5/3/13

Dòng máu (C33-37)

Chương 33


Chánh thanh tra Schmied đã có một buổi sáng vô cùng bận rộn. Một cuộc biểu tình chính trị diễn ra trước cửa hãng hàng không Iberia và ba người bị tạm giam để thẩm vấn. Một vụ hoả hoạn có lý do không rõ ràng ở nhà máy giấy ở Brunau. Vụ nầy đang được điều tra. Một cô gái bị cưỡng hiếp ở Platzpitz Park. Một vụ cướp ở Guebelin và một vụ khác ở Grima, cạnh Bauz-au-Lac. Và nếu thế còn chưa đủ, thám tử Max Hornung trở về và hoàn tất bằng một giả thuyết lếu láo. Chánh thanh tra Schmied lại thấy mình bắt đầu muốn xỉu.
- Hệ thống ròng rọc của thang máy bị đứt, - Max nói. - Khi nó bị hỏng, tất cả hệ thống an toàn sẽ hỏng theo. Ai đó…
- Tôi đã xem báo cáo, Hornung. Hao mòn và hỏng hóc thường lệ.
- Không, thưa sếp. Tôi đã kiểm tra các đặc điểm kỹ thuật của con lăn cuốn dây cáp. Nó còn dùng được năm, sáu năm nữa.
Chánh thanh tra Schimied cảm thấy cơn co giật nhẹ trên má.
- Anh định nói gì vậy?
- Không, tôi nghĩ là ai đó đã phá hỏng thang máy.
- Tại sao họ phải làm thế?
- Đó là những gì tôi đang muốn tìm hiểu.
- Anh muốn trở lại Roffe và các con hay sao?
Thám tử Max Hornung nhìn thanh tra Schmied với vẻ tin tưởng thật sự.
- Không, thưa xếp. Tôi muốn đi Chamonix.
***
Thành phố Chamonix nằm cách Geneva bốn mươi dặm về phía đông nam, cao khoảng chín trăm mét so với mực nước biển, trong khu hành chính Haute-Savoie của Pháp, giữa rặng Mont Blanc và dãy Aiguille Rouge với phong cảnh vào loại đẹp diệu kỳ trên thế giới.
Thám tử Max Hornung hoàn toàn không biết gì đến phong cảnh khi anh ta ra khỏi tầu hoả tại ga Chamonix, mang theo một chiếc vali các tông méo mó. Anh ta vẩy tay từ chối chiếc taxi và đi bộ về phía sở cảnh sát địa phương, một toà nhà nhỏ nằm trên quảng trường chính ở trung tâm thành phố. Max bước vào, ngay lập tức cảm thấy như ở nhà, cực kỳ thoải mái với sự thân thiết nồng ấm mà anh ta san sẻ với các bạn bè cảnh sát trên toàn thế giới. Anh ta là một người trong bọn họ.
Viên trung sĩ người Pháp ngồi sau bàn giấy ngước lên và hỏi:
- Chúng tôi có thể giúp gì cho ông?
- Vâng. - Max tươi cười. Và anh ta bắt đầu nói.
Max tiếp cận tất cả các ngoại ngữ bằng cùng một cách, anh vạch con đường xuyên qua khu rừng dầy đặc các động từ bất quy tắc, các thì, các động tính từ, sử dụng cái lưỡi của mình như một con dao rựa. Khi anh ta nói, sắc mặt của viên trung sĩ thay đổi từ bối rối sang không thể tin nổi. Người Pháp đá mất hàng trăm năm phát triển lưỡi, vòm miệng mềm mại và thanh quản để tạo cho tiếng Pháp âm điệu hết sức tuyệt diệu. Và bây giờ người đàn ông đang đứng trước anh ta đây đang bằng cách nầy cách khác cố biến nó thành một loạt âm thanh ghê rợn, không tài nào hiểu nổi.
Viên trung sĩ bàn giấy không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta ngắt lời.
- Ông đang định nói gì vậy?
Max hỏi lại:
- Ý ông là sao? Tôi đang nói tiếng Pháp.
Viên trung sĩ nhô người ra đằng trước và hỏi với vẻ tò mò không nao núng.
- Anh đang nói lúc nầy sao?
Thằng ngu thậm chí còn không nói tiếng nước mình, Max nghĩ. Anh ta lôi thẻ chứng nhận ra và đưa cho viên trung sĩ. Viên trung sĩ đọc nó đến hai lần, nhìn kỹ Max, rồi đọc lại lần nữa. Thật khó tin rằng người đàn ông đang đứng trước mặt anh ta lại là một thám tử.
Anh ta miễn cưỡng trả lại thẻ cho Max.
- Tôi có thể giúp gì cho ông?
- Tôi đang điều tra một vụ tai nạn leo núi xảy ra khoảng hai tháng trước ở đây. Nạn nhân tên là Sam Roffe.
Viên trung sĩ gật đầu.
- Có, tôi nhớ.
- Tôi muốn nói chuyện với người nào có thể cung cấp thông tin về những gì đã xảy ra.
- Đó là một tổ chức cứu nạn trên núi. Tên nó là Societe Chamoniarde de Secours en Montagne. Ông có thể tìm thấy nó ở Place du Mont Blanc. Số điện thoại là 531689. Hoặc ở bệnh viện ở đường Valais cũng có tin tức. Số điện thoại là 530182. Đây. Để tôi viết ra cho ông. - Anh ta với lấy cái bút.
- Không cần, - Max nói. - Societe Charmoniarde de Secours en Montagne, Place du Mont Blanc, 531689. Hoặc bệnh viện ở đường Valais, 530182.
Viên trung sĩ vẫn còn sững sờ một lúc lâu sau khi Max biến mất khỏi khung cửa.
***
Người phụ trách Societe Charmoniarde de Secours da ngăm đen, có vẻ còn trẻ, ngồi sau một chiếc bàn gỗ thông xộc xệch. Anh ta nhìn Max đi vào và ý nghĩ ngay tức khắc của anh ta là hy vọng người khách trông kỳ quặc nầy không có ý định leo núi.
- Tôi có thể giúp gì cho ông?
- Thám tử Max Hornung. - Anh ta chìa tấm thẻ chứng nhận ra.
- Tôi có thể giúp gì cho ông, thám tử Hornung?
- Tôi đang điều tra về cái chết của một người đàn ông tên là Sam Roffe, - Max nói.
Người ngồi sau bàn thở dài.
- À, vâng. Tôi rất thích ông Roffe. Đó quả là một tai nạn rủi ro.
- Anh có chứng kiến chuyện đó chứ?
Một cái lắc đầu.
- Không. Tôi đưa đội cứu hộ đi ngay lúc nhận được tín hiệu đau buồn của họ, nhưng chúng tôi đã không thể làm được gì hơn. Xác ông Roffe rơi xuống một kẽ nứt. Nó sẽ không bao giờ được tìm thấy.
- Chuyện xảy ra thế nào?
- Có bốn người leo núi trong nhóm. Người dẫn đường và ông Roffe đi sau cùng. Như tôi biết thì, họ đang vượt qua một dải băng thì ông Roffe trượt chân và ngã xuống.
- Ông ấy không đeo dây an toàn hay sao?
- Dĩ nhiên có: Nhưng sợi dây bị đứt.
- Chuyện như thế có thường xảy ra không?
- Chỉ một lần. - Anh ta mỉm cười với một chút đùa cợt rồi chợt trông thấy nét mặt viên thám tử liền vội thêm vào, - Các tay leo núi lão luyện luôn kiểm tra các thiết bị an toàn của họ, nhưng các tai nạn vẫn xảy ra.
Max đứng đó một lát, nghĩ ngợi.
- Tôi muốn nói chuyện với người dẫn đường.
- Người dẫn đường thường lệ của ông Roffe hôm ấy không leo núi.
Max chớp mắt.
- Ồ? Tại sao không?
- Theo tôi nhớ thì anh ta bị ốm. Một người hướng dẫn khác thay thế anh ta.
- Anh có tên của anh ta không?
- Nếu ông có thể đợi vài phút, tôi sẽ tìm cho ông.
Người đàn ông biến mất vào văn phòng bên trong. Vài phút sau anh ta quay lại với tập giấy trong tay.
- Tên người hướng dẫn là Hans Bergmann.
- Tôi có thể tìm anh ta ở đâu?
Anh ta không phải người địa phương.
- Anh lật vài trang. - Anh ta đến từ một làng tên là Lesgets. Nó cách đây khoảng sáu mươi cây số.
Trước khi Max rời khỏi Chamonix, anh ta ngừng lại ở bàn giấy của khách sạn Kleine Scheidegg và nói với nhân viên sắp xếp phòng.
- Lúc ông Roffe ở đây thì anh có làm việc không?
- Có - anh ta trả lời. - Vụ tai nạn quả là khủng khiếp.
- Ông Roffe ở đây một mình à?
Người nhân viên lắc đầu.
- Không. Ông ấy có bạn đi cùng.
Max nhìn sững.
- Bạn à?
- Vâng. Ông Roffe đã đặt phòng cho cả hai người.
- Anh có thể cho tôi biết tên người bạn của ông ấy.
- Dĩ nhiên, - anh ta nói. Anh ta lôi ra một cuốn sổ lớn dưới bàn và bắt đầu lật ngược các trang. Rồi anh ta dừng lại, ngón tay lần từ trên xuống dưới và nói, À đây rồi…
***
Max phải mất gần ba tiếng để đến Lesgets bằng chiếc Volkswagen, loại xe rẻ nhất mà anh ta có thể tìm thuê được, và anh ta suýt nữa đã đi quá đường.
Đó thậm chí không phải là một làng. Ở đây chỉ có vài cửa hàng, một nhà nghỉ kiểu Alpine, một cửa hàng bách hoá với một cái bơm xăng duy nhất trước cửa.
Max đỗ xe trước cửa nhà nghỉ và bước vào.
Có khoảng sáu người đàn ông ngồi nói chuyện trước lò sưởi Tiếng nói chuyện nhỏ đi khi Max bước vào.
- Xin lỗi, - anh ta nói, - Tôi muốn tìm Herr Hans Bergmann.
"Hans Bergmann. Người dẫn đường. Anh ta đến từ làng nầy".
Một người đàn ông lớn tuổi, có khuôn mặt nhăn nheo như tấm bản đồ thời tiết, nhổ nước bọt vào lò sưởi và nói.
- Ai đó đã chơi ông rồi. Tôi sinh ra tại Lesgets. Và tôi chưa nghe thấy ai có cái tên là Hans Bergmann cả.


Chương 34


Hôm đó là ngày đầu tiên Elizabeth đến văn phòng kể từ sau cái chết của Kate Erling một tuần trước.
Elizabeth bước vào hành lang tiếp tân trong tâm trạng bối rối, đáp lại những lời chào của người bảo vệ và các nhân viên bảo an một cách máy móc. Ở cuối hành lang nàng trông thấy các công nhân đang thay thế buồng thang máy đã bị vỡ nát. Nàng nghĩ đến Kate Erling, và Elizabeth có thể hình dung ra sự kinh hoàng bà ta đã phải chịu trong khi lao qua mười hai tầng lầu đến cái chết. Nàng biết mình không bao giờ có thể đi chiếc thang máy đó lại một lần nữa.
Khi nàng bước vào văn phòng, thư từ của nàng đã được Henriette, người thư ký thứ hai bóc ra và để ngay ngắn trên bàn. Elizabeth nhanh nhẹn xem qua chúng, viết tắt vài lời cần nhớ, viết các câu hỏi trên những cái khác hoặc đánh dấu chúng cho các trưởng phòng. Ở cuối chồng thư là một phong bì lớn, dán kín, ghi "Elizabeth Roffe – Riêng". Elizabeth lấy cái mở thư và dọc ở phía trên phong bì. Nàng cho tay vào và lấy ra một bức ảnh cỡ 8x10. Đó là tấm ảnh chụp gần một đứa bé tóc đen, mắt đen, cặp mắt lồi ra khỏi sọ não.
Đính kèm tấm ảnh là một miếng giấy nhỏ có mấy dòng chữ bằng bút chì: "ĐÂY LÀ ĐỨA CON TRAI JOHN XINH ĐẸP CỦA TAO. THUỐC CỦA MẦY ĐÃ LÀM CHO NÓ NHƯ THẾ NẦY ĐÂY. TAO SẼ GIẾT MẦY.
Elizabeth buông rơi miếng giấy và tấm ảnh, thấy tay mình run lẩy bẩy. Henriette đi vào với một mớ giấy tờ.
- Đây là các giấy tờ cần ký, cô… - Cô ta nhìn thấy vẻ mặt của Elizabeth. - Có chuyện gì vậy?
Elizabeth nói:
- Làm ơn… gọi ông Williams vào đây.
Cặp mắt nàng quay trở lại với tấm ảnh trên bàn.
Roffe và các con không thể chịu trách nhiệm với những điều khủng khiếp như vậy.
***
- Đó là lỗi của chúng ta, - Rhys nói. - Một chuyến hàng đã bị dán nhầm nhãn. Chúng ta đã cố thu hồi hầu hết lại, nhưng… - Anh giơ tay lên đầy ý nghĩa.
- Chuyện nầy xảy ra bao lâu rồi?
- Gần bốn năm trước.
- Có bao nhiêu người bị ảnh hưởng?
- Khoảng một trăm người. - Anh nhìn biểu hiện trên mặt nàng và nhanh nhẹn thêm vào, - Họ đã nhận được các khoản bồi thường. Không phải tất cả đều như thế nầy, Liz. Xem đây, chúng ta đã rất thận trọng rồi. Chúng ta thực hiện tất cả các biện pháp an toàn có thể, nhưng con người vẫn là con người. Đôi khi lỗi lầm vẫn xảy ra.
Elizabeth ngồi nhìn chăm chú vào bức ảnh của đứa bé.
- Thật là rùng rợn.
- Nhẽ ra họ không nên để em thấy bức thư nầy. - Rhys luồn các ngón tay mình vào mớ tóc đen và nói, - đây là thời kỳ đen tối cần chấm dứt, nhưng chúng ta còn có vài vấn đề khác quan trọng hơn thế.
Nàng tự hỏi không biết còn chuyện gì còn quan trọng hơn thế nữa.
- Vâng.
- FDA 1 vừa mới cho chúng ta một quyết định bất lợi về sản phẩm thuốc xịt aerosol. Loại thuốc nầy sẽ hoàn toàn bị cấm lưu hành trong vòng hai năm tới.
- Chuyện nầy ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
- Nó sẽ làm chúng ta tổn thất khá nặng đấy. Có nghĩa là chúng ta phải đóng cửa nửa tá nhà máy trên khắp thế giới và chịu mất một trong những ngành có lợi nhuận cao nhất của chúng ta.
Elizabeth nghĩ đến Emil Joeppli và công việc mà ông đang tiến hành, nhưng nàng không nói gì.
- Còn gì nữa không?
- Em đã xem các báo ra sáng nay chưa?
- Chưa.
- Vợ của một bộ trưởng trong chính phủ Bỉ, bà Van den Logh, đã uống vài viên Benexan.
- Đó là một loại dược phẩm của chúng ta à?
- Đúng. Đó là chất antihistamine. Nó chống chỉ định cho những ai bị chứng tăng huyết áp. Trên nhãn hiệu của chúng ta đã ghi rõ lời cảnh cáo. Nhưng bà ta đã không để ý.
Elizabeth cảm thấy toàn thân bắt đầu căng thẳng.
- Thế chuyện gì đang xảy ra cho bà ta?
Rhys trả lời:
- Bà ta đang hôn mê. Bà ta có thể chết. Các bài báo đăng rằng sản phẩm đó của chúng ta. Các vụ xin huỷ bỏ đơn đặt hàng đang lan rộng trên khắp thế giới. FDA đã thông báo với chúng ta họ đang bắt đầu điều tra, nhưng việc nầy cũng phải mất ít nhất một năm. Cho đến khi họ kết thúc chúng ta mới có thể tiếp tục bán sản phẩm đó.
Elizabeth nói:
- Em muốn chúng bị thu hồi khỏi thị trường.
- Không có lý do gì để làm thế. Đây là loại thuốc có hiệu lực…
- Có ai khác bị tổn thương vì nó nữa không?
- Hàng trăm ngàn người đã được nó cứu giúp. - Giọng Rhys trầm xuống. - Nó là một trong những loại thuốc có hiệu lực nhất của chúng ta…
- Anh chưa trả lời câu hỏi của em.
- Có một số trường hợp riêng, anh cho là như vậy. Nhưng…
- Em muốn nó bị thu hồi khỏi thị trường. Ngay lập tức!
Anh ngồi yên, cố kìm cơn giận, rồi nói.
- Được. Em có muốn biết tập đoàn sẽ phải chi bao nhiêu không?
- Không. - Elizabeth trả lời.
Rhys gật đầu.
- Đến bây giờ thì em vẫn chỉ nghe toàn tin tốt thôi. Tin xấu là các ông chủ ngân hàng muốn gặp em bây giờ. Họ đang đòi các món nợ.
Elizabeth ngồi một mình trong văn phòng, nghĩ về đứa bé, về người đàn bà đang nằm hôn mê vì dùng thuốc của Roffe và các con. Elizabeth biết rõ rằng những bi kịch kiểu nầy vẫn gây rắc rối cho các tập đoàn dược phẩm khác chứ không riêng gì Roffe và các con. Hàng ngày trên báo chí vẫn in những việc na ná như vậy, nhưng những chuyện đó không đụng chạm đến nàng như chuyện nầy. Nàng cảm thấy có trách nhiệm. Nàng đã quyết định phải nói chuyện với các trưởng phòng phụ trách các biện pháp an toàn để xem có phải họ không thể cải tiến các biện pháp hay không.
"Đây là đứa con trai John của tao.
Bà Van de Logh đang bị hôn mê. Bà ấy có thể chết.
Chủ các ngân hàng muốn gặp em bây giờ. Họ quyết định đòi các món nợ".
Nàng cảm thấy khó thở như thể tất cả cùng một lúc áp sát vào nàng. Lần đầu tiên Elizabeth tự hỏi liệu mình có khả năng đối phó. Những gánh nặng quá nặng nề và chúng chồng lên quá nhanh. Nàng xoay người trong ghế, để nhìn lên chân dung cụ Samuel treo trên tường. Trông cụ quá tài giỏi, quá chắc chắn. Nhưng nàng biết được nỗi băn khoăn và những điều không chắc chắn, những nỗi thất vọng tối tăm của cụ. Nhưng cụ đã vượt qua. Nàng cũng sẽ tồn tại. Nàng mang họ Roffe mà.
Nàng nhận ra bức chân dung bị lệch sang bên.
Có lẽ do vụ thang máy rơi. Elizabeth đứng dậy để sửa lại nó. Khi nàng vừa lật bức tranh, cái móc long ra và bức tranh rơi xuống sàn. Elizabeth thậm chí không buồn nhìn xuống. Nàng nhìn chằm chằm vào nơi mà bức tranh đã treo. Dính vào tường là một chiếc microphone bé tí xíu.
***
Đã 4 giờ sáng và Emil Joepli lại làm việc khuya. Chuyện nầy gần đây đã trở thành thói quen của ông.
Mặc dù Elizabeth Roffe không cho ông một hạn cuối cùng đặc biệt, Joepli vẫn biết công trình của ông quan trọng đến mức nào với tập đoàn và ông vẫn đang thúc đẩy công việc để nó sớm được kết thúc sớm chừng nào hay chừng ấy. Ông đã nghe nhiều lời đàm tiếu về Roffe và các con trọng thời gian nầy. Ông muốn làm tất cả mọi việc có thể để giúp cho tập đoàn. Chuyện nầy có lợi cho ông. Nó mang lại cho ông khoản tiền lương hậu hĩnh và sự tự do hoàn toàn. Ông đã quý mến Sam Roffe và ông cũng quý mến con gái ông ấy.
Elizabeth sẽ không bao giờ biết, nhưng những giờ làm việc muộn nầy là món quà của Joepli tặng nàng. Ông gù lưng trên bàn làm việc, kiểm tra lại những kết quả của lần thí nghiệm cuối cùng. Chúng còn tốt đẹp hơn cả ông mong đợi. Ông ngồi đó, chìm đắm trong việc tập trung tư tưởng, không nhận thấy mùi hôi của các lồng thú trong phòng thí nghiệm hay sự ẩm thấp của căn phòng hay giờ giấc đã quá muộn. Cánh cửa bật mở và người bảo vệ ca đêm Sepp Nolan bước vào.
Nolan rất ghét làm ca đêm. Có một vẻ gì đó quái đản ở các phòng thí nghỉệm vào ban đêm. Mùi của các lồng thú làm anh ta muốn nôn mứa. Nolan tự hỏi phải chăng tất cả những con thú họ giết ở đây đều có linh hồn và quay lại vật vờ trong các hành lang. Mình phải đòi tiền để trả cho mấy con ma, anh ta nghĩ. Tất cả mọi người trong toà nhà nầy đều đã về nhà từ lâu, ngoại trừ ông khoa học gia điên khùng chết tiệt nầy với những cái lồng đầy thỏ, mèo và chuột đồng.
- Bao lâu nữa thì giáo sư về? - Nolan hỏi.
Joeppli ngước lên, lần đầu tiên nhận ra Nolan.
- Cái gì?
- Nếu giáo sư còn ở đây một lúc nữa, tôi có thể mang cho ông một miếng sandwich hoặc một cái gì đó. Tôi đã xem qua nơi để thực phẩm và đã ăn một chút.
Joepli nói:
- Chỉ một cốc cà phê thôi, làm ơn. - Rồi ông quay lại với các biểu đồ của mình.
Nolan nói:
- Tôi sẽ khoá cửa ngoài khi rời khỏi đây.
- Tôi sẽ quay lại ngay. - Joepli thậm chí không nghe thấy giọng anh ta.
Mười phút sau cửa phòng thí nghiệm lại mở và một giọng nói vang lên:
- Ông làm việc muộn quá, Joepli!
Joepli giật mình nhìn lên. Khi nhận ra đó là ai, ông đứng dậy, bối rối nói:
- Vâng, thưa ngài. - Ông cảm thấy tự hào vì người nầy đã ghé vào thăm ông.
- Công trình Suối Thanh Xuân, tối mật, phải không ạ?
Emile lưỡng lự. Cô Roffe đã dặn không ai được phép biết về nó. Nhưng, dĩ nhiên, không bao gồm người khách nầy. Đây là người đã đưa ông vào làm trong tập đoàn. Vì thế Emile Joepli mỉm cười và trả lời:
- Vâng, thưa ngài. Tối mật.
- Tốt. Cứ để như thế. Công việc ra sao rồi?
- Rất tuyệt, thưa ngài.
Vị khách đi thơ thẩn đến một cái lồng thỏ. Emile Joepli đi theo người đó.
- Có vấn đề gì cần tôi giải thích không?
Người đàn ông mỉm cười.
- Không. Tôi cũng khá quen thuộc nơi nầy, Emil.
Khi vị khách quay đi, ông ta đụng phải một cái đĩa không để đựng thức ăn cho súc vật và nó rơi xuống sàn.
- Xin lỗi.
- Xin ngài đừng bận tâm. Để tôi nhặt nó.
Emil Joeppli với tay xuống nhặt nó lên và phía sau đầu ông như nổ tung ra một dòng nước đỏ, và điều cuối cùng ông thấy là nền nhà nâng lên rất nhanh để đón lấy ông.
***
Tíếng chuông điện thoại kêu liên tục đánh thức Elizabeth. Nàng ngồi dậy trên giường, vẫn còn ngái ngủ và nhìn chiếc đồng hồ đặt trên cái bàn nhỏ. Năm giờ sáng. Nàng lần lần nhấc cái ống nghe ra. Một giọng nói hấp tấp vang lên:
- Cô Roffe? Đây là bảo an nhà máy. Có một vụ nổ vừa xảy ra tại một trong các phòng thí nghiệm. Tất cả đã bị phá huỷ hoàn toàn.
Ngay lập tức nàng tỉnh hẳn.
- Có ai bị thương không?
- Có thưa cô. Một trong các nhà khoa học bị thiêu chết.
Anh ta không cần phải nói tên với Elizabeth.

Chú thích:
1 FDA: Cơ quan quản trị thực phẩm và dược phẩm

Chương 35


Thám tử Max Hornung đang nghĩ ngợi. Trong cục điều tra đầy những tiếng lách cách của máy chữ, tiếng cãi nhau, tiếng chuông điện thoại nhưng Max Hornung không hề nghe thấy hay nhìn thấy gì hết.
Anh ta có sự tập trung cao độ vào một thứ không khác gì một máy tính. Anh ta đang suy nghĩ về điều lệ của Roffe và các con, như cụ Samuel đã tạo dựng lên, duy trì quyền điều hành trong phạm vi gia đình. Thật tài tình. Và nguy hiểm. Chuyện nầy nhắc anh ta nhớ đến vụ chơi hụi, kế hoạch bảo hiểm Italia được ông chủ ngân hàng Tonti nghĩ ra năm 1695. Các thành viên chơi hụi đóng những số tiền bằng nhau và khi một thành viên chết thì những người còn lại sẽ được hưởng phần tiền của người chết. Chuyện đó đã tạo nên một động cơ mạnh mẽ để tiêu diệt người khác.
Như Roffe và các con. Thật quá cám dỗ khi cho người ta thừa hưởng số cổ phần đáng giá cả triệu đô la và rồi bảo họ không thể bán nó đi trừ khi tất cả cùng đồng ý.
Max biết rằng Sam Roffe đã không đồng ý. Ông đã chết. Elizabeth đã không đồng ý. Và nàng cũng hai lần suýt chết. Có quá nhiều tai nạn xảy ra. Thám tử Max Hornung không tin vào các tai nạn. Anh ta đến gặp Chánh thanh tra Schmied.
Ông Chánh thanh tra lắng nghe bản báo cáo về vụ tai nạn leo núi của Sam Roffe và càu nhàu:
- Tức là có một vụ lộn xộn về tên của người dẫn đường. Chuyện nầy vẫn khó tạo thành một vụ giết người, Hornung. Không có chuyện đó trong phòng của tôi.
Viên thám tử bé nhỏ kiên nhẫn nói:
- Tôi nghĩ còn có nhiều hơn thế. Roffe và các con đang có nhiều vấn đề nội bộ nghiêm trọng. Có lẽ một kẻ nào đó nghĩ rằng việc thanh toán Sam Roffe sẽ giải quyết được những vấn đề đó.
Chánh thanh tra Schmied dựa lưng vào ghế và nhìn thám tử Hornung chằm chằm. Ông chắc chắn rằng những giả thuyết của anh chẳng là gì cả. Nhưng cái ý nghĩ cứ để thám tử Max Hornung đi cho khuất mắt một thời gian làm lòng ông tràn ngập thích thú. Và sự vắng mặt của anh ta sẽ đẩy mạnh được tinh thần cho toàn bộ các nhân viên còn lại trong phòng.
Và còn một chuyện nữa phải cân nhắc: Những người mà Max Hornung muốn điều tra. Không ít quyền lực hơn gia đình Roffe. Thường thường thì Schmied sẽ ra lệnh cho Max Hornung luôn cách xa họ một triệu dặm. Nếu thám tử Hornung chọc tức họ - và làm sao anh ta không chọc tức họ - Họ sẽ đủ sức mạnh để tống cổ anh ta ra khỏi lực lượng. Và không ai có thể đổ lỗi cho thanh tra Schmied. Không phải tay thám tử bé nhỏ đã buộc ông làm thế hay sao? Và thế là ông nói với Max Hornung.
- Vụ đó là của anh. Cứ từ từ mà tiến hành.
- Cám ơn xếp, - Max sung sướng nói.
***
Khi Max đi qua hành lang về văn phòng mình, anh ta đâm sầm vào một nhân viên điều tra những cáì chết bất thường.
- Hornung? Tôi có thể mượn trí nhớ anh một lát được không?
Max chớp mắt.
- Xin anh nói lại?
- Đội tuần tra đường sông vừa vớt được một cô gái. Anh xem qua một chút nhé?
Max nuốt khan và nói:
- Nếu anh muốn.
Đây không phải là phần việc Max thích, nhưng anh ta cảm thấy đây là trách nhiệm của mình.
Cô ta nằm trong ngăn kéo kim loại trong sự lạnh lẽo của nhà xác. Tóc cô ta vàng hoe, khoảng mười chín hai mươi tuổi. Cái xác cô ta phồng lên vì bị ngâm nước, trần truồng, ngoại trừ một sợi ruy băng đỏ quấn quanh cổ.
- Có dấu hiệu giao hợp trước khi chết. Cô ta bị bóp cổ và vứt xuống sông, - người nhân viên nói. - Không có nước trong phổi. Chúng ta không lấy được dấu tay nào trên người cô ta. Anh đã bao giờ gặp cô ta chưa?
Thám tử Max Hornung nhìn xuống gương mặt cô gái và nói:
- Chưa.
Anh ta đi đón xe bus để ra phi trường.

Chương 36


Khi thám tử Max Hornung hạ cánh xuống sân bay Costa Smeralda ở Sardinia, anh ta đi thuê chiếc xe hơi rẻ nhất hiện có, một chiếc Fiat 500, và lái đi Olbia. Không như phần còn lại của Sardinia, Olbia là một thành phố công nghiệp, và vùng ngoại ô là một vùng mở rộng lộn nhộn với nhiều nhà máy, một bãi rác của cả thành phố và một nghĩa địa các loại xe hơi đã một thời đẹp đẽ, bây giờ là những khối của vô dụng, dùng làm phế liệu thì tốt.
Mỗi thành phố trên thế giới đều có khu chứa xe hơi đồng nát, Max nghĩ. Đài kỷ niệm của nền văn minh.
Max đi tới trung tâm thành phố và lái xe đến trước một toà nhà treo bảng hiệu "CHỈ HUY SỞ CẢNH SÁT OLBIA". Lúc Max bước vào, anh ta cảm thấy không khí quen thuộc như mình cũng thuộc về chỗ nầy. Anh ta trình thẻ chứng nhận cho viên trung sĩ trực và vài phút sau anh ta được đưa vào văn phòng của cảnh sát trưởng Luigi Ferraro. Ferraro đứng dậy, một nụ cười chào đón nở trên mặt. Nhưng nó vụt tắt khi ông ta trông thấy người khách. Có cái gì đó ở Max không thể tỏ ra được mình là thám tứ.
- Tôi có thể xem thẻ của ông chứ? - Cảnh sát trưởng Ferraro lịch sự hỏi.
- Dĩ nhiên, - Max nói.
Anh ta rút ra chiếc thẻ và cảnh sát trưởng Ferraro xem xét kỹ cả hai mặt của nó và trả lại. Kết luận ngay tức khắc của ông ta là Thuỵ Sĩ hẳn đang rất thiếu thám tử. Ông ta ngồi xuống sau bàn làm việc và nói:
- Tôi có thể giúp gì cho ông?
Max bắt đầu giải thích bằng một thứ tiếng Ý lưu loát.
Vấn đề là có vẻ như cảnh sát trưởng Ferrero đôi khi phải khó khăn lắm mới hiểu được Max đang nói tiếng gì. Khi ông ta nhận ra mình nên làm gì, ông ta khó chịu giơ bàn tay lên và nói:
- Thôi đi! Ông có nói được tiếng Anh không?
- Được, Max trả lời.
- Vậy thì tôi xin ông? Chúng ta hãy dùng tiếng Anh đi.
Khi Max đã kể vắn tắt mọi việc, Ferraro nói:
- Ông nhầm rồi, Signore. Tôi có thể cho ông biết là ông đang phí thời gian vô ích. Các thợ máy của tôi đã kiểm tra kỹ chiếc xe Jeep. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng đó chỉ là tai nạn.
Max gật đầu, bình thản.
- Tôi không nghĩ như thế.
Cảnh sát trưởng Ferraro nói:
- Được. Hiện giờ chiếc xe đó đang được bầy bán trong một gara công cộng. Tôi sẽ cho người đưa ông đến đó. Ông có muốn đến hiện trường vụ tai nạn không?
Max chớp mắt và nói:
- Để làm gì?
Thám tử Bruno Campagna được chọn là người dẫn đường của Max.
- Chúng tôi đã xem xét rất kỹ. Đó là một tai nạn, - Campagna nói.
- Không đâu. - Max trả lời.
Chiếc xe Jeep ở góc gara, phía trước vẫn còn vết sứt mẻ và có vài vết nhựa cây xanh đã khô.
- Tôi chưa có thời gian sửa lại nó, - người thợ máy giải thích.
Max đi vòng quanh chiếc Jeep, xem xét nó.
- Hệ thống phanh đã bị phá hoại ra sao? - Anh ta hỏi.
Người thợ máy kêu lên:
- Jésus! Ông, cũng nói vậy sao? - Một chút giận dữ trong giọng anh ta. - Đã hai mươi lăm năm qua tôi làm thợ máy, thưa ông. Tôi đã đích thân kiểm tra cái xe Jeep nầy. Lần cuối cùng có người đụng đến hệ thống phanh là trước khi nó rời khỏi nhà máy.
- Ai đó đã phá hoại hệ thống phanh. - Max nói.
- Bằng cách nào? - Người thợ máy lắp bắp.
- Tôi còn chưa biết, nhưng tôi sẽ biết. - Max cam đoan với ông ta với vẻ tin tưởng. Anh nhìn lại chiếc xe lần cuối rồi quay gót ra khỏi gara.
Cảnh sát trưởng Luigi Ferraro nhìn thám tử Bruno Campagna và hỏi:
- Anh đã làm gì với anh ta?
- Tôi chẳng làm gì cả. Tôi đưa anh ta đến gara, anh ta tỏ ra lố bịch với người thợ máy rồi anh ta nói muốn đi dạo một mình.
Kỳ quặc!
***
Max đứng trên bờ, nhìn ra mặt nước xanh thẫm của biển Tyrrhenie mà không hề thấy gì. Anh ta đang tập trung tư tưởng, đầu óc bận rộn ghép các mảnh vỡ vào với nhau. Cũng như đang chơi trò ghép hình khổng lồ. Mọi việc luôn ăn khớp nếu ta biết nó phù hợp ở chỗ nào.
Chiếc xe Jeep là một phần nhỏ nhưng rất quan trọng của trò chơi lắp ghép nầy. Hệ thống phanh của nó đã được thợ máy lão luyện kiểm tra. Max không có lý do gì để nghi ngờ sự thành thật hay tay nghề của họ. Nên anh ta chấp nhận sự thật rằng hệ thống phanh của chiếc xe Jeep đã không bị phá hoại. Vì Elizabeth đã lái chiếc xe Jeep và có ai đó muốn nàng phải chết, nên anh ta cũng chấp nhận luôn sự thật hệ thống phanh đã bị phá hoại. Không có cách nào để thực hiện việc đó. Nhưng có một người làm được. Max đang phải đối phó với một kẻ khôn ngoan. Chuyện nầy càng làm cho sự việc thêm phần hấp dẫn.
Max bước xuống bãi cát, ngồi lên một tảng đá, nhắm mắt lại và bắt đầu tập trung tư tưởng lần nữa, chăm chú vào các mảnh vụn, đổi chỗ, tháo ra lắp vào các mảnh của trò ghép hình.
Hai mươi phút sau mảnh cuối cùng đã được lắp vào đúng chỗ. Max mở mắt ra và nghĩ một cách thán phục. Hoan hô! Mình phải gặp cái người đã nghĩ ra trò nầy.
Sau đó, thám tử Max đã đến xem xét hai địa điểm, một ở ngoài Olbia và một ở trên núi. Rồi anh ta đáp chuyến máy bay chiều trở về Zurich.
Hạng vé bình dân.

Chương 37


Đội trưởng lực lượng bảo vệ của Roffe và các con nói với Elizabeth: "Chuyện xảy ra quá nhanh, thưa cô Roffe. Chúng tôi không thể làm gì khác được. Cho đến khi các thiết bị chữa cháy hoạt động thì cả phòng thí nghiệm đã không còn gì nữa. Người ta đã tìm thấy phần còn lại của cái xác Emile Joeppli bị cháy ra tro. Không thể biết được công thức của ông bị lấy đi khỏi phòng thí nghiệm trước hay sau vụ nổ.
Elizabeth hỏi:
- Toà nhà phát triển có canh gác hai bốn trên hai bốn, phải không?
- Vâng, thưa cô. Chúng tôi…
- Ông đã phụ trách lực lượng bảo vệ bao lâu rồi?
- Năm năm. Tôi…
- Ông bị sa thải.
Ông ta định nói gì đó để phản đối, nhưng lại đổi ý.
- Vâng, thưa cô.
- Lực lượng của ông có bao nhiêu người?
- Sáu mươi lăm.
- Sáu mươi lăm người! Và họ không thề cứu Emile Joeppli. Tôi sẽ gửi giấy báo trước cho họ hai mươi tư tiếng! - Elizabeth nói. - Tôi muốn tất cả bọn họ ra khỏi đây.
Ông ta nhìn nàng một lúc.
- Cô Roffe, cô có nghĩ như thế là công bằng không?
Nàng nghĩ đến Joeppli, và công thức vô giá đã bị đánh cắp, đến cái máy ghi âm cài đặt trong văn phòng nàng đã bị nghiền nát dưới gót giầy.
- Đi đi - Elizabeth nói.
Trong suốt từng phút của buổi sáng hôm ấy, nàng cố gắng xua đuổi khỏi đầu hình ảnh cái xác cháy ra tro của Emile Joepli cùng căn phòng thí nghiệm đầy những con thú bị thiêu chết. Nàng cố không nghĩ đến thiệt hại của tập đoàn về việc công thức đó bị đánh cắp. Có khả năng một công ty đối thủ sẽ được cấp bằng sáng chế và Elizabeth không thể làm được gì hết. Đó là một khu rừng rậm. Khi các đối thủ nghĩ bạn đang yếu ớt, họ sẽ tiến lên để giết bạn. Nhưng chuyện nầy lại không phải do các đối thủ làm ra. Mà là một người bạn. Một người bạn chết người.
Elizabeth sắp xếp cho một đội bảo vệ chuyên nghiệp thế chỗ ngay lập tức. Nàng sẽ cảm thấy an toàn hơn với những người xa lạ quanh mình.
Nàng gọi điện cho bệnh viện Internationale ở Brussel để hỏi thăm tình hình của bà Van den Logh, phu nhân của vị bộ trưởng người Bỉ. Họ cho nàng biết bà ta vẫn chưa qua khỏi trạng thái hôn mê. Họ không biết liệu bà ta có sống nổi hay không.
Elizabeth đang nghĩ đến Emile Joeppli, em bé tóc đen và bộ trưởng phu nhân thì Rhys bước vào. Anh nhìn vào mặt nàng và nhẹ nhàng nói:
- Tồi tệ đến thế sao?
Nàng gật đầu, khổ sở.
Rhys đến bên nàng và nhìn nàng kỹ hơn. Trông nàng thật mệt mỏi, suy sụp. Anh tự hỏi nàng còn có thể chịu đựng thêm bao lâu nữa. Anh đặt tay lên tay nàng và dịu dàng hỏi:
- Anh có thể giúp em được chuyện gì không?
Mọi chuyện, Elizabeth nghĩ. Nàng vô cùng cần đến Rhys. Nàng cần sức mạnh, sự giúp đỡ và tình yêu của anh. Mắt họ gặp nhau và nàng sẵn sàng ngả vào vòng tay anh, kể cho anh nghe mọi chuyện, đã và đang xảy ra.
Rhys nói:
- Không có tin gì mới về bà Van den Logh sao?
Một khoảnh khắc trôi qua.
- Không, - Elizabeth trả lời.
Anh hỏi tiếp:
- Em chưa nhận được cú điện nào về bài báo đăng trên Wall Street Journal à?
- Bài báo gì?
- Em chưa xem nó sao?
- Chưa.
Rhys gọi về văn phòng lấy một bản copy. Bài báo liệt kê tất cả những rắc rối gần đây của Roffe và các con, nhưng chủ đề chính của nó là tập đoàn nầy đang cần một người có kinh nghiệm để điều hành. Elizabeth đặt tờ báo xuống.
- Chuyện nầy nguy hiểm thế nào?
Rhys nhún vai. - Thiệt hại thì đã có rồi. Họ chỉ thuật lại mà thôi. Chúng ta đang mất dần đi rất nhiều thị trường. Chúng ta…
Hệ thống liên lạc nội bộ réo chuông. Elizabeth nhấn nút.
- Vâng!
- Herr Juhus Badrutt ở đường dây số hai, cô Roffe. Ông ấy nói có chuyện gấp.
Elizabeth nhìn Rhys. Nàng đã hoãn lại cuộc gặp với các chủ ngân hàng. - Nối dây cho tôi. - Nàng cầm ống nghe lên.
- Xin chào Herr Badrutt.
- Chào cô. - Ở bên kia, giọng nói có vẻ khô khan và cáu kỉnh.
- Chiều nay cô có rảnh không?
- Vâng, tôi… - Tốt. Bốn giờ thuận tiện cho cô chứ?
Elizabeth lưỡng lự.
- Vâng. Bốn giờ!
Có tiếng khô khan lào xào qua ống nói và Elizabeth nhận ra Herr Badrutt đang đằng hắng:
- Tôi rất tiếc khi nghe chuyện của Joeppli, - ông ta nói.
Tên của Joeppli không được đề cập đến trong các bài báo về vụ nổ.
Nàng chậm rãi gác máy, nhận thấy Rhys đang quan sát mình.
- Cá mập ngửi thấy máu, - Rhys nói.
***
Điện thoại gọi đến suốt cả buổi chiều hôm đó. Alec gọi:
- Elizabeth, cháu đã xem báo sáng nay chưa?
- Rồi ạ, - Elizabeth trả lời - Tờ Wall Street Journal đã phóng đại sự việc lên.
Im lặng một lát rồi Alec nói tiếp:
- Chú không nói về tờ Wall Street Journal. Mà tờ Financial Times cũng có một bài viết dài về Roffe và các con. Nội dung không được tốt lành gì cho lắm. Chuông điện thoại của chú không ngừng reo. Chúng ta đang bị huỷ bỏ nhiều vụ quan trọng. Chúng ta phải làm sao bây giờ?
- Cháu sẽ gọi điện lại cho chú, Alec. - Elizabeth hứa.
Ivo gọi đến.
- Carissima, chú nghĩ tốt nhất là cháu nên chuẩn bị đón nhận một cú sốc.
- Cháu đã chuẩn bị, -Elizabeth gượng gạo nghĩ. - Là gì vậy?
Ivo nói:
- Một bộ trưởng người Italia bị bắt vài giờ trước vì nhận hối lộ.
Elizabeth có cảm giác bất ngờ về những điều đang xảy ra.
- Chú nói tiếp đi.
Giọng Ivo hơi có vẻ gì như xin lỗi.
- Đó không phải lỗi của chúng ta, - Ivo nói, - Ông ta tham lam và bất cẩn. Họ bắt ông ta ở phi trường, khi đang lén mang tiền ra khỏi Italia. Họ đã lần ra nguồn gốc số tiền đó là từ chúng ta.
Thậm chí Elizabeth đã chuẩn bị tinh thần nàng cũng thấy bị sốc vì không tin nổi.
- Tại sao chúng ta lại hối lộ ông ta?
Ivo nói, cố ra vẻ tự nhiên:
- Như thế chúng ta mới kinh doanh được ở Italia. Đó là một cách sống ở đây. Tội của chúng ta không phải là hối lộ cho ông bộ trưởng, Cara - mà là để bị lộ chuyện nầy ra.
Nàng dựa lưng vào ghế, đầu óc quay cuồng.
- Bây giờ thì chuyện gì đang xảy ra?
- Chú khuyên cháu rằng chúng ta nên gặp gỡ các công ty luật càng nhanh càng tốt! - Ivo nói - Đừng lo. Ở Italia chỉ có người nghèo mới phải đi tù thôi.
Charles gọi điện từ Paris, giọng ông tràn đầy lo lắng. Giới truyền thông Pháp nhất loạt đăng đầy các bài báo về Roffe và các con. Charles giục Elizabeth bán tập đoàn trong lúc nó vẫn còn danh tiếng.
- Các khách hàng của chúng ta đang mất niềm tin, - Charles nói. - Không có họ thì cũng không còn tập đoàn!
Elizabeth nghĩ về các cú điện thoại, các ông chủ ngân hàng, các ông chú họ, và giới truyền thông. Quá nhiều chuyện đang xảy ra quá nhanh chóng, Ai đó đang làm cho chúng xảy ra. Nàng phải tìm ra kẻ đó.
Cái tên vẫn còn trong sổ điện thoại riêng của Elizabeth. Maria Martinelli. Nó mang lại một ký ức về cô gái Italia chân dài, cao lớn, người đã là bạn học của Elizabeth ở Thuỵ Sĩ. Thỉnh thoảng họ vẫn liên lạc với nhau. Maria đã trở thành người mẫu và cô ta viết thư cho Elizabeth rằng cô ta đã hứa hôn với một ông chủ báo Italia ở Milan. Elizabeth phải mất đến mười lăm phút mới tìm thấy Maria. Sau những màn xã giao thông thường, Elizabeth nói vào điện thoại.
- Cậu vẫn hứa hôn với ông chủ báo đấy chứ?
- Dĩ nhiên. Vào giây phút mà Tony ly dị, chúng tớ sẽ lập tức làm đám cưới.
- Tớ muốn cậu giúp tớ một chuyện, Maria.
- Nói đi.
***
Gần một giờ sau Maria Martinelly gọi lại.
- Tớ đã có thông tin mà cậu cần đây. Ông chủ ngân hàng bị bắt về tội lén đưa tiền ra khỏi Italia đã bị bẫy. Tony nói là có người đã mật báo với cảnh sát biên giới.
- Anh ấy có biết tên người mật báo ấy không?
- Ivo Palazzi.
***
Thám tử Max Hornung đã có một khám phá đầy thú vị: Anh ta không chỉ biết được vụ nổ ở Roffe và các con đã được tính toán kỹ lưỡng mà còn biết được nó được gây ra bởi một loại chất nổ tên là Rylar X, sản xuất riêng cho quân đội và không cung cấp thêm cho ai khác. Điều làm Max bận tâm là Rylar X được sản xuất ở một trong những nhà máy của Roffe và các con. Chỉ cần gọi một cú điện thoại là biết ngay nhà máy nào.
Nhà máy ở ngoại ô Paris.
***
Đúng bốn giờ chiều Herr Julius Badrutt co thân hình gầy nhẳng trong ghế và nói thẳng:
- Tôi càng muốn giúp đỡ cô bao nhiêu, cô Roffe, thì tôi lại e rằng trách nhiệm của tôi với các bạn hùn vốn càng thêm lớn.
Đó là một cách phát biểu, Elizabeth nghĩ, mà các ông chủ ngân hàng thường dùng với các bà goá con côi trước khi họ thu văn tự cầm cố thế nợ. Nhưng lần nầy nàng đã chuẩn bị đối phó với Herr Badrutt.
- Hội đồng quản trị của tôi đã yêu cầu tôi thông báo với cô rằng ngân hàng của chúng tôi đòi Roffe và các con phải trả các món nợ ngay lập tức.
- Tôi đã được nói là tôi có chín mươi ngày mà! - Elizabeth nói.
- Thật không may, chúng tôi cảm thấy tình huống đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Tôi cũng thông báo cho cô rằng các ngân hàng khác đang giao dịch với cô cũng sẽ có quyết định như vậy.
Một khi những ngân hàng từ chối giúp nàng, sẽ không còn cách nào giữ cho tập đoàn như cũ.
- Tôi rất tiếc phải thông báo cho cô một tin không hay như vậy, cô Roffe, nhưng tôi cảm thấy rằng tôi nên nói riêng với cô.
- Ông biết đấy, rằng Roffe và các con vẫn còn là một tập đoàn có thế lực và giàu có.
Herr Julius Badrutt gật đầu.
- Dĩ nhiên. Đây là một tập đoàn vĩ đại.
- Nhưng các ông vẫn không chịu cho chúng tôi thêm thời gian.
Herr Badrutt nhìn nàng một lát, rồi nói:
- Ngân hàng nghĩ các vấn đề của cô có thể giải quyết được, cô Roffe. Nhưng… - Ông ta do dự.
- Nhưng ông không nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể giải quyết được?
- Tôi e rằng như thế. - ông ta đứng dậy.
- Thế nếu có ai đó khác làm chủ tịch của Roffe và các con thì sao? - Elizabeth hỏi.
- Ông lắc đầu. - Chúng ta đã thảo luận về các khả năng có thể. Chúng tôi không cảm thấy có ai khác trong hội đồng quản trị hiện nay có khả năng toàn diện để giải quyết…
Nàng nói:
- Tôi đang nghĩ đến Rhys Williams.

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/