Nhận ra vua
Hai người cùng đổ xô tới nhau và cùng khự lại khi nhìn thấy nhau và kêu lên khinh khiếp. Nhà vua hỏi khi nhận ra Fouquet:
- Sao, ông đến đây để giết tôi đấy à?
Viên đại thần lẩm bẩm:
- Vua ta như thế này ư?
Thực vậy, chẳng có gì khủng khiếp hơn dáng vẻ của Nhà vua. Áo quần nhiều mảnh tả tơi, chiếc áo cánh hở hang, rách bươm, nhuốm mồ hôi và máu ứa ra từ lồng ngực và những cánh tay trầy sát. Mắt trợn trừng, mặt tái xanh, miệng sủi bọt, tóc bù xù.
Louis XIV đúng là hình ảnh của sự tuyệt vọng, của đói khát của nỗi sợ hãi dồn lại. Fouquet đầy xúc động mắt mờ lệ, giang hai tay. Louis cầm chiếc chân ghế giơ lên về phía Fouquet. Ông này run giọng nói:
- Sao, ngài không nhận ra người bạn trung thành nhất của ngài?
- Bạn, ông mà là bạn à? - Louis lặp lại và nghiến răng nghe như tiếng của căm hờn và lòng khát khao mong muốn được trả thù.
Fouquet vội vàng quỳ xuống:
- Là một người phục vụ hết mình.
Nhà vua thả vũ khí xụống. Fouquet tiến lại gần, hôn gối và âu yếm ông vào lòng, nói:
- Vua của tôi khốn khổ làm sao!
Louis, nhờ sự thay đổi trước mắt, sực nhớ ra và nhìn lại mình, thật xấu hổ vì quần áo xộc xệch, thân xác điên dại, vì sự ôm ấp che chở phải nhận chịu, nên bước lùi lại.
- Xin Hoàng thượng đến đây ngài được tự do rồi.
- Tự do, - Nhà vua lặp lại - Ô! Ông cho ta tự do sau khi bắt ta đấy à?
Fouquet tức giận la lên:
- Ngài không tin tôi à? Ngài không tin rằng tôi chẳng tội tình gì hết trong vụ này sao?
Rồi ông thuật lại rất mau cho vua nghe mọi chi tiết của âm mưu mà ta đã biết. Louis XIV phải chịu đựng nỗi lo sợ day dứt suốt cả lúc nghe, và sau đó ông nhận ra sự nguy ngập to lớn ông phải trải qua, thấy nó còn quan trọng hơn việc mình có người anh em song sinh bị nhốt trong ngục. Ông vụt nói với Fouquet:
- Này ông, chuyện sinh đôi là chuyện láo toét. Không thể nào có chuyện ông bị lừa. Không thể nào nghi ngờ danh dự, đức hạnh của mẹ ta được. Còn vị tể tướng của ta há chẳng từng xử những tên tội phạm đấy ư?
Fouquet trả lời:
- Xin ngài hãy nghĩ cho kỹ rồi mới tức giận sau. Việc sinh ra người anh em song sinh với ngài.
- Ta chỉ có một người em. Đó là Hoàng thân. Và ông biết điều đó cũng như ta vậy. Chuyện này là một âm mưu, bắt đầu từ viên chủ ngục Bastille.
- Xin ngài cẩn thận. Người đó bị lầm lẫn cũng như mọi người chỉ vì có sự giống nhau.
- Giống à?
- Tên Marchiali đó tất phải giống Hoàng thượng đến mức ai cũng phải lẫn. - Fouquet nhấn mạnh.
- Có là chuyện điên?
- Xin ngài đừng nói như thế. Bọn đó muốn đối phó với con mắt của các quan trong triều, của mẹ ngài, các sĩ quan, cả gia đình ngài, bọn đó nhất định phải biết chắc về sự giống nhau.
Nhà vua lẩm bẩm:
- Đúng vậy. Bọn đó bây giờ ở đâu?
- Ỏ Vaux đấy.
- Ở Vaux! Ông chịu để họ ở Vaux à?
Tôi thấy chuyện quan trọng nhất là giải thoát cho Hoàng thượng. Tôi đã làm xong việc đó. Bây giờ ngài hãy ra lệnh đi. Tôi đợi đây.
Louis nghĩ một lúc rồi nói:
- Bây giờ ta tụ tập quân đội về Paris.
Fouquet trả lời:
- Lệnh này đã ra rồi.
Nhà vua la lên:
- Ông ra lệnh à?
- Nếu chỉ như thế thì đúng. Một tiếng đồng hồ nữa Hoàng thượng sẽ có ngay một trăm ngàn người.
Thay cho câu trả lời. Nhà vua nắm lấy tay Fouquet bóp mạnh khiến cho ta có thể thấy rằng đến lúc này, nhà vua vẫn còn biết bao nghi ngờ đối với viên đại thần. Rồi ông nói:
- Chúng ta mang quân ấy vây nhà ông bắt bọn phản loạn.
Fouquet trả lời:
- Tôi không tin là sẽ bắt được.
- Tại sao?
- Bởi vì tên đầu đảng, linh hồn của âm mưu, đã bị tôi lột mặt nạ thì kế hoạch đó bị sụp đổ hết rồi.
- Ông đã lột mặt nạ ông vua giả chưa?
- Chưa, tôi chưa gặp ông ta.
- Người kia là ai?
- Người chủ mưu không phải là kẻ khốn khổ kia đâu. Tôi thấy người này chỉ là một công cụ chịu đựng khốn khổ suốt đời Đầu dây mối nhợ là ông D' Herblay, giám mục Vannes.
- Bạn thân của ông?
- Thưa ngài, đúng là bạn thân của tôi, - Fouquet trả lời thẳng thắn.
- Thật khốn cho ông - Nhà vua nói với giọng kém khoan dung hơn.
- Thưa ngài, chuyện thân thiết như thế sẽ không làm cho tôi mất danh dự chừng nào tôi còn chưa biết về tội ác xảy ra.
- Nhưng ông phải tiên liệu.
- Nếu tôi phạm tội thì xin tuỳ tay Hoàng thượng xét.
- Ồ, không phải ta nói về điều này đâu, ông Fouquet ạ, - Nhà vua trả lời, hơi giận mình vì đã tỏ bày những ý nghĩ cay đắng. - Tuy tên khốn đó mang mặt nạ, nhưng ta cũng nghi ngờ là ông ta. Nhưng ngoài người chủ mưu còn có tay thuộc hạ thân xác lực lưỡng, đe doạ ta. Hắn là ai?
- Có thể là bạn của y, Nam tước Du Vallon, cựu ngự lâm quân.
- Bạn thân của d'Artagnan? Của Bá tước De La Fère - Louis kêu to cái tên cuối cùng. - Ô, chớ quên mối quan hệ giữa các tay âm mưu đó với ông Bragelone.
- Thưa ngài, thưa ngài, chớ đi quá xa. Ông De La Fère là người lương thiện nhất nước Pháp đấy. Xin ngài hãy tạm bằng lòng với số người mà tôi nói ra thôi.
- Với người ông nói cho ta thôi! Tốt. Ông nói ra những tên tội phạm ấy phải không?
Fouquet hỏi:
- Hoàng thượng có ý gì thế?
Nhà vua trả lời:
- Ta có ý là sẽ mang quân đến Vaux, chộp lấy cái ổ rắn độc ấy, không cho kẻ nào thoát hết, không ai hết phải không?
Fouquet kêu lên:
- Hoàng thượng giết hết họ à.
- Giết tới tên cuối cùng.
- Ô, thưa ngài!
Nhà vua kiêu hãnh nói:
- Nên hiểu nhau, ông Fouquet ạ. Ta không còn sống trong thời mà lối ám sát là lý lẽ độc nhất, cuối cùng của các ông vua. Không, thật cảm ơn Chúa! Ta còn nghị viện, nhân danh ta xét xử và ta có máy chém thi hành các lệnh tối thượng của ta!
Fouquet xanh mặt, nói:
- Tôi xin cả gan lưu ý Hoàng thượng rằng mọi chi tiết về cả tai tiếng tệ hại cho danh dự hoàng triều. Không nên để cho tiếng tăm của ngài Anne d'Autriche chịu lời đàm tiếu của mọi người.
- Công lý phải được thi hành, ông ạ.
- Thưa ngài, đúng. Nhưng giọt máu của hoàng gia không thể rơi trên đoạn đầu đài được.
Nhà vua giậm chân trên nền gạch kêu lên:
- Giọt máu Hoàng gia, ông cũng tin thế à? Chuyện sinh đôi ấy là chuyện bịa! Cứ nhìn vào chuyện bịa ấy là ta thấy tội ác của D' Herblay. Ta phải trừng phạt tội ác đó.
- Và trừng phạt bằng án tử hình?
- Tử hình, đúng đấy ông ạ.
Ông tổng giám hiên ngang ngước khuôn mặt lúc nãy giờ vẫn cúi xuống, nói với giọng kiên quyết:
- Thưa Hoàng thượng, nếu muốn thì ngài cho chặt đầu em ngài, Philippe của nước Pháp, đó là tuỳ ý ngài. Điều này chỉ liên quan tới ngài và việc này ngài sẽ phải đi hỏi mẹ ngài, Anne d'Autriche ra lệnh thì sẽ được tuân theo. Tôi không muốn chen vào, dù là vì danh dự của ngài cũng vậy. Tôi chỉ xin ngài một ân huệ mà thôi.
- Ông nói đi! - Nhà vua xúc động trước những lời nói cuối cùng của viên đại thần, - ông cần gì?
- Tôi xin tha cho ông D' Herblay và ông Du Vallon.
- Tha cho các tên định giết ta à?
- Thưa ngài, hai tay chống đối, chỉ có thế thôi.
- Ồ ta biết rằng ông xin tha cho các bạn của ông. Bạn là chuyện của ông, nhưng sự an toàn của quốc gia đòi hỏi ta phải trừng phạt những kẻ phạm tội để làm gương cho kẻ khác.
- Tôi không giám nói với Hoàng thượng là tôi vừa làm cho ngài được tự do, vừa cứu mạng sống cho ngài.
- Ô! Ông?
- Tôi cũng không dám bày tỏ ý kiến là nếu ông D' Herblay muốn làm kẻ sát nhân thì sáng nay ông ta chỉ có việc đơn giản là chỉ việc giết ngài trong rừng Senar và thế là ổn thoả hết.
Nhà vua giật mình, khuôn mặt nhăn lại, mất hết tinh thần trong khi ông Fouquet tiếp tục:
- Một phát đạn súng lục vào đầu thế là ông D' Herblay được miễn hết tội. Ông D' Herblay nếu là kẻ sát nhân thì cũng không cần kể lại hết cho tôi mưu kế của ông mới thấy là thành công. Kẻ tranh dành quyền được Anne d'Autriche công nhận sẽ vẫn là con của bà, theo ông D' Herblay nhận định trước lương tâm, kẻ tranh giành quyền vẫn thuộc dòng máu Louis XIII. Hơn nữa, kẻ âm mưu muốn chắc chắn được đảm bảo yên lành bí mật, không bị trừng phạt thì chỉ cần một phát súng là đủ rồi. Xin ngài hãy nhân danh sự cứu rỗi của ngài mà tha cho y?
Nhà vua thay vì xúc động vì được nghe diễn tả thật đúng về sự hào hiệp của Armis lại cảm thấy xấu hổ nhục nhã. Tính kêu ngạo vô chừng của ông khiến ông không chịu nhận là có một kẻ cầm chắc mạng sống của bậc vương giả ở một đầu dây treo cổ. Mỗi lời nói mà Fouquet tưởng là có hiệu quả trong việc xin tha cho người bạn, lại thêm một giọt độc vào trong trái tim của Louis XIV. Không có gì làm ông mềm lòng, nên ông gay gắt nói với Fouquet:
- Ta không hiểu tại sao ông lại xin ta tha cho những kẻ đó! Xin làm gì cái điều mà không cần cầu khẩu cũng đã có rồi!
- Thưa ngài, tôi không hiểu.
- Dễ lắm mà. Ta đang ở đâu đây?
- Thưa ngài ở ngục Bastille.
- Ờ, trong một hầm tối. Ta bị coi là một tên điên phải không?
- Thưa ngài, đúng vậy.
Và ở đây ai cũng chỉ biết đến Marchiali phải không? Thế thì, đừng thay đổi gì cả. Để cho thằng điên chết rục trong một xó tối của ngục Bastille và các ông D' Herblay, De Vallon không cần ta tha tội cho nữa. Để cho ông vua mới của họ xử.
Fouquet bực bội trả lời:
- Hoàng thượng, ngài mắng rủa tôi rồi và ngài đã sai đấy. Tôi không phải là trẻ con, ông D' Herblay cũng không phải là người ngu ngốc mà không nghĩ mọi điều như thế. Nếu tôi muốn phò một ông vua mới thì tôi không phải mất công tôi chạy xô vào ngục Bastille để lôi ngài ra, chuyện đó rõ ràng quá rồi. Hoàng thượng không thấy vì ngài đang tức giận thế thôi. Nói khác đi ngài không nên vô cớ mà làm tổn thương người bầy tôi đã giúp ngài công việc hệ trọng nhất.
Louis nhận ra là ông đã đi quá xa, cửa ngục vẫn còn đóng trong khi ông Fouquet khoan nhượng lại đang cố kìm nỗi tức giận sắp tràn ngập và có thể đổ lên đầu ông.
- Ta không muốn làm nhục ông. Chúa phạt ta đi! Có điều là ông hỏi xin ta ân huệ và ta chỉ trả lời theo lương tâm ta thôi.
Thế mà theo ta thì những tội phạm đó không đáng được ân xá, tha lỗi gì hết.
Fouquet không trả lời. Nhà vua tiếp:
- Điều ta làm chứng tỏ thật khoan dung như là điều ông làm vậy vì ta đang ở trong tay ông. Có thể nói là còn khoan dung hơn nữa vì ông đang đặt ta trước điều kiện bắt tuỳ thuộc vào đó sự tự do, mạng sống của ta mà nếu không chịu thì là phải hy sinh chúng thôi.
Fouquet trả lời:
- Đúng là tôi có lỗi. Tôi có vẻ như đòi hỏi một sự ân xá.
Tôi rất ân hận và xin lỗi Hoàng thượng.
Ông được tha lỗi rồi, ông Fouquet thân mến ạ. Louis mỉm cười nói:
- Ta đã được tha thứ rồi, - Fouquet vẫn cứng đầu tiếp tục, - nhưng còn các ông De Heblay và Du Vallon thì sao?
Nhà vua trả lời như cũ:
- Ta còn sống thì họ còn không được tha. Ông giúp ta đừng nhắc chuyện ấy nữa?
- Xin tuân lệnh Hoàng thượng.
- Còn ông thì hờn oán gì ta nữa phải không?
- Ờ thưa ngài, không. Vì tôi đã tính trước trường hợp này rồi.
- Ông biết trước rằng ta sẽ từ chối tha cho các ông đó.
- Vâng, đúng thế và tôi đã sắp đặt sẵn hết rồi.
Nhà vua ngạc nhiên kêu lên:
- Ông nói gì thế?
- Có thể nói là ông D' Herblay đến dâng mình cho tôi, ông D' Herblay cho tôi có hân hạnh cứu vua tôi và nước tôi. Tôi không thể kết tội tử hình ông D' Herblay. Tôi lại cũng không thể để ông ta chịu cơn thịnh nộ của Hoàng thượng. Vì như thế là cũng như tự tay giết ông ta vậy.
- Thế thì ông làm sao?
- Thưa ngài, tôi đã đưa cho ông D' Herblay con ngựa tốt nhất của tôi. Và Hoàng thượng có sai người đuổi thì cũng chậm hơn bốn tiếng đồng hồ rồi.
Nhà vua lẩm bẩm:
- Thôi được Nhưng thế giới thật to rộng đủ để cho những người ta sai đi sẽ đuổi kịp, sẽ lấy lại bốn tiếng đồng hồ mà ông tặng cho ông D' Herblay.
- Thưa ngài, cho ông ta bốn tiếng đồng hồ là tôi biết tôi cho ông ta mạng sống. Nhất định ông ta sống được.
- Tại sao vậy?
- Sau khi lên ngựa chạy đi ông ta sẽ đến lâu đài của tôi ở Belle-Isle.
- Được rồi? Nhưng ông quên là ông đã tặng Belle-Isle cho ta sao? Ta cho lính ngự lâm đi bắt là xong.
Fouquet lạnh lùng nói:
- Cả ngự lâm quân, cả quân đội cũng không được. Không thể chiếm được Belle-Isle.
Mặt nhà vua trắng bệch, mắt tóe lửa. Fouquet tưởng là thua rồi. Nhưng vốn là người không chịu lùi bước khi bảo vệ danh dự nên ông nhìn lại, chịu đựng cái nhìn cay độc của Nhà vua. Louis XIV nén giận dữ và nói sau một lúc im lặng.
- Bây giờ chúng ta đi Vaux phải không?
Fouquet nghiêng mình thật thấp, kính cẩn trả lời:
- Xin tuân lệnh Hoàng thượng. Nhưng tôi nghĩ là Hoàng thượng nên thay quần áo trước khi ra trước triều đình.
- Chúng ta ghé qua điện Louvre vậy.
Thế rồi hai người đi ra trước mặt ông Baisemeaux đang kinh hoảng bứt râu bứt tóc một lần nữa khi lại nhìn thấy Marchiali đi ra.
Tất nhiên là Fouquet cho ông tấm giấy thả người tù, dưới đó có viết: Đã đọc và đồng ý: Louis.
Chương 36
Ông vua giả
Trong lúc đó ở Vaux ông vua tiếm quyền vẫn gan dạ tiếp tục vai trò của mình.
Philippe ra lệnh mở vào buổi sáng cuộc triều kiến long trọng mà mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng. Ông quyết định ra lệnh ấy mặc dù ông D' Herblay vắng mặt, không trở về nữa, vì lý do gì thì độc giả đã biết rồi. Nhưng ông hoàng vì không biết ông D' Herblay đã đi nên cứ theo tinh thần táo bạo của mình, muốn thử thách khả năng, phương tiện của mình, tách ra ngoài mọi sự chở che, bảo trợ.
Một kẻ khác thúc đẩy ông: Anne d'Autriche sắp xuất hiện, người mẹ tội lỗi sắp ra mắt đứa con bị hy sinh. Philippe muốn là dù sao ông cũng không để một dấu hiệu yếu đuối nào chứng tỏ trước con người mà từ nay ông phải cố sức giữ gìn hết mực.
Philippe mở rộng đôi cánh cửa và nhiều người lặng lẽ bước vào. Khi các người hầu phòng mặc áo cho ông, ông đứng yên, không nhúc nhích. Đêm trước ông đã thấy rõ các thói quen của người anh em. Bây giờ ông phải làm vua như thế nào cho không ai có thể nghi ngờ được.
Ông tiếp khách, đầy đủ trong bộ đồ đi săn. Qua trí nhớ và những lời ghi của Aramis, ông biết rằng đến đầu tiên là Anne d'Autriche, có Hoàng thân khoác tay bước vào. Rồi đến Đức bà với ông De St. Aignan. Ông mỉm cười khi nhìn thấy những khuôn mặt đó và rùng mình khi nhận ra mẹ mình.
Khuôn mặt cao cả và oai nghiêm bị nỗi đau khổ tàn phá ấy là chứng tích bênh vực cho bà hoàng nổi danh đã phải hy sinh một đứa con vì đất nước. Ông thấy bà thật đẹp. Ông biết Louis XIV yêu mẹ, ông hứa cũng sẽ yêu bà như thế để tuổi già của bà không phải chịu cực hình ghê gớm. Ông nhìn người em với một tình cảm mến yêu thật dễ hiểu. Người này không bao giờ chiếm đoạt ngôi vị, vẫn sống cuộc đời tốt đẹp. Philippe hứa sẽ là người anh tốt đối với ông hoàng đó, con người chỉ có vàng là đủ làm cho sung sướng.
Ông lấy dáng cảm mến chào ông St. Aignan lúc này đang túi bụi lo mỉm cười và chào lại mọi người. Ông đưa tay bắt Henriette, cô em dâu, và thấy cô ta thật đẹp, nhưng ông thấy đôi mắt vị phu nhân này có một vẻ gì lạnh lùng khiến ông ta có lòng mừng vì khỏi lo đến những giao tiếp về sau.
Ông sợ nhất lúc này là phải tiếp đón Hoàng hậu. Tình cảm, trí óc ông vừa mới trải qua một thử thách to lớn nên mặc dù tính tình thật vững vàng, cương nghị, ông cũng sợ là không đủ sức chịu một sự đụng chạm mới. May thay, Hoàng hậu không tới.
Anne d'Autriche mở đầu một cuộc bàn luận chính trị về việc Fouquet tiếp đón Hoàng gia nước Pháp. Bà chen vào đó những chuyện hiềm khích, những lời ngợi khen Nhà vua, những câu hỏi thăm sức khỏe, những dỗ dành kiểu của người mẹ và cả những phỉnh phờ xã giao nữa. Rồi bà nói:
- Này con, con nghĩ lại đối với ông Fouquet chưa?
Philippe nói:
- Saint Aignan, xin ông vui lòng xem thử Hoàng hậu ra sao.
Nghe những lời đầu tiên Philippe nói, người mẹ thấy có một chút khác biệt giữa giọng nói của ông và của Louis XIV. Bà sững sờ nhìn người con.
St. Aignan bước ra. Philippe tiếp tục:
- Thưa mẹ, con không muốn người ta nói xấu về ông Fouquet. Mẹ đã hiểu điều đó và chính mẹ đã nói tốt về ông ta rồi.
- Chính vậy, cho nên ta mới hỏi con về ý con đối với ông ta đấy.
Henriette chen vào:
- Thưa ngài, tôi thì luôn luôn yêu mến ông Fouquet. Ông ta là con người tinh tế, đàng hoàng.
- Một ông tổng giám không bủn xỉn, tôi có giấy tờ chứng khoán ký với ông thì cũng đều được trả bằng vàng hết, - Hoàng thân nói.
Thái hậu nói:
- Ở đây các người tính chuyện ích kỷ quá. Không ai tính việc nước cả. Ông Fouquet làm hại cho đất nước là chuyện thực đấy.
Philippe trả lời, giọng thấp xuống:
- Ồ, mẹ, mẹ cũng làm hậu thuẫn cho ông Colbert à?
Thái hậu ngạc nhiên hỏi:
- Sao con nói thế?
- Đó là vì mẹ nói như bà De Chevreuse, bà bạn già của mẹ nói vậy mà?
Nghe nhắc đến tên đó, Anne d'Autriche tái mặt, môi mím lại. Philippe đã khích động con sư tử cái rồi.
Bà nói:
- Con vừa nói gì về bà De Chevreuse đấy? Hôm nay con làm sao mà gay gắt với mẹ thế?
Philippe tiếp tục:
- Có phải bà Chevreuse lúc nào cũng xúi bậy, chống đối người khác không. Có phải bà De Chevreuse chưa bao giờ thăm trả lễ mẹ không?
Thái hậu nói:
- Thưa ngài, ngài nói như là hoàng đế cha của ngài vậy.
- Cha con có lý để không ưa bà De Chevreuse. Con cũng không ưa bà ta và nếu bà ta dẫn xác đến như ngày xưa gieo rắc sự chia rẽ, hận thù hòng lấy tiền thì.
- Thì sao? - Anne d'Autriche kiêu hãnh, vụt hỏi gay gắt.
Ông hoàng trẻ nói với giọng cương quyết:
- Thì tôi sẽ đuổi bà De Chevreuse ra khỏi xứ này và đi theo bà ta sẽ có các chuyên viên gây chuyện thầm kín, bí mật đấy.
- Ông không tính đến hậu quả của những lời nói ghê gớm vừa xong hay không biết trừng ông muốn dò xem tác động của chúng như thế nào. Thái hậu lẩm bẩm:
- Ngài đối xử khắt khe với mẹ ngài quá chừng.
- Sao, về việc gì, thưa bà tôi chỉ có nói về bà De Chevreuse hơn là sự an ninh của đất nước này và sự an toàn của cá nhân tôi ư? Thế thì tôi xin nói là bà Chevreuse chỉ đến nước Pháp là để moi tiền và bán bí mật cho ông Fouquet thôi.
Anne d'Autriche kêu lên:
- Bí mật nào?
- Về những chuyện gọi là ăn cắp của ông Fouquet. Chuyện này là sai, - Philippe nói thêm - ông Fouquet đã tức giận đuổi bà ta đi vì cho rằng được Nhà vua tin cậy thì tốt hơn là âm mưu với bọn gây rối. Thế là bà De Chevreuse đem bán bí mật cho ông Colbert và vì lòng tham không đáy, thấy làm việc này không được trăm nghìn écus nên bà ta tính đưa lên cao nhất nếu không tìm được chỗ khác để thoả mãn. Có đúng vậỵ không, thưa bà?
- Ngài biết hết, - Thái hậu nói mà thấy lòng lo lắng hơn là khó chịu.
Philippe tiếp tục:
- Thế thì tôi có quyền can thiệp vào chuyện của mụ đàn bà hung dữ đó trong âm mưu cấu kết ở trong triều tôi và làm mất danh dự của người này, phá hoại sự nghiệp của người khác. Nếu Chúa đã đau khổ vì có những tội ác đã thành hình, và nếu ngài còn khoan dung giấu đi một vài điều khác, thì về phần tôi, tôi không chịu cho bà De Chevreuse có quyền làm trái ý Chúa.
Những lời nói sau cùng của Philippe làm cho Thái hậu xúc động đến mức người con phải thương hại. Ông nắm lấy tay mẹ hôn âu yếm. Nhưng bà cũng không hiểu rằng trong nụ hôn ẩn đầy phản kháng và cay đắng được dằn xuống đó, lại còn có ý nghĩa tha thứ của tám năm đau khổ. Philippe để im lặng một lúc cho thấm đầy những cảm xúc vừa phát ra, rồi nói vui:
- Hôm nay chúng ta chưa đi ra ngoài. Tôi có dự định rồi.
Rồi ông quay ra phía cửa, hy vọng thấy được Aramis.
Thái hậu muốn rút lui. Philippe nói:
- Xin mẹ hãy ở lại. Con muốn mẹ làm hoà với ông Fouquet.
- Nhưng tôi không ưa ông Fouquet. Tôi chỉ ngại là ông ta hào phóng quá thôi.
- Chuyện đó thì chúng ta sẽ thu xếp lại. Chỉ nên nghĩ ở khía cạnh tốt của ông tổng giám thôi.
- Hoàng thượng tìm gì thế? - Henriette nói khi thấy vua nhìn ra cửa lần nữa, nói để hy vọng đánh trúng tim đen của ông, vì bà tin rằng ông đang đợi tiểu thư La Valliére hay là một bức thư của nàng.
Người trẻ tuổi đoán ngay ý định nhờ khả năng tinh anh kỳ diệu mà hoàn cảnh tốt đẹp lúc này làm cho nó phát triển:
- Cô em ạ, tôi đang đợi một con người rất đặc biệt, một con người cố vấn kém nhất mà tôi muốn giới. thiệu với tất cả mọi người để xin các người ở đây giúp đỡ cho. Ô, xin mời vào, ông d'Artagnan.
D'Artagnan hiện ra:
- Hoàng thượng muốn điều chi?
- Ông bạn giám mục Vannes của ông đâu?
- Nhưng mà, thưa ngài! Tôi đang đợi ông ta mà không thấy.
- Xin hãy tìm ông ta!
D'Artagnan sững người trong giây lát, nhưng rồi nghĩ rằng Aramis rời Vaux một cách bí mật là do vua sai, chắc rằng vua muốn giữ kín bí mật ấy. Ông trả lời:
- Thưa, Hoàng thượng nhất định muốn dẫn ông D' Herblay về sao?
Philippe trả lời:
- Không phải là nhất định. Chưa cần đến như vậy nhưng nếu có ai trông thấy ông ta…
"Ta đoán đúng", d'Artagnan nghĩ thầm.
Nhà vua nói:
- Đi báo với ông Fouquet là tôi muốn nói chuyện… Ồ! nói trước mặt ông đấy, đừng rút lui…
Ông De Saint Aignan đã trở lại, báo cáo những tin vừa ý về Hoàng hậu:
- Bà nằm nghỉ chỉ là phòng hờ thôi chứ bà vẫn đủ sức theo ý của Nhà vua. Trong khi cho tìm ông Fouquet và Aramis khắp nơi, thì ông vua mới vẫn bình yên tiếp tục cuộc thử thách và mọi người trong gia đình, quan chức, nội thần cũng thấy cử chỉ, giọng nôi, thói quen của ông đúng là vua của họ.
Về phía mình, Philippe nhớ những ghi chú và hình vẽ của Aramis để lại, nhìn từng người một, cư xử với họ không để ai nghi ngờ gì hết. Từ nay chẳng còn gì để khiến cho người tiếm quyền lo lắng gì hết. Định mệnh vừa đem một số phận khốn khổ nhất thay thế cho một quyền uy cao nhất, thật dễ dàng đến mức lạ lùng làm sao!
Philippe thán phục lòng tốt của Chúa đối với ông, và sử dụng tất cả những khả năng tốt đẹp của mình để hoàn thành ý Chúa. Nhưng đôi khi ông thấy hình như có một bóng đen bước trên vòng hào quang mới mẻ của ông.
Aramis vẫn chưa xuất hiện. Câu chuyện trong Hoàng gia dần dần trở nên uể oải. Philippe đang bận lo nghĩ nên quên mất việc cho người em và Henriette ra về. Họ ngạc nhiên và dần dần mất kiên nhẫn. Anne d'Autriche nghiêng mình về phía con trai và nói vài tiếng Tây Ban Nha.
Philippe hoàn toàn không biết thứ tiếng này. Ông xanh mặt trước chướng ngại không ngờ đó. Nhưng mà có vẻ hình ảnh vững vàng của Aramis khiến ông tin mình không thất bại, nên thay vì hoảng hốt, Philippe đứng dậy.
- Sao không trả lời đi con? - Anne d'Autriche hỏi.
- Cái gì ngoài kia thế? - Philippe quay về phía cửa cầu thang kín.
Người ta nghe thấy có tiếng kêu:
- Phía này! Phía này? Chỉ còn vài bậc nữa thôi, thưa ngài.
- Tiếng của ông Fouquet! - D'Artagnan nói bên cạnh Thái hậu.
Philippe tiếp:
- Chắc là ông D'Herblay không đâu xa.
Nhưng ông lại thấy được những gì thật gần không ngờ tới.
Mọi cặp mắt đều quay về phía cửa chờ ông Fouquet, nhưng không phải ông này bước vào.
Một tiếng kêu khiếp hãi phát ra từ khắp phòng, tiếng kêu đau đớn của ông vua và các người phụ tá.
Mọi người, ngay những con người chất chứa những tính cách lạ lùng và đã trải qua những biến cố kỳ diệu nhất cũng không đủ sức để ngắm nhìn khung cảnh hoàng cung lúc này.
Những tấm rèm buông nửa chừng chỉ để xuyên những làn tia sáng qua những nhung kèm lụa dày.
Trong cảnh mờ mờ ảo ảo ấy, những cặp mắt từ từ mở to ra, và mỗi người trong phòng ai nấy đều cho rằng đã nhận được người khác vì lòng tin hơn là vì chính cặp mắt mình thấy. Nhưng dù trong các trường hợp này, cũng phải đến lúc người ta không thể bỏ rơi các chi tiết và đối tượng hiện ra đây đã sáng lên như là có ánh mặt trời(1) chiếu xuống.
Đó là trường hợp của Louis XIV khi ông ta đứng trên ngưỡng cửa thang gác bí mật, mặt tái xanh và đôi mày nhíu lại.
Fouquet đứng phía sau cho thấy khuôn mặt nghiêm khắc và buồn rầu.
Thái hậu thấy Louis XIV trong khi bà cầm tay Philippe, liền thét lên một tiếng như là vừa trông thấy ma hiện. Hoàng thân như choáng người, quay đầu từ phía ông - vua - ông - thấy qua phía ông - vua - đứng - bên cạnh. Đức bà tiến lên một bước, tưởng như nhìn thấy người chồng qua tấm gương.
Và thực vậy, ảo giác là điều có thật.
Hai ông hoàng đều hốc hác - không kể Philippe giật nẩy mình hoảng hốt, cả hai run rẩy, co quắp các ngón tay, nhìn nhau trừng trừng như muốn lấy tia mắt đâm sâu vào tim nhau. Họ lặng câm, thở hổn hển, khom người tới trước như sẵn sàng nhào tới nhau.
Giống nhau không thể tưởng tượng được, những khuôn mặt, cử chỉ, dáng người, giống tất cả, giống tình cờ đến cả áo quần, vì Louis XIV vừa đến điện Louvre lấy bộ áo nhung; sự giống nhau của hai ông hoàng làm đảo lộn tâm hồn Anne d'Autriche. Tuy nhiên, bà chưa thấy rõ sự thật. Trong đời có những điều khốn khổ mà người ta không chịu chấp nhận. Người ta cứ cho là tại thần thánh, tại những gì không thể có được.
Louis không ngờ tới những trở ngại đó. Ông cứ tưởng là hễ cứ một mình bước vào liền được nhận ra ngay là mặt trời chói lọi; ông không chịu được sự ngang hàng với bất cứ ai hết. Ông không chịu nhận là một ngọn đuốc có thể tắt đi ngay lúc nó bật lên luồng ánh sáng chói lọi.
Cho nên, nhìn thấy dáng người của Philippe, ông tỏ ra kinh hoàng hơn tất cả ai khác chung quanh, và sự im lặng, sự bất động, tất cả trong thời gian suy ngẫm, yên tĩnh này là mở đầu cho sự tức giận nổ bùng ra.
Nhưng còn Fouquet, con người có thể ghi nhận sự sững sờ của mình trước hình ảnh sống của chủ ông? Fouquet nghĩ rằng Aramis đã có lý, rằng người mới tới này cũng xứng bậc vương như là kẻ kia và khi từ chối cuộc đảo chính sắp đặt thật khôn khéo này, ông ta đã đi theo một sự cuồng nhiệt điên rồ, không xứng đáng nhúng tay vào chính trị lần nữa. Fouquet đã đem giọt máu của Louis XIII hy sinh cho giọt máu của Louis XIII. Ông đã đem một hoài bão cao cả hy sinh cho tham vọng ích kỷ. Ông đã đem cái quyền "có-được" hy sinh cho cái quyền "chiếm-giữ".
Tất cả mức độ trầm trọng trong lỗi lầm của ông hiện ra, chỉ cần qua một lần nhìn người chiếm ngôi.
Tất cả những gì thoáng qua trong trí Fouquet, mọi người không ai thấy hết. Ông có cả năm phút để tập trung suy nghĩ về trường hợp lương tâm vướng mắc này. Năm phút là năm thế kỷ.
D'Artagnan đứng đối diện Fouquet, dựa lưng vào tường, nắm tay đưa lên trán mắt đăm đăm, tự hỏi tại sao có sự kỳ diệu này. Đầu óc ông bị những tấm màn dày đặc bao phủ. Những người trong màn kịch này như đang bơi trong sương mù của một lúc tỉnh giấc nặng nề.
Louis XIV vốn dễ mất kiên nhẫn và quen thói chỉ huy hơn, vụt chạy mở cánh cửa, xé toang các bước màn ra. Ánh sáng chói loà đổ xô vào phòng khiến cho Philippe phải lui vào tận lò sưởi.
Louis thấy rõ cử chỉ ấy, chụp lấy cơ hội và nói với Thái hậu:
- Mẹ ơi, ở đây không ai nhận ra vua của họ, nhưng mẹ, mẹ có nhận ra con không?
Anne d'Autriche giật nẩy mình, giơ hai tay lên trời, không nói được tiếng nào. Philippe trầm tĩnh hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ không nhận ra con sao?
Và lần này, chính Louis XIV lùi lại. Còn Anne d'Autriche thì quay cuồng vì sự hối hận tràn ngập trí óc và tâm hồn. Không ai đến giúp bà vì mọi người đều như hoá đá cả, bà rên lên một tiếng yếu ớt và ngã mình xuống ghế. Louis không chịu được cảnh xúc phạm này. Ông nhảy tới phía d'Artagnan cũng đang muốn choáng váng và xiểng liểng ôm cánh cửa làm chỗ dựa.
- Hãy theo ta, ngự lâm quân? Nhìn thẳng vào mặt ta đi, nhìn xem thử mặt ta và hắn, ai tái hơn?
Tiếng kêu gào ấy đánh thức d'Artagnan và làm chuyển động sự tuân lệnh trong tâm hồn ông. Ông lắc lắc cái đầu, rồi không ngần ngại gì cả, ông tiến về phía Philippe, đặt tay trên vai người này và nói:
- Thưa ông, ông là tù nhân của tôi.
Philippe không ngửa mặt lên nhìn trời, không xê dịch khỏi nơi ông đứng bám, mắt nhìn đăm đăm vào ông vua anh. Trong nỗi yên lặng mênh mông, ông phiền trách anh về những đau khổ đã qua, về những cơn hành hạ sắp đến. Đối phó với tiếng nói thầm lặng của tâm hồn ấy, ông vua thấy không còn đủ sức nữa.
Ông cúi mặt xuống, lôi vội em trai, em dâu đi ra ngoài quên cả người mẹ nằm dài bất động cách người con trai bà ba bước để chết một lần thứ hai nữa. Philippe bước đến gần Anne d'Autriche, cúi xuống nói với một giọng dịu dàng và cảm động:
- Mẹ ơi, nếu con không là con của mẹ thì con sẽ nguyền rủa mẹ đã làm cho con đau khổ thế này?
D'Artagnan thấy rùng mình đến tận tâm can. Ông khom mình kính cẩn chào ông hoàng và nói:
- Xin lỗi Đức ông, tôi chỉ là một người lính và tôi đã thề trung thành với người vừa ra khỏi phòng này.
- Xin cảm ơn ông d'Artagnan. Nhưng ông D' Herblay ra sao rồi?
Một tiếng nói trả lời sau lưng.
- Ồng D'Herblay ở chỗ rất yên ổn. Tôi mà còn sống, còn tự do thì không ai làm cho ông ta rụng một sợi lông đâu.
- Kìa ông Fouquet? - ông hoàng mỉm nụ cười buồn.
Fouquet quỳ xuống:
- Xin Đức ông tha lỗi, nhưng ông mới vừa ra khỏi đây là khách mời của tôi.
Philippe mỉm cười, lẩm bẩm:
- Đây là những người bạn tốt và chân thành. Họ làm cho ta tiếc cuộc đời này quá. Ông d'Artagnan đi thôi, tôi theo ông.
Vào lúc người chưởng quan ngự lâm quân sắp bước ra.
Colbert đi vào đưa cho ông một tờ sắc của vua rồi rút lui.
D'Artagnan đọc xong vò nát tờ giấy. Ông hoàng hỏi:
- Có gì thế?
- Đức ông đọc đi, - người lính ngự lâm trả lời.
Philippe đọc những dòng chữ Louis XIV viết vội:
"Ông d'Artagnan dẫn người tù đến đảo Sainte Marguerite. Cho hắn mang mặt nạ sắt, không được lấy ra nếu muốn sống".
- Đúng rồi, - Philippe nhẫn nhục nói. - Tôi đã sẵn sàng.
- Aramis có lý. - Fouquet nói nhỏ với người lính ngự lâm, - người này xứng vị vương cũng như kẻ kia vậy.
- Còn hơn nữa - D'Artagnan trả lời. - ông ta chỉ thiếu có ông và tôi thôi.
Trong khi d'Artagnan thi hành lệnh của Louis XIV thì Aramis và Porthos chạy về phía Belle-Isle-en-Mer. Họ dừng lại một lúc gần Blois để giã từ Athos và Raoul De Bragelonne.
Raoul lúc này buồn không nguôi vì bị Louis De La Valliére phụ nên quyết định theo Công tước De Beaufort đi đánh dân Ả-rập ở Phi Châu. Raoul làm phụ tá của Công tước, lo việc chuẩn bị ở Toulon cho đoàn quân đổ bộ. Athos đưa con đến tận thành phố này và định chỉ rời con khi đoàn quân thuỷ rời bến.
Chú thích:
(1) Louis XIV tự xưng là Vua Mặt trời.
Chương 37
Cál mâm bạc
Chuyến đi thật êm đềm. Athos và người con di chuyển suốt nước Pháp mỗi ngày khoảng mười lăm dặm, có khi hơn, tuỳ lúc nỗi buồn của Raoul tăng lên.
Mười lăm ngày sau họ đến Toulon và hoàn toàn mất dấu d'Artagnan ở Antibes. Hình như người chưởng quan ngự lâm muốn giữ kín hành tung trong chuyến đi. Vì Athos nhận ra được tin riêng chắc chắn là người ky sĩ từ Avignon đã thay ngựa bằng một chiếc xe bịt bùng.
Raout thất vọng vì không gặp được d'Artagnan; trong trái tim mềm yếu của chàng có nỗi hối tiếc không được giã từ và được trái tim thép kia an ủi vài lời. Athos theo kinh nghiệm biết rằng d'Artagnan trở nên khó tìm, khó hiểu một khi ông ta bận một việc quan trọng, hoặc là cho riêng mình, hoặc là do phục vụ Nhà vua.
Ông cũng sợ làm mất lòng bạn và làm hại bạn nếu cứ dò la bạn kỹ quá. Tuy nhiên, khi Raoul bắt đầu việc sắp xếp đoàn quân và tập hợp sà lan, xuồng đưa đi Toulon thì có một người đánh cá cho chàng biết rằng một chiếc tàu của người ấy đang nằm ụ sửa chữa sau một chuyến đi chở một nhà quý tộc có vẻ vội lắm.
Athos vặn hỏi chi tiết vì nghĩ rằng người ấy nói dối để khỏi bị điều động và sẽ đi đánh cá kiếm được nhiều tiền trong lúc các bạn đồng nghiệp phải theo đoàn quân.
Người đánh cá cho ông biết rằng cách đây mười ngày, một người đến thuê tàu ông ta vào lúc đêm tối để đi đến đảo Saint Honorta. Giá cả định xong, nhưng nhà quý tộc lại muốn đưa cả cái thùng xe lên tàu, thật là khó thực hiện.
Người chủ tàu hầm hè muốn hủy hợp đồng; nhưng lãnh được một số hèo quất thật mạnh và thật lâu. Người đánh cá lầu bầu đi kiện phường hội Antiibes để phân xử. Nhưng nhà quý tộc đã đưa ra một tấm giấy không biết ghi gì mà phường hội cúi chào sát đất và mắng người đánh cá là cứng đầu cứng cổ và bắt phải tuân lệnh. Thế là ông ta phải ra đi chở theo cỗ xe. Athos hỏi:
- Nhưng chuyện như thế thì cũng chưa cho biết làm sao tàu anh bị chìm.
- Thế này. Tôi giương buồm tới St. Honorta như nhà quý tộc bảo, nhưng rồi ông ta lại đổi ý và cho rằng tôi không thể đi qua phía nam tu viện được.
- Tại sao không?
- Thưa ngài tại vì trước mặt ngôi tháp vuông của dòng Bénédictin ở mũi phía nam có dải thầy tu.
- Dải đá ngầm phải không?
- Ở sát dưới mặt nước, là một lối đi nguy hiểm. Nhưng tôi đi qua đấy cả hàng trăm lần rồi. Nhà quý tộc bảo tôi phe cho ông ta ở Sainte Marguerite.
- Rồi sao nữa?
Người đánh cá kêu lên với giọng của người miền Nam:
- Thì sao nữa, thưa ngài. Phải rành rẽ, phải là dân đi biển hay là không thế thôi, làm dân biển thì biết lối đi qua đó chỉ là một lạch nước ngọt thôi. Tôi cứ cho tàu qua. Nhà quý tộc nắm lấy cổ tôi và thản nhiên nói rằng ông ta sẽ bóp tôi đến chết. Tôi và người phụ tá mỗi người chụp lấy vũ khí của mình quyết trừng trị mối nhục hồi đêm. Nhưng nhà quý tộc đã rút gươm ra, vung thật lẹ khiến chúng tôi không thể nào tới gần được. Tôi suýt ném cái búa vào đầu ông ta vì tôi có quyền như thế phải không thưa ngài. Vì một tay đi biển trên tàu là chủ cũng như người trưởng giả trong nhà của ông ta vậy. Tôi suýt cắt đôi người ông ta như thế thực, để tự vệ. Thì thình lình, ngài tin hay không tuỳ ý, chiếc thùng xe chẳng hiểu sao bỗng mở tung và nhảy ra là một thứ ma quỷ đầu mang nón sắt đen, mặt nạ đen, một thứ gì ghê gớm giơ nắm tay lên đe doạ chúng tôi.
Athos nói:
- Ai thế?
- Thưa ngài đó là con quỷ. Và nhà quý tộc thấy nó thì vui vẻ la lên - Cảm ơn Đức ông.
Vị bá tước nhìn Raoul lẩm bẩm: "Lạ thật!"
Raoul hỏi lại người đánh cá:
- Rồi các anh làm sao nữa?
Ngài cũng hiểu, hai thằng chúng tôi đánh với hai nhà quý tộc thì chẳng nghĩa lý gì huống hồ là đánh với con quỷ sứ? Đúng vậy, chẳng cần hỏi ý kiến nhau gì hết, cả hai chúng tôi chỉ có một việc nhảy thật lẹ xuống biển vì chúng tôi chỉ cách bờ có sáu bẩy trăm bộ mà thôi.
- Thế rồi sao nữa?
- Thưa ngài, rồi vì có gió thổi từ hướng tây nam nên chiếc tàu cứ tiếp tục đi và tấp vào bãi cát ở đảo Sainte Marguerite.
- Ô! Còn hai người khách?
- Thôi, ngài đừng có lo! Mà đây cũng chứng tỏ một tên là quỷ đã che chở cho người kia: Khi chúng tôi bơi đến bên tàu, cứ tưởng hai người đó nát như tương vì vụ va chạm thì chẳng thấy ai cả, cả chiếc xe cũng không thấy.
Vị Bá tước lặp đi lặp lại:
- Lạ thật! Rồi sau đó anh làm gì?
Ông toàn quyền Sainte Marguerite nghe tôi kiện thì chỉ mũi tôi nói rằng nếu tôi còn đến lảm nhảm những chuyện như thế thì tôi tha hồ ăn ít cái đạp.
- Ông toàn quyền?
- Thưa ngài, vâng. Vậy mà chiếc tàu của tôi lại vỡ, đúng là vỡ, mũi nó ghếch lên trên mỏm đảo Sainte Marguerite và ông thợ mộc đòi tiền sửa chữa tới một trăm hai mươi louis.
Raoul nói:
- Được rồi. Tàu anh được miễn trưng dụng.
- Anh muốn chúng ta tới Sainte Marguerite không? - Athos hỏi Bragelonne.
- Thưa ngài, vâng, có vài điểm phải làm sáng tỏ ở đó và hình như người đánh cá không nói hết sự thực cho ta biết.
- Cha cũng thấy vậy, Raoul ạ. Chuyện nhà quý tộc mang mặt nạ và chiếc xe biến mất khiến ta nghĩ rằng người đánh cá đã bịa ra để che giấu chuyện hắn ta làm bậy giữa biển, trả thù người khách đã bắt ép hắn chở đi.
- Con cũng nghĩ như vậy và không biết chừng chiếc xe còn chứa thứ gì có giá trị hơn là người nữa đấy.
- Rồi chúng ta sẽ thấy, Raoul ạ.
Nhà quý tộc ấy gần như chắc là d'Artagnan. Ta nhận ra cung cách hành động của ông ấy. Than ôi! Chúng ta không còn là những người trẻ tuổi không thể chiến bại ngày xưa nữa? Biết đâu cái búa hay thanh gỗ của tên lái tàu dọc biển xấu xa đó lại làm được công việc mà những mũi kiếm tinh anh nhất của châu Âu chưa từng làm được trong bốn mươi năm qua!
Ngay ngày hôm đó họ đi Marguerite trên một chiếc tàu gọi từ Toulon tới.
Khi đến đảo, họ thấy nỗi vui sướng kỳ lạ. Đảo đầy hoa trái. Phần đất có trồng trọt làm thành vườn của ông toàn quyền.
Những cây cam, cây lựu trĩu những trái màu vàng hay xanh lơ.
Quanh vườn, nơi phần đất không trồng trọt, những con chim đa đa đỏ chạy từng bầy giữa các lùm gai, bụi cây đỗ tùng. Mỗi bước chân của Raoul và vị Bá tước cất lên thì có những con thỏ sợ hãi chạy từ trong các bụi cây kinh giới, thạch thảo để trở về hang.
Hòn đảo hạnh phúc này không có xóm làng gì hết. Đảo bằng phẳng, chỉ có một lõm để tàu các tay buôn lậu được ông chúa đảo che chở và chia của, đến đây ẩn núp tạm, miễn là không giết thú rừng và phá cây ăn trái thôi. Nhờ sự dàn xếp ấy nên viên toàn quyền chỉ cần tám người để giữ an toàn toà thành của ông đang có mười hai khẩu súng thần công rỉ sét. Viên toàn quyền này trở thành một chủ trại sung sướng, chỉ lo thu hoạch nho, cam, và phơi chanh, bưởi trên các lô cốt chói nắng.
Tòa thành có một đường hào sâu bao quanh là kẻ gác cổng duy nhất, có ba tháp trồi lên như ba cái đầu và nối nhau bằng các sân thượng đầy rong rêu.
Athos và Raoul đi dọc theo hàng rào một hồi lâu mà không thấy ai dẫn vào, liền đi thẳng vào vườn. Lúc này là lúc nóng nhất trong ngày. Bầu trời trải rộng tấm màn lửa ra như muốn bóp nghẹt mọi tiếng động, muốn ôm trùm hết sự sống.
Những con đa đa đứng dưới cây kim tước, ong, ruồi núp dưới lá, tất cả cũng như sóng biển đều ngủ thiêm thiếp dưới bầu trời.
Athos chỉ thấy một người lính đội một cái thúng đi trên sân thượng, giữa tháp thứ hai và tháp thứ ba. Một lúc sau người đó trở lại không có thúng rồi biến mất trong bóng tối của điếm canh. Athos hiểu là anh ta mang bữa ăn cho ai đó rồi sau khi xong việc lại trở về ăn một mình.
Thình lình ông nghe có tiếng gọi nên ngửng đầu lên, thấy nơi những hàng song cửa sổ có vật gì chói sáng như là một vũ khí phản chiếu ánh mặt trời. Và khi ông chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì một làn sáng kèm theo một tiếng huýt sáo trong gió khiến ông lưu ý nhìn từ toà tháp canh xuống đến đất.
Một tiếng động khô khan từ dưới hào khiến Raoul chạy đến nhặt lên một cái mâm bạc vừa lăn ra đến chỗ cát khô. Bàn tay vừa ném cái mâm đó ra dấu chào hai nhà quý tộc rồi biến đi.
Athos và Raoul châu đầu vào nhau, quan sát cái mâm dính đầy bụi đất và thấy ở dưới có hàng chữ gạch bằng dao:
"Tôi là em vua nước Pháp, ngày hôm qua là tù nhân, ngày mai sẽ thành người điên. Hỡi những nhà quý tộc nước Pháp và tín đồ Cơ Đốc hãy cầu nguyện cho linh hồn và lý trí người con của chủ các người!"
Athos buông rời cái mâm trong khi Raoul tìm cách hiểu sâu ý nghĩa của những dòng chữ sâu thảm này. Cùng lúc ấy, một tiếng la từ trên tháp cao đưa xuống. Nhanh như chớp, Raoul cúi đầu xuống và ép cha mình làm theo. Một nòng súng tay vừa lấp loáng trên đầu tường. Một làn khói trắng vụt ra nơi đầu nòng súng và một mũi dao bắn xuống hòn đá cách hai nhà quý tộc sáu bộ. Một khẩu súng tay khác hiện ra nữa và chúc xuống. Athos kêu lên;
- Này! ở đây là chỗ ám sát người phải không. Xuống đây mấy thằng hèn!
- Ê! Xuống đây!- Raoul tức giận đưa nắm tay lên phía lâu đài. Một trong hai người tấn công - người bắn phát súng vừa rồi - thốt lên một tiếng vì ngạc nhiên, rồi khi thấy người bạn tiếp tục cầm khẩu súng đã nạp đạn nhằm xuống, liền hất súng đi, khiến viên đạn bay vèo vào khoảng không. Athos và Raoul thấy họ biến đi, nghĩ rằng họ sắp xuống đến nơi nên bình tĩnh đứng chờ.
Chưa đầy năm phút sau có tiếng trống gọi tám người lính của toán đồn trú tập trung ở bên kia bào thành, súng ống đầy đủ. Đứng đầu toán quân này là một sĩ quan mà Tử tước De Bragelonne nhận ra là người bắn phát súng đầu tiên. Người này ra lệnh cho lính sửa soạn vũ khí. Raoul la lên:
- Chúng ta sắp bị xử bắn rồi. Rút gươm ra nhảy qua hào? Thế nào mỗi một chúng ta cũng giết được một tên vô lại này trước khi chúng bắn hết đạn!
Và khi Raoul cùng Athos sắp phóng mình đi thì một giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng họ:
- Athos! Raoul!
- D'Artagnan! - Hai nhà quý tộc kêu lên.
- Hạ súng xuống! chán quá! - Người chưởng quan gọi đám lính - Ta biết mà!
Đám pháo thủ cất súng đi. Anh hỏi:
- Chuyện gì xảy ra cho chúng tôi thế? Sao? Bắn mà không báo trước à?
D'Artagnan trả lời:
- Chính tôi sắp bắn vào các bạn. Ông toàn quyền bắn hụt chớ tôi thì không đâu! May có điều là tôi quen nhắm rất lâu trước khi bóp cò hơn là bắn hú hoạ nên tôi thấy dáng quen quen của các bạn. Ôi thật may thay!
D'Artagnan giơ tay chùi trán vì ông ta đã chạy thật mau, và xúc động chứng tỏ ông không nói dối. Vị Bá tước nói:
- Sao? Người bắn chúng tôi là viên toàn quyền ở thành này.
- Đích thị.
- Thế tại sao ông ta lại bắn chúng tôi. Chúng tôi làm gì nên tội?
- Phải tội rồi? Các bạn đã nhận vật của người tù ném xuống.
- Đúng đấy!
- Cái mâm đó… Người tù có viết gì trên đó phải không?
- Đúng.
- Tôi đã nghi mà! Ôi!
Rồi d'Artagnan với vẻ lo sợ đến chết, chụp lấy cái mâm đọc hàng chữ trên đó. Khi đọc xong, mặt mày ông tái xanh:
- Ôi, Chúa ơi! Im đi! Ông toàn quyền đến kìa!
- Bây giờ phải làm sao đây? Đâu phải lỗi chúng tôi! - Athos hạ giọng.
- Đúng vậy không? Có đúng vậy không?
- Im đi! Tôi đã bảo im đi mà? Nếu họ tin rằng bạn biết đọc bạn hiểu chuyện này, thì thà tôi chết thế cho các bạn còn hơn… nhưng mà…
- Mà sao? - Athos và Raoul cùng hỏi.
- Nếu tôi cứu các bạn khỏi chết thì cũng không cứu được các bạn ở tù suốt đời đâu. Im đi! Đừng nói gì hết.
Viên toàn quyền bước qua chiếc cầu ván bắc trên hào hỏi d'Artagnan:
- Sao, ông bắt được ai đấy?
D'Artagnan nói nhỏ:
- Các bạn là dân Tây Ban Nha, các bạn không hiểu một tiếng Pháp nào hết.
Rồi ông nói với viên toàn quyền:
- Tôi nói đúng rồi, đây là hai người sĩ quan Tây Ban Nha tôi quen ở Ypre năm ngoái. Họ không biết một tiếng Pháp nào.
- Ồ! - Viên toàn quyền thận trọng nói.
Rồi ông ta đưa tay với cái mâm để đọc mấy hàng chữ.
D'Artagnan gạt tay ông ra và lấy đầu mũi gươm xoá các dòng chữ đi. Viên toàn quyền kêu lên:
- Ông làm gì thế? Tôi không có quyền đọc à?
D'Artagnan trả lời thật rạch ròi:
- Đây là bí mật quốc gia. Ông biết, có lệnh Hoàng thượng xử tử những ai biết bí mật đó, nên nếu ông muốn thì cứ đọc và chịu xử bắn tức khắc ngay sau đó.
Trong khi d'Artagnan nói những lời nửa nghiêm túc, nửa đùa cợt đó thì Athos và Raoul vẫn bình tĩnh đứng yên.
Viên toàn quyền nói:
- Nhưng mà các ông này chắc gì đã không biết một chữ.
- Bỏ qua đi! Dù họ nghe hiểu được một vài tiếng, họ cũng không đọc được những gì người ta viết đâu. Họ cũng không đọc được tiếng Tây Ban Nha nữa mà! Ông nên nhớ rằng một nhà quý tộc Tây Ban Nha không nên biết đọc.
Viên toàn quyền đành phải bằng lòng với lối giải thích này nhưng ông vẫn còn giữ riêng ý mình. Ông nói:
- Xin ông mời các ông này vào thành.
D'Artagnan trả lời:
- Tôi cũng có ý định ấy. Tôi vừa định nói với ông xong.
Thực ra người chưởng quan có ý định khác và cho rằng thà các bạn ông ở cách đây trăm dặm còn hơn. Nhưng ông không thể làm sao được. Ông nói vài câu Tây Ban Nha với hai nhà quý tộc rồi ta thấy họ nhận lời.
Mọi người đi qua cổng chính vào đồn. Chuyện xảy ra xong rồi, tám người lại quay trở về sự rảnh rỗi êm đềm sau một lúc rối rắm bất ngờ.
Nguồn: http://vnthuquan.net/