Chương 26
LONDON
Thứ 6, mồng 2 tháng Mười một, 5 giờ chiều
Alec Nichols đang ở một mình trong câu lạc bộ tắm hơi thì cửa phòng bật mở và một người đàn ông bước vào căn phòng đầy hơi nước, một chiếc khăn lớn quấn quanh bụng. Hắn ngồi xuống chiếc ghế dài bằng gỗ, cạnh Alec.
- Nóng như trong hoả lò phải không, Sir Alec?
Alec quay sang. Đó là Jon Swinton.
- Làm sao ông vào được đây?
Swinton nháy mắt.
- Tôi nói là ông đang chờ tôi. - Hắn nhìn vào mắt Alec và hỏi, - Ông đang đợi tôi phải không, Sir Alec?
- Không. - Alec trả lời. - Tôi đã nói là tôi cần thêm thời gian.
Ông cũng nói với chúng tôi rằng cô cháu gái bé bỏng của ông sắp bán cổ phần ra ngoài, và ông sẽ trả lại tiền cho chúng tôi.
- Nó… nó đã đổi ý.
- À vậy thì tốt hơn ông nên đổi ý lại cho cô ta, phải không?
- Tôi đang cố. Đây là một vấn đề.
- Vấn đề là chúng tôi còn phải nghe bao nhiêu chuyện nhố nhăng của ông nữa. - Jon Swinton tiến lại gần hơn, đẩy Alec trượt theo chiếc ghế dài. - Chúng tôi không muốn thô bạo với ông vì có một người bạn trong Nghị viện như ông thì cũng rất là thú vị. Ông biết ý tôi rồi chứ? Nhưng dù sao thì cũng cần có giới hạn!- Hắn ta dựa vào Alec, và Alec lại trượt ra khỏi người hắn. - Chúng tôi đã cho ông một đặc ân. Bây giờ đã đến lúc ông trả cho chúng tôi. Ông phải giao một chuyến hàng dược phẩm cho chúng tôi.
- Không? Không thể được, - Alec nói, - Tôi không thể. Không có cách…
Alec bỗng nhận thấy mình đã bị dồn đến đầu chiếc ghế dài, cạnh cái thùng kim loại chứa đầy những hòn đá nóng bỏng.
- Cẩn thận. - Alec nói. - Tôi…
Swinton vồ lấy tay Alec và vặn chéo nó, dí vào lớp đá nóng. Alec có thể cảm thấy lớp lông tay mình bắt đầu cháy khét lẹt.
- Không.
Chỉ giây lát sau cánh tay của ông đã bị đè hẳn xuống lớp đá, ông đau đớn la lên và ngã xuống sàn.
Swinton đứng phía trên ông.
- Ông phải tìm ra cách. Chúng tôi sẽ liên lạc sau.
Chương 27
BERLIN
Thứ bảy mồng 3 tháng Chín, 6 giờ chiều
Anna Roffe Gassner không biết mình còn có thể chịu đựng bao lâu nữa.
Bà đã trở thành tù nhân trong ngôi nhà của chính mình. Ngoại trừ người đàn bà đến lau chùi dọn dẹp vài giờ mỗi tuần, Anna và các con hoàn toàn cô độc, sống dưới quyền lực của Walther. Ông ta không còn giấu diếm sự căm ghét nữa. Anna đang ở trong phòng bọn trẻ và họ lắng nghe một trong những đĩa hát yêu thích nhất.
Walther xỏ vào.
- Tôi chán lắm rồi! - ông quát lên.
Và ông đập tan cái đĩa, trong khi bọn trẻ rúm ró lại vì sợ hãi.
Anna cố gắng xoa dịu ông.
- Em… em… xin lỗi, Walther. Em không biết là anh có nhà. Em có thể làm gì cho anh?
- Ông bước đến bên bà, cặp mắt toé lửa, và nói:
- Chúng ta sẽ tống bọn trẻ đi, Anna.
Ngay trước mặt chúng!
Ông đặt tay lên vai bà.
- Những gì xảy ra trong căn nhà nầy phải là bí mật của chúng ta. - Bí mật của chúng ta. Bí mật của chúng ta. Bí mật của chúng ta.
Bà cảm thấy những từ ngữ đó vang vọng trong đầu và đôi tay ông bắt đầu siết chặt cho đến khi bà không còn thở được nữa. Và bà xỉu đi.
***
Khi Anna tỉnh dậy, bà thấy mình đang nằm trên giường. Các tấm màn cửa đều đã buông xuống. Bà nhìn chiếc đồng hồ ở cạnh giường. Sáu giờ chiều. Ngôi nhà yên ắng quá. Ý nghĩ đầu tiên của bà là về các con và nỗi kinh hoàng tràn ngập trong người. Bà ra khỏi giường bằng đôi chân lẩy bẩy và loạng choạng đi về phía cửa. Nó đã bị khoá ngoài. Bà áp tai vào cánh cửa, nghe ngóng. Nhẽ ra phải có tiếng các con. Nhẽ ra chúng phải đến gặp bà. Nếu như chúng có thể. Nếu như chúng còn sống.
Đôi chân bà run đến nỗi gần như không thể lết đến chỗ để điện thoại. Bà thầm cầu nguyện rồi cầm ống nghe lên. Bà nghe thấy tiếng tút dài quen thuộc trong máy. Bà lưỡng lự, lo sợ với ý nghĩ Walther sẽ làm gì mình nếu bị ông ta bắt gặp lần nữa. Anna bắt đầu quay số 110 mà không cho mình có cơ hội nghĩ ngợi.
Tay bà run quá nên quay nhầm số, và nhầm thêm lần nữa. Bà bắt đầu nức nở. Còn quá ít thời gian.
Cố gắng kìm chế cơn kích động đang tăng dần, bà thử lại lần nữa, các ngón tay cố gắng làm thật chậm rãi. Bà nghe thấy tiếng chuông, và kỳ diệu thay một giọng đàn ông vang lên, "Phòng cấp cứu sở cảnh sát".
Anna không nói nổi một tiếng.
- Phòng cấp cứu Sở cảnh sát đây. Tôi có thể giúp được gì?
- Vâng! - Tiếng nức nở bung ra. - Vâng, xin làm ơn… Tôi đang gặp nguy hiểm. Xin hãy cử người…
Walther chợt hiện ra trước mặt bà, giật ống nghe khỏi tay bà và đẩy mạnh bà lên giường. Ông ta dập ống nghe xuống, thở mạnh, giật dây nối điện thoại ra rồi quay sang Anna.
- Các con, - bà thì thầm. - Anh đã làm gì các con?
Walther không trả lời.
***
Trung ương cục của Sở cảnh sát hình sự Berlin nằm ở số 2832 đường Keithstrasse trong một khu gồm toàn các căn hộ và văn phòng trông rất bình thường.
Số điện thoại khẩn cấp của phòng được trang bị một hệ thống giữ số tự động để cho tất cả các cuộc gọi đến đều không thể tự ngắt trừ khi đường dây được tổng đài nhả ra. Bằng cách nầy, tất cả các số điện thoại gọi đến đều bị lần ra, cho dù cuộc gọi có ngắn đến đâu đi chăng nữa. Đây là một thiết bị tinh vi và là niềm tự hào của cả phòng.
Năm phút sau cú điện của Anna Gassner, thanh tra Paul Lange bước vào văn phòng xếp, thiếu tá Wageman, tay cầm một chiếc cassette.
- Xin xếp hãy nghe đoạn nầy.
Thanh tra Lange bấm nút. Giọng đàn ông vang lên,
"Phòng cấp cứu Sở Cảnh sát. Tôi có thể giúp được gì?
Tiếp theo là giọng đàn bà, tràn ngập kinh hoàng.
- Vâng! Vâng, xin làm ơn? Tôi đang gặp nguy hiểm. Xin hãy cử người…
Rồi tiếng ngã, tiếng lạch xạch và tín hiệu vụt tắt".
Thiếu tá Wageman ngước nhìn thám tử Lange.
- Anh đã lần ra cú điện?
- Chúng ta đã biết nó được gọi từ đâu. - Thanh tra Lange thận trọng trả lời.
- Thế có vấn đề gì nữa? - Thiếu tá Wageman nóng nảy hỏi. - Bảo Trung ương cục cho xe đi điều tra.
- Tôi muốn xin phép xếp trước.
Thanh tra Lange đặt một mảnh giấy lên bàn, trước mặt ông thiếu tá.
- Mẹ kiếp! Thiếu tá Wageman nhìn sững anh ta. - Anh có chắc không?
- Có thưa thiếu tá.
Thiếu tá Wageman nhìn xuống mảnh giấy lần nữa.
Số điện thoại mang tên Gassner Walther. Giám đốc chi nhánh Đức của Roffe và các con, một trong những nhà công nghiệp khổng lồ của Đức.
Không cần bàn cãi về những sự quan hệ mật thiết. Chỉ có thằng ngốc mới không nhận ra. Chỉ một hành động sai thôi thì cả hai sẽ cùng phải lang thang trên phố tìm việc làm. Thiếu tá Wageman nghĩ một lúc rồi nói:
- Được. Cứ kiểm tra. Tôi muốn anh đích thân đến đó. Và phải hết sức cẩn thận. Anh hiểu chứ?
- Tôi hiểu, thưa thiếu tá.
***
Dinh cơ của Gassner ở Wannsee, một khu ngoại ô đặc biệt ở phía Tây nam Berlin. Thanh tra Lange đi theo đường Hohenzollrudamm xa hơn thay vì đi đường cao tốc, vì con đường nầy vắng vẻ hơn. Anh ta đi qua Chayalle, qua toà nhà của CIA náu mình sau hàng rào dây thép gai đến nửa dặm. Rồi anh ta đi qua Tổng hành dinh Quân đội Mỹ, rẽ phải vào con đường đã từng được nổi tiếng là con đường số 1, con đường dài nhất ở Đức, chạy từ miền Đông Phổ đến tận biên giới Bỉ. Bên phải anh ta là Brucke der Einheit, cầu Thống nhất, nơi điệp viên Abel đã được trao đổi viên phi công lái chiếc U-2 của Mỹ là Gary Power. Thanh tra Lange ngoặt xe rời khỏi đường cái vào khu đồi rậm rạp cây cối của Wannsee.
Những ngôi nhà ở đây đều đẹp đẽ, tráng lệ. Vào các chủ nhật, thỉnh thoảng thanh tra Lange cũng đưa vợ đến đây, chỉ để nhìn cảnh vật bên ngoài các ngôi nhà. Anh ta tìm thấy địa chỉ cần tìm và rẽ vào con đường dài dành cho xe hơi đến tận khu nhà của Gassner.
Khu dinh cơ tượng trưng cho một cái gì đó còn hơn cả tiền bạc: đó là quyền lực. Triều đại Roffe đã đủ lớn để lật đổ cả một chính phủ. Thiếu tá Wageman nói đúng: anh ta phải hết sức cẩn thận.
Thanh tra Lange lái xe tới cổng trước của căn nhà ba tầng bằng đá, ra khỏi xe, bỏ mũ và nhấn chuông cửa. Rồi đứng đợi. Sự im lặng nặng nề trong căn nhà khiến nó thật hoang vắng. Anh ta biết điều nầy là không thể. Bấm chuông lần nữa. Vẫn không có gì ngoài sự im lặng, yên tĩnh ngột ngạt. Anh ta đang tính toán xem có nên đi vòng ra đằng sau không thì bỗng dưng cánh cửa bật mở. Một người đàn bà đứng ở trong khung cửa. Bà ta tuổi trung niên, vẻ giản dị, mặc một chiếc áo ngủ nhầu nhĩ. Thanh tra Lange tưởng bà ta là quản gia. Anh ta nói ngay sự ngộ nhận của mình.
- Tôi muốn gặp bà Walther Gassner. Làm ơn thông báo tôi là thanh tra Lange.
- Tôi là bà Gassner, - người đàn bà trả lời.
Thanh tra Lange cố giấu sự ngạc nhiên. Bà ta hoàn toàn không như hình ảnh phu nhân của căn nhà nầy.
- Tôi… chúng tôi nhận được một cú điện tại trụ sở cảnh sát cách đây không lâu. - Anh ta bắt đầu.
Bà ta nhìn anh ta, vẻ mặt thờ ơ vô hồn. Thanh tra Lane cảm thấy mình đang cư xử không được hay lắm, nhưng anh không hiểu tại sao. Anh ta có cảm tưởng mình đang bỏ qua một điều gì đó thật quan trọng.
- Có phải bà đã gọi cú điện đó, bà Gassner? - Anh ta hỏi.
- Vâng, - bà ta trả lời. - Đó là một sự nhầm lẫn.
Có một sự lạnh lẽo mơ hồ nào đấy trong giọng nói của bà ta làm anh ta bối rối. Anh ta nhớ lại giọng nức nở hoảng loạn trong chiếc cassette nửa giờ trước.
- Để ghi vào biên bản, xin bà vui lòng cho biết bà đã nhầm lẫn ra sao?
Hầu như không thể nhận ra sự do dự của bà ta.
- Có tôi nghĩ ra một món nữ trang của tôi bị mất. Nhưng tôi đã tìm thấy nó.
- Số điện thoại khẩn cấp cho các vụ giết người, cưỡng hiếp, gây thương tích cho người khác. Phải hết sức cẩn thận.
- Tôi hiểu.
Thanh tra Lange lưỡng lự, muốn vào trong nhà, muốn tìm hiểu xem bà ta đang che giấu điều gì. Nhưng anh ta không thể nói hoặc làm gì khác hơn.
- Cám ơn bà Gassner. Xin lỗi vì đã quấy rầy bà.
Viên thanh tra đứng đó, thất vọng nhìn cánh cửa đóng lại trước mũi.
Đằng sau cánh cửa Anna quay lại.
Walther gật đầu và dịu dàng nói:
- Em làm rất tốt, Anna. Bây giờ thì chúng ta lên gác.
Ông ta quay người về phía cầu thang và Anna lôi ra một cái kéo được giấu trong những nếp áo, đâm mạnh vào lưng ông ta.
Chương 28
ROME
Chủ nhật, mông 4 tháng Mười một. Buổi trưa
Đây quả là một ngày tuyệt vời, Ivo Palazzi nghĩ, cho việc đến thăm Villa d Este cùng Simonetta và ba đứa con gái xinh đẹp của họ. Khi đi bách bộ tay trong tay với vợ qua công viên Tivoli nổi tiếng, ngắm nhìn các con nô đùa phía trước, chạy từ vòi phun nước nầy sang vòi phun nước khác, ông vẩn vơ tự hỏi không biết Pirro Ligorio, người đã xây công viên nầy cho các chủ nhân của mình, những người thuộc dòng họ d Este, có bao giờ mơ tưởng nó sẽ đem lại niềm vui cho hàng triệu du khách tham quan. Villa d Este ở phía Đông bắc của Rome, cách một quãng đường ngắn, khuất cao trên khu đồi Sabine. Ivo vẫn thường đến đây nhưng lần nào cũng có cảm giác vui sướng đặc biệt khi đứng trên nơi cao nhất nhìn xuống hàng tá vòi phun nước phía dưới, mỗi cái đều được thiết kế một cách khéo léo, không cái nào giống cái nào.
Ivo từng dẫn Donatella và ba đứa con trai đến đây. Chúng đã yêu thích nơi nầy xiết bao. Ý nghĩ về chúng làm Ivo thấy buồn. Ông đã không được gặp mặt hoặc nói chuyện với Donatella kể từ buổi chiều khủng khiếp đó ở nhà cô ta.
Ông vẫn nhớ rõ mồn một những vết cào của cô ta đã để lại trên người ông. Ông biết rõ sự ăn năn mà cô ta phải trải qua, và cô ta phải mong nhớ ông như thế nào. Được, cứ để cho cô ta đau khổ một thời gian, cũng như ông đã từng đau khổ. Trong đầu, ông có thể nghe giọng nói của Donatella và cô ta đang nói "Nào. Lối nầy, các con".
Mọi thứ có vẻ rõ ràng, gần như là sự thật. Ông có thể nghe cô ta nói, "Nhanh lên, Francesco!" và Ivo quay lại, Donatella đang ở đằng sau ông, cùng ba đứa con trai của họ, mạnh mẽ tiến lại gần ông cùng Simonetta và ba đứa con gái: Ý nghĩ đầu tiên của Ivo là Donatella đã tình cờ đến đây, tại công viên Tivoli, nhưng ngay lập tức ông nhận ra vẻ mặt của cô ta và đã hiểu. Mụ điếm đang cố đưa hai gia đình lại với nhau, cố tiêu diệt ông? Ivo đối phó tình huống như một người điên.
Ông quát Simonetta:
- Anh có vài điều muốn cho em biết. Nhanh lên, tất cả mọi người.
Và ông dồn gia đình xuống những bậc thang đá dài và ngoằn ngoèo xuống khu dưới, xô đẩy các khách du lịch sang hai bên, mắt vẫn luôn cảnh giác liếc ra sau vai. Ở phía trên, Donatella và ba đứa con trai đang tiến tới bậc thang. Ivo biết rằng nếu bọn trẻ trông thấy ông là mọi việc sẽ hỏng bét. Chỉ cần một đứa gọi "Bố!" thôi là ông có thể bị nhấn chìm xuống các khe suối. Ông giục giã Simonetta và các con gái đi tiếp không cho họ có cơ hội dừng lại, không dám để cho họ đứng lại dù chỉ trong chốc lát.
- Chúng ta vội đi đâu thế nầy? - Simonetta thở gấp. - Có gì mà phải vội vàng thế?
- Đó là một sự bất ngờ. - Ivo vui vẻ nói. - Rồi em sẽ biết.
- Ông liều liếc ra đằng sau thêm một lần. Donatella và ba cậu con trai đã ở ngoài tầm mắt. Phía trước là cả một mê cung với một dãy thang đi lên và một dẫy khác đi xuống. Ivo chọn một cái đi lên.
- Nào, - ông gọi các cô con gái. - Ai lên đến đỉnh trước sẽ được nhận phần thưởng!
- Ivo! Em mệt quá rồi! - Simonetta ca cẩm. - Chúng ta sẽ nghỉ một lát được không?
Ông ngạc nhiên nhìn bà.
- Nghỉ? Như thế sẽ làm hỏng cả bất ngờ. Nhanh lên?
Ông cầm tay Simonetta và kéo bà lên các bậc thang dốc, ba cô con gái chạy trước. Ivo thấy mình cũng gần như nghẹt thở. Sẽ tốt cho bọn họ, ông chua chát nghĩ, nếu mình lên cơn đau tim và chết ngay tại đây. Mẹ kiếp đàn bà? Bạn không thể tin được vào bất kỳ ai trong số họ cả. Làm sao cô ta có thể cư xử như thế với mình? Cô ta say mê mình. Mình sẽ giết mụ điếm về tội nầy.
Ông có thể hình dung ra cảnh mình đang bóp cổ Donatella trên giường. Cô ta không mặc gì ngoài chiếc váy ngủ mỏng tang. Ông xé toang nó ra và bắt đầu trèo lên người cô ta, còn cô ta thì gào thét xin tha thứ Ivo cảm thấy mình đang cương lên.
- Chúng ta dừng ở đây nhé? - Simonetta van nỉ.
- Không! Sắp đến nơi rồi.
Họ đã lên tới đỉnh lần nữa. Ivo lo lắng nhìn quanh. Donatella và các con không có ở đó.
- Anh đưa em và các con đi đâu vậy? - Simonetta hỏi.
- Rồi em sẽ biết, - Ivo nói trong cơn kích động. - Theo anh! - ông xô họ về phía lối ra.
Isabella, đứa con gái lớn nhất nói:
- Mình đi về hả bố? Mình vừa mới đến đây mà!
- Chúng ta sẽ đến chỗ khác đẹp hơn, - Ivo hổn hển.
Ông liếc nhìn về phía sau. Donatella và các con trai đã xuất hiện, đang trèo lên các bậc thang.
- Nhanh lên các con!
Một lát sau Ivo và một gia đình của ông đã rời khỏi cổng của Villa d Este, chạy về chiếc xe của họ ở quảng trường lớn.
- Em chưa bao giờ thấy anh như thế nầy cả. - Simonetta hổn hển nói.
- Anh cũng chưa bao giờ như thế nầy hết, - Ivo thành thực trả lời. Ông nổ máy xe trước khi các cánh cửa kịp đóng và cho xe lao ra khỏi bãi đỗ như ma đuổi.
- Ivo!
Ông đập khẽ vào tay Simonetta.
- Bây giờ anh muốn mọi người hãy nghỉ ngơi. Một bữa trưa thật đặc biệt, anh… anh sẽ đưa mọi người đi ăn ở Hasslee.
Họ ngồi ở khung cửa sổ nhìn xuống Spanish Steps với nhà thờ Saint-Peter ẩn hiện tuyệt vời đằng xa.
Simonetta và bọn trẻ đã có một bữa trưa tuyệt vời. Đồ ăn rất ngon miệng. Ivo thậm chí còn có thể ăn cả tấm giấy bồi. Đôi tay ông run đến nỗi không thể cầm chặt dao và nĩa. Mình không thể chịu đựng hơn thế nầy nữa, ông nghĩ. Mình không thể để cô ta phá hoại cuộc đời mình.
Bởi vì bây giờ ông không còn nghi ngờ gì về việc mà Donatella định làm. Trò chơi đã kết thúc. Trừ khi ông có thể tìm ra cách đưa cho Donatella số tiền mà cô ta yêu cầu.
- Ông phải có số tiền đó. Bất kể bằng cách nào.
Chương 29
PARIS
Thứ hai, mồng 5 tháng Mười một, 6 giờ chiều
Vừa về đến nhà Charles đã biết ngay là mình gặp rắc rối. Hélène đang đợi ông, cùng với bà ta là Pierre Richaud, người thợ kim hoàn chuyên làm nhưng vật thế vào chỗ nữ trang mà ông đánh cắp. Charles đứng ở ngưỡng cửa, sững sờ.
- Vào đi, Charles, - Hélène nói. Giọng bà ta trầm xuống khiến cho ông thấy sợ hãi. - Em tin rằng anh và ông Richaud đây đã biết nhau.
Charles chỉ đứng nhìn, ông hiểu rằng bây giờ nói ra cái gì cũng không có lợi. Người thợ kim hoàn lúng túng cúi mặt xuống đất, rõ ràng là rất khó chịu.
- Ngồi xuống đi, Charles! Đó là một mệnh lệnh.
Charles ngồi xuống.
Hélène nói:
- Việc anh đang phải đương đầu, anh yêu của em, là một tội danh ăn trộm lớn. Anh đã lấy nữ trang của em và thay thế vào đó là các đồ giả, do ông Richaud làm.
Trong cơn kinh hoàng, Charles nhận thấy quần mình ướt sũng, điều chưa từng xảy ra từ khi ông còn là một đứa trẻ. Mặt mũi ông đỏ bừng. Ông chỉ muốn được rời khỏi phòng một lát để thay quần áo. Không, ông muốn trốn đi thật xa và không bao giờ quay lại.
Hélène biết tất cả. Việc bà ta phát hiện ra âm mưu của ông bằng cách nào đã không còn quan trọng.
Không có lối thoát và không có chuyện tha thứ. Việc Hélène khám phá ra ông đã lấy trộm nữ trang của bà ta cũng đã đủ kinh khủng rồi. Chờ cho đến khi bà ta biết được động cơ của ông. Chờ cho đến khi bà ta phát hiện ra ông đang lập kế hoạch sử dụng tiền để chạy trốn khỏi bà ta. Địa ngục chuẩn bị mang một ý nghĩa mới. Không ai hiểu Hélène bằng Charles. Bà ta là một kẻ dã man. Sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì. Bà ta sẽ huỷ diệt ông không cần một giây suy nghĩ, biến ông thành một gã lang thang, một người trong số những kẻ vô công rồi nghề ăn ngủ trên đường phố Paris trong bộ quần áo xác xơ. Cuộc đời ông bỗng nhiên trở thành một sự bực mình, một trận mưa phân.
- Anh thực sự nghĩ rằng mình sẽ trốn thoát với những thứ ngu xuẩn thế nầy sao? - Hélène hỏi.
Charles duy trì sự im lặng tội nghiệp. Ông có thể cảm thấy quần mình càng ướt hơn, nhưng ông không dám nhìn xuống.
- Em đã thuyết phục ông Richaud kể hết mọi sự thật.
Thuyết phục.
- Em đã có đầy đủ các bản sao hoá đơn về số tiền anh đã lấy của em. Em có thể cho anh vào tù ở hai mươi năm đấy. - Bà ta dừng lại, và nói thêm, - Nếu em chọn cách đó.
Những lời nói của bà ta chỉ làm Charles tăng thêm nỗi khiếp sợ. Kinh nghiệm đã dạy ông rằng Hélène rộng lượng chính là Hélène nguy hiểm. Charles sợ gặp ánh mắt của bà ta. Ông tự hỏi bà ta sẽ đòi hỏi thứ gì ở ông.
Một điều gì đó thật độc ác.
Hélène quay sang Pierre Richaud.
- Ông sẽ không nói điều gì với bất cứ ai cho đến khi tôi quyết định mình sẽ làm gì.
- Dĩ nhiên, bà Roffe - Martel, dĩ nhiên, dĩ nhiên. - Người đàn ông lắp bắp. Anh ta nhìn ra cửa với cặp mắt hy vọng. - Tôi có thể…
- Hélène gật đầu và Pierre Richaud hấp tấp bước ra.
Hélène nhìn anh ta đi, rồi quay lại ngắm nghía ông chồng mình. Bà ta có thể ngửi thấy nỗi sợ hãi của ông. Và còn một cái gì khác. Nước tiểu. Bà ta mỉm cười. Charles đã đái ra quần vì sợ. Bà đã dạy dỗ ông thật tốt. Hélène rất vừa lòng với Charles. Đó là một cuộc hôn nhân vừa ý. Bà ta đã biến đổi Charles rồi biến ông ta thành bộ hạ của mình. Những sáng kiến ông đưa ra cho Roffe và các con đều rất tuyệt, vì tất cả đều là của Hélène. Bà ta điều hành một phần nhỏ của Roffe và các con thông qua chồng mình, nhưng bây giờ như thế vẫn chưa đủ. Bà ta họ Roffe. Bản thân bà ta đã giàu có và những cuộc hôn nhân trước đó làm cho bà ta giàu có thêm. Nhưng bà ta không quan tâm đến tiền. Bà ta quan tâm đến quyền điều hành tập đoàn. Bà ta đã lập kế hoạch sử dụng số cổ phần của mình để mua thêm cổ phần, hòng dành lấy nhiều cổ phần hơn người khác. Bà ta đã sẵn sàng thảo luận chuyện nầy với họ. Đầu tiên, Sam là người ngăn cản bà ta còn bây giờ lại đến Elizabeth.
Nhưng Hélène không cho phép Elizabeth hay bất kỳ ai khác ngăn cản bà ta đạt được điều mà mình mong muốn. Charles sẽ làm điều đó giúp bà ta. Nếu có chuyện gì đó không ổn, ông sẽ là kẻ giơ đầu chịu báng.
Bây giờ, dĩ nhiên, ông phải bị trừng phạt vì vụ nổi loạn nhỏ nầy. Bà ta nhìn vào mặt ông và nói:
- Không ai dám ăn cắp của em, Charles. Không ai cả. Anh xong rồi! Trừ khi em quyết định cứu anh.
Ông ngồi đó, yên lặng, cầu mong bà ta chết đi, nhưng vẫn sợ hãi bà ta. Bà ta tiến lại chỗ ông ngồi, cặp đùi dí sát vào mặt ông.
Bà ta nói:
- Anh có muốn em cứu anh không, Charles?
- Có. - Ông trả lời, giọng khản lại. Bà ta đang cởi váy ra, cặp mắt độc ác, và ông nghĩ, - Ồ, Chúa ơi, không thể lúc nầy!
- Vậy thì hãy nghe em. Roffe và các con là tập đoàn của em. Em muốn số cổ phiếu điều hành.
Ông ngước nhìn bà ta, khổ sở nói, - Em biết là Elizabeth sẽ không bán mà.
Hélène cởi áo khoác cùng quần lót ra. Bà ta đứng đó trần truồng như một con thú, thân hình thon thả tuyệt đẹp hai đầu vú săn lại.
- Vậy thì anh phải làm chuyện gì đó cho nó chứ. Hay là ở hai mươi năm tới trong tù. Đừng lo. Em sẽ cho anh biết anh phải làm gì. Nhưng đầu tiên, đến đây, Charles!
Chương 30
Vào lúc mười giờ sáng hôm sau, điện thoại riêng của Elizabeth réo chuông. Đó là Emil Joeppli. Nàng đã cho ông ta số để không ai phát hiện ra sự liên lạc của họ.
- Tôi không hiểu có gặp được cô không! - Ông ta nói. Giọng ông ta rất kích động.
- Mười lăm phút nữa tôi sẽ đến đó.
Kate Erling ngạc nhiên nhìn Elizabeth vừa mặc áo khoác vừa ra khỏi văn phòng.
- Cô có một cuộc hẹn vào lúc…
- Huỷ bỏ tất cả các cuộc hẹn trong vòng một tiếng nữa cho tôi, - Elizabeth nói, và bước đi.
Trong toà nhà Phát triển, người canh cửa kiểm tra thẻ của Elizabeth:
- Cánh cửa cuối cùng ở bên trái, cô Roffe.
Elizabeth thấy Joepli một mình trong phòng thí nghiệm. Ông ta hào hứng chào nàng.
- Đêm qua tôi vừa hoàn thành thí nghiệm cuối cùng. Nó hoạt động tốt. Các engyme hoàn toàn ngăn chặn quá trình lão hoá. Cô nhìn xem.
- Ông ta dẫn nàng tới một chuồng nhốt 4 con thỏ con hoạt bát, đầy sức sống. Bên cạnh đó là một chuồng nhốt bốn con thỏ khác, trầm hơn, trưởng thành hơn.
- Đây là thế hệ thứ năm trăm nhận engyme. - Joepli nói.
Elizabeth đứng trước chuồng thỏ.
- Trông chúng có vẻ mạnh khỏe.
- Đó là một phần của nhóm kiểm tra. - ông ta chỉ cái chuồng phía bên trái, - Chúng là các cá thể già hơn.
Elizabeth nhìn các con thỏ tràn đầy sức sống, nô đùa trong lồng như những con thỏ mới sinh yà nàng không thể tin nổi.
- Chúng sẽ sống lâu hơn các con kia ít nhất là ba lần, - Joepli nói với nàng.
Khi áp dụng tỉ lệ đó với con người, kết quả thật là lớn lao. Nàng không thể kiềm chế được cơn kích động.
- Bao… bao giờ ông mới bắt đầu thí nghiệm trên con người?
- Tôi đang hoàn tất các ghi chú cuối cùng. Sau đó là chỉ cần nhiều lắm là ba hoặc bốn tuần.
- Emil, đừng nói chuyện nầy với ai đấy. - Elizabeth nhắc nhở.
Emil Joeppli gật đầu.
- Tôi không nói đâu, cô Roffe. Tôi làm việc một mình. Tôi sẽ hết sức cẩn thận.
***
Cả buổi chiều hôm đó được dành cho cuộc họp của hội đồng quản trị và nó diễn ra tốt đẹp. Walther không đến. Charles lại đề cập đến chuyện bán cổ phần lần nữa nhưng Elizabeth đã cương quyết từ chối. Sau đó Ivo tỏ ra hết sức quyến rũ và Alec cũng vậy. Charles có vẻ căng thẳng khác thường. Elizabeth mong ước được biết lý do vì sao. Nàng mời bọn họ ở lại Zurich dùng bữa tối với nàng. Cố tự nhiên, Elizabeth nhắc đến các vấn đề được nêu ra trong báo cáo, quan sát một loạt phản ứng, nhưng nàng không nhận thấy một tín hiệu lo lắng hoặc có tội nào. Và tất cả các thành viên tham dự, ngoại trừ Walther đều ngồi vào bàn.
Rhys không có mặt trong cả buổi họp lẫn bữa tối:
- Tôi phải giải quyết một số việc gấp - anh nói vậy và Elizabeth tự hỏi không biết có phải là một cô gái không.
Elizabeth nhận thấy rằng mỗi khi Rhys ở lại làm việc đến khuya với nàng là anh lại phải huỷ bỏ một cuộc hẹn. Một lần, khi anh không thể đến gặp một cô gái đúng giờ, cô ta đã đến văn phòng. Cô ta là một cô gái tóc đỏ tuyệt vời, với thân hình khiến Elizabeth cảm thấy mình không khác gì một người đàn ông. Cô ta rất giận dữ vì bị anh cho "leo cây" và cô ta cũng không ngần ngại che giấu sự giận dữ của mình.
Rhys đã đưa cô ta ra thang máy rồi quay lại.
- Xin lỗi về chuyện đó, - anh nói.
Elizabeth không thể kiềm chế bản thân.
- Cô ấy thật quyến rũ, - nàng ngọt ngào nói. - Cô ấy làm gì vậy?
- Cô ấy là nhà phẫu thuật não, - Rhys nghiêm chỉnh trả lời và Elizabeth bật cười. Ngày hôm sau Elizabeth biết rằng cô ta đúng là một bác sĩ phẫu thuật não.
Còn nhiều người khác nữa và Elizabeth thấy mình khó chịu với tất cả bọn họ. Nàng ước ao mình có thể hiểu Rhys nhiều hơn. Nàng đã biết một Rhys Williams xã hội, nhưng nàng muốn biết một Rhys Williams riêng tư, cái tôi mà anh vẫn che giấu. Đã hơn một lần Elizabeth nghĩ, Rhys nên điều hành tập đoàn thay vì nhận các mệnh lệnh của nàng. Mình tự hỏi anh thật sự cảm thấy sao về điều đó?
Sau bữa tối hôm đó, khi các thành viên hội đồng quản trị đã đáp tàu hoả, máy bay về nhà, Rhys vào căn phòng của Elizabeth, nơi nàng đang làm việc cùng Kate.
- Anh nghĩ anh phải giúp em một tay, - Rhys nhẹ nhàng nói.
Anh không hề giải thích anh đã đi đâu. Tại sao lại phải đến đây? Elizabeth nghĩ. Anh không phải trình bày với mình.
Hai người cùng làm việc và thời gian trôi qua thật nhanh. Bây giờ Elizabeth ngắm nhìn Rhys và thấy anh lúc nào cũng chăm chú xem xét các giấy tờ, cặp mắt tinh anh và hoạt bát. Anh đã tìm ra trong một số chi tiết bị các luật sư bỏ quên trong vài hợp đồng quan trọng. Cuối cùng Rhys vươn vai, liếc nhìn đồng hồ đeo tay.
- Ồ! Đã quá nửa đêm rồi. Anh e rằng anh có một cuộc hẹn. Anh sẽ đến vào sáng sớm mai và hoàn thành việc kiểm tra các hợp đồng nầy.
Elizabeth thắc mắc liệu anh có hẹn với cô bác sĩ phẫu thuật não hay với một trong các cô khác của anh… Nàng ngăn mình lại. Việc Rhys làm gì trong đời tư là chuyện của riêng anh.
- Em xin lỗi, - Elizabeth nói. - Em không biết là đã quá muộn. Anh cứ đi đi. Kate và em sẽ đọc cho xong đống giấy tờ nầy.
Rhys gật đầu.
- Sáng mai sẽ gặp em. Chào Kate!
- Chào ông Williams.
Elizabeth nhìn Rhys đi khỏi rồi cố ép đầu óc mình quay trở lại với các bản hợp đồng. Nhưng chỉ một lát sau ý nghĩ của nàng lại hướng đến Rhys. Nàng háo hức muốn kể cho anh về sự tiến triển mà Emil Joeppli đang làm với loại thuốc mới, để chia sẻ niềm vui với anh, nhưng nàng đã ghìm mình lại. Sớm thôi, nàng tự nhủ.
Họ xong việc vào lúc một giờ sáng. Kate Erling nói:
- Còn vấn đề gì nữa không, cô Roffe?
- Không, tôi nghĩ xong cả rồi. Cám ơn, Kate. Ngày mai bà có thể đi muộn.
Elizabeth đứng lên, toàn thân tê cứng vì đã ngồi quá lâu.
- Cám ơn cô. Tôi sẽ cho đánh máy xong chiều mai.
- Vậy thì tốt quá.
Elizabeth lấy áo khoác và ví tiền, đợi Kate, rồi hai người cùng bước ra cửa. Họ cùng ra hành lang và hướng về phía chiếc thang máy tốc hành đã mở sẵn cửa. Họ bước vào trong. Khi Elizabeth định nhấn nút thì bỗng có tiếng điện thoại vang lên từ văn phòng.
- Để tôi trả lời cho, cô Roffe, - Kate Erling nói - Cô cứ xuống trước đi.
Bà ta bước ra khỏi thang máy.
Ở tầng một người bảo vệ ca đêm nhìn bảng điều khỉển thang máy thấy đèn đỏ bật sáng ở trên cao và bắt đầu đi xuống. Đó là đèn hiệu của thang máy riêng. Điều nầy có nghĩa cô Roffe đang đi xuống. Tài xế của nàng đang ngồi ở cái ghế trong góc, gà gật trong tờ báo.
- Cô chủ đang xuống, - người bảo vệ nói.
Người tài xế duỗi người ra và lười nhác đứng dậy.
Một hồi chuông báo động bất thần rung lên xé toang sự im lặng của hành lang phòng tiếp tân. Cặp mắt người bảo vệ quét nhanh về phía bảng điều khiển thang máy. Ánh đèn đỏ đang di chuyển nhanh dần lên, cho thấy thang máy đang tăng tốc. Hệ thống điều khiển đã ngừng hoạt động.
- Ồ Chúa ơi! - Người bảo vệ lắp bắp.
Anh ta chạy vội về phía bảng điện, mở tấm ngăn kéo mạnh chiếc cầu dao khẩn cấp cho hệ thống phanh an toàn hoạt động. Ánh đèn đỏ vẫn tiếp tục lao xuống.
Người tài xế cũng chạy vội về phía bảng điện. Anh ta thấy nét mặt của người bảo vệ.
- Chuyện gì…
- Tránh ra! - Người bảo vệ quát lên. - Nó sắp rơi xuống rồi!
Họ chạy khỏi dãy thang máy về phía bức tường xa nhất. Hành lang bắt đầu rung lên theo tốc độ của buồng thang máy trong đường thông và người bảo vệ nghĩ, "Đừng để cô ấy trong đó" và khi buồng thang lao qua hành lang, anh ta nghe thấy tiếng thét khủng khiếp ở bên trong.
Một khoảnh khắc sau, một tiếng ầm lớn vang lên và cả toà nhà giật lên như vừa trải qua một cơn động đất.
Chương 31
Chánh thanh tra Otto Schmied thuộc Sở cảnh sát hình sự Zurich ngồi tại bàn làm việc, hít thở thật sâu theo kiểu Yoga, cố giữ bình tĩnh, cố kiềm chế cơn giận giữ tràn ngập trong lòng.
Thủ tục của cảnh sát có rất nhiều điều luật cơ bản, rõ ràng đến nỗi không ai nghĩ chúng cần được đưa vào sổ tay cảnh sát. Chúng rất đơn giản và được coi là hiển nhiên như ăn, ngủ, thở vậy. Ví dụ, khi một tai nạn xảy ra, điều đầu tiên một thanh tra phải làm là, đơn giản, rõ ràng, không cần viết lên bảng là đến khám xét hiện trường vụ án. Không còn gì cơ bản hơn thế.
Nhưng ngay trên bàn của Chánh thanh tra Otto Schmied là báo cáo của thám tử Max Hornung đã vi phạm tất cả những nguyên lý của thủ tục cảnh sát.
Nhẽ ra mình phải đoán trước được, ngài Chánh thanh tra chua chát nghĩ. Vậy thì tại sao mình phải ngạc nhiên?
Thám tử Hornung là con chim hải âu của thanh tra Schmied, là con thú đen của ông ta, - thanh tra Schmied là một người hâm mộ mãnh hệt Meville - là Moby Dick của ông. Ngài thanh tra hít một hơi thở sâu nữa và từ từ thở ra. Rồi, chỉ với chút ít bối rối, ông cầm báo cáo của thám tử Hornung lên và đọc lại nó từ đầu.
BÁO CÁO SĨ QUAN TRỰC
Thứ tư mồng 7 tháng 11
THỜI GIAN: 1:15 sáng
NỘI DUNG: Báo cáo từ bảng điều khiển chính nơi xảy ra tai nạn tại toà nhà hành chính của Roffe và các con ở nhà máy Eichenbahn.
LOẠI TAI NẠN: Không rõ
NGUYÊN NHÂN TAI NẠN: Không rõ
SỐ NGƯỜI BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT: Không rõ
THỜI GIAN: 1:27 sáng
NỘI DUNG: Thông báo thứ hai từ bảng điều khiển chính tại nơi xảy ra tai nạn ở Roffe và các con
LOẠI TAl NẠN: Thang máy rơi
NGUYÊN NHÂN TAl NẠN: Không rõ
SỐ NGƯỜI BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT: Một phụ nữ chết.
Tôi bắt đầu điều tra ngay lập tức. Vào lúc 1.35 sáng tôi nhìn thấy tên người quản lý toà nhà hành chính của Roffe và các con và từ đó tôi biết được tên các kiến trúc sư trưởng của toà nhà.
2.30 sáng. Tôi xác định được địa điểm của kiến trúc sư trưởng. Ông ta đang tổ chức lễ sinh nhật tại La Puce. Ông ta cho tôi tên của công ty đã lắp đặt thang máy trong toà nhà, Rudolf Schatz, A.
3.15 sáng. Tôi gọi điện cho ông Rudolf Schatz tại nhà ông ta và yêu cầu ông ta ngay lập tức xác định các sơ đồ cho thang máy. Tôi cũng yêu cầu các chứng từ kế toán chính cùng với dự toán ban đầu, dự toán cuối cùng và chi phí cuối cùng, tôi cũng yêu cầu một bản kê hoàn chỉnh tất cả các loại vật liệu về cơ và điện đã được sử dụng.
Lúc nầy thanh tra Schmied có thể cảm thấy cơn co giật quen thuộc trên má trái. Ông hít vài hơi thở sâu rồi đọc tiếp:
6.15 sáng. Các tài liệu yêu cầu được giao cho tôi ở Sở cảnh sát bởi vợ ông Schatz, sau khi kiểm tra các ngân sách lúc đầu và chi phí cuối cùng tôi rất thoả mãn rằng:
a Không có các vật liệu kém bị thay thế trong quá trình chế tạo các thang máy
b Vì danh tiếng của nhà sản xuất, giả thiết tai nạn xảy ra do nhân công có tay nghề kém bị loại bỏ
c Các biện pháp an toàn trong thang máy đều rất thoả đáng
d Vì thế kết luận của tôi là nguyên nhân thang máy rơi không phải là tai nạn.
Ký tên Max Hornung, CID
GHI CHÚ: Vì những cú điện thoại của tôi xảy ra giữa đêm khuya và lúc sáng sớm nên có thể ông sẽ phải nhận một hoặc hai lời phàn nàn từ một sô người mà tôi đã đánh thức.
Thanh tra Schmied giận dữ dằn bản báo cáo xuống bàn.
"Rất có thể!", "Đã đánh thức!" - Ngài Chánh thanh tra cũng đã bị tấn công suốt buổi sáng bởi nửa tá viên chức của chính phủ Thuỵ Sĩ. Anh ta nghĩ anh ta đang điều hành cái gì đây? Cơ quan mật vụ sao? Làm sao anh ta dám đánh thức giám đốc một công ty xây dựng đáng kính và yêu cầu ông ta cung cấp tài liệu vào lúc nửa đêm? Làm sao anh ta dám nghi ngờ sự ngay thẳng của một công ty danh tiếng như Rudolf Schatz? Và còn nhiều, nhiều nữa.
Nhưng điều khó hiểu "điều kỳ lạ" là thám tử Max Hornung thậm chí còn không thèm xuất hiện ở hiện trường xảy ra tai nạn cho đến mười bốn tiếng sau khi nó đã được báo cáo? Lúc anh ta đến thì nạn nhân đã được đưa đi, được nhận diện và được pháp y khám nghiệm. Sáu thám tử khác đã kiểm tra hiện trường tai nạn, đã thẩm vấn các nhân chứng và hoàn tất báo cáo của họ.
Khi Chánh thanh tra Schmied đọc lại xong báo cáo của Max Hornung, ông ta cho mời anh ta đến phòng làm việc.
Chỉ cần nhìn thấy Max Hornung thôi là ông Chánh thanh tra đã thấy ghét anh ta thậm tệ. Max Hornung béo lùn, luôn có vẻ đăm chiêu, đầu hói, khuôn mặt của một kẻ tinh nghịch hay lơ đãng. Đầu anh ta quá to đôi tai lại quá nhỏ, cái mồm không khác gì một quả nho khô dán lên giữa khuôn mặt bè bè. Thám tử Max Hornung còn thiếu hơn chục phân mới đạt được tiêu chuẩn khe khắt của Sở Cảnh sát hình sự Zurich, nhẹ hơn đến bẩy cân và lại bị cận thị nặng. Nhưng hơn tất cả là anh ta quá kiêu căng. Tất cả đám đàn ông trong lực lượng cảnh sát đều có chung một cảm nghĩ về Max Hornung: họ ghét anh ta.
- Tại sao ông không sa thải anh ta? - vợ ngài Chánh thanh tra đã hỏi vậy và tí nữa thì ông đã đánh bà.
Lý do mà Max Hornung tồn tại trong lực lượng cảnh sát Zurich là một mình anh ta thôi cũng đã đóng góp cho thu nhập quốc dân Thuỵ Sĩ nhiều hơn các nhà máy sản xuất chocolate và đồng hồ cộng lại. Max Hornung là một kế toán viên, một thiên tài toán học với kiến thức bách khoa về các vấn đề tài chính, một năng khiếu về tranh biện và một đức tính kiên nhẫn có thể làm cho Job khóc và ghen tị. Max đã từng là nhân viên ở Betrug Abteilung, một Uỷ ban được thành lập để điều tra các vụ gian lận tài chính, các vụ bán cổ phần và giao dịch ngân hàng không đúng quy luật và tình trạng tiền tệ ra vào Thuỵ Sĩ. Chính Max Hornung đã ngăn chặn việc buôn bán tiền tệ bất hợp pháp ở Thuỵ Sĩ, khám phá ra các âm mưu tài chính bất hợp pháp tinh vi trị giá hàng tỷ đô-la và tống nửa tá các nhà kinh doanh hàng đầu được tôn trọng trên thế giới vào tù. Bất kể các nguồn tài sản được che giấu ra sao, trộn đi trộn lại thế nào, chuyển ra Seychelles để tẩy chuyển qua chuyển lại hàng loạt các công ty "dỏm" đầy phức tạp, cuối cùng Max Hornung vẫn tìm ra sự thật. Nói chung là, anh ta đã biến mình thành nỗi kinh hoàng của cộng đồng tài chính Thuỵ Sĩ.
Người Thuỵ Sĩ đánh giá sự riêng tư trên tất cả những gì họ cho là thiêng liêng và tha thiết. Nhưng sẽ chẳng còn gì là riêng tư nếu có Max Hornung theo đằng sau.
Tiền lương của Max với công việc là người bảo vệ tài chính thật ít ỏi. Anh ta đã từng được đề nghị những món tiền hối lộ lên đến cả triệu franc trong các tài khoản ngân hàng bằng mã số, một biệt thự ở Cortina d Ampezzo, một chiếc du thuyền và trong một số trường hợp đặc biệt thì có cả các cô gái xinh đẹp khêu gợi. Lần nào các món tiền hối lộ cũng bị từ chối và các nhà chức trách được thông báo ngay lập tức.
Max Hornung chẳng hề quan tâm đến tiền bạc. Anh ta có thể trở thành triệu phú một cách đơn giản nếu áp dụng các kỹ năng tài chính của mình vào thị trường chứng khoán nhưng ý nghĩ đó lại chưa hề xuất hiện ở anh ta. Max Hornung chỉ thích mỗi một chuyện: bắt những kẻ đi lệch khỏi con đường đúng đắn trong lĩnh vực tài chính.
À vâng, Max Hornung còn có ước mơ cháy bỏng khác: và cuối cùng nó được chứng minh là sự bảo trợ cho cộng đồng kinh doanh. Vì những lý do không ai có thể tìm hiểu, Max Hornung mong được trở thành một thám tử trong ngành cảnh sát. Anh ta tự hình dung mình như một kiểu Sherlock Homes hoặc Maigret, kiên nhẫn do tìm những dấu vết phức tạp, săn đuổi bọn tội phạm tới tận hang ổ một cách không nao núng.
Khi một trong những nhà tài chính hàng đầu của Thuỵ Sĩ tình cờ biết được ý định trở thành thám tử của Max Hornung, ông ta lập tức tập trung vài người bạn có thế lực lại và chi trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau Max Hornung đã nhận được lời đề nghị làm thám tử cho lực lượng cảnh sát Zurich. Max không thể tin nổi cơ hội tốt của mình. Anh ta sốt sắng nhận lời và tất cả cộng đồng kinh doanh đã thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục các hoạt động lén lút của họ.
Chánh thanh tra Schmied thậm chí đã không quan tâm đến vấn đề nầy. Ông nhận được cú điện thoại từ một nhà chính trị hàng đầu có thế lực nhất ở Thuỵ Sĩ cho ông những lời hướng dẫn và rồi vấn đề kết thúc ở đó. Hoặc là, để chính xác hơn, vấn đề bắt đầu từ đó.
Đối với ngài Chánh thanh tra, đó là sự khởi đầu mà không có dấu hiệu kết thúc. Ông đã phải thật sự cố gắng dằn cơn thịnh nộ khi bị một gã thám tử thiếu kinh nghiệm và trình độ về lĩnh vực đó, ép buộc ông. Ông cho rằng phải có một động lực chính trị thật mạnh mẽ cho một việc chưa từng nghe nói đến như thế. Tốt lắm, ông quyết định hợp tác, tự tin rằng mình sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề. Nhưng niềm tin của ông đã bị lay chuyển vào cái lúc Max Hornung trình diện. Chỉ riêng sự xuất hiện của viên thám tử thôi cũng đã đủ buồn cười rồi. Nhưng điều làm thanh tra Schmied ngạc nhiên là thái độ kẻ cả của anh ta.
Nó như muốn nói: Max Hornung đã đến đây - bây giờ thì ông có thể nghỉ ngơi và không cần lo lắng gì nữa.
Những ý nghĩ của thanh tra Schmied về bất kỳ một sự hợp tác dễ dàng nào đã biến mất. Thay vào đó ông hướng tới một cách giải quyết khác. Ông cố nhét anh ta xuống dưới tấm thảm, tức là, chuyển anh ta từ ban nầy sang ban khác, cho anh ta làm những việc không quan trọng. Max làm việc cho phòng kỹ thuật hình sự, in dấu tay và nhận dạng, phòng truy tìm, ban tài sản bị mất và người mất tích. Nhưng Max Hornung luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Có một điều lệ rằng tất cả các thám tử đều phải làm sĩ quan trực tại bàn khẩn cấp ban đêm, cứ mười hai tuần thì phải trực một tuần. Chưa từng sai lệch, cứ lần nào Max trực là lại có chuyện quan trọng xảy ra và khi các thám tử khác của ông Schmied chạy lăng xăng lo truy tìm bằng chứng thì Max Hornung lại giải quyết được vụ đó. Thật là tức chết đi được.
Anh ta hoàn toàn không biết gì về các thủ tục cảnh sát, khoa tội phạm, thuật ngữ toà án, đường đạn, hoặc tâm lý tội phạm - tất cả những thứ mà các thám tử khác đều có rất nhiều kinh nghiệm - nhưng anh ta lại là người giải quyết được các vụ mà người khác bó tay. Chánh thanh tra Schmied đã kết luận rằng Max Hornung là người may mắn nhất đang còn sống.
Thực ra thì, chẳng có gì liên quan đến may mắn cả. Thám tử Max Hornung giải quyết vụ án hình sự giống y như cách mà kế toán viên Max Hornung đã khám phá ra hàng trăm âm mưu khéo léo lường gạt các ngân hàng và chính phủ.
Đầu óc Max Hornung chỉ có một con đường, và đó là con đường vô cùng thẳng và hẹp. Tất cả những gì anh ta cần là một sợi chỉ còn sót lại một mẩu rất nhỏ không ăn khớp với phần còn lại của tấm vải, và một khi anh ta đã bắt đầu lần ra, anh ta sẽ gỡ dần cho đến khi âm mưu vô cùng tài tình của một kẻ rất thông minh nào đó bị rách ở ngay đường may nối.
Sự thật rằng Max có một trí nhớ như máy ảnh đã làm cho các đồng nghiệp của anh ta phát khùng. Max có thể ngay lập tức nhắc lại tất cả những gì anh ta đã từng nghe, đọc hoặc thấy.
Một việc làm khác, có thể làm hại anh ta, nếu quả thật cần phải làm như thế, là các bảng kê khai chi tiêu của anh ta đã làm xấu hổ tất cả các thám tử còn lại. Lần đầu tiên khi anh ta nộp bảng kê khai chi tiêu, viên trung uý đã gọi anh ta đến văn phòng và nhẹ nhàng nói:
- Max, anh rõ ràng đã nhầm lẫn trong các con số ở đây.
Lời nhắc nhở đó có ẩn ý rằng Capablanca đã hy sinh con hậu vì ngu ngốc.
Max chớp mắt:
- Sai lầm trong các con số của tôi?
- Đúng, thật ra là có vài lỗi lầm. - Viên trung uý chỉ vào tờ giấy trước mặt anh ta. – "Đi vào thành phố, tám mươi xu. Quay lại, tám mươi xu". - ông ta ngước lên và nói, "tiền taxi tối đa sẽ là ba mươi tư franc mỗi chuyến".
- Vâng, thưa xếp. Đó là lý do vì sao tôi đi xe bus.
Viên trung uý nhìn sững anh ta.
- Xe bus?
Không có thám tử nào phải đi xe bus khi đang làm nhiệm vụ. Đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra. Câu trả lời duy nhất ông ta có thể nghĩ đến là:
- Đúng, chuyện nầy… chuyện nầy không nhất thiết. Ý tôi là… chúng ta dĩ nhiên không khuyến khích những người trong phòng nầy tiêu hoang, Hornung, nhưng chúng ta có ngân sách để chi tiêu một cách tử tế. Còn chuyện nầy nữa. Anh đã ra ngoài để lo vụ nầy trong ba ngày. Anh quên tính cả các bữa ăn.
- Không, thưa trung uý. Tôi chỉ uống cà phê sáng và tôi tự chuẩn bị bữa trưa và mang theo trong giỏ. Tôi đã tính các bữa tối vào đây. Và chúng đây: Ba bữa tối, tổng cộng: mười sáu franc.
Chắc là anh ta ăn trong Trại cứu tế Quân Đội.
Viên trung uý lạnh lùng nói:
- Thám tử Max Hornung, phòng nầy đã có từ một trăm năm trước khi anh đến đây và nó sẽ còn tồn tại một trăm năm nữa sau khi anh rời khỏi. Ở đây có một vài truyền thống mà chúng ta phải giữ gìn. - ông ta đẩy bản kê khai lại cho Max. - Anh phải nghĩ đến các đồng nghiệp, anh biết đấy. Bây giờ thì cầm lấy cái nầy, sửa lại và nộp lại đây.
- Vâng, thưa trung uý. Tôi… tôi xin lỗi nếu tôi có làm điều gì sai.
Một cái phẩy tay độ lượng.
- Rất đúng. Dù sao thì, anh cũng mới đến đây. - Ba mươi phút sau thám tử Hornung nộp lại bản báo cáo đã được sửa chữa. Anh ta đã tăng các chi phí lên ba phần trăm.
***
Bây giờ, vào ngày nầy trong tháng Mười một, Chánh thanh tra Schmied đang cầm bản báo cáo của thám tử Hornung trong tay còn tác giả của nó thì đứng trước mặt ông. Thám tử Hornung mặc bộ comlê xanh nhạt, đi giầy nâu và tất trắng.
Dù rất kiên quyết và cố gắng điều hoà hơi thở theo nhịp Yoga, thanh tra Schmied vẫn nhận thấy mình đang to tiếng.
- Anh đang trực ở đây khi nhận được báo cáo. Nhiệm vụ của anh là điều tra vụ án và anh đến hiện trường mười bốn tiếng sau? Cả lực lượng cảnh sát New Zealand chết tiệt cũng có thể bay đến đây rồi bay về trong thời gian đó!
- Ồ không, sếp. Bay từ New Zealand đến đây bằng phản lực là…
- Ồ anh im ngay.
Thanh tra Schmied lấy tay vò mái tóc dày đang ngả màu hoa râm, cố nghĩ xem phải nói với người nầy cái gì. Mình không thể lăng mạ hắn, mình không thể cãi lý với hắn. Hắn là một thằng khờ gặp nhiều may măn.
Thanh tra Schmied quát tháo:
- Tôi sẽ không tha thứ sự kém cỏi trong phòng nầy, Hornung. Khi các thám tử khác trực và nhận được báo cáo, họ lập tức chạy đến hiện trường để xem xét tai nạn. Họ gọi xe cứu thương, đưa tử thi đến nhà xác, nhận dạng nó…
Ông biết mình lại nói quá nhanh và cố bình tĩnh trở lại.
- Tóm lại, Hornung, họ làm tất cả những gì một thám tử giỏi phải làm. Trong khi đó thì anh ngồi trong văn phòng và đi đánh thức nửa tá nhân vật quan trọng của Thuỵ Sĩ vào lúc nửa đêm.
- Tôi nghĩ…
- Không! Tôi đã phải gọi điện xin lỗi suốt cả buổi sáng nay cũng chỉ vì anh thôi.
- Tôi phải tìm ra…
- Ồ ra khỏi đây ngay, Hornung!
- Vâng, thưa xếp. Tôi tham dự đám tang được chứ? Ngay sáng nay.
- Được! Đi đi!
- Cám ơn xếp. Tôi…
- Đi đi!
Phải đến ba mươi phút sau Chánh thanh tra Schmied mới thở lại bình thường.
Chương 32
Phòng tang lễ ở Shielfeld đông nghẹt người. Đó là một toà nhà bằng đá theo kiểu cũ, trang trí cầu kỳ, có nhiều phòng chuẩn bị và một lò thiêu xác. Hai tá giám đốc và nhân viên của Roffe và các con chiếm trọn hàng ghế phía trước trong phòng hành lễ lớn.
Phía sau là các bạn bè, các đại diện cho cộng đồng và giới truyền thông. Thám tử Max Hornung ngồi ở hàng ghế cuối cùng, nghĩ rằng cái chết thật là vô lý. Con người đạt đến thời hoàng kim nhất và sau đó, khi đã có nhiều nhất để cho, nhiều nhất để sống, thì lại chết. Thật là không có hiệu quả.
Chiếc quan tài bằng gỗ gụ đã được phủ đầy hoa.
Càng lãng phí, thám tử Hornung nghĩ thầm. Quan tài đã được lệnh đóng kín. Max có thể hiểu được vì sao. Vị bộ trưởng đang nói bằng giọng tận thế:
- … Cái chết giữa cuộc đời, sinh ra đã có tội, cát bụi lại về với cát bụi.
Max Hornung không buồn để ý tới. Anh ta đang nghiên cứu những người trong phòng hành lễ.
- Thượng đế ban cho, và Thượng đế lấy đi…
Và mọi người bắt đầu đứng lên và hướng về phía lối ra. Buổi lễ đã kết thúc.
Max đứng gần cửa, và khi một người đàn ông cùng một người đàn bà đi tới, anh ta bước ra trước mặt người đàn bà và nói:
- Cô Elizabeth Roffe? Không biết tôi có được nói vài lời với cô không?
Thám tử Max Hornung ngồi cùng Elizabeth Roffe và Rhys Williams trong một căn buồng nhỏ tại tiệm bánh kẹo phía bên kia phòng tang lễ. Qua cửa kính họ có thể thấy cỗ quan tài được đưa vào chiếc xe tang màu xám. Elizabeth quay mặt đi. Cặp mắt nàng đờ đẫn.
- Thế nầy là thế nào? - Rhys hỏi. - Cô Roffe đã khai hết cho cảnh sát rồi.
Thám tử Max Hornung nói:
- Ông Williams phải không? Còn một vài chi tiết nữa tôi muốn được kiểm tra kỹ hơn.
- Họ không thể đợi sao? Cô Roffe đã trải qua…
Elizabeth đặt tay lên tay Rhys.
- Không sao. Nếu em có thể giúp được chuyện gì đó… - Nàng quay sang Max. - Ông muốn biết điều gì, thưa thám tử Hornung?
Max nhìn Elizabeth chằm chằm và lần đầu tiên trong đời anh ta không biết phải làm sao mở lời. Đối với Max, phụ nữ cũng xa lạ không khác gì những sinh vật ngoài hành tinh. Họ phi lý và khó đoán, phụ thuộc vào những phản ứng cảm xúc nhiều hơn là lý trí. Họ không tính toán. Max có ít ham muốn tình dục, vì anh ta có đầu óc định hướng, nhưng anh ta cũng có thể nhận rõ logic chính xác về tình dục. Chính các cấu trúc cơ học của nhiều bộ phận chuyển động phù hợp với nhau trong một tổng thể được sắp xếp đã kích thích anh ta. Điều đó, đối với Max, là thi vị của tình yêu. Động lực tuyệt đối của tình yêu. Max cảm thấy nhiều nhà thơ đã bỏ qua điểm nầy. Các cảm xúc đều mơ hồ và bừa bãi, một sự lãng phí năng lượng có thể không di chuyển nổi một hạt cát nhỏ nhất đến vài phân, trong khi logic có thể di chuyển cả thế giới. Điều làm Max bối rối bây giờ là anh ta cảm thấy dễ chịu khi gặp Elizabeth. Điều đó làm anh ta băn khoăn. Từ trước đến giờ không có người đàn bà nào tác động đến anh ta như thế cả. Hình như nàng không hề nghĩ anh ta là một gã đàn ông xấu xí bé nhỏ, lố bịch như những người đàn bà khác vẫn nghĩ. Anh ta cố ép mình không nhìn vào mắt nàng để anh ta có thể tập trung tư tưởng.
- Cô có thói quen làm việc đến khuya phải không cô Roffe?
- Rất thường! - Elizabeth nói. - Vâng!
- Khuya đến đâu?
- Cũng tuỳ. Đôi khi đến mười giờ. Đôi khi đến nửa đêm, hoặc lâu hơn nữa.
- Như thế có phải là một kiểu gương mẫu? Tức là mọi người xung quanh đều biết việc nầy?
Nàng nhìn anh ta, bối rối.
- Tôi cho là vậy.
- Vào đêm thang máy rơi, cô và ông Williamss và Kate Erling cùng làm việc đến khuya?
- Vâng.
- Nhưng mọi người không về cùng nhau?
Rhys nói:
- Tôi đi sớm. Tôi có một cuộc hẹn.
Max nhìn anh ta một lát rồi quay lại Elizabeth.
- Ông Williamss đi được bao lâu thì cô về?
- Tôi nghĩ là khoảng một tiếng.
- Cô và Kate Erling về cùng nhau chứ?
- Vâng. Chúng tôi lấy áo khoác và ra hành lang.
Giọng Elizabeth ngập ngừng.
- Chiếc thang máy đã mở cửa sẵn chờ chúng tôi. Chiếc thang máy tốc hành đặc biệt.
- Chuyện gì xảy ra sau đó?
- Hai chúng tôi cùng vào. Điện thoại trong văn phòng reo. Kate… bà Erling… bảo "để tôi trả lời cho" và bà ấy đi ra. Nhưng tôi đang chờ một cú điện thoại hẹn trước từ nước ngoài nên tôi bảo bà ấy để tôi trả lời.
Elizabeth ngừng lại, đầm đìa nước mắt:
- Tôi ra khỏi thang máy. Bà ấy hỏi có cần đợi hay không và tôi nói "Không, bà cứ xuống trước đi". Bà ấy ấn nút tầng một. Tôi bắt đầu quay lại căn phòng, và khi tôi đang mở cửa, tôi nghe thấy… Tôi nghe thấy tiếng thét, rồi…
Nàng không thể tiếp tục được nữa.
Rhys quay sang Hornung, mặt anh sầm lại vì giận dữ.
- Đủ rồi, ông hãy cho biết thế nầy là thế nào?
Đây là vụ giết người, Max nghĩ. Ai đó đang cố tình giết Elizabeth Roffe. Max ngồi tập trung tư tưởng, nhớ lại tất cả những gì anh ta đã thu lượm được về Roffe và các con sau bốn mươi tám giờ đồng hồ. Đây là tập đoàn đang gặp nhiều tai nạn, phải trả nhiều khoản tiền khổng lồ cho các vụ kiện tụng, sa lầy vì các dư luận tồi tệ, mất khách hàng, nợ ngân hàng những món tiền khổng lồ và họ đang trở lên thiếu kiên nhẫn. Một tập đoàn đã đến lúc cần thay đổi. Chủ tịch của nó, Sam Roffe, người nắm giữ quyền điều khiển đã chết. Một tay leo núi cự phách đã chết trong một tai nạn leo núi. Số cổ phần quyết định đã thuộc về con gái của ông ta, Elizabeth, người suýt chết trong một tai nạn xe Jeep ở Sardinia, và thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong một buồng thang máy mới được kiểm tra. Ai đó đang chơi những trò chơi chết người.
Thám tử Max Hornung là người hạnh phúc. Anh ta đã lần ra đầu mối. Nhưng bây giờ anh ta đã gặp Elizabeth Roffe, và nàng không chỉ đơn giản là một cái tên, một phương trình trong bài toán phức tạp. Ở nàng có một điều gì đó thật đặc biệt. Max cảm thấy một sự thôi thúc phải che chở cho nàng, bảo vệ nàng.
Rhys lên tiếng:
- Tôi muốn hỏi thế nầy là…
Max nhìn anh và mơ hồ nói:
- Ờ… thủ tục của cảnh sát, ông Wiliams. Chỉ làm theo lệnh thôi. - Anh ta đứng dậy. - Xin thứ lỗi.
Anh ta có vài việc khẩn cấp phải làm.
Nguồn:
http://www.sahara.com.vn/