17/3/13

Liêu trai chí dị (C113-116)

Chuyện 113: Hoá Quạ, Lấy Vợ Thần (Trúc Thanh)

Ngư Dung, quê Hồ Nam (người kể chuyện quên mất quận, huyện). Nhà anh ta nghèo lắm, đi thi bị trượt trở về, tiền lưng không còn một đồng dính túi, đói quá phải đi ăn xin. Anh ta vào tạm trú trong miếu Ngô Vương, bi phẫn mà khấn vái trước bàn thờ thần. Ra nằm ngoài hè, bỗng có một người dẫn đến yết kiến Ngô Vương. Người ấy quỳ tâu:

- Đội Hắc Y hiện nay còn thiếu một lính, xin cho người này sung vào cho đủ.

Ngô Vương phán được. Ngư được trao một tấm áo đen, mặc vào biến ngay thành quạ, vỗ cánh bay lên. Ra đến ngoài thấy bạn quạ tụ tập thành đàn theo nhau bay đi, phân ra từng bầy đậu trên các cánh buồm. Người trên thuyền tranh nhau ném thịt cho ăn, đàn quạ lượn lờ trên không trung, đón đợi tranh thịt. Anh ta cũng bắt chước làm thế, lát sau đã no bụng, bay đậu trên ngọn cây, cũng tạm lấy làm mãn nguyện.

Qua hai ba ngày, Ngô Vương thương tình Ngư Dung còn lẻ bạn, ghép cho một con mái tên gọi Trúc Thanh. Đôi vợ chồng mới thương yêu nhau lắm. Ngư mỗi khi đi kiếm mồi không hề đề phòng nguy hiểm. Trúc Thanh nhiều lần nhắc nhở khuyên lơn nhưng Ngư đâu có chịu để vào tai. Một hôm có một người lính đi thuyền qua, bắn cho một phát trúng bụng. May có Trúc Thanh kịp cứu, quắp mang đi, Ngư mới thoát nạn. Đàn quạ nổi giận vỗ cánh quạt nước, sóng cuồn cuộn nổi lật úp con thuyền. Còn Trúc Thanh thì công mồi mớm cho Ngư. Ngư bị thương nặng, một ngày sau thì chết.

Ngư Dung thốt nhiên bừng tỉnh mộng, mở mắt ra thấy mình nằm trong miếu. Số là, trước đó dân chung quanh thấy Ngư chết, không biết là ai, sờ người thấy còn nóng chưa cứng, liền cử người thay nhau xoa bóp. Đến khi Ngư tỉnh dậy, họ hỏi rõ căn do liền góp tiền bạc giúp đỡ cho về quê.

Sau đó ba năm, Ngư lại qua chốn cũ, vào bái yết Ngô Vương. Rồi soạn bữa, gọi đàn quạ xuống ăn, khấn rằng:

- Trúc Thanh có đây, xin ở lại gặp!

Ăn no nê xong, đàn quạ bay đi mất.

Sau Ngư đỗ cử nhân trở về qua đây, lại vào bái yết miếu Ngô Vương, dâng cỗ thịt dê thịt lợn. Xong lại bày cỗ lớn mời tất thảy các bạn quạ, lại khấn như trước.

Tối hôm ấy, thuyền Ngư dừng chèo trên hồ. Chàng đang chong đuốc ngồi chơi, bỗng thấy như có một con chim sa xuống trước ghế, nhìn ra thì là một nữ nhân khoảng hai mươi tuổi. Nàng tươi tỉnh hỏi thăm:

- Từ khi chia tay đến nay, chàng vẫn mạnh giỏi?

Ngư kinh ngạc hỏi là ai? Đáp:

- Chàng không nhận ra Trúc Thanh ư?

Ngư mừng quá hỏi nàng từ đâu đến? Đáp:

- Ngày nay thiếp làm thần nữ sông Hán, ít khi có dịp về cố hương. Trước đây, bạn quạ hai lần kể lại tấm tình luyến ái của chàng, cho nên hôm nay đến họp mặt.

Ngư càng bồi hồi cảm động như đôi vợ chồng xa cách lâu ngày, vui thú yêu thương nồng nàn khôn xiết.

Hai người bàn chuyện, Ngư muốn đưa nàng xuôi Nam về quê mình. Nàng lại muốn cùng nhau sang Tây nơi nàng đang làm thần nữ. Ý kiến chưa ngã ngũ. Khi Ngư tỉnh ngủ, thấy nàng đã trở dậy rồi, chung quanh không còn là cảnh chật hẹp trên thuyền mà là một ngôi nhà lớn, đèn đuốc sáng trưng. Chàng kinh ngạc trở dậy hỏi:

- Đây là đâu?

Nàng cười:

- Đây là Hán Dương. Nhà thiếp là nhà chàng, hà tất phải xuôi Nam.

Trời dần sáng. Kẻ hầu người hạ tề tựu. Rượu thịt đã bày. Hai vợ chồng lên giường cao cùng nhau ăn uống. Ngư hỏi về người đầy tớ theo hầu mình ở đâu? Nàng đáp:

- Còn ở thuyền.

Ngư lo nhà thuyền không đợi được lâu. Nàng cho biết:

- Chàng đừng ngại. Thiếp phải giúp chàng bảo cho họ biết.

Thế là từ đó vợ chồng ngày đêm vui thú. Ngư quên cả chuyện về.

Lại nói, nhà thuyền tỉnh mộng bỗng thấy mình đã ở Hán Dương, hoảng sợ quá. Người đầy tớ của Ngư đi tìm chủ cũng chẳng thấy chủ đâu. Nhà thuyền muốn giong thuyền đi nơi khác thì chèo lái tự nhiên đã bị cột chặt, chỉ còn cách ngồi đấy trông thuyền.

Qua đi hơn hai tháng, Ngư bỗng động tình quê mới bảo nàng rằng:

- Tôi ở đây tuyệt đường thân thích. Vả tôi với nàng tiếng là vợ chồng mà chưa một lần nhận nhà cửa, họ hàng, vậy nên như thế nào đây?

Nàng đáp:

- Không nói đến chuyện thiếp không thể nào đi được, giả sử có đi được thì ở nhà chàng ắt phải có vợ, vậy sẽ xử sự với thiếp như thế nào? Chi bằng cứ để thiếp ở đây thành một phòng khác của chàng là được.

Ngư e ngại đường sá quá xa xôi, không thể năng lui tới. Nàng đưa ra một bộ áo đen, bảo chồng:

- Tấm áo cũ của chàng hãy còn đây. Khi chàng nhớ đến thiếp, cứ mặc áo này vào là có thể phút chốc đến được. Rồi thiếp sẽ cởi giúp ra cho.

Đoạn nàng sai bày tiệc lớn hoan tiễn, đủ các thức ngon lành, quý giá. Say rồi đi ngủ, khi tỉnh dậy Ngư đã thấy mình ở trong thuyền. Nhìn ra cảnh vật thì bến cũ Động Đình là đây. Nhà thuyền và người đầy tớ đều còn đủ ở đó. Thấy chàng bất chợt trở về họ cả kinh, xúm vào hỏi chuyện. Ngư nhớ lại việc vừa xảy ra, cũng không khỏi bàng hoàng.

Nhìn quanh, chàng thấy bên gối có cái bọc, giở ra xem thì đủ cả áo mới, giày thêu Trúc Thanh gói tặng, trong đó có tấm áo đen đã một thời thân thuộc. Lại thấy có cả một cái túi thêu có dây buộc thắt ngang, mở ra thấy đầy tiền bạc. Cứ thế giong buồm xuôi Nam, khi cập bến Ngư trả công cho nhà thuyền khá hậu.

Về nhà được mấy tháng chàng lại cháy lòng nhớ tới Hán Thuỷ, liền kín đáo giở tấm áo đen ra mặc. Tức thì đôi tay biến thành đôi cánh bay vút lên không. Chỉ độ vài khắc đồng hồ đã đến nơi mong nhớ. Bay liệng nhìn xuống dưới thấy giữa hòn đảo nhỏ đơn độc có một toà lâu đài, chàng liền hạ cánh xuống. Một thị tì nhanh mắt trông thấy đã vội reo lên:

- A! Quan nhân đã đến!

Loáng sau, Trúc Thanh đi ra, vội sai những người xung quanh cởi “áo” cho chàng, bộ lông bộ cánh đều trút ra hết. Hai vợ chồng nắm tay nhau bước vào nhà, nàng nhanh nhảu bảo:

- Chàng đến vừa khéo. Chỉ nay mai thiếp ở cữ.

Ngư hỏi đùa:

- Nàng đẻ thai hay đẻ trứng?

- Thiếp nay đã là thần, xương da đều đổi khác xưa kia rồi.

Mấy ngày sau quả nhiên nàng sinh nở. Bọc thai to như một quả trứng lớn. Xé vỏ ra là một cậu con trai. Ngư mừng lắm, đặt ngay tên là Hán Sản làm kỉ niệm. Ba ngày sau, các thần nữ Hán Thuỷ đem các vật quý lạ đến mứng. Đó là những cô nàng xinh đẹp, không quá ba mươi. Họ đều vào buồng, lấy ngón tay gí lên mũi thằng bé, gọi như thế là “tăng thọ”. Họ ra rồi, Ngư hỏi vợ:

- Đó là những ai vậy?

Đáp:

- Đều là bạn thiếp cả.

Ngư lưu lại vài tháng. Trúc Thanh sai đánh thuyền đưa chàng về quê. Thuyền không phải dùng buồm hoặc mái chèo mà cứ rẽ nước phăng phăng. Cập bờ, đã có người giữ ngựa đứng đợi sẵn, đưa cho chàng cưỡi về. Vì thế chàng cứ qua lại luôn luôn.

Mấy năm sau, Hán Sản lớn lên càng dĩnh ngộ. Ngư yêu quý lắm. Bà vợ họ Hoà ở quê khổ tâm vì nỗi không sinh nở, cứ khao khát được nhìn thấy Hán Sản. Ngư thuật lại nguyện vọng ấy cho Trúc Thanh nghe, nàng liền sắm sửa hành trang cho con theo bố về quê, hạn ba tháng phải quay lại.

Về đến nơi, Hoà thị yêu quý Hán Sản quá con đẻ, để hơn mười tháng không chịu cho về. Một hôm đứa bé đột nhiên mắc bệnh mất. Hoà thị xót thương tưởng chết. Ngư phải đi Hán Thuỷ báo tin, vừa bước vào nhà đã thấy Hán Sản chân trần nằm chơi trên giường, mừng quá vội hỏi Trúc Thanh. Nàng trả lời:

- Chàng lỗi hẹn lâu quá. Thiếp nhớ con không chịu được, phải tìm cách đưa nó về đây.

Ngư giãi bày, chậm là do Hoà thị quá mến con. Nàng hẹn:

- Thôi, đợi thiếp sinh nở tiếp rồi cho Hán Sản về hẳn quê.

Quả nhiên, hơn một năm sau nàng đẻ sinh đôi, một trai một gái. Trai đặt tên là Hán Sinh, gái là Ngọc Bội. Ngư bèn dẫn Hán Sản về. Song mõi năm ba bốn lần đi lại thăm nom không được tiện, cho nên Ngư chuyển nhà luôn tới Hán Dương.

Hán Sản 12 tuổi vào học trường quận. Nàng cho là ở trần thế không có người đẹp, gọi con về Hán Thuỷ cưới vợ - tên là Hỗ Nương - cũng là con gái thần nữ, rồi mới cho trở về quê.

Sau Hoà thị mất, Hán Sinh và em gái đều tới chịu tang như mẹ đẻ. Tang lễ xong xuôi, Hán Sản lưu lại quê cũ còn Ngư Dung dắt Hán Sinh và Ngọc Bội đi hẳn không thấy trở về nữa./.

Nguyễn Văn Huyền dịch

Chuyện 114: Nam Nam Thành Thần (Vương Lục Lang)

Họ Hứa làm nghề đánh cá, nhà ở bắc thành Tuy Châu. Đêm đêm anh ta đem bầu rượu ra bờ sông kéo cá, mỗi lần uống rượu lại rưới một chén xuống đất lầm rầm khấn:

- Mời nam nam (ma chết đuối) uống rượu cùng ta.

Như thế trở thành thường lệ và hôm nào Hứa cũng đầy giỏ cá. Còn những người khác thì không được mấy.

Một đêm vừa giở rượu ra, có một chàng trai lảng vảng đi tới bên. Hứa sốt sắng gọi vào cùng uống. Tuần rượu có bạn, cảm khái say sưa kéo dài suốt đêm, nên không được con cá nào. Hứa có ý buồn phiền. Chàng trai đứng dậ nói:

- Để tôi xuống mạn dưới sông xua cá lên.

Nói rồi lãng đãng bước đi, lát sau trở lại bảo Hứa:

- Cá đã đến đấy!

Quả nghe có tiếng cá quẫy roàn roạt dưới sông. Hứa vội kéo vó lên, được liền mấy con cá dài hơn một thước (thước ta bằng 0,4m).

Hứa mừng quá, cảm tạ và muống đưa cá tặng chàng trai. Nhưng chàng ta không nhận:

- Đã từng mang ơn rượu ngon, kẻ hèn này chưa có gì báo đền, đâu dám nhận tạ. Nếu ông không ghét bỏ, xin cứ cho như thế này luôn luôn.

Hứa nói:

- Mới vừa mời nhau một chén rượu, sao nói là “đã từng”? Còn nếu anh có lòng muốn gặp gỡ lâu dài thì đó cũng là điều tôi mong muốn. Song tôi cũng lấy làm thẹn vì không có gì đáng kể để bày tỏ mối giao tình.

Hỏi đến tên họ, chàng ta nói:

- Tôi họ Vương, không có tên. Muốn gặp nhau, xin cứ gọi là “Vương Lục Lang”.

Từ biệt nhau, sáng ra Hứa đem bán cá, mua nhiều rượu hơn mọi khi. Tối đến, Hứa ra bờ sông đã thấy chàng trai lởn vởn ở đó. Hai người lại khề khà, chén chú chén anh. Được một chén, chàng ta đứng dậy đi xua cá cho Hứa.

Cứ thế nửa năm, một hôm Vương rầu rầu rầu bảo Hứa:

- Được quen biết nhau, mối thanh giao thân thiết như ruột thịt, ngày càng gắn bó. Nay sắp đến ngày phải từ biệt, nói ra mà đau lòng!

Hứa sửng sốt hỏi vì sao? Vương ngập ngừng định nói lại thôi, mãi sau mới bày tỏ được.

- Thân tình thế này có điều gì đáng ngại? Nay đến lúc từ biệt tôi xin nói rõ: tôi là ma nam nam. Thuở sinh thời tôi rất thích rượu, chết đuối vì say, hồn ma lẫn quất ở đây đã mấy năm rồi. Anh kéo được cá hơn mọi người là do tôi đuổi cá đến để đền ơn hàng đêm đổ rượu xuống đất cho. Ngày nay sắp có người làm ma ở đây, tôi được thác sinh làm người. Chúng ta chỉ còn gặp nhau đêm nay, cho nên không khỏi động lòng.

Hứa nghe nói là ma, trong bụng đã có ý kinh, song vì gần cận lâu ngày cho nên không thấy sợ, chỉ còn thương cảm, sụt sịt khóc, rót rượu mời:

- Lục lang! Anh hãy cạn chén rượu này cũng đừng cảm động quá làm gì. Hợp mặt với nhau chưa được mấy mà đã chia ly đôi ngả, ai chẳng buồn. Song anh đã mãn nghiệp chướng, chính là điều đáng mừng. Buồn vậy không nên!

Rồi cùng nhau nâng chén. Hứa hỏi kỹ:

- Người thay anh sắp tới đây là ai?

- Anh cứ ra bờ sông, trưa mai sẽ thấy, trưa mai sẽ thấy một người đàn bà qua sông rồi chết đuối. Người ấy thế chân tôi đấy!

Gà trong làng gáy sáng. Hai người nhỏ lệ chia tay.

Hôm sau Hứa ra bờ sông xem lời nói của Vương có ứng nghiệm không? Quả nhiên có một người đàn bà ẵm đứa bé sảy chân ngã xuống sông. Đứa bé văng lên bờ, quẫy chân, quờ tay, xệch mồm kêu khóc. Nguời đàn bà vật vờ chìm nổi mấy lần bỗng vùng vẫy mạnh tạt được vào bờ, trèo lên nằm vật ra đất. Chị ta thở mạnh một lúc, trở dậy bế đứa bé đi.

Lúc người đàn bà ngã xuống sông Hứa động lòng đã muốn nhảy xuống cứu. Chợt nhớ tới Lục lang, người này thế chân cho anh ta mãn kiếp, cho nên lại thôi. Khi người đàn bà tự lên được. Hứa cho là lời Vương không nghiệm. Đến tối, Hứa ra chỗ kéo vó thấy người bạn trẻ lò mò tới nói:

- Từ nay lại cùng nhau họp mặt tiếp không phải ly biệt nữa.

Hứa hỏi vì sao?

Đáp:

- Người đàn bà ấy sắp sửa thay tôi nhưng tôi cám cảnh cho chị ta còn đứa bé. Một người thay mà hại cả hai mạng thật không nỡ. Từ nay không biết đến bao giờ mới có người thế. Âu duyên hội ngộ hai ta chưa đến ngày dứt chăng?

Hứa cảm động than thở:

- Thật là một tấm lòng nhân hậu, có thể cảm thông đến thượng đế.

Hai người lại càng thân thiết chuốc ché. Chỉ vài ngày sau. Lục lang đến lại từ biệt. Hứa hỏi, đã có người thay chăng?

Đáp:

- Không phải. Việc nhỏ mọn hôm trước cảm động đến trời, nên nay có mệnh vời tôi đi xa làm thổ thần ở Ổ Trấn thuộc huyện Chiêu Viễn. Mai, tôi phải về châu nhậm chức. Vì anh không quên tình bạn cũ, xin mời anh đến thăm một chuyến, chớ hiềm đường xa cách trở.

Hứa lấy làm mừng cho bạn, song lại phân vân:

- Anh chính trực mà làm thần, thế đủ yên lòng thần dân. Còn việc tôi đi thăm thì thần với người cách xa trời vực, dù tôi không kiêng sợ song làm thế nào đến mà gặp mặt nhau cho được?

- Nếu có lòng đừng ngại điều đó.

Vương dặn kỹ càng năm bảy lượt mới chia tay. Hứa về nhà sắm sửa hành trang. Vợ cười bảo:

- Chiêu Viễn cách đây vài trăm dặm. Nhưng chỉ e đến nơi tượng đất không nói ra tiếng để mà nhận thì phiền.

Hứa bỏ ngoài tai, cứ đi, thẳng đến huyện Chiêu Viễn. Hỏi thăm, quả có ấp Ổ Trấn. Tìm đến nơi, mang hành lý gửi nhà trọ, hỏi thăm miếu thổ địa ở đâu, chủ nhà kinh ngạc hỏi ngay:

-Chắc hẳn ông khách họ Hứa?

- Đúng nhưng sao chủ biết?

Chắc hẳn khách đến chơi thăm ấp chúng tôi?

Hứa lại hỏi sao biết? Chủ nhà không trả lời, vội vã ra ngoài. Lát sau, một người đàn ông bế con tới, đàn bà con trẻ lấp ló đứng ngoài nhòm vào. Rồi cơ man nào là người tấp nập kéo đến đứng đông đặc ngoài cửa. Hứa lo sợ không hiểu ra sao. Họ cung kính thưa rằng:

- Trước đây mấy đêm. Thần bản địa đã báo mộng có người bạn họ Hứa ở Tuy Châu sắp đến thăm, phải sửa soạn đón tiếp giúp đỡ mọi thứ vật dụng hàng ngày. Vì vậy chúng tôi đã chờ từ bấy.

Hứa lấy làm lạ, liền tới miếu làm lễ khấn rằng:

- Từ sau khi chia tay tôi thức ngủ không yên cho nên không dám ngại đường xá, cho tròn hẹn trước. Thần còn báo mộng cho dân, nghĩa tình ấy ghi tạc trong dạ, riêng thẹn lễ vật không có chi đáng kể, chỉ xin có chén rượu này. Ví còn không ghét bỏ, xin lại cùng uống như những đêm cạn chén ở bờ sông.

Hứa khấn xong, đốt vàng đổ rượu. Liền đó, một trận gió nổi lên cuốn lễ vật đi mất. Đêm ấy Hứa nằm mộng thấy Lục lang tới, mũ áo óng ánh khác hẳn ngày trước, vái tạ Hứa rằng:

- Đường xa dặm thẳm, vất vả thăm nhau, thực là khó phân mừng tủi. Tôi nay ở vào chức mọn không tiện giáp mặt, thành ra chỉ trong gang tấc mà như cách trở núi sông thật là buồn dạ. Song đã có dân ấp khoản tặng lễ vật thay tôi đón tiếp. Khi nào trở lại nhà, tôi sẽ xin theo tiễn.

Được vài ngày Hứa muốn về. Dân làng khẩn khoản lưu lại, ân cần ngày đêm thay phiên nhau túc trực khoản đãi. Hứa cố từ tạ trở về. Họ truyền tin cho nhau tranh nhau đến gặp. Chưa tới nửa buổi, vật biếu mang tặng đã đầy túi. Từ người đầu bạc cho đến đứa trẻ để chỏm tụ tập đông nghịt tiễn đưa.

Hứa vừa ra khỏi thôn, một trận gió lốc nổi lên, cuốn theo đến mười dặm. Hứa đứng lại vài dặm mà khấn:

- Lục lang trân trọng quá, đừng phải mất công tiễn nhau xa thế. Lòng thần nhân ái có thể dành phúc cho cả một vùng không cần đến lời dặn dò của cố nhân nữa.

Trận gió còn quanh quất một hồi rồi mới tan đi. Dân làng thấy cũng bàng hoàng quay về. Từ đó gia tư nhà Hứa dần dần dư dật ít nhiều, không phải làm nghề đánh cá sinh sống như trước nữa.

Về sau, khi gặp người huyện Chiêu Viễn, Hứa hỏi thăm. Họ nói vị thần ấy linh thiêng lắm.

Lại có người nói đó chính là thổ thần ở tràng Thạch Thanh ấp Chương Khâu.

Chuyện thực ở đâu chưa rõ.

LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ

Thanh vân nhẹ bước mà không quên bạn nghèo hèn như thế mới là thần vậy. Ngày nay những kẻ cưỡi xe há có nhớ đến người bạn nón lá xưa cũ.

Quê tôi có người tên là Lâm hạ, nhà nghèo lắm. Có người bạn từ nhỏ nay giàu chức lớn, anh ta muốn đến thăm, cố sức lắm mới chê biện được hành trang, bôn ba hơn nghìn dặm. Đến nơi thất vọng về bạn thù tiếp, anh ta phải dốc túi bán ngựa mới trở về được nhà. Anh em họ hàng làm bài hát đùa rằng:

Tuần trăng đã đến, bác vừa về

Mũ lông đã mất dù che không còn

Hỏi đâu cái nghẽo * gầy mòn

Đôi giày há mõm có còn ở chân?

Chú thích:
* cái nghẽo: tiếng lóng chỉ ngựa


Nguyễn Văn Huyền dịch


Chuyện 115: Trương Thành

Người họ Trương ở đất Dự , tổ tiên là người nước Tề, cuối đời Minh, nước Tề có loạn to, vợ bị quân giặc cướp đem về Bắc. Trương vẫn thường lui tới làm khách đất Dự, bèn làm nhà luôn ở đó. Lấy vợ người Dự, sinh con trai tên là Nột.

Không bao lâu vợ chết, lại lấy vợ kế, sinh con trai nữa tên là Thành. Vợ kế họ Ngưu, rất hung tợn, thường ghét Nột, nuôi Nột như đứa ở. Cho ăn toàn rau dưa hẩm hút. Sai đi chặt củi thì đòi hỏi cho được mỗi ngày một gánh. Nếu không thì roi vọt mắng chửi, không thể chịu nổi. Chỉ cất giấu những thứ ăn ngon ngọt cho Thành, lại cho vào trường tư để học.

Thành dần lớn lên, tính hiếu nghĩa, không nỡ thấy anh vất vả, lén khuyên an mẹ, mẹ chẳng chịu nghe. Một hôm, Nột vào núi lấy củi, chưa xong việc thì gặp mưa to gió lớn, phải ẩn mình dưới vách núi. Hết mưa thì trời đã tối, bụng đói cồn cào, bèn gánh củi về. Mẹ xem củi thấy ít, giận dữ không cho ăn. Lửa đói đốt lòng, vào nhà nằm vật ra. Thành đi học về, thấy anh thờ thẫn, thì hỏi:

- Ốm sao?

Nột đáp:

- Đói thôi mà.

Thành hỏi nguyên do. Nột nói hết sự tình. Thành buồn rầu rồi đi ra. Một lúc sau đem bánh về cho anh. Anh hỏi bánh ở đâu ra. Thành nói:

- Tôi lấy trộm bột, mướn chị hành xóm làm cho, hẵng cứ ăn đi, chớ nên nói gì cả.

Nột ăn xong dặn em rằng:

- Từ sau chớ làm như thế nữa, việc lộ thì liên lụy đến em. Vả lại, ngày ăn một bữa thì đói chức không chết đâu!

Thành nói:

- Anh đã yếu sẵn rồi, sao có thể hái nhiều củi được?

Ngày hôm sau, ăn xong, lén vào núi, đến tận chỗ anh làm củi. Anh trông thấy giật mình hỏi:

- Định làm cái gì thế?

Đáp:

- Định hái củi giúp anh.

Hỏi:

- Ai bảo em?

Đáp:

- Tự tôi đến mà thôi.

Anh nói:

- Không cứ là em không hái được, ví phỏng có hái được cũng không nên.

Thế rồi giục Thành về ngay. Thành không nghe cứ lấy tay bẻ củi giúp anh. Lại nói:

- Ngày mai em phải đem búa đi!

Anh đến gần bảo thôi, thì thấy ngón tay bị toạt, giày bị rách, buồng rầu bảo em rằng:

- Mày không về nhanh thì tao lấy búa tự chặt cổ chết đấy.

Thành bèn ra về. Anh đưa đến nửa đường, mới quay lại. Khi gánh củi về qua trường, dặn thấy học rằng:

-Em tôi còn nhỏ tuổi, nên răn cầm nó, kẻo trong núi nhiều hổ beo lắm!

Thầy nói:

- Trước giờ ngọ không biết nó đã đi đâu, đã cho ăn đòn rồi!

Nột về bảo Thành:

- Không nghe lời anh nên bị phạt roi rồi đấy!

Thành cười rằng:

- Không có đâu!

Ngày hôm sau, lại xách búa đi. Anh sợ hãi nói:

- Anh vẫn bảo em chớ đến đây, sao lại cứ thế?

Thành không trả lời, hối hả chặt củi, mồ hôi đầm đìa hai bên má vẫn không chịu nghỉ lấy một lúc, chừng đủ một bó, không nói năng gì trở ra về.

Thầy lại trách mắng Thành, bèn nói hết tình thực. Thầy khen là hiền, rồi cũng không ngăng cấm nữa.

Anh nhiều lần bảo thôi, cuối cùng Thành cũng chẳng nghe.

Một hôm đang cùng mấy người làm củi trong núi, bỗng có hổ đến. Mọi người sợ hãi trốn nấp hết cả, hổ liền tha Thành đi. Hổ mang người nên đi thong thả, bị Nột đuổi kịp. Nột ra sức giáng một búa trúng vào đùi. Hổ bị đau chạy lồng lên, không sao đuổi kịp nữa, đành chỉ đau đớn khóc lóc mà trở lại. Cả bọn khuyên dỗ an ủi, khóc càng thảm hơn, nói:

- Em tôi chẳng phải như em người khác; huống chi nó vì tôi mà chết, tôi sống làm sao được?

Bèn lấy búa tự chặt vào cổ. Mọi người vội cứu thì đã ngập vào thịt đến gần một phân, máu vọt ra lênh láng, mắt hoa muốn chết. Ai cũng khiếp, bèn xé áo buộc cho anh ta, rồi cả bọn cõng về.

Bà mẹ khóc lóc mắng rằng:

- Mày giết con ta, lại muốn chặt cổ, để liếm lấp hay sao?

Nột rên rỉ nói:

- Xin mẹ chớ phiền não, em chết, nhất định tôi chẳng sống nào!

Đặt lên giường, vết thương đau đớn không sao ngủ được. Ngày đêm chỉ ngồi dựa vào tường mà khóc. Cha sợ con cũng chết nốt, thường đến bên giường bón cho ăn chút ít, Ngưu thị liền nhiếc mắng. Nột không chịu ăn nữa, ba ngày thì chết.

Trong làng có thầy đồng rí (3); vong hồn Nột đi trên đường gặp thầy, bèn tỏ bày nông nỗi khổ sở mấy ngày trước đây, nhân hỏi chổ ở của em. Thầy đồng nói: “Không nghe tin gì”. Thế rồi quay lại đưa đường cho Nột đi. Đến một nơi đô hội, thấy một người mặc áo đen từ trong thành đi ra. Thầy đồng đón đường rồi thay Nột hỏi thăm Thành. Người áo đen xem kỹ lại tập trát ở trong túi đang treo, đàn ông đàn bà có hơn trăm, nhưng không có tội phạm nào họ Trương. Thầy đồng ngờ rằng ở tập trác khác chăng. Người áo đen nói:

- Con đường này thuộc về tôi, sao có thể bắt lầm được!

Nột không tin, ép thầy đồng đưa vào thành. Trong thành ma mới, ma cũ qua lại nộn nhạo. Cũng có người quen biết cũ, đến hỏi, không ai biết cả.

Bỗng nhiên ai nấy cùng nhao nhao lên: “Bồ Tát đến!” Ngẩng lên nhìn, thấy trong mây có một người to lớn, ánh hào quang rực rỡ từ trên xuống dưới, vụt cảm thấy như thế giới trong trẻo sáng bừng.

Thầy đồng mừng nói rằng:

- Cậu cả có phúc thay! Bồ Tát mấy mươi năm mới xuống âm ty một lần để nhổ sạch mọi khổ não. Vừa đúng hôm nay được gặp!

Liền kéo Nột quỳ xuống. Bọn quỷ lúc nhúc ngổn ngang, chắp tay nhất tề tụng niệm: “Từ bi cứu khổ”. Tiếng vang chấn động mặt đất.

Bồ Tát lấy cành dương, rưới nước cam lộ khắp mọi nơi, hạt li ti như bụi. Một lát, sương mới tan, hào quang thu lại, thì không thấy đâu nữa. Nột cảm thấy trên cổ thấm nước cam lộ, chỗ vết búa không còn đau. Thầy đồng lại theo đường cũ đưa Nột về. Trông cổng làng, thầy mới từ biệt mà đi.

Nột chết đã hai ngày, bỗng nhiên sống lại, bèn thuật hết những gì mình đã gặp, vào bảo rằng Thành chưa chết. Bà mẹ cho rằng đặt điều nói láo, lại chửi mắng Nột. Nột mang oan mà không thể tự giải bày. Sờ đến vết thương thì đã lành. Đành gượng dậy, lạy cha mà nói rằng:

-Con băng mây vượt biển tìm em. Như mà không thấy, thì thân này hết mong trở lại, xin cha cứ coi như là con đã chết.

Ông đưa con ra chỗ vắng, cùng nhau khóc lóc không dám giữ con lại. Nột ra đi, thường đến những con đường lớn để hỏi tin tức em. Giữa đường tiền ăn hết sạch, phải ăn mày mà đi. Hơn một năm đến Kim Lăng, quần áo rách xơ, buộc túm trăm múi lọm khọm trên đường. Ngẫu nhiên trông thấy hơn mười người cưỡi ngựa đi qua, Nột tránh sang bên đường. Trong đó có một người như quan lớn, tuổi chừng bốn mươi trở lại, lính hầu lực lưỡng, ngựa hung hăng rộn rịp trước sau. Một thiếu niên cưỡi ngựa nhỏ, nhìn Nột nhiều lần. Nột cho là một vị công tử con quan, chưa dám ngẩng nhìn, thì thiếu niên dừng roi ghìm ngựa, rồi bỗng xuống ngựa gọi to:

- Có phải anh ta đó không?

Nột ngước đầu nhìn kỹ thì ra là Thành. Liền nắm lấy tay em, đau đớn quá, khóc lạc cả tiếng. Thành cũng khóc và nói:

- Anh sao phải xiên bạt đến nỗi này?

Nột kể hết sự tình, Thành càng thêm âu sầu. Những người cưỡi ngựa đều xuống, hỏi duyên cớ rồi bẩm lại với quan lớn. Quan lớn truyền bớt ra một con ngựa để chở Nột, dong cương về đến nhà, rồi mới hỏi chuyện tường tận.

Trước đây, hổ tha Thành đi, đặt ở bên đường lúc nào không biết, nằm giữa đường suốt một đêm. Vào lúc ông Trương Biệt Giá từ kinh đô đi đến, ngang qua chỗ Thành nằm, thấy mặt mày nho nhã, thương xót đến vực lên, vỗ về, Thành dần dần sống lại. Nói nhà cửa quê quán, thì đã đi quá xa. Vì thế bèn chở Thành cùng về, lấy thuốc đắp vào chỗ bị thương, vài ngày thì khỏi. Biệt Giá không có con trai bèn nhận Thành làm con. May hôm đó gặp buổi Thành theo bố nuôi đi dạo chơi ngắm cảnh.

Thành kể lại với anh đầy đủ mọi việc; vừa xong. Biệt Giá đi vào. Nột lạy tạ không thôi. Thành vào nhà trong, mang áo lụa ra biếu anh, rồi bày tiệc rượu, trò chuyện tự tình.

Biệt Giá hỏi:

- Họ nhà ta, ở tại Dự có bao nhiêu đinh?

Nột nói:

- Không ạ, cha tôi lúc bé người đất Tề, đến cư ngụ ở đất Dự.

Biệt Giá nói:

- Tôi cũng người Tề, quê nhà ta thuộc làng nào?

Nột đáp:

- Từng nghe cha tôi nói thuộc hạt Đông Xương.

Biệt Giá kinh ngạc hỏi:

- Thế tôi cũng cùng làng, vì sao lại dời đến Dự?

Nột nói:

- Cuối đời nhà Minh, quân Thanh vào biên giới bắt cóc bà mẹ già đem đi. Cha tôi gặp loạn đao binh, trôi dạt không nhà không cửa. Trước đây từng buôn bán ở miền Tây, qua lại đã quen, vì thế mà ở lại đó.

Biệt Giá kinh sợ hỏi:

- Cụ nhà ta tên là gì?

Nột nói cho biết, Biệt Giá tròn mắt nhìn, rồi cúi đầu như nghi ngờ, rảo bước mau vào nhà trong. Không bao lâu, thái phu nhân ra, tất cả đều lạy chào. Xong hỏi Nột rằng:

- Maỳ có phải là cháu của Trương Bỉnh Chi chăng?

Nột đáp: “Phải”

Thái phu nhân khóc lớn, bảo Biệt Giá rằng:

- Đây là em của mày.

Anh em Nột chưa hiểu thế nào. Thái phu nhân nói:

- Ta lấy cha chúng mày ba năm, lưu lạc sang bắc, thân mình thuộc về Hắc Cố Sơn, được nửa năm, sinh anh mày, lại nửa năm nữa, Cố Sơn chết, anh mày nhờ bổ trật trong quân ngũ mà chuyển dần lên chức quan này. Bây giờ không làm quan nữa, không một giờ khắc nào là không tưởng nhớ quê hương. Bèn ra sổ tịch lấy lại họ cũ. Đã nhiều lần cho người đến đất Tề, mà không chỗ nào tìm thấy âm hao gì cả. Nào có biết đâu cha chúng mày đã dời sang miền tây.

Rồi nói với Biệt Giá rằng:

- Mày nuôi em làm con thì giảm phúc mà chết thôi.

Biệt Giá nói:

- Hồi trước có hỏi Thành, Thành chưa từng nói là người Tề, cứ nghĩ còn bé dại, nên không nhớ.

Bèn dựa vào tuổi để xếp đặt lại: Biệt Giá bốn mươi mốt tuổi, làm anh cả, Thành mười sáu tuổi là út, Nột hai mươi hai tuổi là anh cả mà thành anh hai.

Biệt Giá được hai em mừng quá, nằm ngồi cùng có nhau, nên biết tận cội nguồn mọi nguyên do chia lìa lưu lạc, và toan tính chuyện trở về. Thái phu nhân sợ bà vợ kế không dung chăng. Biệt Giá nói:

- Dung được thì ở cùng nhau, nếu không thì ở riêng ra, chứ trong thiên hạ, có nước nào mà lại không có tình cha con?

Rồi đó bán đất, bán nhà sắm sửa hành lý, định ngày đi về tây. Khi đến đầu làng, Nột và Thành dong ruổi về trước, báo tin cho bố biết. Ông bố từ lúc Nột bỏ đi, vợ cũng chết. Chỉ còn trơ trọi một ông lão góa, người và bóng đối nhau.

Bỗng nhiên thấy Nột vào, bội phần mừng rỡ, thảng thốt giật mình. Lại thấy Thành thì mừng quá đỗi, không nói được gì, nước mắt ràn rụa. Lại được tin mẹ con Biệt Giá cũng đến. Ông dừng khóc ngạc nhiên không ra vui, cũng không ra buồn, đứng ngây như phỗng. Không bao lâu Biệt Giá vào, lạy chào xong thái phu nhân nắm lấy tay ông nhìn nhau cùng khóc. Đã thấy con hầu vú già, người giữ ngựa đầy tớ trong ngoài chật ních, đứa đứng đứa ngồi không còn biết như thế nào.

Thành không thấy mẹ liền hỏi, mới biết mẹ đã chết, gào khóc muốn đựt hơi, một lúc tỉnh lại.

Biệt Giá đem tiền của ra xây dựng lầu gác, mời thầy dạy học cho hai em.

Ngựa nhảy trong tàu, người ồn ào trong nhà, nghiễm nhiên là một đại gia.

Cao Xuân Huy dịch

Chuyện 116: Nối Giấc Kê Vàng (Tục Hoàng Lương)

Mới đỗ ông nghè đã tự kiêu

Càng nghe tâng bốc lại như diều

Nồi kê tích cũ không chi lạ

Giấc mộng giàu sang só bấy nhiêu.

Ông cử họ Tăng, người Phúc Kiến, lúc vào kinh đô thi đỗ tiến sĩ vừa xong, cùng hai ông bạn tân khoa đi chơi ngoài thành. Chợt nghe trong chùa Bi Lô có một thầy xem số tử vi ở trọ, liền rẽ ngựa tới đó bói một quẻ.

Tăng vào, nghênh ngang tự ngồi chẳng đợi ai mời chào. Thầy tướng thấy người có vẻ tự đắc, bèn kiếm lời nịnh hót thâm. Tăng cầm quạt phe phẩy, mỉm cười hất hàm hỏi thầy tướng coi mình có số mệnh mặc mãng bào, đeo đai ngọc triều phục của tể tướng không?

Thầy tướng nghiêm trang nói Tăng sẽ làm Tể tướng yên ổn trong hai mươi năm. Tăng mừng lắm, vẻ mặt càng kiêu. Nhằm lúc trời mưa nhỏ bèn nhủ bạn vào trong chùa nhà thầy tạm ẩn. Một vị sư già, mũi cao mắt lõm, ngồi trên nệm cỏ, ngạo mạn không chào hỏi gì. Mấy người giơ tay chào qua loa, rồi tự leo lên giường ngồi nói chuyện với nhau. Ai nấy đều mừng Tăng là tể tướng. Tăng càng nở mũi tự kiêu trỏ bạn đồng du mà nói:

- Lúc nào tôi làm tể tướng, tôi cử Trương huynh làm tuần phủ một tỉnh miền nam; ông anh cô cậu với tôi làm chức tham du; lão bộc nhà tôi cũng được chức thiên bả nho nhỏ, thế là mãn nguyện.

Mọi người cười vang. Kế bên ngoài mưa như trút nước, Tăng mệt mõi, ngã người lên giường mà ngủ.

Bỗng thấy hai vị trung sứ đem tờ chiếu chỉ của thiên tử viết tay, đến vời Tăng tể tướng vào triều bàn định việc nước. Tăng khoái chí lật đật vào chầu. Ngài Ngự bước ra nghênh tiếp hỏi han niềm nở giây lâu, rồi truyền cho Tăng được tự quyền bổ các quan tam phẩm trở xuống; lại ban cho mãng ngọc và ngựa quý. Tăng mặc áo mãng bào, mang đai ngọc cúi đầu lạy tạ ơn rồi đi ra.

Về nhà thì thấy nhà mình ở cũ bây giờ là dinh thự, cột chạm cửa sơn, rất mực lộng lẫy, đến nỗi chính Tăng cũng không hiểu vì đâu mình chóng vinh hiển đến thế này. Chỉ biết giờ phút này cất tiếng khẽ gọi, đã nghe những tiếng vân dạ vang như sấm dậy. Rồi thì các quan công khanh đem biếu sơn hào hải vị, tấp nập ngoài cổng. Các quan lục khanh (tức lục bộ thượng thư) tới thăm thì Tăng còn đứng dậy chào mời; hạng thị lang thì xá và nói chuyện với, còn từ hạng đó trở xuống, Tăng chỉ trả lời bằng cái gật đầu mà thôi.

Tuần phủ Sơn Tây gửi tặng một phường nữ nhạc mười người đều là gái mỹ miều son trẻ. Đẹp nhất Niễu Niễu và Tiên Tiên, hai người càng được yêu quý, hầu hạ vấn tóc gội đầu, ngày ngày đàn hát làm vui.

Một hôm nhớ lại hồi còn hàn vi, thường được một thân sĩ trong làng là Vương Tử Lương giúp đỡ nay mình đã chót vót mây xanh, mà ông còn lênh đênh trên đường sĩ hoạn, sao không đưa tay dìu dắt ông ấy một phen?

Sáng hôm sau, Tăng dâng sớ tiến cử Vương làm chức Gián nghị, liền được vua giáng chỉ bổ dụng ngay.

Lại nghĩ Quách thái bộc từng trợn mắt gây gổ với mình liền mời bọn Lữ cấp gián và thị ngự Trần Xương tới, mách bảo ý tứ; rồi ngày hôm sau bọn ấy kế tiếp nhau dâng sớ kể tội Quách Thái bộc làm cho ông này bị cách chức và bị đuổi về vườn.

Xong việc ân đền oán trả, Tăng hơi mát lòng khoái ý.

Bữa nọ quan tể tướng đi chơi ngoài thành, một anh chàng say rượu đi loạng choạng thế nào đụng vào cờ quạt giàn hầu của ngài, ngài liền thét lính trói cổ và giải đến dinh phủ doãn kinh thành. Lập tức anh ta bị đánh đòn đến chết.

Những người có nhà cửa nguy nga, ruộng nương bát ngát đều sợ quyền thế mà dâng đất đai màu mỡ. Từ đó Tăng càng trở nên giàu có.

Không bao lâu Niễu Niễu và Tiên Tiên kế tiếp nhau qua đời. Tăng khuya sớm bâng khuâng, chợt nhớ lại năm nọ, mình trông thấy cô gái ở xóm đông tuyệt đẹp, thường ao ước mua nàng về làm hầu thiếp nhưng vì hồi đó còn nghèo nàn chẳng được như nguyện. Bây giờ có địa vị cao sang, muốn sao được vậy, liền sai mấy đứa tôi tớ giỏi đem tiền đến ấn đại vào nhà nàng mà bắt nàng đi. Một lúc, võng khiêng nàng về dinh. Tăng trông thấy so sánh với khi mình trông thấy ngày trước, giờ nàng càng đẹp hơn. Nghĩ lại bình sinh như vậy đủ mãn nguyện.

Hơn một năm, xem ra các quan trong triều có ý thầm thì bàn tán, trong bụng chê bai, nhưng chẳng ông nào dám nói ra miệng.

Tăng thấy vậy càng vênh váo nghênh ngang, chẳng thêm bận lòng chú ý.

Có quan long đồ học sĩ họ Bao, dâng sớ hạch tội Tăng đại lược như sau:

- “Thiết nghĩ: Tăng mỗ nguyên là một đứa rượu chè cờ bạc đàng điếm tiểu nhân, một lời nói hợp ý mà được hoàng thượng tin dùng, cha con vẻ vang, ơn huệ tột bậc. Thế mà chẳng nghĩ làm sao dốc lòng hiến thân, báo đáp ơn vua trong muôn một; lại dám lòng dạ buông lung, tự tiện làm điều oai, phúc, cái tội đáng chết, nhổ tóc mà đếm không đủ.

“Danh vị quý báu của triều đình coi như món hàng đem bán lấy tiền làm giàu, tha hồ so đo gầy béo, đánh giá hơn thua, vì đó mà công khanh tướng sĩ đều phải luồn lọt tới lui nhà hắn, tính toán lo lót, như tuồng bán buôn, núp bóng nhờ hơi kể sao cho xiết. Hoặc có người là hạng kiệt sĩ hiền thần, không chịu a dua theo hắn, nhẹ thì đuổi về vườn còn nặng thì giáng xuống làm lính. Rối đổi không về hùa với hắn, liền bị buộc tội hươu vượn không đâu, đày đi những chốn hùm beo xa lắc. Nhân sĩ thấy mà lạnh mình, triều đình hóa ra cô lập.

“Lại còn máu mỡ của dân, tha hồ bóc lột, con gái lương thiện ép uổng làm hầu; đến nỗi tiếng oán than dậy, khí uất xông lên, mặt trời cũng phải vì đó mà u ám.

“Tôi tớ của hắn đi tới đâu, thì quan lại địa phương phải nể mặt, thư từ của hắn gửi tới đâu thì người cầm quyền tư pháp ở đó phải làm trái phép cho được chiều lòng. Có khi con cái bọn nấu ăn, giữ ngựa cho hắn, hoặc là bà con đi đâu cũng hạch sách ngựa trâu, hò hét như sấm vang gió bão, hễ điạ phương cung cấp hơi trễ, là roi vọt lập tức ra oai. Thôi thì chúng ức hiếp nhân dân, sai khiến quan lại, thầy trò đi tới chỗ nào thì đồng ruộng chỗ ấy không còn một ngọn cỏ xanh.

“Trong khi đó, Tăng mỗ vênh mặt ỷ mình đác thế, không chút ăn năn; khi ở trong triều đình thì giả dối xảo trá trước mặt nhà vua, chưa về tới nhà thì đàn ngọt hát hay đã chờ sẵn. Thanh sắc cẩu mã ngày đêm hoang dâm, quốc kế dân sinh không chút lo nghĩ, ở đời há có thứ tể tướng nhu vậy ư?

“Vì thế, trong ngoài xôn xao, nhân tâm hồi hộp, nếu không kịp trị bệnh bằng hình phạt búa rìu, thể tất gây nên cái họa Tháo Mảng cướp nước. Hạ thần sớm tối lo lắng, không dám có lúc nào ăn ngon ngủ yên, liều chết đề ra các khoản trên đây, dâng lên Thánh thượng xem xét. Mong thánh thượng ra lệnh chém đầu gian nịnh, tịch của tham ô, hầu trên hợp ý trời, dưới khoái lòng dân. Nếu xét ra thần bày đặt chuyện, thì dao búa vạc dầu xin làm tội thần lập tức. v.v....”

Sớ này dâng lên vua, Tăng nghe hồn xiêu phách lạc, lạnh mình như uống băng; nhưng may nhờ vua khoan dung, xem sớ bỏ đó, không hỏi gì cả.

Tiếp đến các quan trong triều, ngoài quận thi nhau dâng sớ hạch tội trạng của Tăng. Ngay bọn xưa kia xin làm đồ đệ, thờ kính bằng cha, nay cũng đổi lòng trở mặt, theo hùa hạch tội như thường.

Bấy giờ vua mới giáng chỉ tịch thu gia sản và bắt Tăng đi làm lính Vân Nam. Người con y làm thái thú quận Bình Dương, triều đình cũng sai quan ra tận nơi xét hỏi.

Tăng ở nhà nghe tin con, đang kinh hoảng đau xót thấy có mấy người võ sĩ, nách gươm tay mác, vào thẳng buồng, lột áo mão cũa Tăng, trói chung với vợ. Tiếp thấy bọn lính chuyển vận của cải trong nhà ra ngoài sân, vàng bạc tiền nong đến mấy trăm vạn; hột châu ngọc quý có đến mấy trăm hộc, những thứ chăn màn giường chiếu cũng mấy ngàn món. Đến nỗi những áo lót trẻ con và giày tất đàn bà rơi vãi lung tung ở trên thềm. Tăng nhất nhất trông thấy như đâm vào tim vào mắt.

Giây lát một người lính túm cổ nàng hầu đẹp của Tăng lôi ra, đầu bù miệng mếu, mặt ngọc tái xanh khiến Tăng càng bi thảm như lửa đốt ruột gan, nhưng nén tủi nuốt thương mà không dám nói.

Rồi thì lâu đài kho vựa, niêm phong đâu đó xong xuôi, võ sĩ mới thét Tăng ra đi. Người cầm đầu toán áp giải lôi kéo bắt đi thật mau.

Vợ chồng Tăng thổn thức lên đường; lúc này cầu lấy một con ngựa xoàng, cỗ xe xấu cho đỡ mỏi chân cũng không thể được.

Đi được ngoài mười dặm vợ mỏi chân, đuối sức loạng choạng muốn ngã, Tăng đưa một tay ra nâng đỡ vợ. Lại đi hơn mười dặm nữa, chính mình cũng mổi mệt hết hơi; xa trông thấy những ngọn núi cao ngất mây xanh, tự lo không thể trèo nổi. Chốc chốc lại nắm tay vợ nhìn nhau khóc sướt mướt nhưng chủ cai trợn mắt ra oai, không cho ngừng một tí nào khả dĩ ngủ đỡ, cực chẳng đã, vợ chồng níu nhau, cà nhắc đi từng bước.

Khi đến sườn núi vợ đã kiệt sức, ngồi phịch bên đường mà khóc. Tăng cũng đánh liều ngồi nghỉ, mặc kệ chủ cai mắng chửi.

Bỗng nghe trăm tiếng nổi lên ồn ào, một tốp trộm cướp vác giáo dài , dao nhọn nhảy qua lề đường mà tiến đến trước mặt. Chủ cai hoảng sợ bỏ chạy, Tăng quì mọp nói với bọn chúng rằng mình làm quan bị cách chức và đi đày xa, trơ trọi một thân, trong hành lý chẳng có tài vật gì đáng giá, năn nỉ chúng tha cho làm phúc.

Bọn cướp trợn mắt nói:

- Tụi tao là bọn lương dân bị hại, chỉ lấy cái đầu thằng nghịch tặc mà thôi, ngoài ra không đòi hỏi gì hết.

Tăng nổi giận:

- Tao dù mắc tội cũng là quan lớn của triều đình, lũ bay là lâu la giặc cỏ, sao dám hỗn xược như thế?

Bọn cướp nổi xung, huơ búa lớn chặt cổ Tăng, nghe đầu rơi xuống đất một tiếng huỵch.

Hồn vía đang hãi hùng bỡ ngỡ liền có hai quỷ sứ đến nắm lấy tay lôi đi. Đi mấy khắc đồng hồ, vào một nơi đô hội. Giây lát trông thấy một tòa cung điện trang nghiêm, trên điện có một vị vương giả mặt mày dữ tợn, ngồi chiễm chệ xét xử tội phúc. Tăng khúm núm ngồi xuống đợi lệnh.

Vương giả mở tập hồ sơ ra xem qua mấy hàng, bỗng thịnh nộ thét lớn:

- Thằng này phạm tội dối vua hại nước, phải bỏ vào vạc dầu.

Lũ quỷ dạ ran, muôn miệng họa theo, tiếng như sấm sét.

Tức thời có những quỷ cao lớn chặn lại, túm cổ Tăng lôi xuống giữa sân, thấy cái vạc dầu cao chừng bảy thước bốn phía đốt than, chân vạc đỏ rực. Tăng run rẩy kêu gào, muốn chạy trốn cũng chẳng được, quỷ lấy tay trái nắm lấy tóc, tay mặt xách cẳng đưa bổng Tăng lên mà ném vào vạc dầu. Tăng thấy mình tùy theo dầu sôi mà nổi lên chìm xuống, da thịt cháy bỏng, đau buốt đến tận tim, dầu sôi vào miệng, phanh xé ruột gan, ý muốn cho mau chết nhưng lại không chết liền cho. Phỏng chừng xong xuôi bữa ăn, quỷ mới cầm cây nĩa lớn khều Tăng ra ngoài, lại đặt dưới thềm.

Bấy giờ Vương giả lại kiểm sổ sách, nổi giận và nói:

- Nó cậy thế hiếp người, phải xử phạt núi đao phanh thây xé các nó mới xứng.

Quỷ lại lôi Tăng đi, đến chỗ thấy một trái núi không to lớn lắm nhưng đá mọc dựng đứng chung quanh có đao nhọn đâm ra ngang dọc tua tủa, như những khóm măng dày kiến. Đã sẵn có có mấy người bị đâm bụng thọc ruột đang vướng trên đó, nghe tiếng họ kêu gào và trông thấy cảnh tượng mà thương tâm thảm mục. Quỷ giục Tăng leo lên. Tăng khóc rống lùi trở lại, quỷ cầm đùi nhọn đâm vào óc, Tăng đau quá, kêu lên van nỉ, khiến quỷ nổi giận, chụp lấy Tăng rồi ra sức tung bổng lên không.

Tăng thấy mình lơ lửng trên không, rồi rơi xuống một bụi gai, mũi dao nhọn đâm thẳng vào bụng, đau đớn không sao tả xiết. Giây lát vì thân thể nặng nề, thành ra lổ dao đâm dần dà khoét rộng, rồi mới rớt xuống đất, chân tay rúm lại.Quỷ lại dẫn vào trước mặt vương giả.

Vương giả sai người tính sổ coi một đời Tăng bán chức buôn danh, cướp đơạt của cải thiên hạ, cộng lại số tiền là bao nhiêu? Tức thời, cón 1 rậm râu đứng gảy con toán rồi đáp: “Hết thảy là ba trăm hai mươi tư muôn”.

Vương giả nói:

- Nó đã chứa vào, giờ bắt nó phải uống đi.

Một lát, bầy quỷ khiêng vác tiền bạc ra xếp đống dưới thềm, cao như gò núi. Đoạn, bỏ lần vào trong nồi gang, chất lửa mà nấu cho hóa ra nước.

Mấy đứa quỷ sứ thay phiên nhau lấy gáo múc nước ấy đổ vào miệng Tăng tràn qua hai má thì da thịt cháy xèo xèo, vào tới cuống họng thì ruột gan sôi lên sùng sục. Sinh thời chỉ lo cái vật ấy thu vào ít, bây giờ lại sợ nó đến mình quá nhiều.

Công việc uống vàng bạc tới nửa ngày mới xong. Vương giả sai người áp giải Tăng đi Cẩm Khâu, chuyển sinh làm con gái.

Đi độ vài bước, thấy trên giàn cao, gác một cây dầm bằng sắt, chu vi độ mấy thước, buộc một bánh xe khổng lồ, rộng lớn không biết là mấy trăm dặm, sáng lòe năm sắc, chiếu rọi mây xanh. Quỷ cầm roi vụt Tăng, bắt phải leo lên bánh xe ấy. Tăng vừa nhắm mắt leo lên thì bánh xe quay tít, dường như bị té rơi xuống, khắp thân thể mát lạnh, té ra đã hóa làm đứa trẻ sơ sinh, mà lại là con gái.

Rồi nhìn tới cha mẹ, thì áo rách quần lành, ở trong lều tranh vách đất, bị gậy treo kia, bấy giờ Tăng mới tự biết mình đã chuyển sinh làm con kẻ ăn mày.

Lớn lên, ngày ngày đi theo lũ trẻ đồng bối ăn mày ăn xin khắp nơi. Cái bụng lép kẹp, không một bữa nào được ăn no, mình mặc áo rách tả tơi, gió thổi lạnh buốt thấu xương. Năm mười bốn tuổi, cha mẹ đem bán làm nàng hầu. Ông tú tài họ Cố, tuy cơm áo hơi đủ no ấm, nhưng phải người vợ lớn độc dữ, hàng ngày roi vọt đánh đập luôn tay, lại nung sắt đỏ mà đốt vú. May được ông chồng khá thương yêu, cho nên tự an ủi đôi chút. Xóm bên đông có một thiếu niên hung tợn leo tường sang nhà, ép phải giao hoan với nó. Nàng tự nghĩ kiếp trước của mình làm nên tội ác những gì, để bị quỷ sứ hình phạt đáo để rồi, có lý đâu kiếp này lại phải chịu nhơ nhuốc lép vế thế này nữa, nàng bèn kêu cứu ầm lên. Chồng và vợ lớn vùng dậy, tên thiếu niên kia mới chạy trốn.

Không bao lâu, một đêm ông tú qua buồng nà nằm ngủ, đầu ấp tay gối, nàng đang rủ rỉ kể nỗi oan khổ của mình cho chồng nghe, bỗng dưng có tiếng thét vang cửa buồng mở toang, hai tên côn đồ xách dao áp vào chặt đầu ông tú rồi vơ vét áo xống đồ vật mà đi. Nàng cuộn tròn trong chăn, không dám ho he. Bọn côn đồ đi rồi, mới kêu la ầm và chạy qua buồng vợ lớn. Chị này cả kinh, ôm thây chồng khóc lóc, nghĩ nàng đưa tình nhân đến giết chồng bèn làm đơn trình quan thứ sử bản hạt.

Nàng bị bắt và bị tra tấn đau quá, buộc phải nhận tội. Quan kết án lăng trì ( lóc từng miếng thịt) xử tử.

Lính trói ra chỗ hành hình, trong bụng nàng nghẹn ngào nỗi mình oan uổng, vừa đi vừa la trời cho rằng trên trần dưới âm, không có tình cảnh nào đen tối hơn thế này. Đang lúc kêu gào thảm thiết, nghe tiếng bạn đồng du lay gọi:

- Anh bị ma đè hay sao mà la dữ thế.

Bấy giờ Tăng mới tỉnh giấc, thấy vị sư già vẫn ngồi xếp bằng tròn trên chiếu. Các bạn xúm lại hỏi: “Trời chiều bụng đói sao anh ngủ ngon thế?” Tăng buồn rười rượi đứng lên, vị sư già mỉm cười hỏi:

- Quẻ bói tể tướng đã thấy nghiệm chưa?

Tăng càng kinh hãi chắp tay vái sư và hỏi tại sao mà biết. Sư nói:

- Tu nhân tích đức thì trong lò lửa tự có bóng sen nở ra chứ bần tăng có biết gì đâu.

Tăng vênh mặt khi đến, bây giờ xuôi xị trở về, cái ý nghĩ đài các từ đó nguội lạnh, rồi vào núi tu, về sau thế nào không rõ.


Đào Trinh Nhất dịch


Nguồn: http://4phuong.net/