Vua Louls XIV
Nhà vua ngồi trong văn phòng, quay lưng ra cửa vào.
Trước mặt là một tấm gương nhờ đó trong khi giở giấy tờ, ông có thể liếc mắt nhìn mà biết được là ai sẽ đến.
Khi d'Artagnan vào, ông không ngưng việc, vẫn từ từ đậy các thư từ, các giấy tờ kế hoạch với tấm lụa lớn màu xanh lá cây thường dùng để che những thứ của ông cần giấu kỹ. D'Artagnan biết rành cái trò này nên vẫn đứng yên phía sau cho đến lúc Nhà vua liếc thấy người mà không nghe lên tiếng, phải lên tiếng kêu:
- Ông d'Artagnan có đấy không?
- Thưa tôi đây! Người lính ngự lâm tiến lại, trả lời.
Đôi mắt long lanh của Nhà vua nhìn thẳng vào d'Artagnan:
- Sao, thưa ông, ông có điều gì nói không?
D'Artagnan dò xét cử chỉ đầu tiên đó của Nhà vua để tìm lối trả đòn:
- Thưa ngài, tôi à? Tôi chẳng có gì nói với Hoàng thượng cả nếu không phải là về việc Hoàng thượng sai bắt tôi và bây giờ tôi ở đây rồi.
Nhà vua định trả lời là ông không sai bắt d'Artagnan nhưng thấy câu đó có vẻ như một lời xin lỗi nên lại thôi.
D'Artagnan vẫn bướng bỉnh nín lặng. Nhà vua tiếp lời, mắt nhìn thẳng vào d'Artagnan:
- Thưa ông, ta đã bảo ông làm gì ở Belle-Isle? Xin ông nói đi!
D'Artagnan mở cờ trong bụng: Nhà vua gãi đúng vào chỗ ngứa của ông rồi. Ông trả lời:
- Hình như Hoàng thượng bận tâm hỏi rằng tôi đã làm gì ở Belle-Isle phải không?
- Thưa ông, đúng.
- Thế thì, thưa ngài, tôi không biết. Không nên hỏi tôi điều đó. Phải. Phải hỏi nơi cái đám vô số, đủ loại sĩ quan đã được ban cho vô số mệnh lệnh, còn về phần tôi, người chỉ huy cuộc hành quân thì không được lệnh gì rõ rệt cả.
Nhà vua thấy động lòng, thốt ra:
- Thưa ông, người ta chỉ ra lệnh cho những ai tỏ ra trung thành mà thôi.
Người lính ngự lâm trả miếng:
- Vì thế nên tôi không ngạc nhiên là một chưởng quan như tôi, có giá trị như là một thống chế của nước Pháp lại phải chịu dưới quyền của năm hay sáu phụ tá, chỉ giỏi rình mò dò xét thôi chớ không biết cóc gì về việc chỉ huy một cuộc hành binh cả. Vì thế tôi mới đến xin Hoàng thượng trả lời thì cửa đóng ngăn. Do bị xúc phạm đến như thế nên tôi chỉ còn có cách là xin được phép không phục vụ Hoàng thượng nữa mà thôi.
Nhà vua nói:
- Thưa ông, ông cứ tưởng là ông vẫn sống trong thời đại mà các ông vua phải chịu quyền định đoạt của các kẻ dưới tay như ông vừa than phiền đấy. Ông hình như quên rằng một ông vua chỉ chịu trách nhiệm trước Thượng đế về hành động của mình thôi.
Lại đến lượt người lính ngự lâm chạnh lòng:
- Thưa ngài, tôi không quên gì cả. Tôi không hiểu sao khi một người lương thiện đến hỏi ông vua xem hắn ta có việc gì lầm lỗi, thì lại bị coi là xúc phạm đến vua.
- Thưa ông, ông có lỗi là đứng về phía những kẻ thù của ta chống lại ta.
- Thưa, ai là kẻ thù của ngài?
- Đó là những người ta sai ông đi đánh.
- Chỉ có hai người mà là kẻ thù của cả quân đội Hoàng gia. Thật là khó tin đó, thưa ngài.
- Ông không được tỏ ý kiến gì về quyết định của ta.
- Tôi phải tỏ ý kiến về tình bạn hữu của tôi.
- Ai phục vụ cho bạn thì không phục vụ cho chủ nhân.
- Thưa ngài, tôi biết rõ điều đó lắm nên tôi mới cung kính xin ngài cho từ chức.
Nhà vua nói:
- Và ta đã nhận cho ông rồi, thưa ông. Trước khi giã từ ông, ta muốn chứng tỏ là ta cũng biết giữ lời hứa.
D'Artagnan lạnh lùng nói giọng giễu cợt:
- Hoàng thượng giữ lời hứa quá đấy chứ, vì Hoàng thượng đã sai bắt tôi mà không hề hứa hẹn điều đó với tôi.
Nhà vua xem thường câu đùa cợt đó, trở lại nét mặt nghiêm khắc nói:
- Nào bây giờ xem thử, sự không vâng lời của ông đã khiến cho ta bắt buộc phải làm sao.
- Tôi không vâng lời? - D'Artagnan đỏ mặt nổi giận.
Nhà vua tiếp tục:
- Đó là chữ ta dùng nhẹ nhất đấy. Ý định rõ rệt của ta là bắt và phạt những người chống đối. Ta đâu có quan tâm đến việc những kẻ đó là bạn hay không của ông?
D'Artagnan trả lời:
- Nhưng tôi thì tôi phải quan tâm. Hoàng thượng sai tôi đi bắt bạn tôi đem đến giá treo cổ là một hành động tàn ác.
- Thưa ông, đó là một cách ta thử thách những kẻ gọi là phục vụ ta đã ăn cơm ta và phải bảo vệ ta. Sự thử thách không thành rồi ông d'Artagnan ạ.
Người lính ngự lâm chua chát nói:
- Hoàng thượng mất một người phục vụ kém thì có ngay cùng ngày, mười người đến xin thử thách. Xin ngài hãy nghe tôi đây. Tôi không quen với các công việc đó. Tôi đau lòng phải truy đuổi đến chết hai con người mà kẻ cứu mạng Hoàng thượng là ông Fouquet đã xin ngài để cho họ sống. Hơn nữa hai người ấy còn là bạn thân của tôi. Họ không tấn công vào Hoàng thượng, họ phải chịu chết vì một cơn giận mù quáng. Tại sao lại không để họ trốn đi! Họ đã phạm vào tội ác gì? Tôi nhận là ngài không cho phép tôi xét tư cách hành động của họ. Nhưng tại sao ngài lại nghi ngờ trước khi tôi thể hiện bằng hành động? Tại sao cho người dò xét tôi? Tại sao sỉ nhục tôi trước quân đội? Tại sao một người như tôi được ngài tin cậy hết mực, một người như tôi từng mười ba năm qua ở bên cạnh ngài và được tỏ lòng trung thành đến cả ngàn lần, đúng thế, thưa ngài, phải nói thế vì hôm nay tôi bị tố cáo trái lại - tôi như thế mà bắt tôi phải ngồi nhìn ba ngàn lính của vua tấn công tiêu diệt hai con người?
Nhà vua hạ giọng.
- Nghe ông nói người ta tưởng là ông quên những gì các người ấy đã ra tay đối với ta, nghĩa là ông quan tâm tới họ hơn với sự mất còn của ta.
- Thưa, ngài quên rằng còn tôi ở đó!
- Thôi đủ rồi, ông d'Artagnan, không nói đến nữa những chuyện thuộc loại gây áp lực đó làm khuất cả mặt trời quyền lợi của ta. Ta đang lập một quốc gia chỉ có ta là chủ như ngày xưa ta đã hứa với ông. Đây là lúc ta thực hiện lời hứa của ta. Ông muốn chiều theo khuynh hướng và tình cảm của ông mà làm ngăn trở chương trình của ta và cứu thoát các kẻ thù của ta phải không? Ta sẽ bẻ gãy ông hay từ giã ông thôi. Ông hãy đi tìm một chủ nhân khác dễ chịu hơn. Ta biết rõ rằng một ông vua khác sẽ không đối xử như ta và để cho ông lấn át dù là có thể một ngày nào đó sẽ cho ông đi làm bạn với ông Fouquet và những người khác. Nhưng trí nhớ ta tốt lắm, và đối với ta, thành tín là những tước vị thiêng liêng buộc phải ghi ơn, phải không được trừng phạt. Ông d'Artagnan ạ, ta chỉ cho ông bài học này để trừng phạt tội bất tuân của ông thôi, ta không bắt chước người trước hành động như khi họ nổi giận hay họ ban phát ân huệ. Và cũng có nhiều lý lẽ khác khiến ta phải đối xử dễ dãi với ông. Đầu tiên là vì ông là người tính tình cao cả, nhạy bén và với ai trị được ông thì ông sẽ trở thành người phục vụ tốt; thứ nữa, là những lý do bất phục tùng của ông sắp hết rồi. Bạn bè ông đã bị chúng ta diệt đi hay tàn huỷ, những điểm tựa mà ông theo phản ứng tự nhiên dựa vào đó để sống theo ý mình đã bị ta làm tan biến đi rồi. Lúc chúng ta đang nói chuyện với nhau đây thì quân sĩ của ta đã bắt hay giết xong những tên phản loạn ở Belle-Isle.
D'Artagnan tái mặt, kêu lên:
- Bắt hay giết xong? A, thưa ngài, nếu ngài nghĩ đến những điều vừa nói, nếu ngài chắc chắn đó là sự thật thì tôi sẽ quên tất cả những gì là đúng, phải. Sự hào hiệp có trong lời nói của ngài? Tôi chỉ có thể gọi ngài là một ông vua dã man, một kẻ mất tính người. Nhưng tôi bỏ qua những lời ngài vừa nói, - D'Artagnan vừa nói vừa kiêu ngạo mỉm cười. - Tôi bỏ qua những lời của ông hoàng trẻ tuổi không biết, không thể hiểu thế nào là những người như ông D'Herblay, như ông Du Vallon, như tôi. Bắt hay giết! Ha, ha, xin ngài hãy tính xem nếu tin đó mà đúng thì ngài phải tốn bao nhiêu nhân mạng và tiền bạc? Rồi sau đó ta sẽ tính lời lãi xem có đáng bỏ công không?
- Ông d'Artagnan trả lời với giọng kẻ phản loạn đấy! Xin ông cho ta biết ai là vua nước Pháp? Ông biết có ai khác không.
Người chưởng quan ngự lâm lạnh lùng trả lời:
- Thưa ngài, tôi nhớ vào một buổi sáng ở Vaux, ngài đã hỏi câu ấy với rất nhiều người mà không ai trả lời được, trừ có tôi. Nếu Hoàng thượng ngày hôm đó thấy tôi đã tìm được câu trả lời không dễ ấy, thì ngài cũng không nên đặt lại vấn đề ngày hôm nay, lúc ngài chỉ có một mình trước mặt tôi.
Nghe những lời ấy, Louis XIV cúi mặt xuống. Hình như bóng hình Philippe khốn khổ vừa lướt qua giữa d'Artagnan và ông, để nhắc nhở câu chuyện kinh khiếp kia, cùng lúc ấy, một sĩ quan bước vào, đưa cho Nhà vua một bức điện khiến cho Nhà vua đổi sắc mặt khi đọc xong, d'Artagnan thấy rõ điều đó. Nhà vua vẫn ngồi yên nín lặng sau khi đọc lại lần thứ hai. Rồi ông bỗng quyết định:
- Điều ta vừa mới biết, sau này thì ông cũng rõ. Cho nên tốt hơn, để tự miệng ta là đấng quân vương nói ra. Có giao tranh ở Belle- Isle đấy. Ta mất một trăm lẻ sáu người.
Ánh mắt vui sướng, kiêu lãnh của d'Artagnan sáng lên.
Ông hỏi:
- Còn phe phản loạn?
Nhà vua nói:
- Bọn phản loạn trốn mất.
D'Artagnan kêu lên, tiếng vui mừng hân hoan. Louis XIV tiếp:
- Nhưng ta có cả một đội tàu vây siết thật chặt Belle-Isle và nhất định là không có thuyền nào thoát khỏi.
Người lính ngự lâm trở lại ý tưởng ảm đạm cũ:
- Như thế là, nếu hai người đó bị bắt?
- Thì người ta đem treo cổ họ lên - Nhà vua nói giọng thật bình tĩnh.
D'Artagnan nén rùng mình rồi nói:
- Thưa ngài, tôi có thể cam đoan với ngài là không bao giờ bắt sống họ được đâu.
Nhà vua thản nhiên cầm bức điện lên:
- Thế thì, người ta sẽ đem xác họ về, ông d'Artagnan ạ. Cũng thế thôi, vì ta bắt họ chỉ để treo cổ họ thôi.
D'Artagnan giơ tay, chùi mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.
Louis XIV nói tiếp:
- Ta đã nói với ông, một ngày nào đó ta sẽ là rnột chủ nhân biết chiều chuộng, rộng rãi và thủy chung với ông. Ngày hôm nay, ông là con người độc nhất của ngày xưa xứng đáng được hưởng sự thịnh nộ và tình yêu của ta. tùy theo hạnh kiểm của ông mà ta sẽ không nề hà ban phát cho cả hai thứ. Ông d'Artagnan, ông có thể nào chịu phục vụ một ông vua có hàng trăm ông vua khác, có những người ngang hàng với ông ta trong nước không? Ông thử nói xem có thể nào ta dùng sự yếu ớt ấy để làm công việc vĩ đại mà ta ước ao? Có thể nào một nghệ sĩ sáng tác được những tác phẩm để đời với các dụng cụ chẳng vừa ý không? Chúng ta đã xa rồi thời đại của những thứ mầm cằn cỗi, của những lạm dụng phong kiến. Cuộc nổi loạn Fronde đáng lẽ làm cho vương quyền thất bại thì nó đã tập trung lại được ông d'Artagnan ơi, ta bây giờ là chủ nhà ta, và ta sẽ có những người giúp việc có lẽ không có tài như ông nhưng biết trung thành, vâng lời đến mức độ cuồng tín. Ta hỏi ông, cần gì việc Thượng đế không cho các tay chân có được thiên tài? Chỉ cần cho thiên tài nơi cái đầu là đủ, và ông cũng biết, mọi thứ khác đều vâng lời cái đầu. Ta, chính ta là cái đầu đây.
D'Artagnan giật nảy mình, Louis tiếp tục như là không thấy gì hết tuy ông không bỏ qua cái giật mình kia.
- Thôi bây giờ, chúng ta làm một giao kết với nhau nhé. Ông hãy nhìn chung quanh xem, các tay tai to mặt lớn đều cúi đầu hết. Ông hãy cúi đầu xuống, hay là chịu đi đày không biết chừng lại hợp với ông hơn. Có lẽ suy nghĩ lại, ông sẽ thấy rằng ông vua này cũng có tấm lòng quảng đại, vẫn chịu tin tưởng vào sự trung thực của ông ngay cả khi ông không bằng lòng, ông, con người đã thấy rõ những bí mật của quốc gia rồi. Ta biết ông là một người ngay thẳng. Tại sao ông lại xét đoán ta khi chưa hết thời hạn cam kết? Ông cứ xét ta bắt đầu ngay từ hôm nay, ông d'Artagnan ạ, và cứ nghiêm khắc xét đoán hết mức độ.
Lần đầu tiên trong đời, d'Artagnan thấy choáng váng, không nói nên lời, tâm trí chơi vơi không định hướng. Ông vừa tìm thấy một địch thủ thật xứng đáng với ông. Không phải là mưu mô lừa phỉnh nữa mà là tính toán cân nhắc, không phải là sự hung bạo nữa mà là sức mạnh; không phải là cuồng nộ nữa mà là ý chí, không phải là sự khoác lác nữa mà là lời chỉ dạy. Con người trẻ tuổi nay vừa đập Fouquet xong và có thể không cần đến d'Artagnan nữa khiến cho những tính toán hơi bướng bỉnh của người lính ngự lâm bị đảo lộn hết. Nhà vua lại dịu dàng nói:
- Sao, ông nghĩ gì thế? Ông vừa xin từ chức xong, ông muốn ta từ chối không? Ta đồng ý là một tay chỉ huy già đời mà phải quyết định lại thì thật khổ tâm.
D'Artagnan buồn bã đáp:
- Ôi đó không phải là mối bận tâm lớn nhất của tôi. Tôi lưỡng lự không muốn rút đơn từ chức. Tôi thấy mình đã già trước mặt ngài rồi và vì tôi đã có những thói quen khó bỏ. Từ nay trở đi phải có những cận thần biết làm cho ngài vui, phải có những thằng điên biết liều mình vì những thứ ngài gọi là công trình vĩ đại. Vĩ đại thật đấy, tôi biết, nhưng ví như tôi không thấy nó là vĩ đại thì sao? Thưa ngài, tôi đã thấy chiến tranh, tôi đã thấy hoà bình, tôi đã phục vụ Richelieu và Mazarin, tôi lăn lộn với cha ngài trong lửa đạn ở La Rochelle, bị đạn xăm như cái rổ, làm lại da mới đến hơn mười lần như là lũ rắn. Sau những nhục nhằn và bất công, tôi được một chức chỉ huy, đối với ngày xưa thì cũng ra gì đấy vì có được quyền nói thẳng với vua. Nhưng người chưởng quan ngự lâm quân của ngài bây giờ sẽ chỉ là một sĩ quan giữ cửa nhà bếp thôi. Thực đấy, thưa ngài, nếu công việc của tôi từ nay chỉ là chừng ấy thì nhân lúc chúng ta còn thuận thảo ngài rút lại cho tôi nhờ. Ngài đừng nghĩ rằng tôi ấm ức trong lòng, không, ngài đã trị được tôi như ngài đã nói đấy, nhưng phải công nhận là khi trị được tôi ngài đã làm tôi kém cỏi đi, khi bắt tôi khom mình, ngài đã làm tôi yếu đi. Ngài nên biết rằng ngước dầu đi thẳng là tốt đẹp biết bao và bắt tôi ngửi bụi tấm thảm chân của ngài thật tội nghiệp quá chừng. Ôi, thưa ngài, tôi thành thật luyến tiếc và chắc ngài cũng biết như tôi cái ngày mà ông vua nước Pháp thấy trong phòng chờ có những nhà quý tộc ngạo mạn, gầy ốm, lúc nào cũng càu nhàu, rách rưới, tinh ranh, vừa mới ăn đòn chiến trận trở về. Những người ấy là cận thần tinh anh nhất dưới tay người nuôi dưỡng họ; họ biết lè lưỡi liếm người chủ, nhưng với bàn tay đập họ thì ôi, những vết cắn sẽ gọn gẽ làm sao? Một chút vàng trên lon áo, một chút bụng mỡ bên trong quấn ngắn, một chút màu xám trong mái tóc khô đó, thế là ngài sẽ thấy họ thành những hầu tước, công khanh đẹp đẽ, những thống chế oai hùng của nước Pháp. Nhưng nói như thế để làm gì? Hoàng thượng là chủ nhân của tôi, ngài bắt tôi phải làm thơ, ngài bắt tôi phải mang giầy lụa, chùi bóng nền tiền sảnh của ngài. Chán quá! khó thật, nhưng tôi đã từng làm những việc khó hơn nhiều. Tôi sẽ làm. Tại sao tôi sẽ làm! Vì tôi thích có tiền chăng? Tôi đã có rồi. Vì tôi tham vọng chăng? Chức phận tôi có hạn. Vì tôi yêu triều đình chăng? Không. Tôi ở lại vì tôi đã quen trong ba mươi năm đến chỗ vua lấy lệnh, được nghe nói với tôi "Chào ông d'Artagnan" với nụ cười tôi không phải ăn mày mới có nụ cười ấy, rồi tôi sẽ phải van xin mới có. Thưa Hoàng thượng, ngài bằng lòng rồi chứ?
Thế rồi d'Artagnan từ từ cúi khom cái đầu bạc xuống và nhà vua kiêu ngạo mỉm cười đặt bàn tay trắng trẻo lên đấy:
- Cám ơn, người giúp việc lâu năm của tôi, người bạn trung thành của tôi. Từ nay vì ta không còn có kẻ thù trên đất Pháp, ta phải gửi ông đi đến một chiến trường lạ để nhặt về cây gậy thống chế cho ông. Hãy tin vào ta để chờ dịp. Trong lúc chờ đợi cứ ăn thử bánh ngon của ta và ngủ thật yên.
D'Artagnan cảm động nói:
- Thật sớm. Nhưng các con người khốn khổ ở Belle-Isle thì sao? Nhất là một người ở đấy, thật tốt, thật dũng cảm.
- Có phải là ông xin ta tha cho họ không?
- Tôi lấy đầu tôi bảo lãnh.
- Thôi đi lãnh họ đi. Mai ta về Paris. Ông nên trở lại vì ta không muốn ông rời ta nữa.
- Xin ngài an lòng. - D'Artagnan nói và cúi xuống hôn tay Nhà vua.
Thế rồi ông vui mừng hớn hở phóng vụt ra khỏi lâu đài hướng về Belle-Isle.
Chương 52
Những người bạn của ông Fouquet
Nhà vua trở về Paris. D'Artagnan đi theo và sau một ngày thì nhận được mọi tin tức về Belle-Isle nhưng không biết được sự tình bí ẩn trong tảng đá nặng nề ở Locmaria là nấm mồ của Porthos anh hùng.
Người chưởng quan ngự lâm quân chỉ biết rằng hai con người dũng cảm ấy, hai người bạn mà ông đã tận lực bênh vực và đã tìm cách cứu mạng đó đã chống chọi được với cả một đạo quân mà chỉ ba người Breton trung thành phụ giúp. Ông cũng biết thêm rằng người ta có thấy từ xa một chiếc thuyền giữa biển và một con tàu Hoàng gia như con chim bé nhỏ khốn khổ đó khi nó đang sải cánh trốn chạy.
Nhưng đến đó là hết. Ngoài ra chỉ là chuyện phỏng đoán thôi.
Đó là những tin tức mơ hồ mà d'Artagnan đã báo cáo lại với Louis XIV khi Nhà vua trở lại Paris cùng với cả triều đình.
Vui mừng vì đã thành công, dịu dàng và khả ái hơn từ lúc thấy mình trở nên có quyền hành hơn, ông Louis đó không lúc nào ngưng lẩn quẩn bên cửa của Tiểu thư De La Vallière.
Louis XIV vừa thức dậy dùng bữa đầu tiên thì người chưởng quan ngự lâm đến trình diện. D'Artagnan mặt hơi xanh xao và có vẻ lúng túng.
Chỉ liếc mắt nhìn qua, nhà vua đã thấy có sự đổi khác trên khuôn mặt thường vui vẻ ấy. Ông hỏi:
- Có chuyện gì đấy. d'Artagnan?
- Thưa Hoàng thượng, tôi vừa gặp chuyện buồn lớn lao.
- Trời? Cái gì thế?
- Thưa ngài, tôi mất một người bạn thân, ông Du Vallon, trong biến cố ở Belle-Isle.
Trong khi nói, d'Artagnan liếc đôi mắt chim ưng của ông nhìn vào Louis XIV để đoán ngay ra những dấu hiệu phản ứng đầu tiên của Nhà vua, Loui XIV trả lời:
- Ta biết rồi.
D'Artagnan kêu lên:
- Ngài đã biết mà ngài không nói gì với tôi hết?
- Có ích gì đâu. Ông bạn ạ, nỗi đau khổ của ông thật đáng trân trọng. Cho nên ta phải tránh né đi, d'Artagnan ạ. Báo cho ông biết chuyện buồn làm cho ông đau khổ đó là tỏ ra thắng thế trước mặt ông đấy. Đúng, ta biết rằng ông Du Vallon đã bị chôn dưới các tảng đá ở Locmaria, ta biết rằng ông D'Herblay đã đoạt của ta với cả thủy thủ đoàn đi Bayonne. Nhưng ta muốn ông trực tiếp tìm hiểu các biến cố ấy để cho ông thấy rằng bạn bè của ta bao giờ cũng được ta vì nể và không cho ai động đến, và đối với ta, quyền lực và cương vị đòi hỏi mọi người phải biết hy sinh.
- Nhưng thưa Hoàng thượng, vì sao ngài biết?
- Thế còn ông, làm sao ông biết?
- Do bức thư này của Aramis bây giờ đã thoát vòng nguy hiểm, viết cho tôi từ Bayonne.
- Xem đây, - Nhà vua rút từ hộc cạnh chỗ d'Artagnan đứng dựa, lấy ra thư chép đúng thư của Aramis - Đây cũng là tờ thư giống như thế do Colbert chuyển cho ta tám giờ trước khi ông nhận thư ông. Ta chắc đã được phục vụ đúng mực đấy.
Người lính ngự lâm lẩm bẩm:
- Phải, Hoàng thượng đúng là con người độc nhất có số mệnh có thể thắng được số mệnh và sức mạnh của hai người bạn tốt Ngài đã sử dụng, nhưng chắc là không lạm dụng quyền lực đó phải không?
Nhà vua mỉm cười độ lượng:
- D'Artagnan ạ, ta có thể sai bắt ông D'Herblay ngay trên đất vua Tây Ban Nha và đem ông ấy về đây để xử tội. Phải công nhận là lúc đầu ta cũng có ý nghĩ như thế. Đó là lẽ thường thôi, d'Artagnan ạ, ông ấy bây giờ đã được tự do, hãy để cho ông ấy tiếp tục được tự do.
- A, Hoàng thượng sẽ không thể nào mãi mãi độ lượng cao cả, khoan hồng như thế đối với tôi và với cả D'Herblay vì ngài có nhưng cố vấn sẽ chữa cho ngài khỏi sự yếu lòng đó.
- Không d'Artagnan ạ, ông đã lầm khi ông cho rằng, nội các xui ta đi quá đà. Ý kiến khuyên ta nương tay với ông D'Herblay là của Colbert đấy!
- Ồ! - D'Artagnan kêu lên tiếng ngạc nhiên.
Nhà vua tiếp tục tỏ lòng nhân đức lạ thường.
- Còn về phần ông, ta có nhiều tin mừng báo cho ông nhưng thôi, ông chưởng quan thân mến ạ, đến lúc ta tính toán xong thì ông sẽ biết. Ta đã nói là muốn và sẽ đem lại sự nghiệp cho ông. Bây giờ nó đã thành hiện thực rồi đó.
- Muôn vàn cảm tạ Hoàng thượng. Trong khi tôi ngóng đợi. Xin Hoàng thượng lưu ý tới những con người khốn khổ từ lâu đã đứng ngoài tiền phòng mong được cầu xin ân huệ dưới chân ngài.
- Ai thế?
- Đó là những kẻ thù của Hoàng thượng.
Nhà vua ngẩng đầu lên. D'Artagnan vội tiếp.
- Những người bạn thân của ông Fouquet.
- Tên là gì?
- Ông Gourville, ông Pellisson và ông Jean De La Fontaine.
Nhà vua suy nghĩ một lúc:
- Họ muốn gì?
- Tôi không biết.
- Dáng họ thế nào?
- Như người đưa đám. Họ khóc lóc.
- Cho họ vào. - Nhà vua nhíu mày nói.
D'Artagnan quay người lại thật mau, giở tấm bình phong che cửa ngự phòng và kêu vọng sang phòng bên:
- Đem họ vào!
Tức khắc ba người d'Artagnan nói, xuất hiện nơi cửa phòng. Trên đường đi của họ, mọi người đều lặng ngắt. Những quan chức khi thấy các bạn hữu của viên tổng giám khốn khổ đến gần, liền lùi lại như sợ lây sự thất sủng và nỗi bất hạnh của họ.
D'Artagnan bước nhanh đến nắm tay những con người khốn khổ đó đang đứng lưỡng lự run rẩy trước cửa ngự phòng.
Ông dắt họ đến trước mặt Nhà vua, lúc này đã ngồi trên ghế, trước khung cửa sổ, và lấy vẻ mặt thật khôn khéo để tiếp đón những người đến cầu lụy.
Người bạn của Fouquet tiến lên trước là Pellisson. Ông ta không khóc nữa, nhưng nước mắt ông chỉ cạn là cốt để nói rõ lời khẩn cầu với Nhà vua thôi. Gourville cắn chặt môi ngưng khóc vì kính trọng Nhà vua. La Fontaine úp mặt vào chiếc khăn tay và như người chết rồi nếu người ta thỉnh thỏang không thấy hai vai ông giật lên vì tiếng nấc.
Nhà vua giữ thật đúng vẻ trịnh trọng, nét mặt không đổi sắc vẫn còn nhíu mày sau khi d'Artagnan báo cho ông biết sự có mặt của những kẻ thù. Ông làm một cử chỉ có nghĩa "Nói đi" rồi cứ đứng đấy, lạnh lùng nhìn vào ba con người tuyệt vọng.
Họ lại cứ nín lặng hồi lâu, chỉ có những tiếng thở dài, những tiếng rên đau khổ, điều này khiến cho Nhà vua không phải xúc động vì thương cảm là vì mất kiên nhẫn.
Ông cất tiếng nói cụt ngủn và khô khan:
- Ông Pelleson, ông Gourville và ông…
Louis XIV không gọi tên La Fontaine (Louis tỏ ý trọng nể văn sĩ La Fontaine).
- Tôi rất không bằng lòng khi thấy các ông đến để xin tha cho một tên trọng phạm đầu tiên mà ta bắt buộc phải trừng trị. Một vị vua chỉ xót thương khi thấy những giọt nước mắt của người vô tội và những lời hối lỗi của ông Fouquet cũng như những giọt nước mắt của các bạn ông ấy, bởi vì Fouquet thì hư hỏng đến tột độ còn các ông thì phải nên sợ là đã xúc phạm ta ở đây. Cho nên, ông Pellison, ông Gourville, ông, ông… Ta xin các ông chỉ nên nói lời nào chứng tỏ rõ ràng là phải tôn trọng ý muốn của ta.
Pellisson cất tiếng run rẩy trước những lời ghê gớm ấy:
- Thưa Hoàng thượng, chúng tôi đến đây là để bày tỏ tấm lòng thành kính sâu xa nhất, thành thật nhất của thần dân đối với ngài. Công lý của Hoàng thượng thật đáng sợ, mọi người ai cũng phải cúi đầu trước các lệnh truyền ra. Con người phải chịu cơn thịnh nộ của ngài, có thể là bạn của chúng tôi, nhưng lại là kẻ thù của Hoàng thượng. Chúng tôi rời bỏ hắn mà kêu khóc trước cơn thịnh nộ của Hoàng thượng.
Louis XIV dịu lòng trước giọng nói cầu khẩn, dễ tin đó, nên ngắt lời:
- Nghị viện ta còn xét xử nữa. Ta không bao giờ đánh đập mà không cân nhắc tội trạng. Công lý của ta có gươm bén nhưng cũng có cân công bình.
- Cho nên chúng tôi rất tin tưởng vào sự công bình của Hoàng thượng, và chúng tôi mong rằng khi chúng tôi xin được phép Hoàng thượng nghe những lời nói nhỏ bé của chúng tôi.
Nhà vua nghiêm giọng:
- Các ông muốn xin gì vậy?
Pellisson tiếp:
- Thưa Hoàng thượng, người bị tội có vợ và con. Chút của cải hắn có chỉ vừa đủ trả nợ nần, thế mà bà Fouquet từ lúc chồng bị bắt thì ai cũng xa lánh bỏ rơi bà. Bàn tay ngài đánh đập xin giống như tay Thượng đế. Khi Thượng đế ban lệnh cùi lở hay dịch hạch cho một gia đình thì ai cũng trốn chạy khỏi nơi đó. Thật là hiếm, nhưng đôi khi chỉ một người thầy thuốc rộng lượng bước đến ngưỡng cửa nhà đó, đi vào và hy sinh chống chọi với thần chết. Người ấy là hy vọng cuối cùng của kẻ đang đợi chết, là công cụ của lòng nhân từ trên cao. Thưa Hoàng thượng, chúng tôi chắp tay van xin ngài. Bà Fouquet không còn bạn bè, không còn người giúp đỡ, bà ta đang khóc trong căn nhà khốn khổ, vắng lặng nơi mà lúc chồng bà còn được ân sủng không biết bao người chen chúc chầu chực. Ít ra thì con người khốn khổ phải chịu cơn thịnh nộ của ngài, dù đáng tội đến đâu nữa, cũng có thể nhận được miếng bánh của ngài, để ăn với nước mắt. Còn bà Fouquet con người đã từng được hân hạnh đón mừng ngài trên bàn ăn; người vợ của viên cựu tổng giám tài chính của Hoàng thượng, bà Fouquet này không còn cả miếng bánh mà ăn!
Nhà vua mặt vẫn nghiêm trang, nhưng đôi gò má hơi đỏ và nét nhìn dần dần đã dịu lại. Ông run giọng hỏi:
- Các ông mong muốn những gì?
Pellisson càng nói càng xúc động:
- Chúng tôi đến xin Hoàng thượng cho phép chúng tôi cho bà Fouquet vay hai ngàn pistole mà khỏi bị liên lụy gì cả. Số tiền này là của các bạn bè xưa chung góp để cho người vợ goá khỏi thiếu thốn.
Nghe chữ người vợ goá của Pellisson trong lúc Fouquet còn sống, Louis XIV tái mặt đi. Sự kiêu hãnh của ông sụp đố xuống, lòng thương dâng lên từ trái tim lên đến môi. Ông thông cảm nhìn những con người đang quỳ lụy khóc lóc và nói:
- Thượng đế giận vì ta đã lẫn lộn người có tội với kẻ vô can. Nếu nghi ngờ lòng bác ái của ta đối với kẻ yếu là không biết ta. Ta chỉ đập những tên xấc xược thôi. Các ông cứ làm những gì trái tim các ông muốn bảo vệ để cứu giúp bà Fouquet. Thôi đi đi, các ông đi đi.
Chỉ còn một mình d'Artagnan. Ông bước lại phía ông hoàng trẻ đang nhìn ông, mắt dò hỏi:
- Tốt, tốt, ông chủ của tôi ạ. Nếu ngài không có cái châm ngôn vẽ trên mặt trời của ngài, thì tôi xin hiến một câu, khỏi cần để cho ông Colbert dịch ra tiếng La-tinh: "Nên nhẹ tay với kẻ yếu, cứng rắn với kẻ mạnh".
Nhà vua mỉm cười bước qua phòng bên sau khi nói với d'Artagnan:
- Ta cho ông nghỉ phép để lo thu xếp cho công việc của ông Du Vallon quá cố, bạn của ông đấy.
Chương 53
Bản chúc thư của Porthos
Không khí ở Pienefonds ngập một màu tang chế. Sân bãi vắng người, chuồng trại đóng kín, vườn cảnh hoang tàn. Các vòi nước ngày xưa phun toả rộng, loang loáng ồn ào nay đã ngưng bặt.
Trên các ngả đường quanh lâu đài, vài người nét mặt trầm ngâm cưỡi lừa, cưỡi ngựa quê, kéo nhau đi đến. Đó là những người láng giềng trong vùng quê, các ông giáo sĩ và các pháp quan ở đất bên cạnh.
Tất cả những người đó im lặng đi vào lâu đài, gửi ngựa lại cho một người vẻ mặt ảm đạm trông coi, và theo chân một người thợ săn mặc đồ đen đi về phía phòng hội có Mousqueton đứng ở bậc cửa tiếp khách.
Qua hai ngày, Mousqueton gầy đi, thấy rõ cả áo quần thùng thình như là bao gươm quá rộng để cho lưỡi dao bên trong tha hồi múa may quay cuồng. Gương mặt nổi mụn đỏ trắng của ông có hai dòng nước trắng chảy dài trên gò má ngày xưa thật đầy đặn mà từ lúc chịu tang đã thành nhão nhẹt.
Mỗi một người tới thăm, Mousqueton lại có dịp đổ hàng nước mắt mới, và thật thương tâm khi thấy ông lấy bàn tay to lớn chẹn lấy cổ họng để khỏi nấc lên thành tiếng.
Mọi người đến để nghe đọc bản di chúc của Porthos đã được rao là sẽ phổ biến ngày hôm nay. Người chết không có kẻ kế nghiệp nên đến tham dự là những tay thèm muốn của cải và các bạn bè thân hữu của ông. Họ lần lượt tìm chỗ ngồi và cửa phòng hội đóng lại lúc mười hai giờ trưa, giờ đọc di chúc.
Ông biện lý từ từ mở tấm giấy da ghi những ước muốn cuối cùng của Porthos do bàn tay to lớn của ông viết ra.
Nghe tiếng dấu khằn vỡ ra, lấy đôi mục kính đặt lên mắt và tiếp theo tiếng ho vang lên, mọi người đều vểnh tai chăm chú nghe. Mousqueton chúi vào một góc để ít nghe hơn và khóc nhiều hơn.
Thình lình, đôi cánh cửa phòng hội bỗng mở toang rồi bóng một người đàn ông hiện ra, lấp loáng trong ánh nắng mặt trời chói chang. Đó là d'Artagnan một mình đến tận cửa này, không thấy ai ra đón nên nhảy xuống cột ngựa và tự bước vào.
Ánh sáng tràn ngập phòng và tiếng rì rầm của người tham dự nổi lên và nhất là tiếng sủa mừng của con chó trung thành khiến Mousqueton bị lôi ra khỏi cơn mê. Ông ta ngửng đầu lên, nhận ra người bạn cũ của chủ nên bước đến ôm ông mà nước mắt lã chã rơi trên nền gạch.
D'Artagnan nâng người quản gia khốn khổ lên, ôm hôn như với một người anh em, rồi trịnh trọng chào đám đông nghiêng mình chào lại và thì thầm nhắc tên ông. Ông đến tận cuối chiếc ghế có chạm khắc, ngồi xuống đấy, tay vẫn nắm lấy bàn tay Mousquelon rũ rượi buông mình trên bậc cấp.
Thế rồi ông biện lý lên tiếng đọc.
Sau một đoạn nhắc nhở đạo lý. Porthos xin kẻ thù tha lỗi cho ông đã gây cho họ.
Nghe đoạn văn ấy, mắt d'Artagnan thoáng hiện lên một niềm kiêu hãnh khó diễn tả rồi. Ông nhớ lại người lính già kia.
Ông tính phỏng ra những kẻ thù bị dập nát clưới cánh tay oai hùng Porthos và nghĩ thầm rằng ông bạn đó thật khôn ngoan khi không chịu kể ra chi tiết về những kẻ thù đó hay về những lỗi lầm ông đã gây ra cho họ, khiến độc giả muốn tìm hiểu thật là khó khăn. Thế rồi đến bảng liệt kê sau đây:
"Nhờ Thượng đế, đến bây giờ tôi có được.
1. Lãnh địa Pierrefonds gồm đất đai, rừng rú, đồng cỏ, sông ngòi, có tường thành chắc chắn cây quanh;
2. Lãnh địa Bracieux gồm lâu đài, rừng, đất canh tác tập trung nơi ba nông trại;
3. Khoảnh đất nhỏ Vallon, được gọi như thế vì ở trong một tiểu thung lũng.
4. Năm mươi miếng đất cho mướn trong vùng Touraine, diện tích được 500 mẫu;
5. Ba nhà cối xay trên sông Cher, mỗi nhà thu hoạch được 600 dồng louis;
6. Ba cái ao trên sông đào Berri, lợi tức mỗi cái 300 louis;
Còn về phần các động sản, theo như lời chỉ dẫn của người bạn bác học của tôi, giám mục Vannes, giải thích tên gọi đó là do chúng không cử động được.
D'Artagnan rùng mình khi nhắc đến tên Aramis. Ông biện lý vẫn tiếp tục đọc:
"Chúng gồm có:
1. Những đồ đạc tôi không kẻ tên ra vì không có chỗ vì chúng đặt trong các lâu đài, nhà cửa của tôi có danh sách do người quản gia lập ra".
Mọi người quay lại nhìn Mousqueton đang chìm đắm trong đau thương.
2. Hai chục ngựa cưỡi và ngựa kéo nhất riêng trong lâu đài tôi ở Pierrefonds có tên là: Bayard, Rolaud, Charlemagne, Pépin, Dimois, La Hire, Ogier, Samson, Milon, Nemrod, Urgande, Armide, Falstrade, Dahla, R'becca, Yolande, Finnette, Grisette, Lisette và Musette (1)
Tới đây thì người đọc phải ngừng lại một lúc để lấy hơi. Ai nấy đều thở ra, ho hen và chú ý gấp bội. Ông biện lý đọc tiếp:
"Tôi không có con và có lẽ không bao giờ có, thật là điều day dứt lớn nhất của tôi. Nhưng mà tôi lầm rồi, tôi có một người con chung với các bạn tôi. Đó là ông Raoul Auguste Jules De Bragelonne, con chính của Bá tước De La Fère.
Tôi thấy nhà quý tộc này xứng đáng được làm người kế nghiệp cho ba nhà quý tộc bạn của tôi, những người tôi cúc cung phục vụ".
Đến đây, có tiếng động rổn rang nổi lên. Đó là tiếng vang của thanh gươm của d'Artagnan rút ra rơi xuống nền gỗ.
Ai nấy đều quay lại nhìn và thấy dòng nước mắt tràn trề từ đôi mi dầy của d'Artagnan lăn xuống chiếc mũi thẳng lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Người biện lý đọc tiếp:
"Cho nên, tôi để lại tất cả tài sản, động sản, bất động sản ghi trong danh sách trên cho ông Tử tước De Bregelonne con ông Bá tước De La Fère để an ủi nỗi buồn của ông ấy, chắc là có và để có phương tiện làm sáng danh ông".
"Với điều kiện ông Từ tước De Bregelonne phải nhận là sẽ trích chu cấp cho Hiệp sĩ D'Herblay, bạn tôi, nếu ông ta cẩn trong cuộc sống lưu đày.
"Với điều kiện ông Tử tước De Bregelonne phải nhận nuôi dưỡng những người giúp việc đã làm trong nhà tôi mười năm và cho những người khác mỗi người 500 quan.
"Tôi để lại cho người quản gia Mousqueton của tôi tất cả áo quần dạo phố, quân phục, mục phục, gồm bốn mươi bảy bộ với tin tưởng rằng ông ta sẽ mặc đến mòn rách để yêu thương và nhớ tiếc tôi.
"Thêm nĩra, tôi nhường cho Tử tước De Bregelonne ông Mousqueton đã nói trên, người giúp việc già và là bạn trung thành của tôi với điều kiện Tử tước De Bregelonne phải nhận là hành động thế nào cho đến khi ông Mollsqueton chết đi lúc nào cĩng thấy được sung sướng".
Mousqueton cúi đầu chào khi nghe những lời này; đôi vai rộng run bần bật, đôi tay lạnh giá của ông buông xuống khỏi mặt và người trong phòng trông thấy ông bước chập choạng ngập ngừng như muốn tìm hướng ra khỏi phòng. D'Artagnan nói:
- Ông bạn Mousqueton thân mến, ra ngoài này đi, hãy sửa soạn đồ đạc, ta sẽ đưa ông đến Athos, trên đường từ Pierrefonds về tôi sẽ phải ghé vào đấy.
Mousqueton không nói một lời, chỉ thở nhè nhẹ, coi như cả phòng không có gì đáng phải chú ý hết. Ông mở cửa bước ra và đi mất.
Ông biện lý đọc xong tờ di chúc, sau đó phần lớn những ông đến để nghe ý muốn cuối cùng của Porthos đều ra về, tâm trí thất vọng nhưng đầy lòng kính nể.
D'Artagnan ngồi một mình sau khi được ông biện lý đến chào thật long trọng, liền nghĩ đến người để lại di chúc thật đủ trí tuệ, khôn ngoan nên mới chia gia tài thật công bình cho những người xứng đáng được hưởng, cho những người cần thiết, với sự tế nhị mà không có kẻ quyền thế tinh anh nào, không có con người tốt đẹp nào có thể vượt hơn.
Thật thế, Porthos đã ghi điều khoản buộc Raoul De Bregelonne phải đưa ông d'Artagnan những gì ông đòi hỏi.
Nhưng chàng Porthos đáng kính hiểu rất rõ rằng d'Artagnan sẽ không đòi hỏi gì hết, mà một khi ông đòi hỏi thì không một ai, trừ ông, có thể từ chối được.
Porthos để lại một số tiền trợ cấp giúp cho Aramis, nhưng ông này dù có muốn nhiều cũng nhìn vào d'Artagnan mà chùn tay lại. Còn về chữ lưu đày thì người trối lại nói một cách có vẻ không cố ý, nhưng sao không thấy đó là lời chỉ trích dịu dàng nhất, tinh tế nhất về hành vi của Aramis đã dẫn đến cái chết của Porthos?
Cuối cùng ông không nói gì đến Athos, nhưng Athos chẳng lẽ nghi ngờ rằng người con lại không để phần lớn cho cha mình sao? Tâm trí Porthos chất phác vẫn suy nghĩ được đến mọi lý do, vẫn nắm được những điều tế nhị, hơn cả những gì được đề cập trong luật pháp, trong thói quen, trong sở thích hàng ngày.
D'Artagnan thở dài nghĩ thầm: "Porthos thật là cả một tấm lòng". Và ông nghe hình như có tiếng rền rĩ ở tầng trên. Ông nghĩ ngay đến Mousqueton, con người khốn khổ đang cần được an ủi. Cho nên d'Artagnan vội bước ra đi tìm người quản gia vì thấy ông ta chưa trở lại.
Ông bước lên thang gác vào phòng Porthos trên tầng một và thấy một đống áo quần trang phục đủ màu sắc đủ thử loại được xếp kỹ lưỡng có Mousqueton nằm dài trên ấy. Đây là phần chia của người bạn trung thành, phần chia thật xứng đáng và thật đúng người được hưởng. Bàn tay Mousqueton giơ lên ôm lấy đặt lên môi hôn, trùm lên mặt, lên toàn thân duỗi dài ra.
D'Artagnan bước gần lại để tìm lời an ủi. Ông giật mình:
- Trời à! Ông ta không cử động nữa, chắc ngất đi rồi!
Nhưng d'Artagnan lầm. Mousqueton đã không còn hơi thở.
Chú thích:
(1) Tên các con ngựa đặt theo các hoàng đế, danh tướng, nhân vật thần thoại và các danh sĩ, giai nhân
Chương 54
Tuổi già của Arthos
Trong khi các biến cố đó đã làm chia lìa vĩnh viễn bốn người ngự lâm ngày xưa không bao giờ rời nhau, thì Athos cô đơn sau lúc con ra đi, đã bắt đầu phải trả nợ cho cái chết được báo trước vì lẽ những người thân đã đi xa.
Khi trở về căn nhà ở Blois vắng cả nụ cười héo hắt của Grimaud, mỗi khi bước ra vườn hoa, Athos cảm thấy càng ngày càng suy nhược trong thân xác mạnh mẽ từ lâu tưởng không có gì làm sa sút được.
Trước những đồ vật thân yêu, và với những đau khổ, những sự bối rối lớn dần vì chờ đợi mỏi mòn ông cảm thấy tuổi già đến thật mau. Athos không còn người con ở đây nữa để tập đi cho thẳng, để ngẩng đầu lên, làm gương cho con. Ông không còn thấy đôi mắt sáng của người trẻ tuổi để thấy được cái nhìn rực lửa của mình được nối tiếp, hồi sinh. Con người này vốn bản chất ưa dịu dàng, dè dặt đến mức độ thuần nhã nay vì không có gì để kìm hãm nên tuôn đổ vào nỗi buồn như những con người tầm thường lăn vào sự vui chơi thỏa thích.
Bá tước De La Fère vẫn còn trẻ trung đến năm sáu mươi hai tuổi, con người thừa sức lực chiến đấn dù bao nhiêu cực nhọc - con người vẫn giữ được sự tươi mát của tâm hồn dù gặp nhiều gian khổ, còn giữ được thể xác tinh thần trong sáng dù đã gặp gỡ Mazarin, La Vallière - Athos, con người đó mới tám ngày đã trở thành một ông già khi ông mất sự nương cậy vào tuổi trẻ sau lưng.
Từ lúc Raoul không còn ở đây nữa, ông quên hết những thói quen cứng cỏi học được trong cuộc sống. Những người giúp việc quen thấy ông ngày nào cũng dậy từ sáng sớm, nay phải ngạc nhiên vì đã bảy giờ mà chủ nhân chưa ra khỏi giường.
Athos vẫn nằm đấy, đầu gối trên sách, nằm nhưng không ngủ và không đọc. Nằm chỉ để khỏi nâng tấm thân nặng nề lên, để tinh thần và trí tuệ thoát khỏi xác phàm, bay đến nơi con ông ở hay lên tận trời cao.
Đôi khi người ta sợ hãi thấy cả hàng giờ ông chìm đắm trong cơn mơ mộng, không nói không rằng, như không hề có cảm giác. Ông không còn nghe được cả tiếng chân bước nhẹ của người háu phòng đến dò xem chủ nhân ngủ hay thức. Có khi ông quên bẵng rằng đã nửa ngày trôi qua và hai bữa ăn chưa vào bụng. Khi có người đánh thức, ông ngồi dậy đi xuống con đường buồn thảm rồi quay lại phơi nắng một chút như là để chia xẻ chút hơi ấm với người con vắng mặt. Tiếp theo là cuộc đi dạo âm thầm, không sinh khí cho đến khi ông mệt mỏi trở về căn phòng, chiếc giường, nơi trú ẩn ưa thích.
Nhiều ngày, Bá tước không nói một câu. Ông từ chối tiếp khách và hàng giờ trong đêm, ông thắp đèn lên viết hay lật các giấy tờ. Athos viết thư đến Vannes cho Aramis, đến Fontainebleau mà không thấy hồi âm. Thật dễ hiểu, Aramis đã rời Pháp, d'Artagnan thì đi từ Nantes đến Paris rồi từ Paris đến Pierrefonds.
Người hầu phòng nhận thấy mỗi ngày ông đi dạo ít đi mấy vòng. Con đường dương liễu trở nên quá dài đối với đôi chân ngày xưa từng vượt cả ngàn dặm mỗi ngày. Người ta thấy vị Bá tước nặng nề đi vào khóm cây ở giữa đường rồi ngồi trên mớ rong rêu đóng tảng, đợi khi hồi sức hay khi đêm về.
Chẳng mấy lúc, việc đi một trăm bước làm ông kiệt lực, Athos không muốn ngồi dậy nữa. Ông không ăn gì hết và dù ông không phàn nàn - vẫn luôn luôn có nụ cười trên môi, vẫn một giọng dịu dàng - nhưng những người chung quanh vẫn hoảng hốt cho người đi Blois rước người thầy thuốc của cố
Hoàng thân về chỗ Bá tước De La Fère. Người ta dặn ông đừng để Bá tước thấy vì sợ chủ nhân rầy la sao lại đi mời thầy thuốc trong khi ông không bảo.
Vị bác sĩ nhận lời, đứng nấp kín theo dõi dáng dấp của căn bệnh lạ kỳ gặm nhấm từng ngày một đến chết con người ngày xưa đầy sức sống, đầy lòng ham sống đó. Ông chú ý thấy trên gò má của Athos dấu đỏ bừng của cơn sốt chầm chậm, tàn nhẫn, phát sinh từ một góc kín của tâm hồn, nấp sau bức tường thành đó rồi lớn dần từ nỗi niềm đau khổ vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của một hoàn cảnh nguy cấp.
Vị bác sĩ bỏ nhiều giờ để xem cuộc vận động đau thương giữa ý chí với một sức mạnh cao hơn nó. Ông hoảng hốt nhận ra đôi mắt luôn luôn gắn chặt vào một điểm dừng vô hình nào đó.
Ông hoảng hốt thấy nhịp đập đều đều của trái tim không toát ra một tiếng thở dài nào. Đôi khi thấy sự tinh anh nhạy cảm của cơn đau buồn, vị bác sĩ lại nổi lên hy vọng. Ông chờ nửa ngày qua rồi cứng rắn quyết định. Ông vụt rời bỏ chỗ nấp đi thẳng đến chỗ Athos. Thấy Athos không ngạc nhiên chút nào vì sự có mặt của mình, vị bác sĩ dang hai tay ra nói:
- Ngài Bá tước, xin lỗi, tôi phải trách ngài một điều ngài nghe tôi không?
Rồi ông ngồi dưới chân giường Athos. Bá tước thật khó nhọc mới thoát ra được sự trầm tư của mình và nói sau một lúc im lặng:
- Có gì thế, bác sĩ?
- Có chuyện là ngài bị bệnh mà không chịu cho chữa.
Athos mỉm cười:
- Tôi bệnh à?
- Sốt, kiệt sức, yếu người, tàn tạ dần. Bá tước ạ.
Athos trả lời:
- Yếu à? Sao thế được? Tôi không vậy đâu!
- Ồ, ngài Bá tước, chớ gạt tôi! Ngài là người tín đồ thuần thành mà.
- Phải, chắc thế.
- Ngài định tự sát sao?
- Không bao giờ, bác sĩ ạ.
- Thế thì, xin báo rằng ngài đang chết đấy: cứ như thế này là tự tử Ngài Bá tước ơi, hãy chữa bệnh đi!
- Chữa cái gì? Phải cho biết bệnh đã chứ. Tôi thì tôi thấy không có lúc nào bầu trời đẹp hơn lúc này, không lúc nào tôi thấy yêu mến hoa cảnh hơn lúc này.
- Ngài có một nỗi buồn giấu kín.
- Sao lại giấu kín? Bác sĩ ạ, tôi thấy vắng con tôi, nỗi đau tất cả là chỗ đó, tôi có giấu giếm gì đâu?
- Thưa Bá tước, con ngài đang sống, mạnh khỏe và có đủ tương lai trước mắt xứng với con người như thế. Xin ngài hãy sống vì anh ta.
- Nhưng, tôi vẫn sống đấy chứ, bác sĩ? - Rồi ông mỉm cười buồn bã và nói tiếp - Chừng nào Raoul còn sống thì tôi còn sống.
- Ông nói gì thế?
- Chuyện thường đấy thôi bạn ạ. Hiện giờ tôi treo cuộc đời lửng lơ, Bác sĩ không thể bắt cái đèn phải cháy trong khi chưa có lửa châm vào, bác sĩ đừng bảo tôi sống với tiếng động và ánh sáng. Tôi đang sống ngầm, tôi đang đợi đây. Bác sĩ hãy nhớ đến những người lính đã bao lần bác sĩ thấy họ trên các bến cảng chờ lên tàu. Họ nằm dài ra đấy, dửng dưng, nửa ở đây, nửa ở nơi khác, không phải ở nơi họ chờ đưa đi biển mà cũng không ở nơi đất sẽ chôn vùi họ. Hành lý của họ đã sắp sẵn, tinh thần căng thẳng, mắt nhìn đăm đăm, họ cứ ở trạng thái chờ đợi như thế đấy Tôi cũng nằm dài như những người lính đó, lắng nghe mọi tiếng động đưa đến, và sẵn sàng ra đi khi bắt được tiếng kêu gọi đầu tiên. Ai sẽ đưa ra lời kêu gọi ấy? Cái sống hay thần chết? Thượng đế hay Raoul? Hành lý tôi đã chuẩn bị rồi, tinh thần tôi đã sẵn sàng, tôi đang chờ hiệu lệnh. Tôi đang đợi bác sĩ ạ, tôi đang đợi đây.
Vị bác sĩ hiểu rõ sự kiên quyết trong con người này, nên ông suy nghĩ một lúc rồi biết rằng nói lời nào cũng vô ích, thuốc nào cũng không chữa được, ông ra về sau khi bảo các người giúp việc không nên rời Athos một phút nào cả.
Athos không nổi giận cũng không ghét bỏ vì bị quấy rầy.
Ông trở nên ít ngủ. Càng suy tư, Athos càng quên mình thêm một vài giờ trong cơn mơ mộng mỗi lúc một đắm chìm, mỗi lúc một đen tối hơn cả mức độ mà người thường gọi là cơn mê.
Trong chuyến du hành của lý trí đó, Athos như có đến hai cuộc sống. Một đêm kia, ông mơ thấy Raoul đang ở trong một căn lều, sửa soạn đi theo chuyến hành quân do chính ông De Beaufort chỉ huy. Người thanh niên có nét buồn, rất chậm chạp khi mặc bộ áo giáp và đeo gươm. Người cha âu yếm hỏi:
- Có gì đấy, con?
Raoul trả lời:
- Con buồn vì người bạn thân nhất của chúng ta Porthos đã chết rồi. Ở đây, con đau vì nỗi đau của cha ở nơi kia khi phải nghe tin đó.
Rồi bóng ma biến mất khi Athos thiếp đi.
Lúc trời vừa sáng, một người hầu bước vào đưa cho ông một bức thư viết từ Tây Ban Nha, Bá tước thì thầm: "Chữ viết của Aramis".
Rồi ông đọc. Mới vào dòng dầu, ông đã kêu lên:
- Porthos chết rồi! Ôi Raoul, Raoul, Raoul, con đã giữ lời hứa với ta, con đã báo cho ta biết tin!
Rồi thân mình toát đầy mồ hôi, Athos ngất đi trên giường vì kiệt sức!
Nguồn: http://vnthuquan.net/