Mạt cưa – mướp đắng
Aramis nói:
- D'Artagnan, cậu nghĩ gì thế, và điều gì đã khiến cậu mỉm cười vậy?
- Bạn thân mến ơi, tôi nghĩ rằng khi cậu còn là lính ngự lâm cậu luôn luôn hướng về tu viện trưởng, con bây giờ đã là tu viện trưởng, hình như cậu lại hướng mạnh về ngự lâm quân.
- Đúng thế, - Aramis cười nói, - D'Artagnan ạ cậu biết đấy người là một sinh vật toàn những mâu thuẫn. Từ khi tôi là tu viện trưởng, tôi chỉ mơ toàn những trận mạc.
- Điều ấy thấy rõ qua đồ đạc bày biện của cậu: cậu có kia những thanh trường kiếm đủ các dạng và cho những thị hiếu khó tính nhất. Cậu chơi kiếm vẫn tốt chứ?
- Tôi ấy à, tôi chơi tốt như cậu ngày xưa, và còn tốt hơn là khác. Suốt ngày tôi chỉ tập kiếm, thôi mà.
- Với ai?
- Với một thầy dạy kiếm tuyệt diệu mà bọn tôi có ngay ở đây.
- Sao, ở đây à?
- Phải, ở đây, ngay trong tu viện này, bạn thân mến ạ. Có đủ mọi thứ ở trong tu viện Jésuites.
- Thế có lẽ cậu giết đức ông de Marcillac, nếu ông ta đến một mình tấn công cậu, chứ không phải là cậu đấu với hai chục người.
- Hoàn toàn đúng, kể cả trường hợp hắn cầm đầu cả hai chục người, nếu như tôi kịp rút gươm ra mà không bị phát hiện.
- Xin Chúa xá tội, - D'Artagnan nói rất khẽ, - mình thấy cậu trở thành Gascogne(1) hơn cả mình. - Rồi cao giọng - Này Aramis thân mến, cậu hỏi vì sao tôi đến tìm cậu ư?
- Không, tôi không hỏi cậu, - Aramis nói với vẻ ranh mãnh, - tôi đợi cậu đến nói điều đó.
- Vậy thì, tôi đến tìm cậu chỉ độc có mỗi chuyện là để hiến cậu một cách giết chết ông de Marcillac, khi nào cậu thích, dù ông ta có là ông hoàng chăng nữa?
- Này, này, này, - Aramis nói, - đó cũng là một ý kiến hay đấy…
- Mà tôi mới cậu lợi dụng nó, anh bạn thân mến ạ. Nhưng này, với cái chức tu viện trưởng được một nghìn êquy và mười hai nghìn livres mà cậu kiếm được do bán các bài thuyết pháp, cậu có giàu có không? Cậu hãy trả lời thành thật đi.
- Tôi ấy à? Tôi nghèo xác xơ như thánh Job, và moi cả túi lẫn hòm ra, tôi chắc cậu cũng không thấy nổi một trăm pistol ở đây.
D'Artagnan tự nhẩm thầm: Ghê chưa! Một trăm pistol hắn gọi như thế là nghèo xác như một thánh Job! Nếu như lúc nào mình cũng có được một số tiền như thế, mình sẽ thấy mình giàu sụ như Crésus. Rồi anh nói to:
- Cậu có tham vọng không?
- Như Enceladet(3)?
- Vậy thì, bạn ơi, tôi mang đến cho cậu cái thứ để cậu trở nên giàu có, hùng mạnh, và tự do làm bất cứ điều gì cậu muốn.
Một bóng mây thoáng qua trên trán Aramis nhanh như bóng mây trôi qua cánh đồng lúa tháng Tám, nhưng nhanh đến mấy, d'Artagnan vẫn nhận thấy.
- Cậu nói đi. - Aramis bảo.
- Thêm một câu hỏi trước đã. Cậu có làm chính trị không?
Một tia chóp lóe lên trong đôi mắt Aramis cũng nhanh như bóng mây đã lướt qua trán anh, nhưng nhanh đến mấy cũng không lọt khỏi mắt d'Artagnan.
- Không. - Aramis đáp.
- Thế mọi điều tôi đề ra đều hợp với cậu, bởi vì lúc này cậu không có chủ nào ngoài Thượng đế, - chàng Gascon cười nói.
- Có thể lắm.
- Aramis thân mến ơi, có khi nào cậu nhớ tới những chuỗi ngày đẹp đẽ thời thanh xuân mà chúng ta đã trải qua trong vui chơi, chè chén và choảng nhau không?
- Có chứ, chắc chắn như vậy, và nhiều lần tôi đã luyến tiếc nó. Đó là một thời sung sướng, delectabile tempus (2).
- Này, bạn ơi, những ngày tươi đẹp ấy có thể sống lại, cái thời sung sướng ấy có thể lại đến? Tôi lĩnh sứ mệnh đi tìm các bạn đồng đội của tôi, và tôi muốn bắt đầu từ cậu, cậu là linh hồn của cả đội.
Aramis cúi mình xuống, với vẻ lịch sự hơn là thân ái. Rồi anh nói bằng một giọng như sắp chết và vật mình ra ghế bành.
- Tôi lại tham gia vào chính trị ư? D'Artagnan thân mến ơi, cậu xem tôi đang sống bình thường và thoải mải. Chúng ta đã từng nếm sự vong ân của các vị đại thần, cậu biết đấy!
- Đúng thế, - D'Artagnan nói, - nhưng có thể các đại thần hối hận là đã vong ân.
- Trường hợp ấy lại là chuyện khác. Chà? Nhất tội nhất xá, vạn tội vạn xá. Vả chăng cậu có lý ở một điểm ấy là nếu lòng ham muốn xui chúng ta dây vào công việc quốc gia thì tôi nghĩ cũng đã đến lúc rồi đó.
- Làm thế nào mà cậu biết điều đó, vì cậu có quan tâm đến vấn đề chính trị đâu?
- Ô, lạy Chúa! - Aramis đáp. - Cá nhân tôi không làm chính trị, nhưng tôi sổng trong một thế giới mà người ta làm chính trị. Vừa trau dồi thi ca, vừa đeo đẳng tình ái, tôi kết thân với ông Sarazin là người của ông chủ giáo, vấ với ôngDe Bois - Robert, ông này nếu không là của ông giáo chủ de Richelieu thì không là của ai hoặc là của tất cả thiên hạ, tuỳ ý cậu, thành thử ra phong trào chính trị tôi không quên bẵng hẳn.
- Tôi hoài nghi đấy, - D'Artagnan nói.
- Hơn nữa, anh bạn thân mến ơi, - Aramis nói tiểp, - cậu chớ coi những điều tôi sắp nói với cậu là lời của một gã thầy tu ở ẩn, một kẻ nói như một tiếng vang, nhắc lại thuần tuý và đơn giản cái gì mà hắn nghe thấy. Tôi nghe nói trong lúc này giáo chủ Mazarin đang lo sốt vó về cung cách biểu diễn các vấn đề. Dường như ông ta không có được trong sự chỉ huy của mình tất cả niềm kính trọng mà ngày xưa người ta đã tỏ ra đối với ông ngáo ộp cũ - vị cố giáo chủ - mà cậu nhìn thấy chân dung đây này; bởi vì anh bạn ạ, muốn nói gì thì nói, phải thừa nhận rằng đó là một con người vĩ đại.
- Ý tôi không trái ý cậu về điều đó đâu, Aramis thân mến ạ, chính ông ta đã phong tôi làm trung uý.
- Ý kiến ban đầu của tôi là hoàn toàn ủng hộ ông giáo chủ hiện nay. Tôi tự nhủ rằng một vị tể tướng chẳng bao giờ được người ta yêu mến, nhưng với thiên tài mà người ta thừa nhận cho ông này, ông ta cuối cùng sẽ chiến thắng các kẻ thù của ông và làm cho người ta phải sợ hãi mình, điều đó theo tôi có lẽ còn tốt bằng mấy là làm cho người ta yêu mến mình.
D'Artagnan gật đầu, vẻ như muốn nói rằng anh hoàn toàn tán thành cái phương châm đáng ngờ ấy.
- Ỷ kiến ban đầu của tôi là như vậy đấy, - Aramis nói, - nhưng vì tôi dốt đặc cán mai về tất cả những khoa ấy và vì cái tính nhún nhường mà tôi luôn tự nhận đặt ra cho tôi luật lệ là chớ có tin cậy vào sự suy xét của chính mình, cho nên tôi đã được thông tỏ. Vậy thì! Bạn thân mến ạ…
- Vậy thì, - Aramis nói tiếp - tôi cần phải sỉ nhục tính kiêu ngạo của tôi, tôi cần phải thú nhận rằng tôi đã lầm.
- Thật thế ư?
- Phải, tôi đã được thông tỏ, như đã nói với cậu, và đây là câu trả lời của nhiều người khác hẳn nhau về thị hiếu và tham vọng: ông de Mazarin không phải là một người thiên tài như tôi tưởng.
- Chà! - D'Artagnan thốt lên.
- Không. Đó là một con người vô giá trị, trước là người hầu của giáo chủ Bentivoglio, tiến phát bằng âm mưu, một kẻ bạo đạt, một kẻ vô danh, hắn sẽ chỉ làm ở Pháp một con đường đảng phái. Hắn sẽ tích luỹ hàng đống tiền vàng, xoay thả cửa hoa lợi của nhà vua, sẽ chi cho riêng mình tất cả những trợ cấp mà cố giáo chủ de Richelieu chi cho thiên hạ, nhưng hắn sẽ chẳng bao giờ cai trị bằng pháp luật của kẻ mạnh nhất, của người vĩ đại nhất. Ngoài ra hình như vị tể tướng ấy chẳng phải nhà quý tộc cả phong cách lẫn tâm địa. Đó chỉ là một thứ thằng hề, một thứ Pulcinello, một thứ Pantalon (5). Cậu có biết rõ hắn không? Tôi, tôi không biết hắn.
- Hừ! – d'Artagnan nói. - Điều cậu vừa nói cũng đúng một phần nào đấy.
- Chao ôi! Cậu làm cho tôi hãnh diện quá, bạn thân mến ạ, nhờ chút thông tuệ tầm thường mà tôi vốn có, tôi có thể tương ngộ với một người như cậu đang sống ở triều đình.
- Nhưng cậu chỉ mới nói với tôi về cá nhân ông giáo chủ chứ chưa nói về phe phái và những nguồn lực lượng của ông ta.
- Đúng đấy. Ông ta có hoàng hậu theo ông ta.
- Tôi thấy đó là một cái gì đáng kể đấy.
- Nhưng ông ta không có được nhà vua.
- Một đứa bé ấy mà!
- Một đứa bé sẽ trưởng thành trong bốn năm.
- Nói hiện tại ấy chứ!
- Ừ, thì chưa phải tương lai, ngay hiện tại, ông ta không có cả nghị viện lẫn dân chúng, nghĩa là tiền bạc; ông ta không có cả giới quý tộc lẫn các vị hoàng thân, nghĩa là thanh gươm.
D'Artagnan gãi tai, anh buộc phải thú nhận rằng điều Aramis suy nghĩ không những nhìn xa trông rộng mà còn đúng đắn nữa.
- Này, anh bạn tội nghiệp của tôi ơi, nếu như tôi vẫn được trời phú cho chút mẫn tiệp thông thường, tôi sẽ nói với cậu rằng có lẽ tôi đã lầm khi nói chuyện với cậu một cách cởi mở như vậy, bởi vì cậu, cậu có vẻ nghiêng về phía Mazarin.
- Tôi ấy à! - D'Artagnan kêu lên. - Tôi ấy à Aramis? Không hề, không một chút nào cả.
- Cậu đã chẳng nói về sứ mệnh là gì?
- Tôi đã nói về sứ mệnh ư? Thế thì tôi nhầm đấy. Tôi tự nhủ với mình giống như cậu nói: kìa xem các công chuyện đang rối rắm cả lên. Vậy thì ta hãy ném chiếc lông chim theo gió, gió cuốn theo chiều nào thì ta đi về đó và chúng ta sống lại cuộc đời phiêu lưu. Chúng ta đã là bốn hiệp sĩ dũng cảm, bốn trái tim thân thương gắn bó; nay ta lại gắn bó không những bốn trái tim chưa hề bao giờ xa cách, mà cả vận hạnh và lòng quả cảm của chúng ta nữa. Thời cơ rất tốt để đoạt lấy một cái gì quý giá hơn cả một báu vật kim cương.
- D'Artagnan ơi, cậu nói chí lý, bao giờ cũng chí lý, mà bằng chứng là tôi có cùng một ýghĩ như cậu, song le đối với tôi là người không có cái tr tưởng tượng sôi nổi và phong phú như cậu, ý nghĩ ấy đã khơi gợi cho tôi rằng: ngày nay tất cả mọi người đều rất cần nhưng phụ tá; người ta đã đưa ra với tôi nhưng đề ghị trong đó toát ra một cái gì đó như những chuyện chọc trời khuấy nước của chúng ta ngày xưa, và tôi xin thẳng thắn thú nhận với cậu là ông chủ giáo đã cho mọi người nói với tôi như vậy.
- Ông de Gondy, kẻ thù của giáo chủ ấy à? - D'Artagnan kêu lên.
- Không, bạn của nhà vua, - Aramis nói, - bạn của nhà vua, cậu hiểu chưa! Này nhé, vấn đề là phụng sự Đức vua, đó là bốn phận của người quý tộc.
Nhưng bạn thân mến ơi, vua lại đi cùng với ông Mazarin.
- Trên thực tế chứ không phải tự nguyện, bề ngoài chứ không phải thật tâm, và đó chính là cái bẫy mà những kẻ thù của vua giăng ra với cậu bé.
- Ra thế! Nhưng đó là một sự thật, là một cuộc nội chiến mà cậu đề xuất với tôi đấy, Aramis thân mến ạ.
- Cuộc chiến tranh vì nhà vua.
- Nhưng nhà vua sẽ đứng đầu quân đội trong đó có Mazarin.
- Nhưng nhà vua sẽ một lòng với quân đội do ông de Beaufort chỉ huy.
- Ông de Beaufort ư? Ông ấy đang bị giam giữ ở Vincennes.
- Tôi đã nói Beaufort à? - Aramis nói, - Ông de Beaufort hoặc một người khác, ông de Beaufort hoặc ngài Hoàng thân(6).
- Nhưng Hoàng thân sắp đi đến quân đội, ông ấy hoàn toàn cùng cánh với ông giáo chủ.
- Hề, hề! - Aramis cười nói. - Họ có cùng nhau bàn luận một số công việc đúng vào lúc này. Nhưng với lại nếu không phải Hoàng thân thì sẽ là ông De Gondy…
- Nhưng ông De Gondy sắp thành giáo chủ rồi, người ta đang xin mũ cho ông ấy.
- Dễ thường không có những ông giáo chủ cực kỳ hiếu chiến đó sao? - Aramis nói. - Cậu thử nhìn quanh xem, bốn ông giáo chủ cầm đầu quân đội cũng ngang tài ông De Guébriant và ông De Gassion.
- Ồ, một ông tướng gù lưng.
- Mặc áo giáp vào thì chẳng ai nhìn thấy cái bướu. Hơn nữa, cậu hãy nhớ rằng Alexandre thọt chân và Annibal thì chột mắt.
- Cậu thấy có những lợi thế gì lớn trong phe phái ấy? - D'Artagnan hỏi.
- Tôi thấy có sự che chở của những ông hoàng mạnh thế.
- Với sự cấm chỉ của chính phủ.
- Bị bác bỏ bởi các viện và những cuộc bạo loạn.
- Tất cả những cái đó có thể làm được, như cậu nói, nếu người ta thực hiện việc tách rời nhà vua khỏi mẹ.
- Có thể sẽ đạt được.
- Không bao giờ, - D'Artagnan kêu lên, lần này anh trở lại niềm tin của mình. - Aramis bạn ạ, tôi xin hỏi cậu, cậu là người hiểu biết Anne d'Autriche cũng rõ như tôi. Có bao giờ cậu tin hoàng hậu lại có thể quên rằng con trai bà là sự an toàn, là bảo chứng, là vị thủ thần của bà, của tài sản và cuộc đời bà không? Phải làm sao cho bà cùng với con bỏ Mazarin mà đi sang phía hoàng thân, nhưng cậu biết rõ hơn ai hết là có đâu những lý do mạnh mẽ để bà chẳng bao giờ bỏ ông ta đâu.
- Có thể cậu nói đúng, - Aramis trầm ngâm nói, - vì thế tôi sẽ không giao ước.
- Với họ, - D'Artagnan nói, - nhưng còn với tôi.
Không với ai hết. Tôi là linh mục, làm chính trị để làm gì! Tôi không đọc một quyển sách kinh nào hết; tôi có một đám bạn bè nho nhỏ, mấy thằng cha tu viện trưởng hóm hỉnh và mấy phụ nữ kiều diễm; các công chuyện càng rối ren thì các vụ lẻn chơi càng ít bị tai tiếng; tôi chẳng cần dây vào những vụ kia mà mọi sự vẫn tuyệt diệu; này bạn thân mến ơi, dứt khoát ta sẽ không dây vào nữa đâu.
- Này, bạn thân mến ơi. - D'Artagnan nói. - Thì cái triết lý của cậu làm tôi xiêu lòng, xin thề đấy, và chẳng biết cái con mòng tham vọng quỷ quái nào đã châm đốt tôi thế nhỉ? Tôi có một khoản trợ cấp đủ sống, ông de Treville tội nghiệp ấy già yếu rồi, khi nào ông chết tôi có thể trở thành đại uý; đó là một chiếc gậy thống chế cực oai đối với một thiếu sinh Gascogne và tôi cảm thấy mình gắn bó với cương vị của chiếc bánh đạm bạc nhưng là bữa hàng ngày. Đáng lẽ chạy theo những cuộc phiêu lưu, ôi dào? Tôi sẽ nhận lời mời của Porthos, sẽ đi săn trong vùng đất đai của cậu ấy, cậu biết rằng Porthos có đất đai chứ?
- Sao lại không? Tôi biết chứ. Mười dặm rừng, đầm lầy với thung lũng; cậu ấy là lãnh chúa của núi non và vùng đồng bằng, và cậu ta đang kiện cáo linh mục Noyon về những quyền thái ấp.
"Tốt - D'Artagnan tự nhủ, - đó là điều ta cần biết; Porthos ở vùng Picardi".
Rồi anh nói to:
- Và cậu ta đã lấy lại cái tên cũ Du Vallon rồi chứ?
- Còn thêm vào đó tên Bracieux, một khoảnh đất đã được phong nam tước, nói thật đấy!
- Thành thử chúng ta sẽ thấy Porthos là nam tước.
- Tôi không hoài nghi. Bà nam tước Porthos thật tuyệt vời!
Hai người bạn cùng bật cười.
- Như vậy là, - D'Artagnan nói tiếp, - cậu không muốn sang với Mazarin?
- Cậu cũng không muốn sang với các hoàng thân?
- Không. Chúng ta chẳng sang với ai cả, và chúng ta vẫn là bạn, chúng ta sẽ chẳng phải là phe giáo chủ, cũng chẳng là người Fronde.
- Phải đấy, - Aramis nói. - Chúng ta là ngự lâm quân.
- Với cả chiếc áo thầy dòng. - D'Artagnan nói.
- Nhất là với chiếc áo thầy dòng! - Aramis kêu lên. - Có thế mới duyên dáng.
- Vậy thì xin từ biệt nhé, - D'Artagnan nói.
- Tôi không dám giữ cậu, bạn thân mến ạ, vi tôi không biết sẽ để cậu nằm ở đâu, mà tôi không thể thất thố mời cậu chia sẻ một nửa cái nhà kho với Planchet được - Với lại đây cách Paris không đầy ba dặm; ngựa nghẽo nghỉ ngơi rồi, và chỉ độ non một tiếng đồng hồ là tôi sẽ về đến nhà.
- Và d'Artagnan rót cho mình một cốc rượu vang cuối cùng.
Chúc mừng thời xưa của chúng ta. " Anh nói.
- Đồng ý, - Aramis nói, tiếc thay đó là một thời đã qua "fugit irreparabile tempus…"(7)
- Ô hay, - D'Artagnan nói. - Có thể trở lại. Dù sao, nếu cậu cần đến tôi, xin cứ đến phố Ticơton, khách sạn "Con dê cái nhỏ".
- Còn tôi, ở tu viện thày dòng Jésuites: từ sáu giờ sáng đến tám giờ tối qua lối cửa chính, từ tám giờ tối đến sảu giờ sáng, qua lổi cửa sổ.
- Từ biệt bạn thân mến.
- Ồ! Tôi không từ giã cậu như vậy, để tôi đưa cậu đi.
Và Aramis lấy gươm và áo choàng.
D'Artagnan tự nhủ thầm: "Cậu ấy muốn chắc chắn là ta đi thật".
Aramis huýt sáo gọi Bazin, nhưng Bazin ngủ ở tiền sảnh trên đống thức ăn thừa của buổi tối, và Aramis buộc phải lắc tai bác để đánh thức dậy.
Bazin dang tay ra, dụi mắt và định ngủ tiếp.
- Này, này, ông trạng ngủ, lấy thang ra mau lên.
Bazin vừa ngáp đến trật quai hàm vừa nói:
- Cái thang vẫn để ở cửa sổ.
- Cái khác vậy, cái thang của bác làm vườn ấy, bác không thấy là d'Artagnan lên thang đã khó, xuống thang còn khó hơn ấy à?
D'Artagnan sắp bảo Aramis rằng anh xuống rất thạo thì một ý nghĩ chợt đến làm anh im bặt.
Bazin thở dài đánh thượt một cái và ra đi tìm thang. Lát sau, một cái thang gỗ tốt và chắc chắn đã được đặt dựa vào cửa sổ.
- Thế chứ, - D'Artagnan nói - cái gọi là một phương tiện giao thông? Một phụ nữ có lẽ trèo được một cái thang như thế này đấy nhỉ.
Một cái nhìn sắc như dao của Aramis như muốn tìm kiếm ý nghĩ của bạn mình thấu tận đến đáy lòng, nhưng d'Artagnan chịu đựng cái nhìn ấy với vẻ thật thà tuyệt diệu.
Vả lại vừa lúc ấy anh đặt chân lên bậc thang đầu tiên và bước xuống.
Lát sau anh tới đất. Còn Bazin đứng ở cửa sổ.
Aramis bảo bác:
- Cứ ở đấy, tôi về ngay.
Hai người lần đến nhà kho, gần tới nơi thấy Planchet đi ra dắt theo hai con ngựa.
- Vừa hay - Aramis nói, thật là một tên hầu năng nổ và chu đáo, chẳng như cái gã lười Bazin, không còn được tích sự gì khi là người nhà thờ. Planchet, đi theo chúng tôi, chúng ta vừa đi vừa trò chuyện đến tận đầu làng.
Quả vậy, hai người đi qua suốt làng, nói những chuyện bâng quơ rồi khi đến mấy ngôi nhà cuối cùng, Aramis nói:
- Thôi, đi nhé, bạn thân mến, cứ theo cái nghề của cậu, vận may đang cười với cậu đấy, đừng có để vuột mất; nên nhớ rằng vận may là một cô gái giang hồ và nên đối xử cho thích hợp; còn về phần tôi, tôi an phận trong cảnh hèn mọn vả trong tính lười nhác của tôi, xin vĩnh biệt!
- Thế là dứt khoát hẳn đấy à!- D'Artagnan nói. - Điều tôi đề nghị với cậu không hợp ý cậu ư?
- Trái lại, rât hợp ý tôi. - Aramis nói, - nếu như tôi là một người giống như người khác. Nhưng, tôi xin nhắc lại, thật ra tôi là một hỗn hợp những mâu thuẫn: điều hôm nay tôi ghét, ngày mai tôi sẽ tôn thờ và vice versa(8). Cậu thấy rõ tôi không thể hứa hẹn như cậu chẳng hạn, với những ý nghĩ định đoạt hẳn hoi.
"Tào lao, đồ thâm hiểm, - D'Artagnan tự nhủ thầm, - trái lại mi là người duy nhất biết chọn lấy một mục đích và đi tới đó một cách thầm lặng"
- Thôi, vĩnh biệt nhé, bạn thân mến, - Aramis nói, - và cảm ơn về nhưng ý đồ tuyệt diệu của cậu, và nhất là về những kỷ niệm tốt đẹp mà sự hiện diện của cậu đã làm thức tỉnh trong tôi.
Họ ôm hôn nhau. Planchet đã lên ngựa. D'Artagnan trèo lên yên, rồi họ còn siết tay nhau lần nữa. Hai kỵ sĩ thúc ngựa và rời xa về phía Paris.
Aramis vẫn đứng yên lặng giữa lòng đường cho đến lúc hai người mất hút.
Nhưng đi được độ hai trăm bước, d'Artagnan dừng phắt lại, nhẩy xuống đất, ném cương ngựa vào tay Planchet, rồi lấy mấy khẩu súng ngắn ở bao yên ngựa giắt vào thắt lưng mình.
- Ông ơi, ông làm gì thế? - Planchet hốt hoảng nói.
- Dù cho hắn có xảo quyệt đến mấy đi nữa, - d'Artagnan nói, - tôi cũng làm cho người ta không thể bảo rằng tôi đã mắc lừa hắn. Cậu ở đây và chớ có động đậy; nhưng cậu hãy nép xuống vệ đường và đợi tôi nhé
Nói xong d'Artagnan băng mình sang bên kia đường hào chạy men theo đường cái, đâm thẳng qua cánh đồng để vòng quanh làng.
Trước đó anh đã trông thấy một khoảng trống chỉ có một hàng rào che nằm giữa ngôi nhà bà de Longueville và tư viện Jésuites.
Một giờ trước đó có lẽ khó mà tìm lại hàng rào, nhưng trăng vừa mới mọc, và dù rằng chốc chốc lại bị mây che phủ, ngay trong lúc tối tăm, người ta vẫn có thể trông rõ và tìm lại đường đi.
D'Artagnan bèn đi tới hàng rào và nấp mình sau đó. Khi đi qua trước ngôi nhà nơi đã xảy ra cuộc xung đột mà chúng tôi đã kể trên, anh nhận ra vẫn cái cửa sổ lúc này lại sáng lên, anh tin rằng Aramis chưa trở về nhà mình, và khi nào trở về, anh sẽ không về một mình.
Quả nhiên, một lát sau anh nghe thấy tiếng những bước chân đi tới gần và hình như có cả tiếng nói chuyện rầm rì.
Tới đầu hàng rào, những bước chân dừng lại.
D'Artagnan quỳ một đầu gối xuống đất, tìm chỗ nào dày nhất để nấp.
Vừa lúc đó hai người đàn ông xuất hiện trước sự kinh ngạc hết sức của d'Artagnan. Nhưng nỗi ngạc nhiên của anh đã tan biến khi nghe thấy một giọng nói dịu dàng, du dương, một trong hai người đàn ông ấy là đàn bà cải trang làm kỵ sĩ.
- Cứ yên tâm, ông René thân yêu của tôi, - giọng dịu dàng nói - Việc như thế sẽ không diễn lại nữa đâu; tôi đã phát hiện ra một đường hầm đi qua dưới mặt đường phố và chúng ta chỉ có việc nhấc một trong những viên đá lật ở ngay trước cửa nhà để mở một lối ra cho ông.
- Ồ thưa bà quận chúa, - một giọng khác cất lên và d'Artagnan nhận ra là của Aramis - tôi xin thề với bà rằng nếu như danh tiếng của chúng ta không phụ thuộc vào tất cả những thứ không đề phòng ấy và tôi chỉ mạo hiểm có tính mạng của tôi thôi…
- Phải, phải, tôi biết, ông dũng cảm và phiêu lưu như một người thuộc xã hội thượng lưu phải thế; nhưng ông không phải chỉ thuộc về một mình tôi đâu, mà ông còn thuộc về tất cả đảng của chúng ta. Vậy ông nên thận trọng, nên khôn ngoan.
- Thưa bà, - Aramis nói, - bao giờ tôi cũng tuân theo khi người ta biết ra lệnh cho tôi bẳng một lệnh ngọt ngào đến thế.
Anh cầm lấy tay bà ta mà hôn âu yếm.
- Ấy? Người kỵ sĩ có giọng dịu dàng kêu lên.
- Sao vậy? - Aramis hỏi.
- Thế ông không trông thấy gió thổi tung mũ của tôi ư?
Và Aramis băng mình theo chiếc mũ bay đi. D'Artagnan lợi dụng hoàn cảnh ấy tìm một chỗ rào thưa thớt để có thể nhận rõ người kỵ sĩ khả nghi. Đúng lúc ấy trăng có lẽ tò mò như viên sĩ quan chui ra khỏi mây và nhờ ánh sáng tọc mạch ấy, d'Artagnan nhận ra cặp mắt to xanh biếc, mớ tóc vàng óng và mái đầu thanh cao của bà công tước De Longueville.
Aramis tươi cười trở lại một cái mũ trên đầu và một cái mũ cầm tay, và cả hai tiếp tục đi về phía tu viện thầy dòng Jésuites.
D'Artagnan vừa đứng lên vừa phủi quần vừa nói: "Hay lắm, bây giờ ta nắm được cu cậu rồi, cu cậu là frondeur và là tình nhân của bà De Longueville".
Chú thích:
(1) Người Gascogne có tính huênh hoang, liều lĩnh.
(2) Crésus - vua xứ Liđi (Tiểu Á) thế kỳ thứ sáu trước Công nguyên, nổi tiếng giàu có, người ta đồn là do khlai thác cát có vàng ở sông Păcton.
(3) Ăngxơiat theo thần thoại Hy Lạp, một trong những người khổng lồ đã công kích núi Ôlempơ nơi trú ngụ của các vị thần.
(4) Thần khoái lạc. (Tiếng La-tinh).
(5) Tên những vai hề và múa rối của sân khấu.
(6) chỉ Hoàng thân de Condé.
(7) Thời gian qua không trở lại (Tiếng La-tinh)
(8) Ngược lại (Tiếng La-tinh).
Chương 12
Ông Porthos Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds
Theo những thông tin lấy ở nơi Aramis, d'Artagnan vốn đã biết rằng Porthos theo tên dòng họ gọi là Vallon, nay - từ tên đất đai nên phải được gọi là De Bracieux và do cái đất đai De Bracieux ấy đang kiện tụng với linh mục Noyon.
Như vậy là d'Artagnan phải đi tìm kiếm đất đai ấy ở quanh vùng Noyon, tức là trên biên giới xứ Ils de France và xứ Picardie.
Hành trình của anh được quyết định nhanh chóng anh sẽ đi đến tận Dammartin nơi tách ra hai con đường, một đi Soissons, một đi Compiègne. Ở do anh sẽ thăm hỏi về vùng đất đai Bracieux và tuỳ theo câu trả lời mà anh sẽ đi thẳng hoặc rẽ về bên trái.
Planchet còn chưa thật yên tâm về sự trốn tránh của mình, tuyên bố rằng anh sẽ đi theo d'Artagnan đến cùng trời cuối đất, dù có đi thẳng hay rẽ sang trái.
Tuy nhiên anh van lơn ông chủ cũ là nên đi vào buổi chiều tối vì đêm tối có nhiều bảo đảm hơn. D'Artagnan bèn bảo anh nên bảo cho vợ anh biết để ít ra cũng giúp chị yên tâm về số phận của chồng mình. Nhưng Planchet tỏ ra rất sáng suốt trả lời rằng anh chắc chắn là vợ anh sẽ không chết vì lo ngại không biết anh đi đâu còn anh vì biết cái miệng của chị mắc bệnh bép xép, nên anh sẽ chết vì lo ngại nếu như chị biết điều đó.
D'Artagnan thấy những lý lẽ ấy là chí lý đến nỗi anh không nài ép thêm, và vào khoảng tám giờ tối, khi sương mù bắt đầu dày đặc trong đường phố, anh khới hành từ quán "Con dê cái nhỏ", theo sau là Planchet ra ngoài kinh đô qua cửa ô Saint-Denis.
Nửa đêm, hai lữ khách đến Dammartin.
Không thể hỏi thăm vì muộn quá rồi. Chủ quán Thiên Nga Chữ Thập đã đi nằm.
Sáng hôm sau anh gọi chủ quán đến. Đó là một trong số những người Normands quỷ quyệt chẳng nói có cũng chẳng nói không và lúc nào cũng tưởng mình bị hớ khi trả lời thẳng vào câu người ta hỏi.
Tuy nhiên, cho rằng mình đã hiểu là phải đi theo con đường thẳng, d'Artagnan lại lên đường theo lời chi dẫn mập mờ ấy. Chín giờ sáng anh đến Nanteuil và dừng ở đó để ăn sáng.
Lần này chủ quán là một người Picard thật thà tốt bụng, lại nhận ra Planchet là người đồng hương, nên anh cần hỏi gì là bác ta chỉ dẫn rất dễ dàng. Lãnh địa Bracieux ở cách Villers-Cotterêts, anh đã hai ba lần đi theo triều đình đến đó, vì hồi ấy đây là một nơi nhà vua ngự. Anh liền đi tới thị trấn ấy và vào cái quán anh thường nghỉ tức là quán Cá Heo Vàng.
Những tin tức thu lượm được ở đây là đáng hài lòng nhất. Anh được biết ấp Bracieux ở cách thị trấn bốn dặm, nhưng không phải tìm Porthos ở đấy. Đúng là Porthos có những chuyện kiện cáo với ông linh mục ở Noyan về khoảnh đất Pierrefonds giáp giới đất của anh, và bực bội rầy rà về cái mớ tố tụng tư pháp mà anh chẳng am hiểu tí gì, để chấm dứt, anh đã mua phăng đất Pierrefonds, thành thử anh đã điền thêm cái tên mới ấy vào những tên cũ của mình. Bây giờ tên anh gọi là Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds và anh ở tại điền sản mới của mình. Không có danh tiếng nào khác, rõ ràng anh đang nhằm danh tiếng của hầu tước de Carabas.
Còn phải đợi đến hôm sau, vì ngựa đã mệt sau một cuốc mười dặm trong ngày. Kể ra cũng có thể lấy ngựa khác, nhưng phải xuyên qua cả một cánh rừng lớn, mà Planchet, ta còn nhớ, chẳng thích thú gì những cánh rừng đêm tối.
Còn một điều nữa Planchet không thích là lên đường khi bụng đói: cho nên khi tỉnh dậy d'Artagnan đã thấy bữa ăn sáng dọn sẵn sàng. Không có cách gì để phàn nàn về một sự chu đáo như vậy, cho nên d'Artagnan ngồi vào bàn chén. Chẳng cần phải nói cũng biết Planchet khi đã nhận lại chức trách cũ thì cũng nhận lại tính khiêm nhường cũ và ăn thừa các thức ăn của d'Artagnan cũng chẳng xấu hổ gì hơn bà De Motteville và bà De Fargis khi dùng các thức ăn thừa của Anne d'Autriche.
Như vậy là không thể khởi hành vào Khoảng tám giờ. Không còn sợ nhầm lẫn, phải theo đường từ V Villers-Cotterêts đi Compiègne và khi ra khỏi rừng thì rẽ bên phải. Buổi sáng mùa xuân đẹp trời, chim hót trên những cây đại cổ thụ, những chùm nắng xuyên qua các khoảnh rừng giống như những tấm màn kim tuyến lóng lánh.
Ở những quãng khác, ánh sáng khó khăn lắm mới lọt qua vòm lá rậm rạp, và mấy chú sóc khi trông thấy người liền thoăn thoắt chuyền dưới những gốc cây sến già vẫn chìm trong bóng tối. Thiên nhiên vào buổi sớm ấy đã toát ra hương thơm ngạt ngào của có cây hoa lá làm khoan khoái lòng người. Chán ngán cái mùi vị uế tạp của Paris, d'Artagnan tự nhủ rằng, khi mang ba cái tên đất đai xuyên tiếp vào nhau như que chả, chắc hắn người ta phải sướng điên trong một thiên đường như thế, rồi anh lắc đầu nói: "Ví phỏng ta là Porthos và d'Artagnan đến nói với ta lời đề nghị mà ta sắp nêu ra với Porthos thì ta chưa biết ta trả lời d'Artagnan như thế nào".
Còn Planchet chẳng hề suy nghĩ gì hết, anh đang để cái dạ dày tiêu hoá.
Ra đến ven rừng, d'Artagnan trông thấy con đường mà người ta đã chỉ dẫn cho và những ngọn tháp của một toà lâu đài lãnh địa đồ sộ nằm tại cuổi đường.
- A, a! - Anh lẩm bẩm. - Hình như toà lâu đài này thuộc về dòng họ Orléans xưa; liệu Porthos có điều đình với quận công De Longueville không?
- Ông ơi, - Planchet nói, - thực tình đây là những đất đai rất tốt; và nếu nó thuộc về ông Porthos thì tôi sẽ chúc mừng ông ấy mới được.
- Gớm nhỉ? - D'Artagnan bảo, - cậu chớ có gọi Porthos, gọi Du Vallon cũng không được, phải gọi ông ấy là de Bracieux hoặc de Pierrefonds. Nếu không cậu sẽ làm hỏng chuyện đi sứ của tôi đấy.
Toà lâu đài thoạt tiên thu hút cặp mắt anh, nhưng đến gần, anh mới hiểu ra là bạn anh không thể ở đấy được, cái tháp mặc dầu vững chắc và trông như mới xây, hở toang hoác như bị mổ bụng. Trông như một người khổng lồ nào đó đã băm chém chúng bằng những nhát rìu. Tới cuối con đường, d'Artagnan thấy mình bao quát một thung lũng kỳ diệu và trông thấy ở dưới đáy thung lũng một mảng hồ xinh đẹp ngủ dưới chân mấy ngôi nhà tản mác đó đây, bình dị, lợp ngói hoặc rơm, chúng như công nhận một lãnh chủ cao nhất một toà lâu đài tráng lệ xây dựng vào khoảng dầu triều vua Henri IV trên nóc có những chong chóng nhà bạo chúa.
Lần này, d'Artagnan không nghi ngờ gì đấy là nơi ở của Porthos. Con đường dẫn thẳng đến toà lâu đài tráng lệ ấy, nó so với ông tổ nó là toà lâu đài trên núi kia cũng tựa như một chàng công tử bột thuộc đảng phái quận công d'Enghien so với một trang hiệp sĩ mình bọc đầy giáp sắt thời vua Charles VIl. D'Artagnan cho ngựa đi nước kiệu và men theo con đường, Planchet điều chỉnh bước đi của ngựa mình theo ngựa ông chủ.
Mười phút sau, đã đến đầu lối đi trồng đều đặn những cây phong đẹp dẫn đến một cổng sắt có những đầu nhọn và thanh ngang đều mạ vàng. Ở giữa con đường có một người kiểu như lãnh chúa vận y phục xanh và vàng như cổng rào, cưỡi trên lưng một con ngựa trận to lrớng. Bên phải và bên trái ông ta là hai tên hầu quần áo thêu những vạch ngang dọc khắp mọi chiều; vô số những nông dân cục mịch xúm xít lại chào ông ta hết sức cung kính.
- A! - D'Artagnan tự bảo. - Phải chăng đấy là ông Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds? Ôi, lạy Chúa! Ông ta đã khép mình nhỏ lại từ khi không còn gọi là Porthos nữa.
- Không thể là ông ấy được, - Planchet đáp lại câu mà d'Artagnan tự nói với mình. - Ông Porthos cao gần sáu bộ, còn ông này chưa đến năm bộ.
Nói xong, d'Artagnan thúc ngựa đến chỗ con ngựa chiến con người danh giá và các tên hầu. Lần lần đi tới gần, anh như nhận ra những nét quen quen của nhân vật ấy.
- Jésus lạy Chúa tôi? - Về phía mình Planchet cũng ngỡ nhận ra người ấy, liền kêu lên - Chẳng lẽ lại có thể là hắn ta?
Nghe tiếng kêu ấy, người cưỡi ngựa chậm rãi quay lại và với một vẻ cao sang, hai lữ khách liền trông thấy đôi mắt ốc nhồi lóe sáng lên hết cỡ, bộ mặt đỏ lửng và nụ cười đến là hùng hồn của Mousqueton.
Quả thật đó là Mousqueton, Mousqueton béo núc ních những mỡ, sụn xuống vì sức khỏe dồi dào, húp híp vì an lạc. Trái với bác Bazin đạo đức giả, khi nhận ra d'Artagnan, Mousqueton tuột từ lưng ngựa xuống đất và ngả thấp mũ tiến đến gần viên sĩ quan, thành thử những sự cung kính của cử tọa quay hẳn một phần tư vòng sang ông mặt trời mới đang che lấp mặt trời cũ.
- Ông d'Artagnan, ông d'Artagnan! - Mousqueton tràn trề hoan hỉ gọi mãi lên trong đôi má phì nộn của mình. - Ông d'Artagnan. Ôi! Vui mừng biết bao cho Đức ông và ông chủ Du Vallon de Bracieux de Pierrefondss của tôi?
- Cái cậu Mousqueton tốt bụng này? Chủ cậu có ở đây chứ.
- Ông đang ở trên lãnh địa của ông ấy.
- Nhưng kìa, cậu thật là bảnh bao, cậu thật là béo tốt, cậu thật là tươi tắn! - D'Artagnan tiếp tục tỉa tót không biết mỏi những đổi thay mà hạnh vận đã mang lại cho cái thằng cha chết đói năm xưa.
- À vâng, ơn Chúa! - Mousqueton nói. - Thưa ông, sức khỏe của tôi cũng kha khá.
- Thế cậu không nói gì với bạn Planchet của cậu đấy ư?
- Với bạn Planchet của tôi! Hoạ chăng là cậu ấy à? - Mousqueton kêu lên, hai tay dang ra và lệ tràn đôi mắt.
- Chính tôi đây, - Planchet vẫn thận trọng nói, - nhưng tôi muốn xem cậu có giở trò kiêu hãnh hay không?
Giở trò kiêu hãnh với một người bạn cố tri! - Không bao giờ! Planchet ạ. Cậu không nghĩ như vậy hoặc là cậu không hiểu Mousqueton.
- Tốt lắm! - Planchet vừa nói vừa xuống ngựa và đến lượt mình giơ tay về phía Mousqueton.
- Cậu chẳng giống như cái thằng chó chết Bazin ấy, hắn đã bỏ mặc tôi hai tiếng đồng hồ trong cái nhà kho chẳng thèm làm bộ nhận ra tôi nữa.
Rồi Planchet và Mousqueton ôm chầm lấy nhau chứa chan tình cảm khiến mọi người đứng đấy đều hết sức xúc động và tưởng rằng Planchet là một lãnh chúa nào đó cải trang và họ càng đánh giá đến mức cao nhất địa vị của Mousqueton.
Khi gỡ mình ra khỏi cái ôm riết của Planchet, anh chàng Mousqueton đã cố gắng vô ích để tiếp giáp hai bàn tay của mình sau lưng bạn, Mousqueton nói:
- Và thưa ông d'Artagnan, bây giờ xin ông cho phép tôi vào, vì tôi không muốn ông chủ tôi hay tin ông đến do người khác báo chứ không phải là tôi, ông chủ sẽ không tha thứ cho tôi về tội lỗi đã để cho người khác vượt lên trước.
- Ông bạn thân mến ấy, - D'Artagnan nói, anh muốn tránh gọi Porthos bằng cả tên cũ lẫn tên mới, - thì ông bạn thân mến ấy vẫn không quên tôi.
- Quên! Ông tôi mà quên? - Mousqueton kêu lên. - Nghĩa là, thưa ông, không có ngày nào chúng tôi không ngong ngóng chờ tin ông được phong làm thống chế, hoặc thay ông De Gatxiông, hoặc thay ông De Batxompie.
D'Artagnan để lớn vởn trên môi mình một trong những nụ cười sầu thảm đã từng sống sỏt ở nơi sâu thăm nhất trong lòng mình qua nỗi thất vọng của những năm tuổi xanh.
- Còn các ông, những tiện dân kia, - Mousqueton nói, hãy ở bên bá tước d'Artagnan và ráng sức cung kính ngài, chờ tôi vào trình với Đức ông về việc ngài đến.
Trong khi Planchet còn lanh lẹn hơn, nhảy lên ngựa một mình thì Mousqueton phải chờ hai người từ tâm giúp để leo lên mình một con ngựa chiến lực lưỡng, và cho ngựa chạy chậm chậm rãi, điều đó chứng tỏ anh chiếu cố cái lưng hơn là những cái căng của con vật bốn chân này.
- Ái chà? Thế là điềm tốt đây! - D'Artagnan nói.
- Ở đây chẳng có gì bí mật, chẳng có gì giấu giếm che đậy, chẳng có chính trị, người ta cười sằng sặc, người ta khóc vì vui mừng tôi chỉ trông thấy những gương mặt rộng một aune (1) thật thế, tôi thấy dường như ngay cả thiên nhiên cũng mở hội, cây cối đáng lẽ phủ lá và hoa thì lại ngợp đầy những dải băng nhỏ xanh xanh hồng hồng.
- Còn tôi, - Planchet nói, - dường như đã ngửi thấy mùi thơm ngon nhất của thịt quay, trông thấy những nồi niêu xếp thành những hàng rào danh dự để đón chúng ta đi qua. Ôi! Thưa ông, không biết ông De Pierrefonds phải thuê đầu bếp nào khi mà xưa kia mới chỉ có tên là Porthos ông ấy đã thích ăn và ăn thật ngon.
- Đừng nói nữa? - D'Artagnan bảo. - Cậu làm tôi sợ đấy. Nếu sự thật giống bề ngoài, thì ta toi công rồi. Một con người sung sướng đến thế sẽ chẳng bao giờ ra khỏi hạnh phúc của mình và ta sẽ thất bại với hắn như đã thất bại với Aramis.
Chú thích:
(1) aune :Thước ngày xưa bằng 1,183 mét.
Chương 13
Khi gặp lại Porthos, d'Artagnan đã nhận ra rằng của cải là không làm nên hạnh phúc.
D'Artagnan vượt qua rào sắt và đến trước toà lâu đài, anh vừa nhảy xuống đất thì một thứ người khổng lồ xuất hiện trên bậc tam cấp. Công bằng mà nói, ta nên gạt sang một bên tình cảm ích kỷ, d'Artagnan mừng rỡ khi thấy cái vóc dáng cao lớn và gương mặt thượng võ gợi cho anh nhớ tới một con người dũng cảm và tốt bụng.
Anh chạy đến bên Porthos và nhào vào vòng tay anh ta; tất cả bọn tôi tớ vây tròn lại ở một khoảng cách cung kính và nghếch mắt nhìn vẻ tò mò khúm núm. Mousqueton đứng ở hàng đầu, quệt nước mắt, tội nghiệp cậu ta từ sau khi nhận ra d'Artagnan và Planchet, cậu ta cứ khóc mãi vì vui mừng.
Porthos nắm cánh tay bạn và kêu lên bằng một giọng từ bậc nam trung chuyển sang nam trầm:
- A? Gặp lại cậu thật là mừng, thế ra cậu, cậu vẫn không quên tôi ư?
- Quên cậu ư? Ôi, Du Vallon thân mến, quên sao được những chuỗi ngày tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân, bè bạn chí tình và những nỗi gian nan nguy hiểm đã cùng nhau vượt qua! Ấy, trông thấy cậu, là bao nhiêu kỷ niệm tình bạn xưa của chúng ta lại hiện lên trong tâm trí mình.
- Ờ, ờ! - Porthos vừa nói vừa vân về ria mép, cố trả lại cho nó cái vẻ đỏm dáng đã bị mất trong cánh cô đơn.
- Ờ ờ, hồi ấy chúng ta đã làm bao nhiêu việc long trời lở đất và chúng ta cũng đã gây cho ngài giáo chủ tội nghiệp ấy biết bao chuyện đau đầu.
Và anh thở dải, d'Artagnan lặng nhìn anh.
- Dù sao, - Porthos nói tiếp, giọng rầu rĩ, - tôi cũng xin chào mừng bạn thân mến, cậu sẽ giúp tôi tìm lại niềm vui; ngày mai chúng ta sẽ đi săn hoãng ở trong những cánh rừng cũng rất tuyệt; tôi có bốn con chó săn lévriers vào loại nhanh nhẹn nhất tỉnh và một bầy chó săn có một không hai ở trong vòng hai mươi dặm.
Và Porthos lại thở dài lần nữa.
"Ồ, ồ! - D'Artagnan nhủ thầm, phải chăng con người tráng kiện, khoẻ mạnh này không thật sung sướng như cái vẻ bề ngoài của hắn sao?" Rồi anh nói:
- Nhưng trước hết, cậu giới thiệu với tôi bà Du Vallon đã, vì tôi còn nhớ một bức thư mời mọc mà cậu đã hạ cố viết cho tôi và ở dưới thư bà ấy có nhã ý viết thêm mấy dòng.
Một tiếng thở dài thứ ba của Porthos. Anh nói:
- Bà Du Vallon mất đã hai năm rồi, và cậu thấy tôi vẫn còn buồn rười rượi. Chính vì vậy nên tôi đã rời lâu đài Du Vallon ở gần Corbeil để đến mảnh đất Bracieux, sự thay đổi ấy dẫn đến việc tôi mua vùng đất đai này. Tội nghiệp bà Du Vallon, - Porthos nói tiếp và cau mặt vẻ thương tiếc, - đó không phải là một người đàn bà tính khí rất dửng dưng, song cuối cùng bà ấy cũng vẫn quen dần với những cung cách của tôi và chiều những yêu cầu, vòi vĩnh nho nhỏ của tôi.
- Như thế là cậu giàu có và tự do nhỉ? - D'Artagnan hỏi.
- Chao ôi! - Porthos nói, - tôi goá vợ và có bốn chục nghìn livres niên thu… À, cậu có muốn ta ăn lót dạ bây giờ không?
- Muốn quá đi chứ, - D'Artagnan nói, - buổi sớm mát trời đã khiến tôi đói bụng rồi đó.
- Đúng, - Porthos nói, - khí trời chỗ tôi thì tuyệt diệu.
Họ bước vào lâu đài, từ trên xuống dưới toàn là mạ vàng, các đường viền mạ vàng, các đường gỗ mạ vàng, gỗ ghế bành mạ vàng.
Một bàn ăn dọn sẵn đang đợi.
- Cậu xem, - D'Artagnan nói, - tôi xin chúc mừng cậu, vua cũng không được một bữa như thế này.
- Ừ, - Porthos bảo, - nghe đâu Mazarin nuôi nấng vua rất tồi. Nếm thử món sườn này đi, d'Artagnan thân mến, cừu nhà tôi nuôi đây.
- Cậu có những con cừu non quá, mình xin có lời khen ngợi.
- Ấy, cừu nuôi trong những cảnh đồng cỏ của tôi đấy mà, những đồng cỏ tuyệt diệu.
- Cậu tiếp thêm cho tôi nào.
- Không, hãy nếm thử con thỏ này mà tôi đã bắn hôm qua ở một trong những bãi cỏ thả thỏ của tôi.
- Gớm chưa! Khẩu vị thật đặc biệt! - D'Artagnan nói. - Chà, chà! Dễ thường cậu nuôi thỏ toàn bằng rau thơm, rau mùi?
- Thế còn rượu của tôi, cậu thấy thế nào. - Porthos hỏi. - Ngon chứ?
- Tuyệt!
- Rượu quê ấy mà.
- Thật ư?
- Phải, một sườn đồi nhỏ hướng Nam ở đằng kia, trên núi của tôi nó cho hai mươi muy(1).
Lần thứ năm Porthos lại thở dài. D'Artagnan vẫn đếm những tiếng thở dài của bạn. Tò mò muốn đi sâu vào vấn đề, anh nói:
- Ôi chao! Bạn thân mến ơi, dường như có điều gì khiến cậu buồn phiền. Chẳng may cậu có đau ốm gì chăng?… Sức khỏe của cậu…
- Rất tốt cậu ạ, tốt hơn bao giờ hết, tôi có thể đâm chết một còn bò.
- Hay là buồn chuyện gia đình…
- Gia đình ư? May thay tôi chỉ có một mình ở trên đời.
- Thế điều gì khiến cậu thở dài thườn thượt?
- Bạn thân mến ơi, tôi sẽ thành thật với cậu, tôi không sung sướng.
- Cậu mà không sung sướng ư, Porthos? Cậu có một toà lâu đài, những cánh đồng cỏ, rừng núi bao la; lại bốn chục nghìn livres niên thu, vậy mà rốt cuộc cậu không hạnh phúc?
- Bạn thân mến ơi, đúng là tôi có tất cả những thứ đó, song tôi sống một mình giữa tất cả những thứ đó.
- A! Tôi hiểu rồi: xung quanh toàn những bọn dân ngu, nhìn họ cậu thấy danh giá mình bị mất mát.
Porthos hơi tái mặt, và nốc cạn thật nhanh một cốc rượu . Anh nói:
- Không phải thế đâu, mà trái lại, cậu tưởng tượng xem đó là những bọn quý tộc nông thôn, ai cũng có một tước vị nào đó và còn muốn đi ngược gia phả lên tận Pharamond, Charlemagne, hay ít ra đến Hugues Capet. Vào lúc khởi đầu, tôi đã là người đến sau chót, do đó tôi phải chạy vạy, tôi đã làm việc đó, nhưng bạn thân mến ơi, như cậu biết đấy, bà Du Vallon…
Nói ra những lời ấy, Porthos như nghẹn ngào.
- Bà Du Vallon. - anh nói tiếp, - có thể là một gốc quý tộc; trong cuộc hôn nhân đầu tiên, d'Artagnan ạ, tôi thiết tưởng điều này chẳng có gì mới đối với cậu, bà ta lấy một ông biện lý. Người ta cho chuyện đó là đáng lộn mửa. Họ đã nói là lộn mửa. Cậu hiểu chứ, đó là một tiếng giết chết ba chục nghìn người. Tôi khác, nhưng họ không coi tôi là bạn họ. Thành thử tôi không có bạn bè, tôi sống lẻ loi, tôi chán nản, tôi buồn phiền.
D'Artagnan mỉm cười, anh nhìn thấy kẽ hở của áo giáp và anh chuẩn bị nhát đâm.
- Nhưng mà, rốt cuộc, - anh nói, - cậu sinh ra thế nào là do cậu chứ vợ cậu làm sao mà thay đổi được?
- Phải, nhưng cậu hiểu cho rằng, vì không phải là dòng dõi quý tộc lâu đời như họ hàng Coucy họ tự bằng lòng là những Sires(2) hoặc dòng họ Rohan họ không muốn là công tước, tất cả những bọn kia đều là tử tước, nhưng khi vào nhà thờ hay đến các lễ hội họ đều được coi trọng hơn tôi, tôi nói vào đâu được… Ôi! Giá như tôi chỉ là…
- Nam tước, phải không? - D'Artagnan nói nốt câu của bạn.
- A! - Porthos kêu lên, mặt hớn hở - A! Giá như tôi là nam tước?
“Tốt rồi! - D'Artagnan nghĩ. - Ta thành công rồi".
Rồi anh cao giọng bảo:
- Thế thì bạn thân mến ơi, chính cái tước hiệu mà cậu ao ước ấy, hôm nay tôi mang đến cho câu đây.
Porthos nhảy bật lên một cái làm rung chuyển cả gian phòng hai ba chai rượu bị mất thăng bằng lăn ngay xuống đất vỡ tan tành.
Mousqueton nghe tiếng chạy đến và người ta trông thấy bóng Planchet tay cầm khăn ăn, miệng căng phồng.
- Đức ông gọi tôi à ? Mousqueton buột miệng hỏi
Porthos ra dấu bảo Mousqueton hãy dọn dẹp những chai vỡ .
- Tôi rất vui thấy cậu vẫn dùng thằng hầu ấy, - D'Artagnan nói.
- Nó là quản gia của tôi đấy, - Porthos đáp.
Rồi anh cao giọng:
- Nó đã làm việc đánh chén, thằng ranh ấy, người ta trông rõ rồi, nhưng, - anh hạ giọng nói tiếp, - nó quyến luyến tôi lắm và có cho vàng nó cũng sẽ chẳng chịu rời tôi đâu.
- "Và nó gọi chủ nó là đức ông", - D'Artagnan nghĩ thầm.
- Ra ngoài kia đi. Mouston. -Porthos bảo.
- Cậu gọi Mouston à? À phải, gọi tắt, gọi Mousqueton thì dài quá.
- Phải, - Porthos nói, - với lại gọi như thế thì từ ngoài một dặm người ta ngửi thấy cái chức đội trưởng ky binh của nó. Thôi, đợi thằng ranh ấy vào, chúng ta sẽ còn bàn công việc.
- Ừ d'Artagnan bảo, - nhưng ta gác câu chuyện lại sau, vì người làm của cậu có thể nghi ngờ; biết đâu chẳng có dọ thám ở trong vùng, Porthos ạ, cậu đoán xem, đó là những việc nghiêm ngặt.
- Ghê nhỉ! - Porthos nói, - thế để dễ tiêu hoá chúng ta đi quanh vườn nhé
- Được thôi.
Và nhân hai người đã ăn lót dạ đầy đủ, họ bắt đầu dạo quanh khu vườn tuỵệt đẹp Nhưng lối đi trồng cây dẻ và cây bồ đề bao quanh một khoảng rộng ít nhất là 30 acpăng(3). Đến mỗi ô kiểu ngũ điểm dầy những cây lớn và cây con lại thấy những chú thỏ chạy biến trong các bụi hạt dẻ và nô đùa trong các đám cỏ cao.
Thực tình, - D'Artagnan nói, - khu vườn phù hợp với tất cả phần còn lại; và nếu những bãi thả có bao nhiêu thỏ, ao hồ có bấy nhiêu cá thì cậu sẽ là một con người hạnh phúc. Porthos thân mến ạ, chỉ cần cậu vẫn giữ cái sở thích săn bắn và có thêm cái hứng thủ đi câu.
- Bạn ơi, - Porthos nói, - Tôi dành việc đi câu cho Mousqueton đó là một thú vui quê mùa; nhưng thỉnh thoảng tôi đi săn; nghĩa là khi nào tôi buồn chán, tôi ngồi trên một chiếc ghế đá hoa cương này, tôi sai đem súng và mang con Gredinet, con chó cưng của tôi đến và bắn thỏ.
- Thế thì thú vị quá còn gì, - D'Artagnan nói.
- Phải, thú vị quá! - Porthos đáp lại với một tiếng thở dài.
D'Artagnan không đếm những tiếng thở dài nữa.
Rồi thì, Porthos nói thêm:
- Gredinet chạy đi nhặt thỏ và tự nó mang đến cho đầu bếp, nó được dạy quen rồi…
- Ô con chó hay tuyệt! - D'Artagnan nói.
- Thôi, hãy gác chuyện con Gredinet lại, - Porthos bảo, - nếu cậu thích, tôi sẽ biếu cậu vì tôi cũng bắt đầu chán rồi. Ta trở lại với công việc của chúng ta.
- Rất sẵn sàng, - D'Artagnan đáp, - tuy nhiên, bạn thân mến ơi tôi xin báo trước để cậu khỏi bảo tôi mưu phản cậu, cần phải thay đổi cuộc sống hiện nay.
- Thế là thế nào?
- Là cầm lại dây cương, giắt kiếm xông vào các cuộc phiêu lưu, và như hồi xưa, để lại vài mảnh da thịt ở dọc đường; rốt cuộc là cậu biết đấy, cái phong cách ngày xưa.
- Chà! Gớm nhỉ! - Porthos kêu lên.
- Phải. Tôi hiểu rồi, cậu đã làm mình hư hơn bạn thân mến ạ, bụng cậu đã phát phì, cổ tay không còn độ dẻo dai mà bọn vệ sĩ của ngài giáo chủ đã bao phen được nếm mùi.
- A, cổ tay còn tốt lắm, tôi xin cam đoan với cậu, - Porthos vừa nói vừa giơ một bàn tay ra trông nần nẫn như miếng vai cừu.
- Càng hay.
- Như vậy là chúng ta gây chiến à?
- Ồ! Lạy Chúa đúng thế.
- Mà chống lại ai?
- Bạn ơi, cậu có theo đuổi chính trị không thế?
- Tôi ấy à! Không mảy may nào.
- Thế cậu theo Mazarin hay theo các hoàng thân?
- Tôi chẳng theo ai cả.
- Nghĩa là cậu theo chúng ta. Càng hay, Porthos ạ, đó là vị trí tốt nhất để tiến hành các công việc. Này bạn thân mến ạ, tôi xin nói với cậu rằng tôi đến đây là do ý ông giáo chủ đấy.
Tiếng ấy tác động rõ ràng đến Porthos, cứ như vẫn đang là năm 1640 khi nói đến ông giáo chủ thật sự.
- Ô, ô? - Anh nói. - Các hạ muốn gì ở tôi?
- Các hạ muốn lấy cậu vào giúp việc.
- Thế ai nói về tôi với ông ta?
- Rochefort. Cậu có nhớ không?
- Nhớ, mẹ kiếp! Cái thằng cha hồi ấy đã gây cho chúng ta bao nhiêu chuyện rắc rồi và khiến chúng ta phải long đong trên các nẻo đường, cái thằng cha mà cậu đã tặng cho ba nhát kiếm, mà cũng xứng đáng đây chứ.
- Nhưng cậu có biết hắn đã trở thành bạn của chúng ta không? - D'Artagnan nói.
- Không, tôi không biết. Ô! Hắn không có thù hằn gì đâu.
- Cậu lầm rồi, Porthos ạ, - D'Artagnan nói. - Chính là tôi không thù hằn.
Porthos không hiểu lắm, nhưng ta còn nhớ, hiểu biết không phải là chỗ mạnh của anh. Anh nói tiếp:
- Thế cậu bảo chính bá tước De Rochefort đã nói về tôi với giáo chủ à?
- Phải, và hoàng hậu nữa.
- Sao, hoàng hậu à?
Để cho chúng ta tin, tự bà ấy đã đưa cho giáo chủ cái nhẫn kim cương trứ danh mà cậu biết đấy, tôi đã bán cho ông des Essarts, và chẳng hiểu thế nào lại trở về với hoàng hậu.
- Nhưng tôi thấy, - Porthos nói, - là một người có lương tri lẽ ra bà ấy nên trao cái nhẫn lại cho chúng ta thì hay hơn.
- Mình cũng nghĩ vậy, - D'Artagnan nói, - nhưng biết làm thế nào? Vua chúa và hoàng hậu, đôi khi có những tính đồng bóng lạ lùng. Rốt cuộc thì do họ là những người giữ của cải và danh vọng, phân phát tiền bạc và chức tước, cho nên người ta tận tụy với họ.
- Phải, người ta tận tụy với họ, - Porthos nói, - như vậy là hiện nay cậu đang tận tụy…
- Với vua, với hoàng hậu và với tể tướng, và thêm nữa tôi bảo đảm về sự tận tuỵ của cậu.
- Và cậu nói rằng cậu có đặt vài điều kiện cho tôi.
- Điều kiện tuyệt diệu, bạn thân mến ạ, tuyệt diệu. Trước hết cậu có tiền, phải không? Bốn mươi nghìn livres, cậu đã bảo tôi vậy.
Porthos đâm nghi ngờ.
- Ồ! Bạn ơi - anh nói, - mình chẳng bao giờ có quá nhiều tiền. Bà Du Vallon đã để lại một khoản thừa kế rắc rối, tôi chẳng giỏi giang gì, thành thử tôi sống hơi lần hồi…
"Hắn sợ mình đến vay tiển". D'Artagnan nghĩ bụng. Rồi anh nói:
- A! Bạn ơi, nếu cậu túng bẩn thì càng hay!
- Sao lại càng hay? - Porthos hỏi.
- Vì muốn gì, các hạ sẽ cho: đất đai, tiền bạc, tước vị.
- A, a! - Nghe tiếng cuối cùng này, Porthos trợn tròn mắt kêu lên:
- Dưới thời tể tướng,
- D'Artagnan nói tiếp - chúng ta không biết lợi dụng vận hạnh, tuy đó cũng là dịp tốt. Tôi không nói về của cải cho cậu vì cậu có bốn mươi nghìn livres niên thu; và dường như cậu là người hạnh phúc nhất trên đời.
Porthos thở dài.
- Dù sao! - D'Artagnan nói tiếp, - mặc dù số bốn mươi nghìn livres niên thu của cậu và cũng có thể do số bốn mười nghìn livres niên thu của cậu, tôi thấy hình như một tước miện nho nhỏ vẽ trên thành xe của cậu sẽ làm nên khối chuyện đấy. Hề hề!
- Phải lắm! - Porthos đáp.
- Vậy thì, bạn thân mến, hãy giành lấy nó, ở đầu lưỡi gươm của cậu. Chúng ta sẽ không làm tổn hại gì nhau. Mục tiêu của cậu là một tước vị; mục tiêu của tôi là tiền bạc. Mong rằng tôi sẽ kiếm được kha khá để xây dựng lại cơ ngơi d'Artagnan mà tổ tiên tôi nghèo túng đi vì những cuộc thập tự chinh đã để điều tàn từ thời ấy và để mua ba chục d'arpents đất xung quanh, tất cả chỉ cần có vậy, rồi tôi rút lui về đấy, và chết yên lặng ở đấy.
- Còn tôi, - Porthos nói, - tôi muốn là nam tước.
- Cậu sẽ được như vậy!
- Thế cậu không nghĩ đến các bạn khác của chúng ta nữa hay sao! - Porthos hỏi.
- Có chứ, tôi đã gặp Aramis.
- Thế Aramis mong muốn gì? Làm giám mục chăng?
Không muốn làm Porthos thất vọng, d'Artagnan nói:
- Aramis, cậu hãy tưởng tượng hắn đã trở thành thầy tu và jésuite, hắn sống như một con gấu, hắn từ bỏ tất cả, và chỉ nghĩ đến sự cứu rỗi. Những điều chào mới của tôi đề không thể lay chuyển cậu ấy
- Thôi kệ, - Porthos nói, - cậu có trí tuệ. Còn Arthos thế nào?
- Tôi chưa gặp anh ta, nhưng sau khì rời đây, tôi sẽ đi tìm ngay.
- Cậu có biết anh ta ở đâu không?
- Ở gần Blois, trong một danh địa nhỏ mà anh ta thừa kế, cũng chẳng biết của bà con nào.
- Tên gọi là gì?
- Bragelonne. Cậu hiểu không, Arthos quyền quý như hoàng đế và thừa kế một danh địa mang tước bá! Anh ta sẽ làm gì với những tước bá ấy? Tước bá de la Fére, tước bá de Bragelonne?
- Với những tước vị ấy mà không có con cái, - D'Artagnan nói.
- Ơ? - Porthos kêu. - Tôi nghe nói anh ta nhận một đứa bé trai làm con nuôi, mặt rất giống anh ta.
- Arthos, Arthos của chúng ta, một người đức hạnh như Scipion.
- Cậu có gặp lại anh ấy không?
- Không.
- Thế ngày mai tôi sẽ đến cho anh ta biết về tình hình của cậu.
- Nói riêng với nhau, tôi sợ rằng đam mê rượu chè có thể đã làm cho anh ta bị huỷ hoại và già sọm.
- Phải, đúng đấy, - Porthos, - anh ấy uống tợn lắm.
- Với lại đó là anh cả của bọn ta - D'Artagnan nói.
- Mới mấy năm nay thôi, - Porthos nói tiếp - cái dáng bộ uy nghiêm khiến anh ta già đi nhiều.
- Phải, đúng thế. Vậy nếu chúng ta có Arthos càng hay, bằng không thì thôi. Hai đứa chúng ta cũng bằng mười hai người.
- Phải rồi, - Porthos cười nhớ đến những chiến công xưa của mình, - Nhưng nếu có bốn chúng ta thì sẽ bằng ba mươi sáu người ấy chứ; mà nếu công việc gay go gian khổ như cậu nói, thì lại cần đủ như vậy. Gay go đối với bọn lính mới thật, nhưng đối với chúng ta thì không.
- Có lâu dài không?
- Ấy, có thể là ba bốn năm đấy.
- Sẽ choảng nhau nhiều chứ.
- Mình hy vọng như vậy.
- Càng hay, rốt cuộc thì càng hay? - Porthos kêu. - Cậu không thể tưởng tượng rằng từ khi tôi ở đây đến giờ xương cốt lắm lúc muốn bung ra. Đôi khi ngày chủ nhật đi lễ nhà thờ ra, tôi phóng ngựa băng qua các đồng ruộng, đất đai của những người ở giáp ranh để tìm một chuyện gây sự nho nhỏ nào đó, vì tôi cảm thấy cần thiết, nhưng bạn thân mến ơi, chẳng có cóc gì cả. Hoặc là người ta kính nể tôi, hoặc là người ta sợ hãi tôi chắc hẳn như thế, người ta để mặc cho tôi cùng đàn chó giày xéo đồng linh lăng, vượt trên tất cả thiên hạ, và tôi trở về càng phiền muộn hơn, chỉ, có thế thôi? Cậu hãy cho tôi biết ít ra ở Paris đánh nhau có dễ hơn chút nào không?
- Bạn thân mến ơi, về chuyện đó thật là tuyệt: chẳng còn chiếu chỉ, của còn vệ sĩ của tể tướng(4), chẳng còn de Jussac với lũ cảnh sát(5). Lạy Chúa. Cậu có biết không, dưới một ngọn đèn đường, trong một quán rượu, ở khắp mọi chỗ, anh là một người Fronde, người ta tháo gươm ra, thế là xong. Ông De Guise đã giết chết ông De Coligny.
- Ở ngay giữa quảng trường Hoàng cung, thế mà chẳng sao cả.
- A? Tình hình bây giờ hay đấy! - Porthos nói.
- Và rồi chẳng bao lâu nữa, - D'Artagnan nói tiếp, - sẽ có những cuộc chiến đấu hẳn hoi, có súng đại bác, có những đám cháy thật muôn màu muôn vẻ.
- Vậy thì, tôi quyết định.
- Cậu hứa với tôi chứ?
- Dứt khoát rồi. Tôi sẽ tìm Mazarin mà đâm chém. Nhưng mà…
- Nhưng mà sao?
- Nhưng mà ông ta phải phong cho tôi là nam tước.
- Trời ạ. - D'Artagnan nói. - Cái đó được quyết định trước tôi đã nói với cậu như vậy và tôi xin nhắc lại tôi bảo đảm cho cái nam tước của cậu.
Sau câu hứa hẹn ấy, Porthos vốn không bao giờ hoài nghi lời của bạn mình, bèn cùng bạn trở về toà lâu dài.
Chú thích:
(1) 1 muy bằng 274 lít
(2) Một tước hiệu phong kiến ban cho một số lãnh chúa.
(3) 1 d’arpent bằng từ 0,2 đến 0,5 ha.
(4) Thời tể tướng Richelieu, người ta ban hành những chiếu chỉ cấm đấu kiếm và cho các vệ sĩ, đi lùng bắt ai vi phạm sẽ bị chém đầu.
(5) Trong chuyện "Ba chàng lính ngự lâm", Jussac là đội trưởng vệ sĩ của tể tướng Richelieu toan bắt d'Artagnan đang đấu kiếm với mấy chàng ngự lâm quân, thì hắn củng đồng đội bị d'Artagnan cùng các chàng ngự lâm quân đánh bại hoàn toàn.
Nguồn: http://vnthuquan.net/