Lễ cưới đông như ngày hội khiến phòng khiêu vũ mênh mông của khách sạn Morocco trở nên chật hẹp như phòng ngủ. Không thiếu một gương mặt nổi tiếng nào của Las Vegas, từ nghệ sĩ, chính khách đến các doanh nhân. Song nổi bật hơn cả vẫn là chủ hôn, Al Caruso, cùng đám thân hữu của ông ta, những người trong bộ trang phục cổ điển, không cười – dù là đến dự cưới, hầu như không nói và rất ít đụng đến rượu. Hoa nhiều, đồ uống phong phú, sâm banh chảy từ vòi như thác, nhạc rộn ràng, tiếng cười rộ lên liên tục...Al Caruso quả là nhà tổ chức tài năng.
Khách đến dự, mười người như một, kể cả chủ hôn Al Caruso cùng hai gã tăm tắp, sau lời chúc mừng cô dâu chú rể đều không quên chia buồn về cái sự sơ-ý-ngã-cầu-thang-gãy-tay của chú rể Toby. “Đẹp đôi, đẹp đôi lắm!”. Họ nói thêm trước khi rời đi.
Đẹp đôi!? Đầu óc Toby từ đầu lễ cưới vẫn lâng lâng bởi thứ thuốc giảm đau đặc biệt mà viên bác sĩ của Caruso tiêm cho nên hầu như chẳng biết gì về đám cưới đông hay vắng, vui hay không; anh cứ đi lại, bắt tay, ngơ ngẩn cười một cách máy móc. Rồi khi thuốc không còn tác dụng, cùng lúc với chỗ tay gãy đau đớn trở lại là sự căm giận trỗi dậy trong anh. Giận mình, giận Caruso, giận hai gã tăm tắp, giận cả đám khách khứa cười nói vô duyên...
Đẹp đôi!? Toby nhìn sang cô dâu. Giờ thì anh đã nhớ ra. Đó là cô gái có gương mặt xinh xắn, dáng thon thon, mái tóc nâu dài, hơn hai mươi tuổi. Cô ta cười to, cười giòn hơn hẳn đám bạn mỗi khi nghe anh kể chuyện vui, và đôi khi, cả chuyện không vui lắm. Anh còn nhờ thêm rằng đó là một trong rất ít các cô gái từ chối lên giường với anh, dù cứ lẽo đẽo theo anh suốt. Cô ta thực thà từ chối, mà không nói ra lý do. Nhưng có nói hay không thì cái sự từ chối ấy chỉ càng khiến anh thèm muốn cô hơn, càng đòi làm tình với cô bằng được.
Có phải đây là cái giá mà anh phải trả cho sự hợm mình?
Anh nhớ hôm ấy đã làm vẻ mặt sầu khổ, giọng nói rầu rĩ thế nào. “Em làm anh phát điên phát cuồng mất thôi. Anh đáng ghét đến vậy ư?”
“Đáng yêu là khác. Nhưng em đang có người yêu mất rồi”.
Thành thực đến vậy mà anh vẫn không chịu buông tha, vẫn mời bằng được cô gái về phòng và phô ra mọi chuyện vui cùng mọi sự duyên dáng của mình. Tất nhiên, cô ta thích mê đi, vừa nắc nẻ cười vừa cho anh hôn, cho anh bóp vú, cho anh cởi váy áo nhưng đến khi anh bế lên giường thì cô ngăn anh lại, giọng đầy lo lắng. “Đến đây thôi. Quá nữa là người yêu em không bằng lòng đâu, và em không biết sẽ xảy ra chuyện gì đâu. Thôi đi anh”.
Cũng lại là một khuyên can đúng mức, và thành thực nữa. Anh vẫn không chịu nghe, còn vênh váo. “Sau đây anh sẽ hỏi tội nó, nhớ nhắc anh, em yêu”. Họ quấn lấy nhau cả đêm, rồi ngủ thiếp đi, vẫn không rời nhau ra. Đúng hơn, cô ta không chịu rời Toby ra. Để rồi sáng dậy, anh thấy cô đang dấm dứt khóc. Anh hôn vào ngực cô, bàn tay vuốt dài trên lưng cô. “Em ân hận ư? Anh lại cứ nghĩ em còn thích hơn cả anh”. “Vâng, em thích lắm. Nhưng em...sợ...”
Đang lúc dễ tính và cũng muốn dỗ dành cho xong để còn xuống ăn sáng, Toby âu yếm.
“Sợ anh chơi xong sẽ bỏ em ư? Không đâu, anh yêu em”. Câu này dường như ngủ xong với cô nào, anh chả nói, như thói quen vậy. Song không cô nào nghe xong lại như cô này, nhỏm phắt dậy, nhìn đăm đắm vào mắt anh, hồi hộp. “Anh nói thật chứ, Toby, thật chứ?”
Anh thản nhiên. “Hãy tìm lý do để anh nói dối em. Nếu không có, tức là anh nói thật”.
Cô ôm ghì anh, lại toan dẫn anh đi vào cô lần nữa, nói trong hơi thở gấp gáp. “Còn em, em yêu anh ngay từ cái giây đầu tiên nhìn thấy anh”.
Anh gạt vội cô sang bên, vùng dậy. “Quần quật cả đêm, anh đói lắm rồi. Mình xuống ăn sáng, em yêu”.
Mọi sự đến đó là hết. Một đêm duy nhất. Và chỉ mới cách đám cưới này có mươi hôm. Vậy mà cái đêm độc nhất đó đã khiến cuộc đời anh hoá ra ngớ ngẩn thế này.
Hỏi phải căm giận ai, căm giận cái gì cho đúng: anh, Millie, Al Caruso hay là cái của nợ của anh.
Trong chiếc limousine đen bóng đang bon bon, người đàn ông ngồi cạnh tài xế tặc luỡi kính nể. “Ông chủ thật cao tay, thế là ổn cả mọi bề. Thằng nhãi ranh ấy không thể biết mình bị gãy tay hay là phải rước con nhỏ ấy làm vợ, cú nào đau hơn”.
Al Caruso không đáp, nhắm mắt lại và ngả người ra lưng ghế. Ngủ ngon được rồi. Từ ngày bà vợ như hổ dữ của ông phát hiện ra chồng đang chăm bẵm Millie, ông hiểu là bằng mọi giá phải tống khứ bằng được cô gái nhảy đó mà không để cho cô ta vòi vĩnh, quậy phá. May sao, ông chẳng tốn kém mấy, trừ chút đỉnh tiền mừng cưới, và Millie còn phải biết ơn ông nưũa vì đã lấy được đúng người mà cô ta yêu.
Mắt vẫn nhắm chặt, Al Caruso lẩm bẩm. “Nhớ theo dõi và báo ta biết nó có đối xử tử tế với Millie không?”
Rồi ông ngáy nhẹ.
Hai vợ chồng thuê được ngôi nhà nhỏ ở khu Benedics Canyon. Đầu tiên Toby còn vạch ra trăm mưu ngàn kế để thoát khỏi Millie, nào hành hạ đoạ đày để cô phải đòi bỏ anh, hoặc lừa cô ngủ với gã nào khác để anh có cớ xin ly hôn, hoặc...hoặc...
Nhưng mọi cái hoặc đều bị loại bỏ sau một bữa trưa với Dick Landry. “Anh biết nhiều về Al Caruso không?” Toby nhìn Dick bằng ánh mắt ngạc nhiên như muốn biết tại sao anh ta lại hỏi vậy. Hiểu ý Toby nên không cần anh đáp, Dick nói chậm rãi. “Chớ đánh đu với hắn. Tôi kể anh nghe chuyện này. Em trai hắn lấy về làm vợ một cô gái mười chín tuổi vừa ra khỏi nhà tu kín, rồi một năm sau bắt quả tang cô ta ngoại tình. Hắn kể cho anh trai nghe. Bọn tay chân Al Caruso bèn xẻo luôn chim gã kia rồi tẩm xăng đốt và bắt gã chủ của con chim đó ngồi nhìn. Cuối cùng chúng kệ cho gã chảy máu đến chết”.
Toby chỉ muốn nôn ra hết thức ăn vừa nuốt vào. Và anh vã mồ hôi khi nhớ tới cây gậy sắt bọc cao su khều dương vật anh ra khỏi cửa quần. Thật kinh khủng. Anh hết đường thoát rồi.
Mười tuổi Josephine nhìn thấy cánh cửa đưa cô vào một thế giới thần tiên mà ở đó cô không những hết đau đầu, tránh được đòn roi trừng phạt của mẹ mà còn quên đi những đe doạ của đức cha về chốn địa ngục lưu đày. Cô thường ngồi hàng giờ - và chắc chắn hàng đêm, nếu được phép – trong rạp chiếu phim, nhìn như dán mắt lên màn ảnh, nhất là khi xuất hiện những con người ăn vận đẹp đẽ sống trong những căn nhà sang trọng và yêu nhau tình tứ. Bao giờ cô cũng nghĩ: Rồi sẽ đến lượt ta. Rồi ta sẽ đi Hollywood để có được cuộc sống ấy. Chắc mẹ sẽ vui lắm.
Bà Czinski thì vẫn nghe, và dạy lại con gái, rằng phim ảnh chỉ là mưu mô của quỷ dữ nhằm dụ dỗ con người sa vào tội ác, nên Josephine không bao giờ dám xin tiền mẹ đi xem phim và tất nhiên, dù đi xem bằng tiền cô có do trông trẻ giúp hàng xóm, thì cũng phải giấu mẹ.
Tối nay, sau khi nhìn trước ngó sau không thấy khuôn mặt nào quen thuộc, cô mua vé rồi lẻn vào rạp đúng lúc giờ chiếu bắt đầu. Tối nay họ sẽ chiếu bộ phim kể về cuộc tình của một đôi trai gái, chắc là hấp dẫn lắm, hướng dẫn nhoài cả người về phía trước, hồi hộp. Ở mục giới thiệu các thành phần làm phim, cô thấy cái tên giám đốc sản xuất to tướng SAM WINTERS.
Chương 12
Không ít hôm Sam cảm tưởng mình đang trông nom trại điên hơn là phụ trách một Hãng sản xuất phim và luôn phải đề phòng nếu không muốn bị các con bệnh xâu xé.
Trại điên của anh chưa hôm nào hỗn loạn như hôm nay. Đủ các thứ chuyện, chuyện nào cũng khiến anh muốn bệnh khi nghĩ tới việc xắn tay vào giải quyết. Lần thứ tư Hãng xảy ra hoả hoạn, vào tối qua. Diễn viên chính của phim Chàng trai có tên Thứ Sáu chửi rủa người tài trợ khiến ông ta muốn rút về, cũng có nghĩa phim sẽ bị ngưng lại. Đạo diễn thần đồng Bert Firestone, đình ngang xương bộ phim cỡ năm triệu đôla, và diễn viên có hạng Tessie Brand bỗng tuyên bố sẽ không nhận cái vai đã nhận trong bộ phim chỉ vài ngày nữa là bấm máy. Chưa hết...
Sam hỏi người chỉ huy chữa cháy, và cả viên kế toán đang có mặt trong văn phòng anh.
“Vụ cháy tối qua gây thiệt hại bao nhiêu?”
“Thiêu rụi, thưa ông Winters! Trường quay số 15 phải dựng lại toàn bộ, số 16 thì đỡ hơn song cũng phải mất đến ba tháng để sửa chữa”. Viên kế toán đáp.
“Ba tháng? Rồi đóng cửa Hãng luôn à? Hãy thuê trường quay của Goldwyn. Và nói tất cả nhanh tay lên một chút”.
Reilly, chỉ huy chữa cháy, chẳng úp mở gì. “Chắc chắn có bàn tay thủ phạm, ông Winters. Không hề do bất cẩn hoặc sự cố kỹ thuật nào hết. Ông cần xem xét kỹ đám lêu têu kia”.
Lêu têu là cách gọi chung đám hoặc chây lười, hoặc mới bị sa thải, hoặc đang không hài lòng với ông chủ. “Chúng tôi đã hơn một lần làm việc đó”, Sam nói, “như chưa kết quả”.
“Có thể là một nhân viên kỹ thuật nào đó, bởi nếu biết cách gây ra một vụ cháy không để lại dấu vết, bằng dụng cụ hẹn giờ gắn với chất gây cháy. Hắn hiểu việc hắn làm, thưa ông Winters”.
“Cảm ơn Reilly. Tôi sẽ thông báo để ai cũng được biết điều đó”.
Đầu dây bên kia là Roger Tapp, chủ nhiệm phim Chàng trai có tên Thứ Sáu, bộ phim tivi nhiều tập đang quay ở Tahiti, có Toby Fletcher thủ vai chính.
“Chuyện xấu ư, Tapp”. Linh tính mách bảo Sam vậy. Tapp cáu loạn lên.
“Mẹ cái thằng Toby, thật quá thể. Anh biết không, Sam? Chiều qua, Philip Heller, Chủ tịch ban điều hành của cái công ty tài trợ cho phim đang cùng gia đình ở thăm Tahiti có ghé đến trường quay đúng lúc Toby Fletcher vào vai. Và hắn đã vô cớ nổi khùng lên, chửi rủa họ”.
“Chửi thế nào?”
“Bào cả nhà họ hãy cút khỏi đảo, muốn đi đâu thì đi”.
“Thế này thì phải kêu bác sĩ tâm thần đến. Toby điên thật rồi”.
“Heller muốn ngưng phim lại, không quay kiếc gì nữa đâu”.
“Hãy đến xin Heller tha lỗi. Buông điện thoại xuống là đi ngay cho tôi. Giải thích rằng Toby làm việc căng thẳng quá nên hoá khùng. Nhớ gửi hoa cho bà Heller, mời cả gia đình một bữa tối thật sang trọng. Còn Toby để tôi nói chuyện với hắn”.
Dứt chuyện với Tapp, anh gọi ngay cho Toby Fletcher. Bên kia vừa bắt máy, anh nổ ngay, “Này, cái đồ chó đẻ...” và trước khi hạ máy, anh nhẹ nhàng “...tôi cũng thương nhỏ đó lắm, có dịp là tôi bay đến với nhỏ ngay. Suýt quên, Toby, mông vú bà Heller không phải của cậu đâu nhé, đừng có nhầm, lại tội nghiệp ông tài trợ...”
Dứt điểm vài ba vụ việc linh tinh nữa, Sam Winters thở phào nhắm mắt giây lát như lấy sức để bước vào vụ Bert Firestone. Đó là một đạo diễn thần đồng, thuộc hạng con cưng của Pan-Pacific, song lại đang dở trò với Hãng. Vẫn có ngày mai là bộ phim do Bert đạo diễn đã bấm máy hơn ba tháng và đã chi phí vượt quá dự toán hơn triệu đôla, thì bỗng Bert tuyên bố thích ngồi chơi hơn là làm đạo diễn. Nó cũng có nghĩa là gần hai trăm con người trong đoàn làm phim cũng được-hay bị?-ngồi chơi theo Bert.
Xấp xỉ tuổi ba mươi, Bert Firestone, tài năng phát tiết sớm, sau khi đạo diễn một số phim truyền hình đoạt giải của Hãng truyền hình Chicago, đã chuyển tới Hollywood làm đạo diễn điện ảnh. Mấy phim đầu của Bert xem được và doanh thu cũng tạm được song đến phim thứ tư thì đã mang về khoản lãi kếch xù và tức khắc biến Bert thành món hàng quý giá được mọi Hãng phim chào mời. Tuy vậy, trong Sam vẫn lưu lại những ấn tượng của lần đầu gặp Bert. Quên làm sao được bộ dạng anh ta lúc đó, nom hệt như vị thành niên, lông tơ như vẫn lún phún bên mép, gày gò và xanh xao, cận thị nặng và đầy ngượng ngập, nhút nhát và xa lạ giữa Hollywood. Ái ngại quá, Sam kêu Bert đi ăn tối cùng, rồi chuyện trò thấy cũng hợp bèn cố móc nối để Bert được có mặt ở những hội nọ tiệc kia. Thế rồi, nhân ý tưởng của một nhà văn, Sam bàn với Bert về bộ phim dựa theo ý tưởng đó, phim Vẫn có ngày mai. Lúc đầu bàn bạc, không thể tìm ở đâu ra sự tôn trọng nào hơn của Bert dành cho Sam. Nào nghe như nuốt mỗi lời Sam nói, nào ghi chép cẩn trọng, nào hứa nếu được giao đạo diễn phim này sẽ bàn bạc với Sam từng chi tiết, sẽ học hỏi Sam ở mỗi lời thoại, mỗi cảnh quay... Đến khi kịch bản phim Vẫn có ngày mai hoàn thành và Bert đã chính thức ký hợp đồng làm đạo diễn phim thì bao nhiêu nước đã chảy qua cầu và Bert trở nên đắt giá qua bộ phim ăn khách kia. Gã trai vị thành niên bẽn lẽn hôm nào thoắt cái đã biến thành tên sát thủ. Chẳng những đã lờ đi mọi gợi ý của Sam về địa điểm quay, về dựng cảnh, anh ta còn đòi viết lại kịch bản đã được Sam và cả ban giám đốc Hãng chấp nhận, đòi thay đổi hầu hết những thoả thuận quan trọng trước đó. Bực mình, Sam từ bỏ ý định mời Bert làm đao diễn Vẫn có ngày mai nhưng ban giám đốc, người thì khuyên anh hãy kiên nhẫn, người vẫn chưa hết loá mắt trước món lãi khổng lồ Bert làm ở bộ phim trước, thế là Sam đành chịu. Nhưng Bert vẫn không dừng lại, ngày một ngạo ngược hơn, ngày thêm đòi hỏi những điều vô lý hơn. Mỗi ngày, Sam mỗi nghiến chặt răng hơn, chịu đựng.
Từ đâu và từ lúc nào không rõ, không ai gọi anh ta là Bert, là Firestone hay là Bert Firestone nữa. Tên mới của anh ta, thoạt đầu là Hoàng Đế rồi sau là Thằng xỏ lá từ Chicago tới. Còn nhận xét về anh ta ư? Là thế này, Nó thuộc loại lưỡng tính, có thể tự thụ tinh và sinh ra quái vật nhiều đầu...
Giờ anh ta lại bỏ ngang xương bộ phim đang quay dở.
Sam đẩy cửa phòng hoạ sĩ Kelly, trưởng ban Thiết kế mỹ thuật. “Kể rõ tôi nghe đã xảy ra chuyện gì?” Anh nói như ra lệnh.
“Chuyện gì nữa “Thằng xỏ lá từ...”
“Thôi đi, hãy gọi là ông Firestone”.
“Thì ông Firestone! Ông ta muốn tôi dựng một cái thành do chính ông ta vẽ kiểu, và chính ông cũng đã đồng ý”.
“Thế thì sao? Nói nhanh đi”.
“Chúng tôi thực hiện đúng như ông ta muốn. Nhưng khi bàn giao ông ta lại không thèm nhận. Vậy là toi nửa triệu đôla”.
“Để tôi xem!” Sam nói rồi đi ra.
Thằng xỏ lá từ Chicago tới đã biến trường quay số 23 thành sân bóng rổ và đang quần thảo với mấy tay quay phim. Họ đã vẽ tạm các đường biên và dựng tạm hai rổ để chơi.
Sam đứng ngó nghiêng vài ba phút, trò chơi này làm Hãng mất 2000 đôla mỗi giờ. Rồi anh gọi Bert. Thấy Sam, anh ta vẫy tay ra ý chào, còn cướp bóng ném thêm quả nữa vào rổ rồi mới lững thững đi tới. “Công việc vẫn tốt, Sam?” Bert hỏi, như chẳng có gì liên quan đến mình. Nhìn vẻ mặt anh ta vẫn tươi hơn hớn Sam chợt nghĩ chả lẽ hắn bị bệnh thần kinh? Ừ thì hắn có tài nhưng biết đâu hắn cũng có cả giấy chứng nhận của bênh viện thần kinh? Một gã tâm thần đang nắm trong tay hơn năm triệu đôla của Hãng? Anh nói nhẹ nhàng. “Có phải cảnh quay mới có vấn đề? Cùng bàn bạc giải quyết được không?”
Bert nhún vai khinh thị. “Giải quyết cái gì. Bỏ đi!”.
Cơn giận tích tụ trong Sam bùng ra. “Chúng tôi đã làm đúng như anh đòi hỏi. Kiểu cách thì chính tay anh vẽ. Vậy tại sao phải bỏ?”
Bert nhìn anh với ánh mắt ngây thơ. “Tại tôi thay đổi ý định nên thấy cái đó thành không cần thiết nữa chứ có ai bảo sai trái gì đâu. Anh hiểu ý tôi chứ? Đó là cảnh Mike và Ellen chia tay, song tôi đã quyết định thay bằng cảnh Ellen tới thăm Mike trên tàu khi Mike sắp ra khơi”.
Mắt Sam như muốn lồi ra. “Bert, lấy đâu ra tàu? Hãng không có sẵn”.
Bert ngây thơ kêu lên. “Sao không đóng cho tôi một chiếc, Sam?”
Rudolph Hergshorn, Tổng giám đốc Pan-Pacific từ New York nói chuyện qua điện thoại với Sam. “Tất nhiên, tôi cũng ngán hắn lắm rồi”, ông bảo, “nhưng giờ thay hắn sao được, Sam? Đã đi quá xa rồi. Vả lại, ta không có ngôi sao nào trong Vẫn có ngày mai, và Bert Firestone chính là ngôi sao độc nhất của phim đó”.
“Ông có biết anh ta đã chi vượt dự toán bao nhiêu không?”
“Biết chứ, tôi vốn quý trọng đồng tiền mà. Song, như Goldwyn từng nói. “Tôi sẽ không thèm gọi thằng chó đẻ ấy nữa, cho đến khi tôi cần tới hắn. Và chúng ta đang rất cần Bert để cho ra mắt bộ phim Vẫn có ngày mai”. Ông cười rộn ràng trong ống nghe. Sam chưa chịu.
“Ta sai thì ta sửa. Không chỉ có mình Bert biết làm phim có lãi”.
“Nhưng anh thích những bộ phim Bert đã làm chứ, Sam?”
Sam Winters nghiến răng lại. “Phải nói là tuyệt”. “Vậy hãy đóng cho hắn chiếc tàu đúng như hắn đòi”.
Mười ngày sau Bert tiếp tục quay Vẫn có ngày mai. Và Sam đã đỏ mặt khi nghe con số tiền lãi mà bộ phim mang về cho Hãng. Nhưng anh vẫn quả quyết là Bert Firestone có giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần.
Còn vụ Tessie Brand?
Đó là ca sĩ rất được giới biểu diễn ưa chuộng. Sự kiện, phải nói là sự kiện, Tessie ký hợp đồng đóng ba phim cho Hãng Pan-Pacific là một cú sốc với dân trong nghề, và người ta biết ngay là ngoài Sam không còn ai làm nổi việc đó. Có gì đâu. Trong khi các hãng cứ mải mê thương lượng với người đại lý của Tessie thì Sam âm thầm bay đến New York mua vé xem Tessie biểu diễn rồi, lịch sự một cách kiên nhẫn và đáng yêu mời cô đi ăn tối. Bữa ăn kéo dài suốt đêm và hợp đồng đã được ký trên sàn phòng ngủ khách sạn.
Sam chưa từng quen biết cô gái nào xấu xí như Tessie Brand, song cũng chưa cô gái nào tài năng được như cô. Chính là tài năng đã khiến người ta quên đi cái vả ngoài xấu xí kia. Sinh ra trong một gia đình thợ may ở Brooklyn, từ nhỏ tới lớn Tessie chưa từng đọc lên một nốt nhạc. Nhưng khi Tessie bước ra sân khấu và cất lên cái giọng trời cho thì khán giả như hoá rồ cả lượt. Trước đó, cô là vai diễn dự bị trong một vở ca kịch ế khách diễn ở Broadway. Một đêm, diễn viên đóng chính bị ốm phải nghỉ diễn, và Tessie Brand được vào thay. Vì là đêm diễn cuối cùng nên có một số khách mời là những người sành sỏi, và họ đã lập tức nhận ra giọng ca tuyệt vời của cô. Paul Varrick, chủ nhiệm sân khấu Broadway lập tức mời Tessie thủ vai chính trong vở nhạc kịch của ông, ra mắt vào tuần sau đó. Tessie đã biến vở diễn từ loại trung bình thành ăn khách đặc biệt. Các cây bút phê bình của các tờ báo và tạp chí nghệ thuật đã không tìm ra được hình dung từ để so sánh giữa vẻ ngoài xấu xí và giọng hát tuyệt diệu của Tessie. Đĩa hát của cô, dù loại một bài hay nhiều bài vẫn luôn đứng đầu. Có đĩa, ngay ở tháng phát hành thứ nhất đã đạt con số hai triệu. Có đĩa, ngay tuần đầu đã được đặt in thêm. Các nhà hát kịch Broadway và các hãng băng đĩa nhờ Tessie mà hái ra tiền nên Hollywood cũng muốn dính phần. Tuy thấy mặt Tessie hãng phim nào cũng muốn bỏ chạy song nghĩ tới khoản lãi khổng lồ mà Tessie mang lại khiến họ bỗng nhìn cô bằng con mắt khác, thấy chẳng mỹ nhân hoặc hoa hậu nào có thể sánh nổi với cô.
Chỉ trong thời gian chưa ăn xong món khai vị Sam đã biết phải làm thế nào để giành được Tessie khi nghe cô tâm sự. “Không biết trên màn ảnh rộng trông tôi sẽ ra sao? Ngoài đời tôi rất xấu, tôi biết, song các hãng đều nói họ sẽ làm tôi trở nên xinh đẹp trên màn ảnh. Có lẽ họ nói láo”.
“Tất nhiên láo toét rồi”. Sam bình thản đáp, lờ đi vẻ ngạc nhiên của Tessie. “Đừng cho bất kỳ hãng nào thay đổi mặt mũi của cô. Họ sẽ làm hỏng nó thôi”.
“Anh nghĩ là mặt mũi còn có thể hỏng hơn được nữa ư?” Chú ý lắm mới thấy vẻ cay đắng trong giọng nói của cô ta. Sam làm như không hay biết điều đó, và kể một câu chuyện.
“Khi hãng MGM ký hợp đồng với ngôi sao Danny Thomas, họ muốn anh ta đi sửa mũi, bảo rằng sẽ đẹp hơn. Danny thôi không ký nữa, bởi biết cái mà mình phải bán chính là tài năng của mình chứ đâu phải mắt, mũi hay tai. Và đó cũng chính là cái mà cô phải bán, một Tessie Brand thực sự, nguyên vẹn chứ không phải một ai đó lạ hoắc mà cứ nhận là cô”.
“Tôi chưa được nghe ai nói chuyện thẳng thắn như vậy. Thật đúng là một người đàn ông. Anh có vợ chưa?” Sam lắc đầu. Cô ta hỏi tiếp. “Còn chuyện yêu đương?”
Sam cười thoải mái. “Với ca sĩ thì chưa. Tôi không sành nhạc. Tai kém lắm”.
Tessie cười chân thực. “Khỏi cần sành cái thứ đó. Tôi thấy thích anh”.
“Có đến mức cùng làm vài phim với tôi không?” Sam nửa đùa nửa thật. Tessie nhìn thẳng vào mắt anh, gật đầu. “Có!”
“Tuyệt! Tôi sẽ làm hợp đồng với người đại lý của cô”.
Tessie như không nghe anh nói gì, im lặng vuốt ve bàn tay anh rồi hỏi. “Có thực là anh đang không có người yêu không?”
Hai phim đầu có Tessie thủ vai chính, cửa bán vé luôn chật cứng người mua. Xếp hàng cả trăm mét. Cô có tên trong danh sách xét thưởng giải Academy cho vai diễn ở phim đầu và đoạt Oscar vai nữ chính xuất sắc nhất ở phim sau. Cô diễn đã giỏi, hát lại hay, tính tình luôn vui vẻ, thoải mái. Tessie Brand trở thành biểu tượng cho các cô gái trên toàn thế giới không được trời phú cho cái dung mạo ưa nhìn, không được yêu thương và không mấy ai thèm muốn.
Cô cưới chàng diễn viên thủ vai nam chính trong bộ phim đầu cô đóng, li dị ngay sau mấy cảnh quay tiếp theo, rồi lại cưới chàng trai đóng vai nam chính ở bộ phim thứ hai. Nghe đâu cũng lại đang có chuyện trục trặc, song anh lạ gì thói đơm đặt của Hollywood nên chẳng quan tâm nữa. Vả lại, đó cũng đâu là chuyện của anh.
Hình như Sam nhầm rồi.
“Chuyện gì thế, Barry Herman?” Sam hỏi người quản lý của Tessie.
“Còn chuyện gì ngoài nỗi bực bõ về bộ phim sắp bấm máy mà cô ấy thủ vai chính?”. Barry Herman ỡm ờ trả lời.
Sam gắt. “Có lên cơn đồng bóng gì thì nói thẳng ra đi, cô ta chẳng đã chấp nhận kịch bản, đạo diễn và chủ nhiệm phim rồi ư? Không thể thay đổi gì vào lúc tiền triệu đã ném ra và ngày bấm máy đã cận kề.”
“Tessie chỉ muốn thay chủ nhiệm phim”, Herman ném ra quả bom.
Với Sam thì đúng thế. Mà đâu vừa, phải cỡ bom tấn trở lên. Anh gào vào máy. “Ralph Dastin là chủ nhiệm phim số một của Hollywood. Không kiếm ra ai hơn được đâu.”
“Nhưng Dastin không hiểu Tessie, được là không chịu hiểu gì đó”. Barry thủng thẳng. “Nếu không thay anh ta Tessie sẽ không chịu vào vai đâu”.
“Dù là đã ký hợp đồng?”
“Hãy nghe, và hãy tin tôi, Sam! Tessie rất tôn trọng chữ ký của mình, nhất là những khi cô ta tỉnh táo. Song khi buồn bực hoặc mất bình tĩnh thì chẳng còn nhớ nổi điều gì”.
Sam dằn máy xuống. Kiếm lý do gì để gạt Dastin ra đây. Chẳng lẽ do anh ta không chịu ngủ với Tessie, hoặc một lý do ngớ ngẩn khác tương tự? Anh bảo cô thư ký Lucille gọi Ralph Dastin tới. Đó là người đàn ông đã ngoài năm mươi, dễ gây thiện cảm. Gặp Sam, Dastin không để anh phải lúng túng tìm câu mở chuyện, ông nói luôn. “Tôi cũng đang tìm gặp anh để thông báo là tôi bỏ cuộc đây”.
“Nhưng lý do gì?” Sam hỏi như quát.
Dastin bình thản. “Diễn viên hốt bạc của chúng ta đang muốn có người gãi ngứa”.
“Nghĩa là cô ta đã có sẵn người thay thế anh?” Sam há hốc mồm.
“Chết mẹ! Anh không hề ngó tới mục Linh tinh trên các báo ư?”
“Linh tinh thì ngó làm gì. Cô ấy kiếm được gã nào vây?”
“Làm gì có gã nào. Một ả. Một con mái trăm phần trăm”.
Sam lùi lại, giọng yếu hẳn đi. “Nói hết ra đi”.
“Barbara Carter, ả thiết kế phục trang cho Tessie. Tại cả miền Tây nước Mỹ này, còn duy nhất anh là người không biết chuyện đó.”
Sam thở dài, thật dài. “Về chuyện đó, tôi xưa nay lại vẫn tin Tessie là đàng hoàng cơ chứ”.
“Đàng hoàng? Cũng có thể, trừ khi cô ta đang đói”.
“Tôi đâu có thể cho một ả chỉ biết vẽ mẫu quần áo, lại còn mắc chứng đồng dâm, làm chủ nhiệm một bộ phim chi phí tới bốn triệu đôla”.
“Đó là quyết định của anh, song hãy nhận ở tôi một lời khuyên không phải trả tiền: đó là người duy nhất làm cho bộ phim này có thể bấm máy”.
Sam gọi lại cho Bary Herman, đại lý của Tessie. “Ralph Dastin sẽ không làm chủ nhiệm phim nữa”.
“Vâng!” Anh ta chẳng có vẻ gì ngạc nhiên hoặc vui mừng. “Tessie hẳng sẽ bằng lòng lắm”.
“Cô ta đã có ý mời ai thay chưa?” Sam như phải lấy tay đè cơn giận lại.
“Nói thực thì là đã có! Một cô gái mà theo Tessie, và theo cả tôi, rất tài năng, và đủ sức đảm nhận vai trò này. Tất nhiên, phải dưới sự chỉ bảo tận tình của anh...”
“Dẹp kiểu đãi bôi ấy đi, Bary. Dứt khoát phải là cô đó sao?” Sam bẳn gắt.
“Tôi rất tiếc. Nhưng chắc là vậy”.
“Tôi muốn gặp cô ta”. Sam nói trước khi buông máy.
Barbara Carter đẹp một cách gợi cảm và theo Sam, từ dáng vẻ, cử chỉ đến nói năng đều tỏ ra bình thường như mọi phụ nữ khác. Anh để ý cả cái cách cô ta ngồi vào ghế, đôi chân thon và dài vắt chéo nhau một cách ý tứ. Còn cái nhìn thì thẳng thắn song hiền hậu, giọng tuy hơi khàn nhưng nói năng rất nhẹ nhàng. “Tôi ở vào một tình thế khó xử, thưa ông Winters. Bản thân tôi không hề có ý định này, nhất lại là phải cướp đoạt công việc của người khác. Song...” Barbara lắc đầu với vẻ bất lực, “cô Brand đã thề sẽ không đóng phim nếu không phải tôi là chủ nhiệm. Theo ông, tôi cần làm gì cho phải lẽ?”
Câu hỏi đó giúp anh có thể nói toạc ra điều mình nghĩ nhưng anh lại trả lời bằng cách hỏi lại Barbara. “Ngoài thiết kế trang phục cô còn có kinh nghiệm gì khác về sản xuất phim không?”
Barbara thản nhiên. “Tôi xem rất nhiều phim và đã từng dẫn khách tới đúng chỗ ngồi ghi trong vé của họ tại rạp chiếu”.
Còn đòi gì nữa? Anh tự nhủ, rồi hỏi tiếp. “Vậy do đâu mà Tessie Brand tin rằng cô sẽ làm tốt công việc của một chủ nhiệm phim?”
Tựa như khơi đúng mạch nước, câu hỏi của Sam khiến Barbara ào ạt tuôn ra những thầm kín vẫn phải nén chặt lâu nay. “Tôi và Tessie đã bao ngày, và cả bao đêm nói với nhau về bộ phim này. Thoạt tiên là tôi, tự tôi thấy có nhiều chỗ trong kịch bản không hợp lý, và khi chỉ cho Tessie thì cô ấy rất đồng ý với tôi”.
Sam chẳng khó gì để nhận ra cô ta đã không còn gọi cô Brand một cách tôn trọng mà thay vào đó chỉ là Tessie với vẻ âu yếm. Anh không giấu được sự mỉa mai kín đáo trong câu hỏi. “Cô nghĩ mình giỏi hơn một tác giả đã từng đoạt giải Âcdemy dành cho kịch bản xuất sắc và đã viết không ít kịch bản ăn khách cho cả điện ảnh lẫn sân khấu Broadway chăng?”
Barbara khônglành như Sam tưởng. Cặp mắt nâu thoáng long lên và giọng nói đã tỏ ra sẵn sàng tranh luận. “Đến vậy thì không dám nghĩ, song tôi cứ nghĩ mình hiểu về phụ nữ hơn cái nhà ông biên kịch đó. Nhất là ở cái nhân vật mà Tessie thủ vai. Đây, thí dụ như ở cảnh này...”
Sam chẳng buồn nghe nữa. Anh biết là mình sẽ phải, dù muốn hay không, để cô ta làm chủ nhiệm phim này, và anh chán ghét chính mình khi phải chấp nhận như vậy. Nhưng anh đang phải quản lý cả một hãng phim, chứ không phải chỉ quản lý có mình anh, và công việc hàng đầu của anh là phải sản xuất ra phim, nhất là những phim đã có ngôi sao nhận lời tham gia và đã đưa vào kế hoạch. Nếu Tessie mà muốn con sóc cảnh của cô ta làm chủ nhiệm phim này, chắc anh cũng phải mua hạt dẻ cho nó. Bởi phim có cô ta đóng vai chính ít nhất cũng mang về khoản lãi tới hàng chục triệu đôla. Tất nhiên, anh sẽ phải trông chừng nhiều hơn, để dù kém cỏi, Barbara Carter cũng khó có thể làm hỏng bộ phim được.
“Vâng!” Cuối cùng Sam nói. “Cô đã được làm chủ nhiệm phim đó. Chúc mừng cô”.
Ngay hôm sau, trên trang nhất hai tờ Hollywood Reporter và Variety đã đăng tin Barbara Carter đảm nhận vai trò chủ nhiệm bộ phim mới của Tessie. Khi gấp tờ báo lại để quẳng đi, vô tình Sam thấy dòng quảng cáo đậm nét Toby Temple sẽ biểu diễn tại phòng khách của khách sạn Ritz.
A, cái anh lính thích diễn trò. Sam nhớ ra ngay và bỗng mỉm cười, tự nhủ sẽ mua vé xem khi nào anh ta đến diễn ở Los Angeles.
Rồi Sam bỗng ngạc nhiên tự hỏi tại sao Toby Temple không hề liên lạc với anh?
Chương 13
Sự đời cũng thật trớ trêu. Chính Millie đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của Toby, nâng anh lên đỉnh cao danh vọng. Cưới Millie, ngoài những chuyện vui sẵn có, anh được thêm bao chất liệu cho những câu chuyện mới. Đó là sự ghét bỏ, lòng khinh khi. Anh bị cưỡng bức lấy làm vợ một cô gái mà anh không yêu, thậm chí coi thường, và nỗi oán hận tràn đầy đến mức nếu biết chắc không ảnh hưởng gì đến mình, hoặc nói đúng ra, nếu không quá sợ Al Caruso, anh đã bóp cổ vợ.
Thực tế, chỉ vì ép buộc phải cưới nên sinh ra ghét bỏ rồi dẫn đến căm hận nên Toby không thấy Millie là một người vợ tuyệt vời. Cô ngưỡng mộ đến mức tôn thờ anh, hết lòng tận tuỵ với anh, lúc nào cũng chỉ sợ anh không hài lòng vì cô, và cả vì không của cô chăng nữa.
Nhưng không còn gì có thể xoay chuyển được. Thù hận đã vón cục lại, nặng trĩu trong Toby, ngày đêm gặm nhấm anh, biến mọi chiều chuộng của Millie thành sự nhạo báng mỗi khi anh nhớ tới nỗi đau của cánh tay bị gãy lúc chiếc gậy sắt bọc cao su đập vào và vẻ mặt hăm doạ của Al Caruso lúc hắn nói Nếu anh mà khiến Millie không hài lòng...
Căm giận, nhưng không thể, hoặc không dám, hành hạ vợ, Toby tìm mọi cách trút lên người xem. Anh đang trên sân khấu mà khán giả nào vô phúc gây ra những tiếng động đáng ngờ, thậm chí chỉ là sỉ mũi hắt hơi, hoặc bỏ ra ngoài vì nhu cầu sinh hoạt bắt buộc là anh lập tức chĩa mũi dùi nhạo báng vào kẻ đó. Lời lẽ độc địa, tất nhiên, nhưng nó lại xuất phát từ một gương mặt ngây thơ với cặp mắt mở to ngơ ngác khiến người xem không thể nín cười, ngay cả với kẻ bị anh chọn làm đối tượng, và không ít người còn lấy đó làm điều tự hào vì nhờ nó mà họ trở nên được nhiều người biết tới. Chẳng một ai trong số nạn nhân đó biết rằng Toby đã thực sự nói ra điều mà anh đang nghĩ trong đầu. Từ một diễn viên hài nhiều triển vọng, nay tên tuổi anh nỗi ngày lan rộng hơn trong giới biểu diễn. Chẳng lẽ Millie đã vô tình góp phần vào sự nổi tiếng đó sao?
Trở về sau chuyến đi châu Âu, Clifton Lawrence ngớ người khi thấy Toby đã là chồng của một cô gái nhảy. Đáp lại thái độ ấy là vẻ bình thản ở cả nét mặt lẫn câu trả lời của anh. “Có gì lạ đâu, ông Lawrence. Tôi gặp Millie, rồi yêu, rồi cưới cô ấy”.
Không lạ Toby nên anh càng bình thản ông Clifton càng không yên lòng. Ở một góc sâu nào đó trong tim, ông đã coi Toby như con. Sự bất an trong ông càng tăng khi một hôm ông bảo Toby. “Anh bắt đầu ăn khách đấy. Chuẩn bị diễn một tháng liền ở khách sạn Thunderbird nhé. Hai ngàn đôla mỗi tuần!”. Ông biết, nơi biểu diễn và món tiền đó, mới hồi nào còn là giấc mơ của Toby.
Song anh không nhảy cẫng lên vì vui sướng như ông tưởng mà lại hỏi. “Còn hợp đồng đi biểu diễn xa mà ông đã nói thì sao?”
“Hãy quên đi. So với Las Vegas thế nào được. Vừa nhiều tiền hơn lại vừa nhanh nổi tiếng hơn. Tôi có thể đăng ký cho anh diễn tại Las Vegas trọn năm nay”.
Vẫn không thấy nụ cười ông chờ đợi, mà thay vào đó là vẻ cau có. “Hãy cho tôi đi diễn ở xa. Càng xa càng tốt. Và từ giờ đến hết năm, ông đừng ký hợp đồng nào cho tôi với Las Vegas nữa”.
Thái độ ấy, nếu là của sự ngạo mạn hoặc giận dỗi thì Clifton còn có thể hiểu. Song ông không hề thấy cả hai cái đó. Ông chỉ thấy một sự thù hận đang phải kìm nén lại. Cố kìm nén lại...
Kể từ hôm ấy, Toby rong ruổi không ngưng nghỉ. Dường như đó là cách duy nhất để anh thoát khỏi chiếc giường, phòng ngủ, ngôi nhà...là những chỗ thường xuyên có sự hiện diện của Millie, mà anh coi là địa ngục. Anh biểu diễn ở mọi nơi, mọi chỗ, dù có hoặc không có sân khấu; dù là rạp hát, câu lạc bộ, giảng đường, và cả ...thánh đường; bất cứ đâu, miễn là nơi ấy có người xem và không có...Millie.
Ngày càng nhiều hơn những cô gái đẹp chẳng những thầm mong mà còn nói toạc ra là muốn lên giường với anh. Anh cũng thèm họ lắm, tất cả, cô nào anh cũng thèm, cả cô thầm mong lẫn cô nói toạc. Mỗi lần phải trốnc hạy cả bầy tiên nữ xúm xít trước cửa phòng hoá trang sau mỗi buổi diễn, mỗi lần im thin thít giả bộ như đi vắng khi biết chắc bên ngoài là một vú nở chân dài nào đó, anh nghiến răng chỉ muốn tự mình cắt bỏ cái của nó ấy đi.
Nhưng chẳng phải anh đang sợ chính cái sự cắt bỏ đấy, như Dick Landry kể về một gã trai lơ nào đó bị Al Caruso trừng trị? Phải, anh sợ chính cái đó. Bởi hễ cứ nhìn một cô gái nào không phải Millie mà thấy của nợ ấy cựa quậy là lập tức trong anh vang lên câu nói của Al Caruso khi hắn nhìn vào khúc thịt nằm còng queo ngoài cửa quần anh: Cái của anh lực lưỡng thật...Tôi sẽ không đụng đến nó chừng nào anh còn khiến cho Millie hạnh phúc.
Thế là cả anh lẫn nó cùng còng queo luôn. “Tôi yêu vợ lắm”. Anh làm vẻ ngượng ngùng mà nói vậy. Các cô vú nở chân dài tin anh ngay và một đồn mười, mười đồn trăm, anh được tiếng là gã đàn ông đứng đắn, chí thú làm ăn, vun vén gia đình.
Nhưng tin thì tin, đồn thì đồn, các cô đâu dễ bỏ cuộc. Toby càng lẩn tránh họ lại càng khao khát anh hơn. Còn anh, vốn từ nhỏ đã ham muốn chuyện đó nên vài ngày thiếu đàn bà đã là cả một cực hình, đôi khi không còn làm nổi việc gì nữa. Để thoát khỏi tình trạng ấy, anh lại phải nhờ đến chính bàn tay mình, như anh đã làm từ hồi nhỏ và đã tưởng sẽ không bao giờ phải lặp lại nữa. Mỗi lần thủ dâm như vậy anh lại nghĩ đến các cô gái trẻ đẹp đang ngong ngóng được nằm trong vòng tay anh và nguyền rủa cái số kiếp chó má của mình.
Khao khát là vậy nhưng thỉnh thoảng về nhà thấy Millie, cũng xinh xắn, cũng tươi trẻ, cũng rất yêu anh và cũng háo hức lên giường...thì bỗng mọi ham muốn trong anh biến hết. Khi ấy, nỗi căm hận và lòng khinh bỉ đã lẫn át mọi dục vọng. Song không muốn để Al Caruso nghe được những than thở của Millie, anh vẫn buộc mình phải làm tình với cô ta, và anh trả thù bằng cách tỏ ra bạo dâm đến mức Millie đau đớn kêu khóc ầm lên. Anh giả vờ coi đó là những tiếng lạ của khoái cảm và càng làm dữ hơn nữa, cho đến khi xua được dòng chất độc thù oán vào lòng cô ta.
Anh đâu làm tình, mà là đang rút bỏ căm hờn.
Năm 1950, tháng Sáu, quân đội Bắc Triều Tiên tràn qua vĩ tuyến 17 tiến đánh Nam Triều Tiên. Tổng thống Truman tuyên bố nước Mỹ nằm trong tình trạng chiến tranh và đưa quân Mỹ sang tham chiến. Toby không quan tâm đến việc ai phản đối ai ủng hộ cuộc chiến này, chỉ biết nó là một dịp tốt đặc biệt cho anh.
Tháng Mười hai, tờ Daily Variety đưa tin vua hài Bob Hope sez sang Nam Triều Tiên biểu diễn phục vụ lính Mỹ nhân lễ Giáng sinh. Chưa đọc hết mẩu tin Toby đã gọi Clifton Lawrence đòi ông thương lượng để anh được có mặt trong chuyến công du đó. Qua điện thoại, giọng Clifton không giấu nổi sự ngạc nhiên. “Với mục tiêu gì, anh bạn nhỏ của tôi? Vất vả lắm, và chẳng hữu ích lắm đâu. Hãy nghe tôi...”
Toby phũ phàng ngắt lời. “Những người lính ở đó còn vất vả hơn ngàn lần chúng ta có nghĩ đến hữu ích gì cho bản thân họ không? Tôi muốn mang niềm vui tới cho họ, muốn được chính tai nghe tiếng họ cười...”
Clifton cảm động vì phát hiện ra một con người mới ở Toby. Một giờ dau ông gọi lại cho anh, giọng phấn chấn. “Bob Hope vui mừng vì anh đã tự nguyện tham gia. Tuần sau lên đường rồi. Nếu anh thay đổi ý định thì...”
“Không bao giờ”. Toby đáp gọn rồi gác máy, quên cả cảm ơn Clifton. Ông không thấy giận, bởi đang vui mừng vì thái độ rất đáng trân trọng của Toby đối với những người lính đang đổ máu ở một vùng đất cách xa nước Mỹ cả vạn dặm. Ông tự hào, và cả sung sướng, được có anh là khách hàng, được là đại lý của anh, được giúp anh tạo dựng danh tiếng.
Khi cùng Bob Hope, khi chỉ có một mình, nội vài ngày quanh lễ Giáng sinh, Toby biểu diễn ngót nghét hai chục buổi, lại còn di chuyển hết nơi này đến nơi khác, luôn tâm niệm đâu có lính Mỹ là phải có tiếng cười. Và anh, chính anh cũng tìm được niềm an ủi trong sự bận rộn ấy. Hầu như chẳng còn giây phút nào để Millie xuất hiện trong anh.
Giáng sinh qua đi. Nam Triều Tiên cũng qua đi. Lẽ ra về Mỹ, hoặc đúng hơn, về Las Vegas, hoặc đúng nữa, về nhà, thì Toby lại ghé tới hòn đảo Guam. Tin tức truyền tụng đã đến trước khiến anh được lính Mỹ ở đây nồng nhiệt chào đón. Rồi khi biết các lính Mỹ bị thương tại mặt trận Triều Tiên đều được chữa trị tại một quân y viện ở Tokyo, thủ đô nước Nhật, anh bèn đến đó phục vụ.
Cũng chẳng trốn mãi được, cuối cùng anh vẫn phải về nhà, về nơi có Millie.
Lòng vòng thế nào mà cuối tháng Tư anh mới hạ cánh xuống sân bay Las Vegas. Millie đón anh với câu chào. “Anh yêu, em đã đến bệnh viện và đã chắc chắn có thai”.
Anh ngây ra, không biết nói năng gì, và Millie lại nghĩ do anh mừng quá. “Thật tuyệt vời anh nhỉ? Em sẽ có niềm vui bù đắp mỗi khi anh đi xa biểu diễn. Em mong sẽ là con trai để nối nghiệp anh, để được như anh, và...”
Những tiếng líu ríu mơ hồ lọt vào tai anh như từ cõi xa xăm nào vọng tới. Lâu nay, đâu phải anh đã hoàn toàn tuyệt vọng. Đâu đó, anh vẫn trông vào Chúa, vào mẹ, hy vọng tới một ngày nào đấy, một phép màu nào đấy, sẽ giúp anh thoát khỏi người vợ mà anh căm hận này. Hai năm làm chồng Millie là hai năm anh sống trong địa ngục. Bây giờ lại thêm con cái, liệu anh còn có thể, dù chỉ là hy vọng, thoát được nữa không? Ai cũng trả lời được câu hỏi này.
Lại một mùa Giáng sinh sắp đến. Millie sẽ sinh con vào dịp này. Toby đã thu xếp được một cuộc biểu diễn phục vụ lính Mỹ đóng quân ở nước ngoài song vẫn ngại Al Caruso sẽ dở trò khi thấy anh bỏ đi vào dịp Millie sinh con, anh bèn gọi điện cho hắn. Nhận ra người gọi, Al Caruso nói như reo. “Chào ngôi sao trẻ, rất vui được nghe giọng nói của anh”.
“Tôi còn vui hơn, Al”.
“Có phải vì anh sắp được làm cha một ngôi sao tương lai?”
“Ông đoán giỏi quá”. Rồi anh tạo cho giọng nói một sự phân vân. “Đó cũng là lý do tôi phải gọi điện hỏi ông. Al này, Millie sắp bể bầu rồi. Tôi thì muốn cùng vợ đón đứa trẻ chào đời nhưng người ta lại đnag rất muốn tôi trở lại Triều Tiên và Guam phục vụ cho binh sĩ của chúng ta ở những nơi đó. Tính cách nào bây giờ hả Al? Giúp tôi với!”
Cũng khó thật đấy! Al Caruso lẩm bẩm sau hồi lâu im lặng.
Toby thận trọng. “Thú thực, tôi không muốn Millie buồn song cũng lại không nỡ phụ lòng những người lính của chúng ta đang phải xa nhà”.
Im lặng lâu hơn. Rồi Al Caruso nói sau một tiếng thở dài. “Anh bạn trẻ, đây là ý nghĩ của tôi. Hai ta đều là công dân Mỹ yêu nước, phải vậy chứ? Và những người lính xa nhà kia cũng một phần nhỏ là vì hai ta, đúng chứ?”
“Tất nhiên rồi”, Toby nhẹ nhõm hẳn, “nhưng tôi lại cũng không muốn một mình Millie...”
“Cô ấy sẽ hiểu, Toby”. Al Caruso ngắt lời anh. “Và đứa nhỏ, lớn lên, sẽ có thêm niềm tự hào về người cha của nó. Hãy yên lòng mà lên đường, anh bạn trẻ của tôi”.
Mầy tuần sau, đúng vào hôm trước ngày lễ Giáng sinh, khi Toby rời sân khấu trong những tràng vỗ tay và tiếng hò reo như sấm của những người lính trên đảo Guam thì có người nhét vào tay anh bức điện khẩn báo tin vợ anh chết trong khi cố sinh ra một đứa trẻ đã chết từ trong bụng mẹ.
Chương 14
Tháng Tám, ngày 14, năm 1952 là sinh nhật thứ 14 của Josephine Czinski. Do trùng ngày sinh tháng đẻ nên Mary Lou Kenyon mời Josephine tới dự cuộc vui chung ở nhà cô ta.
“Họ ác độc lắm”, mẹ cô không cho đi, nói vậy, “con ở nhà đọc Kinh Thánh tốt hơn”.
Josephine không nghĩ như mẹ, và trong bụng đã quyết phải đi. Bọn bạn cô chẳng đứa nào độc ác cả, chúng vẫn cười đùa với cô, cho cô chơi chung đồ chơi, ngồi chung ôtô của chúng, và còn nhiều cái chung khác nữa, mẹ cũng biết vậy song mẹ không chịu hiểu mà thôi.
Mẹ vừa ra khỏi nhà, Josephine liền ra phố mua ngay chiếc áo bơi màu trắng bằng mấy đôla có được do trông con giúp nhà hàng xóm rồi đi nhanh tới nhà Mary Lou Kenyon với cảm giác hôm nay sẽ là một ngày tuyệt diệu của mình.
Biệt thự nhà Mary Lou được coi là lớn nhất, đẹp nhất, sang trọng nhất so với các chủ dầu lửa trong vùng. Vô vàn đồ cổ, thảm, tranh quý. Rất nhiều những căn nhà xinh xắn, đầy đủ tiện nghi dành cho khách. Rồi là sân chơi quần vợt, bãi đáp máy bay riêng, chuồng ngựa và những hai cái bể bơi: cái lớn dành cho gia đình và khách của họ; cái nhỏ hơn ở phía sau thì dành cho gia nhân vầ đầy tớ.
David Kenyon là anh trai Mary Lou mà Josephine đã biết, và theo cô, không ai có thể đẹp trai hơn. Anh cao lớn, nom phải xấp xỉ hai mét, vai rộng, đôi mắt nâu thông minh và tinh quái. David là thành viên đội tuyển bóng bầu dục quốc gia và đang hưởng học bổng Rhodes. Đến chơi nhà Mary Lou bao giờ Josephine cũng thầm mong được thấy David. Chỉ cần thấy thôi. Trước kia, đã hơn một lần anh đến trò chuyện với cô nhưng tuy lòng rộn ràng vui sướng mà lần nào cô cũng đỏ mặt ngây ngô chẳng nói được lời nào.
Mary Lou còn một chị gái tên là Beth, nhưng đã chết từ khi Josephine còn bé tí, chưa biết gì.
Tối nay, Josephine nhìn quanh quẩn mãi vẫn không thấy David đâu cả. Song cũng không vì thế mà cô thấy kém vui. Mary Lou tổ chức sinh nhật thật tuyệt, không chê vào đâu được. Chủ-khách, gái –trai, tổng cộng mười bốn con số trùng với ngày sinh nhật cô cậu cùng trang lứa. Bữa trưa linh đình gồm toàn những món ít khi Josephine được đụng tới ở nhà, do các gia nhân mặc đồng phục long trọng mang ra. Ăn xong, Mary Lou và Josephine mở xem các quà tặng còn đám bạn thì đứng quanh ngắm nghía, bình luận.
Rồi Mary Lou nói. “Nào, như chương trình, giờ ta xuống bơi”.
Cả đám tản mát vào phòng thay quần áo kề bên bể bơi. Lúc mặc vào bộ đồ tắm màu trắng mới mua, Josephine mỉm cười thầm mong cuộc đời mình hôm nào cũng sẽ tuyệt vời như hôm nay; một ngày tuyệt diệu, như cô đã có cảm giác từ trước đó. Đấy, mẹ chứ sợ hãi đâu đâu. Đám bạn cô có gì xấu xa nào?
Từ phòng thay đồ, trong bộ đồ tắm màu trắng, Josephine bước xuống bể bơi trong xanh. Mọi ánh mắt của đám bạn hướng hết về cô, cả gian xảo lẫn ghen ghét. Chỉ trong vài tháng dậy thì, mặt mũi lẫn thân hình Josephine biến đổi theo hướng đẹp lên đến bạn bè, những ai quen biết, và chính bản thân cô cũng phải ngỡ ngàng. Ngực cô nở nang hẳn, đôi vú tròn to và căng cứng dưới lần vải tắm, đôi mông chắc nịch, đôi chân thon dài...Nhìn cô, chỉ có một tiếng có thể thốt ra, “Đẹp quá!”
Josephine lao mình xuống làn nước xanh. Ai đó kêu to, “Chơi trò Marco Polo nào”.
Đây là trò chơi Josephine rất thích. Cô hào hứng lượn vòng bể nước ấm, mắt nhắm lại, mơ màng gọi Marco và hồi hộp chờ nghe đáp lại Polo để lao tới chỗ tiếng đáp phát ra trước khi người đó di chuyển sang chỗ khác. Còn nếu cô túm kịp được thì nạn nhân chính là nó.
Lúc này, nó là Cissy Topping đang lao theo Bol Jackson, gã trai mà nó thích, nhưng vồ hụt, nó bèn túm luôn lấy Josephine. Marco Josephine lại mơ màng kêu lên. Polo, mọi người đồng thanh đáp. Cô quờ tay vơ đại. Chẳng túm được ai cả. Thì cũng quan trọng gì đâu. Ai là tay hay ai là nó, với cô, như nhau hết. Miễn là trò chơi này kéo dài, cũng như ngày hôm nay sẽ kéo dài, mãi mãi.
Josephine bỗng nghĩ ra một mẹo bèn nhắm mắt đứng thật im lắng nghe tiếng rẽ nước, tiếng đám bạn rúc rích cười hoặc thầm thì nói, rồi nhích gần tới bậc lên xuống, trèo lên thật khẽ để không gây tiếng động trong nước rồi bất thần gào lên Marco!
Không một tiếng đáp. Cô vẫn bất động, gào to lần nữa, Marco!
Chỉ có im lặng trả lời cô. Các bạn đâu cả rồi, hình như chỉ còn độc nhất mình cô trong cái thế giới nước xanh ngắt này. Phải chăng họ cũng mưu mẹo nghĩ ra trò chơi mới, đánh lừa cô, dặn nhau không đáp lại cô? Cô bật cười, mở bừa mắt ra.
Làn nước tĩnh lặng, đám bạn đã lên hết, đang túm tụm bên kia bể bơi, mọi ánh mắt đều hướng về Josephine, đúng hơn, về phía dưới thân hình cô, Josephine cúi xuống. Đây, bộ đồ tắm màu trắng của cô giờ đã loang đỏ và còn có một vệt nhỏ, hình như là máu, chảy giữa hai đùi. Cô kinh hoàng nhìn sang đám bạn rồi lao xuống nước trốn nỗi nhục nhã không do cô cố tình gây ra.
“Không ai làm vậy trong bể bơi” Mary Lou nói. Đứa nào đó dè bỉu, “trừ bọn Ba Lan!”
Hai ba giọng khác cùng cất lên. Nào “Ta phải tắm gội lại thôi”, rồi “Đúng đấy, tớ thấy nhớp quá”, đến “cho tiền cũng chả dám bơi ở đây nữa”.
Chốc lát, cả đám kéo nhau vào khu nhà tắm, để lại mình Josephine trơ trẽn và hoảng loạn giữa bể bơi. Cô ép chặt hai đùi, ngỡ làm vậy máu sẽ thôi rỉ ra. Cô đã bao giờ thấy kinh nguyệt để biết chu kỳ mà phòng bị. Nó còn bất ngờ với cô hơn cả đám bạn cô. Có lẽ rồi họ sẽ quay lại ngay thôi, sẽ bảo rằng họ chỉ trêu cô, làm cô sợ chút xíu, bây giờ lại tiếp tục chơi trò Marco Polo, cô chịu không? Chịu chứ, cô chịu ngay, và lập tức nhắm mắt lại mơ màng gọi Marco! Tiếng cô rơi tõm vào đâu chẳng biết mà mất tăm mất tích. Cô cứ ngâm mình trong nước đợi hồi âm Polo...Polo...
Không ai làm vậy trong bể bơi...
... trừ bọn Ba Lan
Đầu cô bỗng đau dữ dội, còn bụng thì quặn thắt lại, cũng vì đâu. Nhưng cô không thể làm gì khác ngoài ngâm mình trong làn nước này, mắt nhắm lại, và chờ đợi. Polo sắp quay lại rồi. Rất nhiều Polo.
Josephine nghe có tiếng chân bước nhẹ đến. Đã bảo mà, ngày vui nào có thể qua mau vậy chứ. Bạn bè cô đang quay lại đây. Không kìm được, cô cười tươi và mở mắt ra.
Chỉ có David, anh trai Mary Lou, người cô vẫn mong nhưng lại sợ gặp nhất vào lúc này, đứng trên thành bể bơi, chiếc khăn tắm vắt qua cánh tay.
“Tôi xin thay họ mong được cô tha lỗi, cô Josephine”. Anh chìa ra chiếc khăn tắm. “Cô hãy lên đi, kẻo lạnh. Chúng nó đi chơi hết rồi”. Giá mà chết ngay được trong làn nước xanh vẩn chút hồng này?
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/