Nhà Mỗ ở Đông Quận, sinh sống bằng nghề nuôi rắn làm trò. Có hai con đã thuần, cả hai đều màu xanh. Con lớn đặt tên là Đại Thanh, con nhỏ đặt là Nhị Thanh. Con Nhị Thanh trán có một cái chấm đỏ, thuần hơn. Anh ta đặc biệt yêu quý chúng hơn các con khác.
Năm ấy rắn Đại Thanh chết. Anh ta muốn thay bằng con khác nhưng chưa gặp dịp. Tối ây, anh ta ở trọ ở một ngôi chùa trong núi. Sáng ra mở giỏ rắn thì Nhị Thanh đã biến đâu mát. Anh ta buồn tưởng chết, vội vàng đi gọi, tim khắp các gốc cây bụi cỏ nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu vết đâu. Anh ta đành phải quay về ngồi đợi, bụng vẫn mong ngóng nó sẽ tự tìm về.
Mặt trời lên cao, anh ta tuyệt vong, đành nhẽ rầu rĩ khăn gói lên đường. Mới được ít bước, bỗng có tiếng loạt xoạt trong bụi cây, vội ngừng lại nghiêng ngó dõi theo thì thấy Nhị Thanh đang trườn tới. Anh ta mùng quá như tìm lại được vàng, vội dừng lại, đứng đợi ở góc đường. Rắn cũng ngừng lại, phía sau có một chú rắn nhỏ đi theo. Anh ta vỗ về Nhị Thanh:
-Tao tưởng mày đã bỏ tao đi rồi? Nay còn dẫn thêm bạn nhỏ về nữa ư?
Rồi vội đem mồi cho ăn, cho cả con nhỏ nữa. Chú rắn tuy không bỏ đi nhưng còn có vẻ ngần ngừ không dám ăn. Nhị Thanh ngậm mồi mớm cho, y như chủ nhân tiếp khách vậy.
Người nuôi rắn cũng tiếp mồi thêm chưa. Bấy giờ rắn con mới ăn tự nhiên, ăn xong theo Nhị Thanh bò vào trong giỏ.
Người nuôi rắn đem dạy rắn con vào khuôn khép ngay không khác gì Nhị Thanh lắm. Anh ta đặt tên cho nó là Tiểu Thanh, rồi mang cả đi biểu diễn tư phương, thu tiền vô kể.
Đại khái người biểu diễn rắn chỉ dùng rắn dài độ bốn gang, dà quá thì nặng phải thay con khác. Con Nhị Thanh đã đến độ phải thay, song chỉ vì nó hay quá, thành thử chưa muốn thay ngay mà còn lưu dùng hai ba năm nữa. Đến khi nó dài đến sáu bảy gang nằm chật đầy giỏ, anh ta buộc phải thay. Đến đất Tuy ở Sơn Đông, anh ta cho Nhị Thanh ăn mồi ngon, vỗ về chúc tụng nói rồi thả ra. Nó đã bò đi, chốc lát quay lại, cứ lượn quanh ngoài giỏ. Người nuôi rắn vẫy tay ra hiệu:
- Đi đi! Trên đời này làm gì có tiệc vui sum họp trăm năm chưa tan. Từ nay mày vào ẩn trong hang lớn, thế nào cũng hóa thành thần long. Còn cái giỏ chật hẹp này mày sao có thể ở mãi được?
Dường như nghe hiểu ý vậy, lần này con rắn bò đi hẳn. Mỗ đưa mắt nhìn tiễn.
Thế rồi rắn lại quay trở lại. Mỗ vẫy tay ra hiệu cho nó đi, nó vẫn không đi, cứ lấy đầu cạ vào cái giỏ. Tiểu Thanh ở bên trong cũng động cựa soàn soạt. Lúc ấy Mỗ mới hiểu, bảo rằng:
- Có phải mày quay lại từ biệt Tiểu Thanh chăng?
Nói đoạn mở giỏ cho Tiểu Thanh ra. Hai con đầu quấn lấy nhau, lưỡi thè lè như muốn nói với nhau điều gì đó. Rồi hai con cùng bò đi. Mỗ đang còn ngỡ Tiểu Thanh không trở về nữa, nhưng chỉ một lát nó đã ngoằn ngoèo bò về một mình, rúc vào trong giỏ nằm.
Từ đó, công việc của Mỗ không lấy gì làm tốt. Tiểu Thanh cũng to dần ra không biểu diễn được nữa. Sau Mỗ kiếm một con cũng thuần, song không sao bằng Tiểu Thanh.
Lại nói Nhị Thanh vào trong núi, những người đi lấy củi thường gặp. Vài năm sau, nó dài đến mấy chục gang, khoang mình như cái miệng bát, thường hay xông ra phi đuổi người. Bởi vậy những người hay qua lại đấy mách nhau, sợ không dám ra đường.
Một hôm, Mỗ đi qua nơi ấy, rắn quăng mình như gió lao theo. Anh sợ quá bỏ chạy. Rắn đuổi theo rất gấp, sát tận chân. Anh ta quay nhìn lại thấy trán rắn có nốt đỏ mới nhận ra Nhị Thanh, liền hạ gánh xuống gọi: “Nhị Thanh! Nhị Thanh!” Rắn dừng lại, nghiển đầu hồi lâu rồi quăng mình quấn lấy chân Mỗ như diễn trò hồi nào vậy. Mỗ biết rắn không có gì làm hại, nhưng vì nó to quá, anh ta không chịu được sức nó quấn nên ngã vật xuống, kêu lên. Lúc ấy rắn mới buông ra, lấy đầu cọ cọ vào giỏ. Mỗ hiểu ý, mở giỏ thả Tiểu Thanh ra. Hai con vật quấn lấy nhau hồi lâu mới rời.
Mỗ thấy thế, liền chúc Tiểu Thanh:
- Tao đã có ý định thả mày lâu rồi. Nay thế là có bạn nhé!
Quay lại Nhị Thanh, anh ta bảo:
- Trước mày dẫn nó về, nay mày hãy dẫn nó đi.
Rồi cùng dặn cả hai:
- Núi sâu không thiếu mồi, chớ quấy người dọc đường.
Hai con rắn cùng cúi đầu như tỏ ý vâng lời. Rồi con lớn trước con bé sau, bò vào rừng. Người nuôi rắn đứng sừng sững nhìn theo cho đến khi cúng khuất hẳn.
Từ đó người qua lại đường ấy được yên ổn, không gặp rắn đuổi.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Chuyện 72: Nước Dạ Xoa ( Dạ Xoa Quốc)
Có người họ Từ ở đấ Giao Châu, vượt biển đi buôn bị bão thổi bạt thuyền vào một xứ núi cao, rừng rậm. Trông chừng nơi đây có người ở, anh ta buộc thuyền lại, đem theo lương khô rồi lên bờ.
Vừa đi một đoạn đã thấy hai bên núi đều có hang động, dầy đặc như lổ tổ ong, ở trong âm âm nghe có tiếng người. Dừng chân đứng ngoài cửa hang nhòm vào, thấy có hai tên dạ xoa răng tua tủa, mắt đỏ đòng đọc như ngọn đèn, đang lấy móng vuốt xé thịt hươu sống ăn. Anh ta hồn bay phách lạc vội ngoắt ra thì bọn dạ xoa đã nhìn thấy, bỏ ăn quay ra bắt người. Hai dạ xoa trao đổi với nhau, tiếng như tiếng chim, tiếng thú. Chúng xé toan quần áo Từ, có ý muốn ăn tươi. Từ sợ quá, vội lấy lương khô, cùng thịt trâu khô trong đãy ra đưa cho chúng. Chúng chia nhau ăn ngon lành lắm. Quen mùi chúng lại lục đãy. Từ xua tay ra hiệu không còn, dạ xoa có vẻ bực tức, lại túm lấy Từ, Từ kêu van:
- Xin tha cho, trong thuyền tôi có nhiều nồi niêu, có thể nấu nướng được.
Da xoa không hiểu gì lại càng tức, Từ dùng tay ra hiệu, chúng có vẻ hơi hiều, chịu theo Từ ra thuyền. Từ đem đồ đạc vào trong hang, bắc củi nhóm lửa nấu số thịt hươu còn lại rồi đua cho lũ dạ xoa ăn. Chúng mừng rỡ chén ngay. Đêm xuống chúng vần đá lớn lấp cửa hang, chúng sợ Từ trốn. Từ nằm co quắp ngoài xa, trong bụng chỉ sợ phen này tất chết.
Sáng ra, chúng lấp chặt cửa hoang rồi đi. Một lát, chúng mang về một con hươu giao cho Từ. Từ lột da, lấy nước ở cuối hang, luộc thịt làm mấy nồi. Lát sau, một bầy dạ xoa đến, ngấu nghiến ăn hết rồi cùng chỉ vào nồi ra vẻ chê nồi nhỏ. Ba bốn ngày sau, một dạ xoa vác tới một cái nồi lớn, giống như nồi người ta thường dùng. Rồi cả bầy đem đến nào nai, nào sói; khi thịt chín rồi chúng gọi Từ đến cùng ăn.
Ở với nhau mấy ngày, bọn dạ xoa đã hơi quen Từ , khi đi không giam anh ta lại nữa mà ăn ở với nhau như người trong bầy. Từ dần dần phân biệt được tiếng kêu của chúng để dò biết ý rồi cũng tập phát âm như thế, vô hình chung thành ra thứ tiếng dạ xoa. Chúng càng bằng lòng, rủ về một dạ xoa cái cho Từ làm vợ. Lúc đầu Từ sợ không dám gần. Sau đó con dạ xoa cái lân la cùng Từ giao hợp, lấy làm khoái lắm. Mỗi khi đem thịt cho Từ ăn cũng thân thiết y như tình vợ chồng ở con người vậy.
Một hôm tất cả bọn dạ xoa đều dậy sớm, quấn chuỗi hạt minh châu trên cổ, thay phiên nhau ra cửa như có ý chờ đón khách quý. Chúng còn bảo Từ nấu nhiều thịt. Từ hỏi vợ xem có chuyện gì vậy, vợ đáp:
- Đây là tiết Thiên thọ.
Rồi ra bảo bọn kia rằng:
- Anh Từ không có vòng hạt đeo.
Cả bọn trích trong từng chuỗi minh châu mỗi năm hạt đưa cho vợ Từ. Vợ Từ cũng rút mười hạt trong chuỗi của mình, tất cả năm mươi hạt rồi lấy sợi đay xuyên thành chuỗi hạt đeo vào cổ cho chồng. Từ nhìn kỹ, thấy đều là hạt châu quý có dể phải hàng trăm đồn vàng một hạt.
Lát sau cả bầy dạ xoa đều ra ngoài. Từ cũng nấu thịt xong, vợ vào mời ra, bảo:
- Đón Thiên vương.
Đến một cái hang lớn, rộng khoảng một mẫu, ở giữa xếp đá thành một khối bằng phẳng như cái sập, bốn chung quanh đều có đá, bệ trên cùng phủ da báo, còn lại đều phủ da hươu. Hai ba mươi bầy dạ xoa đã ngồi la liệt trong hang. Lát sau gió to làm bụi mù, tất cả dạ xoa đều ra khỏi hang. Một con vật khổng lồ hình thù cũng loại da xoa, chạy ào vào hang, nhảy lên ngồi tót lên bệ trên, hai chân duỗi thẳng, mắt láo lướt nhìn khắp. Bầy dạ xoa theo vào sau, chia hàng thứ ngồi hai bên đông tây, đầu ngẩng, hai tay chắp ngực thành hình chữ thập. Con vật ấy nhìn điểm các đầu một lượt, cất tiếng hỏi:
- Bọn Ngọa Mi Sơn ở hế cả đây chứ?
Cả bầy hét lên có ý trả lời : phải. Con vật ấy nhìn Từ, nói:
- Gì đây?
Vợ Từ thưa:
- Rể.
Cả bầy khen Từ có tài nấu thịt chín. Lập tức hai dạ xoa đem thịt đã nấu chín bày lên sập. Con vật ấy cúi xuống ăn thịt no căng, vừa ăn vừa gật gù khen ngon, lại còn hẹn phải cung đốn thường ngày. Xong rồi quay nhìn Từ bảo:
- Vòng hạt sao ngắn thế?
Bọn dạ xoa đáp:
- Mới đến, chưa đủ.
Con vật ấy rút mười hạt đeo trên cổ đưa cho, hạt nào hạt ấy to như đầu ngón tay, tròn như viên đạn. Vợ Từ vội nhận, đeo vào cổ cho chồng. Từ cũng chắp cánh tay, nói theo tiếng nói dạ xoa để tạ ơn. Xong con vật ấy ra khỏi hang, lướt gió mà đi, nhanh như bay. Cả bọn dạ xoa lúc sau mới xúm lại ăn nốt chỗ còn lại, rồi tản mát đi cả.
Được hơn bốn năm, vợ Từ đẻ sinh ba, hai trai một gái, đều giống bố cả. Bầy dạ xoa rất thích ba đứa trẻ, vỗ về đùa nghịch với chúng.
Một hôm, cả hang đi vắng, chỉ còn lại một mình Từ. Có một con sạ xoa cái ở hang khác sang gạ gẫm Từ. Từ không chịu thế là nó quật Từ xuống đất. Vợ Từ bất thình lình về, nổi giận quần nhau với nó cắn đứt tai. Chồng nó về gỡ ra đuổi nó đi. Từ đó, vợ Từ giữ rịt lấy chồng không rời.
Ba năm sau, ba đứa trẻ đã biết đi. Từ dạy chúng nói tiếng ríu ríu nhưng đã nghe rõ là tiếng người. Tuy chúng còn là trẻ con song trèo núi cứ như đi trên đấtt bằng, khăng khít với Từ như tình cha con lòai người vậy.
Một hôm vợ Từ và hai con ra ngoài, nửa ngày chưa về. Gió bấc thổi mạnh, Từ chạnh tình quê,, dẫn đứa con trai ra bờ biển, thấy thuyền cũ vẫn còn đó, liền quyết định trở về, đứa con định báo với mẹ, Từ ngăn lại. Hai cha con xuống thuyền, một ngày một đêm thì đến Giao Châu.
Đến nhà, vợ cũ đã bỏ đi lấy chồng. Từ đem hai hạt châu đi bán lấy tiền làm ăn sinh sống, gia cảnh ngày càng dư dật. Đứa con trai đặt tên là Bưu, mới mười bốn, mười lăm tuổi đã có thể cất nổi hàng tạ, tính tình lỗ mãng, chỉ thích đánh nhau. Viên tướng chỉ huy ở đất Giao lấy làm lạ, cho giữ một chức quan võ cấp thấp. Gặp lúc có loạn ngoài biên, Bưu lập được công, năm mười tám tuổi được phong làm phó tướng.
Thời ấy, một lái buôn đi biển cũng bị gió thổi bạt đến Ngọa Mi, treo lên bờ, thấy một thiếu niên đã lấy làm kinh ngạc. Thiếu niên biết là dân Trung Quốc liền hỏi thăm quê quán. Người lái buôn kể rõ. Thiếu niên dẫn ngay vào trong một cái hang đá nhỏ, bên ngoài có toàn gai góc, dặn cứ ở đây chớ đi ra ngoài. Lát sau trở về, anh ta đem thịt hươu cho người lái buôn và nói cha mình cũng là người Giao Châu. Người lái buôn ngày đó là Từ- vì họ cùng cánh buôn bán quen biết nhau- liền bảo với anh ta:
- Ông ấy là bạn tôi. Nay con ông ta đang làm phó tướng.
Thiếu niên không hiểu phó tướng là gì, người lái buôn giải thích:
- Đó là một chức quan ở Trung Quốc.
Lại hỏi: Quan là gì?
Trả lời:
- Ra đường cưỡi ngựa, đi xe; vào nhà ngồi trên cao chót vót; gọi một lời trăm tiếng dạ ran; ai gặp không dám nhìn, không dám đứng thẳng, như thế gọi là quan.
Thiếu niên nghe thấy nói về quan như thế, đã lấy làm kính mộ lắm. Nguời lái buôn bảo:
- Cha anh đã ở Giao Châu, sao anh còn chịu ở đây lâu thế?
Thiếu niên kể lại sự tình. Người lái buôn khuyên nên về Nam với cha, anh ta mới nói thực tình:
- Tôi cũng thường có ý ấy, song mẹ tôi không phải là người Trung Quốc, vẻ người tiếng nói đều khác. Vả lại đồng loại của mẹ mà biết ý định ấy thì sẽ tàn hại, do đó còn chần chừ. Rồi còn hẹn: “Đợi gió bấc nổi lên, tôi sẽ tìm cách đưa ông về. Phiền ông báo cho cha và anh tôi biết tin”.
Gần nửa năm ẩn trong hang, người lái buôn có phen nhòm qua đám gai góc thấy dạ xoa qua lại bên ngoài thì sợ lắm, không dám động cựa. Một hôm gió bấc ù ù thổi, thiếu niên đến ngay, dẫn người lái buôn trốn ra khỏi hang tìm cách về Nam. Anh còn dặn đừng quên điều mình nhờ.
Về đến Giao Châu, người lái buôn vào ngay phủ phó tướng, kể lại đầy đủ những điều đã gặp. Bưu chạnh lòng nhơ mẹ nhớ em, muốn lập tức đi tìm. Người cha hết sức can ngăn, e biển khơi gió to sóng dữ, hiểm trở gian nan. Bưu cứ đấm ngực kêu khóc, người cha đành phải chịu. Rồi Bưu đến trình với quan chánh tướng, dẫn hai người lính ra biển. Thuyền bị gió ngược cản, phải hạ buồm ở giữa biển nửa tháng, bốn chung quanh chỉ thấy trời nước không bờ, chẳng phân biệt được phương hướng. Bỗng gặp cơn sóng dữ lật úp thuyền, Bưu lộn xuống biển vật vờ chìm, nổi theo sóng. Hồi lâu được một con gì đó dìu vào một vùng đất có nhà cửa. Bưu tỉnh dậy, thấy con vật dìu mình ấy có hình dạng dạ xoa. Bưu nói tiếng dạ xoa kể lại cơn cớ của mình. Dạ xoa vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, bảo Bưu:
- Ngọa Mi chính là quê cũ của tôi. Anh đã chệnh tám nghìn dặm. Đây là hướng tới nước Độc Long, không phải là lối tới Ngọa Mi.
Nói rồi hắn ta tìm thuyền đưa Bưu xuống, rồi lội nước đẩy thuyền nhanh vùn vụt như gió lướt, loáng mắt đã vượt nhìn dặm. Qua một đêm thuyền đã tới bờ Bắc Ngọa Mi. Bưu thấy trên bờ có một thiếu niên có vẻ quẩn quanh trông ngóng. Biết đây không có loài người ở, Bưu ngờ đó là em mình, lại gần dò hỏi thì quả nhiên là đúng. Hai anh em nắm tay nhau khóc. Bưu hỏi tin tức mẹ và em gái, được biết đều còn khỏe mạnh, bình yên, muốn cùng đi tìm ngay. Người em ngăn lại, tự mình vội vã quay đi, định đi hỏi bầy dạ xoa để từ tạ thì chúng đã đi đâu mất cả.
Không bao lâu mẹ và em gái đều đến chỗ Bưu, vừa trông thấy nhau đã khóc ròng. Bưu nói ý định, mẹ dạ xoa buồn rầu bảo:
- Sợ đến sẽ bị người hại.
Bưu cả quyết:
- Con ở Trung Quốc rất sanh trọng, người nào dám coi thường.
Khi ý định về Giao Châu đã quyết thì lại ngại nỗi gió ngược không sao đi được. Mẹ con còn đang lúng túng thì thấy cánh buồm ngả hướng về Nam.
Bưu mừng, reo lên:
- Trời giúp ta rồi!
Mẹ con xuôi thuyền, sóng xuôi gió thuận, thuyền đi như tên bắn, ba ngày thì tới đất Giao Châu. Người trên bờ vừa nhìn thấy thì đã bỏ chạy tán loạn. Bưu phân phát quần áo cho mẹ và em.
Về đến nhà, mẹ dạ xoa thấy ông bố chồng ra mặt tức giận mắng mỏ, đã lấy làm ân hận vì đã trót dại về đây. Từ phải tạ lỗi mãi. Gia nhân đến chào chủ mẫu, ai nấy đều run sợ. Bưu khuyên mẹ học nói tiếng Trung Quốc. Rồi được mặc áo gấm, ăn cơm thịt, mẹ dạ xoa mới yên lòng, có vẻ vui. Cả mẹ và con gái đều mặc trang phục đàn ông.
Được vài tháng, họ dần dần nói rõ tiếng người, nước da trắng ra. Em trai đặt tên là Báo, em gái tên là Dạ Nhi, đều rất khoẻ.
Bưu tìm cách dạy em học chữ, Báo rất thông minh, kinh sử lướt qua một lượt là hiểu và thuộc. song anh ta không muốn theo đòi nghiệp nho mà thích tập cưỡi ngựa, bắn cung, sau đỗ tiến sĩ võ, lấy con gái viên quan họ A.
Dạ Nhi vì khác giống, mãi không ai lấy, sau có viên tướng của Bưu- người họ Viên- vì chết vợ mới lấy gượng. Dạ Nhi có thể giương được cung cứng “bách thạch”, từ xa trăm bước có thể bắn trúng chim nhỏ, không phát nào trật. Mỗi khi đi đánh dẹp đâu. Viên thường đưa vợ cùng đi. Sau ông ta được cất nhắc lên chức đồng tri tướng quân, nửa phần công trạng là do vợ lập.
Còn Báo năm ba mươi tư tuổi đeo ấn tướng quân. Mẹ dạ xoa cũng đi theo, mỗi khi vào trận đánh lớn thường mặc áo giáp, cầm gươm tiếp ứng cho con. Quân địch trông thấy là hoảng sợ bỏ chạy. Nhà vua xuống chiếu phong cho tước nam. Báo thay mẹ dâng sớ từ không nhận tước ấy. Sau được phong là phu nhân.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Chuyện 73: Nàng Ba Hoa Sen (Hà Hoa Tam Nương Tử)
Tống Dương Nhược người Hồ Châu là bậc sĩ nhân. Một ngày mùa thu, đi thăm ruộng, thấy đám lúa tốt bời bời đang lay động dữ dội. Tống nghi hoặc, vượt bờ qua xem, thì ra đôi trai gái đang dở cuộc ái ân.Tống hắng giọng cười một tiếng định quay lại. Gã con trai thản nhiên thắt quần vội vã đi qua. Cô gái đứng dậy mặt mũi khá xinh. Tống vừa nhìn đã thấy ưa, chớm nảy ý nọ kia, song lại xấu hổ e thành thô bỉ. Chàng tiến lại vừa phủi quần áo cho, vừa đùa:
- Cuộc tình trong dâu có vui thú chăng?
Cô gái cười, lặng thinh. Tống sấn lại sát cô gái, khẽ cởi áo ngoài, thấy da thịt nõn nà, không kìm được liền vuốt ve trên dưới khắp người. Cô gái cười nói:
- Cái anh tú tài cổ lỗ này muốn làm gì thì làm, cứ rối rít lên cái gì?
Tống hỏi họ tên, cô gái đáp lấp lửng:
- Một độ xuân chơi thì tỏ tường mọi nhẽ, cần gì tra hỏi. Hay muốn lưu tên tuổi để lập phường trinh chăng?
Tống nghiêm giọng:
- Giữa nội đồng sương cỏ, đó là nơi bọn chăn heo sơn dã thường làm, tôi không quen thế. Thấy cô đẹp, đến việc ngỏ lời hẹn riêng cũng cần tự trọng, việc gì phải tuế toá lên thế!
Cô gái lặng nghe có ý thừa nhận là đúng. Tống hẹn:
- Túp nhà hoang vắng của tôi cũng không xa đây, xin mời quá bộ đến thăm.
Cô gái từ tạ:
- Tôi đi đã lâu sợ người ta ngờ. Có gì đợi tối.
Cô gái còn hỏi kỹ đặc điểm của nhà, đường ngõ rồi mới theo đường tắc bước quay đi.
Chập tối, cô gái đã đến phòng Tống, một cuộc mây mưa cực kỳ hoan lạc. Cứ thế ngày này tháng khác, không một ai hay. Hôm ấy, sư trụ trì chùa làng gặp Tống ngoài đường kinh ngạc hỏi:
- Người anh có ta khí, đã gặp việc gì chăng?
Tống trả lời : Không.
Sau đó về ốm liền. Đêm đêm cô gái lại tới, đều mang hoa quả ngon cho Tống ăn, ân cần hỏi han chăm sóc y như vợ chồng tận tụy. Đi ngủ, thế nào cô gái cũng ép Tống phải chiều bằng được. Tống mắc bệnh, không kham nổi, đã có ý nghi ngờ cô gái không phải là người, song chưa có cách nào dứt được, nay mới nói nửa kín nửa hở:
- Bữa trước đoán tôi bị yêu ám, nay quả bị bệnh, thật là nghiệm. Ngày mai nếu người đến tôi sẽ xin bùa yểm.
Cô gái biến sắc.
Tống càng ngờ, sai người đến kể với sư. Sư bảo:
- Đó là hồ ly. Thuật của nó còng thường lắm, dể bắt.
Sư vẽ cho một đạo bùa, dặn:
- Lấy một cái vò sành dán bùa vào miệng, đem đặt trước giường . Khi hồ ly chui vào, úp ngay một cái chậu lên, dán bùa rồi đổ nước vào, nổi lửa đun một lát là hồ chết.
Gia nhân về sắp sửa như lời sư dặn.
Đêm ấy, khuya cô gái mới đến, lấy quít vàng từ trong tay áo ra, vừa định đến giường thăm hỏi Tống, bỗng trong vò có tiếng kêu u ú. Cô gái bị hút tụt ngay vào. Gia nhân đợi sẵn, vội bịt lấy miệng vò, dán bùa, định đốt lửa. Tống thấy quít vàng tung toé trên mặt đất, nhớ lại những ngày tình nghĩa sâu đậm, trong lòng không nỡ, sai phóng thích ngay. Bùa vừa được giải, chậu vừa được nhấc, cô gái từ trong vò chui ra, vô cùng lúng túng, cúi đầu nói:
- Thiếp, đại đạo sắp thành, suýt nữa hóa ra thành đất. Chàng vô cùng nhân hậu, thiếp sẽ báo đền. Nói rồi ngoắt đi.
Vài ngày sau, bệnh tình Tống vô cùng nguy kịch. Gia nhân đi chợ mua gỗ. Một người con gái đón hỏi:
- Có phải người nhà Tống Dương Nhược không?
Người kia nhận : Phải.
Cô gái tiếp:
- Tống là anh họ. Nghe nói bị bệnh nặng cũng định đến thăm, chẳng may lại bận việc, không đi được. Có một thang linh dược, phiền anh đưa dùm.
Người gia nhân về, Tống không có chị em họ hàng nào như thế, nên biêế ngay là hồ ly đền ơn. Uống thuốc đến đâu thì bệnh khỏi đến đấy, chỉ mươi ngày bình phục hoàn toàn. Tống vô cùng cảm kích chắp tay ngửa mặt lên không trung nguyện được tái hợp.
Đêm ấy, Tống đóng cửa ngồi uống rượu một mình, bỗng nghe có tiếng móng tay cào cửa sổ, vội bật cửa chạy ra. Hồ nữ đến! Tống mừng quá chắp tay cảm tạ, bày rượu cùng uống. Cô gái giải tỏ nỗi lòng:
- Từ độ từ biệt, lòng cứ bồn chồn không biết lấy gì đền ơn đức cao dày. Nay vì chàng xin tìm một đám xứng đôi như thế đã tròn trách nhiệm thiếp chưa?
Tống vội hỏi:
- Người nào vậy?
Đáp:
- Chàng chưa biết đâu. Sáng mai vào giờ thìn, chàng vượt Nam Hồ, thấy cô gái hái dâu, quấn khăn tơ trắng thì chèo thuyền thật gấp đuổi theo. Nếu lạc hướng không kịp thấy bên đê có bông hoa sen cuống ngắn ẩn dưới tán lá, xin chàng hái lấy; mang về, đốt nến hơ vào cuống hoa, chàng sẽ có trong tay một cô gái đẹp, lại thêm tuổi thọ.
Tống chăm chú ghi nhớ lời dặn, đến khi cô gái cáo biệt, Tống cố chèo kéo. Cô gái từ chối phân giải:
- Từ gặp tai nguy, bỗng giác ngộ đại đạo, nay đâu còn ham muốn mối tình chăn gối để chuốc lấy thù oán của con người.
Nói rồi nghiêm nét mặt cáo biệt.
Tống theo lời dặn. Đến Nam Hồ thấy đầm sen mênh mông, gái đẹp vô kể. Trong đám có một cô bím tóc buông rũ, áo lụa trắng như băng, tươi đẹp tuyệt trần. Chàng vội phóng thuyền theo, luống cuống lạc huớng, để mất hút người đẹp. Chàng bắt thuyền vào đám sen, quả nhiên thấy một nhánh hoa sen, cuống sen chưa đầy hai gang, liền hái lấy mang về. Vào nhà Tống đặt hoa lên ghế, cắm nến vào bên, châm lửa hơ. Khoảnh khắc, sen đã hóa thành cô gái đẹp. Tống vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, phục xuống vái. Cô gái nghiêm giọng:
- Anh chàng si tình! Ta là hồ ly đây, sẽ gây vạ cho chàng đấy.
Tống tỏ vẻ không cho là thật. Cô gái hỏi vặn:
Ai bảo chàng làm thế?
Trả lời:
- Tự kẻ tiểu sinh biết nàng phải đợi ai bảo.
Tống nắm lấy cánh tay kéo đi, cô gái tuột theo tay Tống xuống đất, hóa thành hòn đá, cao khoảng hai gang, bốn mặt lấp lánh. Tống đặt đá lên án, đốt hương vái lạy và cầu khẩn. Tối xuống chận cửa gài then cẩn thận, chỉ sợ đá biến mất. Sáng ra xem lại không thấy đá đâu, chỉ thấy một cái khăn lụa trắng, vẫn còn thoảng hương. Tống ôm lấy, lên giường đắp chăn nằm ngủ; tối trở dậy thắp đèn, quay lại đã thấy cô gái, sợ cô gái hóa thân, nên ra sức cầu van rồi sau mới dần dà lấn tới. Cô gái cười:
- Thật là nghiệp chướng! Chẳng biết kẻ thừa hơi nào lại đi dạy cho lão si tình này những chuyện tầm bậy thế này?
Rồi cùng nhau nhu thuận, không cưỡng lại. Trong lúc giao tiếp, có lúc dường như không kham được, nhiều lần xin ngưng nghỉ. Tống không nghe. Cô gái phải dọa:
- Nếu cứ thế này, thiếp sẽ hóa ngay.
Lúc ấy Tống mới thôi.
Từ đó đôi bên rất hòa hợp, mà gia tự nhà Tống thường vàng lụa đầy rương , không hiểu từ đâu đem về. Cô gái gặp ai cứ “dạ, dạ” dường như miệng không thốt được thành lời. Còn Tống cũng tránh không kể những điều kỳ lạ về nàng. Nàng mang thai hơn mười tháng. Lường đúng ngày sinh nàng vào buồng dặn Tống đóng cửa chặt không cho ai vào rồi nàng lấy dao tự rạch bụng mình ,lấy con ra, bảo Tống lấy lụa quấn con lại. Qua đêm mẹ tròn con vuông.
Sáu, bảy năm sau, nàng bảo Tống:
- Thiếp đã báo đền ơn cũ vẹn toàn, nay xin cáo biệt.
Tống nghe vậy, sửng sốt khóc:
- Lúc nàng mới về, ta nghèo khổ không thể tự lập. Nhờ nàng mới có ngày nay, sao vội nói lời chia ly quá sớm? Vả lại nàng không họ hàng thân thích, sau này con không biết mẹ, cũng là điều đáng ân hận.
Nàng rầu rĩ phân giải:
- Có tụ ắt có tán, đó là lẽ thường. con có phúc tướng, chàng tuổi thọ cũng dài, còn mong gì hơn nữa? Thiếp vốn họ Hà. Nếu chàng có chút ân tình quyến luyến, cứ ôm kỷ vật cũ của thiếp mà gọi. Nàng Ba Hoa Sen ( nguyên văn: Hà Hoa Tam Nương Tử) thì tự nhiên lại thấy mặt.
Rồi với dáng điệu thanh nhàn, nàng nói lời cáo biệt:
- Thiếp đi đây!
Kinh hãi quay lại nhìn thì nàng đã bay quá tầm người đứng. Tống lại nhảy lên níu giữ, nhưng chỉ cái giày tụt lại. Giày rơi xuống đất hóa thành con yến bằng đá, sắc đỏ như son, trong ngoài trong suốt như thủy tinh. Chàng nhặt lấy cất đi. Kiểm tra trong hòm thấy tấm khăn lụa trắng hồi mới về vẫn còn đây. Mỗi khi tưởng nhớ, chàng ôm ấp tấm khăn gọi “Nàng ba Hoa Sen” thì lại thấy nàng thướt tha tươi cười hiện về y như lúc còn ở trần thế vậy. Chỉ có điều không nói một lời nào.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Chuyện 74: Ma Học Đàn (Hoạn Nương)
Ông như Xuân, con nhà dòng dõi đất Thiểm Tây, mê say đàn cầm từ nhỏ, ngày nào cũng luyện tập, dù đi đâu cũng không sao nhãng.
Có lần chàng đi chơi Sơn Tây,qua một ngôi chùa cổ, buộc ngựa ngoài cổng rẽ vào nghỉ cho đỡ mệt.Trên hành lang có một đạo sĩ mặc áo vải ngồi xổm ở đó, gậy trúc tựa vách, cây đàn đựng trong túi vải thêu bông. Xuân thấy đàn hợp ý bèn cất tiếng hỏi làm quen:
- Đạo sị cũng sành nghề chơi này?
Đáp:
- Cũng chẳng sành. Chỉ mong gặp được bậc nào giỏi để học thêm.
Vừa nói ông vừa mở túi lấy đàn đưa cho Xuân xem. Chàng thấy cây đàn có vân tuyệt đẹp, thử dạo một vài tiếng thấy trong ấm lạ thường, liền nổi hứng gãy luôn một khúc ngăn ngắn. Đạo sĩ nhếch mép có ý cho đó là chưa được. Xuân trổ tài luông một khúc khác nữa. Đạo sĩ khen gượng:
- Cũng khá! Cũng khá! Nhưng chưa thể làm thầy ta được.
Xuân nghe nói có vẻ khoe khoang, muốn xem tài thực, liền xin cho được nghe ông thử đàn. Đạo sĩ tiếp lấy đàn đặc trên đầu gối, vừa mới gãy vào dây tơ đã nghe như có gió mát thoảng đến. Khúc đàn rung lên thì có cả trăm thứ chim lượn tới, đậu kín trên cây trước sân chùa. Xuân sửng sốt kính phục, vội vàng sụp lạy xin được dạy bảo cho.
Đạo sĩ đàn luôn ba lượt, chàng chăm chú nghe dần dần hiểu được khúc điệu. Đạo sĩ biểu chàng gảy lại chỗ nào sai thì uốn nắn cho. Cuối cùng ông nói:
- Như thế là trần gian không ai sánh bằng anh rôì!
Từ đó trở đi Xuân ra sức nghiền ngẫm tập dượt, tài đàn trở thành tuyệt giỏi.
Sau đó chàng trở về quê, còn cách nhà mấy chục dặm thì trời tối bỗng mưa to, không biết nghỉ chân vào đâu. Nhìn quanh quất bên đường thấy có một xóm nhỏ liền rảo bước tới, không kịp hỏi han chọn lựa, chỉ thấy có một cái cửa ngỏ là bước luôn vào, đến tận nhà giữa vẫn thấy vắng tanh.
Lát sau có một thiếu nữ độ mười bảy đến mười tám tuổi ở trong nhà đi ra, đẹp như tiên sa. Chợt thấy khách lạ, cô ta ù té chạy quay vào. Còn là trai tân, vừa nhìn thấy cô nàng, Xuân đã không kìm được lòng.
Rồi một bà lão ra tiếp khách. Chàng xưng tên họ, xin ngủ trọ một đêm. Bà lão cho biết, trọ lại cũng được, chỉ hiềm nhà không có giường chõng gì cho khách, chỉ có thể trải một thứ gì xuống đất nghỉ tạm. Nói xong, bà lão thắp đèn bưng ra ôm cỏ khô rãi xuống đất. Thấy thái độ ân cần, niềm nở của bà, chàng liền hỏi họ tên để làm quen. Bà trả lời:
- Già họ Tiêu.
- Còn cô em lúc nãy là ai?
- Đó là con gái nuôi của già, tên là Hoạn Nương.
Xuân đánh bạo tán luôn:
- Nếu cụ không chê tôi nghèo, tôi nhờ mối đến hỏi cô em có được không?
Bà cụ lắc đầu:
- Điều đó thì già không chìu lòng được.
Xuân căn dặn vì sao? Bà chỉ đáp: Khó nói!
Câu chuyện giữa chủ và khách đến đó chấm dứt. Bà lão vào nhà trong để khách đi nghỉ. Nhưng xem đến cỏ trải ổ thì ướt và mục không thể nào nằm được. Xuân đành ngồi gảy đàn cho qua đêm dài. Mưa tạnh, chàng từ giã chủ nhà ra về.
*
Trong làng có quan Lang trung họ Cát về hưu. Ông xưa nay vẫn quý những người có tài văn nghệ. Nhân đó Xuân tìm đến chơi. Ông Cát biết tài Xuân bảo gảy đàn cho nghe. Khi tiến đàn rung lên, thấp thoáng trong mành có bóng đàn bà con gái rình nghe. Một cơn gió thổi mạnh lay động bức mành. Xuân vội liếc mắt nhìn, thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần. Đó chính là con gái chủ nhân tên là Lương Công, vừa giỏi văn chương từ phú lại nổi tiếng là bậc tiên nữ trong vùng.
Chàng xiêu lòng, về thưa với mẹ cậy người đến hỏi, nhưng ông Cát chê nhà Xuân sa sút không chịu gả.
Từ khi Lương Công được nghe Xuân trổ ngón đàn, lòng đã hâm mộ lắm, chỉ ước được nghe nữa. Song vì chuyện dạm hỏi không thành,Xuân phẫn chí không muốn lui tới nữa. Một hôm nàng ra vườn chơi, ngẫu nhiên nhặt được một tờ hoa tiên không còn mới lắm, trong có viết bài từ “Tiếc xuân thừa”. Nàng thích văn hay, ngâm ngợi ba bốn lần rồi đem vào buồng riêng, lấy vải hoa nền gấm chép cẩn thận thành một bản khác để trên án. Nhưng lạ quá, chỉ lát sau tờ giấy có bài từ ấy đã biến đâu mất. Nàng cứ ngỡ là gió thổi bay đi. Không ngờ ông Cát đi qua phòng ấy, nhặt được, tin là con gái làm ra. Thấy lời lẽ lẳng lơ, ông ghét lắm đem đốt đi mà không nói ra om sòm, chỉ mong mau chóng gả chồng cho con, khỏi ngại.
Vừa lúc ấy quan Lưu Phương Bá ở làng bên đến dạm hỏi cho con. Ông Cát lấy làm ưng, song muốn đợi xem mặt chàng rể mới quyết. Hôm ấy Lưu công tử ăn vận cực kỳ sang trọng đến ra mắt. Ông Cát thấy công tử đẹp trai, ưng ngay, bày tiệc khoản đãi rất hậu hĩ. Khi công tử đứng dậy ra về, trên chỗ ngồi rớt lại một chiếc giày con gái. Ông Cát thấy vậy, phát ghét anh chàng này là kẻ bờm xơm, đàng điếm, liền nói bà mối đến nói rõ lý do không gả con gái cho nữa. Công tử ra sức biện bạch rằng oan, nhưng ông Cát nhất định bỏ ngoài tai.
Họ Cát có giống hoa cúc xanh, không truyền cho ai. Lương Công đem trồng một chậu cúc quý ấy trong buồng riêng. Và lạ thay vườn cúc nhà Xuân bỗng nhiên cũng nảy ra hai giò màu xanh. Mọi người nghe thấy đua nhau đến ngắm xem. Xuân coi như được của báu. Sáng hôm sau ra vườn hoa sớm, chàng nhặt được bên luống hoa một tờ giấy viết bài “Tiếc xuân thừa”. Không biết nó từ đâu tới chỉ thấy trong bài có chữ Xuân là tên mình, đọc đi đọc lại, suy ngẫm càng thấy làm lạ. Chàng liền đem về bàn, ra công tô điểm, bình luận, lời lẽ có phần thô lỗ.
Nghe nói cúc nhà họ Ông biến ra màu xanh, ông Cát ngạc nhiên thân hành đến nhà học của Xuân để xem thực hư. Ngẫu nhiên trông thấy bài từ, ông cầm lấy toan đọc. Xuân chợt nhớ lời bình của mình trót lỡ sổ sàng không muốn cho ông xem, sợ mang tiếng, vội giàng vò nát. Ông Cát chỉ kịp lướt một hai câu thì đúng là bài từ ông đã nhặt được ở buồng con gái. Ông lấy làm nghi ngờ lắm. Lại cả giống cúc xanh, ông cũng nghĩ là con gái ông tặng cho Xuân không thì anh đào đâu ra?
Về nhà ông nói chuyện với vợ, gọi Lương Công ra tra hỏi. Nàng khóc lóc kêu oan, xin chết để tỏ lòng thực. Mà nghĩ cho cùng việc chẳng có chứng cứ gì đích thực xác, tất cả chỉ là nghi hoặc, không rõ thực hư thế nào? Bà vợ sợ tai tiếng vỡ lở, bàn với chồng gả quách con gái cho Xuân là xong chuyện. Ông Cát đến lúc ấy cũng cho là phải, bèn nhắn tin cho chàng hay.
Xuân bất ngờ mừng quá đỗi, ngay ngày hôm ấy mời bạn bè tới dự tiệc cúc xanh rồi đốt hương thơm gảy đàn cho tới khuya. Chàng về phòng ngủ rồi, đứa tiểu đồng trông coi nhà học nghe đàn cứ tự nhiên thánh thói kêu hoài. Ban đầu nó nghi hay là bọn tôi tớ trong nhà đùa giỡn. Sau thấy không phải, nó chạy vội đi báo với chủ.
Chàng liền đến nhà học, quả thấy sự là đàn kêu, nghe kỹ thì tiếng đàn như cố bắt chước khúc mình chơi, nhưng âm điệu còn chưa chuẩn, chưa nhuyễn. Chàng lập tức cầm đèn xộc vào buồng học thì vẫn thấy vắng tanh không có ai, đem đàn đi, từ đấy mới im. Bấy giờ anh chàng mới nghi là hồ tinh, chắc là nó muốn học đàn. Từ đấy mỗi tối chàng gảy đàn một khúc rồi để đàn lại cho hồ tập, làm y như một thầy dạy đàn vậy.
Hàng đêm chàng lại rình nghe qua sáu bảy đêm tiếng đàn đã réo ráo xuôi tai.
*
Sau khi thành hôn, hai vợ chồng Xuân đọc lại bài từ bỏ rơi hôm trước mới biết cuộc hôn nhân được tác thành đầu mối từ đó. Song còn tại sao nó lại bay tới nhà Xuân thì không rõ. Về sau tiếng đàn tự nhiên kêu, Lương Công cũng rình nghe. Nàng đoán:
- Không phải là hồ ly đâu. Nghe âm điệu não nùng ai oán lắm như có ma ở trong. Vậy chắc là ma.
Xuân không tin. Lương Công khoe ở nhà mình có cái gương cổ có thể soi rõ ma quỷ. Một hôm, nàng sai người về lấy, rình một lúc tiếng đàn nổi lên, lập tức ập vào trong đưa gương chiếu rồi thắp đèn lên. Quả có người con gái đang luống cuống ở góc nhà, không trốn đi đâu được. Xuân nhìn thì chính là Hoạn Nương mà chàng đã gặp ở nhà trọ hồi nào. Chàng cả kinh gặng hỏi tại sao nàng lại ẩn náo nơi đây. Nàng rớt nước mắt đáp lại:
- Thiếp làm mai mối cho chàng và tiểu thư nên duyên nên lứa, đâu phải không có chút công lao. Nay sao nỡ bức bách nhau quá vậy?
Xuân bảo vợ đem cất gương nhưng giao hẹn Hoạn Nương đừng có vội biến đi. Hoạn Nương ưng thuận, ngồi xuống hơi xa mà kể:
- Thiếp là con quan thái thú, sớm thiệt phận đã trăm năm nay. Còn nhỏ rất thích đàn cầm, đàn tranh. Về đàn tranh thì đã tập được ít nhiều, chỉ còn đàn cầm thì chưa được học cho nên dù đã xuống suối vàng vẫn ấm ức mãi. Khi chàng tránh mưa, ghé vào trọ, trộm nghe được điệu đàn, lòng đã hâm mộ, say mê lắm. Chỉ thiệt phận mình là ma, không thể theo đòi nâng khăn sửa túi cho chàng được. Bởi vậy đã ngầm tính cách dun dủi cho chàng gá gá duyên được với nàng tài cao sắc đẹp, đặng báo đền chút tình đoái thương của chàng. Chiếc giày công tử họ Lưu để rơi và bài từ “Tiếc xuân thừa” bay đến, đều là do thiếp tạo ra. Việc báo ơn thấy học đến thế không phải là mệt trí tốn công!
Vợ chồng Xuân nghe xong, rưng rưng cảm động, vội vàng vái tạ. Hoạn Nương tiếp:
- Ngón đàn của chàng thiếp đã luyện được quá nửa rồi, chỉ còn chưa lột được hết tinh thần. Vậy phiền chàng gảy cho tập một lần nữa.
Xuân nhận lời và vừa gảy mẫu vừa chỉ bảo cách thức, Hoạn Nương mừng lắm.
Thiếp nhận được hết chỗ hay rồi. Nói đoạn định đứng dậy từ biệt.
Lương Công vốn giỏi đàng tranh, nghe Hoạn Nương cũng sở trường, bèn xin nàng gảy cho nghe. Hoạn Nương vâng ngay, tiếng đàn vừa rung lên, âm điệu thật tiêu tao réo rắt, cõi trần khó ai sánh kịp. Lương Công trầm trồ khen ngợi, xin Hoạn Nương truyền bảo lại cho. Nàng lấy bút ghi lại bản đàn thành mười tám chương, xong rồi đứng dậy cáo biệt.
Cả hai vợ chồng Xuân cùng cố giữ lại. Giọng Hoạn Nương buồn thảm:
- Chàng và tiểu thư nên duyên cầm sắt tức là bạn tri âm của nhau. Thiếp là kẻ bạc phận có đâu được hưởng phúc ấy. Nếu có duyên trời gặp gỡ thì họa may sum họp kiếp sau.
Nói xong lấy ra một cuốn giấy đưa cho Xuân và nói:
- Đây là bức hình của thiếp. Nếu như không quên bà mối thì xin đem treo ở buồng nằm. Khi nào khoái ý, đốt nén hương thơm, gảy một khúc đàn, tức là thiếp được hưởng vậy.
Nói dứt, bước ra khỏi cửa biến mất.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/