Một cuộc phiêu lưu của Marie Michon
Cùng với thời gian mà quận công de Beaufort và Grimaud toan tính vượt ngục, thì có hai người cưỡi ngựa và một thằng hầu theo sau đi vào Paris bằng phố cửa ô Saint-Marcel.
Hai người đó là bá tước De La Fère và tử tước De Bragelonne.
Đây là lần đầu tiên chàng thanh niên đến Paris và Arthos chẳng tô son vẽ phấn gì cho kinh đô, người bạn cố tri của mình, khi đưa chàng trai trẻ vào xem bằng phía ấy. Thật vậy cái làng Touraine cuối cùng trên chặng đường còn ưa nhìn hơn Paris trông ở phía mặt đối diện với Blois. Cho nên phải nói rằng thật xấu hổ cho cái thành phố từng được ca tụng này, nó gây một tác dụng tồi tệ cho chàng trai trẻ.
Arthos vẫn giữ cái vẻ vô tư lự và thanh thản của mình.
Là người dẫn đường cho người bạn đổng hành của mình trong cái mê cung mênh mông này, khi tới Xanh Mêda, Arthos đi theo phố Bưu Trạm rồi phố Cực Hình, phố Hào,Vaugirard, Saint - Médard, rồi phố , khi tới phố Férou thì đi vào. Đến giữa phố, Arthos ngước mắt lên mỉm cười và chỉ cho chàng trai trẻ xem một ngôi nhà có vẻ ngoài sang trọng và nói:
- Này Raoul, đây là một ngôi nhà mà tôi ở bảy năm êm đềm nhất và phũ phàng nhất của đời mình.
Chàng thanh niên mỉm cười theo và cúi chào ngôi nhà, lòng hiếu thảo của cậu đối với người đỡ đầu cho mình biểu lộ trong mọi hành động của cuộc sống.
Còn đối vôi Arthos, như chúng ta đã nói, Raoul không những là trung tâm mà, không kể những kỷ niệm cũ ở trung đoàn, còn là đối tượng duy nhất của tình yêu thương và người ta hiểu lần này trái tim Arthos có thể yêu tha thiết và sâu sắc đến nhường nào.
Hai lữ khách dừng chân ở phố Chuồng Bồ Câu cũ, chỗ có biển quán Con Cáo Xanh. Arthos biết quán rượu này từ lâu, hàng trăm lần anh đã đến đây cùng các bạn, nhưng từ hai mươi năm nay đã có bao nhiêu đổi thay ở trong quán, bắt đầu từ những người chủ.
Các lữ khách trao ngựa cho mấy tên hầu, và do ngựa thuộc giống quý, họ dặn dò phải trông nom thật chu đáo, chỉ cho ăn rơm và lúa mạch và rửa ngực và chân ngựa bằng rượu vang ấm. Họ đã đi hai mươi dặm trong ngày. Trước tiên phải săn sóc ngựa của mình như những kỵ sĩ thực thụ thường làm, sau đó họ gọi hai phòng cho họ:
- Anh đi tắm rửa và sửa soạn quần áo đi, - Arthos nói, - tôi sẽ giới thiệu anh với một người quen.
- Hôm nay ư thưa ông? - Chàng thanh niên hỏi.
- Nửa giờ nữa.
Chàng trai trẻ cúi chào.
Có lẽ kém chịu đựng mệt nhọc hơn Arthos, một con người như bằng thép, Raoul thực sự muốn xuống tắm trong dòng sông Sein mà anh từng nghe nói đến rất nhiều, song vẫn cho rằng kém đứt sông Loire, sau rồi đi nằm một lát; nhưng vì bá tước de La Fére đã nói vậy nên cậu chỉ biết vâng lời.
- À này, Raoul, - Arthos nói, - anh ăn vận chăm chút vào nhé, tôi muốn người ta thấy anh đẹp trai.
- Thưa ông, - chàng trai trẻ mỉm cười đáp, - tôi hy vọng rằng không phải là chuyện hôn nhân. Ông biết tôi đã hứa hẹn với Louise.
Arthos cũng mỉm cười và nói:
- Không đâu, cứ yên trí, mặc dù tôi sẽ giới thiệu anh với một phụ nữ.
- Một phụ nữ ư? - Raoul hỏi
- Phải, và tôi mong rằng anh sẽ yêu mến người ấy.
Chàng thanh niên nhìn bá tước thoáng băn khoăn; nhưng thấy Arthos, mỉm cười, anh cũng vững dạ.
- Người phụ nữ ấy bao nhiêu tuổi ạ? - Tử tước De Bragelonne hỏi.
- Raoul thân mến của tôi ơi, - Arthos nói, hãy nhớ rằng câu hỏi như vậy từ nay về sau chớ bao giờ lặp lại. Khi anh có thể đoán tuổi trên nét mặt một người đàn bà, thì tuổi người ta là vô ích, còn khi đã không thể đoán mà hỏi thì là tọc mạch.
- Người ấy có xinh đẹp không?
Cách đây mười sáu năm, bà ta không những được coi là xinh đẹp nhất, mà còn là người phụ nữ duyên dảng nhất nước Pháp.
Câu trả lời ấy làm cho cậu tử tước yên tâm hoàn toàn. Arthos không thể có một dự định nào về cậu ta và về một người đàn bà đã được coi là xinh đẹp nhất và duyên dáng nhất nước Pháp một năm trước khi cậu ra đời.
Raoul bèn về phòng mình và với cái tính làm dáng rất hợp với tuổi trẻ, anh làm theo những lời dặn dò của Arthos, nghĩa là ra sức trang điểm cho nó có vẻ đẹp đẽ bảnh bao nhất. Mà cũng là chuyện dễ dàng thôi đối với một con người mà thiên nhiên đã tạo ra sẵn như vậy. Khi cậu lại ra mắt, Arthos đón nhận với nụ cười cha con mà vừa qua anh đã đón tiếp d'Artagnan, nhưng nó đượm một niềm vẻ trìu mến sâu xa hơn.
Arthos liếc nhìn chân, tay và tóc Raoul, ba cái dấu hiệu của chủng tộc, giòng giống, mái tóc đen nhành rẽ ngôi giữa theo kiểu thời bấy giờ và buông rũ thành búp khuôn lấy gương mặt có nước da hơi sạm; những đôi găng bằng da hoẵng màu xam xám hoà hợp với cái mũ dạ và làm nổi bật hai bàn tay thanh tú, tao nhã, còn đôi ủng đồng màu với găng và mũ, bó khít đôi bàn chân nhỏ nhắn như chân đứa trẻ mười tuổi.
- Nào, - Arthos lẩm bẩm - nếu nàng không hãnh diện về nó thì đúng là nàng khó tinh.
Lúc ấy là ba giờ chiều, nghĩa là giờ thích hợp cho những cuộc viếng thăm. Hai người đi dọc phố Grenelle sang phố Cây Hồng, vào phố Saint Dominique, và dừng lại trước một dinh thự nguy nga ở trước mặt dinh Jaccobins, và trên có gia huy dòng họ De Luynes.
- Đây rồi, - Arthos nói.
Anh bước vào toà nhà với bước đi đĩnh đạc đường hoàng chứng tỏ cho tên gác cổng Thụy Sĩ rằng người khách vào có quyền như vậy.
Anh bước lên bậc thềm gặp một thằng hầu ăn mặc quần áo dấu ngày lễ. Anh hỏi xem bà công tước de Chevreuse có nhà không và có thể tiếp ông bá tước de La Fère không.
Một lát sau tên hầu ra và nói rằng mặc dầu bà công tước de Chevreuse không được hân hạnh quen biết bá tước de La Fère, nhưng bà vẫn xin mời ông vào.
Arthos theo tên hầu đi qua một dãy dài các gian phòng và cuối cùng dừng lại trước một cửa đóng. Đây là phòng khách. Arthos ra hiệu cho tử tước Bragelonne đứng nguyên tại chỗ.
Tên hầu mở cửa và trình báo là bá tước de La Fère đến.
Bà de Chevreuse mà chúng tôi đã nói đến luôn trong truyện Ba người lính ngự lâm nhưng chưa có dịp đưa lên sân khấu lúc này vẫn được coi như một phụ nũ tuyệt đẹp. Quá vậy, hồi ấy bà đã bốn tư bốn lăm tuổi rồi, mà nom cứ như mới băm tám băm chín; tóc vẫn hoe vàng, cắp mắt to thông minh và linh hoạt mà những âm mưu luôn luôn mở rộng ra và ái tình luôn luôn khép lại, và cái vóc người yểu điệu khiến nhìn đằng sau vẫn như cô thiếu nữ hồi nào cùng với Anne d'Autriche nhảy qua cái hào ở Tuileries, cái hào năm 1683 đã cướp đi ngôi báu nước Pháp của một kẻ kế vị.
Vả chăng đó bao giờ cũng vẫn là tạo vật cuồng điên ấy, nó đã ném lên những cuộc tình duyên của mình một dẩu ấn độc đáo đến nỗi những cuộc tình duyên ấy hầu như trở thành một vinh hiển cho gia đình mình.
Bà đang ở trong một khuê phòng mà cửa sổ trông ra vườn. Theo mốt mà bà de Rambouillet đưa ra khi xây dựng dinh thự của mình, khuê phòng ấy chăng một tấm Damas màu lơ thêu hoa hồng và cành lá kim tuyến. Với tuổi của bà de Chevreuse thì ở trong một khuê phòng như vậy là đỏm dáng quá nhất là trong tư thế của bà lúc này, nghĩa là nằm trên một chiếc ghế dài và tụa đầu vào tấm thảm.
Bà cầm một quyển sách hé mở và một cái nệm dỡ cánh tay cầm sách.
Nghe tên hầu báo, bà hơi nhấc mình dậy và tò mò nhô cái đầu ra.
Arthos xuất hiện.
Anh vận đồ nhung tím với những thêu ren cùng màu; các dây tua bịt bạc đánh nâu, áo choàng không có chút thêu kim tuyến nào và một chiếc lông chim giản dị màu tím cắm trên chiếc mũ dạ đen.
Chân anh dận đôi ủng bằng da đen, ở thắt lưng đeo thanh kiếm có cái chuôi lộng lẫy mà Porthos hồi xưa đến phố Fréjus đã từng ngắm nghĩa thèm thuồng nhưng Arthos không bao giờ muốn cho mượn cả.
Những tấm thêu ren làm thành cái cổ áo gập xuống của chiếc sơ mi; những dải đăng-ten cũng rũ xuống đôi ủng.
Trong tất cả con người của vị khách vừa mới được trình báo dưới một cái tên hoàn toàn xa lạ với bà de Chevreuse, toát lên một vẻ quý tộc thượng lưu khiến bà hơi nhổm dậy và ra hiệu một cách duyên dáng mời khách ngồi xuống một chiếc ghế bên cạnh bà.
Arthos thi lễ và ngồi xuống. Tên hầu sắp sửa rút lui thì Arthos ra hiệu giữ hắn lại. Anh nói bà công tước:
- Thưa bà, tôi không được bà quen biết mà dám mạo muội đến trình diện tại quý dinh thự, nhưng đã đạt kết quả vì bà đã chiếu cố tiếp tôi. Bây giờ tôi xin bà ban cho nửa giờ hội kiến.
- Thưa ông, tôi đồng ý, - bà de Chevreuse trả lời với nụ cười duyên dáng nhất.
- Nhưng chưa hết đâu, thưa bà. Ôi! Tôi thật là tham lam quá, tôi biết mà! Cuộc hội kiến mà tôi yêu cầu là một cuộc hội kiến riêng giữa hai người và trong khi ấy có một điều mong mỏi thiết tha là không bị ngắt quãng.
- Lúc này tôi không tiếp cả, - bà công tước de Chevreuse bảo với tên hầu. - Thôi, ra đi.
Tên hầu đi ra.
Một lát im lặng, trong đó hai nhân vật ngay từ lúc thoạt nhìn đã nhận ra nhau ngay là thuộc dòng dõi cao sang, nên ngắm nghía nhau mà chẳng một ai hề thấy lúng túng, bối rối.
Bà công tước de Chevreuse đầu tiên phá tan sự im lặng.
- Thế nào, thưa ông, - bà mỉm cười nói, - Ông không thấy rằng tôi nóng lòng mong đợi ư?
- Còn tôi, thưa bà, - Arthos nói, - tôi nhìn với vẻ thản phục và hâm mộ.
- Thưa ông, - bà công tước nói, - xin ông thứ lỗi tôi muốn được biết ngay tôi nói chuyện với ai. Ông là người trong triều đình đó là điều không thể chối cãi, thế mà tôi chưa hề gặp ông trong cung bao giờ. Phải chăng ông mới ở nhà ngục Bastille ra?
- Thưa bà, không phải, - Arthos cười đáp, - nhưng có lẽ tôi đang ở trên đường dẫn tới đó.
- A! Trong trường hợp ấy, ông hãy mau mau nói rõ ông là ai và đi đi, - bà công tước nói với giọng vui vẻ rất duyên dáng ở bà, - bởi vì tôi đã bị liên lụy khá nhiều như thế rồi, và chẳng còn muốn để mình bị nguy hại thêm nữa.
- Tôi là ai ư, thưa bà? Người ta đã báo tên tôi là bá tước de La Fère. Bà chẳng biết cái tên ấy bao giờ. Ngày xưa tôi mang một tên khác mà có lẽ bà đã biết đấy, nhưng chắc bà đã quên rồi.
- Ông cứ nói đi.
- Ngày xưa, - bá tước de La Fère nói, - tôi tên gọi là Arthos.
Bà de Chevreuse giương to mắt kinh ngạc. Như bá tước nói hiển nhiên là cái tên ấy chưa bị xoá hẳn trong ký ức bà dù rằng nó lẫn lộn trong bao nhiêu kỷ niệm cũ.
- Arthos à? Khoan đã… - Bà nói.
Và bà đặt hai ngón tay lên trán như muốn bắt hàng nghìn ý nghĩ thoáng qua trong đó phải dừng lại giây lát để có thể nhìn rõ ràng trong cái đám lóng lánh và tạp sắc ấy.
- Bà có muốn tôi giúp dỡ một chút không? - Arthos mỉm cười nói.
- Vâng, - bà công tước mệt mỏi vì tìm kiếm đáp, - xin ông vui lòng…
- Cái tên Arthos ấy gắn liền với ba người linh ngự lâm trẻ tuổi tên là d'Artagnan, Porthos và…
Arthos ngừng lại:
- Và Aramis, - bà công tước vội vã nói.
- Và Aramis, đúng thế, - Arthos nói tiếp, - vậy là bà không hoàn toàn quên cái tên ấy?
- Không, - bà nói - không đâu, Aramis tội nghiệp! Đó là một nhà quý tộc tuyệt diệu, tao nhã, kín đáo và làm thơ hay, tôi ngờ rằng ông ấy đã gặp bước không may.
- Tồi tệ nhất ấy; ông ta là tu viện trưởng.
- À à! Khổ chưa? - Bà de Chevreuse vừa nói vừa lơ đễnh nghịch nghịch chiếc quạt. - Thật vậy, thưa ông, tôi xin cảm ơn ông.
- Cảm ơn về cái gì, thưa bà?
- Về việc đã nhắc lại với tôi kỷ niệm ấy, nó là một trong những kỷ niệm êm ái nhất thời thanh xuân của tôi.
- Thế bà có cho phép tôi nhắc lại một kỷ niệm thứ hai không, - Arthos hỏi.
- Nó cũng gắn với người kia à?
- Có và không?
- Thật tình, xin ông cứ nói nữa đi, - bà de Chevreuse nói - với một người như ông, tôi mạo hiểm tất cả.
Arthos cúi mình. Rồi nói tiếp:
- Aramis liên hệ với một cô bán quần áo trẻ tuổi ở thành Tour.
- Một cô bán quần áo trẻ tuổi ở thành Tour? - Bà Chevreuse lặp lại.
- Vâng, một cô em họ của ông ta, tên gọi Marie Michon.
- À! Tôi biết cô ta, bà de Chevreuse kêu lên, - chính ông Aramis từ trận vây thành La Rochelle đã viết thư cho cô ấy để báo trước về một cuộc âm mưu tiến hành chống ông Buckingham tội nghiệp ấy.
- Đúng thế, - Arthos nói - bà có vui lòng cho phép tôi nói về cô ta không?
Bà de Chevreuse nhìn Arthos, rồi nói:
- Vâng, miễn là ông đừng nói nhiều điều không hay về cô ấy.
- Tôi sẽ là một kẻ bội bạc, - Arthos nói - và tôi coi sự bội bạc không phải như một khuyết điểm hoặc một tội ác mà là một điều xấu xa, như thế còn tồi tệ hơn.
- Thưa ông, ông mà bội bạc với Marie Michon ư?- Bà de Chevreuse vừa nói vừa thử đọc trong cặp mắt của Arthos. - Nhưng tôi làm sao lại có thể thế được? Chưa bao giờ ông quen riêng cô ta.
- Ồ, thưa bà, biết đâu đấy? - Arthos nói tiếp - Có một câu tục ngữ dân gian nói rằng chỉ có núi non mới không gặp nhau? Và những câu tục ngữ dân gian đôi khi đúng không thể tưởng tượng được.
- Ôi, nói tiếp đi, ông ơi, nói tiếp đi! - Bà de Chevreuse cuồng quít nói, - bởi vì ông không thể tưởng tượng rằng cuộc trò chuyện này làm tôi thích thú biết chừng nào.
- Bà cổ vũ tôi, - Arthos nói - vậy tôi xin nói tiếp. Cô em họ Aramis, cô Marie Michon ấy, rốt cuộc là cô bán quần áo trẻ tuổi ấy, mặc dầu địa vị tầm thường, cô quen biết những người cao sang nhất; cô gọi những mệnh phụ lớn nhất trong triều là bạn bè mình, và hoàng hậu dù kiêu hãnh đến mấy với tư cách vừa là người Áo vừa là người Tây Ban Nha, cũng gọi cô là em gái mình.
- Than ôi! - Bà de Chevreuse khẽ buông một tiếng thở dài và hơi nhíu đôi lông mày, động tác chỉ riêng bà có và nói. - Từ ấy đến nay đã bao sự đổi thay.
- Và Hoàng hậu rất đúng, - Arthos nói tiếp, bởi vì cô ta hết lòng tận tụy với bà đến mức làm trung gian cho bà với anh của bà ấy là vua Tây Ban Nha.
- Do việc ấy cô ta bị quy vào một trọng tội, - bà de Chevreuse nói.
- Đến nỗi, - Arthos nói, - ngài giáo chủ ngài giáo chủ thực sự kia cơ một buổi sớm nọ đã quyết định cho bắt cô Marie Michon tội nghiệp và đưa hẳn đến lâu đài Loches. May thay chuyện ấy không thể làm bí mật, đến mức nó không thoát ra ngoài được. Trường hợp ấy đã được dự phòng: nếu Marie Michon bị một mối nguy hiểm nào đó đe doạ, hoàng hậu sẽ phải gửi tới cho cô một cuốn sách kinh nhật tụng đóng và bọc bằng nhung xanh.
- Đúng thế thưa ông? Ông biết thật là tường tận.
- Một buổi sáng, cuốn sách xanh được hoàng thân Marcillac mang tới. Không còn thì giờ nữa. May thay, Marie Michon và một nữ tỳ của cô tên là Ketty mặc quần áo đàn ông hợp một cách tuyệt vời. Hoàng thân cấp cho Marie Michon một bộ quần áo kỵ sĩ và cho Ketty một bộ quần áo thằng hầu, giao cho họ hai con ngựa thật tốt, và hai kẻ chạy trốn nhanh chóng rời khỏi thành phố Tour về phía Tây Ban Nha. Họ run sợ trước mỗi tiếng động nhỏ, men theo những con đường quanh co vì không dám đi theo đường cái và khi nào không gặp hàng quán thì tìm nhà xin nghỉ trọ.
- Thực hoàn toàn đúng vậv, - bà de Chevreuse vỗ tay kêu lên - Nhưng thật là lạ lùng.
Bà ngừng bặt.
- Rằng tôi đã theo dõi hai người chạy trốn từ đầu đến cuối cuộc hành trình, phải không? - Arthos nói. - Không đâu, thưa bà, tôi sẽ chẳng lạm dụng thời giờ của bà như vậy, mà tôi chỉ đi theo họ tới một làng nhỏ vùng Limousin, ở giữa Tulle và Angoulême, một làng nhỏ tên là Roche - l'Abeille.
Bà de Chevreuse thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc và nhìn Arthos với vẻ sửng sốt khiến anh lính ngự lâm cũng mỉm cười.
- Khoan đã, thưa bà, Arthos nói tiếp, - bởi vì điều còn lại để nói với bà sẽ khác hẳn điều mà tôi đã nói.
- Thưa ông, - bà de Chevreuse nói, - tôi ngỡ ông là một thày phù thủy, tôi sẵn sàng nghe tất cả, nhưng thực ra…, thôi, không sao, xin ông cứ tiếp tục.
- Lần ấy, ngày sao mà dài lê thê và mệt mỏi thế, trời thì rét, đó là ngày mười một tháng Mười. Trong làng không có hàng quán hay lâu đài nào, nhà ở của nông dân thì tiều tụy bẩn thỉu. Marie Michon là một người rất quý phái giống như hoàng hậu chị cô, cô đã quen với hương hoa và áo quần là lượt; cô bèn quyết định xin nghỉ trọ ở nhà một mục sư.
Arthos ngừng một lát.
- Ồ! Nói tiếp đi, - nữ công tước nói, - tôi đã bảo trước ông là tôi sẵn sàng chờ đợi mọi chuyện mà.
- Hai lữ khách gõ cửa, lúc ấy đã muộn, vì mục sư đã đi nằm, bảo họ cứ vào họ vào vì cửa không đóng. Trong các làng người ta sống rất tin cậy. Một ngọn đèn thắp trong buồng mục sư. Marie Michon, đóng vai một chàng kỵ sĩ tuyệt diệu nhất trần đời, đẩy cửa, thò đầu vào và xin nghỉ trọ.
- Rất sẵn sàng, chàng kỵ sĩ trẻ ạ, - mục sư nói, - nếu như anh vui lòng với bữa tối còn lại của tôi và với nửa căn phòng này của tôi.
Hai lữ khách trao đối với nhau một lát, vị mục sư nghe họ cười phá lên, rồi ông chủ hay nói đúng hơn bà chủ đáp:
- Cám ơn mục sư tôi nhận lời.
- Vậy thì các bạn ăn đi và cô giữ thật yên lặng, - mục sư nói, - bởi vì tôi cũng đã chạy cả ngày và chẳng phiền lòng nếu được ngủ đêm nay.
Rõ ràng bà de Chevreuse đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt và từ sửng sốt đến rụng rời; nhìn Arthos gương mặt bà có một vẻ biểu hiện không thể nào tả nổi; người ta thấy như là muốn nói, song lại ím lặng, sợ bỏ sót một lời nào của người đối thoại.
- Rồi sao nữa? - Bà hỏi.
- Rồi sao ư? - Arthos nói - đúng là chỗ khó nói nhất.
- Nói đi, nói đi, cứ nói đi! Có thể nói với tôi tất cả. Vả chăng chuyện ấy không can hệ gì đến tôi, đó là chuyện của cô Marie Michon.
- À đúng thế! - Arthos nói - Vậy xin kể tiếp. Marie Michon ăn cùng với con hầu, và ăn xong, theo điều đã được cho phép, cô trở vào căn phòng nơi vị chủ nhà nghỉ, còn Ketty ngả lưng trên chiếc ghế bành ở ngăn đầu tiên, tức là nơi họ vừa ăn.
- Thưa ông, - bà de Chevreuse nói, trừ phi ông là ma quỷ hiện hình, thực tình tôi không hiểu, làm thế nào mà ông biết rõ từng chân tơ kẽ tóc như vậy.
- Cái cô Marie Michon ấy thật là một người đàn bà kiều diễm, - Arthos nói tiếp, - đó là một trong những tạo vật điên cuồng, trong đầu óc luôn luôn có những ý nghĩ lạ lùng nhất, đó là một trong những sinh vật sinh ra để làm tình làm tội tất cả chúng ta chừng nào chúng ta còn tồn tại. Nhân nghĩ rằng chủ nhà là một vị mục sư, cô gái đỏng đảnh nảy ra ý nghĩ rằng giữa muôn vàn những kỷ niệm vui tươi mà mình đã sẵn có, thì đây có khi sẽ là một kỷ niệm thú vị cho tuổi già của cô là đã làm tội một kẻ tu hành.
- Bá tước ơi, xin thề là ông làm cho tôi kinh hãi lắm!
- Than ôi! - Arthos lại tiếp, - vị mục sư tội nghiệp chẳng phải là một ông thánh Ambroise, mà cô Marie Michon, tôi xin nhắc lại, là một tạo vật đáng yêu quý.
Bà công tước nắm lấy tay Arthos mà kêu lên:
- Ông ơi, hãy nói ngay lập tức cho tôi biết làm sao mà ông biết hết ngọn ngành chuyện ấy, nếu không tôi sẽ gọi một thày tăng ở tu viện Vieux - Augustins đến để trừ tà cho ông.
Arthos bật cười nói:
- Thưa bà chằng có gì dễ hiểu hơn. Một kỵ sĩ, được trao một sứ mệnh quan trọng đến xin ngủ trọ ở nhà mục sư một tiếng đồng hồ trước khi cô ấy đến, và đúng lúc ấy, mục sư được mời đi tới chỗ một kẻ sắp chết, ông ta vội rời không những khỏi nhà mình mà rời khỏi làng đi suốt đêm. Thế là người của Chúa đầy lòng tin cậy ở vị khách trọ của mình, mà vị khách này cũng là một nhà quý tộc, nên ông đã bỏ lại cho khách cả nhà cửa, bữa ăn tối và phòng nghỉ. Như vậy là Marie Michon đã ngỏ lời xin nghỉ trọ không phải với vị mục sư mà với khách của mục sư.
- Thế người kỵ sĩ ấy, vị khách ấy, vị quý tộc ấy đã đến trước cô ta là ai?
- Chính tôi, bá tước de La Fère, - Arthos vừa nói vừa đứng dậy và cung kính chào nữ công tước de Chevreuse.
Nữ công tước qua một lát kinh hoàng, rồi bỗng bật cười nói:
- Ôi! Thực tình mà nói, thật là kỳ khôi và cái cô Marie Michon điên dại ấy đã tìm thấy hơn cả điều mình mong ước. Bá tước thân mến, hãy ngồi xuống và kể tiếp đi nào.
- Bây giờ còn lại điều tôi tự buộc tội mình. Tôi đã nói với bà rẳng, chính tôi tôi cũng đi vì một sứ mệnh cấp bách; từ mờ sáng tôi đã lặng lẽ ra khỏi phòng, để mặc cho người bạn đồng phòng của tôi ngủ tiếp. Trong gian ngoài, cô hầu cũng vẫn ngủ, đầu ngả trên ghế bành, trông thật xứng đáng với bà chủ. Khuôn mặt xinh đẹp của cô ta làm tôi chú ý, tôi tiến gần lại và nhận ra cô bé Kettty mà anh bạn Aramis của chúng tôi đã thu xếp cho theo hầu bà ta. Do đó mà tôi biết được rằng người lữ khách kiều diễm là…
- Marie Michon? - Bà de Chevreuse vội vã cướp lời.
- Marie Michon, - Arthos nhắc lại - Thế là tôi ra khỏi nhà, đến chuồng ngựa, thấy ngựa đã thắng yên cương và tên hầu của tôi đã sẵn sàng, chúng tôi ra đi.
- Thế không bao giờ ông quay trở lại cái làng đó à? Bà de Chevreuse hấp tấp hỏi.
- Thưa bà, một năm sau.
- Thế sao?
- Tôi muốn thăm lại mục sư tử tế ấy. Tôi thấy ông đang bận về một chuyện mà ông chẳng hiểu gì cả.
Trước đó tám ngày, ông nhận được một chiếc nôi nhỏ trong có đứa con trai ba tháng với một túi đầy tiền vàng và một mảnh giấy ghi mấy dòng chữ đơn giản "11 tháng Mười, năm 1633".
- Đó là ngày xảy ra cuộc phiêu lưu kỳ lạ ấy, - bà de Chevreuse nói.
- Phải, nhưng ông mục sư không hiểu gì ngoài việc đêm hôm ấy ông đã ở bên cạnh một kẻ sắp chết, bởi vì Marie Michon cũng đã rời khỏi nhà mục sư trước lúc ông trở về.
- Ông biết không, năm 1643 khi Marie Michon trở về Pháp đã cho hỏi ngay tin tức về đứa trẻ, bởi vì đang lẩn trốn cô không thể trông nom nó được; nhưng sau về Paris cô ấy muốn được nuôi nấng dạy dỗ nó ở bên mình.
- Thế vị mục sư nói gì với cô ta? - Đến lượt Arthos hỏi.
- Ông ấy cho biết là một vị lãnh chúa mà ông không quen biết đã có ý muốn nhận nuôi nó, bảo đảm tương lai cho nó và đã mang nó đi theo.
- Sự thật là như vậy.
- A! Tôi hiểu rồi? Vị lãnh chúa ấy chính là ông đây, chính là cha thằng bé?
- Sụyt! Đừng nói to thế bà ơi, nó ở ngoài kia.
- Nó ở ngoài kia à? - Bà de Chevreuse kêu lên và vội vàng đứng dậy - Nó ở kia, con trai của tôi, con trai của Marie Michon ở kia! Tôi muốn gặp nó ngay bây giờ!
- Xin bà hãy chú ý đừng để nó biết rõ cha nó và mẹ nó, - Arthos ngắt lời.
- Ông đã giữ kín điều bí mật, và ông đã dẫn nó tới đây vì nghĩ ràng nó sẽ làm cho tôi sung sướng. Ôi, xin cảm ơn, xin cảm ơn ông!
Bà de Chevreuse vừa kêu lên vừa nắm chặt lấy tay Arthos và cố đưa lên môi hôn.
- Xin cảm ơn! Ông là một tấm gương cao quý.
Arthos vừa rút bàn tay vừa nói:
- Tôi dẫn nó đến đây với bà, để đến lượt bà cũng làm cho nó một cái gì. Cho tới nay tôi đã trông nom việc giáo dục nó và tin rằng đã khiến nó trở thành một người quý tộc hoàn tất, nhưng đã đến lúc tôi thấy mình buộc phải sống trở lại cuộc đời lang thang và nguy hiểm của người đảng phái. Ngay ngày mai tôi sẽ lao vào một công việc phiêu lưu và có thể bị giết chết; thế là sẽ chỉ còn có bà để đẩy nó vào thế giới thượng lưu mà nó được gọi đến để giành một vị trí.
- Ồ! Ông yên tâm? - Bà công tước nói. - Tiếc thay lúc này tiền nong tôi không còn mấy, nhưng cái gì còn lại của tôi là của nó; còn về vận hạnh và tước vị của nó thì…
- Về điều này bà khỏi phải lo: tôi đã cho nó thừa hưởng lãnh địa Bragelonne mà tôi thừa kế, lãnh địa ấy sẽ cho nó nhận tước vị tử tước và mười nghìn livres niên thu.
- Thưa ông, - nữ công tước nôi, - tôi xin lấy linh hồn mình ra mà thề rằng ông là một nhà quý tộc chân chính! Nhưng tôi đang nóng lòng gặp chàng tử tước trẻ tuổi của chúng ta. Cậu ta đâu?
- Ở ngoài phòng khách kia, tôi sẽ bảo nó vào.
Arthos toan bước ra cửa, thì bà de Chevreuse ngăn lại.
- Nó có đẹp không? - Bà hỏi.
Arthos mỉm cười đáp:
- Nó giống mẹ nó.
Cùng lúc anh mở cửa và ra hiệu cho chàng trai trẻ vào, cậu xuất hiện ở ngưỡng cửa.
Bà de Chevreuse không thể ngăn mình thốt lên một tiếng kêu lên mừng rỡ, khi trông thấy một chàng kỵ sĩ tuấn tú đến thế, thật vượt mọi kỳ vọng mà niềm kiêu hãnh của bà có thể ấp ủ.
- Tử tước, lại gần đây, bà công tước de Chevreuse cho phép anh hôn tay bà.
- Cậu thiếu niên bước lại với một nụ cười duyên dáng, rồi ngả mũ, quỳ đầu gối xuống đất và hôn tay bà de Chevreuse.
- Thưa bá tước, - cậu quay về phía Arthos mà nói, - phải chăng vì muốn nương nhẹ tính nhút nhát của tôi mà ông nói rằng đây là nữ công tước de Chevreuse, và đúng ra là hoàng hậu phải không ạ?
- Bà de Chevreuse cầm lấy tay cậu, kéo ngồi xuống bên cạnh mình và nhìn cậu bằng cặp mắt long lanh mừng vui và nói.
- Không phải đâu, tử tước ơi. Tiếc thay tôi không phải là hoàng hậu, vì rằng nếu là hoàng hậu thì ngay lúc này đây, tôi sẽ làm cho anh tất cả những gì mà anh xứng đáng, nhưng nào, - bà khó lòng tự ghìm mình áp đôi môi lên vầng trán đến là thanh khiết của cậu và nói tiếp - Nào anh thích làm nghề gì?
Arthos đứng ngây ra nhìn hai người với vẻ sung sướng khôn tả.
Bằng một giọng vừa êm ái vừa vang vang, Raoul nói:
- Thưa bà, đối với một quý tộc, hình như chỉ có một nghề, đó là binh nghiệp. Ông bá tước đã dạy dỗ tôi với một ý định là làm tôi thành một người lính, tôi chắc thế, và ông đã để cho tôi hy vọng là sẽ giới thiệu tôi với một vị nào đó ở Paris có thê tiển cử tôi với ngài Hoàng thân.
- Phải tôi hiểu, một binh sĩ trẻ như anh mà phục vụ dưới quyền một vị tướng như ông ta thì thật là hợp quá.
- Nhưng này, khoan đã… quan hệ cá nhân giữa tôi với ông ta không được tốt lắm, do những chuyện xích mích giữa bà de Montbazon, mẹ ghẻ tôi, với bà de Longueville; nhưng qua hoàng thân de Marcillac là bạn cũ của tôi, ông sẽ giới thiệu anh bạn trẻ của chúng ta với bà de Longueville, bà sẽ viết một bức thư cho anh bà, ông hoàng thân, ông ấy yêu mến bà ta quá tha thiết nên không thể không làm ngay tức khắc cho bà tất cả những gì bà đòi hỏi.
- Thế là mọi chuyện được thu xếp rất tuyệt, - bá tước nói - Song bây giờ liệu tôi có dám dặn dò bà một điều khẩn gấp bậc nhất không? Tôi có lý do để mong muốn rằng chiều ngày mai tử tước không ở Paris nữa.
- Thưa bá tước, ông có ý muốn rằng người ta biết là ông quan tâm đến anh ta không?
- Tốt hơn hết đối với tương lai của anh ta có lẽ là đừng để ai biết rằng anh ta đã từng quen biết tôi.
- Ôi, thưa ông! - Chàng trẻ kêu lên.
- Bragelonne này, - bá tước nói, anh biết rằng tôi không bao giờ làm điều gì mà không có lý do.
- Vâng, thưa ông, - chàng trai trẻ nói, - tôi biết rằng ở ông là sự khôn ngoan cực điểm, và tôi sẽ tuân lời ông như tôi đã từng quen làm như vậy.
- Thôi, bá tước cứ để anh ấy cho tôi, - nữ công tước nói. - Tôi sẽ cho đi tìm hoàng thân de Marcillac, may ra lúc này ông ấy đang ở Paris, và tôi sẽ không rời anh ta chừng nào công việc chưa xong.
- Tốt lắm, thưa bà công tước, xin đa tạ bà. Hôm nay tôi cũng có nhiều nhiều việc phải làm và lúc trở về, tức là khoảng sáu giờ chiều, tôi sẽ đợi tử tước ở khách sạn.
- Tối nay ông làm gì?
- Chúng tôi sẽ đến tu viện trưởng Scarron vì có thư cho ông ấy và cũng sẽ gặp một người bạn ở đấy.
- Được rồi, - bà công tước nói, - tôi sẽ qua đấy một lát, vậy ông chớ từ giã phòng khách này trước khi gặp tôi.
Arthos chào bà de Chevreuse và sửa soạn ra đi.
- Ơ này, ông bá tước, - bà công tước cười nói - người ta từ giã bạn bè một cách nghiêm khắc đến thế ư?
- A!- Arthos lẩm bẩm và hôn tay bà.
- Nếu như trước đây tôi đã biết sớm rằng Marie Michon là một con người tuyệt vời đến thế!
Anh vừa rút lui vừa thở dài.
Chương 23
Tu viện trưởng Scarron
Ở phố Tournelles có một ngôi nhà mà tất cả những phu khiêng kiệu và tất cả những thằng hầu ở Paris đều biết, tuy nhiên đó chẳng phải nhà của một vị đại thần hay một nhà tài chính. Người la không ăn, không chơi và không nhảy múa ở đấy bao giờ.
Ngôi nhà đó là của ông Scarron nhỏ bé.
- Ở nhà ông tu viện trưởng sắc sảo hóm hỉnh ấy, người ta vui cười thoả thích; người ta tuôn ra bao nhiêu tin tức; những tin ấy nhanh chóng được bình luận, xé vụn ra và chế biến hoặc thành truyện, hoặc thành những bài thơ trào phúng, đến nỗi ai cũng muốn đến chơi một lát với ông Scarron nhỏ bé, nghe ông nói và rồi đi kể lại những điều ông đã nói. Có nhiều người nóng lòng đến đấy để nói lời của mình và nếu nó có kỳ cục, thì họ vẫn là những kẻ được hoan nghênh.
Ông tu viện trưởng bé nhỏ Scarron được coi là tu viện trưởng chăng qua vì ông sở hữu tu viện, chứ hoàn toàn không phải ông thuộc giới chức nhà thờ; xưa kia ông là một trong những kẻ hưởng lộc thánh đỏng đảnh nhất của thành phố Meung nơi ông ở. Nhân một hôm hội giả trang, ông định mua vui một cách cực điểm cho cái thành phố tử tế này mà ông là linh hồn. Ông bèn sai tên hầu bôi mật ong vào khắp người ông, rồi trải một cái nệm lông ra, ông lăn mình vào trong đô thành thử ông biến thành một loài chim kỳ cục nhất chưa từng thấy.
Ông bắt đầu đến viếng thăm các bạn trai và bạn gái trong bộ quần áo lạ đời ấy. Lúc đầu, người ta theo dõi với vẻ kinh ngạc, rồi với những tiếng la ó, rồi những kẻ thô lỗ chửi rủa ông, trẻ con ném đá vào ông, cuối cùng ông phải bỏ chạy để tránh những quả đạn.
Ông chạy trốn rồi mà mọi người vẫn đuổi theo: săn, dồn, ép mọi bề.
Scarron chẳng còn cách nào thoát là nhảy xuống sông. Ông bơi như một con cá, nhưng nước giá như băng. Scarron đang nhễ nhại mồ hôi, bị nhiễm lạnh đột ngột, khi sang đến bờ bên kia thì bại liệt.
Người ta thử tìm mọi cách đã biết để khôi phục hoạt động chân tay cho ông; chữa chạy khiến ông đau đớn quá đến nỗi ông tống khứ tất cả các thày thuốc và tuyên bố rằng ông thích bệnh tật hơn. Rồi ông trở về Paris nơi danh tiếng con người trí tuệ của ông đã được thiết lập ông cho làm một cái ghế đi động theo sáng kiến của mình. Một hôm ông ngồi trong chiếc ghế ấy và đến thăm hoàng hậu Anne d'Autriche, bà hoàng cảm phục trí tuệ của ông đã hỏi ông có mong muốn một tước vị gì không.
- Thưa Hoàng hậu, - Scarron đáp - có một tước vị mà tôi rất tham vọng.
- Tước vị gì? - Hoàng hậu hỏi.
- Thưa, tước vị bệnh nhân của người, - tu viện trưởng đáp.
Và Scarron đã được phong là Bệnh nhân của Hoàng hậu với một khoản trợ cấp một nghìn năm trăm livres.
Tuy nhiên, một hôm phái viên của giáo chủ đã nói cho biết rằng ông đã sai lầm vì tiếp đãi ông chủ giáo.
- Tại sao vậy? - Scarron hỏi, - đó chẳng phải là một người dòng dõi hay sao?
- Có chứ.
- Đáng mến không?
- Không chối cãi được.
- Thông tuệ không?
- Khốn thay, ông ấy quá thừa.
- Vậy thì cớ sao ông lại muốn tôi thôi không gặp gỡ một người như vậy? - Scarron hỏi.
- Bởi vì ông ta nghĩ xấu.
- Thật ư? Nghĩ xấu về ai?
- Về ông giáo chủ…
- Sao lại thế nhỉ? - Scarron nói. - Ông Gilles Despréaux nghĩ xấu về tôi tôi vẫn tiếp tục gặp gỡ ông ta, thế mà ông lại bắt tôi không được gặp ông chủ giáo chỉ vì ông ta nghĩ xấu về một người khác ư? Không thể được!
Câu chuyện ngừng ở đấy, còn Scarron vì bực tức, càng gặp gỡ ông de Gondy nhiều hơn.
Buổi sáng hôm chúng ta đến đúng vào kỳ hạn phát tiền quỹ, theo lệ thường. Scarron sai tên hầu mang phiếu đến quỹ trợ cấp để lĩnh lương quý nhưng ông được trả lời:
"Nhà nước không còn tiền cho tu viện trưởng Scarron".
Lúc tên hầu mang thư trả lời đó về nhà thì có quận công de Longueville đang ở chơi, ông đề nghị sẽ cấp cho Scarron một khoản trợ cấp to gấp đôi khoản trợ cấp mà lão Mazarin cắt đi của ông, nhưng lão bại liệt ranh ma không nhận. Thế là chỉ đến bốn giờ chiều tất cả thành phố đều biết tin về việc giáo chủ cắt lương Scarron.
Hôm ấy lại đúng vào ngày thứ năm, ngày tiếp khách của tu viện trưởng; người ta ùn ùn kéo đến nhà ông, và người ta ủng hộ phong trào La Fronda một cách điên cuồng ở khắp nơi trong thành phố.
Arthos đi đến phố Saint-Honoré gặp hai người quý tộc mà anh không quen, họ cũng đi ngựa như anh, có một tên hầu đi theo như anh và đi cùng đường với anh.
Một trong hai người đó ngả mũ ra và nói với anh:
- Thưa ông, ông có tin rằng cái lão Mazarin đê tiện ấy đã cắt tiền trợ cấp của ông Scarron đáng thương ấy không?
- Đó là một việc đại vô lý, Arthos vừa đáp vừa chào lại hai người kỵ sĩ.
Người ban nãy lại nói:
- Người ta thấy rõ ông là người trung thực và cái lão Mazarin ấy là một tai vạ thật sự.
- Chao ôi! Thưa ông, - Arthos đáp - Ông nói điều ấy với ai vậy?
Và họ chia tay nhau hết sức lễ phép.
- Chúng ta đến đó tối nay thật là vừa hay, - Arthos nói với tử tước - Chúng ta sẽ chúc mừng con người tội nghiệp ấy.
Nhưng ông Scarron là ai mà làm náo động cả kinh thành Paris lên thế - Raoul hỏi. - Một ông thượng thư bị thất sủng chăng?
- Ô, lạy Chúa, không phải đâu, tử tước ạ, - Arthos đáp, - đó chỉ là một vị quý tộc nhỏ bé rất thông tuệ, bị thất sủng với ngài giáo chủ chăng qua là vì đã làm một bài thơ gì đó chống lại ông ta.
- Các nhà quý tộc có làm thơ không? - Raoul ngây thơ hỏi - tôi e rằng như vậy là tự hạ mình.
- Phải đấy, tử tước thân mến ạ, khi làm thơ tồi, - Arthos cười đáp, - nhưng nếu làm thơ hay thì lại càng rạng rỡ. Hãy xem ông de Rotrou đấy Tuy nhiên, - Arthos nói tiếp với cái giọng khi người ta ban một lời khuyên bổ ích, - tôi cho rằng không làm thơ thì hơn.
- Thế ông Scarron có phải là thi sĩ không? - Raoul hỏi.
- Phải, tử tước được báo trước rồi đấy: đến nhà ông ấy là phải chú ý rất cẩn thận, chỉ nói năng bằng cử chỉ, hoặc tốt hơn hết là lắng nghe thôi.
- Thưa vâng, - Raoul đáp.
- Anh sẽ thấy tôi chuyện trò nhiều với một vị quý tộc trong số bạn tôi: đó là tu viện trưởng De Herblay mà anh vẫn thường nghe tôi nói đến.
- Tôi có nhớ, thưa ông.
- Thỉnh thoảng anh đến gần chúng tôi như muốn nói chuyện, nhưng chớ nói, và cũng chớ có nghe. Làm thế cốt để những kẻ quấy rầy khỏi làm phiền chúng tôi thôi.
- Được ạ, tôi sẽ tuân theo ông từng điểm một.
Arthos đi thăm hai nơi ở Paris. Rồi đến bảy giờ hai người đi về phía phố Tournelles. Đường phố tắc nghẽn những phu trạm, ngựa và bọn đầy tớ đi bộ, Arthos đi lách qua để vào và chàng trẻ tuổi theo sau.
Người đầu tiên đập vào mắt Arthos khi vào là một người ngồi trong một chiếc ghế lớn lắp bánh xe lăn có che một cái tán bằng thảm thêu, dưới tán thấy động đậy một thân hình bọc trong một tấm mền gấm với khuôn mặt nhỏ nhắn hãy còn trẻ cười cợt nhưng thỉnh thoảng tái nhợt đi, song cặp mắt lúc nào cũng biểu lộ một tinh thần linh hoạt, thông minh và duyên dáng. Đó là tu viện trưởng Scarron luôn luôn tươi cười, giễu cợt.
Chung quanh cái thứ lều lưu động ấy, chen chúc một đám các vị quý tộc và các phu nhân. Căn phòng rất tinh tươm và bày biện tao nhã. Trên những ô cửa sổ lớn buông những tấm rèm bằng lụa thêu hoa màu sắc trước kia sặc sỡ nay đã hơi phai lạt; thảm phủ tường giản dị nhưng nhã nhặn. Hai tên hầu rất lễ phép và được huấn luyện quen với những phong cách lịch sự hầu hạ rất khéo léo.
Vừa chợt thấy Arthos, Aramis chạy ra ngay nắm lấy tay anh và giới thiệu với Scarron, chủ nhân tỏ ra rất vui mừng và cung kính đối với vị khách mới và nói một câu chúc mừng rất hóm hỉnh với cậu tử tước. Raoul ngẩn người vì chưa được chuẩn bị với những chuyện ứng đối văn hoa, song anh thi lễ rất tao nhã. Sau đó Arthos được Aramis giới thiệu với hai ba lãnh chúa và được họ chúc mừng. Sự ồn ào lắng dần và cuộc chuyện trò lại tiếp tục lan rộng.
Sau khoảng bốn năm phút để trấn tĩnh và nhận diện tỉ mỉ, Raoul thấy cửa mở và một tên hầu báo có cô Paulet đến.
Arthos chạm vào vai tử tước và bảo:
- Hãy nhìn kỹ người phụ nữ này, vì đó là một nhân vật lịch sử: chính vua Henri IV đến nhà bà ta khi bị ám sát.
Raoul rùng mình: từ mấy hôm nay, lát lát một tấm màn lại vén lên cho anh thấy một quang cảnh lịch sử: người đàn bà vẫn còn trẻ và vẫn còn đẹp, đang vào kia đã từng biết Henri IV và nói chuyện với ngài.
Ai nấy tíu tít bên cạnh bà khách mới đến vì bà vẫn còn thời thượng lắm. Đó là một phụ nữ cao, vóc người thanh tú và yểu điệu có mái tóc rậm vàng óng như Raphaen vẫn hằng yêu thích và Titien thường vẽ cho các nàng Madeleine của mình. Cái màn hung hung hoang dã ấy hoặc có lẽ cái vẻ vương giả mà bà ta đã chinh phục được ở các phu nữ khác đã khiến bà giành được biệt danh Sư tử cái(1).
Những phu nhân mỹ miều ngày nay nhằm đạt tới danh hiệu phong lưu đài các ấy sẽ hiểu rằng chẳng phải nó từ nước Anh tới như có lẽ họ tưởng, mà chính từ người đồng hương xinh đẹp và trí xảo của họ, cô Paulet.
Cô Paulet đi thẳng đến chỗ Scarron, giữa những tiếng rì rầm nổi lên từ tứ phía lúc cô vào.
- Thế nào, ông tu viện trưởng thân mến? - Cô nói giọng bình thản, - Vậy, ông nghèo túng phải không? Chúng tôi vừa mới biết chuyện đó chiều nay ở nhà bà de Rambouillet, ông de Grasser nói với chúng tôi.
- Vâng, nhưng Nhà nước bây giờ lại giàu lên, - Scarron đáp: - Ta cũng phải biết hy sinh cho đất nước mình chứ!
Chợt một người phái Fronda mà Arthos nhận ra là nhà quý tộc anh đã gặp ở phố Saint Honoré nói:
- Ngài giáo chủ sắp mua thêm cho mình một nghìn năm trăm livres, phấn sáp và nước hoa một năm đấy.
- Nhưng còn Nàng Thơ nàng sẽ nói gì? - Aramis nói bằng giọng ngọt xớt của mình, - Nàng Thơ cần đến sự xuềnh xoàng mạ vàng chăng? Bởi vì cuối cùng:
Si Virgilio puer aut tolerabile desit.
Hospitium caderent omnes a crinibus hydri(2).
- Hay! - Scarron vừa giơ tay ra cho cô Paulet vừa nói, - nhưng nếu tôi không còn con giao long của tôi nữa thì ít ra tôi cũng còn con sư tư cái của tôi.
Tối hôm ấy, mọi lời nói của Scarron đều có vẻ tuyệt diệu. Đó là đặc ân của sự ngược đãi. Ông Ménage (3) có những cảm hứng bột phát.
Cô Paulet sắp đến chỗ của mình mọi khi, nhưng trước khi ngồi xuống, từ trên tầm cao của mình, cô đưa mắt lướt một cái nhìn vương hậu xuống tất cả cử toạ và dừng lại ở Raoul.
Arthos mỉm cười bảo Raoul:
- Anh được cô Paulet chú ý đấy, tử tước ạ, đến chào cô đi. Cứ tự nhiên như mình là một người dân tỉnh lẻ chất phác; nhưng chớ có đã động đến chuyện vua Henri nhé.
Tử tước đỏ mặt tiến lại phía Sư tử cái, và lẫn vào ngay với đám lãnh chúa quây quanh chiếc ghế.
- Thế là đã hình thành hai nhóm rõ rệt: một nhóm vây quanh ông Ménage, và một nhóm xúm quanh cô Paulet. Scarron chạy từ nhóm này sang nhóm kia, điều khiển chiếc ghế có bánh xe ở giữa đám đông ấy một cách khéo léo hết sức, chẳng khác một người hoa tiêu lão luyện dẫn một con thuyền giữa mặt biển lởm chởm những đá ngầm.
- Lúc nào chúng ta nói chuyện với nhau? - Arthos hỏi Aramis.
- Lát nữa, - Aramis đáp: Lúc này chưa đông khách lắm, ta dễ bị chú ý.
Vừa lúc ấy cửa mở và một tên hầu báo có ông chủ giáo đến.
Nghe vậy, tất cả mọi người đều quay ra, vì cái tên ấy đã trở thành rất nổi tiếng
Arthos cũng nhìn ra. Cho đến nay anh mới chỉ nghe tên tu viện trưởng Gôngdy mà chưa biết người.
Anh trông thấy đi vào một người nhỏ nhắn, đen đủi, xấu xí, cận thị tay chân vụng về đủ thứ trừ việc tuốt kiếm và rút súng, thoạt tiên ông ta đi đến một cái bàn mà ông suýt xô đổ, nhưng với tất cả những cái đó ông có một cái gì cao ngạo và hãnh diện trên gương mặt. Đến sát Scarron, ông mới nhận ra và nói:
- Thế nào, tu viện trưởng, ông bị thất sủng rồi hả?
Lời nói ấy như câu kinh lễ được nhắc đến trăm lượt trong buổi chiều nay rồi, và Scarron đã phải trả lời đến câu thứ một trăm về vẫn một chủ đề ấy. Cho nên ông im bặt đi, nhưng rồi một cố gắng tuyệt vọng đã cứu ông. Ông nói:
- Ngài giáo chủ Mazarin rất muốn nghĩ tới tôi.
- Kỳ diệu nhỉ? - Ménageơ kêu lên.
- Nhưng rồi ông làm thế nào để tiếp tục đón chúng tôi? Ông chủ giáo nói tiếp. - Nếu thu nhập của ông tụt xuống, buộc lòng phải cử ông làm chanoine(4) ở nhà thờ Đức bà.
- Ô! Không đâu, - Scarron nói, - tôi làm luỵ cho ông nhiều quá.
- Hay là ông có những nguồn nào khác mà chúng tôi không biết?
- Tôi sẽ vay hoàng hậu.
- Nhưng hoàng hậu chẳng có gì cho riêng mình đâu, - Aramis nói, - bà ấy chẳng sống dưới chế độ cộng đồng đó sao?
Ông chủ giáo quay lại cười với Aramis và giơ một đầu ngón tay ra hiệu thân mật. Ông nói:
- Xin lỗi tu viện trưởng thân mến của tôi, ông bị muộn, và tôi phải tặng ông một món quà.
- Quà gì vậy? - Aramis hỏi.
- Một cái dải mũ.
Ai nấy quay về phía chủ giáo, ông rút ở túi ra một dải lụa hình dáng kỳ lạ.
- A!- Scarron nói, - một cái dải Fronda.
- Đúng thế, - chủ giáo nói, - Ở La Fronda, người ta làm đủ mọi thứ. Cô Paulet này, tôi dànhl cho cô một cái quạt ở La Fronda. De Herblay, tôi sẽ cho ông người bán găng tay của tôi, bác ta làm găng ở La Fronda; còn ông, Scarron: tôi sẽ cho ông người hàng bánh của tôi với tín dụng vô thời hạn; bác ta làm bánh ngon tuyệt vời cho La Fronda.
Aramis cầm dải lụa quấn quanh mũ.
Vừa lúc ấy cửa mở và một tên hầu kêu to:
- Bà công tước de Chevreuse!
Nghe tên bà de Chevreuse, tất cả mọi người đứng dậy.
Scarron vội vã lăn chiếc ghế bành của mình ra phía cửa. Raoul đỏ mặt lên. Arthos ra hiệu cho Aramis và anh này đến nép sau một khuông cửa sổ.
Giữa những lời chúc tụng cung kính đón bà vào, nữ công tước de Chevreuse đưa mắt tìm kiếm một người hay một vật gì. Cuối cùng bà nhận ra Raoul và mắt bà rực sáng lên; bà nom thấy Arthos và trở nên mơ màng; rồi nhìn thấy Aramis ở bên cửa sổ, bà để lộ sau cái quạt một vẻ bất ngờ khó nhận biết.
- Tiện đây, - bà nói như để xua đuổi những ý nghĩ đang xâm chiềm đầu óc mình mà mình không muốn, - xin hỏi, cái ông Voiture tội nghiệp ấy ra sao rồi? Ông Scarron có biết không?
Vị lãnh chúa đã hỏi chuyện Arthos ở thành phố Honoré nói:
- Sao? Ông Voiture ốm à? Và có chuyện gì nữa?
Ông chủ giáo nói:
- Ông ta mải chơi bài không bảo tên hầu mang áo đến thay, thành thử bị cảm lạnh và sắp chết.
- Ở đâu thế?
- Ôi lạy Chúa! Ở chỗ tôi. Cứ tưởng tượng xem ông Voiture tội nghiệp đó đã có một lời nguyền long trọng là không chơi bài bạc nữa. Sau ba ngày không giữ nổi, ông ta lần đến toà tổng giám mục để tôi giải lời nguyền đó cho ông. Khốn nỗi lúc ấy tôi đang bận việc rất quan trọng với ông tham nghị Broussel tử tế ấy ở tít sâu trong phòng tôi thì Voiture chợt thấy hầu tước de Luynes đang ngồi ở bàn đợi một chân bài. Hầu tước gọi và mời Voiture ngồi vào bàn. Voiture đáp rằng không thể chơi, nếu tôi không giải lời nguyền cho ông ấy. Luynes mượn danh nghĩa tôi mà cam kết và nhận tội về mình. Voiture ngồi vào bàn chơi, thua mất bốn trăm êquy, khi ra về thì cảm lạnh, đi nằm để không còn dậy được nữa.
Aramis lấp ló sau tấm rèm cửa sổ hỏi:
- Ông Voiture thân mến ấy ốm đến thế kia à?
- Hỡi ôi! - Ông Ménage đáp, - Ông ta ốm nặng lắm, và con người vĩ đại ấy có lẽ sắp từ giã chúng ta, deserel Orbem(5)
- Hừ, ông ấy mà chết ư! - Cô Paulet nói với vẻ châm biếm. - Ông ấy chẳng muốn chết đâu? Ông ta có đầy cung phi xung quanh như ông vua Thổ Nhĩ Kỳ. Bà de Saintot chạy đến nấu cháo, bà Renaudot sưởi mền chăn cho ông; và ông ta lại chẳng có đến cả bạn gái của chúng ta, nữ hầu tước de Rambouillet gửi thuốc sắc đến hay sao.
- Nàng Parthenie thân mến của tôi, - Scarron cười nói, - cô không yêu mến ông ta?
- Ồ oan cho tôi quá, bệnh nhân thân mến của tôi ạ! Tôi chẳng ghét ông ta mấy đâu và tôi sẽ vui lòng cầu kinh cho linh hồn ông được yên nghỉ.
Bà de Chevreuse từ chỗ ngồi nói với:
- Bạn thân mến ơi, chẳng phải không dưng mà người ta tặng bà cái biệt danh Sư tử cái, và bà công kích dữ quá.
- Thưa bà, dường như bà ngược đãi quá đáng một nhà thơ lớn - Raoul đánh liều lên tiếng.
- Ông ta mà là một nhà thơ lớn à? Này, tử tước ơi người ta thấy rõ là ông từ tỉnh lẻ đến như ông nói với tôi ban nãy, và ông chưa trông thấy ông ta bao giờ. Ông ta là một nhà thơ lớn ư? Hê, ông ta chưa cao đến năm bộ.
- Hoan hô! Hoan hô! - Một người cao lớn, có bộ ria kiêu hãnh và một thanh kiếm đồ sộ nói. - Hoan hô, nàng Paulet kiều diễm? Đã đến lúc đặt lại cái ông Voiture bé nhỏ ấy vào đúng vị trí của mình.
- Tôi lớn tiếng tuyên bố rằng tôi cho là tôi giỏi về thi ca, và tôi luôn luôn thấy thơ ca của ông ta dở lắm.
- Cái vị anh hùng rơm ấy là ai thế, thưa ông? - Raoul hỏi Arthos.
- Ông Scudéry.
- Tác giả Clédi và Grand Cyrus vĩ đại ấy à?
- Mà ông ta soạn chung với cô em gái lúc này đang nói chuyện với cái cô xinh đẹp ngồi gần ông Scarron ở kia kìa.
Raoul quay đầu lại và quả nhiên nom thấy hai khuôn mặt mới vừa vào: Một thật kiều diễm, thật mảnh mai, thật ủ dột, đóng khung trong mái tóc đen lánh với cặp mắt nhung giống như những cánh hoa pensée tím ngắt phía dưới lóng lánh một đài hoa vàng óng; khuôn mặt kia là một bà có vẻ đỡ đầu cô gái, vẻ lạnh lùng, khô héo và úa vàng, một khuôn mặt thực thụ của một bà già khó tính hoặc sùng tin, Raoul tự hẹn với mình sẽ không ra khỏi phòng khách khi chưa nói chuyện với cô thiếu nữ mắt nhung; do một ý nghĩ trớ trêu cô ta vừa mới gợi nhớ đến Louise, mặc dầu cô chẳng giống chút nào cô bé Louise tội nghiệp mà anh bỏ mặc đau đớn ở lâu đài La Vallière, và ở giữa cả cái thế giới thượng lưu này anh đã lãng quên trong chốc lát.
Trong lúc ấy Aramis xích đến gần vị chủ giáo, ông ta với vẻ cười cợt khi nói vào tai anh ta mấy tiếng. Mặc dầu có sự kiềm chế, Aramis cũng không ngăn nổi một động tác nhẹ.
- Cười đi! - Ông de Retz bảo anh, - người ta nhìn chúng mình đấy.
Rồi ông rời anh để lên chuyện trò với bà de Chevreuse đang có một đám đông vây quanh.
Aramis giả bộ cười để đánh lạc hướng mấy thính giả tọc mạch, và nhác thấy Arthos lại đến đứng ở chỗ cửa sổ ban nãy anh đã đứng, sau khi ném vài lời sang trái sang phải, anh chẳng phải vờ vịt gì nữa mà đến thẳng chỗ Arthos.
Vừa giáp mặt nhau là hai người chuyện trò ngay kèm theo bao nhiêu cử chỉ.
Raoul bèn đến gần họ theo như Arthos đã dặn.
Arthos cao giọng nói:
- Đó là một bài thơ ngắn của ông Voiture mà ông tu viện trưởng đó cho tôi nghe và tôi thấy là không thể so sánh.
Raoul đứng một lát gần họ, rồi ra hoà mình trong nhóm bà de Chevreuse có cô Paulet và cô Scudéry đứng hai bên.
Này - Ông chủ giáo nói, - tôi xin phép không hoàn toàn đồng ý với ông de Scudéry; tôi thấy trái lại, ông de Voiture là một nhà thi sĩ thuần tuý. Ông ta hoàn toàn thiếu những tư tưởng chính trị.
- Vậy thế nào? - Arthos hỏi.
- Ngày mai, - Aramis vội vã đáp.
- Mấy giờ?
- Sáu giờ.
- Ở đâu?
- Ở Saint Mandé.
- Ai bảo cậu?
- Bá tước de Rochefort.
Chợt có một người nào đó đến gần.
- Còn những tư tưởng triết lý? Chính đó là những cái thiếu ở ông Voiture đáng thương kia, tôi thì tôi tán thành ý kiến của ông chủ giáo: thi sĩ thuần tuý.
- Phải đấy. - Ông Ménage nói, - về thi ca, chắc chắn ông ta kỳ tài rồi, song sau này, hậu thế khi khâm phục ông thì cũng trách ông một điều, ấy là đã đưa vào cấu tạo của thơ một sự tự do phóng túng quá đáng; ông ta giết chết thi ca mà không biết.
- Giết chết, từ ấy đúng đấy. - Scudéry nói.
- Nhưng văn chương của ông ta thật là kiệt tác! - Bà de Chevreuse nói.
- Ồ! Về phương diện ấy, - cô Scudéry nói, - đó là một người lẫy lừng thật sự.
- Đúng - Cô Paulet đối đáp, - nhưng chừng nào ông ta còn bông phèng, bởi vì trong thể văn thư tín nghiêm túc thì ông ta thật thảm hại, và nếu ông ta không nói các điều ra một cách sống sượng, thì các bạn cũng phải thừa nhận rằng ông ta nói rất dở.
- Nhưng it ra cô phải đồng ý rằng cách bông đùa của ông ta không thể bắt chước được.
Ông Scudéry vân về ria mép mà nói:
- Hẳn như thế; duy tôi thấy là cái khôi hài của ông ta miễn cưỡng và sự bông đùa của ông ta thì quá suồng sã, đọc Thư cá Chép cá Meung của ông ấy mà xem.
Chưa kể những cảm hứng tuyệt diệu nhất của ông ta thường đến từ dinh Rambouillet, - Ménage nói tiếp. - Cứ xem élide và Alcidalis.
Aramis đến gần đám đông và cung kính chào bà de Chevreuse, bà đáp lại bằng một nụ cười duyên dáng, còn tôi, tôi cáo buộc ông ta là đã tự do quá trớn đối với các đại thần. Ông ta thường không phải với bà hoàng thân với ông thống chế d'Albert, với ông de Schomberg, với cả hoàng hậu nữa.
- Sao? Với hoàng hậu à? - Scudéry vừa hỏi vừa bước chân phải lên như đứng thủ thế. - Mẹ kiếp! Tôi không biết điều đó. Mà ông ta cư xử không phải với hoàng hậu như thế nào?
- Ông không biết bài "Tôi nghĩ" của ông ta sao?
- Không, - bà de Chevreuse nói.
- Không, - cô Paulet nói.
- Quả vậy, tôi cho rằng hoàng hậu chỉ truyền cho ít người biết thôi, nhưng tôi, tôi nắm chắc trong tay.
- Và ông thuộc chứ?
- Tôi chắc là có nhớ.
- Nào? nào! - mọi người nhao nhao lên.
Aramis kể:
- Chuyện ấy xảy ra trong trường hợp như thế này. Ông de Voiture ngồi trong cỗ xe của hoàng hậu, bà cùng ông ta đi dạo chơi tay đôi trong rừng Fontainebleau. Ông ta làm ra vẻ đang ngẫm nghĩ để hoàng hậu hỏi xem ông ta nghĩ gì. Y như rằng, điều đó diễn ra.
Hoàng hậu hỏi:
- Ông de Voiture, ông đang nghĩ gì thế?
Voiture mỉm cười và giả vờ suy nghĩ năm giây để người ta tương rằng ông ứng khẩu thành thơ và đáp:
"Tôi nghĩ rằng sau bao tháng năm ròng
Nàng bị đoạ đày gian khổ bất công
Số mệnh đã thưởng cho nàng xứng đáng
Nào danh dự, nào vinh quang xán lạn;
Nhưng khi xưa trong cảnh ngộ đáng thương
Chắc nàng còn sung sướng trăm đường
Tôi không nói rằng vì nàng đã yêu đương.
Dù vần gieo đến là thích hợp".
Scudéry, Ménage và cô Paulet nhún vai.
- Khoan đã, khoan đã. - Aramis nói, - có ba đoạn cơ mà!
- Ồ! - Cô Scudéry nói, - hãy nói là ba khúc, đây bất quá là một ca khúc.
"Tôi nghĩ thương thần ái tình tội nghiệp
Hằng cấp cho nàng vũ khí của mình
Nhưng giờ đây bị đuổi khỏi cung đình
Chẳng còn cung tên, chẳng còn vẻ mỹ miều say đắm,
Ngồi cạnh nàng đây, ơinữ hậu Marie,
Nghĩ mà buồn chăng thể làm chi
Khi nàng đã phũ phàng bạc đãi
Những kẻ hy sinh vì nàng mà không hề sợ hãi".
- Ô! về cái nét sau cùng này, - bà de Chevreuse nói, - tôi không biết nó có nằm trong các quy tắc của thi ca không, nhưng tôi xin miễn thứ cho nó vì đó là sự thật, và bà de Hautefort, bà de Sennecey nếu cần sẽ đồng ý với tôi, chưa kể ông de Beaufort.
- Này, này, - Scarron nói, - điều ấy chẳng còn can hệ gì đến tôi nữa đâu; kể từ sáng hôm nay tôi chẳng còn là bệnh nhân của hoàng hậu nữa.
- Thể còn khúc cuối - Cô Scudéry bảo, - còn khúc cuối nữa. Nào!
- Có đây - Aramis nói - khúc này có ưu thế là nói rõ cả tên riêng, thành thử không còn lầm vào đâu được nữa.
"Chúng tôi đây - những nhà thi sĩ,
Mang trong đầu những ý nghĩ cuồng điên
Tâm trạng nàng đang hớn hở hồn nhiên
Hay ủ dột, suy tư trầm lắng,
Nàng sẽ làm gì nếu chốn này vắng lặng
Thấy hiện lên de Buckingham,
Và ai sẽ là người thất sủng
Ngài quận công hay ông cố Vincent(6)".
Đến đoạn cuối cùng này chỉ có một tiếng kêu thốt lên về sự xấc xược của Voiture.
Nhưng mà - cô thiếu nữ mắt nhung thì thào, - khổ một nỗi là riêng tôi, tôi thấy những câu thơ ấy tuyệt diệu.
Đó cũng là ý kiến của Raoul, anh ta sán đến gần Scarron và đỏ mặt nói
- Thưa ông Scarron, xin ông làm ơn bảo cho tôi biết người phụ nữ trẻ tuổi kia là ai mà một mình một ý kiến chống lại tất cả cuộc hội họp trứ danh này.
- A! A! - Chàng tử tước trẻ tuổi của tôi ơi, - Scarron nói. - Tôi chắc rằng anh mong muốn đề nghị với cô một tên minh tiên công và phòng ngự phải không?
Raoul lại đỏ mặt đáp:
- Xin thú thật là tôi thấy những vần thơ ấy rất hay.
- Mà hay thực đấy chứ, - Scarron nói, - nhưng sụyt! Giữa những nhà thơ với nhau, họ chẳng nói như thế đâu:
- Nhưng tôi. - Raoul nói, - tôi chẳng có vinh dự là thi sĩ, và tôi xin hỏi ông
- Đúng đấy: người phụ nữ trẻ ấy là ai chứ gì? Đó là cô Ấn Độ xinh đẹp.
- Thưa ông, xin ông thứ lỗi, - Raoul đỏ mặt nói, - Ông nói thế tôi cũng chẳng rõ gì hơn trước. Than ôi, tôi là dân tỉnh lẻ.
- Có nghĩa là anh chưa biết gì về cái thứ văn chương kiểu cách ở đây nó ròng ròng ở cửa miệng mọi người. Càng hay! Chàng tuổi trẻ ạ, càng hay! Đừng tìm hiểu làm gì, mất thì giờ thôi; và khi nào anh hiểu thì cũng nên hy vọng rằng người ta chẳng nói cái kiểu văn hoa ấy nữa.
- Vậy thì xin ông thứ lỗi, - Raoul nói, - xin ông hãy rủ lòng nói cho tôi biết người mà ông gọi là cô gái Ấn Độ xinh đẹp ấy là ai thế?
- Phải, chắc hắn đó là một trong những người đàn bà kiều diễm nhất hiện nay, cô Françoise d'Aubigné.
- Phải chăng cô ấy thuộc dòng họ ông Agrippa danh tiếng, bạn của vua Henri IV ?
- Cháu gái nội ông ta đấy. Cô ấy từ Martitique đến, chính vì thế mà tôi gọi là cô gái Ấn Độ xinh đẹp(7).
Raoul trợn tròn mắt, và nó gặp cặp mắt của vị phu nhân trẻ đang mỉm cười.
Người ta tiếp tục bàn tán về Voiture.
Cô d'Aubigné lân la đến bên ông Scarron như để tham gia vào câu chuyện của ông với chàng tử tước trẻ, cô nói:
- Thưa ông, ông không tán thưởng những người bạn của ông Voiture tội nghiệp à? Ông nghe xem họ vừa ca ngợi vừa vặt lộng ông ta! Người này tước mất của ông lương tri, người kia tước mất tính độc lập người khác… Thế thì, lạy Chúa? Họ để lại cái gì cho ông ta, cho cái bộ hoàn chính lừng lẫy ấy? Theo cách nói của cô de Scudéry.
Cả Scarron và Raoul đều cười rộ. Cô gái Ấn Độ xinh đẹp tự mình cũng ngạc nhiên về tác động do mình gây ra, cúi mặt xuống và lấy lại cái vẻ chất phác của mình.
- Đấy là một người thông tuệ, - Raoul nói.
Arthos vẫn đứng ở khung cửa sổ nhìn bao quát toàn cảnh nụ cười khinh khi đọng trên môi.
Bà de Chevreuse bảo ông chủ giáo:
- Ông gọi hộ bá tước dờ La Fère; tôi cần nói chuyện với ông ấy.
- Nhưng tôi, - chủ giáo đáp - tôi lại cần người ta tin rằng không nói chuyện với ông ta. Tôi rất mến và khâm phục ông ấy, vì tôi có biết về những cuộc phiêu lưu cũ của ông, ít ra là vài chuyện nhưng tôi chỉ tính đến chào ông ta vào sáng ngày kia.
- Tại sao lại sáng ngày kia? - Bà de Chevreuse hỏi.
- Chiều mai bà sẽ biết, - Ông chủ giáo cười nói.
- Ông Gondy thân mến ơi, - bà công tước nói. - kể ra ông nói cứ như là tử vi ấy.
Rồi bà quay về phía Aramis và gọi:
- Ông De Herblay, ông có vui lòng tối nay làm hộ vệ cho tôi một lần nữa không?
- Có gì vậy, bà công tước? -Aramis đáp. - Xin sẵn sàng tối nay, ngày mai và mãi mãi; xin bà cứ ra lệnh.
- Thế thì ông hãy tìm hộ tôi bá tước de La Fère, tôi muốn nói với ông ấy.
Aramis đến chỗ Arthos, rồi cùng trở lại với anh.
Bà công tước đưa một bức thư cho Arthos và nói.
- Thưa bá tước, đây là cái mà tôi đã hứa với ông. Người được chúng ta che chở sẽ được tiếp đãi chu đáo.
- Thưa bà, - Arthos nói, - anh ta sẽ sung sướng được chịu ơn bà.
- Về phương diện ấy ông chẳng có gì phải ganh tị với anh đâu vì rằng chính tôi, tôi nhờ ơn ông mà được biết ông ta, - người đàn bà ranh mãnh đáp và nở một nụ cười gợi nhớ đến Marie Michon cho cả Aramis và Arthos.
Nói xong bà đứng dậy và gọi xe của mình. Cô Paulet đã về rồi và cô Scudéry cũng ra về.
Arthos bảo Raoul:
- Tử tước, anh hãy đi theo bà công tước de Chevreuse, hãy nói với bà cho anh vinh hạnh đỡ bà lên xe, rồi cảm ơn bà.
Cô gái Ấn Độ xinh đẹp đến chỗ Scarron để xin cáo lui.
- Cô đã về cơ à? - Ông nói.
- Tôi là một trong những người cuối cùng ra về, ông thấy đấy.
- Nếu ông có những tin tức về ông de Voiture, nhất là những tin tốt lành, xin ông làm ơn gửi cho tôi vào ngày mai.
- Ồ, ông ta có thể chết bây giờ, - Scarron đáp.
- Thế là thế nào? - Cô thiếu nữ mở mắt hỏi.
- Bài tán dương ông ta đã làm xong rồi.
Và họ vui cười chia tay nhau; cô thiếu nữ ngoái đầu lại để nhìn người bại liệt đáng thương với vẻ thích thú, còn người bại liệt dõi theo cô bằng con mắt tình tứ.
Các nhóm khách thưa thởt dần. Scarron không làm ra bộ nhìn thấy một số tân khách đã chuyện trò bí mật với nhau, thư từ đã đến với nhiều người, và buổi tối hội họp dường như có một mục đích bí mật nó đi trệch khỏi chuyện văn chương mà họ đã bàn cãi om sòm.
Những điều đó có can hệ gì đến Scarron? Bây giờ người ta cứ việc hoạt động thoải mái cho phong trào La Fronda ở ngay nhà ông; vì từ sáng hôm nay như ông đã nói, ông không còn là bệnh nhân của hoàng hậu nữa rồi.
Còn về Raoul, quả nhiên anh đã đưa bà công tước ra tận xe của bà, bà ngồi và đưa bàn tay cho anh hôn; rồi do một trong những cơn ngẫu hứng cuồng điên đã khiến bà thật đáng yêu quý và nhất là thật nguy hiểm, bà đột nhiên ôm lấy đầu anh và hôn lên trán mà nói:
- Tử tước ơi mong rằng những điều chúc mừng của tôi và cái hôn này sẽ mang lại hạnh phúc cho anh.
Rồi bà đẩy anh ra xa và bảo người xà ích đánh xe đến dinh Luynes. Cỗ xe đã lăn bánh, bà de Chevreuse còn giơ tay ra hiệu với anh một lần cuối qua cửa xe, Raoul quay trở vào cứ ngẩn người ra.
Arthos hiểu rõ những gì đã diễn ra và mỉm cười.
- Tử tước, lại đây, - anh nói, - đã đến lúc anh rút lui rồi đấy; ngày mai anh đi đến quân đội của Ngài hoàng thân, chúc anh ngủ ngon đêm cuối cùng của người thành thị.
- Tôi sẽ là người lính ư? - Chàng thanh niên hỏi. - Ôi! Thưa ông xin hết lòng cảm ơn ông!
- Xin từ biệt bá tước, tôi trở về tu viện của tôi, - tu viện trưởng De Herblay nói.
- Xin từ biệt tu viện trưởng, - Ông chủ giáo nói - ngày mai tôi giảng kinh và tối nay có đến vài chục bài phải tham khảo.
- Xin từ biệt quý vị, - bá tước nói, - còn tôi, tôi sẽ ngủ hai mươi bốn giờ liền, vì mệt mỏi lắm.
Ba người chào nhau sau khi trao đổi với nhau một cái nhìn cuối cùng. Scarron liếc mắt theo dõi họ qua các ô cửa phòng khách.
Chẳng có ai trong bọn họ sẽ làm như họ nói đâu. Scarron lẩm bẩm với nụ cười ranh ma của mình. Nhưng họ cứ việc làm, những con người quý tộc trung hậu! Biết đâu họ chẳng làm thế nào để trả lại trợ cấp cho ta?…, Họ thì họ có thể vung cánh tay lên, thế là quá nhiều; còn ta, than ôi! Ta chỉ có cái lưỡi, nhưng ta sẽ cố gắng chứng minh rằng đó là một cái gì đáng kể.
- Ơ này? Champenois, mười một giờ điểm rồi đấy. Đến đẩy ta về giường nào. Quả tình cái cô tiểu thư d'Aubigné ấy thật là kiều diễm
Nói rồi, kẻ bại liệt tội nghiệp ấy biến vào trong buồng ngủ, cánh cửa khép lại sau lưng ông ta, và những ngọn đèn sáng lần lượt tắt dần trong căn phòng khách ở phố Tournelles.
Chú thích:
(1) chỉ một người đàn bà phong lưu đài các.
(2) Nếu thằng bé không dành cho Viếcgin một nơi ở tử tế, thì mọi người sẽ rơi từ cái bờm của con giao ong (tiếng La-tinh)
(3) Một học giả Pháp (thế kỷ XVII), soạn những sách về ngôn ngữ và làm thơ.
(4) Thày tu giúp việc trợ giáo.
(5) Từ giã thế gian. (Tiếng la-tinh).
(6) cha Vincent là linh mục nghe xưng tội của hoàng hậu
(7) Hồi thế kỷ XVI, Christope Colone khám phá ra châu Mỹ tưởng là đã đi tới Ấn Độ, nên người ta quen gọi dân bản xứ là người Ấn Độ. Martinique là một hòn đào ở Trung Mỹ.
Nguồn: http://vnthuquan.net/