Người tù và cai ngục
Khi vào đồn xong, trong lúc viên toàn quyền đi sửa soạn việc tiếp khách, thì Athos nói:
- Giải thích giùm một chút trong lúc chúng ta ngồi riêng với nhau đây.
D'Artagnan trả lời:
- Giản dị thế này. Tôi dẫn đến đảo một người tù Hoàng thượng cấm không cho ai nhìn thấy. Thế rồi các bạn đến, người ta ném cho các bạn một vật gì đó qua cửa sổ. Tôi đang dùng bữa với ông toàn quyền, tôi thấy vật ấy ném ra, thấy Raoul nhặt lên. Chẳng cần phải đợi lâu mới hiểu được. Tôi hiểu ngay và cho rằng các bạn thông đồng với người tù của tôi. Thế là.
- Thế là bạn ra lệnh cho người ta xử bắn chúng tôi.
- Tôi xin chịu lỗi. Nhưng nếu tôi là người đầu tiên nhảy đến khẩu súng thì may mắn thay tôi là người cuối cùng hạ các bạn.
- D'Artagnan ạ, nếu bạn giết tôi, thì tôi được may mắn là người chết cho Hoàng gia nước Pháp, tôi được hân hạnh chết dưới tay bạn, người bảo vệ cao quý nhất và trung thành nhất của vua.
D'Artagnan lắp bắp:
- Ô Athos! Bạn nói cái gì là Hoàng gia đấy? Sao! Một người khôn ngoan sáng suốt như bạn mà tin ở mấy lời của tên khùng đó à?
- Tôi tin.
Ông hiệp sĩ thân mến, chúng tôi càng tin là vì ông được lệnh giết bất cứ kẻ nào tin thế, - Raoul nói tiếp.
Người chưởng quan ngự lâm quân trả lời:
- Chỉ vì mọi lời vu khống, dù là vô lý nhất cũng đều gần như có hi vọng được mọi người loan truyền.
Athos nói nhỏ:
- Không, d'Artagnan ạ, chỉ vì Hoàng thượng không muốn chuyện bí mật trong gia đình tiết lộ ra bên ngoài và làm nhục những kẻ hành hạ người con của Louis XIII.
- Ồ, đừng nói chuyện trẻ con như thế, Athos ạ, nếu không thì tôi không nhận anh bạn là người tỉnh táo nữa. Với lại làm sao bạn lại nghĩ Louis XIII lại có một người con ở đảo Sainte Marguerite?
- Một người con mang mặt nạ được bạn đưa đến đây trên một con tàu đánh cá.
D'Artagnan sững người:
- Ồ! Do đâu mà bạn biết về chiếc tàu đánh cá đó?
- Nó mang bạn đến Sainte Marguerite với cỗ xe nhốt người tù mà bạn gọi là Đức ông.
D'Artagnan nắm chặt hàm râu mép nói:
- Cho dù tôi có mang trên tàu một cỗ xe và một người tù mang mặt nạ, thì cũng chẳng có gì chứng tỏ đó là một hoàng tử, một hoàng tử của vương triều nước Pháp.
Athos lạnh lùng trả lời:
- Cái đó thì phải hỏi Aramis.
- Hỏi Aramis, - người lính ngự lâm sững sờ. - Bạn có gặp Aramis?
- Đúng, sau khi anh ta bị lật tẩy ở Vaux. Tôi thấy anh ta chạy trốn, bị đuổi theo, thất vọng, và Aramis nói với tôi những điều đủ cho tôi tin nơi những lời than vãn của con người khốn khổ kia khắc trên cái mâm bạc.
D'Artagnan ôm đầu vật vã:
- Đúng là Chúa đã đùa cợt với những thứ mà con người gọi là sự khôn ngoan? Đẹp làm sao sự bí mật mà bây giờ có đến mười lăm, hai mươi người nắm mỗi người mỗi mảnh. Athos!
Thật khốn khổ làm sao khi sự tình cờ bắt tôi đối đầu với bạn trong vụ này! Bởi vì, bây giờ…
Athos nói với dáng dịu dàng mà nghiêm nghị:
- Sao? Sự bí mật của bạn không còn nữa chỉ vì tôi biết sao?
Không phải là tôi cũng phải mang nó nặng nề suốt cả đời ư?
D'Artagnan buồn bã nói:
- Bạn chưa bao giờ phải mang trong mình một sự việc nguy hiểm như thế đó. Tôi có linh cảm bi đát là tất cả những ai đụng đến điều bí mật này rồi sẽ chết, chết một cách thảm hại.
- Thôi xin cứ để Chúa định đoạt, d'Artagnan, ông toàn quyền đến đây rồi.
D'Artagnan và các bạn trở về với vai trò của mình.
Viên toàn quyền này có tính đa nghi và cứng rắn, nhưng đối với d'Artagnan lễ độ đến gần như khúm núm. Ông ta chịu chiêu đãi và tiếp đón trọng thể các vị khách này. Athos và Raoul nhận thấy ông ta thường bất ngờ gây cho họ bối rối hay là cố bát chộp những lúc họ vô ý. Nhưng cả hai đều không hoảng hốt chút nào. Ông ta không tin d'Artagnan nói là thực, tuy lời có vẻ như gần giống với sự thực.
Ăn xong mọi người đi nghỉ. Athos nói tiếng Tây Ban Nha với d'Artagnan:
- Ông này tên là gì? Mặt ông ta khó thương quá.
- Saint Mars. - Người chưởng quan trả lời.
- Đây là cai ngục của ông hoàng phải không?
- Ồ! Làm sao tôi biết được? Không biết, chúng tôi phải ở đây mãn đời thôi.
- Sao, bạn à?
- Ồng bạn ạ, tôi như người tìm được kho vàng trong sa mạc. Muốn lấy đi, không đủ sức; muốn để lại, không dám. Hoàng thượng không muốn cho tôi trở về vì sợ kẻ khác không giữ được bằng tôi. Ngài tiếc là không còn có tôi bên mình nữa vì chẳng ai phục vụ ngài bằng tôi. Thôi tới đâu thì tới.
Saint Mars ngắt lời:
- Xin hỏi các ông này xem họ đến Sainte Marguerite làm gì?
- Họ nghe nói có một tu viện ở St. Horora nên mới đến xem và nghe nói thú rừng ở Sainte Marguerite rất nhiều.
St. Mars trả lời:
- Xin sẵn sàng. Cứ coi như ở nhà họ.
D'Artagnan cám ơn. Viên toàn quyền lại nói:
- Chừng nào họ đi!
- Ngày mai.
Ông De Saint Mars sắp đi tuần nên để d'Artagnan lại một mình với các ông Tây Ban Nha giả. Người lính ngự lâm kêu lên:
- Ôi đây là một lối sống, một xứ sở thích hợp với tôi quá. Tôi điều khiển con người này còn hắn thì làm tôi khó chịu, chán quá Này, các bạn muốn chúng ta thử súng với bọn thỏ không? Đi bộ chơi, thú lắm, không mệt đâu. Hòn đảo chỉ dài có một dặm rưỡi và bề ngang chỉ có nửa dặm. Đúng là một lâm viên. Chúng ta vui đùa chút đi.
- Đi đâu cũng được, d'Artagnan ạ, không phải để giải trí mà là để nói chuyện được tự do hơn.
D'Artagnan ra dấu cho một người lính, người này hiểu ý mang súng săn đến cho các nhà quý tộc rồi trở về đồn.
D'Artagnan nói:
- Bây giờ các bạn chịu khó trả lời một chút về câu hỏi của anh chàng De St. Mars các bạn đến đảo làm gì?
- Đến giã từ bạn.
- Giã từ tôi à? Sao vậy? Raoul đi chăng?
- Đi với ông De Beaufort.
Trong khi hai người bạn nói chuyện với nhau, thì Raoul đầu óc nặng nề, trái tim chùng xuống, leo lên ngồi trên một tảng đá đầy rong rêu, buông cây súng tựa vào đầu gối, mắt nhìn biển nhìn trời, lắng nghe tiếng lòng, để mặc những người kia đi càng lúc càng xa. D'Artagnan nhận ra sự vắng mặt của Raoul, ông hỏi Athos:
- Hắn vẫn bị đòn tình à?
- Bị đến chết?
- Ồ, bạn nói quá đấy, Raoul được tôi luyện kỹ lắm. Bên ngoài các trái tim cao cả như thế thường có một lớp thứ hai như là giáp sắt; khi thứ nhất chảy máu, lớp thứ hai cản lại đòn.
Athos trả lời:
- Không, Raoul sẽ chết vì lẽ đó thôi.
- Chán quá, - D'Artagnan ủ rũ.
Rồi một lúc sau, ông tiếp tục hỏi:
- Sao bạn lại để cho hắn đi!
- Vì nó muốn.
- Và vì sao bạn không đi với nó.
- Tại vì tôi không muốn thấy nó chết.
D'Artagnan nhìn thẳng vào mặt bạn. Vị Bá tước tiếp tục trong lúc dựa vào tay người chưởng quan:
- Bạn từng biết một điều, bạn biết là trong đời tôi ít sợ cái gì hết. Vậy mà tôi luôn luôn có nỗi lo sợ gặm nhấm tim tôi, không cưỡng lại được, đó là sợ một ngày kia sẽ phải ôm trong tay cái xác của đứa bé đó.
- Ôi!
- Tôi biết, nó sẽ chết. Đúng như vậy. Tôi không muốn trông thấy nó chết chút nào.
- Sao, bạn Athos, bạn vừa nói với một người mà bạn cho là can đảm nhất trên đời, d'Artagnan của bạn đó, con người không ai sáng bằng - như bạn nói ngày xưa thế mà bạn lại vừa bó tay nói với hắn là bạn sợ nhìn thấy con bạn chết đi. Bạn, con người đã từng thấy mọi thứ ở trên đời này, sao thế? Athos, sao bạn lại sợ điều đó? Trên thế gian này, con người lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi, sẵn sàng đương đầu với tất cả mà?
- Bạn nghe đây này. Sau khi tôi sống mòn mỏi trên cuộc đời này rồi, tôi chỉ còn giữ lại có hai tôn giáo: tôn giáo của đời sống về tình bạn hữu, về bổn phận làm cha, và tôn giáo vĩnh cửu về tình yêu và lòng kính Chúa. Hiện nay tôi đang cảm thấy rằng nếu Chúa cho tôi thấy bạn tôi hay con tôi thở hơi cuối cùng thì… Ồ! Không! Tôi cũng không muốn nói điều đó với bạn, d'Artagnan ạ?
- Cứ nói! Cứ nói đi!
- Tôi đủ sức đương đầu với tất cả, trừ việc đương đầu với cái chết của những người tôi yêu thương. Chỉ duy có việc đó là không thuốc nào chữa nổi. Ai chết thì khỏe, nhưng người sống mất mát biết bao! Không! Biết rằng chẳng bao giờ gặp lại được trên cõi đời này con người mình vui sướng khi trông thấy họ, biết rằng chẳng tìm đâu thấy được d'Artagnan, chẳng tìm đâu thấy Raoul ôi, bạn thấy không, tôi đã già rồi, tôi không còn can đảm nữa. Cầu xin Chúa chớ trách tôi yếu đuối. Nhưng nếu Chúa đập vào mặt tôi bằng cách đó thì tôi sẽ nguyền rủa Chúa đấy. Một người quý tộc Cơ Đốc không nên nguyền rủa Chúa của mình. D'Artagnan ạ. Nguyền rủa vua của mình cũng đã là điều không phải rồi.
- Hừ… d'Artagnan choáng người trước cơn bão lòng đó.
Athos chỉ về phía người con, tiếp tục nói:
- D'Artagnan, bạn đã yêu thương Raoul, hãy nhìn kia, nhìn nét buồn bã mãi mãi không bao giờ rời khỏi nó. Bạn biết có gì khủng khiếp hơn là chứng kiến từng phút, từng phút cảnh hấp hối không ngừng của trái tim đau khổ đó?
- Athos, để tôi nói chuyện với cháu nó. Biết đâu…
- Bạn cứ thử đi. Nhưng tôi tin rằng bạn không thành công đâu!
Khi họ trở về, nước thuỷ triều dâng lên và với từng đợt, từng đợt ào ạt làm Địa Trung Hải xao động. Trên bờ biển một vật gì chưa rõ hình thù đang hiện ra chao đảo trước mắt hai người. Athos hỏi:
- Cái gì thế? Một chiếc tàu bị vỡ chăng?
D'Artagnan nói:
- Không phải tàu.
Raoul vừa đến, lên tiếng:
- Xin lỗi, đấy là một chiếc tàu đang đi nhanh vào bến.
- Đúng là có một chiếc tàu đi vào vịnh biển, tìm chỗ nấp, nhưng vật mà Athos chỉ thì bị đắm.
- Đúng, đúng, tôi thấy rồi.
- Đó là chiếc xe tôi mang người tù bị vứt ra đấy.
Athos nói:
- Thế này, d'Artagnan ạ, nếu bạn tin tôi thì hãy đốt cái xe ấy đi để không còn dấu tích gì hết. Nếu không thì những người đánh cá ở Antibes vốn tin ở chuyện ma quỷ, sẽ tìm ra rằng người tù của bạn là một người thường.
- Ý kiến của bạn hay lắm. Đêm nay tôi sẽ sai làm việc đó hay chính tôi sẽ ra tay. Bây giờ chúng ta về đi vì mưa sắp tới rồi, sấm chớp nhiều ghê quá.
Khi họ bước qua bức luỹ, dọc theo hành lang mà d'Artagnan có chìa khoá riêng, họ thấy ông St. Mars đang đi về phía căn phòng của người tù. D'Artagnan ra dấu cho mọi người lánh nấp vào một góc. Athos hỏi:
- Chuyện gì thế?
- Bạn trông kìa. Người tù đi cầu nguyện trở về.
Rồi dưới làn chớp, giữa màn sương mù màu tím do gió đẩy làm mờ bầu trời, người ta trông thấy khoảng sáu bước sau lưng viên toàn quyền, một người bước đi thật sang trọng: một người mặc toàn đồ đen, mặt che mạng nâu dính cứng vai, một cái mũ sắt trùm khắp đầu. Sấm chớp của đất trời ném những lằn sáng man rợ về phía cả thân hình bóng loáng đó và phản chiếu vung ra như là những tia nhìn cuồng nộ thay lời nguyền rủa của con người khốn khổ kia.
Đến giữa lối cầu hành lang, người tù dừng lại một lúc để ngắm đường chân trời xa tít, để hít thở mùi hương cay nồng của bão tố, để thèm thuồng hứng uống những giọt mưa ấm áp rồi thốt ra một tiếng thở đài như tiếng gầm vang động.
"Mời ông đến đây", St. Mars vụt nói với người tù, vì lo ngại thấy người ấy nhìn bên kia bờ tường lũy lâu quá. "Thưa ông, đến đây ngay?".
- Gọi là Đức ông? - Athos la lên với một giọng nghiêm trang đến đáng sợ.
Người tù quay lại. St. Mars hỏi:
- Ai nói đó?
- Tôi, - D'Artagnan bước ra trả lời. - Đó là lệnh, ông biết rồi.
- Đừng gọi tôi là ông hay Đức ông gì hết, - Người kia nói với một giọng khiến Raoul thấy rợn người. - Hãy gọi tôi là Đồ trời đày.
Rồi người ấy bước đi.
Cánh cửa sắt khép lại sau lưng ông ta.
D'Artagnan chỉ về phía gian phòng của ông hoàng và khàn khàn nói với Raoul:
- Đó là một con người vô phúc.
Chương 39
Những lời hứa hẹn
D'Artagnan vừa cùng các bạn về phòng thì một người lính đến báo viên toàn quyền cho mời.
Chiếc tàu Raoul trông thấy ngoài biển và có vẻ gấp gáp muốn vào bến là chiếc đến Sainte Marguerite với một công văn quan trọng gửi cho người chưởng quan ngự lâm quân của Louis XIV:
"Ta nghĩ là ông đã thi hành lệnh của ta xong rồi, ông d'Artagnan ạ. Vậy thì hãy trở về Paris gấp, đến triều kiến ta ở điện Louvre".
Người ngự lâm quân kêu lên:
- Hết lưu đày rồi! Cám ơn Chúa, tôi hết làm cai tù rồi.
Rồi ông đưa thư cho Athos đọc. Ông này buồn rầu nói:
- Thế là bạn giã từ chúng ta!
Rồi sẽ gặp lại, bạn thân mến ạ. Vì Raoul đã trưởng thành, đi được một mình với ông De Beaufort, để ông già ở lại đi theo d'Artagnan còn hơn là bắt ông đi một mình hai trăm dặm về La Fère phải không, Raoul?
- Đúng thế - Raoul lắp bắp nói vẻ nuối tiếc.
Athos ngắt lời:
- Không bạn ạ, tôi chỉ rời Raoul vào ngày mà cháu nó mất hút ở chân trời thôi. Chừng nào cháu còn ở nước Pháp nó vẫn không rời tôi.
- Tuỳ ý bạn. Nhưng ít ra là chúng ta cũng được cùng rời Sainte Marguerite. Nên lợi dụng chiếc tàu chở tôi về Antibes để cùng đi.
- Rất vui lòng. Cũng nên rời càng sớm càng tốt cái đồn luỹ này và cái quang cảnh não lòng chúng ta vừa chứng kiến kia.
Ba người bạn giã từ hòn đảo sau khi chào viên toàn quyền.
Trong những vạch sáng cuối cùng của cơn bão đang tan đi, họ nhìn thấy lần cuối cùng màu trắng của các bức tường thành trên đảo Ngay đêm đó, d'Artagnan giã từ các bạn sau khi nhìn thấy trên bờ biển ngọn lửa chiếc xe bị đốt cháy theo lệnh của ông St. Mars nghe lời dặn của người chưởng quan. D'Artagnan ôm lấy Athos, bước lên ngựa rồi nói:
- Này, các bạn quá giống hai người lính đào ngũ. Tôi có tiên cảm là Raoul phải được bạn nâng lên như bạn. Bạn có muốn tôi xin mang một trăm tay súng sang Phi Châu không? Hoàng thượng không từ chối đâu và tôi sẽ mang bạn theo.
Raoul siết tay d'Artagnan thật nồng nàn:
- Thưa ông d'Artagnan, xin cảm ơn về lời đề nghị đó. Ngài Bá tước và tôi không muốn được quá như vậy. Tôi còn trai trẻ phải cần hoạt động cho trí óc và chân tay mệt một chút. Ngài Bá tước cần phải nghỉ ngơi nhiều. Ông là bạn thân của ông ấy, tôi xin gửi gắm ông ấy cho ông. Săn sóc cho ông ấy là ông đã nắm được hai linh hồn chúng tôi trong tay ông rồi.
- Phải đi thôi, con ngựa của tôi nó nôn nóng đây - D'Artagnan nói như thế chứng tỏ ông đang kích động nên cắt đứt câu chuyện nửa chừng, - Này ngài Bá tước, Raoul còn ở đây bao nhiêu ngày nữa?
- Ba ngày là nhiều.
- Và bạn tính về nhà trong mấy ngày?
- Ồ! Lâu lắm. - Athos trả lời.
- Sao thế, ông bạn. Đi chậm thì càng buồn thêm, còn cuộc sống nơi quán trọ lại không thích hợp với một người như bạn.
- Bạn ạ, tôi đến bằng ngựa trạm, nhưng bây giờ tôi lại muốn mua hai con ngựa tốt. Mà bạn biết, muốn để chúng về tới nơi khỏe mạnh thì mỗi ngày chỉ nên cho đi bảy tám dặm là nhiều.
- Grimaud đâu?
- Ông ấy đi theo toán người của Raoul đến sáng hôm qua. Cho nên tôi muốn để ông ấy nghỉ ngơi.
- Thôi chào Athos, và nếu bạn đi xe thì chúng ta còn gặp nhau sớm hơn.
Nói xong ông bước lên bàn đạp có Raoul giữ ngựa.
- Xin chào? - Chàng thanh niên ôm ông, nói.
- Chào! - D'Artagnan nói khi bước lên yên.
Cảnh tiễn biệt này xảy ra trước mái nhà Athos chọn ở trong cảng Antibes, và sau bữa ăn nhẹ d'Artagnan đã cho gọi ngựa đến. Con đường trải dài trắng xoá và uốn lượn trong sương mờ ban đêm. Con ngựa thở phì phì vì mùi nước mặn bốc lên từ các đầm lầy.
D'Artagnan ra roi phóng ngựa còn Athos quay trở về với Raoul.
Thình lình họ nghe tiếng chân ngựa liến lại gần và ban đầu họ tưởng đó là những tiếng dội lại mà thôi. Nhưng đúng là một người kỵ sĩ đã quay trở lại. Cả hai người thốt lên một tiếng kêu vui vẻ ngạc nhiên và d'Artagnan, như một chàng trai, nhảy xuống ngựa ôm choàng lấy hai người bạn thân. Ông ôm họ rất lâu không nói một lời, không thốt lên một tiếng thở dài nào. Rồi nhanh như khi trở lại, ông lại thúc mạnh hai gót chân vào hông ngựa, chạy đi. Vị Bá tước thì thầm:
- Than ôi!
- Điềm xấu! - D'Artagnan nói trong khi vội vã lấy lại thời gian đã mất. - Ta không kịp mỉm cười với họ điềm xấu rồi.
Hôm sau, Grimaud đã khỏe lại. Công việc ông De Beaufort giao được tiến hành hoàn hảo. Đoàn tàu chiến do Raoul dẫn về Toulon đã ra đi, kéo theo sau nó những chiếc thuyền bé tí xíu chở những vợ con, bạn bè các người đánh cá và các tay buôn lậu, được trưng dụng phục vụ cho đoàn tàu.
Athos và Raoul lại trở về Toulon lúc này đang đầy tiếng xe cộ tiếng áo giáp, tiếng ngựa hí, kèn thổi điệu quân hành, trống đánh hồi thúc trận. Đường phố ngợp đầy người, lính tráng, quân hầu, dân buôn.
Hầu tước De Beaufort có mặt khắp nơi để đôn đốc việc xuống tàu với lòng tận tâm và sự vui thú của một người chỉ huy. Ông động viên thuộc hạ, đến tận kẻ thấp kém nhất, ông rày la phụ tá đến cả người đáng nể nhất. Ông muốn tự mình trông coi tất cả; pháo binh, quân nhu, hàng hoá. Ông xem xét trang bị của từng người lính, chú ý xem từng con ngựa có được khỏe mạnh không. Nhà quý tộc này ở nơi khách sạn riêng thì nhẹ dạ, huênh hoang, ích kỷ, trong việc quân lại trở thành một người chỉ huy cao cấp, xứng đáng với trách nhiệm được giao.
Tuy nhiên phải nói rõ là, dù việc khởi hành có được trông coi chu đáo cách mấy đi nữa, thì người lính Pháp nào cũng có tính hấp tấp ơ hờ khiến cho họ trở thành là người lính giỏi nhất trên thế giới vì đó là những người bị bỏ mặc cho thân xác và tinh thần đối phó với chiến trận.
Mọi sự đều làm Đô đốc thoả mãn, - hay có dáng vẻ như thế, nên ông tỏ lời khen Raoul và ra lệnh cuối cùng cho chuyến đi được định là hừng sáng ngày mai.
Ồng mời Bá tước vào và người con ăn tối với ông. Họ lấy cớ bận việc để khỏi tham dự. Ông trở về quán trọ dưới tàn cây nơi quảng trường vội vã ăn tối rồi Athos dẫn Raoul lên các tảng đá nhìn xuống thành phố từ nơi đó trông xa ngoài biển, chân trời hình như cùng một mực ngang với các vùng núi đồi sắc xám này.
Đêm vào mùa này lúc nào cũng đẹp. Trăng lên sau các tảng đá, toả một vừng sáng bạc xuống tấm thảm xanh của mặt biển. Trong bến đậu, những chiếc tàu di chuyển lặng lẽ đến vị trí của mình để dễ việc sắp xếp lên tàu.
Biển đầy chớp lân tinh mở ra dưới lườn các thuyền chuyển vận hàng hoá và đạn dược; mỗi lần giật mạnh, mũi tàu lại chúi vào trong vùng sáng trắng thâm u đó; mỗi mái chèo vung lên lại làm bắn những giọt kim cương nước.
Người ta nghe tiếng các thuỷ thủ dựa vào sự rộng lượng của Đô đốc, hát rì rầm các bài ca chậm nhịp và đơn sơ. Có lúc những tiếng xích sắt nghiến xen lẫn với tiếng trái đạn âm thầm rơi vào hầm. Cảnh trí này, âm điệu này khép lại làm se lòng người như nỗi sợ hãi, rồi dãn ra như niềm hy vọng. Cả cảnh sống này như có mang hơi hám của tử thần.
Athos ngồi với con trên mỏm đá rêu phủ. Chung quanh trên đầu họ, những con rơi to lớn bay vụt qua lại, đầy nhiệt tình trong cuộc săn chộp quay cuồng kinh khiếp. Đôi chân của Raoul thòng ra ngoài cạnh đá, tắm trong khoảng không choáng ngộp, vô cùng.
Khi trăng vươn lên, toả làn ánh sáng vuốt ve các đỉnh gộp đá chung quanh, khi tấm gương nước lấp loáng tràn trề và khi những điểm lửa đỏ thắp lên, soi xuyên qua giữa khối đen ngòm của những chiếc tàu, Athos cố thâu tóm hết ý nghĩ, lấy hết can đảm để nói với con:
- Chúa đã tạo nên những gì chúng ta thấy kia, Raoul ạ. Ngài cũng tạo nên chúng ta là những phần tử tội nghiệp chen vào cả vũ trụ bao la này. Chúng ta sáng lên như những ngọn đèn, những ngôi sao kia, chúng ta than thở như những ngọn sóng kia, chúng ta đau khổ như những chiếc tàu kia mòn mỏi xuyên qua sóng biển theo luồng gió thổi đến một mục đích, như Chúa đã đẩy ta vào một bến bờ, Raoul ạ, tất cả đều đầy tình yêu cuộc sống, mọi thứ gì sống đều đẹp cả.
Người thanh niên trả lời:
- Thưa ngài, đúng là chúng ta đang đứng trước một cảnh đẹp!
Athos bỗng ngắt lời:
- D'Artagnan thật là người tốt. Thật hiếm có khi ta dược nương tựa suốt đời vào con người như thế. Anh đã nhớ người ấy, còn ta thì không phải bạn của anh, Raoul ạ.
- Sao thế, thưa ngài?
- Tại vì ta chỉ cho anh thấy cuộc đời có một mặt, bởi vì bản chất ta là buồn rầu và nghiêm khắc, than ôi, ta đã chặt khỏi anh mà không tự biết, lạy Chúa, ta đã chặt những mầm sống vui tươi nảy ra không ngừng từ cây đời thanh xuân. Nói tóm lại, tại vì trong lúc này đây ta ân hận là đã không đào tạo anh thành một người sống thật phóng khoáng, thật buông thả, thật ồn ào.
- Ồ, trong quá khứ ngài là hạnh phúc của tôi, trong tương lai ngài là hi vọng của tôi. Không, không bao giờ tôi trách móc ngài đã tạo cho tôì sống như thế nào đó. Tôi cảm tạ và yêu ngài vô cùng.
- Raoul thân mến, những lời của anh làm ta thật vui. Nó chứng tỏ trong những ngày sắp tới anh có sống cũng là vì ta một ít. Từ nay ta sẽ làm cho anh những gì ngày xưa ta chưa từng làm. Ta sẽ là bạn của anh, không phải là cha anh nữa. Khi anh trở về, chúng ta sẽ sống với nhau một cách phóng khoáng thay vì bó buộc lẫn nhau. Chắc cũng không lâu đâu, phải không?
- Thưa ngài, vâng. Một chuyến viễn chinh như thế này không thể nào lâu được.
- Raoul ạ, chẳng bao lâu nữa ta sẽ cho anh cả gia tài điền sản của ta để anh khỏi phải sống tằn tiện nữa. Anh sẽ có đủ phương tiện để lăn vào đời cho đến khi ta chết đi và hi vọng rằng trong khoảng thời gian đó, anh sẽ cho ta niềm vui sướng thấy được ta có người nối dõi.
Raoul xúc động trả lời:
- Tôi sẽ làm theo tất cả mọi điều ngài căn dặn.
- Raoul ạ, trong nhiệm vụ làm phụ tá của anh, anh chớ nên liều lĩnh dấn thân thái quá. Anh đã được thử thách, mọi người đều biết anh không sợ lửa đạn. Nhưng anh nên nhớ rằng cuộc chiến chống người A Rập là một cuộc chiến rình mò, lừa lọc để đâm chém nhau.
- Vâng, thưa ngài, tôi nghe người ta nói rồi.
- Bị sa vào ổ phục kích thì không vinh dự gì đâu. Chết như thế làm sao cũng bị chê là vì liều lĩnh, vì không biết tính toán một cách sáng suốt. Thường thì người ta không buồn tiếc thương cho kẻ xa bẫy nữa. Raoul ạ, không được tiếc thương thì đúng là chết vô ích. Hơn nữa, kẻ thắng trận sẽ cười nhạo, còn phần chúng ta thì chúng ta không cho phép để cho những tên rồ dại đó thắng thế vì sự ngu ngốc của chúng ta. Anh hiểu lời tôi nói chứ, Raoul? Xin Chúa chớ phiền trách tôi khuyên anh trách xa các cuộc đụng độ!
Raoul mỉm một nụ cười khiến Athos thấy lạnh mình:
- Thưa ngài, tôi vẫn thận trọng như thường và đã gặp thật nhiều may mắn, - rồi chàng thanh niên vội vàng nói tiếp, - vì trong hai mươi trận tôi tham dự rốt lại chỉ bị có một lần trầy da thôi?
Athos nói:
- Anh nên lưu ý đến khí hậu nữa. Bị chết vì sốt rét thì không hay cho lắm. Nhà vua Louis đã từng cầu nguyện cho mình được lãnh một mũi tên hay một trận dịch hạch trước khi bị sốt rét đấy.
- Ôi! Thưa ngài, cứ sống có điều độ, chịu hoạt động thân thể một chút thì…
Athos ngắt lời:
- Ta đã được ông Beaufort cho biết cứ nửa tháng ông gửi văn thư về Pháp một lần. Anh là phụ tá ông ấy chắc sẽ được giao nhiệm vụ chuyển các thư đó. Anh chắc sẽ nhớ đến thăm ta chứ gì?
- Vâng, đúng thế, thưa ngài, - Raoul nghẹn ngào nói.
- Sau hết, Raoul ạ, anh là một tín đồ ngoan đạo, ta cũng vậy, nên chúng ta phải tin vào sự che chở của Chúa hay của các vị thần hộ mệnh ta. Anh hứa với ta rằng nếu anh có gặp phải nguy khốn thì hãy nghĩ ngay đến ta nhé.
- Vâng, trước tiên.
- Và phải gọi ta.
- Có, gọi ngay tức khắc!
- Chúng ta yêu thương nhau quá . - Bá tước nói, - nên từ lúc chúng ta xa nhau đây, mỗi một người sẽ mang một phần linh hồn của người kia trên bước đường đời của mình.
Raoul ạ, khi anh buồn, ta cảm thấy tim ta cũng ngập chìm trong buồn khổ và khi anh mỉm cười nghĩ đến ta thì hãy nghĩ rằng ở nơi chân trời đó, anh đã gửi cho ta một tia nắng ấm áp vui tươi của anh.
Người thanh niên trả lời:
- Tôi không hứa được là sẽ sống vui nhưng xin ngài hãy tin chắc rằng chẳng có giây phút nào tôi quên được ngài, không giây phút nào hết, tôi xin thề như thế - trừ khi tôi phải chết đi.
Athos không thể nào cầm lòng được nữa, ông ôm quàng lấy cổ con trai, siết chặt rất lâu.
Trăng đã lên cao, một vừng sáng vàng hiện lên ở chân trời báo hiệu một ngày sắp đến. Athos khoác áo mình lên vai Raoul và dắt tay người con đi về phía thành phố đang nhộn nhịp với hàng hoá và người khuân vác, nhung nhúc như bầy kiến.
Cả hai người sắp rời khỏi phần đất cao thì thấy một bóng người ngập ngừng tiến lại có vẻ ngại ngùng. Raoul kêu lên:
- Ô! Grimaud, chú làm gì thế? Chú lại báo cho tôi biết giờ khởi hành đã đến rồi phải không?
- Đi một mình à? - Grimaud có vẻ trách móc vừa nói vừa chỉ Raoul cho Athos.
Bá tước kêu lên:
- Ô! Grimaud có lý đấy. Raoul không đi một mình đâu.
- Không, chẳng thể nào nó ở lại trên đất lạ xứ người mà không có người bạn thân để an ủi và để nhắc nhở mọi thứ nó yêu mến.
Grimaud nói:
- Có tôi!
- Chú đi theo tôi? Phải! Phải rồi! - Raoul kêu lên mà xúc động hết mực.
Athos nói:
- Than ôi! Bạn tốt Grimaud ơi, anh già quá rồi!
- Càng hay! – Grimaud trả lời bằng cả tâm tình trầm lắng và sự thản nhiên không chút dao động.
Raoul nói:
- Nhưng tàu đã sẵn sàng mà chú thì chưa chuẩn bị gì hết.
- Đâu có, đủ hết rồi, - Grimaud vừa nói vừa đưa ra chùm chìa khoá hòm rương của Raoul có lẫn chìa khoá của ông.
Raoul vẫn phản đối:
- Nhưng chú không thể bỏ ngài Bá tước một mình ở lại được. Chú chưa từng rời ngài bao giờ cả.
Grimaud liếc đôi mắt mờ về phía Athos. Bá tước không nói gì hết. Grimaud lên tiếng:
- Nhưng ngài Bá tước thích thế hơn.
Athos gật đầu:
- Đúng thế!
Vào lúc ấy tiếng trống đồng loạt vang lên và tiếng kèn cũng trỗi vang rộn rã. Từ trong thành phố tiến ra những binh đoàn tham dự cuộc viễn chinh. Họ tiến bước từng năm binh đoàn một, mỗi đoàn có bốn chục đại đội. Hàng vệ binh đầu mặc đồng phục trắng viền xanh, lá cờ hình chữ nhật màu tím và màu lá úa có thêu bó hoa huệ vàng; vươn lên cao là lá cờ chỉ huy màu trắng với chữ thập hình hoa huệ.
Toán pháo thủ đi hai bên, tay cầm gậy có móc, vai mang súng, thêm ngọn giáo dài mười lăm bộ, tất cả hướng về những thuyền vận chuyển sẽ đưa họ lên tàu với đủ trang bị. Các binh đoàn Picardie, Navarre, Normandie và Long thuyền tiếp bước theo sau.
Ông De Beauford thật khéo chọn lựa. Ông đi sau rốt đoàn quân với bộ tham mưu. Phải mất một tiếng đồng hồ ông mới đến được bờ biển.
Raoul từ từ cùng với Athos tiến về phía bờ để đến đúng chỗ đứng đón ông hoàng đi qua. Grimaud trông coi việc chuyển hành lý của Raoul đến chiếc tàu của Đô đốc, với vẻ sôi sục như một người còn trẻ Athos khoác tay người con trai sắp phải xa rời mà tâm trí miên man buồn khổ, đầu óc quay cuồng trong tiếng ồn, nhịp bước quân hành bên ngoài.
Một sĩ quan bỗng đến báo rằng Hầu tước muốn Raoul ở cạnh ngài. Người thanh niên kêu lên:
- Xin ông hãy nói với Hoàng thân là tôi xin được chút thì giờ còn lại này để cùng vui với ngài Bá tước.
Athos ngắt lời:
- Không, không, một người phụ tá không thể rời viên tư lệnh của mình được. Thưa ông, xin ông thưa lại với Hoàng thân là Tử tước sẽ đến cạnh ngài ngay.
Viên sĩ quan ra roi phóng vụt đi.
Athos phủi bụi kỹ trên áo quần của người con rồi bước đi, tay luồn dưới tóc con. Ông nói:
- Này Raoul. Anh cần tiền lắm đấy. Ông De Beauford sống rất huy hoàng, và ta chắc rằng ở nơi kia, anh sẽ thích mua ngựa, mua vũ khí là những thứ quý nơi đó. Thế mà anh lại không ăn lương của Hoàng thượng, hay của ông De Beauford, không được ban thưởng gì, chỉ tiêu tiền thôi. Ta thì lại không muốn anh ở Djidgelli phải thiếu thốn gì hết. Đây, hai trăm pitsole này, anh hãy tiêu đi cho ta vui lòng.
Raoul siết chặt tay cha và cả hai đến một khúc quanh, thấy ông De Beauford cỡi con ngựa trắng oai vệ đang duyên dáng nghiêng mình chào các bà trong thành phố hân hoan chào đón. Ông Hầu tước gọi Raoul đến và bắt tay Bá tước rất lâu, giọng ngọt ngào, khiến cho tâm tình người cha đau khổ vơi bớt được một phần.
Thế nhưng, dù với cả hai cha con, hình như họ đang bước tới nơi hành hình. Có một giờ phút kinh sợ, đó là lúc những người lính và thuỷ thủ rời bãi cát, hôn từ giã gia đình, bạn bè lần cuối.
Giờ phút cùng cực thiêng liêng, vì mặc dù trời trong sáng, nắng chan hoà ấm áp, không khí nồng hương thơm và nhựa sống căng đầy tim mạch, tất cả đều như tối đen, tất cả đều như đầy cay đắng.
Theo lệ thường, Đô đốc lên tàu sau hết với toán hầu cận.
Khẩu đại bác chờ vang lên tiếng gầm khủng khiếp khi người chỉ huy đặt một chân lên tấm ván tàu.
Athos quên cả Đô đốc, quên cả đoàn tàu, cả niềm hãnh diện là con người hùng, ông vươn tay ôm trầm lấy con trai, siết chặt vào người mình, Hầu tước cảm động nói:
- Xin lên tàu với tôi, ngài sẽ có được nửa giờ nữa.
Athos từ chối:
- Không, tôi đã nói từ giã rồi, tôi không lặp lại lần thứ hai nữa.
- Thế thì, Tử tước hãy lên tàu đi, ngay đi! - ông hoàng tiếp lời giục giã để tránh bớt những giọt lệ rơi của hai con người sầu khổ.
Thế rồi ông ôm lấy Raoul một cách hiền từ âu yếm như người cha, nhấc bổng chàng lên với sức mạnh của Athos ngày xưa, đặt chàng xuống chiếc xuồng đang chờ một hiệu lệnh là khua mái chèo. Ông cũng quên cả nghi thức, nhẩy ngay xuống sàn, vung chân đẩy mạnh xuồng rời bãi. Raoul kêu lên:
- Xin từ giã!
Athos chỉ ra dấu đáp lại, nhưng ông thấy tay ông nhận được thứ gì nóng bỏng. Đó là cái hôn kính cẩn của Grimaud, người tớ già trung thành. Hôn xong, Grimaud nhảy từ ụ neo xuống đầu chiếc xuồng đang móc vào chiếc sà lan có mười tay chèo. Athos ngồi lại trên ụ, ngẩn ngơ, câm điếc, rã rời.
Biển cả từ từ mang đi dần dần chiếc xuồng và những bóng hình cho đến khi dáng người chỉ còn là những chấm nhỏ, tình yêu thương chỉ còn là kỷ niệm.
Athos thấy con trai mình leo lên thang tàu Đô đốc, đứng chống khuỷu tay vào bao lơn tàu, cố tình để cho người cha dễ dàng trông thấy, ông thấy Raoul đến lúc chót, đến lúc cái chấm mong manh đó chuyển từ màu đen sang màu nhạt, từ nhạt sang trắng, từ trắng sang không còn gì hết và mất hút - đối với Athos chỉ mất hút thật lâu sau khi mọi người ở đấy thấy mất hút các tàu chiến hùng mạnh, buồm căng gió lộng.
Vào lúc trưa, khi mặt trời thiêu đốt không gian, khi các chỏm cột buồm còn một chút vết trên đường biển chói chang.
Athos thấy một bóng đen hiện lên rồi tan ngay. Đó là đám khói của tiếng súng đại bác mà ông De Beauford vừa cho bắn lên để chào giã từ nước Pháp lần cuối cùng.
Louis XIV, thay vì còn giữ được lòng biết ơn đối với Fouquet lúc này đã sa sút, lại nghe theo lời Colbert chỉ tìm cách ruồng rẫy ông. Các đẳng cấp hội lại ở Nantes, Nhà vua đến dự với trều đình, ra lệnh bắt ông tổng giám. D'Artagnan tìm cách để Fouquet đào thoát mà không được; ông này bị canh giữ gắt gao và dẫn đến lâu đài Angers trong một chiếc xe có chấn song sắt.
Chương 40
Sơn cùng thủy tận
Lúc ấy vào khoảng hai giờ chiều. Nhà vua lòng đầy lo lắng bước ra khỏi phòng đến ngoài hiên và có lúc đến mở cửa phòng hành lang để xem các thuộc hạ làm việc.
Ông Colbert đang nói chuyện nho nhỏ với ông De Brienne.
Nhà vua vụt mở cửa nói với họ:
- Các ông nói gì thế?
Ông De Brienne đứng dậy:
- Chúng tôi nói về phiên họp đầu của "Các đẳng cấp".
- Tốt lắm!
Vua trả lởi và lui về chỗ. Năm phút sau, có tiếng chuông gọi Rose. Nhà vua hỏi:
- Cô chép xong chưa?
- Thưa Hoàng thượng chưa.
- Cô đi xem thử ông d'Artagnan về chưa.
- Thưa, chưa ạ.
Nhà vua lẩm bẩm:
- Lạ thực. Gọi ông Colbert đến đây.
Colbert bước vào. Ông đã đợi chuyện này từ sáng sớm.
Nhà vua vội vã nói:
- Ông Colbert, ông phải xem thử ông d'Artagnan ra thế nào rồi.
Colbert bình tĩnh trá lời:
- Hoàng thượng muốn tôi tìm ông ta ở đâu?
- Ồ, ông không biết ta bảo ông ấy đi đâu à? - Nhà vua cau có trả lời.
- Hoàng thượng chưa cho tôi biết.
- Có những chuyện phải đoán ra và nhất là ông, ông phải đoán ra được.
- Thưa Hoàng thượng, tôi có thể đoán, nhưng không thể đoán ra hết được.
Colbert vừa dứt lời thì một giọng ồ ồ còn hơn giọng của Nhà vua cất lên làm ngưng câu chuyện giữa người Chúa tể và kẻ thừa hành. Nhà vua vui mừng kêu lên:
- D'Artagnan!
D'Artagnan có sắc thái giận dữ, nói với Nhà vua:
- Thưa có phải Hoàng thượng ra lệnh cho ngự lâm quân của tôi không?
- Lệnh gì?
- Lệnh về ngôi nhà của ông Fouquet.
- Không có lệnh nào hết, - Nhà vua trả lời.
- A, phải rồi? - D'Artagnan cắn râu mép, nói - Tôi không lầm đâu: đúng là ông rồi.
Và ông chỉ Colbelt. Nhà vua hỏi:
- Lệnh gì?
- Lệnh làm đảo lộn nhà cửa, đánh đập tôi tớ, quan chức của ông Fouquet, lệnh phá hộc tủ, vơ vét một căn nhà đang yên lành. Trời ạ! Lệnh thật dã man!
- Thưa ông? - Colbert tái mặt kêu lên.
D'Artagnan chặn lại:
- Thưa ông, ông có nghe không. Chỉ Hoàng thượng, chỉ một mình Hoàng thượng là có quyền sai phái ngự lâm quân của tôi thôi: Nhưng với ông thì tôi cấm. Tôi nói rõ điều này trước mặt Hoàng thượng đây. Người quý tộc mang kiếm không phải như những tên hợm mình giắt bút lông nơi kẽ tai đâu!
- Ồ! d'Artagnan! d'Artagnan! - Nhà vua thì thầm trong khi người lính ngự lâm vẫn tiếp tục.
- Thật là nhục nhã. Binh sĩ của tôi bị mất danh dự rồi. Tôi không chỉ huy mấy tên thô lỗ, tôi không chỉ huy bọn phát lương giữ gạo đâu! Chán quá!
- Nhưng mà có gì thế. Nói lại xem sao? - Nhà vua nghiêm giọng hỏi.
- Thưa Hoàng thượng, ông này, ông này đây không đoán ra được lệnh của ngài, do đó, không biết rằng tôi đi bắt ông Fouquet, ông này đây, người đã sai làm chiếc lồng sắt cho người chủ cũ của ông ấy, vừa sai ông De Rongherta đến nhà ông Fouquet, lấy tiếng là thu lại giấy má của ông tổng giám, nhưng kỳ thực lại gom luôn cả đồ đạc. Lính ngự lâm của tôi đã vây quanh căn nhà từ sáng. Lệnh tôi là vậy. Sao người ta lại cho phép họ vào bên trong? Sao lại biến họ trở thành đồng loã khi bắt họ chứng kiến cuộc phá phách cướp đoạt? Chán quá! Chúng tôi phục vụ Hoàng thượng, đúng rồi, nhưng chúng tôi đâu có phục vụ ông Colbert?
Nhà vua nghiêm khắc nói:
- Ông d'Artagnan nên thận trọng lời nói. Những chuyện giải thích như thế không phải được đưa ra với giọng đó trước mặt ta.
Colbert nói lạc giọng hẳn:
- Tôi phục vụ hết mình cho Hoàng thượng. Tôi thấy thật là quá quắt khi một quan chức của Hoàng thượng đối xử với tôi như thế này. Nói ra đây thì cũng chỉ là vì lòng tôn trọng Hoàng thượng mà thôi.
- Vì lòng tôn trọng Hoàng thượng! - D'Artagnan mắt tóe lửa, kêu lên, - thì trước tiên ông phải tôn trọng quyền hành của ngài, phải biết tôn quý ngôi vị của ngài. Ông phải đợi cho một người lính đổ máu suốt bốn mươi năm dạy bảo cho điều ấy sao? Sao lòng từ thiện lại có ở nơi tôi, còn sự hung ác lại ở phía ông? Ông đã sai bắt giữ, cột trói, làm tù tội cả những người vô tộỉ?
Colbert nói:
- Đó có thể là những kẻ đồng loã của ông Fouquet.
- Ai nói với ông là ông Fouquet có đồng loã, là ông ấy phạm tội? Chỉ có Hoàng thượng biết thôi, công lý của ngài không mờ tối. Khi ngài nói: "Bắt người này, nhốt người nọ" thì ai cũng phải vâng lời. Thôi đừng nói với tôi nữa về chuyện ông tôn trọng Hoàng thượng, phải thận trọng lời nói của ông đấy. Nếu trong lời ông có chút gì đe doạ - và Hoàng thượng thì không để cho kẻ vô tích sự đe doạ người phục vụ tận tâm cho ngài, trong trường hợp mà tôi có một người chủ bội bạc như thế thì mặc Chúa không bằng lòng, tôi sẽ tự tìm cách cho kẻ kia phải tôn trọng tôi.
Nói xong d'Artagnan kiêu hãnh đứng giữa phòng, mắt rực sáng, tay nắm đốc gương, môi run rẩy, cơn tức giận biểu lộ rõ hơn vẻ ngoài của ông. Colbert bị sỉ nhục, thấy tức điên lên, cúi chào Nhà vua như là để xin phép lui về.
Nhà vua tuy thấy trái ý vì chạm đến lòng kiêu ngạo và vì sự tò mò không thoả mãn nhưng cũng không biết phải quyết định ra sao. D'Artagnan thấy ông ta lưỡng lự. Ông thấy ở lâu không lợi. Ông cần phải thắng Colbert một trận và cách thức duy nhất là thọc Nhà vua một cú thật đúng, thật mạnh để ông ta không thể có đường lối nào khác hơn là phải lựa chọn trong hai đối thủ.
Cho nên d'Artagnan cũng nghiêng mình như Colbert, để tỏ ý rút lui. Nhưng Nhà vua thấy cần hơn hết là biết tin tức về việc bắt giữ ông tổng giám tài chính, việc bắt giữ con người có lúc đã khiến ông run sợ, mà vì d'Artagnan hờn rỗi nên ông phải phí mất một phần tư tiếng đồng hồ nôn nóng, ông liền quên ngay Colbert không có gì lạ, để quay sang viên chưởng quan ngự lâm quân. Ông nói:
- Ồ, ông làm xong công việc được giao phó đã rồi hãy nghỉ sau.
D'Artagnan sắp bước qua cửa vội ngừng lại khi nghe lời Nhà vua nói và quay trở lại. Colbert bắt buộc phải ra đi, sắc mặt ông ta tím ngắt, đôi mắt đen sáng lên với vẻ thảm hại dưới đôi lông mày dày.
D'Artagnan một mình ở lại với Nhà vua, thấy lòng mình dịu ngay xuống mà lo chỉnh sửa lại vẻ mặt. Ông nói:
- Thưa Hoàng thượng, ngài là một vị vua trẻ. Con người ta cứ nhìn buổi sáng thì đoán ra trong ngày sẽ đẹp trời hay là u ám. Thế thì đám dân chúng mà Chúa đặt vào tay ngài sẽ đoán như thế nào về tương lai nếu ngài để cho những bậc đại thần hành động theo lối hung bạo? Nhưng thôi, xin hãy bỏ qua việc tranh luận vô bổ chắc sẽ làm ngài khó xử, thôi xin hãy nói về tôi. Tôi đã bắt giữ ông Fouquet rồi.
Nhà vua cau có:
- Ông đã để thì giờ vào đó rồi mà.
D'Artagnan nhìn lại Nhà vua. Sau một lúc im lặng, Louis hỏi:
- Bây giờ ông Fouquet ở đâu?
D'Artagnan trả lời:
- Thưa Hoàng thượng, ông Fouquet lúc này đang ở trong chiếc lồng sắt mà ông Colbert đã sửa soạn cho ông ta, và đang lăn theo đà của bốn con ngựa hay chạy về phía Angers.
- Sao nửa đường ông lại rời ông ta?
- Vì Hoàng thượng không dặn tôi đến Angers. Chứng cớ, chứng cớ rõ nhất tôi mới thấy dây, là Hoàng thượng vừa sai đi tìm tôi. Với lại, tôi cũng có lý do khác.
- Lý do gì?
- Nếu tôi còn ở đó, thì ông Fouquet khốn khổ kia không bao giờ dám tính chuyện vượt thoát.
- Sao? - Nhà vua sửng sốt kêu lên.
- Hoàng thượng phải hiểu và bây giờ chắc hiểu rất rõ là tôi rất muốn cho ông Fouquet được tự do. Tôi đã trao ông ấy cho một viên đội vụng về nhất dưới trướng của tôi để ông ấy có thể đào thoát được.
Nhà vua khoanh tay trước ngực, nói to:
- Ông có điên không, ông d'Artagnan? Nghĩ đến chuyện đó đã là khốn khổ rồi và ông còn có gan tày trời để nói ra sao?
- Ồ! Sau công lao ông Fouquet đã làm cho Hoàng thượng, chắc ngài không mong là tôi sẽ trở nên kẻ thù của ông Fouquet phải không? Không, nếu Hoàng thượng muốn ông ta bị nhốt thì chớ giao ông ta cho tôi, cái lồng đan thật kỹ cho nhốt lại con chim cũng bay mất mà thôi!
Nhà vua nói với giọng nặng nề.
- Ta lấy làm lạ là sao ông không theo ta. Làm như thế ông sẽ nhận được các thứ mà ông cần, đó là lòng thương mến và sự biết ơn. Thưa ông, phục vụ cho ta rồi ông sẽ thấy có được một người chủ xứng đáng.
D'Artagnan nhấn mạnh câu trả lời:
- Nếu ông Fouquet không đi tìm Hoàng thượng ở ngục Bastille, thì chỉ có một người khác làm thôi, người đó chắc ngài biết rõ rồi, đó là tôi.
Nhà vua im bặt. Trước lời nói thành thật, chân xác như thế của người chưởng quan ngự lâm quân, không thể nào có điều gì bài bác được. Trong khi nghe d'Artagnan nói, Nhà vua nhớ đến chàng d'Artagnan ngày xưa, con người đứng trong điện Palais Royl, nấp sau tấm màn long sàng khi dân chúng Paris được Hồng y De Retz hướng dẫn chạy tới; ông nhớ đến chàng d'Artagnan ông vẫy tay chào khi xe ông trở lại Paris về Nhà thờ Đức bà, nhớ tới viên phó quan ông đem về gần khi cái chết của Mazarin trả lại quyền hành cho ông; nhớ tới con người luôn luôn trung thực, can đảm và trung thành.
Louis bước tới cửa gọi Colbert. Colbert chưa rời khu hành lang của nhóm cận thần làm việc.
- Colbert, ông đã sai tới lục soát nhà ông Fouquet phải không?
- Thưa ngài, phải?
- Có được gì không?
- Ông De Roncher với các ngự lâm quân đã đem về cho tôi các giấy tờ, văn kiện - Colbert trả lời.
- Được, để rồi ta sẽ xem. Bây giờ ông đưa tay cho ta?
- Tay tôi, thưa ngài?
- Đúng, để ta đặt vào tay ông d'Artagnan. Này, d'Artagnan? - Nhà vua vừa nói vừa quay về phía người lính lúc này thấy Colbert nên lấy lại dáng cao kỳ - ông chưa biết ông này, hãy làm quen đi.
Rồi ông chỉ Colbert:
- Đây là một kẻ thư lại tầm thường, nhưng ta đưa lên vị trí thật cao thì hắn trở thành một người vĩ đại đấy.
Colbert ấp úng, hoảng lên vì vừa sung sướng vừa sợ hãi:
- Ô! Thưa ngài!
D'Artagnan thầm thì bên tai Nhà vua:
- Tôi hiểu tại sao rồi. Ông ta ganh ghét tôi phải không?
- Đúng vậy, nhưng sự ganh ghét sẽ chắp cánh cho hắn.
- Thế là từ nay sẽ có một con rắn độc mọc cánh - Người lính ngự lâm càu nhàu vì còn giữ lại trong mình chút căm thù với kẻ mới đây còn là đối thủ.
Nhưng khi Colbert tiến lại gần ông, ông thấy một dáng người thật lương thiện, thật hiền lành, thật dễ chịu, đôi mắt thật thông minh, thật quý phái khiến cho d'Artagnan rất thạo xem tướng người, phải thấy xúc động và thay đổi thành kiến.
- Thưa ông, nhưng điều mà Hoàng thượng vừa nói với ông chứng tỏ rằng ngài biết rõ người dưới quyền. Cho tới ngày nay, tôi đã chống đối quyết liệt với những sự lạm dụng chứ không phải với những con người, điều đó chứng tỏ là tôi muốn chuẩn bị cho vua ta một triều đại hùng cường, cho đất nước một hạnh phúc to lớn. Thưa ông d'Artagnan, tôi có nhiều ý kiến lắm ông sẽ thấy chúng sáng tỏ, chan hoà trong cảnh thanh bình chung. Nếu tôi không có cái hân hạnh chắc chắn được những người lương thiện thương mến tôi, ít ra tôi cũng được họ chắc chắn tin cậy. Và thưa ông, miễn được họ tin phục là tôi hi sinh cả cuộc đời cho họ.
Sự thay đổi đó, sự vươn lên bất ngờ đó, sự tán đồng trong dáng im lặng của nhà vua khiến cho người lính ngự lâm phải suy nghĩ ông cúi chào Colbert thật trang trọng trong lúc ông này vẫn đăm đăm nhìn lại.
Nhà vua thấy họ làm hoà với nhau rồi liền cho họ lui ra.
Khi ra bên ngoài, viên đại thần mới nói với người chưởng quan:
- Thưa ông d'Artagnan, tại làm sao đôi mắt tinh tường của ông không nhận ra tôi là người như thế nào ngay từ lúc đầu?
Người lính ngự lâm nói:
- Thưa ông Colbert, khi mắt ta bị mặt trời chiếu vào thì không nhận ra được cả lò than nóng bỏng nhất. Con người có quyền hành thì họ cho cả thiên hạ nhờ cậy tại sao ông ở địa vị này mà tiếp tục cứ hành hạ một người vừa bị thất sủng, mới vừa bị rơi quá nặng?
Colbert trả lời:
- Tại sao, thưa ông? Ô, tôi không ngược đãi ông ta đâu. Tôi muốn, quản lý tài chính, và nhất là tôi tin cậy hoàn toàn vào tài năng của tôi; vì tôi biết rằng mọi vàng bạc của xứ sở này sắp rơi xuống trước mắt tôi, tôi muốn trông thấy vàng bạc của Hoàng thượng như thế nào; vì tôi sống được ba chục năm thì qua ba mươi năm sẽ không còn một đồng xu dính túi; vì tôi sẽ xây cất kho tàng, dinh thự, thành phố, tôi sẽ đào vét cửa cảng; vì tôi sẽ thành lập hải quân, tôi sẽ trang bị cho các tàu mang danh nước Pháp đi đến tận các dân tộc ở tận cùng trái đất, tôi sẽ lập ra các thư viện, các viện Hàn lâm, tôi sẽ làm cho nước Pháp trở thành hùng mạnh nhất, giàu có nhất thế giới. Đó là những nguyên cớ khiến tôi thù ghét ông Fouquet vì ông ngăn trở tôi hành động. Rồi khi tôi trở nên vĩ đại, hùng mạnh, khi nước Pháp trở nên vĩ đại, hùng mạnh, lúc đó, tôi sẽ kêu lên "Tội nghiệp cho ông ta!".
- Ông nói tội nghiệp? Thế thì ông xin với Hoàng thượng tha cho ông ta đi. Hiện nay Hoàng thượng bức bách ông ta là vì ông thôi.
Colbert ngẩng đầu lên nói:
- Thưa ông, ông biết là không phải thế, ông biết Hoàng thượng ghét ông Fouquet vì lý do riêng tư. Tôi không nói ông cũng biết mà.
- Rồi Hoàng thượng sẽ chán, sẽ quên.
- Hoàng thượng không quên đâu, ông d'Artagnan ạ. Này, ngài đang gọi và sẽ ra lệnh đấy. Không có tôi can thiệp vào phải không? Ông nghe đi.
- Ông d'Artagnan đâu rồi?
- Thưa Hoàng thượng, tôi đây!
Ông đưa cho ông De St. Aignan hai mươi người để ông ta coi giữ ông Fouquet.
D'Artagnan và Colbert đưa mắt nhìn nhau. Nhà vua nói tiếp:
- Từ Auger, người tù sẽ được dẫn đến ngục Bastille.
- Ông nói đúng rồi, - viên chưởng quan nói với viên đại thần.
Nhà vua nói tiếp:
- Ông St. Aignan, trên đường đi, nếu có ai nói nhỏ gì với ông Fouquet thì giết chết ngay.
- Nhưng còn tôi thì sao, thưa ngài? - Vị Hầu tước nói.
- Ông thì nói trước mặt các lính ngự lâm thôi.
Hầu tước nghiêng mình chào và bước ra ngoài thi hành lệnh. D'Artagnan cũng sắp lui bước thì Nhà vua ngăn lại nói:
- Ông đi ngay đến chiếm đảo và lãnh đại Belle-Isle-en-Mer.
- Thưa ngài vâng. Mà chỉ mình tôi thôi à?
Ông lấy bao nhiêu quân cũng được miễn là khỏi thất bại, nếu thành đó chống lại.
D'Artagnan nói:
- Cái đó đã rõ rồi.
Nhà vua nói tiếp:
- Lúc nhỏ ta đã thấy điều đó và bây giờ ta không muốn thấy tái diễn nữa. Ông nghe chưa? Thôi ông đi đi và chỉ về khi có mang theo chiếc chìa khoá cổng thành thôi.
Colbert đi đến gần d'Artagnan nói:
- Một nhiệm vụ mà nếu thành công thì ông sẽ được chiếc gậy thống chế đấy.
- Tại sao ông nói cái câu: "Nếu thành công?"
- Vì khó đấy.
- Ô! Khó vì cái gì?
- Ông d'Artagnan, ông có bạn thân ở Belle-Isle-en-Mer và những người như ông thì khó chịu thăng tiến bằng cách bước lên xác bạn bè.
D'Artagnan cúi đầu xuống trong khi Colbert đi về phía Nhà vua.
Một khắc sau, d'Artagnan nhận sắc chỉ bảo ông san bằng Belle-Isle nếu gặp kháng cự và có quyền xử trí đối với tất cả dân chúng hay dân di trú ở đó, không được bỏ qua một người nào.
D'Artagnan nghĩ: Colbert thật có lý. Chiếc gậy thống chế Pháp quốc của ta phải mua bằng giá hai người bạn ta. Nhưng người ta quên rằng các bạn ta không ngu hơn mấy con chim, chờ người ta đặt bẫy giơ tay rồi mới bay đi. Cánh tay ấy sẽ giơ ra cho họ thấy. Porthos, Aramis đáng thương? Không, địa vị của tôi không khiến các bạn mất một sợi lông nào hết!
Quyết định như vậy xong, d'Artagnan tập họp quân sĩ, cho xuống thuyền ở Paimboeuf và trương buồm đi không mất một giây nào.
Nguồn: http://vnthuquan.net/