Bức thư của Cromwell
Vào lúc bà Henriette rời tu viện Carmélites để đi đến Hoàng cung thì một kỵ sĩ xuống ngựa ở trước cung vua và báo cho lính gác rằng y có một việc đại sự cần nói với tể tướng Mazarin.
Mặc dầu giáo chủ vẫn thường hay lo sợ, nhưng vì cần được nghe những ý kiến và tình hình nhiều hơn, nên ông ta vẫn dễ gần. Không phải ở ngưỡng cửa đầu tiên người ta gặp khó khăn thực sự; cửa thứ hai cũng qua được khá dễ dàng, nhưng ở cửa thử ba, người lính gác và môn lại, còn có gã Bernouin trung thành canh giữ, con chó ngao mà không một lời lẽ nào có thể làm xiêu lòng không một cành nguyệt quế nào, dù nó có bằng vàng đi nữa, có thể mê hoặc.
Như vậy là ở cửa thứ ba, kẻ nào đến cầu khẩn hoặc yêu cầu một cuộc yết kiến phải chịu một cuộc lục vấn rành rọt.
Người kỵ sĩ buộc ngựa ở hàng rào ngoài sân, leo lên cầu thang lớn và hỏi các lính gác ở gian phòng đầu tiên:
- Cho tôi gặp tể tướng Mazarin.
- Cứ vào! - Lính gác đáp mà không cần hếch mũi lên khỏi các quân bài hoặc những quân xúc xắc mà họ đang chơi, lại còn hí hửng để cho người ta hiểu rằng mình không phải làm nhiệm vụ của những tên hầu.
Người sĩ vào gian phòng thứ hai được canh gác bởi lính ngự lâm và môn lại. Y nhắc lại yêu cầu của mình. Một môn lại tiến đến và hỏi:
- Ông có mang thư tiếp kiến không?
- Tôi có mang, nhưng không phải thư của tể tướng Mazarin.
- Vào đi và hỏi ông Bernouin!
Viên môn lại nói và và mở cánh cửa thứ ba.
Chẳng biết do tình cờ hay do vẫn đứng ở chỗ thường lệ, Bernouin đứng sau cánh cửa và đã nghe thấy tất cả. Hắn nói:
- Chính tôi là người ông tìm đây. Ông mang thư của ai đến Các hạ?
- Của tướng Olivier Cromwell(1), - Kẻ mới đến nói, - nhờ ông nói lại tên đó với Các hạ và ra cho tôi biết Các hạ có thể tiếp tôi hay không?
Y đứng dậy trong một tư thế vừa âm thầm vừa kiêu hãnh rất đặc biệt với những thánh đồ thánh giáo.
Sau khi đưa con mắt tra xét lên toàn thân người trẻ tuổi, Bernouin vào trong văn phòng và truyền đạt lại những lời nói của sứ giả.
- Một người mang thư của Olivier Cromwell à? - Mazarin hỏi, - và người ấy như thế nào?
- Thưa đức ông, một người Anh chính cống, tóc hung vàng, hung hung đúng hơn là hoe vàng, mắt xanh xám, xám đúng hơn là xanh, phần còn lại là kiêu ngạo và cứng cỏi.
- Bảo hắn đưa thư.
Bernouin từ văn phòng ra tiền sảnh nói:
- Ông hỏi bức thư.
Người trẻ tuổi đáp:
- Đức ông xem thư mà không có người mang thư. Nhưng để ông tin rằng tôi thực sự là người mang thư, xin hãy nhìn xem.
Bernouin nhìn dấu niêm phong thấy bức thư đúng là của tướng Olivier Cromwell, hắn sắp sửa quay vào văn phòng, thì người trẻ tuổi nói:
- Hãy nói thêm rằng tôi không phải là một người mang tin bình thường mà là một phái viên đặc biệt.
Bernouin vào, sau mấy giây lại ra, giữ cửa mở và bảo:
- Mời ông vào.
Mazarin cần đến tất cả những sự đi đi lại lại ấy để hồi phục khỏi cơn xúc động mà việc bảo tin có bức thư gây nên. Nhưng tâm trí ông có minh mẫn đến đâu, ông vẫn không tin được lý do gì đã khiến Cromwell muốn liên lạc với ông.
Người trẻ tuổi xuất hiện ở ngưỡng cửa văn phòng, một tay cầm mũ, một tay cầm phong thư.
Mazarin đứng dậy và nói:
- Ông có mang thư uỷ nhiệm với tôi à?
- Thưa Đức ông, thư đây, - người trẻ tuổi đáp.
Mazarin cầm bức thư, mở dấu niêm phong và đọc,
"Ông Mordaunt là một thư ký của tôi sẽ trình bức thư giới thiệu này lên Các hạ giáo chủ Mazarin ở Paris. Ngoài ra viên thư ký này còn mang đến các hạ một bức thư mật thứ hai.
Olivier Cromwell"
- Rất tốt, ông Mordaunt ạ, - Mazarin nói, - Ông hãy đưa tôi bức thư thứ hai và ngồi xuống đây!
Người trẻ tuổi rút ở trong túi ra bức thư thứ hai đưa cho giáo chủ, rồi ngồi xuống.
Tuy nhiên đang mải suy nghĩ, giáo chủ cầm thư rồi mà chưa bóc, lật đi lật lại trong tay; nhưng rồi để đánh lạc hướng kẻ mang tin, ông ta bắt đầu lục vấn y theo thói quen của mình, và do kinh nghiệm, ông tin chắc rằng ít người giấu nổi ông điều gì khi ông đã vừa hỏi vừa nhìn vào mặt. Ông nói:
- Ông Mordaunt này, ông còn trẻ lắm đối với cái nghề đại sứ hóc búa này mà nhiều khi những nhà ngoại giao kỳ cựu nhất cũng thất bại đây.
- Thưa Đức ông, tôi hai mươi ba tuổi, nhưng Các hạ lầm khi nói rằng tôi trẻ. Mặc dầu tôi không có được sự khôn ngoan của ngài, nhưng tuổi tôi thì hơn ngài đấy.
- Thế là thế nào? - Mazarin nói. - Tôi không hiểu ý ông.
- Thưa Đức ông, tôi nói rằng những năm tháng khổ đau phải tính gấp đôi, mà từ hai mươi năm nay tôi đau khổ.
- À phải, tôi hiểu rồi, - Mazarin nói, - vì không có của cải; ông nghèo khổ có phải không?
Rồi ông nói thêm với mình: "Bọn làm cách mạng nước Anh toàn là những đồ khố rách áo ôm".
- Thưa Đức ông, lẽ ra tôi phải có một tài sản là sáu triệu đồng, nhưng người ta đã tước đoạt mất của tôi.
- Thế ra ông không phải là một người trong đám bình dân à? - Mazarin ngạc nhiên hỏi.
- Nếu tôi mang tước hiệu, Tôi sẽ là "Lord"; nếu tôi mang họ tôi, ắt ngài đã từng nghe thấy là một trong những dòng họ lẫy lừng nhất Anh quốc.
- Vậy tên họ ông là gì? - Mazarin hỏi.
- Tên tôi là Mordaunt, - Người trẻ tuổi nghiêng mình đáp.
Mazarin hiểu rằng phái viên của Cromwell muốn giữ kín cuộc vi hành của mình.
- Ông im lặng một lát, nhưng trong lúc ấy ông nhìn vào người lạ với sự chú ý còn lớn hơn cả lúc mới đầu.
Người thanh niên vẫn thản nhiên.
- Quỷ bắt cái bọn thanh giáo này đi - Mazarin khẽ nhủ thầm - Chúng như tượng đá tạc ấy.
Rồi ông cao giọng:
- Ông vẫn còn bà con thân thích chứ?
- Thưa Đức ông còn một người.
- Người ấy đã giúp đỡ ông chứ?
- Đã, ba lần tôi đến cầu xin sự giúp đỡ, thì ba lần ông ta sai đầy tớ ra đuổi tôi.
Mazarin hy vọng dùng lòng thương giả dối để người trẻ tuổi rơi vào bẫy của mình, bèn nói:
- Ôi, lạy Chúa? Câu chuyện của ông tôi thấy thật đảng quan tâm! Thế ông không biết mình ra đời thế nào à?
- Mãi tận gần đây tôi mới biết rõ.
- Còn trước đó thì sao?
- Tôi tự coi mình như một đứa con hoang.
- Vậy là ông chưa hề biết mặt mẹ mình à?
- Có chứ, thưa Đức ông. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đến thăm tôi ba lần ở nhà bà vú nuôi; lần cuối cùng mẹ tôi đến tôi còn nhớ rõ như mới ngày hôm nay.
- Ông có trí nhớ tốt nhỉ? - Mazarin nói.
- Ồ, đúng thế, thưa Đức ông, - người thanh niên nói với một cái giọng thật kỳ lạ nó khiến cho giáo chủ cảm thấy một cơn rùng mình chạy khắp các mạch máu.
- Thế ai nuôi dưỡng ông? - Mazarin hỏi.
- Một bà vú người Pháp; khi tôi lên năm tuổi bà ấy đuổi tôi đi vì chẳng có ai trả tiền công cho bà, và bà ấy bảo tôi biết tên người thân thích kia mà bà thường nghe mẹ tôi nói đến.
- Rồi ông ra sao?
- Tôi khóc lóc và đi ăn xin trên những đường cái lớn. Một vị thượng thư ở Kingston nhặt tôi về dạy dỗ tôi theo đạo Tân giáo, truyền cho tôi tất cả trí thức của mình và còn giúp đỡ tôi trong việc tìm lại gia đình.
- Những cuộc tìm kiếm ấy ra sao?
- Đều vô hiệu quả; ăn nhờ may rủi mà thôi.
- Ông tìm ra tình hình mẹ ông bây giờ thế nào rồi?
- Tôi được biết rằng mẹ tôi đã bị ám sát bởi chính cái kẻ thân thích ấy, hắn được bốn người bạn giúp sức. Và tôi cũng được biết rằng vua Charles I đã tước danh hiệu quý tộc và tước cả tài sản của tôi nữa.
- A! Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao ông phụng sự ông Cromwell. Ông thù ghét nhà vua.
Mazarin kinh ngạc khi người thanh niên thốt ra những lời lẽ ấy với vẻ mặt ma quái. Mặt những người khác thường đỏ gay lên vì bị bốc máu, nhưng ở y mặt lúc ấy vàng như sắc mặt và trở nên nhợt nhạt.
- Ông Mordaunt ạ, câu chuyện của ông thật là khủng khiếp và làm tôi xúc động mạnh mẽ, nhưng cũng may cho ông là ông phụng sự một vị chúa tể toàn năng. Ông ấy hẳn là sẽ giúp ông trong việc tìm kiếm. Chúng tôi cũng sẽ có những tin tức cung cấp cho ông.
- Thưa Đức ông, đối với một con chó nòi tốt, chỉ cần chỉ cho nó một đầu đường săn là chắc chắn nó sẽ đi tới đầu kia.
- Nhưng cái người thân thích mà ông kể với tôi ấy, ông có muốn tôi nói với ông ta không? - Mazarin nói, toan kiếm một người bạn bên cạnh Cromwell.
- Cảm ơn Đức ông, tự tôi sẽ nói.
- Nhưng ông đã chẳng nói rằng ông ta bạc đãi ông đó sao?
- Lần sau tôi gặp, ông ta sẽ đốì xử với tôi tốt hơn.
- Ông có cách làm siêu lòng ông ta à?
- Tôi có cách khiến ông ta phải sợ tôi.
Mazarin nhìn người thanh niên nhưng một tia chớp lóe ra từ đôi mắt anh ta khiến ông cúi đầu xuống và ông sẽ lúng túng nếu tiếp tục một câu chuyện như vậy, ông bèn mở phong thư của Cromwell.
Dần dần mắt của người thanh niên trở lại khép lại và lờ đờ như thường lệ và y lại rơi vào một giấc mộng sâu xa.
Sau khi đọc được mấy dòng, Mazarin thử nhìn trộm xem Mordaunt có rình nom vẻ mặt ông không, và nhận thấy về thản nhiên của y, ông khẽ nhún vai mà nói.
- Những công việc của ông, ông cứ nhờ những người khác làm giúp đồng thời với công việc của họ. Nào, xem bức thư này nói gì.
Chúng tôi xin in nguyên văn bức thư ra đây:
"Kính gửi Các hạ
Đức ông giáo chủ Mazarini.,
Thưa Đức ông, tôi muốn được biết các ý định của ngài về những công việc hiện nay ở nước Anh. Hai vương quốc chúng ta ở quá gần nhau nên nước Pháp không thể không quan tâm đến tình hình nước chúng tôi, cũng như chúng tôi không thể không quan tâm đến tình hình nước Pháp. Những người dân Anh hầu như hoàn toàn nhất trí chống lại chính thể chuyên chế tàn bạo của vua Charles và bè đảng.
Do lòng tin cậy chúng tôi, tôi được đặt đứng đầu phong trào ấy, tôi đánh giá rõ ràng hơn ai hết bản chất và hậu quả phong trào. Giờ đây tôi đang làm chiến tranh và tôi sắp mở một trận đánh quyết định với vua Charles. Tôi sẽ thắng bởi vì hi vọng của dân tộc, của ý của Chúa đứng về phía tôi. Tôi thắng trận này nhà vua sẽ chẳng còn chút tự lực nào ở Anh hay ở Scotland. Nếu không bị bắt hoặc bị giết, ông ta sẽ tiếp nhận hoàng hậu Henriette rồi và chắc hẳn là vô tình đã duy trì một nội chiến không dứt trong đất nước tôi. Nhưng bà Henriettetetetete là con gái nước Pháp thì sự tiếp đãi của nước Pháp là phải. Còn về vua Charles, vấn đề lại khác hẳn. Tiếp nhận và giúp đỡ ông ta là nước Pháp phán đối những hành động của nhân dân Anh và làm phương hại một cách hết sức cơ bản đến nước Anh và nhất là đến tiến trình mà chúng tôi muốn tạo ra cho chính phủ của mình; một tình trạng như vậy cũng ngang với hành vi thù địch hiển nhiên…".
Lúc này rất đỗi lo lắng vì thái độ trong bức thư, Mazarin ngừng đọc và lại nhìn trộm người thanh niên. Y vẫn mơ màng.
Mazarin đọc tiếp:
"Thưa Đức ông, như vậy thật là gấp bách, tôi cần phải biết sự thể ra sao về những sở kiến của nước Pháp. Lợi ích của nước Pháp và nước Anh dù rằng được lái theo những hướng trái ngược, nhưng lại gần nhau hơn là người ta có thể tưởng. Nước Anh cần có sự yên tĩnh nội bộ để hoàn tất việc loại trừ ông vua của mình; nước Pháp cần sự yên tĩnh đó để củng cố ngai vàng của ông vua non trẻ, các ông cũng như chúng tôi cần đến nền hoà bình nội tại ấy mà chúng ta có thể đạt tới nhờ sức mạnh của chính phủ chúng ta.
Những cuộc tranh chấp của ngài với nghị viện, những mối bất hoà âm ỉ của ngài với các hoàng thân, họ hôm nay chiến đấu vì ngài và ngày mai sẽ chiến đấu chống lại ngài, lòng kiên nhẫn của dân chúng được chỉ huy bởi ông chủ giáo, ông chủ tịch Blancmensnil và ông tham nghị Broussel, cuối cùng tất cả sự hỗn loạn ấy trải qua những bậc thang khác nhau của quốc gia buộc ngài phải xem xét với tinh thần lo ngại về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với nước ngoài. Bởi vì khi ấy nước Anh phấn khích cuồng nhiệt vì những tư tưởng mới có thể sẽ liên minh với Tây Ban Nha, nước này vốn đang thèm thuồng sự liên minh ấy. Cho nên, thưa Đức ông, biết rõ tính thận trọng của ngài và lập trường hoàn toàn cá nhân của ngài mà những biến cố đã tạo nên như ngài, nay tôi thiết nghĩ ngài sẽ cho rằng tốt hơn hết là tập trung lưc lượng của mình vào nội bộ vương quốc Pháp và để mặc Chính phủ mới của nước Anh với lực lượng của họ. Sự trung lập ấy chi cốt để tách xa vua Charles khỏi lãnh thổ Pháp, và không giúp đỡ cả về vũ khí, tiền bạc hay quân đội cho cái ông vua hoàn toàn xa lạ với quí quốc kia.
Bức thư của tôi như vậy là hoàn toàn bí mật, và cũng vì thế mà tôi gửi tới ngài qua tay một người tâm phúc tin cẩn; bức thư sẽ đi trước, bằng một tinh thần mà Các hạ sẽ lường ra, những biện pháp mà tôi sẽ áp dụng tuỳ theo các sự kiện diễn biến.
Olivier Cromwell nghĩ rằng tốt hơn hết là bày tỏ lẽ phải với một đầu óc thông minh như Madarim hơn là với một bà hoàng hậu chắc chắn hơn đáng khâm phục về tính kiên nghị nhưng lại quá qui phục những thành kiến hão huyền về dòng dõi và về quyền lực thần linh.
- Xin kính chào Đức ông. Nếu trong mười lăm ngày mà tôi không nhận được trả lời thì tôi sẽ coi như bức thư của tôi vô hiệu.
Olivier Cromwell"
- Này ông Mordaunt, - Tể tướng cất cao giọng như muốn đánh thức con người đang mơ mộng, - bức thư trả lời của tôi sẽ càng làm vừa lòng tướng Cromwell hơn, nếu như tôi càng chắc chắn hơn là người ta sẽ không biết rằng tôi sẽ viết ra nó. Vậy ông hãy đợi lấy thư ở Boulogne-sur-Mer - trên bờ biển, và hãy hứa với tôi rằng ông sẽ đi ngay sáng mai.
- Thưa Đức ông, tôi xin hứa, - Mordaunt đáp, - nhưng Đức ông sẽ bắt tôi đợi bức thư ấy bao nhiêu ngày?
- Nếu trong mười ngày mà ông không nhận được thì ông có thể ra đi.
Mordaunt cúi chào.
- Chưa xong đâu ông, - Mazarin nói, - những cuộc phiêu lưu đặc biệt của ông làm tôi rất xúc động; hơn nữa bức thư của Ngài Cromwell khiến ông trở thành quan trọng trước mắt tôi với tư cách đại sứ. Nào, tôi xin nhắc lại, hãy nói đi tôi có thể làm gì cho ông?
Mordaunt ngẫm nghĩ một lát, rồi sau một chút do dự dễ nhận thấy, sắp mở miệng để nói, thì Bernouin hấp tấp đi vào ghé vào tai giáo chu thì thầm:
- Bẩm Đức ông, hoàng hậu Henriettetetetete, có một vị quý tộc người Anh đi theo, lúc này đang vào Hoàng cung.
Mazarin nảy bật người trên ghế, cử chỉ ấy không thoát khỏi mắt người trẻ tuổi, và ông vội kìm hãm chuyện kín ấy mà chắc hẳn ông suýt tuôn ra.
- Này ông, - giáo chủ nói, - Ông nghe tôi dặn rồi chứ. Tôi ấn định nơi hẹn với ông ở Boulogne-sur-Mer, vì rằng tôi nghĩ đối với ông, mọi thành phố ở Pháp cũng như nhau mà thôi, nếu ông muốn một thành phố khác thì cứ nêu ra. Nhưng chắc ông cũng dễ dàng hiểu rằng bị bao bọc như tôi giữa những thế lực mà tôi chỉ có thể thoát ra bằng sự kín đáo, tôi muốn rằng mọi người không hay biết gì về sự có mặt của ông ở Paris.
- Thưa Đức ông, tôi sẽ đi ngay,
Mordaunt vừa nói vừa đi mấy bước ra phía cửa mà mình đã vào, thì giáo chủ gọi giật lại:
- Này, ông ơi! Không đi lối ấy! Xin ông đi theo hành lang, rồi ra nơi tiền phòng. Tôi muốn rằng người ta không nom thấy ông đi ra, cuộc hội kiến của chúng ta phải được giữ bí mật.
Bernouin đưa Mordaunt sang phòng bên cạnh, trao cho một tên môn lại và trỏ cho anh ta một cửa ra.
Rồi hắn hấp tấp trở lại để dẫn hoàng hậu Henriettete vào căn phòng giáo chủ, bà đã đi qua dãy hàng lang kính.
Chú thích:
(1) Olivier Cromwell (1599-1658) nghị sĩ Anh, sau trở thành thủ lĩnh của phong trào chống đối chế độ quân chủ chuyên chế. Lãnh đạo quân khởi nghĩa đánh bại đội hoàng gia ở Nadơby (1645) và xử tử vua Charles I. Cuộc khởi nghĩa của Cromwell có tính chất cách mạng dân chủ tư sản và tác động rộng rãi đến phong trào cách mạng ở nhiều nước châu Âu Đức
Chương 40
Mazarin và bà Henriette
Giáo chủ tể tướng đứng dậy và vội vã đi ra đón bà hoàng hậu nước Anh. Ông gặp bà ở quãng giữa hành lang dẫn đến văn phòng mình.
Ông càng tỏ vẻ cung kính bà hoàng hậu không có tùy tùng mà cũng chẳng có trang điểm này hơn, khi tự mình cảm thấy rõ ràng có điều gì đáng chê trách về tính biển lận thiếu nhân tâm của mình.
Song những người đến cầu khẩn lại tài bắt gương mặt mình biểu hiện được mọi vẻ, và người con gái của Henri IV vừa tươi cười đi tới người mà mình căm ghét và khinh bỉ.
- Chà! Vẻ mặt mềm mỏng làm sao! - Mazarin tự nhủ. - Phải chăng bà ta đến vay mượn mình tiền?
Và ông ta liếc một cái nhìn lo ngại về phía cái két bạc của mình, ông cũng vội quay cái nhẫn của mình vào phía trong để che giấu cái mặt kim cương lộng lẫy mà ánh hào quang của nó hẳn sẽ thu hút cặp mắt người ta lên đôi bàn tay vốn đã nuột nà của mình.
Khốn nỗi cái nhẫn ấy không cho phép mầu giúp ông tàng hình như chiếc nhẫn của Gygès(1) khi người mang nhẫn xoay nó.
Lúc này Mazarin ao ước tàng hình quá đi, vì ông ta đoán rằng bà Henriette đến để yêu cầu ông một cái gì đó mà một bà hoàng bị ông đối xử tàn tệ như vậy lại xuất hiện với nụ cười trên môi, Chứ không phải với lời doạ dẫm thì rõ ràng là bà ta đến để cầu xin.
- Thưa ngài giáo chủ - Bà khách uy nghi nói, - lúc đầu tôi có ý định nói về việc đã xui khiến tôi đến đây với hoàng hậu em gái tôi, nhưng tôi lại suy nghĩ rằng những vấn đề chính trị can hệ trước hết đến đàn ông.
- Thưa bà - Mazarin nói, - thực là Lệnh bà làm tôi rối với những lời lẽ biệt đãi êm tai đó.
"Hắn thật là nhã nhặn, - bà hoàng nghĩ, - hay là hắn đoán được ý định của ta".
Tới văn phòng của mình, giáo chủ mời hoàng hậu và khi bà đã yên vị trong chiếc ghế bành ông nói:
- Xin Lệnh bà ban lệnh cho kẻ tôi tớ cung kính nhất của Lệnh bà.
- Than ôi! Thưa Đức ông, - Hoàng hậu nói, - tôi đã mất đi thói quen ra mệnh lệnh và mắc thói quen cầu khẩn. Tôi đến đây để cầu khẩn ông và rất sung sướng nếu lời cầu khẩn của tôi được ông chấp nhận.
- Tôi xin nghe, thưa bà, - Mazarin nói.
- Thưa ông giáo chủ, đây là câu chuyện về cuộc chiến tranh mà chồng tôi duy trì chống lại những phần tử phiến loạn. Có lẽ ông không biết rằng người ta đang đánh nhau ở bên Anh - hoàng hậu nói với nụ cười buồn rầu, - và sắp tới đây người ta sẽ đánh nhau còn quyết liệt hơn từ trước đến giờ.
- Thưa bà, tôi hoàn toàn không biết, - Mazarin nói và kèm theo một cái nhún vai nhè nhẹ. - Chao ôi! Những cuộc chiến tranh của chúng tôi đã choán hết thời giờ và tâm trí của một tể tướng khốn khổ bất lực và suy nhược như tôi.
- Thế này nhé, - Hoàng hậu nói, - tôi xin báo với ông giáo chủ rằng Charles đệ nhất, chồng tôi nay mai sẽ thắng một trận quyệt định. - Trong trường hợp thất bại, - Mazarin làm một động tác, - Ấy phải phòng trước mọi chuyện, - hoàng hậu nói tiếp, - ngài muốn rút lui sang Pháp và sống ở đấy như một người bình thường. Ông thấy thế nào về dự định ấy?
Giáo chủ lắng nghe mà không một thớ thịt nào trên nét mặt tiết lộ cảm xúc mà ông nhận thấy; suốt lúc nghe mà ông vẫn giữ nguyên nụ cười giả tạo, vuốt ve. Đến khi hoàng hậu nói xong, ông mới đáp bằng cái giọng mượt mà nhất.
- Thưa bà, bà cho rằng nước Pháp bản thân nó đang xáo động và sục sôi như thế này lại có thể là một cái bến yên lành cho một ông vua bị truất ngôi hay sao? Vương miện chẳng đã vững chắc gì trên đầu vua Louis XIV làm sao ông ta có thể chịu đựng nổi một trọng lượng gấp đôi?
- Về cái gì can hệ đến tôi, thì trọng lượng ấy đã chẳng lấy gì làm nặng lắm đâu, ông giáo chủ ạ, - Hoàng hậu ngắt lời với một nụ cười đau đớn, - và tôi chẳng đòi hỏi người ta phải làm gì cho chồng tôi nhiều hơn so với tôi đâu. Ông thấy rằng chúng tôi là những vua chúa rất khiêm tốn đấy chứ.
- Ấy, thưa bà, - giáo chủ vội cướp lời để cắt đứt những điều giải thích có thể tiếp theo, - về bà thì lại là chuyện khác, bà là một người con gái của Henri IV của đức vua vĩ đại và tuyệt vời ấy…
- Điều ấy không ngăn cản ông từ chối tiếp đón con rể của Người, có phải không, thưa ông? Tuy nhiên, ông cũng nên nhớ lại rằng vị vua vĩ đại, tuyệt vời ấy có lần bị phế truất giống như chồng tôi sắp sửa bị, đã cầu cứu nước Anh, và nước Anh đã chấp thuận; nói cho đúng thì hoàng hậu Elidabet chẳng phải cháu gái của Người?
- Peccato(2) - Mazarin nói, ông ta cãi bữa trước cái lý luận thật là đơn giản ấy. - Lệnh bà không hiểu tôi: Lệnh bà nhận xét sai những ý định của tôi, và như vậy chắc chắn là tôi diễn đạt bằng tiếng Pháp dở quá.
- Vậy thì xin ông cứ nói tiếng Ý. Hoàng hậu Marie de Médicis mẹ của tôi đã dạy cho chúng tôi thứ tiếng ấy trước khi bị giáo chủ tể tướng tiền bối của ông đưa đi chết trong cảnh lưu đày. Nếu như còn lại chút gì, của đức vua Henri IV vĩ đại và tuyệt vời mà ông nói đến lúc nãy ấy, chắc chắn là Người sẽ rất lấy làm ngạc nhiên vì sao sự khâm phục sâu xa đối với Người lại chẳng dính dáng gì mấy đến lòng thương đối với gia đình của Người như vậy.
Mồ hôi hột đổ trên trán Mazarin. Rồi chẳng nhận lời đề nghị của hoàng hậu là thay đổi ngôn ngữ, ông nói:
- Thưa bà, trái lại sự khâm phục ấy là to lớn và hiển nhiên, đến nỗi nếu như vua Charles I - xin Chúa phù hộ cho ngài tránh khỏi mọi tai hoạ - mà đến nước Pháp, thì tôi sẽ xin hiến toà nhà tôi, toà nhà riêng của tôi cho ngài; nhưng chao ôi! Đó sẽ là một nơi rút lui ít an toàn. Một ngày nào đó, dân chúng sẽ đốt cháy ngôi nhà đó như đã đốt cháy nhà thống chế Ancre. Tội nghiệp thay Concino Concini (3). Mà ông ta chỉ muốn có điều hay của nước Pháp (4).
- Đúng đấy thưa Đức ông, cũng như ngài ấy mà? - Bà hoàng nói châm biếm.
Mazarin giả bộ không hiểu ý nghĩa kép của câu mà chính ông ta vừa nói ra, và tiếp tục thương vay khóc mướn cho số phận của Concino Concini.
Bà hoàng hốt hoảng quá kêu lên:
- Nhưng thưa ngài giáo chủ, rốt cuộc ngài trả lời cho tôi thế nào chứ?
Mỗi lúc một áo não thêm, Mazarin nói:
- Thưa Lệnh bà, Lệnh bà có cho phép tôi đưa ra một lời khuyên nhủ không? Tất nhiên là trước khi mạo muội làm việc đó, tôi xin bắt đầu phục xuống dưới chân Lệnh bà để làm tất mọi điều gì khiến Lệnh bà vui lòng.
- Ông hãy nói đi, - Hoàng hậu đáp. - Lời khuyên của một người khôn ngoan như ông chắc chắn là phải tốt.
- Thưa bà, xin hãy tin tôi, đức Vua phải chống cự đến cùng.
- Thưa ông đức Vua đã làm như vậy, và trong trận đánh này đưa ra những lực lượng ít ỏi hơn lực lượng địch rất nhiều chứng tỏ đức Vua không tính đến đầu hàng mà không chiến đấu. Nhưng cuối cùng, trong trường hợp Vua sẽ bại trận thì sao?
- Thế thì thưa bà, trong trường hợp ấy, tôi biết rằng tôi đưa ra một ý kiến với Lệnh bà là liều lĩnh, nhưng ý kiến của tôi là đức Vua không nên rơi bỏ vương quốc của mình. Người ta sẽ lãng quên nhanh chóng những ông vua vẳng mặt; nếu vua mà rời sang Pháp thì mục đích và lợi ích của ngài sẽ đi đứt.
- Nhưng mà, - Hoàng hậu nói, - nếu đó là ý kiến của ông và nếu ông thật sự quan tâm, thì xin ông gửi ngay cho nhà vua chút ít viện trợ về người và tiền bạc; bởi vì tôi tôi chẳng còn làm gì được cho chồng tôi nữa; để giúp chồng, tôi đã bán đến hạt kim cương cuối cùng. Bây giờ tôi chẳng còn chút gì hết, ông biết đấy. Ông biết còn rõ hơn bất cứ ai. Nếu như còn đồ tư trang nào, chắc hẳn là mùa đông này tôi đã mua củi về sưởi cho tôi và con gái tôi rồi.
- A! Thưa bà, - Mazarin nói - Lệnh bà không hiểu gì mấy về điều mà bà yêu cầu. Đến lúc mà một ông vua phải cần đến viện trợ từ nước ngoài để đặt lại mình lên ngôi, thì có nghĩa là thú nhận rằng mình chẳng còn có một chỗ dựa nào trong tình cảm của bầy tôi của mình nữa.
Bực bội phải theo dõi cái trí xảo tinh vi trong cái mê cung những từ ngữ mà ông ta đang lạc vào đó, hoàng hậu nói:
- Xin ông giáo chủ hãy đi vào việc thực tế: Hãy trả lời cho tôi là có hay không? Nếu vua ở lại nước Anh, ông có gửi viện trợ cho không? Nếu vua sang Pháp, ông có tiếp nhận không?
- Thưa Lệnh bà, - giáo chủ làm ra vẻ chân thành nhất nói, - tôi hy vọng sẽ chứng tỏ với Lệnh bà lòng tận tụy của tôi và ý muốn của tôi kết thúc một công việc mà Lệnh bà đang canh cánh bên lòng. Sau đó tôi nghĩ Lệnh bà sẽ chẳng còn hoài nghi tinh thần sốt sắng của tôi phụng sự Lệnh bà.
Bà hoàng cắn môi và tức tối cựa quậy trong chiếc ghế bành. Rồi bà nói:
- Vậy thì ông sẽ làm gì? Nào, nói đi.
- Ngay bây giờ tôi sẽ đến xin ý kiến hoàng hậu và sau đó đưa vấn đề ra trình nghị viện.
- Với nghị viện mà ông đang xung đột phải không? Ông sẽ giao cho Broussel tường trình chứ gì? Thôi đủ rồi, ông giáo chủ ạ, đủ rồi. Tôi hiểu ông hoặc đúng hơn là tôi đã sai lầm. Chà! Hãy đi ra nghị viện, vì rằng từ cái nghị viện ấy - kẻ thù của các vị vua - đã gửi tới người con gái của đức vua Henri IV vĩ đại và tuyệt vời mà ông khâm phục vô cùng ấy, những viện trợ duy nhất giúp bà ta mùa đông này khỏi chết đói và chết rét.
Dứt lời bà hoàng đứng lên với một vẻ phẫn nộ đường bệ.
Ông giáo chủ chắp hai tay giơ về phía bà mà nói:
- A! Thưa Lệnh bà, thưa Lệnh bà, Lệnh bà hiểu sai tôi rồi, lạy Chúa!
Nhưng hoàng hậu Henriette chẳng thèm quay lại phía kẻ đang rơi những giọt nước mắt cá sấu ấy, bà đi ngang qua văn phòng, tự mình mở cửa, và ở giữa đám vệ sĩ đông đảo của Các hạ, đảm cận thần đang xun xoe nịnh hót, giữa cảnh xa hoa của vương vị đối địch, bà đến nắm tay de Winter đang đứng lẻ loi một mình. Tội nghiệp bà hoàng hậu đã mất ngôi, trước mặt bà ta mọi người vẫn nghiêng mình thi lễ, vì nghi thức mà thôi, nhưng thực tế chi còn có một cánh tay mà bà có thể vịn lên được.
- Thôi kệ! - Mazarin nói khi còn lại một mình, - Điều đó làm phiền cho ta quá, và phải sắm vai này thật là hóc búa. Nhưng ta đã nói gì rõ ràng với cả bên này và bên kia đâu. Hừ! Cromwell là một tay săn đuổi các nhà vua quyết liệt, ta thương cho các tể tướng của hắn, nếu như hắn dùng tể tướng, Bernouin đâu!
Bernouin vào.
- Hãy nhìn xem cái người trẻ tuổi mặc áo chẽn đen, tóc ngắn mà lúc nãy anh dẫn vào đây, có còn ở trong cung không?
Bernouin đi ra. Trong khi vắng mặt hắn, giáo chủ xoay cái mặt nhẫn ra phía ngoài để lau hạt kim cương và ngắm nghía nước sáng của nó, và do một giọt lệ vẫn còn đọng ở trong mắt khiến mắt mờ khó nhìn, ông ta lắc lắc cái đầu cho giọt lệ rơi xuống.
Bernouin vào cùng với Comminger bữa nay đến phiên gác, Comminger nói:
- Thưa Đức ông, tôi dẫn người trẻ tuổi mà Các hạ hỏi ra ngoài.
Anh ta đến gần tấm kính hành lang và nhìn một vật gì đó với vẻ kinh ngạc, chắc là bức hoạ của Raphael vì nó treo đối diện cánh cửa. Sau đó anh ta mơ màng một lát và đi xuống cầu thang. Tôi thấy anh ta đã lên một con ngựa màu xám và đi ra khỏi sân hoàng cung. À, nhưng Đức ông không đến chỗ hoàng hậu ư?
- Để làm gì?
- Ông de Gitaud bác của tôi, vừa nói mới nói rằng Hoàng thượng nhận được những tin tức mới của quân đội.
- Được tôi sẽ sang ngay.
Vừa lúc ấy xuất hiện. Ông ta được hoàng hậu sai đến tìm giáo chủ.
Comminger đã nhìn rõ vì Mordaunt đã làm đúng như hắn ta kể. Khi đi qua hành lang song song với hành lang kín lớn, anh ta đã gặp gỡ de Winter đang đứng đợi hoàng hậu Henriette.
Nhìn thấy ông, anh ta dừng phắt lại, không phải để ngắm nghía bức hoạ của Raphael, mà như bị mê mẩn trựớc một vật khủng khiếp.
Mặt anh ta dãn nở ra toàn thân ớn lạnh. Đường như anh ta muốn vượt qua bức tường bằng kính ngăn cách mình với kẻ thù. Nếu như Comminger trông thấy anh ta nhìn de Winter với con mắt căm thù như thế nào, thì sẽ chẳng còn nghi ngờ gì rằng vị công hầu người Anh kia là kẻ tử thù của anh ta.
Nhưng anh ta dừng lại.
Chắc là để ngẫm nghĩ. Vì rằng đáng lẽ để mình bị lôi cuốn theo cử chỉ ban đầu là xông thẳng tới Milord de Winter, thì anh ta lững thững bước xuống cầu thang, cúi đầu đi ra khỏi cung, nhảy lên yên và thúc ngựa đi đến góc phố Richelieu, và mắt chăm chú nhìn phía hàng rào, anh ta đợi cỗ xe của hoàng hậu ra sân.
Chẳng phải đợi lâu, vì hoàng hậu ngồi với Mazarin khoảng mười lăm phút, nhưng mười lăm phút đợi chờ ấy bằng một thế kỷ đối với kẻ chờ đợi.
Cuối cùng cỗ máy nặng nề mà người ta gọi là cái xe rít lên qua cổng sắt, và De Winter vẫn cưỡi ngựa, cúi xuống cánh cửa xe để nói chuyện với Hoàng hậu.
Mấy con ngựa chạy nước kiệu trên đường đến cung Louvre và đi vào đó. Trước khi đi khỏi tu viện Carmélites, bà Henriette đã dặn con gái đợi bà ở cung Louvre nơi họ đã sống khá lâu và chỉ rời khỏi đó bởi vì cảnh khốn cùng của họ dường như càng nặng nề hơn trong những căn phòng vàng son lộng lẫy.
Mordaunt đi theo cỗ xe và khi thấy cỗ xe đi vào dưới cổng tò vò tôi tối, anh ta cùng ngựa đi áp sát vào thành tường có bóng tối trải trên đó, và đứng lặng im giữa những đường gờ của Jean Goujon(5), giống hệt một bức phù điêu người cưỡi ngựa.
Anh ta đợi chờ như đã đợi chờ ở Hoàng cung.
Chú thích:
(1) vua xứ Liđi, thế kỷ VII trước Công nguyên.
(2) Tiếng Ý: Một sự lầm lẫn nhỏ.
(3) Concini: người gốc Ý, làm thống chế Pháp, bất tài và tham lam, đã khiến các đại thần nổi loạn Năm 1967, vua Louis XIII phải ra lệnh bắt giam. Concini chống cự và đã bị giết chết.
(4) Chữ Pháp "bien" có nghĩa là điều thiện, điều hay và cũng có nghĩa là của cải, tài sản. Đáng lẽ phải nói "Concini chỉ muốn điều hay cho nước Pháp", Mazarin lại nói "chỉ muốn điều hay của nước Pháp" thì chữ "bien" sẽ bị hiểu là "Conxini chi muốn của cải của nước Pháp".
(5) Nhà kiến trúc và điêu khắc người Pháp.
Chương 41
Vì sao những kẻ khốn khó đôi khi coi sự tình cờ như thiên mệnh
- Thế nào, thưa Lệnh bà? - de Winter hỏi sau khi hoàng hậu đã cho các đầy tớ lui ra.
- Thế đấy, Milord ạ, điều tôi dự đoán đã xảy ra.
- Ông ta từ chối à?
- Tôi đã chẳng nói trước với ông như vậy là gì?
- Nhưng còn hoàng hậu, bà có gặp không?
- Vô ích. - Bà Henriette buồn bã lắc đầu nói. - Chẳng bao giờ hoàng hậu lại nói có, khi giáo chủ đã nói không. Ông không biết rằng cái lão người Ý ấy chi đạo tất cả ở bên trong cũng như ở bên ngoài hay sao? Hơn nữa, tôi trở lại điều đã nói với ông, tôi sẽ chẳng ngạc nhiên rằng chúng ta đã bị Cromwell vượt trước rồi. Giáo chủ rất lúng túng trong khi nói với tôi, nhưng rất kiên quyết trong ý định từ chối. Rồi nữa, ông có nhận xét thấy sự nhốn nháo trong hoàng cung không những kẻ đến người đi hối hả tất bật? milord này, phải chăng họ đã nhận được tin tức gì mới.
- Không phải từ nước Anh đâu, thưa bà, tôi đã làm rất chu đáo và khẩn trương, nên chắc chắn rằng không bị kẻ nào vượt trước. Tôi ra đi cách đây ba ngày, tôi đã đi qua một cách thần kỳ giữa đám quân đội thanh giáo, tôi dùng xe trạm cùng với tên hầu Tony, và ngựa mà chúng tôi cưỡi chúng tôi mua ở Paris. Vả lại trước khi phải mạo hiểm một chút gì, tôi tin chắc là đức vua chờ đợi thư trả lời của Lệnh bà.
- Milord ạ, - hoàng hậu tuyệt vọng nói, - Ông hãy trình lại với đức vua rằng tôi không thể làm gì được, tôi đã đau khổ như Ngài, hơn Ngài nữa, tôi mà buộc phải ăn miếng bánh lưu đày, và đi xin trú ngụ ở những nơi người bạn giả dối họ cười nhạo nước mắt của tôi, và ông hãy thưa rằng về phần thánh thể của Ngài. Ngài cần phải hy sinh một cách dũng cảm và chết như một ông vua. Tôi sẽ chết ở bên cạnh Ngài.
- Thưa Lệnh bà! Thưa Lệnh bà! - de Winter kêu lên. - Lệnh bà phó mình cho sự ngã lòng, mà có lẽ chúng ta còn một chút hy vọng đó.
- Milord ơi! Chẳng còn bạn bè nào ở trên đời này nữa, ngoài ông ra? Ôi, lạy Chúa! Lạy Chủa. - Bà Henriette kêu than và ngước mắt lên trời - Ông đã thu phục tất cả những trái tim hào hiệp ở trên đời này chưa?
- Thưa bà, tôi hy vọng là chưa, - de Winter trầm ngâm đáp, - tôi đã có lần nói với bà về bốn con người.
- Ông định làm gì với bốn người
- Bốn con người tận tụy, bốn con người quyết tử có thể làm được nhiều lắm chứ, xin lệnh bà hãy tin tôi, và những con người mà tôi nói với bà đây trong một thời đã làm biết bao nhiêu là việc.
- Thế bốn người ấy bây giờ đâu?
- À! Đó là điều tôi chưa rõ. Từ gần hai mươi năm nay tôi mất tin của họ, nhưng trong mọi hoàn cảnh mà đức Vua lâm nguy, tôi đều nghĩ tới họ.
- Những người ấy là bạn của ông à?
- Một người trong bọn họ đã cầm tính mạng tôi trong tay và đã trả lại tôi; tôi không biết ông ta còn là bạn tôi không nhưng ít ra, từ đấy, tôi vẫn là bạn của ông ấy.
- Những người ấy đều ở Pháp ư, Milord?
- Chắc thế.
- Ông hãy nói tên của họ; có khi tôi đã từng nghe và tôi có thể giúp ông tìm kiếm.
- Một người tên là hiệp sĩ d'Artagnan.
- Ô, Milord? Nếu tôi không lầm, hiệp sĩ d'Artagnan là trung uý thị vệ tôi đã nghe nói đến cái tên ấy; nhưng hãy cẩn thận đó, tôi sợ rằng người ấy hoàn toàn theo giáo chủ…
- Trong trường hợp ấy, đó là tai hoạ cuối cùng của chúng ta - de Winter nói, - và tôi bắt đầu tin rằng chúng ta thật sự bị trừng phạt.
- Thế còn những người khác nữa, Milord? - Hoàng hậu nói, - bà bám víu vào chút hy vọng cuối cùng như kẻ bị đắm tàu bám vào mảnh ván vỡ.
- Người thứ hai tôi tình cờ nghe được tên ông vì trước khi đánh nhau với chúng tôi, bốn vị quý tộc ấy đã nói tên của họ, người thứ hai tên là bá tước de La Fère. Còn hai người kia, thói quen gọi bằng biệt danh đã khiến tôi quên mất tên thật.
- Ôi, lạy Chúa! - Hoàng hậu nói, - cần cấp bách tìm kiếm họ, bởi vì ông cho rằng những vị quý tộc xứng đáng ấy có thể rất có ích cho đức vua…
- Vâng! Vâng! - De Winter nói - vì rằng vẫn là những người ấy.
- Xin bà hãy nghe kỹ điều này và hồi tưởng lại ký ức. Không biết bà có được nghe kể chuyện rằng hoàng hậu Anne d'Autriche xưa kia đã từng được cứu thoát khỏi một nỗi nguy hiểm lớn nhất mà chưa hoàng hậu nào trải qua?
- Có, nhân những chuyện yêu đương của bà ta với ông de Buckingham, và tôi cũng không rõ lắm, về những chuỗi hạt kim cương gì đó.
- Đúng đấy, thưa bà. Những người kia chính là những kẻ đã cứu bà ta, và tôi cười ái ngại khi, nghĩ rằng nếu như tên họ của nhưng nhà quý tộc ấy mà bà không hề biết, thì hoàng hậu đã quên đi, trong khi đáng lẽ bà ta phải phong họ làm những đại thần đầu tiên của vương quốc.
- Vậy thì phải tìm kiếm họ, Milord ạ! Nhưng bốn người hay đúng hơn là ba người thì có thể làm gì được nhỉ? Vì tôi đã nói với ông rằng không nên tin cậy ở ông d'Artagnan.
- Thế là bớt đi một tay kiếm dũng mãnh, nhưng vẫn còn ba tay kia, chưa kể tôi. Mà bốn người tận tụy xung quanh đức vua, để canh giữ vua khỏi quân thù, che chở vua trong trận mạc, giúp đỡ vua bằng những ý kiến, hộ giá vua khi chạy trốn, như thế cũng là đủ, không phải để giúp vua chiến thắng, nhưng đủ để cứu vua nếu vua bại trận, giúp vua vượt biển, và dù Mazarin có nói gì thì nói, một khi đã lên đến bờ biển Pháp, thì quân vương của Lệnh bà sẽ kiếm được chẳng thiếu chỗ ẩn náu và nương tựa giống như loài chim biển tìm được chỗ ẩn náu trong những cơn giông tố.
- Milord ơi, hãy tìm kiếm những nhà quý tộc ấy đi, và nếu tìm thấy họ và họ đồng ý cùng với ông sang Anh, thì ngày, nàọ chúng tôi trở lại ngôi báu, tôi sẽ tặng mỗi người trong bọn họ một lãnh địa tước công ngoài ra còn thêm vàng đủ để mua cả cung Đại sảnh trắng. Đi tìm kiếm đi, Milord, đi tìm kiếm đi, tôi van ông đấy!
- Thưa bà, tôi sẽ tìm kiếm, - de Winter đáp, - và chắc là tôi sẽ kiếm được, nhưng tôi không có đủ thời giờ. Lệnh bà quên rằng đức vua đang chờ đợi thư trả lời của Lệnh bà, và đợi chờ khắc khoải đó sao?
- Thế là chúng ta đi đứt rồi! - Hoàng hậu kêu lên với sự bùng ra của một trái tim tan vỡ.
Vừa lúc ấy cánh cửa mở, cô gái Henriette xuất hiện. Với sức mạnh tuyệt vời là tính chất anh hùng của những người mẹ, bà hoàng cố nuốt nước mắt và ra hiệu cho de Winter nói lảng sang chuyện khác.
Nhưng phản ứng ấy dù mạnh mẽ đến đâu cũng không lọt khỏi mắt cô công chúa trẻ; cô dừng ở ngưỡng cửa, buông một tiếng thở dài mà nói với hoàng hậu:
- Cớ sao mẹ cứ luôn luôn khóc lúc vắng mặt con thế, hả mẹ?
Hoàng hậu chỉ mỉm cười không đáp.
- Này ông de Winter ơi! - bà nói, - tôi đã lợi được một điều là chỉ còn là nửa hoàng hậu thôi; ấy là các con tôi gọi tôi là mẹ, chứ không gọi là Lệnh bà nữa.
Rồi quay về phía con gái bà nói:
- Henriette con muốn gì nào?
- Thưa mẹ, - Cô công chúa trẻ nói, - Một kỵ sĩ vừa mới vào cung Louvre và xin đến bái yết Hoàng thượng; ông ta từ bên quân đội đến và nói có bức thư của thống chế de Grammont trình lên mẹ, con chắc như vậy.
- A! - Hoàng hậu bảo de Winter, - đó là một người trung thành với tôi, nhưng Milord thân mến ơi, ông có nhận thấy rằng chúng ta được phục dịch bạc bẽo đến nỗi chính con gái tôi phải làm công viêc báo tin và dẫn người không?
- Xin bà hãy tội nghiệp cho tôi, - de Winter nói, - bà làm tôi đến nát lòng.
- Henriettete, người kỵ sĩ ấy thế nào? - Hoàng hậu hỏi.
- Thưa mẹ con nhìn qua cửa sổ, thấy đó là một thanh niên xấp xỉ mười sáu tuổi và người ta gọi là tử tước de Bragelonne.
Hoàng hậu mỉm cười và gật đầu, nàng công chúa trẻ ra mở cửa và Raoul xuất hiện trên ngưỡng cửa.
Anh bước ba bước đến phía hoàng hậu và quỳ xuống.
- Thưa Lệnh bà, - anh nói - tôi mang đến Lệnh bà một bức thư của người bạn tôi, bá tước de Guise, ông ta nói là có vinh dự được là kẻ hầu hạ của Lệnh bà; bức thư này mang một tin tức quan trọng và những lời chào cung kính của ông ta.
Nghe nói tên bá tước de Guise má nàng công chúa ửng đó; hoàng hậu nhìn cô có chiều nghiêm khắc. Bà nói:
- Henriettete, sao con lại nói là thư của thống chế de Grammont?
- Thưa mẹ con tưởng như vậy. - Cô gái lắp bắp.
- Đó là lỗi tại tôi thưa bà, - Raoul nói, - Quả thật tôi đã báo tin là từ chỗ thống chế Grammont đến; nhưng do bị thương ở cánh tay phải nên ông không viết được và đã sai bá tước de Guise viết thay.
- Thế ra có đánh nhau? - Hoàng hậu hỏi và ra hiệu cho Raoul đứng dậy.
- Vâng, thưa bà, - chàng thanh niên đáp và đưa bức thư cho de Winter ông ta đã tiến lên để nhận và trao lại thư cho hoàng hậu.
Nghe tin một trận đánh đã nổ ra, nàng công chủa há miệng để hỏi một điều gì đó làm cô quan tâm, nhưng rồi lại ngậm miệng không thốt ra một lời, trong khi nét ửng đó trên má cô dần dần biến mất.
Hoàng hậu nhìn thấy tất cả những cử chỉ ấy và chắc hẳn tấm lòng mẫu tử của bà đã diễn giải ra, và quay lại phía Raoul bà hỏi:
- Không có điều gì xảy ra với ông bá tước trẻ de Guise chứ? Vỉ rằng, ông ta không những ở trong số những người phụng sự chúng tôi như ông ta đã nói với ông, mà còn là chỗ bạn bè của chúng tôi nữa.
- Không sao ạ, thưa bà, - Raoul đáp. - Trái lại trong ngày hôm ấy ông ấy còn giành được một vinh quang to lớn, ông ấy đã có vinh dự được Ngài Hoàng thân ôm hôn ngay tại chiến trường.
Nàng công chúa vỗ hai tay vào nhau, nhưng rồi xấu hổ vì đã để mình bị lôi cuôn theo cách biểu hiện nỗi vui mừng như vậy, cô hơi quay mặt đi và cúi xuống một bình cắm đầy hoa hồng như để hít mùi hương.
- Nào, hãy xem bá tước nói gì, - Hoàng hậu bảo.
- Tôi có vinh dự được thưa với Lệnh bà là bá tước viết nhân danh phụ thân ông.
- Vâng.
Hoàng hậu mở phong thư và đọc:
"Thưa Lệnh bà và Hoàng hậu,
Không có vinh dự được tự mình viết cho bà do bị thương ở bàn tay phải, tôi phải nhờ con trai tôi viết, bá tước de Guise mà bà đã biết là một kẻ tôi tớ của bà giống như cha nó, để thưa với bà rằng chúng tôi vừa mới thắng trận ở Lens, và chiến thắng ấy nhất định sẽ tạo quyền lực cho giáo chủ Mazarin và hoàng hậu trong những công việc của châu Âu. Nếu Lệnh bà tin ở lời khuyên của tôi, thì xin Lệnh bà tranh thủ cơ hội này đến chính phủ của nhà vua để yêu cầu sự giúp đỡ đối với phu quân tôn kính của bà.
Tử tước de Bragelonne, người có vinh dự được chuyển bức thư này đến Lệnh bà là bạn của con trai tôi mà ông ta đã cứu mạng. Đó là một nhà quý tộc mà Lệnh bà có thể hoàn toàn tin cậy, trong trường hợp Lệnh bà có điều gì cần dặn miệng hoặc viết gửi cho tôi. Tôi rất vinh dự được tỏ lòng kính trọng…
Thống chế de Grammont".
Do có chuyện giúp đỡ công việc cho bá tước, Raoul không tránh khỏi quay đầu lại phía nàng công chúa trẻ tuổi và anh đã nhìn thấy trong mắt cô một biểu hiện vô cùng biết ơn Raoul. Không còn hồ nghi gì nữa, con gái vua Charles I đã yêu bạn anh.
Trận Lens đã thắng - Hoàng hậu nói. - Ở đấy người ta vui mừng, người ta thắng trận! Phải, thống chế de nói đúng, điều đó làm thay đổi bộ mặt các công việc của họ; nhưng các bạn ạ, tôi rất sợ rằng nó chẳng giúp ích gì cho công việc của chúng ta, nếu không chừng còn làm hại. Cái tin này mới mẻ, ông ạ, - Hoàng hậu nói tiếp, - Tôi xin cám ơn ông đã khẩn trương mang đến cho tôi; không có ông, không có bức thư này, thì có lẽ đến ngày mai ngày kia, tôi mới là kẻ cuối cùng ở Paris biết tin này.
- Thưa Lệnh bà, - Raoul nói, - cung Louvre là cung thứ hai tin tức này đến; chưa ai biết tin này đâu. Tôi đã thề với bá tước de Guise là sẽ mang thư này đến Lệnh bà trước cả khi đến ôm hôn vị đỡ đầu của tôi.
- Vị đỡ đầu của ông cũng họ Bragelonne như ông ư? - Milord de Winter hỏi – Ngày xưa tôi cũng có quen một ông Bragelonne, ông ấy còn sống chứ?
- Không, thưa ông, ông ta chết rồi. Vị đỡ dầu của tôi là là bà con thân thích của ông ta đã giúp tôi thừa kế lãnh ấp mà ông ta mang tên.
Hoàng hậu không khói quan tâm đến chàng thanh niên tuấn tú và hỏi:
- Này ông, vị đỡ đầu ông tên là gì?
Chàng thanh niên cúi mình đáp:
- Thưa bà, bá tước de La Fère.
De Winter giật bắn người kinh ngạc; còn hoàng hậu nhìn anh mà tươi tinh mặt mày. Bà reo lên:
- Bá tước de La Fère! Có đúng là ông nói cái tên họ ấy không?
Còn de Winter không tin ở điều mình nghe nữa. Đến lượt ông reo lên:
- Bá tước de La Fère! Ôi! Ông ơi, hãy trả lời tôi đi, tôi van ông đấy. Bá tước de La Fère mà tôi quen có phải là một lãnh chúa tuấn tú và dũng cảm làm ngự lâm quân của vua Louis XIII và nay đã khoảng bốn bảy, bốn tám tuổi không?
- Thưa ông, hoàn toàn đúng như vậy.
- Và phụng sự dưới một biệt danh?
- Dưới cái tên Arthos. Mới gần đây thôi, tôi có nghe ông d'Artagnan là bạn ông gọi ông bằng tên ấy!
- Đúng rồi, thưa bà, đúng rồi. Ơn trời! - de Winter nói, rồi hỏi Raoul - Ông nhà ở Paris à?
Rồi lại trở về với hoàng hậu, ông nói:
- Hãy hy vọng, hãy hy vọng nữa. Thượng đế tuyên bố ủng hộ chúng ta, bởi vì đã cho tôi gặp lại vị quý tộc ấy một cách thật là thần kỳ, ông ấy bây giờ ở chỗ nào, ông làm ơn chỉ cho tôi với.
- Bá tước de La Fère ở phố Guénégaud, khách sạn Grand-Roi-Charlemagne..
- Cám ơn ông. Nhờ ông nói với vị bạn cao quý ấy là hãy nán ở nhà, lát nữa tôi sẽ đến ôm hôn ông ấy.
- Thưa ông, tôi xin vui lòng tuân lệnh ông, nếu như Hoàng hậu đây cho tôi cáo lui.
- Hãy đi đi, tử tước Bragelonne, - Hoàng hậu nói, - Và hãy yên lòng về niềm thân ái của chúng tôi.
Raoul cung kính cúi mình trước hai bà chúa, chào de Winter và đi ra.
De Winter và hoàng hậu tiếp tục trò chuyện một lát nói thì thầm để cô công chúa không nghe thấy, nhưng sự đề phòng ấy là vô ích, vì cô ta đang trò chuyện với những suy nghĩ riêng tư của mình.
Đến lúc de Winter xin cáo lui, Hoàng hậu nói:
- Hãy nghe đây, Milord, tôi còn giữ cây thánh giá bằng kim cương này, nó là của mẹ tôi, và tấm hình thánh Misen này, nó là của chồng tôi, hai thứ đáng giá khoảng năm mươi nghìn livrơ. Tôi đã thề rằng thà chết đói bên cạnh những của tin quý báu này, chứ không cầm bán. Nhưng giờ đây hai đồ tư trang này có thể có ích cho chồng tôi hoặc cho những người bảo vệ ngài, cần phải hy sinh tất cả cho niềm hy vọng ấy. Ông hãy cầm lấy, và nếu cần tiền cho chuyến viễn chinh, thì cứ bán đi, đừng ngại gì cả, milord ạ, cứ bán đi. Nhưng nếu ông có cách để giữ nó lại thì xin milord hãy nhớ rằng tôi coi như ông đã giúp cho tôi một công vụ lớn nhất mà một nhà quý tộc có thể làm cho một bà hoàng hậu, và đến ngày thành đạt của tôi, người nào mang tấm hình và cây thánh giá này đến cho tôi sẽ được tôi và các con cái của tôi ban phước.
- Thưa bà, - de Winter nói, - Lệnh bà sẽ được phụng sự bởi một người tận tụy. Tôi sẽ đưa gửi ở nơi chắc chắn hai vật này mà tôi sẽ không nhận nếu như còn lại chút của cải của gia tài cũ của tôi; nhưng tài sản của tôi đã bị tịch thu, tiền mặt đã cạn, và chúng tôi cũng đã phải đem cầm bán tất cả những gì mình có, trong một giờ nữa tôi sẽ đến chỗ bá tước de La Fère và ngày mai Lệnh bà sẽ có một thư trả lời dứt khoát.
Hoàng hậu giơ tay ra, de Winter cung kính hôn lên. Rồi bà quay về phía con gái mà nói:
- Milord ơi, ông có nhiệm vụ đưa lại cho con bé này một cái gì đó của cha nó.
De Winter ngạc nhiên, chẳng hiểu hoàng hậu định nói gì.
Cô bé Henriette bèn tiến lại, vừa mỉm cười vừa đỏ mặt và giơ trán về phía vị quý tộc. Cô nói:
- Ông hãy nói với cha tôi rằng, dù là vua hay kẻ lẩn trốn, dù chiến thắng hay chiến bại hùng cường hay nghèo khó, bao giờ Người vẫn có ở tôi một đứa con gái ngoan ngoãn và thân thương.
- Thưa bà, tôi hiểu, - de Winter đáp và đụng môi lên trán cô Henriette.
Rồi ông ra đi, không có ai đưa đường, đi qua những gian phòng hoang vắng, tối tăm, vừa đi vừa lau những giọt nước mắt, mà chai sạn như ông suốt năm mươi năm trong cuộc sống cung đình, ông cũng không ngăn nổi rơi lệ trước sự bất hạnh vương hầu vừa thật là trang nghiêm vừa thật là sâu sắc.
Nguồn: http://vnthuquan.net/