17/3/13

Liêu trai chí dị (C109-112)

Chuyện 109: Ba Ngày Làm Diêm Vương (Lý Bá Ngôn)

Lý Bá Ngôn, quê huyện Hàn Thủy tỉnh Sơn Đông, là người nghĩa khí cương trực. Một hôm bỗng nhiên mắc bệnh nguy cấp, người nhà đem thuốc đến ông ta không chịu dùng bảo:

- Bệnh ta không thể uống thuốc mà khỏi được, dưới âm phủ hiện nay khuyết Diêm vương cho nên ta được tạm cử thay thế. Ta chết rồi, nhất thiết không được mai táng, cứ để đấy, đợi sau này sẽ hay.

Thế rồi ông ta chết luôn ngày hôm đó. Còn đang trong cơn mơ mơ hoảng hoảng thì một đoàn hộ tống đã đến đón ông đi, vào một tòa cung điện, đem mũ áo ra mời mặc. Hai bên nha dịch đứng hầu, mười phần cung kính, nghiêm túc. Trên bàn đã xếp đống nhiều án tờ, trong đó có vụ án tên mỗ ở Giang Nam. Tra ra sinh thời hắn đã tư thông với 82 cô gái lương thiện. Xét hỏi đều có chứng cứ không chút oan uổng. Lý bèn theo đúng pháp luật dưới âm ty xử tội “nướng”

Dưới thềm có một cột dây đồng rỗng ruột cao khoảng 8-9 thước, chu vi đầy một ôm, trong ngoài cùng đốt than củi, cột đỏ rực. Một bầy quỷ sứ vác gậy đánh phạm nhân, xua phải leo cột đồng. Y hai tay ôm cột níu lên, hai chân quặp lấy cột đẩy tới, cứ từng nấc từng nấc choài lên. Vừa lên đến đỉnh cột bỗng một làn khói phun vọt, một tiếng nổ uỳnh như pháo đại. Phạm nhân ngã lộn xuống, sõng soài trên mặt đất, một hồi lâu mới tỉnh dậy. Quỉ sứ lại vác gậy đánh, bắt phải leo nữa. Một tiếng nổ ùng. Y lại bắn xuống đất giống như lần trước. Ba lần như thế, phạm nhân chỉ còn như một đụn khói lan tỏa trên mặt đất rồi tan đi, không khôi phục lại hình người.

Một vụ khác: Vương mỗ người cùng huyện Hàn Thủy, bị cha vợ bé anh ta tố cáo tội cưỡng đoạt con gái của ông. Nguyên trước đây có một người bán một cô gái, Vương biết do lại lịch song chính vì ham giá bán rẻ liền chuốc lấy. Đến giờ Vương chết đột nhiên. Một ngày sau bạn anh là Chu mỗ gặp ở đường biết anh là ma, vội chạy về thư phòng nằm, Vương theo hút vào. Chu sợ lắm hai con mắt cứ chằm chằm nhìn anh, hỏi cần gì? Đáp:

- Phiền anh xuống âm ty làm chứng cho.

Chu cả kinh hỏi việc gì. Đáp:

- Cái cô vợ bé nhà tôi, thực tôi bỏ tiền mua, nay bị họ vu cáo. Việc này chính anh đã thấy tận mắt, nay chỉ xin nhờ anh làm chứng, nói một câu sự thực. Ngoài ra không có việc gì khác nữa.

Chu kiên quyết không đi. Vương đành quay ra miện lẩm bẩm:

- Chỉ sợ anh không thể tự theo ý anh thôi.

quả nhiên lát sau Chu chết, hồn được dẫn đên trước Diêm vương đối chất, Lý vốn là thân thích của Vương nay trông thấy anh ta, tâm tư hơi ngầm có ý thiên vị. Bỗng trên nóc điện bùng cháy, Lý vội vọt dậy. Một viên thư lại bảo riêng Lý:

- Âm ti và dương thế khác nhau. Ở dưới này không dùng một chút lòng riêng. Xin ngài mau bỏ những tư tình không thẳng thắn, lửa kia sẽ tắt.

Lý nghe theo, quả nhiên ngọn lửa lập tức tắt ngấm.

Đến khi thẩm án, Vương và người bố cô gái tranh biện qua lại. Hỏi đến Chu, Chu cứ thực tình trình bày. Luận án: Vương vì đã biết trước có sự không minh bạch mà vẫn cố pạm, phải phạt đòn. Xử xong, Lý phái quỷ sứ dẫn Chu và Vương trở về dương thế. Hai người đã chết mấy ngày đều sống lại.

Lý Bá Ngôn làm việc công ở dưới âm phủ xong hạn, ngồi xe ngựa trở về nhà. Giữa đường thấy một đoàn mấy trăm người, kẻ cụt đầu, kẻ mất cẳng, bò lê bò càng trên mặt đất mà kêu gào thê thảm. Ông ta dừng xe, hỏi thăm cặn kẻ mới biết đó là những hồn ma chết ở nơi đất khách, nay muốn trở về quê nhà lại sợ các cửa quan ngăn trở không cho đi, mới kêu khóc khẩn cầu ông ta cấp cho giấy thông hành. Lý khuyên giải:

- Ta chỉ thay mặt Diêm vương có ba ngày, nay đã hết nhiệm kỳ còn có quyền gì để giúp các ngươi việc ấy được? Các hồn ma lại thưa:

Ở thôn nam có ông họ Hồ đang muốn làm chay cứu độ chúng sinh. Nhờ ngài thay chúng tôi nói giúp với ông ra để có thể sớm làm được.

Lý nhận lời. Về đến nhà, ông cho những người tùy tùng quay về hết, còn ông sống trở lại. Hồ sinh ở nam thôn, hiệu Thủy Tâm, là bạn thân của Lý. Ông ta nghe Lý hồi sinh liền đến thăm viếng. Lý hỏi ông ta chuẩn bị bao giờ lập bàn làm chay, Hồ kinh ngạc:

- Vừa trải qua một cơn binh hỏa lớn, gia quyến tôi may được chu toàn, vì thế tôi và bà vợ từ lâu đã có ý nguyện mở một đàn chay. Song chúng tôi chưa hở cùng ai, sao ông anh lại biết?

Lý thuật lại lời khẩn cầu của các hồn ma. Hồ than thở:

- Chỉ bàn một câu chuyện trong buồng mà dưới âm đã lan truyền khắp. Thật đáng sợ!

Do vậy ông thuận lập ngay đàn tràng.

Hôm sau, Lý đến nhà Vương, Vương còn đang mệt mỏi nằm trên giường, thấy Lý đến vội cung kính cảm tạ ông ta đã hạ cố. Lý bảo:

- Pháp luật không thể khoan thứ bất kỳ ai có tội. Bay giờ anh còn đau không?

- Không còn đau đớn gì khác, chỉ đợi những vết đòn liền miệng là khỏi.

Hơn hai mươi ngày sau Vương bình phục. Trên bắp vế đùi còn hằn những vết sẹo như những rằn roi.

Nguyễn Văn Huyền dịch

Chuyện 110: Mối Tình Già (Chúc Ông)

Thôn Chúc, huyện Tế Dương, có ông họ Chúc, tuổi hơn năm mươi ốm chết.

Người nhà đang tất bật sửa soạn làm tang, bỗng nghe tiếng ông gọi gấp, vội chạy đến chỗ đặt thi thể thì ông đã sống lại. Mọi người mừng quýnh xúm quanh hỏi han. Ông chỉ bảo riêng bà vợ:

- Tôi vừa mới đi, đâu tính chuyện trở lại. Nhưng đi được mấy dặm đường, nghĩ đến cái thân già mình còn ở lại phải nhờ vả lũ con, khi nóng nực, lúc rét mướt đều trông cậy ở người, sống như thế còn thú gì, chẳng thà cùng đi với tôi thì hơn. Bởi vậy tôi phải trở về rủ cả mình cùng đi nốt.

Ai cũng cho là ông mới sống lại nói mê nói sảng, không tin. Ông lại nhắc lại. Bà vợ nể lời đáp:

- Kể như thế cũng hay. Nhưng đang sống khoẻ mạnh trờ trờ thế này, chết ngay sao được.

Ông lấy tay vẫy, giục đi nói:

- Có khó gì! Những việc nhỏ nhặt trong nhà, xếp đặt qua loa chốt lát nhanh thôi!

Bà vợ cười nấn ná không đi.

Ông ta lại giục.

Bà chiều ý, ra ngoài cửa chốc lát quay vào, nói quấy nói quá:

- Đã thu xếp ổn cả rồi.

Ông bảo đi thay quần áo tử tế. Bà chần chừ, ông lại giục gấp.

Bà không nỡ trái ý cũng phải làm theo.

Con cái trong nhà, con gái con dâu đều bịt miệng cười.

Ông đặt đầu mình lên gối, vỗ vỗ tay bảo bà nằm xuống bên cạnh. Bà sượng sùng:

- Con cái đứng cá đó chúng nó cười cho, nằm sóng đôi nhau sườn sượt còn ra cái gì!

Ông đập mạnh tay xuống giường gắt:

- Cùng chết với nhau, cười cười, có cái gì đáng cười!

Con trai con gái thấy bố nổi nóng quá cũng khuyên mẹ tạm chiều.

Bà đành phải nghe theo, ghé mình nằm xuống cạnh nhau gối chung gối.

Cả nhà cùng phì cười mà không dám cười lên.

Lát sau nụ cười bà dịu đi, mắt nhắm dần lại. Chút nữa, nằm im bằn bặt lịm dần như ngủ hẳn.

Các con thấy lạ, lại gần để coi thì da thịt bà đã lạnh, hơi thở tắt hẳn. Thăm đến ông cũng thế.

Năm Khang Hi thứ 21, người em dâu ông Chúc đến làm thuê ở nhà ông thứ sử họ Tất, kể lại chuyện rõ rành lắm.


Nguyễn Văn Huyền dịch

Chuyện 111: Xấu Người Đẹp Nết (Kiều Nữ)

Ông Kiều ở Bình Nguyên có cô con gái vừa đen vừa xấu, khuyết mũi thọt chân. Cho nên tuy cô đã hai lăm, hai sáu cái xuân xanh mà chưa ai đến hỏi. Trong huyện có chàng họ Mục hơn bốn mươi tuổi đầu, vợ chết mà nghèo quá không có tiền cưới vợ kế, mới chịu phép cưới chị ta. Ba năm sau chị ta sinh con trai. Sau đó ít lâu Mục chết. Gia cảnh túng quẫ, phải ngửa tay xin mẹ đẻ cưu mang, song mẹ cũng không cán đáng được. Chị ta đành ở lại nhà chồng, trông vào nghề canh cửi, lần hồi sinh sống.

Mạnh sinh cũng goá vợ, đứa con trai Ô Đầu mới tròn tuổi tôi. Thiếu người bú mớm cho con, chàng phải gấp nhờ người mối lái cho mấy đám nhưng chưa vừa ý. Bắt gặp Kiều thị chàng ta ưng lắm, nhờ người đánh tiếng. Kiều thị từ chối:

- Tôi đói rét thế này, nương bóng quan nhân sẽ được ăn no, sao lại chẳng muốn. Song tôi tàn tật xấu xí chẳng được bằng người. Điều còn đáng tin ở tôi là chữ đức, thế mà lại để mắc tiếng thờ hai chồng, vậy còn đi bước nữa làm gì?

Mạnh phục là hiền đức, càng đem lòng mến mộ, nhờ mối đem tiền bạc, vải lụa đến nói lót với bà mẹ. Bà mẹ thân đến nơi chị ta ở, cố khuyên nhủ nhưng không lay chuyển nổi. Bà mẹ xấu hổ vì trót nhận lời, định đem con gái út thế cho Mạnh. Người trong gia đình đều vừa ý, song Mạnh nhất quyết không chịu.

Chẳng bao lâu, Mạnh bị bệnh nặng chết. Kiều thị đến viếng tang, kêu khóc hết sức thảm thiết. Mạnh không có người thân thích gì đáng kể nên bọn vô lại trong thôn thừa gió bẻ măng, tìm cách lừa bịp lấy hết mọi vật dụng trong nhà và còn mưu tính chia nhau chiếm đoạt cả điền sản. Gia nhân cũng thừa cơ bỏ trốn. Trong nhà chỉ còn một bà vú ẳm đứa con nhỏ của Mạnh đang khóc ngằn ngặt trong màn.

Nghe chuyện đó, Kiều thị rất bất bình. Biết Lâm sinh bạn thân với Mạnh, chị ta tìm đến tận nhà mà bảo:

- Tình vợ chồng, nghĩa bạn bè là nhân luân lớn của con người. Tôi xấu xí bị người đời coi rẻ, chỉ có Mạnh sinh là hiểu biết tôi. Trước đât tuy bề ngoài tôi từ chối song bên trong đã có ý bằng lòng. Nay chẳng may anh ấy thiệt phận, con còn trứng nước tôi tự thấy phải đền đáp ơn tri kỷ. Song việc nuôi dưỡng con côi cút cho anh ấy thì dễ, chống chọi lại sự cướp đoạt mới là khó. Anh không có cha mẹ anh em, nếu chỉ ngồi đó mà nhìn con bạn chết, nhà bạn tan mà không ra tay cứu giúp thì trong ngũ luân hóa không còn tình nghĩa bạn bè. Về phía tôi, tôi không góp sức được gì nhiều nhặn với anh, song đầu một lá đơn tố cáo với quan huyện, chăm sóc đứa con côi thì tôi không dám ngại khó.

Lâm hứa làm theo. Lúc ấy chị ta mới về. Lâm đang tìm cách giúp nhà bạn thì bọn vô lại biết, tức lắm, định thí cho một nhát dao. Lâm sợ quá đóng chặt cửa không dám đi nữa. Kiều thị đợi mấy ngày rồi mà chẳng có tin tức gì. Hỏi ra, điền sản nhà Mạnh đã bị cướp sạch trơn.

Kiều phẫn uất quá, bọc dao nhọn trong người, tức tốc lên quan. Quan vặn hỏi chị ta là người thế nào với Mạnh? Đáp:

- Ngài là quan tể một huyện. Cái căn cứ của ngài là có lý. Nếu như nói càn thì kẻ chí thân cũng không trốn được tội. Nếu không phải là nói càn thì tiếng nói của người qua đường cũng cần phải nghe.

Lời nói cương trực ấy đã làm quan nổi giận thét đuổi Kiều thị ra ngoài. Không còn đâu giãi bày nỗi oan phẫn, Kiều thị tìm đến cửa quan một thân sĩ. Ông Mỗ nghe chuyện ấy, cảm tấm nghĩa khí của người đàn bà, giúp đỡ đề bạt lên quan trên. Quan trên tra cứu quả điều tố cáo của chị ta là đúng, liền bắt bọn vo lại trừng trị nghiêm khắc, bắt phải haòn lại tài sản cho khổ chủ.

Có người bàn là Kiều nên chuyển sang ở hẳn nhà Mạnh để chăm sóc con côi, nhưng Kiều không chịu. Chị ta khóa chặt cửa nhà Mạnh, bảo bà vú ẵm thằng bé Ô Đầu cùng về nhà mình, để cho ở một căn riêng. Phàm những vật dụng cần thiết hàng ngày cho Ô Đầu, Kiều cùng bà vú đến nhà Mạnh mở cửa lấy để chi dùng dần. Còn mẹ con thì vẫn giữ phận nghèo, rau cháo hàng ngày như xưa, chứ không mảy may đụng đến con của Mạnh.

Khi Ô Đầu lớn, Kiều tìm thầy cho học, còn con đẻ của mình phải tập nghề nhiệp tay chân. Bà vú khuyên cho cả hai trẻ cùng học với nhau cho vui. Nàng đáp:

- Mọi phí tổn học hành là của cậu ta. Nếu tôi hao phí của người mà để cho con tôi học, sự tình ấy làm sao có thể coi là sáng tỏ được.

Mấy năm sau, Kiều đã để dành cho Ô Đầu được mấy trăm thùng thóc. Liền hỏi con gái nhà dòng dõi cho nó, tu sửa nhà cửa, thu xếp cho nó trở về nhà cũ. Ô Đầu khóc lóc xin mẹ Kiều cùng về ở chung. Nể tình Kiều cũng nghe theo song vẫn giữ nghề dệt vải như trước. Hai vợ chồng Ô Đầu đem giấu hết đồ nghè canh cửi đi. Nàng bảo:

- Mẹ con tôi chỉ ngồi ăn thì sao yên tâm được?

Rồi sớm chiều Kiều chăm sóc việc trong nhà, lại sai con tuần hành đồng ruộng nhà Ô Đầu như kẻ làm thuê vậy. Vợ chồng Ô Đầu có làm sai điều gì dù nhỏ bé, nàng khiển trách luôn không nương nhẹ. Nếu có chút nào không có ý sửa lỗi, nàng lập tức thu xếp đòi đi. Hai vợ chồng phải quì xuống ăn năn xin lỗi lúc ấy nàng mới nguôi.

Ít lâu sau, Ô Đầu vào học trường quận, Kiều đòi trở về nhà mình. Ô Đầu nhất định không nghe. Chàng ta lại góp tiền cưới vợ cho chàng con họ Mục. Kiều cho con đẻ về ở nhà riêng cũ. Ô Đầu lưu thế nào cũng không được mới ngầm mua một trăm mẫu đất thôn để cho Mục làm phương tiện sinh sống.

Sau khi Kiều ốm lại đòi trở về nhà mình. Ô Đầu nhất định không nghe. Bệnh nguy kịch, bà trăng trối: thế nào cũng phải đưa về chôn nơi cũ. Ô Đầu nhận lời. Song đến khi bà mất, Ô Đầu đem vàng nói lót với con Mục, xin cho hợp táng với ông Mạnh. Đến khi đưa đám, cỗ quan tài tự nhiên quá nặng, ba chục người khiêng không nổi. Còn con Mục tự nhiên ngã lăn đùng ra đất, máu mũi hộc ra, tự miệng thốt lên:

- Đứa con bất hiếu! Sao được bán mẹ mày như thế.

Ô Đầu sợ quá, lễ lạy cầu khấn mãi hắn ta mới khỏi. Việc tống tánh phải đình lại mấy ngày để kịp sửa sang lại phần mộ ông Mục rồi hợp táng bà vào đó.

LỚI BÀN CỦA TÁC GIẢ

Cảm ơn tri kỷ mà đem hi sinh thân mình đền đáp, đó là việc làm của trang nam nhi nghĩa liệt. Người đàn bà kia hỏi có hiểu biết gì nhiều lắm mà lại hành động cao cả lạ lùng đến thế? Nếu Phương Cửu Bình (1) còn sống mà gặp Kiều nữ ắt hẳn đánh giá ngay chị ta là “ngựa cự quý”

Truyện này ý nói: Phải coi trọng cái tinh thần bên trong và không nên chú ý đến những hình thức bên ngoài.

Chú thích
(1) Tức Cửu Phương Cao- một người xem tướng ngựa cực giỏi thời xuân thu- được Tần Mục Công sai đi tìm ngựa quý. Tìm được ngựa như ý ông ta về báo đó là ngựa cái màu vàng. Đến khi người khác đi lấy về thì đó là một con ngựa đực màu đen song rất cực tốt.

Nguyễn Huệ Chi dịch

Chuyện 112: Mũi Dao Kinh Kha (Điền Thất Lang)

Võ Thừa Hưu người Liêu Dương, thích giao du, phàm bạn chơi đều là người có tiếng. Đêm nằm chiêm bao, thấy một người đến nói rằng:

- Anh kết giao hầu khắp trong nước, nhưng toàn là bạn chơi phiếm. Duy có một người có thể cùng chia hoạn nạn, thì lại không hay.

- Người đó là ai?

- Điền Thất Lang chứ ai!

Võ tỉnh giấc lấy làm lạ, sáng ngày gặp bạn nào quen, cũng hỏi thăm Thất Lang là ai. Có người nói cho biết Thất Lang là thợ săn ở thôn Đông. Võ thân hành đến tận nhà, cầm roi ngựa gõ cửa; giây lát một người ở trong bước ra, độ hai mươi tuổi, lưng ong mắt báo, vận áo chẽn quần cụt, nhiều chỗ mạng vá, đứng chắp tay ngang trán, hỏi khách ở đâu tới. Võ tự khai tên họ và mượn cớ đi đường thấy khó chịu, muốn vô nghỉ nhờ cho đỡ mệt, nhân dịp hỏi Thất Lang. Người ấy đáp:

- Thất Lang là tôi đây.

Đoạn mời khách vào trong nhà. Võ thấy mấy gian nhà nát chống đỡ bằng cây. Vào một căn nhà nhỏ, trên vách treo đầy những da hổ báo, mà không có giường ghế chi để ngồi. Thất Lang trải tấm da cọp dưới đất, cùng Võ ngồi đàm đạo, lời lẽ thật thà. Võ nghe rất ưng bụng, liền đưa ra một món tiền, gọi là giúp chàng sinh kế.

Chàng không chịu lãnh. Võ nài ép mãi, chàng cầm tiền vô nhà trong nói cho mẹ hay. Lúc trở ra, lại đưa trả, nhất định không lấy. Võ ép đôi ba phen, chợt cụ già lọm khọm từ trong nhà bước ra, nghiêm sắc mặt nói:

- Già chỉ có vẻn vẹn thằng con đó, không muốn nó chơi với khách sang.

Võ thẹn ra về,, dọc đường suy nghĩ tới lui không hiểu ý bà cụ ra thế nào. Lúc nảy kẻ tùy tùng có dịp ra sau nhà nghe lõm được những lời bà cụ nói, giờ kể lại cho Võ hay.Nguyên lúc Thất Lang cầm tiền vô thưa mẹ, mẹ nói:

- Tao vừa dòm mặt công tử thấy có nám đen, tất sẽ gặp tai vạ lớn. Mẹ nghe cổ nhân có nói: được người ta biết đến thì chia sẻ điều lo, mang ơn của người ta thì phái gánh đỡ tai nạn. Giàu báo đáp bằng tiền, nghèo báo đáp bằng nghĩa. Nay vô cớ mà người ta cho được nhiều tiền, ấy là điềm chẳng lành. Mẹ e người ta sẽ đòi con đem cái chết ra báo đền ơn nghĩa đó.

Vì thế bà cụ khuyên con đừng nhận tiền.

Võ nghe chuyện, khâm phục bà cụ là người giỏi, lại càng dốc lòng hâm mộ Thất Lang, qua hôm sau làm tiệc mời nhưng Thất Lang không đến, Võ đến tận nhà đòi uống rượu. Thất Lang mua rượu về thết đãi với nộm thịt nai, hết sức niềm nở theo lễ.

Cách ngày hôm sau, Võ lại mời tiệc, bấy giờ Thất Lang mới đến. Hai người uống rượu nói chuyện cực vui vẻ. Nhưng đem tiền ra tặng chàng vẫn không chịu lấy. Võ kiếm cớ đặt tiền để mua da cọp, chừng đó chàng mới chịu nhận, rồi từ biệt ra về.

Về nhà xem lại những tấm da cọp để dành, không đủ gán với số tiền, bèn nghĩ sự vào núi săn cọp mới có thể đủ số đem nạp cho Võ.

Vào núi luôn ba ngày không săn được gì. Lại nhằm hồi vợ lâm bệnh, phải ở chăm sóc thuốc men chẳng nghĩ tới việc săn bắn gì được. Ngót tuần vợ lại chết. Thất Lang phải lo việc ma chay, số tiền nhận phải đem tiêu xài gần hết. Võ đến nhà điếu tang, lễ phúng rất hậu.

Chôn cất vợ xong xuôi, Thất Lang lại mang nỏ đeo gươm lần mò vào núi, trong trí thiết tha về việc trả món nợ cho Võ. Nhưng rốt cuộc vẫn không săn được con cọp nào.

Võ dò biết ý tứ khuyên bảo đừng gấp, chỉ mong mời Thất Lang đến nhà chơi là vui, song Thất Lang băn khoăn về món nợ còn thiếu chưa trả được, nên chi nhất định không chịu tới.

Muốn buộc chàng phải đến. Võ đòi giao trước những tấm da để dành ở nhà cũng được. Thất Lang kiểm điểm da cũ, thấy mối mọt làm hư, lông rụng mất sạch, trong lòng càng buồn.

Võ biết thế vội vàng đến nhà ân cần an ủi, rồi vào xem những tấm da cũ và nói:

- Da này cũng được, bản ý tôi không cần đủ cả lông mà.

Nói đoạn gỡ những tấm da xuống đem về, mời Thất Lang cùng đi chơi một thể. Chàng không chịu đi. Võ đành về một mình.

Luôn suy nghĩ về sự chưa trả đu số da cân với số tiền, lấy thế làm tấm tức, chàng lại gói lương khô, mang khí giới vào tận núi sâu. Rình mò mấy ngày đêm, hạ sát được một con cọp, để nguyên lông da, đưa nộp cho Võ.

Võ mừng, bày tiệc khoản đãi nài Thất Lang ở lại chơi luôn ba bữa với mình. Chàng khăng khăng từ chối. Võ sai gia nhân khóa chặt cửa ngõ để cầm chân chàng ở lại cho kỳ được.

Khách khứa bạn bè trông thấy Thất Lang thô kệch, thầm chê Võ công tử chọn bạn sai lầm, nhưng Võ săn sóc chiêu đãi Thất Lang hơn cả mọi người. Lại mang y phục mới nguyên cho chàng thay đổi, chàng không chịu. Võ thừa lúc chàng ngủ đem áo mới để bên, mà lấy áo cũ giấu đi. Cực chẳng đã chàng phải dùng mặc áo mới. Sau khi về nhà, vâng lời mẹ dạy, sai người đem áo mới trả lại và đòi áo cũ của mình về.Võ cười và nói với người thừa sai:

- Chú về thưa dùm với cụ rằng áo cũ đã lỡ cắt ra may lót giày rồi!

Từ đó, thường ngằy Thất Lang sai mang thịt thỏ, hoặc thịt nai đến biếu Võ, duy có mời đến chơi thì không đến nữa.

Một hôm Võ đến nhà Thất Lang, nhằm lúc chàng đi săn vắng, bà mẹ ra đứng tựa cửa nói:

- Từ nay xin ông chớ rủ rê con tôi nữa! Có ác ý gì đó vậy?

Võ rất kính lễ bà cụ, tự thẹn ra về.

Cách chừng nửa năm, gia nhân báo tin, Thất Lang vì tranh giành con heo săn được, mà đánh chết người ta, hiện đã bị giải lên quan rồi.

Võ nghe báo cả kinh, tức tốc đến quận nghe ngóng, khi chàng đã bị giam vào ngục rồi. Chàng thấy mặt Võ, không nói gì nhiều, chỉ dặn dò chăm nom giúp đỡ mẹ mình. Về nhà, Võ liền lấy ra nhiều tiền đút lót quan huyện, lại đem trăm bạc nhét cho bên trên, cầu xin bãi nãi. Hơn tháng, xử vô tội, thả Thất Lang ra về. Bà cụ khẳng khái bảo con:

- Da thịt tánh mạng của con nhờ có Võ công tử mà còn, mẹ không có quyền chi nữa. Mẹ chỉ trông mong công tử suốt đời yên ổn không vướng họa chi, tức là cái phước cho con đó.

Thất Lang muốn đến tạ ơn Võ, bà mẹ lại nói:

- Con đến thì đến chớ có tạ ơn làm chi. Cái ơn nhỏ còn tạ được, chứ ơn to thì không tạ được đây!

Thất Lang đến nhà Võ, Võ tiếp rước niềm nở, Thất Lang chỉ vâng dạ lơ là, không đả động chi tới chuyện vừa qua. Người nhà Võ đều lấy làm lạ, cho là chàng sơ tình. Trái lại, Võ mừng tình ý thành đạt, càng đối đãi tử tế hơn.

Sau đó thường cách vài ba ngày, chàng lại ở chơi nhà công tử, hễ tặng món chi cũng nhận liền, không chối từ mà cũng không nói sự báo đáp.

Gặp ngày mừng sinh nhật của Võ khách khứa và bọn phục dịch tùy tùng đông quá, căn nhà chứa khách ngủ đêm đầy ứ. Võ và Thất Lang nằm trong căn nhà nhỏ. Ba người gia bộc lót rơm nằm ngay dưới chân giường. Qua canh hai, chúng đều ngủ kỹ, còn hai người vẫn nói chuyện chưa thôi.

Con dao của Thất Lang treo trên vách bỗng thò đầu ra ngoài vỏ đến mấy tác, nghe tiếng khua loảng xoảng, mà lưỡi dao lóe sáng như điện. Võ thất kinh, Thất Lang cũng chồm dậy hỏi ai nằm dưới giường.

Võ trả lời chúng nó đều là tôi tớ trong nhà. Thất Lang nói:

- Nội trong nhà này tất có đứa hung ác.

- Tại sao anh biết?

- Con dao này của tôi mua ở ngoại quốc. Nó giết người chưa từng thấm máu, họ nhà tôi đeo nó đã ba đời rồi, tính lại chặt đầu có tới số ngàn, mà vẫn bén tốt như mới rèn. Hễ có kẻ ác thì nó reo và nhẩy lên chắc chắn phải giết người đến nơi. Xin công tử nên thân người quân tử , xa kẻ tiểu nhân, họa chăng tránh khỏi tai vạ đến mình.

Võ gật đầu, Thất Lang vẫn ngậm ngùi chằng vui, cả đêm trằn trọc không ngủ. Võ nói:

- Chuyện lành chuyện dử đều do số cả, việc gì phải lo quá thế?

- Bất cứ chuyện nguy hiểm tới đâu tôi cũng chẳng sợ, chỉ băn khoăn còn có mẹ già thôi.

- Có lý đâu tai vạ đến nơi mà lo?

- Tôi trông đừng đến càng may.

Ba đứa gia bộc ngủ dưới giường là: Lâm nhi ở trong nhà đã lâu, Võ rất vừa ý; một thằng nhỏ sai vặt mới mười hai mười ba tuổi; một đứa nữa là Lý Ứng rất bướng bỉnh, thường vì chuyện nhỏ mà cãi cọ với công tử luôn, khiến công tử phát giận vì nó.

Đêm ấy công tử nghĩ thầm có lẽ ác nhân là nó: cho nên tảng sáng gọi nó đến nói khéo dỗ về rồi đuổi nó đi.

Người con trường của công tử tên là Than, lấy Vương thị làm vợ. Một hôm công tử đi vắng, sai Lâm nhi ở coi nhà học giữa mùa cúc đang trổ hoa rực rỡ. Vợ Thân nghĩ cha chồng đi khỏi nhà học vắng vẻ không ai, liền đến hái bông cúc. Lâm nhi chạy ra chòng ghẹo, nàng toan kêu lên, thì nó ôm đại vào trong nhà toan cưỡng hiếp. Nàng kêu khóc chống cự, đến nỗi xám mặt khản tiếng, Thân nghe chạy vào, Lâm nhi mới chịu buông nàng, rồi trốn đi mất.

Võ về nhà hay chuyện, nổi giận tìm Lâm nhi, nhưng không biết nó đi đằng nào. Qua hai ba bữa mới biết nó đã tới làm bộ hạ trong nhà ông Ngự sử nó. Ông ta làm quan ở kinh đô, việc nhà giao phó cho người em, Võ lấy tính thanh khí nói với nhau, viết thư đòi trả Lâm nhi. Người em ngự sử không trả, Võ càng tức, làm đơn lên huyện thưa.

Ông huyện có thảo trát đi bắt mà lính không bắt, quan cũng không hỏi đến. Bấy giờ công tử cho người đến thăm dò tận nhà Thất Lang, thấy cửa đóng then cải, tứ bề vắng ngắt. Xóm giềng cũng đều không rõ tăm hơi của chàng.

Một hôm, người em Ngự sử đang ngồi trong tư thất ông huyện cùng nhau bàn chuyện riêng. Người chức việc đem hương bổng đến nộp. Bỗng dưng một người tiều phu xông tới trước mặt, đặt gánh củi xuống, rút dao nhọn ra chạy tới trước mặt Mỗ (tức là người em ông ngự sử) mà đâm. Mỗ hoảng sợ, đưa tay ra đỡ dao, dao chặt đứt cánh tay, tiều phu chém thêm nhát nữa đầu rơi xuống đất.

Ông huyện cả kinh chạy trốn. Tiều phu ngó dáo dác xem ông huyện chạy đường nào. Trong lúc đó bọn lính tráng và bọn chức dịch trong huyện, kịp đóng cửa ngõ, cầm dao vác gậy xúm lại vây bọc. Chú tiều phu tự biết khó thoát thân liền trở mũi dao tự đâm vào cổ chết.

Ai nấy xúm quanh nhìn mặt. Có kẻ nhìn biết đó là Điền Thất Lang.

Ông huyện lúc đó mới hoàn hồn hết sợ, trở ra phúc nghiệm, trông thấy Thất Lang nằm chết cứng giữa vũng máu lênh láng, tay vẫn nắm chặt dao nhọn.

Đột nhiên tử thi chồm dậy chém bay đầu ông huyện rồi lại ngã xuống.

Lính đến bắt bà mẹ Thất Lang nhưng bà mẹ đã trốn đi từ mấy bữa trước rồi.

Võ nghe Thất Lang chết, vội vàng đến nhìn mặt bạn khóc lóc cực thảm. Ai cũng bảo chính Võ chủ ý cho Thất Lang làm ra thảm sát này Võ bán hết điền sản để lo chạy quan, mới được vô sự.

Xác Thất Lang khiêng bỏ ngoài đồng, dầu dãi hơn ba chục ngày, các loài chim muông thay nhau canh giữ, Võ xin quan cho đem về tống táng rất hậu.

Đứa con Thất Lang trốn tránh đến Đặng Châu, đổi ra họ Đông, lớn lên đi lính, có nhiều công trận, được thăng dần dà tới chức đồng tri tướng quân. Khi ấy mới trở về Liêu Dương. Võ đã ngoài tám mươi, trỏ cho biết mồ mả thân phụ.


Đào Trinh Nhất dịch


Nguồn: http://4phuong.net/