24/3/13

Những vụ án nổi tiếng thế giới (V17-19)

Vụ án 17: Người Vượt Biên Sống Sót 

Truyện Pháp.
Bến cảng Le Havre - Pháp - đêm mùng 8 tháng Mười một năm 1992 tối đen như mực. Một bóng người cũng đen như mực cắm đầu chạy thục mạng suốt chiều dọc tuởng như bất tận của bến cảng. Đó là Cudjoe 22 tuổi, người Ghana, tuy đã gần lả vì đói, vì khát và trên tất cả là vì khiếp sợ, vẫn cố chạy hòng thoát khỏi thần chết đang rượt đuổi anh ta. Vừa chạy vừa la thất thanh "Cảnh sát! Cứu tôi, cảnh sát!" Mãi mới gặp được một người giúp đưa tới đồn cảnh sát gần đó.
Cudjoe có ý định di tản khỏi nơi anh phải oằn lưng cõng những bao ca cao nặng trĩu suốt mười tiếng đồng hồ mới kiếm nổi 20 frans, mong tới những nước giàu kiếm tiền gửi về nuôi vợ đang sắp sinh đứa con đầu lòng. Ngày 24 tháng Mười, đứng trước con tàu đồ sộ đang ăn hàng ca cao với giá rẻ mạt của quê hương anh để chở đi châu Âu, ý định của Cudjoe càng cháy bỏng. Tàu treo cờ một công ty Cameroun khiến anh ta đỡ nghi ngại về cái tên Ăng-lê của nó, cờ hiệu là của Bahamas nổi tiếng giàu sang, thủy thủ đoàn nói thứ tiếng lõm bõm như tiếng Nga, càng khiến anh yên tâm... Đang cõng bao ca cao thứ mấy mươi bước xuống hầm tàu, bỗng Cudjoe đụng phải một anh chàng cũng đen đúa xác xơ y hệt mình, nhưng là nguời Cameroun. Một chàng lậu vé. Hai người trao đổi ngắn gọn:
- Cậu làm gì dưới này vậy?
- Không... không...
Gã kia bỏ chạy, hồn vía lên mây. Nhưng bị Cudjoe đuổi kịp:
- Xuống tàu từ hồi nào?
- Từ cảng Douala.
- Ngày mấy?
- 16 tháng Mười.
- Tàu này đi đâu?
- Hambourg, nước Đức.
- Thế cậu đi đâu?
- Paris, có thằng con ở đó.
- Cậu làm cách nào khéo vậy?
Chàng Andues giải thích: thu vén hết tài sản được 300 mác, thủ ít bánh mỳ, ít nước uống chờ đến tối tót lên nóc chiếc contener và nằm thu lu trên đó. Từ sáu ngày nay đã vượt đại dương trong bóng đêm hầm tàu, ăn uống cầm hơi bằng số lương thực ít ỏi mang theo, đi vệ sinh vào vỏ đồ hộp, không cụ cựa, không gây một tiếng động nhỏ. Chờ tới đích sẽ thừa cơ nhảy xuống bến cảng, trà trộn vào giữa đám người di tản bất hợp pháp. Andues biết nhiều người đã làm thế, để có tiền gửi về giúp vợ con ở quê nhà.
Sau bữa đó, Cudjoe về bàn với em tai Albert mười chín tuổi. Hai anh em giấu mẹ, lặng lẽ gom nhặt mọi khoản được 2.600 đô tiền công bốc xếp ăn nhịn để dành bấy lâu. Cudjoe rỉ tai vợ, anh sẽ ở lại Châu Âu chừng một hai năm, sẽ gửi tiền về, sẽ trở lại quê nhà sau khi giàu có hơn, chí ít cũng đỡ nghèo hơn. Nhất thiết phải tạm xa rời vùng bờ biển vàng này, nơi chỉ tặng vàng cho những ai ai, đâu có tặng cho mình!
Nhiều bạn bè công nhân bốc xếp cũng bùi tai nhập bọn, Emmanuel 25, John 23, Charles 25, Ebenezer 25, Bob cũng 25 và Ebow mới 17. Tất cả đều là những thanh niên trẻ khỏe, đứng đắn, không đòi hỏi gì hơn là có công ăn việc làm tử tế, được trả công đủ nuôi sống bản thân và gia đình... Vậy là tất cả có chín chàng trai: Cudjoe và chú em Albert, sáu bạn trong đó có Quaicoa lận lưng mang theo được 100 đô và Alduse lẻn xuống tàu đầu tiên với 300 mác trong túi.
Chiều 24 tháng Mười họ xuống tàu. Tàu ăn hàng xong nhổ neo. Vượt đại dương theo kiểu này, thứ hành trang thiết yếu nhất là nước ngọt. Nhịn ăn dăm bảy ngày không chết nhưng nhịn uống vài ba ngày đã chịu không thấu. Vậy mà chia theo đầu người, cả bọn chỉ có mỗi người một lít dùng cho mười ba ngày nằm trên nóc container dưới tấm bạt phủ kín. Được đến ngày thứ sáu, nước dự trữ đã cạn. Phải lợi dụng đêm tối mò xuống lấy trộm nước đổ vào can. Sai lầm chết người từ đó mà ra. Đáng lẽ sau khi kiếm được nước phải lập tức trèo lên container núp dưới bạt, họ lại tranh thủ hít thở không khí thoáng đãng và dạo chơi vài bước cho đỡ cuồng cẳng. Bất chợt Cudjoe nhận ra sáu thủy thủ đang lặng lẽ bước tới. Chắc họ đã theo dõi từ khi bọn anh đang múc nước trộm. Hết đường trốn chạy!
Cuộc thẩm vẫn diễn ra bằng tiếng Anh. Câu hỏi đầu tiên: Từ đâu tới? Câu thứ hai: có tiền không? Cudjoe hiểu rằng họ sẽ trấn lột tiền của bọn anh coi như tiền phạt đi lậu vé rồi sẽ đuổi xuống cảng sắp ghé. Chuyến đi vượt biên nửa chừng đứt gánh. Dù sao, cũng không đến nỗi nào, sẽ tính đường xoay sở tiếp... Tốp thủy thủ ra lệnh gom hết tiền bạc mang theo, chờ sáng sẽ nộp cho sếp.
Sáng, rồi chiều, rồi đêm vẫn không thấy ai hỏi han gì. Như tuồng không có chín người này trên con tàu đang lặc lè chở ba ngàn tấn ca cao giữa biển khơi cách xa bờ biển Tây Ban Nha mấy chục hải lý.
Mãi tới 2 giờ sáng hôm sau nữa, sáu thủy thủ do sếp họ dẫn đầu mới tới thu tiền. Sếp nói tiếng Anh, lần lượt đút túi 2.700 đô của anh em Cudjoe và Albert cùng với 300 mác của Anduse. Rồi ra dấu cho chín người đi theo dưới mũi súng ngắn dữ tợn, tới chiếc thùng sắt to đùng, bắt cả bọn chui vào. Nắp thùng nặng nề sập xuống. Không lương ăn, không nước uống. Ba ngày trôi qua. Chín người vẫn co quắp trong thùng kín như bưng, tuy không được ăn được uống nhưng vẫn có chất thải ra bê bết lên người nhau. Không hiểu sao, sau ngày thứ ba, tức mùng 3 tháng Mười một, bỗng có ai ném xuống ba chai nước. Hy vọng dâng lên trong đầu chín chàng khốn khổ. Họ cho nước, dù chỉ nhỏ giọt thôi, cũng ngụ ý không định giết chết chúng mình... Một ngày đêm nữa trôi qua. Chín người vẫn hy vọng... Nhưng họ đã lầm. Bọn thủy thủ chờ họ kiệt sức hẳn mới ra tay cho chắc ăn hơn. Sáu tên da trắng lực lưỡng thịt cá bia rượu đầy bụng đối đầu chín gã da đen khát mềm người, tinh thần hoảng loạn, nhưng biết đâu đấy!
Tên chỉ huy ra lệnh: Từng đôi, từng đôi một ra khỏi chiếc chảo sắt qua cầu thang gắn bên sườn chảo. Mong sớm được hít thở không khí tự do, ba người vội vã theo chân nhau trèo lên boong. Mười phút sau, hai người nữa ra khỏi chảo, rồi hai người tiếp theo. Cuối cùng chỉ còn lại hai anh em Cudjoe và Albert. Cudjoe trèo lên thang sắt, ngửa cổ nhìn và thấy tên thủy thủ đang chờ mình trên boong mặc chiếc áo sơ mi loang lổ máu đỏ lòm. Anh cúi xuống bảo em bằng tiếng mẹ đẻ:
- Cẩn thận, có thể chúng giết chết mấy cậu kia rồi. Lên tới boong, đưa mắt nhìn quanh cả hai đều không thấy các bạn đồng hành đâu. Và bị đẩy ra mũi tàu. Bất thình lình Cudjoe bị một đòn sau ót. Anh gục xuống, đầu tuôn máu xối xả, rồi cố gượng dậy chạy bừa trên boong. Nghe sau lưng tiếng em mình rú lên:
- Nó giết em, Cudjoe!
Cudjoe quay lại, thấy rõ hai tên da trắng nâng bổng Albert qua lan can tàu rồi ném thẳng xuống biển. Anh tiếp tục chạy bán sống bán chết, nghe hai phát súng bắn đuổi theo càng chạy thục mạng, chui được xuống hầm tàu tối đen, trèo đại lên một container dưới tấm bạt phủ hàng, co mình nằm im. Trước mắt vẫn nguyên vẹn cảnh tượng chú em Albert mười chín tuổi bị ném xuống biển như một giỏ rác. Trong tốp chín người đi tìm miền đất hứa, chỉ còn lại một mình Cudjoe nằm với nỗi kinh hoàng thót tim giữa những luồng gió lùa giá buốt, giỏng tai nghe mọi tiếng động quanh mình. Bọn sáu tên đang lùng sục, luôn mồn la hét những tiếng Cudjoe không hiểu. Đôi lúc ánh đèn pin quét qua quét lại trên dãy container anh đang nấp. Anh càng bám thật chắc vào tầm bạt, nằm thật im. Không động đậy, không thở. Không tồn tại. Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau, lũ hung thần cố công sục sạo trên tàu, thay phiên nhau tuần tra trên boong. Nhưng Cudjoe vẫn nằm im tại chỗ, dán chặt vào chiếc container. Không ăn uống ba ngày liền, gần bốn ngày cũng nên. Chỉ làm một việc duy nhất: cầu nguyện. Cudjoe là người ngoan đạo, tin Chúa đã cứu mình thoát chết hẳn sẽ bảo toàn tính mạng cho anh. Vả lại, cầu nguyện thì đỡ sợ, dễ nhịn hơn khỏi nhảy mũi và tăng niềm tin. Anh biết: Nếu bị chúng tóm được, cái chết của anh còn muôn phần thê thảm, muôn phần ghê rợn hơn cái chết của tám người kia. Vì anh là kẻ duy nhất sống sót, là nhân chứng duy nhất có thể tố cáo chúng trước công lý.
Sang ngày thứ Tư, từ chỗ núp Cudjoe nghe tiếng máy tàu giảm tốc. Rồi tắt hẳn. Lúc này đã gần nửa đêm, cuộc hành trình của con tàu có lẽ đã tới đích. Mà cũng có thể bọn hung thủ dừng tàu ngoài khơi một bến cảng nào đó để lùng sục càn quét khắp tàu một lần cuối thật kỹ hòng tóm kẻ sống sót trước khi vào bến. Lại cũng có thể cho rằng chúng dò chừng Cudjoe quá hoảng hốt đã liều mạng nhảy xuống biển vào một lúc nào đó rồi nên chúng yên chí đưa tàu cập bến...
Cudjoe nán đợi xem sao. Xung quanh vắng lặng hẳn, nguy cơ bị lộ nếu gây tiếng động càng tăng. Ba giờ sau anh mới thò đầu ra đảo mắt nhìn quanh. Không một bóng người. Anh rón rén tụt xuống chân container. Chắc hẳn tàu đã neo đậu tại bến, vì không thấy nó lắc nữa. Nhưng đây là bến nào? Anh không rõ. Có thể là Hambourg, như anh bạn Anduse hồi trước đã nói. Làm sao ra khỏi hầm tàu bây giờ? Trong hầm bịt bùng kín mít, có một lối ra duy nhất thì lại ở tít trên cao. Suy tính một lát, Cudjoe chui vào trong một chiếc cần cẩu, rồi cứ theo đó leo lên, leo lên nữa, cuối cùng thấy mình ngồi chót vót trên cao, cách mặt boong chừng hai tầng lầu. Chẳng còn cách nào khác phải nhảy thôi. Anh nhắm mắt nhảy đại. Các khớp chân hầu như bị trật hết khi anh rớt xuống. Sau đó, anh bò, bò, kiếm chỗ núp kín. Lát sau, khi đã đỡ đau, Cudjoe lại bò ra lan can thành tàu. Nhìn xuống cầu cảng sâu sâu phía dưới, lại nhắm mắt nhảy lần nữa. Rồi chạy... chạy thục mạng... Chạy nhưng không biết đây là cảng Le Havre bên Pháp. Cứ cắm đầu chạy trong đêm tối, dọc theo những con tàu hình thù ma quái, dữ tợn, tưởng chừng như sắp vồ lấy anh. Chạy như vậy suốt năm kilômét mới thấy loáng thoáng có bóng người phía trước. Gần như đứt hơi, nhưng Cudjoe thu hết sức mình la to, kêu cứu, gọi cảnh sát...
Ác mộng chấm dứt. Bọn hung thủ không đuổi kịp người sống sót của cuộc thảm sát giữa đại dương. Lần đầu tiên cảnh sát Pháp có được nhân chứng để ra tay. Từ lâu nay, họ thu lượm đã khá nhiều lời đồn đại về bọn cướp biển vẫn tống tiền, trấn lột những người di cư bất hợp pháp rồi ném xuống biển. Nhưng chưa bao giờ nắm được bằng chứng trong tay. Tất nhiên, vì mọi bằn chứng đều nằm sâu dưới đáy đại dương. Câu chuyện của Cudjoe tường thuật tuy làm các cảnh sát viên kinh hoàng nhưng họ buộc phải tin là có thật, không phải chuyện bịa của một gã mất trí: trên đầu nạn nhân có vết thương. thể trạng hoàn toàn suy kiệt, những chi tiết rất cụ thể rõ ràng. Và anh ta cam đoan sẽ nhận diện đúng sáu hung thủ đã sát hại các bạn. Anh đã đối mặt với chúng khi chúng nhăn nhó mỉa mai “lũ mọi nhảy tàu", xét túi anh lấy tiền. Đã giỏng tai nghe chúng thúc giục nhau, gắt gỏng khi sục sạo trong hầm tàu. Và đến chết vẫn không quên bộ mặt ghê tởm của thằng bận chiếc sơ mi loang lổ máu đứng trên cửa hầm tàu nghiêng ngó cái đầu chó đẻ kêu bọn anh lên từng đôi một để ném xuống làm mồi cho cá mập. Cánh sát đường biển kiểm tra lời khai của Cudjoe. Thủy thủ đoàn trên thương thuyền gồm hai mươi bốn người dưới quyền thuyền trưởng Vladimir 57 tuổi. Thuyền phó Valery 31 tuổi chính là sếp của nhóm năm thằng giết người. Khám xét chiếc tàu là chuyện không dễ dàng. Nó treo cờ hiệu của Bahamas, chủ nhân là người đảo Sip, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn là người Ucraina, chở hàng thuê cho Camoroun và Gana đang đậu trong cảng của Pháp. Phải vận dụng bộ luật về chống cướp biển mới nhất của Pháp được ban hành ngày 10 tháng Tư năm 1825. Và phải xin lệnh của một loạt nước liên đới.
Cuối cùng mọi thủ tục cũng thu xếp xong. Khám tàu, cảnh sát thu giữ 2.700 đô và 300 mác của các nạn nhân bị trấn lột. Ngoài ra còn có một số quần áo và dưới khoang hầm mà Cudjoe tưởng là cái chảo sắt khổng lồ có nắp kín, cảnh sát tìm thấy nhiều dấu viết của cực hình mà Cudjoe và các bạn đã chịu đựng. Trên boong tàu, từng quãng lại có những sợi dây thép căng là là mặt sàn nhằm đánh bẫy kẻ sống sót nếu anh ta mò ra khỏi nơi ẩn nấp. Nhưng lũ hung thủ một mực chối. Chúng khai: cả tám hành khách lậu vé có lẽ vì sợ hãi, vì thất vọng hoặc vì mất trí sao đó nên đã tự ý nhảy xuống biển. Cả thuyền phó và năm tên thủy thủ đều cam đoan đã ném những tấm ván để mong cứu vớt họ... quanh co mãi, sau hai mươi bốn giờ thẩm vần riêng từng tên, chúng mới thú nhận đã bắn chết hoặc dủng gậy sắt đập cho ngất xỉu rồi ném xuống biển tám người. Riêng Albert xấu số hơn khi bị lăng qua thành tàu anh vẫn còn sống.
Trả lời câu hỏi chất vấn tại sao không tôn trọng luật đi biển là phải tiếp nhận và đảm bảo an toàn cho hành khách đi trên tàu dù là hành khách lậu vé, chúng đáp: “Quen làm như vậy rồi". Thì ra bọn thủy thủ - hung thủ này đã quen làm như vây: phát hiện ra có người đi tàu "chui" là chúng ném xuống biển. Và không quên lột trụi món tiền còm của những kẻ lữ thứ khốn cùng. Lý lẽ chúng đưa ra để tự bào chữa: không thanh toán họ theo cách đó, chúng sẽ bị phạt tiền. Vì chủ tàu sẽ bị truy tố nếu chứa chấp hành khách bất hợp pháp, sẽ phải nộp phạt, và chủ tàu sẽ bổ khoản phạt vạ ấy xuống đầu thủy thủ. Chúng khai: chuyện này đã từng xảy ra, chủ tàu đã trừ lương thủy thủ đề chi cho khoản phí hồi hương những kẻ đi chui, di cư phi pháp. Động cơ phạm tội là như vậy. Nghe chúng khai cung, ai mà không rùng mình lạnh xương sống? Thế luật rừng này đã ném bao nhiêu sinh mạng xuống đại dương? Năm tên thủy thủ và tên thuyền phó bị tam giam chờ ngày ra tòa vì tội "cố ý giết người".
Thuyền trưởng cũng phải theo vào vì tội tòng phạm với bọn sát nhân. Tuy không trực tiếp nhúng tay, không ra lệnh giết nhưng biết trên tàu có chín người đi chui, và khi được thuyền phó báo cáo, thuyền trưởng đã bảo hắn: "Giải quyết đi”. Bước dự thẩm gặp nhiều trở ngại phức tạp vì hầu hết các quốc gia liên can kể cả Ucraina đều chưa ký kết với Pháp thỏa hiệp về xử lý nạn cướp bóc và giết người trên biển cả. Thành thử Cudjoe tuy thoát khỏi cơn ác mộng khủng khiếp trên con tàu vượt biển. lại chìm trong mớ bòng bong những thủ tục pháp lý quốc tế rối rắm, trong tay không một xu nhỏ, không giấy tờ tùy thân, không việc làm... Một cơn ác mộng mới, không biết bao giờ kết thúc.

Vụ án 18: Những Rặng Cây Biết Ăn Thịt 

Truyện Achentina.
Bữa đó, ngày 10 tháng Tám năm 1958, nghĩa trang trung tâm của thủ đô Buenos Aires chật cứng người dự một đám tang lớn xưa nay chưa từng có, đám tang không phải của một người bình thường mà của một nhà siêu tỉ phú đồng thời là siêu mạnh thường quân hào hiệp nhất nước: Francisco Carmona.
Thủa sinh thời, Francisco Carmona đã tài trợ rất nhiều tiền cho việc xây dựng các trường học, nên bữa nay đích thân ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đọc điếu văn nêu sự nghiệp và công trạng nhà siêu tỷ phú sớm vĩnh biệt coi đời ở tuổi mới 40.. Đứng sát bên linh cữu, quả phụ Asuncion Carmona ba mươi lăm tuổi, toàn thân choàng đồ đen tang lễ gân như gục ngã nếu không được mấy người bạn thân thiết dìu đỡ. Mọi người có mặt tại đây đổ dồn những cặp mắt cảm thông, chia sẻ nỗi đau tột cùng của quả phụ. Vì vậy chẳng ai để ý tới một người đàn ông thấp nhưng bắt đầu phát phì đứng lẫn giữa đám đông. Ông ta là cảnh sát trưởng Ramon Barios, đứng gần ông ta là viên thư ký riêng của nhà mạnh thường quân quá cố. Chính viên thư ký Pablo Lopez này tối qua đã điện cho cảnh sát trưởng yêu cầu tới dự đám tang.
- Tôi tin chắc đây là án mạng, ông cảnh sát trưởng ạ. Không có bằng chứng gì rõ rệt để cung cấp cho ông, nhưng dám cả quyết đây là án mạng. Mời ông tới dự lễ mai táng, có khi hung thủ hiện diện tại đó không chừng…
Lời cáo giác thật vu vơ, nhưng vì lương tâm nghề nghiệp, cảnh sát trưởng Ramon Barios tới nghĩa trang, chăm chú quan sát những người có mặt tuy chẳng có ý định rõ rệt mình tìm kiếm cái gì. Báo chì đều đã nêu rõ: Francisco Carmona qua đời vì bệnh ung thư máu. Nếu có điều gì nghi hoặc, chắc hẳn bác sĩ đã không ký giấy mai táng cho người xấu số.
Kỳ thực, cảnh sát trưởng Ramon Barios tới đây chủ yếu vì một động cơ sâu xa, rất riêng tư, rất thầm kính. Sau hai chục năm lăn lộn trong nghề vẫn chỉ là cảnh sát trưởng quèn, mà xem chừng khả năng thăng quan tiến chức khá mờ mịt. Trù phi… trừ phi lập được một chiến công vang dội. Và thời cơ đến: tóm cổ tên hung thủ đã hạ sát Francisco Carmona trong khi không một ai nghĩ ông này chết vì án mạng. Một thành tích xưa nay hiếm!
Bộ trưởng bộ Giáo dục kết thúc điếu văn bằng một câu thống thiết vừa đúng lúc cảnh sát trưởng Ramon Barios đi tới quyết định dứt khoát. Viên thư ký Pablo Lopez vừa rỉ tai: sẽ tạo cớ để đưa cảnh sát trưởng vào thẳng nhà Carmona. Cảnh sát trưởng gật đầu.
Qua một ngày, sang ngày 12 tháng Tám, cảnh sát trưởng tới ngôi biệt thự lộng lẫy nằm giữa trang trại bát ngát của Francisco Carmona ở ngoại ô Buenos Aires. Viên thư ký đã đứng sẵn trên bậc thềm, đưa ngay Ramon vào nhà. Đưa luôn vào căn phòng tầng trệt rất lớn, quanh tường kín mít kệ xếp những bộ sách quý, giữa bàn kê chiếc bàn giấy đồ sộ kiểu Louis XVI. Pablo Lopez giới thiệu:
- Phòng làm việc của Francisco Carmona…
Cảnh sát trưởng cảm thấy nơi đây có cái gì đó gây ấn tượng khá ngột ngạt, nặng nề khiến ông đột nhiên đâm ra dè dặt. Đây là lần đầu tiên ông đặt chân vào chốn thâm nghiêm của một nhà tỷ phú. Đưa mắt đảo khắp phòng một lượt, Ramon hỏi:
- Ông ta làm việc tại đây?
Và ngạc nhiên thấy Pablo cười khẩy:
- Không đâu, thưa cảnh sát trưởng, ngài Francisco Carmona nhà tôi thực ra chưa bao giờ vào căn phòng này. Vì ngài đâu có việc! Chiếc bàn kia là chỗ của tôi.
Rồi Pablo thuật lại cho Ramon nghe rõ:
- Hai chúng tôi vốn là bạn học cùng trường. Tốt nghiệp xong, Francisco Carmona bảo tôi về làm thư ký cho ông ta, nghĩa là thay ông đảm đương mọi công việc, quản lý tài sản riêng của ông ấy. Tôi nhận lời. Từ đó tới giờ, chưa có gì phải phàn nàn về Francisco Carmona, và theo tôi, ông ấy cũng không có gì phải phàn nàn về tôi…
Nói tới đây, Pablo Lopez hạ thấp giọng:
- Tôi là người hiểu Francisco Carmona rõ nhất, còn rõ hơn cả vợ ông ta hiểu nữa kia. Vì thế mới dám nói với cảnh sát trưởng rằng trong cái chết của Francisco Carmona có điều bí ẩn đáng ngờ. Chính ông ta cũng nghi nghi hoặc hoặc, đôi khi buột miệng thốt ra đôi lời khiến tối phải bận tâm…
Francisco Carmona cmả thấy bị ai đe dọa cách nào đấy.
- Ông ta bị ai thù oán không?
- Đã giàu có thì dù hảo tâm, rộng rãi đến mấy vẫn có người thù oán, tránh sao khỏi. Kẻ không được hưởng tỵ nạnh người được, kẻ được ít so đọ với người được nhiều… Nhưng khoan đã, để tôi chỉ cho cảnh sát trưởng cái cớ tạo điều kiện cho ông vào nhà này một cách hợp pháp.
Pablo chỉ cái bàn cũng kiểu Louis XVI nhưng nhỏ hơn, rồi cao giọng nói:
- Ông Francisco Carmona thường để các đồ trang sức và nhiều xấp bạc trong hộc bàn. Sáng nay, tôi phát hiện thấy tất cả đều biến mất. Tuy chỉ mình tôi giữ chìa khóa. Mà không thấy có dấu vết cậy phá. Từ đó, tôi nghĩ thủ phạm là người trong nhà, có chìa khóa giả trong tay.
Pablo Lopez nháy mắt, chỉ vào túi mình. Rõ ràng tự tay anh ta đã lấy các thứ trong hộc bàn. Anh giả bộ bị mất cắp, nhưng không nói thành tiếng sợ có người nghe lén ngoài cửa. Cảnh sát trưởng nhanh miệng hòa theo:
- Được rồi, nếu vậy tôi cần gặp bà Carmona, được chứ? Cần xin phép bà cho thẩm vấn các gia nhân.
Viên thư ký dẫn cảnh sát trưởng lên lầu một, đưa vào căn phòng rộng. Cuối phòng có cửa thông sang một nơi trông có vẻ như một phòng thí nghiệm. Quả phụ Asuncion Carmona từ đó bước ra, trên mình khoác tấm blu trắng của nữ y tá. Cảnh sát trưởng Ramon không dấu nổi vẻ ngạc nhiên. Asuncion Carmona chìa tay:
- Tôi hoàn toàn thông cảm thái độ của ông cảnh sát trưởng. Ông không ngờ tại đây lại có phòng thí nghiệm, phải không ạ? Khi lấy Francisco, tôi vừa tốt nghiệp bác sỹ y khoa xong. Sau lễ cưới, tôi không được hành nghề chuyên môn của mình vì những lý do dễ hiểu. Nhưng sau một năm, tôi bắt đầu chán ngấy cảnh ăn không ngồi rồi. Tôi đề nghị ông xã trang bị cho một phòng thí nghiệm ngay tại đây và đã được Francisco đồng ý. - Asuncion Carmona đưa tay về phía cửa để ngỏ - Tôi có những máy điện quang tối tân nhất và nhiều thiết bị xét nghiệm cực kỳ hiện đại. Từ mười năm nay tôi tập trung sức lực vào công trình nghiên cứu bệnh ung thư và tìm các liệu pháp chữa trị…
Cảnh sát trưởng Ramon khâm phục nhìn góa phụ Carmona. Hiển nhiên bà ta là con người có hạn. Nói năng giản dị, không giả bộ đóng vai quả phụ đau thương. Nghiên cứu về y học là niềm say mê tột cùng của bà, chắc nó sẽ giúp bà vượt qua thử thách cam go hiện nay. Ông hỏi thật lịch sự:
- Thưa bà, tôi có thể gặp qua các gia nhân được không?
Asuncion Carmona ban tặng nụ cười hé môi:
- Xin cứ tự nhiên. Vụ mất trộm Pablo vừa cho biết chẳng đáng là gì, nhưng mời ông cứ thực thi nhiệm vụ của mình… Xin phép, tôi đang làm dở vài thí nghiệm. Và rất cần làm việc để đầu óc khỏi nghĩ ngợi lung tung.
Quả phụ Carmona bước về phía phòng thí nghiệm. Cảnh sát trưởng mạo muội hỏi với một câu chót:
- Thưa bà, ông nhà từ trần vì chứng ung thư máu. Chắc bà có chăm sóc ông chứ ạ?
Trên gương mặt góa phụ trẻ thoáng gợn nét u tối:
- Không. Chăm sóc một người thân thiết là việc rất đau lòng. Khi biết đích xác căn bệnh của Francisco, tôi thực tình không muốn can thiệp vào. Tôi mời đủ mặt chuyên gia nổi tiếng nhất thế giới, nhưng cuối cùng đành bó tay.
Cảnh sát trưởng Ramon cáo lui, theo chân viên thư ký Pablo Lopez xuống tâng trệt.
- Mời cảnh sat trưởng xem phòng kế bên phòng làm việc của Francisco. Những gì ông vừa thấy nãy giờ chưa phải là thứ kỳ lạ nhất.
Pablo đẩy cánh cửa, cảnh sát trưởng bất giác kêu lên vì kinh ngạc…
Hai người vừa bước vào căn phòng rộng mênh mông, nửa như chuồng thú, nửa như nhà kính trồng cây mùa đông. Các bức tường ba bề bốn bên đều phủ kín những rặng cây lạ mắt quấn vào nhau chằng chịt, hình thù quái đản nhưu trăm ngàn rắn độc lúc nhúc, gây cảm giác rờn rợn mơ hồ. Giữa phòng đặt nhiều dãy chuồng nhốt khỉ và nhiều lại chim sắc lông sặc sỡ, chúng dường như chungsống với nhau rất hòa thuận. Nhưung chí chóe luôn không ngớt làm đinh tai nhức óc. Bên dãy chuồng kê chiếc tràng kỷ bằng mây duy nhất trong phong, không còn đồ đạc gì khác. Pablo Lopez cất cao giọng át tiếng các con vật:
- Đây là nơi Francisco Carmona ở hầu như suốt ngày. Ngả người trên tràng kỷ, hết đọc lại vẽ trong hàng giờ liền. Tôi rất thắc mắc không hiểu tại sao ông ta lại có thể làm như vậy giữa cảnh huyên náo và cái mùi chuồng thú này.
Viên thư ký chỉ tiếp vào đám cành lá rậm rịt phủ kín các bức tường.
- Ông cảnh sát trửong có biết đấy là gì không? Những loại cây biết ăn thịt đấy! Toàn loại cây biết ăn thịt. Mỗi ngày phải mang vào đây một hũ lớn đầy ruồi nhặng còn sống, thả cho bay loạn xạ khắp phòng. Đến tối là hết nhẵn không còn một mống. Francisco Carmona thích xem chúng bị cây ăn thịt.
Cảnh sát trưởng Ramon đột nhiên thấy bối rối. Tính cách nhà tỷ phú quá cố bất chợt hiện ra dưới mắt ông khác hẳn trước. Và không hiểu sao, tự nhiên giả thuyết về án mạng bỗng trở nên khả dĩ, gần như hiển nhiên. Ông hỏi bằng giọng bối rối khó che giấu:
- Anh có thường lui tới nơi này không?
- Chỉ khi nào có công việc thật khẩn cấp. Vả lại ông Francisco Carmona không cho phép ai vào, trừ người làm vườn đồng thời cũng là người nuôi các con vật.
- Thế vợ ông ta?
- Không bao giờ đặt chân tới. Bà ta ghét cay ghét đắng cả cây lẫn vật, điều cũng dễ thông cảm thôi…
Cảnh sát trưởng Ramon Barios dảo mắt nhìn quanh căn phòng không-thể-sống-nổi nhưng lại là nơi một trong những người giàu có nhất thế giới chọn làm chỗ sống qua nửa cuộc đời mình. Tính cách của con người luôn luôn khiến ông cảnh sát trưởng kinh ngạc. Thực tiễn khác xa trí tưởng tượng đến thế là cùng. Vậy thì, một cái chết được tất cả mọi người cho là tự nhiên rất có thể là một án mạng lắm chứ?
Người làm vườn kiêm nuôi thú vừa bước chân vào, nhỏ con, da rám nắng, cuối mép lủng lẳng mẩu thuốc hút dở. Anh ta đưa mắt nhìn các hàng cây, các chuồng khỉ, không tỏ vẻ gì thích thú. Cảnh sát trưởng buột miệng nhận xét thành tiếng…
Người đó cười khẩy.
- Đúng thế. Mấy cái cây cũng như mấy con vật chết tiệt này không sao ưa nổi. Nhưng tôi cứ phải chăm sóc vì được trả tiền công. Mong sao chúng biến hết đi cho khuất mắt. May mà từ nay trở đi bà chủ giữ quyền quyết định, tình trạng này chắc không kéo dài nữa…
Cảnh sát trưởng do đã biết thái độ của Asuncion Carmona đối với khoảng môi trường rất độc đáo này, nên chỉ hỏi:
- Chắc tốn kém cực kỳ, nhỉ?
Người kia chẳng thiết dụi mẩu thuốc, cứ thế ném vào chuồng khỉ.
- Ông nói rất đúng đấy, nhất là thời kỳ đầu.
- Thế là thế nào?
- Hồi ông chủ mới trưng bày phòng này, cây cối theo nhau chết dần chết mòn. Không thứ nào sống quá mười lăm ngày. Phải đặt tận rừng Amazon mang về thay thế, hàng trăm cây chứ ít ỏi gì. Những đồ quỷ này khỏe cực kỳ thế mà cứ chết hàng loạt… Lũ khỉ lũ chim cũng thế, chết nhe răng hết. Không thiết ăn uống gì, chịu chết vì đói… Lại phải mua từng thùng bự mang về.
- Hồi nãy bác vừa nói chỉ thời gian đầu mới xảy ra như vậy. Tại sao thế? Bây giờ không còn tình trạng đó nữa à?
- Không còn. Từ cách nay kha khá lâu rồi. Xem nào… phải rồi, từ bữa ông chủ bắt đầu ngã bệnh…
Cảnh sát trưởng không nghe tiếp nữa. Ông rời phong, lên cầu thang, chẳng gõ cửa, bước ngay vào phòng Asuncion Carmona. Quả phụ sửng sốt, từ phòng thí nghiệm đi ra. Cảnh sát trưởng nghiêm giọng ra lệnh:
- Không được đóng cửa, tôi muốn vào xem trong đó…
Asuncion Carmona cứ đóng cửa. Rồi cởi blu, ngồi xuống ghế. Bình thản châm thuốc hút…
- Ông cảnh sát trưởng khỏi vào cho mệt. Tôi sẽ khai hết.
Góa phụ bắt đầu kể:
- Lúc ông vừa tới, tôi đã biết ngay chuyện mất trộm trong phòng làm việc của chông tôi là chuyện dựng đứng để tạo cớ thôi. Nhưng thú thật, tôi cho rằng ông không thể phát hiện…
Asuncion Carmona thở dài.
- Hồi cưới Fracisco, tôi ngỡ mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Ngỡ như vậy suốt hai năm. Sau đó, thấy chán ngấy cuộc sống vô dụng, thấy thèm được làm một công việc gì đó…
Asuncion Carmona dừng lời giây lát. Cảnh sát trưởng vẫn đứng im không nhúc nhíc, lặng lẽ quan sát thiếu phụ.
- Đó là lúc tôi yêu cầu Francisco lắp đặt phòng thí nghiệm. Ông ấy không chần chừ, cho tôi những thiết bị đắt giá nhất, những máy móc mà nhiều bệnh viện của Achentina không thể có. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng trong thâm tâm ông ấy không chấp nhận… Theo ông ấy nghĩ, tôi phải thuộc về ông ấy, hoàn toàn thuộc vào một mình ông ấy. Coi tôi như một cái trong tất cả những cái đã có, một trong những đồ sở hữu, một thứ đồ vật vô trt vô giác… Ít lâu sau Francisco mang thú về nuôi trong căn phòng ngay dưới phòng thí nghiệm của tôi, và ở lỳ trong đó suốt ngày…
Cảnh sát trưởng lẩm bẩm:
- Ngay dưới phòng thí nghiệm của bà…
- Từ buổi đầu, tôi đã ghét con vật và cây cối ấy, nhất là các loài cây, những cái cây ghê tởm biết ăn thịt. Tôi nghĩ có lẽ chính chúng là nguyên nhân dẫn tới mọi chuyện. Chúng như một lời chửi rủa, một sự khiêu khích tôi. Tôi quyết định trả thù.
Asuncion Carmona nín bặt. Rõ ràng không muốn kể tiếp phần còn lại. Cảnh sát trưởng Ramon Barios đỡ lời:
- Quang tuyến X…
- Vâng, bị chiếu quang tuyến X trong thời gian dài, các tế bào sẽ bị tổn thương nặng dẫn đến cái chết. Tôi có trong phòng thí nghiệm những máy quang tuyến mạnh nhất…
Tôi thay một đoạn ván sàn bằng tấm gỗ thật mỏng, chiếu luồng bức xạ xuống phòng dưới, nhưng chỉ nhắm vào các cây và các chuồng nuôi súc vật thôi. Chúng lần lượt lăn ra chết. Francisco rất tức. Đoán già đoán non là có tay tôi nhúng vào, nhưng không phát hiện ra. Có khi cho rằng tôi trộn bả vào thức ăn, vào đất trồng, chứ không nghi ngờ phòng thí nghiệm của tôi. Vả lại, tôi vẫn cấm cửa không cho ai bén mảng tới đó. Dù thế nào mặc lòng, Francisco đối xử với tôi rất tàn tệ… không sao chịu nổi nữa…
Góa phụ Carmona bưng mặt:
- Thế rồi, một bữa kia, tôi chĩa máy về phía chiếc tràng kỷ…
Tối hôm đó, Francisco kêu mệt. Hôm sau, hôm sau nữa, tôi tiếp tục dài dài. Phải sau sáu tháng…
Tòa kết tội Asuncion Carmona giết chồng, kêu án hai mươi lăm năm khổ sai. Trong ngục, cô xin tham gia bộ phận y tế và rất tận tình chăm sóc bạn tù khi đau ốm, không quản ngại nguy hiểm dơ dáy. Ban quản lao nhiều lần tuyên dương tinh thần dũng cảm, tận tụy của cô. Asuncion Carmona đã tìm lại được thiên hướng đích thực của mình: chăm sóc, cứu chữa người đồng loại. Đáng lẽ cô phải làm điều đó từ lâu.. Tiếc thay, vừa cầm mảnh bằng tốt nghiệp bác sỹ y khoa trong tay, cô đã hấp tấp vớ phải người chồng tuy giàu có bạc tỷ nhưng không có chút tình yêu thương nào. Đã thế lại còn mắc thói say mê bệnh hoạn: trồng những loại cây ăn thịt.

Vụ án 19: Ông Già Gác Đền Thờ 

Truyện Jérusalem.
Ngày 12 tháng Chín năm 1956 là một ngày yên tĩnh trong ngôi đền Ratisbonne nằm giữa trung tâm Jérusalem, trên phần tạm chia cho Israel. Đền có nhiều dãy ngang dọc, một sân rộng mênh mông, tất cả được ngăn cách với cảnh ồn ào bên ngoài bằng bức tường đá cao. Dưới mái hiên một chái đền gần cổng chính, ông già gác đền luôn túc trực tại chỗ để đón khách thập phương. Chiều bữa đó, không khí tĩnh mịch của ngôi đền bỗng vỡ tung vì một tiếng nổ dữ dội. Khói mù mịt bốc lên từ phòng người gác. Các tín đồ, các khách bộ hành hốt hoảng chạy vào, nhưng ông già đã nằm gục dưới hành lang… Xe cấp cứu hụ còi lao tới. Nhưng ông già đã tắt thở. Cảnh sát mở cuộc điều tra. Cảnh sát trưởng yêu cầu để xác ông già tại hiện trường một lát để khám nghiệm.
Vừa bước lên thềm hành lang Shiloni nhận thấy ngay: một góc chiếc bàn của ông già bị thủng. Quanh lỗ thủng, gỗ cháy xém: không nghi ngờ gì nữa, vụ nổ phát ra từ chỗ này. Thi thể ông già nằm dưới chiếc ghế lật ngửa. Quan sát tư thế xác chết có thể thấy lúc đó ông đang ngồi tại bàn. Các vết thương đều ở phần trên chứng tỏ nạn nhân ở rất gần vật nổ. Và chỉ phía trước bị, sau lưng vẫn nguyên vẹn, trên mặt có bụi khói. Trong khi thợ ảnh chụp các bức hình cần thiết, một chuyên viên hỏa khí được gọi tới. Sau một hôi tìm kiếm, anh ta lượm được giữa đống đổ nát tung tóe khắp hành lang nhiều mảnh lựu đạn, thứ lựu đạn quân đội Israel vẫn dùng. Chắc chắn đây là hung khí gây án. Cảnh sát trưởng tìm hiểu về nạn nhân qua lời khai của các tín đồ và vài người sống gần đền. Chưa có điều kiện gặp gia quyến ông già vì bà vợ đi xa, ba người con đều đã trưởng thành mỗi người sống mỗi nơi. Điều đầu tiên khiến cảnh sát trưởng để ý là thái độ sửng sốt, thậm chí kinh hoàng của tất cả những người ông hỏi chuyện. Không ai có thể tìm trong trí nhớ mình một điều gì cho thấy đây là một vụ trả thù báo oán. Vì ông già gác đền sống rất thầm lặng, rất ít nhu cầu, chỉ có vài ba người bạn, không ai thù ghét. Hơn nữa, hồi này chưa hề có những vụ gọi là mưu sát chính trị. Vậy kẻ nào đã ném lựu đạn vào ông già hiền như đất này?
Thật vô lý. Cũng vô lý nốt nếu đặt giả thuyết: con người bình dị, ngoan đạo này tự sát. Cảnh sát trưởng mỗi lần nghe bà con nói thế đều gật gù: "Đồng ý, đồng ý… Các vị nói chí lý. Nhưng rõ ràng ông già đã chết rồi!"
Cảnh sát trưởng Shiloni thuộc loại cảnh sát chịu khó nghiền ngẫm, vẫn suy nghĩ đến công việc sau khi hết giờ làm trở về nhà, cả khi ngồi ăn cho tới khi lên giường ngủ. Giữa nửa đêm ông chợt thức giấc tự hỏi: "Hay chết vì tai nạn?" Quả nhiên sáng hôm sau, mọi người đều nói: “Đúng, đúng, rất có thể, ông già này vốn rất thích ngành cơ giới"… "Phải, phải chắc chắn rồi, ông ta vớ được cái gì cũng táy máy tháo ra lắp vào…" Cảnh sát trưởng trình bày giả thuyết của mình cho bác sỹ pháp y khi bước vào sân rực nắng.
- Rất có thể ông già đáng thương lượm đầu được trái lựu đạn và làm nổ khi tháo ra coi.
Vị bác sỹ tuy thấy giả thuyết khá phù hợp với kết quả điều tra nhưng ông không tỏ ra hài lòng. Cảnh sát trưởng hỏi:
- Bác sỹ không đồng ý với tôi?
- Không. Nhưng không biết tại sao mình không đồng ý. - Lát sau, bác sỹ gật gù - À có, có biết tại sao. Nếu lựu đạn nổ trên tay ông già, tất nhiên bàn tay chí tít vài ngón tay phải bị toạc hết, Đằng này, cả hai bàn tay vẫn lành lặn. Đến lượt chuyên viên hỏa khí có ý kiến. Anh vừa tìm thấy chiếc mỏ vịt, nhưng thấy lạ: nó bị cong queo, sứt mẻ nhiều chỗ.
- Không bình thường chút nào, anh nói. Trong loại tai nạn như thế này bao giờ chiếc mỏ vịt cũng còn nguyện.
Cảnh sát trưởng hỏi:
- Vậy anh kết luận thế nào?
- Nó thế này vì có cái gì giữ nó lại không cho văng xa ngay. Có cái gì đó giữ nó ở cạnh khi lựu đạn nổ. Một điểm nữa khiến chuyên viên càng thắc mắc: từ lúc tám giờ sáng tới giờ anh dùng thanh nam châm cực mạnh dò tìm chiếc chốt an toàn của lựu đạn mà không thấy. Điều này cũng không bình thường: dù lựu đạn bị ông già tháo, hay không tháo thì vòng chốt vẫn phải ở gần đâu đây…
Mặt khác Shiloni còn nhớ: cách đây mười bốn tháng, vào lúc chiều, một trái lựu đạn đã phát nổ bên ngoài đền khoảng một trăm mét làm ba người qua đường bị thương nặng. Tuy cuộc điều tra được tiến hành gắt gao nhưng vẫn không lần ra manh mối: nguyên nhân, thủ phạm cho tới lúc này vẫn còn nằm trong bí ẩn. Hai vụ nổ lựu đạn tại cùng một nơi, thật khó cho là do trùng hợp ngẫu nhiên.
Buổi chiều, khám xét tỉ mỉ hiện trường, cảnh sát trưởng phát hiện trên tường hành lang và trên bàn có chất keo nhớp nháp. Một giờ sau, phòng xét nghiệm xác định: chất kẹo. Vừa lúc một người tóc bạc dựng xe đạp vào vách tường ngôi đền, bấm chuông rồi bảo tu sĩ vừa ra mở cửa: cần gặp cảnh sát trưởng Shiloni. Người thợ sửa ống nước sáu mươi tuổi ngụ gần đó là bạn thân của ông già gác đền. Ông cho biết: trước vụ nổ khoảng một tiếng hai người vẫn còn ngồi nói chuyện vãn với nhau trong hành lang. Shiloni hỏi:
- Lúc đó ông già có mân mê trái lựu đạn nào không?
- Không.
- Ông già có khoe lượm được lựu đạn không?
- Không… Đang trò chuyện thì có người đi xe đạp mang tới chiếc hộp carton buộc kỹ, có chiếc bì thư nhỏ ghim bên ngoài. Bạn tôi nói: "Chu đáo quá. Nhà S. gửi quà tặng".
- Sao nữa?
- Bạn tôi đặt chiếc hộp lên bàn, không mở ra. Bác thợ ống nước được dẫn về đồn, tới trước các vật chứng tìm được ngoài hành lang đến, trong đó có vài mảnh carton và tấm bưu thiếp viết tay của nhà S, tất cả đều cháy xém. Cảnh sát trưởng đưa bác thợ già xem các mảnh carton. Đây là loại hộp đựng kem cạo râu rất thông dụng. Nhưng Shiloni tin chắc: không ai lại gửi tặng ông già một hộp đầy ống kem cạo râu. Có lẽ hộp này đựng kẹo. Bác thợ nhận ngay ra chiếc hộp, qua màu sắc kích thước tờ nhãn hiệu.
- Lúc nhận tấm danh thiếp nhà S. bạn bác có tỏ vẻ ngạc nhiên không?
- Không.
- Vậy là họ đã quen biết nhau. Cảnh sát truởng vọt lên xe chạy thẳng tới nhà S. Hai Vợ chồng nhà này là những viên chức bình thường, an phận, ông chồng đã già, khắc khổ, bà vợ dịu dàng, rụt rè. Khó có thể cho rằng họ liên quan ít nhiều tới án mạng. Họ khai có quen ông già gác đền, nhưng không gửi kẹo mà cũng không gửi bưu kiện nào khác cho ông. Khi cảnh sát trưởng chìa tấm danh thiếp, hai ông bà già đều không nhận là chữ họ viết.
- Nạn nhân có quen một gia đình S. nào khác không?
- Theo chỗ chúng tôi biết thì không.
Shiloni cho lập ngay bảng kê tất cả các gia đình có tên bắt đầu bằng S. ở Jérusalem. Có gần sáu chục người. Sau 48 tiếng, tất cả đều được thăm hỏi nhưng không ai nhận ra gói quà và chữ viết, tất cả đều không quen biết nạn nhân. Shiloni cho tìm người bán hộp quà. Kẹo đựng trong hộp kem cạo râu, chắc mua trong một tiệm thực phẩm. Trước hết cảnh sát dò tìm trong khu vực gần đền, khoảng hai chục tiệm và thẩm vấn một số nhân viên giao hàng. bốn ngày sau Shiloni mới được cấp báo: đã tìm thấy tiệm có khách tới mua kẹo đúng ngày vụ nổ, hơn nữa, cậu giao hàng còn nhớ mang máng có mang tới ông già gác đền một một quà.
Tới tiệm thực phẩm nhỏ, cảnh sát trưởng gặp ngay chủ tiệm thấp bé, khoác blu xám, đứng thẳng sau quầy run lập cập. Ông ta nhớ lại: sáng bữa đó có đôi trai gái còn trẻ, khoảng hai mươi hai lăm tới mua bốn bịch kẹo đựng trong giấy bóng kính. Cô gái đòi một chiếc hộp carton rống. Ông đưa chiếc vừa đựng bốn bịch kẹo nhưng cô ta không ưng. Ông bèn đổi chiếc hộp đựng kem cạo râu. Ông còn nhớ đã bảo cô gái: "Mùi kem không ảnh hưởng gì vì kẹo bọc kín trong giấy bóng kính".
- Tại sao cô gái không lấy chiếc hộp đựng kẹo cũ?
- Cô ta chê nhỏ. -
Cho bốn bịch kẹo không vừa?
- Vừa chứ! Nhưng chắc cô ta muốn bỏ thêm thứ gì vào. Mua xong cô gái ngỏ ý muốn người của tiệm mang hàng đi giao, nhưng cậu giao hàng không có nhà. Hai người ra về. Một giờ sau, cô gái trở lại một mình, nằn nì đòi tiệm cử người mang đi giùm, cô không kiếm ra ai khác. Chủ tiệm nhận lại chiếc hộp có dây cột chặt, ghim chiếc bì nhỏ đề địa chỉ người nhận: Ông già gác đền Ratisbonne. Cô gái cảm ơn và đi vào lúc giữa trưa. Chiếc hộp được giao vài giờ sau.
Chủ tiệm cuống cuồng cáo lỗi khi cảnh sát trưởng yêu cầu tả nhận dạng đôi trai gái. Ông chỉ nhớ đôi nét lờ mờ và không dám chắc sẽ nhận diện được họ. Nét nhớ rõ nhất: chàng trai rất cao lớn. Nghe xong cảnh sát trưởng rất đỗi băn khoăn: lẽ nào hung thủ là con gái? Lý do nào có thể xui khiến cô ta hạ sát ông già hiền lành vô tội? Hơn nữa, lại dùng lựu đạn, một thứ vũ khí xưa nay phụ nữ rất ít sử dụng. Cuộc điều tra các gia đình mang tên S. vẫn tiếp tục nhưng không có kết quả gì. Cảnh sát trưởng thấy phải tìm hiểu cuộc sống riêng; hoàn cảnh gia đình ông fìa gác đền vì rõ ràng hung thủ, nếu có, phải nắm vững thói quen và các mối giao du của ông. Nếu không, sao lại gửi tặng kẹo nhân danh gia đình S?
Khốn nỗi bà vợ và con trai lớn đang đi xa nên chưa có cách tìm hiểu những uẩn khúc đó. Trong khi bà con lối xóm, công luận, tất cả đều một mực cho rằng ông già chết vì táy máy tháo lựu đạn, hộp kẹo chỉ là tình cờ. Chỉ một mình cảnh sát trưởng vẫn bị ám ảnh bởi câu hỏi: đàn bà con gái sao lại dùng lựu đạn?
Một tuần trôi qua. Shiloni vẫn do dự không muốn xếp vụ này vào hồ sơ "Tai nạn". Ông có lý, vì sang ngày thứ tám, mọi chuyện chuyển hướng hoàn toàn. Một tu sĩ trong đền Ratisbonne xin gặp cảnh sát trưởng và trao lá thư gửi cho con trai ông gác đền nhưng đề địa chỉ của ông già. Lá thư cộc lốc, đánh máy, nặc danh: “Mày phải chịu trách nhiệm về cái chết của bố mày". Ngoài bì đóng dấu bưu điện Haifa. Lựu đạn không pahỉ thứ hung khí của đàn bà, nhưng thư nặc danh nói chung là thứ vũ khí họ thường sử dụng. Có thư nặc danh, tức là có ám ảnh, ganh tỵ, hoặc oán hận, trả thù…
Cuộc điều tra chuyển sang người con trai lớn. Anh ta vẫn đang ở xa, nhưng cảnh sát dễ dàng phát hiện: cách đây vài năm anh ta quan hệ với một cô gái, sau hai năm thì cắt đứt không rõ nguyên nhân. Đến năm vừa rồi anh ta cưới vợ và tới ở rể nhà bố mẹ vợ.
Shiloni tới nhà Denise, cô gái thứ nhất. Không được tin tức gì hơn, không thấy gì khả nghi trong nhà họ. Hai ông bà chỉ có biết: Denise làm việc ở Haifa, gần như mỗi tuần đều về thăm nhà nhưng không biết cô có mặt ở Jérusalem hay không bữa xảy ra vụ nổ. Vài giờ sau, Shiloni đi cùng một chuyên viên máy chữ tới Haifa gặp Denise vừa được mời tới đồn cảnh sát. Cô gái mảnh mai, nhỏ con, tóc màu hạt dẻ, mắt xanh, tỏ vẻ bình tĩnh, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành rộng. Trông như con búp bê, khó có thể hình dung cô ta dám dùng lựu đạn.
- Ngày 12 tháng Chín cô có mặt ở Jérusalem chứ?
- Có.
- Cô biết ngày đó xảy ra vụ mưu sát ông giàgác đền Ratisbonne?
- Vâng.
- Cô có biết ông già không?
- Biết, nhưng không gặp từ hai năm nay.
- Cô tới rồi ra đi lúc nào?
- Tới hôm trước, ra đi lúc giữa trưa hôm xảy ra vụ án.
- Cô có tới mua kẹo không?
Cô gái tròn xoe cặp mắt xanh ngạc nhiên.
- Kẹo à? Để tôi nhớ lại. Không… Tôi đâu có ăn kẹo hồi nào.
- Sáng hôm xảy ra vụ đó, cô làm gì?
- Ở với anh bạn, người thành phố Tel Aviv.
Cô gái trả lời nhanh lẹ, tỏ vẻ tự tin. Viên cảnh sát tới xét phòng riêng của cô ngoài phố báo cáo với cảnh sát trưởng qua điện thoại: không thấy gì khả nghi. Chuyên viên máy chữ mở hé cửa gọi cảnh sát trưởng, thì thầm:
- Tìm thấy máy chữ đã đánh lá thư nặc danh.
- Máy của cô này?
- Không. Của một đồng nghiệp trong công ty cô ta làm việc. Cảnh sảt trưởng quay lại nhìn cô gái, do dự giây lát trước vẻ yếu ớt, thơ ngây của cô bé:
- Tôi buộc phải đưa cô về Jérusalem vì nghi cô tham gia vụ mưu sát ngày 12 tháng Chín.
Trên xe, nước mắt chảy ràn rụa từ đôi mắt biếc như đôi mắt đứa trẻ bị bỏ rơi, trông thật tội nghiệp. Cảnh sát trưởng trấn an Denise:
- Tôi cần tìm đúng kẻ đã xuống tay. Nếu cô không liên can, tôi sẽ làm hết mình để chứng minh điều đó.
Cô gái nhìn ông bằng cặp mắt tràn trề biết ơn.
- Xin đa tạ. Ông chắc biết tôi không thể làm chuyện này.
Dọc đường, xe dừng ở Tel Aviv để cảnh sát trưởng gặp chàng trai đã ở cùng Denise sáng 12. Anh ta khai: có gặp Denise trong vài giờ, nhưng không biết chuyện hộp kẹo. Và thú nhận mình có một trái lựu đạn đã tháo thuốc, vật lưu niệm mấy năm nghĩa vụ quân sự. Cảnh sát trưởng lưỡng lự hồi lâu rồi quyết định không đưa chàng này về Jérusalem. Chủ tiệm thực phẩm khai gã cùng đi với Denise cao lớn, nhưng anh chàng này thì nhỏ thó.
Sáng hôm sau, cảnh sát trưởng tiếp tục thẩm vấn cô gái. Cô vẫn khăng khăng mình vô tội. Hai người xem kỹ các lá thư, các tấm hình tịch thu ở nhà bố mẹ cô tại Jérusalem.
- Ai đây?
- Anh trai một cô bạn thân.
- Cô với anh ta quan hệ thế nào?
- Có lẽ anh ấy yêu tôi… Tôi cũng yêu… Nhưng chỉ có thế… Mấy lại, anh ấy cưới vợ năm rồi.
- Còn người này?
- Với anh này thì có phần sâu hơn… Nhưng đi nghĩa vụ rồi.
Con búp bê mảnh mai này thế mà lắm cuộc tình! Cô ta không ngần ngại thổ lộ, bình luận về từng lá thư, tứng bức hình cho cảnh sát trưởng nghe. Tuy vậy, khi giở tới một bức, bất chợt Denise tỏ vẻ ngập ngừng, bối rối trong một thoáng. Hình chụp một anh chàng khoảng hai lăm, đẹp trai, rất cao lớn, tóc nâu, trên hình ghi tặng "Nhiều âu yếm". Cô gái trấn tĩnh lại.
- Một chàng nhà báo quen từ lâu. Chàng mê tôi. Thế thôi.
Cảnh sát trưởng thấy cần kiểm tra kỹ xem sao. Ông để Denise lại, tới gặp chàng nhà báo. Anh ta khai: Sáng bữa nổ lựu đạn, anh gặp Denise vốn là chỗ quen thân cũ. Cô rủ anh cùng đi tới tiệm thực phẩm mua kẹo. Sau đó, trong lúc hai người đang ở trong phòng Denise nhân lúc bố mẹ cô không có nhà, cô ta bỏ thêm vật gì vào hộp kẹo nhưng anh không quan tâm. Rồi cô ta ra đi, nói là đi gửi hộp kẹo. Cũng trong buổi sáng này, chuyên viên mặt chữ xác định: chữ viết trên danh thiếp gửi kèm hộp kẹo đúng là chữ cô gái. Khi trở lại gặp Denise vẫn đang thu mình nhỏ nhoi trên chiếc ghế bành rộng lớn, cảnh sát tưởng thuật lại hai phát hiện vừa rồi và chờ cô thanh minh: Sau này, Shiloni tâm sự: "Lúc đó, tôi mong chờ một phép lạ diệu kỳ.. Nhưng không, sự thật ghê tởm, sự thật kinh hoàng được thốt ra ráo hoảnh, bằng một giọng đều đều, không lẫn giọt nước mắt nào…" …
Sau khi bị người tình hắt hủi. Denise rắp tâm trả thù. Nhưng năm trước đây, chàng trai đã đi khỏi nước nhà trước khi cô ả kịp ra tay. Ả quyết định: giết bố anh ta, ông già gác đền Ratisbonne. Được anh chàng nhà báo tiếp tay, ả làm chiếc hộp gỗ, đặt trái lựu đạn vào. Lựu đạn đã tháo chốt an toàn, mỏ vịt chỉ còn được nắp hộp được buộc dây thật chắc giữ cho khỏi bật ra. Ả thản nhiên giải thích với cảnh sát trưởng: "Chưa cởi dây buộc, chưa có chuyện gì. Khi mở dây, mỏ vịt bung ra, kim hỏa đập ngay vào ngòi nổ". Chiếc hộp gỗ được giấu kín giữa các gói kẹo.
Lựu đạn kiếm ở đâu? Do một người tình khác, một chú lính. Bị thẩm vấn ngay trong ngày, chú này nhận có yêu cô gái, và để chiều ý cô, chú đã chôm một trái nổ của đơn vị, không ngờ tới chuyện cô ả định giết ông già. Cảnh sát trưởng hỏi thêm: đã đưa cho Denise mấy trái?
Chú lính do dự giây lát rồi thú nhận: trước đó đã tặng một. Cách đây mười bốn tháng, Denise đã đòi chú lính mang cho cô một trái lựu đạn. Chú đã nghe cô kể mối tình đầu dang dở. Một buổi chiều kia, cô cậu cùng dạo chơi gần ngôi đền, cô ả thủ sẵn lựu đạn trong người. Bất chợt cô kêu lên: "Nó kìa! Ném lựu đạn!” Ả dúi nó vào tay, chú lính ném đi rồi hai anh ả kéo nhau chạy. Mây ngày sau chú mới biết kết quả: ba người bị thương nặng trong đó… không có người tình của Denise. Vậy đó!
Con búp bê mảnh mai, cô thiếu nữ nhỏ nhắn mắt biếc… thực ra là một nữ quái. Thích được tán tỉnh, có hàng đống tình nhân, cô ả không tha thứ những kẻ thờ ơ hoặc phản bội. Một nữ chiến binh hung dữ của thói ham mê tình ái dễ hờn ghen.


Nguồn: http://motsach.info/