Sự trả ơn của Anne d'Autriche
Để vào tới chỗ Anne d'Autriche, Arthos gặp ít khó khăn hơn anh tưởng. Ngay lần vận động đầu tiên mọi sự đã trôi chảy, và cuộc bái yết mà anh thỉnh cầu được chấp thuận vào ngày hôm sau, sau buổi lễ thức dậy mà với dòng dõi của mình, anh được phép tham dự.
Một đám đông đầy chật các gian nhà ở Saint-Germain. Tại Louvre hoặc Hoàng cung, chưa bao giờ Anne d'Autriche có nhiều cận thần đến thế. Tuy nhiên có một sự huyên náo nổi lên trong cái đám quần thần thuộc lớp quý tộc thứ yếu ấy, trong khi những nhà quí tộc đệ nhất Pháp quốc lại ở bên cạnh hoàng thân de Conti, hoàng thân de Beaufort và ông chủ giáo.
Hơn nữa, một niềm hoan hỉ lớn tràn ngập trong triều đình. Tính cách đặc biệt của cuộc chiến tranh này là có nhiều khúc ca hơn là những phát đại bác.
Triều đình hát nhạo cánh Paris, cánh Paris hát xỏ triều đình.
Những vết thương không chết người thì cũng chẳng kém phần đau đớn, bởi vì bị gây ra bởi vũ khí mỉa mai.
Nhưng giữa những trận cười tràn lan và những câu chuyện có vẻ tầm phào ấy, một mối bận tâm lớn lắng sâu trong, mọi suy nghĩ.
Mazarin còn là tể tướng hoặc sủng thần, hay là Mazarin từ phương Nam như một đám mây bị cơn gió cuốn đến, rồi lại cuốn đi?
Tất cả mọi người hy vọng điều đó, mong muốn điều đó, thành thử ngài tể tướng cảm thấy như mọi lễ tiết, mọi sự phỉnh phờ ở quanh ông đều che phủ một nội dung hận thù ngụy trang không kỹ dưới sự sợ hãi và lòng vụ lợi. Ông thấy bực bội khó chịu, không biết tin cậy vào đâu và dựa dẫm vào ai.
Ngài Hoàng thân Condé chiến đấu vì ông, nhưng vẫn không bỏ lỡ dịp giễu cợt ông hoặc làm nhục ông. Đã mấy lần trước mặt kẻ chiến thắng Rocroy, Mazarin toan tỏ thiện ý thì Hoàng thân đã nhìn ông bằng một cách để ông hiểu rằng, nếu Hoàng thân bảo vệ ông ta thì chẳng phải vì tin tưởng hay nhiệt thành.
Thế là giáo chủ đành bám vào hoàng hậu, điểm tựa cuối cùng của ông ta. Nhưng đã mấy lần rồi ông cảm thấy như điểm tựa ấy rung rinh dưới bàn tay ông.
Giờ yết kiến tới, người ta báo cho bá tước de La Fère rằng bá tước vẫn được tiếp, nhưng phải đợi một lát, vì hoàng hậu còn phải họp với tể tướng. Sự thật có như vậy, Paris vừa cử một đoàn đại biểu mới đến nhằm đưa lại một sự chuyển biến nào đó cho các công việc và hoàng hậu đang trao đổi ý kiến với Mazarin về việc đón tiếp các đại biểu.
Các nhân vật cao cấp của nhà nước đang rất bận rộn. Arthos không thể chọn một thời điểm nào tồi tệ hơn đề nói về các bạn bè mình, những hạt bụi khốn khổ mất hút trong cơn lốc tung hoành.
Nhưng Arthos là một người ương ngạnh chẳng bao giờ đắn đo với một điều đã quyết định, khi quyết định ấy xuất phát từ lương tâm và do nghĩa vụ thôi thúc.
Cho nên anh khẩn khoản được vào chầu và nói rằng mặc dầu anh không phải đại biểu của de Conti, de Beaufort, de Bouillon, của d'd'Elbeuf, cũng chẳng phải của chủ giáo, bà de Longueville, de Broussel hay nghị viện, và anh đến chỉ về việc riêng thôi, nhưng không phải vì thế mà không có những điều quan trọng nhất để trình với Hoàng thượng, cuộc hội đàm xong, hoàng hậu cho gọi Arthos đến phòng mình.
Arthos được đưa vào và xưng danh. Đó là một cái tên đã quá nhiều lần vang đến tai hoàng hậu và rung động trong trái tim bà, nên bà không thể không nhận ra; tuy nhiên bà tỏ ra thản nhiên và đành nhìn người quý tộc ấy với vẻ chằm chằm mà chỉ các bà hoàng được phép do nhan sắc hoặc do dòng máu của mình.
Sau một lát im lặng, Anne d'Autriche hỏi:
- Vậy là bá tước định giúp chúng tôi một việc thế?
Khó chịu thấy hoàng hậu không tỏ ra nhận biết mình, Arthos thưa:
- Vâng thưa Lệnh bà, lại một việc nữa ạ.
Arthos thật là một trái tim lớn, do đó là một cận thần rất tồi.
Anne chau mày, Mazarin ngồi trước bàn đang giở những giấy tờ như một quốc vụ khanh bình thường ngẩng đầu lên.
- Nói đi, - hoàng hậu bảo.
Mazarin lại giở giấy tờ.
- Thưa Lệnh bà, - Arthos nói, - Hai người bạn thân của chúng tôi hai kẻ tôi tớ dũng cảm của Hoàng thượng là các ông d'Artagnan và Du Vallon do ngài giáo chủ phái sang nước Anh, khi trở về mới đặt chân lên đất Pháp thì bỗng nhiên mất tích, và không hiểu ra sao rồi.
- Thế thì sao? - Hoàng hậu hỏi.
- Vì vậy thưa Lệnh bà, - Arthos nói, - tôi khẩn cầu tới lòng nhân đức của Hoàng thượng để biết được hai nhà quý tộc ấy bây giờ ra sao, và sau đó nếu cần thi khẩn cầu đến công lý của Người.
Với vẻ cao ngạo trở thành xấc xược đối với một số người, Anne d'Autriche đáp:
- Thưa ông, thì ra đó là lý do vì sao ông đến quấy rầy chúng tôi giữa lúc hàng trăm công nghìn việc to lớn đang làm chúng tôi bận rộn. Một công việc cảnh sát! Này, ông biết đấy, hoặc là ông cần phải biết rõ là từ khi chúng tôi không còn ở Paris, chúng tôi không còn có cảnh sát nữa.
Arthos cúi mình với vẻ cung kính lạnh lùng nói:
- Tôi nghĩ rằng Hoàng thượng không cần hỏi đến cảnh sát để biết các ông d'Artagnan hay Du Vallon hiện giờ ra sao mà nếu như Người hỏi ngài giáo chủ về hai nhà quý tộc đó, ngài giáo chủ có thể trả lời Người mà không cần hỏi ai ngoài những ký ức của bản thân ngài.
Với cái bĩu môi khính thị riêng có, Anne d'Autriche nói:
- Xin Chúa khoan dung! Tôi ngờ rằng ông hãy tự hỏi mình.
- Vâng, thưa Lệnh bà, tôi hầu như có quyền làm thế, vì đây là chuyện về ông d'Artagnan, về ông d'Artagnan, Lệnh bà nghe rõ chứ ạ. - Arthos nói khiến vầng trán của hoàng hậu phải cúi xuống dưới những kỷ niệm của người đàn bà.
Mazarin hiểu rằng đến lúc phải đỡ cho Anne d'Autriche, ông nói:
- Ông bá tước ạ, tôi muốn nói để ông rõ điều mà Hoàng thượng chưa biết, đó là hai nhà quý tộc ấy hiện nay ra sao. Họ đã bất tuân thượng lệnh và bị bắt giữ rồi.
Arthos vẫn trơ trơ và không đáp lại Mazarin, anh nói:
- Vậy thì van xin Hoàng thượng hãy chiếu cố các ông d'Artagnan và Du Vallon mà bãi bỏ lệnh bắt ấy.
- Điều ông yêu cầu tôi là một việc thuộc về kỷ luật và không can hệ gì đến tôi, ông ạ. - Hoàng hậu đáp.
Với vẻ đường hoàng, Arthos thi lễ và nói:
- Ông d'Artagnan đã chẳng bao giờ nói điều ấy khi đó là việc phục vụ Hoàng thượng.
Và anh lui lại hai bước để ra cửa, nhưng Mazarin ngăn lại.
- Ông cũng từ nước Anh về phải không? - Ông nói và ra hiệu cho hoàng hậu, bà ta tái mặt đi rõ rệt và sắp sửa ban ra một mệnh lệnh ngặt nghèo.
- Và tôi đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của vua Charles đệ nhất - Arthos nói. - Tội nghiệp vua! Nhiều nhất ngài cũng chỉ phạm tội yếu đuối vậy mà quần thần đã trừng trị ngài thật khắt khe. Lúc này đây, các ngai vàng đang lung lay và đối với những tấm lòng trung thành, phục vụ các hoàng thân chẳng phải là hay đâu. Đây là lần thứ hai ông d'Artagnan sang Anh, lần thứ nhất vì danh dự của một hoàng hậu vĩ đại, lần thứ hai vì tính mạng của một ông vua vĩ đại.
- Với một giọng mà thói quen che giấu không xua tan được nét biểu hiện thật sự, Anne d'Autriche nói:
- Ông Mazarin, xem có thể làm được gì cho các nhà quý tộc này không?
- Thưa Lệnh bà, - Mazarin đáp, tôi sẽ làm mọi điều gì vừa lòng Hoàng thượng.
- Ông hãy làm cái điều mà bá tước de La Fère thỉnh cầu. Tên ông gọi như vậy có phải không?
- Thưa Lệnh bà, tôi còn một tên khác nữa: Arthos.
Với một nụ cười chứng tỏ rằng chỉ nửa lời ông đã dễ dàng hiểu ra ngay, Mazarin nói:
- Thưa Lệnh bà, xin người cứ yên tâm, những ý muốn của người sẽ được thực hiện.
- Ông nghe rõ rồi chứ? - Hoàng hậu nói.
- Vâng thưa Lệnh bà, tôi không chờ đợi gì hơn là công lý của Hoàng thượng. Như vậy là tôi sẽ gặp lại các bạn bè của tôi, có phải không, thưa Lệnh bà? Có phải Hoàng thượng hiểu như vậy không?
- Phải, ông sẽ gặp lại các bạn ông. Nhưng nhân đây xin hỏi, ông thuộc phái La Fronde phải không?
- Thưa Lệnh bà, tôi phục vụ đức vua.
- Phải, theo cách của ông.
- Cách của tôi là cách của tất cả những nhà quý tộc chân chính, và tôi không biết có hai cách, - Arthos kiêu ngạo đáp.
Hoàng hậu khoát tay ra hiệu cho Arthos đi ra và bảo:
- Thôi, ông đi đi. Ông đã đạt được điều ông mong muốn, và chúng tôi cũng biết được những điều chúng lôi cần biết.
Khi cửa đã sập lại sau lưng Arthos, hoàng hậu quay lại bảoMazarin :
- Giáo chủ cho bắt giữ ngay gã quý tộc hỗn láo kia trước khi hắn ra khỏi sân!
- Tôi đã nghĩ đến điều ấy, - Mazarin nói,
- Và tôi vui mừng rằng Hoàng thượng đã ban cho một mệnh lệnh mà tôi định yêu cầu Người. Những tên hung hăng mang những tập quán của triều cũ vào thời đại hiện nay của ta gây rất nhiều phiền hà cho chúng ta; và đã có hai tên bị bắt rồi, ta hãy cho thêm vào đứa thứ ba.
Chẳng phải Arthos hoàn toàn bị hoàng hậu lừa bịp. Trong giọng nói của bà có cái gì đó đã khiến anh chú ý, nó vừa hứa hẹn lại vừa đe doạ. Nhưng anh không phải người hơi thấy nghi ngờ là lánh xa ngay, nhất là khi người ta đã nói rõ ràng với anh rằng anh sắp gặp lại các bạn anh. Cho nên anh đến một phòng ở gần kề nơi văn phòng anh được tiếp kiến để chờ người ta dẫn d'Artagnan và Porthos đến hoặc đưa anh tới gặp họ.
Trong lúc chờ đợi, anh tới bên cửa sổ và bất giác nhìn ra sân.
Anh trông thấy đoàn đại biểu Paris vào để thu xếp nơi hội đàm dứt khoát và chào hoàng hậu. Có các vị cố vấn của nghị viện, các chủ tịch, luật sư, trong đó lạc lõng vài binh gia. Một đoàn hộ tống hùng hậu chờ đợi họ ở ngoài hàng rào sắt.
Arthos nhìn chăm chú hơn bởi vì giữa đám đông ấy anh tưởng như nhận ra một người quen, thì có người vỗ nhẹ vào vai anh.
Anh quay lạt và thốt lên.
- A! Ông de Comminger!
- Vâng, thưa bá tước chính tôi, và tôi được giao một nhiệm vụ mà để thi hành nó tôi xin ông hãy nhận tất cả những lời xin lỗi của tôi.
- Nhiệm vụ gì vậy, thưa ông? - Arthos hỏi.
- Xin bá tước nộp thanh gươm cho tôi.
Arthos mỉm cười và mở cửa sổ ra anh kêu lên:
- Aramis!
Một nhà quý tộc quay lại; đó là người mà Arthos đã ngỡ nhận ra, và chính là Aramis. Anh thân mật chào Arthos.
- Aramis! - Arthos nói. - Người ta bắt giữ tôi.
- Thế à! - Aramis lạnh lùng đáp.
Arthos quay lại phía Comminger và lịch sự trao kiếm đằng chuôi cho hắn ta, anh nói:
- Thưa ông, mong ông giữ gìn cẩn thận hộ cho để trả lại tôi khi nào tôi ra tù. Tôi rất quý nó vì nó do vua Françoise đệ nhất ban cho tổ phụ tôi. Trong thời ngài, người ta ban vũ khí cho các nhà quý tộc, chứ không tước vũ khí họ. Bây giờ ông đưa tôi đi đâu?
- À vào phòng tôi trước đã, - Comminger đáp. - Hoàng hậu sẽ quy định chỗ ở của ông sau.
Arthos không nói thêm một lời và đi theo Comminger.
Chương 85
Vương vị của Mazarin
Việc bắt bớ không gây một tiếng động nào, một sự công phẫn nào và gần như không ai biết đến. Do đo nó không ngăn cản diễn biến của các sự kiện, và đoàn đại biểu do Paris cử đến được thông báo long trọng rằng họ sẽ được tiếp kiến Hoàng hậu.
Hoàng hậu tiếp đón họ, im lặng và oai vệ như mọi khi. Bà nghe những điều kêu ca và cầu khẩn của các đại biểu, nhưng đến khi họ dứt lời, gương mặt Anne d'Autriche vẫn thản nhiên, đến nỗi không ai có thể nói chắc được rằng bà có nghe thấy hay không.
Ngược lại Mazarin, có mặt trong buổi tiếp kiến ấy nghe rất rõ ràng điều các đại biểu yêu cầu, đó là sự thải hồi ông ta bằng những từ ngữ rõ ràng và rành mạch, một cách thuần tuý và đơn giản.
Những bài diễn văn kết thúc, hoàng hậu vẫn câm như hến.
- Thưa các ngài, - Mazarin nói,
- Tôi xin theo các ngài mà khẩn cầu hoàng hậu hạn chế những nỗi đau của các quần thần. Tôi đã làm mọi việc có thể làm dịu bớt, song theo các ngài nói, ý kiến chung cho rằng những nỗi đau khổ ấy là do tôi gây ra, một người ngoại quốc khốn khổ đã không làm vừa lòng mỗi người Pháp. Than ôi! Người ta không hiểu tôi, và cũng đúng thôi, tôi kế tục con người tuyệt vời nhất dường như vẫn còn nâng đỡ cái vương trượng của các vua chúa Pháp. Những ký ức của Ngài de Richelieu áp đảo tôi. Nếu như tôi có tham vọng mà chống lại các ký ức đó thì cũng uổng công. Nhưng tôi không thể và tôi muốn đưa ra một bằng chứng. Tôi tuyên bố là chịu thua. Tôi sẽ làm điều mà nhân dân đòi hỏi. Nếu như dân chúng Paris có vài điều sai lầm, mà ai chẳng có, phải không các ngài, thì Paris cũng đã bị trừng phạt đủ rồi, khá nhiều máu đã đổ ra, khá nhiều nỗi thống khổ đang đè nặng lên một thành phố không có vua của mình và nền công lý. Đừng qui cho tôi, một cá nhân tầm thường, cái việc tầy đình là chia rẽ một bà hoàng hậu với vương quốc của mình. Bởi vì các ngài đòi hỏi tôi rút lui, vậy thì tôi rút lui.
Aramis ghé tai người bên cạnh mà nói:
- Nếu vậy thì hoà bình được lập lại, và các cuộc đàm phán là vô ích. Chỉ còn có việc cho áp giải cẩn thận và tống khứ ông Mazarin ra tận nơi biên cương xa nhất và không để ông ta trở lại bằng nơi ấy hoặc nơi khác…
Viên pháp quan mà Aramis vừa bảo ấy lên tiếng:
- Khoan đã, ông ơi, khoan đã! Ông ra đi như vậy ư? Người ta thấy rõ ông là hạng người giang hồ hiệp khách đấy… Còn có cả một danh mục những khoản tiền lời lãi và những tiền trợ cấp phải sao chép minh bạch.
Đấy là ông Séguier, chỗ quen biết cũ của chúng ta. Hoàng hậu quay về phía ông ta mà bảo:
- Này ông chưởng ấn ơi, ông sẽ mở những cuộc hội đàm, mà họp ở Reuil. Ngài giáo chủ đã nói những lời khiến tôi rất xúc động. Đó là lý do vì sao tôi không trả lời ông dài dòng hơn. Còn về chuyện ở lại hay ra đi, tôi hàm ơn Ngài giáo chủ quá nhiều nên không thể không để cho ông ấy tự do hành động về mọi mặt. Ông giáo chủ muốn làm gì thì làm.
Một vẻ tái nhợt thoáng qua trên gương mặt thông minh của tể tướng ông lo âu nhìn hoàng hậu. Mặt bà trơ trơ như đá đến nỗi ông cũng giống như những người khác, chẳng đọc nổi những gì đang diễn ra trong lòng bà:
- Nhưng, thưa các ngài, - hoàng hậu nói thêm, - Trong khi chờ đợi sự quyết định của ngài Mazarin tôi mong rằng chỉ còn có vấn đề của nhà vua thôi.
Các đại biểu cúi chào và đi ra. Khi người cuối cùng đã ra khỏi phòng, hoàng hậu bảo Mazarin:
- Thế nào, ông nhượng bộ bọn quan toà và thầy cãi à?
Mazarin đưa con mắt sắc nhìn hoàng hậu chằm chằm và nói:
- Thưa Lệnh bà vì hạnh phúc của Hoàng thượng, không có sự hy sinh nào mà tôi không sẵn sàng chịu đựng.
Anne cúi đầu và Reuil vào trong những mơ mộng vẫn thường có ở bà. Kỷ niệm về Arthos trở lại tâm trí bà. Cái phong độ táo bạo của người quý tộc, lời lẽ vừa kiên quyết và đường hoàng, những ảo ảnh mà anh gợi lại chỉ bằng một lời, khiến bà nhớ lại cả một quá khứ đầy thơ mộng mê say: thuở thanh xuân, nhan sắc, hào quang những mối tình của tuổì hai mươi, và những cuộc chiến đấu khốc liệt của những người phù trợ bà, và cái chết đẫm máu của Buckingham, người đàn ông duy nhất bà thực sự yêu thương, và sự anh hùng của những kẻ vô danh bảo vệ bà đã cứu bà thoát khỏi nỗi thù hằn của cả Richelieu và vua.
Lúc này bà tưởng như ngồi một mình và không còn có cả một thế giới thù địch rình mò bà, thì Mazarin theo dõi những suy nghĩ của bà qua gương mặt, giống như người ta nhìn vào mặt hồ trong suốt những ánh mây trôi qua, những ánh phản quang của bầu trời cũng như những nét suy tưởng.
- Như vậy là, - Anne d'Autriche lẩm bẩm,
- Phải nhượng bộ cơn bão táp, mua lấy hoà bình, chờ đợi kiên nhẫn và sùng kính những thời cơ tốt hơn ư?
Mazarin mỉm cười chua chát trước kiến nghị ấy nó bảo rằng hoàng hậu đã nhìn nhận lời đề nghị của ông tể tướng một cách nghiêm túc.
Anne cúi đầu và không nhìn thấy nụ cười ấy, nhưng nhận thấy câu hỏi của mình không được đáp lại, bà ngẩng đẩu lên, nói:
- Này, ông giáo chủ, ông không trả lời tôi à? Ông nghĩ gì thế?
- Thưa bà, tôi nghĩ rằng cái gã quý tộc hỗn xược mà ta sai Comminger bắt giữ ấy đã nói bóng gió đến ông de Buckingham mà bà để bị ám sát, đến bà de Chevreuse mà bà để bị lưu đày, đến ông de Beaufort mà bà để bị giam cầm. Nhưng nếu như hắn ta nói bóng gió đến tôi thì đó là hắn không biết rằng tôi là cái gì đối với bà.
Anne d'Autriche rùng mình như mỗi khi người ta đánh vào lòng kiêu hãnh của bà. Bà đỏ mặt lên và để khỏi phải trả lời, bà ẩn những móng tay sắc nhọn vào lòng bàn tay mình.
Mazarin nói tiếp:
- Đó là một người có ý kiến hay, trọng danh dự và sáng trí chưa kể đó là người quả quyết. Bà cũng biết rõ về ông ta chứ? Do đó tôi muốn nói với hắn rằng, đó là một ân huệ riêng mà tôi ban cho, vậy mà hắn đã ngộ nhận về tôi. Đó là, cái điều mà người ta đề nghị với tôi thật sự hẩu như là một sự thoái vị, mà một sự thoái vị thì cần phải được suy nghĩ.
- Một sứ thoái vị ư? - Anne nói, - Ông ơi, tôi tưởng rằng chỉ có vua mới thoái vị?
- Này bà, - Mazarin đáp, - Tôi chẳng hầu như một ông vua, vua Pháp quốc đó sao? Thưa Lệnh bà, tôi xin bảo đảm rằng cái áo tể tướng của tôi ném lên chiếc giường ngự ban đêm trông rất giống một tấm ngự bào.
Đó là một trong những điều sỉ nhục mà Mazarin thường hay bắt bà phải chịu, và bà luôn luôn cúi đầu khuất phục. Chỉ có Elizabeth và Catherine II là những người giữ được mình vừa là tình nhân vừa là nữ hoàng đối với tình lang của họ(1). Cho nên Anne d'Autriche hoảng sợ nhìn bộ mặt hâm doạ của ông giáo chủ trong những lúc như vậy cũng có một vẻ uy nghi nào đó.
- Thưa ông, - bà nói, - Chẳng phải tôi đã nói và ông cũng đã nghe thấy tôi nói với những người kia rằng tuỳ ý ông muốn làm gì thì làm đó sao.
- Trong trường hợp ấy, - Mazarin nói, - Tôi thích ở lại. Đó không những là lợi ích của tôi mà còn dám nói rằng đó là lợi ích của bà nữa.
- Vậy thì ông cứ ở lại, tôi không mong gì hơn; nhưng như vậy chớ có để tôi bị lăng nhục.
- Bà muốn nói đến yêu sách của bọn nổi loạn và những giọng điệu của chúng phải không? Hãy nhẫn nại! Chúng đã chọn một trận địa, và tôi là vị tướng khôn khéo hơn chúng: những cuộc đàm phán. Chúng ta sẽ đánh bại chúng chỉ bằng cách chờ thời. Chúng đói lắm rồi, tám ngày nữa thì còn tồi tệ hơn nữa.
- Ôi, lạy Chúa! Đúng thế ông ạ, tôi biết rằng chúng ta sẽ kết thúc ở đó. Nhưng tôi không nói về bọn ấy, không phải chúng là những kẻ nói với tôi những lời chửi rủa đau đớn nhất.
- A, tôi hiểu rồi! Bà muốn nói đến những kỷ niệm ba bốn gã quý tộc kia thường xuyên gợi lại cho bà. Nhưng chúng ta đã bắt giam chúng, và tội trạng của chúng khá đủ để chúng ta giam cầm chúng bao lâu tuỳ ý ta. Chỉ còn một tên vẫn ở ngoài và coi thường chúng ta. Nhưng, mẹ kiếp! Rồi chúng ta sẽ tống được hắn vào cùng với đồng bọn. Dường như chúng ta làm được những việc còn khó khăn gấp mấy. Trước tiên và để cẩn thận hơn, tôi đã cho giam chúng ở Reuil, nghĩa là bên cạnh tôi, nghĩa là dưới con mắt của tôi, trong tầm tay của tôi hai tên bất trị nhất. Hôm nay đây, tên thứ ba lại dẫn xác vào đó.
- Khi nào họ còn bị tù thì tốt rồi, - Anne d'Autriche nói, - Nhưng một ngày kia họ sẽ ra.
- Vâng, nếu như Hoàng thượng thả họ ra.
Anne d'Autriche nói tiếp như đáp lại chính ý của mình.
- A! Chính ở đây mà người ta luyến tiếc Paris.
- Tại sao thế?
- Vì nhà ngục Bastille, ông ạ, nó vững chắc và kín đáo.
- Thưa Lệnh bà, với những cuộc đàm phán chúng ta có hoà bình, với hoà bình chúng ta có Paris, với Paris chúng ta có Bastille. Bốn vị anh hùng rơm của ta sẽ chết mục ở trong đó.
Anne d'Autriche khẽ chau mày, trong khi Mazarin hôn tay bà để cáo lui sau cái hành động nửa cung kính nửa tán tỉnh ấy Mazarin đi ra. Anne d'Autriche nhìn theo và khi ông ta xa dần, người ta có thể trông thấy nụ cười khinh thị hiện trên môi bà. Bà lẩm bẩm:
- Trước kia ta đã coi khinh tình yêu của một ông giáo chủ không bao giờ nói "Ta sẽ làm", mà nói "Ta làm": ông ta biết những chỗ ẩn náu còn chắc chắn hơn Reuil, tối tăm và âm thầm hơn cả Bastille. Ôi, thế giới bây giờ suy vi rồi!
Chú thích:
(1) Elizabeth (1533 - 1603) nữ hoàng Anh và Catherine II đại đế (1762 - 1796) nữ hoàng Nga là những nữ hoàng kiên nghị và có tài
Chương 86
Đề phòng
Sau khi rời Anne d'Autriche, Mazarin đi về nhà mình ở Reuil. Ông đi với đoàn hộ tống hùng mạnh vì thời loạn, và thường hay cải trang. Như chúng tôi đã nói, trong bộ quần áo hiệp khách trông ông là một nhà quý tộc rất bảnh bao.
Trong sân toà nhà lâu đài cổ ông lên xe ngựa và đi đến sông Seine ở quãng Chatou. Ngài Hoàng thân đã cấp cho ông năm mươi khinh kỵ binh đi hộ tống, nhiều như vậy không phải chỉ để bảo vệ ông mà còn để phô trương cho các kỵ sĩ thấy rằng các tướng lĩnh của hoàng hậu bố trí các toán quân thật dễ dàng biết bao và có thể phân tán tuỳ hứng.
Bị Comminger canh gác chặt chẽ. Arthos cưỡi ngựa, không có gươm, đi theo giáo chủ, mà chẳng nói nửa lời, Grimaud lúc đứng ở cổng toà lâu đài đã nghe tin chủ mình bị bắt khi anh kêu lên với Aramis, và theo hiệu lệnh của chủ, bác chẳng nói chẳng rằng đứng vào sát cạnh Aramis làm như không có chuyện gì xảy ra.
Từ hai mươi năm nay đi hầu chủ thực ra Grimaud đã thấy chủ đã thoát khỏi biết bao nhiêu cuộc phiêu lưu, nên cũng chẳng có gì khiến bác phải lo lẳng.
Các đại biểu nghị viện ngay sau cuộc tiếp kiến lên đường trở về Paris, nghĩa là đi trước tể tướng chừng năm trăm bước. Cho nên Arthos có thể trông thấy phía sau lưng Aramis mà chiếc thắt lưng mạ vàng và dáng đi kiêu hãnh khiến anh cứ dán chặt mắt vào đấy giữa các đám đông đen nghịt cũng như hướng vào đó niềm hy vọng được giải thoát, thói quen giao du và lòng quyến luyến nó nảy ra từ mọi tình bằng hữu.
Aramis trái lại chẳng tỏ ra băn khoăn một chút nào rằng Arthos có đi theo anh hay không. Đúng là có một lần anh quay lại khi đến lâu đài. Anh giả thiết rằng có lẽ Mazarin để người tù mới trong cái thành quách nhỏ có lính canh gác cầu và do một đại uý cai quản cho Hoàng hậu. Nhưng không phải như vậy. Arthos đi theo giáo chủ sang Chatou.
Tới chỗ chẽ đường Paris đi Reuil, Aramis quay lại. Lần này dự đoán của anh không lầm, Mazarin rẽ bên phải và Aramis trông thấy người tù khuất ở chỗ rẽ có cây cồi. Cùng lúc ấy do một ý nghĩ giống nhau. Arthos cũng quay lại. Đôi bạn trao đổi một cái gật đầu và Aramis đưa ngón tay lên mũi như để chào. Riêng Arthos hiểu rằng bạn mình ra hiệu là anh ta đã có một suy nghĩ.
Mười phút sau, Mazarin đi vào sân toà lâu đài mà vị giáo chủ tiền bổi của ông ta đã sai dọn cho mình ở Reuil.
- Thưa Đức ông, chúng tôi cho ông De La Fère ở đâu để vừa ý Các hạ.
- Ở khu nhà vườn cam phía trước có cái cái nhà giam đấy.
- Ta muốn rằng người ta trọng vọng bá tước De La Fère mặc dầu ông ta là tù nhân của Hoàng hậu.
- Trình đức ông - Comminger đánh liều nói, - Ông ta xin được chiếu cố đến chỗ ông d'Artagnan, ông này đang ở khu nhà săn phía trước mặt vườn cam theo như Các hạ đã truyền lệnh.
Mazarin ngẫm nghĩ một lát.
Comminger thấy rõ ông ta đang cân nhắc. Hắn nói thêm:
- Đó là một cái nhà giam rất chắc, có bốn chục người chắc chắn, những binh sĩ đã được thử thách hầu hết là người Đức và do đó không có chút liên hệ nào với bọn Fronde và cũng chẳng có quyền lợi gì ở đó cả.
- Ông Comminger này, - Mazarin nói, - Nếu chúng ta để ba người ở cùng nhau thì phải tăng gấp đôi quân số bốt này mà chúng ta chẳng có sẵn nhiều người bảo vệ để làm những chuyện phung phí ấy.
Comminger mỉm cười. Mazarin trông thấy và hiểu rõ nụ cười ấy.
- Ông Comminger ạ, ông không hiểu đâu, nhưng tôi tôi hiểu họ lắm trước hết do chính họ, rồi do tục truyền. Tôi đã phái họ sang giúp vua Charles, và họ đã làm những chuyện thần kỳ để cứu ông ta. Hẳn là số mệnh đã phải can thiệp vào để cho vua Charles thân mến ấy giờ đây không được sống an toàn ở giữa chúng ta.
- Nhưng nếu họ đã hết lòng phục vụ Các hạ thì vì sao Các hạ lại cho họ vào tù?
- Vào tù ư? Mazarin nói, - thế Reuil là nhà tù từ bao giờ?
- Từ khi có các tù nhân, - Comminger đáp.
Với nụ cười quỷ quyệt, Mazarin nói:
- Các ông ấy không phải là tù nhân của tôi, đó là các vị khách của tôi đấy; khách quý đến nỗi tôi phải cho làm thêm song sắt ở cửa sổ, làm thêm khoá ở gian phòng họ ở, tôi sợ các ông ấy chán bầu bạn với tôi biết chừng nào. Nhưng dù sơ kiến, các ông ấy có vẻ là tù nhân, tôi vẫn rất kính trọng họ. Chứng cớ là tôi muốn đến thăm ông de La Fère và nói chuyện riêng với ông ấy. Do đó, để chúng tôi khỏi bị quấy rầy trong khi trò chuyện, như tôi đã dặn, ông hãy dẫn ông ta đến khu vườn cam, ông biết rằng đó là nơi tôi thường đi dạo tôi sẽ vào phòng ông ta và nói chuyện. Người ta cho rằng ông ta là kẻ thù của tôi, nhưng tôi có cảm tình với ông ta, và nếu như ông ta là người biết phải, thì có lẽ có thể dùng ông ta vào việc gì đó.
Comminger cúi chào và trở lại chỗ Arthos. Anh đang chờ đợi kết quả cuộc hội đàm với vẻ ngoài bình thản, nhưng trong lòng thật sự lo âu.
- Thế nào? - Anh hỏi viên trung uý thị vệ.
- Thưa ông, - Comminger đáp, - Dường như không thể được.
- Ông Comminger ơi, - Arthos nói, - Suốt đời tôi là lính, tôi hiểu thế nào là mệnh lệnh, nhưng ngoài mệnh lệnh đó ra, ông có thể giúp tôi một việc.
- Thưa ông, tôi rất vui lòng - Comminger đáp,
- Kể từ khi tôi biết ông là ai, và ngày xưa đã giúp những việc gì cho Hoàng thượng, từ khi tôi biết ông thân cận biết chừng nào với người thanh niên đã hết lòng dũng cảm đến cứu trợ tôi cái hôm bắt giữ lão già Broussel của nợ ấy, tôi xin tuyên bố là hết lòng vì ông, tất nhiên trừ điều lệnh.
- Xin cảm ơn ông, tôi không mong muốn gì hơn và tôi sẽ yêu cầu ông một điều chẳng làm lụy gì đến ông đâu.
- Nếu điều đó có làm lụy đến tôi một chút thì xin ông cứ nói, - Comminger mỉm cười đáp, - Tôi thích ông Mazarini. cũng chẳng hơn gì ông đâu, tôi phục vụ hoàng hậu và điều đó tất nhiên dẫn tôi đến phục vụ giáo chủ. Nhưng tôi phục vụ bà này với niềm vui và ông kia một cách miễn cưỡng. Vậy xin ông cứ nói đi, tôi chờ nghe đây.
- Bởi vì không có điều gì phương hại, - Arthos nói, - Khi tôi biết rằng ông d'Artagnan ở đây, thì tôi chắc rằng cũng sẽ chẳng có gì tai hại hơn nếu ông ấy biết rằng chính tôi cũng ở đây.
- Tôi không được mệnh lệnh gì về vấn đề này cả.
- Thế thì xin ông vui lòng, chuyển lời thăm hỏi của tôi tới ông ấy và nói rằng tôi là người láng giềng của ông ấy. Đồng thời xin ông bảo cho ông ấy biết điều mà ông nói với tôi ban nãy, tức là ngài Mazarin đã để tôi ở khu vườn cam để tới thăm tôi, và tôi sẽ lợi dụng điều vinh hạnh mà ngài đã ban cho ấy để xoa dịu phần nào cảnh tù đầy của chúng tôi…
- Mà cảnh ấy không thể kéo dài, - Comminger tiếp lời - Chính ngài Mazarin đã nói với ông rằng ở đây không có nhà tù.
- Mà có những hầm sâu nhốt người - Arthos mỉm cười nói.
- Ồ! Đó lại là chuyện khác, - Comminger đáp.
- Phải rồi, tôi có nghe những lời đồn về vấn đề ấy: nhưng một người dòng dõi tầm thường như ông giáo chủ, một người Ý sang Pháp để tìm vận hội, sẽ chẳng dám đi đến những điều quá quắt như vậy, đó sẽ là một sự quái đản. Thời giáo chủ trước thật là hay, ông ta là một bậc đại thần, nhưng còn ông Mazarin! Những hầm kín là những thứ trả thù vương giả mà một kẻ ti tiện như ông ta không nên đụng vào. Người ta biết việc bắt giữ ông, người ta cũng sẽ biết việc bắt giam các bạn ông, và tất cả giới quý tộc Pháp sẽ đòi ông ta phải báo cáo về sự mất tích của các ông. Không, không, xin ông hãy yên tâm, những hầm nhốt người ở Reuil từ mười năm nay đã thành những chuyện tục truyền dùng cho trẻ con. Ông cứ ở đây không phải băn khoăn gì về chuyện đó. Về phần tôi, tôi sẽ báo cho ông d'Artagnan biết việc ông đến đây. Biết đâu trong mười lăm ngày nữa ông sẽ chẳng giúp tôi một việc tương tự!
- Tôi ư, thưa ông?
- Hẳn đi chứ! Tôi chẳng thể đến lượt làm tù nhân của ông chủ giáo hay sao?
Trong trường hợp ấy, - Arthos nghiêng mình thi lễ, - Xin ông hãy tin chắc rằng, tôi sẽ hết sức làm vừa lòng ông.
- Thưa bá tước, ông có chiếu cố dùng bữa tối với tôi không? - Comminger hỏi.
- Xin cảm ơn ông, tôi khó ở, e rằng sẽ làm bữa tối mất vui.
Comminger bèn đưa bá tước đến một phòng sát đất tại một khu nhà nối tiếp vườn cam và nằm ngang bằng với vườn. Đi tới vườn cam phải qua một sân lớn đầy lính tráng và cận thần. Cái sân ấy hình móng ngựa; ở trung tâm là các gian nhà Mazarin ở, mỗi bên cánh là khu nhà săn nơi giam d'Artagnan và khu vườn cam nơi Arthos vừa mới vào. Ở sau hai đầu cánh là khu vườn trải dài.
Vào trong căn phòng mình sẽ ở, qua ô cửa sổ ken sắt cẩn thận. Arthos trông thấy các tường và mái nhà.
- Toà nhà này làm gì? - anh hỏi.
Comminger đáp:
- Đó là phía sau khu nhà săn nơi các bạn ông bị giam giữ. Tiếc thay những cửa sổ trông ra phía này bị bịt lại từ thời ông giáo chủ trước, vì rằng các toà nhà đã nhiều lần được dùng làm nhà tù, và ông Mazarin khi nhốt các ông vào đây, chỉ là đưa các toà nhà trở lại mục đích sử dụng ban đầu. Nếu như các cửa sổ kia không bị bịt kín thì ông sẽ có niềm an ủi là liên hệ với các bạn bằng những dấu hiệu.
- Ông Comminger ơi, - Arthos nói, - Ông có chắc rằng giáo chủ sẽ hạ cố đến thăm tôi không?
- Ít ra thì ông ấy cũng nói chắc với tôi như vậy.
Arthos nhìn những chấn song cửa sổ mà thở dài.
Comminger nói:
- Đúng thật, hầu như là một nhà tù, ở đây chẳng thiếu gì, kể cả những chấn song. Mà cũng lạ thay chẳng biết ý nghĩ kỳ cục nào đã khiến ông, một đoá hoa quyền quý đi xoè nở tinh thần dũng cảm và lòng trung thực của mình ở giữa đám nấm dại La Fronde. Thật đấy, bá tước ạ, nếu như có bao giờ tôi có ý nghĩ kiếm một người bạn trong hàng ngũ quân đội hoàng gia, thì chính là ông mà tôi nghĩ đến đó. Ông bá tước de La Fère, một người Fronde, thuộc phe đảng của một Broussel, một Blancmensnil, một Viole! Chán thật, điều đó khiến người ta tưởng rằng bà mẹ ông là một bà pháp quan nhỏ mọn nào. Ông mà là một Fronde?
- Ông bạn thân mến ơi, - Arthos nói, - thực tình bây giờ phải là Mazarin hoặc Fronde. Tôi đã cho hai cái tên ấy vang lên thật lâu bên tai tôi, và rồi tôi tuyên bố theo cái tên sau, ít ra nó cũng là một tên Pháp. Với lại tôi là Fronde không phải với ông Broussel, ông Blancmensnil, và ông Viole, mà với ông de Beaufort, ông de Buinng, ông d'd'Elbeuf, với những hoàng thân, chứ không phải với những chủ tịch, tham nghị, pháp quan. Vả chăng, phục vụ ông Mazarin mang lại kết quả là thú vị! Ông de Comminger hãy nhìn bức tường không có cửa sổ kia nó sẽ kể cho ông nghe khối chuyện hay ho về lòng biết ơn Mazarin.
- Thật vậy, - Comminger cười nói, - Nhất là nếu bức tường ấy vọng lại những điều mà ông d'Artagnan đã văng ra cho ông ta từ tám ngày rủi ro vận hạn.
- Tội nghiệp d'Artagnan? - Arthos thốt lên với cái vẻ ưu sầu tuyệt đẹp, nó là một mặt trong tính cách của anh, một con người thật là tử tế thật là dũng cảm, nhưng thật là khủng khiếp đối với những kẻ không yêu mến những người mà anh yêu mến.
Anh nói tiếp:
- Ông có hai tù nhân rất ghê gớm, ông Comminger ạ, và tôi lấy làm ái ngại cho ông là người ta đã giao cho ông chịu trách nhiệm hai con người bất trị ấy.
- Bất trị à! - Comminger mỉm cười, nói. - Chà! Ông muốn làm tôi kinh hãi ư? Ngày đẩu bị giam giữ, ông d'Artagnan khiêu khích tất cả lính trang và hạ sĩ quan, chắc hẳn để có được một thanh kiếm. Tình trạng ấy tiếp diễn ngày hôm sau và cả ngày hôm sau nữa, nhưng rồi ông ta trở nên bình thản và hiền lành như con cừu non. Bây giờ thì ông ta hát những bài ca Gascogne khiến chúng tôi chết cười.
- Thế còn ông Du Vallon? - Arthos hỏi.
- À ông ấy lại là chuyện khác. Thú thật rằng đó là một nhà quý tộc đáng sợ. Ngày đầu tiên ông ta hích vai một cái là đổ tất cả các cửa và tôi đã trù liệu là sẽ đem ông ta ra khỏi Reuil, giống như Samson ra khỏi Gada. Nhưng thái độ ông ra cũng theo nhịp ông d'Artagnan. Bây giờ không những ông ta quen đi với cảnh giam cầm mà còn pha trò nữa.
- Càng hay, - Arthos nói, - Càng hay.
Đem khớp những điều Mazarin nói về mấy người tù với những điều bá tước de La Fère vừa nói, Comminger bắt đầu thấy đôi chút lo ngại, nên hỏi:
- Ông liệu xem còn có điều gì khác nữa?
Arthos nghĩ rằng tình trạng tinh thần của các bạn khá hơn lên chắc chắn do d'Artagnan đã nghĩ ra một kế hoạch nào đó. Do đó anh không muốn làm hại các bạn bằng cách tán dương họ quá. Anh nói:
- Các ông ấy à? Đó là những cái đầu dễ cháy. Một người là dân Gascon, một người là dân Picardi. Cả hai đều bốc lửa dễ dàng, nhưng tắt ngóm cũng nhanh chóng. Ông đã có bằng cớ, và điều mà ông kể tôi nghe lúc này chứng thực cho điều mà tôi nói với ông bây giờ.
Đó cũng là ý kiến của Comminger. Cho nên hắn ta cáo lui, yên tâm hơn. Còn lại một mình Arthos trong căn phòng rộng rãi nơi theo lệnh giáo chủ, anh được đối xử như một nhà quý tộc.
Hơn nữa, để có một ý niệm chính xác về tình thế của mình, anh đợi chờ một cuộc viếng thăm trứ danh mà chính Mazarin đã hứa hẹn.
Chú thích:
(1) Thủ lĩnh của dân Hebrơ (thế kỷ I trước Công nguyên) có sức mạnh siêu nhiên nằm trong bộ tóc.
Chương 87
Trí óc và cánh tay
Bây giờ ta hãy từ vườn cam sang khu nhà săn.
Ở phía cuối sân nơi qua một cái cổng đông hàng cột kiểu ioniennes, người ta phát hiện những túp lều tồi tàn, có một toà nhà hình như vuơng dài ra như một cánh tay đón một cánh tay khác, khu nhà vườn cam, hợp thành một vành bán nguyệt bao bọc lấy cái sân danh dự.
Chính trong tầng dưới toà nhà đó. Porthos và d'Artagnan bị nhốt, chia sẻ với nhau những chuỗi giờ phút dài dằng đặc của một sự giam cầm chăng thú vị gì đổi với hai tính khí ấy.
Như một con hổ, mắt trân trân, đôi khi gầm gừ, d'Artagnan đi đi lại lại dọc theo những chấn song một cửa sổ rộng trông ra sân.
Porthos yên lặng nhai lại một bữa ăn tuyệt diệu mà người ta vừa mới đem thức ăn thừa đi. Một người như là mất trí và suy ngẫm người kia có suy ngẫm sâu xa và ngủ. Song giấc ngủ của anh là một cơn ác mộng, điều đó có thể đoán ra do cách anh ta ngáy ngắt quãng và chẳng ăn nhập gì với nhau cả.
- Kìa, trời đã xế chiều rồi, - D'Artagnan nói, - Bây giờ cũng phải gần bốn giờ. Thế mà đã một trăm tám mươi ba giờ ta nằm ở đây rồi.
- Hừm! - Porthos như có vẻ đáp lại.
- Cậu có nghe thấy không, hởi tên ngủ muôn thuở kia? - D'Artagnan nói, bực bội vì một người khác có thể ngủ cả ban ngày trong khi bản thân anh trằn trọc cả đêm mà không ngủ được.
- Gì đó? - Porthos hỏi.
- Điều tôi nói ư?
- Cậu nói gì thế?
- Tôi nói rằng, - D'Artagnan đáp, - Chúng ta vào đây thế mà đã một trăm tám mươi ba tiếng đồng hồ rồi.
- Đó là lỗi của cậu, - Porthos nói.
- Thế nào, đó là lỗi của tôi à?
- Phải, tôi đã bàn với cậu ta chuồn đi mà.
- Bằng cách bê một chắn song hoặc phá một cảnh cửa.
- Tất nhiên.
- Porthos ơi, những người như cảnh ta không ra đi thuần tuý và đơn giản thế đâu.
- Thực tình, - Porthos, - Tôi ra đi với sự thuần tuý và đơn giản ấy mà hình như cậu rất coi khinh.
D'Artagnan nhún vai nói:
- Với lại không phải cứ ra khỏi căn phòng này là xong cả đâu.
- Bạn thân mến ơi, - Porthos nói - Hình như hôm nay thái độ của cậu có khá hơn hôm qua đấy. Cậu hãy cắt nghĩa cho mình xem thế nào mà ra khỏi phòng chưa phải là đã hết.
- Chưa phải là hết, vì rằng không có vũ khí, không có mật khẩu, chúng ta sẽ không đi nổi năm mươi bước mà không vấp phải một lính canh.
- Khó gì! – Porthos nói. - Chúng ta đập chết tên lính canh và sẽ có vũ khí.
- Phải, nhưng trước khi chết hẳn - mà một tên lính Thụy Sĩ sống dai lắm - hắn sẽ kêu lên hoặc ít ra cũng rên rỉ khiến cả nhà giam đổ ra ngoài; chúng ta sẽ bị dồn đuổi và tóm gọn như những con cáo, trong khi chúng ta là những con hổ và người ta sẽ quăng chúng ta vào một cái hầm sâu nào đó, ở đấy chúng ta sẽ không có cả niềm an ủi là được xem mảnh trời xám ghê gớm của Reuil so với bầu trời ở Tarbes nó cũng chẳng giống gì hơn mặt trăng với mặt trời. Mẹ kiếp! Nếu chúng ta có một người nào đó ở bên ngoài có thể cho ta những tin tức về tình hình địa lý, hình thể và tinh thần của cái lâu đài này, về cái mà César gọi là tập quán và xứ sở tôi nghe người ta nói như thế… Này! Khi nghĩ rằng suốt hai mươi năm qua, trong thời gian ấy mình chẳng biết làm gì, thì mình chẳng có ý nghĩ lấy một tiếng đồng hồ thôi để đến nghiên cứu Reuil.
- Để làm gì kia chứ? - Porthos nói - Chúng ta cứ trốn đi thôi.
- Bạn thân mến ơi, - D'Artagnan nói, - cậu có biết vì sao các bác thợ cả làm bánh ngọt không bao giờ tự tay mình làm không?
- Không, - Porthos đáp - Nhưng tôi cũng thích được biết.
- Ấy là vì trước mặt các học trò mình, họ sợ làm phải mấy cái bánh nước bị chảy hoặc mấy chiếc kem chua.
- Thì sao?
- Thì người ta sẽ cười họ, mà đừng bao giờ để người ta cười chê những thày dạy làm bánh ngọt.
- Thế những ông thấy làm bánh có liên quan gì đến chúng ta.
- Ấy là trong cái nghề phiêu lưu, chúng ta chớ có bao giờ thất bại, chớ làm trò cười cho thiên hạ. Vừa rồi ở nước Anh chúng ta đã thất bại, đã bị thua; và đó là một vết nhơ cho danh tiếng của chúng ta.
- Chúng ta bị ai đánh bại? - Porthos hỏi.
- Mordaunt.
- Phải, nhưng chúng ta đã dìm chết Mordaunt rồi.
- Tôi biết chứ, và điều đó phục hồi chúng ta một chút trong tâm trí của hậu thế, nếu như hậu thế quan tâm đến chúng ta. Nhưng này, cậu hãy nghe đây: Dù rằng ông Mazarin chẳng thể để ta coi thường, tôi thấy ông Mazarin còn mạnh một cách khác hơn ông Mordaunt nữa kia, và chúng ta sẽ chẳng dễ dàng dìm chết ông ta đâu. Ta hãy tự xét mình cẩn thận và chơi thật chặt chẽ; vì rằng, - D'Artagnan thở dài và nói thêm, - chỉ riêng hai chúng ta, chúng ta có thể bằng tám người khác, song chúng ta không bằng bốn người mà cậu biết đấy.
Porthos cũng thở dài theo và nói:
- Đúng thế.
- Vậy thì cậu hãy làm như tôi. Hãy đi đi lại lại cho đến khi nào một tin tức của các bạn đến với chúng ta, hoặc một ý nghĩ nào hay ho nảy ra; chứ đừng có ngủ triền miên như mọi khi, vì chẳng có gì làm nặng đầu óc như giấc ngủ. Còn về điều gì đang như ta, có lẽ không đến nỗi nghiêm trọng chờ đợi chúng ta đang nghĩ lúc đầu. Tôi không tin rằng ông Mazarin nghĩ đến việc chặt đầu chúng ta, vì người ta sẽ không chặt đầu mà không xử án, mà xử án thì gây tiếng tăm, tiếng tăm sẽ thu hút bạn bè chúng ta, và khi ấy họ sẽ chẳng để cho Mazarin yên đâu.
Porthos tỏ vẻ khâm phục:
- Cậu biện luận hay lắm.
- Phải, không đến nỗi tệ, - D'Artagnan nói. - Và rồi cậu xem, nếu họ không xử án chúng ta, nếu họ không chém đầu chúng ta, họ sẽ phải để chúng ta ở đây hoặc chuyển đi nơi khác:
- Ừ tất nhiên phải như thế, - Porthos nói.
- Mà này, không thế nào mà tiên sinh Aramis, nhà thám tử cừ khôi ấy, và Arthos nhà quý tộc khôn ngoan ấy lại không khám phá ra chỗ ẩn náu của chúng ta; tôi tin là sẽ đến lúc.
- Phải đấy, nhất là ở đây người ta không phải hoàn toàn tồi tệ; song le trừ một điều.
- Điều gì?
- Cậu có nhận thấy không, họ đã cho chúng ta ăn thịt cừu hầm ba ngày liên tiếp.
- Không, - D'Artagnan đáp, - Nhưng nếu lần thứ tư lại thế, thì tôi sẽ kêu, cứ yên trí.
- Và đôi lần tôi thấy nhớ nhà, đã lâu lắm rồi, tôi chưa về thăm các lâu đài của tôi.
- Ô hay! Hãy tạm quên đi chứ; chúng ta sẽ thăm lại trừ phi ông Mazarin cho san bằng.
- Cậu bảo rằng lão ta dám làm việc bạo hành đó ư? - Porthos băn khoăn hỏi.
- Không, những quyết định như vậy ông giáo chủ cũ dám chơi lắm. Nhưng ông giáo chủ này rất biển lận nên chẳng dám liều đâu.
- Cậu làm tôi yên tâm, d'Artagnan ạ.
- Vậy thì cậu hãy tươi tỉnh lên như tôi nào. Hãy bông đùa với lính gác, hãy gây cảm tình với bọn lính tráng vì ta không thể mua chuộc chúng, hãy tán tỉnh chúng hơn nữa khi chúng đến bên song cửa. Cho đến nay cậu mới chỉ giơ nắm đấm ra với họ thôi, mà Porthos ạ, nắm đấm của cậu càng to lớn bao nhiêu thì nó càng kém thu hút bấy nhiêu.
- À! Tôi muốn cho đi rất nhiều chỉ để đổi lấy năm trăm louis thôi.
Chẳng chịu thua bạn về lòng hào hiệp, Porthos nói chêm:
- Tôi cũng vậy, tôi sẽ cho đi hẳn một trăm pistol.
Hai tù nhân chuyện trò vừa tới đây thì Comminger vào, đi sau viên đội là hai người mang bữa ăn tối đến đựng trong một cái giỏ đầy những bát đĩa.
Nguồn: http://vnthuquan.net/