ phác ra một cách rất khéo; nhất cử nhất động của Đavưđốp đều làm cho đôi bồ câu xanh như vỗ vỗ cánh và khi anh nhún vai một cái là chúng chạm mỏ vào nhau, như hôn yêu nhau. Có thế thôi mà. Nhưng trên bụng anh… Cái hình này đã từ lâu gây biết bao nhiêu đau khổ về tinh thần cho Đavưđốp. Hồi nội chiến, anh chàng lính thuỷ hai mươi tuổi Đavưđốp có một lần say rượu gần chết. Về tới phòng thuỷ thủ tàu phóng lôi của anh, anh em lại đổ cho anh thêm một cốc rượu mạnh nữa. Và trong khi anh nằm bất tỉnh nhân sự trên cái giường tầng dưới, mình mặc độc chiếc quần đùi, thì hai anh bạn say rượu, thuỷ thủ của tàu vớt mìn đậu cạnh đó - hai bậc thầy trong nghề trổ xăm - đã cặm cụi trên thân thể anh, thả sức tung hoành cho cái trí tưởng tượng chuếnh choáng hơi men của họ, tương ra toàn những hình vẽ nhảm nhí. Từ đó Đavưđốp thôi không dám tắm ở những nơi công cộng nữa và khi đi khám sức khoẻ cứ nằng nặc đòi được bác sỹ nam khám.
Năm đầu tiên vào làm ở nhà máy ngay sau khi giải ngũ, một lần Đavưđốp đánh bạo vào một phòng tắm hơi nước tập thể. Hai tay ôm bụng che, anh tìm đến chỗ một thùng nước không có người đứng tắm. Anh vừa mới xát xà phòng đầy đầu thì nghe thấy ở đâu đây bên cạnh mình, thâm thấp phía dưới, một tiếng cười khúc khích. Đavưđốp khoả mặt cho đi hết xà phòng, mở mắt nhìn: một anh chàng nào chẳng biết, đã đứng tuổi, một ông công dân đầu hói, đang lom khom chống tay xuống cái bậc, trắng trợn nhìn chòng chọc xem cái hình xăm trên bụng Đavưđốp và khoái trá cười rinh rích. Đavưđốp cứ thủng thẳng đổ nước đi, rồi cầm cái chậu gỗ sồi nặng chịch giáng xuống cái đầu hói của ông đồng bào có tính tò mò quá quắt kia, làm cho ông ta không kịp xem hết hình vẽ, nhắm mắt lại mà lẳng lặng lăn kềnh ra giữa sàn. Đavưđốp tắm nốt cho xong, rồi trút lên ông đầu hói kia một chậu nước lạnh như nước đá và khi thấy ông ta bắt đầu chớp chớp mắt, anh mới bỏ đi ra phòng thay quần áo. Từ đó Đavưđốp dứt khoát chào vĩnh biệt cái thú tắm hơi nước chính cống kiểu Nga trong nhà tắm công cộng, và chỉ tắm ở nhà.
Chỉ cần thoáng nghĩ đến chuyện Varia có thể trông thấy, dù chỉ là liếc mắt một cái, những hình vẽ lăng nhăng trên bụng mình, Đavưđốp đã thấy phát sốt phát rét lên và vội khép chặt hơn nữa hai tà áo cứ phanh ra của anh.
- Cô tháo bò ra, thả cho chúng đi ăn cỏ, tôi đi đây, - anh thở dài nói. Anh chẳng thú vị tí nào trước cái viễn cảnh phải đi vòng thúng cánh đồng hoặc ba cây số bước thấp bước cao đi tắt ruộng cày và tất cả tội vạ ấy chỉ là do một sự ngẫu nhiên vớ vẩn.
Nhưng Varia lại đánh giá sự bối rối của Đavưđốp theo ý mình. “Anh của em ơi, đi làm với em không mặc áo thì anh xấu hổ chứ gì!” - cô khẳng định như vậy và, trong bụng thầm biết ơn Đavưđốp tế nhị, chiếu cố tính con gái cả thẹn, cô dứt khoát tụt giày ra.
- Em đi nhanh hơn anh!
Đavưđốp chưa kịp mở miệng nói lên một tiếng thì cô đã như một con chim bay vù về lán. Trên ruộng cày đất đen thấp thoáng ánh sâm sẫm đôi cẳng chân thoăn thoắt của cô, và ngọn gió tạt lại thổi phần phật sau lưng cô cái đuôi khăn vuông trắng. Cô chạy, người hơi ngả về đằng trước, hai tay nắm lại giữ chặt lấy bộ ngực rắn chắc, đầu cô độc một ý nghĩ: “Mình chạy lấy áo về cho anh ấy… Mình sẽ đi nhanh, về nhanh, được việc cho anh ấy, rồi anh ấy sẽ nhìn mình âu yếm, dù chỉ là một lần thôi trong suốt cái thời gian này, và biết đâu anh ấy sẽ chẳng bảo: cám ơn Varia!”.
Đavưđốp nhìn theo cô một lúc lâu, rồi tháo bò, bước ra khỏi ruộng cày. Cách đấy một quãng anh tìm thấy một đám bìm bìm lứa năm ngoái rối nhằng nhịt, bẻ một cành, tuốt sạch lá đi, thắt chặt hai vạt áo mayô rách lại. Anh ngả lưng nằm và thiếp đi luôn, như chìm đắm vào một cái gì đen đen, mềm mềm, thơm mùi đất…
Anh tỉnh dậy vì có một cái gì bò bò trên trán, chắc hẳn một con nhện, hoặc một con sâu gì đó. Anh cau lại, đưa tay lên xoa mặt, rồi lại thiếp đi, và rồi lại có cái gì trườn trên má, bò lên môi, cù cù lỗ mũi anh. Đavưđốp hắt xì một cái, mở mắt. Trước mắt anh là cô Varia ngồi xổm, toàn thân rung lên một cơn cười nén không nổi. Cô đang cầm một ngọn cỏ khô đưa đi đưa lại trên mặt Đavưđốp, và không kịp rụt tay lại khi anh mở mắt. Anh nắm lấy cổ tay mảnh dẻ của cô. Cô cũng chẳng gỡ tay ra, chỉ quỳ một gối xuống, và gương mặt đang cười của cô bỗng chốc chuyển sang một vẻ ngoan ngoãn và đợi chờ pha chút lo sợ.
- Em mang áo cho anh đây, dậy đi, - cô thì thào như một hơi thở, khẽ gỡ tay ra một cách yếu đuối.
Đavưđốp buông ra. Bàn tay to và rám nắng của Varia buông xuống đầu gối cô. Cô nhắm mắt lại, nghe thấy tim mình đập thình thình, rộn rã. Cô vẫn chờ đợi một cái gì, hy vọng một cái gì… Nhưng Đavưđốp cứ nín thinh. Ngực anh thở đều đều, bình thản, và không một thớ thịt nào trên mặt anh rung rung. Rồi anh nhỏm dậy, ngồi ngay ngắn, chân phải gập lại, lừng khừng thò tay vào túi sờ tìm túi thuốc lá. Bây giờ thì hai mái đầu họ gần như chạm nhau. Đavưđốp mấp máy cánh mũi, bắt được mùi hương thoang thoảng, hơi nồng của mái tóc cô. Và toàn thân cô ngát mùi hương nắng ban trưa, ngát mùi cỏ xém ánh mặt trời, ngát mùi hương tuổi trẻ chỉ có một lần trong một cuộc đời và chưa ai dùng được lời lẽ nào tả nổi…
- “Con bé sao mà dễ thương!” - Đavưđốp thoáng nghĩ bụng và thở dài. Hai người gần như đồng thời đứng dậy, bốn mắt lẳng lặng nhìn nhau giây lát. Rồi Đavưđốp cầm lấy chiếc áo véttông từ tay cô, và mắt anh mỉm cười dịu dàng:
- Cám ơn Varia!
Anh nói đúng thế đấy: “Varia”, chứ không phải “Varia hẩm hiu”. Thế là rốt cuộc đã diễn ra đúng cái điều cô mơ ước khi chạy đi lấy áo. Vậy thì tại sao trong đôi mắt xám kia lại rưng rưng hai giọt nước mắt, và hàng mi đen và dày kia lại khẽ rung rung, cố chặn chúng lại? Sao cô lại khóc, hỡi cô gái dễ thương? Cô đang khóc không thành tiếng, đầu cúi gục xuống, với cái vẻ tuyệt vọng thầm lặng của một đứa con nít. Nhưng Đavưđốp chẳng nhìn thấy gì hết: anh cứ chăm chú cuốn điếu thuốc, cố sao cho không một sợi nào rơi vãi. Thuốc điếu anh đã hết, thuốc sợi sắp cạn, và anh tiết kiệm, cuốn điếu thuốc nho nhỏ thôi, cuốn cẩn thận, sao cho vừa đủ rít năm sáu hơi.
Cô đứng lặng một lát, cố hết sức trấn tĩnh lại. Nhưng cô không làm sao tự chủ được và quay ngoắt gót, đi ra chỗ đôi bò, chân bước miệng thốt:
- Em đi gọi bò.
Ấy thế nhưng cả lần này nữa Đavưđốp cũng chẳng nhận thấy cái vẻ xúc động đau đớn trong giọng nói run run của cô. Anh lẳng lặng gật đầu, châm thuốc hút, đầu óc tập trung vào chuyện đội này bằng độc lực mình cần phải mất bao nhiêu ngày nữa mới cày xong toàn bộ diện tích vụ tháng Năm, và liệu có nên điều sang đây vài chiếc cày của đội ba là đội mạnh hơn không?
Khuất mắt Đavưđốp rồi thì có thể khóc tự nhiên. Và Varia khóc thoải mái, vừa đi vừa lấy đuôi khăn vuông lau những giọt nước mắt lăn lã chã trên đôi má rám nắng…
Mối tình đầu trong trắng, mối tình gái tơ của cô đã vấp phải sự thờ ơ của Đavưđốp. Thêm nữa, Đavưđốp lại là người mù đặc trong chuyện yêu đương; có nhiều điều không lọt tới được ý thức anh, hoặc nếu có lọt thì cũng đã quá muộn, và đôi khi cái muộn ấy không thể cứu vãn được…
Đứng mắc ách bò, anh trông thấy má Varia có những ngấn xam xám, vết tích của những giọt nước mắt trào ra lúc nãy mà anh không trông thấy. Anh hỏi, giọng có ý chê trách:
- Ề, Varia hẩm hiu! Có vẻ như hôm nay cô không rửa mặt hả?
- Sao lại có vẻ thế?
- Mặt nhem nhuốc thế kia kìa. Sáng nào dậy cũng phải rửa mặt tử tế chứ! - Anh nói bằng giọng lên lớp.
… Mặt trời đã lặn mà họ vẫn còn mệt mỏi bước đi trên đường về lán. Hoàng hôn trùm bóng lên thảo nguyên. Thung lũng cỏ gai chìm trong sương chiều. Đằng tây, những đám mây xanh thẫm, gần như đen, dần dần đổi sắc: đầu tiên là chân mây ngả sang màu lựu, rồi một ráng đỏ máu thấm xuyên qua mây trườn mạnh lên ngọn và khoanh lên nền trời một cánh cung lửa. “Anh ấy chẳng đời nào yêu mình…” - Varia buồn rầu nghĩ bụng, đôi môi mòng mọng mím chặt lại đau đớn. “Mai sẽ có gió to, chỉ một ngày là đất khô, bò kéo sẽ vất vả đây”, - Đavưđốp nhìn ráng chiều đỏ rực nghĩ bụng, không lấy gì làm thú vị.
Dọc đường Varia cứ bứt rứt, muốn nói điều gì, nhưng có một sức mạnh nào đã ghìm cô lại. Khi chẳng còn mấy bước nữa thì tới lán, cô mới quả quyết nói:
- Đưa em cái áo mayô lính thuỷ của anh, - cô nói nhỏ. Và sợ anh từ chối, cô tiếp thêm, như van vỉ: - Đưa cho em đi!
Đavưđốp ngạc nhiên:
- Đưa làm gì?
- Em vá cho, em vá khéo lắm, anh sẽ không thấy vết vá đâu. Rồi em giặt.
Đavưđốp cười xoà:
- Nó mặc mãi thấm mồ hôi bở bùng bục cả rồi còn gì. Vá được chỗ nọ lại toạc chỗ kia. Thôi mà, em Varia hẩm hiu ạ, cái áo ấy đã hết hạn sử dụng rồi, cho bà Đaria Kuprianốpna lau sàn thôi.
- Cứ đưa em. Em vá thử, rồi anh xem, - Varia cứ nằng nặc.
- Tuỳ cô, nhưng cô sẽ mất công toi thôi, - Đavưđốp đồng ý.
Cô mà vác cái áo kẻ sọc của Đavưđốp lù lù về lán thì thật chả tiện tí nào: sẽ lắm chuyện và sẽ nhao nhao lên những câu châm chọc… Cô đưa mắt lấm lét nhìn Đavưđốp rồi nghiêng vai che che, đút luôn cái áo vo tròn thành một cục âm ấm vào sau yếm.
Một cảm giác lạ lùng, mới mẻ và bồi hồi dâng lên trong cô từ lúc chiếc áo lót mình đầy bụi của Đavưđốp nằm ép trên da ngực cô: cứ như thể tất cả cái hơi ấm nóng hổi của một thân thể đàn ông cường tráng đang thấm vào người cô, đầy ăm ắp… Môi cô bỗng se lại, trên cái trán thấp trắng trẻo của cô hiện ra những giọt mồ hôi lấm tấm, và đến cả dáng đi của cô nữa bỗng cũng có vẻ như ngập ngừng, chập chững.
Nhưng Đavưđốp chẳng để ý gì, chẳng trông thấy gì cả. Chỉ một phút sau anh đã quên khuấy đi là anh vừa dúi vào tay cô cái áo mayô lính thuỷ bẩn thỉu của anh. Anh quay sang cô, kêu thốt lên:
- Nom kìa, Varia, anh em hoan hô thắng lợi kìa! Đấy, cậu chấm công đang vẫy mũ đón chúng ta đấy. Hôm nay hai chúng mình đã làm ra làm, thực tế thế!
* * *
Ăn chiều xong, đám nam giới nhóm một đống lửa trại gần chiếc xe lều, và ngồi hút thuốc.
- Nào, bây giờ ta nói chuyện thẳng thắn: tại sao các anh làm xoàng thế? Tại sao việc cày bừa lề mề như vậy? - Đavưđốp hỏi.
- Các đội khác nhiều bò hơn chúng tôi, - Bexkhlépnốp con đáp.
- Nhiều hơn bao nhiêu?
- Anh không biết à? Đội ba nhiều hơn tám đôi, muốn xoay vần thế nào thì cũng cứ là bốn lưỡi cày! Đội một hơn hai cày, thế nghĩa là họ lợi thế hơn chúng tôi.
- Chỉ tiêu của chúng tôi lại nặng hơn, - Prianhisnhikốp bổ sung thêm.
Đavưđốp cười khẩy:
- Nặng hơn nhiều lắm hả?
- Dù chỉ là ba chục hécta thôi thì cũng vẫn cứ là nặng hơn. Chỗ ấy cũng không thể lấy sống mũi mà dũi được.
- Chỉ tiêu ấy hồi tháng Ba các anh đã biểu quyết rồi phải không? Bây giờ còn than thở nỗi cái gì nữa? Chỉ tiêu là xuất phát từ số diện tích từng đội, có phải thế không nào?
Đúpxốp điềm tĩnh nói:
- Nào ai than thở gì đâu, anh Đavưđốp ạ, vấn đề không phải ở chỗ ấy. Bò của đội chúng tôi qua mùa đông kém ăn cứ rộc đi. Hồi tiến hành tập thể hoá súc vật và thức ăn chăn nuôi, rơm cỏ chúng tôi có ít hơn các đội khác. Cái đó thì anh biết rõ quá rồi, anh còn hoạnh hoẹ chúng tôi cái gì? Đúng là việc cày bừa của chúng tôi lề mề. Bò của chúng tôi đa số yếu, đáng lẽ phải phân phối rơm cỏ một cách hợp lý chứ không phải như kiểu anh và lão Ôxtơrốpnốp đặt ra: cá thể nộp vào cái gì thì bây giờ cho bò ăn cái ấy. Hậu quả bây giờ là thế này đây: người ta đã cày xong, chuẩn bị bò cho vụ cắt cỏ, còn chúng tôi thì vẫn cứ loay hoay mãi với đám ruộng hưu canh này.
- Chúng tôi sẽ giúp anh. Liubiskin sẽ đỡ các anh một tay, được không? - Đavưđốp đề nghị.
- Anh em chúng tôi chẳng từ chối, - Đúpxốp tuyên bố với sự im lặng đồng tình của mọi người, - chúng tôi chả tự ái gì.
- Rõ ràng rồi, - Đavưđốp trầm ngâm nói. - Rõ ràng là trong việc này cả ban quản trị lẫn mọi người chúng ta đều sai toét: ta đã phân phối cỏ mùa đông có thể nói là theo nguyên tắc lãnh thổ; một cái sai! Ta đã phân phối lao động và sức kéo không đúng; cái sai thứ hai! Sai tại ma quỷ nào? Tại chúng ta thôi, và chúng ta sẽ phải sửa. Về năng suất hàng ngày, thì con số của các anh chẳng đến nỗi nào, nhưng tổng số diện tích đã cày thì không nghĩa lý gì. Các anh thử tính xem, cần quẳng thêm cho các anh bao nhiêu cái cày nữa để các anh thoát ra khỏi được chỗ sa lầy này. Tính đi, lấy bút ghi tử tế, và khi nào đi cắt cỏ khô chúng ta sẽ rút kinh nghiệm sai lầm của chúng ta, phân phối lực lượng lại. Chẳng lẽ lại tái diễn cái sai mãi?
Họ ngồi quanh đống lửa khoảng hai tiếng đồng hồ, tranh luận, tính toán, vặc nhau. Hoá ra Atamantsukốp lại tỏ ra là người tích cực nhất: hắn ta phát biểu rất hăng, đưa ra những đề nghị chí lý, nhưng tình cờ bắt gặp cái nhìn của hắn giữa lúc Bexkhlépnốp đang đả ác Đúpxốp, Đavưđốp thoáng thấy trong đôi mắt hắn một ánh thù sắc lạnh đến nỗi anh phải ngạc nhiên cau mày lại. Atamantsukốp vội cúi nhìn xuống, đưa tay lên sờ sờ cục yết hầu tua tủa những sợi râu rễ tre màu hạt dẻ. Nhưng chỉ một phút sau, khi hắn lại ngẩng lên nhìn Đavưđốp thì đôi mắt hắn đã ánh lên một vẻ thân ái giả vờ, và mỗi nếp nhăn trên mặt hắn đều toát ra một vẻ chất phác hồn nhiên. Đavưđốp nghĩ bụng: “Đóng kịch tài thật! Nhưng sao hắn lại nhìn mình cái lối tởm thế nhỉ? Chắc hắn ức chuyện mình định đuổi hắn ra khỏi nông trang hồi mùa xuân chăng?”.
Đavưđốp không biết, và không thể biết được rằng hồi mùa xuân vừa qua, khi được tin Atamantsukốp bị đuổi ra khỏi nông trang, Pôlốptxép nửa đêm đã cho gọi hắn ta đến, nghiến răng nghiến lợi bảo: “Làm cái trò gì thế, hả đồ con lừa? Tao cần là cần một thằng nông trang viên gương mẫu, chứ không phải một thằng ngu ngốc ra cái điều hăng hái để bị tôm cổ vì một chuyện không đâu, rồi bị GPU (*) hỏi cung lại khai ra cả nút, và thế là hết chuyện. Ra hội nghị toàn nông trang mày làm thế nào thì làm, đồ chó đẻ, quỳ xuống mà lạy chúng nó cũng được, nhưng miễn sao cho hội nghị không thông qua quyết định của đội khai trừ mày. Trong khi chúng ta chưa khởi sự thì không được để một thoáng nghi ngờ nào rơi lên anh em ta”.
Atamantskốp đã không phải quỳ xuống lạy: theo lệnh của Pôlốptxép, Iakốp Lukits và bọn đồng loã ra hội nghị đã đồng thanh bênh vực Atamantskốp, và hội nghị đã không chuẩn y quyết định của đội. Atamantskốp chỉ bị một cú cảnh cáo chung trước hội nghị thôi. Từ đó hắn im bặt, làm việc không ai chế trách vào đâu được, thậm chí còn được nêu gương về ý thức giác ngộ lao động cho những kẻ ăn bơ làm biếng. Nhưng lòng thù hằn của hắn đối với Đavưđốp và chế độ nông trang, hắn không thể đào sâu dấu kỹ được, và thỉnh thoảng, muốn hay không, nó vẫn cứ lòi ra, lúc thì qua một câu nói lỡ mồm, lúc thì bằng một nụ cười hoài nghi, lúc thì trong những tia lửa giận sữ bùng lên rồi lập tức tắt ngấm trong đôi mắt xanh thẫm như thép biếc của hắn.
Mãi đến nửa đêm họ mới xác định được ngã ngũ về con số cần xin tăng viện và thời gian hoàn thành cày. Đavưđốp thảo luôn dưới ánh lửa một mẩu thư về cho Radơmiốtnốp, và Đúpxốp xung phong đi ngay tắp lự về làng, không đợi sáng, để trưa hôm sau đưa được bò và cày của đội ba về, và để cùng với Liubiskin chọn những tay cày nào khá nhất. Họ ngồi rốn bên đống lửa đang tàn làm thêm điếu thuốc nữa, rồi kéo nhau đi ngủ.
Trong khi đó, đằng sau chiếc xe lều, diễn ra một cuộc chuyện trò khác. Varia đang vò đi vò lại giặt rũ chiếc áo lót của Đavưđốp trong một chiếc bồn kẽm cũ kỹ. Bà cấp dưỡng đứng bên cô nói nhỏ, giọng gần như đàn ông:
- Con lẩn thẩn này, sao mày lại khóc?
- Áo anh ấy mặn mặn như mùi muối…
- Thế thì sao? Người làm ăn thì áo lót mình phải sặc mùi muối, mùi mồ hôi, chứ đâu có mùi nước hoa hay mùi xà phòng thơm. Làm sao mà mày phải rống lên như vậy? Anh ấy có làm gì mày không?
- Ồ không, dì vớ vẩn!
- Thế sao lại nước mắt ngắn nước mắt dài, hả con dở hơi?
- Vì cháu giặt đây không phải là giặt áo của người dưng nước lã, mà là của người cháu thương… - Cô gái cúi xuống chiểc bồn, nén một tiếng nghẹn ngào, nói.
Bà cấp dưỡng im lặng một lúc khá lâu, rồi tay chống nạnh thốt lên bằng một giọng cáu kỉnh:
- Thôi, tao rác tai lắm rồi! Varia, ngẩng mặt lên tao xem.
Cô bé dắt bò khốn khổ mới mười bảy tuổi đầu ấy ngẩng lên, nhìn bà cấp dưỡng bằng đôi mắt đẫm lệ, nhưng rạo rực niềm hạnh phúc của tuổi xuân chưa hề được biết cái hôn ban đầu.
- Cháu thích cả cái mùi mặn muối ở áo anh ấy…
Bộ ngực đồ sộ của bà Đaria Kuprianốpna nẩy lên bần bật vì cười.
- Mày ơi, tao thấy mày đã thực thụ thành đứa con gái rồi đấy.
- Thế trước cháu không phải là con gái sao?
- Trước ấy à? Trước, mày là cái ngọn gió, bây giờ mày mới thành đứa con gái. Một thằng con trai mà chưa đánh gãy răng một thằng khác vì gái thì chưa phải thằng con trai mà chỉ là cái quần lót thôi. Một đứa con gái chỉ mới biết toe toét cái mồm và mắt liếc ngang liếc dọc thì chưa phải con gái mà là cái ngọn gió mặc váy. Vả chỉ khi nào nó vãi nước mắt ra vì tình làm cho đêm nào gối cũng ướt đầm thì lúc bấy giờ nó mới thực thụ thành đứa con gái. Rõ chưa, hả cái đồ ngốc?
Đavưđốp nằm trong xe lều, hai tay vắt sau gáy, và nằm mãi không sao ngủ được. Anh buồn rầu nghĩ: “Mình chưa hiểu những người trong nông trang, không biết bụng họ nghĩ gì. Đầu tiên là đánh đổ bọn kulắc, rồi xây dựng nông trang, rồi tổ chức làm ăn, chả còn thời giờ nào xem xét đến con người, tìm hiểu họ kỹ lưỡng. Lãnh đạo cái khỉ gió gì mình nếu như mình không hiểu được con người, không thu xếp được thời giờ để tìm hiểu họ? Mà phải hiểu tất cả mọi người, họ đâu có nhiều nhặn gì cho lắm. Nhưng thực ra những cái đó đâu phải chuyện đơn giản… Đấy như lão Argianốp kia mà chẳng lắm chuyện à? Ai cũng bảo lão hâm, nhưng lão có hâm đâu, chà, hâm chán ra đấy! Cái lão rậm râu sâu mắt ấy, ma quỷ phanh phui được lão cũng còn khướt: từ bé lão đã thu mình trong cái vỏ sò, lấp kín miệng lại, đấy, thử thâm nhập vào bụng lão xem nào! Dễ mà lão đã cho vào! Cả Iakốp Lukits nữa, lão ấy cũng là một cái lò bí ẩn. Phải để mắt theo dõi sát lão mới được. Xưa kia lão là kulắc, điều đó đã rõ ràng, nhưng bây giờ lão làm việc tốt, chắc hẳn lão sợ cho lý lịch của lão… Nhưng cũng phải đưa lão ra khỏi ban quản trị thôi, để lão tham gia như một nông trang viên bình thường. Và cái tay Atamantsukốp kia cũng khó hiểu. Hắn nhìn mình như muốn ăn thịt mình vậy. Sao lại thế nhỉ? Hắn là một trung nông điển hình, hắn đã đi bạch vệ, ờ, nhưng có cái anh trung nông nào mà lại không đi bạch vệ? Đáp số không phải chỗ ấy. Mình phải chịu động não suy nghĩ kỹ về mọi việc, thôi đi cái lối lãnh đạo mò, chẳng biết ai là người có thể thực sự dựa vào, ai là người có thể thực sự tin cậy. Chà, anh bạn lính thuỷ ơi! Anh em phân xưởng mà biết anh lãnh đạo nông trang kiểu thế này, thì họ sẽ tuốt xác anh ra đến trơ xương mất thôi!”.
Đám phụ nữ ngủ quanh chiếc xe lều, màn trời chiếu đất. Qua cơn mơ mơ màng màng, Đavưđốp loáng thoáng nghe thấy cái giọng thanh thanh của Varia và giọng baritông của bà Đaria Kuprianốpna:
- Sao mày cứ rúc vào tao như con bê rúc vào nách mẹ thế? - bà cấp dưỡng cười, hổn hển như nghẹt thở. - Có thôi ôm tao đi không? Nghe rõ chưa, Varia? Xê ra, lạy Chúa, người mày nóng cứ như cái lò than! Tao nói mày có nghe không? Tội nợ cho tao đi nằm cạnh mày… Người mày nóng quá lắm! Hay là mày sốt?
Tiếng cười rinh rích của Varia nghe như tiếng gù gù của con chim cu.
Đavưđốp thiu thiu mỉm cười, mường tượng cảnh hai người ấy nằm bên nhau, rồi vừa thoáng nghĩ vừa thiếp đi: “Con bé dễ thương thật, lớn tướng rồi, đến tuổi lấy chống rồi mà tính cứ như trẻ con. Chúc em hạnh phúc nhá, em Varia hẩm hiu!”.
Anh tỉnh dậy thì đã sáng bạch. Trong xe lều không còn ai, bên ngoài tịch mịch không một tiếng người; anh chị em đã ra ruộng cả, còn mình Đavưđốp nằm lại trên tấm phản rộng thênh thang. Anh nhanh nhẹn nhỏm dậy, đi giày tất vào thì chợt trông thấy bên gối tấm áo mayô lính thuỷ đã giặt sạch và mạng lại rất khéo với những đường kim nhỏ lăn tăn, thêm cả chiếc áo sơmi sạch sẽ bằng vải thô của anh nữa. “Cái sơmi ở đâu ra thế này? Mình đến đây có đem theo cái quái gì đâu, mình nhớ rõ lắm. Sao nó lại ở đây được nhỉ? Thánh hiểu!” - Đavưđốp phân vân nghĩ bụng, và như để chứng mình với mình là mình không mê ngủ, anh đưa tay sờ sờ mặt vải lành lạnh.
Chỉ đến lúc mặc xong áo lót vào, bước xuống xe lều, anh mới vỡ lẽ đầu đuôi: Varia diện chiếc áo cánh màu da trời và chiếc váy đen là phẳng nếp đang đứng bên bồn nước rửa chân, tươi roi rói như buổi bình minh, đôi môi đỏ hồng mỉm cười với anh và, cũng như hôm qua, đôi mắt xám hơi cách xa nhau long lanh một niềm vui bất giác.
- Anh chủ tịch hôm qau được bữa mệt hả? Không dậy nổi nữa phải không? - cô cười hỏi, giọng cao lanh lảnh.
- Đêm qua cô ở đâu?
- Em về làng.
- Ra đây lúc nào?
- Vừa ra xong.
- Cô mang áo sơmi cho tôi đấy à?
Cô lẳng lặng gật đầu, và trong đôi mắt lộ vẻ lo lắng:
- Em làm thế không nên hay sao hả anh? Có lẽ em không nên ghé vào nhà anh? Nhưng em nghĩ bụng cái áo sọc của anh bục lắm rồi…
- Hoan nghênh Varia! Rất là một sự cám ơn cô. Nhưng đi đâu mà diện thế này? Ối mẹ ơi, tay lại còn đeo nhẫn nữa kìa!
Cô gái bẽn lẽn xoay xoay chiếc nhẫn bạc đeo ở tay, miệng ấp úng.
- Quần áo em mấy hôm nay bẩn chạt. Em về ngó qua bà cụ, tiện thể thay quần áo… - Rồi bỗng, gạt đi cái bối rối, đôi mắt cô ánh lên tinh nghịch: - Em còn định đi giày cao gót nữa cơ, để ngày hôm nay anh cũng phải để mắt nhìn em một cái, nhưng dắt bò bước thấp bước cao dưới ruộng mà đi giày cao gót thì chả được mấy bước.
Đavưđốp cười ha hả:
- Được rồi, hôm nay tôi sẽ nhìn cô miết, con sóc con nhanh thoăn thoắt ạ! Nào, cô đi đóng bò đi, tôi rửa qua cái mặt rồi ra ngay đây.
Nhưng hôm ấy Đavưđốp hầu như chẳng còn lúc nào để đi cày. Anh chưa rửa mặt xong thì Kônđrát Maiđanhikốp tới.
- Cậu được nghỉ hai ngày, sao mò ra sớm thế? - Đavưđốp mỉm cười hỏi.
- Ở nhà buồn kinh. Bu nó nhà tôi dậy được rồi. Sốt qua loa thôi. Mình ở nhà làm cái tích sự gì? Thế là tôi đằng sau quay, đi ra đây luôn. Varia đâu rồi, anh?
- Nó đi đóng bò.
- Thôi, để tôi cày, còn anh thì có khách bây giờ đấy. Liubiskin đang đích thân đưa tám bộ cày đến, nửa đường tôi gặp họ mà. Agaphôn dẫn đầu, cưỡi con ngựa bạch, nom cứ như Kutudốp. À, còn tin này nữa: tối qua, lúc đã khuya, Nagunốp bị đứa nào đó bắn.
- Sao? Bắn sao?
- Bắn chứ còn sao, súng trường. Chả biết cái thằng khốn nạn nào. Anh ấy đang ngồi bên đèn, trước cửa sổ mở toang, và thế là nó bắn. Đạn sượt qua thái dương, sướt da thôi, không sao. Nhưng cái đầu anh ấy thì hơi lôi thôi, chả biết vì bị chấn thương hay vì điên tiết, nhưng tóm lại là vẫn sống nguyên, và khoẻ mạnh. Công an trên huyện xuống, tìm kiếm, đánh hơi, nhưng vụ này thì yếu đây…
- Mai mình sẽ chào các cậu, mình về làng, - Đavưđốp quyết định. - Kẻ thù ngóc đầu dậy, phải không, Kônđrát?
- Càng hay! Cho nó ngóc! Một cái đầu ngóc lên thì càng dễ chặt hơn, - Maiđanhikốp thản nhiên đáp và đi thay giày.
-------------------------------
(*) GPU: Tên tắt của ngành công an Xôviết hồi đó. - ND.
Nguồn: http://tusach.mobi/