19/3/13

Người lạ trong gương (C15-19)

Chương 15

Cuộc đời Sam Winters ít hôm nghe được nhiều sự tốt lành như hôm nay. Toàn những tin đáng để ăn mừng. Nào các chương trình truyền hình của Pan-Pacific đang ngày một ăn khách mà Chàng trai có tên Thứ Sáu là phim đứng đầu, nào cánh truyền hình đang muốn ký một hợp đồng năm năm cho loạt phim này.
Tin sau còn vui hơn. Bộ phim do Tessie thủ vai chính và do Barbara Carter làm chủ nhiệm đang được quay với tốc độ chóng mặt mà vẫn rất ổn ở cả hai khâu nghệ thuật và kỹ thuật. Cũng có lý do là Tessie phải gắng sức để chứng minh việc cô ta đề cử Barbara là đúng. Nhưng dù Tessie có chẳng chứng minh gì đi nữa thì Barbara vẫn sẽ là một trong những chủ nhiệm phim hàng đầu của năm nay và đây sẽ còn là năm đánh dấu một bước ngoặt đối với các nhà thiết kế trang phục.
Sam vừa gấp giấy tờ lại để đi ăn trưa thì cô thư ký Lucille ùa vào, hổn hển. “Họ vừa bắt được người đốt kho đạo cụ, đang dẫn tới đây”.
Sam ngớ ra khi thấy người đàn ông già nua bị dẫn giải vào, đôi mắt ông ta đầy thù hận. Đó là đạo diễn lừng lẫy một thời, Dallas Burke. “Tại sao? Ông nói đi, vì Chúa!” Anh gào lên.
“Bởi không muốn cứ phải nhận mãi đồ bố thí, anh hiểu chưa?” Burke lồng lộn. “Tôi hận anh, hận cái trò điện ảnh này, cái Hollywood khốn kiếp này, đồ chó đẻ cả lũ. Tôi đã làm giàu cho quá nửa số Hãng phim ở đây, cũng như cho các ông chủ Hãng đó. Tất cả đều làm giàu trên lưng tôi. Tại sao anh cứ làm vẻ hài lòng rồi bỏ tiền ra mua các câu chuyện tôi cóp nhặt lăng nhăng để rồi bỏ xó chúng mà không giao tôi đạo diễn một bộ phim bất kỳ nào đó?” Ông gào lên. “Tại sao? Nếu tôi chìa ra cuốn danh bạ điện thoại chắc anh cũng sẽ mua đấy nhỉ. Tôi cần tiền để sống mà làm việc chứ đâu cần sống chỉ để có mặt trên đời này. Anh săn sóc, anh ưu ái tôi nhưng chính là đang để tôi chết dần chết mòn trong thất bại và tủi nhục, và tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh chuyện này đâu”.
Dallas Burke đã được đưa đi song Sam Winters, quên cả ăn uống, vẫn ngồi ngẫm nghĩ mãi về ông, về những bộ phim đặc sắc do ông đạo diễn, về thái độ của ông vừa rồi...
Vậy mà anh cứ tưởng sẽ không có gì làm hỏng nổi cái ngày tuyệt vời này.


Chương 16

Từ khi vợ chết, danh tiếng Toby mỗi ngày một lan rộng, các màn hài hước mỗi ngày mỗi khiến khán giả cười nhiều hơn. Anh được mời diễn tại các câu lạc bộ hạng nhất, như Chez Parey ở Chicago, Latin Casino ở Philadelphia, Rouyal ở New York và nhiều nhiều nữa. Anh diễn cho mọi đối tượng khán giả, từ những con người sang trọng ở các câu lạc bộ kể trên đến các cháu nhỏ đau ốm trong bệnh viện trẻ em, đến cả các Hội từ thiện, Hội tương tế...Có thể nói một cách khái quát là anh có thể biểu diễn cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào. Anh không thể sống, dù no hay đói, dù giàu hay nghèo, dù có đàn bà hay không...mà lại không được biểu diễn, không có người xem và nhất là không có tiếng cười, tiếng vỗ tay của họ. Ngay cả các sự kiện lớn xảy ra trên khắp thế giới tác động đến nhân loại thế nào chả biết, nhưng với anh, chúng chỉ là chất liệu cho các màn trình diễn mà thôi. Thí dụ năm 1951, khi tướng Arthur bị thất sủng đã nói. “Những người lính già không thể chết, họ chỉ mai một đi thôi”, thì Toby bảo, “Lạy Chúa, hẳn là chúng ta giặt quần áo chung một hiệu”.
Khi Nixon cao giọng phê phán về vấn đề ngân sách, Toby nói. “Tôi sẽ bỏ phiếu tức thì, nhưng không cho Nixon mà là cho ngân khố”.
Năm 1954, Stalin chết, Ike lên làm Tổng thống Mỹ, giới trẻ khoái kiểu mũ Crockett, dân chúng tẩy chay xe buýt ở Montgomery...
Những cái đó, và vô số cái khác nữa, đều trở thành chất liệu gây cười cho Toby. Nghe giọng nói, nhìn gương mặt với những biểu cảm dữ dội của anh trong khi đôi mắt anh tròn xoe ngây thơ, ngơ ngác, không ai nín cười được. Họ bò ra, ngả ngốn ra, chảy nước mắt ra mà cười. Họ yêu mến anh, và anh tồn tại một cách hữu ích trên đời. Anh đền đáp mẹ, chính là nhờ vào sự yêu mến đó.
Nhưng tận nơi sâu kín trong anh luôn nơm nớp một cái gì đó, như một sự lo âu thường trực mà không vinh quang nào đủ sức tiêu diệt nó, thậm chí chỉ khiến nó tạm thời lánh đi. Anh áy náy từ việc bỏ lỡ một tiệc vui được mời; và cả cái băn khoăn vô lý vì cùng lúc không thể trình diễn ở hai nơi, không hiểu sao vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Cả cái việc lỡ dịp lên giường với một cô gái nào đó cũng khiến anh thắc thỏm mới lạ, bởi với anh, từ khi trở lại là người đàn ông độc thân, anh thay đàn bà như thay hộp quẹt, dù thích đến mấy, cũng không cho phép mình dính líu quá sâu hoặc quá lâu với bất kỳ cô nào. Nhớ cái thuở cơ hàn biểu diễn ở các quán rượu, nhà trọ tồi tàn gọi chung là hệ thống nhà vệ sinh, anh đã chả thèm muốn đến phát khóc khi nhìn các ngôi sao sân khấu ngồi trong những chiếc limousine bóng lộn cùng các cô gái xinh đẹp ăn bận lộng lẫy. Bây giờ thì anh đã dư sức có được những gì ngày ấy anh mơ tưởng nhưng nỗi cô đơn vẫn ngày đêm đeo bám lấy anh. Anh khâm phục cái người nào đó đã có câu nói, như nói về chính anh vậy: Khi ta tới được nơi đó, thì lại không thấy có nơi đó...
Anh thấy nhớ mẹ. Bà chắc chắn vui khi anh đã nổi tiếng đúng như bà tiên đoán, như bà sẽ có cảm giác gì khi biết anh vẫn phấp phỏng âu lo, vẫn cô đơn sầu muôn?
Còn cha anh nữa?

Ông bị xuất huyết não đã mấy năm nay, đầu óc đã như ngớ ngẩn chẳng nhớ được gì khác ngoài những lần con trai viếng thăm. Toby gửi ông vào nhà an dưỡng ở Detroit, một công trình xấu xí xây bằng gạch từ thế kỷ trước, toát ra vẻ già lão, bệnh hoạn và chết chóc.
Toby bước vào căn phòng rộng rãi trải tấm thảm xanh bẩn thỉu, nơi bố anh sống cùng hơn chục ông già bà cả khác. Họ vây quanh anh, cả các y tá, hộ lý nữa, thảy đều hướng về anh bằng những cái nhìn phải nói là sùng bái.
“Kìa, tối qua tôi vừa được xem anh trên tivi. Nhất anh đấy. Tôi cười đến nỗi ngã lăn từ trên giường xuống đất”.
“Toby ơi, làm sao anh nghĩ ra được những chuyện tức cười đến thế?”
“Trong lúc chờ gặp cha, anh kể chuyện gì cho chúng tôi cười đi”.
Vừa may, một hộ lý đang đẩy tới chiếc xe có bố anh ngồi trên đó. Ông mới được cắt tóc, cạo râu và còn chịu mặc comple để đón con trai tới thăm.
“Ai thế kia, cha tôi đấy, ư, sao nom giống Jack Barrymore vậy?”. Toby kêu lên và ai nấy đều nhìn ông Temple, thầm ao ước giá mình cũng có đứa con tuyệt vời như vậy đến thăm. Anh cúi xuống ôm lấy vai ông. “Đừng trêu chọc người ta thế nữa”, rồi chỉ tay vào cô hộ lý, “mình là đàn ông, phải đẩy xe cho cô ta mới đúng chứ?”
Tất cả cười rũ ra. Sẽ có nhiều người học thuộc câu đùa này, nhớ đúng ngày tháng này để sau đó kể lại với gia đình, bè bạn rằng. Hôm ấy, lúc ấy, tôi đứng ngay bên Toby, sát bên, như thế này này, và anh ấy bảo với ông bố là...
Anh đứng lại thêm lát nữa, pha trò cười, trêu chọc đám người đủ chuyện, từ sức khoẻ, con cái tới chuyện gối chăn...Họ cười về chính những chuyện của họ mỗi lúc một to hơn, sảng khoái hơn và Toby biết họ mong anh cứ trêu chọc họ nữa, trêu chọc họ mãi...
Rồi anh làm bộ buồn rầu. “Tôi căm ghét giờ khắc phải chia tay này. Các vị là những khán giả đáng yêu nhất mà tôi được biểu diễn cho, nhưng công việc là trọng. Đã đến giờ tôi phải gặp riêng bố tôi, để nghe ông truyền thụ lại ít chuyện cười. Tôi sắp hết vốn rồi. Xin phép các vị”.
Anh gập mình chào trước tiếng vỗ tay và reo hò như của cả trăm người.

Giờ chỉ còn hai bố con trong phòng khách. Là nơi tiếp khách song nó cũng sặc mùi chết chóc. Nhưng suy cho cùng, cả cái nhà này cũng chẳng để dành cho cái kết cục đó hay sao? Toby nghĩ. Chết ư? Có khác gì nhau cái chết chầm chậm ở nhà, ở bệnh viện, hoặc chết tươi bởi tai nạn trên đường? Ở chỗ an dưỡng này, dù sao, ít hay nhiều, nhanh hay chậm, bố anh cũng còn được sống với những người, dù không là bạn thì cũng có thể là bè, và dù có không là gì thì theo anh, họ cũng rất đáng yêu, thể hiện qua thái độ của họ với anh vừa rồi. Và Toby tin rằng họ không thể làm gì để bố anh phải buồn.
“Bố sung sướng vì con vẫn nhớ đến thăm bố”. Ông Temple chậm chạp nói. “Bố rất muốn gặp con để báo cho con một tin vui, là ông già Art Riley ở phòng bên cạnh vừa chết đêm qua”.
“Con khó mà đưa cái chuyện ấy vào màn diễn, nghe chẳng vui lắm”. Toby cười cười.
“Vui chứ con. Vui lắm. Bởi bố có thể dọn vào phòng đó. Nó chỉ có một giường”.
Tuổi già còn là thế đó, Toby nghĩ, vẫn ham sống, vẫn mong tận hưởng những gì sung sướng vớt vát được. Chắc là vẫn dễ chịu hơn cái chết. Cái chết của họ có thể là sự giải thoát cho vợ con hoặc họ hàng thân thích của họ, nhưng với họ, còn sống vẫn là tốt đẹp hơn nhiều, nên họ vẫn mong bám được vào nó. “Chúc mừng sinh nhật, ông Dorset. Ông thấy sao, ở ngày bắt đầu cái tuổi chín tư này?” – “Tuyệt vời, anh bạn trẻ ạ. Thêm ba năm, năm năm nữa, vẫn cứ là tuyệt vời khi mình còn đang sống”.
Đến lúc Toby phải đi rồi. “Có dịp là con sẽ vào thăm bố ngay”. Anh tặng bố một ít tiền, tặng các y tá, hộ lý nhiều hơn. “Mong các vị chăm sóc bố tôi chu đáo. Ông đã kể tôi nghe rất nhiều chuyện vui để đưa vào màn diễn. Cảm ơn các vị”.
Chưa ra khỏi cổng nhà an dưỡng anh đã quên hết mọi chuyện liên quan đến ông bố tội nghiệp, chỉ nghĩ về buổi diễn tối nay.
Song các y tá, hộ lý và đám bệnh nhân gặp anh hôm đó, rất lâu sau sẽ còn nói với nhau, và với ai quen biết họ, về ngày thăm viếng này của anh.

Chương 17

Năm mười bảy tuổi, Josephine đã trở thành cô thiếu nữ đẹp nhất Odessa với thân hình nở nang cân đối, đôi vú tròn đầy, đôi chân dài thon, da rám nắng, mái tóc đen và dài vùng đôi mắt nâu sâu thẳm phơn phớt ánh vàng...
Sau hôm sinh nhật “tuyệt vời” ấy, Josephine không gặp gỡ nhóm bạn con nhà những người có dầu nữa mà biết rằng chỉ nên là bạn của con cái thuộc nhóm những người còn lại. Học xong chương trình phổ thông, nàng được nhận vào phục vụ ở Golden Derick, một điểm chiếu phim ngoài trời, rất được dân tình ưa chuộng. Ngay cả Mary Lou, Cissy Topping và mấy đứa bạn cũ thuộc nhóm những người có dầu cũng thường kéo nhau tới đó. Nàng vẫn chào họ một cách lịch sự, vẫn trao đổi với nhau vài ba câu vu vơ, nhưng nàng hiểu không còn gì có thể kéo nàng, kéo cả họ, trở lại với nhau, như trước hôm sinh nhật đó nữa.
Luôn luôn, nàng thấy lòng mình không yên ổn, nhưng không giải thích được tại sao, cũng như không thể biết trước mắt nàng khao khát cái gì, chờ đợi cái gì. Nàng thấy Odessa xấu xí, tù túng nhưng lại không biết nếu bỏ nó mình sẽ đi đâu và sẽ làm gì. Cứ nghĩ tới chuyện đó là nàng lại thấy đau đầu dữ dội.
Nàng đi chơi nhiều với đám con trai, và cả đàn ông nữa. Mẹ nàng ưa nhất Warren Hoffman, một thợ chữa ống nước. Bà hay nói, “Warren chắc chắn là chồng tốt đấy. Chăm đi lễ nhà thờ, kiếm tiền cũng khá, và lại rất yêu con. Chẳng ai hơn nổi đâu, con ạ”.
Nàng trề môi. “Vâng, sẽ chẳng tìm đâu ra ai hơn con gần chục tuổi mà lại còn béo ị nữa”.
Bà ném cho nàng cái nguýt chết người. “Các tiểu thư nhà nghèo Ba Lan không kiếm chồng trong những bộ giáp sắt mạ vàng đâu con ạ. Đừng viển vông nữa”.
Tuần một lần, và chỉ đúng một lần, Josephine cho Warren đưa nàng đi xem phim, và chỉ có xem phim. Anh ta thường đặt bàn tay to bè, thô nháp và nhớp mồ hôi của mình rồi siết lại, suốt lúc ngồi xem. Nàng chẳng phản ứng gì, vì toàn bộ tâm trí đều đã bị màn ảnh hút lấy. Không chỉ vì chuyện phim hấp dẫn, diễn viên đẹp, đóng hay mà còn vì đâu đó trong nàng bỗng mơ hồ cảm thấy Hollywood sẽ là mảnh đất đơm hoa nảy trái cho những khát vọng vẫn lẩn khuất đâu đó trong nàng. Nếu nàng không tự mang lại cho mình những hoa trái đó thì chồng nàng sẽ phải mang lại. Nghĩa là nàng phải lấy chồng giàu. Không thì hết cách. Kiếm ra ai bây giờ? Các chàng trai con nhà giàu đều đã bị các cô gái hoặc con nhà giàu hoặc cực kỳ xinh đẹp cưới hết rồi.
Hình như còn một người: David Kenyon!
Nàng vẫn thường nghĩ đến anh. Lâu lắm rồi, trước cả cái hôm sinh nhật đó, nàng đã lấy trộm trong phòng Mary Lou tấm ảnh David mang về giấu thật kỹ và mỗi khi buồn bã lại đem ra ngắm nghía. Trăm lần như một, cứ nhìn hình anh là nàng lại nhớ gương mặt anh hướng tới nàng chiếc khăn tắm và bảo, “Tôi xin thay họ mong được cô tha lỗi...” Thế là sự buồn bã lập tức lui đi, nhường chỗ cho cảm giác ấm áp ngọt ngào. Từ sau hôm ấy, nàng chỉ được thấy anh đúng có một lần, khi anh ngồi trong ôtô cùng gia đình. Lâu lâu sau Josephine mới được biết hôm ấy cả nhà tiễn anh ra ga tàu hỏa để từ đó anh đi du học tại trường Oxford nước Anh. Màu hè và lễ Giáng sinh nào anh cũng về thăm nhà, đã ba năm rồi, song đường đi của anh và nàng như không thể gặp được nhau. Tuy nhiên, chuyện về anh thì vẫn được cô này cô khác nhắc tới. Ngoài tài sản thừa hưởng từ cha, anh còn được bà nội di chúc tặng cho năm triệu đôla. Người như thế có chỗ nào dành cho con gái một bà thợ may nhập cư gốc Ba Lan không nhỉ?
Hoá ra nàng không biết David đã về nhà cả tuần nay. Vào một tối thứ bảy của tháng Bảy, khi đang làm việc tại Golden, Derrick, nàng có cảm giác dân chúng của cả thị trấn Odessa đổ dồn về cái bãi chiếu bóng ngoài trời này với hy vọng những cây kem, những ly nước đá sẽ giúp họ xua đi cái oi ả đêm hè. Josephine chẳng lúc nào ngơi tay mà vẫn không đáp ứng kịp. Lại thêm một chiếc xe thể thao màu đỏ vừa dừng lại. Josephine, một tay bưng khay bánh mì kẹp thịt, tay kia chìa ra tấm bìa cho người lái, vui vẻ. “Chào ông, xin mời đọc thực đơn, hoặc cứ gọi ngay món ông đã quen gọi”.
“Xin được chào người quen cũ”.
Josephine khẽ rùng mình. Giọng David không thể lẫn với ai khác được. Anh vẫn như nàng hình dung, có lẽ đẹp trai hơn cả trước, còn già dặn, tự tin thì khỏi phải nói rồi. Ngồi ở ghế bên là Cissy Topping, thật lạnh lùng và cũng thật xinh đẹp trong bộ áo váy lộng lẫy.
“Chào Josie, nóng nực thế này mà còn phải làm việc thì mệt lắm nhỉ?” Cô ta nói hay nhỉ! Cứ như nàng thích bưng khay bánh mì chạy đi chạy lại hơn là ngồi xem phim hoặc đi chơi bằng xe hơi thể thao với David không bằng.
Nàng đáp bằng giọng nhũn nhặn, “Nếu không, mình sẽ phải lang thang ngoài đường mất”. Và nàng thấy David cười nhẹ, chắc anh hiểu.
Họ đi rồi, Josephine vẫn đứng ngẩn ra ngẫm nghĩ. Nàng nhớ lại từng ý từng lời David để suy xét, tìm tòi ẩn ý bên trong. “Được chào người quen cũ...Tôi muốn bành mỳ xúc xích và bia, xin lỗi, tôi muốn nói cà phê chứ không phải bia...Cô làm ở đây được không?...Cho tôi trả tiền, vâng xin cứ giữ lại tiền thừa...Rất mong sẽ gặp nữa, Josephine...”
Tất nhiên anh khó mà nói gì khác hơn khi có Cissy ngồi bên, nhưng thực ra giữa anh và nàng đã có cái gì để nói nào. Anh vẫn nhớ mặt nhớ tên nàng đã là tốt lắm rồi.
“Xảy ra chuyện gì vậy, Josita? Trông cô như bị ai bắt mất hồn vậy”. Paco, chàng đầu bếp người Mehico đến bên lúc nào chẳng biết, đang vừa hỏi vừa nghiêng đầu nhìn nàng. Nàng mến anh chàng này. Paco đã ngót ba mươi, tóc và mắt đen nhánh, miệng lúc nào cũng như đang cười, lại luôn đùa vui khi công việc căng thẳng,bận rộn. “Chàng nào vậy?” Paco hỏi tiếp.
“Khách hàng thôi, Paco”. Nàng bình thản đáp.
“Vậy thì còn gần chục người cũng là khách hàng đang đợi ta đấy, nhanh chân lẹ tay lên”.

Ngay hôm sau, chuông điện thoại reo từ sáng sớm, và linh tính đã mách Josephine biết là ai trước khi nàng nhấc máy lên. Suốt đêm nàng nghĩ đến anh và sự kiện này tựa như giấc mơ về anh vẫn còn tiếp diễn.
Anh chẳng chào hỏi gì, nói ngay. “Cô như chẳng thay đổi gì, chỉ có cái khác duy nhất là xinh đẹp hẳn lên”.
Nàng chỉ muốn oà khóc vì sung sướng, và sau vài câu thăm hỏi nữa, nàng nhận lời mời ăn tối cùng anh. Chưa bao giờ, với nàng, ngày dài như hôm ấy, tưởng rằng chiều tối sẽ không bao giờ đến nữa. Nhưng rồi nó cũng đến, và đến cùng lúc với chiếc xe thể thao màu đỏ của David đậu lại trước cửa nhà nàng. Đã tưởng anh sẽ đưa nàng tới một nhà hàng khuất nẻo nào đó để tránh gặp người quen, bạn bè nên nàng vừa hạnh phúc vừa hãnh diện khi thấy anh mời nàng tới thẳng câu lạc bộ của những người có dầu, chọn chiếc bàn ở vị trí trung tâm nhất, nơi mọi thực khách đều dễ dàng thấy họ và phần lớn dừng lại chào khi đi ngang qua. Nàng không hề đọc thấy một nét gì gượng gạo ở anh khi đưa nàng tới đó, trái lại, anh rất vui và có vẻ hãnh diện vì nàng, như nàng đã hãnh diện khi được cùng anh tới đây. Thề có Chúa, sao nàng lại được quen biết người đàn ông tuyệt vời đến vậy, mà anh cũng có vẻ quý mến nàng, còn nàng, chắc chắn nàng đã yêu anh.
Họ gặp nhau mỗi ngày, sau lúc Josephine xong việc. Từ vài năm trước, mới mười bốn tuổi, Josephine đã phải tập chống trả với những biểu hiện thèm muốn của giới đàn ông, bởi ở nàng, từ gương mặt, giọng nói cho đến thân hình đều tóat ra vẻ khêu gợi dục tình, như một thách đố vậy. Họ vuốt ve, rồi bóp nắn mọi chỗ trên người nàng, cố tình đụng chạm vào vú nàng, luồn tay vào váy nàng, nghĩ rằng hẳn nàng sẽ rất thích thú. Ai ngờ chỉ làm nàng ghê tởm họ thêm.
Với David Kenyon thì ngược lại. Vô tình, nàng biết chắc là vô tình, anh chỉ mới khóac vai hoặc đụng chạm vào đâu đó trên mình mà nàng đã rạo rực khắp người. Đã bao giờ nàng có cái cảm giác quái quỷ này đâu, dù với bất kỳ người khác giới nào. Nàng thật hết sức khó khăn khi phải sống những ngày không được gặp anh.
Rồi mỗi tuần họ có nhiều ngày gặo nhau hơn và mỗi ngày họ lại ở bên nhau lâu hơn. Cuối cùng, ơn Chúa, phép màu đã xuất hiện. David ngỏ lời yêu nàng.
Anh thẳng thắn đưa các vấn đề của hai người ra để cùng nàng bàn tính, cũng như không giấu nàng những mâu thuẫn của anh với gia đình, nhất là với mẹ. “Bà muốn anh giúp bố lo chuyện làm ăn của gia đình, nhưng anh không chắc sẽ gắn bó cả đời mình với nó hay không”. Anh thổ lộ.
“Chuyện làm ăn” của gia đình Kenyon bao gồm các giếng dầu, các nhà máy lọc dầu, một trang trại gia súc hàng đầu ở vùng Tây Nam, hệ thống khách sạn, vài nhà băng và một công ty bảo hiểm lớn.
Josephine ngập ngừng. “Sao anh không nói với mẹ là anh không thể?”
Anh thở dài: “Khi bà đã định cái gì thì chẳng ai nói khác được. Em không hiểu mẹ anh đâu”.
Josephine đã gặp, cả đã chuyện trò với mẹ David. Bà bé tí xíu, và gày đét. Không hiểu tại sao lại sinh ra được đứa con to lớn như anh. Bà thường rất ốm yếu trước và sau khi sinh, rồi mắc chứng đau tim sau lần sinh thứ ba, chính là Mary Lou đấy. Bọn trẻ lớn lên, hàng tháng hàng năm nghe mẹ kể về những khổ sở của bà khi mang thai và khi sinh nở, làm chúng tin rằng bà đã đánh đổi cả sinh mạng mình để có được chúng, và trong mắt chúng, bà trở nên một thứ quyền uy bất khả kháng mà bà thường xuyên sử dụng một cách hợp lệ và không khoan nhượng.
“Anh muốn được sống theo ý mình,” David rầu rĩ, “nhưng thật khó mà trái ý mẹ...Nói riêng với em, bác sĩ về bệnh tim đã có lần bảo mẹ anh chắc cũng không sống được bao lâu nữa.”
Rồi một tối, nàng kể anh nghe về mơ ước được tới Hollywood và trở thành ngôi sao điện ảnh. Anh nhìn nàng rất lâu, lắc đầu. “Anh không để em đi đâu cả.” Nàng nghe mà tim đập mạnh, vì hạnh phúc.
Thêm một lần gặp là anh và nàng đều cùng thấy khó có thể rời xa nhau. David chẳng hề nghĩ gì đến gốc gác của Josephine, đến cuộc sống túng bấn của hai mẹ con nàng, cũng chẳng hề tỏ ra ban ơn hoặc thương xót gì hết. Anh tôn trọng nàng, cư xử bình đẳng và ngay thẳng với nàng. Vì thế, cái chuyện xảy ra đêm ấy ở bãi chiếu phim lại càng khiến Josephine khiếp sợ hơn.
Lúc ấy, đã sắp đến giờ nghỉ, David đang ngồi trong xe chờ nàng, còn nàng thì đang trong bếp với Paco, làm những việc dọn dẹp cuối cùng. Vừa lau sạch bóng dao dĩa, Paco vừa nhìn Josephine một cách ý nhị, bảo. “Đôi uyên ương khiến ai trông cũng phát thèm.”
Josephine đỏ mặt sung sướng, nói như cãi. “Có ai làm gì khoe khoang đâu mà anh bảo vậy?”
“Thì trông cô lúc nào cũng vui, gương mặt xinh xắn lúc nào cũng rạng rỡ lên, ai chả biết. Cô hãy nói giùm tôi rằng anh ta là người đàn ông hạnh phúc nhất đấy.”
“Lát nữa gặp, em sẽ nói ngay.” Vừa đáp, Josephine, trong lúc vui vẻ, kiễng chân hôn lên má Paco. Ngay sau đó, nàng nghe tiếng máy xe David gầm lên, rồi tiếng lốp xe nghiến mặt đường ken két rợn người. Nàng chạy ra, vừa kịp thấy xe anh chồm lên, đâm vào sau một xe khác, ngoặt gấp, rồi lao vút đi. Nàng đứng như chôn chân tại chỗ, sững sờ. Chuyện gì vậy nhỉ?
Quá nửa đêm, khi còn đang trằn trọc bởi không sao ngủ nổi, Josephine nghe có tiếng xe quen quen đỗ lại ngay trước nhà. Nàng mở cửa sổ nhìn xuống, thấy David ngồi gục đầu vào tay lái, người đổ nghiêng vào cửa xe. Nàng khóac vội áo ngoài, chạy ra. Nghe tiếng chân, anh ngẩng lên và mở cửa xe, nắm tay nàng, kéo lên ngồi cùng. Trong xe nồng nặc mùi rượu. Sau một hồi lâu im lặng đầy chết chóc, David cất tiếng, giọng líu ríu vì giận chứ không phải vì say, và mỗi lời anh như trút ra nỗi đau khổ vô cùng tận. “Dù đã là chồng em anh cũng không có quyền ngăn cấm em biểu lộ tình cảm chân thật của mình với người đồng giới, thậm chí khác giới. Nghĩa là bao giờ em cũng được tùy thích làm những gì em muốn. Anh chỉ xin em một điều, là xin chứ không phải cấm, khi nào còn là bạn anh, đừng có hôn hít cái bọn đàn ông Mehico khốn kiếp. Anh chỉ xin điều đó thôi, Josephine”.
Nàng không thể ngờ nguyên do đó. “Em hôn paco bởi anh ấy đã nói một câu về tình yêu của chúng mình làm em rất vui. Đó hoàn toàn là một nụ hôn cảm ơn, anh yêu”.
David như không nghe thấy gì, vẫn đang tiếp tục dòng hồ ức của mình. “Em sẽ được nghe câu chuyện mà anh chưa hé răng với bất cứ ai. Anh rất yêu chị ruột của anh, mà chắc em từng đã nghe tên chị ấy, Beth.”
Josephine nhớ ngay đến hình ảnh người con gái có nước da trắng nõn, mái tóc hung, gương mặt xinh xắn mà nàng đã gặp mỗi khi đến chơi với Mary Lou. Năm nàng tám tuổi thì nghe tin Beth chết. Khi đó David khoảng 15, có lẽ vậy. Nàng nói: “Khi chị Beth mất, em có biết.”
“Em biết nhầm đấy, Josephine. Chị Beth vẫn sống.”
Chẳng khác bất ngờ bị nện mạnh vào đầu, Josephine nói bừa. “Anh nhầm thì có. Chị Beth mất, chẳng những em mà còn...” rồi nàng bỗng thấy mình vô lý, ngưng bặt lại.
David nhìn sâu vào mắt Josephine, giọng run rảy. “Beth hiện đang ở bệnh viện tâm thần. Chị ấy bị một thằng làm vườn người Mehico cưỡng hiếp. Phòng Beth ở đối diện phòng anh. Nghe tiếng la thét của chị, anh vội chạy qua và thấy thằng kia đã lột truồng chị ra và đang cưỡi lên bụng chị. Anh xông vào vật lộn với hắn cho đến khi...đến khi mẹ anh gọi được cảnh sát đến. Hắn bị giam lại và ngay tối hôm đó đã tự treo cổ trong nhà tạm giam. Còn Beth thì sau đó bị tâm thần, và sẽ không bao giờ ra khỏi bệnh viện ấy được. Anh không biết nói sao để em hiểu anh thương chị ấy thế nào, và cũng từ cái đêm hôm ấy, anh...anh đã không thể nào chịu nổi cảnh bọn Mehico...”
Giọng anh nghẹn lại. Nàng kéo đầu anh tựa sát ngực mình, thì thầm. “Em xin lỗi, David. Em biết ơn vì anh đã kể em nghe chuyện ấy. Em yêu anh!”
Sự kiện đó càng đẩy họ lại gần nhau hơn và họ đã nói, đã bàn với nhau những chuyện mà trước đó chưa bao giờ nghĩ là sẽ bàn, sẽ nói. Nghe người yêu kể về lòng mộ đạo đến mức cuồng tín của mẹ nàng, anh gật gật đầu, vẻ hiểu biết. “Anh cũng có một ông cậu như vậy, sang tận Tây Tạng học đạo”.
Một hôm David nói. “Tháng sau anh tròn hai tư tuổi. Đó là tuổi lập gia đình của đàn ông nhà Kenyon, như một truyền thống, hoặc một tục lệ, không thể muộn hơn.” Nghe xong, mất mấy đêm nàng không ngủ nổi.
Tối hôm sau, anh rủ nàng xem phim. Nhưng khi đã ngồi lên xe, anh lại bảo. “Nghe nói phim này dở lắm, chúng mình ngồi chơi đâu bàn chuyện mai sau đi, em yêu”.
Nàng không đáp, chỉ nép thật sát vào anh. “Mình đến hồ Dewey, anh yêu”. Nàng thầm thì, lòng những muốn được anh ngỏ lời cầu hôn trong khung cảnh thơ mộng ấy, và sung sướng khi thấy anh cho xe quay đầu chạy theo hướng đó.
Hồ Dewey cách Odessa ngót năm mươi dặm, về phía Bắc. Đêm rất đẹp. Mặt nước lấp lánh ánh sao, chan hòa ánh trăng. Và gió nhẹ như ve vuốt. Hai người ngồi im trong xe tận hưởng vẻ đẹp và lắng nghe những âm thanh bí ẩn của trời đêm. Bỗng nhiên Josephine muốn dâng tặng David một món quà gì đó để anh hiểu nàng yêu anh biết bao nhiêu, để anh hiểu không còn gì là quan trọng với nàng hơn anh. Nàng biết món quà đó là gì rồi.
“Xuống tắm đi, anh yêu.” Nàng nói.
“Mình đâu mang theo đồ bơi, em yêu”.
“Mình vẫn coi như có nó, được không anh?” Nàng hỏi chỉ để mà hỏi, bởi trong khi anh còn chưa biết trả lời sao thì nàng đã chạy ra sát mép nước, vừa chạy vừa vứt bỏ dần váy áo trên người.
Trần truồng, nàng lao xuống làn nước ấm. Rồi nàng thấy David rẽ nước ở bên. “Josephine em...” Anh như nói không nên lời, nghẹn ở đâu đó, lẫn ở đâu đó...
Nàng nhào vào anh, thấy anh cũng đã trần trụi như nàng. Họ ghì chặt lấy nhau, biết mình và cả biết nhau đều thèm khát dữ dội, thèm khát đến cả đau đớn. Một cái gì đó của cơ thể anh cứng rắn và ấm nóng ép sát vào nàng, và anh thều thào. “Không, em yêu, mình không thể...”
Nàng đưa tay xuống cầm lấy cái đó của anh, nắm thật chặt, thấy nóng rực khắp cả thân hình đang ngâm trong làn nước đêm lành lạnh, nói. “Được mà, anh yêu. Em muốn tình yêu của chúng ta không có chữ KHÔNG!”
Anh bế nàng lên bờ, đặt nàng ngay bên mép nước và nằm lên trên nàng. Họ đi vào trong nhau, hòa với nhau, với đất trời, với trăng sao, với màn đêm, làm một, rồi cùng lúc, thốt lên những tiếng kêu vô nghĩa của mãn nguyện, đủ đầy.
Rồi họ cứ nằm lặng đi bên nhau, chỉ ôm nhau, không nói. Mãi nửa đêm anh mới đưa nàng về nhà. Và chỉ đên khi vùi đầu vào gối nàng mới nhớ ra anh vẫn chưa cầu hôn nàng. Nhưng cần chi nữa, dù sao nó vẫn chỉ mang tính thủ tục, lễ nghi. Những gì họ đã có với nhau mới thực sự là lớn lao, thực sự là của tình yêu, tình vợ chồng. Ngày mai...Hãy ngủ đi, chỉ còn mấy tiếng nữa là đến ngày mai rồi...Nàng tự ru mình, rồi ngủ thiếp đi.

Chắc chắn chưa bao giờ Josephine ngủ ngon đến vậy. Mãi quá trưa nàng mới thức dậy cùng nụ cười trên môi. Nàng còn cười tươi hơn khi thấy mẹ chạy vào, trên tay là chiếc áo cưới rất đẹp, tuy đã là áo cũ. Nàng chỉ thôi cười khi nghe mẹ nói. “Đến cửa hàng Brubaker mua cho mẹ chục mét đăng ten. Đây là chiếc áo bà Topping vừa đưa mẹ làm mẫu để may áo cưới cho Cissy. Thứ bảy này nó sẽ làm đám cưới với David Kenyon”.
Chia tay Josephine, anh về ngay nhà rồi vào gặp ngay mẹ. Bà đang nằm trên giường, như ngủ, nhưng mở mắt ngay ra khi nghe thấy tiếng chân và mỉm cười khi biết đó là David.
“Chào con. Đi chơi đâu mà về muộn thế?”
“Chào mẹ, Con đi chơi với Josephine mẹ ạ”. David không thấy mẹ nói gì mà chỉ nhìn anh bằng cặp mắt nâu sáng và linh lợi, bèn tiếp. “Con sẽ cưới Josephine!”
Bà nhắm mắt lại, lắc lắc đầu. “Con nghĩ mẹ sẽ cứ mặc con làm cái việc sai lầm đó ư?”
“Con xin mẹ hãy hiểu Josephine hơn. Và hãy tin vào con trai mẹ.”
“Tất nhiên là mẹ tin con. Và mẹ cũng biết Josephine là một cô gái đẹp, đáng yêu. Nhưng chưa đủ để làm dâu nhà Kenyon. Người con sẽ lấy làm vợ phải là Cissy Topping. Chỉ nó mới mang hạnh phúc đến cho con, và nếu con lấy nó, mẹ sẽ rất sung sướng.”
Anh nắm bàn tay gầy và nhăn của mẹ, nói:”Mẹ biết là con rất yêu mẹ, rất muốn mẹ được sung sướng vì con, nhưng trong chuyện này, con tự quyết định được mẹ ạ”.
Bà hỏi nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng. “Mọi quyết định của con đều đúng cả sao, David?”
Anh nhìn bà một cách chăm chú. Không hề bối rối hoặc động lòng, bà nói tiếp, giọng vẫn nhẹ nhàng. “Mẹ có thể tin được là bao giờ con cũng hành động đúng không? Con sẽ không bao giờ làm những điều ngốc nghếch, những điều kinh khủng chứ?”
Anh nhấc vội tay ra. “Con luôn hiểu rõ những việc mình làm chứ?” Giọng bà mỗi lúc nhẹ thêm đi nhưng hàm ý lại càng thêm lộ rõ.
David luống cuống. “Vì Chúa, con xin mẹ, đừng nhắc đến chuyện đó nữa”.
“Con tàn phá cái nhà này đủ rồi đấy, David. Con bảo yêu mẹ mà nỡ để mẹ chết vì sự ngốc nghếch của con sao. Con nghĩ mẹ chịu đựng hết chuyện này tới chuyện khác của con được ư?”
Anh ấp úng những lời phân bua. Bà thở dài, chép miệng. “Giờ con lớn rồi, mẹ không thể đưa con đi được nữa. Mẹ chỉ muốn con xử sự như một người lớn, con hiểu mẹ nói gì không?”
“Con yêu Josephine, yêu lắm...mẹ ạ. Con chỉ...”
Cơn ho của mẹ cắt ngang lời David. Anh vội gọi bác sĩ tới, sau đó ngồi nói chuyện với ông ta. Bác sĩ vỗ vai anh. “Tôi e bà chẳng còn sống lâu được, anh hãy can đảm lên.”
Còn có thể cầu xin hoặc tranh cãi gì nữa? Tưởng đã thất vọng hoàn toàn nhưng rồi chợt nảy ra một ý, hôm sau David tìm đến nhà Cissy Topping. “Mẹ tôi cứ cho rằng tôi và cô nên là vợ chồng nhau...”
Cissy không để anh nói hết. “Em cũng cho là nên như thế, David ạ”.
“Nhưng tôi đã yêu người khác,” anh nóng nảy, “và tôi biết nói thế này thì thật không phải, nhưng chúng ta có thể chỉ là vợ chồng từ nay cho đến khi mẹ tôi mất, rồi cô sẽ cho tôi ly dị, cô nghe có được không?”
Cisy đăm đắm nhìn anh như thể đoán xem anh nói thật hay đùa, rồi với sự dịu dàng nhất mà cô có thể, gật đầu. “Vâng, nếu anh thực sự muốn vậy.”
David đứng dậy, cúi mình. “Tôi không biết nói sao để bày tỏ lòng biết ơn của mính, của cả Josephine nữa.” Anh nói thành thực.
“Mình là bạn bè thì phải giúp nhau chứ.” Cisy đáp, có vẻ thành thực không kém.
Tiễn David ra khỏi, cô ta nhấc điện thoại gọi cho bà Kenyon. “Mọi việc đã đúng ý mẹ”. Rồi gác máy liền.
David không ngờ Josephine đã biết về đám cưới của anh với Cissy trước cả khi anh gặp được nàng để giải thích mọi chuyện. Khi đến nhà nàng, anh thấy bà Czinski ngay ngoài cửa.
Anh lễ phép chào rồi hỏi. “Josephine có nhà không ạ, cháu muốn nói chuyện với cô ấy.”
Đáp lại, bà trừng trừng nhìn anh với vẻ đắc thắng độc địa, lầm rầm. “Chạy cách nào cho thoát khỏi sự trừng phạt của Chúa, hỡi bầy quỉ dữ. Địa ngục đang chờ đón các ngươi.”
David nhắc lại. “Cháu muốn gặp Josephine, thưa bác.”
“Nó đi rồi, ha ha...ha ha...nó đã đi rồi...”

Chương 18

Chiếc xe khách đầy bụi bậm rong ruổi trên tuyến đường Odessa-El Paso-San Bernardio-Los Angeles đổ khách xuống bến xe Holly-wood trên đường Vine vào lúc bảy giờ sáng. Trên chặng đường dài dặc gần hai ngàn cây số đó, trong hai ngày trên đường đó, vầ ở một chỗ nào đó không nhớ nổi, Josephine Czinski đã kịp trở thành Jill Castle. Vẻ ngoài nàng vẫn đẹp cái vẻ đẹp khêu gợi đến mức khiêu khích như xưa song bên trong thì đã hoàn toàn là một con người khác. Một cái gì đó, một vẻ gì đó của Josephine đã chết, đã vĩnh viễn mất đi.
Ngay khi mẹ vừa dứt lời về đám cưới của David với Cissy, nàng đã biết mình phải ra đi, và quyết định phải đi ngay lập tức. Nàng thu vén mấy vật dụng cần thiết, những gì có thể nhét vào valy được, mà chủ yếu là quần áo, đầu óc chỉ loay hoay mang cái này bỏ cái kia mà không hề nghĩ đến chuyện quan trọng nhất: nàng sẽ đi đâu và sẽ làm gì để sống ở đó? Thực sự nàng chỉ nghĩ là phải đi, càng nhanh càng tót, khỏi cái mảnh đất mang tên Odessa này.
Đúng vào lúc xách valy lên, nhìn quanh gian phòng lần cuối cùng như sợ bỏ quên vật gì quan trọng, Josephine bắt gặp những bức hình diễn viên nàng dán khắp tường và chợt nhớ tới ước mơ
Hollywood thuở nào, nhớ tới cả buổi tối nàng kể cho David nghe về mơ ước đó, nhớ cả câu anh nói khi nghe xong, Anh sẽ không để em đi đâu cả …
Nàng sập mạnh cửa phòng, không thèm khoá nữa.
Chẳng lâu sau; Odessa, mẹ, Mary Lou, Cissy, Paco, và cả David nữa, tất nhiên, đã lui lại sau, đã mờ khuất dần trong tâm trí nàng, theo vòng quay của những chiếc bánh xe. Và cũng chính những bánh xe đó đang đưa nàng tới một cuộc đời mới, với những cơ hội mới. Sướng hay khổ, vui hay buồn, may mắn hay rủi ro đang chờ nàng ở phía trước, nàng đâu biết nổi, nàng chỉ cần biết rời xa được thị trấn Odessa ấy, rời xa được những con người ấy đã là cái may mắn đầu tiên trong cuộc đời mới của nàng rồi.
Đầu nàng bỗng lại đau dữ dội. Lẽ ra nàng đã phải đi khám, dù chỉ để biết nguyên do của nó, còn việc chữa trị sẽ tính sau. Song bây giờ thì cũng chẳng quan trọng gì nữa. Những cơn đau đầu cũng là một mảnh của quá khứ và chẳng có lý do gì để nó lẽo đẽo theo sang cuộc đời mới của nàng. Cuộc đời ấy làm gì có chỗ cho nó, nàng tin tưởng vậy.
Vĩnh biệt Josephine Czinski!
Muôn năm Jill Castle!

Chương 19

Nghe thì vô lý và buồn cười hơn cả chuyện hài hước mà Toby vẫn kể trên sân khấu nhưng anh, Toby Temple, đã thực sự trở thành một siêu sao là do cuộc "gặp gỡ" hoàn toàn tình cờ giữa một vụ kiện, một ca mổ ruột thừa và Tổng thống Mỹ.
Xuất phát điểm là bữa tiệc thường niên của câu lạc bộ báo chí Washington mà bao giờ Tổng thống Mỹ cũng là khách mời danh dự. Chỉ riêng vị khách này thôi, bữa tiệc đã trở thành một dự kiện trọng đại, chưa kể còn có sự hiện diện của phó Tổng thống, các nghị sỹ, các thành viên nội các, rồi quan toà, rồi chính khách, rồi đám văn nghệ sĩ tiếng tăm… và tất cả những ai có thể xin, mua, mượn hoặc ăn cắp được vé vào cửa.
Không chỉ trong nước mà gióỉ truyền thông. quốc tế cũng rất chú ý đến bữa tiệc này và thường đưa tin về nó một cách cặn kẽ đến từng chi tiết nên người dẫn chương trình vừa có vinh dự lớn lại vừa có trách nhiệm không nhỏ. Năm nay người ta đã mời một danh hài nổi tiếng làm việc đó và ông ta đã nhận lời. Một tuần sau đó, danh hài ra hầu toà bởi một cô gái mười sáu tuổi kiện ông ta là cha của đứa bé mà cô mới sinh ra. Nghe lời khuyên của luật sư riêng, ông ta bèn đi nghỉ ở một nơi nào đó mà không một ai biết nổi. Người được chọn để thay thế danh hài kia là môt nam tài tử điện ảnh cũng nổi tiêng không kém. Ông ta có mặt ở Washington rất đúng hẹn, một ngày trước bữa tiệc, để rồi chiều hôm sau, chỉ vài giờ nữa là khai mạc, người đại lý gọi điện tới báo rằng ông ta vừa phải nhập viện vì vỡ ruột thừa.
Các nhà tổ chức như ngồi trên lửa, cuống cuồng rà soát danh sách, mong tìm được người có thế thay thế cho người vừa lãnh nhiệm vụ thay thế.
Năm giờ đồng hồ nữa là bữa tiệc bắt đầu rồi.
Những nhân vật khả dĩ đều, hoặc không thể bỏ dở công việc đang làm, hoặc ở xa không thể về kịp bữa tiệc Họ cứ nhăn nhó loại dần, loại dần, và về cuối danh sách, họ băt gặp cái tên Toby Temple. Một vị lắc đầu ngay. "Anh ta chỉ diễn ở các câu lạc bộ buối tối và mồm miệng độc địa lắm, ai mà dám cho dẫn chương trình ở bữa tiệc có Tổng thống và nhiều khách mời quan trọng tham dự?"
Một vị khác tặc lưỡi. "Cũng có thể, nếu ta dặn anh ta bớn bớt đi một chút".
Vị đứng đầu các nhà tổ chức hắng giọng. "Chọn Toby, đầu tiên nó hay ở chỗ anh ta hiện đang ở New York và chỉ một giờ bay là đã có thể ngồi ngay bên cạnh chúng ta. Ai có thể đưa ra nhân vật nào khả thi hơn, nếu không, tôi quyết định sẽ là Toby".
Sự thể như vậy đấy.
Nhìn khắp bữa tiệc chỉ thấy VIP là VIP, Toby bỗng tự đặt câu hỏi, nếu một trái bom nổ tung ở đây, liệu nước Mỹ có còn ai chỉ huy?
Tổng thống ngồi trên bục danh dự, phía sau là vài nhân viên an ninh. Do bận bịu với các lễ nghỉ nên không ai trong các nhà tổ chức nhớ ra là phải giới thiệu Toby với Tổng thống song anh cũng chẳng vì thế mà phật ý, tự nhủ, rồi chính Tổng thống sẽ phải nhớ đến ta.
Vài phút trước, Downey, vị đứng đầu các nhà tổ chức, và cũng chính là người đã quyết định mời Toby, thân mật nói với anh. "Chúng tôi đều thích cái hài hước của anh, nhất là khi anh chĩa nó vào khán giả. Tuy nhiên, khách mời của chúng tôi tối nay, cứ coi họ cũng là khán giả đi, đều là những người rất nhạy cảm. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không hề có ý nói rằng họ không thích hoặc không biết đùa cợt. Vấn đề là tất cả những gì diễn ra ở đây tối nay đều được truyền đi khắp thế giới và tất nhiên chúng ta, cả anh và tôi, đều chẳng ai muốn làm hoặc nói gì để Tổng thống, và cả các quan khách dự tiệc, phải bẽ mặt. Tóm lại là chúng tôi muốn anh cứ hài hước thoả thích nhưng đừng khiến ai phải tức giận, thậm chí chạnh lòng".
Toby cúi đầu. "Tôi xin nghe ông, và mong ông hãy tin ở tôi".
Bữa ăn đã xong, mặt bàn đã được dọn sạch sẽ, Downey bước tới bục diễn giả, long trọng. "Thưa Tổng thống! Thưa các vị khảch quý. Tôi hân hạnh được giới thiệu với các quý vị người dẫn chương trình tối nay của chúng ta, ông Toby Temple, một trong những danh hài trẻ tuổi nhất và xuất sắc nhất. Xin mời ông Toby Temple!"
Tiếng vỗ tay nổi lên, nhưng eó lẽ theo phép lịch sự nhiều hơn là hâm mộ khi Toby đứng dậy và tiến đến trước micro. Anh đưa mắt nhìn lướt qua các gương mặt rồi dừng lại ở Tổng thống Mỹ.
Ngài là người bình dị, dễ gần gũi, không hề tin vào cái mà các chính khách thường gọi là ngoại giao cấp thượng đỉnh. "Con người với nhau, đó là cái chúng ta cần". Ông tuyên bố vậy, trong một bài nói được truyền đi khắp nước. "Hãy bỏ cái lối suy nghĩ phụ thuộc quá nhiều vào máy móc cơ khí hoặc điện tử. Hãy trở về với bản năng của mình. Khi ngồi với các nguyên thủ quốc gia khác, tôi thích thương lượng bằng cái đít quần của tôi hơn". Thiên hạ ai cũng biết, cũng nhớ, và rất hay nhắc lại câu nói này của ông.
Giờ đây, Toby nhìn thẳng vào vị Tổng thống của nước Mỹ, hãnh diện chen lẫn xúc động khiến giọng anh run run. "Thưa Tổng thống. Tôi bẩm sinh ngu dốt nên không biết lấy gì để bày tỏ niềm xúc động được có mặt tại đây, vào tối nay, cùng với con người mà toàn thế giới đều phải đưa tin về cái đít quần của Ngài".
Im lặng sửng sốt cho đến khi Tổng thống phá lên cười ha hả, và lập tức, tất nhiên, toàn thể quan khách cười phá lên theo, trong tiếng hoan hô rầm rộ. Được đà, từ lúc đó cho tới khi mãn tiệc, Toby mặc sức tung hoành. Anh nhại giọng nói hay điệu bộ, hoặc giễu cợt, hoặc thậm chí công kích các VIP trong bữa tiệc, từ chính khách đến quan toà, lan sang cả giới nghệ thuật, báo chí... Ai nấy đều thích thú nghe, đều biểu lộ sự tán thưởng, đều gập mình lại mà cười, bởi họ nghĩ anh chỉ muốn họ vui, Tổng thống vui, bữa tiệc vui chứ anh có là gì để dám tỏ ra ác ý với họ: Và họ còn cười, còn thích thú bởi gương mặt ngây thơ, ngơ ngác của anh khí thể hiện những tình cảm đó.
Cũng tại bữa tiệc còn có khách mời là tùy viên, tham tán của một vài sứ quán nước ngoài. Toby bắt chước ngôn ngữ của những nước đó tuyệt đến mức họ liên tục gật đầu khen ngợi.
Trong vai nhà thông thái ngốc nghếch, Toby tựa như cây gậy của gã mù, chỗ nào cũng chọc vào, nơi nào cũng dò dẫm. Anh nói đử thứ chuyện, bàn tới mọi vấn đề, vừa ngợi ca vừa nhiếc móc người nghe còn họ thì cứ… cười.
Cả bữa tiệc, không sót một ai đứng dậy vỗ tay hoan hô anh. Tổng thống bước tới thân mật vỗ vai anh, nói. "Thật là tuyệt. Đầu tuần này chúng tôi có bữa tiệc nhỏ tại Nhà Trắng, và tôi sẽ rất vui nếu được anh có mặt, Toby".
Ngay đêm ấy, nhiều làn sóng radio đã nhắc tới Toby. Hôm sau toàn bộ các tờ báo đều nói về thành công của anh. Rất nhiều lời anh nói được đưa ra trích dẫn. Rồi đêm diễn tạỉ Nhà Trắng còn thành công hơn nữa, mang đến cho anh những lời mời quan trọng từ khắp thế giới. Anh sang London biểu diễn riêng cho Nữ hoàng, rồi diễn tại vũ trường nổi tiếng Palladium. Anh được mời tới Italia...rồi tiện đường, được mời qua Berlin... rồi Paris chèo kéo anh đến bằng được.
Trở về Mỹ, anh thường được Tổng thống mời chơi golf, rồi được mời dự bữa tối ở Nhà Trắng. Tại những nơi đó, anh hay được gặp các chính khách lớn, các Thống đốc bang, các trùm tài phiệt và anh chẳng tha thứ gì họ. Nhưng càng bị anh rủa xả bao nhiêu họ lại càng cười, càng ưa thích anh bấy nhiêu. Trong các bữa tiệc do họ làm chủ, không bao giờ họ quên mời anh tới và reo hò khích lệ khi anh tuôn những lời lẽ hài hước cay độc lên đám khách khứa của mình.
Một trong những mốt của giới thượng lưu khi ấy là đánh bạn với Toby Temple.
***
Lời mời biểu diễn ngày một nhiều thêm, đến mức Clifton phải mướn thêm người giúp việc chuyên trách hợp đồng biểu diễn của Toby. Ông vui chẳng kém người khách hàng của mình, song nó khác xa cái vui của chính Toby, bởi nó chẳng liên quan gì đến danh vọng hay tiền bạc. Anh là một khách hàng độc đáo nhất, một học trò tuyệt diệu nhất mà cuộc đời làm nghề đại lý của ông chưa từng gặp và cũng khó có thể gặp được người thứ hai. Từ khi Toby còn chưa mấy danh tiếng ông đã thầm coi anh như con, đã bỏ không ít thời gian cũng như công sức gây dựng cho anh. Và cũng thật đáng đồng tiền bát gạo. Toby đã học, đã luyện tập cật lực đã làm việc cặt lực để có được hôm nay. Và anh luôn rộng rãi với ông, bởi rất biết tấm lòng cũng như công sức của ông, với anh, một điều không dễ gặp trong cái nghề này.
"Các khách sạn hạng nhất của Las Vegas đều muốn được anh biểu diễn," Clifton nói, "tôi biết, tiền bạc không thành chuyện, họ chỉ muốn có anh, vậy thôi. Còn nữa, tôi hiện có trong tay kịch bản của các Hãng phim Fox, Umversal, Pan-Pacific... toàn những vai chính dành cho anh. Trước mắt, anh toàn quyền lưạ chọn và tôỉ có thể sắp xếp lịch trình sao cho thoả mãn cao nhất sự chọn lựa đó".
Ông ngưng lại giây lát, mỉm cười. "Anh có thể sang châu Âu biểu diễn, có thể nhận lời mời của bất kỳ Quốc vương, Tổng thống nào, hoặc có thể làm riêng một chương trình của bất cứ Hãng truyền hình nào mà vẫn không phải từ bỏ Las Vegas và vẫn có mặt trong những bộ phim điện ảnh mà anh muốn thủ vai chính".
"Ta sẽ được bao nhiêu nếu ta làm riêng một chương trình truyền hình?", Clifton rất vui khi nghe Toby dùng chữ ta chứ không phải tôi. Ông cười đắc ý "Tôi nghĩ có thể đòi họ trả tới mười ngàn đôla mỗi tuần cho mỗi chương trình dài khoảng sáu mươi phút, và phải ký hợp đồng trong vòng hai đến ba năm. Tôi dám chắc họ sẽ rất vui khi ký với chúng ta, bởi họ đã có được anh".
Và ngay khi hết hợp đồng ta đã có hơn triệu đôla, chưa kể thêm số thu lượm ở những nơi khác nữa, mà tất cả là bắt đầu từ cái đít quần của Tổng thống. Toby ngả người ra lưng ghế, hả hê nghĩ. Ta phải nhớ ơn cái đít quần ấy, anh nhìn sang vẻ mặt hả hê không kém của Clifton, cũng như không quên công lao của ông già bé nhỏ này. Hẳn ông đã biết ta sẽ chấp nhận cái hợp đồng mười ngàn mỗi tuần kia nên mới hả hê vậy. Bởi ông sẽ có cả trăm ngàn đôla trong đó mà. Ông có công có sức với ta thật, nhưng có đáng hưởng tới mức ấy không? Ông ta đâu phải lăn lóc trong hệ thống nhà vệ sinh để nhận những lon rỗng ly cạn ném vào mặt, đâu phải tìm tới các lang băm chữa bệnh lậu do các cô gái điếm đổ cho vì chỉ đủ tiền ngủ với họ, đâu phải ngủ trên những tấm gỗ đầy rệp, đâu phải ăn những món mà đến chuột cũng chỉ ngửi qua rồi bỏ đi, đâu phải liên tục di chuyển từ hang hùm này tới ổ rắn khác… ông ta đã trải qua những gì để bây giờ đòi lại từ anh cả trăm ngàn đôla ở cái hợp đồng ấy. Anh đã từng cười phá lên khi nghe một tay phê bình của New York Times bảo anh là kẻ thành đạt sau một đêm ngon giấc.
Anh nhắm mắt lại, như muốn ngủ, và bảo Clifton. "Hãy đòi chương trình truyền hình riêng của tôi với giá cao nhất".
Một tháng sau, Clifton đã ký với Hãng truyền hình Consolidated Broadcasting vẫn được gọi tắt là CB. Trong lúc Toby lật lật bản hợp đồng chưa ráo mực, Clifton nói. "Họ muốn có Hãng phim nào đó đỡ cho phần thiếu hụt. Tôi cũng muốn vậy, vì có thể moi ra những hợp đồng làm phim". "Đã định cụ thể Hãng nào chưa?" Toby thờ ơ hỏi.
"Pan-Pacific".
Toby ngẩng đầu lên. "Với Sam Winters?"
"Tôi không mảy may nghi ngờ khi nói Sam Winters hiện là giám đốc sản xuất phỉm số một của Hollywood. Thêm nữa, Sam lại đang có kịch bản phim Chàng trai tìm về miền Tây mà tôi muốn vai chính của nó phải thuộc về anh. Không phản đối chứ, Toby?".
"Tôi từng là lính của Sam, hồi bên châu Âu. Và anh ta vẫn chưa trả tôi một món nợ. Được đấy. Ta cho gã con hoang ấy một trận".
***
Họ đang ngồi với nhau trong phòng tắm hơi thuộc khu thể thao của Pan-Pacific nồng mùi hương bạch đàn. Clifton vươn tay, ngả người ra sau, lẩm bẩm: "Giá cứ luôn luôn được thoải mái thế này thì còn cần tiền làm gì nữa".
"Sao những lúc thoả thuận hợp đồng ông không nói vậy?" Sam trêu. "Nghe tin ông đã ký cho Toby Temple với CB hả?"
"Không sai. Và đó là hợp đồng lớn nhất của CB từ khi thành lập". Giọng Clifton không giấu nổi vẻ thoả mãn.
"Thế còn chỗ tiền thiếu hụt của chương trình thì ông kiếm đâu ra mà bù vào?" Sam hỏi.
"Anh biết để làm gì, Sam?" Clifton vờ ngạc nhiên.
"Có thể chúng tôi cũng quan tâm đến nó, nếu được phép. Hơn nữa, tôi còn có thể ký với Toby hẳn một hợp đồng làm phim, tất nhiên phim nhựa chứ không phải truyền hình. Kịch bản đã có. Chàng trai tìm về miền Tây.Tôi nghĩ Toby hợp với vai chàng trai, chẳng biết nghĩ có đúng không?"
Clifton làm bộ ngán ngẩm. "Sao không nói sớm, Sam? Tôi thoả thuận với MGM mất rồi!".
"Còn hợp đồng, ký chưa?" Sam hỏi, chẳng có vẻ gì hốt hoảng.
Clifton hơi hẫng trước vẻ bình thản ấy. "Mới thoả thuận miệng, văn bản thì chưa. Nhưng… "
Không lâu sau, Clifton đã hoàn tất một hợp đồng ngon lành cho Toby, và tất nhiên, cho cả ông nữa. Pan-Pacific cam kết tài trợ cho Chương trình của riêng Toby trên truyền hình và dành cho anh vai chính trong phim Chàng trai tìm về miền Tây.
Còn một vài điều khoản của hợp đồng cần phải bàn bạc kỹ song cả hai đành phải lao bổ ra khỏi phòng xông hơi vì nó đã nóng quá mức "hưởng thụ".
***
Hợp đồng ghi rõ Toby không phải có mặt trong những buổi tập. Việc đó là của người thay thế anh đảm nhận. Anh sẽ chỉ phải có mặt trong lần ghi hình cuối cùng. Anh rất thích điều khoản này, vừa không mất thì giờ vừa giữ bí mật màn diễn đến phút chót, và còn được tha hồ ứng tác.
Một buổi chiều tháng Chín năm 1956, Toby bước vào rạp hát Opera để ghi hình chương trình truyền hình riêng của mình. Mọi việc chuẩn bị đã xong, Toby bước vào chỗ mà người thay thế anh vẫn giữ trong các buổi tập. Một cái gì đó thiêng liêng, khác thường bỗng ngự trị bỗng bao trùm lên nhà hát. Bầu không khí đặc biệt đó kéo dài suốt buổi chiều hôm đó, cho đến buổi tối khi chương trình được ghi hình và được phát sóng trực tiếp cho cùng lúc, bốn mươi triệu khán giả thưởng thức.
Mỗi lúc máy quay kéo anh vào cận cảnh là mỗi lúc cả bốn mươi triệu khán giả suýt xoa vì vẻ đáng yêu trên khuôn mặt anh và muốn ngay lập tức có anh trong phòng khách nhà mình.
Chương trình truyền hình của riêng Toby ăn khách tức thì và chiếm ngay vị trí số một trong các chương trình giải trí trên toàn quốc. Nó đứng rất lâu ở vị trí đó, lâu lắm... và Toby không đơn giản là ngôi sao nữa. Anh đã là siêu sao.


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/