25/3/13

Ba người lính ngự lâm (C11-12)

Chương 11

Âm mưu bị kẹt


Thăm ông Treville xong, D' Artagnan hết sức nghĩ ngợi, đi theo lối dài nhất để trở về nhà.
D' Artagnan nghĩ đến điều gì, mà lại tránh xa đường chính, nhìn sao trên trời lúc thở dài, lúc cười tủm?
Chàng nghĩ đến bà Bonacieux. Đối với một ngự lâm quân tập sự thì người đàn bà trẻ này hầu như là một người tình lý tưởng.
Xinh đẹp, bí ẩn được khai tâm trước hầu hết các bí mật của triều đình, những bí mật ấy lại phản chiếu lên những nét duyên dáng của nàng không ít vẻ uy nghiêm mê hoặc, nàng bị ngờ là không đến nỗi vô tình, đó lại là nét hấp dẫn không thể cưỡng nổi đối với những kẻ si tình mới vào nghề. Hơn nữa D' Artagnan đã giải thoát nàng từ những bàn tay quỷ dữ muốn lục soát và ngược đãi nàng, và công lao quan trọng ấy đã thiết lập giữa nàng và chàng một thứ tình cảm biết ơn mang một tính cách trìu mến nhiều hơn là ái tình.
Biết bao những ước mơ đẹp lướt nhanh trên đôi cánh của trí tưởng tượng và D' Artagnan như đã thấy một sứ giả của người đàn bà trẻ đến sát bên chàng, trao cho chàng một thư ngắn hẹn hò nào đó, một chuỗi hạt vàng hoặc một viên kim cương. Chúng ta đã nói những kỵ sỹ trẻ nhận tặng vật của nhà Vua, họ không hề xấu hổ. Ta hãy thêm rằng ở thời buổi đạo lý dễ dãi này, bọn mình cũng chẳng liêm sỉ gì hơn đối với những tình nhân của họ, và những người đàn bà này lại hầu như luôn để lại cho họ những kỷ vật quý và lâu bền, như thể các nàng cố chinh phục sự mong manh trong tình cảm của họ bằng sự bền vững của các món quà.
Họ mở đường cho mình bằng đàn bà như thế không hề xấu hổ. Những người đàn bà chỉ đẹp thôi thì cho sắc đẹp và từ đó chắc hẳn đã hình thành câu ngạn ngữ, cô gái đẹp nhất trên đời chỉ có thể cho cái cô ta có. Những cô gái giàu có ngoài ra còn cho phần tiền bạc của họ. Người ta có thể kể ra không ít anh hùng ở tuổi phong tình không thể nào trước tiên là thắng nổi chiếc đinh thúc ngựa, tiếp đó là thắng trận, nếu không có túi tiền ít nhiều xủng xoẻng mà các tình nương móc vào yên ngựa của họ.
D' Artagnan chẳng có gì. Tính ngại ngùng của chàng tỉnh lẻ, nước sơn hời hợt, bông hoa phù du, lông tơ trái đào đã thăng hoa theo ngọn gió những lời khuyên không mấy chính đạo của mấy chàng ngự lâm pháo thủ. Theo những thói tục lạ lùng của thời đại, D' Artagnan coi mình ở Paris cũng như trong trận mạc và chẳng hơn chẳng kém gì như ở Flandre(1). Kia là Tây Ban Nha, đây là đàn bà. Đâu đâu cũng có một kẻ thù phải đánh, những đóng góp phải thúc.
Nhưng lúc này, D' Artagnan bị một tình cảm cao quý hơn và không vụ lợi hơn điều khiển. Ông hàng xén, đã bảo chàng rằng ông ta giàu. Chàng trai trẻ có thể đoán ra với một gã ngốc nghếch như ông Bonacieux, ắt người vợ sẽ tay hòm chìa khóa.
Nhưng tất cả những điều đó không hề ảnh hưởng gì đến tình cảm nảy sinh từ khi nhìn thấy bà Bonacieux, và mối lợi là điều gần như còn xa lạ với sự chớm nở tình yêu là tình cảm tiếp theo.
Nói gần như, bởi ý nghĩ về một người đàn bà trẻ, đẹp, duyên dáng tinh tế và đồng thời giầu nữa, không hề gạt bỏ đi sự chớm nở tình yêu đó, và hoàn toàn trái lại còn củng cố mối tình đó.
Trong cuộc sống phong lưu, có hàng đống sự chăm chút và thói quý tộc trái khoáy làm vừa lòng sắc đẹp. Một đôi tất mịn màng trắng muốt, một chiếc giầy xinh xắn ở dưới chân, một dải băng mới tinh ở trên đầu không làm cho người đàn bà xấu thành xinh đẹp, nhưng lại làm đẹp một người đàn bà xinh, không tính đến bàn tay được lợi trong mọi chuyện đó. Những bàn tay, nhất là của đàn bà, cần phải được nhàn hạ để được đẹp mãi.
Rồi D' Artagnan, như độc giả quá biết đấy, chúng ta không giấu tình trạng tài sản của chàng. Chàng không phải một nhà triệu phú dù vẫn hy vọng ngày nào đó sẽ thành như thế, nhưng thời gian chàng tự ấn định cho sự thay đổi may mắn đó khá xa.
Trong khi chờ đợi, còn thất vọng nào hơn khi thấy một người đàn bà mình yêu thèm khát hàng ngàn thứ linh tinh tạo nên hạnh phúc của đàn bà, mà mình thì lại chẳng thể cho nàng cái hàng ngàn thứ linh tinh đói ít nhất khi người đàn bà giàu có, và người tình lại không giàu, thì cái gì chàng ta không thể tặng nàng, nàng sẽ tự mình mua sắm lấy. Và dù cho thường thường thì họ được hưởng thụ niềm vui là nhờ tiền của chồng, vẫn hiếm khi họ đáp lại bằng lòng biết ơn.
D' Artagnan nhất quyết trở thành người tình dễ thương, trong khi chờ đợi, tạm là một người bạn hết lòng tận tụy. Giửa những toan tính yêu đương với vợ ông hàng xén, chàng không quên các bạn mình. Bà Bonacieux xinh đẹp, chính là loại đàn bà mà chàng có thể đưa đi dạo ở cánh đồng Saint-Denis hay trong hội chợ Saint-Germain cùng với Athos, Porthos và Aramis, và chàng sẽ kiêu hãnh giới thiệu với họ việc chinh phục này. Rồi, khi đi lâu thì cái đói tới, D' Artagnan ít lâu nay đã nhận ra điều đó. Người ta sẽ tổ chức những bữa ăn trưa nhỏ ngon lành, trong bữa, bên này chạm vào tay bạn, bên kia đụng chân tình nhân. Cuối cùng trong những lúc khẩn cấp, trong những tình huống cùng cực, D' Artagnan sẽ là cứu tinh của các bạn mình. Và ông Bonacieux mà D' Artagnan, đã lớn tiếng chối bỏ và đẩy tay bọn cảnh vệ, rồi thầm hứa sẽ cứu ông thì sao đây? Phải thú nhận là D' Artagnan không hề mảy may nghĩ tới hoặc nếu có nghĩ tới, thì cũng để tự nhủ ông ta ở đâu cũng tốt, dù là ở đâu. Tình yêu là thử ích kỷ nhất, trong mọi loại đam mê.
Tuy nhiên, bạn đọc cứ yên tâm. Nếu như D' Artagnan có quên ông chủ nhà mình hoặc làm như đã quên, viện cớ không biết ông bị dẫn đến đâu, thì chúng tôi lại không quên ông và biết hiện ông ta đang ở đâu. Nhưng lúc này ta hãy cứ làm cho chàng Gátxcông si tình đã. Còn như ông hàng xén tử tế kia, chúng ta sẽ trở lại với ông sau.
D' Artagnan cứ vừa nghĩ đến những chuyện tình ái tương lai, vừa nói với đêm tối, vừa cười tủm với các vì sao, ngược lên phố Tìm trưa hay như bấy giờ người ta gọi là phố Săn trưa.
Nhân qua phố của Aramis, chàng chợt nảy ra ý nghĩ đến thăm bạn để giải thích lý do sai Planchet mời anh ta đến ngay cái bẫy chuột. Nếu Aramis ở nhà khi Planchet đến, chắc hẳn anh ta đã chạy ngay đến phố Phu đào huyệt và có lẽ chẳng thấy ai ngoài hai đồng đội kia của mình ở đó, và cả ba chắc chẳng ai hiểu thế là thế nào. Sự rắc rối ấy cần phải được giải thích, D' Artagnan nói to lên như vậy.
Rồi chàng lại nghĩ thầm đây là một dịp để chàng nói về bà Bonacieux nhỏ nhắn xinh đẹp, mà hình ảnh đang đầy ắp trong trí não chàng nếu không phải trong trái tim chàng. Không phải vì là mối tình đầu, mà đòi phải kín đáo. Mối tình đầu kèm theo một niềm vui lớn đến mức cần phải tràn ra, nếu không nó sẽ làm cho người ta chết ngạt.
Paris từ hai tiếng đồng hồ qua đã tối và bắt đầu vắng vẻ. Đồng hồ khắp vùng ngoại ô Saint-Germain điểm mười một giờ.
Trời dịu mát. D' Artagnan đi theo một phố hẻm ngày nay là nơi phố Átxát đi qua, hít thở hương thơm từ những khu vườn tươi mát sương đêm do gió đêm từ phố Vôgira thổi tới. Xa xa âm vang tiếng hát của những tay rượu trong vài quán khuất vắng ngoài đồng, tuy nhiên đã câm lặng bớt vì những cánh cửa sổ đóng kín. Ngôi nhà Aramis ở giữa phố Cátxét và phố Xécvăngđôni.
D' Artagnan vừa vượt qua phố Cátxét đã nhận ra cánh cửa nhà bạn mình. Ngôi nhà bị trùm lấp dưới bóng xum xuê cây tiêu huyền và cây ông lão hợp thành tấm thảm rộng lớn phía bên trên. Chàng chợt thấy như có một bóng người ra khỏi phố Xécvăngđôni. Cái bóng đó trùm một chiếc áo khoác, mới đầu D' Artagnan đã tưởng là một người đàn ông, nhưng vóc người nhỏ bé, dáng đi ngập ngừng, bước chân lúng túng, chàng nhận ra ngay một người đàn bà. Hơn nữa, người đàn bà này, vì không tin chắc lắm ngôi nhà mình đang tìm, lại ngước mắt lên để nhận xem, dừng lại, quay lại phía sau, rồi lại trở lại, D' Artagnan thấy khó xử. Chàng nghĩ: "Hay ta đến ngỏ lời giúp đỡ? Qua dáng đi, thấy nàng còn trẻ, có lẽ xinh đẹp nữa. Ồ, phải rồi. Nhưng một phụ nữ chạy rông các phố vào giờ này hiếm khi ra ngoài trừ phi để đi gặp người tình. Khỉ thật? Nếu mình đi phá rối những cuộc hẹn hò. Đó là một cách tồi tệ để làm quen."
Song, thiếu phụ vẫn cứ bước tới, đếm các nhà và các cửa sổ?
- Thật ra, việc đó cũng chẳng lâu la, khó khăn gì. Chỉ có ba dinh quán thuộc phố đó và hai cửa sổ đều trông ra phố, mà một là của nhà hóng mát song song với nhà hóng mát của Aramis, còn cửa sổ kia lại là của bên nhà Aramis.
D' Artagnan, trong đầu hiện ra cô cháu gái của nhà thần học tự nhủ: "Mẹ kiếp! Con bồ câu muộn này lại đi tìm nhà của bạn mình thì kỳ lạ thật. Nhưng có vẻ như thế lắm. Ôi, bạn Aramis thân mến của ta ơi, lần này thì ta muốn làm sáng tỏ mọi chuyện đây".
Và D' Artagnan cố nép mình lại nấp trong bên tối nhất của đường phố, gần một chiếc ghế đá, sát trong một hốc tường.
Người đàn bà trẻ vẫn tiếp tục tiến bước, bởi ngoài dáng đi yểu điệu làm nàng bị lộ, nàng còn vừa cất tiếng ho khẽ giọng rất thanh. D' Artagnan nghĩ tiếng ho đó là một ám hiệu.
- Tuy nhiên, hoặc người ta đã đáp trả tiếng ho bằng một ám hiệu tương đương khiến người phụ nữ đi đêm tìm kiếm phân vân, hoặc chẳng cần sự giúp đỡ của người ngoài, nàng cũng đã nhận ra mình đã tới nơi, nàng quả quyết đến gần cánh cửa sổ nhà Aramis, cong ngón gõ ba tiếng cách đều nhau.
D' Artagnan lẩm bẩm:
- Đúng là đến Aramis rồi. A, tay đạo đức giả. Ta tóm được anh đang nghiên cứu ngón thần học rồi!
Ba tiếng vừa gõ xong, chốt cửa bên trong mở ra và ánh sáng lọt ra qua ô kính cánh cửa.
Chà chà? Không gõ cửa đi, lại gõ cửa sổ. Chà! Cuộc thăm viếng đang mong đợi. Nào, cánh cửa sổ mở ra, và phu nhân sẽ trèo qua. Khá lắm!
Nhưng cánh cửa sổ vẫn đóng khiến D' Artagnan hết sức ngạc nhiên. Thêm nữa, ánh sáng vừa lóe lên một lát đã biến mất và tất cả lại tối om.
D' Artagnan nghĩ việc đó không thể kéo dài như thế và tiếp tục giương mắt nhìn và giỏng tai nghe.
Chàng có lý. Khoảng vài giây sau, hai tiếng gõ gọn vang lên từ bên trong.
Thiếu phụ ngoài đường phố đáp lại chỉ bằng một tiếng và cánh cửa sổ hé mở.
Không biết liệu D' Artagnan có hau háu nhìn và dỏng tai nghe không.
Không may thay, ánh sáng lại được chuyển sang phòng khác. Nhưng đôi mắt chàng trai trẻ đã quen với bóng đêm. Hơn nữa, mắt của người Gátxcông, như người ta cam đoan, giống như mắt mèo, có thuộc tính nhìn rõ trong đêm.
Vậy là D' Artagnan nhìn thấy thiếu phụ rút từ túi ra một vật trăng trắng rồi mở ngay ra, có hình thù một chiếc khăn tay.
Khi vật đó được mở ra, nàng chỉ vào góc khăn cho người tiếp chuyện.
Việc đó làm cho D' Artagnan nhớ đến chiếc khăn tay thấy ở dưới chân bà Bonacieux, việc này lại gợi cho chàng nhớ đến chiếc khăn tay chàng thấy dưới chân Aramis.
- Vậy chiếc khăn ấy có ý nghĩ quái quỷ gì?
Ở chỗ nấp, D' Artagnan không thể nhìn rõ mặt Aramis bởi vì chàng không hề có chút nghi ngờ gì rằng chính bạn mình đang từ trong nhà nói chuyện với vị phu nhân ở bên ngoài. Tính tò mò vậy là vượt qua tính thận trọng, lợi dụng lúc hai con người kia mải nhận dạng chiếc khăn tay, chàng ra khỏi chỗ nấp, chạy vụt tới nhưng chân êm như ru, dán mình vào một góc tường, từ chỗ đó, mắt có thể hoàn toàn nhìn lọt sâu và bên trong căn nhà của Aramis.
Tới đó, D' Artagnan suýt buột ra một tiếng kêu kinh ngạc.
- Không phải là Aramis đang nói chuyện với nữ khách ban đêm, mà là một phụ nữ. Có điều, D' Artagnan chỉ nhìn đủ rõ để nhận ra hình dạng quần áo, chứ không đủ rõ để phân biệt đường nét người đàn bà.
Cùng lúc đó, người phụ nữ trong nhà rút ra từ trong túi chiếc khăn tay thứ hai, và đổi lấy chiếc khăn mà người kia vừa đưa ra. Rồi một vài câu được thốt ra giữa hai người. Cuối cùng, cánh cửa lại đóng lại, người đàn bà ở phía bên ngoài cửa sổ quay lại đi qua cách chàng mấy bước, vừa đi vừa kéo thấp mũ xuống che mặt, nhưng sự thận trọng đó đã quá muộn, D' Artagnan đã nhận ra bà Bonacieux.
Bà Bonacieux! Thật ra khi nàng rút khăn tay từ túi ra, chàng đã thoáng ngờ rồi. Nhưng làm sao lại có thể có chuyện bà Bonacieux, người đã phái chàng đi tìm ông De la Porte để ông ta đưa bà trở lại điện Louvre, lại một mình chạy rông các phố ở Paris vào lúc mười một rưỡi đêm, bất chấp bị bắt cóc lần thử hai? Vậy phải là một việc rất quan trọng. Và việc quan trọng của một người đàn bà hai nhăm tuổi là việc gì ngoài tình yêu?
Nhưng có phải vì chuyện riêng hoặc vì chuyện của người khác mà nàng dấn thân vào những cuộc mạo hiểm ấy hay không? Chàng trai trẻ tự hỏi mình như thể con quỷ ghen tuông đã cắn vào trái tim chàng với danh nghĩa một người tình không hơn không kém.
Thật ra vẫn còn một cách khá đơn giản để biết chắc bà Bonacieux đi đâu, đó là đi theo nàng. Cái cách ấy quá đơn giản khiến D' Artagnan sừ dụng nó hoàn hảo tự nhiên và một cách bản năng.
Nhưng, nhìn thấy chàng trai trẻ rời khỏi bức tường như một pho tượng biết đi ra khỏi hốc tường, và nghe quanh người tiếng bước chân vang lên đằng sau mình, bà Bonacieux khẽ kêu lên và chạy trốn.
D' Artagnan đuổi theo sau. Đuổi kịp một người đàn bà đang lúng túng trong chiếc áo choàng không phải là điều gì khó đối với chàng. Vậy là chàng đã đuổi kịp, lúc nàng mới đi được một phần ba đường phố. Người đàn bà khốn khổ kiệt sức, không phải vì mệt mà vì kinh sợ, và khi D' Artagnan đặt tay lên vai nàng, nàng khụy gối xuống và kêu lên một giọng không ra tiếng.
- Nếu muốn, cứ giết tôi đi, đừng hòng biết nổi gì đâu.
D' Artagnan quàng tay đỡ nàng dậy, nhưng thấy người nàng cứ trĩu xuống, như thể sắp ngất, chàng vội làm cho nàng an tâm bằng những câu cam đoan hết lòng giúp đỡ nàng. Những lời lẽ cam đoan ấy chẳng là cái gì với bà Bonacieux bởi những cam đoan tương tự có thể xuất phát từ những ý đồ xấu xa nhất trên đời.
Nhưng giọng nói mới là đáng kể. Người đàn bà trẻ tưởng như nhận ra âm thanh giọng nói. Nàng mở mắt, liếc nhìn người đàn ỏng đang làm mình sợ hết hồn và nhận ra D' Artagnan, nàng reo lên mừng rỡ:
- Ồ thì ra ông! Tạ ơn Chúa!
- Vâng, chính tôi đây - D' Artagnan nói - là tôi, người mà Chúa sai đến để chăm sóc bà.
Với nụ cười đầy vẻ làm duyên nhưng vẫn nổi lên tính cách hơi giễu cợt, người đàn bà trẻ, mọi sự sợ hãi đã tiêu tan khi nhận ra người bạn chứ không phải kẻ thù như đã nghĩ hỏi chàng:
- Có đúng là ông đi theo tôi với ý định đó không?
- Không - D' Artagnan nói - không, tôi thú thực như vậy. Tình cờ thôi. Tôi đi cùng đường bà thôi. Tôi thấy một phụ nữ gõ cửa sổ nhà một trong những người bạn tôi.
- Một trong những bạn ông? - Bà Bonacieux ngắt lời.
- Hẳn rồi! Aramis là một trong những bạn tốt nhất của tôi.
- Aramis? Là ai vậy?
- Thôi đi nào! Bà định bảo tôi là bà không quen biết Aramis?
- Lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên ấy đấy.
- Vậy cũng là lần đầu tiên bà đến ngôi nhà đó?
- Đúng thế.
- Và bà không biết ngôi nhà có một người đàn ông trẻ ở?
- Không.
- Một ngự lâm quân mà?
- Đã bảo không rồi.
- Vậy không phải bà đến tìm ông ta sao?
- Không chút nào. Vả lại, ông đã nhìn thấy rõ, người mà tôi nói chuyện là một người đàn bà.
- Đúng rồi, nhưng người đàn bà đó là một trong những bạn gái của Aramis.
- Tôi chẳng biết gì cả.
- Sao, người đàn bà ấy ở nhà anh ấy cơ mà.
- Chẳng liên quan gì đến tôi.
- Nhưng người ấy là ai?
- Ồ đó không là bí mật của tôi.
- Bà Bonacieux thân mến, bà rất duyên dáng nhưng đồng thời cũng là một người đàn bà bí hiểm nhất…
- Điều đó làm cho tôi mất giá ư?
- Không, ngược lại, bà đáng tôn thờ.
- Vậy đưa tay đây cho tôi.
- Xin sẵn sàng. Và rồi?
- Bây giờ, đưa tôi đi.
- Đi đâu nào?
- Chỗ tôi đến.
- Nhưng đến chỗ nào?
- Rồi ông sẽ biết, bởi vì ông sẽ để tôi ở trước cửa nhà đó.
- Có phải đợi bà không?
- Không cần đâu.
- Bà về một mình ư?
- Có thể thế, có thể không.
- Nhưng cái người sẽ đi cùng bà tiếp đó sẽ là đàn ông hay đàn bà?
- Tôi cũng chưa biết nữa.
- Thế mà tôi biết đấy?
- Sao thế được?
- Tôi sẽ đợi đến lúc bà đi ra.
- Nếu như thế thì vĩnh biệt thôi!
- Sao lại thế?
- Tôi không cần đến ông.
- Nhưng mà bà đã yêu cầu…
Sự giúp đỡ của một nhà quý tộc, chứ không phải sự theo dõi của một tên do thám.
- Lời lẽ hơi cứng rắn đấy! Thế người ta gọi những kẻ bám theo người khác bất chấp người ta là gì?
- Người bộc tuệch.
- Gọi thế thì nhẹ quá.
- Thôi nào, thưa bà, tôi thấy rõ là phải làm tất cả những gì bà muốn.
- Thế sao ông không làm ngay có phải quý hơn không?
- Vậy không có điều gì phải ân hận chứ?
- Còn ông, ông ân hận thật rồi ư?
- Chính tôi, tôi cũng chẳng biết gì nữa. Mà tôi chỉ biết là tôi hứa với bà làm tất cả những gì bà muốn, nếu như bà để tôi được đưa bà đến nơi bà định đến.
- Và rồi sau đó, ông cũng sẽ rời khỏi tôi?
- Vâng.
- Mà không rình lúc tôi ra.
- Không.
- Thề danh dự chứ?
- Thề danh dự của một nhà quý tộc.
- Vậy khoác tay tôi rồi cùng đi thôi.
D' Artagnan đưa tay cho bà Bonacieux. Nàng bám tay chàng, nửa tươi cười, nửa run rẩy, và cả hai đi lên đỉnh phố Đàn Thụ cầm. Tới đó người đàn bà trẻ có vẻ do dự, như đã từng do dự ở phố Vôgira. Song, trước một số dấu hiệu nào đó, nàng hình như nhận ra một chiếc cửa, và lại gần chiếc cửa đó.
- Và bây giờ thưa ông - nàng nói - chính nơi đây tôi có việc, muôn vàn lần cám ơn ông cho tôi vinh hạnh đi cùng, đã cứu tôi khỏi mọi hiểm nguy, mà nếu đi một mình tôi có thể gặp phải. Nhưng tôi đã đến nơi và cũng là lúc ông giữ lời hứa rồi.
- Và bà không còn gì e ngại, lúc trở về?
- Tôi chỉ còn phải ngại bọn trộm cắp thôi.
- Thế không phải thế ư?
- Chúng có thể lấy gì của tôi nào? Tôi không có một xu trong người.
- Bà quên chiếc khăn tay đẹp thêu huy hiệu ấy rồi ư?
- Khăn tay nào?
- Chiếc khăn mà tôi đã tìm thấy dưới chân bà và rồi tôi lại nhét vào túi bà.
- Ông im đi, ông im đi? - Người đàn bà trẻ kêu lên - Ông muốn hại tôi ư?
- Bà thừa biết vẫn còn có nguy hiểm cho bà, khi mà một câu thôi cũng làm bà run sợ, và bà thú nhận người ta nghe thấy câu ấy, bà sẽ gặp nguy. Thôi nào, thưa bà! - D' Artagnan vừa nói vừa nắm chặt bàn tay nàng và nhìn nàng bằng con mắt nồng nàn - Thôi nào, bà hãy rộng lượng hơn, hãy tin ở tôi. Bà chẳng phải đã đọc thấy trong mắt tôi chỉ có sự hết lòng và cảm tình trong trái tim tôi đó sao.
- Quá đi chứ - bà Bonacieux trả lời - vì vậy, nếu hỏi tôi những bí mật của tôi, tôi sẽ nói ông nghe nhưng của những người khác, lạỉ là chuyện khác.
- Tốt lắm - D' Artagnan nói - Tôi sẽ khám phá. Một khi những bí mật ấy có ảnh hưởng đến cuộc đời bà, thì những bí mật ấy cũng trở thành của tôi.
Thiếu phụ kêu lên bằng một vẻ nghiêm trang khiến D' Artagnan không tránh khỏi rùng mình.
- Hãy cẩn trọng. Đừng có can thiệp vào bất kỳ điều gì dính dáng đến tôi. Đừng tìm cách giúp tôi trong bất kỳ công việc nào tôi đảm đương. Và tôi yêu cầu ông điều đó là nhân danh sự quan tâm mà ông dành cho tôi, nhân danh những việc ông đã giúp tôi mà suốt đời tôi sẽ không quên. Tốt hơn hãy tin vào những điều tôi nói với ông. Đừng quan tâm tới tôi nữa. Với ông tôi không tồn tại nữa, coi như ông chưa hề gặp tôi bao giờ.
- Thưa bà, anh Aramis có phải làm như tôi không? - D' Artagnan tức khí nói.
- Thưa ông, thế là đã hai lần ông nói đến cái tên đó rồi đấy, nhưng tôi đã nói với ông rằng tôi không quen biết người ấy.
- Bà không quen biết người đàn ông bên cánh cửa mà bà đã gõ ư? Thôi đi nào, thưa bà? Bà tưởng tôi quá nhẹ dạ đến thế ư?
- Ông hãy thú thực, để làm tôi phải nói ra, ông đã bịa ra chuyện ấy và ông đã tạo ra nhân vật ấy đi.
- Thưa bà, tôi chẳng bịa gì hết, chẳng tạo ra cái gì hết, tôi nói đúng sự thật thôi.
- Và ông nói rằng một trong những người bạn ông sống trong ngôi nhà đó?
- Tôi nói vậy, và nhắc lại điều ấy lần thứ ba, ngôi nhà ấy là nhà bạn tôi, và người bạn ấy là Aramis.
- Tất cả những thứ đó sẽ được làm sáng tỏ sau - người đàn bà trẻ thầm thì - còn bây giờ xin ông hãy im đã.
- Nếu bà có thể nhìn vào tim tôi đã mở toang ra - D' Artagnan nói - bà sẽ đọc thấy ở đó bao nỗi hiếu kỳ khiến bà sẽ thương tôi và biết bao tình yêu khiến bà thấy hài lòng ngay về sự hiếu kỳ của tôi. Chẳng có gì để sợ người đang yêu mình.
- Ông nói đến tình yêu nhanh quá đấy, thưa ông! - Người đàn bà trẻ vừa nói vừa lắc đầu. chính vì tình yêu đến với tôi nhanh thế và đây là lần đầu, tôi đã được hai mươi tuổi đâu.
Thiếu phụ liếc nhìn trộm chàng.
- Xin bà nghe đã - D' Artagnan nói tôi đã lần ra dấu vết. Ba tháng trước đây, suýt nữa tôi đã quyết đấu với Aramis chỉ vì chiếc khăn tay tương tự như chiếc khăn mà bà đã cho người đàn bà ở nhà anh ấy xem, vì một chiếc khăn tay in cùng dấu vết, tôi cam đoan như vậy.
- Thưa ông - Thiếu phụ nói - tôi xin thề với ông là ông làm tôi quá mệt vì những câu hỏi đó.
- Nhưng bà thận trọng đến thế, xin bà hãy nghĩ đi, nếu như bà bị bắt giữ cùng với chiếc khăn tay ấy và chiếc khăn tay ấy bị giữ lấy, bà sẽ bị nguy hại chứ?
- Sao lại thế được, những chữ cái viết tay ấy, chẳng phải là của chính tôi sao. C.B tức Constance Bonacieux?
- Hay là Camille de Bois-Tracy nào?
- Ông im đi, một lần nữa im đi! Chà? Một khi những nguy hiểm, của chính bản thân tôi phải trải qua không ngăn nổi ông, ông cũng nên nghĩ đến những cái ông sẽ có thể trải qua chứ?
- Tôi ư?
- Phải, chính ông. Có nguy hiểm của nhà tù, có nguy hiểm đến tính mạng vì quen biết tôi.
- Thế thì tôi không rời bà nữa.
Người đàn bà trẻ chắp hai tay cầu khẩn:
- Thưa ông, xin ông vì Chúa, vì danh dự một quân nhân, vì tính hào hoa phong nhã của một nhà quý tộc, hãy xa tôi ra.
Thấy chưa, đồng hồ điểm nửa đêm rồi, là giờ người ta đợi tôi.
- Thưa bà - Chàng trai trẻ nghiêng mình đáp - Tôi không còn biết từ chối thế nào với người đã yêu cầu tôi như thế. Xin bà yên tâm, tôi rời xa bà đây.
- Nhưng ông sẽ không đi theo tôi, ông sẽ không theo dõi tôi chứ?
- Tôi về nhà ngay bây giờ.
- Thế chứ, tôi biết rõ mà, rằng ông là một người đàn ông trẻ tử tế mà! - Bà Bonacieux vừa nói vừa chìa tay cho chàng, tay kia đặt trên chiếc vồ gõ cửa treo trong tường.
D' Artagnan nắm lấy bàn tay chìa ra cho mình và hôn nồng nan.
- Chao ôi, tôi thích thà rằng chưa bao giờ gặp bà - D' Artagnan kêu lên với vẻ tàn nhẫn ngây thơ mà những người đàn bà thường thích hơn là những sự tế nhị của phép xã giao, bởi vì nó mở ra miền sâu trong tư tưởng và nó chứng tỏ rằng tình cảm đã vượt qua lý trí.
Bà Bonacieux siết chặt bàn tay chưa chịu buông tay bà ra, nói bằng một giọng gần như âu yếm:
- Thế ư? Tôi thì tôi sẽ không nói đến mức như ông đâu. Cái gì mất hôm nay, không mất trong tương lai. Ai biết được chả có ngày tôi sẽ được gỡ ra khỏi những rắc rối này, tôi lại chẳng làm thỏa mãn sự hiếu kỳ của ông.
D' Artagnan reo lên tràn trề vui sướng:
- Và bà vẫn giữ lời hứa ấy với mối tình của tôi chứ?
- Ồ, về mặt đó, tôi không thể hứa hẹn gì. Cái đó tùy thuộc vào những tình cảm mà ông sẽ gợi lên trong lòng tôi.
- Như thế, hôm nay, thưa bà…
- Hôm nay, thưa ông, tôi chỉ mới ở mức biết ơn ông.
- Trời! Bà thật quá duyên dáng - D' Artagnan nói với vẻ buồn rầu - và bà lợi dụng tình yêu của tôi.
- Không đâu. Tôi sử dụng lòng hào hiệp của ông. Có thế thôi. Nhưng ông hãy tin chắc, với một số người nào đó, chẳng có gì mất hết cả đâu.
- Ôi, bà làm cho tôi thành kẻ hạnh phúc nhất trong mọi người rồi. Xin bà đừng quên cái đêm nay, xin đừng quên lời hứa hẹn này.
- Xin ông yên tâm, đúng thế, đúng chỗ, tôi sẽ nhớ tất cả còn bây giờ, ông đi đi, vì Chúa, ông đi đi! Người ta đợi tôi đúng nủa đêm và tôi đã bị muộn rồi. Muộn năm phút.
- Vâng, nhưng trong một số tình huống, năm phút bằng năm thế kỷ. Khi người ta yêu.
- Ô hay! Ai bảo ông tôi không đang mắc việc với một người đang yêu?
- Đó là một người đàn ông đang đợi bà ư? - D' Artagnan kêu lên - Một người đàn ông!
- Thôi đi, thế là cuộc tranh eãi lại sắp bắt đầu trở lại - Bà Bonacieux nói với nụ cười nửa miệng không loại trừ một vẻ sốt ruột nào đó.
- Không, không, tôi đi đây, tôi đi khỏi đây mà. Tôi tin ở bà.
- Tôi muốn hoàn toàn xứng đáng với lòng tận tụy của mình, dù cho lòng tận tụy ấy là một sự ngốc nghếch. Vĩnh biệt, vĩnh biệt bà!
Và vì phải gắng sức mới giật tay gỡ ra khỏi bàn tay đang nắm, chàng rời xa như chạy vội, trong khi đó bà Bonacieux gõ ba tiếng chậm và cách đều nhau từng gõ vào cánh cửa sổ.
Tới góc phố, D' Artagnan quay lại. Cửa mở ra rồi đóng lại. Bà chủ hiệu tạp hóa xinh đẹp biến mất.
D' Artagnan tiếp tục đi đường mình, chàng đã hứa không rình mò bà Bonacieux và cuộc sống của bà dù có phụ thuộc vào địa điểm bà sắp đến hay vào con người phải đi cùng bà, D' Artagnan cũng sẽ trở về nhà một khi chàng đã nói là trở về nhà. Năm phút sau chàng đã ở phố Phu đào huyệt. Chàng nói một mình: "Athos tội nghiệp! Anh ấy sẽ chẳng biết như thế nghĩa là thế nào. Anh ấy sẽ ngủ mà đợi ta, hoặc sẽ trở về nhà mình, và về đến nơi, anh ấy sẽ biết có một người đàn bà đã đến đấy. Một người đàn bà ở nhà Athos! Rốt cuộc, cũng có một đàn bà trong nhà Aramis cơ mà. Tất cả cái đó đều quá kỳ lạ, và ta háo hức biết mấy để biết xem nó sẽ kết thúc ra sao.
- Nguy, thưa ông, nguy rồi - Một giọng nói đáp lại mà chàng nhận ra giọng của Planchet, bởi vừa lớn tiếng độc thoại theo kiếu những người đang rất bận việc, chàng đi vào lối đi mà phía cuối là cầu thang dẫn lên phòng mình.
- Sao, nguy ư? Mày muốn nói gì, thằng ngu? - D' Artagnan hỏi - Vậy đã xảy ra chuyện gì?
- Đủ mọi thứ tai ương.
- Tai ương nào?
- Trước tiên, ông Athos bị bắt.
- Bị bắt! Athos? Bị bắt? Tại sao?
- Người ta thấy ông ấy ở nhà ông - Họ tưởng là ông nên đã bắt.
- Bọn nào bắt?
Bọn cận vệ do bọn mặc đồ đen bị ông đánh đuổi dẫn đến.
- Tại sao anh ấy không xưng danh? Tại sao anh ấy không nói mình không liên quan gì đến chuyện này?
- Thưa ông, ông ấy đã đề phòng cẩn thận việc đó, và trái lại còn đến gần bảo tôi: "Chính chủ anh đang cần tự do trong lúc này, chứ không phải ta, bởi vì chủ anh biết hết mọi chuyện, còn ta lại chẳng biết gì. Người ta sẽ tưởng chủ anh bị bắt, và việc đó sẽ cho anh ấy thời gian. Ba ngày nữa ta sẽ nói ta là ai, và họ nhất quyết phải thả ta ra".
- Hoan hô Athos! Tấm lòng cao quý! - D' Artagnan thì thầm - Ta biết rõ anh ấy là như thế mà! Và bọn cảnh vệ còn làm gì nữa?
- Bốn tên dẫn ông Athos đi đâu, tôi không biết, đến ngục Bastille hay đến Pholêvếch chẳng rõ. Hai tên lưu lại với những tên mặc đen, lục lọi khắp nơi và giữ mọi giấy tờ. Hai tên cuối cùng trong cuộc hành quận đó gác ngoài cửa. Rồi, khi tất cả đã xong, chúng bỏ đi, để lại nhà cửa toang hoang, trống trơn.
- Còn Porthos và Aramis?
- Tôi không tìm thấy họ, họ không đến.
- Nhưng họ có thể đến bất cứ lúc nào, bởi vì hẳn mày đã nhắn lại ta đang đợi các ông ấy?
- Vâng, thưa ông.
- Nghe đây? Đừng có nhúc nhích khỏi đây. Nếu hai ông ấy đến, báo cho họ biết cái gì đã xảy đến với ta, bảo họ đợi ở quán Quả thông. Ở đây sẽ nguy hiểm, ngôi nhà có thể bị do thám. Ta chạy đến ông De Treville để báo cho ông ấy tất cả chuyện đó, và ta sẽ gặp họ ở đó.
- Được ạ, thưa ông - Planchet nói.
- Nhưng mày sẽ ở lại và đừng sợ!
D' Artagnan đi được mấy bước lại quay lại để động viên lòng dũng cảm cho người hầu của mình.
- Thưa ông, xin ông yên tâm - Planchet nói - Ông còn chưa biết rõ tôi đấy. Khi lâm sự tôi cũng can trường ra phết đấy. Hơn nữa tôi là dân Pica.
- Vậy, thỏa thuận rồi nhé - D' Artagnan nói - Mà thà chết còn hơn rời vị trí.
- Vâng, thưa ông, và chẳng có việc gì mà tôi không làm để chứng tỏ tôi gắn bó với ông.
"Tốt - D' Artagnan tự nhủ - hình như cái phương pháp mà ta áp dụng đối với gã này là một phương pháp tốt. Khi cần, ta sẽ lại dùng".
Rồi ba chân bốn cẳng tuy đã hơi mỏi vì chạy đây đó suốt ngày, D' Artagnan đi về phố Chuồng chim câu.
Ông De Treville không hề ở dinh quán. Đại đội của ông đang gác điện Louvre. Ông đến Louvre với đại đội của mình.
Phải đến tận chỗ ông De Treville thôi. Điều quan trọng là phải báo cho ông biết điều gì đang diễn ra. D' Artagnan thử vào điện Louvre. Bộ trang phục cận vệ trong đại đội ông des Essarts phải là một giấy thông hành cho chàng.
Thế là chàng đi xuống phố Augustin nhỏ rồi lên đường bờ đê để đến cầu mới. Chàng đã có ý nghĩ qua phà, nhưng tới bờ nước, chàng vô tình thò tay vào túi và nhận ra không có tiền để trả tiền qua phà.
Vừa lên đến dốc phố Ghênêgô, chàng nhìn thấy một nhóm từ phố Cá heo đi ra, gồm hai người dáng dấp đập vào mắt chàng.
Hai người đó gồm một đàn ông, người kia đàn bà.
Người đàn bà có dáng dấp bà Bonacieux và người đàn ông thì giống đến mức nhầm với Aramis.
Ngoài ra, người đàn bà có chiếc áo choàng đen như chiếc áo mà D' Artagnan từng thấy nổi lên trên cánh cửa sổ ở phố Vôgira và trên khung cửa ở phố Đàn Thụ cầm nữa. Thêm nữa, người đàn ông cũng mặc đồng phục ngự lâm quân.
Cái mũ liền áo của người đàn bà kéo sụp xuống. Người đàn ông cầm khăn tay che lên mặt. Sự thận trọng gấp đôi của cả hai người chỉ ra rằng họ đều lo bị lộ diện.
Họ đi lên cầu, cùng đường với D' Artagnan vì D' Artagnan đi đến điện Louvre. Chàng đi theo họ.
Đi chưa đầy hai chục bước, chàng đã tin chắc người đàn bà chính là bà Bonacieux và người đàn ông kia là Aramis.
Ngay lúc đó chàng cảm thấy mọi sự ngờ vực ghen tuông sôi lên trong trái tim mình.
Chàng đã bị hai lần phản bội vừa bởi bạn mình vừa bởi người mà chàng đã yêu như một người tình của mình. Bà Bonacieux đã thề độc với chàng là không quen biết Aramis và chỉ mười lăm phút sau khi đã thề như thế với chàng, chàng đã thấy bà ta khoác tay Aramis.
D' Artagnan cũng chẳng nghĩ mình mới chỉ quen biết cô hàng xén xinh đẹp được ba tiếng đồng hồ và nàng chỉ phải chịu ơn chàng chút ít vì đã giải phóng nàng khỏi bọn mặc đồ đen muốn bắt cóc nàng đi và nàng chưa hề hứa hẹn gì với chàng.
Chàng tự coi mình như một người tình bị làm nhục, phản bội, cợt nhạo. Máu nóng và cơn giận bốc lên mặt, chàng quyết định phải làm rõ tất cả.
Người thiếu phụ và người đàn ông trẻ biết mình bị theo dõi liền rảo bước gấp đôi. D' Artagnan chạy vượt lên rồi quay lại phía họ lúc họ đến trước mặt nhà thờ Samaritain có một cây đèn lồng chiếu sáng tỏa cả đến tận mặt cầu.
D' Artagnan dừng lại trước mặt họ và họ cũng dừng lại trước mặt chàng.
- Thưa ông, ông muốn gì? - người ngự lâm kia vừa hỏi vừa lùi lại một bước và bằng một giọng lơ lớ, chứng tỏ D' Artagnan đã bị nhầm một phần trong những phỏng đoán của mình.
Chàng kêu lên:
- Không phải Aramis!
- Không, thưa ông, không có Aramis nào cả, và nghe cái giọng kinh ngạc của ông, tôi thấy ông đã nhầm tôi với người khác nên tôi tha thứ cho ông.
- Ông tha thứ cho tôi á! - Chàng kêu lên.
- Phải - Người lạ đáp - Vậy hãy để tôi đi vì không phải ông mắc chuyện với tôi.
- Ông có lý, thưa ông - D' Artagnan nói - không phải với ông tôi mắc chuyện, mà là với bà đây.
- Với bà đây? Ông đâu biết bà ấy? - Người lạ nói.
- Thưa ông, ông nhầm rồi, tôi biết bà ấy.
- Đến thế nữa! - Bà Bonacieux nói bằng một giọng trách móc. Thế cơ đấy, thưa ông. Ông đã lấy danh dự quân nhân và tư cách quý tộc ra hứa với tôi. Tôi hy vọng có thể tin cơ đấy.
- Và tôi thưa bà - D' Artagnan bối rối nói - bà cũng đã hứa với tôi…
Người lạ mặt:
- Nào bà, vịn vào tay tôi đi, rồi chúng ta tiếp tục đi đường của chúng ta.
Trong khi đó, D' Artagnan choáng váng sụp đổ, rã rời vì tất cả những gì vừa xảy đến với chàng, vẫn đứng thuỗn người, hai tay khoanh lại trước người ngự lâm và bà Bonacieux.
Người ngự lâm bước lên hai bước, lấy tay gạt D' Artagnan ra.
D' Artagnan nhảy lùi về phía sau và rút gươm.
Nhanh như chớp, người lạ đồng thời cũng rút gươm.
Bà Bonacieux lao vào giữa hai đối thủ, hai tay nắm lấy hai lưỡi gươm, kêu lên:
- Lạy Chúa thưa Huân tước(2).
- Huân tước ư? - Chàng vội kêu lên sau một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu - Huân tước, xin lỗi, thưa ngài, nhưng ngài chả nhẽ lại là…
- Là Huân tước Quận công De Buckingham - Bà Bonacieux nói khẽ - Và bây giờ ông có thể làm hại tất cả chúng ta.
- Thưa Huân tước, thưa bà, trăm ngàn lần xin tạ lỗi. Nhưng thưa Huân tước, tôi yêu bà ấy, và tôi ghen. Ngài cũng biết, yêu là thế nào rồi, xin Huân tước tha lỗi cho tôi, và xin nói cho tôi biết, tôi có thể xả thân vì ngài như thế nào?
Buckingham vừa nói vừa chìa tay ra cho chàng siết chặt!
- Ông là một người đàn ông trẻ tuổi tử tế. Ông ngỏ ý phục vụ tôi, tôi xin nhận. Ông hãy đi theo chúng tôi cách ra hai chục bước đến điện Louvre, và nếu có kẻ nào rình rập chúng ta, hãy giết hắn.
D' Artagnan kẹp thanh gươm trần của mình dưới cánh tay, nhường bà Bonacieux và Huân tước đi trước hai chục bước rồi đi theo, sẫn sàng thi hành không sai một chữ chỉ thị của ngài Thủ tướng cao quý và hào hoa của vua Charles đệ nhất(3).
Nhưng may thay, chàng thanh niên cuồng tín ấy không gặp cơ hội nào để chứng tỏ với Huân tước lòng tận tụy của mình, và người đàn trẻ cùng người ngự lâm đẹp trai đi vào điện Louvre qua trạm gác phố Chiếc thang.
Còn D' Artagnan thì đi ngay tới quán Quả thông để tìm gặp Porthos và Aramis đang đợi chàng.
Rồi chẳng giải thích gì với họ về việc rắc rối chàng đã gây ra, chàng bảo họ là đã một mình kết thúc công việc mà có lúc đã tưởng cần đến sự can thiệp của họ.
- Và bây giờ, sau khi đã mải mê đẩy câu chuyện đi, ta hãy để ba người này ai về nhà người ấy, rồi đi theo Quận công Buckingham và người dẫn đường trong những lối đi ngoắt ngoéo ở điện Louvre.
Chú thích:
(1) Flandre - Tên cũ gọi một xứ chủ yếu là đầm lầy ở Bắc Hải.
(2) Milord từ tiếng Anh. My lord, có nghĩa Huân tước của tôi, hoặc thưa Huân tước.
(3) Charles I - vua nước Anh, sau bị Cromwell, nhà dân chủ Anh hạ lệnh chặt đầu vì tội liên kết với quân Pháp chống lại quốc hội Anh, việc đó có được nói đến trong tập "Hai mươi năm sau" tiếp nối truyện này


Chương 12

George Villiers quận công de Buckingham


Bà Bonacieux và Quận công đi vào điện Louvre không gặp khó khăn gì. Bà Bonacieux ai cũng biết là người của Hoàng hậu, Quận công mặc đồng phục ngự lâm của ông De Treville như ta đã nói, lại đến phiên gác tối đó. Hơn nữa, Ghécmanh là thuộc hạ tin cậy của Hoàng hậu và nếu xảy ra chuyện gì, bà Bonacieux sẽ bị cáo buộc dẫn người tình của mình vào điện Louvre, có thế thôi.
Bà ta sẽ nhận tội về mình, danh giá của bà sẽ mất, đúng vậy, nhưng cái danh giá của một cô hàng xén nhỏ thì có giá trị gì trong cái thế giới này?
Vào được bên trong hoàng cung rồi, Quận công và người thiếu phụ đi theo chân tường thành một khoảng hai nhăm bước, qua khoảng đó bà Bonacieux đẩy một cái cửa ngách nhỏ, ngày đóng, đêm thường mở. Cửa mở ra, cả hai đi vào một vùng tối om, nhưng bà Bonacieux thuộc hết đường ngang ngõ tắt ở phần này của điện Louvre, phần giành cho những người trong bộ phận tùy tùng. Bà ta đóng lại các cửa đã đi qua, dắt tay ông Huân tước, dò dẫm mấy bước đi, nắm lấy tay vịn, bước lên một bậc, và bắt đầu leo lên cầu thang. Ông Quận công đếm được hai tầng gác.
Rồi bà ra rẽ phải, đi theo một hành lang dài, lại đi xuống một tầng, đi thêm vài bước vài bước nữa, tra chìa khóa vào ổ khóa, mở một cửa và đẩy Huân tước vào một căn phòng chỉ được thắp sáng bằng một ngọn đèn ngủ và bảo:
- Xin Huân tước Quận công cứ ở đây, sẽ có người đến.
Rồi bà ta đi ra cũng bằng chiếc cửa ấy, khóa trái lại, thành ra Quận công thấy mình thực sự như một tù nhân.
- Thế nhưng dù hoàn toàn bị biệt lập. Quận công De Buckingham không hề một phút giây cảm thấy sợ hãi. Một trong những mặt nổi bật trong tính cách của ông ta là tìm kiếm sự phiêu lưu và tình yêu, sự lãng mạn. Can trường, táo bạo, dày đạn, đây không phải là lần đầu tiên ông ta liều mạng trong những toan tính như thế. Ông đã hiểu ra bức thư nhắn gửi danh hoàng Anne d' Autriche(1) mà vì tin là thật ông đã sang Paris, chỉ là một cái bẫy, và đáng nhẽ lại trở lại Anh quốc, ông đã lợi dụng tình thế mình bị đẩy vào, tuyên bố với Hoàng hậu sẽ không ra đi nếu không được gặp bà. Lúc đầu Hoàng hậu kiên quyết từ chối, cuối cùng bà lại sợ Quận công nổi giận làm những chuyện điên rồ. Thế là bà đã quyết định tiếp ông và sẽ van xin ông ra đi ngay tức khắc. Chính buổi tối hôm bà Bonacieux được giao việc đi tìm Quận công và dẫn ông vào điện Louvre thì bà bị bắt cóc. Trong hai ngày, người ta hoàn toàn không biết bà ra sao và tất cả mọi việc đều treo lơ lửng. Nhưng một khi được tự do, một khi bắt liên lạc lại được với ông La Porte, mọi việc lại tiếp tục và bà vừa làm tròn cái việc phiêu lưu đầy nguy hiểm mà nếu như không bị bắt bà đã làm xong sớm hơn ba ngày rồi.
Còn lại một mình, Buckingham lại gần một tấm gương và thấy chiếc áo ngự lâm quân sao hợp với mình đến thế. Ở tuổi ba nhăm lúc đó, ông không hổ danh là một nhà quý tộc đẹp trai nhất và kỵ sĩ hào hoa nhất của Pháp quốc và Anh quốc.
Được cả hai quốc vương sủng ái, giàu có bạc triệu, đầy quyền thế trong một vương quốc có thể để yên được yên, làm loạn là loạn, Gioócgiơ Villiers Quận công De Buckingham đã để lại một trong những cuộc đời huyền thoại, lưu truyền qua nhiều thế kỷ như một sự kỳ lạ cho hậu thế.
Vì vậy, tin ở bản thân, vững ở uy lực, biết chắc những luật lệ kiềm chế những người khác không thể động đến mình, ông ta đi thẳng đến mục đích mình đã vạch ra, dù mục đích ấy quá cao xa và chói ngời đến mức là điên rồ với kẻ khác khi mới chỉ nhằm đến thôi. Chính vì thế mà ông đã nhiều lần tiếp cận được Anne d' Autriche xinh đẹp và kiêu hãnh, khiến nàng phải yêu ông vì những phẩm chất sáng ngời.
Soi mình trước gương, sửa lại những nếp sóng của bộ tóc hung vàng mà chiếc mũ nặng đã đè bẹp xuống, vuốt lại bộ ria mép vểnh lên, trong lòng tràn đầy niềm vui sướng và kiêu hãnh đã đạt được giờ phút khao khát bấy lâu nay, ông cười nụ một mình vừa hy vọng vừa hãnh diện.
Cũng lúc đó, một cánh cửa lấp sau tấm thảm che mở ra, và một phụ nữ xuất hiện. Buckingham nhìn thấy người đó hiện ra trong gương, ông kêu lên một tiếng, đó là Hoàng hậu.
Anne d' Autriche lúc đó khoảng hai sáu, hai bảy tuổi, nghĩa là đang lúc sắc đẹp rạng rỡ nhất.
Dáng đi của nàng là dáng đi của một hoàng hậu hay của một nữ thần, đôi mắt long lanh như ngọc bích, vừa đẹp hoàn hảo vừa tràn đầy vẻ dịu dàng lại uy nghi.
Cái miệng nhỏ nhắn và đỏ thắm cho dù môi dưới giống như của các hoàng thân trong gia đình d' Autriche hơi trề ra với môi trên, nàng vẫn vô cùng duyên dáng khi cười, và thâm trầm ngạo nghễ khi khinh bỉ.
Da nàng được coi là biểu tượng cho sự mềm mại mịn màng, bàn tay và cánh tay nàng đẹp đến ngỡ ngàng và tất cả các nhà thơ thời đó đã ca ngợi là bất khả so sánh.
Cuối cùng, tóc nàng hung vàng lúc còn thơ trẻ nay chuyển sang màu hạt dẻ, được nàng uốn nhẹ và rắc nhiều phấn màu, ngưỡng mộ ôm lấy khuôn mặt mà nhà phê bình cứng rắn nhất cũng chỉ có thể muốn đỡ hồng hơn một chút, và nhà tạc tượng khắt khe nhất cũng chỉ yêu cầu sống mũi hơi thanh hơn.
Buckingham ngây ra choáng mắt mất một lúc. Chưa bao giờ Anne d' Autriche lại đẹp đến như thế với ông. Giữa những cuộc khiêu vũ, lễ hội, dạo chơi, nàng chưa bao giờ đẹp như lúc này, trong một chiếc áo sa tanh trắng đơn sơ, cùng với nương tử Étxtêphania tháp tùng, người duy nhất trong những phụ nữ Tây Ban Nha còn chưa bị nhà Vua đuổi vì lòng ghen tuông cùng với sự ngược đãi của Giáo chủ Richelieu.
Anne d' Autriche tiến lên hai bước, Buckingham vội quỳ xuống dưới đầu gối nàng và nàng còn chưa kịp ngăn lại, thì ông đã hôn vào gấu áo của nàng.
- Quận công đã biết không phải tôi đã sai viết cho ông?
- Ồ vâng, thưa bà, vâng, thưa Hoàng hậu - Quận công nói - tôi biết tôi là một tên điên, một kẻ mất trí đi tin rằng băng tuyết có thể nao lòng, đá có thể bốc nóng. Nhưng bà bảo sao, khi người ta yêu, người ta dễ tin ở tình yêu, vả lại, tôi cũng bõ công trong chuyến đi này vì đã được gặp bà.
- Phải - Anne trả lời - nhưng ông hẳn biết vì sao và làm thế nào tôi gặp ông, bởi vì không động lòng trước mọi nỗi khó khăn của tôi, ông ương ngạnh không chịu rời khỏi cái thành phố mà ở lại đó tức là ông đã liều mạng sống và làm tôi có nguy cơ bị hại thanh danh. Tôi gặp ông để nói với ông rằng tất cả đều ngăn cách chúng ta, những vực sâu của biển, mối thâm thù của các vương quốc, sự thiêng liêng của những lời thể. Chống lại mọi điều như thế là phạm thượng đấy, Huân tước ạ. Cuối cùng, tôi gặp ông còn để nói với ông, chúng ta không nên gặp nhau nữa.
- Xin cứ nói, thưa Hoàng hậu, cứ nói nữa đi! - Buckingham nói - giọng nói dịu dàng của bà che đi những lời lẽ cứng rắn của bà. Bà nói đến phạm thượng? Nhưng sự phạm thượng nằm ngay trong việc chia sẻ những con tim mà Thượng đế tạo ra để chúng được vì nhau.
- Huân tước! - Hoàng hậu kêu lên - Ông quên rằng tôi chưa bao giờ nói tôi yêu ông.
- Nhưng bà cũng chưa hề nói rằng bà không mảy may yêu tôi, và quả thật nói với tôi những lời tương tự sẽ là một điều bạc nghĩa về phần Hoàng hậu đó. Bởi vì bà hãy bảo tôi đi, bà tìm đâu ra một tình yêu như tình yêu của tôi, một tình yêu mà thời gian, sự xa cách, sự thất vọng đều không làm nguội tắt nổi: một tình yêu tự bằng lòng với một dải băng rơi lạc, một cái nhìn lơ đãng, một câu nhỡ miệng? Thưa bà, ba năm trước lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà, và đã ba năm tôi yêu bà như thế đó. Bà có muốn tôi nói lần đầu tiên tôi thấy bà, bà mặc gì không? Bà có muốn tôi tả từng chi tiết mỗi đồ trang điểm của bà không? Này nhé, tôi còn nhớ rõ, bà ngồi trên những viên gạch lát kiểu Tây Ban Nha, bà mặc một chiếc áo sa tanh xanh lá cây rua sợi vàng và bạc, hai ống tay rủ xuống và được xắn lên trên đôi cánh tay mỹ lệ, đôi cánh tay đáng ngưỡng mộ của bà bằng những viên kim cương lớn. Cổ áo bà xếp nếp và cài kín, bà đội một chiếc mũ nhỏ cùng màu với áo, trên mũ gài một chiếc lông sếu. Ôi, đây nữa nhé. Tôi nhắm mắt lại và tôi vẫn thấy bà nguyên như thế. Tôi mở mắt ra, tôi thấy bà đúng như bây giờ, nghĩa là còn đẹp hơn gấp trăm lần?
Anne d' Autriche không còn đủ can đảm để giận Quận công đã lưu giữ hình ảnh của mình lâu bền đến thế ở trong tim. Nàng lẩm bẩm:
- Ôi, điên rồ! Thật điên rồ đi nuôi một đam mê vô vọng với những kỷ niệm như thế!
- Thế bà bảo tôi sống bằng gì? Tôi ấy? Tôi chỉ có những kỷ niệm mà thôi. Đó là hạnh phúc, kho báu, niềm hy vọng của tôi. Mỗi lần gặp bà, là lại thêm một viên kim cương tôi cất vào hộp báu vật trong trái tim tôi. Viên này là viên thứ tư bà để rơi và tôi nhặt được. Bởi trong ba năm, tôi chỉ được gặp bà bốn lần. Lần đầu, tôi vừa nói rồi, lần thứ hai, tại nhà bà De Chevreuse, lần thứ ba trong vườn Amiêng.
- Quận công! - Hoàng hậu đỏ mặt nói - xin đừng nói tới buổi dạ hội ấy nữa.
- Trái lại, thưa bà, phải nói tới nó chứ. Đó là buổi dạ hội sung sướng và rạng rỡ của đời tôi. Bà có nhớ cái đêm ấy mới đẹp làm sao không? Không khí êm dịu và ngát hương, trời xanh biếc và lấp lánh những vì sao! Ôi, lần đó, thưa bà, tôi đã được một mình với bà trong phút chốc, lần đó bà đã sẵn sàng nói hết với tôi sự cô đơn trong cuộc sống của bà, những phiền não trong trái tim bà. Bà đã tựa vào cánh tay tôi, đây, cánh tay này. Tôi cảm thấy trong lúc tôi ngả đầu sang phía bà, những làn tóc đẹp của bà mơn man má tôi, và mỗi lần nó mơn man, tôi lại rùng mình từ chân tới đầu. Ôi, Hoàng hậu, Hoàng hậu! Bà không biết rằng mọi hạnh phúc lớn lao trong trời đất, những niềm vui trên thiên đường đều được gói trong những giờ phút như thế sao. Này nữa, mọi của cải, vận mệnh, vinh quang của tôi, tất cả những ngày còn lại của đời tôi, chỉ để có được phút giây như thế, một đêm như thế! Bởi cái đêm ấy, thưa bà, đêm ấy bà đã yêu tôi, tôi xin thề như vậy.
- Huân tước, vâng, có thể do ảnh hưởng của môi trường đó, vẻ quyến rũ của cái buổi dạ hội mỹ lệ đó, cái nhìn mê hoặc của ông, cuối cùng, hàng nghìn tình thế đôi khi thống nhất lại với nhau để làm hại một người đàn bà, đã nhóm lại xung quanh tôi trong cái đêm định mệnh đó. Nhưng Huân tước ông đã thấy, bà Hoàng hậu đã đến cứu người đàn bà đang yếu lòng. Ngay câu đầu tiên ông đã dám nói ra, ngay sự táo tợn đầu tiên tôi phải đáp lại, tôi đã gọi Hoàng hậu đến cứu.
- Ồ, vâng, vâng, đúng là như thế, và một thứ tình yêu khác với tình yêu của tôi có lẽ đã quỵ ngã trước thử thách đó, còn tình yêu của tôi đã thoát ra khỏi đó thắm thiết hơn, vững bền hơn. Trở về Paris bà đã tưởng là trốn nổi tôi, bà đã tưởng tôi không dám rời khỏi cái kho báu mà người chủ tôi đã ủy thác cho tôi canh giữ. Ôi, tôi cần quái gì mọi kho báu ở trên đời và mọi ông vua trên trái đất. Tám ngày sau đó, thưa bà, tôi đã quay trở lại. Lần này, bà chẳng còn gì để nói tôi. Tôi đã đánh liều bỏ mặc sủng ái, sinh mạng để gặp bà trong giây phút, tôi còn chưa động đến ngay cả bàn tay bà, và bà đã tha thứ cho tôi khi thấy tôi chịu khuất phục và ăn năn đến thế.
- Vâng, nhưng thưa Huân tước, ông thừa biết, sự vu khống đã chộp lấy mọi điên rồ mà trong đó nào tôi đã có gì đâu. Nhà Vua bị Giáo chủ kích động đã nổi trận lôi đình: Bà Vécnê bị đuổi Duytăng bị đi đầy, bà De Chevreuse bị thất sủng, và khi ông muốn trở lại nước Pháp như một sứ thần, nhà Vua đã tự mình chống đối.
- Phải, và nước Pháp sắp phải trả giá cho sự khước từ của nhà Vua bằng một cuộc chiến. Thưa bà, tôi không thể gặp bà được nữa, vì vậy tôi muốn ngày nào bà cũng nghe nói về tôi. Bà nghĩ thế nào về mục đích cuộc viễn chinh đảo Rê và việc liên minh với các tín đồ phái Tin lành ở thành La Rochelle mà tôi dự định? Đó là niềm vui được gặp bà. Tôi không có hy vọng đưa quân vào tận Paris, tôi thừa biết thế, nhưng cuộc chiến này có thể dẫn đến hòa bình, công cuộc hòa bình này sẽ cần đến một nhà thương thuyết, nhà thương thuyết ấy sẽ là tôi. Lúc đó người ta sẽ không dám từ chối tôi và tôi sẽ trở lại Paris và tôi sẽ gặp lại bà, và tôi sẽ được hạnh phúc trong giây lát. Đúng là hàng vạn người sẽ phải trả giá cho hạnh phúc của tôi bằng sinh mạng họ, nhưng tôi cần gì với tôi, miễn là tôi gặp lại bà? Tất cả cái đó có lẽ là rất điên rồ, có lẽ thật mất trí, nhưng bà nói tôi xem, người đàn bà nào có một người tình si tình hơn thế? Bà Hoàng hậu nào có được người phục vụ nhiệt tình hơn.
- Huân tước, Huân tước, những điểu ông viện dẫn để bào chữa cho ông còn buộc tội ông hơn nữa đấy. Huân tước, tất cả những bàng chứng yêu đương mà ông đưa ra cho tôi hầu như đều là tội ác.
- Bởi vì bà không yêu tôi, thưa bà. Nếu bà yêu tôi, bà sẽ nhìn điều đó hoàn toàn khác. Nếu bà yêu tôi? Ôi, nếu bà yêu tôi, sẽ quá hạnh phúc và tôi sẽ phát điên. À, bà De Chevreuse mà bà nói vừa rồi, bà ấy không tàn nhẫn bằng bà, ông Hôlên yêu bà ta, và bà ta đáp lại mối tình của ông ấy.
- Bà De Chevreuse không phải là Hoàng hậu - Anne d' Autriche không cưỡng nổi bị khuất phục bởi biểu hiện của một tình yêu sâu sắc đến như thế, nàng lẩm bẩm.
- Vậy bà sẽ yêu tôi nếu bà không phải là Hoàng hậu chứ, nào bà nói đi, bà yêu tôi chứ? Tôi có thể tin rằng chỉ cái thanh danh của địa vị bà khiến bà tàn nhẫn với tôi thôi. Vậy tôi có thể tin rằng nếu bà là bà De Chevreuse thì chàng Buckingham khốn khổ có thể hy vọng chăng? Cảm ơn những lời nói dịu dàng, ôi bà Hoàng kiều diễm của tôi, trăm ngàn lần cảm tạ.
- Ôi Huân tước, ông hiểu nhầm tôi rồi, diễn giải sai rồi, tôi không muốn nói…
- Thôi, thôi, xin đừng nói nữa? - Quận công nói - Nếu tôi sung sướng mắc sai lầm, xin đừng tàn nhẫn tước bỏ đi. Chính bà đã tự nói ra điều đó, người ta đã kéo tôi vào một cái bẫy, tôi sẽ để sinh mạng tôi ở bẫy, có lẽ thế, bởi vì, bà biết đấy, thật lạ lùng, ít lâu nay tôi có những dự cảm rằng tôi sắp chết. - Và Quận công mỉm một nụ cười vừa sầu não vừa quyến rũ.
- Ôi, lạy Chúa! - Anne d' Autriche kêu lên bằng một giọng hãi hùng chứng tỏ mối quan tâm của nàng với Quận công lớn hơn những điều nàng nói ra nhiều.
- Tôi không hề nói ra điều đó để làm bà hoảng sợ đâu, không thưa bà, điều tôi nói với bà còn lố lăng nũa ấy chứ, xin bà tin rằng tôi chẳng bận tâm chút nào đến những giấc mơ như thế.
Nhưng mấy lời bà vừa thốt ra, niềm hy vọng mà bà hầu như đã cho tôi sẽ được trả giá đầy đủ, dù đó là sinh mạng của tôi đi nữa.
- Lạ thật! - Anne d' Autriche nói - tôi cũng vậy, Quận công ạ, tôi cũng có những dự cảm, tôi cũng có những giấc mơ. Tôi cũng thấy ông bị thương nằm đó, máu me đầy người.
- Ở bên trái do một con dao găm có phải không? - Buckingham ngắt lời.
- Vâng, đúng thế, thưa Huân tước, đúng thế, phía bên trái do một con dao găm. Ai có thể nói với ông tôi đã có giấc mơ đó?
- Tôi chỉ thổ lộ nó với Chúa và còn trong những lời cầu khấn của tôi.
- Tôi không muốn gì hơn, thưa bà, bà yêu tôi, tốt lắm.
- Tôi yêu ông, tôi hở?
- Vâng, bà. Nếu bà không yêu tôi, liệu Chúa có gửi đến cho bà cũng vẫn những giấc mơ ấy như tôi không? Nếu cuộc đời hai chúng ta không tiếp xúc với nhau bằng con tim, liệu chúng ta có cùng những dự cảm không? Bà yêu tôi, ôi Hoàng hậu và bà sẽ khóc thương tôi!
- Ôi Chúa ơi! Chúa ơi! - Anne d' Autriche kêu lên. - Thật quá sức chịu đựng của tôi rồi. Này Quận công, nhân danh Thượng đế, ông đi đi, ông hãy rút lui đi. Tôi không biết là tôi yêu ông hay tôi không yêu ông nữa. Nhưng điều tôi biết là tôi sẽ không thể giả dối chút nào. Vậy hãy thương tôi và đi đi. Ôi nếu ông bị đâm ở nước Pháp, nếu ông chết ở nước Pháp, nếu tôi có thể coi mối tình của ông với tôi là nguyên nhân cái chết của ông, tôi sẽ chẳng bao giờ yên lòng nổi, tôi sẽ phát điên vì thế. Vậy ông đi đi. Đi đi, tôi van ông đấy!
- Ôi, sao bà đẹp đến thế này! Ôi, tôi yêu bà biết mấy!
- Đi đi! Đi đi! Tôi van ông mà. Rồi sau lại trở lại. Với những cận vệ xung quanh bảo vệ ông, với những người hầu chăm sóc ông và lúc đó tôi sẽ không sợ cho tính mạng ông nữa, tôi sẽ hạnh phúc được gặp lại ông.
- Ôi, có đúng bà nói với tôi như vậy không?
- Đúng…
- Hay lắm! Một tín vật cho lòng khoan dung của bà, một vật của riêng bà, nó nhắc cho tôi biết không phải tôi mơ đâu, một vật gì đó mà bà vẫn đeo và đến lượt tôi, tôi cũng có thể đeo, một cái nhẫn, một cái vòng, một chuỗi hạt.
- Và ông sẽ đi, ông sẽ đi nếu tôi cho ông vật ông yêu cầu chứ?
- Vâng.
- Ngay tức khắc?
- Vâng.
- Ông sẽ rời nước Pháp, sẽ quay về nước Anh chứ?
- Vâng, tôi xin thề với bà.
- Đợi đã được rồi, đợi đã.
Và Anne d' Autriche trở về căn phòng của mình rồi hầu như ra ngay, tay cầm cái tráp nhỏ bằng gỗ hồng đào có những chữ cái viết tắt tên họ của nàng nạm vàng.
- Huân tước Quận công, ông cầm lấy - nàng nói - Ông hãy giữ nó để nhớ đến tôi.
Buckingham cầm lấy chiếc tráp và lần thứ hai quỳ xuống.
- Ông đã hứa với tôi là ông sẽ đi - Hoàng hậu nói.
- Và tôi sẽ giữ lời hứa. Bàn tay bà, bàn tay bà, thưa bà, rồi tôi đi.
Anne d' Autriche chìa bàn tay ra, vừa nhắm mắt lại, vừa vịn tay vào Stéphanie, vì nàng cảm thấy không còn đủ sức nữa.
Buckingham say đắm áp môi lên bàn tay mỹ lệ rồi đứng lên nói:
- Trước sáu tháng, nếu không chết, tôi sẽ gặp lại bà, dù có phải đảo lộn cả thế giới này vì điều đó.
Và trung thành với lời hứa, ông lao ra khỏi căn phòng.
Trong hành lang, ông gặp bà Bonacieux vẫn đang đứng đợi.
Bà ta dẫn ông ra khỏi điện Louvre, cũng vẫn với những cẩn trọng và cả niềm hạnh phúc nữa.
Chú thích:
(1) Anne Autriche: con gái vua Philippe III Tây Ban Nha, vợ Louis XIII. nhiếp chính khi con bà là Louis XIV lên ngôi còn nhỏ, cùng với thủ tướng Mazarine mà vai trò giống như Giáo chủ Richelieu thời vua cha Louis XIII.


Nguồn: http://vnthuquan.net/