25/3/13

Hai mươi năm sau (C14-16)

Chương 14

Nếu Porthos không hài lòng vì hoàn cảnh của mình thì Mousqueton lại rất thoải mái với địa vị của hắn. Điều ấy được chứng minh như thế nào?


Trên đường trở về lâu đài, trong khi Porthos đang bơi trong những giấc mơ Nam tước, d'Artagnan ngẫm nghĩ đến sự khốn khổ của cái bản chất con người tội nghiệp kia luôn luôn không hài lòng về cái nó có và luôn luôn ham muốn về cái nó không có. Ở vào địa vị của Porthos, hẳn d'Artagnan sẽ thấy mình sung sướng nhất trần đởi, và Porthos còn thiếu cái gì để hạnh phúc nhỉ? Mấy chữ cái đặt trước những tên họ của cậu ta và một cái tước miện nho nhỏ sơn lên trên thành xe của cậu ấy.
D'Artagnan tự nhủ thầm: "Như vậy là suốt đời ta có trông bên phải, ngó bên trái cũng chẳng bao giờ nhìn thấy gương mặt của một người hoàn toàn sung sướng".
Anh đang suy nghĩ cái điều triết lý ấy, thì Thượng đế dường như muốn đưa ra cho anh một điều cải chính.
Vào lúc đó Porthos rời anh để sai bảo bác đầu bếp, anh thấy Mousqueton tiến lại. Trừ một thoáng gợn như một áng mây mùa hạ điểm trên vẻ mặt đúng hơn là che ám nó, thì gương mặt của chàng trai thật thà ấy tỏ ra là của một con người hoàn toàn sung sướng.
- Kia, cái mà mình đang tìm kiểm, - D'Artagnan tự nhủ, - nhưng than ôi! Cái thằng nhỏ tội nghiệp ấy chưa biết vì sao ta lại đến đây.
Mousqueton đứng cách xa. D'Artagnan ngồi xuống ghế và ra hiệu cho hắn lại gần. Được phép, Mousqueton tiến đến và nói:
- Thưa ông, tôi xin ông gia ân cho một điều.
- Nói đi, anh bạn.
- Thưa, tôi không dám, tôi e ông sẽ nghĩ rằng phú quý đã làm tôi hư hỏng.
- Vậy là cậu sung sướng phải không? - D'Artagnan nói.
- Sung sướng đến thế là cùng, tuy nhiên ông có thể làm tôi sung sướng hơn nữa.
- Cứ nói đi, nếu điều đó tuỳ thuộc tôi, thì xong ngay thôi mà…
- Ôi, thưa ông, điều ấy chỉ tuỳ thuộc ông thôi.
- Tôi nghe đây.
- Thưa ông, cái điều ân huệ mà tôi xin ông là đừng gọi tôi là Mousqueton nữa(1), mà gọi là Mouston. Từ ngày làm quản lý cho đức ông, tôi đã dùng cái tên sau, nó chững chạc hơn và để cho bọn dưới quyền tôi kính trọng tôi hơn. Thưa ông, ông biết đấy, sự lệ thuộc là tối cần thiết đối với bọn tôi tớ.
D'Artagnan mỉm cười nghĩ "Porthos thì muốn kéo dài tên mình ra còn Mousqueton thì muốn rút ngắn tên mình lại".
- Thưa ông, thế nào ạ? - Mousqueton run bần bật hỏi.
- Thế thì được thôi, Mousqueton thân mến ạ, - D'Artagnan bảo.
- Cậu cứ yên tâm, tôi sẽ không quên điều thỉnh cầu của cậu đâu; và nếu cậu thích, tôi cũng sẽ không gọi cậu bằng cậu hay mày nữa.
Mousqueton đó bừng mặt lên vì vui sướng nói:
- Ôi, nếu ông ban cho tôi điều vinh dự đến thế, thì thưa ông tôi sẽ độí ơn ông suốt đời, nhưng như thế liệu có phải là đòi hỏi quá đáng không ạ?
D'Artagnan bụng dạ bảo: "Chao ôi! Như thế thì có thấm tháp gì so với những nỗi ưu phiền bất ngờ mà ta mang đến cho cái thẳng quỷ tội nghiệp này, nó đã đón tiếp ta chu đáo".
Khuôn mặt Mousqueton trở lại thanh thản như trước và nở ra như một bông hoa thược được, hắn hỏi:
- Thế ông còn ở chơi, lâu với chúng tôi chứ ạ?
- Ngày mai tôi đi, anh bạn ạ, - D'Artagnan đáp.
- Ôi thưa ông, - Mousqueton nói, - thì ra ông đến chỉ đem lại cho chúng tôi những nỗi luyến tiếc sao?
- Tôi e là như vậy đó, - D'Artagnan nói rất khẽ đến nỗi Mousqueton không nghe thấy khi chào và rút lui.
Một niềm ân hận xuyên qua tâm trí d'Artagnan, mặc dầu con tim anh đã chai cứng.
Anh không hối tiểc dẫn dắt Porthos vào một con đường mà cuộc sống và tài sản của anh sẽ bị tổn hại, vì Porthos sẵn lòng mạo hiểm tất cả những thứ ấy cho cái tước hiệu nam tước mà anh ao ước giành được từ mười lăm năm nay. Nhưng còn Mousqueton không ao ước gì, ngoài việc được gọi tên là Mouston, thì há chẳng phải là tàn nhẫn khi dứt anh ta ra khỏi cuộc sống thú vị trên cái vực sung túc của anh ta sao? Ý nghĩ ấy đang làm anh bận tâm thì Porthos xuất hiện.
- Ta vào bàn ăn đi. - Porthos bảo.
- Sao, ăn à? - D'Artagnan hỏi. - Mấy giờ rồi?
- Ồ bạn thân mến ơi, một giờ rồi đấy.
- Trang ấp của cậu là một thiên đường. Porthos ạ, người ta quên cả thời gian. Tôi đi theo cậu, nhưng tôi không đói đâu.
- Đến đây, nếu như người ta không thể lúc nào cũng ăn thì người ta có thể lúc nào cũng uống được, đó là một câu châm ngôn của Arthos đáng thương mà tôi đã nhận ra tính vững chắc của nó kể từ khi tôi buồn chán.
Bản năng Gascogne làm cho d'Artagnan luôn luôn có tiết độ, anh có vẻ không thật tin tưởng như anh bạn mình vào cái định lý không cần chứng giải của Arthos, song anh vẫn làm cái gì mình có thể làm để giữ mình ngang hàng với chủ nhà.
Tuy nhiên, trong khi nhìn Porthos ăn và anh cũng ra sức uống, ý nghĩ về Mousqueton trở lại tâm trí d'Artagnan và nó càng mãnh liệt khi mà Mousqueton không tự mình hầu bàn, việc ấy có lẽ thấp hơn địa vị mới của hắn, nhưng chốc chốc lại xuất hiện ở cửa và bày tỏ lòng biết ơn của hắn đối với d'Artagnan bằng độ tuổi và gốc gác những loại rượu mà hắn sai mang ra hầu.
Do đó, khi ăn tráng miệng, d'Artagnan ra hiệu cho Porthos bảo bọn đầy tớ ra ngoài, còn lại hai người bạn với nhau, d'Artagnan nói:
- Porthos này, ai sẽ theo cậu đi các chiến trận?
- Ấy Mousqueton chứ còn ai. - Porthos trả lời một cách tự nhiên.
Một đòn đối với d'Artagnan: anh đã trông thấy nụ cười đôn hậu của viên quản lý chuyển thành một cái nhăn nhó đau khổ.
- Nhưng, - D'Artagnan đáp, - Mousqueton chẳng phải còn non trẻ gì nữa, bạn thân mến ạ, hơn nữa hắn đã phát phì như ông phễnh và có khi hắn đã mất đi thói quen của công việc hoạt động.
- Mình biết, - Porthos nói, - nhưng tôi dùng hắn đã quen, vả lại hắn chẳng muốn rời tôi đâu, hắn yêu mến tôi quá chừng.
"Ôi! Lòng tự tôn mù quáng?" d'Artagnan nghĩ.
- Vả chăng, chính cậu, - Porthos nói, - cậu đã chẳng luôn luôn vẫn dùng một cái thằng hầu đấy sao? Cái thằng tốt bụng, can đảm và thông minh… tên nó là thằng gì nhỉ?
- Planchet. Tôi đã gặp lại nó, nhưng nó không phải là thằng hầu nữa.
- Thế nó là gì?
- Này nhé! Cậu biết đấy, với một nghìn sáu trăm livres mà nó kiếm được trong cuộc bao vây thành La Rochelle(2) do mang bức thư đến cho Lord de Winter(3) hắn đã dựng một cửa hàng nhỏ ở phố Lomba, và trở thành chủ hiệu mứt kẹo.
- A! Nó là chủ hiệu mứt kẹo phố Lombards à? Thế vì sao nó lại đi hầu cậu?
- À nó đang phải trốn tránh, - D'Artagnan đáp, - và nó sợ bị nguy hại.
Và chàng ngự lâm quân kể lại cho bạn nghe chuyện anh đã gặp lại Planchet như thế nào.
- Bạn thân mến ơi, - Porthos nói, - có phải vì người ta nói với cậu rằng một hôm Planchet tổ chức cứu thoát Rochefort nên cậu đã che giấu hắn phải không?
- Không hẳn như vậy. Nhưng biết làm thế nào, các biến cố làm thay đổi con người.
- Không còn gì đúng hơn, - Porthos nói, - nhưng có cái không thay đổi, hoặc thay đổi thành tốt hơn, đó là rượu vang. Cậu thử nếm thứ này xem, đó là chính cống nho gốc Tây Ban Nha mà anh bạn Arthos của chúng ta rất thích, vang Xérès đấy.
Vừa lúc ấy viên quản lý đến hỏi ý kiến ông chủ về thực đơn ngày hôm sau và về chuyến đi săn dự định.
- Mouston này, - Porthos nói, - binh khí của ta vẫn còn tốt đấy chứ?
D'Artagnan bắt đầu gõ nhịp trên bàn để che giấu sự lúng túng của mình.
- Binh khí của đức ông ấy à? - Mousqueton hỏi, - binh khí nào cơ ạ?
- Thằng quỷ! Cái bộ yên cương ấy.
- Yên cương nào ạ?
- Yên cương trận mạc chứ còn gì.
- À, thưa đức ông, vâng. Tôi chắc là như vậy.
- Ngày mai cậu phải bảo đảm đấy, và nếu cần thì lau chùi cẩn thận. Ngựa đua tốt nhất của ta là con nào?
- Con Vulcain ạ?
- Thế con trường sức nhất?
- Con Bayard ạ?
- Còn cậu, cậu thích con nào?
- Thưa dức ông, tôi thích con Rustaud; đó là một con ngựa hay, tôi dùng thật là hợp tuyệt diệu.
- Lực lưỡng phải không?
- Đó là giống Normand lai với Mecklembourg, cứ là đi cả ngày lẫn đêm.
- Việc của ta đó. Cậu cho ba con vật ấy ăn uống, nghỉ ngơi cho khỏe, cậu lau chùi binh khí cho ta; thêm nữa các súng ngắn cho cậu và một con dao săn.
- Thưa đức ông, chúng ta làm một cuộc viễn du à? - Mousqueton hỏi vẻ lo lắng.
Cho đến lúc ấy, d'Artagnan mới chỉ bâng quơ gõ nhịp, bây giờ anh đập một nhịp hành khúc.
- Còn hơn thế nữa kia, - Porthos nói.
- Chúng ta làm một cuộc viễn chinh ư, thưa ông? Viên quản lý nói, mặt từ màu hồng chuyển sang trắng bệch.
- Chúng ta trở lại phụng sự, Mouston ạ? - Porthos vừa đáp vừa cố vấn bộ ria mép để lấy lại cho nó cái vẻ vũ dũng đã mất.
Những lời ấy vừa mới buông ra thì Mousqueton đã bị một cơn run rẩy làm rung rinh và đôi má xệ to tướng trắng nhợt như đá; hắn ta nhìn d'Artagnan, vẻ trách móc nhẹ nhàng khó tả mà viên sĩ quan không thể chịu đựng mà không cảm thấy rầu rĩ trong lòng; rồi hắn ta loạng choạng với giọng nghẹn ngào, hắn nói:
- Phụng sự! Phụng sự trong quân đội nhà vua.
- Phải và không phải. Chúng ta lại đi vào trận mạc, tìm kiếm mọi chuyện phiêu lưu, rốt cuộc là sống lại cuộc đời xưa kia.
Cái tiếng cuối cùng đập vào Mousqueton như một tiếng sét. Chính cái xưa kia đến là khủng khiếp ấy nó làm nên cái bây giờ đến là êm đềm!
- Ôi lạy Chúa! Tôi đang nghe cái gì thế nhỉ? - với một cái nhìn còn van vỉ hơn cái nhìn trước, Mouston nói với d'Artagnan.
- Biết làm thế nào được, Mouston tội nghiệp của tôi ơi, - D'Artagnan nói, - cái số mệnh…
Mặc dầu d'Artagnan đã cẩn thận không gọi xếch mé và cho tên hắn cái kích thước mà hắn khao khát, Mousqueton vẫn bị một đòn không kém, và cái đòn khủng khiếp đến nỗi hắn bước ra mà lòng dạ rối bời, quên cả khép cửa lại.
- Cái thằng Mousqueton hiền lành ấy, nó bực tức vì vui mừng đấy mà, - Porthos nói với giọng mà Don-Quichotte phải dùng để động viên Sancho buộc lại yên cương con lừa khi đi làm một chiến trận cuối cùng.
Còn lại hai người, họ xoay ra bàn chuyện tương lai và xây đắp hàng nghìn lâu đài trên bãi cát. Rượu vang ngon của Mousqueton đã khiến họ trông thấy ở d'Artagnan một viễn cảnh ngời sáng những đồng tiền vàng và đồng pistol, ở Porthos là dải băng xanh lơ và tấm áo choàng công tước. Thực tế là họ ngủ gục ngay trên bàn ăn khi người ta vào mới họ sang giường ngủ.
Tuy nhiên từ hôm sau d'Artagnan đã làm cho Mousqueton vững dạ hơn, anh nói rằng chắc chắn chiến tranh sẽ chỉ diễn ra ở trung tâm Paris vả đến tầm lâu đài Vallon ở gần Corbeil, đến Bracieux ở gần Melun, và đến Pierrefonds ở giữa Compiègne và Villers-Cotterêts.
Nhưng, tôi thấy hình như xưa kia… - Mousqueton rụt rè nói.
- Ồ, bây giờ người ta không làm chiến tranh theo kiểu ngày xưa. Bây giờ là chuyện ngoại giao. Cứ hỏi Planchet mà xem.
Mousqueton đi hỏi Planchet bạn cũ của mình thì Planchet xác minh mọi điểm mà d'Artagnan nói; song le anh ta nói thêm rằng trong cuộc chiến tranh này, các tù binh có nguy cơ bị treo cổ.
- Gớm nhỉ! - Mousqueton nói, - có lẽ tôi thích cuộc vây thành La Rochelle hơn.
Còn Porthos, sau khi đã cho giết một con hoẵng để đãi khách, sau khi dẫn khách đi thăm từ cánh rừng lên núi, rồi từ núi đến ao hồ của mình, sau khi đã cho xem tất cả các chó săn, chó đàn và con Gredinet của mình, rốt cuộc là tất cả những gì mình có, và cho làm lại ba bữa ăn thịnh soạn nhất, anh hỏi d'Artagnan những lời chỉ dẫn cuối cùng và ông khách buộc lòng phải từ giã bạn để tiếp tục lên đường.
- Này, bạn thân mến ơi! - Vị sử giả nói: - Tôi phải mất bốn ngày để đi từ đây đến Blois, một ngày ở lại đây, ba hoặc bốn ngày trở về Paris. Vậy một tuần nữa cậu ra đi với bộ hạ nhé; cứ đến phố Tiquetonne, khách sạn "Con dê cái nhỏ" và đợi tôi trở về.
- Đồng ý. - Porthos nói.
- Còn tôi, - D'Artagnan nói, - tôi sẽ đi một chuyến chẳng hy vọng gì đến chỗ Arthos; nhưng mặc dầu tôi tin rằng anh ta đã trở thành bất lực, ta vẫn cứ phải đối đãi tử tế với bạn bè.
- Nếu tôi đi với cậu, - Porthos nói, - có lẽ cũng hay cho mình đấy.
- Rất có thể, và tôi cũng vậy, - D'Artagnan nói, - nhưng cậu sẽ chẳng còn thì giờ để sửa soạn đâu.
- Đúng thế. - Porthos nói. - Vậy cậu đi nhé và can đảm lên; còn tôi, tôi đang hăng hái có thừa.
- Thế thì tuyệt lắm? - D'Artagnan nói.
Và họ chia tay nhau trên con đường ranh giới của lãnh địa Pierrefonds mà Porthos muốn tiễn bạn đến chỗ tận cùng của nó.
D'Artagnan đi theo con đường Villers-Cotterêts và tự nhủ: "Ít ra ta cũng không bị lẻ loi. Cái thằng quỷ sứ Porthos ấy vẫn còn sung sức ghê. Nếu Arthos cũng đến thì hay lắm, chúng ta sẽ có ba người để cười vào mũi Aramis, cái thằng thày tu lắm số đào hoa ấy".
Đến Villers-Cotterêts, anh viết thư cho tể tướng: "Thưa Đức ông tôi đã có một người để dâng lên Các hạ và anh ta giá trị bằng hai mươi người. Tôi sẽ đi Blois, bá tước de La Fére ở lâu đài Bragelonne gần quanh thị trấn ấy".
Rồi anh lên đường đi Blois, vừa đi vừa trò chuyện với Planchet, hắn là một niềm vui lớn đối với anh trong chuyến viễn du này.
Chú thích:
(1) Mousqueton nghĩa là khẩu súng trường. Đó là tên mà Porthos đặt cho người hầu từ xưa, khi mới vào làm.
(2) La Rochelle-một thành phố cảng ở tây bắc nước Pháp trước do những người theo đạo Tin lành chiếm giữ chống lại chính quyền trung ương, họ được nước Anh chi viện.
(3) Lord de Winter là một nhà quý tộc Anh, anh chồng của Milady trong tập truyện trước. Sau một cuộc đấu kiếm thua, được d'Artagnan tha chết, ông trờ thành bạn thân của anh.


Chương 15

Hai cái đầu thiên thần


Đó là một chặng đường dài, nhưng d'Artagnan không hề lo ngại. Anh biết rằng những con ngựa đã hồi sức ở những máng ăn đầy ắp của lâu đài lãnh chúa de Bracieux. Anh vững tâm lao đi bốn năm ngày đàng, với Planchet trung thành đi theo.
Như chúng tôi đã nói, để chống những nỗi buồn chán dọc đường, hai người ấy lúc nào cũng đi bên cạnh nhau và chuyện trò suốt. Dần dà d'Artagnan cởi bỏ cái mã ông chủ và Planchet cởi bỏ cái lốt thằng hầu. Là một kẻ tinh ranh sâu sắc, từ khi sống cuộc đời trưởng giả ngẫu nhiên hắn thường luyến tiếc những bữa ăn ngon lành mà rẻ tiền trên đường thiên lý cũng như những cuộc chuyện trò và đám bạn bầu danh giá của các nhà quý tộc và tự cảm thấy mình có một giá trị nào đó, hắn đau lòng thấy mình bị giảm giá khi tiếp xúc thường xuyên với những kẻ có tư tưởng tầm thường.
Thế là chẳng mấy chốc hắn tự nâng mình lên hàng bạn tri kỷ của con người mà hắn vẫn gọi là ông chủ. Đã từ bao nhiêu năm d'Artagnan không cởi mở tấm lòng. Vậy khi gặp nhau, hai con người ấy hợp với nhau một cách tuyệt vời.
Vả chăng, Planchet không phải là một kẻ bạn đường phiêu lưu hoàn toàn tầm thường; hắn thường có những ý hay, không tìm kiếm hiểm nguy nhưng hắn không lùi bước trước những trận đánh, như d'Artagnan đã có nhiều dịp chứng kiến. Cuối cùng, hắn đã từng là lính và binh nghiệp nâng cao người ta lên; rồi thì, còn hơn tất cả những điều đó, nếu Planchet cần đến anh thì hắn cũng không phải là kẻ vô dụng đối với anh. Thế là với tư cách hai người bạn tốt mà d'Artagnan và Planchet đi đến vùng Blois.
Dọc dường, trở lại cái ý nghĩ vẫn ám ảnh anh hoài, d'Artagnan lắc đầu nói:
- Tôi biết rằng việc tôi vận động Arthos là vô ích và vô nghĩa nhưng tôi vẫn cứ phải cư xử như vậy đối với người bạn cố tri, anh ấy có bản chất cao thượng và hào hiệp hơn tất cả mọi con người.
- Ôi! Ông Arthos là một người quý tộc đường hoàng! - Planchet nói.
- Có phải không nào? - D'Artagnan nháy lại.
- Ông ấy rắc tiền bạc như mưa, - Planchet nói tiếp, - tuốt kiếm ra với vẻ vương giả. Chắc chắn ông còn nhớ trận đấu kiếm với bọn người Anh ở trong sân tu viện Carmes chứ? Chao ôi, hôm ấy trông thấy ông Arthos sao mà đẹp đẽ uy nghi đến thế khi ông bảo với địch thủ: "Thưa ông, ông đã bắt tôi phải xưng tên với ông, thôi thì mặc kệ ông, vì rằng tôi buộc lòng phải giết ông!". Lúc ấy tôi đứng gần nên nghe thấy ông ấy nói thế. Đúng từng tiếng lời của ông ấy. Và cái ánh mắt ấy, ông ơi lúc ông Arthos đâm trúng địch thủ như ông ấy đã nói" và địch thủ ngã xuống không kêu được rnột tiếng. Ôi! Thưa ông, tôi xin nhắc lại, đó là một nhà quý tộc đường hoàng.
- Phải rồi, - D'Artagnan nói, - tất cả những điều ấy đúng như kinh Phúc âm, nhưng ông ta đã mất đi tất cả những phẩm chất ấy vì một khuyết tật.
- Tôi có nhớ, - Planchet nói, - Ông ấy thích uống rượu hay nói đúng hơn là ông ấy uống quá nhiều rượu. Nhưng không uống như những người khác Đôi mắt ông ta chẳng nói gì hết khi ông ấy đưa cốc lên môi. Thực ra, không bao giờ sự im lặng lại nói rõ đến thế. Còn tôi, hình như đã nghe ông ấy lẩm bẩm: "Rượu ơi, hãy vào đi và xua tan những nỗi u buồn trong ta". Và cái cách ông ta đập vỡ một chân cốc hoặc một cổ chai! Chỉ có ông ta mới có cái phong điệu ấy.
- Thế thì hôm nay - D'Artagnan nói, - một cảnh tượng đáng buồn đang chờ đợi chúng ta. Con người quý tộc thanh cao với cặp mắt kiêu hãnh ấy, chàng kỵ sĩ đẹp trai thật xuất sắc trong quân ngũ ấy mà người ta thường lấy làm lạ làm sao không cầm một cây gậy chỉ huy mà chỉ cầm một thanh kiếm tầm thường, than ôi! Con người ấy sẽ trở thành một lão già lưng gù, mũi đỏ, mắt như khóc. Chúng ta sẽ gặp ông ta nằm vật trên một bãi cỏ nào đó và nhìn chúng ta bằng con mắt mờ đục và có khi chẳng nhận ra chúng ta nữa. Planchet này, - D'Artagnan nói tiếp, - xin Chúa chứng giám, tôi sẽ trốn tránh cảnh tượng buồn thảm ấy còn hơn là cố chứng tỏ lòng kính trọng của mình đối với cái bóng lẫy lừng của vị bá tước de La Fére quang vinh mà chúng ta đã yêu mến xiết bao.
Planchet gật đầu mà không nói một lời, người ta dễ dàng nhận rõ anh đang chia sẻ những nỗi lo âu của ông chủ.
- Thế rồi, - D'Artagnan lại nói, - sự suy sụp vì Athos bây giở già rồi, cảnh túng quẫn, có lẽ thế vì ông ta lơ là với chút ít của cải vốn có.
- Và cái tên của nợ Grimaud câm lặng hơn bao giờ hết và say bí tỷ hơn cả chủ mình… này, Planchet ơi, tất cả những điều ấy xé nát lòng tôi.
- Tôi thấy dường như mình đã đến nơi, - Planchet nói với giọng thương cảm, - và tôi trông thấy ông ấy kia kìa miệng thì lắp bắp, đi thì chân nam đá chân chiêu.
- Tôi phải thú nhận rằng, - D'Artagnan nói, - tôi chỉ sợ Arthos nhận lời tôi trong một lúc say cuồng chiến. Nếu vậy đối với Porthos và tôi sẽ là một tai hoạ lớn và nhất là một điều rắc rối thật sự; nhưng ngay trong cơn bí tỷ đầu tiên của ông ấy, chúng ta sẽ từ giã, thế là xong. Lúc nào tỉnh, ông ấy sẽ hiểu ra.
- Thưa ông dù sao, - Planchet nói, - chúng ta cũng sẽ hiểu rõ tình hình ngay bây giờ đây. Những bức tường cao vút kia rực đó ánh mặt trời tà chắc hẳn là tường của thị trấn Blois.
- Chắc thế, - D'Artagnan đáp, - và những ngọn tháp nhọn hoắt chạm trổ thắp thoáng ở trong rừng phía bên trái kia giống như những cái tôi nghe tả về lâu đài Chambord
- Chúng ta sẽ vào trong thị trấn chứ? - Planchet hỏi.
- Dĩ nhiên, để hỏi thăm.
- Ông này, nếu chúng ta vào đó, tôi khuyên là ta nên nếm thử vài cốc kem mà tôi đã nghe nói đến rất nhiều nhưng khốn thay người ta lại không thể mang lên Paris được, mà phải ăn ngay tại chỗ.
- Cứ yên tâm, ta sẽ làm một chầu, - D'Artagnan đáp.
Vừa lúc ấy một cỗ xe loại nặng thắng mấy con bò chở gỗ đốn tại những cánh rừng tươi tốt của vùng này đưa đến cửa sông Lois từ một con đường nhỏ đầy vết bánh xe đi ra đường cái mà hai kỵ sĩ đang đi.
Một người đàn ông đi theo cầm một cây sào cắm đinh ở đầu dùng để thúc lũ bò chậm chạp.
- Này anh bạn ơi! - Planchet gọi người chăn bò.
- Các ông cần gì đó?
Người nông dân nói từ ngôn ngũ đặc biệt thuần khiết của dân vùng này, nó ắt phải làm cho các nhà sính tu từ thành thị trường Sorbonne và phố Đại học Tổng hợp phải hổ thẹn.
- Chúng tôi tìm nhà ông bá tước De La Fére, - D'Artagnan nói, vậy ông có biết tên ông ấy trong số những vị lãnh chúa ở quanh đây không?
Nghe nói cái tên đó, người nông dân ngả mũ ra mà đáp:
- Thưa các ông, gỗ này là của ông ấy đấy, tôi đốn gỗ trong dám rừng già và chở đến lâu đài.
D'Artagnan không muốn hỏi han thêm bác nông dân, anh rất sợ phải nghe từ miệng một người khác điều mà chính anh đã nói với Planchet.
- Lâu đài? - D'Artagnan bụng bảo dạ, - Lâu đài! – A! Ta hiểu rồi! Arthos không kiên lòng, giống như Porthos anh ta bắt nông dân gọi anh ta là Đức ông và gọi túp lều của mình là lâu đài; cái anh chàng Arthos thân mến ấy có bàn tay khắc nghiệt nhất là khi đã nốc rượu.
Những con bò đi chậm chạp, d'Artagnan và Planchet đi sau cỗ xe và sốt ruột vì cái nhịp điệu ấy.
D'Artagnan hỏi người chăn bò.
- Đúng là đường này phải không? Chúng tôi cứ đi mà không sợ lạc chứ?
- Ồ, lạy Chúa! Đúng đấy ạ, - Bác chăn bò nói, - Ông cứ việc đi trước, chẳng có gì phải đi theo những con bò chậm ri chậm rì này cho khổ. Đi bộ nửa dặm là thấy toà lâu đài ở phía bên phải; đứng ở đây chưa trông thấy đâu, vì vướng một rặng cây bạch dương che khuất. Lâu đài ấy không phải là Bragelonne mà là La Vallière . Ông hãy bỏ qua và đi thêm độ ba tầm súng trường sẽ thấy một toà nhà lớn mái lợp lá đen đứng trên một gò đất rợp bóng những cây phong đồ sộ thì đấy là lâu đài ngài bá tước de La Fére.
- Nhưng nửa dặm ấy có dài không? - D'Artagnan hỏì, vì trên đất Pháp tươi đẹp của chúng ta chỗ nào cũng toàn dặm là dặm cả, mà chẳng dặm nào giống nhau.
- Mười phút đi đường ông ạ, với những cái chân nhanh nhẹn của con ngựa ông cưỡì.
D'Artagnan cảm ơn người chăn bò, rồi phóng đi ngay lập tức.
Nhưng rồi bụng chẳng muốn mà lòng cứ bối rối với ý nghĩ gặp lại con người đặc biệt kia đã từng quý mến anh xiết bao, đã từng qua những điều khuyên bảo và qua tấm gương của mình góp phần giáo dục anh trở nên một người quý tộc, anh cho ngựa đi chậm dần lại, đầu cúi xuống như một người mơ mộng.
Planchet cũng đã tìm thấy trong cuộc gặp gỡ và thái độ của bác nông dân một chất liệu cho những suy nghĩ nghiêm trang. Ở Normandie hay Franche- Comté , Artois hay Picacdie là những nơi anh từng ở lâu, chưa bao giờ anh gặp những người dân quê lại có đáng điệu thanh thoát như thế, lời ăn tiếng nói thuần khiết như thế.
Anh tưởng như mình đã gặp một nhà quý tộc nào đó thuộc phải như anh, nhưng vì duyên do chính trị đã buộc phải cải trang như anh.
Chợt đến một chỗ đường quanh, lâu đài La Vallière hiện ra trước mắt các lữ khách như bác chăn bò đã nói, rồi đi bộ một phần tư dặm nữa, một toà nhà trắng xoá có những cây phong bao quanh, nổi bật lên trên nền một lùm cây um tùm mà mùa xuân đã rắc lên những bông hoa tuyết.
Bình thường d'Artagnan ít xúc động, nhưng trông thấy cảnh tượng này, anh cảm thấy một nỗi xao xuyến lạ lùng thấm sâu vào đáy lòng mình; trong suốt cuộc đời mình những kỷ niệm tuổi thanh xuân mạnh mẽ biết bao. Không có cùng những cảm tưởng ấy, trông thấy chủ mình xao động đến thế, Planchet ngẩn người ra, hết nhìn d'Artagnan lại nhìn ngôi nhà.
Người lính ngự lâm tiến thêm mấy bước và đến trước một cổng rào sắt gia công với một thị hiếu khác hẳn lối đúc thời bấy giờ.
Qua cổng rào, nhìn thấy những vườn rau được chăm sóc cẩn thận một cái sân rộng lớn có nhiều ngựa đang giậm chân do những tên hầu mặc quần áo dấu khác nhau dắt, và một cỗ xe thắng hai con ngựa của vùng này.
- Chúng ta nhầm rồi, hoặc là người ấy đã lừa chúng ta. D'Artagnan nói, - không thể nào Arthos lại ở đây được. Lạy Chúa!
Hay là anh ấy chết rồi và trang ấp này thuộc về người khác cùng họ với anh. Này Planchet, cậu xuống ngựa và đi vào hỏi xem sao, thú thật tôi chẳng có can đảm vào hỏi đâu.
Planchet xuống ngựa. D'Artagnan bảo:
- Cậu nói thêm rằng có một vị quý tộc đi qua muốn được vào chào ngài bá tước de La Fére và nếu cậu thấy hài lòng, với những tin tức lượm được thì hãy nói rõ tên tôi nhé.
Planchet nắm cương dắt ngựa đến cổng, kéo chuông và tức khắc có một người làm, tóc bạc phơ, tuổi đã cao mà lưng vẫn thẳng đi ra và tiếp Planchet.
- Xin hỏi có phải ngài bá tước de La Fére ở tại đây không? - Planchet nói.
- Phải đấy, ông ạ, đúng ở đây, - người hầu không mặc áo dấu trả lời Planchet.
- Một vị lãnh chúa về hưu phải không?
- Đúng thế.
- Và có một người hầu tên là Grimaud? - Planchet lại hỏi, với thói quen thận trọng anh không sợ thừa tin tức.
- Ông Grimaud lúc này không có ở nhà, - người hầu đáp, bác ta không quen với những cách hỏi như vậy và bắt đầu nhìn Planchet từ đầu đến chân.
Planchet mặt mày rạng rỡ kêu lên:
- Thế thì đúng bá tước de La Fére mà chúng tôi tìm kiếm. Vậy xin bác mở cửa cho tôi vì tôi muốn báo tin với ngài bá tước rằng ông chủ tôi là một vị quý tộc, bạn của ngài, đang ở kia và muốn đến chào ngài.
- Thế sao ông không bảo tôi sớm? - Người đầy tớ nói. - Còn vị chủ của ông đâu?
- Ông ấy đi sau tôi.
Người đầy tớ mở cổng và đi trước. Planchet theo sau và ra hiệu cho chủ mình. D'Artagnan tim đập hồi hộp hơn bao giờ hết, cưỡi ngựa đi vào sân.
Lúc Planchet bước lên bậc thềm, anh nghe thấy từ trong một căn phòng thấp, một tiếng vọng ra:
"Ơ này! Vị quý tộc ấy đâu, sao lại không dẫn vào đây".
Giọng nói ấy vang lên đến tận tai d'Artagnan và đánh thức trong lòng anh muôn vàn tình cảm, muôn vàn kỷ niệm đã lãng quên.
Anh vội vã xuống ngựa, trong khi Planchet nụ cười trên môi tiến vào chỗ chủ nhân ngôi nhà.
- Tôi biết anh chàng này mà! - Arthos xuất hiện trên ngưỡng cửa và nói.
- Ồ, vâng, thưa bá tước, ông biết tôi và tôi cũng biết rõ ông. Tôi là Planchet, thưa bá tước, Planchet, ông biết rõ…
Nhưng anh đầy tớ thật thà đó không nói gì được hơn, dung mạo bất ngờ của nhà quý tộc đã khiến anh xúc động biết chừng nào.
- Sao? Planchet ư? - Arthos kêu lên. - Thế ông d'Artagnan ở đây à?
- Tôi đây, bạn ơi! Tôi đây, Arthos thân mến ơi! - D'Artagnan nói lắp bắp và hầu như lảo đảo cả người.
Nghe câu nói đó, một nỗi xúc động rõ ràng lần lượt xuất hiện lên gương mặt đẹp đẽ và những đường nét bình thản của Arthos. Anh tiến nhanh mấy bước về phía d'Artagnan, mắt vẫn không rời bạn và trìu mến ôm chặt bạn trong vòng tay. D'Artagnan qua cơn bối rối, cũng ôm chặt lấy Arthos với một niềm thân ái long lanh thành những giọt lệ trong đôi mắt.
Arthos cầm lấy tay bạn, siết chặt trong tay mình và dẫn bạn vào phòng khách có nhiều người đang quây quần. Mọi người đều dứng dậy. Arthos nói:
- Tôi xin giới thiệu ông hiệp sĩ d'Artagnan, trung uý ngự lâm quân của Hoàng thượng, một người bạn tận tụy của tôi, một trong những nhà quỷ tộc dũng cảm nhất và đáng mến nhất mà tôi được quen biết từ xưa.
Theo tục lệ, d'Artagnan tiếp nhận những lời chúc mừng của cử tọa, nhiệt liệt chúc mừng lại và cùng ngồi dự, và trong khi cuộc trò chuyện tạm ngừng một lát lại tiếp tục rôm rả, thì anh ngồi ngắm Arthos.
Lạ lùng thật? Arthos chỉ hơi già đi. Cặp mắt đẹp toát ra khỏi cái quầng nâu xám do những đêm thức và những cuộc chè chén say sưa tạo thành trông to hơn và lóng lánh như mặt hồ tinh khiết hơn bao giờ hết; khuôn mặt hơi dài và được tăng thêm vẻ uy nghi bù cho cái mất đi về nét sôi động nhiệt tình; bàn tay mềm mại, lộng lẫy dưới ống tay áo thêu ren, giống như những bàn tay nào đó trong các bức họạ của Titien et de Van Dick (1) thân hình anh mảnh dẻ hơn xưa, hai bắp vai thanh và rộng nói lên một sức mạnh hiếm có, mái tóc đen dài điểm mấy sợi xam xám, rủ xuống đôi vai một cách phong nhã và lượn sóng như một nếp uốn tự nhiên; giọng nói anh vẫn tươi mát như mới ở tuổi hai mươi lăm, hàm răng đẹp còn nguyên vẹn và trắng muổt đem cho nụ cười một vẻ duyên dáng khôn tả.
Tuy nhiên, các vị khách của bá tước qua vẻ lạnh nhạt khó nhận biết của cuộc đàm luận hiểu rằng hai người bạn thân đang nóng lòng mong mỏi được ngồi riêng với nhau. Cho nên với tất cả cái nghệ thuật và phép lịch sự ngày xưa, họ sửa soạn ra về, cái việc trịnh trọng của những người ở xã hội thượng lưu, khi có mặt của những người thượng lưu. Nhưng vừa lúc ấy có tiếng chó sủa ầm ĩ ngoài sân và nhiều người cùng nhao nhao lên:
- A! Raoul trở về.
Nghe đến tên Raoul, Arthos nhìn sang d'Artagnan và như vừa rình xem cái tên ấy có gây nên vẻ tò mò nào trên nét mặt bạn mình không. Nhưng d'Artagnan chưa hiểu ra sao, anh còn chưa ra khỏi nỗi chói ngợp. Cho nên gần như cái máy anh quay lại, thì thấy một cậu thiếu niên tuấn tú trạc 15 tuổi, ăn vận giản dị nhưng với một thị hiếu hoàn mỹ, bước vào phòng khách và với vẻ duyên dáng ngả chiếc mũ dạ đính những chiếc lông chim dài đỏ thắm.
Vậy mà nhân vật mới lạ này hoàn toàn bất ngờ, đập vào mắt anh. Cả một loạt ý nghĩ mới mẻ ập đến tâm trí anh và bằng mọi nguồn thông minh sắc sảo của anh, đã cắt nghĩa sự thay đổi của Arthos cho đến lúc này vẫn tỏ ra không lý giải được. Một sự giống nhau kỳ lạ giữa vị quý tộc và đứa nhỏ cắt nghĩa cho anh sự bí mật của thời tái sinh này. Anh đợi chờ xem xét và nghe ngóng.
- Anh đã trở về đấy ư, Raoul? - Bá tước nói.
- Thưa ông, vâng, - cậu thiếu niên cung kính đáp, và tôi làm tròn nhiệm vụ mà ông giao cho.
- Nhưng có chuyện gì đấy, Raoul? - Arthos băn khoăn hỏi - Trông anh tái nhợt và có vẻ xao xuyến.
- Thưa ông, - cậu thiếu niên đáp, - chả là vì có một tai họa xảy đến với cô bé láng giềng của chúng ta.
- Với cô De La Vallière ấy à? - Arthos vội hỏi.
- Chuyện gì thế, - vài tiếng người hỏi.
- Cô ấy đi dạo chơi với bà vú Marceline ở khu vườn các bác tiều phu đang đẽo những cây gỗ, thì tôi cưỡi ngựa đi qua trông thấy bà và dừng lại. Lúc ấy cô ta đang đứng trên một đống gỗ, thấy tôi, cô ấy toan nhẩy xuống nhưng bị trượt chân không tài nào dậy nổi. Tôi cho rằng cô ấy bị trẹo mắt cá chân.
- Ôi, lạy Chúa? - Arthos nói.- Thế bà de Saint-Remy, mẹ cô đã biết chưa?
- Không ạ, bà de Saint-Remy đang ở Blois, chỗ bà quận công d'Orléans. Tôi e rằng việc chỉ sơ cứu cho cô ta không được tốt, nên chạy về xin ông chỉ bảo.
- Raoul, cho đưa ngay cô ấy ra Blois? Hay tốt hơn hết là tự anh lấy ngựa và chạy ra ngoài ấy.
Raoul cúi mình.
- Nhưng Louise đang ở đâu? - Bá tước hỏi.
- Thưa ông, tôi đã mang đến đây và để nằm ở chỗ vợ bác Charlot; trong khi chờ đợi, bà ấy cho cô bé ngâm chân vào nước lạnh giá.
Câu chuyện ấy đã tạo cái cớ cho các vị khách của Arthos đứng lên và xin cáo từ, riêng lão công tước de Barbé tỏ ra là chỗ thân tình từ hai chục năm nay với nhà La Vallière đi ra thăm cô bé Louis, cô ta đang khóc, nhưng khi trông thấy Raoul thì lập tức chùi ngay đôi mắt diễm lệ và nhoẻn miệng cười.
Cụ công tước bảo đưa cô bé Louise đến Blois bằng cỗ xe ngựa của mình. Arthos nói:
- Cụ dạy phải đấy, cô bé sẽ đến với mẹ sớm hơn. Còn anh, Raoul, tôi chắc anh đã hành động dại dột và việc này có phần lỗi của anh đấy.
- Ồ, thưa ông, không ạ, tôi xin thề như vậy! - Cô gái kêu lên, còn cậu thiếu niên thì tái mặt đi, vì nghĩ rằng mình có thể là nguyên nhân của tai nạn.
- Ôi thưa ông tôi xin cam đoan rằng… - Raoul lẩm bẩm.
- Nhưng anh vẫn cứ phải đi đến Blois, - bá tước ân cần nói tiếp, và anh xin với bà de Saint-Remy thứ lỗi cho anh và cả tôi nữa, rồi trở về đây.
Gò má cậu thiếu niên tươi trở lại; sau khi đưa mắt hỏi ý bá tước, anh ôm cô gái trong đôi cánh tay đã vạm vỡ, cái đầu xinh đẹp của cô vừa nhăn nhó lại vừa tươi cười ngả vào vai anh, anh nhẹ nhàng đặt cô vào trong xe. Rồi nhảy lên ngựa với vẻ phong nhã và khéo léo của một kỹ sĩ thành thạo, anh chào Arthos và d'Artagnan, rồí phóng nhanh, đi kèm cạnh cỗ xe ngựa, đôi mắt anh vẫn đăm dăm nhìn vào trong xe.
Chú thích:
(1) Những danh hoạ thời Phục hưng ở Ý và xứ Flamant.

Chương 16

Lâu đài Bragelonne


Trong suốt cả màn kịch ấy, d'Artagnan van ngồi yên: mắt lơ láo, miệng há hốc; những điều anh dự đoán một đằng lại diễn ra một nẻo đến nỗi anh cứ ngẩn ra vì kinh ngạc.
Arthos nắm tay anh và dẫn ra vườn.
- Trong lúc người ta sửa soạn bữa ăn, - Arthos cười nói, - bạn ơi chắc cậu không phật lòng làm sáng tỏ một chút điều bí ẩn đã khiến cậu mơ màng đến thế.
- Đúng đấy, ông bá tước ạ, - D'Artagnan nói, dần dần anh cảm thấy Arthos đã lấy lại cho mình cái uy thế quý phái to lớn mà anh vốn có từ xưa Arthos nhìn anh và cười dịu dàng, nói:
- D'Artagnan thân mến của tôi ơi. Trước hết ở đây chẳng có ông bá tước nào hết. Nếu như ban nãy tôi gọi cậu là hiệp sĩ chẳng qua là để giới thiệu với các vị khách của tôi để họ biết cậu là ai, còn đối với cậu d'Artagnan ạ, tôi hy vọng rằng bao giờ tôi cũng vẫn là Arthos: người bạn đường, người bạn thân của cậu. Cậu thích nghi thức trịnh trọng phải chăng vì cậu không yêu mến tôi bằng ngày xưa.
- Ôi! Lạy Chúa chứng giám! - Chàng Gascogne nói với vẻ hăm hở chân thành của thời niên thiếu hiếm thấy bộc lộ ở người đứng tuổi.
- Vậy chúng ta nên trở lại thói quen cũ, và để bắt đầu chúng ta nên thành thực. Mọi thứ ở đây đều làm cậu ngạc nhiên phải không?
- Ngạc nhiên vô cùng.
- Nhưng điều làm cậu ngạc nhiên nhất,- Arthos cười nói, - chính là tôi phải không, thú nhận đi.
- Thú thật như vậy!
- Tôi vẫn còn trẻ, có phải không. Mặc dầu tôi đã bốn chín tuổi rồi, tôi vẫn dễ nhận ra được phải không?
- Trái hẳn lại cơ đấy? - D'Artagnan sẵn sàng vi phạm điều mà Arthos căn dặn là phải thành thực, - anh chả còn trẻ trung gì đâu.
- A! Mình hiểu, - Arthos hơi đó mặt nói, - mọi cái đều có kết thúc, d'Artagnan ạ. Sự cuồng điên cũng như mọi thứ khác.
- Lại còn sự thay đổi về tài sản nữa chứ, hình như vậy. Anh ở thật là tuyệt; tôi đoán toàn nhà là của anh.
- Phải, bạn ạ, đó là gia sản nhỏ mà tôi đã nói với cậu là tôi được thừa kế khi rời quân ngũ.
- Anh có vườn tược ngựa xe, bầy chó.
Arthos cười và nói:
- Vườn rộng hai mươi acpăng trên đó trồng rau và làm nhà phụ.
Ngựa tôi có hai con, dĩ nhiên không kể con ngựa cộc của thằng hầu, đàn chó thì chỉ có bốn con chó canh rừng, hai con chó săn đuổi, và một con săn đón. Mà cái bầy chó xa xỉ ấy, - Arthos mỉm cười nói thêm, - chẳng phải của tôi.
- Phải, tôi hiểu, - D'Artagnan, - Đó là dành cho cậu thiếu niên, cho Raoul.
Và d'Artagnan nhìn Arthos với một nụ cười gượng.
- Bạn ơi, cậu đã đoán ra! - Arthos nói.
- Và cậu thiếu niên đó là khách, là con nuôi hoặc bà con họ hàng gì chăng? A! Anh đã thay đổi nhiều đấy, Arthos, thân mến?
- D'Artagnan thân mến ơi, - Arthos bình thản đáp, - cậu thiếu niên ấy là một đứa trẻ mồ côi mà mẹ nó đã bỏ rơi tại nhà một vị linh mục xã khốn khổ; tôi đã nuôi nấng dạy dỗ nó.
- Chắc nó mến anh lắm nhỉ?
- Tôi nghĩ rằng nó yêu quý tôi như cha đẻ.
- Nhất là rất hàm ơn phải không?
- Ồ, về chuyện ân huệ, - Arthos nói, - thì đều như nhau thôi, tôi hàm ơn nó cũng bằng nó hàm ơn tôi; tôi không nói điều ấy với nó, nhưng tôi nói với cậu, d'Artagnan ạ, tôi vẫn là người mang ơn nó.
- Thế là thế nào? - Chàng ngự lâm ngạc nhiên.
- Ôi lạy Chúa! Đúng như vậy. Chính nó đã tạo cho tôi sự đổi thay mà cậu đã thấy đấy. Tôi khô héo như một cái cây lẻ loi chẳng bám tí nào vào đất, chỉ có một tình thân thương sâu sắc mới có thể khiến tôi bám rễ vào cuộc đời. Một cô nhân tình ư? Tôi quá già rồi. Cho nên thằng bé ấy đã giúp tôi tìm thấy lại tất cả những gì đã mất.
- Tôi đã không còn can đảm để sống cho tôi, tôi đã sống vì nó. Những bài học cho một đứa trẻ thì có quá nhiều rồi, tấm gương thì tốt hơn.
- Tôi đã cho nó một tấm gương, d'Artagnan ạ. Nhưng ở cái tuổi suy tàn này mình vẫn phải làm hết sức để cho Raoul trở thành một người quý tộc hoàn hảo nhất.
D'Artagnan nhìn Arthos lòng càng thêm kính phục. Họ đi dạo trong một vòm cây râm mát lấp lánh những tia nắng lọt xiên của mặt trời tà. Một tia nắng vàng chiếu sáng gương mặt Arthos và cặp mắt anh như phản chiếu lại ngọn lửa ấm áp và yên ả của trời chiều mà chúng đã thu nhận.
Ý nghĩ về Milady(1) chợt đến với d'Artagnan. Anh hỏi:
- Và anh hạnh phúc chứ?
Con mắt cảnh giác của Arthos xuyên sâu đến tận đáy lòng d'Artagnan và như đọc được cả ý nghĩ của bạn. Anh nói:
- Cũng hạnh phúc như một tạo vật của Chúa được phép hạnh phúc ở trên cõi trần này. Nhưng này, d'Artagnan, cậu hãy nói trọn ý nghĩ của cậu đi, vì cậu chưa nói hết.
- Anh thật là kinh khủng, Arthos ạ, và chẳng ai giấu được điều gì.
- Thế thì tôi xin hỏi xem có khi nào anh cảm thấy những cơn nguy hiểm bất ngờ giống như…
- Như những niềm hối hận à? - Arthos tiếp lời - Tôi nói nốt câu của cậu. Đúng và không đúng, tôi chẳng hối hận, vì người đàn bà ấy tôi nghĩ là xứng đáng với hình phạt đã chịu, tôi chẳng hối hận vì nếu như chúng ta để cho nó sống chắc hẳn nó vẫn tiếp tục công cuộc phá hoại, nhưng bạn ơi, điều đó không có nghĩa là tôi có niềm tin rằng chúng ta có quyền làm cái việc chúng ta đã làm. Có lẽ máu nào đổ ra cũng đòi hỏi sự đền tội, cô ta đã đền tội của mình rồi, có thế rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ phải đền tội.
- Arthos ạ, đôi khi tôi cũng nghĩ như anh đấy, - D'Artagnan nói.
- Người đàn bà có một thằng con trai phải không?
- Phải.
- Cậu có nghe nói đến nó bao giờ không?
- Không.
- Nó cũng phải hai mươi ba tuổi rồi. - Arthos lẩm bẩm, tôi thường nghĩ đến người thanh niên ấy, d'Artagnan ạ.
- Lạ nhỉ, tôi thì quên hẳn!
Arthos mỉm cười buồn bã.
- Thế Lord de Winter(2) cậu có được tin tức gì về ông ấy không?
- Tôi biết ông ta được vua Charles đệ nhất(3) rất là sủng ái.
- Ông vua ấy đã đi theo số phận của mình lúc này cũng chẳng ra gì. D'Artagnan này, - Arthos nói tiếp.
- Chuyện ấy trở lại điều mà tôi đã nói với cậu ban nãy.
- Ông ta đã làm đổ máu Straffort, máu kêu trả máu. Thế còn hoàng hậu?
- Hoàng hậu nào?
- Bà Henriette Anh quốc, con gái vua Henri IV ấy.
- Bà ta đang ở cung Louvre, anh biết đấy.
- Phải, ở đấy bà ta thiếu đủ thứ, phải không? Trong những ngày giá rét nhất của mùa đông này, người ta nói là con gái bà ta ốm cứ phải nằm suốt, vì không có củi sưởi? Cậu có hiểu điều đó không? - Arthos nhún vai nói. - Con gái của vua Henri IV rét run lên vì thiếu củi! Tại sao bà không đến xin trú ngụ ở nhà bất kỳ ai trong chúng ta, mà lại đi cầu xin cái lão Mazarin? Bà ta phải được đầy đủ chứ?
- Anh có biết bà ấy à, Arthos?
- Không, nhưng mẹ tôi có thấy bà ta hồi nhỏ. Tôi đã chẳng nói với cậu rằng mẹ tôi là cung nữ của hoàng hậu Marie de Médicis là gì?
- Đâu nào, Arthos, anh có nói những chuyện ấy bao giờ đâu.
- A! Lạy Chúa, có chứ, cậu thấy đấy, - Arthos nói, nhưng cũng phải có dịp chứ.
- Porthos có lẽ chẳng kiên nhẫn chờ đợi như thế đâu, - D'Artagnan cười, nói.
- Mỗi người một tánh ý, d'Artagnan thân mến ạ. Mặc dầu một chút huênh hoang, Porthos có những đức tính rất tốt. Cậu có gặp lại anh ta không?
- Tôi mới chia tay cách đây năm ngày.
Rồi với cái hào hứng mang tính Gascogne, d'Artagnan kể lại tất cả những sự xa hoa tráng lệ của Porthos ở lâu đài Pierrefonds; và vừa công kích bạn mình, anh vừa bắn vài ba mũi tên vào cái ông Mouston trứ danh ấy.
Mỉm cười với cái nét mặt vui vẻ gợi nhớ những ngày xa xưa, Arthos nói:
- Tôi rất thú vị là hồi xưa tình cờ chúng ta đã lập nên một hội những người bạn bè đến nay vẫn còn gắn bó chặt chẽ với nhau, mặc dầu đã hai mươi năm xa cách. D'Artagnan này, tình bạn bắt rễ thật sâu trong những trái tim chân thật; cậu tin lời tôi chỉ có những kẻ độc ác mới phủ nhận tình bạn, vì họ chẳng hiểu gì về nó cả. Thế còn Aramis?
- Tôi cũng đã gặp, - D'Artagnan đáp, - nhưng cậu ta tỏ vẻ lạnh nhạt với tôi.
- A, cậu đã gặp Aramis, - Arthos vừa nói vừa nhìn d'Artagnan, vẻ dò xét - Bạn thân mến ơi, thì ra là một cuộc hành hương thật sự mà cậu tổ chức đến ngôi đền của Tình bạn như các nhà thơ có thể nói.
- Phải đấy, - D'Artagnan lúng túng đáp.
- Cậu biết đấy - Arthos nói tiếp, - Aramis vốn tính lạnh lùng, với lại cậu ta luôn luôn bận rộn về những chuyện đàn bà.
- Tôi tin rằng hiện giờ cậu ta đang mắc vào một chuyện đàn bà hết sức phức tạp.
Arthos không đáp.
"Anh ta không tò mò", d'Artagnan nghĩ.
Không những Arthos không đáp, mà anh còn lái sang chuyện khác. Anh tỏ rõ cho d'Artagnan thấy là đã về gần đến lâu đài và nói:
- Cậu thấy đấy trong một giờ đồng hồ đi dạo, chúng ta đi gần một vòng quanh lãnh ấp của tôi.
- Mọi thứ ở đây đều mỹ lệ và nhất là mọi thứ đều sực nức hơi hướng nhà quý tộc của nó, - D'Artagnan đáp.
Vừa lúc ấy có tiếng vó ngựa.
- Raoul trở về, - Arthos nói, - chúng ta về xem tình hình cô bé tội nghiệp thế nào?
Quả nhiên cậu thiếu niên xuất hiện ở cổng rào và đi vào trong sân, người phủ đầy bụi, rồi nhảy xuống đất, trao ngựa cho người chăn. Cậu đến chào bá tước và vị khách.
Arthos đặt tay lên vai d'Artagnan và nói:
- Ông đây là hiệp sĩ d'Artagnan mà anh vẫn thường nghe tôi nói đến đấy, Raoul ạ.
Raoul lại cúi chào cung kính hơn và nói:
- Ông bá tước đã nói đến tên ông trước mặt tôi như một tấm gương mỗi lần ông muốn dẫn chứng về một người quý tộc gan dạ và hào hiệp.
Lối khen tụng nho nhỏ ấy chẳng khỏi làm d'Artagnan cảm động, anh thấy lòng mình nhẹ nhàng xao xuyến. Anh giơ bàn tay cho Raoul mà bảo:
- Anh bạn trẻ của tôi ơi, tất cả những lời người ta khen ngợi tôi phải trở về với ông bá tước đây, bởi vì ông đã giáo dục tôi mọi điều, và chẳng phải lỗi tại ông nếu như người học trò không biết lợi dụng đầy đủ. Nhưng ông sẽ bù đắp ở anh, tôi chắc chắn như vậy. Raoul, tôi thích phong thái của anh, thái độ lịch sự của anh đã làm tôi cảm kích.
Arthos mừng rỡ hơn người ta tưởng. Anh nhìn d'Artagnan vẻ biết ơn, rồi mỉm cười với Raoul - một nụ cười kỳ lạ mà trẻ con lấy làm hãnh diện khi nhận được.
Cái trò kịch câm ấy không thoát khỏi cặp mắt d'Artagnan và anh tự bảo: "Bây giờ thì ta biết chắc như cua gạch rồi…"
- Thế nào! - Arthos nói, - ta hy vọng rằng tai nạn ấy không có hậu quả gì nghiêm trọng.
- Thưa ông, cũng chưa biết thế nào, thầy thuốc chưa thể nói gì do chỗ đau sưng to; tuy nhiên ông ấy cũng lo bị chấn thương ở một chỗ gân nào đó.
- Thế anh không nấn ná lại lâu hơn ở nhà bà Saint-Remy à?
- Tôi sợ về trễ giờ ăn, - Raoul đáp - như vậy sẽ để ông phải chờ đợi.
Vừa lúc ấy một thằng nhỏ nửa nông dân, nửa người hầu đến thưa là bữa ăn đã dọn ra.
Arthos dẫn khách vào một phòng ăn giản dị, nhưng cửa sổ một phía mở ra vườn và một phía mở ra một nhà kính trồng hoa rực rỡ.
D'Artagnan đưa mắt nhìn bộ đồ ăn: bát đĩa đẹp thật, trông rõ là đồ bạc cổ của gia đình. Trên tủ dựng bát đĩa là một bình dựng nước bằng bạc lộng lẫy, d'Artagnan ngắm mãi.
- Ô! Làm thánh thật! - Anh nói.
- Phải, - Arthos đáp, - đó là một tác phẩm lớn của một nghệ sĩ florintin tên là Benvenuto Cellini
- Thế còn trận chạm trán đó là trận gì?
- Trận Marignan . Đó là lúc một vị tổ tiên của tôi đưa kiếm cho vua Françoise đệ nhất vì kiếm của ngài vừa bị gẫy. Nhờ dịp ấy mà Enguerrand de La Fère, ông tổ của tôi được tặng huân chương Saint-Michel. Ngoài ra mười lăm năm sau nhà vua không quên đã chiến đấu ba tiếng đồng hồ nữa bằng thanh kiếm của ông bạn Enguerrand mà kiếm không gãy, cho nên đã tặng cho ông cái bình kia và một thanh kiếm mà có lẽ hồi xưa cậu đã trông thấy ở nhà tôi, và nó cũng là một đồ kim hoàn rất đẹp đấy. Đó là thời của những người khổng lồ, Arthos nói. - Chúng ta đây, chúng ta là những thằng lùn bên cạnh những con người đó. D'Artagnan ta ngồi xuống và ăn đi. Tiện đây, - Arthos bảo thằng nhỏ vừa đưa món xúp ra, - gọi bác Charlot đến.
Thằng nhỏ đi ra và một lát sau bác đầy tớ mà hai người khách đã hỏi lúc mới đến đây bước vào.
- Bác Charlot thân mến ơi, tôi dặn riêng bác về Planchet, người hầu của ông d'Artagnan, trong suốt thời gian anh ta ở đây: Anh ta thích rượu vang ngon, mà bác thì có chìa khoá hầm rượu đấy. Lâu nay anh ta ngủ trên ván cứng hẳn không chê một cái giường êm ái. Tôi mong bác hãy chăm lo đến việc ấy nhé.
Charlot cúi mình và đi ra.
- Charlot cũng là một người trung hậu; - bá tước nói, bác ấy giúp việc tôi mười tám năm rồi.
- Anh nghĩ đến mọi việc, - D'Artagnan nói, - và tôi xin cảm ơn anh về Planchet, Arthos thân mến.
Cậu thiếu niên trợn tròn mắt khi nghe tên ấy và nhìn xem có đúng là d'Artagnan nói với bá tước không.
- Cái tên ấy có vẻ kỳ lạ đối với anh phải không, Raoul? - Arthos cười nói - đó là biệt danh của tôi trong quân, ngũ khi ông d'Artagnan cùng với hai người bạn dũng cảm và tôi, chúng tôi lập những chiến tích ở thành La Rochelle dưới thời ông cố giáo chủ và ông De Bassompierre, ông này sau cũng chết rồi. Ông d'Artagnan chiếu cố giữ cho tôi cái tên bè bạn ấy và mỗi lần nghe nói đến lòng tôi rất hân hoan.
- Cái tên lừng lẫy lắm đấy, - D'Artagnan nói, - và một hôm nó đã mang vinh dự khái hoàn.
- Thưa ông, thế là thế nào ạ. - Raoul hỏi, vẻ tò mò một cách ngây thơ.
- Thật tình tôi chẳng biết gì cả, - Arthos nói.
- Anh đã quên cái đồn Saint-Gervais và tấm khăn ăn mà ba vết dạn đã làm nên lá cờ. Trí nhớ tôi tốt hơn của anh, tôi vẫn còn nhớ và tôi sẽ kể cho chàng trai này nghe.
Và anh kể lại tất cả câu chuyện về cái đồn cũng như Arthos đã kể cho anh nghe câu chuyện về ông cụ tổ.
Nghe chuyện, chàng thiếu niên thấy như đang diễn ra một trong những chuyện binh đao do Tasse ou l'Arioste kể và nó thuộc về nhưng thời hiệp sĩ thần kỳ.
- Nhưng Raoul này, - Arthos nói, - có điều d'Artagnan không nói cho anh nghe ông ấy là một trong những tay kiếm cự phách nhất của thời ấy; bắp chân sắt, cổ tay thép, ánh mắt tinh xác và cái nhìn nảy lửa đấy lả cái mà ông phô ra với địch thủ. Ông ấy mười tám tuổi, hơn anh có ba tuổi Raoul ạ, khi tôi thấy ông ấy đã xuất trận lần dầu tiên và đấu với những người đã được thử thách.
- Và ông d'Artagnan là người chiến thắng chứ? - Chàng thiếu niên nói, mắt long lanh trong suốt câu chuyện ấy và như muốn hỏi thêm những tình tiết.
- Tôi cho là đã giết chết một tên? - D'Artagnan vừa nói vừa đưa mắt hỏi Arthos. - Còn tên nữa, tôi đã tước vũ khí hoặc đánh bị thương, tôi không nhớ nữa.
- Phải, cậu đánh nó bị thương. Ô, cậu là một võ sĩ ghê gớm.
- Này, thế mà tôi cũng chưa mất mát lắm đâu, - D'Artagnan nói tiếp với một nụ cười Gascogne đầy tự mãn, - ngay gần đây thôi.
Thấy Arthos đưa mắt nhìn anh im bặt.
- Raoul này, - Arthos nói, - anh thường tự cho mình là một tay kiếm giỏi và tự phụ có thể một ngày nào đó chịu một nỗi thất vọng tàn nhẫn. Tôi muốn anh hiểu rằng người nào kết hợp được tính bình tĩnh với tài lanh lẹn khôn khéo thì thật là nguy hiểm, vì không bao giờ tôi có thể giới thiệu với anh một thí dụ hiển nhiên hơn: nếu ông d'Artagnan không mệt, anh hãy xin với ông, ngày mai cho anh một bài học.
- Ơ kìa, Arthos thân mến, chính anh là một ông thầy giỏi, nhất là về mặt những phẩm chất mà anh khoe về tôi. Này, mới sớm nay thôi, Planchet nói với tôi về trận đấu kiếm trứ danh ở trong sân tu viện Carmes với Lord de Winter và đồng bọn. A! Chàng trẻ này, - D'Artagnan nói tiếp, - có một tay kiếm đâu đây mà tôi vẫn thường gọi là đệ nhất của vương quốc đấy.
- Ồ tôi đã làm hư bàn tay mình với thằng nhỏ này đấy - Arthos nói.
- Có những bàn tay không bao giờ hư đâu, Arthos thân mến ạ, - D'Artagnan nói, - nhưng làm hư rất nhiều những bàn tay khác.
Cậu thiếu niên muốn cuộc chuyện trò kéo dài suốt cả đêm, nhưng Arthos đã nhắc rằng vị khách ắt là mệt và cần nghỉ ngơi.
D'Artagnan chối từ vì lịch sự, nhưng Arthos ép anh về phòng dành cho anh. Raoul dẫn khách đến đó. Và do Arthos đoán rằng Raoul có thể sẽ nấn ná thật muộn bên d'Artagnan để bắt anh kể tất cá những chuyện dũng lược thời trai trẻ của họ, một lát sau anh tự đến tìm và kết thúc buổi tối tốt lành ấy bằng một cái bắt tay rất thân mật và lời chúc chàng ngự lâm quân ngủ ngon.
Chú thích:
(1) Milady, trong tập truyện trước đã từng là vợ của Arthos, sau trở thành gián điệp nguy hiểm của Richelieu, cuối cùng bị các chàng ngự lâm quân giết.
(2) Anh chồng của Milady.
(3) Charles I (1610-1649), vua các nước Anh, Scot và Ireland. Đi theo con đường độc tài chuyên chế nên vấp phải sự chống đối mạnh mẽ đưa đến nội chiến. Bị bại trận rồi bị nộp cho quân của Cromwell, sao đó bị xử chém.


Nguồn: http://vnthuquan.net/