25/3/13

Hai mươi năm sau (C20-21)

Chương 20

Grimaud vào cuộc


Với vẻ ngoài thuận lợi của mình, Grimaud đến trình diện ở cây tháp lâu đài Vincennes. De Chavigny tự phụ có con mắt không bao giờ lầm lẫn; điều ấy có thể khiến người ta tin rằng ông ta đích thực là con đẻ của giáo chủ de Richelieu mà lòng tự phụ cũng là muôn thuở. Ông ta chăm chú ngắm kẻ đến xin việc và suy đoán rằng lông mày sít vào nhau, môi mông dính, mũi khoằm và lưỡng quyền cao gồ của Grimaud là những đặc trưng hoàn hảo. Ông ta chỉ hỏi mười hai câu. Grimaud đáp lại có bốn. Ông liền bảo:
- Đây là một tay xuất sắc, tôi đã nhận xét trước như thế mà. Anh hãy đến nói với ông La Ramée chấp nhận và bảo ông ấy rằng anh vừa ý tôi về mọi điểm.
Grimaud quay gót và sang dự cuộc kiểm tra khe khắt hơn của La Ramée. Điều khiến La Ramée khó khăn hơn, chính là vì De Chavigny biết là có thể dựa vào hắn ta và hắn ta thì muốn có thể dựa vào Grimaud.
Grimaud có đúng những phẩm chất có thể làm xiêu lòng một viên sĩ quan cảnh sát đang mong muốn có một người phụ cảnh sát; cho nên sau một nghìn câu hỏi mà mỗi câu chỉ được đáp lại bằng có một phần tư câu. La Ramée mê mẩn về cái tính hà tiện lời ấy, bèn xoa xoa hai bàn tay và tuyển dụng Grimaud luôn.
- Mệnh lệnh? - Grimaud hỏi.
- Đây. Không bao giờ để tù nhân một mình, tước của hắn mọi đồ dùng nhọn sắc, không cho hắn làm hiệu với những người ở ngoài hoặc chuyện trò quá lâu với bọn lính canh.
- Hết à? - Grimaud hỏi.
- Hết với lúc này thôi. - La Ramée đáp. - Nếu có những hoàn cảnh mới thì sẽ có những mệnh lệnh mới.
- Được - Grimaud đáp.
Và hắn đi vào phòng quận công de Beaufort.
Ông quận công đang chải râu, ông để cả râu tóc mọc dài cốt để chơi khăm Mazarin bằng cách phơi bày sự khổ cực và phô ra vẻ mặt ốm o của mình.
Nhưng vừa mới mấy hôm trước đây, đứng trên tháp cao ông ngỡ như nhận ra ở trong một cỗ xe bóng bà De Montbazon kiều diễm mà kỷ niệm bao giờ cũng thân thương với ông, thì ông lại không muốn mình xuất hiện với bà cũng giống như Mazarin; cho nên trong niềm hy vọng gặp lại bà, ông đã hỏi mượn một cái lược bằng chì và được đồng ý.
Ông de Beaufort hỏi mượn lược bằng chì, vì giống như mọi người có tóc hoe vàng, ông có bộ râu hung đó; chải lược bằng chì râu sẽ đen lại.
Grimaud bước vào vừa nhìn thấy cái lược ông hoàng vừa đặt trên bàn, hắn cầm lấy chiếc lược và vái chào.
Quận công kinh ngạc nhìn nhân vật kỳ dị ấy.
Nhân vật đó bỏ lược vào túi.
- Ơ này? Thế là thế nào? - Quận công kêu lên - Cái thằng bố láo này là ai vậy?
Grimaud, chẳng nói chẳng rằng, nhưng lại cúi chào lần thứ hai.
- Mày câm à? - Quận công hỏi.
Grimaud ra hiệu là không.
- Thế mày là gì nào. Trả lời đi, tao ra lệnh cho mày đấy.
- Lính canh, - Grimaud đáp.
- Lính canh? - Quận công nói. - Được, bộ sưu tập của ta chỉ thiếu có bộ mặt đáng treo cổ này. Ơ! La Ramée, có một kẻ nào đây này!
La Ramée nghe gọi chạy đến. Không may cho hoàng thân - La Ramée tin cậy ở Grimaud, sắp đi Paris, ông ta đã ra đến sân, lại quay trở lên bực dọc và hỏi:
- Gì thế, hoàng thân?
- Tên kẻ cắp này là thế nào, nó lấy cái lược của tôi và bỏ vào trong túi - Ông de Beaufort hỏi.
- Đó là một tên lính gác của Đức ông. Một anh chàng đầy uy tín mà tôi chắc rằng ngài cũng sẽ coi trọng như ông De Chavigny và tôi.
- Tại sao nó lại lấy cái lược của tôi?
- Quả vậy, - La Ramée nói, - tại sao anh lại lấy cái lược của Đức ông?
Grimaud rút lược ở túi ra, đưa mấy ngón tay lên và vừa nhìn vừa trỏ cái răng lược to, hắn chỉ thốt ra có mỗi một tiếng:
- Nhọn.
- Đúng thế, - La Ramée nói.
- Cái tên súc sinh ấy bảo gì? - Quận công hỏi.
- Nó bảo rằng mọi đồ dùng nhọn đều cấm Đức ông dùng.
- Thế đấy? La Ramée này. Ông điên đấy à? Chính ông đưa cho tôi cái lược ấy cơ mà.
- Thưa Đức ông, tôi đã sai lầm, đưa cái lược cho ngài, tôi đã vi phạm chính mệnh lệnh của tôi.
Hoàng thân giận dữ nhìn Grimaud, hắn đã đưa chiếc lược cho La Ramée.
- Ta thấy trước rằng cái thằng vô lại này sẽ làm bực mình ghê gớm, - hoàng thân lẩm bẩm nói.
Thực vậy, trong ngục tù không có tình cảm trung gian. Vì vậy tất cả mọi thứ, người và vật, đều hoặc là bạn anh, hoặc là kẻ thù của anh, người ta yêu và ghét đôi khi do lý trí, nhưng thường thường do bản năng.
Do cái duyên do hết sức đơn giản là vừa thoạt nhìn, Grimaud đã vừa lòng De Chavigny và La Ramée, những đức tính của hắn trước mắt viên giám ngục và viên quan cảnh sát là ưu điểm thì trước mắt người tù là khuyết điểm, cho nên trước tiên hắn ắt không vừa lòng ông de Beaufort.
Tuy nhiên Grimaud không muốn thẳng thừng công kích người tù; hắn cần không phải một sự hiềm ghét tạm thời mà một sự hằn thù thật dai dẳng.
Cho nên hắn rút lui để nhường chỗ cho bốn tên vệ sĩ vừa mới ăn sáng xong tiếp tục công việc ở bên hoàng thân.
Về phía hoàng thân còn phải làm một trò bông đùa mới mà ông ta rất trông cậy vào nó: ông đã bảo mang đến những con tôm cho bữa ăn sáng hôm sau và mong dùng thì giờ ban ngày làm một cái giá treo cổ nhỏ xíu để treo cái con đẹp nhất ngay giữa phòng. Cái màu đỏ của tôm chín sẽ khiến người ta không còn phải nghi ngờ gì sự ám chỉ, và như vậy ông sẽ thích chí được treo cổ hồng y giáo chủ bằng tượng trưng trong khi chờ đợi lão ta bị treo cổ thật sự, mà chẳng ai có thể trách ông đã không treo vật khác ngoài con tôm.
Ngày hôm ấy dùng để chuẩn bị cho việc hành hình. Trong từ người ta trở thành trẻ con và ông de Beaufort có tính cách dễ thành trẻ con hơn bất kỳ ai. Ông đi dạo như thường lệ, ông bẻ vài ba cành cây để dùng vào trò chơi và sau khi tìm kiếm ông nhặt được một mảnh thủy tinh vỡ, việc đó có vẻ làm ông thích thú nhất. Về nhà ông tháo sợi vải ở khăn tay.
Không một chỉ tiết nào thoàt khỏi con mắt dò xét của Grimaud.
Buổi sáng hôm sau, cái giá treo cổ đã xong và để trông rõ nó, ở giữa gian phòng, ông de Beaufort dùng mảnh thủy tinh vỡ để vót nhọn một đầu cọc.
La Ramée xem ông làm với vẻ tò mò của một người cha đang nghĩ rằng có lẽ mình sắp phát hiện ra một đồ chơi mới cho lũ con, còn bốn tên vệ sĩ thì nhìn với cái vẻ vô công rồi nghề thời ấy cũng như bây giờ làm nên đặc điểm chủ yếu của bộ mặt người lính.
Lúc Grimaud vào, hoàng thân vừa mới đặt mảnh thủy tinh xuống mặc dù ông chưa vót xong cái chân cột; nhưng ông dừng lại để buộc sợi chỉ vào đầu cột.
Ông liếc nhìn Grimaud, mắt vẫn còn vương một chút bực bội từ chiều hôm trước, nhưng rất hi hả về kết quả tất yếu của sáng kiến mới của mình ông không còn chú ý đến chuyện khác.
Song, khi ông buộc xong một nút ở đầu dây này và một thòng lọng ở đầu dây kia, ông nhìn sang một đĩa tôm và đưa mắt chọn một con tôm bệ vệ nhất, và ông quay lại để tìm mảnh thủy tinh, thi mảnh thủy tinh đã biến mất.
- Ai lấy mảnh thủy tinh của tôi? - Ông hoàng cau mày hỏi.
Grimaud ra hiệu là hắn lấy.
- Sao? Lại là mày à? Sao mày lấy của tao?
- Ờ - La Ramée hỏi. - Sao ông lại lấy mảnh thủy tinh của Điện hạ?
- Sắc bén- Đúng thế, thưa Đức ông!
La Ramée nói:
- Chà! thật ghê chưa. Chúng ta kiếm được một thằng cha quý hoá.
- Này ông Grimaud, - hoàng thân nói, - vì lợi ích của ông, tôi van ông đó, hãy cẩn thận chớ có bao giờ đứng ở trong tầm tay của tôi.
Grimaud cúi chào và đứng xa ra đầu phòng.
- Thôi, thôi, Đức ông, - La Ramée nói, - đưa tôi cái giá nhỏ của ông, tôi sẽ vót nhọn bằng con dao của tôi.
- Ông ấy à? - Quận công cười nói.
- Vâng, tôi; thế chẳng phải ngài cần việc ấy sao?
- Đúng vậy.
- Này, làm đi, - quận công nói tiếp, - thế thì càng ngộ. Cầm lấy, ông La Ramée thân mến.
La Ramée không hiểu tý gì về lời cảm thán của hoàng thân, ra sức vót lấy vót để cái chân cọc.
- Được rồi, - quận công nói, - bây giờ ông đào một lỗ nhỏ ở dưới đất kìa trong khi tôi đi kiếm kẻ chịu nạn.
La Ramée quỳ một chân xuống đào đất.
Trong lúc ấy, hoàng thân treo một con tôm vào sợi len. Rồi ông cắm cái giá ở giữa gian phòng và phá lên cười.
La Ramée cũng cười như nắc nẻ, chẳng hiểu mình cười vì cái gì.
Và bọn vệ sĩ cũng đồng thanh cười theo.
Riêng Grimaud không cười.
Hắn đến gần La Ramée và chỉ cho xem con tôm đang quay đi quay lại ở đầu dây, rồi nói:
- Giáo chủ!
- Bị treo cổ bởi Điện hạ quận công de Beaufort và bởi thày Jacques Chrysostome La Ramée, phó quan cảnh sát của nhà vua. - Hoàng thân vừa nói vừa cười dữ dội hơn lúc nào hết.
La Ramée kêu lên một tiếng kinh hoàng và nhảy bổ vào cái giá treo cổ mà hắn ta nhổ lên, bẻ vụn ra từng mảnh và vứt qua cửa sổ, hắn toan làm thế với cả con tôm do hắn đang nổi khùng, thì Grimaud liền đỡ lấy luôn.
- Ăn ngon đấy - hắn nói và bỏ con tôm vào túi.
Lần này ông quận công thích thú vô cùng với trò chơi đó, nên ông cũng hầu như tha thứ cho Grimaud về cái vai hắn đóng. Nhưng trong ngày hôm ấy ông suy nghĩ về cái ý đồ của tên lính canh và kỳ thực ý đồ ấy có vẻ xấu xa, cho nên ông cảm thấy mối hằn thù của ông đối với hắn tăng lên rõ rệt.
Nhưng trước sự thất vọng lơn lao của La Ramée, câu chuyện con tôm vẫn có tiếng vang rộng rãí trong tháp đài và cả ra bên ngoài. De Chavigny trong thâm tâm ghét cay ghét đắng tể tướng, rắp lòng kể lại giai thoại ấy cho vài ba người bạn có thiện ý, họ đem loan truyền ngay tức khắc.
Ông de Beaufort được hai ba ngày khoan khoái.
Tuy nhiên, ông quận công chú ý thấy trong đoàn vệ sĩ có một người có vẻ mặt tử tế, và Grimaud càng làm ông bực bội bao nhiêu thì ông càng mơn trớn người kia bấy nhiêu. Nhân một buổi sáng ông đã gặp riêng được người ấy và đi tới chỗ nói chuyện nêng với hắn một lát, thì Grimaud bước vào, nhìn xem tình hình đã diễn ra, rồi cung kính đến gần tên vệ sĩ và hoàng thân, hắn nắm lấy cánh tay tên vệ sĩ.
- Ông muốn gì ở tôi? - Quận công hỏi một cách tàn nhẫn.
Grimaud dẫn tên vệ sĩ đi ra mấy bước và trở ra cửa mà bảo:
- Đi ra.
Tên vệ sĩ tuân theo.
- Ôi! - Hoàng thân la lên - Ông thật là không chịu nồi, tôi sẽ trừng trị ông.
Grimaud chào cung kính.
- Này ông gián điệp; tôi sẽ dần gãy xương ông! - Hoàng thân giận dữ hét lên, Grimaud vừa chào vừa bước lùi.
- Ông gián điệp, - quận công nói tiếp - tôi sẽ tự tay bóp chết ông…
Grimaud vẫn vừa chào vừa lùi.
Ông quận công nghĩ thôi thì chấm dứt mọi chuyện ngay cho xong, nói tiếp:
- Và như vậy không chậm quá một phút đâu.
Rồi ông giơ hai bàn tay co quắp về phía Grimaud, hắn ta đành đẩy tên vệ sĩ ra ngoài và đóng cửa lại sau mình.
Cùng lúc hắn cảm thấy hai bàn tay của hoàng thân hạ xuống hai vai hắn giống như hai gọng kìm bằng sắt; đáng lẽ kêu cứu hoặc tự vệ hắn chỉ từ từ đưa hai ngón tay chỉ trỏ lên ngang môi và vừa tô điểm gương mặt mình bằng một nụ cười duyên dáng nhất của mình, hắn vừa khe khẽ nói một tiếng:
- Sụyt!
Ở Grimaud thì đó là một điều hiếm hoi hơn cả một cử chỉ, một nụ cười và một lời nói khiến Điện hạ dừng phắt ngay lại, kinh ngạc đến tột bực.
Lợi dụng lúc đó, Grimaud rút từ lớp áo lót một bức thư xinh xinh có giấy niêm phong quyền quý, mặc dầu để lâu trong áo Grimaud vẫn còn thoang thoảng mùi hương, và đưa cho ông quận công mà không nói một lời.
Quận công mỗi lúc một ngạc nhiên hơn, buông Grimaud ra, cầm lấy bức thư và nhận ra nét chữ, ông kêu kêu:
- Của bà de Montbazon à?
Grimaud gật đâu.
Quận công vội xé phong bì, đưa tay lên mắt, ông bị chói ngợp biết chừng nào, và đọc những dòng sau đây:
"Ông quận công thân mến, ông có thể hoàn toàn tin cậy ở cái anh chàng trung thực sẽ đưa lại ông bức thư này, bởi vì đó là một người hầu của một vị quý tộc thuộc phe chúng ta. Ông ấy đã bảo đảm về hắn do đã được thử thách hai mươi năm trung thành. Hắn đã bằng lòng vào giúp việc viên quan cảnh sát của ông và cùng nhốt mình với ông ở Vincennes để sửa soạn và giúp vào việc vượt ngục của ông mà chúng tôi đang lo liệu.
Thời kỳ giải thoát sắp tới gần; ông hãy kiên tâm và can đảm lên khi nghĩ rằng, mặc dù thời gian và sự vắng mặt, tất cả các bạn bè của ông vẫn giữ gìn những tình cảm mà họ đã trao cho ông.
Người vô cùng và mãi mãi thân thương của ông, Marie De Montbazon"
Tái bút - Tôi ký cả tên, bởi vì e rằng mình sẽ quá tự phụ khi nghĩ rằng sau năm năm vắng mặt, ông vẫn nhận ra những chữ đầu của tên họ tôi".
Ông quận công đứng ngẩn ngơ một lát. Cái mà ông tìm kiếm từ năm năm nay mà không thể chứng minh, tức là một người đầy tớ, một người giúp việc, một người bạn, bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống vào lúc mình ít chờ đợi nhất. Ông nhìn Grimaud, vẻ ngạc nhiên và trở lại với bức thư, ông đọc lại từ đầu đến cuối.
Ôi, nàng Marie thân yêu, - ông lẩm bẩm nói khi đã đọc xong, thì ra chính nàng mà ta đã nhác thấy ở trong cỗ xe. Sao, nàng vẫn còn nghĩ đến ta sau năm năm xa cách ư? Mẹ kiếp! Đây là một sự thủy chung mà người ta chỉ thấy ở trong truyện Astrée(3). Rồi ông quay về phía Grimaud, bảo:
- Còn bác, con người trung hậu của tôi ơi, bác bằng lòng giúp chúng tôi đấy à?
Grimaud gật đầu.
- Và vì vậy mà bác đến đây ư?
Grimaud lại gật đầu.
- Và chính tôi muốn bóp cổ bác ư? - Quận công kêu than.
Grimaud hơi mỉm cười.
- Này đợi tí, - quận công bảo.
Và ông lục tìm trong túi.
- Đợi tí! Ông nói tiếp và làm lại cái thí nghiệm vô hiệu quả ban đầu - không thể nào một sự tận tụy như vậy đối với một vị cháu nội của Henri IV mà lại không được ân thưởng.
Cứ chỉ của quận công de Beaufort cáo giác cái ý định tử tế nhất trên đời. Nhưng một trong những điều phòng ngừa ở Vincennes là không để tiền cho tù nhân.
Nhìn thấy sự thất vọng của quận công, Grimaud rút từ trong túi ra một bao đầy tiền vàng đưa cho ông và bảo:
- Đây là cái mà ngài tìm.
Quận công mở bao tiền và muốn dốc hết ra tay Grimaud, nhưng bác lắc đầu.
- Xin cảm ơn Đức ông, tôi đã được trả công. - Bác vừa nói vừa lùi ra.
Quận công đi từ kinh ngạc nọ đến kinh ngạc kia.
Ông giơ hai bàn tay ra. Grimaud bước tới và cung kính hôn tay ông. Những phong cách quý phái của Arthos đã lây sang cả Grimaud.
- Thế bây giờ chúng ta sẽ làm gì? - Quận công hỏi.
- Bây giờ lả mười một giờ sáng, - Grimaud nói - Đến hai giờ xin Đức ông rủ La Ramée ra chơi cầu và ném vài ba quả vọt qua tường thành.
- Rồi sao nữa?
- Rồi… Đức ông đi đến gần tường và gọi một người đàn ông đang làm ở dưới hào nhờ họ ném cầu lại cho.
- Tôi hiểu, - quận công nói.
Gương mặt Grimaud rạng rỡ vẻ thoả mãn: thói quen ít dùng đến lời nói đã khiến cho việc chuyện trò của bác thành khó khăn.
Bác làm một động tác để rút lui.
- Ái chà! - Quận công nói - Thế bác không chịu nhận cái gì ư?
- Tôi muốn Đức ông hứa với tôi một điều.
- Điều gì? Nói đi…
- Đó là khi chúng ta chạy trốn, bất cứ lúc nào và ở chỗ nào, tôi cũng đi đầu tiên; vì nếu người ta bắt được Đức ông, điều rủi ro lớn nhất đối với ngài là bị giam lại vào tù; còn nếu như người ta bắt được tôi điều rủi ro xoàng nhất đối với tôi là bị treo cổ.
- Đúng quá đi rồi, - quận công nói - xin lấy danh dự nhà quý tộc ra mà thề, điều ấy sẽ được thực hiện như bác đòi hỏi.
- Bây giờ, - Grimaud nói, - tôi chỉ xin Đức ông có một điều là ngài hãy tiếp tục ban cho tôi niềm vinh dự là căm ghét tôi như trước.
- Tôi sẽ cố gắng. - quận công đáp.
Có tiếng gõ cửa.
Quận công nhét bức thư và bọc tiền vào túi và nằm lăn ra giường. Ai cũng biết đó là cung cách của ông trong những lúc phiền muộn nhất. Grimaud ra cửa: đó là La Ramée vừa mới ở chỗ tể tướng về, nơi đã diễn cảnh gặp gỡ mà chúng tôi đã kể.
La Ramée đưa mắt dò xét nhìn quanh mình, mà vẫn nom thấy những biểu hiện hục hặc giữa người tù và người canh tù, hắn ta cười đầy vẻ thởa mãn trong lòng.
Rồi quay về phía Grimaud, hắn nói:
- Tốt, anh bạn ạ, tốt! Anh vừa được nói đến rất đúng chỗ, và tôi hy vọng chẳng mấy chốc anh sẽ có những tin tức chẳng đến nỗi khó chịu đối với anh đâu.
Grimaud chào với cái vẻ mà bác cố làm cho lịch sự và rút lui, đó là thói quen của bác khi cấp trên vào.
- Thế nào, Đức ông! - La Ramée vừa nói vừa cười hô hố, - ngài cứ giận dỗi mãi cái thằng cha tội nghiệp ấy ư?
- À! La Ramée đấy à? - Quận công nói, - thực tình ông đến đúng lúc. Tôi đã nằm lăn ra giường và quay mặt vào tường để cưỡng lại cái ý định giữ lời hứa của tôi là bóp cổ tên phản trắc Grimaud.
La Ramée muốn dùng một câu bóng gió hóm hỉnh về cái tật câm lỳ của kẻ phụ tá cho mình, nói:
- Tuy nhiên tôi ngờ rằng hắn lại có thể nói điều gì rất khó chịu với Điện hạ.
- Chắc mười mươi như vậy! Một thằng câm phương Đông. La Ramée ạ, tôi xin thề là ông đến đúng lúc, và tôi rất nóng gặp lại ông.
- Đức ông tốt bụng quá! - La Ramée phồng mũi về lời khen, nói.
- Phải, - Quận công nói tiếp, - thực ra hôm nay tôi cảm thấy một sự vụng về mà ông nom thấy cũng hay.
- Vậy chúng ta sẽ làm một ván cầu chứ? - La Ramée bất giác nói.
- Nếu ông muốn.
- Xin tuân lệnh Đức ông.
- La Ramée thân mến ơi, - Quận công nói - nghĩa là ông là một người rất hay và có lẽ tôi muốn ở lại Vincennes mãi mãi để hưởng cái thú là sống suốt đời với ông.
- Thưa Đức ông, - La Ramée nói, - Tôi cho rằng những nguyện ước của ngài thực hiện được hay không chẳng phải do nơi ông giáo chủ đâu.
- Sao lại thế? Gần đây ông có gặp ông ta không?
- Ông ấy mới cho tìm tôi sớm hôm nay.
- Thật à? Để nói với ông về tôi ư?
- Thế ông bảo còn nói với ai nữa? Đức ông ạ, thực ra ngài là cơn ác mộng của giáo chủ.
Quận công mỉm cười chua chát.
- A! - Ông nói - La Ramée, nếu ông chấp nhận những đề nghị của tôi!
- Kìa, đức ông! Chúng ta lại bàn về chuyện đó sao! Nhưng ngài phải thấy rõ là ngài chẳng biết điều.
- La Ramée, tôi đã nói với ông và tôi xin nhắc lại rằng tôi sẽ làm cho ông giàu có.
- Bằng cái gì cơ? Chỉ mới ra khỏi tù là của cải của ngài sẽ bị tịch thu.
- Chỉ mới ra khỏi tù là tôi sẽ làm chủ Paris.
- Sụyt! Sụyt! Thế nào… Chẳng lẽ tôi lại có thể nghe nói những điều như thế ư? Thật là một câu chuyện hay ho mà người ta dám bàn với một sĩ quan của nhà vua. Thưa Đức ông, tôi thấy rõ là phải kiếm thêm một Grimaud thứ hai.
- Thôi! Không nói chuyện ấy nữa. Như vậy là có vấn đề giữa tôi với anh và giáo chủ? La Ramée ạ, một ngày nào đó lão ta cho gọi anh thì anh phải để cho tôi mặc quần áo của anh. Tôi sẽ đi thay anh, tôi sẽ bóp cổ lão, và xin lấy danh dự nhà quý tộc mà thề nếu đó là một điều kiện, tôi sẽ tự mình trở lại nhà tù.
- Này Đức ông, tôi thấy cần phải gọi Grimaud đến.
- Tôi sai rồi. Thế lão ta đã nói gì với anh cái đồ nghiệp chướng(2) ấy?
- Xin truyền lại Đức ông cái từ ấy vì nó vần với tể tướng(3). - La Ramée nói với vẻ hóm hỉnh, - Ông ấy nói gì với tôi ư? Ông ấy bảo tôi phải giám sát ngài.
- Tại sao phải giám sát tôi? - Quận công lo lắng hỏi.
- Bởi vì một nhà chiêm tinh học tiên đoán là ngài sẽ trốn thoát.
- A! Một nhà chiêm tinh học đoán vậy à? - ông quận công bất giác rùng mình.
- Ôi! Lạy Chúa! Có thể! Cái bọn pháp sư ba láp ấy chúng cứ việc tưởng tượng ra để làm khổ những người thật thà. Tôi xin lấy danh dự mà nói như vậy.
- Thế anh đã trả lời Các hạ đại danh như thế nào?
- Là nếu cái lão chiêm tinh ấy soạn ra các quyển lịch thì tôi khuyên Các hạ chớ có mua.
- Tại sao?
- Bởi vì nếu ngài có muốn trốn thoát thì ngài phải biến thành con chim sơn ca hoặc con chim sẻ đó.
- Buồn thay, anh nói rát có lý. Thôi La Ramée, ta đi chơi một ván cầu nào.
- Thưa Đức ông, xin ngài thứ lỗi cho, nhưng ngài phải cho tôi nửa giờ nữa.
- Sao vậy?
- Bởi vì Đức ông Mazarin dòng dõi dù chẳng ghê gớm gì, nhưng vẫn kiêu hãnh hơn ngài và ông ấy đã quên không mời tôi ăn sáng.
- Vậy thì, anh có muốn để tôi bảo dọn bữa ăn sáng lên đây cho anh không?
- Không! Xin trình với Đức ông rằng cái người bán bánh ngọt ở trước mặt lâu đài, mà người ta gọi là cha marteau…
- Thế thì sao?
- Này nhé, cách đây tám hôm ông ta đã bán cửa hàng của mình cho một người làm bánh ngọt ở Paris, nghe đâu ông này được các thày thuốc khuyên là nên nghỉ ở nơi đồng quê thoáng đãng.
- Ơ hay! Thế thì có liên can gì đến tôi nào?
- Khoan đã, Đức ông; thành thử ra cái lão hàng bánh quái ác ấy cứ lúc nào cũng bày ra ở quầy hàng cơ man nào là những thứ làm người ta thèm rõ dãi.
- Đồ tham ăn?
- Ôi lạy Chúa! - La Ramée nói - Đức ông ơi, thích ăn ngon không phải là tham an. Bản tính con người ta là tìm kiếm sự hoàn hảo trong những cái bánh ngọt cũng như trong các thứ khác. Cũng xin thưa với Đức ông rằng khi trông thấy tôi dừng chân trước quầy hàng của hắn, cái lão chủ hiệu bánh ngọt quỷ quyệt ấy, mồm đầy bột mon men đến và bảo tôi rằng: "Ông La Ramée ơi, tôi cần phải có khách hàng trong đám tù nhân của lâu đài. Tôi đã mua cửa hiệu này của người chủ trước, chẳng qua vì hắn ta bảo đảm với tôi rằng hắn cung cấp bánh cho lâu đài; vậy mà, ông La Ramée ơi, tôi xin lấy danh dự mà thề rằng, từ khi tôi mở cửa hiệu đến nay đã tám hôm rồi, mà ông De Chavigny chẳng hề sai mua cho tôi lấy một cái bánh nhỏ".
Tôi bảo lão rằng:
- Chắc hẳn ông De Chavigny sợ rằng bánh trái cây của bác không ngon…
- Bánh của tôi mà không ngon. Thế thì ông La Ramée ơi, tôi mong rằng ông sẽ phán xét cho, và ngay bây giờ đây này…
- Không được đâu, tôi trả lời, nhất thiết tôi phải trở về lâu đài.
- Nếu ông vội thì xin ông cứ về, nhưng mời ông nửa giờ nữa trở lại đây.
- Nửa giờ nữa à?
- Vâng. Ông đã ăn sáng chưa?
- Thực tình là chưa.
- Thế thì đây, một cái bánh nướng sẽ đợi ông cùng với một chai rượu vang Bourgogne lâu năm…
- Và thưa Đức ông vì tôi cũng chưa ăn gì? Chắc ngài hiểu cho rằng được Điện hạ cho phép.
Và La Ramée nghiêng mình.
- Thôi đi đi, của nợ ạ, - quận công nói, - nhưng hãy chú ý là tôi chỉ cho có nửa giờ thôi đấy.
- Liệu tôi có thể hứa hẹn với người kế tục cho cha Marteau về sự chiếu cố của Đức ông không ạ?
- Được miễn là ông ta đừng có cho nấm vào trong bánh, anh biết đấy, - hoàng thân nói thêm, - những cây nấm ở vùng Vincennes chết người đối với gia đình tôi đấy.
Không nhận thấy ý bóng gió, La Ramée đi ra và năm phút sau, viên sĩ quan trực gác vào mượn cớ bầu bạn với hoàng thân để làm rạng rỡ thêm cho ông, nhưng kỳ thực là để thi hành mệnh lệnh của tể tướng là không được rời mắt khỏi người tù.
Nhưng trong năm phút ngồi một mình, quận công có đủ thời giờ để đọc lại bức thư của bà de Montbazon, nó chứng tỏ cho người tù thấy rằng bạn bè ông không quên ông và lo liệu việc giải thoát cho ông. Bằng cách nào, ông chưa rõ, nhưng ông tự hứa là sẽ làm cho Grimaud nói ra, dù bác ta có câm lì. Càng biết rõ tính nết Grimaud, ông càng tin cậy bác nhiều hơn, và ông hiểu rằng bác ta bày đặt ra tất cả những trò hành hạ vặt vãnh đối với ông chẳng qua là để cho bọn lính canh khỏi nghi ngờ rằng bác có thể thông đồng với quận công.
Mưu chước ấy khiến quận công đánh giá rất cao trí tuệ của Grimaud, và ông nhất quyết tin cậy hoàn toàn ở bác.
Chú thích:
(1) Tiểu thuyết thôn đã của Ônorê d'Uyêcphê (1607-1628) về chuyện ái tình giữa Xeladông và nàng Axtre.
(2) (3) Trong nguyên bản: chữ cuistre (đê tiện) vần với chữ ministre (tể tướng)


Chương 21

Chiếc bánh nướng của người kế tục cha Marteau chứa đựng cái gì?


Chiếc bánh nướng của người kế tục cha Marteau chứa đựng cái gì?
Nửa giờ sau La Ramée trở về vui vẻ và hoạt bát như một người đã ăn ngon và nhất là uống tốt. Hắn thấy rõ là - bánh rất ngon và rượu vang thật là tuyệt diệu.
Trời đẹp và cho phép tiến hành cuộc chơi dự định. Trò chơi cầu dài, tức là chơi ở ngoài trời rộng rãi. Như vậy đối với ông quận công chẳng có gì dễ dàng hơn là làm theo điều Grimaud dặn dò, nghĩa là ném bóng ra ngoài hào rãnh.
Tuy vậy khi mà hai giờ chưa điểm thì quận công chưa đến nỗi vụng về quá, vì hai giờ là giờ quy định. Nhưng cho đến lúc ấy ông vẫn cứ bị thua mấy ván, điều đó cho phép ông phát cáu và liên tiếp đánh hỏng như người ta thường bị trong trường hợp tương tự.
Cho nên, khi hai giờ đúng vang lên, các quả bóng bắt đầu văng ra phía ngoài hào trước nỗi vui mừng lớn của La Ramée, hắn ghi mười lăm điểm mỗi lần bóng của hoàng thân trật ra ngoài.
Ném trật ra ngoài tới tấp đến nỗi chả mấy chốc thiếu bóng. La Ramée toan bảo người nào đó ra ngoài hào nhặt bóng. Nhưng quận công nhận xét rất chí lý rằng làm như vậy mất thì giờ, và tiến gần đến tường thành, chỗ ấy như viên quan cảnh sát nói cao ít nhất là năm mươi bộ, thì ông chợt nom thấy một người đàn ông đang làm lụng ở một trong số nghìn mảnh vườn nhỏ mà các người nông dân khai khẩn ở bên kia bờ hào.
- Ê! Anh bạn này! - Quận công kêu lên.
Người đàn ông ngầng lên, và quận công suýt bật ra một tiếng kêu kinh ngạc. Người đàn ông ấy, người nông dân ấy, người làm vườn ấy, chính là Rochefort mà quận công tưởng vẫn còn ở trong nhà tù Bastille.
- Có chuyện gì ở trên ấy đấy? - người đàn ông hỏi.
Bác làm ơn ném các quả bóng lên cho chúng tôi, - quận công bảo.
Người làm vườn gật đầu và ném bóng lên; La Ramée và các vệ sĩ đi nhặt. Một quả bóng rơi đúng chân quận công, và vì quả bóng ấy rõ ràng gửi ông, nên ông bỏ vào túi.
Rồi ra hiệu cám ơn với người làm vườn xong, ông quay trở lại cuộc chơi.
Nhưng rõ ràng là quận công vớ phải một ngày đen đủi, các trái bóng tiếp tục bay lung tung; đáng lẽ phải rơi vào trong giới hạn của sân chơi thì hai quả lại văng ra ngoài hào; nhưng vì người làm vườn không còn ở đấy nữa để ném trả bóng, nên mất bóng, rồi quận công tuyên bố rằng ông xấu hổ vì vụng về đến thể và ông không muốn chơi nữa.
La Ramée khoái chí vì đã đánh bại hoàn toàn một vị thân vương.
Ông hoàng trở về nhà và đi nằm; hầu như ông nằm suốt ngày từ khi người ta tước hết sách vở của ông.
La Ramée lấy quần áo của hoàng thân đi, lấy cớ là nó đầy bụi phải mang đi chải, nhưng thực ra là để yên trí rằng ông ta không đi đâu được. Một con người đến là cẩn thận như La Ramée!
May thay hoàng thân đã kịp giấu quả bóng dưới cái gối ngang.
Cửa vừa đóng là quận công dùng răng xé ngay cái vỏ quả bóng vì người ta không để cho ông một dụng cụ sắc cạnh nào, ông vẫn phải ăn bằng những con dao bạc có lưỡi gập lại được nhưng không cắt được.
Dưới lượt vỏ là một bức thư viết mấy dòng sau đây:
"Thưa Đức ông, các bạn bè của ngài vẫn quan tâm, và giờ giải thoát ngài sắp tới. Ngày kia ngài hãy đòi ăn một cái bánh do người làm bánh mới đã mua cửa hiệu của người chủ cũ, và chính là Noirmont đầu bếp của ngài, chỉ mở cái bánh khi nào có một mình ngài, tôi hy vọng ngài sẽ hài lòng cái đựng bên trong.
Kẻ môn hạ luôn luôn tận tụy với Điện hạ, dù ở ngục Bastille hay bất cứ đâu.
Bá tước de Rochefort!
Tái bút. – Điện hạ có thể tin cậy ở Grimaud về mọi mặt, đó là một người rất thông minh và hết lòng tận tụy với chúng ta".
Từ khi quận công de Beaufort từ bỏ vẽ tranh người ta đã trả lại lửa cho ông. Ông tiếc ngẩn tiếc ngơ mà đốt thư của bà De Montbazon, và sắp sửa đốt cả quả bóng, thì chợt nghĩ rằng nó có thể có ích để gửi thư trả lời Rochefort.
Ông bị canh riết lắm, vì vừa mới nghe tiếng cử động của ông, La Ramée vào. Hắn hỏi:
- Đức ông cần gì thế?
- Tôi rét, - quận công đáp, - nên tôi khơi lửa lên cho ấm. Bạn thân mến ạ, ông biết đấy, các căn phòng của Tháp đài Vincennes nổi tiếng là lạnh lẽo. Người ta có thể giữ băng ở đấy và lượm được diêm tiêu Puylaurens, thống chế Ornano và vị phó trụ trì cậu của tôi đã chết ở trong những căn phòng, mà như là bà De Rambouillet nói, về phương diện ấy, đáng giá với lượng thạch tín của nó.
Và ông quận công lại nằm kềnh ra giường và giúi quả bóng xuống dưới gối. La Ramée hơi mỉm cười.
Thực ra hắn cũng là một người tốt và rất mến người tù lừng lẫy này và có thể sẽ rất khổ tâm nếu tai họa xảy ra đến với ông. Mà những tai họa liên tiếp này xảy ra với ba nhân vật mà quận công vừa mới nêu tên là không thể chối cãi được.
- Đức ông ạ, - hắn nói, - không nên buông mình vào nhưng ý nghĩa như vậy. Chính là những ý nghĩ đó giết chết người ta, chứ không phảì diêm tiêu đâu.
- Này, bạn thân mến ơi, - quận công nói, - Ông thật là tử tế, giá mà tôi được như ông đi ăn bánh nướng và uống rượu vang Bourgogne ở hàng cái người kế tục cha Marteau ấy, thì tôi sẽ khuây khoả.
- Đức ông ơi, thực tế là bánh nướng của lão ấy là loại bánh trứ danh và rượu vang thì là thứ rượu đáng tự hào.
- Dù sao thì hầm rượu và bếp núc của lão cũng hơn đứt của ông De Chavigny.
- Vậy thì thưa Đức ông, - La Ramée sa vào bẫy nói, - Ai cấm ngài nếm thử. Vả chăng tôi cũng đã hứa rằng ngài sẽ là khách hàng.
- Anh nói phải đấy, - quận công đáp - nếu tôi phải tù chung thân ở đây như lão Mazarin đã có lòng tốt sai nói cho tôi biết, thì tôi cũng cần phải tạo cho mình một sự giải trí trong những ngày già nua, tôi cũng phải trở nên tham ăn chứ.
- Thưa Đức ông, - La Ramée nói, - hai tin đó là một lời khuyên hay, chẳng phải là vì thế mà ngài sẽ già nua đi đâu.
"Hay, - quận công de Beaufort nói riêng với mình, - bất cứ người nào, để mất trái tim và linh hồn của mình, nếu không mắc hai thì cũng đã mắc một trong bảy đại tội(1) từ sự hoa lệ của trời; dường như tội của thày đội La Ramée là tham ăn. Được chúng ta sẽ lợi dụng nó".
Rồi ông nói to:
- Này, La Ramée thân mến ơi, ngày kia là ngày lễ phải không?
- Đúng đấy, lễ Pentecôte.
- Ngày kia, anh có thể cho tôi một bài học không?
- Về cái gì cơ?
- Về phàm ăn.
- Xin vui lòng, thưa Đức ông.
- Nhưng là một bài học giữa hai người thôi, chúng ta sẽ cho bọn vệ sĩ đi ăn ở căng tin của De Chavigny, còn chúng ta sẽ làm một bữa tối ở đây mà tôi để ông điều khiển.
- Hừm? - La Ramée thốt lên.
Lời mời thật cám dỗ. Dù rằng tể tướng có nghĩ đến điều bất lợi khi gặp La Ramée, thì hắn ta cũng là một tay lão luyện biết hết những cạm bẫy mà một tù nhân giăng ra. Ông de Beaufort đã sửa soạn bốn mươi kế để vượt ngục; bữa ăn này liệu có che giấu một mưu mô nào không?
Hắn suy nghĩ một lát, nhưng kết quả của những suy nghĩ là tự hắn đặt thức ăn và rượu và như vậy chẳng ai có thể trộn bột gì vào thức ăn hoặc nước gì vào rượu.
Còn chuốc rượu cho hắn say ư, ông quận công chẳng thể có ý đồ ấy, và hắn bật cười với ý nghĩ ấy, rồi một ý nghĩ đến với hắn và hoá giải tất cả.
Quận công theo dõi bản độc thoại thầm của La Ramée bằng con mắt khá lo âu theo chừng những biểu hiện trên nét mặt hắn, nhưng cuổi cùng gương mặt viên cảnh sát rạng rỡ hẳn lên.
- Thế nào, - quận công hỏi - được chứ?
- Thưa Đức ông, được, nhưng với một điều kiện.
- Điều kiện gì.
- Grimaud sẽ hầu bàn cho chúng ta.
Không có gì tuyệt hơn đối với hoàng thân.
Tuy nhiên ông có khả năng biểu lộ một sự khó chịu ra mặt và kêu lên.
- Cút mẹ cái thằng Grimaud của ông đi. Nó sẽ làm hỏng cả buổi liên hoan.
- Tôi sẽ ra lệnh cho nó đứng đằng sau Điện hạ và không cho nó chẳng sủa lấy một lời, Điện hạ sẽ không trông thấy nó, không nghe thấy nó, và với một chút thiện ý thôi, Điện hạ sẽ tưởng tượng như nó ở cách xa ngài đến trăm dặm…
- Bạn thân mến ơi - quận công nói. - Ông có biết tôi đã nhìn thấy rất rõ ràng cái gì trong chuyện này không? Đó là ông nghi ngờ tôi.
- Thưa Đức ông, ngày kia là lễ Pentecôte rồi.
- Thì sao? Lễ Pentecôte có liên quan gì đến tôi. Dễ thường ông sợ rằng Thánh linh sẽ giáng thế dưới hình dạng một lưỡi lửa để mở các cửa nhà tù của tôi ra chăng?
- Không ạ, nhưng tôi đã kể với ngài cái điều mà lão pháp sư quái ác kia tiên đoán.
- Hắn tiên đoán gì?
- Rằng chẳng quá ngày lẽ Pentecôte, ngài sẽ ra khỏi lâu đài Vincennes.
- Thế anh tin ở bọn pháp sư à? Đồ ngốc!
- Tôi mà quan tâm đến những chuyện ấy ư? - La Ramée vừa nói vừa búng ngón tay - Nhưng chính Đức ông Giulio ông ta lo ngại, với tư cách người Ý, ông ta mê tín dị đoan.
- Quận công nhún vai. Rồi với một vẻ thực thà đóng kịch rất giỏi ông nói:
- Thôi được! Tôi đồng ý Grimaud, vì không thể cũng không xong. Nhưng tôi không muốn ai nữa ngoài Grimaud; anh sẽ đảm đương tất. Anh đặt bữa ăn thế nào tùy anh, tôi chỉ yêu cầu một món duy nhất là một cái bánh nướng như anh đã nói với tôi. Anh nhớ nói là đặt cho tôi để vị kế tục cha Marteau làm cho khéo hơn, và anh hứa hẹn với bác ta về sự chiếu cố của tôi không những suốt trong thời gian tôi ở tù, mà cả sau này khi tôi ra tù nữa.
- Ngài vẫn tin là ngài sẽ ra tù à? - La Ramée hỏi.
- Ấy chết? - Hoàng thân đáp, - có chăng là đến khi nào Mazarin chầu trời. Tôi kém lão ta mười lăm tuổi, ông vừa cười vừa nói thêm - Đúng là ở Vincennes người ta sống mau hơn.
- Đức ông! - La Ramée kêu lên, - kìa Đức ông!
- Hay là người ta chết sớm hơn, cũng vậy thôi! - Quận công nói tiếp.
- Thưa Đức ông, tôi đi bảo dọn bữa tối đây.
- Anh có cho rằng anh có thể sử dụng người học trò của anh vào việc gì không?
- Tôi hy vọng chứ, thưa Đức ông.
- Nếu anh còn có thì giờ, - quận công lẩm bẩm.
- Đức ông nói gì vậy? - La Ramée hỏi.
- Đức ông bảo là anh chớ dè sẻn túi tiền của ông giáo chủ, ông ta rất muốn đảm nhiệm tiền trợ cấp của chúng ta.
La Ramée dừng lại ở cửa và hỏi.
- Đức ông muốn tôi cắt ai đến với ngài.
- Ai cũng được, trừ Grimaud.
- Viên sĩ quan vệ sĩ nhé?
- Với bàn cờ của hắn nữa.
- Vâng.
Và La Ramée đi ra.
Năm phút sau, viên sĩ quan vệ sĩ vào và quận công de Beaufort có vẻ đang chìm đắm sâu xa trong những tính toán tuyệt vời của nước cờ.
Tư tưởng con người ta thật là kỳ lạ, và một dấu hiệu, một lời nói, một hy vọng gây nên trong đó những biến đổi như thế nào. Quận công ở tù năm năm rồi. Một cái nhìn về phía sau khiến thấy năm năm ấy tuy trôi chậm thật nhưng dường như còn không dài đằng đẵng bằng hai ngày, bằng bốn mươi tám giờ nó đang ngăn cách ông với thời điểm ấn định cho cuộc vượt ngục.
Rồi lại có một điều đặc biệt làm ông bận tâm ghê gớm đó là cuộc vượt ngục tiến hành như thế nào. Người ta đã làm cho ông hy vọng kết quả, nhưng lại giấu ông những chi tiết cụ thể chứa đựng trong cái bánh nướng bí hiểm. Những bạn bè nào chờ đợi ông? Thế ra sau năm năm tù đầy ông vẫn còn bè bạn ư? Trong trường hợp ấy ông là một hoàng thân được biệt đãi.
Điều kỳ lạ hớn nữa là ông quên rằng ngoài bạn bè ra, có được một người đàn bà vẫn nhớ đến ông; đúng là bà ta có lẽ không phải nhất nhất trung thành với ỏng rồi nhưng bà ta không quên ông, thế cũng là nhiều rồi.
Như vậy là có quá nhiều hơn mức cần thiết những điều khiến ông quận công phải bận tâm. Trong cuộc chơi cờ và trong cuộc chơi ném cầu, cũng vậy, và buổi chiều đến lượt viên sĩ quan lại đánh bại ông như La Ramée đã đánh bại ông ban sáng.
Song những cuộc thất bại liên tiếp của ông cũng có lợi, đó là nó dẫn ông hoàng tới tận tám giờ tối; thế là lợi được ba tiếng đồng hồ.
Rồi thì đêm sẽ đến và cùng với ban đêm là giấc ngủ.
Ít ra quận công nghĩ như vậy, nhưng giấc ngủ là một vị thần tính khí bất thường và đúng vào lúc người ta vời đến thì nó lại bắt người ta chờ đợi đến tận nửa đêm, trằn trọc mãi trên tấm nệm giống như thánh Laurent trên giá sắt lò lửa. Cuối cùng ông thiếp đi.
Nhưng rạng sáng là ông tỉnh giấc. Ông đã mơ những giấc mơ kỳ quặc: ông thấy mình mọc cánh, tất nhiên là ông muốn bay. Thoạt tiên, cánh đỡ ông bay vù vù nhưng đến một độ cao nào đó, chỗ tựa kỳ lạ ấy đột nhiên bị hẫng, đôi cánh ông bị gẫy và ông thấy hình như mình lăn xuống những vực thẳm không đáy, ông chợt tỉnh dậy, trán đẫm mồ hôi và mình mẩy rã rời như đã rơi từ trên trời xuống thật.
Ông ngủ tiếp, để rồi lại lang thang trong một mê cung toàn là những giấc mơ rất hung dữ; cứ vừa chợp mắt là linh hồn ông vươn theo một mục đích duy nhất: vượt ngục, lại bắt đầu tìm cách vượt ngục. Người ta tìm thấy một đường hầm dẫn ra ngoài Vincennes; ông dẫn mình vào con đường ấy, và Grimaud tay cầm đèn bước đi trước ông; nhưng dần dần đường hầm hẹp lại, tuy nhiên ông quận công vẫn tiếp tục đi; cuối cùng đường hầm chặt bó lại đến nỗi kẻ đào tẩu cổ gắng đi xa hơn cũng uổng công: hai bên thành tường co hẹp lại và ép chặt lấy ông; ông muốn gọi bác ta đến giúp ông ra khỏi cái lỗ hẻm này nó đang siết ông đến ngạt thở, nhưng không làm sao mà thốt lên được một lời. Thế là ở phía đầu đường nơi ông đi vào có tiếng bước chân của những người đuổi theo ông, nó không ngừng tiến gần lại, ông bị phát hiện rồi, của còn hy vọng trốn thoát.
Những thành tường như đồng tình với kẻ thù của ông, ông càng muốn chạy, chúng càng ép chặt lấy ông. Cuối cùng ông nghe tiếng La Ramée rồi ông trông thấy hắn. Hắn giơ bàn tay ra và đặt lên vai ông mà cười phá lên. Ông bị tóm lại và dẫn đến căn phòng thấp có vòm cong nơi thống chế Ornano, Puylaurens và cậu của ông đã bỏ mạng; ba nấm mồ lù lù ở đấy, gồ lên trên mặt đất, và một cái hố thứ tư mở toang hoác ra chỉ còn đợi một xác người.
Cho nên lúc trước quận công cố sức để ngủ bao nhiêu, thì đến khi tỉnh dậy cố sức để thức bấy nhiêu; và khi La Ramée vào hắn thấy ông nhợt tái và phờ phạc đến nỗi hắn phải hỏi xem ông có bị ốm không.
Một vệ sĩ nằm trong phòng, nhưng không ngủ được vì đau răng do ẩm thấp, nói:
- Quả thật, Đức ông qua một đêm hoảng loạn lắm và hai ba lần ngủ mê cứ kêu cứu hoài.
- Đức ông làm sao thế? - La Ramée hỏi.
- Chỉ tại cậu thôi, đồ ngốc ạ! - quận công nói. - Những chuyện vớ vẩn hão huyền về vượt ngục của cậu hôm qua ám ảnh tôi và khiến tôi nằm mơ thấy mình chạy trốn và khi chạy trốn thì bị ngã gẫy cổ.
La Ramée bật cười và nói:
- Đức ông thấy đấy, đó là một sự cảnh cáo của Trời; cho nên tôi mong rằng ngoài giấc mơ, Đức ông chớ bao giờ phạm những điều dại dột như vậy.
Quận công lau mồ hôi vẫn còn ròng ròng trên trán, mặc dù ông đã tỉnh hẳn và nói:
- La Ramée thân mến ơi, anh nói đúng đấy, tôi chỉ còn muốn nghĩ đến uống rượu và ăn thôi.
- Sụyt! - La Ramée nói.
Rồi hắn kiếm cớ cho bọn vệ sĩ lần lượt đi ra.
- Thế nào? - Quận công hỏi khi còn lại hai người với nhau.
- Này nhé bữa tiệc tối đã được đặt rồi, - La Ramée nói.
- A! Thế gồm những gì nào? Nào, ông đầu bếp của tôi? - Quận công nói.
- Đức ông đã hứa là tin cậy ở tôi cơ mà.
- Thế có một cái bánh nướng chứ?
- Dĩ nhiên rồi! Như một cái tháp ấy.
- Do người kẻ tục cha Marteau làm?
- Đặt bác ta làm mà.
- Thế anh có bảo là đặt cho tôi không?
- Có
- Bác ta trả lời sao?
- Là sẽ làm hết sức để vừa lòng Điện hạ.
- Hay lắm! - Quận công vừa nói vừa xoa xoa tay.
- Ghê thật. Đức ông ngoạm vào thói tham ăn như thế đấy! Từ năm năm nay, tôi chưa bao giờ thấy ngài mặt mày hoan hỉ như lúc này.
Quận công thấy rõ mình chưa thật làm chủ được mình. Nhưng vừa lúc ấy ông hiểu rằng nghe như có tiếng ở ngoài cửa và ông hiều rằng làm những ý La Ramée bây giờ là việc cấp bách, thì Grimaud vào và ra hiệu với La Ramée là bác có điều gì muổn nói với hắn.
La Ramée đến gần Grimaud nghe bác nói thầm thì.
Trong khi đó, quận công tĩnh tâm lại.
Ông nói:
- Tôi đã cấm người ấy hiện diện ở đây nếu không được tôi cho phép cơ mà.
- Thưa Đức ông. - La Ramée nói, - cần tha thứ cho hắn, vì chính tôi gọi hắn đến.
- Thế tại sao anh lại gọi hắn đến, bởi vì anh biết rằng hắn làm tôi phật lòng.
- Xin Đức ông nhớ lại điều đã thỏa thuận, - La Ramée nói - và hắn còn phải hầu chúng ta trong bữa tiệc trứ danh ấy chứ. Đức ông quên mất bữa tiệc ấy rồi à?
- Không đâu, nhưng tôi quên mất Grimaud.
- Đức ông biết rằng không có hắn thì không có bữa tiệc.
- Thôi được, tuỳ ông làm thế nào thì làm.
- Lại đây anh chàng, - La Ramée bảo, - và nghe tôi nói đây.
Grimaud bước lại gần với vẻ mặt nhăn nhó nhất. La Ramée nói tiếp:
- Đức ông ban cho tôi vinh dự là là mời tôi ăn bữa tối mai chỉ có tôi với ngài thôi.
Grimaud ra hiệu như muốn nói rằng bác ta chẳng thấy gì có liên quan đến bác trong việc này cả.
- Có chứ, có chứ, - La Ramée nói - trái lại việc này liên quan đến việc anh đấy; bởi vì anh sẽ có vinh dự là hầu tiếp chúng tôi, chưa kể là dù chúng tôi có chén ngon miệng và nốc đã khát đến mây thì chắc chắn vẫn còn cái gì đó ở dưới đáy đĩa và đáy chai và cái gì đó ấy là phần anh.
Grimaud cúi mình ra hiệu cảm ơn.
- Và bây giờ, thưa Đức ông - La Ramée nói, - xin Đức ông thứ lỗi, hình như ông De Chavigny sẽ vắng mặt mấy ngày, và trước khi đi, ông ta đã báo trước là sẽ có những mệnh lệnh ban cho tôi.
Quận công thử trao đổi một cái nhìn với Grimaud, nhưng mắt Grimaud cứ trơ như đá.
- Đi đi! - quận công bảo La Ramée, - và cố gắng về cho thật sớm.
- Đức ông muốn phục thù ván cầu hôm qua chăng?
Grimaud khẽ gật đầu một cái khó mà nhận thấy.
- Phải, - quận công nói, - nhưng hãy coi chừng La Ramée thân mến ạ, ngày ngày nối tiếp nhau nhưng chẳng giống nhau đâu, thành ra hôm nay tội quyết định sẽ giã cho anh một trận ra trò.
La Ramée ra. Grimaud mắt theo dõi theo, còn toàn thân không xê dịch đến một ly; rồi khi nhìn thấy cửa đóng lại, bác vội vã rút ở túi ra một cái bút chì và một mảnh giấy.
- Xin Đức ông viết đi, - bác nói.
- Nhưng viết gì cơ?
Grimaud giơ một ngón tay ra hiệu và đọc:
"Mọi thứ sẵn sàng vào tối mai. Các anh hãy cảnh giới từ bảy giờ đến chín giờ và có sẵn hai ngựa cưỡi. Chúng tôi sẽ xuống bằng lối cửa sổ thứ nhất của hành lang…"
- Rồi sao nữa? - quận công hỏi.
- Rồi thế nào ư, Đức ông? - Grimaud ngạc nhiên hỏi.
- Thế là hết à?
- Đức ông còn muốn nói gì thêm nữa. - Grimaud đáp, bác bao giờ cũng muốn sự gọn gàng nghiêm ngặt nhất.
Quận công ký.
- Bây giờ, - Grimaud nói - Đức ông có còn quả bóng không hay mất rồi?
- Bóng nào?
- Quả bóng đựng bức thư ấy.
- À còn. Tôi nghĩ là có thể nó còn có ích cho chúng ta. Bóng đây.
Quận công moi quả bóng ở dưới gối ra và đưa cho Grimaud mỉm cười một cách khoan khoái nhất.
- Để làm gì? - quận công hói.
- Thưa Đức ông, - Grimaud nói, tôi sẽ khâu mảnh giấy vào trong quả bóng, và lúc nào chơi cầu, ngài sẽ ném quả bóng xuống hổ.
- Nhỡ bị mất thì sao?
- Đức ông cứ yên tâm. Sẽ có người nhặt.
- Một người làm vườn phải không? - Quận công hỏi.
Grimaud gật đầu.
- Vẫn người hôm qua à?
Grimaud lại gật đầu.
- Bá tước de Rochefort phải không?
Grimaud gật đầu luôn ba cái.
- Nhưng, này, - quận công nói, - ít ra hãy cho tôi biết vài chi tiết về cách chúng ta trốn ra như thế nào chứ?
- Tôi bị cấm tiết lộ, - Grimaud đáp, - ngay cả trước lúc thực hiện.
- Nhưng ai sẽ đợi tôi ở bên kia bờ hào?
- Thưa Đức ông, tôi không biết gì cả.
- Nhưng ít ra thì cũng cho tôi rõ cái gì đựng ở trong cái bánh nướng trứ danh ấy chứ, nếu như bác không muốn tôi phát điên lên.
- Thưa Đức ông, trong đó có hai con dao găm một sợi dây có nút và một quả lê cay đắng(2).
- Tốt lắm, tôi hiểu rồi.
Đức ông thấy là sẽ có cái dùng cho mọi người.
- Chúng ta dùng hai con dao găm và sợi dây - quận công nói.
- Và chúng ta cho La Ramée xơi trái lê cay đắng, - Grimaud tiếp lời.
- Grimaud thân mến của tôi ơi, - quận công bảo - bác không hay nói, nhưng khi bác nói thì phải công nhận rằng bác nói ra vàng ra bạc.
Chú thích:
(1) Theo đạo Gia-tô, bảy đại tội là: ngạo mạn, ghen ghét, biển lận, dâm đãng, tham ăn, giận dữ, lười nhác.
(2) Một dụng cụ hình trái lê có lò-xo đem tọng vào trong mồm thì nó gang cả hai hàm ra khiến không thể kêu la được.


Nguồn: http://vnthuquan.net/