Linh cảm trong cơn mê của Athos.
Khi tỉnh dậy, vị Bá tước hơi xấu hổ vì sự yếu đuối của mình trước sự kiện lạ lùng đó, liền mặc áo vào, bảo thắng ngựa đi Blois để liên lạc tìm tin rõ hơn, hoặc từ Phi châu, hoặc từ d'Artagnan hay Aramis.
Bức thư của Aramis cho Bá tước De La Fère rõ về sự thất bại của chuyến viễn chinh Belle-Isle. Thư viết về cái chết của Porthos thật rõ, thật nhiều chi tiết khiến cho tấm lòng đa cảm, tận tình của Athos rung chuyển đến tận cùng.
Cho nên Athos muốn viếng Porthos lần cuối cùng. Ông dự tính đi tìm d'Artagnan để cùng làm chuyến du hành đau khổ đến Belle-Isle thăm nơi an nghỉ cuối cùng của người bạn chiến đấu cũ, rồi trở về nhà chịu đựng sự lôi kéo âm thầm dẫn đến cõi vô cùng qua những con đường khuất khúc nào không rõ.
Nhưng trong lúc những người hầu vừa vui vẻ mặc áo cho chủ mà trong lòng sung sướng thấy nỗi buồn của ông trong chuyến đi sẽ được xoá tan, trong lúc con ngựa thuần nhất trong chuồng vừa được thắng yên cương xong, được dắt đến thềm nhà, thì Athos đầu váng mắt hoa, đôi chân khuỵu xuống, không thể nào bước tới một bước.
Ông bảo đưa mình ra chỗ nắng, nằm dài lên tấm thảm rêu thật lâu mới hồi phục được.
Thế rồi khi đã hồi sức, tâm trí đã thảnh thơi, ông liền sai người mang ngựa lại. Nhưng phải có người hầu giúp đỡ, ông mới khó nhọc bước lên yên được. Chưa được một trăm bước, khi đến khúc đường quanh, ông cảm thấy rùng mình. Ông nói với người hầu phòng đi theo:
- Lạ thật.
Người giúp việc trung thành kêu lên:
- Xin ngài hãy dừng lại. Ngài xanh quá đi.
- Nhưng ta không thể ngừng được. Ta đang trên đường đi.
Rồi ông gò cương, thúc ngựa. Nhưng con vật thay vì nghe theo lời chủ, lại đứng dừng lại. Athos kêu lên:
- Có điềm gì bảo ta không nên đi nữa. Đỡ ta một chút, - Ông vươn tay nói thêm. - Nhanh lên! Tay chân ta bải hoải, ta sắp ngã xuống ngựa đây!
Người hầu thấy rõ cử chỉ của chủ cùng với lúc nghe tiếng gọi. Anh ta bước nhanh tới, đỡ Bá tước xuống. Hai người đi chưa xa, những người giúp việc còn đứng trên cửa nhìn ra, tuy chưa thấy tình cảnh rối loạn đó, nhưng nghe được tiếng kêu của bạn nên vội vàng chạy đến thật nhanh.
Athos vừa đi trở về vài bước thì lại cảm thấy đỡ hơn. Sức khỏe hình như hồi phục và ông lại muốn đi Blois. Nhưng vừa quay đầu ngựa, lại cảm thấy cứng mình và lo âu như cũ. Ông lẩm bẩm: "Ô, ta phải ở lại thôi".
Những người giúp việc áp tới, đưa ông xuống ngựa và khiêng ông về nhà, chuyển ngay vào phòng. Trước khi ngủ, ông còn nói với họ:
- Các anh nên lưu ý, ngày nay có thư từ Phi Châu gửi về đấy!
Người hầu phòng trả lời:
- Ngài chắc bằng lòng khi biết rằng chúng tôi đã cho người lên ngựa đón người đưa thư ở Blois rồi.
- Cảm ơn, - Athos mỉm cười hiền từ nói.
Ngày qua đi. Con trai Blaisois đi đón người đưa thư không được gì cả đã trở về. Bá tước tuyệt vọng tính từng phút, rùng mình vì thấy dài như cả giờ. Có lúc ông nghĩ người ta bỏ rơi ông mà lòng cảm thấy xót xa quặn thắt.
Giờ của người đưa thư phải tới đã quá lâu, nên không ai còn hy vọng gì, Athos biết rằng người ấy chỉ đến một tuần một lần. Như thế, ông phải chờ thêm tám ngày chết người chờ đợi.
Ai bị bệnh và lo âu thắc mắc thì thường hay nghĩ lan man, giả định điều này điều nọ, toàn những điều buồn thảm để đem chồng chất lên những nỗi buồn có sẵn. Trong những giờ đầu của cái đêm chết người này, Athos cũng vậy.
Cơn sốt đến, ngực ông như có lửa đốt. Người ta phải đi mời thầy thuốc ở Blois đến. Cơn sốt bốc lên đầu, vị bác sĩ phải rạch máu hai lần mới bớt, nhưng lại làm ông yếu đi, không hoạt động gì được, trừ bộ não.
Rồi cơn sốt cũng chấm dứt. Nó còn chống cự ở những nơi tận cùng rồi đến nửa đêm mới dứt hẳn.
Vị bác sĩ thấy bệnh tình thuyên giảm rõ rệt, liền ghi vài thứ thuốc và tuyên bố là Bá tước đã thoát nạn rồi quay trở về Blois.
Sau đó, Athos cảm thấy mình ở trong một tình trạng rất lạ, không diễn tả được. Trí óc ông rảnh rang được nghĩ tới Raoul, đứa con yêu quý. Ông đưa trí tưởng tượng về vùng quanh Djidgelli ở Phi Châu, nơi ông De Beaufort phải đổi quân lên.
Nơi đấy, các tảng đá màu xám hơi xanh lại vài chỗ vì sóng biển đập vào trong những ngày mưa bão, gió chướng. Chúng rải ra phía trong bờ như những nấm mồ, xếp thành từng bậc cấp bao quanh một thị trấn nhỏ, giữa những cây nhũ hương, cây xương rồng đầy khói bụi, đầy tiếng ồn ào và người lẫn các con vật hoảng hốt qua lại.
Bỗng nhiên, giữa làn khói vụt bùng lên một ngọn lửa lan khắp thị trấn, toả ra bao trùm cả những tiếng kêu khóc, la hét, những cánh tay đưa lên trời. Trong một khoảnh khắc, các tấm ván đua nhau đổ nhào xuống, những thanh gươm cong vẹo, những hòn đá rã ra, những cây cối bị thiêu cháy, biến đi.
Chuyện lạ thật là trong cảnh hỗn loạn đó, Athos thấy những cánh tay giơ lên, nghe những tiếng kêu khóc than thở mà tuyệt nhiên không có bóng một người nào cả.
Súng đại bác vang rền đằng xa, tiếng đạn, súng tay nổ lép bép, biển cả gầm lên, dê cừu sút chuồng nhảy nhót trên các vệ đường xanh cỏ. Thế mà lại không có một người lính nào cầm mồi lửa dí vào đại bác, không một người lính thủy nào lái tàu, không có một người chăn cừu nào theo đàn.
Sau khi ngôi làng, đồn luỹ sụp đổ mà không thấy có bóng một người nào can thiệp, như là do ma quỷ làm, thì lửa lại tất, khói lại bốc lên rồi bớt dần, phai nhạt và tan biến đi.
Cảnh này lại được màn đêm bao phủ, đêm mờ mờ trên mặt đất sáng rực rỡ trên bầu trời, những ngôi sao lớn lấp lánh trên bầu trời Châu Phi, sáng lên mà không soi rõ được gì hết.
Một khoảng im lặng dài khiến cho đầu óc xáo trộn của Athos được yên ổn trong một lúc. Nhưng Athos lại biết rằng những cảnh xuất hiện cho ông thấy chưa chấm dút nên ông cố sức chú ý, đặt hết tâm trí vào những gì tưởng tượng ra.
Ông vừa muốn là được thấy ngay.
Mặt trăng dịu mát và nhợt nhạt hiện ra phía sau dãy núi dọc biển rồi soi bóng xuống mặt nước lăn tăn gợn sóng, hình như đã lặng yên sau tiếng gầm mà Athos đã nghe, ánh trăng đó như điểm ngọc, kim cương trên bờ cây, bụi cỏ, núi đồi. Các tảng đá xám như những bóng ma lặng lẽ, đang ngửng chiếc đầu màu xanh lá để nhìn xét bãi chiến trường dưới ánh trăng và Athos nhận ra rằng nơi này, lúc đánh nhau không có người nào, bây giờ lại điểm đầy xác chết.
Ông cảm thấy rùng mình sợ hãi khi nhận ra bộ đồng phục trắng và xanh của binh sĩ vùng Picardie, thanh gươm dài cán xanh và các khẩu súng tay chạm hình hoa huệ nơi báng. Ông rùng mình sợ hãi khi nhìn thấy những vết thương nứt nẻ, xám xịt nhìn lên bầu trời xanh thẳm, như muốn níu đòi lại những linh hồn thoát ra qua đó.
Như khi ông nhìn thấy đàn ngựa bị mổ bụng, lưỡi lè bên mép, nằm yên ngủ giữa vũng máu làm lấm láp cả chóp mao, cả bờm của chúng. Như khi ông thấy con ngựa trắng của ông De Beaufort nằm dài, đầu dập nát ở ngay hàng đầu các tử thi.
Athos đưa bàn tay lạnh ngắt lên trán, ngạc nhiên sao không thấy nó nóng. Nhưng do cử chỉ đó, ông đoán ra là ông chứng kiến cảnh ngày hôm sau một trận chiến xảy ra trên bờ biển Djidgelli của đoàn viễn chinh đã rời bờ biển nước Pháp đi mất hút về phía chân trời mà ông đã đem cả tâm hồn và thể xác vẫy chào khi nghe thấy ánh sáng mờ từ tiếng súng đại bác do Hầu tước sai bắn chào vĩnh biệt Tổ quốc.
Ai lại có thể diễn tả được nỗi dằng xé của tâm hồn khi phải theo dõi những xác chết đó, nhìn hết xác này qua xác khác để tìm ra thử trong ấy có Raoul hay không? Ai lại có thể diễn tả được nỗi vui mừng say sưa khi Athos nghiêng mình cảm ơn Chúa vì đã không thấy người ông lo sợ tìm kiếm nằm lẫn lộn trong những kẻ đã chết?
Tất cả những người đó nằm xếp hàng, cứng đơ lạnh lẽo, rõ mặt, đồng lòng kính cẩn quay hết về phía Bá tước De La Fère như để ông không lầm lộn được trong chuyến tra xét âm hồn này Nhưng ông ngạc nhiên là tại sao không còn người nào sống ngoài đống xác chết ấy. Đối với linh cảm của ông, toàn cảnh như là một chuyến đi xác thực đến Phi châu của người cha lần tìm tin tức rõ ràng về người con.
Ông định tìm người lính để dẫn đến lều ông De Beaufort.
Trong khi ông đưa mắt qua lại nhìn suốt cánh đồng, ông thấy một vật gì màu trắng phía sau bụi đáo kim nhưỡng.
Bóng người đó mặc quân phục sĩ quan, tay nắm cây gươm gãy tiến lần về phía Athos, Bá tước đăm đăm nhìn vào đấy không nói lên lời, không cử động nổi và muốn dang hai tay ra vì ông nhận ra người sĩ quan lặng lẽ xanh xao ấy là Raoul của ông.
Bá tước muốn thốt kêu lên nhưng bị nghẹn trong cổ họng; Raoul lấy tay đưa lên miệng ra hiệu cho ông im lặng rồi từ từ bước lui nhưng chân không thấy chuyển dịch chút nào, Bá tước người tái nhợt hơn là Raoul, run rẩy hơn, cực nhọc bước theo người con qua chòm cây, bụi cỏ, đất đá, hố hầm, Raoul chân như không chạm đất, đi thật nhẹ nhàng mà không vật gì làm trở ngại cả.
Bá tước phải dừng lại, kiệt lực vì đường đất gập nghềnh.
Raoul vẫn làm dấu cho ông bước theo. Người cha mềm lòng, được tình yêu tiếp sức, cố gắng nhổm dậy, leo lên núi, theo người con đang mỉm cười vẫy gọi.
Cuối cùng ông lên tới đỉnh và thấy hình dạng phiêu diêu, mơ mộng của Raoul vẽ một vệt đen lên trên nền chân trời trắng màu ánh trăng. Athos vươn tay để với tới người con thân yêu đứng trên cao nguyên và Raoul cũng giơ tay ra, nhưng vẫn lùi bước lại. Bỗng nhiên hình như chàng bị một sức mạnh nào lôi đi vụt bay bổng lên và Athos thấy bầu trời sáng lóe giữa khoảng chân của người con và đất trên đồi.
Raoul trườn mình vào khoảng không, miệng vẫn mỉm cười tay vẫn giơ ra vẫy gọi và mất hút trên trời xa. Athos sợ hãi kêu lên một tiếng âu yếm và cúi nhìn xuống phía doanh trại bị tàn phá. Dưới đó là những xác chết trắng lặng yên của cả đạo quân Hoàng gia.
Và khi ngẩng đầu lên, ông vẫn thấy con ông vẫy gọi mời chào ông đi theo, trên cao, trên cao.
Chương 56
Thiên thần của cõi chết
Athos đang chìm đắm trong cơn mơ thì có tiếng động mạnh nơi cửa ngoài làm cắt đứt nguồn cảm xúc.
Có tiếng vó ngựa nện trên đất rắn và tiếng chuyện trò ồn ào đưa lên tận gian phòng Bá tước.
Athos chưa nhích được mình ra khỏi chỗ nằm. Ông chỉ quay đầu về phía cửa để nghe ngóng các tiếng động đưa đến.
Tiếng chân nặng nề bước lên bậc cấp, con ngựa lúc nãy sải nhanh bây giờ bước chầm chậm về phía chuồng. Những bước chân tiến dần về phía phòng Athos.
Cửa mở ra, Athos quay mặt về phía đó, cất giọng yếu ớt hỏi:
- Người đưa tin từ Phi Châu về phải không?
- Thưa Bá tước, không, - Một tiếng đáp lại làm người cha của Raoul giật nảy mình.
Ông lẩm bẩm: "Grimaud!". Rồi mồ hôi tuôn chảy trên đôi má gầy của ông.
Grimaud hiện ra trên khuôn cửa.
Không phải một Grimaud trẻ trung vì còn lòng can đảm và tận tâm khi ông nhảy xuống thuyền đưa Raoul De Bragelonne lên hạm đội Hoàng gia. Bây giờ là một ông già khắc khổ, xanh xao, áo quần đầy thuốc súng, với vài sợi tóc bạc của năm tháng đãi dầu. Ông run run đứng dựa vào thành cửa và như muốn ngã ra khi nhìn thấy khuôn mặt của chủ phía xa, dưới ánh sáng đèn.
Hai con người đó, từng thấu hiểu nhau, mắt từng nhìn không nói mà thông cảm nhau. Hai người bạn già đó, tâm tình cao thượng như nhau dù có cách biệt địa vị, họ nhìn nhau trân trối. Chỉ một cái liếc mắt họ đã nhìn thấy tận đáy tâm hồn sâu kín của nhau.
Athos vẫn giữ giọng như đã nói với Raoul trong cơn mê.
- Grimaud, Raoul chết rồi phải không?
Phía sau Grimaud, những người giúp việc hồi hộp lắng nghe, mắt nhìn vào giường người bệnh. Người giúp việc già ấy gắng phát ra một tiếng kèm theo hơi thở dài tuôn từ lồng ngực:
- Phải.
Thế rồi, những tiếng rền rĩ than vãn, thương tiếc nổi lên tràn ngập gian phòng trong lúc người cha hấp hối đưa mắt nhìn lên bức hình của con.
Đối với Athos, giây phút này như lúc chuyển tiếp trở về cơn mê. Ông không kêu một tiếng, không khóc, tâm hồn lặng lẽ và nhẫn nhục như một kẻ tử đạo, mắt nhìn lên trời để tìm lại hình bóng người con thân yêu bay cao trên ngọn núi ở Djidgelli đúng vào lúc Grimaud trở về.
Chắc là khi nhìn lên trời, nhớ lại cơn mê kỳ diệu đó, ông đã quay lại con đường cũ mang ảo ảnh vừa ghê gớm vừa lắng dịu làm sao. Cho nên sau khi nhẹ nhàng nhắm mắt lại, ông liền mở ra và mỉm cười: ông vừa thấy Raoul cười với ông.
Athos vẫn chắp hai tay lên ngực, mặt quay về phía cửa sổ mà qua đó hơi lạnh ban đêm lan vào mang theo hương thơm của cây cỏ; ông đang bước vào, không bao giờ trở ra nữa trong cõi thiên đường mà người sống không làm sao thấy được.
Cái chết đến với con người cao cả này thật dễ dãi, thật êm dịu. Không có những cơn dằn vặt giãy giụa lúc hấp hối. Trong giấc ngủ thiên thu ông còn giữ được nụ cười cùng theo ông xuống đáy mồ. Những người giúp việc nhìn nét mặt bình thản đó mà không tin rằng ông đã ra đi rồi.
Họ muốn lôi Grimaud đi. Nhưng dù mệt mỏi, Grimaud vẫn cố nán lại. Ông ngồi trên bực cửa, tỉnh táo như người lính gác, trông chờ cái liếc mắt đầu tiên khi Bá tước tỉnh dậy, hay hơi thở dài cuối cùng của chủ.
Chẳng còn gì cả. Grimaud thấy sợ, đứng hẳn dậy. Cùng lúc, ông nghe có tiếng chân bước lên thang gác; tiếng gươm va vào vỏ, ngang ngạnh, quen thuộc và ngưng lại, trong khi tiến đến giường Athos.
Một tiếng kêu vang lên cách ông ba bước, chuyển qua tiếng khóc:
- Athos! Athos! Bạn ơi!
Grimaud lắp bắp nói:
- Ngài hiệp sĩ d'Artagnan!
Người lính ngự lâm hỏi:
- Ông ấy đâu?
Grimaud vươn cánh tay gầy gò nắm tay ông và chỉ về phía chiếc giường trải ga trắng, nổi lên khuôn mặt nhợt nhạt của xác chết.
D'Artagnan nấc nghẹn trong cổ. Ông nhón gót bước lại rùng mình, nỗi hãi hùng theo với tiếng chân trên nền ván, ruột gan vò xé không diễn tả thành lời. Ông nghiêng tai lên ngực Athos, mặt áp sát môi Bá tước. Không tiếng đập nào, không hơi thở nào phát ra cả. Ông bước lui lại về phía sau.
Grimaud theo dõi từng cử động của d'Artagnan rụt rè đến ngồi phịch dưới chân giường, úp môi lên tấm nệm trắng phủ lên đôi chân cứng nhắc của Bá tước. Trên đôi mắt đỏ, những dòng lệ trào ra, tuôn chảy.
Nhìn ông già tuyệt vọng tuôn nước mắt mà không khóc nên lời, d'Artagnan thấy đó là cảnh xúc động nhất trong cuộc đời trôi nổi của ông. Người chưởng quan vẫn đứng nhìn người chết mỉm cười như cố giữ nét tươi vui đó dành để đón chào người bạn thân nhất, cho người ông yêu nhất sau Raoul. Rồi như để trả lễ cho con người vẫn nhớ đến ông từ bên kia thế giới, d'Artagnan đến cúi hôn lên trán Athos và giơ bàn tay run rẩy vuốt cho đôi mắt người chết khép lại.
Rồi ông đến ngồi xuống nơi chân giường, không hề sợ hãi người chết, - con người hiền hậu, cung thuận trong ba mươi lăm năm qua. Nhìn khuôn mặt cao quý đó, ông nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, có thứ vui tươi, duyên dáng như nụ cười này, có thứ buồn đau, lạnh lẽo như khuôn mặt mãi mãi bất động này.
Rồi cả nỗi chua xót dâng lên lồng ngực, như muốn vỡ ra.
Thấy không đủ sức chịu đựng nữa, ông đứng lên, vụt chạy nhanh ra khỏi gian phòng của người chết, con người ông đến với ý định báo tin Porthos chết. Ông thốt lên một tràng tiếng nấc xé lòng khiến cho những người hầu phải tuôn theo những tiếng than vãn rên rỉ.
Lúc trời hừng sáng, d'Artagnan đi lòng vòng trong phòng dưới, tay dúi vào miệng để nén tiếng thở dài, rồi bước lên thang gác lần nữa ngóng chừng Grimaud chờ ông ta quay đầu nhìn lại, vẫy gọi ông đến bên cùng nhau bước xuống lầu.
Lúc vào phòng thay áo, ông nắm tay ông già, hỏi:
- Grimaud ạ, tôi vừa thấy người cha chết, bây giờ anh hãy nói cho tôi biết về cái chết của người con.
Grimaud rút trong ngực áo ra một bao thư lớn có đề địa chỉ của Athos. D'Artagnan nhận ra nét chữ của ông De Beaufort, liền bẻ gãy dấu niêm và lần lượt đọc trong khi chân bước trên con đường sầu thảm trồng cây dương liễu vẫn còn hằn rõ vết chân của vị Bá tước vừa chết kia.
Chương 57
Phúc trình
Nét chữ to của ông hoàng như của một người học trò vụng về:
"Bá tước thân mến,
Một đau thương lớn vừa đến với chúng ta ngay giữa chiến thắng huy hoàng nhất, Hoàng thượng vừa mất một người lính can đảm nhất. Tôi mất một người bạn. Ngài mất ông De Bragelonne.
Ông ấy hy sinh rất vẻ vang, vẻ vang đến mức tôi không đủ sức khóc như ý muốn.
Xin Bá tước thân mến hãy nhận những lời khen ngợi đau buồn của tôi. Trời đã đặt để cho mỗi người một thử thách tùy với giá trị của họ. Thử thách ấy thật to lớn nhưng không quá sức chịu đựng của ngài.
Bạn thân thiết của ngài.
Hầu tước De Beaufort".
Bức thư này có kèm theo một bản ghi chép do người thư ký của Hầu tước viết ra. Đây là lời tường thuật cảm động nhất, chân thật nhất của câu chuyện thê thảm kết thúc hai cuộc đời.
D'Artagnan dù đã quen với những xúc động trên trận địa, dù tâm hồn đã chai cứng, nhưng cũng không khỏi giật nẩy mình khi đọc đến tên Raoul, tên của cậu con yêu quý, như một bóng hình của người cha.
Người thư ký của ông hoàng ghi:
"Vào buổi sáng, Đức ông hầu tước chỉ huy trận tấn công. Quân đoàn Normandie và Picardie đã chiếm lĩnh các vị trí nơi các tảng đá xám dưới triền núi, trên kia là các pháo đài của Djidgelli. Đại bác nổ dồn báo hiệu cuộc tấn công. Các trung đoàn cương quyết tiến lên, những người cầm giáo giơ cao ngọn giáo, những pháo thủ nâng tay súng. Hoàng thân chăm chú nhìn theo quân đi và sẵn sàng cho một đoàn dự bị quan trọng tiếp ứng. Bên cạnh Đức ông là những người chỉ huy dày dạn nhất và những người phụ tá. Ngài Tử tước De Bragelonne được lệnh không rời Điện hạ.
Đại bác địch lúc đầu bắn bừa bãi chống lại, sau đó dược điều chỉnh dần và trái đạn đã giết một số người quanh Hoàng thân. Các trung đoàn xếp thành hàng tấn công thành luỹ hơi bị thiệt hại. Binh sĩ chùn lại, vì thấy pháo binh ta yểm trợ không hiệu nghiệm. Các pháo đội đặt trong đêm trước ở vị trí thất lợi nên bắn ra rời rạc và không trúng đích. Hướng bắn từ dưới lên trên khiến cho tầm bắn và đích nhắm bị sai lạc.
Đức ông thấy hiệu quả kém của pháo binh vây hãm nên ra lệnh cho các tàu nằm trong vịnh bắn tới tấp lên đồn địch. Ngài De Bragelonne là người đầu tiên xin mang lệnh ấy đi, nhưng Đức ông không thuận.
Đức ông hành động có lý vì ngài yêu thương và muốn nâng đỡ nhà quý tộc trẻ tuổi. Ngài có lý vì những biến cố đến sau đó sẽ chứng minh rõ: Người hạ sĩ quan được ngài sai đi vừa đến bờ biển thì hai phát súng vang lên từ phía địch bắn anh ngã xuống, mặt úp vào vũng máu hoà trong cát.
Thấy thế ngài De Bragelonne mỉm cười với Đức ông. Điện hạ nói: "Tử tước thấy không. Ta vừa cứu mạng ông đấy. Sau này về nói với Bá tước De La Fère để ông ta biết cho lòng ta".
Nhà quý tộc trẻ tuổi cười buồn, trả lời Hầu tước:
- Đúng là nếu không có lòng tốt của Đức ông thì tôi đã bị giết nơi kia và ngủ yên như người trung sĩ khốn khổ đó rồi!
Giọng ngài De Bragelonne có vẻ gì không vui đến nỗi Đức ông phải vội lên tiếng:
- Ôi chàng tuổi trẻ thèm đến chảy nước miếng rổi. Nhưng ta đã hứa với Bá tước là đem anh về yên lành nên nếu Thượng đế đồng ý thì ta phải giữ lời.
Ngài De Bragelonne đỏ mặt, hạ thấp giọng nói:
- Xin Đức ông tha lỗi, chẳng qua là lúc nào tôi cũng muốn cống hiến khi gặp dịp. Và thật là hân hạnh biết bao nếu được nổi bật trước mặt viên tư lệnh của mình, nhất là khi tư lệnh đó là ngài Hầu tước De Beallfot.
Đức ông dịu nét mặt lại rồi quay sang các sĩ quan đang vây quanh để ra một số lệnh khác.
Toán mang lựu đạn của hai trung đoàn đã áp sát khá gần các hào thành và vị trí ẩn núp của địch, rồi ném lựu đạn nhưng hiệu quả không là bao.
Tuy nhiên, ngài d'Estrée chỉ huy hạm đội, đã thấy việc viên trung sĩ muốn đến đoàn tàu nên hiểu rõ rằng có thể hắn không cần lệnh. Lính A-rập hoảng hốt la hét vì thấy đạn bắn từ phía hạm đội làm tan nát thành luỹ của họ. Họ cho một toán kỵ binh chuyển sang tấn công bộ tham mưu lúc này không còn ai bảo vệ hết. Mối nguy hiểm thật lớn, Đức ông phải rút gươm ra, những người thư ký, cần vụ cũng bắt chước ngài. Các sĩ quan tùy tùng ra chặn cuộc tấn công dữ dằn kia.
Lúc này mới làm cho ngài De Bragelonne thỏa mãn với nỗi ham muốn từ lúc đầu ra quân. Ngài chiến đấu bên cạnh Đức ông như một tay kiếm La Mã và chỉ với thanh gươm nhỏ ngài giết được ba người A-rập.
Ngài hăng lên đến nỗi Đức ông phải lên tiếng kêu ngài dừng lại.
Chắc là ngài phải nghe thấy tiếng của Đức ông chứ, vì chúng tôi ở bên cạnh ngài, chúng tôi đã nghe. Thế mà ngài không dừng lại và cứ tiếp tục phóng về phía bọn họ cố thủ.
Ngài De Bragelonne vốn là một sĩ quan rất tôn trọng kỷ luật nên trường hợp bất phục tùng lệnh của Đức ông làm mọi người rất lấy làm kinh ngạc. Ngài De Beaufor gọi giật lại:
- Blagelonne dừng lại! Anh đi đâu đấy? Ta bảo anh dìrng lại!
Tất cả chúng tôi đều vẫy tay theo cử chỉ của Hầu tước, đợi người kỵ sĩ quay đầu lại, nhưng ngài De Bragelonne vẫn quất ngựa hướng về phía các hàng rào, Hoàng thân lặp lại tiếng kêu thật to:
- Bragelonne dừng lại! Ta thay lời cha ngươi gọi đấy!
Nghe tiếng đó, ngài De Bragelonne quay lại, nét mặt đầy vẻ đau đớn, nhưng ngựa vẫn không dừng, như là lôi ngài đi vậy.
Khi Hầu tước thấy Tử tước không điều khiển nổi con ngựa nữa, để ngựa vượt lên trước những người mang lựu đạn nơi hàng đầu thì ông vội kêu lên:
- Pháo thủ bắn ngựa! Ai hạ sẽ được 100 pistole!
Nhưng bắn ngựa mà không được đụng đến người cưỡi thì ai dám làm? Sau cùng một tay súng giỏi của trung đoàn Picardie tên là La Luzeme nhắm bắn trúng vào mông ngựa. Người ta thấy màu đỏ chảy trên nền lông trắng, nhưng con ngựa thay vì ngã ra lại mang người cưỡi chạy nhanh hơn.
Cả trung đoàn Picardie thấy người trẻ tuổi đáng thương ấy chạy đến nơi chết, đều kêu thất thanh: "Nhảy xuống! Ngài Tử tước nhảy xuống! Nhảy xuống đi! "
Lúc bấy giờ Tử tước đã vào tầm súng tay của phía lũy.
Một loạt đạn bắn ra, khói lửa bùng lên che lấp ngài. Khi khói tan, chúng tôi thấy ngài đứng đấy, con ngựa chết rồi.
Lính A-rập bảo ngài đầu hàng, nhưng ngài tỏ dấu từ chối và cứ tiếp tục tiến về phía hàng rào. Thật là cả một sơ suất chết người. Nhưng tất cả mọi người đều biết ngài không lùi bước.
Ngài đi tới vài bước nữa và cả hai trung đoàn vỗ tay vang dậy.
Chính vào lúc ấy, loạt đạn thứ hai nổ ra làm rung chuyển chiến lũy lần nữa và lại lần nữa ngài Tử tước De Bragelonne biến đi trong cơn lốc khói mù. Nhưng lần này dù khói tan, lửa tắt, chúng tôi vẫn không thấy ngài đứng dậy nữa. Ngài nằm đấy, đầu thấp hơn chân, vắt mình lên trên bụi cây. Người A-rập định bước ra khỏi chỗ nấp đến cắt đầu hay lấy thây ngài theo thói quen của họ.
Nhưng Đức ông Hầu tước Beaufort đã theo dõi sự việc từ đầu đến cuối sự việc khiến cho ngài đau lòng lớn tiếng thở than.
Khi thấy người A-rập chạy như lũ ma trắng giữa đám cây nhũ hương, ngài kêu to lên:
- Toán tiền quân! Các ngươi chịu để cho chúng cướp được thân xác cao quý kia sao?
Vừa nói, ngài vừa vung gươm lao về phía địch. Cả các trung đoàn chạy theo, la hét vang trời. Trận đánh giành xác Tử tước ghê gớm đến nỗi phía địch phải bỏ lại một trăm sáu mươi xác, còn ta thì thiệt ít ra là năm mươi người.
Một trung uý trong trung đoàn Normandie vác xác Tử tước lên vai và mang về phía sau. Lợi thế vẫn nghiêng về phía ta. Các trung đoàn có đủ quân dự bị tiến lên xô đổ hàng phòng ngự của địch.
Lúc ba giờ, súng phía A-rập ngưng tiếng. Cuộc chiến đấu chuyển thành trận đánh giáp lá cà trong hai giờ đồng hồ. Lúc năm giờ, ta toàn thắng trên tất cả mặt trận, địch quân phải bỏ vị trí và ngài Hầu tước sai cắm cờ trắng trên đỉnh cao nhất của ngọn đồi.
Lúc bấy giờ mọi người mới kịp nghĩ đến ngài De Bragelonne hãy còn thoi thóp. Điều này khiến Đức ông rất vui mừng khi đến chứng kiến các nhà giải phẫu đến săn sóc, băng bó cho Tử tước.
Có hai bác sĩ nói là Tử tước sống được. Đức ông vui mừng đến mức nhảy lên và hứa sẽ cho họ mỗi người mười ngàn louis nếu họ cứu sống ngài De Bragelonne.
Nhà giải phẫu thứ ba là giáo sư Sulvain De Saint Cosme, nhà bác học nổi danh nhất của chúng ta. Ông xem xét các vết thương và không nói gì cả.
Ngài De Bragelonne mở mắt nhìn đăm đăm như muốn dò theo từng cử chỉ, từng ý nghĩ của nhà bác học. Ông ta trả lời với Đức ông rằng trong tám vết thương có ba vết gây chết người, nhưng do người bị thương quá mạnh, quá sung sức nhờ tuổi trẻ, cho nên nếu Chúa thương thì ngài Tử tước De Bragelonne có thể hồi phục nếu đừng động gì đến ông ta.
Giáo sư Sulvain quay sang các người phụ tá nói thêm:
- Nhất là không được nhúc nhích gì hết, nếu không ông ta chết đấy!
Thế là chúng tôi đi ra khỏi lều, mang một chút hy vọng trong lòng. Người thư ký nói trước lúc bước ra tưởng như thấy được một nụ cười xanh xao, buồn bã thoáng trên môi của Tử tước, khi Hầu tước cúi xuống nói lời an ủi:
- Ồ Tử tước, ta nhất định sẽ cứu được anh!
Nhưng buổi tối, khi chúng tôi tưởng người bệnh đã nghỉ thì một người phụ tá bước vào, kêu lên hoảng hốt.
Chúng tôi xô nhau chạy vào, người phụ tá chỉ cho Hầu tước thấy cái xác của ngài De Bragelonne nằm trên đất phía dưới giường, máu ướt đẫm thân mình.
Hình như ngài có quằn quại, giãy giụa nên rơi xuống giường và do đó mau chết hơn như lời tiên đoán của giáo sư Sylvain.
Người ta đỡ Tử tước dậy. Ngài đã lạnh ngắt. Tay phải ngài còn nắm một lọn tóc hung, bấu nơi trái tim.
Tiếp sau là những chi tiết về cuộc viễn chinh và chiến thắng trước quân A-rập.
D'Artagnan dừng lại. Ở đoạn Raoul chết. Ông lẩm bẩm:
- Tội nghiệp thằng bé, đây là một vụ tự sát!
Rồi ông quay về phía toà lâu đài Athos đang yên nghỉ ngàn thu, và nói nhỏ: "Họ đã giữ lời hứa với nhau. Bây giờ họ đang sung sướng vì đã gặp nhau"
Rồi ông từ từ đi trên con đường hoa viên. Trên mọi đường phố, khắp vùng chung quanh, những người láng giềng khóc sướt mướt kể cho nhau nghe về hai tai nạn tang tóc, và chuẩn bị lễ táng.
Chương 58
Khúc hát cuối của bàl thơ tình
Ngay hôm sau, nhà đám đã thấy ùa tới tất cả giới quý tộc vùng chung quanh trong tỉnh, ở mọi nơi kịp mang tin đến báo.
D'Artagnan lánh mình không tiếp ai cả. Hai cái chết nặng nề trút xuống mình người chưởng quan sau cái chết của Porthos đã dồn dập xô đổ con người đến lúc này chưa hề biết mệt mỏi. Trừ Grimaud mỗi ngày vào phòng ông một lần, còn thì không có người hầu cận, không có thực khách nào hết. Nghe tiếng động bên ngoài, ông hình dung được cảnh ra vào tấp nập để tiễn đưa Bá tước.
Ông xin phép Nhà vua cho được gia hạn phép nghỉ.
Grimaud bước vào, ngồi trên chiếc ghế bành bên cửa, trầm tư xa vắng, rồi đứng lên ra dấu cho d'Artagnan đi theo.
Hai người lẳng lặng đi đến phòng khách, nơi đặt áo quan cho mọi người đến viếng trước khi thân xác Bá tước bị vĩnh viễn chôn vùi, d'Artagnan ngạc nhiên thấy có đến hai cái áo quan và bước tới theo hiệu ngầm của Grimaud. Ông thấy trong một quan tài Athos vẫn đẹp và oai hùng cho đến lúc chết, nơi quan tài kia, Raoul mắt nhắm, gò má trắng nhợt và vẫn còn nụ cười trên đôi môi tím.
Ông rùng mình khi thấy người con và người cha hai linh hồn đã bay bổng mà còn để lại ở trần thế này hai cái xác u buồn, thật gần nhau mà không thể tiến sát bên nhau. Ông lẩm bẩm: "Ô, Raoul ở đây, thế mà Grimaud không cho ta biết!
Grimaud lắc đầu, không đáp nhưng nắm tay d'Artagnan dắt tới chỗ quan tài chỉ cho ông cái vết thương xạm đen chết người.
Người chưởng quan quay mặt không nhìn, không hỏi vì biết Grimaud sẽ không trả lời. Ông nhớ lại những gì người sĩ quan thư ký của ông De Beaufort viết ra mà ông không có can đảm hiểu thêm. Ông nhớ lại câu cuối cùng của bức thư nhắc lại cái chết của Raoul.
"Ngài Hầu tước ướp xác ngài Tử tước theo lối người A-rập thường làm khi họ muốn đem xác về quê hương và ngài Hầu tước cũng cho sắp trạm để một người hầu tin cẩn từng nuôi chàng thanh niên từ nhỏ có thể chuyển quan tài về cho ngài Bá tước De La Fère".
D'Artagnan nghĩ thầm: "Như thế là ta một người già, không có nghĩa gì nữa trên cõi đời này, ta lại đi đưa đám con và ta phải phủ đất lên trên cái trán mà hai tháng trước đây ta còn hôn lên đấy. Chúa đã muốn như thế rồi. Con cũng đã muốn thế. Ta không còn quyền để khóc vì con đã chọn cái chết hơn là cuộc sống này rồi"
Rồi cũng đến lúc hai thân xác lạnh lẽo của hai nhà quý tộc phải trả về cho đất.
Athos, đã chọn nơi yên nghỉ cuối cùng là một góc của nhà nguyện này do ông xây cất nơi tận cùng lãnh địa của ông. Ông đã cho khuân đến đấy những tượng đá chạm năm 1550 lấy từ một nhà xưa kiểu gô-tic nơi ông sống qua thời thanh xuân.
Ngôi nhà nguyện xây lại như thế, chuyển đi như thế bây giờ rạng rỡ dưới đám bạch dương.
Phía sau nhà nguyện là một mảnh đất nhỏ, chung quanh có hàng rào cây phỉ, sơn trà, hương mộc và một vành hố sâu. Khoảng đất không trồng trọt gì, nhưng trong sự cằn cỗi ấy có một vẻ tươi vui vì lớp rong rêu mọc cao lên, vì các cây quỳ hoang, cây đinh hương vàng trộn lẫn mùi hương, vì dưới đám cây lật có một con suối rì rào chảy quanh trong bờ đá cẩm thạch và trên các cây bạch lý hương, đàn ong từ các vùng chung quanh đổ tới trong lúc bầy chim đỏ cổ đến hót líu lo, trên các rào cao đầy hoa, chính nơi này là chỗ hai chiếc quan tài được đưa đến, giữa một đám đông im lặng và trầm ngâm.
Lễ hạ huyệt cử hành xong, mọi người chào vĩnh biệt người chết lần cuối cùng rồi tản ra, vừa đi trên đường vừa bàn tán về những đức hạnh và cái chết êm đềm của người cha, về những triển vọng trong cuộc sống của người con và cái chết buồn thảm trên bờ biển Châu Phi.
Rồi dần dần, các tiếng động tắt đi như những cây đèn trong cánh nhà nguyện. Người hành lễ chào những người mới nằm xuống lần cuối cùng rồi dẫn người phụ tá tay rung chiếc chuông rè trở về tu viện.
D'Artagnan còn lại một mình, nhận ra là đêm đã đến.
Ông nghĩ đến những người nằm kia mà quên cả thời gian.
Ông nhổm mình dậy khỏi chiếc ghế gỗ sồi và cũng muốn như người giáo sĩ đến nói lời vĩnh biệt cái hố đôi chứa hai người bạn thân đã ra đi.
Một phụ nữ đang quỳ trên đất ẩm, cầu nguyện.
D'Artagnan dừng lại nơi bệ cửa nhà thờ để khỏi làm kinh động người đàn bà ấy và cũng muốn để xem mặt người bạn thành tín nào đã đến làm phận sự một cách tận tâm và kiên nhẫn đến thế.
Khách lạ úp mặt trong đôi bàn tay trắng như thạch cao.
Nhìn trang phục đơn giản một cách trang nhã như thế, người ta đoán rằng người đàn bà thuộc lớp thượng lưu. Phía bên ngoài, có nhiều người hầu cận ngồi trên ngựa và một chiếc xe đang đợi bà quý phái nọ.
D'Artagnan nghĩ mãi không ra.
Nàng vẫn cầu nguyện, thường lấy chiếc khăn tay đưa lên mặt.
D'Artagnan hiểu rằng nàng đang khóc. Ông thấy nàng đấm ngực thình thình theo kiểu người có đạo. Nhiều lần ông nghe thấy tiếng kêu phát ra từ trái tim rướm máu: "Xin tha thứ, xin tha thứ cho em!"
Và khi nàng buông thả hết mực mặc cho nỗi đau khổ lôi đi, khi người sắp ngã ra ngất xỉu trong lúc cầu nguyện, thì d'Artagnan thấy cảm động vì tình nàng đối với những người bạn khuất bóng, liền đi tới vài bước để ngăn nàng thôi than khóc.
Tiếng chân giẫm lên trên cát khiến người ấy ngẩng đầu lên cho d'Artagnan thấy một khuôn mặt đẫm nước mắt.
Đó là Tiểu thư De La Vallière. Nàng lẩm bẩm:
- Ông d'Artagnan.
Người lính ngự lâm sa sầm nét mặt:
- Ô bà ở đây à? Tôi thà mong thấy bà được nằm khoác đầy hoa trong trang viên của Bá tước De La Fère còn hơn.
- Ôi, thưa ông! - Nàng thổn thức không nên lời.
Người bạn của những người mới chết nói bằng giọng tàn nhẫn:
- Bởi vì chính bà đã khiến cho hai người kia chết đi.
- Ôi xin ông tha cho, tránh cho tôi nỗi đau lòng.
- Thưa tiểu thư, Chúa cũng không bằng lòng tôi xúc phạm đến một phụ nữ hay làm cho người ấy phải khóc vô duyên cớ. Nhưng tôi cho rằng, kẻ giết người không nên đến ở trên nấm mồ của nạn nhân!
Nàng chắp hai tay lại nói:
- Tôi biết Tử tước De Bragelonne chết vì tôi.
- Bà biết điều đó sao?
- Tin về đến triều ngày hôm qua. Từ hai giờ đêm tôi đã vượt qua bốn mươi dặm đường để xin Bá tước tha lỗi cho tôi, để được đến bên nấm mồ của Raoul, xin Chúa giáng họa cho tôi những gì tôi xứng đáng nhận lãnh, trừ một điều. Nhưng bây giờ tôi biết rằng cái chết của người con đã lôi theo cái chết của người cha. Tôi mắc hai tội ác, tôi phải chịu hai hình phạt của Chúa.
D'Artagnan nói:
- Thưa tiểu thư, tôi nhắc lại cho tiểu thư những điều ông De Bragelonne đã nói tới tôi ở Antibes, khi ông đã nghĩ đến cái chết: "Nếu do lòng kiêu ngạo và sự làm dáng lôi kéo nàng hành động như thế thì tôi tuy khinh miệt nhưng sẽ tha lỗi cho nàng. Nếu do tình yêu gây nên sự phản bội thì tôi cũng tha lỗi cho nàng và thề với nàng rằng trên đời này không ai yêu nàng bằng tôi"
- Đến hôm nay thì tôi không còn mong ước gì hơn nữa. Cái chết của chàng đã lôi tất cả mọi niềm vui sướng của tôi xuống dưới mộ chàng rồi. Bởi vì từ nay, tôi sẽ không bao giờ dám yêu nữa. Tôi cảm thấy hối hận, người tôi yêu, - ôi, đó là luật vay trả - sẽ bắt tôi chịu đựng những đau khổ mà tôi đã khiến người khác phải chịu lúc trước.
D'Artagnan không đáp lại; ông cảm thấy là nàng nói đúng.
Nàng tiếp:
- Thế nên, thưa ông d'Artagnan thân mến, ông chớ hành hạ tôi nữa. Tôi bây giờ như hoa đã lìa cành, tôi không còn bấu víu vào đâu nữa trên cõi đời này, vật vờ trôi giạt không biết ghé vào đâu. Tôi đang yêu điên cuồng, yêu đến mức biết mình là kể không xứng đáng mà cũng đến đây kẻ lể với người chết. Có điều, sau này ông sẽ thấy tôi đơn độc, bị quên lãng, bị khinh miệt, bị trừng phạt, nên lúc này đây xin ông cho tôi hưởng một phút hạnh phúc phù du. Để đấy cho tôi trong vài ngày, trong vài phút. Không biết chừng ngay lúc tôi đang nói với ông, niềm hạnh phúc ấy cũng không còn nữa rồi. Ôi có lẽ cái án giết hai người của tôi đã được Chúa tha xong!
Nàng còn muốn nói thêm thì có tiếng người và bước chân ngựa tiến đến gần. Một quan hầu, ông De St. Aignan theo lệnh Nhà vua đến tìm La Vallière nói rằng Nhà vua đang ghen tức và lo lắng.
De St. Aignan không thấy được d'Artagnan lúc này đang nấp nửa mình sau một cây lật tỏa bóng xuống hai nấm mồ.
Louise cảm ơn ông kia và vẫy tay bảo ông đi. Người chưởng quan chua chát nói:
- Thưa bà, bà thấy rồi đó, hạnh phúc của bà vẫn còn đấy.
Người đàn bà trịnh trọng đứng thẳng người nói:
- Có một ngày nào đó ông sẽ hối hận là đã xét lầm tôi.
- Thưa ông, ngày hôm đó, chính tôi sẽ cầu xin Chúa quên lỗi ông đã bất công với tôi. Tôi sẽ còn đau khổ cho đến khi ông là người đầu tiên không chịu nổi sự đau khổ của tôi nữa. Thưa ông d'Artagnan xin ông chớ trách, niềm hạnh phúc mà ông nói đó khiến tôi phải trả giá quá đắt, đến bây giờ vẫn chưa trả hết nợ.
Nói xong, nàng lại nhẹ nhàng kính cẩn quỳ xuống:
- Xin tha thứ cho em lần cuối, hỡi Raoul của em. Em đã làm đứt mối tình của chúng ta. Hai chúng ta đều bị định mệnh bắt phải chết đau khổ, anh đã là người ra đi đầu tiên, em sẽ theo anh xin anh đừng ngại. Anh phải thấy là em không hèn nhát, em đến đây để nói lời vĩnh biệt thiêng liêng này, Raoul ơi, xin đấng Tối cao chứng giám cho là nếu cần cuộc sống của em để tái sinh cho anh, em sẽ không ngần ngại gì để hy sinh cho anh. Một lần nữa, xin anh tha thứ cho em.
Nàng bẻ một cành cây, cắm chặt trên đất rồi gạt nước mắt chào d'Artagnan, bước đi.
D'Artagnan nhìn theo những người kỵ sĩ, xe cộ đi xa dần rồi khoanh tay ép trên lồng ngực chất chứa đầy thương đau:
- Bao giờ thì đến lượt ta đây? Có còn gì cho con người, sau tuổi thanh xuân, sau khi tình yêu đến sau vinh quang, tình bạn, sau lúc khỏe và giàu sang đạt được? Chỉ còn tảng đá kia làm nơi yên nghỉ cho Porthos sau khi đã có những thứ ta vừa nói! Chỉ có lớp rêu phong cho Athos và Raoul, những người còn giàu sang hơn thế nữa."
Ông lưỡng lự một lúc, đôi mắt không còn tinh anh nữa, rồi đứng dậy nói: "Thôi, cứ bước mãi trên đường đời. Đến lúc nào phải dừng thì có Thượng đế báo cho ta hay cũng như ngài đã từng bảo người khác"
Ông chạm đầu ngón tay trên nền đất đẫm sương tối, làm dấu thánh giá rồi lên đường về Paris, một mình, vĩnh viễn còn lại một mình.
Nguồn: http://vnthuquan.net/