25/3/13

Hai mươi năm sau (C17-19)

Chương 17

Phép xã giao của Arthos


Artagnan đi nằm để được được một mình suy nghĩ đến tất, cả những điều mắt thấy tai nghe trong buổi chiều tôi nay hơn là để ngủ.
Do bản chất tốt và ngay thoạt đầu đối với Arthos đã có một cảm tình bản năng nó dẫn đến một tính bằng hữu chân thành d'Artagnan vui mừng được gặp lại một con người nổi bật về trí dũng, chứ không phải là một gã say rượu đần độn mà anh chờ đợi nom thấy say mềm nằm vật vạ trên một đống phân; anh chẩp nhận mà không quá phản kháng cái ưu thế bất biến của Arthos đối với mình, và thay cho lòng ganh ghét và thất vọng có thể làm phiền muộn một bản chất kém khoan dung, rốt cuộc anh chỉ cảm thấy một niềm vui chân thành và trung thực khiến anh mang những kỳ vọng thuận lợi nhất cho cuộc thương lượng của mình.
Tuy nhíên anh không thấy Arthos thành thực và minh bạch về mọi điểm. Cái cậu thíếu niên mà anh ta nói là con nuôi và giống anh như đúc ấy là thế nào nhỉ? Việc trở lại cuộc sống của xã hội thượng lưu và vẻ thanh đạm cường điệu mà anh nhận thấy ở bàn ăn là thế nào?
Một điều bề ngoài có vẻ vô nghĩa là sự vắng mặt của Grimaud mà xưa kia Arthos không bao giờ xa rời, và tên hắn ta cũng không hề được nhắc đến mặc dầu có những chuyện đã hé đề cập tới, tất cả những điều đó khiến d'Artagnan băn khoăn. Như vậy là anh không còn được bạn mình tin cậy, hoặc giả Arthos đã bị vướng mắc vào một sợi dây vô hình nào đó, hoặc là đã được báo trước về chuyến viếng thăm của anh.
Anh không thể không nghĩ đến Rochefort, đến điều mà ông ta nói với anh ở nhà thờ Đức bà. Phải chăng Rochefort đã đến nhà Arthos trước anh? D'Artagnan không có thì giờ để mắt vào những việc nghiên cứu lâu la. Nên anh quyết là ngày hôm sau đi đến một sự lý giải. Cái tài sản ít ỏi được Arthos ngụy trang khéo léo báo hiệu lòng ham muốn xuất hiện và tiết lộ chút tham vọng còn sót lại dễ dàng bị đánh thức dậy. Sức mạnh về tinh thần và sự rành rọt về tư tưởng của Arthos khiến anh một con người dễ xúc cảm hơn kẻ khác. Tính hoạt động vốn có của anh được nhân đôi vì nhu cầu riêng, anh sẽ càng hăng hái gấp bội bước vào những kế hoạch của quan tể tướng.
Những ý nghĩ ấy khiến d'Artagnan thao thức mặc dầu rất mệt mỏi; anh vạch ra những kế hoạch công kích và dù biết Arthos là một đối thủ đáng gờm, anh ấn định hành động vào ngày hôm sau, sau bữa ăn lót dạ.
Tuy nhiên anh cũng tự chủ về một mặt khác, trên một trường đấu khá mới mẻ phải tiến lên một cách thận trọng, nghiên cứu trong nhiều ngày những hiểu biết của Arthos, theo dõi và tìm hiểu những thói quen mới của anh ta; qua việc tập đấu kiếm hoặc đi săn với cậu thiếu niên, thử moi ở cậu những tin tức gián tiếp mà anh còn thiếu, để nối liền chàng Arthos ngày xưa với chàng Arthos ngày nay; điều ấy chắc dễ dàng vì rằng người thầy giáo nào chẳng lây lan một phần con người mình sang tâm trí học trò. Nhưng bản thân d'Artagnan vốn là một chàng trai rất tinh ma, ngay lập tức anh hiểu rằng những rủi ro gì sẽ chờ đợi anh trong trường hợp một sự không kín đáo hoặc vụng về có thể làm lộ tẩy những cuộc vận động của anh trước con mắt lão luyện của Arthos.
Rồi có cần nói đến điều này nữa không? D'Artagnan sẵn sàng dùng mưu mẹo chống lại tính giảo quyệt của Aramis hoặc thói huênh hoang của Porthos, nhưng anh hổ thẹn nếu phải lắt léo với Arthos, con người thẳng thắn và trung hậu. Anh thấy dường như trong khi công nhận anh là bậc thầy của họ về khoa học xã giao. Aramis và Porthos sẽ càng coi trọng anh hơn nữa, còn Arthos thì trái lại sẽ coi thường anh.
- A! Tại sao cái tên Grimaud câm lặng lại không có đây nhỉ? - D'Artagnan nghĩ - Trong cái im lặng của hắn có khối điều mà ta có thể hiểu. Grimaud có một sự im lặng thật là hùng hồn. Trong khi đó những tiếng ồn ào lần lượt tắt dần trong ngôi nhà, d'Artagnan đã nghe đóng các cửa giả; những tiếng chó sủa chốc chốc vang lên đáp lại nhau trong thôn xóm cũng im ắng, cuối cùng một con hoạ mi lạc lõng trong một lùm cây có lúc hót lên những cung điệu du dương giữa đêm thâu cũng ngủ nốt; trong lâu đài chỉ còn tiếng bước chân bình thản và đều đều ở phía dưới phòng anh; anh đồ chừng đó là phòng của Arthos. Anh ngẫm nghĩ:
- Anh ta đi đi lại lại và suy nghĩ, nhưng suy nghĩ đến cái gì cơ chứ? Đó là điều không thể biết được.
Người ta có thể đoán ra cái khác, chứ không thể đoán ra điều ấy.
Cuối cùng chắc hẳn Arthos đi nằm, vì cái tiếng động cuối cùng ấy cũng tắt ngấm.
Im lặng và mệt mỏi hùa với nhau đã thắng d'Artagnan, đến lượt anh nhắm mắt lại và hầu như ngay lập tức anh thiếp đi.
D'Artagnan không phải là người ngủ nhiều. Bình minh vừa mới nhuốm vàng các tấm rèm, anh đã nhảy ra khỏi giường và mở cửa sổ.
Qua tấm mành anh thấy như có người lảng vảng ở ngoài sân và tránh gây tiếng động. Theo thói quen không khi nào để lọt qua một vật nào trong tầm nhìn của mình mà không biết chắc đó là cái gì, d'Artagnan chăm chú nhìn không gây tiếng động và nhận ra chiếc áo chẽn màu đỏ và bộ tóc màu nâu của Raoul.
Chàng thiếu niên, vì đúng là cậu ta, mở chuồng ngựa dắt ra con ngựa màu hồng nhạt mà hôm qua cậu đã cưỡi, tự mình thắng yên cương với vẻ nhanh nhẹn và khéo léo như người kỵ sĩ thành thạo nhất rồi cho con ngựa đi ra theo lối bên phải của con đường nhỏ, kéo ngựa ra ngoài, đóng cửa lại sau mình, rồi qua mép bờ tường, d'Artagnan trông thấy cậu ta phóng đi như mũi tên, cúi mình dưới những cành nở hoa rủ lòng thòng của những cây phong và cây keo.
Từ hôm qua d'Artagnan đã thấy đó là con đường dẫn đi Blois.
- Hề! Hề! - Chàng Gascon nói, - lại một thằng nhóc bắt đầu biết đi tán gái, nó chẳng giống Arthos luôn thù hằn phái đẹp. Không phải nó đi săn vì chẳng mang súng ống và chó; cũng không phải được đi sai làm việc vì nó có vẻ len lén. Len lén giấu ai cơ? Ta hay bố nó?… Mà ta chắc chắn rằng bá tước là bố nó… Mẹ kiếp về chuyện này ta sẽ rõ, vì ta sẽ nói thẳng với Arthos.
Trời sáng dần, tất cả những tiếng động mà ban đêm d'Artagnan nghe lần lượt tắt ngấm bây giờ lại nối tiếp nhau bừng dậy: con chim trên cành cây, con chó trong chuồng bò, đàn cừu ngoài cánh đồng. Những con thuyền neo trên bờ sông Loire cũng sống động lên, rời bến và trôi theo dòng nước. D'Artagnan cứ đứng thế ở cửa sổ để khỏi làm ai thức giấc, rồi khi đã nghe tiếng các cửa của toà lâu đài mở ra, anh vuốt lại mái tóc, vân vê lại chòm ria, theo thói quen phủi vành mũ bằng ống tay áo chẽn và đi xuống. Vừa mới bước qua bậc thang cuối cùng anh đã nom thấy Arthos đang cúi xuống đất với cái vẻ của một người đang tìm một đồng tiền trên cát.
- A! Xin chào chủ nhân thân mến, - D'Artagnan nói.
- Chào bạn thân mến. Đêm qua ngủ ngon chứ?
- Tuyệt, Arthos ạ, như cái giường của anh, như bữa ăn tối của anh, nó đã dẫn tôi đến giấc ngủ, như sự tiếp đãi của anh khi gặp lại tôi. Nhưng kìa, sao anh nhìn cái gì chăm chú thế? Hay là tình cờ anh trở thành nhà tài tử chơi hoa tuy líp đấy?
- Bạn thân mến ơi, không nên vì thế mà cậu giễu cợt tôi nhé. Ở nông thôn các thị hiếu thay đổi nhiều lắm và người ta yêu thích mà không hay biết tất cả những cái đẹp được. Chúa làm nảy ra từ lòng đất và rất bị coi thường ở thành thị. Tôi đang nhìn những cây hoa iris ( Huệ tím ) tôi đặt bên cạnh cái bể này đã bị giẫm nát sớm nay. Bọn làm vườn là những tay vụng về nhất đời. Cho ngựa đi kéo nước xong trở về họ để chúng giẫm lên cả các vạt đất trồng cây.
D'Artagnan mỉm cười. Anh nói:
- Anh tưởng thế à?
Và anh dẫn bạn theo dọc lối đi in đầy những vết chân giống hệt những vết chân đã giẫm lên những cây iris.
- Arthos xem này, cả những vết ở đây nữa, - D'Artagnan thản nhiên nói.
Ù nhỉ mà những vết chân còn mới nguyên.
- Mới nguyên, - D'Artagnan nhắc lại.
- Sáng sớm nay, ai mới đi ra ngoài nhỉ? - Arthos băn khoăn tự hỏi, - hay là một con ngựa đã xổng chuồng?
- Không thể như vậy được, - D'Artagnan nói, - vì những bước chân rất đều và thư thả.
- Raoul đâu rồi? - Arthos kêu lên. - Sao tôi không trông thấy nó nhỉ.
- Sụyt! - D'Artagnan đưa một ngón tay lên miệng và cười .
- Có chuyện gì vậy. - Arthos hỏi.
D'Artagnan kể lại điều anh đã trông thấy và theo dõi sắc mặt của chủ nhân.
- A! Bây giờ tôi đoán ra rồi, - Arthos khẽ nhún vai nói, - thằng bé tội nghiệp lại đi đến Blois.
- Để làm gì?
- Ồ, lạy Chúa! Để hỏi tin tức về con bé La Vallière. Cậu biết đấy, con bé bị ngã trật chân hôm qua.
- Anh nghĩ thế à? - D'Artagnan nói, vẻ không tin.
- Không những tôi nghĩ mà tôi chắc chắn như vậy. - Arthos đáp, - Anh không nhận thấy rằng Raoul nó phải lòng à?
- Chà! Phải lòng ai? Con bé bảy tuổi ấy à?
- Bạn thân mến ơi, ở cái tuổi của Raoul, trái tim nó đầy chan chứa đến nỗi nó phải cho tràn ra một vật nào đó dù là mộng hay thực. Cho nên, tình yêu của nó cũng nửa là mộng nửa là thực.
- Anh đùa đấy ư? Sao? Con bé nhỏ tí ấy à?
- Anh đã không nhìn ư? Đó là một tạo vật xinh đẹp nhất đời: mái tóc hoe ánh bạc, cặp măt xanh thế mà đã vừa linh lợi vừa thẫn thờ.
- Nhưng anh nói gì về mối tình đó?
- Tôi chẳng nói gì hết, tôi cười và mặc kệ Raoul; nhưng những nhu cầu đầu tiên ấy của con tim rất khẩn thiết, những nỗi tương tư chan chứa ở những người trẻ tuổi ấy nó êm ái mà đồng thởi cũng đắng cay đến mức nó như thường mang tất cả những đặc điểm của một mối tình si. Tôi còn nhớ hồi ở tuổi Raoul, tôi say mê một pho tượng Hy Lạp mà đức vua Henri IV cho cha tôi và tôi nghĩ đến phát điên lên vì đau khổ khi người ta bảo tôi rằng câu chuyện về Pygmalion chỉ là một chuyện hoang đường(1).
- Đó là vô công rồi nghề. Anh không giao đủ việc cho Raoul và tự nó kiếm chuyện đấy.
- Chẳng có việc gì khác. Cho nên tôi đã nghĩ cho nó đi khỏi nơi đây.
- Anh làm thế là tốt.
- Chắc thế, nhưng việc đó sẽ làm nó tan nát cõi lòng và nó sẽ đau khổ như với một mối tình thực sự. Từ ba bốn năm rồi khi ấy chính nó cũng là một đứa trẻ, nó đã quen trang điểm và ca ngợi cái thần tượng bé bỏng ấy mà một ngày nào đó nó sẽ đi tới tôn thờ nếu như nó ở lại đây. Hai đứa trẻ ấy suốt ngày cùng mơ mộng với nhau và chuyện trò hàng nghìn điều nghiêm túc cứ như là những tình nhân thực sự hai mươi tuổi. Từ lâu bố mẹ của con bé La Vallière đã buồn cười về chuyện này, nhưng gần đây ông bà ấy đã bắt đầu cau mày rồi đó.
- Chuyện trẻ con vớ vẩn! Nhưng Raoul cũng cần được giải khuây; nên nhanh chóng cho nó đi khỏi đây nếu không thì, mẹ kiếp, chẳng bao giờ anh làm cho nó nên người được.
- Tôi định gửi nó đến Paris.
- A! - D'Artagnan kêu lên.
Và anh nghĩ rằng thời kỳ chiến tranh đã đến.
- Nếu anh muốn, - anh nói, - chúng ta có thể tạo một vận mệnh cho cậu thiếu niên ấy.
- A! - Đến lượt Arthos kêu lên.
- Tôi cũng muốn hỏi ý kiến anh về một điều này ra trong khối óc tôi.
- Nói đi.
- Anh có nghĩ là đã đến lúc lại ra làm việc không?
- Thì cậu đã chẳng đang làm việc đấy ư, d'Artagnan?
- Tôi muốn nói công việc hành động. Cuộc đời xưa kia chẳng còn gì cám dỗ anh nữa sao? Và nếu như những lợi ích thật sự đang chờ đợi anh, anh chẳng vui lòng lại bắt đầu những chiến công của thời trai trẻ chúng ta ở đại đội của tôi hoặc đại đội của anh bạn Porthos ư?
- Thế là cậu đưa ra với tôi một đề nghị? - Arthos nói.
- Rõ ràng và thẳng thắn.
- Để lại vào trận?
- Phải.
- Của ai và chống lại ai? - Arthos hỏi đốp lại ngay và nhìn chàng Gascon bằng con mắt thật sáng suốt và thật nhân hậu.
- A! Quỷ thật? Anh vội vã thế?
- Và nhất là minh bạch: Cậu nghe đây, d'Artagnan, chỉ có một nhân vật hay nói đúng hơn một lợi ích vì đó mà một người như tôi xem ra còn có thể có ích: đó là lợi ích của nhà vua.
- Chính xác như vậy đấy, - chàng ngự lâm nói.
- Phải, chúng ta hãy thông với nhau, - Arthos nghiêm trang nói tiếp - nếu như cậu hiểu lợi ích của Mazarin là lợi ích của nhà vua, thì chúng ta nên thôi không tìm cách hiểu lẫn nhau nữa.
- Tôi không nói chính xác, - chàng Gascon lúng túng đáp.
- Này, d'Artagnan, - Arthos nói, - ta đừng chơi cái trò lập lờ ấy: sự ngập ngừng và những kiểu loanh quanh của cậu cho tôi thấy rõ cậu từ phía nào đến. Cái lợi ích ấy quả thật người ta không dám lớn tiếng thú nhận, nhưng khi người ta chiêu mộ cho nó thì tai cụp xuống và giọng nói lúng túng.
- A! Arthos thân mến của tôi, - D'Artagnan kêu.
- Ê! - Arthos nói tiếp - Cậu biết rõ là tôi không nói cậu, cậu là hòn ngọc của những người dũng cảm và táo bạo, tôi nói với cậu về cái lão người Ý bần tiện và mưu mô, về cái đứa thô bỉ đang cố đặt lên đầu nó một cái vương miện mà nó ăn cắp ở dưới một tám gối, về cái thằng bần tiện nó gọi đảng phái của nó là đảng phái của nhà vua và tính đến bắt giam các thân vương mà không dám giết họ như ông giáo chủ của chúng ta, vị giáo chủ vĩ đại đã làm; một tên biển lận cân các đồng êquy vàng và giữ những đồng tiền bị cắt xén vì dù rằng chuyên cờ bạc bịp hắn vẫn sợ nhỡ ngày hôm sau thua bạc; cuối cùng, một tên vô lại nó hành hạ hoàng hậu, theo người ta nói chắc như vậy với lại cũng mặc kệ bà ta! Và trong ba tháng nữa hắn sẽ gây ra một cuộc nội chiến chống lại chúng ta để giữ gìn những khoản lương bổng của nó. Đây là vị minh chủ mà cậu đề nghị với tôi ư, d'Artagnan? Xin đa tạ nhé!
- Anh nóng nảy hơn xưa đấy, xin Chúa tha tội! - D'Artagnan nói. - Năm tháng đã không làm nguội lạnh đi mà hun nóng dòng máu anh. Ai bảo anh đó là minh chủ của tôi và tôi muốn áp đặt cho anh?
"Chết thật! - Chàng Gascon tự nhủ. - Ta chẳng dại gì mà trao những bí mật cho một người không sẵn lòng đến thế".
- Bạn thân mến ơi, - Arthos nói tiếp, thế bây giờ những đề nghị ấy là gì?
- Ôi lạy Chúa! Chẳng có gì đơn giản hơn: Anh sống trong điền địa của anh và hình như anh lấy làm sung sướng trong cảnh sống xuềnh xoàng mạ vàng của mình. Porthos có năm sáu chục nghìn livres niên thu thì phải; Aramis lúc nào cũng có mười lăm bà công tước giành nhau vị tu giáo cũng như ngày xưa tranh giành nhau chàng ngư lâm quân; đó cũng còn là một đứa con cưng của số mệnh; nhưng còn tôi tôi làm cái thá gì ở cõi đời này? Tôi mang tấm áo giáp và miếng da trâu từ hai mươi năm nay, bảm chặt lấy cái chức vị quèn này, không tiến không lùi mà cũng chẳng sống nổi. Tóm lại là tôi chết!
Vậy mà khi đối với tôi là chuyện hồi sinh lại đôi chút, thì tất cả các anh đều nhao nhao bảo tôi là: Đó là một tên bần tiện? Đó là một thằng vô lại! Một đứa thô bỉ! Một lão xáu xa? Ồ, mẹ kiếp tôi đồng ý với các anh lắm, nhưng các anh hãy tìm cho tôi một kẻ khá hơn, hoặc là làm sao cho tôi có nguồn thu nhập đồng niên đi?
Arthos ngẫm nghĩ mấy giây đồng hồ, và trong mấy giây ấy, anh hiểu ra mưu mẹo của d'Artagnan, cậu ta lúc đầu đi quá trớn nay ngắt đi để che giấu trò chơi của mình. Anh thấy rõ ràng những đề nghị bạn đưa ra với anh là có thật và được bày tỏ một cách đầy đủ nhất, dù anh chỉ mới hơi lắng tai nghe:
"Được? Anh tự bảo, d'Artagnan là của Mazarin".
Từ lúc ấy, anh giữ gìn cực kỳ thận trọng.
Về phía mình, d'Artagnan chơi chặt chẽ hơn lúc nào hết.
- Nhưng rốt cuộc cậu có ý kiến gì?- Arthos hỏi.
- Tất nhiên. Tôi muốn nghe lời khuyên của tất cả các anh và tính xem nên làm cái gì đó, vì nếu có người này mà thiếu người kia, chúng ta bao giờ cũng khập khiễng.
- Đúng thế. Cậu nói với tôi về Porthos; vậy cậu đã định đoạt cho cậu ấy đi tìm kiếm hạnh vận chưa?
- Hạnh vận ấy, cậu ta có rồi mà.
- Chắc hẳn cậu ta có; nhưng con người ta sinh ra như vậy đấy, bao giờ cũng ao ước một điều gì. Thế Porthos ao ước gì nào?
- Được là Nam tước.
- À phải rồi? Tôi quên mất, - Arthos cười nói.
"Phải rồi, - D'Artagnan ngẫm nghĩ. Nhưng ta nghe ở đâu ấy nhỉ? Hay là anh ta liên lạc với Aramis? – A! Nếu ta biết điều đó thì ta sẽ biết tất cả?"
Cuộc trò chuyện chấm dứt ở đây, vì lúc ấy Raoul về.
Arthos muốn mắng nhẹ một câu, nhưng thấy cậu thiếu niên buồn rũ rượi, anh không có can đảm và chỉ hỏi xem có chuyện gì.
- Tình trạng cô bé láng giềng của chúng ta có nặng lên không?- D'Artagnan hỏi.
- Ôi thưa ông,- Raoul hầu như nghẹn ngào vì đau đớn nói. - Cô bé ngã thế là nặng đấy, tuy bên ngoài không thấy biến dạng, nhưng thầy thuốc lo ngại rằng cô ta sẽ bị tàn tật suốt đời.
- A! Thế thì ghê gớm lắm!- Arthos nói.
D'Artagnan toan đùa một câu, nhưng nhìn thấy Arthos chia sẻ tai họa đó, anh ghìm lại.
- Ôi, thưa ông, điều làm tôi ân hận nhất, - Raoul nói tiếp,- là tai hoạ ấy lại do chính tôi gây nên.
- Sao lại anh, Raoul?- Arthos hỏi.
- Không nghi ngờ gì nữa. Chẳng phải vì muốn chạy đến với tôi mà cô bé ấy đã nhảy từ trên đống gỗ cao xuống, đấy thôi?
- Raoul thân mến của tôi ơi, - D'Artagnan nói, - chỉ còn có một cách là anh hãy cưới cô ta để đền tội.
- Ôi chao, thưa ông.- Raoul nói, - Ông đùa trên một nỗi đau khổ thực sự, thế là không tốt đâu.
Raoul đang cần ở một mình để khóc cho đã, bèn đi vào phòng mình và đến lúc ăn sáng mới ra.
Hoà khí giữa hai người bạn rất tốt, nên không vì cuộc xô xát buổi sớm mà bị phai lạt; cho nên họ ăn lót dạ một cách thật ngon lành, chốc chốc, nhìn cậu bé Raoul tội nghiệp, mắt ướt mọng ra và lòng nặng trĩu, ăn cho qua bữa.
Vào cuối bữa ăn, có hai bức thư đến, Arthos đọc hết sức chăm chú và không tránh khỏi rùng mình nhiều lần. D'Artagnan nhìn bạn đọc thư, từ phía bên này bàn sang phía bên kia, với con mắt xuyên thấu anh thề rằng không còn hồ nghi gì nữa, anh đã nhận ra nét chữ nhỏ li ti của Aramis. Còn bức thư kia là chữ đàn bà, viết dài và rắc rối.
Thấy Arthos có vẻ muốn ngồi một mình để phúc đáp thư hoặc suy nghĩ, d'Artagnan bảo Raoul:
- Ta đi quanh ra phòng binh khí một lát, nó sẽ làm anh khuây khỏa đấy.
- Cậu thiếu niên nhìn Arthos vẻ dò hỏi và được đáp lại bằng một dấu hiệu ưng thuận.
Cả hai ngươi đi sang một gian phòng thấp có treo những thanh kiếm tập, mặt nạ, găng tay, áo giáp và các thứ dụng cụ đấu kiếm.
Chừng mười lăm phút sau, Arthos đến và hỏi:
- Thế nào?
- Arthos thân mến ạ, đã ra vẻ tay kiếm của anh rồi đó, - D'Artagnan nói, - và nếu có thêm tính bình tĩnh của anh nữa thì tôi chỉ còn có chúc mừng anh ta mà thôi.
Cậu thiếu niên hơi xấu hổ. Có một vài bận cậu chạm được vào tay hoặc chân d'Artagnan thì ngược lại cậu bị đâm tới hai chục lần vào giữa thân mình.
Vừa lúc ấy, bác Chatlot vào đưa cho d'Artagnan một bức thư khẩn do một phái viên mang đến.
Bây giờ đến lượt Arthos liếc nhìn.
D'Artagnan đọc thư không để lộ một cảm xúc nào, và khi đọc xong anh khe khẽ gật đầu.
- Này bạn thân mến ơi, - anh nói, - công việc phụng sự là như thế này đây. Thật tình anh không muốn tham gia lại là đúng: ông De Treville(1) ốm và đại đội không thể thiếu tôi được, thành thử việc nghỉ phép của tôi mất toi.
- Cậu trở về Paris à? - Arthos vội vã hỏi.
- Ôi, lạy Chúa. Phải! - D'Artagnan đáp - Thế còn anh, anh không đến đấy ư?
Arthos hơi đỏ mặt và đáp:
- Nếu tôi đến đó, tôi sẽ rất sung sướng được gặp cậu.
D'Artagnan đứng ra cửa và gọi to:
- Ơ này, Planchet! Mười phút nữa ta sẽ ra đi, cho ngựa ăn lúa mạch đi nhé.
Rồi quay lại phía Arthos, anh nói:
- Tôi thấy dường như còn thiếu cái gì ở đây và tôi rất lấy làm tiếc phải từ giã anh mà không được gặp lại bác Grimaud hiền lành ấy.
- Grimaud à! - Arthos nói, - À, phải đấy, tôi cũng lấy làm lạ sao không thấy cậu hỏi về hắn ta. Tôi đã cho một người bạn mượn rồi.
- Ai mà có thể hiểu nổi những dấu hiệu(2) của hắn? - D'Artagnan nói.
- Tôi cũng hy vọng, - Arthos đáp.
Hai người bạn ôm hôn nhau thân mật.
D'Artagnan bắt tay Raoul và bắt Arthos hứa nếu đến Paris sẽ ghé thăm, mà nếu không đến thì cũng viết thư cho anh, rồi anh lên ngựa.
Planchet bao giờ cũng chính xác. D'Artagnan cười nói với Raoul:
- Anh không đi cùng với tôi ư, tôi đi qua Blois đấy.
Raoul quay lại phía Arthos, anh ngăn cậu ta bằng một dấu hiệu khó nhận thấy.
- Thưa ông, không ạ, - cậu thiếu niên đáp, - tôi ở lại với ông bá tước.
- Thế thì xin từ biệt cả hai, hai người bạn tốt của tôi, - D'Artagnan vừa nói vừa siết tay họ một lần cuối, - và cầu Chúa phù hộ cho các bạn giống như chúng ta thường nói với nhau mỗi lần từ biệt nhau dưới thời vị cố giáo chủ.
Arthos giơ tay chào, Raoul cúi mình thi lễ và d'Artagnan cùng Planchet lên đường.
Bá tước nhìn theo họ, tay vịn lên vai cậu thiếu niên đã cao gần bằng anh; phút chốc họ đã khuất sau bức tường.
- Raoul, - bá tước bảo, - tối nay chúng ta đi Paris.
- Sao!- Cậu thiếu niên nói, mặt tái nhợt.
- Anh hãy đến nhà bà Saint-Remy nói những lời từ biệt của tôi và của anh. Tôi sẽ đợi ở đây lúc bảy giờ.
- Cậu thiếu niên cúi chào với vẻ đau khổ xen lẫn biết ơn, rồi đi ra thắng ngựa.
Còn d'Artagnan vừa đi khuất đã móc bức thư ở trong túi ra đọc lại:
"Trở về Paris ngay lập tức J. M.".
- Bức thư thật khô khan, - D'Artagnan lẩm bẩm và nếu như không có một dòng tái bút, có lẽ ta cũng chẳng hiểu gì, nhưng may thay lại có dòng tái bút. Và anh đọc cả dòng tái bút trứ danh ấy, nó làm cho anh phớt qua cả cái khô khan của bức thư.
"Tái bút. Hãy đến ông trưởng kho bạc của nhà vua ở Blois, xưng tên ông ra và đưa bức thư này cho ông ta xem: ông sẽ được lĩnh hai trăm pistoles".
D'Artagnan nói:
- Dứt khoát là ta thích cái lối văn xuôi này và ông giáo chủ viết hay hơn ta tưởng nhiều. Nào Planchet, chúng ta hãy đến thăm ông trưởng kho bạc của nhà vua, rồi thì ta phóng.
- Về Paris ư, thưa ông?
- Về Paris.
Rồi cả hai người cho ngựa phi nước đại.
Chú thích:
(1) Theo truyền thuyết của đảo Syprơ, Pygmaliông là một nhà điêu khắc, ông tạo nên bức tượng nàng Galatê rồi si mê ngay bức tượng ấy. Sau nữ thần Aphrôdít ban phép cho bức tượng thành người sống và Pygmaliông lấy nàng Galatê
(2) Đại uý chi huy ngự lâm quân của nhà vua từ trong tập truyện "Ba người lính ngự lâm".
(3) Grimaud là người hầu của Arthos có thói quen sai bảo hắn việc gì toàn bằng dấu hiệu và cử chỉ. Grimaud làm theo hoặc đáp lại cũng bằng cử chỉ và dấu hiệu và thường câm lặng suốt ngày.


Chương 18

Ông de Beaufort


Chuyện gì xảy ra và nguyên nhân nào đã buộc d'Artagnan phải trở về Paris?
Một buổi tối theo lệ thường, Mazarin đến chỗ hoàng hậu vào giờ mà mọi người đã rút lui hết. Khi đi qua gần gian phòng lính gác có một cửa trông ra tiền sảnh. Ông ta nghe tiếng nói oang oang ở trong phòng. Muốn biết xem bọn lính nói về vấn đề gì, ông rón rén đến gần và theo thói quen đẩy cửa hé ra và thò đầu vào.
Có một cuộc bàn luận giữa các vệ sĩ. Một người nói:
- Còn tôi, tôi xin cam đoan rằng như Croysel đã tiên đoán điều ấy thì nó chắc chắn cứ như là đã xảy ra rồi. Tôi không biết ông ta, nhưng tôi đã nghe nói ông ta không chỉ là một nhà chiêm tinh học mà còn là một nhà pháp sư nữa.
- Ghê thật, bạn thân mến ơi, nếu ông ta là bạn bè của cậu thì coi chừng. Cậu giúp ông ta một việc tai hại đấy.
- Sao lại thế?
- Bởi vì người ta có thể kết án ông ta được chứ.
- Ô hay? Ngày nay người ta không thiêu sống phù thủy.
- Không! Vậy mà cách đây không lâu lắm ông cố giáo chủ đã cho thiêu Urbain Grandier. Tôi cũng biết đôi điều. Hồi ấy tôi đứng canh ở dàn hỏa và tôi đã trông thấy ông ấy bị thiêu.
- Bạn thân mến ơi, Urbain Grandier không phải là phù thủy mà là một nhà bác học, đó lại là chuyện khác. Urbain Grandier không tiên đoán tương lai. Ông ta biết quá khứ, đôi khi điều ấy còn tệ hơn nữa.
Mazarin gật đầu vẻ đồng tình, nhưng muốn biết rõ điều tiên đoán mà người ta đang bàn luận, ông ta đứng nguyên một chỗ.
Người lính vệ nói tiếp:
- Tôi không bảo cậu rằng Croysel là một phù thủy nhưng tôi nói với cậu rằng nếu như ông ta công bố trước điều tiên đoán của mình thì đấy là một cách để nó không thực hiện được.
- Tại sao?
- Rõ ràng như vậy đấy. Nếu tôi với cậu đánh nhau mà tôi bảo cậu: "Tôi sẽ đâm cho cậu hoặc một nhát thẳng hoặc một nhát xiên" thì cậu đỡ ngay được chứ còn gì nữa. Vậy nếu Croysel nói khá to để ngài giáo chủ nghe thấy là: "Trước ngày ấy, ngày ấy, người tù ấy sẽ vượt ngục" thì hiển nhiên là ông giáo chủ sẽ có cách đề phòng để tù nhân không xổng ra được.
Một lính vệ khác nằm ngay trên chiếc ghế dài có vẻ đang ngủ và mặc dầu bề ngoài có vẻ ngủ thật những vẫn không bỏ sót một lời của câu chuyện bật ra nói:
- Ôi lạy Chúa! Các cậu tưởng người ta có thể thoát được số mệnh mình ư? Nếu trời đã định rằng ông quận công De Beaufort phải trốn thoát thì ông De Beaufort sẽ trốn thoát, và mọi sự đề phòng của ông giáo chủ đều chẳng có tác dụng gì cả hết.
Mazarin rùng mình. Ông ta là người Ý, có nghĩa là mê tín; ông ta vội vã đi qua giữa những người lính vệ, họ trông thấy ông liền ngừng ngay câu chuyện.
- Các ông nói chuyện gì thế? - Mazarin hỏi với vẻ mơn trớn, - hình như về chuyện ông de Beaufort vượt ngục phải không?
- Ô, không ạ, thưa Đức ông? - người lính không cả tin nói, - lúc này ông ấy không thể vượt được ngục được đâu. Người ta chỉ nói là ông ta sẽ vượt ngục.
- Thế ai nói như vậy?
Người lính quay về phía người kể chuyện mà bảo:
- Này Saint - Laurent, cậu nhắc lại câu chuyện của cậu đi.
- Thưa Đức ông, - người lính vệ nói, - tôi kể với ông này rất thuần tuý và giản đơn cái mà tôi nghe nói về điều tiên đoán của một người tên là Croysel cho rằng ông de Beaufort dù có bị canh gác cẩn mật đến đâu, ông ta sẽ trốn thoát trước ngày lễ Pentecote.
- Thế cái tên Croysel ấy là một kẻ mộng tưởng hay thằng điên? - Giáo chủ vẫn tươi cười hỏi.
- Không đâu, - người lính vệ vẫn bám chắc vào niềm tin của mình nói, - Ông ta đã đoán trước nhiều điều và những điều đó đã xảy ra, thí dụ như việc hoàng hậu sinh con trai, ông Coligny sẽ bị giết trong trận đấu kiếm với quận công de Guise cuối cùng là việc ông giáo chủ sẽ được phong giáo chủ… Ấy đấy hoàng hậu đã không chỉ sinh một con trai đầu lòng mà hai năm sau lại sinh một cậu nữa, và ông de Coligny đã bị giết.
- Phải rồi, - Mazarin nói, - nhưng mà ông chủ giáo vẫn chưa thành giáo chủ.
- Vâng, thưa Đức ông, - anh lính vệ nói, - nhưng ông ta sẽ trở thành giáo chủ.
Mazarin cau mặt như muốn nói: ông ta chưa mang chiếc mũ đó. Rồi ông nói thêm:
- Bạn ơi, như vậy theo ý ông thì ông de Beaufort nhất thiết phải thoát à?
- Thưa Đức ông. - Người lính đáp, - ý kiến của tôi đúng là như vậy, đến nỗi bây giờ Các hạ có ban cho tôi cái chức của ông De Chavigny, nghĩa là cai quản lâu đài Vincennes, tôi cũng sẽ không dám nhận. Chà! Còn như sau ngày lễ Pentecôte, đó lại là chuyện khác.
Không có gì đáng tin cậy hơn là một niềm tin mãnh liệt, nó tác động đến nhĩmg người không tin, mà Mazarin như chúng tôi đã nói mới là kẻ không tin, ông ta là người mê tín. Nên ông ta bước ra vẻ đăm chiêu tư lự.
- Đồ keo kiệt! - Người vệ sĩ đứng tựa ở tường nói. - Lão ta làm ra vẻ không tin ở vị pháp sư của cậu, Saint-Laurent ạ, để khỏi phải cho cậu cái gì đấy thôi, nhưng về đến nhà là lão ta sẽ lợi dụng ngay cái điều tiên đoán của cậu cho mà xem.
Quả thật, đáng lẽ tiếp tục đi đến phòng của hoàng hậu, Mazarin trở về văn phòng mình, gọi Bernouin đến và ra lệnh ngày hôm sau từ mờ sáng phải cho đi gọi ngay viên cảnh sát mà ông ta cắt đặt ở bên cạnh ông de Beaufort về, và khi hắn về đến nơi phải lập tức đánh thức ông ta dậy.
Không còn hoài nghi gì nữa, người lính vệ đã chạm ngón tay vào vết thương nhức nhối nhất của ông giáo chủ, ông de Beaufort ngồi tù từ năm năm nay, và không ngày nào Mazarin không nghĩ rằng ông ấy có thể sẽ ra khỏi nơi đó lúc này hoặc lúc khác. Người ta không thể giữ làm tù nhân suốt đời một cháu nội của Henri IV mới suýt soát ba mươi tuổi. Nhưng dù ông ta ra tù bằng cách nào chăng nữa thì trong thời gian bị giam giữ, ông đã tích lũy hận thù sâu sắc đến chừng nào đối với kẻ đã bắt giam ông trong khi ông đang giàu có can trường, vinh quang, được phụ nữ yêu mến, được cánh đàn ông sợ sệt; bắt giam ông để tước khỏi cuộc đời ông những năm tháng tươi đẹp nhất, bởi vì sống ở trong tù thì cũng như không tồn tại!
Trong khi chờ đợi, Mazarin cho tăng cường giám sát ông de Beaufort.
Song giống như kẻ hà tiện trong truyện ngụ ngôn, Mazarin không thể ngủ yên bên cạnh kho vàng của mình. Biết bao lần đang đêm lão choàng dậy vì mơ thấy người ta cướp mất ông de Beaufort của lão. Thế là lão hỏi ngay tin túc về ông ta, và mỗi tin lượm được lão đều đau đớn khi nghe nói tù nhân vẫn chơi bời, ca hát, ông thường dừng lại luôn để nguyền rủa rằng lão Mazarin sẽ trả giá đắt về những trò giải trí mà lão bắt buộc ông ta phải chơi ở lâu đài Vincennes.
Ỷ nghĩ ấy choán hết tâm trí tể tướng trong giấc ngủ, cho nên bảy giờ sáng khi Bernouin vào phòng để đánh thức ông ta dậy thì câu đầu tiên của ông ta là:
- Này, có chuyện gì thế? Ông de Beaufort có trốn khỏi Vincennes không?
- Thưa Đức ông, tôi không tin như vậy, - Bernouin, vẻ bình tĩnh đạo mạo của hắn không tự mâu thuẫn bao giờ, - nhưng dù sao ngài cũng sẽ được tin về ông ta ngay bây giờ, vì viên cảnh sát La Ramée mà ngài cho gọi sáng nay ở Vincennes đã đến ngoài kia và đang đợi lệnh của Các hạ.
- Mở cửa và cho hắn vào đây, - Mazarin vừa nói vừa sắp xếp lại nệm gối để ngồi ngay tại phòng mà tiếp khách.
Viên sĩ quan vào. Đó là một người cao to, má sệ, mặt tươi tỉnh, hắn có một vẻ bình thản khiến Mazarin lo lắng. Lão lẩm bẩm:
- Cái thằng cha này trông đúng là một thằng ngu.
Viên cảnh sát đứng im lặng ở cửa.
- Mời ông vào! - Mazarin bảo.
Viên cảnh sát tuân lệnh.
- Ông có biết ở đây người ta đồn gì không? - Mazarin nói.
- Thưa Các hạ, không.
- Thế này này! Người ta đồn rằng ông de Beaufort đã trốn khỏi Vincennes, nếu không thì cũng sắp trốn khỏi. Mặt mày viên sĩ quan ngớ ra vì kinh ngạc. Hắn đồng thời mở cả hai mắt ti hí và cái miệng rộng hoác để hít lấy hít để câu nói đùa mà Các hạ đã vinh dự ban cho hắn; rồi không giữ lâu được vẻ nghiêm trang đối với một giả thiết như vậy hắn phá ra cười, cười sằng sặc đến rung cả các chân tay hộ pháp y như là đang lên một cơn sốt dữ dội.
Mazarin trong bụng khấp khởi mừng vì sự thổ lộ thiếu cung kính ấy, nhưng vẫn giữ vẻ trang nghiêm.
Khi La Ramée đã cười thoả thuê và chùi nước mắt rồi, hắn cho rằng đến lúc phải nói và xin lỗi về sự vui vẻ thất lễ đó, hắn nói:
- Trốn thoát ư, thưa Đức ông! Thế Các hạ không biết là ông de Beaufort đang ở đâu ư?
- Có chứ, tôi biết rằng ông ta đang ở trong cái tháp tòa lâu đài Vincennes.
- Đúng vậy, thưa Đức ông ở trong một căn phòng có tường dày đến bảy bộ với các cửa sổ có chấn song sắt đan chéo, mỗi thanh to bằng cánh tay ấy.
- Ông này, Mazarin nói, - cứ kiên nhẫn người ta đục xuyên mọi bức tường, và với một mảnh dây cốt đồng hồ người ta cưa được song sắt.
- Nhưng Đức ông không biết rằng bên ông ta có tám lính gác, bốn ở tiền sảnh, và bốn ở trong phòng, họ không lúc nào rời ông ta cả.
- Nhưng có lúc ông ta ra khỏi phòng, chơi bóng vụt, bóng ném chứ!
- Thưa Đức ông, đó là những trò giải trí cho phép tù nhân chơi. Tuy nhiên nếu Các hạ muốn, thì sẽ cấm ông ta.
- Không đâu, không đâu, - Mazarin nói, lão sợ rằng cấm cả các trò giải trí đó thì nếu như có bao giờ ra khỏi tù, tù nhân càng căm giận lão hơn nữa. Nhưng ta muốn hỏi xem ông ta chơi với ai.
- Thưa Đức ông, ông ta chơi với viên sĩ quan trực gác, hoặc với tôi hoặc với các tù nhân khác.
- Khi chơi, ông ta không đến gần tường lũy ư?
- Thưa Đức ông, Các hạ không biết lường luỹ thế nào ư? Tường lũy cao sáu mươi bộ, và tôi hoài nghi rằng ông de Beaufort khá là chán đời để mạo hiểm nhảy từ trên cao xuống cho gẫy cổ.
- Hừm! - Giáo chủ bắt đầu yên tâm nói - Ông La Ramée thân mến, vậy ông nói là…
- Trừ phi ông de Beaufort có phép biến thành con chim nhỏ, tôi xin bảo đảm về ông ta.
- Hừ coi chừng! Ông vội vã quá đấy, - Mazarin nói - Khi các vệ sĩ dẫn de Beaufort đến Vincennes, ông ta có nói to với họ rằng ông ta thường nghĩ đến trường hợp ông ta bị tù, và trong trường hợp ấy, ông ta đã kiếm được bốn mươi cách để vượt ngục.
- Thưa Đức ông, - La Ramée đáp, - nếu trong bốn mươi cách ấy có một cách tốt, thì ông ta đã ở ngoài từ lâu rồi.
- Thôi, thôi, không đến nỗi tồi như mình tưởng, - Mazarin lẩm bẩm.
La Ramée nói tiếp:
- Với lại Đức ông quên rằng ông De Chavigny là người cai quản lâu đài Vincennes, mà ông ta lại không phải là chỗ bạn bè của ông de Beaufort.
- Ừ nhưng khi ông De Chavigny vắng mặt?
- Khi ông ta vắng mặt thì có tôi.
- Nhưng khi chính ông cũng vắng mặt.
- Khi tôi cũng vắng mặt, thì tôi đã có người thay thế là một gã rất hầm hố trở thảnh một viên phó cảnh sát của Hoàng thượng, và tôi xin bảo đảm với ngài là anh ta canh gác rất nghiêm mật. Từ khi tôi nhận anh ta vào giúp việc tôi đã ba tuần nay, tôi chỉ quở trách anh ta có một điều là quá khắt khe với tù nhân.
- Thế con chó ngao đó là ai? - Giáo chủ hỏi.
- Một ông Grimaud nào đó, thưa Đức ông.
- Trước khi đến Vincennes giúp việc anh, hắn ta làm gì?
Theo lời người giới thiệu hắn ta với tôi thì hắn ở tỉnh lẻ, do tính bướng bỉnh hắn đã làm một việc bậy bạ gì đó, và tôi nghĩ rằng hắn sẽ chẳng bất bình khi được thoát tội dưới bộ quân phục của nhà vua.
- Thế ai đã giới thiệu hắn ta với ông?
- Viên quản lý của ông quận công de Grammont.
- Theo ý ông thì có thể tin cậy vào đó chứ?
- Như tin vào chính tôi, thưa Đức ông.
- Hắn ta có phải là người ba hoa không?
- Giêsu, lạy Chúa tôi! Thưa Đức ông, một thời gian dài tôi cứ tưởng hắn câm cơ đấy? Hắn chỉ nói và đáp bằng các dấu hiệu, hình như người chủ cũ của hắn đã dạy hắn như vậy.
- Vậy thì, ông Ramée thân mến ơi, - giáo chủ nói, - Ông hãy bảo hắn ta rằng nếu hắn canh phòng cẩn thận và nghiêm ngặt, người ta sẽ nhắm mắt làm ngơ cho những việc hắn lẩn trốn ở tỉnh, người ta sẽ khoác lên người hắn một bộ quân phục khiến hắn sẽ được kính nể, và trong bộ quân phục ấy sẽ có dăm đồng pistoles để uống rượu chúc mừng sức khỏe nhà vua đấy.
Mazarin rất rộng rãi về những lời hứa hẹn, thật trái hẳn với bác Grimaud thật thà mà Ramée tán dương, bác ta nói it mà làm nhiều.
Tể tướng còn đặt ra với La Ramée một lô câu hỏi nữa về người tù, về cách cho từ nhân ăn uống, ở và ngủ.
Những câu trả lời của viên sĩ quan đáng hài lòng đến mức tể tướng hầu như yên tâm và cho hắn lui.
Lúc ấy cũng đã chín giờ sáng rồi, cho nên ông ta dậy hẳn, xức hương thơm, vận quần áo và đi sang chỗ hoàng hậu để nói rõ những duyên cớ gì đã giữ ông ở lại phòng mình tối hôm qua. Hoàng hậu sợ ông de Beaufort chẳng kém gì tể tướng sợ ông ta, và hầu như cũng mê tín như tể tướng, bà bắt ông nhắc lại từng câu từng chữ tất cả những lời hứa hẹn cam đoan của Ramée và tất cả những lời viên cảnh sát tán dương người giúp việc của mình. Rồi khi tể tướng đã nói xong, bà thầm thì với ông:
- Than ôi! Tiếc rằng chúng ta chẳng có một Grimaud ở bên cạnh mỗi hoàng thân!
- Hãy kiên nhẫn, - Mazarin nói với nụ cười theo đúng kiểu người Ý của mình, - việc ấy sẽ đến trong một ngày nào đó, nhưng trong khi chờ đợi…
- Thì sao? Trong khi chờ đợi.
- Tôi vẫn có những biện pháp đề phòng.
Sau đó ông đã viết thư gọi d'Artagnan trở về gấp.

Chương 19

Ở tháp lâu đài Vincennes ông quận công de Beaufort giải trí như thế nào?


Người tù khiến ngài tể tướng khiếp đảm đến thế và những cách vượt ngục của ông khiến cả triều đình mất ăn mất - ngủ chẳng hồ nghi gì mấy về tất cả nỗi hãi hùng ấy do chính ông gây nên trong Hoàng cung.
Thấy mình được canh gác một cách tuyệt vời như vậy, ông hiểu rằng những mưu toan của ông là vô ích. Tất cả sự trả thù của ông chỉ là văng ra vô vàn những lời chửi rủa nhiếc móc lão Mazarin. Ông đã thử làm mấy ca khúc, nhưng rồi lại thôi ngay. Thực ra, ông de Beaufort không những không được trời phú cho cái tài làm thơ mà ngay biểu hiện bằng văn xuôi thôi ông cũng chật vật nhất trần đời. Cho nên Blot, người đặt các bài hát đương thời, đã nói về ông ta:
"Nơi trận mạc, người người kiêng sợ
Ông tung hoành, hò hét sấm vang
Nhưng buồn thay khi cần biện luận
Ông đúng ngây như chiếc cán tàn.
Gaxtông kia chẳng hề lúng túng
Mỗi khi ra diễn thuyết đăng đàn
Hỡi Beaufort sao không có lưỡi
Còn Gascogne chẳng thấy tay dang?"
Như vậy, ai cũng hiểu rằng người tù chỉ còn xoáy vào với những lời chửi rủa nhiếc móc.
Quận công de Beaufort là cháu ruột của vua Henri IV và bà Gabrielle d' Estrées, cũng tốt bụng, cũng dũng cảm, cũng kiêu hãnh và nhất là cũng mang tính Gascon như ông nội, nhưng lại ít chữ nghĩa hơn rất nhiều. Sau khi vua Louis XIII chết, có một thời gian ông được coi là sủng thần, là người tin cẩn, đệ nhất triều thần cơ đấy, nhưng rồi đến một hôm ông phải nhường chỗ cho Mazarin và xuống hàng thứ hai; hôm sau nữa, do ông nóng đầu lên phẫn nộ về sự thay bậc đổi ngôi ấy và dại dột nói ra mồm, hoàng hậu đã cho bắt và đưa ông đến lâu đài Vincennes, vẫn do bàn tay Gitaut mà chúng ta đã thấy xuất hiện ở phần đầu câu chuyện và sẽ còn có dịp gặp lại. Dĩ nhiên, nói hoàng hậu là nói Mazarin. Không những người ta gạt bỏ được con người ông và những kỳ vọng của ông, mà người ta không bàn bạc đến ông nữa, và từ năm năm nay ông ở một gian phòng hiểm yếu chẳng vương giả cho lắm trong cái tháp lâu đài Vincennes.
Khoảng thời gian ấy ắt đã làm chín mùi những ý nghĩ của bắt kỳ ai khác, nhưng đã trôi qua trong đầu óc của ông de Beaufort mà không tạo nên một sự đổi thay nào cả. Thật vậy, một người khác có lẽ suy nghĩ rằng nếu ông ta đã không chấp nhận chống lại tể tướng, khinh thường các hoàng thân, và đi một mình, như giáo chủ De Retz nói, không có tùy tùng nào khác ngoài mấy kẻ đa sầu luôn có vẻ người mộng tưởng, thì từ năm năm nay, ông ta có lẽ đã được tự do hoặc có những người bảo vệ. Nhưng suy xét ấy chắc hẳn cũng không hiện ra trong tâm trí ông quận công mà việc giam giữ lâu dài trái lại chỉ càng củng cố thêm trong ông tinh thần loạn nghịch và hàng ngày ông tể tướng nhận những tin tức về ông không còn gì khó chịu hơn.
Sau khi thất bại về thi ca, ông de Beaufort thử về hoạ. Ông dùng than vẽ những nét đặc điểm của giáo chủ; nhưng vì tài năng khá tồi về môn nghệ thuật này không cho phép đạt tới sự giống hệt để người ta khỏi phải hoài nghi về nguyên bản của bức chân dung, ông đề xuống dưới: "Ritratto dell' illustrissimo facchino Mazarini". Ông De Chavigny được báo trước đã đến thăm quận công và yêu cầu ông tìm trò giải trí khác, hoặc ít ra thì vẽ những chân dung không đề chú thích. Ngày hôm sau trong phòng đầy những chú thích và chân dung.
Kể ra ông de Beaufort cũng như mọi tù nhân rất giống trẻ con ở chỗ cái gì người ta càng ngăn cấm thì càng như xúi giục.
Ông De Chavigny được báo về sự gia tăng các bức vẽ trông nghiêng. Ông de Beaufort không tự tin lắm để vẽ cái đầu nhìn thẳng trước mặt, đã biến căn phòng mình thành một gian triển lãm thật sự.
Lần này viên giám ngục chẳng nói chẳng rằng; nhưng một hôm thừa lúc ông de Beaufort đi chơi ném cầu, hắn cho xoá sạch các bức vẽ và sơn lại căn phòng bằng thuốc màu trơn.
Ông de Beaufort cảm ơn De Chavigny đã có lòng tốt sơn lại các bức vách cho ông; và lần này ông chia gian phòng thành nhiều ngăn và mỗi ngăn dành cho một nét trong cuộc đời của Mazarin.
Ngăn thứ nhất để vẽ nhà đê tiện đại danh Mazarin đang nhận một trận roi đòn của giáo chủ Bentivoglio mà Mazarin là đày tớ.
Ngăn thứ hai, nhà đê tiện đại danh Mazarin đang sắm vai d' Ignace de Loyola trong vở bi kịch cùng tên.
Ngăn thứ ba, nhà đê tiện đại danh Mazarin đang ăn cắp chức tể tướng của ông De Chavigny mà ông này tưởng đã nắm chắc trong tay.
Cuối cùng ở ngăn thứ tư, nhà đê tiện đại danh Mazarin từ chối cấp khăn trải giường cho Laporte hầu phòng của vua Louis XIV và nói rằng đối với một ông vua nước Pháp ba tháng thay khăn trải giường một lần là đủ lắm rồi.
Đó là những dàn dựng lớn chắc chắn vượt quả tài năng của người tù cho nên ông ta đành chỉ vẽ các khung và viết các dòng chữ.
Nhưng các khung và các dòng chữ đủ khiến ông De Chavigny nổi cáu, ông báo trước cho ông de Beaufort là nếu không từ bỏ những bức tranh dự định, thì ông sẽ tước hết mọi phương tiện thực hiện. Ông de Beaufort đáp lại rằng vì người ta tước của ông cái cơ hội nổi danh trong binh nghiệp, ông phải tìm kiểm nó trong hội hoạ và đã không thể là một Bayard hoặc một Trivulce(1), ông muốn trở thanh một Michel - Ange hoặc một Rahaoul(2).
Một hôm ông de Beaufort ra sân dạo chơi thì ở phòng người ta lấy hết lửa của ông, cùng đi với lửa là than cùng với than là tro, thành thử khi trở về ông không tìm được một mẩu vụn nào để làm bút vẽ cả.
Ông de Beaufort chửi rủa, la hét om sòm và nói rằng người ta muốn làm ông chết vì rét, vì nước và ẩm thấp, như Puylaurens, thống chế Ornano và ông trụ trì tăng viện Vendôme đã chết. De Chavigny bảo rằng ông chỉ cần hứa từ bỏ vẽ hoặc hứa là không vẽ những bức tranh lịch sử là người ta sẽ cấp củi và các thứ để nhóm lửa cho ông. Ông de Beaufort không muốn hứa và đành phải chịu không có lửa sưởi suốt cả mùa đông.
Đã thế, trong một buổi người tù đi ra ngoài, người ta cạo hết các dòng chữ, và căn phòng trắng trần trụi không còn một vết tích gì của bức hoạ vẽ trên tường.
Ông de Beaufort bèn mua lại của một tên gác ngục một con chó tên là Pistache, chẳng có gì để phản đối những tù nhân có chó, ông De Chavigny cho phép con vật bốn chân thay đổi chủ. Có khi hàng mấy giờ đồng hồ liền, ông de Beaufort ở lì trong phòng với con chó.
Người ta ngờ rằng trong những lúc ấy người tù bận vào việc huấn luyện con chó, nhưng không rõ ông ta dạy nó làm gì. Một hôm xem chừng con chó đã được huấn luyện đầy đủ, ông de Beaufort mời De Chavigny và các sĩ quan ở Vincennes đến dự một buổi đại công diễn ở phòng mình. Các tân khách đến, gian phòng được chiếu sáng với tất cả số nến mà ông kiếm được. Các tiết mục bắt đầu.
Người tù bóc một mảnh thạch cao ở tường và vạch ở giữa phòng một đường thẳng dài màu trắng coi như một sợi căng. Nghe mệnh lệnh đầu tiên của chủ, Pistache đi đến vạch phấn, đứng thẳng trên hai chân sau và hai chân trước cầm một cái que phủi quần áo, nó bắt đầu đi theo vạch phấn với tất cả những điệu uốn éo mà một người đi trên dây vẫn làm, rồi sau hai ba lần đi thắng đi lui dọc theo vạch phấn, nó trả cái que cho ông de Beaufort và lại bắt đầu biểu diễn đi trên dây mà không có gậy thăng bằng.
Con vật thông minh được hoan hô nhiệt liệt.
Cuộc biểu diễn được chia làm ba phần: phần thứ nhất xong, chuyển sang phần thứ hai.
Trước hết là nói xem mấy giờ.
Ông Chavigny, hãy giơ đồng hồ ra cho Pistache coi. Bây giờ là sáu giờ rưỡi.
Pistache giơ một chân lên và hạ xuống sáu lần và đến lần thứ bảy thì nó giơ chân lên mà không hạ xuống. Không có thể rõ ràng hơn nữa, một cái đồng hồ bóng mặt trời cũng không thể trả lời tốt hơn; ai nấy đều biết rằng đồng hồ bóng mặt trời có nhược điểm là chỉ bảo giờ được khi mặt trời chiếu sáng.
Tiếp đến là nhận xét trước tất cả mọi người xem ai là kẻ gác ngục cừ nhất trong tất cả các nhà tù ở nước Pháp.
Con chó đi vòng quanh cử toạ ba lượt rồi đến nằm phủ phục một cách cung kính nhất trần đời dưới chân ông De Chavigny.
De Chavigny làm ra vẻ thấy cái trò này hay hay và cười gượng; nhưng cười xong thì ông cắn môi và bắt đầu cau mày.
Cuối cùng ông de Beaufort đặt ra cho Pistache một câu hỏi thật khó mà giải đáp, tức là: Tên kẻ cắp khét tiếng nhất thiên hạ là ai?
Lần này Pistache đi quanh phòng nhưng không dừng lại trước người nào cả và tiến ra phía cửa nó cào cào vào cánh cửa và rên ăng ẳng.
- Các ngài hãy xem, - hoàng thân nói, - con vật thông minh này không tìm thấy ở đây cái mà tôi hỏi, nó muốn đi tìm kiếm ở bên ngoài. Nhưng xin các ngài yên tâm, không vì thế mà không có câu trả, lời cho các ngài đâu. Pistache, - hoàng thân tiếp tục, - anh bạn thân mến của tôi, lại đây? - Con chó vâng lời, hoàng thân lại tiếp - Tên kẻ cắp khét tiếng nhất thiên hạ, có phải là viên bí thư của nhà vua Le Camus không, cái người khi đến Paris chỉ có hai mươi livres mà bây giờ có mười triệu đấy?
Con chó lắc đầu ra hiệu không phải.
Hoàng thân lại nói tiếp.
- Có phải ông Tổng giám thu d' Emery không, cái người đã cưới vợ cho con trai là Thoré và cho hắn ta ba trăm nghìn livres niên thu và một dinh cơ mà so với nó thì lâu đài Tuileries chỉ là căn nhà nát và cung Louvre là một túp lều tơi tã ấy?
Con chó vẫn lắc đầu.
- Cũng vẫn không phải hắn à? - Hoàng thân nói, - Nào hãy tìm cho kỹ: phải chăng nhỡ may ra là nhà đê tiện đại danh Madarini di Pitxini?
Con chó gật đầu lia lịa đến chín mười lần ra hiệu là phải.
Cử toạ này cũng không dám cười gượng.
Ông de Beaufort nói:
- Thưa các ngài, các ngài thấy đấy, nhà đê tiện đại danh Madarini di Pitxini là kẻ đại bợm khét tiếng nhất thiên hạ; chính con Pistache nói, ít ra là như vậy.
Sang một trò khác. Lợi dụng lúc đang im phăng phắc, quận công de Beaufort giới thiệu chương trình phần thứ ba của buổi biểu diễn:
- Thưa các ngài, tất cả các ngài đều nhớ rõ là ông quận công De Guise đã dạy cho tất cả các con chó ở Paris biết nhảy mừng cô de Pông mà ông đã công bố là mỹ nhân của các mỹ nhân? Ô! Thưa các ngài, thế thì có nghĩa lý gì, vì những con vật ấy tuân theo một cách máy móc, không còn biết phân liệt (ông de Beaufort muốn nói phân biệt) giữa những người mà chúng phải nhảy mừng với những người mà chúng không được làm như vậy. Pistache sẽ chứng minh cho các ngài cũng như cho các ngài giám ngục rằng nó vượt hơn các đồng chủng của nó. Xin ông De Chavigny làm ơn cho mượn cây gậy của ông.
De Chavigny đưa cây gậy cho ông de Beaufort.
De Beaufort để cây gậy nằm ngang cách mặt đất một bộ, rồi báo:
- Pistache, anh bạn của tôi, để tôi được vui lòng, hãy nhảy mừng bà de Montbazon đi.
Mọi người cười ồ: ai cũng biết khi de Beaufort bị bắt, ông ta đang là tình nhân công khai của bà de Montbazon.
Pistache mừng rỡ nhảy qua gậy chẳng khó khăn gì.
- Nhưng này - Ông De Chavigny nói - hình như Pistache cũng làm đúng như những con đồng chủng của nó khi nhảy mừng cô de Pons.
- Chờ tí, - hoàng thân nói, - Pistache, anh bạn của tôi, nhảy mừng hoàng hậu đi.
Và ông nhấc gậy cao thêm sáu tấc.
Con chó cung kính nhảy qua cây gậy.
Ông quận công lại nâng cao cây gậy thêm sáu tấc nữa và bảo:
- Pistache, anh bạn của tôi, hãy nhảy mừng đức vua đi.
Mặc dầu cây gậy khá cao, con chó lấy đà và nhảy qua một cách nhẹ nhàng.
Lần này ông quận công hạ cây gậy xuống gần sát đất và bảo:
- Bây giờ chú ý, Pistache, anh bạn của tôi, nhảy mừng nhà đê tiện đại danh Mazarini di Piscina. xem nào.
Con chó quay đít lại phía cây gậy.
- Ô hay? Thế là thế nào? - Ông de Beaufort vừa nói vừa vẽ một vòng cung từ đuôi đến đầu con vật, và lại giơ cây gậy ra, bảo - nhảy đi nào, ông Pistache.
Nhưng cũng như lần trước, Pistache quay nửa vòng và chổng đít lại phía cây gậy.
Ông de Beaufort làm động tác và nhắc lại câu nói ấy, nhưng lần này Pistache không chịu nổi nữa; nó giận dữ nhảy xổ vào cây gậy, giằng ra khỏi tay hoàng thân và lấy răng cắn gẫy.
Ông de Beaufort cầm lấy hai đoạn gẫy từ mõm con chó, và với vẻ thật trang nghiêm ông vừa trả lại De Chavigny vừa hết lời xin lỗi và tuyên bố rằng ba tháng nữa sẽ công diễn một buổi khác, Pistache chắc hẳn sẽ học được nhiều trò mới.
Ba ngày sau, con Pistache bị đầu độc chết.
Người ta tìm kiếm thủ phạm, nhưng chả ai biết rằng thủ phạm sẽ chẳng tìm ra. Ông de Beaufort cho đắp một cái mộ với tấm bia đề: "Nơi yên nghỉ Pistache, một trong những con chó thông minh nhất chưa từng có bao giờ!"
Chằng nói gì được về lời bàn tán ấy và ông De Chavigny không thể ngăn cản.
Nhưng ông quận công bèn nói bô bô rằng người ta đã thử một liều thuốc độc cho con chó của ông trước khi dùng cho ông. Rồi một hôm sau bữa ăn trưa, ông lăn ra giường kêu đau bụng và bảo chính là Mazarin đã cho đầu độc ông.
Trò tinh nghịch mới mẻ này đến tai ông tể tướng làm ông sợ hết hồn. Cái tháp lâu đài Vincennes có tiếng là độc địa. Trong căn phòng mà ông Puylaurens, thống chế Ornano và vị phó trụ trì tăng viện Vendôme bị chết, bà De Rambouillet đã từng nói căn phòng này đáng giá một liều thạch tín mạnh và câu nói ấy đã rất thiêng. Thế là ông giáo chủ ra lệnh rằng người tù không được ăn gì hết nếu người ta không thử trước rượu và thịt.
Thế là viên cảnh sát La Ramée được cắt đặt làm người nếm thức ăn bên cạnh người tù.
Trong khi đó De Chavigny vẫn không tha thứ cho ông quận công về những trò xấc xược mà vì đó con chó Pistache vô tội của ông đã được đền tội, Chavigny là một thủ hạ của ông giáo chủ đã qua đời, thậm chí người ta còn đồn đại là con đẻ của ông ta nữa, như vậy ắt hắn hắn phải bộc lộ ra phần nào tính bạo hành: hắn bắt đầu gây sự lại với ông de Beaufort, hắn lấy đi tất cả những dao sắt và đĩa bạc mà người ta để cho ông ta dùng và thay bằng các dao bạc và đĩa gỗ. Ông de Beaufort khiếu nại, Chavigny sai người trả lời ông rằng hắn vừa mới nghe tin ông tể tướng nói với bà De Vendôme rằng con trai bà sẽ ở trong tháp của lâu đài Vincennes suốt đời, ông sợ rằng nghe cái tin thảm khốc đó người tù của ông có thể đi đến mưu toan tự tử. Mười lăm hôm sau, ông de Beaufort trông thấy hai hàng cây nho bằng ngón tay út trồng ở hai bên con đường dẫn đến sân chơi cầu ông hỏi trồng để làm gì thì được trả lời là để sau này cho ông hưởng bóng mát.
Cuối cùng một buổi sáng người làm vườn đến tìm ông, và chẳng có vẻ đùa tí nào, báo cho ông biết là người ta định trồng cho ông măng tây. Ai cũng biết những cây măng tây bây giờ trồng phải mất bốn năm nhưng thời ấy, kỹ thuật làm vườn còn kém, trồng phải mất năm năm. Phép lịch sự ấy khiến ông de Beaufort tức điên lên.
De Beaufort nghĩ đã đến một trong bốn mươi kế sách của ông, và thoạt đầu ông thử cái đơn giản nhất là hối lộ La Ramée; nhưng La Ramée đã phải mua cái chức phó quan cảnh sát mất một nghìn năm trăm êquy hắn bám chặc lấy chức vụ ấy. Cho nên đáng lẽ nghe theo người tù, hắn tức tốc bảo ngay cho De Chavigny, lập tức De Chavigny cắt tám người ngay trong phòng ông hoàng thân tăng gấp đôi số lính canh và tăng gấp ba số vọng gác. Tù hôm ấy ông hoàng chỉ còn được đi lại như những ông vua trên sân khấu với bốn lính đằng trước, bốn lính đằng sau, không kể những tên đi áp giải.
Ông de Beaufort lúc đầu giễu cợt cái việc nghiêm cẩn ấy nó trở thành một trò giải trí của ông. Luôn mồm ông nhắc đi nhắc lại: "cái này mua vui cho tôi, cái này giải vây cho tôi"! (ý ông muốn nói: cái này giải khuây cho tôi, nhưng ai cũng biết rằng ông thường không nói ra được những điều ông muốn nói). Rồi ông tiếp: "Với lại, khi nào tôi muốn thoát khỏi những điều vinh dự mà các ông dành cho tôi, tôi vẫn còn ba mươi chín kế khác nữa".
Nhưng cái trò giải trí ấy cuối cùng trở thành một mối bực bội.
Do huênh hoang ông de Beaufort chịu đựng tốt được sáu tháng: nhưng qua sáu tháng ròng quay đi quay lại lúc nào cũng thấy tám người, khi mình ngồi xuống, họ cũng ngồi xuống, mình đứng lên họ cũng đứng lên theo, mình dừng lại họ cùng dừng lại, thì ông bắt đầu cau mày và đếm ngày tháng.
Hình phạt mới này dẫn đến sự thâm thù gay gắt đối với lão Mazarin. Ông hoàng thân không ngớt mồm chửi rủa từ sáng đến tối và chỉ nói đến món tai Mazarin ninh nhừ, nghe mà rùng mình.
Quan tể tướng biết tường tận mọi chuyện diễn ra ở Vincennes, nhưng đành tảng lờ, lấy mũ nỉ che tai.
Một hôm, ông de Beaufort tập hợp bọn lính canh lại, và mặc dầu cái tật diễn đạt khó khăn của mình đã trở thành truyền thuyết, ông đọc một bài diễn văn đã được chuẩn bị trước, thực vậy, ông nói:
- Hỡi các ông, lẽ nào các ông cam lòng nhìn một người cháu nội của đức minh quân Henri IV bị người ta trút lên đầu những lăng mạ và kỷ nhục (ý ông đình nói sỉ nhục)? Mẹ kiếp chứ! Như ông nội tôi thường nói, hầu như tôi đã trị vì ở Paris, các ông biết chứ. Trong suốt một ngày tôi trông coi vua và Hoàng đệ. Hoàng hậu lúc ấy mơn trớn tôi và gọi tôi là con người trung thực nhất vương quốc: tôi sẽ đi đến cung Louvre, tôi sẽ vặn cổ lão Mazarin, các vị sẽ là người hộ vệ của tôi, tôi sẽ phong tất cả các vị là sĩ quan và cấp bổng lộc khá. Mẹ kiếp chứ! Đi đằng trước, bước.
Nhưng dù có thống thiết đến mấy, bài diễn thuyết của cháu nội vua Henri IV chẳng hề làm xúc động những quả tim bằng đá; không một tên nào nhúc nhích. Thấy thế, ông de Beaufort bảo chúng là đồ đê tiện và coi chúng là những kẻ thù tàn ác.
Hằng tuần De Chavigny đến thăm quận công vài ba lần; đôi khi ông quận công lợi dụng lúc ấy để dọa dẫm.
- Này ông, - quận công nói, - nếu như một ngày kia, ông trông thấy một đội quân người Paris mình đầy giáp sắt và tua tủa súng ống đến để giải thoát cho tôi thì ông sẽ làm gì?
- Thưa Đức ông, - Chavigny vừa đáp vừa củi rạp mình chào ông hoàng, - tôi có hai chục khẩu đại bác đặt trên các thành lũy và ba mươi ngàn quả đạn đặt trong các hầm hào; tôi sẽ bắn phá họ ra trò.
- Phải, nhưng mà khi ông bẳn được ba chục ngàn phát, thì họ đã chiếm được cái tháp lâu đài, và tháp bị chiếm, tôi buộc lòng phải để mặc họ treo cổ ông, và hẳn là tôi rất lấy làm phiền lòng.
Và đến lượt mình, hoàng thân chào De Chavigny một cách lịch sự nhất.
- Nhưng thưa Đức ông, - Chavigny lại nói, - về phía tôi tôi thấy tên phản loạn đầu tiên nào bước qua ngưỡng cửa đường hào hoặc đặt chân lên tường thành, tôi rất tiếc là buộc lòng phải tự tay giết ngài, vì tôi được giao trách nhiệm đặc biệt trông coi ngài và phải nộp ngài hoặc sống hoặc chết.
Và hắn lại cung kính:
- Chào Điện hạ.
- Phải - quận công nói tiếp, - nhưng vì chắc chắn rằng những con người trung hậu ấy chỉ đến đây sau khi đã treo cổ Giulio Mazarin thì hẳn là ông sẽ chẳng đụng đến tôi và để cho tôi sống vì sợ rằng dân thành Paris sẽ cho bốn con ngựa xé xác ông ra, như thế còn khó chịu gấp trăm lần ông bị treo cổ ấy chứ, có phải không?
Những câu chuyện bông đùa xỏ ngọt ấy thường kéo dài mươi mười lăm phút, hai mươi phút là cùng, nhưng bao giờ cũng kết thúc thế này.
De Chavigny quay ra phía cửa và gọi:
- Ơ này! La Ramée đâu?
La Ramée vào và Chavigny bảo:
- La Ramée, tôi đặc biệt dặn ông về ông de Beaufort: hãy đối xử đối với ông ấy bằng mọi cung cách xứng đáng với tên tuổi và địa vị của ông ấy, nhưng không vì thế mà được rời mắt khỏi ông ta một chút nào.
Rồi hắn nói vừa rút lui vừa chào ông de Beaufort bằng một vẻ lễ phép giễu cợt khiến ông bầm gan tím ruột.
Vậy là La Ramée trở thành người cùng mâm bắt buộc, người hộ vệ vĩnh cửu của hoàng thân cái bóng của thân thể ông. Nhưng phải nói rằng La Ramée là một người sống vui nhộn, một thực khách thật thà, một cây rượu nổi tiếng, một tay cầu thủ giỏi, thâm tâm cũng tốt thôi, và đối với ông de Beaufort chỉ có mỗi một khuyết điểm là không thể mua chuộc được, thì bầu bạn với hắn trở thành một nỗi tiêu khiển hơn là một sự mệt mỏi đối với hoàng thân.
Khốn nỗi đối với thày đội La Ramée lại không như vậy. Mặc dù được nhốt cùng với tù nhân tối quan trọng đến thế, thày cũng coi là một niềm vinh dự nào đó, nhưng nỗi vui thú được sống trong cảnh thân thuộc với cháu nội Henri IV đại đế chẳng bù lại nổi thú vui giá như thỉnh thoảng thày được về thăm gia đình mình.
Người ta có thể vừa là phó cảnh sát xuất sắc của nhà vua, vừa là cha hiền chồng thảo. Song thày La Ramée yêu quí vợ và con cái mà thày chỉ được nhác trông từ trên tường lũy cao ngất, mỗi khi vợ con thày đến và đi dạo ở bên kia các bờ hào để tạo cho thày niềm an ủi phu thê và phụ tử tình thân. Rõ ràng là quá ít ỏi đối với thày và La Ramée cảm thấy rằng cái nết vui tính của mình mà trước kia thày coi như nguyên nhân của sức khỏe tốt mà không tính đến trái lại nó có thể chỉ là kết quả nó sẽ không bền vững dưới một chế độ như thế này đâu. Niềm tin ấy chỉ càng lớn lên trong tâm trí La Ramée khi mà dần dần, môi quan hệ giữa ông de Beaufort và De Chavigny ngày càng trở nên gay gắt và họ chấm dứt hẳn việc gặp gỡ nhau. La Ramée liền cảm thấy trách nhiệm đè nặng lên đầu lên cổ mình và đích thực vì những nguyên do mà chúng tôi vừa mới giải thích, La Ramée tìm cách làm nhẹ gánh và hắn sốt sắng chấp nhận điều đề nghị của bạn thân làm quản lý cho thống chế de là kiếm cho hắn ta một thủ hạ.
Hắn lập tức trình với De Chavigny, viên giám mục trả lời là chẳng hề phản dối, miễn là cái tên thủ hạ ấy vừa ý ông ta.
Chúng tôi coi là hoàn toàn vô ích việc mô tả bức chân dung thể xác và tinh thần của Grimaud cho các bạn độc giả. Chúng tôi hy vọng nếu như các bạn không quên tập đầu của bộ truyện này, ở anh ta chẳng có sự thay đồi nào ngoài việc tăng thêm hai mươi tuổi, việc ấy chỉ khiến anh ta càng thêm lầm lì và im lặng mà thôi, dù rằng Arthos từ khi bản thân mình có sự thay đổi đã cho phép Grimaud hoàn toàn tự do nói năng.
Nhưng hồi ấy đã có đến mười hai hay mười lăm năm Grimaud câm lặng, và một thói quen lâu đến mười hai hay mười lăm năm thì trở thành một bản năng thứ hai.
Chú thích:
(1) Những danh tướng Pháp thế kỷ XVI.
(2) Những danh hoạ Ý thời phục hưng.


Nguồn: http://vnthuquan.net/