Hai kẻ thù cũ
D'Artagnan đến ngục Bastille thì chuông đồng hồ vang lên tám rưỡi. Anh cho báo với viên quản ngục, khi ông này biết anh do quan tể tướng phái đến cùng với một tờ lệnh bèn ra đón anh tại bậc thềm.
Viên quản ngục Bastille ở lúc bấy giờ là Du Tremblay, em của thầy tu nổi tiếng Josep, người sủng thần khủng khiếp của de Richelieu mà thiên hạ gọi là Các hạ xám(1).
Khi thống chế de Batxompie bị giam ở ngục Bastille và đã ở đó mười hai năm ròng, các bạn tù của ông trong những giấc mơ được tự do đã nói với nhau: Tôi, tôi sẽ ra tù thời kỳ này, và tôi, tôi sẽ thời kỳ nọ, thì Batxompie đáp: Còn tôi thưa quý vị, tôi sẽ ra khi nào ông Duy Tremblay ra. Điều đó có nghĩa là khi tể tướng de Richelieu chết, ông Du Tremblay không thể không bị mất ghế ở ngục Bastille và tất nhiên Batxompie sẽ chiếm lại ghế của mình ở triều đình.
Điều tiên đoán ấy quả nhiên suýt nữa thì trở thành hiện thực, nhưng khác với điều Batxompie suy nghĩ, vì khi tể tướng Richelieu chết trái với mọi sự chờ đợi mọi việc vẫn tiếp tục tiến hành như trước kia: Du Tremblay chẳng ra, và Batxompie suýt nữa thì cũng không ra khỏi nhà tù.
Như vậy là du Tremblay vẫn là quản ngục Bastille khi d'Artagnan đến đấy thi hành lệnh của tể tướng, ông ta tiếp anh một cách rất lịch sự, và nhân sắp ngồi vào bàn ăn, ông ta mời d'Artagnan cùng dủng bữa tối với ông.
- Tôi sẽ rất vui lòng, - D'Artagnan nói, - nhưng nếu tôi không lầm, ngoài phong bì của bức thư có ghi chữ: "Thượng khẩn".
- Đúng thật! - Du Tremblay, nói. - Ơ này thiếu tá, đưa tên tù số 256 xuống đây.
Khi bước vào ngục Bastille, người ta chấm dứt là một con người và trở thành một con số.
D'Artagnan rùng mình khi nghe khoá loảng xoảng, nên anh ngồi yên trên mình ngựa mà chẳng xuống, nhìn những song sắt, những cửa sổ gia cố, những bức tường đồ sộ mà anh chi mới trông thấy ở bên kia đường hào, và chúng đã khiến anh sợ hết vía cách đây chừng hai mươi năm.
Một tiếng chuông vang lên.
- Tôi phải chia tay với ông thôi, - de Tremblay nói, - người ta gọi tôi đến ký lệnh thả tù nhân ra. Hẹn gặp lại nhé, ông d'Artagnan!
- Quỷ diệt ta đi nếu ta đáp lại lời chào của anh! - D'Artagnan lẩm bẩm và kèm theo lời rủa của mình bằng nụ cười duyên dáng nhất - Chi cần đứng thêm năm phút ở cái sân này là ta phát ốm. Này, này, ta thấy thà chết mục trên đống rạ, mà chuyện đó có thể xảy ra với ta lắm, còn thích hơn là làm quản ngục Bastille và vơ vét mười nghìn livres tiền niên thu.
Anh vừa kết thúc bản độc thoại ấy thì người tù xuắt hiện. Vừa trông thấy kẻ ấy, d'Artagnan tỏ ra kinh ngạc, nhưng vội kiềm chế ngay. Người tù bước lên xe chẳng tỏ ra đã nhận biết d'Artagnan.
- Này các ông, - D'Artagnan nói với bốn người lính ngự lâm, - người ta đã dặn tôi là phải canh giữ tù nhân một cách nghiêm cẩn nhất, do không có khoá ở các cửa xe, tôi sẽ lên ngồi cạnh hắn ta. Ông Lilơbon làm ơn dắt con ngựa của tôi theo.
- Xin sẵn sàng, thưa trung uý, - người lính đáp.
D'Artagnan xuống ngựa, đưa dây cương cho người lính ngự lâm, trèo lên xe và với giọng không hề để lộ một chút xúc động nào, anh bảo:
- Đến Hoàng cung nhanh lên.
Xe vừa chạy, d'Artagnan lợi dụng bóng tối dưới vòm cây mà xe đi qua, bá lấy người tù và bảo:
- Rochefort! Anh đấy à! Đúng là anh chứ! Tôi không lầm.
- D'Artagnan! - Đến lượt Rochefort ngạc nhiên reo lên.
- Ôi! Anh bạn khốn khổ của tôi! - D'Artagnan nói tiếp. - Không gặp lại anh từ bốn năm năm nay, tôi cứ tưởng anh chết rồi cơ đấy.
- Thực tình, - Rochefort nói, - tôi cũng nghĩ chẳng có gì khác nhau lắm, giữa một người chết và một người bị chôn vùi, hoặc cũng gần như thế.
- Thế vì tội gì mà anh vào ngục Bastille?
- Anh có muốn tôi nói sự thật không?
- Có
- Này nhé! Tôi chẳng biết vì sao cả.
- Không tin tôi ư, Rochefort?
- Không phải thế, xin lấy danh dự quý tộc mà thề! Bởi lẽ không thể nào ngồi tù vì cái lý do mà họ gán cho tôi.
- Lý do gì?
- Kẻ trộm đêm.
- Anh, kẻ trộm đêm! Rochefort, auh đùa đấy à?
- Tôi hiểu. Chuyện này cần được giải thích phải không?
- Đúng vậy.
- Này nhé! Chuyện xảy ra như thế này. Một buổi tối, sau một bữa chè chén ở nhà Rêna tại cung Tuileries, cùng với quận công d'Harcourt,Fontrailles - de Rieux và những người khác nữa, quận công d'Harcourt đề xuất đi chơi trò kẻo áo choàng ở trên Cầu Môi. Anh biểt đấy, đó là một trò chơi rất thịnh hành do quận công d'Orléans đặt ra.
- Anh điên hay sao, Rochefort! Ở cái tuổi anh!
- Không, lúc ấy tôi say, tuy nhiên thấy cái trò ấy dở, tôi bàn với hiệp sĩ deRieux chỉ nên là khán giả chứ không là diễn viên và để xem được cảnh từ những lô hạng nhất, ta trèo lên con ngựa bằng đồng đen. Nói là làm luôn. Nhờ những đinh thúc ngựa dùng làm bậc leo, một lát sau chúng tôi ngồi vắt vẻo trên mông ngựa; chúng tôi khoan khoải lắm và xem say sưa. Đã có bốn năm áo choàng bị lột đi bằng sự khéo lẻo vô song và chẳng một người nào bị lột áo dám nói một lời thì không biết một tên ngu xuẩn nào đó không kiên tâm chịu đựng bằng những người khác, bỗng kêu lên: "Ối, cảnh giới" và thu hút ngay một đội cảnh sát tuần tra. Quận công d'Harcourt,Fontrailles và mấy người khác bỏ chạy, deRieux cũng muốn làm theo. Tôi giữ ông ta lại và bảo rằng người ta chẳng tìm mình ở đây đâu. Ông ta không nghe, đặt chân lên định thúc ngựa, để xuống, cái đinh gãy, ông ta ngã gãy một chân và đáng lẽ im đi thì ông lại kêu toáng lên như một tên sắp bị treo cổ. Tôi định nhảy xuống theo, nhưng muộn quá rồi: tôi nhảy vào tay bọn cảnh sát, họ dẫn tôi đến đồn Châtelet). Tôi yên trí ngủ một mạch, chắc chắn ngày mai sẽ ra khỏi đó. Ngày hôm sau, qua đi hôm sau nữa qua, rồi tám ngày qua đi, tôi viết thư gửi giáo chủ. Ngay ngày hôm ấy, người ta đến tìm tôi và dẫn về ngục Bastille. Tôi ở đây năm năm rồi. Anh có tin rằng đó là vì tôi đã phạm tội mạn thượng leo lên ngồi mông ngựa sau vua Henri IV không?
- Không, anh nói đúng. Rochefort thân mến ạ, không thể nào vì thế, nhưng có lẽ anh sắp hiểu vì sao.
- À phải, bởi vì chính tôi đã quên không hỏi anh điều này: anh dẫn tôi đi đâu?
- Đến quan tể tướng.
- Ông ta muốn gì tôi?
- Tôi không biết nữa, vì tôi cũng chẳng hiểu rõ là tôi phải đi tìm anh.
- Vô lý, Anh là một sủng thần mà?
- Một sủng thần, tôi ấy à? - D'Artagnan kêu lên.
- Ôi! Ông bá tước tội nghiệp của tôi! Tôi còn quá là thiếu sinh Gascogne khi tôi gặp anh ở Meung, anh thấy đấy, thấm thoắt đã hai mươi năm rồi, than ôi!
Và một tiếng thở dài rất to chấm dứt lời anh.
- Nhưng nếu đến với một mệnh lệnh! - Vì tình cờ tôi đang ở tiền sảnh, và ông tể tướng tìm gọi tôi như có thể tìm gọi một người nào khác, nhưng tôi vẫn chỉ là trung uý ngự lâm quân, và nếu tôi tính đúng thì đã ngót nghét hai mươi mốt năm rồi tôi là trung uý.
- Rốt cuộc không có tai hoạ xảy đến với anh, thế đã là nhiều rồi.
- Thế anh muốn tai hoạ gì xảy đến với tôi kia chứ? Như một câu thơ La-tinh nào đó mà tôi quên, hay nói đúng hơn chưa bao giờ tôi thuộc cả: "Sét không đánh vào những thung lũng!", tôi là một thung lũng, hơn nữa một thung lũng thấp nhất, anh Rochefort thân mến ạ.
- Vậy lão Mazarin vẫn là Mazarin à?
- Cỏn hơn bao giờ hết, bạn thân mến ạ; người ta nói ông ta lấy hoàng hậu rồi.
- Lấy rồi?
- Nếu ông ta không phải là chồng, thì chắc chắn là nhân tình bà ấy…
- Cưỡng lại một Buckingham(2) và chịu khuất phục một Mazarin?
Đàn bà thế đấy! - D'Artagnan nói triết lý.
- Đàn bà, không phải, nhưng các bà hoàng hậu.
- Trời ơi, về phương diện ấy, các hoàng hậu hai lần là đàn bà.
- Thế còn ông de Beaufort, ông ta vẫn ở trong tù à?
- Vẫn, thế thì sao?
- À vì ông ta muốn điều tốt lành cho tôi, ông ta có thể gỡ ra cho tôi.
- Có lẽ anh còn gần được tự do hơn ông ấy; như vậy chính anh sẽ gỡ cho ông ta.
- Thế thì, chiến tranh…
- Sẽ có
- Với Tây Ban Nha?
- Không, với Paris.
- Anh định nói gì?
- Anh có nghe những tiếng súng kia không?
- Có. Thì sao?
- Các thị dân đang đánh cầu dạo.
- Anh có tin rằng có thể làm nên trò trống gì với cái đám thị dân ấy không?
- Có chứ, họ có nhiều hứa hẹn đấy, và nếu như họ có một thủ lĩnh có thể tập hợp tất cả các nhóm lại làm một.
- Không được tự do cực thật.
- Ồ, lạy Chúa! Anh đừng thất vọng. Nếu Mazarin cho tìm anh, ắt là cần đến anh; và nếu ông ta cần anh thì này, tôi xin chúc mừng anh. Hàng bao nhiêu năm nay, chẳng ai còn cần đến tôi nữa; cho nên anh thấy tôi đã đến đâu rồi đó.
- Anh hãy khiếu nại đi, tôi khuyên anh đấy!
- Nghe này, Rochefort. Một thoả ước.
- Thoả ước gì?
- Anh biết rằng chúng ta là bạn tốt.
- Mẹ kiếp! Tôi vẫn còn mang những dấu tích của tình bạn chúng ta: ba nhát kiếm!…
- Này! Nếu anh lại trở thành người được ưu ái thì xin đừng quên tôi nhé!
Lời thề của Rochefort, nhưng cũng phải được đáp lại.
- Thoả thuận rồi nhé! Tai tôi đây.
- Như vậy ngay từ cơ hội đầu tiên mà anh thấy nói về tôi.
- Tôi sẽ nói về anh, còn anh?
- Tôi cũng vậy. Nhân tiện, về các bạn của anh, cũng phải nói về họ chứ?
- Bạn nào nhỉ?
- Arthos, Porthos và Aramis, anh đã quên họ rồi sao?
- Gần như thế.
- Bây giờ họ ra sao?
- Tôi không hay biết gì cả.
- Thật à?
- Ôi lạy Chúa, đúng thế. Chúng tôi từ giã nhau như anh biết đấy: họ vẫn sống; đó là tất cả điều tôi có thể nói, thỉnh thoảng tôi có nghe những tin tức, gián tiếp về họ. Nhưng họ ở chỗ nào trên thế giới này, quỷ bắt tôi đi nếu tôi biết được điều gì. Không, nói danh dự đấy! Tôi chỉ còn có anh là bạn mà thôi, Rochefort ạ.
- Còn cái vị trứ danh… anh gọi hắn là gì nhỉ, cái cậu người hầu mà tôi đã đưa làm ông đội ở trung đoàn Piêmông ấy mà.
- Planchet à?
- Phải, đúng rồi. Cái ngài Planchet trứ danh bây giờ ra sao?
- Ấy cậu ta đã lấy một ả có cửa hàng mứt kẹo ở phố Lombard cậu ta bao giờ cũng thích của ngọt mà; thành thử cậu ta trở thành thị dân Paris, rất có thể lúc này cậu ấy đang làm loạn. Rồi anh xem cái thằng vô lại ấy sẽ làm pháp quan trước khi tôi lên đại uý.
- Thôi d'Artagnan thân mến ơi, can đảm lên một chút nào! Anh đang ở chỗ thấp nhất của bánh xe và khi bánh xe quay thì nâng anh lên cao. Ngay tối nay, số phận của anh có thể sẽ thay đổi.
- Amen! - D'Artagnan vừa nói vừa dừng xe lại.
- Anh làm gì thế? - Rochefort hỏi.
- Phải làm sao để khi đến nơi người ta không trông thấy tôi ra khỏi xe anh; coi như chúng ta không quen biết nhau.
- Anh làm thế là phải. Xin từ biệt.
- Hẹn gặp lại, anh nhớ lời hứa nhé!
D'Artagnan nhảy lên ngựa và lại dẫn đầu đoàn hộ tống.
Năm phút, sau về đến sân Hoàng cung.
D'Artagnan dẫn người tù lên lối cầu thang lớn đi qua tiền sảnh và hành lang. Đến cửa phòng Mazarin; anh sắp sửa vào báo thì Rochefort đặt tay lên vai anh:
- D'Artagnan này, - Rochefort mỉm cười nói, - anh có muốn nghe tôi thú nhận điều tôi đã suy nghĩ suốt dọc đường, khi thấy những đám thị dân lúc chúng ta đi qua và họ nhìn các anh - anh và bốn người cùa anh - với những con mắt rực lửa không?
- Nói đi, - D'Artagnan đáp.
- Ấy là tôi chỉ cần kêu cứu là đủ khiến người ta xé xác các anh ra từng mảnh, anh và toán áp giải của anh, và thế là tôi được tự do.
- Thế sao anh không làm? - D'Artagnan hỏi.
- Vớ vẩn! - Rochefort nói. - Tình bạn đã thề thốt! A, ví phỏng, một người khác, chứ không phải anh dẫn tôi đi, tôi không nói…
D'Artagnan cúi đầu.
"Liệu Rochefort có sẽ được may mắn hơn mình không!" Anh tự nhủ.
Và anh cho người vào trình báo với tể tướng.
- Cho ông de Rochefort vào! - tiếng nói sốt ruột của Mazarin vang lên ngay sau khi nghe nói đến tên hai người - À mời ông d'Artagnan hãy đợi: tôi chưa xong việc với ông ấy.
Những lời đó khiến d'Artagnan mừng rơn. Như anh đã nói, từ lâu rồi chẳng ai cần đến anh và sự khẩn khoản ấy của Mazarin đôi với anh có vẻ là một điềm tốt.
Còn với Rochefort, điều đó chẳng có tác động gì khác đối với ông, ngoài việc khiến ông càng hết sức đề phòng. Ông bước vào căn phòng và thấy Mazarin đang ngồi ở bàn, mặc bộ y phục thông thường, nghĩa là theo kiểu môngxinho; nó gần như quần áo các tu viện trưởng thời bấy giờ, chi khác là ông ta đi bít-tất dài và khoác áo choàng tím.
Cánh cửa khép lại, Rochefort liếc nhìn Mazarin và bắt gặp cái nhìn của tể tướng.
Quan tể tướng vẫn như xưa, chải chuốt, banh bao, râu tóc uốn cẩn thận, bôi nước hoa thơm nức, và nhờ đỏm dáng nên trông ông trẻ hơn tuổi nhiều. Còn về Rochefort, lại là chuyện khác, năm năm tù đày đã làm già sọm đi người bạn cao đạo của ngài Richelieu: mái tóc đen của ông đã bạc trắng, nước da rám màu đồng nhường chỗ cho một màu tái xanh xao như do bị kiệt sức. Vừa nhìn thấy ông, Mazarin lắc đầu rất nhẹ khó mà nhận thấy vẻ như muốn nói: "Kìa, một con người dường như chằng còn làm nên trò trống gì hết…"
Sau một lát im lặng khá lâu trong thực tại, nhưng dài đến một thế kỷ đối với Rochefort, Mazarin rút từ một tập giấy tờ ra một phong thư mở, chỉ cho nhà quý tộc và nói:
- Tôi tìm thấy ở đây một bức thư ông yêu cầu được tự do, ông Rochefort ạ. Thế ra ông bị ngồi tù à?
Rochefort rùng mình trước câu hỏi đô. Ông nói:
- Nhưng hình như Các hạ biết rõ việc đó hơn bất kỳ ai.
- Tôi ấy à? Không đúng đâu! Ở ngục Bastille còn cả mớ tù nhân bị giam từ thời ngài Richelieu mà tôi cũng chẳng biết đến tên nữa.
- Ồ! Nhưng tôi thì lại là chuyện khác, thưa Đức ông? Và ngài biết tên tôi, vì theo chính lệnh của Các hạ mà tôi bị chuyển từ đồnchatelet đến ngục Bastille.
- Ông tưởng thế ư?
- Tôi biết chắc.
- Ồ, hình như tôi nhớ ra rồi, đúng vậy, có phải hồi ấy ông đã từ chối đi một chuyến công du sang Bruxelles cho hoàng hậu phái không?
- A, a! - Rochefort nói. - Vậy ra đó là cái nguyên nhân chính đây? Tôi tìm kiếm nó từ năm năm nay. Tôi đến là ngốc nên đã không tìm ra nó.
- Nhưng tôi không nói với ông đó là nguyên nhân vụ bắt giữ ông; ta thoả thuận với nhau, tôi hỏi ông câu này, chỉ có thế thôi: chẳng phải là ông từ chối đi Bruxelles vì hoàng hậu, trong khi ông đã bằng lòng đi đến đó vì ông cố giáo chủ.
- Thì đúng là do tôi đến đó vì cố giáo chủ mà tôi không thể trở lạí đó vì hoàng hậu được. Tôi đã đến Bruxelles trong một một hoàn cảnh khủng khiếp. Đó là nhân vụ mưu phản của Sale. Tôi ở đó để rình chộp thư từ liên lạc của Sale với ông thân vương và ngay hồi ấy khi tôi bị nhận ra, suýt nữa tôi bị xé xác ra từng mảnh. Như vậy làm sao mà ngài lại muốn tôi trở lại đó? Đáng lẽ phụng sự hoàng hậu tôi sẽ làm nguy hại cho bà.
- Đấy nhé! Ông Rochefort thân mến ơi, ông hiểu rõ những ý đồ tốt nhất bị diễn giải sai đi như thế nào? Haàng hậu chỉ nhìn thấy ở sự tù chối cúa ông một sự từ chối thuần tuý và đơn giản, bà đã phải than vãn trách oán ông rất nhiều, dưới thời cố giáo chủ, ôi, Hoàng thương, Lệnh bà!
Rochefort mỉm cười khinh bỉ:
- Chính vì tôi đã hết lòng phụng sự ngài giáo chủ Richelieu chống lại hoàng hậu, sau khi ngài mất, xin đức ông hiểu rằng tôi sẽ hết lòng phụng sự đức ông chống lại tất cả mọi người.
- Tôi ấy à, ông de Rochefort ơi, - Mazarin nói. - Tôi không như ngài Richelieu, ông ta muốn giành quyền tối thượng, tôi là một vị tể tướng bình thường không cần tới công bộc, khi mình đã là công bộc của hoàng hậu: Do Lệnh bà rất hay hờn giận, bà đã biết việc từ chối của ông, coi đó là một sự tuyên chiến; lại được biết ông là người ưu tú biết chừng nào, do đó càng nguy hiểm. Ông Rochefort thân mến ạ, nên bà đã ra lệnh cho tôi phải giữ ông. Đấy là nguyên nhân vì sao ông lại ở trong ngục Bastille.
- Vậy thì, thưa Đức ông - Rochefort nói, - dường như nếu vì lầm lẫn mà tôi phải vào ngục Bastille…
- Phải, phải, - Mazarin tiếp lời, - chắc mọi chuyện có thể dàn xếp ông là người hiểu biết một số việc nào đó và khi những việc đó không thông tỏ thì xúc tiến cho tốt.
- Đó là ý giáo chủ Richelieu và lòng kính phục của tôi đối với bậc sĩ nhân ấy càng tăng thêm vì điều ngài có ý muốn nói rằng đó cũng là ý của ngài.
- Đúng vậy, - Mazarin nói, - ngài giáo chủ là một người rất chính trị, đó là điều ngài hơn hẳn tôi; tôi chỉ là mội người giản dị, thật thà, đó là điều hại cho tôi, tôi có cái tính ngay thẳng thật là Pháp.
Rochefort mím chặt môi để khỏi bật cười.
- Vậy là tôi tới đích. Tôi cần những người bạn tốt, những người thủ hạ trung thành; khi tôi nói tôi cần, nghĩa là tôi muốn nói: hoàng hậu cần. Tôi làm gì cũng chỉ do mệnh lệnh của hoàng hậu- chính tôi ấy, ông nghe chứa? Không phải như ông giáo chủ de Richelieu làm mọi thứ theo ý mình. Cho nên tôi sẽ chẳng bao giờ là một người vĩ đại như ông ấy, nhưng bù lại, tôi là một người tốt, ông Rochefort ạ, và tôi hy vọng ông sẽ thể nghiệm điều đó.
Rochefort biết cái giọng nói mượt mà ấy trong đó chốc chốc lại lướt một tiếng rít giống như tiếng rít của con rắn hổ mang.
- Thưa Đức ông, tôi sẵn sàng để tin tưởng, dầu về phần tôi, tôi có ít chứng từ về cái tính chất phác thật thà mà Đức ông nói tới.
Nhìn thấy cử chỉ của quan tể tướng định ngắt lời mình, Rochefort nói tiếp luôn:
- Xin Đức ông đừng quên rằng từ năm năm nay tôi ở ngục Bastille và không có gì làm sai ý nghĩ như khi nhìn mọi vật qua những song sắt một nhà tù.
- A! Ông Rochefort, tôi đã nói với ông rằng đối với cái nhà tù của ông, tôi chẳng là cái thá gì. Hoàng hậu… cơn thịnh nộ của đàn bà và của các bà hoàng, biết làm thế nào. Nhưng cái đó sẽ qua đi như nó đến, vả sau đó không nghĩ đến nó nữa…
- Thưa Đức ông, tôi hiểu rằng hoàng hậu không nghĩ tới chuyện ấy nữa, bà đã trải qua năm năm ở Hoàng cung, giữa những hội hè và các cận thần; nhưng tôi, người đã trải qua năm năm ở ngục Bastille…
- Ôi! Lạy chúa! Ông Rochefort thân mến ơi, ông tưởng rằng Hoàng cung là một chốn vui thú lắm sao? Không đâu. Ở đấy, chúng tôi, ngay chúng tôi cũng có những nỗi lo toan, phiền lụy lớn của chúng tôi, tôi cam đoan với ông đấy. Nhưng này, thôi đừng nói đến tất cả những chuyện đó. Tôi bao giờ cũng vậy, tôi cứ hay nói trắng ra. Thế nào, ông có phải là người của chúng tôi không, ông Rochefort?
- Thưa Đức ông, ngài cần hiểu rằng, tôi không đòi hỏi gì hơn, nhưng tôi không còn hiểu biết tình hình gì hết. Ở ngục Bastille, người ta chỉ nói chuyện chính trị với các binh lính và cai ngục và chắc ngài cũng không biết rằng những loại người ấy thật mù mờ về những chuyện xảy ra. Tôi bao giờ cũng theo ông de Batxompie. Ông ta vẫn là một trong số mười bảy vị đại thần chứ?
- Ông ta chết rồi, ông ạ, và đó là một tổn thất lớn.
Đó là một con người thật tận tuỵ với hoàng hậu, mả những người tận tuỵ thật là hiếm.
- Mẹ kiếp, tôi tin lắm. - Rochefort nói - Khi ngài có những người như thế, ngài đưa họ vào ngục Bastille.
- Nhưng hơn nữa - Mazarin nói, - cái gì chứng tỏ lòng tận tụy?
- Hành động - Rochefort nói.
- À phảỉ. Hành động! - Quan tể tướng nói, vẻ suy nghĩ - Nhưng tìm đâu những người hành động?
Rochefort gật đầu:
- Những người ấy chẳng bao giờ thiếu đâu, thưa Đức ông, có điều ngài kiếm dở đấy thôi.
- Tôi tìm kiếm dở? Ông định nói gì thế. Ông Rochefort thân mến, hãy chỉ dẫn cho tôi. Ông hẳn phải học được rất nhiều trong mối thân tình với Đức cố giáo chủ. A! Đó là một người thật vĩ đại.
- Đức ông liệu có tức giận không, nếu tôi nói với ngài những điều đạo lý?
- Tôi ấy à, không bao giờ. Ông biết đấy, người ta có thể nói mọi điều với tôi. Tôi tìm cách làm cho người ta yêu mên tôi, chứ không phải sợ hãi tôi.
- Này nhé! Thưa Đức ông, trong ngục tối giam tôi có một câu ngạn ngữ viết lên tường bằng đầu đinh.
- Câu gì? - Mazarin hỏi.
- Thưa Đức ông, thế này này: chủ nào…
- Tôi biết rồi: tớ ấy…
- Không, môn hạ ấy. Đó là thay đổi nhỏ mà những người tận tuỵ ngài vừa nói tới ban nãy đã đưa vào để thoả mãn ý riêng của họ.
- Thế câu ngạn ngữ ấy là gì?
- Nghĩa là ông de Richelieu đã khéo biết tìm ra những người môn hạ tận tụy và có tới hàng tá!
- Ông ta, mục tiêu của tất cả những lưỡi dao găm! Ông ta, người đã suốt đời tránh đỡ tất cả những đòn người ta đánh.
- Nhưng ông ta, cuối cùng, đã đỡ được hết, và mặc dầu những đòn đó đánh rất dữ tợn. Chính vì nếu như ông ta có những kẻ thù thật sự thì ông cũng có những người bạn thật sự.
- Ấy, đó là tất cả những gì tôi yêu cầu! - Tôi biết có những người, - Rochefort nghĩ đã đến lúc thực hiện lời hứa với d'Artagnan, bèn nói tiếp, - tôi có biêt những người, do sự khôn khéo của họ đã hàng trăm lần làm cho sức thông tuệ của ngài giáo chủ Richelieu cũng bị sai lạc; do lòng dũng cảm của họ đã đánh bại những vệ sĩ và bọn do thám của ngài, những người không tiền của, không nơi nương tựa, không uy tín, đã giữ gìn vương vị cho một đế vương và đến xin ngài giâo chủ dung thứ.
Mazarin cười thầm về việc Rochefort đang đi đến chỗ mà ông muốn dẫn dắt đến, và nói:
- Nhưng những người mà ông đang nói đến ấy, họ không tận tuỵ với ngài giáo chủ vì họ chống lại ngài.
- Không, vì lẽ ra họ phải được hậu đãi hơn, song họ có điều bất hạnh là đã tận tuỵ với chính bà hoàng hậu mà lúc nãy ngài tìm kiếm những thủ hạ cho bà ấy đấy.
- Ấy! Nhưng sao ông lại có thể thông tỏ mọi chuyện.
Tôi biết rõ những chuyện ấy, vì những người đó là kẻ thù của tôi ở thời kỳ đó; vì họ chống lại tôi; vì tôi đã gây ra cho họ mọi tai hoạ mà tôi có thể làm được và ngược lại, họ cũng ra sức trả miếng tôi như thế; vì một người trong bọn họ mà tôi đặc biệt va chạm nhiều nhất, đã cho tôi một nhát kiếm cách đây cũng gần bảy năm rồi đấy, đó là nhát kiếm thứ ba do cùng một bàn tay đã đâm tôi… sự kết thúc của một khoản thanh toán cũ.
- A! - Mazarin thốt lên với vẻ chất phác tuyệt vời - Giá tôi biết được những con người như vậy?
- Thưa Đức ông, ngài có một người như thế ở ngay cửa ngài từ hơn sáu năm nay và từ sáu năm nay ngài coi là chẳng sử dụng được vào việc gì.
- Ai vậy?
- Ông d'Artagnan.
- Cái tênGascon ấy à? - Mazarin kêu lên với một vẻ ngạc nhiên vờ vĩnh rất giỏi.
- Cái tênGascon ấy đã cứu một hoàng hậu, và nhắn lại với ngài de Richelieu rằng về mặt khôn ngoan, khéo léo và chính trị, hắn chỉ là một đứa học trò.
- Thật vậy ư?
- Xin lấy danh dự mà nói với các hạ.
- Hãy kể cho tôi nghe chuyện ấy một chút, ông Rochefort thân mến.
- Kể cũng rất khó đẩy, thưa Đức ông, - nhà quý tộc mỉm cười nói.
- Vậy thì tự hắn ta sẽ kể cho tôi chăng?
- Tôi không chắc vậy, thưa Đức ông.
- Tại sao vậy?
- Vì điều bí mật không phải là ông ta, nhưng tôi đã thưa với ngài, đó là bí mật của một bà hoàng hậu vĩ đại.
- Và anh ta chỉ có một mình để thực hiện một mưu sự dường ấy sao?
- Không, thưa Đức ông, anh ta có ba người bạn thân, ba con người dũng cảm giúp sức, những người dũng cảm như ngài tìm kiếm lúc nãy.
- Và bốn người ấy hợp nhất lại, đúng không?
- Cứ như thể bốn người ấy chỉ là một, cứ như thể bốn trái tim đập trong cùng một lồng ngực, cho nên với cả bốn người, họ làm gì chẳng được…
- Ông Rochefort thân mến ơi, quả thực ông đã chọc tính hiếu kỳ của tôi tới mức khôn tả. Ông không thể kể lại tôi nghe câu chuyện đó sao?
- Không, nhưng tôi có thể nói với ngài một chuyện cổ tích, một chuyện thần tiên thật sự, tôi xin cam đoan như vậy, thưa Đức ông.
- Ồ! Nói đi, ông Rochefort, tôi rất thích những chuyện cổ tích.
- Đức ông muốn vậy chứ? - Rochefort nói và cố thử khám phá xem trên bộ mặt tinh ma quỷ quyệt ấy có để lộ một ý đồ gì không.
- Phải.
- Vậy xin ngài nghe đây! Ngày xưa có một hoàng hậu…, mà một hoàng hậu rất quyền thế, hoàng hậu của một trong những vương quốc lớn nhất thế giới. Một quan đại tể tướng muốn làm nhiều điều ác với hoàng hậu vì trước kia đã muốn làm nhiều điều thiện cho bà.
Đức ông đừng vội đoán, ngài sẽ chẳng đoán được lả ai đâu. Mọi chuyện đã xảy ra trước đây rất lâu, trước khi ngài đến vương quốc nơi bà hoàng hậu ngự trị. Rồi có một vị đại sứ đến triều đình, một vị đại sứ dũng cảm thật giàu có và thật phong nhã đến nỗi tất cả phụ nữ đều chết mê chết mệt, và ngay cả hoàng hậu, có lẽ để kỷ niệm cách ông ta giải quyết các công việc Nhà nước thế nào đấy, bà đã khinh suất trao tặng ông một vật trang sức nảo đó rất đặc biệt, đến nỗi nó không thể nào thay thế được. Do vật trang sức ấy của vua ban, quan tể tướng đó xui ngài buộc bà hoàng phải dùng vật trang sức đó trong bộ trang phục của bà tại buổi dạ hội sắp tới. Chẳng cần phải nói với Đức ông rằng quan tể tướng biết chính xác đồ trang sức ấy đã đi theo vị đại sứ về một nơi xa tít bên kia biển cả. Bà hoàng hậu vĩ đại thấy nguy rồi? Giống như người nữ tỳ cuối cùng của bà, vì bà rơi xuống từ trên cao chót đỉnh của tất cá nỗi quang vinh quyền thế của bà.
- Thế à! - Mazarin nói.
- Thế rồi, thưa Đức ông, bốn người đàn ông quyết chí cứu bà. Bốn người ấy chẳng phải công hầu, chẳng phải những người quyền thế, cũng chẳng phải những người giàu có, đó chỉ là bốn người lính có lòng nhiệt thành, cánh tay vững chắc, lưỡi kiếm sắc bén. Họ ra đi. Quan tể tướng biết rõ họ lên đường và đã cắt đặt người ở dọc đường để ngăn cản họ tới đích. Ba người trong bọn họ bị rất nhiều kẻ công kích loại khỏi vòng chiến đấu, chỉ mỗi một người tới bến cảng, giết hoặc làm bị thương những kẻ muốn chặn bắt anh ta, vượt biển và mang trở về đồ trang sức cho bà hoàng hậu vĩ đại bà đã có thể đính vào vai áo đúng ngày đã ấn định, điều ấy suýt làm cho ông tể tướng phát điên. Thưa Đức ông, ngài nghĩ thế nào về mẩu chuyện ấy?
- Thật là tuyệt! - Mazarin mơ màng nói.
- Thưa ngài, tôi biết mười chuyện như vậy.
Mazarin không nói gì nữa - ông nghĩ ngợi.
Năm, sáu phút trôi qua.
- Thưa Đức ông, ngài không có gì hỏi tôi nữa chứ? - Rochefort nói.
- Có và d'Artagnan là một trong bốn người đó phải không?
- Chính anh ta đã chỉ huy toàn bộ vụ ấy.
- Thế mấy người kia là những ai?
- Xin Đức ông cho phép tôi dành cho ông d'Artagnan được lộ trình với ngài tên những người ấy. Đấy là bạn bè của ông ta chứ không phải của tôi; chỉ riêng ông ta có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với họ, và tôi cũng không biết nhưng tên thật của họ.
Ông không tin ở tôi, ông Rochefort. Này, tôi muốn thẳng thắn đến cùng; tôi cần đến ông, đến anh ta và đến tất cả.
- Xin Đức ông bắt đầu từ tôi, vì ngài đã cho tìm tôi và bây giờ tôi có dây, rồi ngài chuyển sang họ. Xin ngài đừng lạ về tính tò mò của tôi, khi một người đã ngồi tù năm năm, anh ta chẳng hề bực bội vì biết người ta sẽ đưa mình đi đâu.
- Ông Rochefort thân mến, ông sẽ có vị trí tin cậy, ông sẽ đến Vincennes nơi giam giữ ông de Beaufort; ông sẽ kèm giữ chặt ông ấy cho tôi. Ơ kìa? Ông làm sao thế?
- Tôi thấy ngài bắt tôi phải làm điều không thể làm được, - Rochefort lắc đầu nói, vẻ thất vọng.
- Thế nào, một điều không thể làm được! Mà tại sao điều đó lại không thể làm được?
- Vì ông de Beaufort là bạn của tôi, hay đúng hơn, tôi là một trong những người của ông ấy. Đức ông đã quên rằng chính ông ấy đã bảo đảm cho tôi trước hoàng hậu hay sao?
- Từ hồi ấy ông de Beaufort là kẻ thù của quốc gia.
- Vâng, thưa Đức ông, điều đó có thể, song vì tôi không phải vua, không phải hoàng hậu, cũng chăng phải tể tướng, ông ta không phải là kẻ thù của tôi và tôi không thể nào nhận việc mà ngài ban cho tôi.
- Đấy là cái mà ông gọi là tận tuỵ trung thành. Tôi khen ngợi ông đấy. Lòng trung thành của ông không ràng buộc ông quá, ông Rochefort ạ.
- Với lại thưa Đức ông, - Rochefort nói tiếp, - ngài nên hiểu cho rằng ra khỏi Bastille để lại vào Vincennes, thế chỉ là thay đổi nhà tù.
- Hãy nói ngay rằng ông thuộc phái ông Beaufort có phải là thẳng thắn không.
- Thưa Đức ông, tôi bị giam cầm lâu đến nỗi tôi chỉ thuộc có một phái: đó là phái ngoài trời thoáng đãng. Xin hãy dùng tôi vào mọi việc khác, phái tôi đi đâu đấy làm cho tôi bận rộn luôn, nhưng nếu có thể, trên những con đường cái.
- Ông Rochefort thân mến, - Mazarin nói, vẻ giễu cợt, - lòng hăng hái của ông đã lôi cuốn ông; ông tưởng vẫn còn trai trẻ, vì con tim thì vẫn còn trẻ đấy, nhưng lực đã kiệt rồi, ông ạ. Vậy hãy tin ở tôi; điều cần cho ông bây giờ, đó là nghỉ ngơi. Ơ này, có người nào đấy không…
- Thế Đức ông không quyết định gì về tôi sao?
- Trái lại, tôi đã quyết.
Bernouin vào.
- Gọi một môn lại đến, - Ông bảo, và nói thêm rất khẽ, - hãy ở bên tôi.
Một môn lại vào. Mazarin viết mấy chữ đưa cho người đó, rồi gật đầu chào.
- Từ biệt ông de Rochefort, - Ông nói.
Rochefort cung kính cúi mình và nói:
- Thưa Đức ông, tôi biết người ta sẽ đưa tôi trở lại Bastille.
- Ông thông minh đấy.
- Tôi trở lại đó, thưa Đức ông; nhưng tôi xin nhắc lại rằng, ngài đã sai lầm không biết dùng tôi.
- Dùng ông, bạn của những kẻ thù của tôi?
- Biết làm thế nào! Phải biến tôi thành kẻ thù của những kẻ thù của ngài chứ?
- Ông tưởng chỉ có một mình ông thôi ư, ông de Rochefort? Hãy tin tôi, tôi sẽ tìm được những người rất đáng với ông.
- Xin chúc ngài được như vậy.
- Được lắm. Thôi, thôi! Này, đừng có viết nhiều cho tôi nữa, vô ích, ông Rochefort ạ, các thư từ cùa ông sẽ là những bức thư thất lạc.
"Mình thật là cốc mò cho cò xơi", - Rochefort vừa lui ra vừa lẩm bẩm, và nếu d'Artagnan không hài lòng với ta khi lát nữa ta kể cho hắn nghe những điều ta tán dương hắn, thì hắn khó tính đấy. Nhưng người ta dẫn mình đi chỗ quái quỷ nào thế này?
Quả thật, người ta dẫn Rochefort theo lối cầu thang nhỏ, chứ không đưa đi qua tiền sảnh nơi d'Artagnan đang chờ. Ra đến sân, ông thấy cỗ xe với bốn ngựa hộ tống còn người bạn thì tìm uổng công.
- A, a! - Rochefort tự nhủ thầm! – Kìa, mọi sự thay đổi ghê gớm!
Và nếu như trong các đường phố lúc nào cũng có đông đảo dám bình dân như vậy thì, nào! Chúng ta hay cố gắng chứng minh cho Mazarin rằng chúng ta vẫn còn thích hợp cho một công việc khác, ơn Chúa, hơn là canh giữ một người tù!
Và ông nhảy lên cỗ xe cũng nhẹ nhàng như thể ông mới có hai mươi lăm tuổi.
Chú thích:
(1) Josep (1577 - 1638) - thầy tu, cố vấn tin cậy cùa tể tướng de Richelieu nổi tiếng gian ác nhân dân gọi bẳng cái tên khiếp sợ "Các hạ xám"
(2) Buckingham (1592-1628) - quận công, tể tướng nước Anh giúp phái Tân giáo ở Pháp. Bị một sĩ quan Thanh giáo ám sát. Trong "Ba người lĩnh ngự lâm", ông ta yêu hoàng hậu Pháp Anne d'Autriche và chuyện tình ấy là nguyên do của bao câu chuyện phiêu lưu.
Chương 4
Anne d'Autriche ở tuổi bốn mươi sáu
Còn lại một mình Bernouin, Mazarin ngồi tư lự một lát; ông ta biết rất nhiều song lại biết chưa đủ.
Madarann là kẻ cờ gian bạc lận; đó là một chi tiết mà Briênnơ đã giữ lại cho chúng ta: ông gọi là giành lợi thế cho mình.
Mazarin quyết định chỉ bắt đầu canh bạc với d'Artagnan khi ông ta đã biết rõ mọi con bài của đối phương.
- Đức ông không ban lệnh gì à? - Bernouin hỏi.
- Có chứ, - Mazarin đáp, - soi đèn cho tôi, tôi đến chỗ hoàng hậu.
Bernouin lấy một cây nến và đi trước.
Có một lối thông bí mật từ chỗ ở và chỗ làm việc của Mazarin đến các căn buồng của hoàng hậu; chính qua cái hành lang ấy mà ngài giáo chủ đến với Anne d'Autriche bất cứ giờ nào.
Khi đến phòng ngủ, mà lối đi ấy dẫn tới, Bernouin gặp bà Beauvais.
Bà Beauvais và Bernouin là những kẻ tâm phúc mật thiết cùa những mối tình quá lứa ấy. Bà Beauvais đi báo tin giáo chủ đến với Anne d'Autriche đang ở trong phòng cầu nguyện với vua trẻ Louis XIV. Anne d'Autriche ngồi trong một chiếc ghế bành, khuỷu tay tì lên mặt bàn và đầu tỳ lên bàn tay, bà nhìn đứa con ấu chúa đang nằm trên tấm thảm giở xem một quyển sách lớn về trận mạc. Anne d'Autriche là một hoàng hậu hơn ai hết biết buồn chán với vẻ tôn nghiêm, đôi khi bà ngồi ru rú hàng giờ như vậy trong phòng bà hoặc trong phòng cầu nguyện, không đọc sách cũng chẳng cầu nguyện.
Còn quyền sách mà vua đang chơi, đó là tập Quinte-curse đầy tranh vẽ thể hiện những sự nghiệp vĩ đại của Thánh Alexandre.
Bà Bôve xuất hiện ở cửa phòng cầu nguyện và báo tin giáo chủ Mazarin đến.
Cậu bé quỳ trên một đầu gối, cau mày nhin mẹ và nói:
- Sao thế, ông ta vào như vậy mà không xin bái yết ư?
Anne hơi đỏ mặt. Bà đáp:
- Trong cái thời buổi mà chúng ta đang sống này rất cần thiết lâ một quan tể tướng có thể đến bất kỳ lúc nào để trình báo với hoàng hậu những gì đã xảy ra, mà không kích thích sự tò mò hoặc những lời bình phẩm của tất cả triều đình.
Nhưng con thấy hình như ông de Richelieu không vào như thế đâu, - đứa bé ngang ngạnh đáp.
- Làm sao mà con nhớ ông de Richelieu làm nhưng gì? Dạo ấy con có nhỏ quả, con không biết được đâu.
- Con không nhớ, con đã hỏi và người ta đã nói cho con biết.
- Thế ai đã nói với con điều đó? - Anne hỏi với một cử chỉ khó chịu không giấu nổi.
- Con biết là không bao giờ được nói tên những người đã trả lời các câu con hỏi, - cậu bé đáp, - hoặc nếu không thì con sẽ không biết gì nữa cả.
Vừa lúc đó Mazarin vào. Ông vua nhỏ tuổi liền đứng hẳn dậy, cầm lấy quyển sách, gấp lại và đem đặt lên bàn, rồi đứng nguyên cạnh đó để buộc Mazarin cũng phải đứng.
Mazarin quan sát cảnh tượng đó bằng con mắt tinh ranh của mình và dường như muốn đòi giải thích cái chuyện xảy ra trước đó.
Ông cung kính cúi mình trước bà hoàng hậu và trịnh trọng khom lưng thi lễ với vua, vua đáp lại bằng một cái gật đầu khá ngang tàng: như một cái nhìn của bà mẹ có ý trách móc sự buông thả những tình cảm hằn thù mà tù hồi còn nhỏ vua Louis XlV đã dành cho ông giáo chủ, và cậu mỉm cười tiếp nhận những lời chúc tụng của ông tể tướng.
Anne d'Autriche cố đoán trên nét mặt Mazarin nguyên nhân của cuộc viếng thăm bất ngờ này, vì thông thường, giáo chủ đi đến với bà khi mọi người đã rút lui hết.
Ông tể tướng khẽ gật đầu, hoàng hậu liền quay lại bảo bà Beauvais:
- Đến giờ đưa vua đi nằm rồi đấy, gọi Laporte đi
Trước đó bà hoàng đã hai, ba lần bảo cậu Louis rút lui mà cậu vẫn nũng nịu đòi ở lại, nhưng lần này cậu không nói một lời, chỉ bậm môi và tái mặt đi.
Lát sau Laporte vào.
Cậu bé đi thẳng ra với ông, mà không ôm hôn mẹ.
- Ô này, Louis! - Anne nói. - Sao con không hôn mẹ?
- Thưa bà, tôi nghĩ rằng bà giận tôi, bà đuổi tôi.
- Mẹ có đuổi con đâu, chẳng qua vì con mới bị thuỷ đậu, con hãy còn ốm, mẹ sợ thức khuya sẽ làm con mệt.
- Bà đã chẳng còn nỗi lo sợ ấy khi hôm nay bà bắt tôi đến Cung để ban những bản chiếu chỉ độc ác khiể1n nhân dân kêu ca biết bao nhiêu.
- Tâu Hoàng thượng. - Laporter muốn lái câu chuyện, bèn nói - ngài muốn tôi đưa cho ai cây đèn nến.
- Muốn đưa cho ai thi2 đưa, - cậu bé đáp, rồi to tiếng nói thêm - Miễn là không phải đưa cho Mancini
Mancini là cháu của Mazarin mà ông ta cắt đặt bên vua làm ngự đồng và vua Louis XIV trút lên đầu hắn ta một phần nỗi hằn thù với tể tướng.
Và vua đi ra, không hôn mẹ mà cũng chẳng hề chào giáo chủ.
- Hay lắm! - Mazarin nói. - Tôi thích được thấy người ta giáo dục Hoàng thượng trong nỗi ghê sợ sự giấu giếm…
- Tại sao thế? - Hoàng hậu hỏi một cách gần như rụt rè.
- Tôi thấy hình như việc vua đi ra vừa rồi không cẩn đến những lời bình luận, vả lại Hoàng thượng cũng chẳng buồn che giấu, ngài chẳng ưa gì tôi; dù sao điều đó cũng không ngăn cản tôi hểt lòng trung thành phụng sự ngài, cũng như phụng sự Lệnh bà.
- Ông giáo chú, tôi xin ông thứ lỗi cho cháu – Hoàng hậu nói - Cháu còn nhỏ chưa hiểu là phải mang ơn ông nhiều lắm.
Giáo chủ cười.
- Nhưng, - Hoàng hậu tiếp, - chắc hẳn ông đến vì một việc gì quan trọng, có chuyện gì vậy?
Mazarin ngồi xuống, hay đúng hơn là nằm vật ra cái ghế to, và vẻ buồn rầu, ông nói:
- Có chuyện là, rất có thể chúng ta sẽ buộc phải từ giã nhau ngay, trừ phi là bà tận tâm với tôi đến mức theo tôi đi sang Ý.
- Tại sao thế? - Hoàng hậu hỏi.
- Bởi vì, - Mazarin nói tiếp, - như vở ca kịch Thisbé nói: Tất cả thiên hạ hùa nhau vào chia rẽ tình duyên của đôi ta.
- Ông đùa đấy ư, thưa ông! - Hoàng hậu nói - cố thử lấy lại một chút phong thế cũ của mình.
- Chao ôi, không đâu, thưa Lệnh bà. - Mazarin đáp - tôi không hề bông đùa một chút nào, đáng lẽ tôi phải khóc mới đúng, tôi xin bà hãy tin điều đó; bởi vì, xin bà nhớ kỹ, có sao thì tôi mới nói: Tất cả thiên hạ hùa nhau vào chia rẽ tình duyên của đôi ta. Do bà tham dự vào cái toàn thiên hạ, tôi muốn nói rằng cả bà cũng bỏ tôi.
- Ông giáo chủ!
- Lạy chúa, hôm nọ tôi đã chẳng trong thấy bà cười rất dễ thương với quận công d'Orléans đấy ư, hay đúng hơn là với điều mà ông ta nói với bà.
- Ông ta nói gì với tôi?
- Thưa bà, ông ta bảo: "Chính lão Mazarin của bà là vật chướng ngại, hắn cút đi là mọi việc đều tốt đẹp"
- Thế ông bảo tôi lúc ấy phải làm gì?
- Ồ! Thưa Lệnh bà, bà là hoàng hậu thì phải.
- Cái vương vị mỹ miều mà tên thư lại dỏm đầu tiên của Hoàng cung hoặc kẻ quý tộc quê kệch đầu tiên của Vương quốc cũng có thể làm tình làm tội bắt sao chịu vậy!
Tuy nhiên bà vẫn đủ mạnh để đẩy đi những kẻ không vừa lòng bà.
- Nghĩa là không vừa lòng ông. Ông ấy! - Hoàng hậu đảp.
- Tôi ư?
- Còn gì nữa! Ai đã đuổi bà de Chevreuse, người đã từng bị đày đoạ dưới triều trước?
- Một kẻ âm mưu muốn tiếp tục chống lại tôi bằng những mưu đồ mở đầu chống lại ông de Richelieu.
- Ai đã tống cổ bà de Hautefort, người bạn đến là tuyệt diệu ấy đã từ chối các ân sủng của vua để vẫn ở lại trong đám thị nữ của tôi?
- Một mụ ra vẻ đoan trang, mỗi buổi tối khi cởi bộ xiêm y cho bà thường bảo bà là mất linh hồn đi yêu một lão thầy tu; cứ làm như hễ là giáo chủ thì ắt phải là thầy tu ấy.
- Ai đã cho bắt ông de Beaufort?
- Một tên phá bĩnh chỉ tâm niệm có mỗi một điều là phải ám sát tôi!
- Ông gìáo chủ, ông thấy chưa, - Hoàng hậu nói, - rõ ràng những kẻ thù của ông là kẻ thù của tôi.
- Chưa hết, thưa Lệnh bà, nhưng bạn hữu của bà còn phải lả bạn hữu của tôi nữa chứ?
- Bạn hữu của tôi ư, ông? - Bà hoàng lắc đầu. - Than ôi! Tôi chẳng còn bạn hữu nữa.
- Sao bà lại không có bạn hữu trong cảnh vui sướng, khi có đầy bạn bè trong cơn hoạn nạn.
- Bởi vì. Ông ạ, trong cảnh sung sướng, tôi đã quên mất những bạn bè xưa, bởi vì tôi đã làm như nữ hoàng Marie de Médicis (2) khi từ cuộc lưu đầy lần thứ nhất trở về đã khỉnh rẻ tất cả những ai đã chịu khổ vì bà, và đến khi bị lưu đầy lần thứ hai đã chết ở Cologne, bị tất cả mọi người bỏ rơi kể cả con trai bà, vì đến lượt tất cả mọi người khinh rẻ bà.
- Thế thì, bà này! – Mazarin nói. - Chẳng phải đến lúc sửa chữa cái sai ư? Hãy tìm kiếm những ngưởi xưa nhất trong số những bạn bè của bà.
- Ông muốn nói gì hở ông?
- Không có gì khác ngoài điều tôi nói: hãy tìm kiếm.
- Than ôi! Tôi đã hoài công nhìn xung quanh mình, tôi chẳng có ảnh hưởng đối với ai cả. Ông thì bao giờ cũng được sủng thần đưa dẫn, hôm qua là Choisy, hôm nay là La Rivière, ngày mai sẽ là một người khác. Ông Hoàng thân thì có ông giáo chủ đưa đón, mà chủ gỉáo thì có bà de Guéménée đưa đón.
- Cho nên, thưa bà, tôi không bảo bà trông vào những bạn hữu hôm nay, mà trông vào những bạn hữu ngày xưa.
- Những bạn hữu ngày xưa ư? - Hoàng hậu hỏi.
- Phải, trong số những bạn hữu ngày xưa, trong số những người
"Ông ta muốn đi tới đâu" - Hoàng hậu lẩm bẩm và lo ngại nhìn giáo chủ.
- Phải, - Ông ta nói tiếp, - trong những hoàn cảnh nào đó cái tinh thần mạnh mẽ và tinh tế nó là đặc điểm của Lệnh bà, bà có thể nhờ sự giúp sức của bạn bè, đẩy lùi những cuộc công kích của kẻ địch thủ ấy.
- Tôi ấy ư! - Hoàng hậu nói, - tôi đã chịu khổ, tất cả chỉ có thế!
- Phải, - Mazarin nói, - giống như những người đàn bà vừa đau khổ vừa trả thù. Thôi này, ta hãy đi vào việc! Bà có biết ông Rochefort không?
Ông de Rochefort không phải là bạn của tôi, - Hoàng hậu nói, - mà trái lại, thuộc hàng những kẻ thù dai dẳng nhất của tôi, một trong những người trung thành nhất của giáo chủ de Richelieu. Tôi chắc là ông biết điều đó. Tôi biết rõ hắn đến mức là chúng tôi đã cho nhốt hắn vào ngục Bastille.
- Hắn ta đã ra chưa? - Hoàng hậu hỏi.
- Không, bà yên tâm, hắn vẫn ở đấy, tôi nói về hắn là để đi đến một người khác. Bà có biết ông d'Artagnan không? - Mazarin vừa nói tiếp vừa nhìn thẳng vào mặt hoàng hậu.
Anne d'Autriche bị một nhát vào giữa tim.
"Tên Gascone đã để lộ gì chăng?" - Bà lẩm bẩm.
Rồi bà nói to:
- D'Artagnan? Xem đã, ờ, phải cái tên đó chắc quen. d'Artagnan, một người lính ngự lâm trước có yêu một nữ tì của tôi, tội nghiệp con bé bị đầu độc chết cũng vì tôi.
- Tất cả thế thôi à? - Mazarin nói.
Hoàng hậu ngạc nhiên nhìn giáo chủ và nói:
- Nhưng mà, ông này, hình như ông đem tôi ra để làm một cuộc hỏi cung hay sao?
Với nụ cười muôn thuở và giọng nói dịu dàng của mình, Mazarin nói:
- Bất cứ trường hợp nào, bà cũng chỉ đáp lại theo ý thích riêng của bà.
- Ông trình bày rõ ràng nhũng ý muốn của ông đi và tôi sẽ trả lời tất - hoàng hậu bắt đầu mất kiên nhẫn nói.
- Thế thì, thưa Lệnh bà, - Mazarin nghiêng mình thi lễ và nói, - tôi muốn bà chia sẻ với tôi những bạn hữu của bà, cũng như tôi đã chia sẻ với bà chút ít kỹ xảo và tài năng mà Trời đã phú cho tôi. Các tình huống đang nghiêm trọng, và sắp phải hành động kiên quyết.
- Lại thế nữa - Hoàng hậu nói. - Tôi ngỡ rằng chúng ta sẽ hết nợ với ông de Beaufort.
- Vâng! Bà chỉ nhìn thấy dòng thác nó muốn lật nhào tất cả, mà bà không chú ý đến chỗ nước lũ. Trong khi đó ở Pháp có câu tục ngữ về nước lặng.
- Ông nói nốt đi, - Hoàng hậu bảo.
- Này nhé, - Mazarin nói tiếp - hàng ngày tôi chịu đựng những sự xúc phạm do các ông hoàng của bà, các kẻ hầu có tước vị của bà gây ra với tôi, tất cả những con rối không thấy rằng cầm các đầu dây của họ, và dưới cái vẻ nghiêm trang kiên nhẫn của tôi, họ không đoán được cái cười của người bị chọc tức thề với mình rằng một ngày nào đó sẽ là người mạnh nhất. Chúng tôi đã cho bắt ông de Beaufort, đúng; nhưng đó là kẻ ít nguy hiểm hơn tất cả, còn có ông Hoàng thân…
- Người chiến thắng de Rocroy!(3) Ông nghĩ đến điều đó à?
- Vâng, thưa bà, và luôn luôn; nhưng Patienza(4) như những người Ý chúng tôi nói. Rồi sau ông De Condé có ông quận công d'Orléans.
- Ông nói gì thế? Vị đệ nhất hoàng thân, chú ruột của vua?
- Không phải đệ nhất hoàng thân, không phải chú ruột vua, mà là kẻ mưu phản hèn nhát, dưới triều đình cũ, bị tính bốc đồng và ngông nghênh thúc đẩy, những buồn bực hèn hạ gặm nhấm, lòng tham lam tầm thường xâu xé, ganh ghét tất cả những gì vượt hắn ta về mặt trung thực và dũng cảm, bực tức vì chẳng là cái thá gì, nhờ cái rỗng tuếch của mình làm tiếng vang cho tất cả những tin đồn bậy, làm linh hồn cho tất cả những âm mưu, ra hiệu tiến lên cho tất cả những con người trung hậu kia, họ dại dột tin vào lời nói của một thân vương mà hắn ta thì chối bỏ họ khi họ bước lên đoạn đầu đài. Không phải đệ nhất hoàng thân, không phải chú ruột của vua, tôi xin nhắc lại, mà là kẻ sát hại de Chalais , de Montmorency và de Cinq-Mars, ngày nay hắn thử diễn lại vẫn trò ấy và tưởng tượng mình sẽ thắng cuộc bởi vì hắn sẽ thay đổi đối thủ và bởi vì đáng lẽ có trước mặt mình một con người hăm doạ thì hắn có một con người mỉm cười. Nhưng hắn lầm, làm hại ông de Richelieu, hắn ắt thất bại, và tôi không có lợi gì để bên cạnh hoàng hậu một chất men bất hoà, với chất men đó ông cố giáo chủ đã khiến cho nhà vua điên tiết trong hai chục năm trời.
Anne đỏ mặt và giấu mặt trong hai bàn tay.
- Tôi không muốn làm Lệnh bà xấu hổ, - Mazarin trở lại một giọng bình tĩnh hơn nhưng đồng thời với thái độ cương quyết lạ lùng, nói tiếp. - Tôi muốn người ta kính trọng hoàng hậu và kính trọng tể tướng của bà, bởi vì trước mặt mọi người tôi chỉ là như vậy. Chính Lệnh bà biết rằng, không phải như nhiều người nói tôi không phải là một thằng hề Ý tới; Lệnh bà phải làm cho mọi người hiểu.
Uốn người dưới cái giọng áp chế ấy, hoàng hậu nói:
- Vậy thì tôi phải làm gì?
- Bà phải tìm trong ký ức tên của những con người trung thành và tận tụy, mặc dầu ông de Richelieu ra sức cản trở, đã để lại những vệt máu của họ suốt dọc đường đi, đề đem về dâng Lệnh bà cái đồ trang sức nào đó mà bà đã tặng ông de Buckingham.
Như bị một cái lò-xo thép làm bật lên, Anne đứng lên đường bệ và phẫn nộ và nhìn giáo chủ với cái uy phong và cao ngạo đã làm cho bà đầy quyền thế trong những ngày son trẻ, bà nói:
- Ông lăng mạ tôi đó hả ông?
- Cuối cùng tôi muốn rằng, - Mazarin nói nốt cái y nghĩ bị cử chỉ của hoàng hậu cắt ngang, - tôi muốn rằng ngày nay bà hãy làm cho chồng bà cái mà ngày xưa bà đã làm cho người yêu của bà.
- Lại cái điều vu cáo ấy nữa? - Hoàng hậu kêu lên - Thế mà tôi cứ tưởng nó đã chết và bị bóp nghẹt, bởi vì ông đã xá miễn cho tôi đến tận bây giờ, nhưng lúc này ông lại lên tiếng. Càng hay! Bởi vì lần này sẽ là chuyện giữa chúng tôi, và tất cả sẽ kết thúc, ông nghe rõ chưa?
Kinh ngạc trước sự phục hồi quyền lực này, Mazarin nói:
- Nhưng thưa Lệnh bà, tôi có đòi hỏi Lệnh bà thổ lộ với tôi tất cả đâu.
- Còn tôi, tôi muốn nói hết với ông! - Anne d'Autriche đáp lại. Hãy nghe đây! Tôi muốn nói với ông rằng quả thật ở thời kỳ đó, có bốn trái tim tận tụy, bốn linh hồn trung thực, bốn thanh kiếm trung thành đã cứu hơn cả cuộc đời tôi, thưa ông, đã cứu danh dự cho tôi!
- A! Bà thú nhận, - Mazarin nói.
- Thưa ông, phải chăng chỉ có những kẻ có tội thì danh dự của họ mới bị tổn hại, còn người ta không thể làm mất danh dự của một người nào đó, nhất là một người phụ nữ, bằng những lời thị phi dè bỉu sao? Đúng, những lời thị phi dè bỉu nhắm vào tôi và tôi sắp bị ô danh, nhưng dẫu sao tôi xin thề, tôi không phải là kẻ có tội. Tôi xin thề…
Hoàng hậu tìm kiếm một vật linh thiêng để thề, bà mở cửa tủ nằm khuất sau một tấm thảm, lấy ra một tráp nhỏ bằng gỗ cây hồng khảm bạc, và đặt lên bàn thờ, rồi nói:
- Trên những thành tích thiêng liêng này, tôi xin thề rằng tôi có yêu ông de Buckingham, nhưng ông Buckingham không phải là tình nhân của tôi!
- Nhưng đó là những thành tích gì mà bà dùng để thề bồi, thưa bà? - Mazarin mỉm cười nói, - vì tôi xin nói trước với bà, với tư cách người La Mã, tôi thuộc loại người không tín ngưỡng, toàn thành tích là thành tích.
Hoàng hậu tháo một chìa khoá bằng vàng ở cổ và đưa cho giáo chủ. Bà bảo:
- Ông hãy mở ra và tự ông nhìn xem.
Mazarin ngạc nhiên cầm lấy chìa khoá và mở tráp, trong đó ông chỉ nhìn thấy một con dao bị gỉ ăn mòn và hai bức thư mà một bức có vết máu.
- Thế này là thế nào? - Mazarin hỏi.
- Thế này là thế nào ư, ông? - Anne d'Autriche nói với cử chỉ nữ hoàng của bà và giơ một cánh tay hãy còn tuyệt mỹ, tuy bao năm tháng đã trôi qua, đặt lên cái tráp để mở, - tôi sẽ nói ông rõ. Hai bức thư ấy là hai bức thư duy nhất mà tôi đã viết cho Buckingham. Con dao ấy là con dao mà Filtơn đã đâm ông ấy. Ông hãy đọc mấy bức thư đó và sẽ thấy tôi có nói dối hay không?
Mặc dầu được phép như vậy, vì một tình cảm tự nhiên, đáng lẽ đọc thư, Mazarin đã cầm lên con dao mà Buckingham lúc gần chết đã rút ra khỏi vết thương của mình và qua Lanporter gửi đến hoàng hậu, lưỡi dao đã mòn hết vì máu biến thành gỉ; rồi sau một lát xem xét, trong khi đó khuôn mặt hoàng hậu biến sắc trắng bệch ra như tấm vải phủ bàn thờ mà bà tựa mình lên, ông đặt lại con dao vào trong tráp và bất giác rùng mình. Ông nói:
- Được rồi bà ạ, tôi tin lời thề của bà.
- Không, không - Hoàng hậu cau mày nói - đọc đi, tôi muốn thế, tôi ra lệnh thế, như tôi đã nhất quyết tất cả sẽ kết thúc lần này, và chúng ta sẽ không trở lại vấn để này nữa. - Rồi với một nụ cười khủng khiếp bà nói tiếp, - Ông cho rằng rồi đây, trưởc mỗi lời buộc tội của ông, tôi lại phải sẵn sàng mở tráp này ra hay sao?
Bị khuất phục bởi khí phách ấy, Mazarin tuân theo như một cái máy và đọc hai bức thư. Một bức là hoàng hậu xin lại ông Buckingham chuỗi hạt kim cương, bức này do d'Artagnan mang đi và đưa đến kịp thời. Bức kia do Laporter mang đến cho quận công trong đó hoàng hậu báo trước là ông sắp bị ám hại, nhưng thư đến quá muộn.
- Được rồi, thưa bà, - Mazarin nói, - chẳng có gì phải trả lời điều đó.
- Có chứ, thưa ông, - Hoàng hậu nói và đậy tráp lại rồi đặt bàn tay lên nắp tráp. - Có chứ, có một điều gì đấy phải trả lời: ấy là tôi vẫn luôn luôn bội bạc với những người đã cứu tôi, tôi ấy, và đã làm tất cả những gì họ có thể làm để cứu ông ta: ấy là tôi chưa tặng gì cho cái ông d'Artagnan trung hậu ấy mà ông nói đến ban nãy, ngoài bàn tay tôi đưa ra để ông ta hôn, và chiếc nhẫn kim cương này.
Hoàng hậu chìa bàn tay xinh đẹp về phía giáo chủ và chỉ cho ông ta xem một viên đá tuyệt diệu lóng lánh nơi ngón tay bà. Bà nói tiếp:
- Hình như ông ta đã bán nó đi trong một lúc túng thiếu; ông ta đã bán đi để cứu tôi lần thứ hai, vì để cử một mật sứ đến ông quận công và để bảo với ông rằng ông sắp bị ám sát.
- D'Artagnan có biết chứ?
- Ông ta biết tất cả. Làm thế nào mà biết được? Tôi không rõ, nhưng cuối cùng ông ta đã bán chiếc nhẫn kim cương đó cho ông des Essarts, tôi thấy ông Essarts, đeo ở ngón tay và tôi đã chuộc lại, nhưng chiếc nhẫn kim cương này là của d'Artagnan ông ạ. Tôi nhờ ông đưa lại cho ông ta, và vì ông có diễm phúc có bên cạnh mình một con người như vậy, ông cứ sử dụng ông ta.
- Cảm ơn bà- Mazarin nói - Tôi sẽ tận dụng lời khuyên.
Như rã rời bởi nỗi xúc động Hoàng hậu nói:
- Bây giờ ông có chuyện gì khác cần hỏi tôi không?
- Thưa bà, không, - Giáo chủ trả lời với giọng mơn trớn nhất của mình. - chỉ cần bà tha thứ cho những điều nghi kỵ bất công của tôi nhưng vì tôi yêu bà đến nhường nào, nên cũng chẳng lấy làm lạ nếu tôi ghen, dù ghen cả với quá khứ.
Một nụ cười khó hiểu lướt trên môi Hoàng hậu. Bà nói:
- Vậy thưa ông, nếu không có điều gì cần hỏi, xin ông để tôi yên, chắc ông hiểu rằng sau một cuộc xung đột như vậy, tôi cần ở một mình.
Mazarin nghiêng mình nói:
- Tôi xin cáo lui, thưa bà, bà có cho phép tôi lại đến không?
- Có nhưng ngày mai. Tất cả quãng thời gian ấy để tôi hồi phục, không phải là quá nhiều.
Giáo chủ cầm tay hoàng hậu, hôn một cách phong nhã, rồi rút lui.
Ông ta vừa ra khỏi, hoàng hậu đi sang phòng con trai và hỏi Laporter xem vua đi nằm chưa. Laporter lấy tay trỏ cậu bé đang ngủ.
Anne d'Autriche trèo lên các bậc giường, ghé môi sát vầng trán cau lại của con trai và dịu dàng đặt lên đó một cái hôn; rồi bà đi lặng lẽ như đã đến, tự bằng lòng với việc bảo người hầu phòng:
- Laporter thân mến của tôi, hãy cố gắng làm cho vua vui vẻ hơn với ông giáo chủ, tôi và vua chịu ơn ông ấy nhiều lắm.
Chú thích:
(1) Anne d'Autriche (1601 - 1666) - Công chúa Tây Ban Nha kết hôn với vua Pháp Louis XIII, bị tể tướng Richelieu chèn ép. Từ 1634, làm nhiếp chính cho con mình là vua Louis XIV, và chọn Mazarin làm tể tướng.
(2) Mariede Medicis (1573-1642 Hoàng hậu của Henri IV. Sau khi Henri IV qua đời bà làm nhiếp chính cho con trai là vua Louis XIII đã giúp bà chống lại ông quận công de Richelieu, và còn thắng ông ta nữa.
(3) chỉ Condé.
(4) Kiên nhẫn (tiếng Ý)
Nguồn: http://vnthuquan.net/