Một âm mưu trong triều
Tuy nhiên, bốn mươi đồng vàng của Vua Louis XIII, cũng như tất cả mọi thứ trên đời này sau khi đã có khởi đầu, phải có kết thúc, và từ lúc nó kết thúc, bốn người đồng ngũ của chúng ta rơi vào cảnh khó khăn. Lúc đầu, ảnh hưởng dùng tiền riêng của mình cưu mang cả hội được ít lâu, Porthos kế tiếp và nhờ một trong những cuộc đi biệt tăm mọi người đã quen, chàng chu cấp cho nhu cầu của mọi người thêm được nửa tháng. Cuối cùng đến lượt Aramis, chàng vui vẻ thực hiện, và theo chàng nói, nhờ bán những cuốn sách thần học đã kiếm được mấy đồng vàng.
Vậy là như thường lệ, họ phải cầu cứu ông De Treville xin ông tạm ứng trước một phần tiền lương, nhưng số tiền tạm ứng đó không thể giúp gì mấy cho ba chàng ngự lâm đang mắc những món nợ nóng quá hạn, và một chàng cận vệ chưa mắc nợ.
Cuối cùng, khi thấy sắp hoàn toàn rỗng rúi, bằng một nỗ lực cuối cùng, họ gom góp được tám hay mười đồng vàng để Porthos chơi bạc. Khốn nạn thay, chàng đang canh đen, thua sạch, thêm hai nhăm đồng vàng đánh chịu.
Thế là khó khăn trở thành túng quẫn, người ta thấy những kẻ đói ăn có kẻ hầu đi theo chạy đốn các bến sông và các đơn vị cận vệ kiếm chác tại nhà bạn hữu ở bên ngoài tất cả những bữa trưa có thể kiếm được, bởi theo ý kiến Aramis, trong lúc sung túc phải rắc các bữa ăn ra bốn phía để thu lại một vài bữa lúc cơ nhỡ.
Athos được mời ăn bốn lần, lần nào cũng kéo theo các bạn và lũ người hầu. Porthos có sáu cơ hội và cũng để các bạn cùng hưởng. Aramis được tám. Đó là một người mà người ta đã có thể nhận ra, nói ít làm nhiều.
Còn về D' artagnan, chưa quen biết một ai trong kinh thành chỉ tìm được một bữa điểm tâm bằng sôcôla tại nhà một ông linh mục người cùng quê, và một bữa trưa tại nhà một tay lính kèn của đội cận vệ. Chàng dẫn theo đoàn quân của mình đến nhà ông linh mục, ngốn sạch lượng thức ăn dự trữ của ông trong hai tháng, và tại nhà người lính kèn được anh ta đãi rất thịnh soạn.
Nhưng, như Planchet nói, ngay cả khi ăn căng bụng ra, vẫn chỉ là một lần ăn.
D' artagnan cảm thấy khá hổ thẹn vì chỉ có được một bữa rưỡi, bởi bữa điểm tâm tại nhà ông linh mục chỉ có thể tính là nửa bữa để khoản đãi các đồng đội của mình, đáp lại những bữa tiệc linh đình mà Athos, Porthos và Aramis kiếm được. Chàng tin mình là gánh nặng cho cả hội, trong thiện tâm hoàn toàn thơ trẻ của mình, quên rằng mình đã nuôi cả hội trong vòng một tháng, và băn khoăn day dứt rất nhiều. Chàng nghĩ mối liên kết này của bốn con người trẻ tuổi, dũng cảm, táo bạo và năng động, phải có một mục đích khác những cuộc dạo chơi, bại háng, những bài học đấu gươm và những lời nhạo báng ít nhiều dí dỏm.
Quả vậy, bốn người như họ, bốn con người hết lòng với nhau từ tiền nong đến tính mạng, bốn con người luôn nâng đỡ nhau không bao giờ lùi bước thực thi riêng rẽ hoặc cùng nhau những quyết định chung, bốn cánh tay uy hiếp bốn phương trời hoặc quy tụ về một hướng, tất yếu phải mở ra một con đường tới cái đích muốn đạt được, hoặc ngấm ngầm hoặc công khai, hoặc bằng mìn nổ hòặc bằng hào rãnh, hoặc bằng cơ mưu, hoặc bằng sức mạnh… dù cái đích còn xa hay được bảo vệ vững chắc. Điều duy nhất khiến D' artagnan lấy làm lạ là các bạn đồng ngũ không hề nghĩ đến điều đó. Chàng đang nghĩ tới điều đó, riêng chàng còn nghiêm túc nữa, đào sâu trong óc mình để tìm một hướng đi cho cái sức mạnh duy nhất được nhân lên bốn lần, và với nó, chàng tin chắc như chiếc đòn bẩy mà ácsimét đi tìm, có thể nâng bổng cả thế giới. Đang nghĩ vậy thì có tiếng gõ cửa khẽ. D' artagnan đánh thức Planchet và ra lệnh mở cửa.
Nói đến câu "D' artagnan đánh thức Planchet" bạn đọc đừng nghĩ đang đêm hoặc trời chưa sáng. Không! Bốn giờ chiều vừa điểm. Hai giờ trước đó, Planchet đến xin ông chủ ăn trưa, ông chủ trả lời bằng ngạn ngữ : "Đi ngủ là người ấy ăn trưa" và Planchet ăn trưa bằng cách ngủ.
Một người được dẫn vào nhà, dáng vẻ giản dị và có vẻ là một thị dân.
Planchet thay cho món tráng miệng, rất muốn được nghe lỏm chuyện, nhưng người thị dân tuyên bố với D' artagnan rằng, điều mà người này định nói với chàng là quan trọng và phải giữ kín, nên muốn chỉ còn hai người với nhau.
D' artagnan đuổi Planchet ra và mời khách ngồi.
Phải mất đến một lúc yên lặng, hai người chỉ nhìn nhau như để làm quen trước đã, sau đó D' artagnan mới nghiêng mình tỏ ý chàng đang chờ nghe. Người thị dân nói:
- Tôi nghe nói ông D' artagnan như một chàng trai trẻ vô cùng dũng cảm và cái danh tiếng mà ông xứng đáng được hưởng đã khiến tôi quyết định thổ lộ với ông một điều bí mật.
- Xin ông cứ nói - D' artagnan bảo, trong lòng linh cảm thấy một điều gì có lợi - Ông nói đi.
Người thị dân lại ngừng một lúc rồi tiếp tục:
- Thưa ông, tôi có một người vợ là người chăm lo khăn áo cho Hoàng hậu, một người không thiếu ngôn ngoan và sắc đẹp. Người ta xui tôi cưới nàng thế là đã được ba năm, dù nàng chỉ có một chút vốn nhỏ, bởi vì ông De la Porte, người mặc áo bào cho Hoàng hậu là cha đỡ đầu của nàng và che chở cho nàng…
- Rồi sao nữa, thưa ông? - D' artagnan hỏi.
- Rồi thì! - Người thị dân tiếp - Rồi thì! Thưa ông, vợ tôi bị bắt cóc sáng hôm qua, khi vừa ra khỏi phòng làm việc.
- Và ai đã bắt cóc vợ ông?
- Tôi không biết chắc lắm, thưa ông, nhưng tôi ngờ một người.
- Cậy chứ cái kẻ ông ngờ ấy là người nào?
- Một người, đã theo đuổi nàng từ lâu.
- Chết tiệt?
- Nhưng ông có muốn tôi nói ra với ông - người thị dân tiếp tục rằng tôi tin trong chuyện này, ít vấn đề tình ái hơn là chính trị.
- Ít tình ái hơn là chính trị ư? - D' artagnan lặp lại với vẻ đang suy nghĩ rất nhiều - Vậy ông nghi ngờ gì?
- Tôi không biết liệu tôi có nên nói với ông điều tôi nghi ngờ không?
- Thưa ông, ông sẽ thấy tôi tuyệt đối chẳng đòi hỏi gì ông cả. Chính ông là người đã đến đây. Chính ông đã nói với tôi rằng ông có một bí mật muốn thổ lộ với tôi. Vậy ông cứ làm theo ý ông, còn thì giờ để ông rút lui mà.
- Không, thưa ông, đối với tôi, ông có vẻ một chàng trai lương thiện, và tôi tin tưởng ở ông. Vậy là tôi tin rằng không phải tại tình yêu của vợ tôi mà nàng bị bắt giữ, mà là do tình yêu của một vị phu nhân quyền thế hơn vợ tôi nhiều.
- À, à, hẳn là tại những mối tình của phu nhân De Bois-Tracy chăng? - D' artagnan nói, muốn tỏ vẻ hiểu những việc triều đình, trước mặt người thị dân.
- Cao hơn, thưa ông, cao hơn.
- Của phu nhân De Eghiông?
- Còn cào hơn nữa.
- Của phu nhân De Chevreuse?
- Cao hơn, cao hơn nhiều!
- Của nương… - D' artagnan dừng lại.
- Vâng, thưa ông - người thị dân trả lời rất khẽ, đủ để nghe thấy, tỏ vẻ hoảng sợ.
- Và với ai?
- Còn với ai được nếu không phải với Công tước de…
- Công tước de…
- Vâng, thưa ông! - người thị dân trả lời, cố làm cho giọng mình câm hơn.
- Nhưng làm sao ông biết mọi chuyện đó?
- Chà, làm sao tôi biết ư?
- Phải, làm sao ông biết được? Không có chuyện tâm sự nửa vời ấy, hoặc, ông hiểu đấy.
- Tôi biết được là do vợ tôi, thưa ông, do chính vợ tôi.
- Vợ ông biết chuyện… nhưng do ai?
- Do ông De la Porte. Tôi đã chẳng nói với ông nàng là con gái đỡ đầu của ông De la Porte, người tin cẩn của Hoàng hậu sao?
- Thế đấy? Ông De la Porte đã sắp đặt nàng bên cạnh Nương nương để cho Hoàng hậu tội nghiệp của chúng ta bị nhà Vua bỏ rơi, bị Giáo chủ do thám, bị tất cả phản bội như thế, có người để tâm sự.
- À, à! Thế là rõ ra rồi! - D' artagnan nói.
- Mà, thưa ông, vợ tôi về nhà cách đây đã bốn ngày. Một trong những điều kiện của nàng trong hôn lễ của chúng tôi là một tuần nàng phải về gặp tôi hai lần, bởi vì như tôi vinh dự cho ông biết vợ tôi yêu tôi lắm. Và hôm ấy vợ tôi về thổ lộ với tôi là Hoàng hậu trong lúc này đang có những nỗi lo sợ lớn.
- Thật vậy ư?
- Vâng, Giáo chủ hình như đang theo dõi và ngược đãi bà hơn bao giờ hết. Ngài không thể tha thứ cho và về chuyện sarabande(1). Ông biết chuyện sarabande chứ?
- Ôi dào, tôi biết chứ! - D' artagnan trả lời, thật ra là chả biết gì cả, nhưng muốn làm ra vẻ thông thạo.
- Đến nỗi, bây giờ, không còn là căm ghét nữa mà là trả thù.
- Thật thế à?
- Và Hoàng hậu tin…
- Sao, Hoàng hậu tin gì?
- Bà tin rằng người ta đã mạo tên bà viết thư cho Công tước De Buckingham.
- Mạo tên Hoàng hậu?
- Vâng, để làm cho Công tước phải đến Paris, và một khi đã đến Paris, sẽ lôi ông ta vào một cái bẫy nào đó.
- Quỷ sứ? Nhưng vợ ông, thưa ông thân mến, bà ấy có liên can gì đến mọi chuyện này?
- Người ta biết cô ấy hết lòng tận tụy với Hoàng hậu và người ta muốn tách cô ấy ra khỏi Nương nương hoặc hăm dọa cô ấy để nắm được những bí mật của Nương nương, hoặc dụ dỗ cô ấy để sử dụng như một tên gián điệp.
- Có thể lắm - D' artagnan nói - nhưng cái người bắt cóc bà ấy, ông biết chứ?
- Tôi đã nói với ông tôi tin là biết hắn.
- Tên hắn?
- Tôi không biết tên, điều tôi biết chỉ là hắn chính là thuộc hạ của Giáo chủ, kể bán linh hồn cho ông ta.
- Nhưng ông đã nhìn thấy hắn chứ?
- Vâng, một hôm vợ tôi đã chỉ cho tôi.
- Hắn ta có dấu hiệu gì đặc biệt để người ta có thể nhận ra không?
- Ồ, có chứ, đó là một quý ông, bộ dạng kiêu kỳ, râu tóc đen, da sạm, mắt sắc, răng trấng và một cái sẹo ở thái dương.
- Một sẹo ở thái dương! - D' artagnan kêu lên và cùng với cái đó là răng trắng, mắt sắc, da sạm, râu tóc đen, dáng vẻ kiêu kỳ, chính là cái người ở Măng của ta rồi!
- Ông nói, người của ông?
- Phải, phải, nhưng cái đó chẳng liên can gì đến chuyện này.
- Không tôi nhầm, cái đó trái lại đơn giản hóa vấn đề rất nhiều.
- Nếu người của ông cũng là người của tôi, thì bằng một đòn, tôi sẽ hai lần trả thù, có thế thôi. Nhưng biết tìm hắn ở đâu?
- Tôi chẳng biết ở đâu cả.
- Ông không có nguồn tin nào về nơi ở của hắn ư?
- Không tí nào. Một hôm tôi đưa vợ tôi đến điện Louvre, cô ấy vừa vào thì hắn đi ra, và cô ấy đã chỉ hắn cho tôi.
- Quỷ thật? Quỷ thật! - D' artagnan lẩm bẩm - Tất cả cái ấy đều mơ hồ. Do ai mà ông biết vợ ông bị bắt cóc.
- Do ông De la Porte.
- Ông ta cho ông biết một chi tiết nào đó chứ?
- Chẳng một chi tiết nào.
- Và ông không biết gì từ một nguồn tin nào khác à?
- Có chứ, tôi nhận được…
- Được cái gì?
- Nhưng tôi không biết liệu mình không phải đã phạm vào một sự đại bất cẩn chứ?
- Ông lại quay lại với chuyện đó rồi. Tuy nhiên tôi sẽ lưu ý ông rằng, lần này, cố lùi thì cũng hơi chậm rồi.
- Vì vậy tôi không lùi đâu, mẹ kiếp! - Người thị dân kêu lên và chửi thề để thêm khí thế - Vả lại, thề có Bonacieux.
- Ông tên là Bonacieux? - D' artagnan hỏi.
- Phải, đó là tên tôi.
- Vậy là ông nói, thề có Bonacieux! Xin lỗi nếu tôi đã ngắt lời ông. Nhưng hình như tôi thấy cái tên quen quen.
- Có thể đấy, thưa ông. Tôi là chủ nhà của ông.
- Chà, ra thế! - D' artagnan vừa nói vừa nhổm nửa người lên chào - Ra ông là chủ nhà của tôi?
- Vâng, thưa ông. Và vì từ ba tháng nay ông đã ở nhà tôi, và chắc hẳn bị phân tâm vì những công việc lớn, ông đã quên trả tiền thuê nhà và như tôi nói đấy, tôi có quấy quả ông lúc nào đâu tôi nghĩ rằng ông cũng sẽ quan tâm tới sự tế nhị của tôi.
- Vậy thì sao nào, ông Bonacieux thân mến của tôi - chàng nói tiếp - xin ông tin rằng tôi rất biết ơn ông đã đối đãi như thế và như tôi đã nói ông, nếu tôi có thể có ích cho ông về điều gì…
- Tôi tin chứ thưa ông, tôi tin ông chứ, và Bonacieux xin thề là tin ông về điều tôi sắp nói ra đây.
- Vâng ông nói ra đi.
Người thị dân rút ở túi ra một tờ giấy và đưa cho D' artagnan.
- Một bức thư?
- Mà tôi nhận sáng nay.
D' artagnan mở ra, và vì trời đã bắt đầu tà, chàng lại gần cửa sổ. Người thị dân đi theo chàng. D' artagnan đọc:
"Đừng tìm vợ ông. Cô ấy sẽ được trả cho ông, khi nào người ta không còn cần cô ấy nữa. Nếu ông tiến hành chỉ một bước nào thôi để tìm kiếm vợ ông là ông toi đời".
- Thế là rõ rồi - D' artagnan tiếp tục - nhưng rút cục chỉ là một lời hăm dọa.
- Vâng, nhưng lời hăm dọa ấy làm tôi kinh sợ tôi, thưa ông, rút cục tôi đâu phải là một tay gươm, tôi sợ ngục Bastille…
- Hừm! - D' artagnan nói - nhưng tôi, chính tôi cũng có không lo ngục Bastille hơn gì ông đâu. Nhưng nếu vấn đề chỉ là một nhát gươm thì được thôi.
- Tuy nhiên, thưa ông, tôi lại quá trông cậy vào ông trong cơ hội này.
- Thế ư?
- Thấy ông không ngừng quây quần với những ngự lâm quân uy nghi đường bệ, và biết rằng những vị ngự lâm quân đó đều là người của ông De Treville, do đó là kẻ thù của Giáo chủ, tôi nghĩ rằng ông và các bạn ông trong khi đem lại công bằng cho Hoàng hậu tội nghiệp của chúng ta, sẽ khoái trá chơi lại cho Đức ông một vố điếng người.
- Chắc chắn rồi.
- Và rồi tôi nghĩ việc ba tháng tiền thuê nhà phải trả tôi mà tôi không bao giờ nói đến với ông…
- Vâng, vâng, ông đã đưa ra cho tôi cái lý do đó và tôi thấy nó thật tuyệt vời.
- Thêm nữa, chừng nào ông còn đem lại vinh dự cho tôi là ở lại nhà tôi, ông đừng bao giờ nói đến tiền thu nhà nữa.
- Tốt lắm.
- Và thêm vào đó, nếu cần, tôi định biếu ông năm mươi đồng vàng, biết đâu, trong lúc này ông đang thấy khó khăn.
- Càng tuyệt? Nhưng chắc chắn ông phải giầu lắm, ông Bonacieux thân mến của tôi!
- Tôi cũng dễ chịu, thưa ông, đúng là như vậy. Tôi thu nhập khoảng chừng hai hoặc ba nghìn đồng vàng lợi tức trong việc buôn bán tạp hóa và nhất là bỏ vốn vào cuộc hành trình mới đây của nhà hàng hải nổi tiếng Jăng Mốckê, thành thử, ông hiểu đấy thưa ông… À, nhưng mà - nhà tư sản kêu lên.
- Gì thế? - D' artagnan hỏi.
- Tôi nhìn thấy cái gì kia nhỉ?
- Đâu?
- Ở ngoài phố, đối diện với cửa sổ nhà ông, trong cái khung cửa kia kìa, một người khoác áo choàng.
- Chính hắn! - Cả D' artagnan và nhà tư sản cùng kêu lên, mỗi người đồng thời nhận ra kẻ thù của mình.
- A, lần này thì - D' artagnan vừa kêu vừa nhảy bổ tới thanh gươm của mình - lần này thì nó sẽ không thoát khỏi tay tôi.
- Và rút gươm ra khỏi vỏ, chàng chồm ra khỏi căn nhà của mình.
Trên cầu thang, chàng gặp Athos và Porthos đến thăm chàng. Họ giãn ra, D' artagnan vụt qua họ như một tia chớp.
- Ơ kìa! Cậu chạy đi đâu thế? - Cả hai người lính ngự lâm đều kêu lên.
- Thằng cha ở Măng! - D' artagnan trả lời và biến mất.
D' artagnan đã nhiều lần kể cho các bạn về câu chuyện ly kỳ của mình với kẻ xa lạ đó, cũng như sự xuất hiện của nữ du khách xinh đẹp mà con người kia đã trao cho nàng một bức thư rất ư quan trọng.
Ý kiến của Athos và D' artagnan đã đánh mất bức thư của mình trong khi ẩu đả. Một nhà quý tộc, theo chàng và theo như D' artagnan tả lại chân dung kẻ lạ mặt thì chỉ có thể là một nhà quý tộc không thể đê tiện đến mức ăn cắp một bức thư.
Porthos lại chỉ nhìn thấy trong mọi chuyện đó một cuộc hẹn hò tình ái của một phu nhân với một kỵ sĩ hoặc của một kỵ sĩ với một phu nhân, và đã bị sự có mặt của D' artagnan và con ngựa vàng của chàng phá đám.
Aramis thì nói những loại chuyện như thế là bí hiểm, tất nhất đừng có dính mũi vào.
Vì vậy, qua vài tiếng D' artagnan thốt ra, họ hiểu ngay là chuyện gì, và vì họ nghĩ sau khi đuổi kịp con ngựa kia hoặc mất hút, D' artagnan cuối cùng sẽ về nhà mình, họ tiếp tục đi lên.
Khi họ vào trong phòng của D' artagnan thì căn phòng trống không. Chủ nhà e sợ hậu quả của cuộc chạm trán giữa chàng trai và kẻ lạ mặt chắc chắn sẽ xảy ra, sau khi đã tự mình trình bày đặc điểm của người lạ ấy, ông ta thận trọng tính bài chuồn.
Chú thích:
(1) sarabande - Một vũ điệu Tây Ban Nha. Ở đây Dumas cường điệu ý tưởng nghi ngờ nhưng biểu hiện mến thương của Giáo chủ Richelieu bị Hoàng hậu Anne d' Autriche khinh thị, nói đến việc Giáo chủ đã ăn mặc giả trang một thảng hề nhảy điệu đó trước mặt Hoàng hậu mà không có kết quả gì.
Chương 9
D' Artagnan thể hiện bản lĩnh
Như Athos và Porthos đã tiên đoán, trong vòng nửa tiếng, D' Artagnan trở về. Lần này nữa, chàng lại để hụt kẻ thù của mình, hắn đã biến mất như phù phép. D' Artagnan tay cầm gươm chạy khắp các phố lân cận, nhưng chàng chẳng thấy ai giống như kẻ mình đang tìm, cuối cùng chàng đành phải trở lại với điều đáng lẽ phải bắt đầu từ đó, tức là gõ cửa, cái cửa mà kẻ kia đứng tựa nhưng cái búa đập cửa đập ầm ầm đến nlươi mười hai lần vẫn chỉ vô ích, chẳng có ai thưa, và hàng xóm thấy tiếng ầm ầm đều chạy ra ngưỡng cửa hoặc chõ mũi ra cửa sổ, đều cam đoan với chàng rằng ngôi nhà mà cửa giả đều đóng im ỉm đó đã từ sáu tháng nay không có người ở.
Trong khi D' Artagnan chạy khắp các phố và gõ cửa các nhà, Athos đã đuổi kịp hai đồng đội thành thử về đến nhà D' Artagnan đã thấy cuộc họp mặt đầy đủ.
- Thế nào? - Cả ba thấy D' Artagnan bước vào, mồ hôi đầy trán và sắc mặt còn bừng bừng giận dữ đều cất tiếng hỏi.
D' Artagnan ném gươm xuống giường, nói to:
- Còn thế nào nữa? Thằng cha ấy phải là quỷ hiện thành người. Nó biến mất như một con ma, như một cái bóng, như một quái tượng.
- Cậu có tin những chuyện hiện hình không? - Athos hỏi Porthos.
- Tôi hả, tôi chỉ tin cái gì tôi trông thấy, và vì tôi chưa bao giờ thấy việc hiện hình, nên tôi không tin.
- Thánh kinh - Aramis nói - đã đề ra cho chúng ta một luật để tin: Bóng của Samuel hiện ra với Saul(1), và đó là một tín điều mà tôi sẽ giận nếu thấy ai nghi ngờ đấy Porthos ạ. Trong tất cả các trường hợp, người hay quỷ, xác hay hồn, ảo ảnh hay thực tế, con người đó sinh ra là để ám tôi, vì sự trốn thoát của hắn làm lỡ của chúng ta một vụ việc tuyệt đẹp đấy, các vị ạ, một vụ việc có thể kiếm trăm đồng tiền vàng, có lẽ còn hơn nữa đấy.
- Việc thế nào? - Cả Porthos và Aramis cùng hỏi.
Còn Athos, trung thành với chế độ câm lặng của mình, chỉ đưa mắt hỏi Aramis.
- Planchet! - D' Artagnan gọi tên đầy tớ đang thập thò nơi cánh cửa hé mở để cố nghe lỏm những mẩu rời rạc của câu chuyện - Đi xuống chỗ ông chủ nhà, ông Bonacieux ấy và bảo ông ấy gửi cho chúng ta nửa tá vang Beaugency, thứ ta thích ấy.
- Ái chà! Nhưng cậu đã mở tài khoản chỗ chủ nhà của cậu đấy à? - Porthos hỏi.
- Ừ! - D' Artagnan trả lời - kể từ nay, các anh cứ yên tâm đi, nếu vang của ông ấy tồi, chúng ta sẽ gửi trả lấy rượu khác.
- Nên sử dụng chứ không lạm dụng - Aramis nghiêm nghị nói.
- Tôi vẫn luôn bảo rằng D' Artagnan là cái đầu khôn nhất trong bốn chúng ta mà - Athos nhận xét, rồi sau khi D' Artagnan cúi chào đáp lại, Athos lại rơi ngay vào cơn trầm lặng quen thuộc.
- Nhưng mà cuối cùng, là chuyện gì mới được chứ? - Porthos hỏi.
- Phải đấy - Aramis nói - hãy tiết lộ ra đi, anh bạn thân mến, trừ phi danh dự của một phu nhân nào đó không có lợi trong việc tâm sự này, trong trường hợp ấy tốt nhất cậu hãy giữ kín cho riêng cậu.
- Bình tĩnh nào - D' Artagnan trả lời - chẳng danh dự của ai phải phàn nàn về điều tôi sẽ kể cho các anh.
- Và thế là, chàng kể lại đúng từng lời cho các bạn về điều vừa diễn ra giữa chàng và ông chủ nhà, và kẻ đã bắt cóc vợ ông chủ đáng kính lại chính là kẻ đã xô xát với chàng từ khi ở lữ quán Chủ cối xay gió.
Athos, sau khi nếm thử rượu vang với tư cách người sành rượu, gật gù tỏ ý rượu ngon, liền nói:
- Vụ việc của cậu không tồi, và ta có thể rút ra ở con người nghĩa khí kia năm sáu chục đồng vàng. Giờ đây, tính xem liệu năm mươi đến sáu mươi đồng vàng có bõ liều bốn cái đầu không.
- Nhưng hãy chú ý - D' Artagnan kêu lên - có một người đàn bà trong vụ việc này đấy, một người đàn bà bị bắt cóc, một người đàn bà chắc chắn bị hăm dọa, có lẽ còn bị tra khảo nữa, và tất cả chỉ vì nàng trung thành với nữ chủ nhân của mình!
- Coi chừng, D' Artagnan, coi chừng đấy - Aramis nói - Theo ý tôi, cậu hơi bốc quá về số phận của bà Bonacieux đấy. Đàn bà được sinh ra là để chúng ta mất mát và chính vì họ mà mọi nỗi khốn khổ đến với chúng ta.
Athos chau mày và cắn môi trước câu châm ngôn của Aramis.
- Không phải tôi lo lắng cho bà Bonacieux đâu - D' Artagnan nói to - mà là Hoàng hậu, người bị Nhà Vua bỏ rơi, bị Giáo chủ ngược đãi, và đang nhìn thấy những cái đầu của tất cả bạn bè mình đang rơi, cái nọ tiếp cái kia.
- Nhưng tại sao bà lại đi yêu cái mà chúng ta ghét nhất trên đời bọn Tây Ban Nha và bọn Anh?
- Tây Ban Nha là tổ quốc bà - D' Artagnan trả lời - và việc bà yêu những người Tây Ban Nha là những đứa con của cùng xứ sở với bà là hoàn toàn dễ hiểu. Còn về điều thứ hai anh trách bà, tôi nghe nói bà không yêu bọn Anh mà là một người Anh.
- Thật tình - Athos nói - phải thú nhận cái người Anh đó quả rất đáng yêu. Tôi chưa thấy người nào dáng bộ cao quý như thế.
- Chưa kể cách ăn mặc hoàn hảo không ai có được - Porthos nói - Tôi đã có mặt ở điện Louvre, hôm ông ta vung vãi ngọc, mẹ kiếp, tôi đã nhặt được hai viên và bán phéng đi lấy mười đồng tiền vàng. Còn Aramis, cậu biết ông ta chứ?
- Cũng kha khá như các vị, bởi tôi là những người đã chặn ông ta lại ở khu vườn Amiêng, nơi ông De Puytăng, giám mã của Hoàng hậu đã dẫn tôi vào. Thời kỳ đó tôi đang ở tu viện và chuyện phiêu lưu này đối với tôi là tàn nhẫn đối với Nhà Vua.
- Nếu như tôi biết Công tước De Buckingham ở đâu - D' Artagnan nói - điều đó sẽ không ngăn tôi dắt tay ông dẫn đến bên Hoàng hậu, cho dù việc đó có làm cho Giáo chủ hóa điên.
Bởi vì kẻ thù thực sự duy nhất và vĩnh viễn của chúng ta chính là Giáo chủ và nếu như chúng ta có thể tìm cách chơi lại ông ta một quả thật tàn bạo, tôi thú thật tôi xin tình nguyện hiến cái đầu mình.
Athos nói tiếp:
- Và, ông hàng xén nói với cậu là Hoàng hậu nghĩ rằng người ta đã dụ ông Buckingham đến dựa trên những tin tức giả mạo, phải không D' Artagnan?
- Bà sợ là như vậy.
- Khoan đã - Aramis nói.
- Chuyện gì? - Porthos hỏi.
- Thôi được, cứ nói tiếp đi, tôi đang tìm cách nhớ lại những tình huống đã xảy ra - Aramis nói.
- Và giờ thì tôi tin chắc - D' Artagnan nói - việc bắt cóc người đàn bà của Hoàng hậu gắn chặt với những biến cố mà chúng ta nói và có thể là với sự có mặt của ông De Buckingham ở Paris.
Cái tay Gascogne này, ý kiến phong phú gớm! - Porthos nói bằng vẻ ngưỡng mộ.
- Tôi thích nghe cậu ta nói - Athos nói - cái giọng địa phương của cậu ta khiến tôi thích nghe.
- Thưa các vị - Aramis nói tiếp - xin nghe chuyện này.
- Nghe Aramis nói nào - Cả ba cùng nói.
- Hôm qua, tôi có mặt ở nhà một nhà bác bọc, tiến sĩ thần học mà đôi khi tôi vẫn đến nhờ tham vấn cho những nghiên cứu của tôi.
Athos mỉm cười. Aramis tiếp tục:
- Ông cư trú ở một khu phố vắng vẻ. Những sở thích và nghề nghiệp của ông đòi hỏi như vậy. Lúc tôi ra khỏi nhà ông…
Đến đây, Aramis dừng lại.
- Rồi thế nào? - Những người nghe hỏi - Vào lúc anh ra khỏi nhà ông ta?
Aramis hình như phải cố gắng vượt lên bản thân, như một người đang thao thao nói dối thấy mình bị chặn lại bằng một chướng ngại bất ngờ, nhưng mắt các đồng đội đang chăm chăm nhìn mình, tai họ dỏng lên chờ đợi, khiến chàng không có cách nào lùi nữa.
- Ông tiến sĩ ấy có một cháu gái - Aramis tiếp tục.
- A, ông ta có một cháu gái! - Porthos ngắt lời.
- Một phu nhân rất đáng trọng - Aramis nói.
Cả ba người bạn phá lên cười.
- A, nếu các cậu cười hoặc nếu các cậu nghi ngờ - Aramis lại tiếp các cậu sẽ không biết gì hết.
Athos nói:
- Bọn mình tin như những tín đồ Mohamét và câm như những nơi quàn linh cữu ấy chứ…
- Vậy tôi tiếp tục nhé. Người cháu gái thỉnh thoảng đến thăm chú mình. Hôm qua, tình cờ cô ta có mặt ở đó cùng lúc với tôi. Tôi buộc phải ngỏ ý xin dẫn cô ra xe của cô.
- Chà! Cô ta có một cỗ xe, cô cháu gái ông tiến sĩ - Porthos ngắt lời, mà một trong những tật của chàng là líu lưỡi nặng - Quen biết tuyệt đấy, anh bạn ạ.
- Porthos - Aramis nói - mình đã lưu ý nhiều lần rằng cậu quá trống miệng, cái đó hại cậu khi gần đàn bà đấy.
- Các vị các vị, - D' Artagnan hé thấy cái lõi của câu chuyện ly kỳ đó - chuyện nghiêm túc đấy, hãy cố đừng đùa tếu nữa. Tiếp tục đi Aramis, tiếp tục đi.
- Chợt một người đàn ông cao lớn, da sạm nâu, cung cách quý tộc. xem nào, như loại của cậu ấy, D' Artagnan ạ.
- Có khi vẫn là hắn - chàng Gátxcông nói.
- Có thể - Aramis tiếp tục… - lại gần tôi, theo sau có năm sáu người đi cùng cách độ chục bước, và với giọng lễ phép nhất: "Thưa Công tước, - hắn nói với tôi - và thưa phu nhân nữa, - hắn tiếp tục và nói với người đàn bà đang khoác tay tôi".
- Với cháu gái của tiến sĩ?
- Im nào, Porthos! - Athos nói - cậu thật không thể chịu nổi.
"Xin lên chiếc xe này và đừng cố cưỡng lại một chút nào, và đừng kêu một tiếng nhỏ".
- Hắn tưởng anh là Buckingham - D' Artagnan kêu lên.
- Tôi tin là như thế - Aramis trả lời.
Còn người đàn bà? - Porthos hỏi.
- Hắn tưởng là Hoàng hậu! - D' Artagnan nói.
- Đúng thế - Aramis trả lời.
- Tay Gátxcông này quỷ thật! - Athos kêu lên - Không gì thoát được khỏi hắn.
- Sự thể là - Porthos nói - Aramis dáng người tầm vóc có nét gì đó hao hao giống ông công tước đẹp trai, nhưng trong khi ấy tôi thấy hình như bộ quần áo ngự lâm quân…
- Tôi mặc chiếc áo choàng khổng lồ - Aramis nói.
- Vào tháng bảy ư, ma quỷ? - Porthos nói - Ông tiến sĩ e cậu bị lộ diện ư?
- Tôi còn hiểu rằng - Athos nói - Tên do thám không để bị tóm vì thay hình đổi dạng nhưng còn cái mặt…
- Tôi che bằng cái mũ lớn - Aramis nói.
- Ối trời ơi? - Porthos kêu lên - phải phòng bị bao nhiêu thứ đến thế để nghiên cứu thần học!
- Các vị, các vị… - D' Artagnan nói - thôi chúng ta đừng mất thì giờ để đùa giỡn nữa. Chúng ta hãy phân tán ra và đi tìm vợ ông hàng xén, đó là chìa khóa của âm mưu này.
- Một người đàn bà vị trí thấp kém đến thế sao! Cậu tin vậy hở D' Artagnan? - Porthos vừa nói vừa trều môi ra khinh bỉ.
- Con gái đỡ đầu ông De la Porte, viên hầu cận thân tín của Hoàng hậu, tôi đã chẳng nói rồi sao, các vị? Vả lại, cũng có thể là một phép tính của Nương nương, lần này tìm những chỗ dựa thấp kém. Mũ cao thường bị nhìn thấy từ xa mà Giáo chủ lại tinh mắt lắm.
- Thôi được! - Porthos nói - Bây giờ ta hãy làm giá với tay hàng xén đã, và giá thật cao.
- Không cần thiết - D' Artagnan nói - bởi tôi tin nếu ông ta không trả cho chúng ta, chúng ta cũng sẽ được trả từ một nguồn khác.
- Đúng lúc đó, tiếng bước chân vội vã vang lên trên cầu thang, cánh cửa sầm mở và ông hàng xén khốn khổ lao vào trong căn phòng đang hội họp.
- Ôi các vị ông ta kêu lên - hãy cứu tôi, trời đất ơi, hãy cứu tôi? Có bốn người đang đến để bắt tôi. Cứu tôi với, cứu tôi với!
Porthos và Aramis đứng lên.
- Khoan đã! - D' Artagnan vừa nói to vừa ra hiệu hãy tra gươm vừa rút nửa chừng vào vỏ - Khoan đã, không cần lòng dũng cảm ở đây, mà là cần sự thận trọng.
- Tuy nhiên - Porthos nói - chúng ta sẽ không để…
- Anh hãy để D' Artagnan làm - Athos nói - tôi nhắc lại - cậu ấy là người khôn khéo nhất trong chúng ta và về phần tôi, tôi tuyên bố sẽ phục tùng cậu ấy - D' Artagnan, cậu hãy làm gì cậu thích.
Đúng lúc ấy, bốn lính cận vệ hiện ra ở cửa phòng đợi, và nhìn thấy bốn ngự lâm quân đang đứng, gươm đeo cạnh người, cũng ngại ngùng không dám bước thêm.
- Vào đi, các vị, các vị vào đi! - D' Artagnan gọi to - các vị ở nhà tôi đây mà, lũ chúng tôi đều là đầy tớ trung thành của nhà Vua và Giáo chủ cả.
- Vậy thưa các vị, các vị sẽ không chống lại việc chúng tôi thi hành mệnh lệnh được trao chứ? - Người có vẻ là đội trưởng hỏi.
- Trái lại, thưa các vị và nếu cần, chúng tôi sẵn sàng giúp các vị một tay đắc lực.
- Nhưng hắn nói cái gì vậy? - Porthos lẩm bẩm.
- Im nào, cậu là một thằng ngốc! - Aramis nói.
- Nhưng các ông đã hứa với tôi… - Ông hàng xén nói rất khẽ.
D' Artagnan cũng trả lời ngay rất khẽ:
- Chúng tôi chỉ có thể cứu được ông, nếu chúng tôi vẫn được tự do, và nếu tôi tỏ ý bảo vệ ông, họ sẽ bắt chúng tôi cùng với ông.
- Tuy nhiên, hình như tôi thấy…
- Lại đây, các vị, lại đây. Tôi không có lý do gì để bảo vệ ông đây Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông ta, và chính ông ta sẽ nói với các ông, ông ta đến đòi tôi tiền thuê nhà trong trường hợp nào. Đúng thế không, thưa ông Bonacieux? Kìa ông trả lời đi!
- Hoàn toàn đúng như vậy - Ông hàng xén nói to - nhưng ông đây không nói với các ông…
- Im, đừng nói gì về tôi, về các bạn tôi, nhất là về Hoàng hậu, nếu không ông sẽ mất tất cả mọi người mà không cứu nổi mình đâu. Nào, các ông dẫn người này đi.
Nói rồi, D' Artagnan đẩy ông hàng xén đang hết sức hoang mang vào tay bọn cận vệ, vừa bảo ông:
- Ông là đồ đểu giả, ông bạn ạ, ông đến đòi tiền tôi. Đòi một ngự lâm quân như tôi ư? Vào tù? Các vị, một lần nữa xin các vị dẫn hắn vào tù. Và giam chặt, càng lâu càng tốt, như thế sẽ cho tôi thời gian để trả.
Bọn cảnh vệ rối rít cảm ơn và dẫn con mồi đi.
Lúc chúng đi xuống, D' Artagnan vỗ vai tên dội trưởng:
- Không uống để tôi chúc sức khỏe ông và ông chúc sức khỏe tôi ư? - Vừa nói chàng vừa rót đầy hai cốc vang Beaugency lấy ở ông Bonacieux hào phóng.
- Thật là quá vinh dự cho tôi - viên đội trưởng cảnh vệ nói -
- Tôi xin nhận với lòng biết ơn.
- Vậy, xin chúc ông, thưa ông - tên ông là gì nhỉ?
- Boarơna(2).
- Thưa ông Boarơna!
- Chúc ông, nhà quý tộc của tôi. Cũng xin ông vui lòng cho biết quý danh chứ?
- D' Artagnan.
- Xin chúc ông!
- Và trên hết mọi lời chúc đó - D' Artagnan ngẫu hứng hô lên - Chúc nhà Vua và Giáo chủ.
Đội trưởng cảnh vệ có lẽ đã hoài nghi sự thành thật của D' Artagnan nếu rượu vang tồi, nhưng vang lại ngon, nên hắn tin.
Khi tên đội trưởng đã theo kịp đồng đội và chỉ còn bốn người bạn với nhau, Porthos nói:
- Cậu vừa làm cái chuyện tồi tệ quỷ gì thế? Thối chưa! Bốn lính ngự lâm lại để cho chúng bắt giữ giữa chính bọn họ, một kẻ khốn khổ đang kêu cứu. Một nhà quý tộc chạm cốc với một tên sai nha!
- Porthos này! - Aramis nói - Athos đã bảo trước rằng cậu là một thằng ngố, tôi tán thành ý kiến đó. D' Artagnan, cậu là một vĩ nhân, và khi nào cậu ở địa vị ông De Treville, tôi sẽ xin cậu bảo trợ giúp tôi có được một tu viện.
- À ra thế! - Porthos nói - các cậu tán thành những gì D' Artagnan vừa làm ư? Tôi đến chết mất.
- Tán thành quá đi chứ! - Athos nói - Không những tôi tán thành, mà tôi còn khen ngợi nữa.
- Và bây giờ, các vị - D' Artagnan nói, không buồn giải thích việc xử sự của mình cho Porthos nghe - tất cả vì một người, một người vì tất cả, đó là phương châm của chúng ta, phải không?
- Tuy nhiên… - Porthos nói.
- Giơ tay ra và thề đi? - Cả Athos lẫn Aramis đồng thời hô lên.
Bị chinh phục bởi tấm gương, vẫn khẽ làu bàu, Porthos chìa bàn tay ra và cả bốn người bạn đồng thanh nhắc lại cái định thức do D' Artagnan đề xướng: "Tất cả vì một người, một người vì tất cả".
- Tốt lắm, giờ ai về nhà nấy - D' Artagnan nói như thể mình sinh ra để không làm gì khác ngoài việc suốt đời ra lệnh - và hãy coi chừng, bởi từ lúc này trở đi, chúng ta thế là đã đối đầu với Giáo chủ rồi đó.
Chú thích:
(1) Samuel - Phán quan Israel tìm Saul để tôn lên làm vua, sau gọi là David để lãnh đạo dân tộc Israel và đánh đuổi bọn Philitxtanh
(2) Bois renard (tiếng Pháp) là rừng cáo - Tác giả cố ý gây cười ở đây
Chương 10
Cái bẫy chuột thế kỷ 17
Không phải đến thời đại chúng ta, người ta mới sáng chế ra chiếc bẫy chuột. Ngay khi xã hội được hình thành, và phát minh ra một bộ máy cảnh sát nào đó, bộ máy cảnh sát đó đã chế ra những bẫy chuột.
Có thể các bạn đọc chưa quen với tiếng lóng của phố Jerujalem(1) và từ khi chúng tôi làm nghề viết, kể ra đã đến mười lăm năm rồi, đây là lần đầu tiên chúng tôi dùng từ ấy với cái nghĩa đó, vậy chúng ta hãy giải thích cho độc giả thế nào là một cái bẫy chuột.
Khi trong một ngôi nhà, dù nó thế nào, người ta đã bắt giữ một người bị tình nghi mác một tội nào đó, người ta giữ kín việc bắt giữ. Người ta bố trí bốn năm người phục kích trong căn phòng đầu, người ta mở cho tất cả những ai gõ cửa, rồi đóng sập lại sau lưng họ rồi bắt giữ theo cung cách đó. Khoảng vài ba ngày, người ta giữ hầu như tất cả những người thân của ngôi nhà.
Cái bẫy chuột nó là như thế. Vậy là, người ta đặt một cái bẫy chuột ở ngôi nhà ông Bonacieux. Và ai xuất hiện ở đây liền bị giữ và bị người của Giáo chủ thẩm vấn. Nhưng có một lối đi riêng dẫn lên tầng một nơi D' Artagnan cư trú, những ai đi lên nhà chàng đều được miễn trừ. Hơn nữa, chỉ có ba chàng ngự lâm đến đó. Họ đã chia nhau đi điều tra, mỗi người một ngả, mà chẳng thấy gì, chẳng phát hiện ra điều gì. Athos tới mức còn hỏi cả ông De Treville, điều đó làm ông đại úy rất đỗi ngạc nhiên vì ông quen thấy bản tính câm lặng thường ngày của chàng ngự lâm chững chạc này.
Nhưng ông chẳng biết gì hết, trừ lần gần đây nhất ông gặp cả Giáo chủ, nhà Vua và Hoàng hậu, Giáo chủ có vẻ rất lo lắng, nhà Vua thì bồn chồn, và Hoàng hậu hai mắt đỏ lên, tỏ ra bà đã thức đêm hoặc đã khóc. Nhưng tình tiết này không làm ông quan tâm vì từ sau khi cưới, Hoàng hậu vẫn thức và khóc nhiều.
Dẫu sao, ông De Treville cũng dặn dò Athos phải phụng sự nhà Vua nhất là Hoàng hậu và yêu cầu chàng nhắc nhở các bạn mình như vậy.
- Còn D' Artagnan, chàng ở im tại nhà mình, biến căn phòng của mình thành một trạm quan sát. Từ cửa sổ, chàng nhìn thấy những người đi đến để bị bắt. Rồi cậy gạch lát sàn nhà, khoét bớt ván để chỉ còn lại một lớp trần mỏng ngăn cách phòng phía dưới nơi tiến hành các cuộc thẩm vấn, chàng nghe thấy hết những gì đang diễn ra giữa người hỏi cung và bị cáo.
Những cuộc thẩm vấn tiếp nối sự khám xét tỉ mỉ người bị bắt giữ luôn là mấy câu sau:
- Bà Bonacieux có nhờ ông chuyển cho chồng bà hoặc một người nào khác cái gì không?
- Ông Bonacieux có nhờ ông chuyển cho bà ấy hoặc cho một người nào khác cái gì không?
- Một người này hay người khác có buột miệng nói với ông chuyện gì không?
D' Artagnan tự nhủ: "Nếu bọn chúng biết được điều gì đó rồi thì chúng sẽ không hỏi như thế. Giờ đây chúng muốn tìm hiểu điều gì nào? Muốn biết liệu có phải Công tước De Buckingham không hề có mặt ở Paris và đã không diễn ra hoặc chưa hề có dự định diễn ra một cuộc hội kiến giữa ông với Hoàng hậu không?".
D' Artagnan dừng lại trước ý nghĩ đó, vì sau tất cả những gì chàng nghe được, không phải không có khả năng xảy ra những điều đó. Trong khi chờ đợi, cái bẫy chuột không ngừng hoạt động và tinh thần cảnh giác của chàng cũng vậy.
Buổi tối sau hôm ông Bonacieux tội nghiệp bị bắt giữ, lúc Athos vừa chia tay D' Artagnan để tới nhà ông De Treville, thì cũng là lúc đồng hồ điểm chín giờ, và vì Planchet còn chưa dọn giường ngủ nên bắt đầu công việc của mình, người ta nghe tiếng gõ của ở ngoài phố. Cửa mở ra ngay rồi lại đóng lại: một kẻ nào đó vừa bị rơi vào bẫy chuột.
D' Artagnan lao ngay về phía gạch cậy, nằm áp bụng xuống lắng nghe.
- Lát sau, tiếng kêu thét vang lên rồi đến tiếng rên rỉ mà người ta tìm cách bịt lại. Không phải chúyện thẩm vấn.
- Mẹ kiếp! - D' Artagnan tự nhủ - ta thấy hình như là một phụ nữ, chúng lục soát và người này cưỡng lại - chúng cưỡng bức, quân khốn nạn!
Và D' Artagnan mặc dầu thận trọng, vẫn phải cố kiềm chế để không xen vào cảnh đang diễn ra ngay phía dưới chàng.
Người đàn bà bất hạnh kêu lên:
- Nhưng tôi đã nói với các ông tôi là chủ nhân của ngôi nhà này. Tôi đã bảo các ông tôi là bà Bonacieux. Tôi đã bảo tôi là người của Hoàng hậu?
- Bà Bonacieux? - D' Artagnan thầm thì - chả nhẽ ta lại may mắn đến mức đã tìm thấy người mà mọi người đang tìm?
- Thì chính là chúng ta đang đợi bà - Bọn thẩm vấn nhắc lại.
Tiếng nói mỗi lúc một trở nên ngột nghẹt: một tiếng động ầm ầm làm rung chuyển những ván gỗ lát tường. Người đàn bà chống cự ngang sức một người đàn bà có thể chống nổi bốn người đàn ông.
- Xin lỗi các ông, xin… - giọng nói thầm thì chỉ còn nghe được những âm thanh rời rạc.
- Chúng nhét giẻ vào mồm. Chúng sắp lôi đi - D' Artagnan vừa kêu lên vừa bật dậy như một chiếc lò xo. - Gươm ta đâu.
- Tốt, nó ngay cạnh ta. Planchet đâu?
- Ông gọi ạ?
- Chạy ngay đi tìm Athos, Porthos và Aramis. Một trong ba người chắc đang ở nhà, có thể cả ba sẽ về. Bảo họ mang theo vũ khí, họ đến ngay, bảo họ chạy tới. À, ta nhớ ra rồi, Athos đang ở nhà ông De Treville.
- Nhưng ông đi đâu, ông chủ, ông đi dâu?
- Ta xuống theo lối cửa sổ, để đến được sớm. Còn mày xếp lại những viên gạch, quét sàn nhà đi, rồi ra theo lối cửa và chạy đến nơi ta đã bảo.
Planchet kêu lên:
- Ôi, ông ơi là ông ơi? Ông tự giết mình mất.
- Câm đi, đồ ngu.
Rồi bám tay vào bờ cửa sổ, chàng thả người từ tầng gác một xuống, cũng may không cao lắm, không bị sây sát gì.
Rồi chàng tới gõ cửa, miệng lẩm bẩm:
- Đến lượt ta sắp sa vào bẫy chuột đây, và khốn nạn cho những con mèo cọ sát với loại chuột này.
Cái búa gõ cửa trong tay chàng trai trẻ vừa đập cộc cộc vào cánh cửa thì tiếng ầm ầm bên trong cũng dừng lại, những bước chân lại gần, cửa mở và D' Artagnan, gươm tuốt trần lao thẳng vào ngôi nhà ông Bonacieux, mà cánh cửa, chắc hẳn chuyển động bằng lò xo tự đóng lại sau chàng.
Thế là, những người còn cư trú trong ngôi nhà bất hạnh của ông Bonacieux, và những người láng giềng gần đấy nhất liền nghe thấy tiếng kêu lớn, tiếng chân rậm rịch, tiếng gươm va chạm và tiếng đồ gỗ đổ gãy kéo dài. Rồi một lúc sau, một số người kinh ngạc vì tiếng ầm ầm đó, đến bên cửa sổ để biết nguyên nhân, liền thấy cửa lại tự mở ra và bốn người mặc đồ đen, không phải đi ra mà là bay ra như lũ quạ hoảng loạn, để rơi trên đất và các góc bàn, những lông cánh của chúng, nghĩa là tơi tả những mảnh áo và những mảnh áo choàng.
- Phải nói rằng, D' Artagnan chiến thắng không mấy khó khăn bởi chỉ có mỗi tên đội trưởng cảnh vệ mang vũ khí, còn chống cự lấy lệ. Đúng là ba tên kia đã định phang chết chàng trai trẻ bằng những chiếc ghế, ghế đẩu, và chai lọ gốm sứ, nhưng hai hay ba nhát đâm bằng thanh gươm dài của chàng Gátxcông khiến chúng hoảng sợ. Mười phút đã đủ làm chúng thất bại, và D' Artagnan giữ thế chủ chiến trường.
Những người láng giềng đã mở cửa sổ với sự bình tĩnh đặc biệt của dân Paris trong thời buổi những cuộc nổi dậy và loạn đả không ngừng, lại đóng cửa lại ngay khi trông thấy bốn người mặc đồ đen chạy trốn. Linh tính bảo họ rằng lúc này mọi cái đã kết thúc.
D' Artagnan, còn lại mỗi mình với bà Bonacieux, quay lại phía người đàn bà. Người đàn bà tội nghiệp bị lộn nhào trên một cái ghế bành và nửa tỉnh nửa mê. D' Artagnan đưa mắt nhanh quan sát người đàn bà.
Đó là một người đàn bà duyên dáng chừng hai nhăm hai sáu tuổi tóc nâu, mắt xanh, mũi hơi hếch, răng tuyệt đẹp, nước da như hồng thạch và mã não. Tuy nhiên, những nét vẻ có thể làm người đàn bà này lẫn với một phu nhân quyền quý, đã dừng ở đó, đôi bàn tay trắng nhưng không thanh tú. Đôi chân cũng không phải của một phụ nữ danh giá. May thay, D' Artagnan còn chưa quan tâm những chi tiết này.
Trong lúc D' Artagnan đang ngắm nghía bà Bonacieux, và tới đôi chân như đã nói, chàng thấy dưới đất một chiếc khăn tay bằng vải lanh, theo thói quen, nhặt lên, ở góc khăn, chàng nhận ra vẫn cái ký tự chàng nhìn thấy ở chiếc khăn suýt làm chàng đứt họng với Aramis.
Từ khi ấy, dè chừng những chiếc khăn tay thêu gia huy, chẳng nói chẳng rằng, chàng lại nhét chiếc khăn đã nhặt vào túi bà Bonacieux.
Nhưng vào lúc đó, bà Bonacieux cũng đã tỉnh lại. Người đàn bà mở mắt, nhìn xung quanh với vẻ kinh hoàng, thấy ngôi nhà trơng không và chỉ có mỗi mình mình với người giải phóng mình. Người đàn bà mỉm cười nắm lấy tay chàng, mà lại là nụ cười duyên dáng nhất trên đời.
- Ôi, thưa ông! - Nàng nói - chính ông là người đã cứu tôi, cho phép tôi cảm ơn ông.
- Thưa bà, - D' Artagnan nói - tôi chỉ làm điều mọi nhà quý tộc ở địa vị tôi đều phải làm, bà không cần phải cảm ơn tôi đâu.
- Có chứ, thưa ông, và tôi hy vọng chứng tỏ với ông rằng, ông đã không làm phúc cho một kẻ vô ơn đâu. Nhưng vậy chứ cái lũ người mà thoạt tiên tôi cho là lũ trộm cắp đó muốn gì ở tôi, và tại sao ông Bonacieux lại không hề ở đây.
- Thưa bà, lũ người đó nguy hiểm hơn lũ trộm cắp nhiều, bở đó là những nhân viên của Giáo chủ, còn như chồng bà, ông ấy không có ở đây vì hôm qua, bọn chúng đã tới đây bắt ông ấy đưa vào ngục Bastille.
- Chồng tôi ở ngục Bastille ư? - Bà Bonacieux kêu lên? - Ôi, lạy Chúa! Ông ấy đã làm gì nên nông nỗi ấy? Người chồng yêu quý khốn khổ của tôi ơi! Ông ấy, nào có dính dáng gì?
Và một cái gì đó giống như một nụ cười ló ra trên mặt vẫn còn đầy nỗi kinh hoàng của người thiếu phụ.
- Ông ấy làm gì ư, thưa bà? - D' Artagnan nói - Tôi tin rằng cái tội duy nhất của ông ấy là vừa có được niềm hạnh phúc vừa mang nỗi bất hạnh được làm chồng bà.
- Nhưng thưa ông, vậy ông biết…
- Tôi biết bà đã bị bắt cóc, thưa bà.
- Và bởi ai? Ông biết kẻ đó không? Ôi, nếu như ông biết hắn, ông hãy nói cho tôi hay!
- Bởi một người đàn ông khoảng bốn mươi, bốn nhăm tuổi, nước da sạm, một vết sẹo ở thái dương bên trái.
- Đúng thế, đúng thế, nhưng còn tên hắn?
- Ồ tên hắn ư? Lại là điều tôi không biết.
- Và chồng tôi có biết tôi bị bắt cóc không?
- Ông ấy được gửi thư báo trước do chính kẻ bắt cóc viết.
- Và ông ấy có nghi ngờ - bà Bonacieux bối rối hỏi. - Nguyên nhân của sự cố này không?
- Tôi tin là ông ấy quy cho một nguyên nhân chính trị.
- Lúc đầu tôi cũng đã nghĩ và bây giờ tôi cũng nghĩ như ông ấy. Nhưng vậy là cái ông Bonacieux quý mến không nghi ngờ tôi giây phút nào…
- Ồ, thưa bà, còn lâu mới có chuyện đó, ông ấy quá tự hào về sự nết na của bà và nhất là về tình yêu của bà.
Một nụ cười thứ hai hầu như khó nhận ra lướt trên đôi môi hồng của người thiếu phụ xinh đẹp.
- Nhưng - D' Artagnan tiếp tục - bà làm thế nào trốn thoát?
- Tôi lợi dụng lúc họ để mặc một mình tôi, và vì tôi biết ngay từ sáng hôm ấy tôi bị bắt đi như thế nào, nhờ mấy tấm thảm che, tôi tụt xuống theo lối cửa sổ, vì tưởng chồng tôi vẫn ở đây thế là tôi chạy đến.
- Để ông ấy bảo vệ bà?
- Ồ, không, ông chồng yêu quý tội nghiệp của tôi, tôi biết thừa, ông ấy không có khả năng bảo vệ tôi. Nhưng vì ông ấy có thể giúp chúng tôi việc khác, tôi muốn báo cho ông ấy đề phòng.
- Về việc gì?
- Ồ! Đây không phải là bí mật của tôi. Vì vậy tôi không thể nói cho ông hay được.
- Vả chăng, - D' Artagnan nói - xin bà thứ lỗi, nếu dù tôi chỉ là một lính cận vệ, tôi vẫn cứ phải nhắc bà thận trọng, vả chăng, tôi tin ở đây không phải nơi thuận lợi để chúng ta thổ lộ những điều bí mật. Những kẻ bị tôi đánh cho phải chạy trốn sẽ trở lại với lực lượng tăng cường. Nếu chúng tìm thấy chúng ta ở đây thì chúng ta đi đời. Tôi đã cẩn thận cho báo để ba người bạn tôi biết, nhưng ai biết được liệu có tìm thấy họ ở nhà không!
- Vâng, vâng, ông có lý - Bà Bonacieux kêu lên sợ hãi - Ta trốn đi thôi.
Nói rồi, bà ta khoác tay D' Artagnan lôi chàng sồng sộc đi.
- Nhưng trốn ở đâu? - D' Artagnan hỏi.
- Trước hết hãy rời khỏi ngôi nhà này, rồi ta tính sau.
Rồi thiếu phụ cùng chàng trai trẻ chẳng buồn đóng cửa nữa.
Nhanh chóng xuống phố Phu đào huyệt rồi sang phố Hố Ông Hoàng, và chỉ dừng lại ở quảng trường Saint-Sulpice.
- Và bây giờ, chúng ta làm gì đây - D' Artagnan hỏi - và bà muốn tôi đưa bà đến chỗ nào?
- Tôi xin thú thật tôi đang rất bối tối không biết trả lời ra sao. Ý định của tôi là nhờ chồng tôi báo cho ông De la Porte biết, cốt để ông De la Porte có thể nói rõ cho chúng tôi điều gì đã xảy ra ở điện Louvre ba ngày hôm nay, và liệu có gì nguy hiểm cho tôi, nếu tôi lại có mặt ở đó không.
- Nhưng tôi - D' Artagnan nói - tôi có thể đi báo cho ông De la Porte.
- Hẳn rồi, chỉ có điều không may là ở Louvre người ta biết ông Bonacieux và sẽ để ông ta đi vào, còn ông, họ không biết và họ sẽ đóng cửa lại với ông.
- Ờ, khỉ thật? - D' Artagnan nói - Bà hẳn có một gác cổng thân tín ở một trạm nào đó ở điện Louvre và nhờ một khẩu lệnh…
Bà Bonacieux nhìn chăm chú chàng trai trẻ rồi nói:
- Và nếu tôi cho ông khẩu lệnh đó, ông sẽ quên ngay nó đi tức khắc khi sử dụng xong chứ?
- Xin thề danh dự, lời thề của nhà quý tộc? - D' Artagnan nói bằng một giọng chân thực không thể nhầm lẫn được.
- Được tôi tin ông, ông có vẻ một chàng trai trọng danh dự, vả chăng số phận ông có lẽ ở ngay trên sự tận tụy của ông.
- Tôi sẽ làm, không cần hứa hẹn gì, và hoàn toàn vì lương tâm, bất cứ điều gì tôi có thể làm để phục vụ nhà Vua và làm cho Hoàng hậu vui lòng - D' Artagnan nói - vì thế hãy sử dụng tôi như một người bạn.
- Nhưng còn tôi, ông định để tôi ở đâu trong thời gian này?
- Bà không có ai để ông De la Porte đến đó đón bà được sao?
- Không, tôi không muốn tin ai cả.
- Xem nào, - D' Artagnan nói - chúng ta sẽ đến nhà anh Athos. Phải, đúng thế.
- Athos là ai vậy?
- Một trong những người bạn của tôi.
- Nhưng nhỡ ông ta có nhà và nhìn thấy tôi?
- Anh ấy không có nhà, và tôi sẽ mang chìa khóa đi sau khi đưa bà vào nhà anh ấy.
- Nhưng nhỡ ông ấy về?
- Anh ấy không về đâu, vả lại, người ta sẽ bảo anh ấy là tôi đem theo một người đàn bà và người đàn bà ấy đang ở nhà anh.
- Nhưng như thế sẽ làm tôi mang tiếng lắm, ông hiểu chứ.
- Không sao đâu! Người ta không biết bà. Vả lại, chúng ta đang trong một tình thế cần phải bỏ qua những sự bất tiện.
- Vậy thì đến nhà bạn ông. Ông ấy ở đâu?
- Phố Fréjus, cách đây ít bước chân thôi.
- Đi thôi.
Vậy cả hai lại tiếp tục đi. Đúng như D' Artagnan đã đoán, Athos không có nhà. Chàng cầm lấy chìa khóa mà người ta đã quen đưa cho chàng như một người bạn của gia đình, rồi trèo lên cầu thang, dẫn bà Bonacieux vào trong căn phòng nhỏ mà chúng ta đã miêu tả.
D' Artagnan nói:
- Bà coi như mình đang ở nhà mình. Xem nào, bà khóa hai lần cửa lại và đừng mở cho ai, trừ phi nghe thấy ba tiếng như thế này, bà xem đây.
- Và chàng gõ ba cái, hai cái đầu gõ mạnh và liền nhau, cái thứ ba, gõ nhẹ và cách hẳn ra.
- Tốt lắm - bà Bonacieux nói - giờ đến lượt tôi dặn dò ông.
- Tôi nghe đây.
- Ông hãy đến trạm gác cung điện phía đường phố Cái thang và hỏi ai là Germain.
- Được, sau đó?
- Người ta sẽ hỏi ông muốn gì và lúc đó ông sẽ trả lời bằng hai tiếng: "Tours và Bruxelles"(2). Lập tức người ấy sẽ nghe lệnh ông.
- Tôi sẽ ra lệnh gì cho người này?
- Đi tìm ông De la Porte, người hầu phòng của Hoàng hậu.
- Và khi người ấy đã tìm được và ông De la Porte đến?
- Ông đưa ông ấy đến gặp tôi.
- Tốt lắm, nhưng tôi gặp lại bà như thế nào, ở đâu?
- Ông có mong gặp lại tôi lắm không?
- Chắc chắn rồi.
- Vậy, cứ để tôi lo chuyện đó và xin ông yên tâm.
- Tôi tin lời hứa của bà đấy.
- Ông hãy tin đi.
D' Artagnan chào bà Bonacieux, và đưa cặp mắt tình tứ nhất mà chàng có thể chăm chăm nhìn vào người đàn bà nhỏ bé quyến rũ kia, và trong khi bước xuống cầu thang, chàng nghe thấy tiếng khóa trái cửa hai lần. Và vèo một cái, chàng đã ở điện Louvre, và khi vào cửa lối phố Cái thang, đồng hồ điểm mười giờ.
Tất cả những sự biến mà chúng ta vừa kể nối tiếp nhau trong nửa giờ.
Mọi việc đều được thực hiện như bà Bonacieux đã dặn trước.
Nhận được khẩu lệnh, Germain cúi chào. Mười phút sau, ông De la Porte đã ở trạm gác. D' Artagnan kể vắn tắt cho ông mọi chuyện và chỉ cho ông nơi bà Bonacieux đang ở. La Porte hỏi đi hỏi lại địa chỉ cho thật chính xác rồi vội đi ngay. Song được mươi bước ông quay lại nói với D' Artagnan:
- Anh bạn trẻ, có một lời khuyên đây.
- Thế nào ạ?
- Anh có thể bị rầy rà với việc vừa xảy ra đấy.
- Ông tin thế à?
- Phải. Anh có một người bạn nào có đồng hồ chạy chậm không?
- Thì sao.
- Hãy đến gặp người ấy để anh ta có thể làm chứng anh ở nhà anh ta lúc chín giờ rưỡi - Trong công lý người ta gọi đó là ngoại phạm.
D' Artagnan thấy lời khuyên thật khôn ngoan. Chàng ba chân bốn cẳng chạy đến dinh quán ông De Treville, nhưng đáng lẽ vào phòng khách cùng tất cả mọi người, chàng yêu cầu vào trong tư phòng của ông, vì D' Artagnan là một trong những người năng lui tới dinh quán, người ta không gây khó dễ gì, đi báo ngay cho ông Treville là người đồng hương trẻ của ông có chuyện gì quan trọng muốn nói với ông, xin được yết kiến bất thường. Năm phút sau, ông Treville hỏi chàng ông có thể giúp việc gì cho chàng và làm sao đến nỗi phải đến thăm ông vào giờ giấc quá muộn như thế này.
D' Artagnan lợi dụng lúc chỉ còn lại một mình đã vặn chậm đồng hồ lại bốn nhăm phút. Chàng nói:
- Thưa ông, xin ông thứ lỗi? Tôi nghĩ là mới có chín giờ hai nhăm phút, thì vẫn còn giờ để xin được gặp ông.
- Chín giờ hai nhăm phút! - Ông Treville kêu lên và nhìn đồng hồ - Ồ, không thể như thế được.
- Thưa ông, ông cứ nhìn xem. Đồng hồ chỉ rõ đấy thôi.
- Đúng vậy - Ông De Treville nói - ta cứ ngỡ muộn hơn cơ. Mà thôi, anh muốn gì ở ta nào?
Thế là, D' Artagnan liền kể cho ông De Treville một câu chuyện dài về Hoàng hậu. Chàng bày tỏ những lo ngại của mình cho Hoàng hậu. Chàng kể cho ông nghe những điều chàng nghe nói về dự định của Giáo chủ đối với ông Buckingham, tất cả được kể một cách bình tĩnh và thẳng thắn, khiến ông De Treville càng nhận thấy một điều gì mới lạ giữa Giáo chủ, nhà Vua và Hoàng hậu bao nhiêu, càng bị mắc lừa thêm bấy nhiêu.
Lúc đồng hồ điểm mười giờ, D' Artagnan cáo biệt ông De Treville. Ông cám ơn chàng về những tin tức của chàng, dặn dò chàng phải luôn lưu tâm phục vụ nhà Vua và Hoàng hậu, rồi ông trở về phòng khách. Nhưng tới chân cầu thang, D' Artagnan sực nhớ mình quên cái gậy ngoại phạm. Vì vậy chàng vội đi lên, vào tư phòng, bằng một vòng ngón tay chỉnh lại đồng hồ cho đúng giờ để hôm sau người ta không nhận thấy đồng hồ đã bị vặn sai, và chắc chắn, từ lúc này, chàng đã có một chứng cớ ngoại phạm, chàng đi xuống cầu thang, lúc sau đã ở ngoài phố.
Chú thích:
(1) Phố nơi tổng nha cảnh sát Pháp đóng
(2) Tours: Thủ đô cũ của xứ Touraine nước Pháp - thị xã của quận Indre et Loire ngày nay.
(3)Bruxelles: thủ đô nước Bỉ.
Nguồn: http://vnthuquan.net/