26/3/13

Cái chết của ba người lính ngự lâm (LGT+C1-3)

Lời giới thiệu



Alexandre Dumas-Cha và cái chết của Ba người lính ngự lâm
Độc giả Pháp có câu đùa. "Ba chàng ngự lâm… mà là bốn" vì bốn nhân vật trong Ba chàng ngự lâm pháo thủ là Aramis, Athos, Porthos và d'Artagnan đều là lính ngự lâm, có điều d'Artagnan về sau mới gia nhập vào bộ ba có trước. Ở hai bộ truyện tiếp theo: Hai mươi năm sau. Tử tước de Bragelonne. Cái chết của ba người lính ngư lâm cùng bốn nhân vật ấy tung hoành trên nước Pháp lan qua nước Anh) của thế kỷ XVII và được độc giả mến mộ không khác gì thời họ còn trai trẻ. A. Dulmas được các nhà phê bình văn học lưu tâm đến các kịch bảnm còn người bình thường lại hoan nghênh các tiểu thuyết lịch sử của ông, loại "làm vui cho số đông". Người ta vẫn còn nhớ câu trả lời lý thú của ông để đối lại câu trách: A. Dumas đã đẻ ra những đứa con hoang khoẻ mạnh hơn đứa con thực của lịch sử:
"Lịch sử là gì? Đó chỉ là cái đinh để tôi treo các bức họa của tôi thôi".
Cho nên ta cũng lại gặp trong Hai mươi năm sau bốn chàng lính ngự lâm được tác giả cho tiếp tục tham dự vào biến cố ở nước Pháp dưới thời Nhiếp chính với Hoàng thái hậu Anne d'Autriche, Tể tướng Hồng y Mazarin, và thời thành lập nền cộng hòa ở Anh.
Ở Pháp, Louis XIV còn nhỏ. Tể tướng Mazarin phải đương đầu với Nghị viện và các ông hoàng dấy động loạn là Fronde (1648-1953) thco chiều hướng lịch sử thời đại là sự tập trung vào vương quyền sẽ lên đến cao độ khi Louis XIV thực sự nắm chính quyền. Ở Anh, Olivier Cromwell đánh tan quân của nhà vua Charles I và bắt ông đem xử tử. Trên tất cả những biến cố làm nền dó, A. Dumas cho bốn chàng ngự lâm quân cũ của chúng ta tang hoành. D'Artagnan vẫn là ngự lâm quân, Porthos đã là bá tước du Vallon, Arthos – bá tước de la Fère, Aramis làm giám mục, hai người đầu phục vụ Mazarin, hai người sau giúp loạn quân cầm đầu bởi giáo chủ de Retz, công tước de Beaufort, phu nhân Longlleville. Thế mà tình bạn không sứt mẻ, bốn người gặp nhau ở nước Anh cứu Charles I không được lại có dịp thanh toán một kẻ cựu thù, con của Milady bị giết trong "Ba người lính ngự lâm".
Ở Cái chết của ba người lính ngự lâm ta gặp nước Pháp với Louis XIV thời thanh niên, Hồng y Mazarin, các ông Fouquet, Cobert, ta gặp khung cảnh cllính trị nước Anh có thể gọi là thời hậu: Cromwell, và d'Artagnan, Arthos được tác giả cho đóng vai trò quyết định trong hậu trường để Charles II trở lại ngôi vua nước Anh, Aramis chen vào chuyện nội cung, triều đình, bắt Louis XIV bỏ vào ngục Bastille kinh khiếp.
Trong "Cái chết của ba người lính ngự lâm" các ông vua cao vòi vọi trở thành những người tầm thường, bất lực, kêu khóc, ông Hồng y Mazarin vẫn bủn xỉn, keo kiệt đến tức cười - hơn cả sự thật. Ngôi giáo hoàng tôn kính đối với các tín đồ là thế mà có một anh cựu ngự lâm quân sau khi chui vào hàng ngũ làm giám mục, liền bày ra một âm mưu chính trị để toan tính cướp về mình.
Đọc "Cái chết của ba người lính ngự lâm" - cũng như các tiểu thuyết lịch sử khác của A. Dumas, chúng ta bị cuốn hút theo câu chuyện với những màn đối thoại hênh hoang một cách dễ dung thứ, dáng tinh ranh thật ý nhị, với những tình tiết có vẻ vô lí mà không xa sự thực từ những con người ở địa vị thấp mà tầm vóc cao, tất cả khiến chúng ta như đang bước trên đường lịch sử có bạn đường là ông A. Dumas sức khoẻ tràn trề, tâm tính xuề xòa vui vẻ đã làm vui hàng triệu người trên thế giới cả gần một thế kỷ rưỡi nay.


Chương 1.

Người đưa tin


Giữa tháng tư năm 1660, vào lúc chín giờ sáng, khi mặt trời đã đủ ấm để làm khô những giọt sương trên các cây đinh hương và tại lâu đài thành Blois, một đoàn kỵ sĩ gồm ba người cùng hai người hầu tiến lên cây cầu dẫn vào thành phố mà không gây một sự chú ý nào cho những người đang dạo mát, ngoại trừ động tác đầu tiên là giơ tay lên đầu chào và động tác thứ hai là uốn lưỡi để diễn tả bằng giọng văn trong sáng nhất nước Pháp:
"Đó là Đức ông đi săn về".
Có vậy thôi.
Tuy nhiên khi đoàn người ngựa leo lên con dốc dẫn từ bờ sông vào lâu đài thì một vài gã bán hàng mập ú mon men tiến lại gần con ngựa đi cuối có treo lủng lẳng nhiều loại chim trên cốt yên.
Thấy kết quả chuyến đi săn nghèo nàn như vậy, các gã hiếu kỳ tỏ ra khinh khi, và sau khi bàn tán hồi lâu về sự bất lợi của việc săn chim, ai nấy lại quay trở về với công việc của mình. Chỉ còn một gã có thân hình béo tròn với cặp má phúng phính, tính tình vui vẻ là còn thắc mắc tại sao Đức ông có nhiều lợi tức, do đó không thiếu gì cách vui chơi lại đi chọn cái trò giải trí thảm hại này.
Có người đã trả lời hắn:
- Ủa, bộ mày không biết trò giải trí chính của Đức ông là sự ưu phiền sao?
Gã mập ú nhún vai, vẻ dứt khoát.
- Nếu vậy thì thà tớ làm Jean phì lũ còn hơn làm ông Hoàng.
Rồi mọi người lại tiếp tục công việc. Còn Đức ông thì tiếp tục đoạn cuối cuộc hành trình với vẻ mặt vừa buồn rười rượi vừa oai nghi. Chắc sẽ có người ngắm nhìn ngài một cách thán phục, - nếu có khán giả. Nhưng các trưởng giả thành Blois đã không tha thứ cho Đức ông cái tội đã chọn thành phố tươi vui của họ để mặc sức ưu phiền. Cho nên, mỗi khi phải trông thấy con người vừa oai nghiêm vừa u sầu đó, họ quay mặt đi chỗ khác hoặc thụt đầu vào trong để tránh bị ảnh hưởng bởi vẻ buồn ngủ của khuôn mặt dài tái xanh, của đôi mắt lúc nào cũng đẫm ướt và của cả cái dáng dấp uể oải chán chường. Thành thử, ông hoàng đáng kính của chúng ta mỗi khi phi ngựa tới đâu đều cũng chỉ thấy toàn đường phố vắng ngắt.
Như vậy là dân thành Blois quả có tội bởi vì, sau Đức vua, và có khi trên cả vua nữa là đằng khác, Đức ông là một nhà quý tộc lớn nhất trong triều.
Thật vậy, nếu Thượng đế đã cho Louis XIV - đang trị vì - cái diễm phúc được là con của Louis XIII thì ngài cũng ban cho Đức ông cái vinh hạnh được nhận Henri IV là cha.
Thành thử, dân chúng ở đây ít ra cũng phải coi là có được một vinh dự không nhỏ khi Gaston d'Orléans - Tôn Đức ông. (Đoạn tiếp theo ám chỉ các biến cố xảy ra về trước) tập hợp đám tuỳ tùng của ông trong toà lâu đài. "Các đẳng cấp" cổ kính nơi thành phố Blois này. Nhưng cái nghiệp của ông hoàng vĩ đại này là không hấp dẫn được quần chúng. Cho nên Đức ông lâu dần cũng thành quen!
Có lẽ vì thế mà ngài ưu phiền một cách trầm lặng. Cuộc đời Đức ông rất bận rộn. Chẳng ai chịu để hàng chục người bạn thân nhất của mình bị cứa cổ mà không thấy lo âu chút nào! Mà Mazarin khi nắm quyền bính trong tay thì chẳng thích cắt đầu ai cả. Vì thế Đức ông không còn bận rộn nữa và tinh thần của ngài cũng chịu ảnh hưởng lây.
Vậy nên cuộc sống của vị hoàng thân khốn khổ này thật là đáng buồn. Sau cuộc săn nhỏ vào buổi sáng bên bờ sông Beuvron (Bơ-vrông) hoặc trong rừng Chiverny , Đức ông vượt sông Loire, đến dùng cơm trưa tại Chamberd , bữa ngon bữa không, và cả thành Blois sẽ không còn nghe nhắc nhở gì đến vị thủ lãnh của mình nữa cho đến buổi săn bắn sau.
Đó là những ưu phiền phơi bên ngoài, còn những nỗi buồn sâu kín chúng tôi sẽ cống hiến cho độc giả nếu quý vị chịu khó cùng với chúng tôi theo đoàn người ngựa tiến đến chiếc cổng uy nghiêm của lâu đài "Các đẳng cấp".
Đức ông cưỡi một con ngựa vóc dáng bé nhỏ, ngồi trên chiếc yên rộng bọc bằng nhung đỏ xứ Flandre có bàn đạp giống như một chiếc hia. Con ngựa màu hung hung; bộ quần áo bó chẽn bằng nhung đỏ thẫm, hoà lẫn với chiếc khăn choàng cùng một màu với những thứ trang bị trên con ngựa, và nhờ toàn bộ cái gì cũng đỏ này mà người la có thể phân biệt được Đức ông với hai bạn đồng hành của Ngài, một người thì toàn tím trong khi người kia toàn lục. Người phi ngựa bên trái ăn vận màu tím là người hầu ngựa, bên phải có người vận màu lục coi bầy chó săn.
Một người hầu mang theo đôi chim ưng đong đưa trên cái đu người kia cầm chiếc còi săn, phùng má thổi một cách uể oải rời rạc khi đoàn kỵ sĩ chỉ còn cách toà lâu đài vài chục bước.
Mọi kẻ bao quanh ông hoàng uể oải này đều uể oải làm những gì cần phải làm.
Sau hiệu còi, tám gã lính gác cổng đang rong chơi trên chiếc sân vuông vức của toà lâu đài vội chạy đi tìm vũ khí. Thế là Đức ông oai vệ tiến vào toà lâu đài.
Khung cảnh thật vắng vẻ.
Đức ông lặng lẽ nhảy xuống ngựa, rảo bước vào phòng để người hầu thay quần áo; và vì Bà lớn chưa ra hiệu ăn trưa nên ngài nằm duỗi dài trên ghế đánh một giấc ngon lành như giấc ngủ buổi tối vậy.
Còn tám gã lính hầu thì hiểu rằng nhiệm vụ trong ngày của chúng đến đây là chấm dứt, chúng bèn rủ nhau nằm ườn trên ghế đá dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. Gã mã phu (người trông nom, chăm sóc ngựa) dẫn đoàn ngựa vào trong truồng và ngoại trừ mấy chú chim đang chíu chít chòng ghẹo nhau trong các bụi cây đinh tử hoa, người ta có cảm tưởng như vạn vật đều ngủ say như Đức ông vậy.
Khi hồi chuông rung báo hiệu Bà lớn đã trang điểm xong và đang chờ Đức ông cùng bước vào phòng ăn thì có tiếng vó câu lộp cộp trước cổng vào.
Kìa! Một chàng kỵ sĩ điển trai.
Đó là một trang thanh niên trông khoảng tuổi hai mươi bốn, hai mươi lăm, thân hình dong dỏng, cường tráng, khoác trên mình bộ quân phục đẹp đẽ của thời đó. Bằng đôi tay thon chàng kềm ngựa dừng giữa sân rộng, tháo chiếc mũ lông dài che gương mặt vừa cương nghị vừa ngây thơ của chàng.
Tiếng ngựa làm bọn lính choàng tỉnh và mau lẹ đứng lên.
Chàng trai trẻ chờ cho tên lính gác lại gần mới nghiêng mình nói bằng giọng trong trẻo và rõ ràng khiến hai cô gái trẻ đẹp núp sau cánh cửa nghe rõ mồn một.
- Có tin cho Điện hạ.
- À ra thế? - người lính gác kêu lên - Ngài sĩ quan đâu rồi? Có người đưa tin!
Những gã lính này thừa biết sẽ chẳng có ngài sĩ quan nào ra cả vì viên sĩ quan duy nhất đang ở mãi cuối toà lâu đài, trong một căn phòng nhỏ giữa vườn hoa.
Bởi vậy gã vội vàng tiếp:
- Thưa ngài, viên sĩ quan đang đi tuần tra; nhưng chúng tôi sẽ báo cáo cho ngài quản gia De Saint Remy (De Xanh Rơ-mi) hay.
- ông De Saint Remy à! - Người kỵ sĩ đỏ mặt lẩm bẩm nhắc lại.
- Ngài có quen biết ông ta?
- Vâng, xin nhờ anh báo cho ông ta biết là tôi muốn gặp Điện hạ gấp.
- Việc có gấp gáp lắm không?- Gã lính gác lẩm bẩm như muốn nói với chính mình nhưng lại mong đợi câu trả lời của người đối diện.
Người đưa tin gật đầu. Gã lính lại nói:
- Trong trường hợp này thì chính tôi sẽ đi kiếm ngài quản gia.
Chàng trai nhảy xuống ngựa và trong khi đám lính đang tò mò ngắm nghía từng cử động của con ngựa đẹp đẽ đã mang chàng tới thì gã lính ban nãy đã quay lại nói:
- Xin lỗi tôi chưa biết quý danh?
- Tử tước Bragelonne đến đây theo lệnh của Hoàng thân De Condé.
Gã lính vái dài và như thể tên người chiến thắng trận Rocroi và Lenz làm cho gã mọc thêm cánh, gã chạy như bay qua các bậc thềm.
Tử tước De Bragelonne chưa kịp cột ngựa vào khung sắt bên thềm thì ông Saint Remy đã hớt hải chạy ra, một tay đỡ cái bụng phê, tay kia thì quậy quậy như mái chèo rẽ nước vậy.
- Ồ, ngài tử tước cũng đến Blois à? Thật tuyệt diệu? Xin kính chào ngài, ngài Raoul.
- Rất hân hạnh được gặp ngài, ngài De Saint Remy.
- Phu nhân De La Vall, xin lỗi, tôi muốn nói phu nhân De Saint Remy sẽ thật sung sướng khi được gặp lại ngài? Nhưng xin mời lại đây. Điện hạ đang dùng bữa, tôi có cần làm rộn ngài không? Vấn đề có nghiêm trọng lắm không?
- Có và không, thưa ngài De Saint Remy. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, nếu để trễ có thể Điện hạ sẽ bực lắm đấy!
- Nếu vậy thì phải phá lệ thôi, thưa tử tước. Lại đây, vả lại hôm nay Đức ông rất vui vẻ. Mà, ngài có tin lạ cho chúng tôi không?
- Tin quan trọng, thưa ngài De Saint Remy.
- Chắc là lành chứ?
- Tuyệt vời.
- Thế thì lại đây. Lại đây nhanh lên? - Người quản gia vừa nói vừa vuốt lại quần áo.
Raoul cầm mũ đi theo, hơi giật mình khi nghe chính tiếng gót giầy của mình nện vang trên sàn nhà thênh thang.
Chàng trai vừa khuất trong lâu đài thì nơi khung cửa sổ ban nãy lại thấp thoáng bóng người, tiếng xì xào chứng tỏ hai cô gái đang bị kích động mạnh. Họ nhanh chóng quyết định vì một trong hai khuôn mặt biến đi. Cô gái còn lại, núp sau những đoá hoa trên bệ cửa sổ, quan sát qua kẽ lá những bậc thềm mà ngài De Bragelonne đã đi qua.
Trong khi đó, nhân vật đã khiến cho mọi người chú ý vẫn tiếp tục nối gót người quản gia. Tiếng chân bước nhộn nhịp, mùi rượu, mùi thịt nồng đậm, tiếng lích kích của chén đĩa thuỷ tinh cho biết rằng chàng sắp tới nơi.
Các người hầu, các sĩ quan đang tụ tập nơi một căn phòng trước phòng ăn tiếp đón Raoul với sự lễ phép đã trở thành huyền thoại của xứ này. Có người biết Raoul và tất cả đều biết chàng vừa từ Paris tới. Có thể nói, sự xuất hiện của chàng trai trẻ đã làm mọi hoạt động ngưng lại trong chốc lát. Chứng cớ là một người hầu đang tiếp rượu cho Đức ông, nghe tiếng giầy đinh khua vang bên thềm sảnh đã tò mò quay đầu lại xem, như một đứa trẻ, quên bẵng đi rằng anh ta không còn rót rượu vào ly của Đức ông nữa mà là rót lênh láng ra bàn.
Bà lớn vì không bận bịu như đức lang quân oai vệ của mình nên thấy rõ sự lơ đễnh của người hầu. Bà nói:
- Kìa.
Đức ông lặp lại: "Kìa", rồi ngạc nhiên.
- Cái gì thế?
Cùng lúc ông De Saint Remy ló đầu vào, gặp ngay cơ hội thuận tiện.
- Sao lại quấy rầy tôi? - Vừa nói Caston vừa gắp bỏ vào đĩa một khúc cá thật to, phần thịt của một con cá hồi ngược sông Loire lớn chưa từng thấy, chưa từng bị đánh bắt giữa Paimboeuf và Saint-Nazaire
- Thưa có một người đưa tin từ Paris tới. Nhưng mà, xin Điện hạ cứ tiếp tục dùng bữa, để sau vẫn còn thừa thì giờ.
Đức ông la lên và để rơi cái đĩa xuống bàn.
- Từ Paris à? Một người đưa tin từ Paris, đúng không? Ai sai hắn tới?
- Theo lệnh của ngài Hoàng thân. - Người quản gia hấp tấp trả lời.
Ai cũng biết đó là biệt danh của ngài De Condé (De Công- đê)
- Một người đưa tin của ngài Hoàng thân à? - Gaston lẩm bẩm. Vẻ lo âu thoáng hiện trong ánh mắt càng gợi thêm trí lò mò của mọi người.
Đức ông như sống lại những giây phút sung sướng của thời kỳ mưu đồ chính trị và mỗi tiếng động khẽ ngoài cửa cũng khiến ngài hồi hộp, mỗi bức thư có thể chứa đựng một bí mật quốc gia, mỗi tin loan báo đều là để dùng vào những âm mưu đen tối, phức tạp. Cũng có thể cái tên lừng danh của Hoàng thân đã lan truyền dưới vòm lâu đài thành Blois như bóng dáng của một con ma.
Đức ông đẩy đĩa ăn ra. Ông De Saint Remy hỏi:
- Thưa, hay là xin để người đưa tin chờ?
Cái liếc của Đức bà làm Gaston dạn dĩ hẳn lên, ông ta nói:
- Đừng cho hắn vào đây ngay. Mà này ai vậy?
- Một nhà quý tộc, sinh trưởng tại vùng này, tử tước De Bragelonne.
- À nếu vậy thì tốt lắm, kêu hắn vào đi, De Saint Remy.
Sau khi thết ra những lời lẽ trang trọng như thông lệ, ngài đưa mắt nhìn đám thuộc hạ của mình khiến cả bọn cận thần, sĩ quan lính hầu rời bộ khăn, dao, muỗng, nĩa mà bước nhanh ra ngoài, gần như hỗn độn.
Đạo quân nhỏ bé này tự động tách thành hai khi Raoul De Bragelonne theo ông De Saint Remy bước vào phòng ăn.
Khoảng thời gian yên tĩnh ngắn ngủi do sự rút lui của đám quân hầu để lại đủ khiến cho Đức ông lấy được phong độ của một nhà ngoại giao. Ông không quay đầu lại, chờ cho người quản gia dẫn người đưa tin đến trước mặt mình.
Raoul dừng ở phía cuối bàn ăn để được đứng giữa Đức ông và Đức bà. Chàng lễ phép cúi đầu chào rồi thẳng lưng chờ Đức ông lên tiến trước.
Còn Đức ông thì chờ cho cửa ra vào được khép kín. Ngài không muốn quay đầu lại vì như vậy không xứng đáng với địa vị của mình, nhưng ngài hết sức lắng đợi tiếng khoá cửa lách cách để thấy ít ra cũng là có giữ bí mật.
Cửa đã đóng kín Đức ông mới ngước mắt nhìn Tử tước De Bragelonne và nói:
- Hình như ông từ Paris lại?
- Thưa Đức ông tôi vừa mới tới.
- Hoàng thượng có được an khang không?
- Thưa Đức ông, ngài rất khoẻ.
- Còn chị dâu tôi?
- Hoàng thái hậu vẫn còn hay đau ngực. Tuy nhiên, cách đây một tháng, sức khỏe của ngài có phần đỡ hơn.
- Người ta bảo ông được Hoàng thân phái đến đây. Họ không lầm chứ?
- Thưa vâng, chính Hoàng thân đã phái tôi đến đây trình lên ngài một bức thư, và tôi chờ phúc đáp.
Raoul hơi xúc động trước lối tiếp đón lạnh lùng và tỉ mỉ này. Giọng chàng trầm hẳn xuống.
Đức ông như chợt nhớ lại câu chuyện và nỗi lo sợ lại đến với ngài. Ngài nhìn bức thư của Hoàng thân bằng cặp mắt hung dữ và cẩn thận bóc nó như bóc một món đồ khả nghi. Và đề cho không ai biết sự thay đổi diện mạo của mình vì bức thư, ngài xây lưng lại đọc.
Đức bà lo âu theo dõi từng cử chỉ của bậc trượng phu.
Còn Raoul thì thản nhiên và hơi thoải mái vì mình không còn bị chú ý nữa. Từ chỗ đứng, chàng đưa mắt nhìn, qua khung cửa rộng, các khu vườn và các bức tường dựng lên trong ấy.
Đức ông chợt kêu lên với nụ cười rạng rỡ nở trên môi.
- A! Thật là một nỗi bất ngờ đầy thú vị và một bức thư thật khả ái của Hoàng thân. Đây, bà xem đi.
Bàn quá rộng không đủ để Đức ông trao thư tận tay cho bà lớn Raoul hấp tấp chuyển giúp. Chàng thực hiện công việc này một cách hết sức duyên dáng và khéo léo khiến Đức bà hết sức đẹp ý.
Gaston quay hỏi Raoul:
- Chắc ông biết nội dung lá thư này.
- Thưa ông, Hoàng thân tính nhắn miệng với tôi, nhưng sau đó ngài suy nghĩ lại và lấy giấy bút thảo ra.
- Chữ đẹp quá, nhưng tôi không đọc được. - Đức bà nói.
Hầu tước (tức Gaston) lên tiếng.
- Ông có thể đọc giùm Bà lớn được không, ông De Bragelonne?
Raoul bắt đầu đọc trong khi Đức ông, một lần nữa lại chăm chú nghe.
Thư như sau:
"Kính thưa Ngài,
Hoàng thượng đang đi ra biên giới; hẳn ngài cũng biết hôn lễ của Người sắp được tiến hành. Hoàng thượng đã phong cho tôi làm trưởng đội kỵ binh trong chuyến đi này, và tôi biết Người thích dừng chân tại thành Blois, vậy xin ngài cho phép tôi được đánh dấu trước nơi nghỉ lại của Hoàng thượng.
Nếu yêu cầu của tôi quá đột ngột gây phiền toái cho ngài, xin ngài làm ơn báo cho biết qua tử tước De Bragelonne một nhà quý tộc làm việc với tôi đây. Chương trình của chúng tôi sẽ tuỳ thuộc vào quyết định của Điện hạ và nếu không có ghé Blois, tôi sẽ đổi lộ trình về Veldôme hay Romorantin. Tôi hy vọng Điện hạ sẽ cứu xét lời thỉnh cầu đầy thành tâm nhiệt ý của tôi biểu lộ lòng trung thành không giới hạn của tôi đối với ngài và lòng mong muốn được ngài đẹp dạ mãi mãi".
- Thật chẳng có gì sung sướng cho chúng ta hơn, - Đức bà nói sau khi đã hơn một thăm dò ý tứ qua ánh mắt của chồng trong lúc bức thư được đọc lên. "Hoàng thượng tới đây!" - Bà kêu lên, có lẽ hơi lớn khó mà bảo toàn được bí mật. Đến lượt Đức ông nói:
- Thưa ông, xin ông làm ơn trình Hoàng thân lòng chân thành biết ơn của tôi đối với sự ưu ái mà ngài đã dành cho tôi.
Raoul nghiêng mình đáp lễ.
- Ngày nào Hoàng thượng giá lâm? - Đức ông tiếp tục hỏi.
- Thưa ngài, nếu tôi không lầm thì Hoàng thượng sẽ tới ngay tối nay.
- Như vậy thì làm sao người ta hay được câu trả lời của tôi trong trường hợp tôi từ chối?
- Tôi có nhiệm vụ, thưa ngài, là phải lập tức quay về Beaugency (Bô-giăng-xi) để thông báo cho người đưa tin và anh này quay trở lại phía sau trình cho Hoàng thân. Hoàng thượng ở Orléans. Hiện giờ có lẽ ngài đã ở Meung.
- Cả triều thần cùng đi với ngài à?
- Thưa vâng.
- Còn điều này nữa, tôi quên hỏi thăm tin tức về Đức Hồng Đức ngài có vẻ tràn đầy sức khoẻ, thưa ngài. Chắc các cháu gái ngài cũng đi theo phải không?
- Thưa ngài không, Đức ngài đã ra lệnh cho tiểu thư Marie De Mancini đi Brouage. Tiểu thư đi bên mặt sông Loire trong khi triều thần từ bên trái tới.
- Sao? Tiểu thư De Mancini cũng rời triều đình à? Đức ông lên tiếng hỏi và sự dè dặt gần như không còn nữa.
- Vâng, trước tiên tiểu thư De Mancini, - Raoul tế nhị trả lời.
Một nụ cười thoáng qua gợi lại dấu vết của một bộ óc chứa đầy những âm mưu rối rắm, làm sáng lên đôi má nhợt nhạt của Đức ông.
- Xin cảm ơn ông De Bragelonne. Có lẽ ông sẽ từ chối không muốn nhận nhiệm vụ mà tôi muốn giao cho ông là trình lên Hoàng thân biết rằng tôi rất cảm mến người đưa tin của ngài. Nhưng tôi sẽ tự làm lấy công việc này.
Raoul lại nghiêng mình cảm tạ vinh hạnh mà Đức ông đã dành cho mình. Đức ông ra dấu cho Đức bà gõ vào chiếc chuông bên mặt.
Ông De Saint Remy bước vào ngay lập tức và phòng ăn lại đông nghẹt người.
Đức ông nói:
- Thưa quý vị, chúng ta sẽ được hân hạnh tiếp đón Hoàng thượng tại Blois, tôi hy vọng rằng Hoàng thượng, cháu tôi, sẽ không hối tiếc về đặc ân mà ngài đã ban cho tôi.
- Hoàng thượng vạn tuế!- Các sĩ quan hầu cận la lên đầy nhiệt tình, đặc biệt nhất là ông De Saint Remy.
Gaston khẽ cúi đầu, buồn u uẩn: cả đời ngài đã từng được nghe hay đúng hơn là phải nghe tiếng kêu "Hoàng thượng vạn tuế" này lướt qua đầu mình. Từ lâu, không còn phải nghe như thế nữa, đôi tai ngài tưởng đã được nghỉ ngơi. Thế rồi, một vương quyền mới, trẻ trung hơn, sinh động hơn, xán lạn hơn bỗng xuất hiện trước mặt ngài, như một sự khiêu khích mới, đau đớn hơn.
Đức bà hiểu rõ nỗi đau đớn mà trái tim nhút nhát và u uất kia phải chịu đựng, bà rời bàn ăn, Đức ông cũng làm theo một cách máy móc, và các tuỳ tùng như một bầy ong vỡ tổ, bao quanh lấy Raoul hỏi han rối rít.
Đức bà thấy lộn xộn liền kêu ông De Saint Remy và bảo với giọng của một chủ nhân đang cáu giận:
- Bây giờ không phải lúc bép xép, làm việc đi!
Ông De Saint Remy hối hả giải tán đám đông bu quanh Raoul do đó chàng mới bước được ra tiền sảnh.
Đức bà quay về phía ông De Saint Remy nói tiếp.
- Tôi mong ông lo liệu cho nhà quý tộc đó.
Ông này lập tức chạy theo Raoul, nói:
- Đức bà giao cho tôi nhiệm vụ chiêu đãi ngài tại đây, ngài sẽ nghỉ ngơi ở một căn phòng dành riêng trong lâu đài này.
- Xin cảm ơn ngài De Saint Remy, - De Bragelonne trả lời - chắc ngài biết tôi nóng ruột muốn gặp ngài bá tước cha tôi tới mức nào.
- Đúng thế, đúng thế. Nhân tiện xin ngài chuyển giùm lời kính thăm của tôi đối với cha ngài.
Raoul thoát được nhà quý tộc già và đi tiếp tục.
Khi chàng còn nắm cương ngựa đi dưới cổng thì một giọng nói êm ái vang lên phía cuối hành lang tối tăm:
- Thưa ngài Raoul!
- Chàng trai giật mình quay lại thấy một cô gái trẻ, tóc nâu đen, một ngón tay đặt lên môi và tay kia đưa về phía chàng.

Chương 2.

Hai cha con


Raoul theo con đường rất quen thuộc, và luôn khơi gợi chàng tình thương mến, - con đường dẫn từ thành Blois đến ngôi nhà của Bá tước De La Fère (De La Fe-rơ).
Chàng thấy từ xa tầng mái nhà nhọn, hai khung tháp nhỏ, chiếc chuồng chim nấp trong lá cây du, và từng đàn bồ câu bay quanh khối chọp nón xây bằng gạch. Chúng không ngưng nghỉ mà cứ quấn quít lấy nhau tựa như những kỷ niệm êm đềm liệng quanh một tâm hồn thanh thản.
Hơn một năm nay Raoul chưa về thăm cha. Trong suốt thời gian đó chàng sống bên Hoàng thân.
Thật vậy, sau tất cả những xáo động gây ra bởi cuộc loạn La Fronde, Louis De Condé và triều đình đã làm hoà một cách công khai, long trọng và thẳng thắn.
Trong suốt thời gian ly khai với triều đình, Hoàng thân vốn từ lâu có thiện cảm với De Bragelonne - đã tìm đủ mọi cách để chiêu dụ chàng nhưng hoài công, Bá tước De La Fère, luôn luôn thay mặt con chối từ vì vẫn tin tưởng vào những nguyên lắc về sự trung thành và về vương quyền.
Hơn thế nữa, thay vì theo ông De Condé trong vụ phản loạn, Tử tước lại phục vụ De Turenne (De Tuya-ren), chiến đấu vì Đức vua. Rồi sau đó, khi thấy ông De Turenne có vẻ đi ngược lại lý tưởng hoàng gia, chàng lại lìa bỏ ông này như đã từng từ chối đề nghị của De Condé. Vì cả Condé lẫn Turenne chỉ có thể chiến thắng khi phục vụ dưới lá cờ hoàng gia, nên kết quả là Bragelonne, tuy còn rất trẻ đã có mười chiến công lừng lẫy để ghi vào lý lịch và không có một vụ chiến bại nào khiến lương tâm và lòng can đảm của chàng bị tổn thương.
Như vậy là Raoul theo ý nguyện của cha mình, đã phục vụ một cách tích cực và chịu đựng cho cơ nghiệp của vua Louis XIV, mặc cho những chuyện trở gió xoay, cờ liên miên mà ta có thể nói là không tránh khỏi vào thời đó.
Ngài De Condé khi được sủng ái lại đã dùng tất cả những đặc quyền để đòi hỏi rất nhiều thứ ông được hưởng trước đó, gồm cả việc đòi Raoul. Ngay lập tức, bá tước De La Fère, với lòng tin không lay chuyển vào lẽ phải đã gửi Raoul cho ông hoàng De Condé.
Một năm trôi qua kể từ khi hai cha con chia tay nhau, vài bức thư đã làm dịu bớt nhưng không xoá hẳn nỗi đau buồn phải xa người con.
Raoul cũng để lại Blois một mối tình khác ngoài tình phụ tử. Nhưng cũng phải công bằng mà nói rằng Raoul vẫn phi ngựa về nhà cha chàng - Có thể ngoái cổ nhìn lại đôi chút, nhưng không hề dừng ngựa, dẫu có thấy De La Vallière (De La Va-li-e) đưa tay cho chàng.
Nhận thấy cổng vào vườn mở, chàng cho ngựa phi thẳng vào mà không chú ý tới nắm tay giận dữ của một ông lão mặc áo len tím, đầu đội chiếc mũ nhung rách.
Ông lão đang nhổ cỏ trên một bãi trồng hoa hồng lùn và hoa cúc, rất lấy làm tức giận khi thấy một con ngựa cả gan giẫm lên lối đi trải cát đã được sàn cào cẩn thận.
Ông ta còn phát ra một tiếng nạt giận dữ, khiến chàng kỵ sĩ phải quay đầu lại. Và tình thế bỗng nhiên thay đổi hẳn: ngay khi vừa trông thấy Raoul, ông lão đã vụt đứng dậy, chạy ù vào nhà, miệng phát ra những tiếng lằm bằm mà có lẽ đối với ông là một cách biểu lộ niềm vui mãnh liệt đã lên đến cực điểm. Raoul tới chuồng giao ngựa cho một gã hầu và bước dài lên bậc thềm một cách mạnh mẽ, hẳn là có thể khiến cho cha chàng hãnh diện.
Chàng bước vào tiền sảnh, phòng ăn và phòng khách mà chẳng gặp một ai: sau cùng, tới trước cửa phòng bá tước De La Fère, chàng nóng nảy nhào tới và bước vào mà chẳng cần chờ nghe tiếng "Mời vào!" cất lên bằng một giọng nói vừa trịnh trọng vừa dịu dàng.
Bá tước đang ngồi trước cái bàn chứa đầy giấy tờ và sách vở. Cũng vẫn con người đẹp đẽ và quý phái thời trước, nhưng thời gian đã khiến vẻ đẹp, vẻ quý phái này trở nên trịnh trọng rõ rệt hơn. Một vầng trán cao không một nếp nhăn dưới mái tóc bạc nhiều hơn đen, đôi mắt sắc và dịu dàng dưới cặp lông mày của một người trẻ tuổi, bộ râu mảnh và hơi bạc trên cặp môỉ thanh tao như không bao giờ mím chặt trước những đam mê chết người, một thân hình vươn thẳng và dẻo dai, đôi bàn tay không chê vào đâu được nhưng hơi gầy. Đó là tất cả những gì còn lại của một nhà quý tộc lừng danh mà biết bao cửa miệng đã không tiếc lời khen ngợi. Đó chính là Athos.
Ông đang sửa những trang bản thảo do chính tay mình viết. Raoul nắm lấy vai, ôm lấy cổ cha hôn một cách trìu mến và nhanh đến nỗi bá tước không đủ sức cũng như thời gian để gỡ ra, để trấn áp những cảm xúc của tình phụ tử.
- A con đây, con đấy phải không Raoul, có thể như vậy được không nhỉ?
- Ô, thật vô cùng sung sướng được gặp lại phụ thân!
- Ông chưa trả lời tôi, Tử tước ạ. Ông được phép về Blois hay là lại có chuyện gì không may xảy ra tại Paris?
- Nhờ ơn trên, thưa ngài, - Raoul trả lời, chàng dần lấy lại được bình tĩnh, - Chỉ có toàn chuyện vui; Hoàng thượng sắp cưới vợ, như con đã có dịp kể cho cha trong bức thư gần đây nhất, và ngài đi Tây Ban Nha sẽ ghé qua Blois.
- Để viếng Đức ông?
- Vâng, thành thử vì ngại Đức ông bị bất ngờ hoặc muốn tỏ tình thân ái đặc biệt, ngài Hoàng thân đã phái con tới đây để chuẩn bị trước.
- Con đã gặp Đức ông chưa? - Bá tước đột ngột hỏi con.
- Con đã được vinh dự đó.
- Tại lâu đài à?
- Thưa vâng - Raoul cúi mặt khi trả lời vì chàng nhận thấy những câu hỏi của bá tước hàm chứa một điều gì khác hơn là sự tò mò.
- Ồ thật vậy sao, Tử tước? Ta có lời ngợi khen.
Raoul nghiêng mình đáp lễ.
- Nhưng con còn gặp ai tại Blois nữu không?
- Thưa cha, con còn gặp Đức bà phu nhân.
- Rất tốt. Nhưng không phải ta muốn đề cập tới Đức bà.
Mặt mũi Raoul đỏ gay, chàng không nói được câu nào.
- Hình như ông không nghe thấy lời tôi, thưa ông Tử tước? - Bá tước De La Fère nhấn mạnh câu hỏi của mình nhưng không lớn tiếng, ông chỉ làm tình hình nghiêm trọng hơn bằng ánh mắt của mình.
- Thưa, con nghe rất rõ, nếu con chuẩn bị câu trả lời của mình thì chẳng phải để nói dối, chắc ngài cũng rõ rồi.
- Tôi biết ông không bao giờ nói dối. Tôi lấy làm ngạc nhiên là vì sao ông mất thời giờ quá lâu để trả lời "có" hoặc "không" thôi.
- Con chỉ trả lời được khi con hiểu rõ câu hỏi của cha, và con hiểu rõ cha sẽ buồn khi nghe những câu đầu tiên của con. Chắc cha không vui, nếu con thưa rằng con đã gặp…
- Tiểu thư De La Vallière phải không?
- Con biết rõ là cha chỉ muốn ám chỉ tới nàng, thưa Bá tước, - Raoul nói bằng giọng êm dịu không thể tả nổi.
- Còn tôi thì tôi muốn hỏi rằng ông đã gặp cô ta chưa?
- Thưa ngài, con hoàn toàn không hay biết khi tới lâu đài sẽ gặp tiểu thư De La Vallière, chỉ lúc quay về, khi hoàn thành nhiệm vụ tốt, một sự tình cờ đã khiến con hội ngộ với nàng. Con mong được bày tỏ cùng nàng lòng kính trọng của mình.
- Sự tình cờ nào đã xui khiến con gặp tiểu thư De La Vallière?
- Thưa tiểu thư De Montalais (De Mông-ta-le).
- Cô ta là ai?
- Một nhân vật trẻ tuổi mà con không hề quen biết, chưa hề gặp mặt lần nào. Cô ta là thị nữ của Đức bà.
- Ông Tử tước, tôi lấy làm ân hận không muốn để cuộc đối đáp này kéo dài quá lâu và đi xa hơn nữa. Tôi đã yêu cầu ông lánh mặt tiểu thư De La Vallière và chỉ nên gặp cô ta khi được phép của tôi thôi. Ô, tôi biết là ông không nói dối, là ông không hề có ý đồ tìm cách gần gũi cô ta. Sự tình cờ này đã làm tôi rất phật ý, nhưng tôi không trách ông. Thành thử tôi chỉ xin ông nhớ tới những gì tôi đã nói về cô ta. Tôi không trách gì cô ta, có thượng đế làm chứng. Tuy nhiên tôi không hề muốn ông lân la đến nhà cô ta. Một lần nữa, tôi yêu cầu ông nghe kỹ điều này, Raoul thân mến ạ.
Đôi mắt trong trẻo tinh anh của Raoul như mờ đi vì những lời này. Bá tước nói tiếp với nụ cười hiền dịu và giọng nói bình thường.
- Thôi bây giờ ta hãy nói chuyện khác, có lẽ ông quay về nhiệm sở chớ?
- Thưa ngài không, hôm nay chỉ còn có việc ở lại bên ngài. Rất may là Hoàng thân không giao phó cho con nhiệm vụ nào khác ngoài nhiệm vụ này, rất phù hợp với nguyện vọng của con.
- Hoàng thượng có được an khang không?
- Thưa cha, tuyệt vời.
- Và cả Hoàng thân nữa chứ?
- Như bình thường, thưa ngài.
Bá tước theo một thói quen đã có từ lâu, quên bẵng tể tướng Mazarin.
- Này Raoul, vì bây giờ con chỉ là của cha, cha sẽ dành trọn ngày hôm nay cho con. Con hãy hôn cha đi nữa, nữa. Đây là nhà của con, Tử tưởc ạ. À, Grimaud thân mến? Lại đây, Grimaud, ông Tử tước cũng muốn hôn nhân nhà ngươi nữa đấy!
Ông lão cao lớn không để nhắc nhở, lão chạy lại, hai tay dang rộng. Raoul dỡ hộ lão một đoạn đường.
Bây giờ con có muốn chúng ta cùng ra vườn không? Cha sẽ chỉ gian phòng mới mà cha cho xây để dành lúc con về phép và vừa xem các cây trồng mùa đông vừa qua cũng như đôi ngựa cha mới đánh đổi xong, con sẽ vừa cho cha biết tin tức bạn bè chúng ta tại Paris.
Bá tước đóng tập bản thảo lại, khoác tay Raoul cùng đi ra vườn Grimaud buồn rầu ngắm nhìn Raoul bước đi, và khi đầu chàng suýt đụng khung cửa, lão vừa vuốt ve chòm râu bạc vừa buột miệng: "Chóng lớn quá!".

Chương 3.

Người lạ mặt


Trong khi bá tước De La Fère dẫn Raoul đi thăm dãy nhà mới xây, những con ngựa mới sắm, xin độc giả hãy cùng chúng tôi trở lại thành Blois để chứng kiến những biến đổi bất thường đang làm náo động thành phố này.
Chính các khách sạn là nơi đã chịu tác động nhiều nhất vì những tin tức Raoul mang lại.
Thật vậy Đức vua và triều thần đến Blois có nghĩa là hàng trăm kỵ sĩ, hàng chục cỗ xe và không biết bao nhiêu là kẻ hầu người hạ, cái tập thể đó sẽ tá túc nơi đâu? Còn các nhà quý tộc các vùng lân cận, họ sẽ đến đây trong vòng hai hoặc ba tiếng đồng hồ nữa, sẽ ăn ở ra sao?
Tin tức lan truyền nhanh như những gợn sóng toả ra khi một hòn gạch được ném vào giữa mặt nước ao tù phẳng lặng.
Như chúng ta đã thấy, thành Blois, vào buổi sáng còn êm ả như mặt hồ êm ả nhất, khi có tin tức loan truyền về sự có mặt của Hoàng gia bỗng trở nên ồn ào náo nhiệt.
Tất cả các lính hầu trong lâu đài, dưới sự giám sát của các sĩ quan, được huy động lên thành phố mua thực phẩm và hàng chục người đi ngựa về những kho tồn trữ lương thực tại Chamberd để kiếm thịt rừng, về khu ngư nghiệp Beuvron để kiếm cá, các khu vườn ở Chavemy để lấy hoa và trái cây.
Người ta lôi ra từ các hộc tủ những tấm thảm quý những bộ giá đèn mạ vàng. Một đạo quân nghèo khổ quét dọn các sân và lau chùi các mặt tiền xây bằng đá trong khi vợ con họ sục sạo trong các vùng tận bên kia sông Loire để dọn cỏ và hoa đồng nội. Cả đến thành phố cũng không chịu kém phần sạch sẽ và thế là chổi, bàn chải, các chậu đựng nước được huy động ráo riết. Dòng suối tại phố Trên là nơi hứng chịu những luồng nước dơ bẩn này nhiều nhất, đến nỗi khi chảy tới phố Dưới nó đã biến thành sông.
Sau cùng, âm nhạc cũng được chuẩn bị. Các hộc tủ hàng vơi dần: người ta mang về các tiệm buôn nào là sáp, mơ, ruy-băng để cột vào đốc kiếm: các bà nội trợ thì tích trữ thêm thịt, bánh mì và đồ gia vị. Ngay cả một số lớn các vị trưởng giả, mà nhà cửa đã tích trữ lương thực đầy đủ giống như để chống lại một cuộc bao vây lâu dài, nghĩa là chẳng còn phải bận tâm gì nữa, thế mà cũng khoác lên mình những bộ y phục đại lễ và tiến về phía cổng thành để được là người đầu tiên báo hiệu hoặc trông thấy phái đoàn Hoàng gia. Họ thừa biết rằng Đức vua chỉ tới kịp vào lúc đêm hay sáng hôm sau. Nhưng chờ đợi là gì nếu không phải là một trạng thái điên loạn và điên loạn phải chăng là do tràn trề hy vọng?
Tại phố Dưới cách lâu đài "Các đẳng cấp" chưa tới trăm bước, giữa lối đi dạo và lâu đài, trên con đường khá đẹp tục gọi là đường Già nua - mà có lẽ là già nua thật, - có một toà nhà cổ kính, chóp nhọn, dáng thấp lùn nhưng rộng rãi. Tầng thứ nhất của ngôi nhà có ba cửa sổ trông ra đường, tầng thứ hai thì có hai cửa sổ và tầng thứ ba chỉ có một lỗ tò vò để quan sát.
Bên cạnh của khu vực tam giác này, người ta vừa xây xong một khu hình bình hành khá rộng và lấn cả ra đường theo tập quán rất quen thuộc của hội đồng thị xã lúc đó. Con đường bớt rộng đi một phần tư nhưng ngôi nhà rộng thêm ra một nửa, đó chẳng phải là một sự bù trừ thoả đáng là gì?
Theo truyền thống vào thời vua Henri III, ngôi nhà có chóp nhọn này do một vị cố vấn "Các đẳng cấp" trú ngụ và Nữ hoàng Catherine đã đến đây để thăm viếng - có người nói rằng để bóp cổ ông ta. Dù sao đi nữa thì bậc mệnh phụ tốt bụng này chắc cũng đã có lần kín đáo đặt gót ngọc lên thềm nhà.
Thế rồi sau khi vị cố vấn chết - chết vì bị bóp cổ hay chết một cách tự nhiên, điều đó không có gì quan hệ cả, - ngôi nhà này đã được bán đi, bị bỏ hoang phế, để rồi sau cùng được cách ly với các ngôi nhà khác trong phố. Vào giữa thời vua Luois XIII, một người Ý tên là Cropople (Crô-pôn-lơ) Sau khi bếp núc cho ngài thống chế d'Acre (Đăng-crơ), tới lập nghiệp tại ngôi nhà này. Ông ta lập nên một khách sạn nhỏ có món macaroni nổi tiếng đến nỗi các khách thập phương đổ xô đến để mua hay để thưởng thức.
Nhờ danh tiếng bảng hiệu Aux Médicis (Ô Mê-đi-xti) khách sạn ngày càng làm ăn phát đạt.
Cropole con rất ham lợi nhuận: tin vua Louis XIV đến khiến hắn mừng như hoá điên.
Hắn, vợ hắn và hai phụ bếp hạng bét đi thâu mua tất cả các "cư dân" trong những chuồng chim bồ câu, các sân nuôi gà vịt, các chuồng thỏ. Thành thử phía sau nhà bếp khách sạn bọn Médicis cũng tràn đầy những tiếng kêu rên.
Hiện tại Croppople chỉ có một người khách duy nhất.
Đó là một người đàn ông chưa tới 30 tuổi, đẹp trai cao lớn, khắc khổ, đúng hơn là hơi buồn rầu trong mỗi cử chỉ, ánh mắt.
Chàng mặc bộ đồ nhung đen với những đường viền đen nhánh, cổ áo trắng, giản dị như một tu sĩ khắc khổ nhất, làm lộ chiếc cổ tràn đầy nhựa sống, tái và thanh. Bộ ria vàng mảnh che lấp phần nào đôi môi mấp máy đầy vẻ kiêu ngạo.
Chàng nhìn thẳng vào mặt người đối thoại khi nói chuyện, có lẽ đúng là không đằm thắm, nhưng cũng không mặc cảm, khiến người ta khó có thể chịu đựng nổi ánh mắt xanh biếc của chàng.
Vào thời buổi mà nhân loại tuy cùng được Thượng đế tạo nên nhưng vì thành kiến lại phân chia thành hai đẳng cấp rõ rệt là quý tộc và thường dân, như họ đã phân biệt hai giống da đen và da trắng, con người mà chúng ta vừa mô tả đó phải được coi như một nhà quý tộc thuộc dòng dõi thanh cao nhất. Chỉ việc ngắm nhìn bàn tay thon dài và trắng của chàng mà, ứng với mỗi cử động, mỗi bắp thịt, mỗi sợi gân đều hiện rõ dưới làn da, mỗi cái siết dù cho nhỏ bé đến đâu cũng làm các đốt ngón tay đỏ hồng.
Nhà quý tộc này đã đến chỗ Cropole có một mình. Chàng không chút do dự, có thể nói là không chút suy nghĩ khi chọn dãy phòng quan trọng nhất mà chủ nhân đã đề nghị với mình.
Có người bảo là Cropole có ý đồ tham lam đáng chê trách, cũng có người bảo hành động đó là đáng ca ngợi vì cho rằng Cropole đúng là có tài xét đoán con người qua cử chỉ, diện mạo. Dãy phòng này bao gồm toàn bộ phía trước của gian nhà cổ hình tam giác này: một phòng khách được chiếu sáng bằng hai cửa sổ ở tầng thứ nhất, một phòng nhỏ ở kế bên, một phòng nữa phía trên.
Từ khi đến khách sạn, nhà quý tộc không hề đụng tới bữa ăn mà người ta đã dọn riêng trong phòng. Ông ta chỉ dặn Cropole rằng sẽ có người khách tên là Parry tới tìm ông và nên để cho ông ta vào.
Sau đó ông ta lặng lẽ đến nỗi Cropole phải bất mãn vì gã là người khoái có bầu bạn.
Sau cùng, vào hôm bắt đầu câu chuyện này, nhà quý tộc thức dậy sớm, ra cửa sổ phòng khách, ngồi trên bệ gạch, tì tay vào thành ban công, buồn bã ngó đăm đăm hai bên hè phố để ngóng người khách mới mà ông ta đã loan báo với chủ nhà.
Nhờ vậy, ông đã chứng kiến cảnh đoàn kỵ sĩ của Đức ông đi săn về, sau đó lại mòn mỏi đợi chờ, tâm trí chìm đắm trong cái yên lặng sâu thẳm của thành phố.
Thế rồi, bất thần nổi lên những náo động gây ra bởi những người nghèo đi ra đồng, những người đưa tin qua lại, những người lau chùi hè phố, những người đem đồ ăn thức uống về lâu đài, những người bán hàng béo mập hung dữ lắm điều, những cỗ xe phóng đi, những người làm đến sở và những đám lính hầu đi dọn cỏ. Sự ồn ào náo nhiệt này làm ông ta ngạc nhiên nhưng không hề làm mất đi vẻ uy nghiêm bình thản và thanh cao chỉ thấy có trong ánh mắt lạnh lùng và khinh khi của con chim đại bàng hay sư tử sa cơ trước bọn thợ săn cùng những kẻ hiếu kỳ đứng hò reo giậm chân, giậm cẳng.
Rồi tiếng kêu la của những con vật bị cắt tiết ở sau bếp, tiếng chân hối hả của bà Cropole bước lên chiếc thanh gỗ rấp hẹp và cũng rất âm vang, tất cả những thứ này khiến người khách lạ bắt đầu ngạc nhiên và sốt ruột.
Khi ông ta đứng dậy để tìm hiểu thì cửa phòng bật mở.
Ông ngỡ người ta dẫn lại người khách rất được mong đợi. Ông hấp tấp bước nhanh về phía cửa.
Nhưng thay vì gương mặt mà ông vẫn trông đợi, gã Cropole lại hiện ra, và sau lưng lão, trong vùng tranh sáng tranh tối là gương mặt của bà Cropole khá duyên dáng nhưng bần tiện vì tò mò. Bà ta nhìn nhà quý tộc đẹp trai rồi biến đi.
Cropole, tay cầm chóp mũ nghiêng mình đến độ gần như cúi gập, vẻ mặt tươi tắn.
Người khách lạ ra hiệu muốn hỏi anh ta mà không thốt một lời nào.
- Thưa ngài, tôi xin không biết tôi phải kêu thế nào cho tiện: thưa quý nhân hay là thưa bá tước, hầu tước?
- Cứ gọi thưa ngài, và nhanh lên, - người khách lạ trả lời bằng thứ giọng đài các và không hề có ý định bàn cãi lôi thôi.
- Tôi định hỏi thăm ngài tối qua có ngủ ngon không và còn có ý định giữ lại phòng này không?
- Có
- Thưa ngài, chúng tôi không tiên liệu việc vừa xảy ra.
- Việc gì?
- Đức Hoàng thượng Louis XIV sẽ tới thành phố của chúng tôi và có thể nghỉ tại đây trong một hoặc hai ngày.
Vẻ sửng sốt hiện rõ trên nét mặt người khách lạ.
- Vua nước Pháp đến Blois à.
- Thưa, Hoàng thượng đang lên đường.
- Như vậy là tôi có thêm lý do để ở lại. - Người khách lạ trả lời.
- Rất tốt, thưa ngài, nhưng ngài vẫn giữ toàn bộ dãy phòng?
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì. Tại sao bây giờ tôi lại cần ít hơn hôm qua?
- Bởi vì, thưa ngài, xin quý nhân cho phép tôi được nói, hôm qua khi ngài chọn chỗ ở, đáng lẽ tôi không nên đặt một cái giá nào đó khiến quý nhân nghĩ rằng tôi có thành kiến với khả năng của quý nhân còn bây giờ thì…
Người khách lạ đỏ mặt. Ông ta đột ngột nghĩ rằng người ta cho mình là nghèo khổ và bây giờ đến sỉ nhục mình. Ông ta lạnh lùng nói:
- Còn bây giờ thì, bây giờ thì ông có thành kiến phải không?
- Thưa ngài, tôi là một người tao nhã, xin cám ơn Thượng đế! Tuy là chủ quán trọ nhưng trong người tôi có dòng máu quý tộc, cha tôi là sĩ quan hầu cận của cố Thống chế D'Ancre, xin Thượng đế che chở linh hồn ông ta!
- Thưa ông, tôi không dám phủ nhận điều này, nhưng xin ông cho tôi biết rõ ngay ý đồ của ông.
- Thưa ngài, ngài quá khiêm tốn nên không hiểu rằng thành phố của chúng tôi rất nhỏ bé, rằng cả triều đình sẽ tràn ngập nơi này, rằng các nhà cửa sẽ tràn ngập người thuê bao và do vậy các quán trọ sẽ có giá trị đáng kể.
Mặt người khách lạ càng đỏ thêm. Ông ta nói:
- Ồng hãy ra điều kiện đi.
- Tôi rất thận trọng, thưa ngài, bởi vì tôi tìm cách làm ăn lương thiện, tôi muốn kinh doanh thẳng thắn và không tỏ ý đồ thô bỉ. Mà dãy phòng ngài đang trú ngụ lại quá rộng rãi, và ngài thì chỉ có một mình.
- Mặc kệ tôi.
- Ồ, rất đúng, vì vậy tôi không muốn xua đuổi ngài.
Máu như dồn lên hai thái dương người khách lạ, ông ta quắc mắt nhìn anh chàng Cropole đáng thương, con cưng một sĩ quan của Thống chế D'Ancre, cái nhìn khiến anh ta có lẽ đã bị bắn lọt vào dưới tảng đá hoa lót lò sưởi nếu vấn đề lợi lộc không vít cứng anh ta tại chỗ.
- Ông muốn tôi ra đi phải không? - ông ta nói - Hãy giải thích đi, nhưng lẹ lên.
- Thưa ngài, thưa ngài, ngài không hiểu tôi. Điều tôi làm thật quá tế nhị, nhưng có lẽ tôi phát biểu dở quá hoặc có lẽ vì ngài là người ngoại quốc, như tôi đã nhận ra trong giọng nói của ngài.
Thật vậy người khách lạ nói tiếng Pháp hơi đớt theo cách phát âm của người Anh cho dù người Anh nói tiếng Pháp giỏi nhất cũng thế thôi.
Có lẽ vì ngài là người ngoại quốc nên ngài không hiểu thấu đáo tất cả những gì tôi đã nói. Tôi chỉ muốn nói ngài có thể từ bỏ một hoặc hai trong ba căn phòng mà ngài đã thuê, khiến tiền thuê có thể hạ đi nhiều và lương tâm tôi cũng bớt day dứt. Thật vậy, thật là khổ công khi phải tăng một cách không hợp lý giá phòng mà chúng tôi đã có hân hạnh định giá phải chăng rồi.
- Tiền thuê hôm qua là bao nhiêu?
- Thưa ngài một đồng louis, gồm cả thức ăn và tiền săn sóc ngựa.
- Được rồi. Thế còn bây giờ?
- À đây mới là nỗi khó khăn của tôi. Hôm nay là ngày Hoàng thượng tới, nếu triều đình đến vào lúc chập tối, vấn đề sẽ được đặt ra. Giá thuê hai louis mỗi phòng thì ba phòng vị chi là sáu louis Hai louis thì không đáng kể, nhưng tới sáu luois thì hơi nhiều.
Sắc mặt người khách lạ đang từ đỏ bỗng trở nên tái xanh.
Ông ta lấy hết can đảm rút từ túi ra một ví tiền có thêu huy hiệu mà ông ta giấu kín trong lòng bàn tay. Ví tiền lép kẹp, nhão nhẹt, trống trơn này không thoát khỏi đôi mắt soi mói của Cropole.
Người khách lạ dốc hết túi ra tay. Tất cả là ba louis - kép nghĩa là có giá trị bằng sáu louis.
Tuy nhiên, Cropole đòi tới bảy.
Gã nhìn người khách lạ như để hỏi: sao nữa?
- Thiếu một louis phải không, chủ quán?
- Thưa vâng, nhưng…
Người lạ mặt lục lọi trong túi quần nịt và kéo hết ra: một cái bóp nhỏ, một chìa khoá bằng vàng và vài đồng bạc trắng.
Chỗ tiền đó tổng cộng bằng một louis. Cropole nói:
- Cám ơn ngài. Bây giờ thì tôi còn muốn biết ngài còn muốn ở dãy nhà cho tới mai nữa không? Để tôi giữ lại cho ngài; còn ngược lại, nếu ngài không muốn nữa tôi sẽ cho những người đi theo Hoàng thượng thuê.
Người khách lạ trả lời sau một hồi suy nghĩ.
- Ông nói phải. Tôi thì đã hết tiền như ông đã thấy, nhưng lại muốn tiếp tục giữ dãy phòng này, thành thử tôi yêu cầu ông bán dùm tôi viên kim cương này trong thành phố hoặc cầm thế cho tôi vậy.
Cropole ngắm nghía viên kim cương khá lâu khiến người khách lạ phải vội nói:
- Tôi muốn ông bán nó vì nó đáng giá ba trăm pistoles (Tiền vàng xưa của nước Pháp, giá bằng nửa đồng louis). Một tên Do Thái, thành Blois có người Do Tháí nào không? Hắn sẽ trả cho ông từ hai trăm, đến hai trăm năm mươi nữa là khác, giữ lấy hết đi, coi như là tiền phòng thôi cũng được. Đi đi!
- Ồ! thưa ngài, - Cropole kêu lên, xấu hổ vì sự thấp kém đột ngột của mình trước hành động vừa quý phái vừa vô vị lợi, cũng như trước sự nhẫn nại bền bỉ để đối phó với biết bao sự nghi ngờ kỳ kèo của mình.
- Ồ! Thưa ngài, tôi nghĩ rằng ở Blois người ta sẽ không ăn cắp như ngài tưởng và viên kim cương sẽ được định giá đúng như ngài nói.
Người lạ mặt lại quắc ánh mắt xanh biết nhìn Cropole. Gã kêu lên:
- Thưa ngài, tôi không biết thật mà!
Người lạ nói:
- Nhưng những người buôn bán kim hoàn thì biết đấy, hỏi họ đi. Bây giờ thì hết nợ với ông rồi phải không, ông chủ quán?
- Thưa ngài đúng, tôi xin lỗi, vì tôi ngại rằng đã xúc phạm tới ngài!
- Chẳng sao cả, - người khách lạ trả lời với vẻ uy nghiêm của người có quyền chức tối cao.
- Hoặc có vẻ như làm thịt một vị khách quý phái. Thưa, đó chỉ là vì tình thế bắt buộc thôi.
- Thôi, bỏ qua vấn đề ấy đi và hãy để tôi yên.
Cropole kính cẩn cúi chào và di ra với dáng vẻ lạc lõng của một người có trái tim tuyệt vời và đang thành thật hối hận.
Người khách lạ tự đóng lấy cửa. Khi chỉ còn một mình, ông nhìn tận đáy túi đựng tiền của mình, nơi ông đã lấy ra bọc lụa chứa viên hột xoàn, gia tài duy nhất còn lại.
Ông ta cũng lọc túi quần, ngắm mớ giấy tờ trong bóp để nhận ra sự trơ trụi tàn mạt của mình.
Thế là ông ngước mắt nhìn lên trời với thái độ trầm tĩnh và tuyệt vọng sâu xa, rồi đưa bàn tay run rẩy lên quyệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán và cúi nhìn xuống đất bằng ánh mắt mà ngày xưa đã chan chứa vẻ uy nghiêm vòi vọi.
Ông ta đến bên cửa sổ, ngồi lại chỗ cũ trên gác thượng và yên lặng cho tới khi trời bắt đầu tối, khi những bó đuốc đầu tiên đi qua đường phố thơm tho để chuẩn bị thắp sáng tất cả các cửa sổ trong thành phố.
Trong khi người khách lạ chăm chú ngắm những ánh đuốc và lắng nghe mọi tiếng động trên hè phố, thì người chủ quán và hai tên hầu phòng bước vào dọn bàn ăn. Người lạ không mảy may chú ý đến họ. Cropole phải lại gần người khách, kính cẩn nói nhỏ vào tai ông ta:
- Thưa ngài, viên kim cương đã được định giá xong.
- Thế à! Bao nhiêu? - Người khách lạ hỏi.
- Bẩm ngài, người thợ kim hoàn của Đức ông đòi trả hai trăm tám mươi pistoles.
- Ông lấy tiền chưa?
- Tôi nghĩ là phải nên lấy, thưa ngài; tuy nhiên tôi cũng ra điều kiện là viên kim cương sẽ được trao lại ngài khi nào ngài có tiền chuộc nó.
- Đâu có, tôi đã bảo ông bán đi mà.
- Và tôi đã chấp thuận hoặc gần như vậy, vì tuy không bán hẳn đi, tôi cũng đã nhận tiền rồi.
- Ông lấy tiền phòng đi, người lạ tiếp.
- Thưa ngài, tôi sẽ giữ lại vì đó là điều ngài bắt buộc.
Một nụ cười buồn thoáng hiện trên môi nhà quý tộc. Ông vừa quay mặt đi vừa nói, tay chỉ cái tủ:
- Nhờ ông để giùm số tiền còn lại lên trên đó.
Cropole đặt xuống một cái túi khá lớn mà trong đó ông ta đã trích ra một ít tiền thuê phòng rồi. Ông ta nói:
- Bây giờ thì xin ngài đừng làm chúng tôi buồn khi từ chối bữa ăn này. Bữa trưa đã không được đụng tới rồi, thật là một điều sỉ nhục đối với nhà hàng dòng Médices này. Đó, ngài thấy không, cơm đã dọn sẵn và xin mạn phép nói rằng nó không dở lắm đâu.
Người khách lạ hỏi lấy một ly rượu, miếng bánh mì và đứng ăn uống, vẫn không rời cửa sổ.
Chẳng mấy chốc, người ta nghe thấy tiếng quân nhạc và kèn thổi, những tiếng la cất lên từ đằng xa, những tiếng ồn ào tràn ngập khu phố dưới, và tiếng động rõ ràng đầu tiên đập vào tai người khách lạ là tiếng vó ngựa đang tiến lại gần. Một đám đông ồn ào và hối hả nhắc đi nhắc lại:
- Đức vua! Đức vua!
"Đức vua!", Cropole cũng nhắc lại và rời bỏ vị khách quý cũng như những ý tưởng tế nhị để thoả mãn tính hiếu kỳ của mình.
Rồi Cropole, bà Cropole, những người phụ bếp, những người hầu va chạm chen vai thúc cánh nhau trên thang gác chật hẹp.
Đám rước đi chầm chậm, tiến lên dưới ngàn ánh đuốc chiếu từ hai bên đường và từ trên các cửa sổ.
Theo sau toán ngự lâm pháo thủ và đoàn quý tộc rất đông là chiếc xe của Đức Hồng y giáo chủ Mazarin có bốn con ngựa ô kéo.
Những gia nhân của Đức Hồng y giáo chủ đi phía sau.
Rồi đến cỗ xe của Thái hậu, các nàng hầu bám bên khung cửa, các tuỳ tùng của bà phi ngựa phò hai bên.
Sau đó là Đức vua, ngài ngồi lên lưng con tuấn mã bờm dài dòng saxe; khuôn mặt quý phái, thanh nhã của ngàị sáng rõ bên những bó đuốc của đám lính hầu khi ngài giơ tay đáp lại tiếng hoan hô nồng nhiệt phát ra lừ một vài cửa sổ.
Bên Đức vua, nhưng hơi tụt về phía sau một chút là Hoàng thân De Condé. Ông Dangeau (Đăng-giô) và hai mươi triều thần cùng với các lính hầu và hành lý. Họ kếl thúc cuộc diễu hành đầy long trọng theo nghi thức quân sự.
Chỉ một vài triều thần luống tuổi là mặc y phục đi đường; hầu như tất cả đều mặc quân phục. Người ta thấy nhiều người mang cổ cao và miếng da trâu y như thời Henri IV và Louis XIII.
Người khách lạ nghiêng mình ra phía trước bao lơn để trông cho rõ. Ông chống tay lên cằm để che bớt khuôn mặt mình và cảm thấy con tim đau nhói khi nhà vua đi ngang qua.
Tiếng kèn đồng làm ông ta như mê mẩn, những tiếng hoan hô làm tai ông ta như ù đi, và trong chốc lát ông không nghĩ được gì cả giữa những luồng ánh sáng chói chang, giữa những tiếng ồn ào và những hình ảnh rực rỡ. "Hắn là vua đấy?", ông ta lẩm bẩm thứ giọng tuyệt vọng và đầy nỗi lo âu.
Rồi trước khi ông ta kịp quay về với thực tại thì mọi hoạt động, mọi tiếng ồn, tất cả những vẻ hào nhoáng đều đã tan biến đi.
Phía góc phố, dưới chân người khách lạ, chỉ còn lại vài tiếng hô lạc lõng, khản đặc: "Hoàng thượng vạn tuế".
Cũng còn lại sáu bó đuốc mà các cư dân ở quán trọ Médices đang cầm: hai bó của vợ chồng Cropole và mỗi người phụ bếp một bó.
Cropole không ngừng nhắc đi nhắc lại:
- Trông Đức vua thật là đàng hoàng, ngài thật giống người cha trứ danh đã quá cố!
- Và gương mặt ngài đầy kiêu hãnh? Bà Cropole thêm vào và bắt đầu lân la con cà con kê với các ông các bà lối xóm.
Cropole tiếp tục đưa ra những nhận xét riêng của mình mà không để ý tới một ông già đi bộ, dắt theo một con ngựa Ireland, đang cố gắng len lỏi trong đám đông nam phụ lão ấu tụ tập trước thềm quán Médicis.
Nhưng đúng lúc ấy, giọng nói của người khách lạ từ cửa sổ vọng xuống.
- Xin ông chủ quán tránh để cho người ta vào nhà!
Cropole quay lại, thấy ông già và né một bên. Cánh cửa sổ khép lại Người đến bước vào mà không nói một câu nào.
Người khách lạ đón ông già tại bậc thềm, giang tay ôm lấy ông và dẫn ông tới ghế ngồi. Nhưng ông già co mình lại, nói:
- Ồ, không, không được, thưa ngài. Ai lại ngồi trước mặt ngài bao giờ.
Nhà quý tộc kêu lên:
- Parry ơi, tôi van ông, ông từ nước Anh tới xa xôi quá! Hãy nghỉ mệt một chút đi.
- Tôi cần phải phúc đáp ngài gấp, kính thưa ngài.
- Parry tôi xin ông, đừng nói gì bây giờ cả. Vì nếu tin có vui thì ông đã chẳng mở đầu như thế. Ông nói vòng vo, thì chỉ có tin buồn thôi.
- Bẩm ngài, xin ngài đừng vội bi quan như vậy. Tôi hy vọng tình thế không hoàn toàn tuyệt vọng đâu, cần phải có nghị lực, kiên trì, nhất là lòng nhẫn nại.
- Parry ơi, - người trẻ tuổi trả lời, - ta đã tới đây một mình, trải qua trăm nghìn cạm bẫy và hiểm nguy: ngươi có tin nghị lực của ta không? Ta đã chuẩn bị chuyến đi này từ mười năm nay, mặc những lời cản ngăn và những chướng ngại: ngươi có tin ở lòng kiên nhẫn của ta không? Ta đã bán đi hồi chiều viên hột xoàn cuối cùng của cha ta, vì ta chẳng còn gì để trả tiền thuê phòng cả và chủ nhà đã định đuổi ta đi.
Parry phác một cử chỉ phẫn uất mà người trẻ tuổi đáp lại bằng một cái siết tay và nụ cười.
- Ta hãy còn hai trăm bảy mươi tư đồng vàng pistole, và ta đang giàu đấy, ta không bi quan đâu Parry, ngươi có tin ở lòng nhẫn lại của ta không?
Ông già đưa đôi bàn tay run rẩy lên trời. Người khách lạ nói:
- Thôi đừng giấu ta chi hết, chuyện gì thế?
- Tôi xin rất ngắn gọn, nhưng lạy Chúa, xin ngài đừng run như vậy nữa!
- Tại ta nóng lòng quá đấy thôi. Parry à. Nào, xem Đại tướng đã nói gì với ông?
- Đầu tiên, Đại tướng không chịu tiếp tôi.
- Ông ta tưởng ông là gián điệp đấy.
- Thưa ngài đúng như vậy, nhưng tôi đã viết cho ông ta một bức thư.
- Thế rồi sao?
- Ông ta đã nhận được và đã đọc, thưa ngài.
- Bức thư này có nói rõ thế đứng và ước muốn của ta không?
- Thưa có chứ, - Parry buồn rẩu trả lời.- Nó diễn tả hết sức trung thực ý tưởng của ngài.
- Thế rồi sao, Parry?
- Thế rồi Đại tướng sai người tuỳ tùng trả lại bức thư cho tôi và dặn rằng nếu hôm sau mà tôi còn lẩn quẩn tại vùng thuộc quyền ông ta, ông ta sẽ cho bắt tôi.
- Bắt à? - Người trẻ tuổi lẩm bẩm, - bắt ngươi, người hầu cận trung thành nhất của ta!
- Thưa ngài vâng.
- Mà ông đã ký đúng tên Parry chứ?
- Thưa rõ từng chữ một; và người sĩ quan tuỳ tùng đã từng biết tôi trước ở Saint- James (Xanh Giêm), - ông già vừa thở dài vừa thêm, từng ở Whitehall?
Người trẻ tuổi khẽ nghiêng mình, vẻ tư lự, ủ dột.
Đó là điều mà ông ta phải làm khi có mặt người của ông ta tại đó.
Vừa nói chàng vừa cố đổi thế ngồi:
- Nhưng còn riêng tư, lúc chỉ còn ông với ông ta, ông ta làm gì? Trả lời đi!
- Than ôi, thưa ngài, ông ta đã phái bốn kỵ sĩ đem lại cho tôi con ngựa mà ngài đã thấy. Các kỵ sĩ này đã hối hả dẫn tôi tới một cảng nhỏ ở Tenby (Ten-bi), ném tôi hơn là đưa tôi xuống chiếc tàu đánh cá đi Bretagne (Brơ-ta-nhơ) và bây giờ thì tôi ở đây, trước mặt ngài.
Người trẻ tuổi "ồ" lên một tiếng rồi vừa thở dài vừa dùng đôi bàn tay co giật nắm lấy chiếc cổ để vọng lên một tiếng nấc.
- Hết rồi à, hết thật rồi à. Parry?
- Vâng thưa ngài, hết thật rồi!
Sau câu trả lời ngắn ngủi của Parry là một khoảng thời gian im lặng thật dài; người ta chỉ còn nghe tiếng giày của người trẻ tuổi giận dữ nện dọc ngang trên sàn gác.
Ông già muốn đổi sang chuyện khác vì câu chuyện cũ đã dẫn tới những ý tưởng qua đen tối.
- Thưa ngài, vừa rồi sao lại ồn ào náo nhiệt thế? Những người la hét "Hoàng thượng vạn tuế", là ai vậy? Đức vua nào vậy, và vì sao lại có đèn đuốc sáng trưng như thế này?
- Ồ! Parry, bộ ông không hay sao, - Người trẻ tuổi chua chát trả lời.- Đó là vua nước Pháp đi thăm viếng thành Blois đẹp đẽ của ông ta. Tất cả những kèn đồng đó là để dành cho ông ta, tất cả những áo choàng lóng lánh là của ông ta, tất cả những nhà quý tộc, tất cả những thanh gươm sáng loáng đó là của ông ta hết. Mẹ ông ta đi trước trên một cỗ xe tuyệt vời cẩn vàng bạc!
- Thật là một người mẹ sung sướng! Vị tể tướng thu về cho ông ta hàng triệu bạc và dẫn ông ta kết hôn với một người thật giàu.
- Thế là cả dân tộc này đều sung sướng, họ yêu mến Đức vua của họ, vuốt ve ngài bằng những tiếng vạn tuế và họ kêu lên "Hoàng thượng vạn tuế, Hoàng thượng vạn tuế".
- Dạ, dạ, đúng vậy, thưa ngài - Parry nói, trong lòng lo lắng vì những đột biến của đề tài mới này hơn là vì câu chuyện cũ.
Người trẻ tuổi tiếp lời.
- Ông có biết không, trong khi mẹ ruột ta, chị ta không còn tiền, không còn cơm ăn thì tất cả vinh dự đều dồn cả vào vua Louis XIV; ông ấy có biết ta sẽ trở thành kẻ nghèo khổ và sẽ bị đuổi ra khỏi nơi đây trong vòng mười lăm ngày khi cả châu Âu hay được những điều nhà ngươi vừa tiết lộ! Parry có trường hợp nào mà một người ở địa vị như ta.
- Ôi, tôi van ngài!
- Ông có lý, Parry, tôi quả là một thằng hèn, và nếu chính ta chẳng chịu lo gì cho mình cả thì Chúa làm được gì? Không không, Parry ôi, ta có đôi tay, ta có thanh gươm.
Và ông ta vỗ mạnh vào cánh tay của mình rồi đến tháo thanh gươm treo trên tường.
- Ngài định làm gì, thưa ngài?
- Ta sẽ làm gì à, Parry? Đó là điều mà cả gia đình ta đã làm. Mẹ ta là ăn mày, chị ta ăn xin hộ mẹ ta, ta cũng có đâu đó vài người anh em đang ăn xin, ta là anh cả, ta cũng sẽ làm như tất cả bọn họ, ta sẽ đi ăn xin!.
Giọng nói tới đây bị đứt quãng bởi tiếng cười dữ dội và nóng nảy, người trẻ tuổi thắt thanh gươm ngang mình, nhặt chiếc nón trên nóc tủ, khoác tấm áo choàng rộng màu đen mà ông ta đã đem theo trong suốt cuộc hành trình, rồi nắm chặt tay ông già đang lo lắng nhìn mình.
- Parry yêu quý của ta ơi, hãy đốt lửa lên, ăn uống rồi nghỉ ngơi đi, hãy sung sướng lên đi chúng ta hãy sung sướng lên, hỡi người bạn trung thành của ta ơi, người bạn duy nhất của ta, chúng ta giàu lắm như vua chúa vậy đó.
Ông ta đấm mạnh vào túi tiền khiến nó rớt mạnh xuống đất và cất lên tiếng cười thê thảm làm Parry vô cùng hoảng sợ.
Thế là trong lúc cả quán đang gọi nhau ơi ới, ca hát và chuẩn bị tiếp rước các khách trọ có người hầu tới trước thì người trẻ tuổi lặng lẽ, qua ngả phòng lớn, bước ra đường, trong khi ông già bước ra cửa sổ ngó xuống nhìn bóng chủ mất hút trong một phút sau đó.


Nguồn: http://vnthuquan.net/