Thế nào mà với một cây bút và lời doạ nạt, người ta làm nhanh hơn, tốt hơn là đối với một thanh gươm hoặc lòng tận tụy
(tiếp theo)
Anne d'Autriche xem qua bản hiệp ước mà d'Artagnan đưa trình. Bà nói:
Tôi chỉ thấy những điều kiện chung thôi. Những quyền lợi của các ông de Conti, de Beaufort, de Bouillon, d'd'Elbeuf, và ông chủ giáo đều có ghi. Nhưng còn điều kiện của các ông đâu?
- Thưa Lệnh bà, chúng tôi thừa nhận mình trong khi đặt mình vào tầm cao của mình. Chúng tôi nghĩ rằng tên tuổi của chúng t ô không đáng ghi vào bên cạnh những đại danh ấy.
- Nhưng tôi đoán rằng ông chẳng từ chối trình bày với tôi nhưng yêu sách của ông bằng lời.
- Thưa Lệnh bà, tôi nghĩ rằng Lệnh bà là một nữ hoàng vĩ đại và quyền thế, và chắc là sẽ chẳng xứng đảng với sự vĩ đại và quyền thế ấy, nếu không khen thưởng xứng đáng những cánh tay sẽ đưa Các hạ về Saint-Germain.
- Đó là ý định của tôi, nói đi.
- Xin lỗi Lệnh bà, tôi bắt đầu bằng tôi, nhưng cần phải nêu rõ tầm quan trọng của tôi, tôi không vơ lấy nó nhưng người ta đã ban cho tôi. Đối với con người đã thương lượng việc chuộc lại ngài giáo chủ thì việc khen thưởng không thể dưới tầm của Hoàng thượng và người đó phải được phong làm chỉ huy thị vệ, đại khái như là đại uý ngự lâm quân.
- Đó là chức vị của ông de Treville mà ông yêu cầu đấy.
- Chức vị ấy hiện nay khuyết, thưa Lệnh bà, từ một năm nay ông de Treville rời bỏ nó và chưa có ai thay thế.
- Nhưng đó là một trong những chức vụ quân sự hàng đầu của hoàng gia.
- Ngài de Treville xưa cũng chỉ là một thiếu sinh bình thường ở xứ Gascogne như tôi thôi, và cũng giữ chức vụ đó hai mươi năm.
- Cái gì ông cũng đối đáp được cả, - Anne d'Autriche nói.
Và cầm một tấm bằng ở trên bàn giấy bà điền vào rồi ký.
D'Artagnan đỡ lấy tấm bằng, cúi mình thi lễ và nói:
- Thưa Lệnh bà, tất nhiên đây là một phần thưởng đẹp đẽ và cao quí; nhưng mọi việc ở trên đời này đều đầy bất trắc, và một người khi Reuil vào sự thất sủng của Hoàng thượng thì hôm sau mất luôn cái chức vụ đó.
Đỏ mặt lên vì cái trí não kia cũng tinh tế như trí não của bà và thấy suốt tâm địa bà, bà nói:
- Vậy thì ông muốn gì nào?
- Một trăm nghìn livrơ cho cái gã đại uý ngự lâm quân khốn khổ này, được trả ngay mà công việc phục vụ của hắn không vừa lòng Hoàng thượng nữa.
Anne ngập ngừng, d'Artagnan nói tiếp:
- Tôi xin phép Lệnh bà hãy lưu ý rằng, hôm nọ theo phán quyết của nghị viện dân chúng Paris treo giải thưởng sáu trăm nghìn livres cho ai đem nộp ngài giáo chủ còn sống hay chết sống thì đem treo cổ, chết thì kéo ra bãi đổ rác?
- Thôi được, thế cũng là phải chăng, - Anne d'Autriche nói,
- Vì rằng ông chỉ đòi ở một hoàng hậu có một phần sáu số tiền mà nghị viện đề ra.
Và bà ký một điều ước cấp một trăm nghìn livres.
- Rồi sao nữa, - bà hỏi.
- Thưa Lệnh bà, ông bạn Du Vallon của tôi giàu, có do đó không ao ước của cải, nhưng tôi nhớ rằng giữa ông ấy và ngài Mazarin có bàn vấn đề phong Nam tước cho lãnh địa của ông ấy. Tôi còn nhớ rõ đó là một điều đã hứa hẹn.
- Một tên nông dân thô lỗ ấy à? - Anne d'Autriche nói, - Người ta sẽ cười cho.
- Được - D'Artagnan nói. - Nhưng tôi tin chắc một điều, ấy là kẻ nào cười trước mặt ông ấy sẽ không cười được hai lần đâu.
- Thôi được, cho cái tước vị ấy, - Anne d'Autriche nói và ký luôn.
- Bây giờ còn hiệp sĩ hoặc tu viện trưởng D'Herblay, xin tuỳ Thánh thượng gọi.
- Ông ta muốn làm giám mục à?
- Không ạ, ông ta mong muốn một điều dễ dãi hơn.
- Điều gì?
- Ấy là Đức vua hạ cố làm cha đỡ đầu cho con trai bà de Longueville.
Hoàng hậu tủm tỉm cười.
- Thưa Lệnh bà, - D'Artagnan nói, - Ông de Longueville là dòng dõi hoàng gia.
- Phải, nhưng con ông ta?
- Thưa Lệnh bà, đứa con trai ấy… cũng thế chứ ạ, bởi vì chồng của mẹ nó đã như vậy.
- Thế bạn của ông không yêu cầu thêm gì cho bà de Longueville à?
- Thưa Lệnh bà, không ạ, bởi vì ông ấy đoán rằng Đức vua khi nhận làm cha đỡ đầu cho đứa trẻ, không thể không tặng cho mẹ nó nhân lễ mừng giải cữ một món quà dưới năm trăm nghìn livres, và tất nhiên vẫn giữ cho cha nó quyền cai trị xứ Normandie.
- Về quyền cai trị xứ Normandie, tôi nghĩ có thể cam kết, - Hoàng hậu đáp, - Nhưng về khoản năm trăm nghìn livrơ, thì ngài giáo chủ không ngớt nhắc nhở tôi rằng không còn tiền bạc trong các quỹ của Nhà nước nữa.
- Thưa Lệnh bà, nếu Người cho phép, chúng ta sẽ cùng đi tìm kiếm và chúng ta sẽ tìm thấy.
- Còn gì nữa.
- Dạ, hết rồi ạ.
- Ông chẳng có một người bạn đồng đội thứ tư nào?
- Có chứ ạ; bá tước de La Fère.
- Ông ta xin gì.
- Không xin gì cả.
- Không xin gì ư?
- Không.
- Trên đời này có một người có thể đòi hỏi mà không đòi hỏi gì ư?
- Thưa Lệnh bà, có bá tước De La Fère; ông ta không phải là một con người.
- Vậy là gì?
- Bá tước de La Fère là một nữa của Thánh.
- Ông ta chẳng có một con trai, một cậu thiếu niên, một người họ hàng, một đứa cháu đấy ư? Ông Comminger đã nói với tôi về cậu ta như một chàng trai dũng cảm, cậu ta đã cùng ông de Châtillon mang về những lá cờ ở mặt trận Lens mà.
- Như Hoàng thượng nói, ông ta có một đứa con nuôi tên là tử tước de Bragelonne.
- Nếu người ta ban cho cậu ta một trung đoàn, thì người cha đỡ đầu sẽ nói gì?
- Có thể ông ấy sẽ đồng ý.
- Có thể à?
- Vâng, nếu như đích thân Hoàng thượng yêu cầu ông ấy nhận.
- Đúng như ông nói, đấy là một con người kỳ lạ. Được rồi, chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm và chúng tôi có thể nói với ông ta. Ông hài lòng chứ?
- Vâng, thưa Hoàng thượng. Nhưng có một điều mà Người chưa ký.
- Điều gì?
- Mà điều ấy lại là quan trọng nhất.
- Việc chấp thuận bản hoà ước?
- Vâng.
- Để làm quái gì? Ngày mai tôi sẽ ký.
- Có một điều mà tôi ngỡ có thể khẳng định với Hoàng thượng, - D'Artagnan nói,
- Đó là nếu như Hoàng thượng không ký phê chuẩn bản hiệp ước hôm nay thì sau này sẽ không có dịp để ký nữa. Vậy tôi van xin Lệnh bà ký, ở dưới bản hiệp ước đó có câu hoàn toàn do ngài Mazarin viết, như Lệnh bà thấy đấy.
"Tôi bằng lòng phê chuẩn bản hiệp ước do nhân dân Paris đề nghị".
Anne bị tiến tới rồi không thể lùi, đành phải ký.
Nhưng vừa ký xong, thì lòng kiêu hãnh nổ ra ở bà như một cơn giông tố, và bà bưng mặt khóc nức nở.
Nhìn những giọt nước mắt ấy, d'Artagnan rùng mình. Ngay từ thời ấy các bà hoàng khóc lóc như những người đàn bà tầm thường.
Chàng Gascon lắc đầu. Những giọt lệ vương hầu ấy thiếu đốt lòng anh. Anh quỳ xuống và nói:
- Xin Lệnh bà hãy nhìn gã quý tộc khốn khổ đang quỳ dưới chân Người, hắn xin Người hãy tin rằng chỉ một cử chỉ của Hoàng thượng thôi là hắn có thể làm tất cả để vui lòng Người! Hắn tự tin ở mình, hắn tin ở bè bạn, hắn cũng muốn tin ở nữ hoàng của mình và chứng cớ là hắn không sợ hãi gì hết, hắn không lợi dụng gì hết, hắn sẽ dẫn ngài Mazarin trở về với Hoàng thượng không điều kiện gì hết. Đây, thưa Lệnh bà, đây là những chữ ký thiêng liêng của Hoàng thượng, nếu như Lệnh bà thấy cần phải đưa cho tôi thì Lệnh bà sẽ làm. Nhưng từ giờ phút này trở đi: những chữ ký ấy không ràng buộc gì Lệnh bà nữa.
Và d'Artagnan vẫn quỳ, với cái nhìn rừng rực niềm kiêu hãnh và lòng táo tợn nam nhi, anh đưa lại cho Anne d'Autriche cả mớ giấy tờ mà anh mất bao công sức mới giành giật được từng tờ một.
Nếu như ở trên đời này tất cả không phải đều tốt, và tất cả không phải đều xấu, thì có những lúc, trong những trái tim khô cằn và lạnh giá nhất, nhờ được tưới bằng những giọt lệ của một nỗi xúc động cao độ sẽ nảy mầm một tình cảm khoan dung hào hiệp, mà sự tính toán và lòng kiêu ngạo sẽ bóp nghẹt ngay, nếu một tình cảm khác không chiếm lấy nó ngay khi mới ra đời.
Anne đang ở trong một lúc như thế, d'Artagnan nhượng bộ trước nỗi xúc động của bản thân mình, hoà nhịp với nỗi xúc động của Hoàng hậu, anh đã hoàn tất công trình của một thuật ngoại giao sâu sắc Anh lập tức được đền bù về tài khéo léo hoặc lòng tận tụy của mình, tuỳ theo người ta muốn làm vinh dự cho trí não hoặc con tim anh về cái động cơ nó khiến anh hành động.
Anne nói:
- Ông nói đúng. Tôi đã không biết đến ông. Đây là những văn bản đã ký mà tôi trao lại cho ông một cách tự do. Hãy đi đi và nhanh chóng đưa ông giáo chủ trở về.
- Thưa Lệnh bà, - D'Artagnan nói, - Tôi có trí nhớ và nhớ rằng cách đây hai mươi năm, đứng sau tấm thảm ở Toà Đô sảnh, tôi đã có vinh dự được hôn lên một trong hai bàn tay tuyệt mỹ kia.
- Vậy thì bàn tay kia đây, - Hoàng hậu nói, và để bàn tay trái không kém rộng rãi như bàn tay phải (bà tháo ở ngón tay một chiếc nhẫn kim cương gần giống chiếc nhẫn ngày xưa đã ban cho d'Artagnan), - Xin ông hãy cầm lấy và giữ chiếc nhẫn này để nhớ đến tôi.
D'Artagnan vừa đứng lên vừa nói:
- Thưa Lệnh bà, bây giờ tôi chỉ còn một ao ước, ấy tôi điều đầu tiên Lệnh bà đòi hỏi ở tôi sẽ là tính mạng tôi.
Và với cái phong thái chỉ có ở riêng anh, anh đứng dậy và đi ra.
Nhìn d'Artagnan rời chân, Anne d'Autriche lẩm bẩm:
- Ta đã quên những con người này, nhưng bây giờ ta dùng họ thì quá muộn rồi, trong một năm nhà vua sẽ thành niên.
Mười lăm tiếng đồng hồ sau, d'Artagnan và Porthos đưa Mazarin trở về với Hoàng hậu và một người lĩnh tấm bằng đại uý ngự lâm quân, một người nhận tờ sắc phong Nam tước.
- Thế nào, các ông hài lòng chứ? - Anne d'Autriche hỏi.
D'Artagnan nghiêng mình, Porthos tay mân mê tờ sắc phong của mình, mắt nhìn Mazarin.
- Còn điều gì nữa. - Mazarin hỏi.
- Thưa Đức ông, còn điều hứa hẹn tặng huân chương trong kỳ thăng thưởng đầu tiên.
- Ông Nam tước ơi, - Mazarin đáp,
- Ông biết rằng không thể được tặng huân chương, nếu không có những bằng chứng về tài năng.
- Ồ! Thưa Đức ông, - Porthos nói. - Tôi xin cái dải huân chương màu xanh, có phải cho tôi đâu?
- Thế cho ai? - Mazarin hỏi.
- Cho bạn tôi, bá tước De La Fère.
- Ô! - Hoàng hậu nói, - Ông ấy lại là chuyện khác. Những bằng chứng đã có rồi.
- Ông ấy sẽ có?
- Ông ấy đã có.
Cùng ngày hôm ấy, hiệp ước Paris được ký kết và khắp nơi người ta đồn rằng tể tướng đã ở lỳ trong nhà ba hôm để thảo bản hiệp ước cho thật kỹ.
Hiệp ước ấy đã mang lại quyền lợi cho mỗi người như sau:
- Ông de Conti được hưởng xứ Damvilliers, và do chứng tỏ tài năng như một vị tướng, ông được ở lại làm quân nhân và không trở thành giáo chủ. Hơn nữa, người ta đã buông vài lời về sự kết hôn với một người cháu gái của Mazarin. Vài lời ấy được Hoàng thân rất hoan nghênh, đối với ông thì cười ai cũng không can hệ, miễn là người ta cưới vợ cho ông(1).
- Ông de Beaufort trở về triều đình với tất cả những sự bồi thường về việc người ta đã lăng nhục ông và những quyền cao chức trọng mà thử vị của ông có quyền đòi hỏi. Người ta cũng miễn xá hoàn toàn và đầy đủ cho những người đã giúp ông vượt ngục, để cho ông thừa hưởng tước vị đô đốc mà quận công de Vendôme cha ông đã giữ, và một khoản tiền bù cho những ngôi nhà và lâu đài của ông mà nghị viện xứ Bretagne đã cho phá huỷ.
- Quận công de Bouillon được nhận những lãnh địa ngang giá với thái ấp của ông ở Sedan; một khoản bồi thường những lợi tức của thái ấp ấy mà ông không được hưởng trong tám năm, và danh hiệu hoàng thân được ban cho ông và những người trong gia đình.
- Quận công de Longueville được hưởng quyền cai trị Pont de l' Arche, năm trăm nghìn livres cho vợ và có vinh dự thấy con trai mình được ông vua trẻ và cô công chúa trẻ Henriette Anh quốc đỡ trên những tấm gấm trong buổi lễ rửa tội.
Aramis chỉ định Bazin sẽ hành lễ trong buổi lễ long trọng và Planchet sẽ cung cấp bánh kẹo.
- Quận công d'Elbeuf được người ta cấp một số tiền cho vợ, một trăm nghìn livrơ cho con trai cả, còn ba đứa sau mỗi đứa được hai mươi lăm nghìn livrơ.
Chỉ có ông chủ giáo chẳng được gì cả. Người ta hứa với ông sẽ thương lượng với giáo hoàng về chiếc mũ giáo chủ cho ông, nhưng ông hiểu rõ mình sẽ xây dựng được cái gì trên những lời hứa hẹn của hoàng hậu và giáo chủ. Trái hẳn lại ông de Conti, không thể trở thành giáo chủ, ông buộc vẫn là người kiếm cung.
Cho nên trong khi toàn thể Paris vui mừng về việc Đức vua trở về ấn định vào ngày hôm sau nữa, thì giữa niềm hoan lạc chung ấy, ông chủ giáo de Gondy hết sức bực bội, đến nỗi ông sai đi tìm ngay tức khắc hai người mà ông thường có thói quen cho gọi đến khi ông ở trong những trạng thái tinh thần như vậy.
Hai người ấy, một là bá tước dờ Rochefort, người kia là gã ăn mày ở nhà thờ Saint- Eustache.
Họ đến rất đúng giờ như thường lệ, và ông chủ giáo đàm đạo vơi họ trong đêm hôm ấy.
Chú thích:
(1) vì ông ta bị gù lưng.
Chương 96
Do đâu mà chứng minh rằng đối với các ông vua trở lại kinh đô vương quốc đôi khi lại còn khó khăn hơn là ra khỏi kinh đô
Trong khi d'Artagnan và Porthos đưa tể tướng đến Saint-Germain, thì Arthos và Aramis chia tay họ ở Saint-Denis và trở về Paris.
Mỗi người có việc đi viếng thăm riêng của mình.
Vừa tới Paris là Aramis chạy ngay đến Toà đô sảnh nơi bà de Longueville ở. Nghe tin tức đầu tiên về hoà bình, bà quận công xinh đẹp kêu toáng lên. Chiến tranh đã khiến bà trở thành nữ hoàng, hoà bình dẫn đến sự thoái vị của bà, bà tuyên bố rằng chẳng bao giờ bà ký vào bản hiệp ước và bà muốn một cuộc chiến tranh muôn thuở.
Nhưng khi Aramis trình bày nền hoà bình ấy dưới ánh sáng thật sự của nó nghĩa là với tất cả những lợi lộc; khi anh chỉ rõ rằng đánh đổi cái vương vị bấp bênh kia mà Paris không thừa nhận lấy cái phó vương vị Pont de l'Arche, tức là toàn bộ xứ Normandie; khi anh làm vang lên bên tai bà năm trăm nghìn đồng livres mà tể tướng hứa; khi anh làm lấp lánh trước mặt bà niềm vinh dự được thấy vua đỡ đứa con bà trong lễ rửa tội, thì bà de Longueville chỉ còn phản đối theo thói quen của những người đàn bà xinh đẹp thường hay phản đối và chỉ còn chống cự chiếu lệ để rồi đầu hàng.
Aramis giả vờ tin rằng sự phản đối ấy là có thực và không muốn trước mắt bà tức bỏ đi cái công trạng đã thuyết phục được bà.
- Thưa bà, - anh nói, - bà muốn một lần nữa đánh lại ngài hoàng thân anh bà, nghĩa là người chỉ huy tài giỏi nhất của thời đại, và khi mà những người phụ nữ tài năng muốn, họ vẫn thành công. Bà đã thành công, ngài Hoàng thân bị thua vì rằng ngài không thể làm chiến tranh được nữa. Bây giờ hãy kéo ông ấy về phe đảng của ta. Cứ nhẹ nhàng tách ông ra khỏi hoàng hậu mà ông không thích và khỏi Mazarin mà ông khinh rẻ. La Fronde là một vở hài kịch mà chúng ta mới diễn có màn đầu. Ta hãy chờ ông Mazarin ở đoạn kết, tức là ngày mà ngài hoàng thân, nhờ ở bà, sẽ quay ra chống lại triều đình.
Bà de Longueville bị thuyết phục. Cái bà quận công Fronde ấy rất tin tưởng ở quyền lực của đôi mắt tuyệt đẹp của mình đến nỗi không hoài nghi về tác động của nó ngay đến cả ông de Condé anh bà, và sử sách châm biếm của thời ấy cho rằng bà đã không quá tự phụ.
Chia tay Aramis ở Hoàng trường, Arthos đến ngay bà de Chevreuse. Đây lại là một nữ Fronde phải thuyết phục, nhưng bà này khó thuyết phục hơn đối thủ trẻ của bà. Hịệp ước không qui định một điều kiện nào có lợi cho bà cả. Ông de Chevreuse chẳng được cử làm tổng đốc một tỉnh thành nào. Và nếu như hoàng hậu nhận làm mẹ nuôi thì chỉ là đối với cháu trai hoặc cháu gái của ông mà thôi.
Cho nên vừa mới nghe đến tiếng hoà bình, bà de Chevreuse chau mày và mặc dầu mọi luận lý của Arthos để chứng minh rằng một cuộc chiến tranh lâu dài hơn là không thể được bà vẫn khăng khăng ủng hộ chiến tranh.
- Bà bạn xinh đẹp ơi – Arthos nói, - Tôi xin phép nói rằng trong khi tất cả thiên hạ chán nản chiến tranh, có lẽ trừ có bà và ngài chủ giáo, còn tất cả mọi người mong muốn hoà bình. Bà sẽ lại bị lưu đày như thời vua Louis XIII. Xin hãy tin tôi, chúng ta đã qua cái tuổi những thành công về âm mưu, và cặp mắt huyền diệu của bà không phải sinh ra để lại tan trong nước mắt than khóc Paris, ở Paris bao giờ cũng sẽ có hai hoàng hậu chừng nào bà còn ở đó.
- Ôi - Bà quận công nói, - Tôi không thể làm chiến tranh một mình, nhưng tôi có thể trả thù cái bà hoàng hậu bội bạc ấy và cái lão sủng thần tham lam kia, và… Xin lấy danh dự nữ quận công mà thề rằng tôi sẽ trả thù.
- Thưa bà, - Arthos nói,
- Tôi van xin bà, đừng tạo một tương lai xấu cho de Bragelonne, anh ta đã được tiến cử, ngài hoàng thân muốn điều tốt lành cho anh ta, anh ta còn trẻ, hãy để cho một ông vua trẻ gây dựng. Chao ôi! Xin lỗi bà về sự yếu đuối của tôi; đến một lúc nào đó con người ta hồi sinh và trẻ lại trong con cái mình.
Bà quận công mỉm cười nửa thân thương, nửa giễu cợt và nói:
Arthos nói thật, anh không biết điều yêu cầu của Porthos và không biết rằng anh sẽ có một dải huân chương khác nữa.
- Ôi ta trở thành bà già mất? - Bà công tước mơ màng nói Arthos cầm lấy tay bà và hôn lên. Bà nắm anh mà thở dài nói:
- Bá tước ơi, Bragelonne chắc là một nơi ở rất đẹp. Ông là người phong nhã, ắt là ở đấy có nước non hùng vĩ, có rừng núi hữu tình,
Bà lại thở dài và tì cái đầu tuyệt mỹ lên bàn tay uốn cong lại một cách duyên dáng vẫn thon thả và nuột nà.
- Thưa bà, - bá tước nói, - Lúc nãy bà nói gì vậy? Chưa bao giờ tôi thấy bà trẻ đẹp đến thế.
Bà công tước lắc đầu.
- De Bragelonne có ở lại Paris không? - bà hỏi.
- Bà nghĩ thế nào về nó? - Arthos hỏi.
- Hãy để nó cho tôi, - Bà bảo.
- Không được đâu. Nếu bà quên câu chuyện về Ơđíp ( Oedipe)(1) thì tôi vẫn nhớ.
- Sự thật là ông rất dễ thương, bá tước ạ, và tôi muốn ở chơi Bragelonne một tháng.
- Bà không sợ là sẽ làm cho khối người ghen tỵ với tôi hay sao? - Arthos đáp một cách phong nhã.
- Không, tôi sẽ đi kiểu vi hành, dưới cái tên Marie Michon.
- Bà thật đáng quý.
- Nhưng ông đừng cho Raoul về ở với ông.
- Tại sao vậy?
- Vì nó yêu đương.
- Nó ấy à, một đứa trẻ con.
- Cho nên nó cũng yêu một đứa bé gái đấy thôi.
Arthos trở nên đăm chiểu. Anh nói:
- Bà nói đúng, bà công tước ạ. Mối tình lạ lùng đối với một con bé bảy tuổi có thể một ngày kia làm cho nó khốn khổ. Sắp có đánh nhau ở Flandre, nó sẽ đi đấy.
- Khi nó trở về, ông gửi nó đến tôi, tôi sẽ bọc áo giáp cho nó để chống lại ái tình.
- Chao ôi, thưa bà, ngày nay ái tình cũng giống như chiến tranh và áo giáp trở thành vô ích.
Vừa lúc ấy Raoul vào. Anh đến báo với bá tước và bà công tước rằng bá tước de Guise bạn anh đã cho anh biết rằng cuộc lễ long trọng đón vua, hoàng hậu và tể tướng sẽ cử hành vào ngày hôm sau.
Quả thật, hôm sau, từ mờ sáng, triều đình đã tấp nập sửa soạn rời Saint-Germain.
Từ chiều hôm trước Hoàng hậu đã cho mời d'Artagnan đến và bảo:
- Này ông, người ta nói với tôi là Paris không yên tĩnh. Tôi lo ngại cho vua. Vậy ông hãy đi kèm ở cửa xe bên phải nhé.
- Xin Lệnh bà hãy yên trí, - D'Artagnan đáp, - Tôi xin đảm nhận việc bảo vệ Đức vua.
Anh chào hoàng hậu, và đi ra.
Vừa ra khỏi cửa, anh gặp Bernouin đến báo cho anh biết rằng tể tướng đang đợi anh vì có những việc quan trọng. Anh lập tức đến đấy.
- Này ông, - giáo chủ nói, - người ta đang đồn về chuyện nổi loạn ở Paris. Tôi sẽ ngồi ở bên trái Đức vua. Do tôi là người chủ yếu bị đe doạ, ông sẽ đi ở cửa xe bên trái nhé.
- Xin Đức ông cứ yên tâm, - D'Artagnan đáp, - Người ta sẽ không dụng đến một sợi tóc của ngài đâu.
Ra ngoài tiền sảnh, d'Artagnan tự nhủ thầm.
- Chết thật? Mình làm sao gỡ ra được đây. Mình không thể vừa ở cửa xe bên trái lại vừa ở cửa xe bên phải. À, được rồi, mình sẽ canh vua, còn Porthos canh giáo chủ.
Sự thu xếp ấy vừa lòng mọi người, kể cũng là hiếm có. Hoàng hậu tin cậy ở lòng dũng cảm của d'Artagnan mà bà đã biết rõ; còn tể tướng tin cậy ở sức mạnh của Porthos mà ông đã được thử thách.
Đoàn ngự giá lên đường về Paris theo thứ tự định sẵn. Gitaud và Comminger dẫn đầu đội thị vệ đi trước. Rồi đến xe nhà vua, hai bên cửa xe có d'Artagnan và Porthos. Rồi đến ngự lâm quân, những người bạn cũ của d'Artagnan từ hai mươi năm nay, mà anh là trung uý từ hai mươi năm và là đại uý từ hôm qua.
Tới cửa ô, cỗ xe được chào bằng những tiếng hô lớn: "Đức vua muôn năm!"; "Hoàng hậu muôn năm". Vài tiếng hô "Mazarin muôn năm!" xen lẫn, nhưng không có tiếng vang.
Đoàn xe đi đến nhà thờ Đức Bà nơi sẽ tổ chức lễ Tạ ơn
Tất cả dân chúng Paris đổ ra đường phố. Người ta đã bố trí lính Thuỵ Sĩ suốt dọc dường đi, nhưng vì đường rất dài, nên chỉ có thể đặt cách bảy, tám bước một người. Hàng rào ấy rõ ràng là không đủ, và thỉnh thoảng lại bị một đợt sóng dân chúng xô vỡ, rất khó khăn mới dựng lại được.
Từ một năm nay vắng mặt Nhà vua và Hoàng hậu, cho nên nhân dân Paris ao ước gặp lại và có xô đổ hàng rào bảo vệ cũng là do thiện ý thôi; nhưng mỗi lần như vậy Anne d'Autriche lại nhìn d'Artagnan với vẻ lo lắng, nhưng anh làm yên tâm bà bằng một nụ cười.
Mazarin đã chi tiêu một nghìn louis để vận động người ta hô "Mazarin muôn năm!" và đánh giá những tiếng hô đã nghe thấy không đáng hai mươi pistol, cũng lo sợ nhìn Porthos. Nhưng anh chàng vệ sĩ khổng lồ đáp lại bằng một giọng trầm rất tuyệt: "Đức ông yên trí", nên Mazarin mỗi lúc một vững dạ hơn.
Đến Hoàng cung người ta thấy dân chúng càng đông hơn nhiều.
Họ từ các phố tiếp giáp đổ vào quảng trường, và như con sông rộng nổi sóng, tất cả làn sóng người ấy đi đón xe vua, và chảy ầm ầm vào phố Saint-Honoré.
Khi xe tới quảng trường nhiều tiếng hô lớn: "Các đức Hoàng thượng muôn năm!" vang lên. Mazarin cúi xuống cửa xe. Vài ba tiếng hô: "Tể tướng muôn năm!" chào ông, nhưng lập tức bị dập tắt một cách thảm hại bởi những tiếng huýt sáo và la ó. Mazarin tái mặt đi và vội lùi lại phía sau.
- Đồ súc sinh! - Porthos lẩm bẩm.
D'Artagnan không nói năng gì, nhưng vân vê ria mép với một cử chỉ đặc biệt nó chứng tỏ rằng cái khí chất vui vẻ Gascon của anh bắt đầu bốc nóng.
Anne d'Autriche ghé tai ông vua trẻ và nói thầm:
- Con hãy tỏ ra nhã nhặn và nói vài lời với ông d'Artagnan.
Ông vua trẻ quay ra phía cửa và nói:
- Ông d'Artagnan ơi, tôi chưa chào ông, nhưng tôi vẫn nhận ra ông đấy. Chính ông đã đứng sau rèm màn giường tôi cái đêm mà dân Paris muốn đến xem tôi ngủ ấy mà.
- Và tiểu đức vua cho phép, - D'Artagnan đáp, - Chính tôi sẽ gần Người tất cả nhưng khi nào có một mối nguy hiểm đe doạ.
Mazarin bảo Porthos:
- Này ông ơi, nếu tất cả cả cái đám đông kia ùa đến chúng ta thì ông sẽ làm gì?
- Thưa Đức ông, - Porthos đáp, - Tôi sẽ giết họ đến mức nhiều nhất.
- Hừm! - Mazarin nói, - dù thật dũng cảm và lực lưỡng như ông, ông cũng không thể giết hết tất cả.
Porthos đứng lên bàn đạp để xem cho rõ dân chúng đông chừng nào và nói.
- Đúng đấy, họ đông vô kể.
- Có lẽ ta thích ông kia hơn, - Mazarin nói.
Và ông ngồi thụt vào lòng xe.
Hoàng hậu và nhất là tể tướng cảm thấy lo ngại cũng đúng thôi.
Đám dân chúng vẫn giữ bề ngoài cung kính và quý mến nhà vua và bà nhiếp chính, bắt đầu nhốn nháo ồn ào. Người ta nghe thấy những tiếng rì rào ầm ĩ khi lướt trên mặt sóng nó báo hiệu một cơn giông tố, và khi lướt trên đám dân chúng nó báo hiệu một cuộc bạo loạn.
D'Artagnan quay lại phía ngự lâm và nháy mắt làm hiệu: đám đông không nhận ra, nhưng cái đội ngũ ưu tú kia thì hiểu rõ quá đi.
Các hàng ngựa siết chặt lại và một cơn rùng mình nhè nhẹ chạy qua khắp mọi người.
Đến cửa ô Sergents đoàn hộ giá buộc phải dừng lại.
Comminger rời khúc đầu của đoàn hộ giá mà anh ta phụ trách và đến cỗ xe Hoàng hậu. Bà đưa mắt hỏi d'Artagnan, anh cũng đáp lại bằng mắt.
- Cứ tiến lên, - Hoàng hậu đáp.
Comminger trở lại vị trí của mình. Người ta xô đẩy và rào chắn cửa ô đổ sập.
Mấy tiếng xì xào từ đám đông nổi lên và lần này nhằm cả vua lẫn tể tướng.
- Tiến lên! - D'Artagnan cất tiếng hô.
- Tiến lên! - Porthos đáp lại.
Đám đông chỉ chờ đợi có sự thị uy ấy để bùng nổ, nên tất cả những tình cảm chứa chất trong họ cũng nổ ra đồng thời. Từ khắp phía vang lên những tiếng hô "Đả đảo lão Mazarin?", "Giết chết giáo chủ đi?".
Cùng lúc ấy từ phía Grenelle Saint-Honoré và phố du Coq, hai dòng thác người ùa đến và bẻ gẫy cái hàng rào lính Thụy Sĩ mỏng manh và cuồn cuộn đến tận chân ngựa của d'Artagnan và Porthos.
Sự xô tràn lần này nguy hiểm hơn mấy lần trước và nó bao gồm những người vũ trang và còn vũ trang tốt hơn cả những người dân thường mọi khi báo động.
Người ta thấy phong trào này không phải là tác dụng của sự tình cờ đã tụ tập một số kẻ bất mãn trên cùng một điểm, mà là sự phối hợp của tinh thần thù nghịch đã tổ chức một cuộc tấn công.
Hai khối dân chúng ấy do thủ lĩnh chỉ huy, một người không có vẻ thuộc dân chúng mà thuộc đoàn thể danh giá của các vị hành khất; người kia thì mặc dầu cố bắt chước điệu bộ của dân chúng, người ta vẫn dễ dàng nhận ra một nhà quý tộc.
Hiển nhiên là cùng một xung lực đã thúc đẩy hai người hành động.
Có một chấn động rất mạnh truyền đến cả cỗ xe vua; rồi hàng nghìn tiếng la hét hợp thành một tiếng ồn ào xao động xen lẫn vài ba tiếng súng nổ.
- Ngự lâm quân đến đây? - D'Artagnan hô to.
Đoàn hộ giá tách ra làm hai hàng, một sang phía bên phải cỗ xe và một sang phía bên trái, chạy đến hỗ trợ d'Artagnan và Porthos.
- Thế là cuộc chiến nổ ra, càng khủng khiếp hơn do nó không có mục đích, càng thê thảm hơn do người ta không biết mình chiến đấu làm gì và cho ai.
Chú thích:
(1) Theo thần thoại Hy Lạp, Ơđíp là con vua Latiôx và Jôcaxtơ. Được nhà tiên tri cho biết là sau này Ơp sẽ giết cha và lấy mẹ. Laitiôx cho vứt con đi. Ơíp được những người chăn cừu cứu và đưa sang nuôi ở xứ khác. Ơđíp lớn lên, do tình cờ mà giết bố, rồi cưới mẹ. Sau này vỡ lẽ ra, Jôcaxtơ tự tử, còn Ơđíp tự móc mắt và cùng con gái bỏ ra đi.
Chương 97
Do đâu mà chứng minh rằng đối với các ông vua trở lại kinh đô vương quốc đôi khi lại còn khó khăn hơn là ra khỏi kinh đô
(tiếp theo)
Giống như mọi chuyển động của đám tiện dân, sự va chạm của đám đông này thật ghê gớm. Ngự lâm quân ít người, không thẳng hàng ở giữa đám đông ấy, không thể cho ngựa đi lại, bắt đầu bị tổn thương.
D'Artagnan muốn hạ những tấm rèm ở xe, nhưng ông vua trẻ đã giơ tay ra và bảo:
- Không, ông d'Artagnan, tôi muốn xem.
- Nếu Hoàng thượng muốn xem - D'Artagnan nói, - thì xin Người cứ nhìn.
Và với nỗi tức giận khiến anh trở thành rất khủng khiếp, d'Artagnan quay lại và nhảy vọt đến người thủ lĩnh của đám dân nổi loạn, ông ta một tay cầm súng ngắn, một tay cầm thanh gươm rộng bản đang đánh nhau với hai lính ngự lâm đề mở một đường đến tận cửa xe.
- Tránh ra, mẹ kiếp! - D'Artagnan hét lên, - tránh ra!
Nghe tiếng kêu người thủ lĩnh kia ngẩng đầu lên, nhưng muộn quá rồi; d'Artagnan đã đâm trúng và lưỡi gươm của anh xuyên qua ngực ông ta.
- A! Thôi chết rồi! - D'Artagnan cố ghìm tay kiếm nhưng quá muộn - Bá tước đến đây để làm quái gì thế này!
- Để hoàn tất số phận của tôi, - Rochefort nói và khụyu chân xuống. - Tôi đã hồi phục sau ba nhát kiếm của ông, nhưng sẽ không hồi phục được sau nhát kiếm thứ tư này.
- Bá tước ơi, - D'Artagnan xúc động nói. - Tôi đã đâm mà không biết là ông. Nếu như ông chết mà chết với nỗi thù hằn tôi thì tôi ân hận vô cùng.
Rochefort giơ tay cho d'Artagnan. Anh cầm lấy.
Bá tước muốn nói, nhưng một bụm máu trào lên làm nghẹn lời ông. Sau một cơn co giật cuối cùng ông cứng người lại và tắt thở.
- Lùi lại, đồ súc sinh? Thủ lĩnh của chúng bay chết rồi, chúng bay chẳng còn gì để làm ở đây nữa.
Thật vậy, bá tước Rochefort là linh hồn của cuộc tiến công vào phía bên này sườn xe vua, tất cả đám dân chúng đã đi theo ông và phục tùng ông, bây giờ trông thấy ông ngã bèn bỏ chạy. Cùng với hai chục lính ngự lâm, d'Artagnan truy kích đến phố Con gà trống, thì cái bộ phận này của cuộc nổi loạn tan như mây khói, tản mát trên quảng trường Saint-Germain và chạy ra phía bờ sông.
D'Artagnan trở lại để hỗ trợ cho Porthos nếu bạn thấy cần, nhưng về phía mình Porthos đã làm xong công việc của anh với cùng một ý thức như d'Artagnan.
Phía trái của cỗ xe được dọn quang không kém phía phải và người ta đang vén tấm rèm cửa mà Mazarin kém hiếu chiến hơn vua đã thận trọng hạ xuống.
Porthos có vé rầu rĩ lắm.
- Làm sao mặt cậu ìu xìu thế kia, Porthos? - D'Artagnan hỏi.
- Thật lạ lùng đối với một kẻ chiến thắng.
- Thì cậu cũng thế thôi, - Porthos đáp. - Trông cậu có vẻ xúc động lắm!
- Mẹ kiếp! Tôi vừa giết một người bạn cũ.
- Thật à. Ai thế?
- Cái ông bá tước Rochefort tội nghiệp ấy?
- Thế thì cũng giống tôi, tôi vừa giết một người mà khuôn mặt không phải xa lạ với tôi. Tiếc thay tôi đã đập vào đầu và trong giây lát mặt hắn đầm đìa máu…
- Thế khi ngã xuống hắn không nói gì à?
- Có chứ hắn đã kêu… ối?
D'Artagnan không nhịn được cười, nói:
- Tôi hiểu rằng, nếu hắn không nói điều gì khác thì điều ấy ắt không làm sáng tỏ điều gì hơn cho cậu.
- Thế nào ông? - Hoàng hậu hỏi.
- Thưa Lệnh bà - D'Artagnan đáp, - Đường đã hoàn toàn khai thông và hoàng thượng có thể tiếp tục đi.
Quả thật, cả đoàn hộ giá đến Nhà thờ Đức Bà mà không gặp trở ngại gì. Dưới cổng nhà thờ, tất cả giới giáo sĩ đứng đầu là ông chủ giáo đứng đợi nhà vua, hoàng hậu và tể tướng, và sắp hát Tạ ân mừng sự trở về may mắn của họ.
Trong khi hành lễ vào lúc sắp kết thúc, một thằng nhóc, mặt mũi nhớn nhác chạy vào Nhà thờ. Nhờ mặc bộ quân phục thùng thình, hắn rẽ đám đông đầy ngộn sân đến kho đồ thánh. Hắn thay quần áo mặc bộ lễ sinh và đến gần Bazin: Bác mặc chiếc áo dài màu xanh dương nhạt, tay cầm chiếc que bịt bạc, đứng trịnh trọng trước mặt tên lính Thụy Sĩ ở lối vào chỗ hát kinh.
Bazin cảm thấy có người kéo tay áo mình. Cặp mắt bác đang khoái lạc ngước lên trời bèn hạ xuống và nhận ra Friquet..
- Ơ kìa, thằng nhãi? - Bác phụ thủ nói. - Có gì mà mày quấy rầy tao lúc tao đang làm phận sự.
- Ông Bazin ơi - Friquet. đáp. - Ông biết ông Maillard, người dâng nước thánh ở nhà thờ Saint Eustache …
- Có, thế sao?
Trong cuộc xô xát, ông ta đã xơi một nhát chuôi gươm vào đầu. Chính ông hộ pháp quần áo thêu ren mà ông trông thấy kia, đã nện đấy.
- Thật à! – Bazin nói. – Thế thì lão ta phải đau lắm đấy.
- Đau đến nỗi gần chết, và lão ta muốn rằng trước khi chết được xưng tội với ngài chủ giáo. Theo người ta nói thì ngài có quyền xá miễn cả những đại tội.
- Và lão hình dung rằng ngài chủ giáo sẽ bận lòng vì lão ư?
- Vâng, tất nhiên rồi, vì hình như ngài chủ giáo đã hứa hẹn với lão ta.
- Ai bảo mày thế?
- Chính lão Maillard.
- Mày gặp lão ấy?
- Tất nhiên, khi lão ngã thì tôi ở đấy mà.
- Mày làm gì ở đấy?
- Này nhé, tôi hô "Đả đảo Mazarin! Giết chết lão giáo chủ? Treo cổ tên người Ý!" Chẳng phải ông đã bảo tôi hô như thế ư?
- Có câm đi không, thằng nhãi! - Bazin vừa nói vừa lo ngại nhìn quanh mình.
- Thành thử cái lão Maillard tội nghiệp ấy bảo tôi: "Friquet., mày hãy đi tìm ông chủ giáo, và nếu mày dẫn ông ấy đến đây, tao sẽ cho mày là người thừa kế của tao". Cha Bazin ơi, hãy nói đi, kẻ thừa kế của ông Maillard, người dâng nước thánh ở nhà thờ Saint- Eustache, hèm! Tôi đành chịu khoanh tay! Mặc kệ, tốt muốn giúp cho lão ta việc ấy, ông bảo sao?
- Tao sẽ bảo với ông chủ giáo, - Bazin nói.
Thật vậy, bác bước thong thả và cung kính đến chỗ chủ giáo, khẽ nói vào tai ông mấy lời; ông đáp lại bằng một cái gật đầu. Rồi bước trở lại giống như lúc bước đi bác bảo Friquet..
- Mày về bảo với kẻ sắp chết rằng cứ kiên tâm, trong một, giờ nữa, Đức ông sẽ tới.
Vui mừng vì sứ mệnh của mình thành công, Friquet. chẳng cởi bỏ y phục lễ sinh – vả chăng với bộ y phục này nó có vẻ dễ dàng hơn - nó ra khỏi đại thánh đường và mở hết tốc lực nó chạy vào con đường đi tới Tháp Saint-Jacques- la-Boucherie.
Quả nhiên ngày lễ hát Tạ ân vừa xong, như đã hứa, ông chủ giáo chẳng cởi bỏ y phục giáo chức, cũng đi tới ngọn tháp cổ mà ông rất quen thuộc, ông đến kịp thời. Mặc dầu mỗi lúc một yếu sức đi, kẻ bị thương vẫn chưa chết…
Cửa căn phòng gã ăn mày hấp hối được mở ra.
Một lát sau. Friquet. đi ra, tay cầm một túi da lớn mà hắn mở ra xem ngay khi ra khỏi phòng, và hắn hết sức ngạc nhiên thấy đựng đầy vàng.
Gã ăn mày đã giữ lời hứa và cho hắn thừa kế.
- A! Mẹ Nanette ơi. - Friquet. nghẹn ngào kêu - A! Mẹ Nanette ơi!
Nó không thể nói gì hơn. Nhưng không đủ sức nói năng, nó lại có sức hành động. Nó ra phố chạy một cách tuyệt vọng. Và giống như người lính Hy Lạp chạy từ làng Marathon khi đến quảng trường Aten thì ngã gục xuống, cành nguyệt quế cầm trong tay, Friquet. chạy đến cửa, nhà ông tham nghị Broussel cũng ngã gục xuống làm vung vãi khắp sàn nhưng đồng louis vàng óng từ trong túi rơi ra.
- Bà mẹ Nanette nhặt những đồng louis trước, rồi sau mới đở Friquet. vào.
Trong thời gian ấy, đoàn hộ, giá đi vào hoàng cung. Ông vua trẻ nói:
- Mẹ ơi, ông d'Artagnan thật là một người anh dũng.
- Đúng đấy con ạ. Ông ta đã từng làm nhiều việc lớn giúp cha con. Hãy giữ gìn ông ấy trong tương lai.
Khi bước xuống xe, ông vua nhỏ nói với d'Artagnan:
- Ông đại uý, Hoàng hậu muốn tôi mời ông và Nam tước Du Vallon bạn ông đến ăn bữa trưa nay.
Đó là một vinh dự lớn cho d'Artagnan và Porthos, cho nên Porthos mừng quýnh lên. Tuy nhiên trong suốt bữa ăn vị quý tộc danh giá ấy tỏ ra rất bận tâm.
Lúc xuống thang ở Hoàng cung, d'Artagnan hỏi nhỏ:
- Nam tước ơi, có chuyện gì thế, cậu có vé băn khoăn suốt cả bữa ăn.
- Tôi cố nhớ xem, - Porthos đáp, - Kẻ ăn mày mà tôi chắc đã giết ấy, không biết tôi đã gặp ở đâu rồi thì phải.
- Thế cậu không nhớ ra nổi à?
- Không.
- Vậy thì cậu cứ nhớ xem, bạn ạ. Khi nào nhớ ra thì cậu sẽ nói cho tôi biết nhé.
- Mẹ kiếp! Bực thật! - Porthos nói.
Đoạn kết.
Khi trở về nhà, đôi bạn thấy một bức thư của Arthos hẹn gặp nhau ở khách sạn Grand-Roi-Charlemagne. vào sáng hôm sau. Hôm sau vào giờ đã định, họ đến chỗ Arthos và thấy anh cùng Aramis vận quần áo du hành.
- Này, Porthos nói, - chúng ta đi tất cả à? Tôi cũng vậy, tôi đã sửa soạn từ sáng nay rồi.
- Phải rồi, ôi lạy Chúa? - Aramis nói, - chẳng có việc gì phải làm ở Paris cả, khi mà phong trào La Fronde không còn nữa. Bà de Longueville có mời tôi qua chơi Normandie mấy ngày và nhờ tôi sửa soạn chỗ ở cho bà ở Rouen trong khi người ta làm lễ rửa tội cho con trai bà. Tôi đi làm xong mấy việc ấy; rồi sau đó nếu không có gì mới, tôi sẽ trở lại tu viện của tôi ở Noisy le Sec.
- Còn tôi, - Arthos nói, - tôi trở về Bragelonne. D'Artagnan vẫn biết đấy, tôi chỉ còn là một gã nhà quê thật thà chất phác mà thôi. Raoul chẳng có tài sản nào khác ngoài tài sản của tôi, tội nghiệp thằng bé. Và tôi phải trông nom tài sản ấy, bởi vì tôi chỉ như là một kẻ cho mượn tên họ.
- Còn Raoul thì anh định cho nó làm gì? - D'Artagnan hỏi.
- Tôi để nó cho cậu đấy, bạn ạ. Sắp sửa có chiến tranh ở Flandre, cậu sẽ mang nó đi theo. Tôi e rằng những ngày nghỉ ở Blois sẽ nguy hiểm cho cái đầu xanh non trẻ của nó. Cậu hãy đem nó đi và dạy dỗ cho nó thành dũng cảm và trung thực như cậu ấy.
- Còn tôi, - D'Artagnan nói, - Tôi không có anh nữa, Arthos ơi, nhưng ít ra tôi sẽ có cái đầu tóc hoe thân yêu ấy. Và Arthos ạ; dù nó chỉ là một đứa bé, nhưng linh hồn anh hoàn toàn sống lại ở nó, và tôi luôn luôn tưởng tượng rằng anh vẫn luôn ở bên tôi, dẫn dắt tôi, nâng đỡ tôi.
Bốn người bạn ôm nhau, nước mắt rưng rưng.
Rồi họ chia tay không biết bao giờ mới lại gặp nhau.
D'Artagnan trở lại phố Tiquetonne cùng với Porthos, Porthos vẫn băn khoăn cố nhớ xem kẻ bị anh giết là ai.
Khi về đến khách sạn "La Chevrette thì thấy xe ngựa của vị nam tước đã sẵn sàng và Mousqueton ngồi trên yên.
- Này, d'Artagnan ơi, - Porthos bảo, - cậu hãy giải ngũ và về ở với tôi ở Pierrefonds, Bracieux hoặc Vallon: chúng ta sẽ cùng nhau sống đến già và nói chuyện về các bạn đồng đội của chúng ta.
- Không đâu! - D'Artagnan đáp. - Gớm thật! Người ta sắp mở chiến dịch và tôi muốn tham dự, biết đâu chẳng kiếm chác được cái gì.
- Thế cậu mong trở thành gì đấy?
- Thống chế Pháp quốc, mẹ kiếp!
- Ái chà! - Porthos vừa nói vừa nhìn d'Artagnan và những chuyện huênh hoang của chàng Gascon anh chẳng bao giờ bắt chước được hoàn toàn.
- Cậu cứ ở với tôi Porthos ạ, tôi sẽ cho cậu làm quận công.
- Không được - Porthos nói - Mousqueton không muốn đi đánh nhau nữa, với lại người ta đã sửa soạn cho tôi một lễ vinh qui long trọng, nó sẽ khiến cho bọn hàng xóm của tôi phải tức hộc máu ra.
Biết rõ sự tự phụ của nam tước mới, d'Artagnan nói:
- Về điều này thì tôi chẳng có ý kiến gì nữa. Tạm biệt anh bạn.
- Tạm biệt đại uý thân mến, - Porthos nói, - cậu nhớ rằng khi nào cậu muốn đến thăm tôi, bao giờ cậu cũng sẽ là khách quí ở lãnh ấp nam tước của tôi.
- Được - D'Artagnan đáp - đi trận về, tôi sẽ đến cậu.
- Ngựa xe của ngài Nam tước đang đợi ạ, - Mousqueton thưa.
Đôi bạn siết chặt tay nhau và từ giã nhau, d'Artagnan đứng trước cửa mặt rầu rầu nhìn theo.
Porthos ra đi. Nhưng đi được hai chục bước, Porthos dừng phắt lại, vỗ lên trán và quay trở lại.
- Tôi nhớ ra rồi, - anh nói.
- Cái gì cơ? - D'Artagnan hỏi.
- Gã ăn mày, mà tôi giết là ai nào? Đó là cái thằng súc sinh Bonacieux(1).
Và vui mừng vì đầu óc mình đã thanh thản, Porthos đuổi theo Mousqueton và cùng khuất ở góc phố. D'Artagnan đứng yên lặng và trầm ngâm một lát. Rồi quay vào anh trông thấy mỹ nhân Madeleine đang đứng trước ngưỡng cửa, lo lắng về vinh quang mới của d'Artagnan.
- Nàng Madeleine ơi, - chàng Gascon nói, - hãy dành cho tôi gian phòng ở lầu một; bây giờ tôi là đại uý ngự lâm quân rồi tôi cũng phải tỏ thế nào cho xứng đáng chứ. Nhưng vẫn cứ giữ cho tôi phòng ở lầu năm nhé, ai mà biết được điều gì có thể xảy ra.
Chú thích:
(1) Trong "Ba chàng ngự lâm" Bonacieux là một gã lái buôn vì tham tiền nhận làm do thám cho tể tướng Richelieu, đã tham gia bắt cóc và hãm hại vợ mình. Vợ Bonacieux là người hầu phòng của hoàng hậu Anne d'Autriche, bảo vệ hoàng hậu và yêu d'Artagnan sau bị Milady đầu độc.
Hết
Nguồn: http://vnthuquan.net/