Một nửa đồng Pistol có thể có những ảnh hưởng khác nhau đến một số phụ thủ và Lễ phục sinh
D'Artagnan đi lên Cầu Mới, tự chúc mừng đã gặp lại được Planchet; bởi vì vừa có vẻ giúp được một việc cho chàng trai xứng đáng ấy, trong thực tế d'Artagnan cũng được cậu ta giúp cho một việc. Quả thật lúc này không có gì khoái hơn cho anh bằng một người hầu dũng cảm và thông minh.
Đúng là Planchet rất có thể sẽ chẳng ở giúp việc anh lâu; nhưng khi giành lại vị trí xã hội cũ ở phố Lombards; Planchet vẫn là người chịu ơn d'Artagnan; do cho hắn ẩn náu ở nhà mình, anh đã cứu mạng cho hắn hoặc gần như thế, và d'Artagnan sẽ chẳng phiền lòng có những quan hệ trong giới thị dân vào lúc họ chuẩn bị cuộc chiến tranh với triều đình. Đó sẽ là một nội ứng trong hàng ngũ địch, và đối với một người tinh tế như d'Artagnan, những chuyện vặt vãnh nhất có thể dẫn đến những đại sự.
Thế là trong cái thư thái tinh thần ấy, khá hài lòng về sự tình cờ và về bản thân mình, d'Artagnan tới Nhà thờ Đức Bà. Anh bước lên bậc thềm, vào trong nhà thờ và đến trước một người giữ đồ thánh đang quét tước một giáo đường nhỏ, anh hỏi xem có biết ông Bazin không.
- Ông Bazin phụ thủ ấy à? – Người đó hỏi lại.
- Chính ông ấy.
Ông ta đang hầu lễ messe ở kia kìa, gần tiểu thánh đường Đức Mẹ đồng trinh.
D'Artagnan sướng run người, vì dù cho Planchet đã nói, anh tưởng như chẳng bao giờ gặp lại Bazin; nhưng bây giờ anh đã nắm một đầu dây, anh bảo đảm sẽ đi tới đầu dây kia.
Anh đến quỳ ở trước tiểu giáo đường để khỏi mất hút người của mình. May thay đó là một lễ messe nhỏ và sẽ xong nhanh thôi. Đã quên hết những cầu nguyện và chẳng buồn cầm một quyển kinh, d'Artagnan xem xét Bazin.
Bazin mặc bộ y phục của mình, có thể nói với tất cả vẻ trịnh trọng và toàn phúc. Có thể hiểu rằng bác đã đạt tới, hoặc gần như vậy, thượng đỉnh của những tham vọng, và cái thanh nạm bạc bác cầm trong tay cũng danh giá như cây gậy chỉ huy mà tướng Condé chĩa hoặc không chĩa vào những phòng tuyến quân thù ở trận Fribourg.
Thể xác bác đã thay đổi, nếu có thể nói, hoàn toàn tương tự bộ y phục. Toàn thân bác tròn xoay như là đã Sanoan hoá(1). Còn mặt bác ta, nhưng chỗ gồ lên đã biến mất. Bác vẫn có cái mũi, nhưng đôi má béo phị lên đã kéo sang hai bên một phần của mũi; cái cằm chảy tuột xuống cổ; đó không phải là mỡ mà như phù nề nó che kín cả mắt, tóc thì cắt vuông và theo kiểu thánh thần che khắp vầng trán xuống sát lông mày. Cần phải nói ngay rẳng cái trán của Bazin ngay thời còn để trần trụi cũng chỉ có cao một đốt rưỡi.
Ông phó mục sư làm xong lễ messe cùng lúc d'Artagnan hoàn tất việc quan sảt của mình. Ông nói những lời chú giải thánh lễ, và trước sự sửng sốt của d'Artagnan, ông vừa rút lui vừa ban phước và mọi người quỳ mà nhận lễ. Nhưng sự kinh ngạc của d'Artagnan chấm dứt khi anh nhận ra ở vị tư tế chính ông giáo chủ, nghĩa là Jean-François de Gondy, nổi tiếng, hồi ấy dự cảm thấy vai mà ông đã sắm, bằng cách vung ra những của bố thí, ông bắt đầu làm cho mình rất được lòng dân. Nhằm mục đích tăng thêm cái dân tâm ấy, thỉnh thoảng ông lại đi làm những lễ messe buổi sớm mà chi có đám dân chúng đến dự.
D'Artagnan quỳ gối như những người khác nhận giáng phước và làm dấu; nhưng vào lúc Bazin đi qua, mắt ngước lên trời và khúm núm bước sau cùng, thì d'Artagnan níu lấy gấu áo bác.
Bazin cúi xuống nhìn và nhảy phắt ra đằng sau y như trông thấy một con rắn.
- Ông d'Artagnan - Bác kêu lên, vade retro, Satanas (2).
- Này, bác Bazin thân mến ơi, - viên sĩ quan cười nói, - bác đón tiếp người bạn cố tri như thế này hay sao!
- Thưa ông, - Bazin nói, - những người bạn hữu thật sự của người tín đồ Thiên chúa giáo là những người giúp cho họ được cứu rỗi, chứ không phải những kẻ đi làm chệch hướng của họ.
- Tôi chẳng hiểu bác nói gì, bác Bazin ạ, nhưng tôi không thấy vì sao tôi lại có thể làm một vật chướng ngại cho sự cứu rỗi của bác được.
- Ông quên rồi sao, - Bazin đáp, - suýt nữa ông đã mãi mãi phá hoại sự cứu rỗi của ông chủ tội nghiệp của tôi và cũng tại ông, nên ông ta mới tự làm tội mình ở lại ngự lâm quân, trong khi thiên hướng lôi cuốn ông ta thật mãnh liệt đến Nhà thờ.
- Bác Bazin thân mến ơi, - D'Artagnan nói tiếp, - bác cần thấy rõ ràng ở các nơi mà bác gặp tôi đấy, tôi đã thay đổi nhiều nhiều về mọi mặt: tuổi tác đem đến cho người ta lý trí, và do tôi không hề nghĩ rằng chủ của bác đang làm việc cứu rỗi của mình, tôi mới đến đây muốn bác cho biết ông ấy ở đâu để nhờ, ông ấy giúp đỡ bảo ban cho tôi làm cái việc cứu rỗi của tôi.
- Đúng hơn hãy nói thẳng ra rằng để dẫn ông ấy trở về nơi trần tục. May thay, - Bazin nói tiếp, - tôi chẳng biết ông ấy ở đâu cả, mà chúng ta đang ở trong một thánh thất, tôi không dám nói dối.
Thất vọng đến cùng cực, d'Artagnan kêu lên.
- Trước hết, - Bazin nói, - Aramis là cái tên mất ơn Chúa, trong Aramis người ta thấy Simara là một cái tên ma quỷ, và phúc thay cho ông đã từ bỏ mãi mãi tên đó rồi.
Quyết ý kiên nhẫn đến cùng, d'Artagnan nói:
- Cho nên tôi đi tìm không phải là Aramis mà là tu viện trưởng d'Herblay. Thế nào, bác Bazin thân mến, hãy bảo cho tôi biết ông ấy ở đâu?
- Ông d'Artagnan, ông không nghe thấy rằng tôi đã trả lời ông là tôi không biết hay sao?
- Vâng, chắc thế, nhưng về điều này, thì tôi dám cam đoan rằng không thể như thế được.
- Ấy thế mà là sự thật đấy ông ạ, sự thật thuần tuý, sự thật của Chúa.
D'Artagnan thấy rõ là không thể moi gì được ở Bazin; hiển nhiên là Bazin nói dối, nhưng bác ta nói dối đến kiên quyết, nên có thể dễ dàng đoán ra rằng bác ta sẽ không thay đổi điều đã nói dối.
- Thôi được, Bazin! - D'Artagnan nói, - vì bác chẳng biết chủ bác ở đâu thì thôi ta không nói đến nữa, chúng ta hãy chia tay nhau như những người bạn tốt, và bác hãy cầm lấy đồng nửa pistol này để uống mừng cho sức khỏe của tôi.
- Thưa ông, tôi không uống, - Bazin vừa nói vừa oai vệ đẩy tay viên sĩ quan ra, - cái ấy chỉ hợp với người thực tế.
- Không thể cám dỗ nổi? - D'Artagnan lẩm bẩm - Mình thật là xúi quẩy! - D'Artagnan mải suy nghĩ, buông áo Bazin ra, thế là Bazin lợi dụng ngay để vội đánh tháo về phía kho đồ thánh. Sau khi đóng cửa lại, bác mới cảm thấy an toàn.
D'Artagnan đứng yên lặng, suy tư mắt đang đăm đăm nhìn vào cánh cửa đã đặt một rào chắn giữa anh và Bazin, thì cảm thấy có ai đụng nhẹ vào vai mình.
Anh quay lại và sắp thốt ra một tiếng kêu kinh ngạc, cái kẻ đã đụng ngón tay vào anh vội đưa ngón tay ấy lên môi ra hiệu im lặng.
- Anh ở đây, Rochefort thân mến! - Anh khẽ nói.
- Suỵt! Rochefort bảo. - Anh có biết tôi tự do rồi không.
- Tôi biết ngay từ đầu.
- Ai nói?
- Planchet.
- Sao Planchet à!
- Tất nhiên? Chính cậu ta cứu anh.
- Planchet! Quả vậy, tôi ngỡ đã nhận ra hắn ta, bạn thân mến ạ; điều đó chứng tỏ rằng, làm ơn không bao giờ mất đâu.
- Thế anh đến đây làm gì?
- Tôi đến cảm ơn Chúa về sự giải thoát may mắn của tôi, - Rochefort đáp.
- Rồi còn gì nữa chứ? Vì tôi đoán chừng chưa phải đã hết.
- Rồi nhận mệnh lệnh của ông chủ giáo xem bọn tôi có thể làm một chút gì chọc cho lão Mazarin điên người lên.
- Đồ bướng bỉnh! Rồi anh lại đến bị tống vào Bastille nữa cho mà xem.
- Ồ! Về cái đó thì tôi cảnh giới. Tôi xin cam đoan với anh thế!
- Ngoài trời tốt biết bao! - Rochefort thở hít đầy nồng ngực và nói tiếp.- Cho nên tôi sẽ đi dạo ở đồng quê, làm một chuyến về tỉnh lẻ.
- Này, - D'Artagnan nói, - tôi cũng vậy!
- Và không tọc mạch, co thể hỏi anh đi đâu chăng?
- Đi tìm các bạn tôi.
- Bạn nào?
- Những bạn mà hôm qua anh hỏi thăm ấy.
- Arthos, Porthos và Aramis à! Anh đi tìm kiếm họ?
- Phải.
- Nói danh dự đấy chứ?
- Thế chuyện ấy có gì lạ?
- Không. Hơi kỳ. Thế ai nhờ anh đi tìm họ?
- Anh cũng thừa biết.
- Phải đấy.
- Khốn thay tôi chẳng biết họ ở đâu cả.
- Mà anh không có một cách gì để biết tin tức họ ư? Đợi tám ngày nữa, tôi sẽ cho anh biết về họ.
- Tám ngày lâu quá, cần phải tìm ra họ trước ba ngày.
- Ba ngày thì ngắn quá, - Rochefort nói, - mà nước Pháp lại rộng mênh mông.
- Có sao! Anh biết chữ "cần phải" với chữ đó có thể làm được khối việc.
- Thế bao giờ anh bắt tay vào việc tìm kiếm.
- Tôi đang làm đây.
- Chúc anh may mắn!
- Còn anh, chúc anh lên đường bình an! Có thể chúng ta sẽ gặp nhau trên các nẻo đường.
- Chưa chắc.
- Biết đâu đấy? Rủỉ may, may rủi, biết thế nào.
- Từ biệt nhé!
- Hẹn gặp lại! Tiện đây, nếu lão Mazarin nói với anh về tôi, anh hãy nói với hắn rằng tôi nhờ anh bảo cho hắn, hãy biết chờ xem, không lâu đâu, liệu tôi có như hắn nói, là quá già nua để hành động hay không?
Và Rochefort chia tay với một trong những nụ cười ma quái ngày xưa đã từng khiến d'Artagnan rợn người; nhưng lần này d'Artagnan nhìn theo chẳng chút lo âu và đến lượt anh mỉm cười với một nỗi buồn man mác mà chỉ có kỷ niệm ấy mới có thể in lên gương mặt anh. Anh nói:
- Đi đi, con quỷ, mày muốn làm gì thì làm, chẳng can hệ đến ta: không có một chàng Constance thứ hai ở trên đời đâu!
Khi quay trở lại, anh thấy Bazin sau khi cởi bỏ bộ quần áo tu hành đang nói chuyện với người coi giữ đồ thánh mà d'Artagnan đã hỏi han khi mới bước vào nhà thờ. Bazin tỏ ra rất xao động và đang giơ những cánh tay to nần nẫn và ngắn cũn cỡn làm đủ các động tác. D'Artagnan hiểu rằng chắc chắn bác ta đang dặn dò người kia phải hết sức kín đáo với anh.
Lợi dụng lúc hai người đó đang bận rộn, d'Artagnan lùi ra khỏi nhà thờ và đi đến nấp ở góc phố Canettes . Đứng ở đó mà nhìn thì nếu Bazin đi ra ngoài không thể lọt qua mắt anh được. Năm phút sau, d'Artagnan đã đến vị trí. Bazin xuất hiện ở sân trước giáo đường. Bác ta nhìn khắp xung quanh để yên trí không bị quan sát, nhưng bác không thể nhìn thấy viên sĩ quan chỉ thò mỗi cái đầu ra ở góc một ngôi nhà cách đó năm chục bước. Yên tâm với những biểu hiện đó, bác đánh liều ra phố Đức Bà. D'Artagnan vọt ra khỏi chỗ nấp và vừa kịp trông thấy bác đi qua phố Juiverie, sang phố Calandre và đi vào một ngôi nhà trông bề ngoài giản dị. Cho nên viên sĩ quan không hề nghĩ rằng vị phụ thủ xứng đáng kia lại không ở trong căn nhà đó.
D'Artagnan chẳng buồn đến hỏi nhà ấy. Người gác cổng, nếu có, hẳn phải được báo trước rồi; còn nếu không có thì hỏi ai được. Anh đi vào một quán rượu ở góc phố Saint-Eloi và phố Calandre gọi một lượng d'hypocras (3). Loại rượu này pha chế phải mất đứt nửa tiếng đồng hồ. D'Artagnan có đủ thì giờ rình Bazin mà chẳng khiến ai nghi ngờ.
Anh trông thấy ở trong quán một thằng lỏi trạc mười hai đến mười ba tuổi vẻ linh lợi mà anh ngờ đã nhìn thấy trước đó hai mươi phút trong bộ quần áo lễ. Anh hỏi chuyện nó và do thằng nhỏ học việc phụ trợ tế chẳng có gì mà phải giấu giếm, anh biết nó làm từ sáu giờ đến chín giờ sáng nghề lễ sinh và từ chín giờ sáng đến nửa đêm nghề hầu bàn.
Trong khi anh nói chuyện với thằng nhỏ, người ta dắt đến cửa nhà Bazin một con ngựa. Con ngựa đóng yên cương sẵn sàng. Một lát sau Bazin xuống.
- Này ông ta đi đâu vậy? - D'Artagnan hỏi.
- Ơ? Tôi biết đâu đấy?
- Nửa pistol nếu mày biết được! - D'Artagnan bảo.
- Cho tôi ấy à? - Thằng bé nói, mắt ánh lên vui mừng, - nếu tôi biết Bazin đi đâu. Chẳng khó gì đâu! Ông không giỡn tôi đấy chứ?
- Không, danh dự sĩ quan. Đây, đồng nửa pistol.
Và anh chìa ra đồng tiền cám dỗ, nhưng chưa đưa cho nó.
- Tôi sẽ đi hỏi bác ta.
- Đó là một cách để chẳng biết được gì cả, - D'Artagnan nói. - Đợi bác ta đi, rồi sau đó. Mẹ kiếp! Hỏi han, lục vấn, dò xét. Đó là việc của mày, đồng nửa pistol vẫn đó. Và anh lại bỏ tiền vào túi.
- Tôi hứa - thằng bé nói với nụ cười ranh mãnh chỉ có ở bọn nhóc Paris, - Thế thì, ta đợi xem.
Chẳng phải đợi lâu, năm phút sau, Bazin đi nước kiệu nhỏ, dùng cán ô thúc ngựa.
Bazin bao giờ cũng có thói quen mang ô thay cho roi ngựa.
Bác vừa mới ngoặt góc phố Juiverie thì thằng nhóc đã lao theo như con chó săn đuổi theo mồi.
D'Artagnan lại ngổi vào bàn chỗ anh đã ngồi khi mới vào, hoàn toàn chắc chắn rằng trước mười phút anh sẽ biết điều mình muốn biết.
Quả nhiên trước cả thời gian dự kiến, thằng nhỏ trở về.
- Thế nào! - D'Artagnan hỏi.
- Thế là đã biết rồi, - thằng bé đáp.
- Thế bác ta đi đâu?
- Đồng nửa pistol vẫn dành cho tôi chứ?
- Tất nhiên rồi. Trả lời đi.
- Cho tôi xem nào. Đưa tôi xem có phải tiền giả không?
- Đây!
- Ông chủ ơi. - thằng bé nói, - Ông khách đây cần đổi tiền lẻ.
Người chủ đang ở quầy, đưa tiền lẻ và cầm lấy đồng nửa pistol.
Thằng nhóc bỏ tiền lẻ vào túi nó.
D'Artagnan trông cái trò xảo trá của thằng nhóc, bật cười và nói:
- Nào bây giờ nói đi, bác ta đi đâu?
- Bác ấy đi Noisy.
- Tại sao mày biết?
- À mẹ nó! Cũng chẳng cần phải ma lanh lắm đâu. Tôi đã biết rằng con ngựa là của bác hàng thịt thỉnh thoảng vẫn cho bác Bazin thuê. Tôi cũng đã nghĩ rằng bác hàng thịt chẳng khi nào cho thuê ngựa mà lại không hỏi người ta dẫn nó đi đâu, dù rằng tôi chẳng tin là bác Bazin có thể làm con ngựa bị quá sức.
- Và bác ta đã trả lời mày và Bazin…
- Đi Noisy. Với tuồng như việc ấy đã thành lệ, cứ mỗi tuần vài ba lần đi tới đó.
- Thế mày có biết Noisy không?
- Biết chứ! Tôi có bà mẹ nuôi!
- Ở Noisy có tu viện nào không?
- Một cái oách là khác, tu viện dòng Jésuites .
- Tốt! - D'Artagnan thốt lên, - không còn ngờ gì nữa?
- Vậy ông hài lòng chứ?
- Ừ! Mày tên là gì?
- Friquet.
D'Artagnan giở sổ ra ghi tên thằng nhỏ và địa chỉ quán rượu.
- Ông ơi, - thằng bé hỏi, - liệu có còn kiếm được những đồng nửa pistol khác nữa không?
- Có thể, - D'Artagnan đáp.
Và do đã nắm được điều muốn biết, anh trả tiền lượng hypocras mà anh chẳng dụng môi, và vội vàng trở về đường phố Tiquetonne.
Chú thích:
(1) Một chức thầy tu hầu chủ giáo thường sống an nhàn, cho nên có những câu tục ngữ: "hớn hở như mặt Sanoan", "béo quay như Sanoan"
(2) Cút đi, quỷ Satan.
(3) Thứ rượu vang pha trộn với đường, quế, đinh hương và đun nóng lên.
Chương 9
D'Artagnan đi tìm Aramis ở tận đẩu đâu, cuối cùng lại gặp anh ta ngồi ngay trên lưng ngựa sau Planchet
Khi trở về, d'Artagnan trông thấy một người ngồi ở góc lò sưởi. Đó là Planchet, nhưng Planchet thay hình đổi dạng hẳn, nhờ những quần áo cũ, mà người chồng để lại khi bỏ trốn, đến nỗi chính d'Artagnan cũng khó mà nhận ra.
Madeleine giới thiệu cậu ta với anh trước mặt bọn đầy tớ. Planchet nói với anh một câu tiếng Flamant rất chúa, viên sĩ quan đáp lại vài lời chẳng thuộc ngôn ngữ nào cả, và cuộc mặc cả ngã giá. Người anh của Madeleine vào giúp việc d'Artagnan.
Kế hoạch của d'Artagnan được sắp đặt rất chu đáo: anh không muốn đi ban ngày đến Noisy sợ bị lộ. Anh hãy còn thời giờ, Noisy cách Paris có ba, bốn dặm, trên đường đi Meaux.
Anh bắt đầu ăn bữa sáng rất ngon, điều đó có thể là không tốt khi người ta muốn hoạt động bằng cái đầu nhưng lại là sự dự phòng rất tuyệt khi muốn hoạt động bằng thân thể. Xong, anh thay đổi y phục, sợ rằng cái áo trung uý ngự lâm quân sẽ gây nên nghi ngờ; rồi anh lấy ra thanh kiếm khỏe nhất và chắc nhất trong số ba thanh kiếm mà anh chỉ đem theo những ngày đại sự. Khoảng hai giờ, anh cho thắng ba con ngựa, và với Planchet theo sau, anh đi ra lối qua Villette.
- Ở nhà bên cạnh quán "Con dê cái nhỏ", người ta vẫn lục soát rất gắt gao để truy tìm Planchet.
Đi cách Paris một dặm rưỡi, d'Artagnan cảm thấy mình do sốt ruột nên ra đi quá sớm, bèn dừng lại cho ngựa thở; quán bên đường đầy những người vẻ mặt bất hảo như sắp mưu toan một chuyến đi đêm. Một người khoác áo choàng xuất hiện ở cửa, nhưng nhìn thấy một người lạ, hắn giơ tay làm hiệu và hai tên uống rượu đi ra ngoài để bàn bạc với hắn.
Còn d'Artagnan tiến lại phía bà chủ quán với vẻ vô tư, tán dương rượu vang của bà nó vốn làm từ một đồng nho kinh khủng của Montreuil, hỏi vài câu về Noisy và được biết rằng ở trong làng có hai ngôi nhà thờ bề thế: một nhà của Đức ông tổng giám mục Paris, ở đó hiện giờ có cháu gái ông là bà công tước De Longueville, nhà kia là một tu viện dòng Giêduyt và theo tục lệ là sở hữu của những vị cha cố danh giá ấy, không sợ nhầm lẫn đâu.
Bốn giờ, d'Artagnan lại lên dường, rong bước một vì anh chỉ muốn tới nơi khi trời tối hẳn. Lúc người ta rong ngựa thong thả vào một ngày mùa đông, trời âm u giữa một phong cảnh bằng lặng, thì chẳng có gì dáng làm hơn là - như La Fontaine nói làm như con thỏ ở trong hang của nó: nghĩ ngợi. Vậy là d'Artagnan nghĩ ngợi, và Planchet cũng thế. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, những mơ tưởng của họ khác.
Một tiếng nói của bà chủ quán đã truyền một phương hướng đặc biệt vào dòng suy nghĩ của d'Artagnan. Tiếng ấy là tên bà De Longueville.
Quả thật, bà Longueville có đủ mọi cái cần thiết để làm người ta phải nghĩ đến đó là một trong những mệnh phụ lớn nhất của vương quốc, đó là một trong những phụ nữ xinh đẹp nhất của triều đình.
Kết hôn với lão quận công De Longueville mà bà không yêu, lúc dầu bà bị coi như tình nhân của Coligny, ông này vì bà mà bị giết trong cuộc đấu kiếm với quận công de Guise ở quảng trường Hoàng cung.
Rồi sau người ta đồn về sự thân mật hơi quá đáng của bà với anh ruột của bà là hơàng thân Condé, chuyện đó gây phẫn nộ trong những người sùng đạo sợ tội với Thượng đế ở trong triều. Cuối cùng, người ta còn nói một mối thù thực sự và sâu sắc kế tiếp mối thân tình ấy; và hồi ấy, người ta vẫn cứ đồn bà công tước De Longueville có liên hệ về chính trị với hoàng thân De Marcillac con của lão quận công De la Rochefoucauld, do đó bà trở thành kẻ thù của quận công De Condé, anh bà.
D'Artagnan suy nghĩ đến tất cả những điều đó. Anh nghĩ rằng khi xưa ở cung Louvre anh thường thấy bà Longueville đi qua trước mặt anh, rạng rỡ và chói lọi. Anh nghĩ đến Aramis, chẳng hơn gì anh, xưa kia là tình nhân của bà de Chevreuse; đối với triều đình trước bà de Chevreuse như thế nào thì đối với triều đình này bà De Longueville cũng như vậy. Và anh tự hỏi tại sao ở trên đời này có nhiều người đạt tới tất cả những gì họ mong ước, người này về mặt tham vọng, kẻ kia về mặt ái tình, trong khi có những người khác hoặc vì tình cờ hoặc vì vận rủi, hoặc do trở ngại tự nhiên, do thiên nhiên đã đặt vào họ, khiến họ ở lại nửa đường trong mọi ước vọng của mình.
Anh buộc phải tự thú nhận rằng mặc dầu tất cả trí tuệ của mình, tất cả sự khéo léo của mình, chắc chắn là anh thuộc và sẽ vẫn thuộc loại những kẻ sau rốt kia. Anh nghĩ đến đỏ thì Planchet đến gần và nói:
- Ông này, tôi đánh cuộc là ông nghĩ đến cùng một điều như tôi.
- Tôi hoài nghi đấy, Planchet? - D'Artagnan nói. - Nhưng cậu nghĩ đến gì cơ chứ?
- Thưa ông, tôi nghĩ đến những bộ mặt bất hảo đang nhậu nhẹt ở trong quán rượu mà chúng ta vừa dừng lại đó..
- Cậu lúc nào cũng thận trọng!
- Đấy là bản năng, ông ạ.
- Thế thì thử xem trong hoàn cảnh như thế này, bản năng cậu nói với cậu thế nào?
- Ông ạ, bản năng nói với tôi rằng những kẻ kia tụ tập ở trong cái quán ấy nhằm một mục đích xấu, và tôi ngẫm nghĩ đến cái điều mà bản năng của tôi nói với tôi trong cái xó tối tăm nhất của chuồng ngựa. Khi một gã khoác áo choàng bước vào chuồng ngựa có hai tên khác theo sau.
Thấy câu chuyện của Planchet phù hợp vớí những quan sát của mình, d'Artagnan nói:
- A, a? Thế nào?
- Một người trong bọn họ nói:
"Chắc chắn hắn ta ở Noisy hoặc sẽ đến đó tối nay, bởi vì tôi nhận ra tên hầu của hắn".
"Anh có chắc không? - Người khoác áo choàng hỏi.
"Thưa hoàng thân chắc ạ.
- Thưa hoàng thân à? - D'Artagnan ngắt lời.
- Vâng, thưa hoàng thân. Nhưng ông hãy nghe đã.
“ Nếu nó đến đấy, dứt khoát ta phải hành động thế nào chứ? - Một tên uống rượu nói.
“Phải hành động thế nào ấy à? - Ông hoàng hỏi.
“Hắn không phải kẻ dễ để người ta tóm như thế đâu. Hắn sẽ đẩu kiếm.
- Thế thì phải làm như hắn ta, tuy nhiên cố bắt sống nó. Anh có thừng để trói nó không, và một túm giẻ để bịt miệng nó lại.
“Chúng tôi có đầy đủ.
“ Phải chú ý, rất có thể hắn sẽ cải trang làm một kỵ sĩ.
“ Ồ vâng! Xin Đức ông cứ yên tâm.
“Với lại tôi cũng sẽ ở đó và tôi sẽ hướng dẫn các anh.
“Ngài bảo đảm là công lý…
- Tôi xin bảo đảm tất, - Ông hoàng nói.
- Thế thì tốt, chúng tôi sẽ cố làm hết sức mình.
Nói xong, bọn họ ra khỏi chuồng ngựa.
- Này! - D'Artagnan nói, - chuyện đó thì có can hệ gì đến chúng ta? Đó là một trong những kế hoạch mà người ta vẫn làm hằng ngày.
- Ông có chắc rằng việc đó không phải nhằm chổng lại chúng ta không?
- Chống lại chúng ta? Tại sao?
- Ấy, xin hãy nhớ lại câu nói của họ. "Tôi nhận ra thằng hầu của hắn", hẳn là nói về tôi.
- Gì nữa?
- "Hắn phải ở Noisy hoặc sẽ đến đó tối nay", một tên khách nói, hẳn là nói về ông.
- Rồi sao nữa?
- Rồi ông hoàng thân nói: "Phải chú ý là rất có thể hắn cải trang là kỵ sĩ", điều này không nghi ngờ gì nữa, bởi vì ông mặc kỵ sĩ chứ không phải là ngự lâm quân; xin hỏi, ông nói sao?
- Chao ôi, Planchet thân mến của tôi? - D'Artagnan thở dài. - Tôi xin nói rằng tôi không còn phải khốn khổ ở cái thời mà các ông hoàng muốn cho ám sát tôi. Ôi! Các ông hoàng ấy, đó là thời xa xưa rồi. Cậu hãy yên tâm, những người ấy chẳng thù oán gì ta đâu?
- Ông chắc thế chứ?
- Tôi cam đoan vậy.
- Thế thì tốt rồi; ta không bàn chuyện ấy nữa.
Và Planchet lại lùi lại đi sau d'Artagnan với niềm tin cậy tuyệt vời mà bao giờ anh cũng có đối với chủ anh, và mười lăm năm xa cách vẫn không hề phai nhạt.
Cứ thế đi được gần một dặm. Planchet tiến gần lại d'Artagnan và nói:
- Ông này!
- Gì đấy? - D'Artagnan hỏi.
- Này, ông thứ nhìn về phía kia xem hình như có bóng người đang đi trong đêm tối thì phải. Ông nghe xem, hình như có tiếng vó ngựa ấy.
- Vô lý! D'Artagnan nói. - Đất ướt nhão vì mưa, tuy nhiên, như cậu nói, tôi thấy hình như có cái gì đó.
Và họ dừng lại để nhìn và nghe ngóng.
- Nếu không nghe tiếng chân ngựa, ít ra cũng nghe tiếng ngựa hí; này này!
Quả nhiên có tiếng một con ngựa hí vọng qua không gian và bóng tối, đập vào tai d'Artagnan.
- Đó là những người của ta đi dã ngoại, - anh nói, nhưng chẳng can hệ gì đến ta, ta cứ tiếp tục đi thôi.
Và họ lại lên đường.
Nửa giờ sau họ tới những căn nhà đầu tiên của Noisy, lúc ấy khoảng tám giờ rưỡi đến chín giờ tối.
Theo thói quen ở nông thôn, mọi người đã đi nằm, và trong làng không còn có một ánh lửa.
Mái nhà nhấp nhô ở hai bên đường nổi bật trên nền trời xám, chốc chốc một con chó canh sủa lên sau một cánh cửa, hoặc một con mèo hoảng hốt vội vã rời lòng đường chạy đến núp trong một đống củi, và cặp mắt sợ hãi vẫn sáng lẩp lánh như những hòn ngọc xanh lè.
Dường như đó là những sinh vật duy nhất sống ở làng này.
Đến giữa xóm, cứ cho là như vậy, có một khối nhà tối sẫm nổi lên giữa hai ngõ, án ngữ khu chính, hai cây bồ đề lớn ở trước nhà dang rộng những cánh tay khẳng khiu. D'Artagnan chú ý xem xét ngôi nhà. Anh bảo Planchet.
- Đây chắc hẳn là lâu đài của tổng giám mục, nơi ở của phu nhân De Longueville kiều diễm. Nhưng còn tu viện ở đâu nhỉ?
- Tu viện ở đầu làng, - Planchet nói, - tôi biết mà.
- Này Planchet,- D'Artagnan bảo - phóng thẳng đến đó đi, còn tôi sẽ siết lại đai ngựa, và khi quay về cậu sẽ cho tôi biết rõ còn cửa sổ nào có ánh đèn ở chỗ cái ông thầy tu Giêduyt không?
Planchet tuân lời và lao vào bóng tối. D'Artagnan nhẩy xuống đất siết lại đai ngựa.
Năm phút sau, Planchet trở lại. Anh nói:
- Ông ạ, chỉ mỗi cửa sổ ở phía tường trông ra ngoài đồng là có ánh đèn thôi.
- Hừm! - D'Artagnan nói. - Nếu ta là Fronde ta sẽ gõ cửa đây và chắc chắn sẽ có nơi trú tốt, nếu ta là thầy tu ta sẽ gõ cửa đằng kia, và chắc chắn sẽ có một bữa ăn tối ngon. Còn trái lại, ở giữa lâu đài và tu viện, rất có thể chúng ta sẽ nằm trên mặt đất, chết khát và chết đói.
- Đúng đấy Planchet đáp, - giống như con lừa của Buridăng nổi tiếng. Trong khi chờ đợi, ông có muốn tôi gõ cửa không?
- Suỵt! D'Artagnan nói. - Cửa sổ duy nhất có ánh đèn thì lại vừa mới tắt.
- Ông có nghe thấy không? Planchet nói.
- Có tiếng động gì ấy nhỉ?
Đó là tiếng ồn ào của một cơn dông đang đến gần, cùng lúc ấy hai toán kỵ sĩ, mỗi toán độ mười người, túa ra từ hai ngõ men theo ngôi nhà, và bịt chặt mọi lối thoát, bao vây d'Artagnan và Planchet.
- Ái chà? - D'Artagnan vừa nói vừa tuốt kiếm và nấp sau con ngựa của mình, còn Planchet cũng làm động tác như vậy - Có lẽ cậu nghĩ đúng đây, và họ định công kích chúng ta thật chăng?
- Nó kia rồi, bắt lấy nó!
Các kỵ sĩ vừa nói vừa xông vào d'Artagnan, kiếm tuốt trần.
- Chớ để nó thoát, - một giọng nói to.
- Không, xin Đức ông yên tâm.
D'Artagnan cho là đến lúc anh phải xen vào câu chuyện. Anh nói bằng giọng Gascogne:
- Ơ này, các ông! Các ông muốn gì, các ông cần gì?
- Rồi mày sẽ biết! - Các kỵ sĩ đồng thanh quát lên.
- Dừng lại! dừng lại! - Người được gọi là Đức ông kêu lên, - Dừng lại! Không phải là tiếng nó.
- À, ra thế! Này các ông, - D'Artagnan nói, - phải chăng ngẫu nhiên mà người ta phát rồ lên ở Noisy. Tuy nhiên hãy coi chừng, vì tôi xin báo trước rằng kẻ đầu tiên sấn lại vừa tầm dài thanh kiếm của tôi, mà thanh kiếm của tôi thì dài đấy, tôi sẽ rạch thủng bụng ra.
Người thủ lĩnh tiến lại:
- Anh làm gì đấy? - Ông ta nói bằng một giọng kiêu kỳ và như quen chỉ huy.
- Thế còn chính ông? - D'Artagnan nói.
- Nên tỏ ra lễ độ, nếu không ta sẽ nện cho ra trò; vì dù không muốn tự xưng tên, ta cũng muốn được kính trọng theo thứ vị.
- Ông không muốn xưng danh, bởi vì ông chỉ huy một cuộc mai phục, - D'Artagnan nói, - nhưng tôi đây, tôi đi du ngoạn yên lành với tên hầu của tôi, tôi không có lý do như ông để giấu tên.
- Thôi, thôi, ông tên là gì?
- Tôi nói tên ra để ông còn biết mà tìm lại, thưa ông, thưa Đức ông hay thưa Hoàng thân, tuỳ ý ông thích gọi thế nào cũng được, - chàng xứ Gascogne của chúng ta không muốn có vẻ lùi bước trước một lời doạ nạt, bèn nói, - Ông có biết ông d'Artagnan không?
- Trung uý ngự lâm quân của nhà vua?
- Đúng thế.
- Phải.
- Vậy thì, chàng xứ Gascon tiếp tục, - Ông phải nghe nói đó là một tay kiếm vững vàng và điêu luyện chứ?
- Ông là ông d'Artagnan à?
- Tôi đây.
Thế ra ông đến đây để bảo vệ cho hắn ư?
- Hắn? Hắn nào?…
- Kẻ mà chúng tôi tìm kiếm.
- Dường như, - D'Artagnan nói, - không có nghi ngờ gì nữa đến Noisy tôi tưởng như đã tiếp cận vương quốc của những lời bí ẩn.
- Này, trả lời đi, - vẫn cái giọng kiêu ngạo ấy cất lên. Ông chờ hắn ở dưới những của sổ này phải không? Ông đến Noisy để bảo vệ hắn phải không?
- Tôi chẳng đợi ai hết, - D'Artagnan nói, anh đã bắt đầu nổi nóng, - tôi chẳng tính bảo vệ ai ngoài tôi ra, mà cái tôi ấy tôi sẽ báo vệ mãnh liệt đấy, xin báo để ông rõ.
- Được rồi, ông đi khỏi đây đi, rời khỏi chỗ này đi.
Cái mệnh lệnh đó ngược lại với kế hoạch của d'Artagnan, nên anh đáp:
- Đi khỏi đây ư? Không dễ đâu, vì tôi mỏi rã người ra rồi và con ngựa của tôi cũng vậy, trừ phi ông sẵn sàng đãi tôi một bữa ăn tối và cho tôi ngủ ở đâu đó quanh đây.
- Đồ lếu láo!
- Này! - D'Artagnan nói. - Xin ông giữ mồm giữ miệng, vì nếu ông còn nói một câu tương tự, thì dù ông là hầu tước, công tước, hoàng thân, hay vua chăng nữa, tôi cũng sẽ tống câu ấy trở vào bụng ông, ông nghe rõ chưa?
- Thôi, thôi, viên chỉ huy nói, - không thể lầm lẫn được, đúng là một Gascogne, và do đó không phải là kẻ ta đang tìm. Việc của ta tối nay thế là hỏng rồi, ta rút thôi. Chúng ta sẽ lại gặp nhau, tiên sinh d'Artagnan ạ, - viên chỉ huy cao giọng nói tiếp.
- Vâng, nhưng không bao giờ với lợi thế như thế này,- chàng Gascogne nói mỉa, - vì khi gặp lại tôi, có lẽ ông sẽ đi một mình và giữa ban ngày ban mặt.
- Được lắm, được lắm! - Giọng nói cất lên. - Nào, các ông lên đường.
Và đám người vừa lầu bầu vừa la gắt gỏng, biến trong bóng tối, trở về phía Paris.
D'Artagnan và Planchet còn đứng một lát giữ thế thủ, nhưng, tiếng động tiếp tục xa dần, họ tra kiếm vào bao.
D'Artagnan bình thản bảo Planchet:
- Cậu thấy chưa, đồ ngu, không phải họ công kích chúng ta mà.
- Thực tình tôi chẳng hiểu gì! Nhưng không sao. Điều can hệ đối vôi tôi là vào tu viện jésuites. Vậy thì, ta lên ngựa và đến đó gõ cửa. Thế nào thì thế chứ? Mẹ kiếp, họ có ăn thịt ta đâu mà lo?
D'Artagnan trèo lên yên.
Planchet vừa mới lên yên, thì một khối nặng bất ngờ rơi bịch xuống đằng sau con ngựa khiến nó khuỵu xuống.
- Ối ông ơi, - Planchet kêu lên, - có một người ngồi sau mông ngựa tôi.
D'Artagnan quay lại và quả nhiên trông thấy hai bóng người trên con ngựa của Planchet.
- Vậy đúng là ma quỷ theo đuổi chúng ta, - anh kêu lên và rút kiếm chuẩn bị tấn công kẻ mới đến.
- Không, d'Artagnan thân mến của tôi ơi, không phải ma quỷ đâu! Aramis đây!
Planchet phi nước đại lên, đến đầu làng thì rẽ bên trái.
Và Planchet mang Aramis trên mông ngựa, phóng nước đại, d'Artagnan theo sau, anh bắt đầu ngờ như mình đang mơ một giấc mơ kỳ ảo và chẳng ăn nhập gì với nhau cả.
Chương 10
Tu viện trưởng d'Erblay
Đến đầu làng Planchet rẽ sang bên trái như Aramis đã dặn và dừng lại dưới một cửa sổ có ánh đèn, Aramis nhảy xuống đất và vỗ tay ba lần. Tức thì cửa sổ mở ra, và một cái thang dây buông xuống.
- Bạn thân mến ơi, - Aramis nói, - nếu bạn muốn lên tôi sẽ rất vui mừng được tiếp đón.
- Ối chà! - D'Artagnan nói. - Thì ra người ta về nhà anh bằng cách ấy à?
- Quá chín giờ tối rồi thì mẹ kiếp, dứt khoát phải như vậy chứ! - Aramis nói. - Lệnh của tu viện là loại nghiêm ngặt nhất đấy, mẹ kiếp!
- Xin lỗi anh bạn thân mến, - D'Artagnan nói, - hình như vừa rồi anh có nói mẹ kiếp!
- Cậu tin là có thể lắm chứ. Bạn thân mến ơi, cậu không thể tưởng tượng được rằng trong những cái tu viện phải gió này người ta nhiễm biết bao nhiểu thói xấu xa, những dàn nhà thờ này đều có những cung cách độc ác và tôi buộc phải chung sống với họ! Thế cậu không lên à?
- Cậu đi trước, tôi theo sau.
Giống như vị cố giáo chủ nói với vua đã khuất: "Để chỉ đường cho Hoàng thượng", Aramis nhanh nhẹn leo thang và loáng một cái đã tới cửa sổ
D'Artagnan lên sau, nhưng thong thả hơn, rõ ràng cái kiểu đường đó anh không quen bằng bạn.
Aramis nhận thấy sự vụng về ấy, bèn bảo:
- Xin lỗi, nếu tôi biết trước có vinh dự được cậu đến thăm, tôi sẽ mang cho cái thang của bác làm vườn đến, còn đối với riêng tôi, cái thang này là đủ rồi.
Khi thấy d'Artagnan leo gần đến nơi, Planchet nói.
- Thưa ông, cái trò này rất hợp với ông Aramis cũng hợp với ông, và quá lắm nó cũng còn hợp với tôi, nhưng hai con ngựa chúng không thể nào leo thang được ạ
- Cậu dẫn chúng xuống nhà kho, anh bạn ạ, - Aramis vừa nói vừa trỏ cho Planchet một thứ xưởng mọc lên ở dưới đồng, - Ở đó có rơm và lúa mạch cho ngựa.
- Thế còn cho tôi? - Planchet hỏi.
- Cậu sẽ trở lại dưới cửa sổ, vỗ tay ba lần và chúng tôi sẽ chuyển thức ăn xuống. Yên tâm đi,! Ở đây chẳng lo chết đói đâu. Thôi, đi đi.
Rồi Aramis rút thang dây lên, đóng cửa sổ.
D'Artagnan ngắm căn phòng.
Chưa bao giờ anh thấy một căn phòng vừa chinh chiến hơn vừa lịch sự hơn. Ở mỗi góc phòng bày những binh khí chiến lợi phẩm, có thể xem và cầm những gươm, kiếm đủ loại, và bốn bức tranh lớn về giáo chủ Lorraine, giáo chủ de Richelieu, giáo chủ La Valette và tổng giám mục De Bordeaux trong các bộ quần áo trận mạc. Ngoài ra thực sự chẳng có một cái gì chứng tỏ đây là chỗ ở của một tu viện trưởng; các bức rèm căng bằng gấm Damas, các tấm thảm từ Alençon, và nhất là cái giường với tràng kỷ thêu ren và tấm mến đắp chân, có vẻ giường của một tiểu thư hơn là giường của một người đàn ông đã nguyện đi tới thiên cung bằng con đường tiết dục và hành xác.
- Cậu xem tệ xá của tôi, - Aramis nói. - Ôi, bạn thân mến thứ lỗi cho tôi nhé. Biết làm thế nào? Mình ở như một kẻ tu hành. Nhưng cậu để mắt tìm kiếm gì thế?
- Tôi tìm xem ai đã ném thang xuống cho cậu, tôi chẳng nhìn thấy ai cả, mà thang thì chẳng tự rơi xuống được?
- À, Bazin đấy mà.
- A, A! - D'Artagnan kêu lên.
- Nhưng, - Aramis nói tiếp, - Bazin là một tay được huấn luyện tốt, hắn thấy tôi về không phải một mình nên đã kín đáo rút lui. Bạn thân mến ngồi xuống đi và ta cùng nhau trò chuyện.
Aramis đẩy cho d'Artagnan một cái ghế bành lớn và anh bạn chống khuỷu tay duỗi người ra.
- Trước hết cậu ăn tối với tôi chứ? - Aramis hỏi.
- Vâng, nếu cậu sẵn lòng, - D'Artagnan nói, - và tôi rất vui lòng, vì thú thật, đường sá khiến tôi đói cồn cào cả lên.
- Ôi, khổ thân anh bạn? - Aramis nói. - Cậu sẽ phải ăn kham khổ đấy vì không biết có khách mà.
- Liệu tôi có bị đe doạ phải xơi trứng tráng như dạo ở Crèvecoeur và những lá cù lác không? Phải chăng như thế mà ngày xưa cậu gọi là rau mồng tơi ư?
- Ôi! Phải hy vọng chứ, - Aramis nói, - với sự giúp dỡ của Chúa và Bazin, chúng ta sẽ kiếm được cái gì đó hay hơn trong chậu thức ăn của các cha Jésuites tôn kính. Bazin, anh bạn tôi ơi, Bazin, ra đây nào.
Cánh cửa mở và Bazin xuất hiện, nhưng vừa thoạt trông thấy d'Artagnan, bác thốt lên một tiếng than giống như một tiếng kêu thất vọng.
- Bác Bazin thân mến ơi, - D'Artagnan nói, - tôi rất thú vị được xem bác nói dối với một vẻ chững chạc biết chừng nào, ngay ở trong một giáo đường.
- Thưa ông, - Bazin đáp, - tôi học được ở các cha Jésuites tôn kính rằng có thể được phép nói dối khi nói dối với một ý đồ tốt.
- Tốt lắm, tốt lắm, Bazin. - Aramis bảo - D'Artagnan đang chết đói đây và tôi cũng vậy, bác hết sức cố gắng cho chúng tôi ăn tối, và nhất là đem rượu ngon cho chúng tôi.
Bazin cúi đầu vâng, lệnh, thở dài đánh thượt một cái rồi đi ra.
- Bây giờ còn lại riêng chúng ta, Aramis thân mến ơi, - D'Artagnan vừa nói vừa đảo cặp mắt nhìn căn phòng, rồi dừng nơi chủ của nó và kết thúc ở bộ y phục, - Cậu cho tôi biết cậu từ chỗ quỷ quái nào đến khi cậu rơi phịch xuống mông ngựa đằng sau Planchet.
- Mẹ kiếp. - Aramis nói. - Cậu trông thấy rành rành rồi, từ trên trời.
- Từ trên trời! - D'Artagnan gật đầu nhắc lại.
- Tôi thấy cậu có vẻ đi lên đó hơn là từ đó trở về.
Với cái vẻ hợm mình d'Artagnan chưa bao giờ thấy khi còn ở ngự lâm quân, Aramis nói:
- Bạn thân mến ơi, nếu tôi không từ trên trời xuống, thì it ra tôi cũng từ thiên đường tới; điều đó giống nhau lắm.
- A ha! Thế là các nhà bác học đã rõ rồi nhé, - D'Artagnan bảo, - cho đến nay người ta không thể đồng ý với nhau về vị trí xác thực của thiên đường, người thì đặt nó trên Ararat (1), người thì đặt nó giữa sông Tigre và sông Ophra (2), dường như người ta cứ đi tìm nó ở tận đâu đâu trong khi nó lại ở rất gần. Thiên đường ở ngay Noisy-le-Sec, trên địa điểm lâu dài vị tổng giám mục Paris. Người ta ở đó đi ra không bằng cửa chính mà bằng cửa sổ, người ta xuống không bằng các bậc đá hoa cương của cầu thang cuốn, mà từ trên cành cây bồ đề, và vị thần cầm thanh kiếm rực lửa bảo vệ thiên đường hình như đã đổi cái tên thiên đình Gabiren ra cái tên hạ giới hoàng thân Marcillac.
Aramis bật cười nói:
- Cậu luôn là người vui tính, và cái chất hài hước trí tuệ mang tính chất Gascogne của cậu vẫn không rời cậu. Phải, cậu nói kể cũng phần nào đúng đấy, song ít ra cậu phải loại trừ ý nghĩ cho rằng tôi yêu bà De Longueville.
- Gớm chưa! Tôi nghi lắm đấy? - D'Artagnan nói. - Sau một thời gian dài yêu bà de Chevreuse, dễ thường cậu không đem lòng si mê kẻ tử thù ghê gớm nhất của bà ta đâu nhỉ?
- Phải, đúng đấy, - Aramis nói với vẻ ngán ngẩm, phải, cái bà công tước tội nghiệp ấy, xưa tôi đã yêu tha thiết, và phải thừa nhận rằng bà đã rất có ích cho chúng ta; nhưng làm thế nào được? Bà ấy đã phải rời nước Pháp. Cái lão giáo chủ gian ác đó thực là một đối thủ ghê gớm? - Aramis ngước nhìn lên bức chân dung của tể tướng cũ và nói tiếp - Lão đã ra lệnh bắt giữ bà và dẫn đến lâu dài Loches, lão toan cho chém đầu bà ấy, tôi nói thực đấy nhưng đã đối xử tốt với Chalais, Montmorency và Cinq-Mars; bà ta đã cải trang làm đàn ông và trốn đi cùng cô hầu phòng, cái cô Ketty tội nghiệp ấy. Tôi còn nghe nói đã có một chuyện tình cờ kỳ lạ xảy đến với bà ấy ở một làng nào đó tôi không rõ, với một ông linh mục nào ấy tôi cũng không biết, mà bà xin nghỉ trọ. Ông ta chỉ có một phòng và tưởng bà ta là một kỵ sĩ nam nên đã cho nghỉ chung phòng. Ấy vì bà ta mặc y phục nam giới hợp một cách không tưởng tượng được, cái bà Mari thân thương ấy. Tôi chỉ biết có một phụ nữ mặc y phục nam hợp đến thế cho nên người ta đã làm một khúc ca về bà ta: Laboatxie hãy nói đi! Cậu có biết không nhỉ?
- Không đâu, cậu thử hát nghe xem nào, bạn thân mến.
Và Aramis hát với giọng phóng túng nhất:
Laboissière hãy nói đi!
Tôi có giống nam nhi?
Quả tình tôi xin nói,
Bà cưỡi ngựa thật giỏi
Hơn cả bọn chúng tôi.
Bà sống giữa gươm dao
Trong trung đoàn vệ sĩ
Như một chàng dự bị.
- Hoan hô! - D'Artagnan nói. - Cậu hát bao giờ cũng rất tuyệt. Aramis thân mến ạ, và tôi thấy kinh kệ đã không làm hỏng giọng của cậu.
- Bạn thân mến ơi, - Aramis nói, - cậu nên nhớ là… cái thời tôi còn là ngự lâm quân, tôi đi gác càng ít càng hay; bây giờ tôi làm tu viện trưởng tôi đọc kinh lễ càng ít càng tốt. Nhưng thôi, ta nên trở lại với bà công tước tội nghiệp ấy.
- Bà nào? Bà công tước de Chevreuse hay bà công tước De Longueville?
- Bạn thân mến ơi, tôi đã nói với cậu rằng không có cái gì giữa tôi và công tước De Longueville đâu, những chuyện tán tỉnh có lẽ, và chỉ thế thôi. Không, tôi nói về bà công tước de Chevreuse. Sau khi vua mất, bà ấy ở Bruxelles trở về, cậu có gặp bà ta không nhỉ?
- Có hẳn chứ, mà bà vẫn còn rất xinh đẹp.
- Phải, - Aramis nói. - Hồi ấy tôi cũng có gặp lại bà ấy một đôi lần; tôi đã đưa nhiều lời khuyên rất tốt mà bà không biết lợi dụng. Tôi sẵn sàng chết để nói với bà ấy rằng Mazarin là tình nhân của hoàng hậu; bà ấy không muốn tin tôi và bà ấy biết rõ Anne d'Autriche và Anne thì kiêu hãnh để có thể nói đi yêu một tên đê hèn như vậy.
Rồi trong khi chờ đợi, bà lao vào vụ âm mưu của quận công de Beaufort và tên đê hèn kia đã bắt giam ông quận công de Beaufort và lưu đầy bà de Chevreuse.
- Cậu biết rằng bà ta đã được phép trở về à? - D'Artagnan hỏi.
- Ừ, và biết cả bà ta đã trở về rồi… Bà ấy còn làm một điều dại dột nào đó.
- Ờ, nhưng lần này bà ta sẽ nghe theo lời khuyên của cậu?
- Ồ, Aramis bảo, - lần này tôi chẳng gặp lại bà ấy; bà ấy đã thay đổi quá nhiều.
- Đâu có được như cậu, Aramis thân mến ạ, bởi vì cậu vẫn như xưa, cậu vẫn có bộ tóc đen, vẫn có thân hình duyên dáng, vẫn có đôi bàn tay như tay phụ nữ nay trở thành những bàn tay giáo chủ tuyệt đẹp.
- Ừ, đúng đấy, - Aramis nói, - tôi tự chăm chút mình nhiều.
- Cậu biết không, trông mình cũng già hơn tuổi, mình sắp ba mươi bảy tuổi rồi.
- Cậu nghe đây, bạn thân mến! - D'Artagnan mỉm cười nói. - Do gặp lại nhau, ta nên thoả thuận với nhau một điều chính là tuổi tác mà chúng ta sẽ có từ rày về sau.
- Thế là thế nào? - Aramis hỏi.
- Thế đấy, - D'Artagnan nói tiếp, ngày trước tôi là em út của các cậu kém cậu hai hay ba tuổi, và nếu tôi không tính lầm thì nay đã tròn bốn mươi tuổi rồi đấy
- Thật vậy ư? - Aramis nói. - Thế thì tôi nhầm, bởi vì bạn thân mến ơi, bao giờ cậu cũng là một nhà toán học tuyệt vời. Như vậy là theo tính toán của cậu, tôi đã bốn mươi ba tuổi! Chết thật, chết thật! Bạn thân mến ơi, chớ có đi nói ra ở dinh Rambouillet mà hại to cho tôi đó.
- Yên tâm, - D'Artagnan nói, - tôi chẳng đến đấy đâu.
- À mà cái con vật Bazin làm gì thế? Có mau mau lên không, ông mãnh ơi, chúng tôi đang điên lên vì đói khát đây.
Bazin lúc này vừa giơ cao hai tay lên trời, mỗi tay cầm một chai rượu.
- Cuối cùng,- Aramis nói, - chúng ta đã sẵn sàng phải không?
- Vâng, thưa ông, ngay bây giờ, nhưng cũng phải có thời gian để tôi đem lên tất cả…
Bởi vì bác vẫn tin tưởng cái áo dài phụ nữ ở trên vai, - Aramis ngắt lời, - và suốt ngày mê mải ở sách kinh. Nhưng tôi bảo trước cho mà biết rằng nếu bác cứ miệt mài đánh bóng mọi thứ thánh đường mà quên mất cách lau chùi thanh kiếm của tôi thì tôi sẽ đem tất cả những tranh thánh của bác ra đốt một ngọn lửa thật to để đem quay bác lên cho mà xem.
Bazin phẫn nộ làm dấu thánh bằng chai rượu mà tay bác đang cầm.
Còn d'Artagnan kinh ngạc hơn bao giờ hết về giọng nói và cung cách của tu viện trưởng d'Erblay. Chúng tương phản dữ dội với cung cách của anh lính ngự lâm Aramis, anh cứ trợn tròn mắt lên trước mặt bạn mình.
Bazin vội vã phủ bàn bằng một tấm khăn Damas và bày lên đó bao nhiêu thứ mạ vàng, thơm phức, ngon lành mà d'Artagnan cứ ngẩn người ra nhìn ngắm.
- Nhưng cậu còn đợi một người nào đó phải không? - Viên sĩ quan hỏi.
- Đâu! Aramis nói. - Bao giờ tôi cũng để một suất dự phòng, với lại tôi biết là cậu đi tìm tôi.
- Ai bảo cậu?
- Thày Bazin chứ còn ai. Bác ta tưởng cậu là ma quỷ bạn thân mến ạ, và đã chạy tới đây để báo trước cho tôi biết mối nguy hiểm đang đe doạ linh hồn tôi, nếu tôi lại đàn đúm bậy bạ với một sĩ quan ngự lâm quân.
- Ồ thưa ông, - Bazin kêu lên và chắp hai tay lại, vẻ van lơn.
- Thôi, đừng đạo đức giả nữa? Biết rằng tôi không ưa thế. Tốt hơn hết bác mở cửa sổ ra, thả một cái bánh, một con gà và một chai rượu cho Planchet, bạn của bác, hắn đang mệt phờ ra vì vỗ tay đến nửa giờ đồng hồ rồi.
Quả thật, sau khi đem rơm và lúa mạch cho ngựa ăn, Planchet đã trở lại dưới cửa sổ và làm hiệu đến hai ba lần.
Bazin vâng lệnh, buộc vào đầu dây ba thứ đã nói và ròng xuống cho Planchet, hắn chẳng đòi hỏi gì hơn, lập tức rút ngay về nhà kho.
- Bây giờ ta vào chén nào, - Aramis bảo.
Hai người bạn ngồi vào bàn, và Aramis bắt đầu cắt xé gà giò, chim trĩ, chân giò muối và với sự khéo léo thật sự của phép ăn ngon.
- Ghê thật? – d'Artagnan nói, - Cậu bồi bổ mới khiếp làm sao?
- Ờ cũng khá tốt. Nhờ ông giáo chủ, tôi được toà thánh La Mã cho miễn trừ những ngày ăn chay vì lý do sức khỏe của tôi. Về người nấu nướng, tôi dùng người đầu bếp cũ của De Lafollone, cậu biết chứ? Bạn cũ của ông giáo chủ, cái lão phàm ăn ấy cứ sau mỗi bữa là cầu độc mỗi câu kinh: "Lạy Chúa, xin ban cho tôi cái ân là tiêu hoá thật tốt cái mà tôi đã chén thật ngon".
- Ấy thế mà cũng không tranh khỏi chết vì bội thực đấy,- D'Artagnan nói với một vẻ cam chịu, - người ta chẳng trốn được số mệnh.
- Này, xin cậu bỏ qua cho câu tôi sắp hỏi nhé, - D'Artagnan nói tiếp.
- Thế nào, cậu nói đi, cậu biết giữa chúng mình với nhau chẳng có gì là tọc mạch.
- Vậy cậu trở lên giàu có, phải không?
- Ồ, lạy Chúa, không đâu. Tôi kiếm được mười hai nghìn livrres một năm, không kể một khoản lãi nhỏ nhặt chừng một nghìn êquy mà ông hoàng thân dành cho tôi.
- Thế mười hai nghìn livres ấy cậu kiếm bằng cách gì, - D'Artagnan hỏi, - bằng thơ ca của cậu à?
- Không, tôi đã từ bỏ thơ ca rồi, trừ phi thỉnh thoảng làm đôi bàì hát chúc rượu, vài bài xonnê(3) tán tỉnh hoặc thơ trào phúng vô thưởng vô phạt. Tôi làm nhưng bài thuyết pháp, anh ạ.
- Sao, những bài thuyết pháp?
- Ồ! Mà những bài thuyết pháp phi thường, cậu biết không. Ít ra là tôi thấy như vậy.
- Mà cậu thuyết giáo ư?
- Không, mà tôi đem bán.
- Bán cho ai?
- Cho những đồng nghiệp nào của tôi muốn trở thành những nhà đại hùng biện.
- Thật thế ư? Thế sao cậu không mưu đồ vinh quang cho bản thân cậu?
- Có chứ! Nhưng bản chất đã thắng tôi. Khi tôi lên bục giảng mà tình cờ có một người phụ nữ xinh đẹp nhìn tôi là tôi nhìn lại, nếu người ấy cười, tôi cũng cười theo. Và thế là tôi nói loạn xạ: đáng lẽ nói về những hình phạt dưới địa ngục thì tôi lại nói về những lạc thú trên thiên đường. Hề! Cậu này, thế rồi một hôm tại nhà thờ Saint-Louis ở Marais… một việc đã xảy đến với tôi. Một tay kỵ sĩ cười nhạo thẳng vào mặt tôi, tôi bèn ngừng giảng để nói với hắn rằng nó là một tên ngu ngốc. Dân chúng ùa ra để nhặt đá, nhưng lúc ấy tôi rất khéo léo lái tư tưởng của đám người dự rằng chính hắn là kẻ mà người ta ném đá. Hiển nhiên là ngày hôm sau hắn đến ngay nhà tôi, tưởng rằng có chuyện gì với một tu viện trương giống như một tu viện khác.
D'Artagnan ôm bụng cười và hỏi:
- Thế cuộc viếng thăm của hắn rồi sau ra sao?
- Rồi chúng tôi đã hẹn nhau cuộc gặp gỡ vào buổi chiều hôm sau ở quảng trường Hoàng cung! Ê! Mẹ kiếp, cậu đã biết chút nào rồi.
- Có lẽ, tình cờ mà tôi đã giúp làm trợ thủ cho cậu chống lại cái tên hỗn xược ấy không? - D'Artagnan hỏi lại.
- Đúng thế. Cậu đã thấy tôi đã cho nó như thế nào?
- Nó có chết không?
Tôi chẳng biết nữa. Nhưng dù sao tôi cũng đã xá tội cho nó " in articulo mortis"(4). Giết chết thể xác mà không giết chết linh hồn thế là tốt rồi.
Bazin làm dấu thất vọng tỏ ý muốn nói rằng bác ta có lẽ tán thành cái đạo lý ấy, nhưng phản đối mạnh mẽ cái giọng nói ra điều ấy.
- Này, ông bạn Bazin, - Aramis nói, - bác không biết tôi đã nhìn thấy bác ở trong tấm gương kia và lần này là lần chót, tôi cấm bác không được có động tác tỏ vẻ tán thành hoặc phản đối. Thôi, bác hãy làm ơn dọn rượu vang Tây Ban Nha cho chúng tôi, rồi bác trở về. Với lại ông bạn d'Artagnan có điều bí mật gì đó muốn nói với tôi. Có phải không d'Artagnan?
D'Artagnan gật đầu và Bazin, sau khi đặt rượu vang lên bàn, bèn rút lui.
Còn lại hai người bạn ngồi đối diện với nhau, im lặng trong giây lát. Aramis dường như chờ đợi một sự tiêu hoá êm ái.
D'Artagnan chuẩn bị lời khai đề. Mỗi người khi trông thấy người kia nhìn mình vội liếc nhìn xuống phía dưới bụng-
Aramis là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng.
Chú thích:
(1) Vùng núi lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ
(2) Hai con sông ở vùng Tây Á
(3) Thể thơ mười bốn câu mười hai vần chia làm bốn đoạn: bốn, bốn, ba, ba câu.
(4) Lúc sắp chết. (Tiếng La-tinh)
Nguồn: http://vnthuquan.net/