16/3/13

Liêu trai chí dị (C41-44)

Chuyện 41: Hằng Nương

Hồng Đại Nghiệp người kinh đô, vợ là Chu thị, nhan sắc khá đẹp, hai bên đều yêu quý nhau. Sau Hồng lấy cô hầu gái Bảo Đới làm vợ lẽ, diện mạo kém xa Chu thị nhưng Hồng lại yêu nhiều. Chu thị lấy làm bất bình, vì thế vợ chồng sinh bất hòa. Hồng tuy không dám công nhiên ngủ lại buồng vợ bé, nhưng càng bênh chiều cô ta mà cách xa Chu thị. Sau họ dời nhà, làm hàng xoqm với một người buôn lụa họ Địch.
Vợ Địch là Hằng Nương, sang thăm Chu thị trước. Hằng Nương trạc tuổi ba mươi, nhan sắc chỉ trung bình nhưng nói năng nhẹ nhàng dể ưa, Chu thị rất mến. Hôm sau sang đáp lễ, Chu thị thấy nhà này cũng có vợ bé, tuổi chừng đôi mươi lại rất xinh đẹp. Ở cạnh nhà nhau gần nửa năm, Chu thị tịnh không nghe một lời chửi mắng nào cả, còn Địch chỉ yêu quý có một mình Hằng Nương, cô vợ bé có cũng như không .
Một hôm, Chu thị sang Hằng Nương chơi, hỏi rằng:
- Em trước đây cho rằng chồng yêu vợ bé, là vì cái người giữ phận bé ấy thường chỉ muốn đổi cách xưng hô "vợ cả " thành "vợ lẽ" nay mới biết không phải. Chị có thuật gì thế, nếu có thể truyền được thì em xin ngoảnh mặt về phương Bắc (*) làm học trò của chị.
Hằng Nương đáp:
- Hừ, chị tự xa cách rồi lại trách chồng phải không ? Ngày đêm cứ nói sa sả là đuổi chim vào bụi (**), càng cách xa nhau hơn. Chị cứ về thả lỏng cho họ, dù anh ấy có tự đến cũng đừng cho vào phòng. Sau một tháng, em sẽ liệu tính cho chị.
Chu thị theo lời, càng trang điểm cho Bảo Đới, cho cùng ngủ với chồng. Mỗi khi chồng ăn uống thức gì đều cho Bảo Đới ăn chung. Lúc nào Hồng săn đón thì Chu thị lại cố tình từ chồi, thế là ai nấy đều khen Chu thị hiền. Như thế được hơn một tháng, Chu thị sang thăm Hằng Nương. Hăng Nương vui mừng mà rằng:
- Được đấy, bây giờ về nhà chị bỏ hết trang sức, không mặc đẹp, không phấn son để mặt bẩn, đi giày rách, cùng làm lụng với bọn người nhà, một tháng sau hãy sang đây.
Chu thị nghe theo, mặc áo vá, cố ý luộm thuộm, bẩn thỉu, chỉ biết dệt vải, ngoài ra không hỏi han gì đến. Hồng thương tình, sai Bảo Đới chia sẻ việc nặng nhọc, nhưng Chu thị gắt gỏng bảo về. Như thế được một tháng, lại sang gặp Hằng Nương. Hằng Nương bảo:
- Cô bé này dạy bảo được đấy! Ngày kia là tết Thượng Tỵ (***) muốn rủ chị cùng đi chơi hội xuân. Chị nên trút hết quần áo rách ra, tất dép áo quần thay mới một loạt rồi sơm sớm sang đây nhé!
Chu thị xin vâng . Đến ngày, Chu thị soi gương trang điểm kỹ càng, hết thảy làm như lời Hằng Nương dặn. Trang điểm xong, sang nhà Hằng Nương. Hằng Nương mừng rỡ khen:
- Khá lắm!
Rồi Hằng Nương búi hộ tóc hình cánh phượng, mượt bóng như gương soi, kiểu giày vụng thì lấy những mảnh giày của nhà từ trong rương ra ghép thành (****), xong đâu đấy liền bảo thay đổi...
Trước khi chia tay ra về, nàng mời Chu thị uống rượu rồi dặn:
- Lúc về giáp mặt anh chàng xong là lập tức đóng cửa đi ngủ cho sớm, chàng ta đếm gõ cửa cũng chớ mở ra. Ba lần gọi mới mở cửa cho vào một lần, nhưng phải dè sẻn những khi môi tìm lưỡi tay tìm chân. Nửa tháng sau hãy sang đây.
Chu thị về nhà ăn mặc cực đẹp ra mắt chồng. Hồng ngắm vợ từ trên xuống dưới, tươi cười khác hẳn ngày thường. Chu thị kể sơ qua buổi đi chơi rồi ngồi đỡ má r chiều mệt mỏi. Trời chưa nhá nhem đã đứng dậy đi về buồng cài cửa đi nằm. Lát sau quả nhiên Hồng đến gõ cửa, Chu thị cứ nằm không chịu dậy, Hồng đành bỏ đi. Tối sau cũng thế. Sáng thứ ba, Hồng trách vợ, Chu thị đáp:
- Ngủ một mình quen mất rồi, không kham nổi quấy rầy.
Hôm ấy, trời vừa xế bóng, Hồng đã vào buồng vợ ngồi chờ sẵn, rồi tắt nến lên giường như buổi tân hon, ái ân khôn xiết. Hồng hẹn đêm sau lại đến, Chu thị không chịu được mãi, mới ước với Hồn ba ngày một lần. Khoảng nửa tháng, Chu thị sang gặp Hằng Nương.
Hằng Nương đóng cửa lại chuyện trò với Chu thị rằng:
- Từ nay chị có thể độc chiếm anh ấy được rồi. Có điều chị tuy đẹp, nhưng chưa thật duyên. Nhan sắc như chị mà biết làm duyên nữa thì giành được cả lòng sủng ái đối với Tây Thi, huống hồ là người kém hơn.
Đoạn Hằng Nương bảo Chu thị liếc thử, rồi nói:
- Không phải thế! Cạnh ngoài mí mắt chưa ổn.
Bảo cười thử, rồi nhận xét:
- Không phải thế! Má bên trái chưa được.
Bèn dùng khóe thu ba lộ vẻ yêu kiều, mím miệng cười tươi hé hai hàng ngọc, bảo Chu thị bắt chước, đến mấy chục lần mới hơn giông giống. Hằng Nương bảo:
- Chị về đi rồi soi gương mà tập cho thành thạo, phép thuật chỉ có thế mà thôi. Còn như khi ở trên giường tuy cơ mà khơi động, tùy sở thích mà ứng theo, những điều ấy không thể dùng lời mà truyền cho nhau được.
Chu thị về nhà làm đúng như lời Hằng Nương dạy bảo. Hồng ưng ý lắm, si mê hình thể lẫn nhan sắc của vợ, chỉ sợ vợ cự tuyệt. Trời xế chiều là ngồi trước mặt nhau trò chuyện vui cười không chịu rời phòng khuê đến nửa bước, ngày nào cũng thế, không làm sao đâỷ đi chỗ khác được. Chu thị càng ưu đãi Bảo Đới hơn, mỗi khi bày tiệc trong phòng đều bọi Bảo Đới cùng ngồi chung giường, nhưng Hồng càng thấy Bảo Đới xấu xí, chưa xong bữa đã cho cô ta ra ngoài. Chu thị lại dụ Hồng vào buồng Bảo Đới rồi cài cửa ở bên ngoài nhưng Hồng không hề động đến, do đó Bảo Đới giận Hồng, gặp ai oán thán, khiến Hồng càng tức giận ghét bỏ, dần dần đến đánh đập cô ta. Bảo Đới phẫn uất, bỏ cả trang điểm, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, đầu tóc như đám cỏ rối, nên càng không thể nói năng gì đến người khác nữa.
Một hôm Hằng Nương hỏi Chu thị:
- Chị thấy thuật của em thế nào?
Chu thị đáp:
- Đạo thầy thật tuyệt diệu nhưng đệ tử này chỉ có thể làm theo mà rốt cuộc vẫn chưa thể hiểu được. Thả lỏng là vì sao?
- Chị chẳng nghe nói con người ta thường thích mới bỏ cũ, khó khăn coi trọng, dễ dàng coi thường đó sau? Chồn yêu vợ lẽ không cứ vì cô ta đẹp, mà vì chợt đươc nếm thì thấy ngọt, khó được gặp thì thấy mong. Thả lỏng cho no nê thì sơn hào hải vị cũng còn chán huống hồ là loại rau mọc dại.
- Bỏ hết trang điểm, sau lại chải chuốt cho cực đẹp là cì sao?
- Bỏ đấy không để mắt đến nữa thì tựa hồ xa nhau lâu ngày; bỗng thấy trang điểm đẹp đẽ thì như vừa mới đến, khác nào người nghèo đột nhiên được nếm món ngon, ắt thấy gạo lức chả còn mùi vị gì. Rồi lại không dễ dàng cho nếm ngay, thì kẻ kia cũ mà mình mới, kẻ kia dễ dải mà mình khó khăn. Đấy chính là đổi vợ thành thiếp vậy.
Chu thị mừng lắm, từ đó coi Hằng Nương là bạn tin cẩn chốn khuê phòng. Được mấy năm Hằng Nương bỗng bảo bạn rằng:
- Hai tâm tình đã như một, tự nghĩ không nên giấu diếm tung tích. Trước đâyđã toan nói nhưng sợ chị nghi ngại. Nay sắp từ biệt nhau, dám xin nói thật, em chính là hồ. Thuở nhỏ em gặp cái nạn mẹ kế, bán em lên đô thành. Chồng em đối với em rất hậu tình nên em không nỡ dứt tình ngay, lưu luyến đến nay. Ngày mai cha em thoát xác lên tiên, em phải tới thăm, không trở lại nữa.
Chu thị sụt sùi cầm tay Hằng Nương. Sáng sớm hôm sau sang thăm thì cả nhà bên ấy đang hoảng hốt kinh sợ vì không thấy Hằng Nương đâu nữa.
Dị sử bàn rằng:
Người mua ngọc không quý ngọc mà quý cái hộp đựng ngọc (*****). Tình người đối với mới, cũ, khó dễ vẫn là điều lạ lùng kỳ quặc mà từ nghìn xưa đến nay vẫn chưa phanh phui hết được. Nhưng cái thuật đổi ghét thành yêu thì đã được đem dùng trong thế gian. Đời xưa, bọn nịnh thần thờ vua, ngăn vua gặp người, cản vua đọc sách, do đó biết rằng giữ mình trong sự sủng ái lâu bền cũng là một tâm thuật truyền thụ được vậy.

Chú thích 
(*) Xưa, vua bao giờ cũng ngòi quay mặt về phương Nam. Ở đây ý nói học trò ngoảnh mặt về phương Bắc, tỏ ý kính trọng thầy như vua.
(**) Chữ trong Mạnh tử, ý nói làm người tốt xa lánh mình.
(***) Tức tết mồng ba tháng ba âm lịch, ở nước Trịnh thời xưa, vùng Thượng nguồn sông Trăn sông Vĩ, người ta tổ chức du Xuân, tay cầm cành hoa Lan để gọi hồn người chết, và trừ tà cầu phúc.
(****)Giày vải do phụ nữ khâu tay.
(*****) Ngụ ngôn đời xưa kể rằng người nước Sở sang nước Trịnh bán ngọc, dùng gỗ thơm làm hộp đựng ngọc, trang trí rất đẹp. Người nước Trịnh thấy cái hộp đẹp bèn mua hộp mà trả lại ngọc.

Nguyễn Huệ Chi dịch

Chuyện 42: Con Trai người lái buôn (Cổ Nhi)

Ông nọ người đất Sở (*) ra xứ ngoài buôn bán. Vợ ở nhà một mình, đêm nằm mơ thấy giao hợp với người lạ. Tỉnh dậy sờ thì ra một người đàn ông bé nhỏ. Xem cung cách khác với người thường, biết là hồ. Một lát sau bước xuống giường mà đi, cửa chưa mở đã mất hút. Đến tối phải bảo vú già vào ngủ chung. Có đứa con trai mười tuổi, từ trước vẫn ngủ ở giường khác, cũng gọi đến cùng ngủ. Đêm đã khuya, vú già và con đã ngủ cả, hồ lại đến, người đàn bà ú ớ như nói mê. Vú già biết vội hô lên, hồ mới đi.
Từ đó, người cứ ngẩn ngơ như đánh mất một vật gì. Tối đến không dám tắt đèn, dặn con không được ngủ say. Đêm khuya, con và vú già dựa lưng vào tường ngủ chợp đi, một lát tỉnh dậy, mẹ đã biến mất. Tưởng đi tiểu tiện, đợi lậu không thấy trỏ vào mới sinh nghi. Vú già sợ không dám đi tìm, thằng con cầm đèn đi soi khắp nơi. Đến một gian buồng khác thì thấy mẹ trần truồng nằm trong đó. Lại gần nâng dậy cũng không biết xấu hổ.
Từ đó hóa điên hát, khóc, chửi, mắng, mỗi ngày hàng vạn cách; đêm không muốn ở chung với người, cho con ngủ giuờng khác, vú cũng cho đi chỗ khác. Đứa con mỗi khi nghe thấy tiếng mẹ cười nói, thì dậy châm lửa soi. Mẹ tức giận mắng con, con cũng chẳng để ý, vì vậy ai cũng cho rằng đứa bé gan dạ.
Nhưng thằng bé lại hay đùa nghịch quá chừng, hàng ngày bắt chước người thợ đấu (**) lấy gạch đá xếp lên cửa sổ. Ngăn nó, nó không nghe. Hoặc rút một hòn đá của nó đi, nó liền lăn ra đất kêu khóc, cho nên không ai dám chọc tức nữa. Qua mấy hôm sau, hai cửa sổ đều bị lấp kín, không còn chút ánh sáng lọt qua. Thế rồi, nó mới lấy bùn chít che tường hở, suốt ngày quần quật không sợ mệt. Chít xong, không có việc gì làm, liền lấy dao làm bếp ra mài xoèn xoẹt. Ai trông thấy cũng ghét cho là gàn bướng, không coi ai ra người nữa.
Đến nửa đêm, thằng bé dấu dao vào bụng, chụp quả bầu lên cây đèn. Đợi mẹ nói mê, lập tức mở đèn ra, chặn cửa buồng kêu to lên. Một lúc lâu chẳng thấy gì lạ, liền rời khỏi cửa, vờ nói to lên là muốn đi tiểu tiện. Bỗng có một vật như con cáo từ khe cửa vọt ra. Vội chém nó, chỉ đứt được khúc đuôi, dài độ hai tấc, máu còn nhỏ giọt.
Mới đầu nó vừa dậy khêu đèn mẹ nó đã mắng chửi, đứa bé làm như không nghe; chém không trúng hồ nó buồn giận đi ngủ. Tự nghĩ tuy không chém chết ngay được, nhưng có thể may ra nó không đến nữa. Đến sáng, xem vết máu thấy leo qua tường mà đi. Lần theo thấy vào tường nhà họ Hà. Đêm đến quả nhiên không thấy gì nữa. Thằng bé mừng thầm, nhưng mẹ lại ngủ mê mệt như người chết vậy.
Không bao lâu, người lái buôn vế, đến bên giường thăm hỏi, vợ chửi mắng coi như cừu thù. Thằng bé kể chuyện lại, ông bố kinh sợ, mời thầy lang về chữa. Vợ hắt bát thuốc đi chửi mắng thậm tệ. Ngầm lấy thuốc bỏ vào nước thang (***) cho uống lẫn, mấy ngày sau, dần dần yên, hai bố con đều mừng.
Một đêm, tỉnh giấc dậy, người đàn bà lại biến mất Hai bố con lại tìm thấy ở buồng khác. Từ đó lại điên, không muốn ngủ cùng buồng với chồng nữa. Gần tối là chạy sang buồn khác, giữ lại càng mắng chửi thậm tệ. Chồng không làm cách nào được, phải đóng tất cả cá buồng khác lại. Người đàn bà chạy đến thì tự dưng cửa mở ra. Chồng rất lo sợ, cầu cúng đủ cách cũng không hiệu nghiệm tý nào.
Một hôm gần tối, đứa bé lẻn đến giường họ Hà, nấp trong bụi rình xem hồ ở đâu. Trăng vừa lên, bỗng nghe có tiếng người nói, lén vạch cỏ nhòm, thấy hai người đến uống rượu, một người đầy tớ râu dài bê hồ rượu, áo màu lá cọ. Tiếng nói rầm rì nhỏ quá không nghe được rõ. Một lúc nghe thấy một người nói:
- Ngày mai hãy mang lại đây một nậm rượi trắng.
Lại một lúc nữa hai người đều bỏ đi, duy chỉ có lão râu dài ở lại, cởi aó nằm trên tảng đá trong vườn. Nhìn kỹ tay chân đều như người, chỉ có cái đuôi thò ra đàng sau. Thằng bé muốn về nhưng sợ hồ biết, đành nấp suốt đêm. Trời chưa sáng, lại nghe thấy hai người lục đục trở lại, tiếng nói lí nhí đi vào trong bụi trúc. Thằng bé mới trở về. Bố hỏi đi đâu, đáp:
- Ngủ ở nhà bác.
Bỗng một hôm, theo bố vào chợ, thấy hàng mũ có treo cái đuôi chồn, liền xin bố mua cho. Bố không nghe. Nó cứ kéo áo bố, nằn nì đòi mua. Bố không nỡ phật ý, bèn mua cho. Bố buôn bán trong cửa hàng, con đùa nghịch ở bên cạnh. Thừa lúc bố ngoảnh đi chỗ khác, thằng bé lấy cắp tiền, đi mua rượi trắng gửi lại ở quán. Có người cậu ở trong thành vốn nghề săn bắn. Nó chạy đến nhà cậu, cậu di vắng. Mợ hỏi bệnh mẹ, nó đáp:
- Mấy hôm nay đã khá lớn. Nhưng chuột cắn quần áo, mẹ cháu giận, khóc mãi không nguôi, nên sai cháu xin tí thuốc đánh bả thú(****).
Mợ mở hòm lấy độ một đồng cân, gói lại đưa cho thằng bé. Nó cho là ít. Nhân lúc mợ đi làm mì nước cho cháu ăn, nó nhìn trộm nhà không có người, liền mở gói thuốc, trộm lấy một vốc, giấu vào trong bọc, đoạn ra bảo mợ đừng nhóm bếp nữa:
- Bố cháu đợi cháu ở chợ, cháu chả kịp ăn đâu.
Nói xong đi ngay. Nó lén bỏ thuốc độc vào trong rượu, rồi đi chơi rong trong chợ, gần tối mới về. Bố hỏi đi đâu, nói thác là ở nhà cậu.
Từ đó thằng bé ngày ngàyđi chợ chơi. Một hôm thấy người râu dài cũng lẫn trong đám đông. Nó nhìn kỹ quả đúng, liền ngầm theo sát nút. Dần dà nói chuyện với lão. Lão đáp:
- Ở thôn Bắc.
Lão cũng hỏi lại thằng bé, nó vờ đáp rẳng:
- Ở trong hang núi.
Lão râu dài thấy nó ở trong hang núi, lâý làm lạ. Thằng bé cười nói:
- Nhà tôi đời đời ở trong hang núi, ông cũng thế chứ không ư?
Người đó càng kinh ngạc , hỏi họ nó, thằng bé đáp:
- Tôi là con họ Hồ, hình như đã từng gặp ông ở đâu, theo sau hai chàng trè tuổi, ông quên rồi ư?
Người đó nhìn kỹ thằng bé nửa tin nửa ngờ. Thằng bé khẽ vạch đũng quần, hơi thò cái đuôi giả ra, nói:
- Bọn mình trà trộn giữa giống người, chỉ cái của này là vẫn còn, thật cũng đáng bực.
Người đó hỏi:
- Đi chọ làm gì?
Thằng bé nói:
- Bố sai tôi đi mua rượu.
Lão bảo lão cũng đi mua rượu. Thằng bé hỏi:
- Mua chưa?
Đáp:
- Bọn tôi phần lớn đều nghèo, nên thường đánh cắp nhiều hơn mua.
Thằng bé nói:
- Việc ấy kể cũng khổ, luôn luôn phải lo sợ.
Người đó nói:
- Chủ sao làm, không thể không làm được.
Thằng bé nhân đấy lại hỏi:
- Chủ là ai?
Đáp:
- Thì là anh em người trẻ tuổi hôm nào chú nhìn thấy đó. Một người thì dang díu với vợ chàng Vương ở ngaòi cửa Bắc, còn một người thường ngủ nhà ông nọ ở thôn Đông. Chẳng may gặp thằng bé con nhà ông ta dữ quá, bị chém đứt đuôi, mười ngày mới khỏi, bây giờ lại mò đến rồi.
Nói xong toan đi, bảo rằng:
- Đừng làm lỡ việc của lão nhé.
Thằng bé nói:
- Lấy trộm khó lắm, chi bằng mua dễ hơn. Tôi đã mua trước gửi ở trong quán, xin tặng ông đấy. Túi tôi còn thừa tiền, không lo gì chuyện mua cả.
Lão thẹn vì chẳng có gì trả ơn. Thằng bé nói:
- Chúng ta vốn cùng loài, làm gì một tý đó, lúc nào rỗi còn phải chén với ông một bữa say khướt.
Liền cùng đi lấy rượu đưa cho rồi về.
Đến đêm mẹ quả ngủ yên, không chạy đi đâu nữa.
Bụng biết là có chuyện lạ, liền bảo bố cùng đi xem; thì thấy có hai chú hồ chết ở trên ngôi đình. Một con hồ nữa chết trong đám cỏ, máu còn ròng ròng nơi miệng,. Bình rượu cũng ở gần đó, cầm lên lắc, vẫn chưa hết. Ông bố lấy làm lạ, hỏi:
- Sao không bảo trước?
Thằng bé đáp:
Giống này cực thính, hơi lộ là nói biết ngay.
Bố mừng nói:
- Con ta có cái mưu đánh hồ của Trần Bình (*****) đây!
Hai bố con đem xác hồ về. Thấy một con cụt đuôi vết dao còn rõ.
Từ đó mới yên, mà người đàn bà gầy ốm quá, dần dần tỉnh ra, nhưng ho càng nặng, khạc ra hàng đấu đờm, chẳng bao lâu rồi chết. Vợ chồng họ Vương ngoài cửa Bắc trước vẫn bị hồ trêu ghẹo, nay đến hỏi thì hồ đã dứt, mà bệnh cũng khỏi. Ông bố vì vậy biết con là đứa trẻ lạ, liền dạy cưỡi ngựa bắn cung, về sau làm đến chức tổng nhung. (******)

Chú thích:
(*) đất Sở : Tên một nước ở TQ thời xưa, hiện nay thuộc tỉnh Hồ Bắc.
(**) thợ đấu: thợ làm đất.
(***) Nguyên văn: "thang thủy" là nước sôi hoạc một thứ nước lá trợ lực cho thuốc.
(****) bả thú: Nguyên văn "lạp dược" là thuốc độc dùng để săn thú.
(*****)Trần Bình là người đầu đời Hán, sau này bày kế giúp Lưu Bang (Hán cao tổ) thu lấy thiên hạ. Ở đây ý nói em bé có mưu kế giỏi như Trần Bình vậy.
(******) tổng nhung: chức quan võ về đời Thanh.

Đỗ Ngọc Toại dịch

Chuyện 43: Cô Tú ( A Tú )

Lưu Tử Cố quê ở Hải Châu (*), năm mười lăm tuổi đến đất Cái thăm cậu, thấy trong cửa hiệu tạp hóa có một cô gái yểu điệu, xinh đẹp vô song, lòng rất yêu thích, lần vào trong hiệu giả vờ mua quạt. Cô gái lên tiếng gọi bố. Bố ra, ý định của Lưu bị cản trở, bèn cố ý trả rẻ mà lui ra. Xa trông thấy người cha đi nơi khác bèn quay lại, cô gái toan tìm bố. Lưu ngăn lại nói:
- Không cần, cứ nói giá, tôi không trả rẻ đâu.
Cô gái được lời, cố ý nâng giá lên. Lưu không nỡ mặc cả, rút tiền trả rồi đi. Hôm sau lại đến, lại làm như trước. Vừa đi được vài bước, cô gái gọi theo:
- Trở lại đã! Vừa rồi nói dối đấy, giá thế đắt quá!
Nhân mới lấy nửa tiền trả lại. Lưu càng cảm lòng thành thực, hễ rỗi lại đến, vì thế ngày càng quen.
Cô gáo hỏi:
- Chàng ở đâu?
Lưu cứ thực nói. Lại hỏi lại thì tự nói là họ Diêu tên là A Tú (**). Lúc Lưu sắp đi, cô gái đem những vật đã mua, lấy giấy bọc hộ cẩn thận, rồi lè đầu lưỡi, thấm ướt để dán lại. Lưu đem về không dám động đến, sợ mất hẳn lằn lưỡi của nàng.
Được nửa tháng, người đầy tớ nhòm biết, mới ngầm cùng cậu, cố bắt Lưu phải về. Chàng bâng khuâng vơ vẩn không khuyây, đem những thứ như khăn mặt, phấn, sáp đã mua cất giấu vào trong một cái tráp, lúc vắng người lại khép cửa, tự mình lần giở xem một lượt. Hễ thấy món nào cũng tưởng nhớ ngẩn ngơ.
Năm sau lại đến đất Cái. Hành lý vừa cởi, liền đến ngay chỗ cô gái. Tới nơi thì thấy cửa ngõ đóng chặt, thất vọng mà về, bụng vẫn nghĩ rằng đi đâu vắng chưa về. Sáng hôm sau lại đến, cửa vẫn khóa như cũ. Hỏi các nhà hàng xóm mới biết, họ Diêu vốn người Quảng Ninh, vì buôn bán không lợi lắm nên tạm về quê ở. cũng không biết rõ bao giờ sẽ trở lại. Tâm thần như nghiêng như đổ; chàng ở vài ngày rồi rầu rĩ mà về.
Mẹ bàn dạm vợ cho, nhưng mấy lần chàng đều ngãng ra. Mẹ vừa giận vừa lấy làm lạ. Người đầy tớ liền kể chuyện mấy năm trước cho mẹ biết, mẹ càng đề phòng ráo riết. Đường sang đất Cái từ đó tuyệt hẳn. Lưu đâm thảng thốt, rồi giảm ăn kém ngủ. Mẹ lo lắng không tìm ra cách gì, bèn nghĩ: chẳng bằng theo ý con vậy.
Ngay hôm đó liền sắm sửa hành trang cho chàng sang đất Cái, lại chuyển lời nhắn với người cậu nhờ làm mối dùm. Cậu nhận lời, đến nhà họ Diêu, một lát trở về nói với Lưu:
- Việc không xong rồi. A Tú đã hứa gả cho một người ở Quảng Ninh!!
Lưu cúi đầu ngao ngán, lòng nguội như tro, hy vọng mất hết. Về nhà rồi thường ôm tráp mà khóc, bồi hồi tưởng nhớ, chỉ mong thiên hạ lại có người giống như thế.
Gặp khi người mối đến, khen người con gái họ Hoàng ở Phục Châu tuyệt đẹp. Lưu sợ không đúng, bèn sai đánh xe đến đất Phục. Vào cổng Tây, thấy một nhà hướng Bắc, hai cánh cửa cổng nửa khép nửa mở, trong đó một cô gái giống A Tú lạ. Lại chú ý dõi theo, thấy cô gái vừa đi vừa trông lại mà vào, đích thị không sai.
Lưu rất xúc động bèn thuê nhà bên Đông, hỏi dò kỹ thì là nhà họ Lý. Nghĩ đi nghĩ lại, chẳng lẽ thiên lại có người giống nhau đến thế ư? Ở mấy hôm, không cậy ai được, chỉ hằng ngày đăm đăm trông chờ ngoài cổng, hy vọng cô gái có lúc lại đi ra.Một hôm mặt trời xế về Tây, cô gái quả ra thực, bỗng thấy Lưu, liền quay vào, lấy tay chỉ ra đằng sau, lại để bàn tay lên trán, đoạn mới vào. Lưu mừng hết sức nhưng không hiểu ý ra sao. Ngẫm nghĩ một lát, rảo bước ra sau nhà, thì thấy vườn hoang trống trải, phía Tây có một bức tường thấp độ ngang vai, mới chợt hiểu, liền ngồi phục trong đám cỏ sương. Một lúc lâu, có người từ bên tường kia thò đầu sang khẽ hỏi: "Đã đến đấy à". Lưu đáp : "Vâng" rồi đứng dậy, nhìn kỹ thì thật A Tú. Nhân khóc nức nở, nước mắt như dây giòng (***). Cô gái cách tường tay vuốt ve lên mình Lưu lấy khăn lau nước mắt cho chàng, kiếm lời an ủi ân cần.
Lưu nói:
- Xoay xỏa trăm kế chẳng xong, tự bảo kiếp này thôi thế là thôi, nào ngờ lại có đêm nay. Nhưng sao nàng lại đến đây?
Đáp:
- Họ Lý là chú bên ngoại của thiếp.
Lưu xin trèo tường sang, cô gái nói:
- Chàng cứ về trước, bảo người nhà đi ngủ chỗ khác, thiếp sẽ tự đến.
Lưu làm như lời nàng, ngồi đợi. Một lúc sau cô gái lặng lẽ đi vào, ăn mặc không lộng lẫy lắm, vẫn quần áo ngày trước. Lưu kéo ngồi xuống, kể lể nổi nhớ, nhân hỏi:
- Nghe nói nàng đã nhận lời người ta, sao còng chưa cưới?
Cô gái nói:
- Ai bảo thiếp nhận lời là nói sai đấy. Cha thiếp thấy đường sá xa xôi không muốn gả thiếp cho chàng. Có lẽ đó là cậu nói thác ra để chàng đừng mong tưởng nữa mà thôi.
Rồi đó lên giường chung gối; lả lướt muôn nghìn cách, đưa đón thật hoan lạc, không sao nói hết cho được. Đến canh tư vội trở dậy trèo tường mà đi. Từ đấy Lưu quên hẳn ý định đến nhà họ Hoàng, trọ liền nửa tháng tại đây, tuyệt nhiên không nói gì đến việc về nữa.
Một đêm người đầy tớ dậy cho ngựa ăn, thấy trong nhà đèn còn sáng, nhòm vào thấy A Tú sợ lắm, không dám hỏi chủ. Sáng dậy, ra hỏi các cửa hàng ngoài chợ, rồi trở về hỏi Lưu:
- Người đêm đêm vẫn đi lại với công tử là ai vậy?
Lúc đầu Lưu chối, người đây tớ nói:
- Nhà này vắng vẻ là nơi quỷ hồ tụ tập, công tử nên giữ gìn. Cô gái họ Diêu làm gì mà đến chốn này?
Lưu mới thẹn nói:
- Nhà hàng xóm phía Tây là chú bên ngoại của nàng, có gì mà ngờ.
Người đầy tớ đáp:
- Tôi đã hỏi kỹ. Nhà bên Đông chỉ có một bà cụ già, nhà bên Tây chỉ có một người con trai còn nhỉ, nggoài ra chẳng có thân thích nào nữa. Người cậu gặp gỡ đây tất là ma quỷ, nếu không, chẳng lẽ cái áo mấy năm vẫn không thay? Vả lại da mặt trắng quá, hai má lại hơi gầy, lúc cười không thấy lúm đồng tiền không đẹp bằng A Tú.
Lưu suy đi nghĩ lại đâm hoảng, nói:
- Bây giờ làm thế nào?
Người đầy tớ bàn tính đọi cô gái đến, cầm binh khíxông vào cùng đánh. Chập tối, cô gái đên, nói với Lưu rằng:
- Biết chàng sinh lòng ngờ vực, nhưng thiếp cũng không có ý gì khác, chẳng qua cho trọn cái duyên phận với nhau thôi.
Nói chưa dứt, người đầy tớ đẩy cửa xông vào. Cô gái mắng:
- Bỏ ngay binh khí xuống, rồi mang rượu đến đây, để ta từ biệt chủ nhân.
Người đầy tớ tự nhiên ném dao xuống như bị người giằng lấy. Lưu càng sợ cố gằng tiếp rượu. Cô gái cười như thường, giơ tay chỉ vào Lưu mà nói:
- Biết tâm sự chàng, vẫn định lo toan giúp chàng chút ít, sao lại nỡ phòng bị ngầm? Tuy thiếp không phải A Tú, nhưng cũng tự cho mình không kém. Chàng tự nhìn kỹ xem, không phải ư?
Lưu rợn hết lông chân, miệng đờ ra không nói được. Cô gái nge canh đã sang ba, liền cầm chén hớp một hớp, đứng dậy nói:
- Tôi hẵng đi đã, đợi đến sau hôm động phòng hoa chúc sẽ lại đến so với người đẹp của chàng xem ai hơn ai kém.
Đoạn quay mình ra, biến mất.
Lưu tin lời hồ nói, lại sang đất Cái. Oán cậu nói dối mình, không đến nhà cậu nữa mà trọ ở gần nhà họ Diêu, nhờ mối đến nói chuyện, đút cho nhiều tiền. Bà vợ họ Diêu nói:
- Chú nó định kiếm chồng cho cháu ở Quảng Ninh nên ông nó sang đấy. Việc thành hay không chưa thể biết; phải đợi ông ấy về, mới có thể bàn được.
Lưu nghe nói, bàng hoàng không biết làm thế nào, đành phải cố đợi ông Diêu về.
Được hơn mười ngày, bỗng nghe có loạn, còn ngờ là lời đồn huyễn; lâu về sau, tin càng gấp, bèn thu xếp hành trang ra đi. Giữa đường gặp loạn thầy tớ lạc nhau, Lưu bị quân trinh sát bắt. Thấy Lưu họ trò yếu đuối, họcũng lơ là việc canh phòng, Lưu liền ăn trộm ngựa trốn đi.Đến giáp giới Hải Châu, thấy một người con gái, đầu tóc rối bù, mặt mũi nhem nhuốc, bước chân thất thiểu, dường không lê nổi. Lưu ruổi ngựa vượt lên trước, cô gái vội vàng gọi:
- Người cưỡi ngựa có phải là chàng Lưu đó không ?
Lưu dừng roi lại, nhìn kỹ thì ra là A Tú. Bụng còn sợ là hồ, liền hỏi:
- Nàng là A Tú thật đó chăng?
Cô gái hỏi:
- Tại sao lại hỏi câu đó?
Lưu kể lể những chuyện mình đã gặp. Cô gái nói:
- Thiếp là A Tú thực. Cha thiếp đem thiếp từ Quảng Ninh về, gặp loạn bị bắt, họ đưa ngựa cho cưỡi , nhưng mấy lần đều bị ngã. Chợt một người con gái nắm lấy cổ tay lôi đi, trốn lẩn lút trong đám quân cũng không có ai hỏi. Cô gái ấy đi nhanh như cắt, thiếp khốn khổ mà không theo kịp, mới độ trăm bước đã mấy lần tụt lại phía sau.Một lúc lâu, nghe thâý tiếng người reo ngựa hí xa gần, mới buông tay thiếp ra, nói:
- Từ giã thôi! Đường trước mặt đều yên ổn, có thể thủng thẳng mà đi; người yêu của em cũnga sắp đến, nên theo chàng cùng về.
Lưu biết đấy là hồ, lầy làm cảm kích, nhân kể rõ đầu đuôi vì sao mình lưu lại đất Cái. Cô gái nói rằng chú nàng định gả cho người họ Phương, chưa kịp ăn hỏi thì gặp loạn, Lưu mới biết lời cậu nói không phải là dối trá, bèn đỡ nàng lên ngựa, cùng cưỡi về.
Vào cổng, mẹ già vẫn không việc gì, Lưu rất mừng, bèn buộc ngựa mà vào nhà, kể chuyện đầu đuôi. Mẹ cũng mừng, liền sửa soạn cho cô gái đi tắm rửa. Nàng trang điểm, dung nhan lộng lẫy, mẹ vỗ tay nói:
- Chả trách gì thằng con si mộng hồn không lúc nào yên.
Bèn trải đệm bảo cô gái nằm chung với mình. Lại sai người đến đất Cái đưa thư cho họ Diêu biết. Chưa được mấy ngày, vợ chồng Diêu cùng đến, chọn ngày lành cho con gái thành hôn rồi mới đi.
Lưu đem cái tráp mình cất giữ ra, dấu phong còn nguyên vẹn.. Có hộp phấn mở ra thì hóa ra đất đỏ. Lưu lấy làm lạ. Cô gái bưng miệng cười nói:
- Vụ trôm mấy năm trước, nay bị phát giác rồi. Ngày ấy, thấy chàng để mặc thiếp tự gói, không xem lại thật giả, nên làm thế để bỡn nhau đấy thôi.
Đang lúc cười đùa, một người vén màn bước vào nói:
- Thích ý như thế, thì phải tạ ơn bà mối chứ?
Lưu nhìn lại thì lại một A Tú nữa, vội gọi mẹ. Mẹ và người nhà đều cùng đến, mà không ai pân biệt được. Lưu vừa đảo mắt một cái cũng lẫn luôn. Phải chú mục giây lâu mới biết mà vái tạ. Cô gái ấy tìm gương tự soi, rồi thẹn thùng đi vội ra, theo tìm thì đã biến mất rồi. Vợ chồng cảm nghĩa lập bài vị thờ trong nhà.
Một đêm, Lưu uống rượu say về, trong nhà tối tăm không có ai, đương tìm đèn để thắp thì A Tú đến. Lưu kéo lại hỏi đi đâu, cười nói rằng:
- Hơi men sặc người, làm người ta không chịu được. Như thế mà còn tra hỏi vòng vo! Ai đã trốn vào ruộng dâu đâu nào!
Lưu cười nâng hai má nàng lên. Cô gái nói tiếp:
- Chàng trông thiếp với chị hồ ai hơn?
Lưu nói:
- Mình đẹp hơn, nhưng người nào chỉ xem bề ngoài thì không sao phân biệt được.
Thế rồi khép cửa lại ôm nhau giao hợp, chốc lát có tiếng gõ cửa, cô gái liền đứngdậy cười nói:
- Chàng cũng là kẻ chỉ biết xem bề ngoài thôi nhá.
Lưu chưa hiểu, ra mở cửa thì A Tú bước vào, rất kinh ngạc, mới biết người vừa nói chuyện vừa rồi là hồ. Trong đêm tối lại nghe thấy tiếng cười. Hai vợ chồng trông vào quảng không mà vái, cầu xin nàng hiện hình trơ lại. Hồ nói:
- Tôi không muốn trông thấy A Tú.
Hỏi:
- Tại sao không biến thành khuôn mặt khác?
Nói:
- Không thể được.
Hỏi tại sao, nói rằng:
- A Tú là em gái tôi, kiếp trước không may chết yểu. Khi còn sống, cùng tôi theo mẹ lên thiên cung, thấy Tây Vương Mẫu đem lòng yêu mến, lúc về cồ sức bắt chước. Em tôi thông tuệ hơn tôi, chỉ một tháng là bắt chước giống hệt, tôi học đến ba tháng mới giống mà rồi cũng không bằng nó. Đến nay đã khác kiếp, tự nghĩ hơn nó, không ngờ vẫn như ngày xưa. Tôi cảm lòng thành của hai người, nên thỉnh thoảng sẽ đến thăm, bây giờ thì đi đây.
Liền không nói gì nữa. Từ đấy, dăm ba ngày lại đến một lần, những việc khó khăn nghi ngại đều giải quyết được cả.
Khi A Tú về thăm cha mẹ thì ở luôn mấy ngày không đi, người nhà đều sợ mà tránh. Nhà có mất gì thì lại ăn mặc kịch sự, cài cái trâm đồi mồi dài mấy tấc, bắt người nhà đứng xung quanh, rồi nghiêm giọng bảo rằng:
- Vật lấy trộm, đêm nay phải mang đến chỗ ấy chỗ nọ mà để, nếu không đầu sẽ nhức buốt lên, hối không kịp đâu.
Trời sáng quả lấy lại được đúng chỗ đã bảo.
Ba năm sau, tuyệt không đến nữa. Bỗng nhiên gặp chuyện mất tiền lụa. A Tú bắt chước ăn mặc đúng như cô ta mà đe người nhà, cũng thường thấy kiến hiệu.

Chú thích 
(*) một huyện thuộc tỉnh Giang Tô
(**) Trong bản chúng tôi dùng làm gốc, cô gái không xưng tên. Nhưng xét toàn bộ câu chuyện thì không ở đâu xưng tên nữa, vì vậy chúng tôi tham khảo thêm các bản khác mà thêm vào câu này.
(***) Dây giòng xuống giếng để múc nước.

Đỗ Ngọc Toại dịch

Chuyện 44: Cô Tư Họ Hồ ( Hồ Tứ Thư )
Thư sinh họ Thượng, ngường đất Thái Sơn (*), ở một mình nơi thư trai thanh tịnh. Gặp đêm thu, sông Ngân vằng vặc, trăng sáng lưng trời, chàng bồi hồi dưới bóng hoa, thả hồn tưởng nghĩ xa xôi. Bỗng một cô gái trèo qua tường vào, cười nói:
- Cậu tú nghĩ gì lung thế?
Chàng đến gần nhìn thì mặt đẹp như tiên, mừng đến thảng thốt. bèn dìu nàng vào, cùng nhau ân ái thỏa sức. Nàng tự xưng họ Hồ, tên là cô Ba. Hỏi nhà cửa ở đâu, chỉ cười không nói. Chàng cũng thôi không cật vấn nữa, chỉ hẹn gắn bó lâu dài mà thôi. Từ đó không đêm nào nằm suông.
Một đêm ngồi kề đùi dưới ánh đèn thấp thoáng sau mán, chàng yêu quá, mắt nhìn nàng không chớp. Nàng cười nói:
- Sao nhìn thiếp đăm đăm thế?
Chàng đáp:
- Nàng như hoa hồng dược, hoa bích đào, nhìn suốt đêm cũng không chán.
Cô Ba nói:
- Thiếp thô lậu thế này mà còn được mắt xanh tưởng đến, nều gặp em Tư nhà thiếp thì không biết chàng còn điên đảo đến đâu.
Chàng nghe vậy càng thêm động lòng, chỉ hận chưađược một lần thấy mặt, bèn quỳ gối van nài. Đêm sau quả nhiên cô gái dắt cô Tư cùng đến. Tuổi mới cập kê, như hoa sen đượm sương, hoa hạnh khói tỏa, nét cười tươi rói, xinh đẹp tuyệt trần. Chàng mừng cuống cuồng, vội dẫn vào ngồi.
Trong khi cô Ba cùng chàng chuyện trò cười nói thì cô Tư chỉ ngồi cúi đầu, tay mân mê giảu lưng thêu. Lát sau cô Ba đứng dậy cáo biệt, em gái cũng định ra theo, nhưng chàng kéo lại, không chịu buông, mắt nhìn sang cô Ba cầu cứu:
- Ái Khanh, phiền nàng nói giúp một câu.
Cô Ba bèn cười nói:
- Anh chàng cuồng si này yêu quýnh lên thật rồi. Em hãy nán lại một lát.
Thấy cô Tư không nói gì, cô chị mới giã từ ra đi. Hai người bèn giao hoan thật thỏa thích. Xong đâu đấy mới gối đầu trên cánh tay, thố lộ hết chuyện bình sinh, không còn dấu diếm điều gì. Cô Tư tự nói mình là hồ, nhưng chàng Thượng vì đang mê đắm nhan sắc nên cũng không lấy thế làm quái lạ. Cô Tư nhân thế lại nói:
- Chị Ba em ác độc như lang sói, nghiệp của chị là phải giết được ba người. Ai đã bị chị mê hoặc thì không tránh khỏi chết. Em may mắn được chàng đoái thương, không nỡ nhìn chàng bị hại, hãy sớm dứt tình với chị đi.
Chàng sợ, xin bày cho cách đối phó. Cô Tư nói:
- Em tuy là hồ, nhưng lại học được chính pháp của tiên. Để em viết một lá bùa dán lên cửa phòng ngủ của chàng thì có thể dứt bỏ được.
Nói rồi viết liền. Trời sáng, cô Ba trở lại thấy bùa bèn lui ra nói:
- Con tiện tỳ này nỡ phụ bụng ta! Hết lòng với tân lang mà không nhớ gì đến bà mối nữa. Song hai chúng bay cũng có chút duyên trước với nhau, ta chẳng thù hận gì. Có điều hà tất phải làm thế.
Nói rồi đi ngay. Mấy hôm sau cô Tư có việc phải đi nơi khác, hẹn cách một đêm sẽ đến. Hôm đó, chàng ngẩu nhiên ra cửa nhìn về phía xa, nơi đám rừng sồi dưới chân núi. Chợt thấy một thiếu phụ từ trong lùm cỏ rậm đi ra, nhác trông cũng ra chiều phong vận. Nàng đến gần bảo chàng:
- Cậu tú việc gì phải bo bo quyến luyến chị em nhà họ Hồ? Chúng có đồng nào để tặng chàng đâu!
Nói rồi đưa ngay cho Thượng một quan, bảo:
- Hãy cầm về trước mua rượu ngon, thiếp sẽ đem một ít đồ nhắm đến để vui cùng với chàng.
Thượng cầm tiền về, làm như lời dặn. Lát sau thiếu phụ đến, đặt lên bàn một con gà quay, một vai lợn muối, rồi rút dao thái thành từng miếng. Rượu rót ra cùng nhắm, chuyện trò đùa giỡn vui vẻ lạ thường. Rồi tắt đèn lên giường, yêu đương quấn quít, buông thả đến cùng cực. Trời sáng mới dậy. Đang ngồi ở đầu giường xỏ chân vào giày, bỗng nghe có tiếng người. Vừa mới lắng tai, bước chân đã vào đến màn ngủ, thì ra chính là chị em họ Hồ. Thiếu phụ vừa nhìn thấy liền vội vàng lẩn trốn, bỏ lại đôi giày cạnh giường. Hai chị em đuổi theo mắng rằng:
- Con chồn ô uế kia, sao dám cùng ngủ với người?
Đuổi một lúc lâu mới quay lại. Cô Tư giận dỗi nói:
- Chàng không thể khá được! Đã chung chạ với con chồn ô uế ấy thì không thể thân cận được nữa!
Nàng đùng đùng bỏ đi. Chàng hoảng sợ, phải tự mình tạ lỗi, lời lẽ khẩn khoảng rất thảm. Cô Ba đứng bên hòa giải giúp, cơn giận của cô Tư mới tạm nguôi. Tư đó lại yêu mến nhau như buổi đầu.
Một hôm có người ở đất Thiểm cưỡi lừa đi qua cửa nói:
- Ta đi tìm loài yêu quái, chẳng phải một sớm một chiều, thế mà mãi hôm nay mới gặp.
Người cha nghe nói lấy làm lạ hỏi rõ nguồn cơn, thì nói:
- Tiểu sinh ngày ngày lênh đênh với khói sóng, du ngoạn bốn phương; một năm hơn mười tháng thì vắng nhà đến tám chín. Bọn yêu quái nhân đó đã giết hại em trai tôi. Khi trở về biết tin, lòng khôn xiết đau thương, uất hận, thề phải tìm diệt chúng kỳ hết. Bôn ba đã mấy nghìn dặm mà tuyệt chưa thấy dấu vết gì. Hôm nay biết chúng đang ở trong nhà cụ. Nếu không diệt đi hẳn sẽ lại bị hại như em tôi.
Thường ngày chàng ngấm ngầm đi lại với cô gái, cha mẹ đã phọng phanh biết chuyện.Nghe khách nói thế, ông bà rất sợ, xin mời vào nhà, xin làm phép trừ yểm. Khách lấy ra hai bình, đặt xuống đất, niệm chú một lúc lâu. Bỗng bốn luồng khói đen bay tới, chia ra mà chui lọt vào trong hai bình. Khách mừng nói:
- Cả nhà nó đều vào đây hết rồi!
Sau đó lấy bong bóng lợn bịt miệng bình, buộc lại thật chặt. Cha chàng cũng mừng, cố giữ khách lại dùng cơm. Riêng chàng thấy buồn bã trong lòng, lại gâ2n bình nhìn trộm. Bỗng nghe cô Tư ở trong bình nói vọng ra:
- Nỡ ngồi nhìn mà không cứu, sao chàng phụ lòng nhau đến thế?
Chàng càng cảm động, vội mở miệng bình, nhưng dây buộc không thể cởi ra được. Cô Tư lại nói:
- Đừng làm thế. Chỉ cần hất đổ lá cờ trên đàn cúng, lấy kim châm thủng một lỗ trên lớp bong bóng là em sẽ ra được ngay.
Chàng làm như lời cô gái, quả nhiên trông thấy một sợi khói trắng chui qua chỗ kim châm, bay vụt lên trời đi mất.
Khách ra, thấy cờ đổ xuống đất, cả sợ nói:
- Trốn mất rồi! Việc này chắc hẳn là do công tử thôi.
Bèn lắc bình, ghé tai nghe rồi nói:
- May chỉ có một con trốn thoát. Con này dẫu có giao hợp với người cũng chẳng chết ai; còn có thể tha được.
Nói rồi mang bình từ biệt mà đi.
Về sau, có lần chàng đang trông coi người gặt lúa ngoài đồng, chợt xa xa thấy cô Tư ngồi dưới gốc cây. Chàng đến cầm tay ân cần hỏi thăm. nàng đáp:
- Xa nhau chốc đã mười năm. Nay tu luyện đã thành, chỉ vì lòng nhớ chàng chưa dứt nên trở lại thăm nhau một lần nữa.
Chàng muốn đưa náng cùng về, nàng nói:
- Thiếp bây giờ không còn như ngày xưa; không thể vướng vào ái tình nơi cõi trần được nữa, sau này sẽ còn gặp lại nhau.
Nói rồi chẳng thấy đâu nữa.
Lại hơn hai chục năm qua, vừa khi chàng đang ở nhà một mình thì cô Tư từ ngoài bước vào. Chàng mừng rỡ, cùng trò chuyện. Cô gái nói:
- Thiếp nay đã ghi tên trong sổ tiên, lẽ ra không trở lại cõi trần. Nhưng cảm lòng chàng, thiếp đến báo tin cho chàng biết: hạn kỳ tuổi thọ đã hết, hãy sớm thu xếp việc nhà. Cũng đừng buồn phiền, thiếp sẽ độ trì cho chàng làm quỷ tiên, cũng không đến nỗi khổ đâu.
Nói rồi từ biệt mà đi. Đến ngày quả nhiên chàng qua đời.
Thư sinh họ Thương là người thân thích của Lý Văn Ngọc, bạn ta chính chàng đã từng được gặp.

Chú thích 
(*) đất Thái Sơn : tên quận, thuộc tỉnh Sơn Đông.

Trần Thị Băng Châu dịch 

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/