Chuyện 67: Vợ Bé Là Chồn (Hồ thiếp)
Lai Vu, Lưu Động Cửu, làm quan ở Phân Châu, có bữa ngồi một mình ở trong đình, nghe ngoài sân có tiếng cười nói, trước xa sau gần, rồi vào tới trong nhà, thì ra là bốn người con gái. Người lớn nhất độ bốn mươi tuổi; thứ hai chừng ba mươi; thứ ba tới hai bốn hai nhăm trở lại; cuối cùng là một cô còn để tóc xõa.
Cả bốn cùng đứng trước kỷ ngó nhau mà cười.
Lưu vốn biết trong đình nhiều chồn, cho nên mặc kệ, không buồn để ý. Giây lát cô bé tóc xõa lấy chiếc khăn đỏ ra ném giỡ trên mặt Lưu, Lưu nhặt lấy quăng lên cửa sổ, vẫn không thèm nhìn.
Bốn cô cười rồi bỏ đi.
Một hôm người lớn tuổi nhất đến nói với Lưu:
- Con bé em tôi có nhân duyên với ông, xin ông chớ chê là hèn hạ mà bỏ qua.
Lưu ậm ừ cho qua chuyện, người ấy mới đi. Lát sau, lại cùng một thị nữ dẫn cô bé đến, đặt ngồi sánh vai với Lưu rồi nói:
- Thật là tốt đôi. Đêm nay động phòng hoa chúc ráng ở với Lưu lang, chị về nhé!
Lưu nhìn kỹ, thấy nàng tươi đẹp vô song, bèn cùng chuyện trò thân mật, thăm hỏi gốc tích. Nàng nói:
- Em đây chẳng phải là người, nhưng thật cũng là người, nguyên em là con gái ông quan trấn nhậm ở đây trước, bị chồn làm chết, xác chôn trong vường. Lũ chồn làm phép cho em sống lại, cũng biến hóa như chồn vậy.
Lưu thò tay sờ phía sau. Nàng hiểu ý và cười nói:
- Ý hẳn chàng bảo chồn có đuôi phải không?
Rồi chuyển mình nói tiếp:
- Giờ thử rờ lại xem có đuôi không?
Từ đó nàng ở luôn trong đình, khi đứng ngồi đều có con hầu nhỏ bên cạnh. Gia nhân một mực tôn kính là bà nhỏ, vu bô tôi tớ lên chào, được thưởng tặng món này quà kia khá lắm.
Sắp đến ngày sinh nhật của Lưu, Lưu sợ quan khách đông đảo, tính tới ba chục mâm cỗ, vậy cần phải nhiều đầu bếp làm cỗ mới đủ. Trước đó, Lưu đã ra sức đòi ở các nơi, nhưng chỉ có một hai người tới, thành ra đâm lo. Nàng biết, bảo Lưu:
- Không can chi mà lo. Số đầu bếp đã không đủ dùng, chi bằng đuổi mấy đứa kia về. Tôi tuy kém tài nhưng làm ba chục mâm cỗ cũng chẳng khó gì.
Lưu mừng rỡ, sai mang các món rượu thịt tỏi gừng vào trong tư thất để nàng nấu cỗ. Người nhà chỉ nghe tiếng dao thớt kêu lách cách không dứt. Bên trong cửa đặt một chiếc bàn, những người tức trực bưng cỗ cứ để mâm trên đó, nghoảnh đi nghoảnh lại các món ăn đã dọn đầy mâm, họ chỉ có việc bưng đi. Hơn mười người đi lại liên tiếp, mà món ăn lấy hoài, có hoài chẳng hết.
Sau chót, một người bưng mâm vào gọi lấy bánh chay. Bên trong trả lời:
- Quan ngài có bảo trước đâu, bây giờ gấp rút quá làm sao có được?
Rồi nói tiếp:
- Thôi thì đành phải mượn đỡ của người ta vậy.
Giây lát, người đợi lấy bánh đã thấy trên bàn hơn ba chục bát còn nóng hổi, khói lên gnhi ngút.
Khi các quan khách ăn xong ra về cả rồi, nàng nói với Lưu:
- Mình đưa tiền trả tiền bánh cho nhà kia đi.
Lưu sai người đem tiền đến nhà ấy, quả thật họ mất trộm mấy chục bát bánh vừa nấu xong, đang lấy làm kinh ngạc thì có người đem đến trả tiền, bấy giờ mới hết nghi hoặc.
Một bữa, ngồi uống rượu buổi tối ,Lưu chợt nhớ rượu Sơn Đông mà thèm, nàng nói:
- Để tôi đi kiếm cho.
Nói đoạn bước ra cửa đi liền. Giây lát trở về chạy vào bảo Lưu:
- Tôi lấy về một hũ ngoài cửa kia, đủ cho mình nhắm mấy ngày.
Lưu ra xem, quả thật rượu Sơn Đông, y như thể rượu thường cất ở nhà mình như mọi lần.
Phu nhân (vợ lớn của Lưu) lúc này ở quê quán sai hai người gia bộc đến Phân Châu. Giữa đường một người nói:
- Nghe đồn “bà thứ chồn” vẫn khao thưởng rộng rãi cho con hầu người ở. Chuyến này được tiền thưởng ta để mua một chiếc áo lông chiên mặc chơi.
Nàng ngồi ở đình đã nghe biết cả rồi, bèn nói với Lưu:
- Gia nhân ở nhà quê sắp đến. Đáng ghét một thằng nói giọng xấc xược, phải trị mới được.
Sáng hôm sau, tên gia bộc mới vừa vào trong thằng đầu đã đau nhức, khi đến đình thì ôm đầu mà kêu cha kêu mẹ, ai nấy bèn đi rước thầy bốc thuốc cho y, Lưu cười:
- Bệnh này không cần phải chữa, hễ ngày giờ đến thì tự nó hết.
Mọi người hơi ngờ y phạm tội gì với bà bé chăng, nhưng y tự nghĩ mình mới tới đây, chân ướt chân ráo đã làm gì nên tội. Đến khi đầu nhức nhối quá, y không còn biết kêu van vào đâu, đành phải bò đến gần kêu bà bé.
Tiến người trong màn nói ra:
- Mi gọi bà bé là đủ, sao còn thêm một tiếng nữa là nghĩa gì?
Bấy giờ tên gia bộc mới tỉnh ngộ, kêu van chí chết.
Trong màn lại nói:
- Mi có cần áo lông, sao lại dám vô lễ?
Kế nói tiếp luôn:
- Thôi mi hết đau rồi.
Tức thời tên gia bộc thấy bệnh tiêu tan đâu mất, toan lạy tạ đi ra, chợt thấy trong màn quăng ra một cái bọc và nói:
-Một chiếc áo lông dê non đó, cho mi lấy đi!
Tên gia bộc mở ra xem, thấy bên trong có gói năm đồn bạc. Lưu hỏi thăam tin tức ở nhà, tên vô bộc thưa nội nhà đều vô sự, duy có một đêm khi không mất một hũ rượu. Tính ngày giờ chính là đêm bữa Lưu nói thèm rượu Sơn Đông mà bà bé đi lấy về cho.
Và từ đó ai cũng kinh sợ nàng có phép thần thông, bèn gọi là thánh tiên.
Lưu vẽ hình nàng để treo. Lúc đó ông Trương Đạo Nhất làm quan đề đốc sử nghe chuyện lạ lùng, lấy tình đồng hương đến chơi đình Lưu, khẩn cầu được thấy mặt nàng.
Nàng không chịu.
Lưu đưa ra tấm hình cho xem. Trương cố giật lấy đem về nhà treo cạnh chỗ ngồi, đêm ngày khấn vái cầu đảo:
Xinh đẹp như cô,muốn gì lại chẳng được? Sao lại gửi mình ở lão rậm râu. Tôi đây không kém thua Động Cửu, cớ sao không hạ cố tôi một phen?
Giữa khi đó nàng ngồi ở đình nhà, thình lình bảo Lưu:
- Này, Trương công vô lễ, ta phạt lão đôi chút cho chừa đi.
Quả nhiên một hôm, Trương đang ngồi cầu chúc lâm râm như mọi khi, thấy như có người cầm thanh bản đánh ngay giữa trán nghe cái bốp, đau điếng vội vàng cuộn hình lại không dám cầu nữa.
Lúc hỏi cớ sao lại thôi, Trương dấu chuyện bị đánh trả lời xuôi xị, Lưu cười và hỏi:
- Trán ngài có đau không?
Trương hết chối cãi, phải kể hết chuyện thật.
Cách đó ít lâu, người rể Lưu tên Nguyên đến thăm cha vợ, ngỏ ý muốn kính chào bà bé. Nhưng nàng từ chối.
Nguyên năn nỉ mãi, Lưu bảo nàng:
- Rể là con ta, chớ phải người lạ nào mà cự tuyệt nó quá vậy?
Nàng đáp:
- Rể đến ra mắt, tất phải có quà cho nó. Nhưng nó hy vọng lắm cơ. Mà tôi xét hiện tại không làm vừa lòng nó được, cho nên không muốn cho nó giáp mặt là lẽ đó.
Sau Nguyên lại ngỏ lời cầu xin lần nữa, nàng ưng chịu, hẹn mười ngày sẽ cho ra mắt.
Đến ngày hẹn, Nguyên vô đứng cách màn, chắp tay vái và kính lời thăm hỏi, nhưng thấy dung nhan một cách phản phất, chứ không dám nhìn kỹ. Khi cách xa mấy bước mới nghoảnh mặt lại ngó đăm đăm, nghe tiếng nàng nói:
- Kìa chú rể day đầu lại!
Nói đoạn cười khanh khách như tiếng quạ kêu, Nguyên nghe mềm nhũn cả chân tay, run rẩy như mất hồn phách. Lúc ra bên ngoài, phải ngồi giây lát, mới định thần nói:
- Vừa rồi nghe tiếng cười của bà như tiếng sấm sét, đến nỗi không biết thân mình còn hay mất.
Một lát, con hầu vâng lệnh nàng, mang ra ba mươi lạng tặng Nguyên, Nguyên lãnh số tiền rồi nói với con hầu:
Thánh tiên ngày ngày ở với ông nhạc ta, há không rõ tính ta xài lớn, chứ không quen những món tiền nhỏ sao:?
Nàng nghe nói trả lời:
- Ta đã biết trước mà, Hiềm vì trong túi vừa vặn hết tiền, ta đã cùng bạn bè đi Biện Lương để lấy, rủi ro trong thành bọ thần Hà Bá chiếm giữ, bao nhiêu kho bạc đều ngập dưới nước. Vì thế ta không lấy được nhiều tiền để nhồi vào túi tham không đáy của y. Nói giả tỷ ta có cho nhiều đi nữa, phước đức của y mỏng manh, cũng không được hưỏng cơ mà.
Mọi việc, nàng hay kiên trì, cho nên trong nhà gặp việc chi nguy nan cứ bàn với nàng chẳng việc gì là không xong.
Bữa nọ, vợ chồng ngồi đàm đạo, bỗng nàng ngửa mặt lên trời, tỏ vẻ cả kinh và nói:
- Đại nạn sắp tới biết làm sao đây?
Lưu hoảng sợ hỏi vợ coi trong nhà lành dữ ra sao, nàng nói:
- Tất cả vô sự, trừ ra cậu hai đáng lo. Chốn này nay mai trở thành chiến trường, vậy chàng xin quan trên cho đi công cán nơi xa, mới khỏi tai nạn.
Lưu nghe lời, xin quan trên cho đi áp tải lương thực ở miền Vân Nam, Quý Châu. Đường xá xa xôi hiểm hóc, ai cũng lo ngại cho Lưu, duy có nàng lấy làm vui mừng.
Quả nhiên ít lâu, Khương Khôi dấy binh làm phản, Phân Châu hóa ra hang ổ của giặc, con thứ hai của Lưu, từ Sơn Đông tới thăm cha, vừa gặp loạn nổi, bị giết. Thành bị giặc lấy, quan lại lớn nhỏ đều ngộ hại trừ Lưu đi việc quan xa, thoát nạn.
Chừng yên giặc xong. Lưu trở về. Rồi sau liên can vào vụ án lớn, nghèo túng tới nước thiếu cả bữa ăn. Các nhà cầm quyền ại đòi tiền đút nhiều, Lưu vừa quẫn vừa lo, muốn chết. Nàng bảo:
- Đừng lo, Còn ba nghìn đồng chôn dưới chân giường lấy lên dùng đỡ cũng được.
Lưu mừng, hỏi nàng đánh cắp của ai, nàng nói:
- Trong thiên hạ, thiếu gì của vô chủ can chi phải trộm cướp của ai.
Lưu dùng số tiền ấy lo chạy được thoát về quê quán. Nàng đi theo. Mấy năm sau, tự dưng đi mấy để lại mấy món đồ gói giấy tặng Lưu. Trong đó có cái phướn chỏ treo nhà đám ma dài độ hai tấc.
Ai cũng cho là điềm gở. Rồi ít ngày sau, Lưu chết.
Chuyện 68: Con Gái Nhà Trời (Bạch Vu Ngọc)
Ngô Thanh Am tên thật là Quân, tuổi trẻ đã nổi tiếng. Quan thái sử họ Cát, xem văn của chàng thường tấm tắc khen ngợi, bèn nhờ người quen mời đến nhà chơi cho được thấy rõ diện mạo và nghe chàng đàm luận. Thái sử nói:
- Lý nào một người có tài như Ngô sinh, mà lại nghèo hèn mãi ư?
Rồi ông sai người lối xóm đánh tiếng cho chàng biết rằng: “Nếu Thanh Am gắn chỉ mây xanh, thì ta gả con cho”.
Lúc đó thái sử còn một người con gái nhan sắc tuyệt đẹp, chàng nghe mừng rỡ hết sức tự tin mình bề nào thi cũng đậu.
Không ngờ đến khi thi khoa hương, chàng bị đánh rớt, cậy người đến nói với quan thái sử rằng: “Sự giàu sang nhật định sẽ có không biết sớm hay muộn đó thôi. Vậy xin tiểu thư rán đợi tôi ba năm nữa, nếu tôi không thành danh, cô sẽ đi lấy chồng.”
Từ đó chàng ra sức học càng chăm.
Một đêm sáng trăng, có một vị tú tài đến thăm, da trắng râu cụt, vóc người nhỏ nhắn, móng tay để dài. Hỏi khách ở đâu lại chơi, khách tự giới thiệu mình họ Bạch tên chữ là Vu Ngọc.
Chàng cùng Bạch nói chuyện mấy câu, trong lòng thấy khoan khoái cho nên vui mừng tiếp rước, mời ở nghỉ đêm.
Sáng ngày, Bạch sử soạn ra đi, chàng căn dặn mỗi khi đi qua tiện đường , bề nào cũng nhớ ghé chơi, Bạch cảm cái tính niềm nở ấy, tình nguyện lần sau đến, sẽ xin trọ ngay ở nhà này, rồi hẹn ngày tái ngộ và giã từ lên đường.
Tới kỳ hẹn, một tên nô bộc đem các vật dụng nấu ăn đến trước. Giây lát Bạch tới, mình cỡi ngựa vạm vỡ tướng như con rồng.
Chàng để căn nhà riêng Bạch ở, Bạch sai đầy tớ dắt ngựa đi, còn mình thì ở lại, sớm tối cùng Ngô gần gũi tương đắc.
Ngô để ý thấy sách vở của Bạch của Bạch xem, không phải là thứ sách vở bình thường trông thấy. Lại cũng không thấy quyển sách nào là sách văn chương khoa cử. Chàng kinh ngạc và hỏi tại sao, Bạch cười đáp:
- Kẻ sĩ hiền đều có chí riêng, ai tùy thích nấy! sở dĩ tôi không có loại sách thơ phú vì tôi chẳng phải là người trong vòng khoa cử công danh.
Thường đêm Bạch mời chàng uống rượu, đưa ca một quyển sách cho chàng xem, toàn là thuật tu tiên, luyện đạo, nhiều chổ xem không hiểu nghĩa. Chàng thấy vu vơ không hợp với mình, không buồn để ý.
Lần khác, Bạch nói với chàng:
- Quyển sách tôi đưa cho anh hôm nọ, chính là con đường bất lão, nấc thang lên tên đó.
Chàng cười:
- Việc gấp của tôi không phải ở chỗ đó. Vả lại muốn được thành tiên, tất cả chấm dứt nhân duyên, để cho mọi điều tư tưởng đều tuyệt mới được. Khốn nhưng tôi còn có tật đa mang làm sao mà tu được?
- Xin hỏi vì cớ gì?
- Vì cớ phải lo sinh con nối dõi.
- Thế sao lớn tuổi vẫn chưa lấy vợ?
- Bởi tôi có tật hiếu sắc!
Chàng vừa nói vừa cười, Bạch cũng cười:
- Chỉ xin ông đừng hiếu cái sắc tầm thường nhé! Và muốn hỏi cái sắc ông biết ra thế nào?
Ngô đem hết câu chuyện Thái sử muốn gả con gái cho Bạch nghe.
Bạch ngờ cô ả của Thái sử chưa chắc thật là người đẹp. Chàng nói:
- Nhan sắc của Cát tiểu thư xa gần đều biết, chẳng phải là tôi hạ mình. Bạ ai cũng yêu được đâu.
Nói đoạn mỉm cười bỏ đi nơi khác.
Hôm sau bỗng dưng Bạch sửa soạn hành lý để đi. Chàng thấy vậy sinh buồn, cùng Bạch quyến luyến nói chuyện mãi chưa chịu thôi.
Bạch sai thằng nhỏ đội hành lý đi trước, mình còn nán lại cùng Ngô chuyện vãn từ biệt. Hai người bịn rịn không nỡ rời tay.
Chợt thấy con ve xanh kêu rít rít và đáp xuống bàn. Bạch nói:
- Ngựa xe tới rước rồi đó. Tôi xin giã từ ông từ đây. Nếu tưởng nhớ tôi thì quét chỗ giường tôi lên đó mà nằm sẽ thấy.
Chàng đang muốn hỏi han nhiều chuyện, nhưng trong chớp mắt Bạch đã thu hình nhỏ lại như ngón tay, ngồi lên lưng con ve mà bay lên không, biến vào trong mây.
Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ Bạch chẳng phải người thường, rồi đứng ngẩn ngơ nghĩ giây lâu, vẻ buồn hiện rõ lên mặt.
Mấy hôm sau, trời đêm mưa phùn, lòng càng tưởng nhớ họ Bạch, ngó lại giường thấy bụi trắng xóa chân chuột in tứ tung. Chàng thở than rồi lấy chổi quét dọn sạch sẽ, trải chiếu lên nằm ngủ liền.
Một lát sau thấy tiểu đồng của Bạch đến mời, chàng vui vẻ theo liền.
Vừa lúc đó có một con chim ngũ sắc bé nhỏ từ trên mây đậu xuống bên , tiểu đồng thưa:
- Đường tối đen khó đi, xin mời ông đỡ chân bằng con chim này.
Chàng lo chim bé nhỏ quá làm sao mang nổi. Tiểu đồng nói:
- Xin ông thử leo lên coi.
Chàng y lời leo lên mình chim. Té ra ngồi rộng rãi có thừa. Tiểu đồng bám ở khúc đuôi. Chim xòe cánh nghe một tiếng vù, cất mình lên không bay đi vùn vụt. Không bao lâu tới một cái cổng sơn đỏ. Tiểu đồng nhảy xuống trước, đỡ chàng xuống sau. Chàng hỏi đây là chỗ nào, tiểu đồng thưa:
- Thưa, đây là cửa trời!
Bên cửa có con cọp lớn nằm phục. Chàng sợ run. Tiểu đồng lấy mình che đỡ cho chàng khỏi sợ hãi.
Chàng nhìn phong cảnh, chỗ nào cũng lạ lùng tốt đẹp, khác hẳn thế gian.
Tiểu đồng dẫn chàng vào cung Quảng Hàn, bậc thềm đều lót bằng thủy tinh, người bước lên trên như đi lên tấm gương. Hàng bên hai cây quế cao ngất và ôm lấy nhau, mùi hoa theo gió thơm phức. Trong cung san sát những tòa nhà, trổ cửa sơn đỏ, thấp thoáng có mỹ nhân ra vào, người nào người ấy, xinh đẹp lạ thường, thế gian không sao bì kịp.
Tiểu đồng nói cho chàng biết rằng: ở cung Vương Mẫu con gái còn mỹ miều gấp trăm, nhưng nó sợ ông chủ đợi lâu cho nên không dám đưa chàng đi thơ thẩn xem người, ngoạn cảnh nhiều nơi, đành phải dắt chàng trở ra.
Một lát đi tới toà lầu đài kia, đã thấy Bạch đứng đón chàng ở ngoài cửa. Bạch nắm tay chàng cùng bước vào trong nhà. Chàng nhận thấy trước thềm có bãi cát trắng, suối nước trong nghe chảy rả rích. Khắp nhà dát ngọc sơn son, y như cung điện vua chúa.
Chủ với khách vừa ngồi xuống, liền có một cặp mỹ nữ bưng trà thơm ngát ra dùng. Kế đó Bạch sai người dọn rượu thì có bốn mỹ nhân khác bôn tẩu hầu hạ chung quanh. Đến vừa thấy trên lưng hơi ngứa, tức thời mỹ nhân thò tay vào áo mâm mê gãi dùm. Chàng thấy tấm thân khoan khoái lạ thường. Đến lúc hơi men ngà ngà, chàng không giữ vẻ nghiêm trang được nữa, cười cợt dòm liếc mỹ nhân, muốn kéo nàng lại nói nhỏ . Mỹ nhân mỉm cười và lánh đi.
Bạch truyền lệnh đàn hát để chuốc rượu, một nàng mặc áo sa bóng, bưng chén rượu đến trước mặt khách, rồi đứng tại đó, cất tiếng hát du dương, các mỹ nhân khác gõ xênh phách mà hát phụ họa theo, nghe rất nhịp nhàng réo rắc.
Qua lớp ấy, tới một cô áo xanh cũng chuốc rượu và hát. Còn một cô áo tím và cô áo trắng thì cười khúc khích, cô nọ khều cô kia, không ai chịu ra trước.
Bạch sai một cô mời một chén, hát một bài.
Cô áo tím bước tới bưng chén rượu mời khách. Chàng mượn cớ tiếp lấy chén rượu mà nắm cánh tay. Cô bật cười tuột tay, chén rượu nghiêng đổ xuống đất. Bạch rầy mắng. Cô lượm chén lên, miệng cố nhịn cười và cúi đầu nói khẽ:
- Da lạnh buốt như bàn tay ma, thế mà cố véo vào tay người ta đó!
Bạch cả cười, phạt nàng tự múa tự hát một mình. Múa hát xong tới phiên cô áo trắng tiến lên mời chàng một chén.
Chàng từ chối:
- Say quá rổi, uống không kham nổi!
Cô bưng chén rượu có vẻ hổ thẹn, chàng bèn gượng uống cạn chén cho cô vui lòng.
Nhìn kỹ bốn cô dấp dáng hay hay, không một cô nào mà chẳng kiều diễm tuyệt thế. Chàng nói với chủ nhân:
- Sắc đẹp trên đời, tôi đây mong có lấy một người mà còn khó khăn, sao ông tụ tập cả đám giai nhân mỹ sắc đến thế, liệu có sẵn lòng chia cho anh em hưởng với không nào?
Bạch ngó chàng cười và đáp:
- Sao! Tự ông đã có giai nhân trong tâm ý rồi mà. Lũ này đâu có xứng đáng lọt vào mắt xanh của ông?
Chàng phải thú thật:
- Hôm nay tôi mới tự biết sự thật của mình còn hẹp hòi quá.Bạch bèn gọi hết cả đám mỹ nhân đến trước để cho chàng tự chọn lấy.
Chàng thấy cô nào cũng đẹp thành ra phân vân, không thể tự quyết định. Bạch nghĩ cô áo tím đã có cái duyên khều véo cánh tay, liền sai cô sửa soạn chăn gối để hầu khách hôm nay.
Cố nhiên đầu gối tay ấp, hết sức yêu đương không cần phải nói. Chàng đòi tặng món chi làm kỷ niệm, nàng tháo ngay chiếc xuyến cho chàng.
Giữa lúc đó tiểu đồng chạy vào nói:
- Tiên phàm khác nhau, ở lâu không tiện, vậy xin mời ông đi ngay.
Nàng vội vàng trỗi dậy đi mất. Chàng hỏi ông chủ đâu. Tiểu đồng nói:
- ông chủ tôi đi chầu Ngọc Hoàng. Lúc ra đi có dặn tôi lo việc tiễn khách về trần.
Chàng buồn bã theo chân ra đi, lại noi theo đưòng lối cũ. Gần ra tới cổng ngoài, quay lại ngó tiểu đồng, thì nó đã biến đi từ lúc nào. Con cọp gầm thét chồm lên. Chàng sợ hãi cắm đầu chạy trông xuống dưới thăm thẳm mù khơi, chẳng biết đâu là đâu, nhưng hai chân đã lỡ rơi tuột xuống rồi. Chừng đó kinh hồn tỉnh dậy thì trời đã hửng sáng.
Lúc sắp đứng lên, có một vật rớt xuống nhẹ nhàng xuống chiếu, nhìn lại thì là chiếc vòng. Chàng càng lấy làm lạ.
Từ đó, ý nghĩ lúc trước thành ra nguội lạnh, thường muốn đi tìm ông Xích Tùng Tử để học đạo tu tiên, nhưng còn lo về nỗi không có con để nối dõi tông đường.
Cách hơn mười tháng, một hôm chàng đang ngủ say giữa ban ngày, mộng thấy cô áo tím ở ngoài đi vào tay ẳm đứa con nhỏ và nói:
- Xương máu của chàng đây. Trên trời không giữ vật này đặng, vậy nay tôi đem xuống trả cho anh.
Nói đoạn cô đặt đứa nhỏ trên giường, kéo vai áo chàng mà đắp cho nó rồi vội vàng muốn đi. Chàng kéo lại đòi giao hoan. Cô áo tím nói:
- Chuyến trước là động phòng, chuyến này là vĩnh quyết vợ chồng trăm năm đến đây là hết. Nếu chàng có chí thì , may ra còn có lúc ta lại được gặp nhau.
Chàng tỉnh ngủ, mở mắt ra quả thấy đứa hài nhi nằm trên giường liền ôm vào trong nhà nói với bà mẹ.
Bà thấy được cháu rất mừng, tìm vú nuôi, đặt tên là Mộng Tiên.
Bấy giờ chàng sai người đến nhà ông Thái sử, báo tin cho ông hay rằng chàng sử soạn đi ẩn, vậy xin ông lo kén rể khác cho tiểu thư.
Nàng nói:
- Xa gần chẳng ai không biết rằng con hứa làm vợ họ Ngô lang rồi. Bây giờ thay đổi thế là hai chồng còn gì?
Thái sử đem ý chí đó ra ngăn bảo chàng. Chàng vẫn khăng khăng một mực:
- Ngày nay chẳng những tôi không có chí về công danh, lại tuyệt tình về đường gia thất nữa. Nên tôi chưa bỏ nhà vào núi ngay chỉ vì còn mẹ già đó thôi.
Thái sử lại bàn soạn với con gái, nàng ta trả lời:
- Ngô lang nghèo con cam sống với rau muối Ngô lang đi con xin thờ bà mẹ chồng, nhất định con không lấy người nào khác đâu.
Sứ giả lại đi thương thuyết đôi ba phen, đều không xong việc. Thái sử bèn chọn ngày lành cho xe ngựa chở tư trang và đưa tiểu thư về nhà chồng.
Chàng cảm là người hiền đức, hết lòng kính yêu. Nàng thờ mẹ chồng rất hiếu, nâng niu hầu hạ còn hơn gái nhà nghèo.
Qua hai năm bà mẹ chồng mất, nàng cầm bán tư trang để lo liệu ma chay đủ lễ. Chàng nói:
- Tôi được người vợ hiền như nàng, còn lo gì. Nhưng nghĩ đến xưa kia một người đắc đạo, cả nhà cùng theo gót lên tiên, còn tôi ngày nay sắp sửa đi xa mà nàng ở lại, trăm ngàn công việc đều phó thác cho nàng hết thảy.
Nàng thản nhiên không có ý bịn rịn chút nào.
Thế rồi chàng bỏ nhà ra đi.
Nàng ở nhà, ngoài việc đồng áng ra, trông dạy nuôi con, đâu đó ngăn nắp. Mộng Tiên dần dà khôn lớn, tính chất rất thông minh, mười bốn tuổi đã nổi tiếng thần đồng và đậu thi hương, mười lăm tuổi vào hàn lâm. Thường khi triều đình hỏi thăm cha mẹ để phong tặng cho nhưng Mộng Tiên không biết tên họ của mẹ đẻ là gì, chỉ khai một mình Cát mẫu mà thôi.
Đến ngày sinh nhật cha, Mộng Tiên hỏi Cát mẫu chỗ ở của cha nơi nào. Cát mẫu nói rõ sự thật, Mộng Tiên muốn treo ấn từ quan để đi tìm cha, nhưng bà mẹ gạt đi:
- Cha con bỏ nhà vào núi đã ngoài mười năm, có lẽ nay đã lên tiên rồi, con biết chỗ nào mà tìm.
Sau có dịp, Mộng Tiên dâng chỉ nhà vua sai đi tế núi Nam Nhạc, chẳng may giữa đường gặp cướp, trong xe lúc nguy cấp, thấy một đạo sĩ xách gươm xông vào đánh cướp, cướp thua chạy tán loạn. Nhờ vậy Mộng Tiên được giải vây, cảm ơn đạo sĩ, muốn tặng tiền bạc nhưng đạo sĩ không lấy, chỉ đưa ra một phong thư và căn dặnL
- Bần đạo có một ông bạn cũ cìng làng với quan lớn, vậy xin dám nhờ quan lớn thay lời hỏi thăm hộ.
- Nhưng bạn cũ của ông tên họ là gì?
Thưa tên Vương Lâm!
Mộng Tiên nhớ kỹ trong làng không có ai tên ấy. Đạo sĩ nói:
- Hắn ta con nhà hàn vi nên quan lớn không biết đó thôi.
Lúc giã từ đưa ra một chiếc vòng vàng nói tiếp:
-Đây là món đồ khuê các, bần đạo lượm được, cũng chẳng biết dùng làm gì, vậy xin biếu ngài luôn dịp.
Mộng Tiên cầm lấy xem, thấy chạm trổ tuyệt khéo, đem về trao cho phu nhân.
Phu nhân sai thợ khéo cứ y mẫu cũ mà làm một chiếc nữa, nhưng nét tinh xảo vẫn kém ca. Lại dò hỏi khắp trong làng, chẳng ai có tên là Vương Lâm. Bấy giờ Mộng Tiên mới lén mở phong thư của ong đạo sĩ ra xem, phía trên có viết mấy hàng chữ như sau:
Ba năm loan phượng
Phân cách tới nay
Nuôi con chôn mẹ
Nhờ nàng một tay
Lâý gì báo đức
Tặng hoàng thuốc này
Mở ra uốnc xong
Lên tiên có ngày.
Sau chót là chữ: Kính gửi Lâm nương phu nhân!
Mộng Tiên đọc không hiểu là ai, liền đưa trình Cát mẫu. Cát mẫu xem thư khoc sướt mướt:
- Đây là thư của cha con gửi về cho ta. Lâm là tên chữ của ta đó!
Bấy giờ mới hiểu ra tên Vương Lâm là tên Cát mâẫ hồi nhỏ.
Mộng Tiên ân hận than tiếc mãi, vì chính mình đã gặp cha mà không ngờ. Chàng lại đưa vòng cho Cát mẫu xem. Bà nói:
- Vật kỷ niệm mẹ đẻ con đó. Hồi cha con ở nhà thường lấy ra, ta xem rồi.
Xem tới hoàn thuốc, thấy nhỏ bằng hạt đậu, Mộng Tiên mừng nói:
- Cha đã thành tiên, ngài cho hoàn thuốc này mẹ ta ăn hẳn trường sinh bất lão.
Nhưng Cát mẫu còn để dành, chưa muốn ăn vội, bèn gói cất đi. Gặp lúc quan Thái sử qua thăm, bà đọc bức Ngô lang cho cụ nghe, nhân dịp mang hoàn thuốc ra tặng cụ.
Thái sử cắt ra làm hai , mỗi người ăn một nửa, trong giây lát đã thấy tinh thần thay đổi mạnh mẽ. Lúc ấy thái sử đã gần thất tuần, mắt mờ sức yếu lắm rồi. Thế mà vừa ăn nửa hoàn thuốc vào, bỗng thấy gân sức khỏe ra đến nỗi b65n về, bỏ xe đi bộ mà đi rất mau gia nhân theo mướt mồ hôi mới kịp.
Năm sau do thành có nạn cháy nhà, lửa bốc suốt ngày không ngớt. Cả nhà Mộng Tiên lo sợ, đêm không dám ngủ, tụ tập quây quần giữa sân, thấy lửa cháy lan, gần đến lối xóm. Cả nhà luýnh huýnh, chẳng biết làm thế nào.
Bỗng chiếc vòng vàng ở tay phu nhân nghe đánh vụt một tiếng, cất nhẹ bay đi. Trông lên thấy nó to lớn bằng mấy mẫu ruộng, úp quanh lên nhà, hình như vầng nguyệt, miệng vòng thì hướng về phí Đông Nam, ai nấy đều thấy rõ ràng, hết sức kinh ngạc.
Một lát lửa cháy từ phía tây lan tới chiếc vòng thì tạt qua hướng Đông. Tới khi lửa dịu dần, mọi người thầm nghĩ chiếc vòng chắc mất, không lâý lại được, tự dưng ngọn lửa vừa ngớt, thì chiếc vòng rơi xuống dưới chân nghe có tiếng kêu.
Trận hỏa hoạn này đốt hết mấy muôn căn nhà, trước sau tả hữu đề ra tro, chỉ có nhà họ Ngô không can gì, trừ ra một lầu nhỏ ở phía Nam bị đốt tức là nơi miệng vòng để hở vậy.
Cát mẫu ngoài năm mươi tuổi, trông còn trẻ đẹp như người mới độ hai mươi.
Chuyện 69: Hồ Hay Đùa (Hồ Hài)
Vạn Phúc - tự Tử Đường, người Bắc Hưng thuở nhỏ đã theo đòi nghiệp nho, của nả không có gì lắm mà vận lại chậm, đã hai mươi có lẻ mà vẫn chưa giật được mảnh tú tài. Theo lệ tục hương thôn lúc ấy, nhiều người bị khoác chức trưởng lý đến nỗi khuynh gia bại sản. Vạn bị ép sung chức ấy, sợ quá bỏ trốn đến Tế Nam, thuê quán trọ ở.
Ban đêm có cô gái lần tới, nhan sắc cũng khá. Vạn vừa lòng, cùng nhau tư tình. Hỏi họ tên, cô ta đáp:
- Thú thực tôi là hồ ly, nhưng không làm hại anh đâu.
Van mạùng, không nghi ngờ gì cả. Cô gái còn dặn Vạn chớ ở chung với ai, hàng ngày cô sẽ tới cùng ăn nằm một giường. Thế là từ đấy mọi chi phí hàng ngày của Vạn đều do cô ta cung cấp.
Được ít lâu, vài ba người quen biết đến thăm hỏi, rồi ở lì cả đêm không về. Vạn ớn họ quá, song không nỡ cự tuyệt, bất đắc dĩ phải nói thực. Khác ngỏ ý muốn được chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp, Vạn nói thẳng với Hồ nữ. Hồ bảo khách:
- Xem tôi làm gì? Tôi cũng như mọi người vậy thôi! Nghe tiếng nói thỏ thẻ cứ như ở trước mặt, nhìn khắp bốn chung quanh lại chẳng thấy đâu.
Khách có người tên là Tôn Đắc Ngôn vốn giỏi khôi hài cố ý xin gặp mặt. Anh ta năn nỉ:
- Được nghe giọng oanh, hay bay phách lạc. Còn giấu dung nhan làm gì khiến người mới nghe tiếng đồn mà lăn ốm tương tư.
Hồ cười đáp:
- Cháu hiền muốn vì bà cụ tổ họa bức hình hành lạc ( bức họa về những biểu hiện khoái lạc, những động tác trong tình dục) chăng?
Khách có mặt lại cười. Hồ lại nói:
- Tôi là hồ, xin vì khách kể chuyện hồ, khách có vui lòng nghe không?
Mọi người đều vân dạ, hưởng ứng. Hồ kể:
- Xưa ở lữ quán nọ có nhiều hồ lắm, thường hiện hình làm hại khách. Khách qua lại biết, rỉ nhau đừng trọ ở đó. Nửa năm sau hàng quán tiêu điều, chủ nhân lo quá, rất kiêng nói đến Hồ. Bỗng có một khách phương xa, tự xưng là người nước ngoài, đến cửa quán ấy thì dừng lại nghỉ. Chủ nhân đon đả rước vào. Lập tức có người đi đường mách kín với khách: nhà ấy có Hồ đấy! Khách sợ, nói thẳng với củ nhân rồi định bỏ đi nơi khác. Chủ nhân ra sức biện bạch, đó là lời nói bậy. Khách ở lại, vào nhà,, vừa ngã lưng đã thấy đàn chuột rút rích dưới gầm giường. Khách sợ quá, chạy bổ ra đường, hét tướng lên: “Có hồ!” Chủ nhânn hoảng hỏi sự tình, khách oán trách:
- Tổ Hồ ở đây, sao nói dối ta không có?
Chủ nhân lại hỏi: “Hình thù nó thế nào?” Khách đáp:
“Ta nay mới thấy, nó nho nhỏ, không phải là Hồ con tất là Hồ cháu”.
Hồ kể xong, tất cả khách trong nhà đều không nhịn được cười. Tôn lại dọa:
- Nếu không cho xem mặt, bọn tôi ngủ lại; cũng xin ai đó đừng bỏ đi, bỏ lỡ cuộc hẹn đợi mây mưa.
Hồ lại cười:
- Các ông cứ nghỉ lại, không sao. Nếu có làm điều gì ngỗ nghịch một tý, xin các ông chớ có trệ bụng ra thôi. Khách sợ bị cợt nhã quá đáng, đều cùng nhau chia tay ra về.
Sau đó, cứ vài ngày họ lại đến, quần tụ, đòi Hồ trêu cợt. Hồ khôi hài thậm giỏi, hễ cất tiếng là khách cười ngả cười nghiêng, đến ngay những người có tài hoạt kê cũng không thể hơn được, mọi người gọi đùa nàng là “Hồ nương tử”.
Một hôm, bày rượu tụ hội vui mừng. Vạn ngồi ghế chủ, Tôn và hai khách nữa chia ngôi tả hữu. Còn đặt một cái giường để mời Hồ, Hồ kiếu từ vì không hay rượu. Tất cả đều mời Hồ cùng ngồi nói chuyện, Hồ nhận. Rượu được vài tuần, khách bày trò ném súc dắc làm tửu lệnh “qua man” ( dây dưa). Khách trúng màu dưa, phải uống rượu, liền đùa nâng chén đưa lên giường nói:
- Hồ nương tử, bậc đại tinh, xin tạm cạn một chén.
Hồ cười:
- Tôi vốn không uống, xin kể một câu chuyện để góp vui cho cuộc rượu.
Tôn đã bị nhiều vố, nên bịt tai lại ra vẻ không muốn nghe. Những người khác đều đồng thanh:
- Nếu còn trêu chọc người thì phải phạt.
Hồ cười:
- Nếu tôi trêu chọc Hồ thì sao?
Tất cả đáp “được”, rồi cùng nhau giỏng tay nghe. Hồ kể:
- Ngày xửa ngày xưa có một bậc đại thần đi sứ nước Hồng Mao (chỉ nước Anh hoặc Hà Lan) đội mũ lông hồ, vào yết kiến quốc vương nước ấy. Vua trông thấy cái mũ lạ, hỏi lông gì mà vừa dầy vừa mềm như thế? Quam đaị thần thưa: lông hồ. Quốc vương bảo: Bình sinh ta chưa được nghe nói tới, tự dạng chữ “hồ” như thế nào. Vị đại thần lấy tay vạch lên không tâu rằng: bên phải là chữ “qua” lớn, bên trái là chữ “khuyển” nhỏ (1). Thế là chủ kah1ch cười ầm cả nhà.
Trong số ba người khách, ngoài Tôn ra, có hai anh em họ Trần một người tên Sở Kiến, một người tên Sở Văn. Họ thấy Tôn bị hố nhiều quá, liền nói chọc Hồ:
- Hồ đực đi đâu mà để Hồ cái ác hại thế này?
Hồ nói thêm:
- Ấy, câu chuyện còn chưa hết thì đã bị sủa loạn lên, giờ xin kể tiếp. Quốc vương Hồng Mao thấy sứ thần cưỡi một con la, cũng lấy làm lạ. Sứ thần thưa rằng: con này do con ngựa đẻ ra. Vương lại càng lạ lắm. Sứ thần giải thích: Ở Trung Quốc chúng tôi, con ngựa đẻ ra con la, con la đẻ ra con ngựa choai. Vương hỏi rõ hình dáng chúng. Sứ thần đáp: Ngựa đẻ la đó là Thần Sở Kiến; la đẻ ra ngựa choai đó là Thần Sở Văn (chú ý tên hai ông khách họ Trần là Sở Kiến và Sở Văn).
Cử tọa lại cười ầm ĩ.
Họ cho là không thể địch nổi mồm mép Hồ nữ. liền giao hẹn đây nếu ai khơi ra chuyện ngạo ngược nữa thì phạt làm chủ rượu, phải bỏ tiền khao.
Lát sau, rượu ngà ngà, Tôn nói đùa với Văn:
- Tôi có vế đối, thách các vị đối.
Hỏi như thế nào, Tôn đọc:
- “Kỹ giả xuất môn phỏng tình nhân, lai thời: vạn phúc, khứ thời: vạn phúc (2).
Mọi người trên bàn rượu nghĩ mãi không ai đối được. Hồ lúc ấy mới khẽ cười:
- Tôi có câu đây.
Mọi người lắng tai nghe. Đọc:
- “Long vương hạ chiếu cầu trực gián, miết dã đắc ngôn, quy dã đắc ngôn. (3)
Mọi người lại cười rũ ra. Tôn giận lắm, trách Hồ:
- Đã giao hẹn thế, sao còn dám phạm.
Hồ cười dàn hòa:
- Đúng là tôi có lỗi, song nếu không thế thì không thể đối cho sát được. Sớm mai xin đặc tiệc để chuộc lỗi.
Mọi người cười xòa ra về.
Hồ khôi hài như thế, không thể kể hết được. Ở với nhau được vài tháng. Hồ cùng với Vạn về quê. đến địa giới Bắc Hưng, Hồ bảo với Vạn:
- Ở đây tôi có người bà con xa, đã lâu không qua lại, không thể không vào thăm hỏi. Trời cũng đã tối, ta cùng vào nghỉ, đợi sáng mai lại đi.
Vạn hỏi ở khoảng nào? Hồ nói:
- Không còn xa nữa.
Vạn ngờ ngợ, trước đây chốn này làm gì có làng mạc nào, song cứ đi theo. Qua hai dặm đường quả thấy một trang trại mà Vạn chưa bao giờ đến. Hồ gõ cổn, một người hầu ra mở cửa. Vào trong thì cửa tiếp cửa, gác nối gác, ra dáng là cảnh thế gia. Lúc sau, chủ nhân ra, hai ông bà lão, bái Vạn mời ngồi bày tiệc linh đình, khoản đãi như họ hàng thân thích. Hai người nghỉ lại đấy.
Sáng sớm hôm sau, Hồ bảo Vạn:
- Tôi về ngay cùng với anh, sợ đột ngột cho mọi người. Anh cứ về trước, tôi đi tiếp sau.
Vạn theo lời, về nhà trước nói rõ với gia nhân. Lát sau Hồ cũng tới, nói cười với Vạn, mọi người đều nghe rõ, song không nhìn thấy người.
Năm sau, Vạn lại có việc đi Tế, Hồ cùng đi. Bỗng có mấy người tới, Hồ đi theo hàn huyên mọi nỗi. Sau đó Hồ nói với Vạn:
- Tôi vốn gốc ở Thiểm Trung, cùng chàng có mối túc duyên cho nên theo chàng gả ngã bấy lâu. Nay anh em tôi đã đến, tôi sẽ theo về, không thể ở chung vui trọn đời.
Vạn cố sức lưu lại không được.
Chú thích:
(1)Theo tự dạng chữ Hán, chữ “hồ” (狐) gồm có hai chữ “qua” (瓜) và “khuyển” (犭) . Trong truyện, trò tửu lệnh này gọi là “qua man”: khách ngồi bên phải vừa bắt phải “màu dưa” (qua) còn khách ngồi bên trái bị ám chỉ là khuyển. Hồ lanh trí chơi chữ xỏ khách.
(2) nghĩa là: kỳ nữ ra khỏi nhà thăm tình nhân , lúc đến chữa “vạn phúc”l úc đi chữ “vạn phúc”. Vạn phúc: lời chào hỏi chúc tụng.
(3) chơi chữ, nghĩa là: long vương hạ chiếu cầu lời nói thẳng, ba ba cũng được, ruà cũng được. Chỗ hay và ẩn ý của câu này ở chỗ chữ “miết” (鼈) dùng nghĩa đen là con ba ba, “quy” (龜)là con rùa, thì có thể hiểu như trên. Song hai chữ ấy đối với vế trên được dùng như một động từ (đối với lai và khứ) thì lại có nghĩa khác: quy là thả rông cho vợ con đi lang chạ.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Chuyện 70: Chuyện Lạ Chim câu (Cáp Dị)
Chim bồ câu rất nhiều giống: đất Tấn có Khôn Tinh, đất Lỗ có Hạc Tú, đất Kiềm có Dịch Diệp, đất Dương có Khiêu, đất Việt có Chư Tiêm, đều là những giống lạ. Lại còn có Hài Đầu, Điềm Tử, Đại Bạch, Hắc Thạch, Phu Phụ tước, Hoa Cẫu Nhỡn. Bấm đốt ngón tay không kể hết, duy chỏ những lẻ hiếu sự mới có thể làm được.
Công tử Trương Công Lượng đất Châu Bình rất thích chim câu, cứ theo sách Kinh (chỉ sách Cáp Tử kinh thời cổ đại TQ chuyên bàn về việc nuôi chim bồ câu) mà tìm, Cầu có được đủ các chủng loại. Có con nào Trương chăm chút y như trẻ thơ: bị bệnh lạnh thì chữa bằng cỏ phấn, bệnh nóng thì cho ăn muối hạt. Chim câu thích ngủ, nhưng ngủ quá thì mắc bệnh bại liệt. Hồi ở Quảng Lăng, Trương mua một con mười đồng vàng, mình rất nhỏ, chạy rất nhanh, thả trên mặt đất nó cứ chạy loanh quanh không biết bao giờ, kỳ đến mệt lăn ra chết mới thôi, cho nên phải có người bắt giữ. Ban đêm Trương bỏ vào trong đàn chim, nó chạy lung tung làm cho các con khác giật mình không ngủ được, để tránh cho chúng bị bại liệt. Vì thế chim ấy có tên là Dạ Du. Kể thế, những nhà nuôi chim đất Tề, đất Lỗ cũng kém tài. Mà công tử cũng lấy việc nuôi chim câu để tự khoe một chút.
Một hôm công tử đang ngồi ở thư phòng, bỗng một trang thiếu niên mặc áo trắng gõ cửa bước vào. Hai người không biết nhau, công tử hỏi, chàng ta đáp:
- Con người phiêu bạt, tên họ có gì đáng nói. Ở xa nghe tin đồn công tử nuôi bồ câu được lắm. Bình sanh tôi cũng ưa thích thứ ấy, xin được cho xem.
Trương liền đem hết ra, đủ cả năm sắc, rực rỡ như gấm mây. Chàng thiếu niên cười mà rằng:
- Lời đồn quả không ngoa, có thể nói công tử biết hết mọi sự trong nghề nuôi chim câu. Tôi cũng có mang theo một hai con, công tử có muốn xem không?
Trương mừng quá, theo người thiếu niên đi. Đêm ấy ánh trăng mờ ảo, đồng không mông quạnh, đi thì đi, trong lòng Trương đã thầm ngờ sợ. Thiếu niên vừa chỉ vừa nói:
- Xin gắng đi chút nữa, nơi tôi ngụ không còn xa nữa.
Đi thêm mấy bước nữa đã tới một ngôi nhà hai gian. Thiếu niên dắt tay đi vào. Trong nhà không ánh đèn lửa. Thiếu niên đứng giữa sân, bắt chước tiếng chim câu gù. Bỗng có một đôi chim tầm cỡ như chim thường lông trắng tuyền bay ra ngang tầm mái hiên, vừa gù vừa chọi.Thiếu niên xua tay, hai con nối cánh bay vào chuồng.
Thiếu niên lại chúm miệng gù cách khác. Lại có hai con khác bay ra- con lớn như con lae, con bé bằng nắm tay- đậu trên thềm biểu diễn điệu hạt múa. Con lớn đứng vươn cổ, xoè cánh như hai cánh bình phong, vừa gù vừa nhảy rất uyển chuyển, dường như để khơi dẫn. Con nhỏ vừa gù vừa bay lên bay xuống đậu trên đầu con lớn vẫn đang giương cổ không động cựa cánh chấp chới như tiếng chim yến lạc vào đám lác. Tiếng kêu nhỏ như tiếng trống bỏi, tiếng con lớn lại y như tiếng khánh, đan hòa nhau như một dàn nhạc. Rồi chim nhỏ bay lên, con lớn cứ lắc lư như chào gọi vậy.
Công tử nhìn quang cảnh ấy, cứ khen ngợi mãi không thôi. Tự chỉ thấy mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng, đáng xấu hổ bèn vái chàng thiếu niên, xin chia sẻ niềm yêu thích. Thiếu niên không nghe, lại cố gắng xin, lúc ấy thiếu niên mới gù gọi đôi chim trắng ra, bắt lấy đưa cho Trương, nói:
- Nếu công tử không ghét bỏ, tôi xin biếu đôi này.
Trương nhận lấy, ngắm nghía: đôi mắt tròn như hạt hồ tiêu, phản chiếu ánh trăng lóng lánh màu hổ phách như trong sưốt; mở đôi cánh ra da thịt nó mỏng tanh trong vắt như có thể nhìn rõ tim ruột. Trương rất lấy làm lạ, mà ý chưa cho là đủ, còn nài nỉ xin nữa. Thiếu niên miễn cưỡng bảo:
- Hãy còn hai đôi chưa đưa trình, nay không dám mời xem nữa.
Còn đang chuyện trò đàm đạo thì người nhà Trương đốt đuốc đi tìm chủ nhân. Trương vừa quay đi, chàng thiếu niên đã hóa thành bồ câu trắng, to như con gà, bay vút lên trời, đi đâu không rõ. Nhà cửa vừa trước mắt biến đâu mất mà chỉ còn một ngôi mộ có hai cây bách trồng bên. Trương vội cùng gia nhân ôm đôi chim về. Về đến nhà, thử cho bay, chim vẫn thuần và lạ như trước. Tuy chưa phải là cực hay, song trên đời cũng hiếm. Do vậy, Trương càng yêu quý.
Qua hai năm, chim đẻ được ba con cả trống lẫn mái. Những người thân thích nài nĩ cầu xin đều không được. Có ông Mỗ là bạn cha, là bậc quan sang, một hôm gặp công tử hỏi:
- Thế nào, nuôi chim câu có nhiều không?
Công tử chỉ dạ dạ rồi cáo lui, trong bụng chắc ông ta cũng thích, chàng cũng muốn làm vừa lòng ông ta song dứt ruột chia sẻ niềm yêu thương của mình thấy khó. Lại nghĩ: sự đòi hỏi của bề trên không thể làm ngơ được. Lại không dám đưa chim thường, cho nên phải chọn hai con tuyết trắng bo vào lồng mang biếu, đinh ninh rằng quà quý ngàn vàng không sánh được.
Ngày khác lại gặp ông Mỗ, công tử có vẻ đắc ý về món quà tặng vừa rồi, song ông ta không mảy may ngỏ lời cảm ơn. Trương không ghìm được lòng hỏi ngay:
- Đôi chim hôm trước có tốt không ạ?
Đáp:
- Cũng béo ngon.
Trương hoảng lên:
- Thưa đa mổ thịt rồi à?
Ông Mỗ đáp một cách thản nhiên:
- Ừ!
Trương cả kinh thưa lại:
- Đó là loại chim cực quý, thường được gọi là Thát dát đấy ạ!
Ông Mỗ mơ màng như cố nhớ lại, thủng thẳng đáp:
- Thịt cũng không khác chim thường mấy.
Trương ôm hận ra về.
Đến tối Trương mộng thấy người thiếu niên áo trắng đến trách:
- Tôi thấy công tử có lòng yêu thương nên gởi con gởi cháu. Sao lại nỡ lòng đem châu báu vứt vào nơi đen tối để đến nỗi chịu nạn thớt đao? Nay tôi phải đưa hết con cái đi.
Nói rồi hóa thành bồ câu, tất cả các loại câu trắng đều bay đi theo. Trời sáng công tử xem lại chuồng, quả là chúng bay đi hết. Trương vô cùng ân hận, đem tất cả chim nuôi đưa tặng bạn tri giao. Mấy ngày thì hết sạch.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/