Truyện ngắn Úc.
Trung úy cảnh sát của thành phố Sydney bên nước Úc bữa nay rất hài lòng: anh vừa hoàn tất rất nhanh lẹ một cuộc điều tra khó khăn.
Cách đây hơn ba hôm, ngày 6 tháng Hai năm 1960 trong phường anh xảy ra một vụ án mạng. Bà Peggy Marshall năm mươi lăm tuổi, vợ ông chủ ngân hàng Nick Marshall bị chết ngạt dưới chiếc gối bông, ngay trong gian phòng lộng lẫy của bà tại số 1136 đường Hoàng Hậu. Nửa đêm đó, ông chồng đi làm về thì phát hiện sự việc. Hơn nữa, chính ông đã chạm trán hung thủ. Lúc ông bước vào vườn nhà, bất chợt một gã đàn ông xô vào ông rồi bỏ chạy. Vào được trong phòng bà vợ thì ôi thôi, mọi sự đã rồi. Bà đã tắt thở. Toàn bộ nữ trang để trong tráp gỗ đặt trên mặt bàn ngủ đã không cánh mà bay. Không tới ba ngày sau hung thủ đã bị bắt giữ. Người chủ tiệm kim hoàn thấy anh ta gạ bán nhiều nữ trang quý giá đã tố giác. Cảnh sát chỉ việc tới lôi đi…
Bước vào văn phòng trung úy Clark là Francis Barber khoảng hăm lăm, tóc hung bốc lửa, hai tay đeo còng. Anh ta cười gằn hỏi sĩ quan cảnh sát:
- Lão chủ tiệm đồ vàng cũ tố giác, hử?
Trung úy Clark nhún vai:
- Ông ta không muốn dính dấp vào án mạng.
Thái độ Francis đột ngột thay đổi hẳn:
- Án mạng nào? Chuyện gì kỳ cục vậy?
Trung úy hơi gắt:
- Vụ giết bà Peggy Marshall chứ còn vụ nào nữa…
Nghe chưa dứt lời, da mặt Francis đã xám ngoét:
- Không đúng! Tôi không giết!
Viên cảnh sát nhìn gã, vẻ ranh mãnh:
- Tất nhiên, hẳn là thế… Tự bà ta chết ngạt vì chúi đầu vào cái gối trong lúc anh mải chôm nữ trang của bà… Tắt cái trò gạt gẫm trẻ con đó đi, Francis. Chính anh lấy những nữ trang đó, lát nữa chồng nạn nhân sẽ tới nhận mặt anh… Tốt hơn hết là hãy thú nhận ngay…
Francis Barber nhảy bật trên ghế:
- Xin thề độc, tôi không giết người. Để tôi kể ông nghe. Biết nhà Marshall giầu có, tôi lập kế hoạch lẻn vào. Tưởng bữa đó nhà vắng người, dè đâu khi vào lại thấy bà ta nằm ngủ trên giường. Tráp nữ trang đặt tên bàn đầu giường. Tôi lẹ tay lấy hết không làm bà ta tỉnh giấc…
Đúng lúc có tiếng xe hơi vừa dừng ngoài cổng. Ông chồng đi làm về. Tôi vội chạy ra. Tông phải ông ta ngoài vườn… Thưa trung úy, xin thề sự việc đúng như vậy.
Trung úy Clark không đáp. Nhân viên vào báo ông Nick vừa tới. Trung úy ra lệnh mời vào ngay. Vừa trông thấy Francis, chủ ngân hàng reo to:
- Nó đấy!
Đúng nó. Tóc hung hung đỏ. Không lẫn vào đâu được!
Trung úy quay sang nhìn Francis:
- Thế nào? Còn chối nữa không?
Chàng trai giẫy nẩy:
- Tôi cũng nhận ra ngay ông Marshall. Tôi chạy vội nên tông phải ông ngoài vườn. Tôi có chối đâu! Không chối tội ăn trộm. Nhưng tôi không giết vợ ông này. Thề có Chúa chứng giám!
Tháng Mười một năm 1980, đứng trước tòa Francis vẫn một mực thề mình vô tội. Trộm cắp thì có, giết người thì không đời nào. Nhưng bằng chứng buộc tội lại rất xác đáng: đồ nữ trang, lời khai của Nick Marshall thừa nhận đúng là gã…
Ngay luật sư bào chữa cho Francis cũng tránh né không nói nhiều về nội vụ. Ông nhấn mạnh tới tuổi niên thiếu bất hạnh của thân chủ. Bố bỏ đi khi còn rất nhỏ. Mẹ nuôi dạy trong những điểu kiện khốn khó. Hơn nữa, hồi bé đã bị chấn thương sợ não nặng vì té ngã… Vì vậy, đáng được tòa khoan hồng…
Quả nhiên tòa kết luận Francis phạm tội nhưng do quá khứ như vậy nên được hưởng những tình tiết giảm nhẹ. Do đó, chỉ bị phạt mười lăm năm tù giam. Trước khi bị giải đi, Francis kêu lần chót:
- Tôi vô tội! Tôi không giết bà Marshall!
Trong phòng xử, một bà mới trạc tuổi ngũ tuần nhưng trông già trước tuổi quay sang người ngồi kế bên:
- Tôi biết tính thằng nhỏ. Nó la lên vậy là nó bị oan thật… Trong những việc quan trọng, không bao giờ nó nói dối. Tôi tự tôi sẽ chứng minh nó vô tội!
Kite Barber, mẹ của Francis rời công thự Tòa án Sydney. Bước chân vẫn vững vàng không mảy may run rẩy. Bản án giáng lên đầu thằng con không làm bà gục ngã. Trái lại, bà cảm thấy mình có một sức mạnh không ngờ. Và biết rõ cần phải làm gì…
Vài ngày sau bà Kite Barber, vào ngồi trên chiếc ghế trong phòng đợi của nhà thám tử tư trứ danh. Lúc này bà mới hơi run run. Trong chiếc xắc tay đặt trên đùi có 1.000 đôla, tiền vừa bán chiếc trâm hồng ngọc của mẹ bà để lại. Vật quý duy nhất bà có được và thề không bao giờ rời xa. Mới đây, đọc báo bà được biết nhà thám tử George vừa giải quyết rất tài tình một vụ tranh chấp thừa kế rất phức tạp. Bà đặt hết hy vọng vào ông này. Vài phút sau, ngồi trong văn phòng bề thế trang bị cực kỳ hiện đại của thám tử, bà Kite rụt rè trình bày vụ việc.
- Tôi hiểu rõ con tôi. Từ hồi 17 tuổi nó đã bắt đầu chôm chỉa vì không sao kiểm nổi việc làm… Mà tôi thì làm sao chạy cho đủ mà nuôi con. Đâu phải lúc nào cũng có người thuê mướn giúp việc nhà cho họ… Quả tình cháu nó có bị bắt giữ nhiều lần, có ngồi tù một ít thật, nhưng nó không bao giờ giết người…
Kite Barber thò tay vào xắc lấy xấp 1.000 đô:
- Tôi van ông, ông thám tử, xin ông tìm ra thủ phạm cho! Tôi chỉ có bấy nhiêu, nếu chưa đủ, tôi sẽ làm việc đến hơi thở cuối cùng để trả tiền cho ông…
George Higgins phác một cử chỉ tỏ ý không nhận.
- Bà Kite Barber, mong bà giữ số tiền này. Nó có ích cho bà hơn cho tôi. Tôi sẽ làm việc giúp bà, miễn phí. Trường hợp của con bà khiến tôi quan tâm. Đọc tường thuật của các báo, tôi cũng cho rằng thái độ của con bà không giống thái độ của một kẻ phạm tội. - Ông cắt ngang mọi biểu thị nồng nhiệt của Kate. - Xin đừng cảm ơn. Theo một ý nghĩa nào đó, tôi cũng có lợi. Thành công trong vụ này sẽ là một màn quảng cáo rất ăn khách cho công việc của tôi.- Ông nói tiếp - Bà biết không, tôi đã có đầu mối cần tìm rồi. Lâu nay vẫn tự hỏi tại sao cảnh sát không điều tra người chồng. Vậy tôi sẽ làm chuyện đó.
Hiếm khi công việc của George Higgins lại mau lẹ và có hiệu suất cao như vậy. Chưa hết một tuần, ông đã nắm được nhiều điều đáng quan tâm xung quanh nhân vật Nick Marshall. Điều trước tiên: gia sản khổng lồ ông ta đang nắm do bà vợ gây dựng nên chứ không do công sức ông ta. Năm 1948, ông cưới Peggy, con của một đôi vợ chồng chủ trại cực kỳ giàu có. Nick bắt đầu nhảy vào kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng nhờ tiền của bố mẹ vợ. Chưa hết. Qua theo dõi Nick, thám tử phát hiện ông ta có nhân tình, một cô có tên Olivia Bedford hăm tám tuổi, nguyên là thư ký riêng của ông ta, hiện đang được bao trong căn hộ lộng lẫy ở Sydney. Đáng lẽ những việc này phải do cảnh sát tiến hành nhưng họ không nghĩ ra. George nói thẳng với trung úy Clark nhận xét của ông. Ông vốn đã từng là cảnh sát, nay vẫn giữ quan hệ tốt với đồng nghiệp cũ.
- Có bồ nhí, nhưng vướng bà vợ đang về già. Li dị thì mất hết. Đây không phải là động cơ gây án sao, trung úy?
Trung úy Clark lắng nghe rất chăm chú tất cả những phát hiện của viên thám tử tư. Và thấy cần thanh minh:
- Thú thật là tôi không nghĩ tới chuyện điều tra người chồng. Vì cho rằng tội của Francis đã sờ sờ ra đó. Nào ngờ lại có chuyện quái quỷ đến thế!
George gật gù:
- Đúng một tuyệt tác của kẻ lòng lang dạ thú. Sau khi bị Francis tông ngoài vườn. Nick chạy vội vào nhà và thấy vợ đang ngủ say. Nữ trang trên bàn không còn. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu hắn: Phải chớp lấy thời cơ duy nhất này. Hắn vơ gối, đè Peggy ngạt thở. Hung thủ dĩ nhiên sẽ là tên trộm, bị chủ nhà bất chợt thức giấc trông thấy. Một án mạng kiểu này thật không thể từ chối thực hiện!
- Dĩ nhiên. Nhưng dị bản kia rất đáng chú ý: Francis cũng có thể là thủ phạm.
- Anh hoàn toàn có lý. Chính tôi cũng chưa tin hẳn chuyện Nick giết vợ. Nhưng cần có một cách khám phá ra sự thật. Có điều là… Có thể tôi sẽ cần tới thái độ trung lập có thiện cảm của anh, và có khi còn cần được mấy anh tiếp tay nữa. Bởi lẽ… cách của tôi thật ra không chính thống lắm.
George trình bày kế hoạch. Lát sau ông ra về, yên chí sẽ được cảnh sát hỗ trợ. Cuộc điều tra theo cung cách hơi đặc biệt của ông sắp bắt đầu. Ngay bữa đó, ông gọi tới nhà chủ ngân hàng.
- Chào ông Marshall… xin phép không xưng tên tôi. Tôi có áp phe cần bàn với ông.
George cảm thấy người đối thoại hình như định gác máy, vội tiếp:
- Tôi gọi điện cho ông về chuyện Bedford…
Im lặng ở đầu dây bên kia.
- Thưa ông Marshall, nghề chuyên môn của tôi là trộm cắp. Hồi nãy tôi vừa tới thăm nhà Olivia Bedford. Không kiếm được nữ trang, tiền bạc, nhưng lại được một thứ thú vị hơn…
Nick ngắt lời:
- Không đùa. Tôi không quen cô nào tên là Bedford.
Thám tử thản nhiên nói tiếp:
- Có, có đấy, ông quen thân là khác. Nhưng chắc ông không biết cô ta viết nhật ký… Nó đang nằm trước mắt tôi. Trong đó ghi rõ mối quan hệ giữa quý vị. Cô nàng trước kia là thư ký riêng, rồi bị ông quyến rũ. Điều này không đáng nói. Thú vị hơn là chỗ này này: ngày 7 tháng Hai năm 1980, tức một ngày sau khi vợ ông bị giết, cô Bedford viết trong nhật ký: "Nick thú nhận đã giết Peggy. Thật kinh khủng!…" Ông biết rõ điều gì còn kinh khủng hơn gấp bội chứ, ông Marshall? Đó là nếu cảnh sát nhận được cuốn nhật ký này làm bằng chứng…
Lại im lặng trong ống nghe… Chủ ngân hàng sẽ phản ứng thế nào? Đây là khoảnh khắc bộc lộ sự thật. Phản ứng của Nick rất ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn trong hai từ:
- Bao nhiêu?
George đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:
- 20.000 đô, tờ nhỏ. Ngày mai, lúc 18 giờ, trong nghĩa trang Bắc Sydney, lối đi số 3.
Ông gác máy. Bây giờ chỉ việc gọi điện cho trung úy Clark báo cáo kết quả và xin điều động cảnh sát tóm cổ Nick khi hắn nộp tiền. Trung úy chấp thuận kế hoạch nhưng muốn biết rõ một tình tiết:
- Tôi không hiểu tại sao Nick không hỏi cô ta về cuốn nhật ký trước khi…
George khoái chí ngắt lời:
- Tôi biết cô Bedford lúc này đang đi tới bên kia trái đất, sang tận nước Anh xa xôi. Làm sao Nick liên lạc được Trung úy thấy chưa, hắn bị dồn vào chân tường…
Hôm sau, vào lúc 18 giờ, trung úy Clark và nhân viên của ông nấp sau những ngôi mộ trong nghĩa trang Bắc Sydney thấy Nick Marshall đi tới, nách cắp chặt chiếc cặp. Lập tức Nick bị vây chặt và bắt giữ. Trong cặp da có 20.000 đô bằng giấy lẻ. Trung úy hét giữa mặt chủ ngân hàng:
- Ông Nick, ta có chuyện cần nói với nhau.
Qua vài giây sững sờ, Nick mau chóng lấy lại vẻ hung hăng vốn có.
- Chuyện gì? Tiền này của tôi, đầu phải tiền trộm cắp! Tôi có quyền dạo chơi với 20.000 đô trong tay chứ, phải không?
- Toàn bằng tiền lẻ? Và trong nghĩa trang?
- Thì đã sao? Ông cho biết đạo luật nào cấm công dân đi dạo trong nghĩa trang mang theo 20.000 đô giấy nhỏ?
- Chúng tôi có nguồn tin riêng, ông Nick! Biết ông tới chuộc quyển nhật ký của người tình Olivia Bedford trong có ghi lời ông thú nhận đã giết vợ.
- Nhật ký nào vậy? Đưa ra coi!
Trung úy thấy tình thế thế hơi bấp bênh.
- Dù sao, ông cũng phải giải thích rõ cho tôi chuyện này.
- Thôi được… tôi đang bị sức ép một cú săng ta về cô Bedford. Thú thật, cô ta đúng là bồ nhí của tôi. Một người như tôi không thể cho phép lan truyền những lời đồn đại lăng nhăng. Tôi tới đây với mục đích dập tắt vụ đó. Còn cái chết của bà xã tôi thì chẳng liên quan gì tới sự này. Vu khống trắng trợn đến thế là cùng.
Trung úy Clark không đôi co, Nick có lý: Không có bằng chứng cụ thể nào buộc tội hắn, hơn nữa hắn thuộc loại có vai vế đáng nể, đụng vào không dễ. Bắt giữ thằng lúc này là chơi với lửa. Nhưng trung úy tin chắc hắn phạm tội, không thể buông tha. Ông sẽ tận dụng thời hạn tạm giữ do pháp luật quy định, hy vọng từ nay tới khi hết hạn sẽ có sự kiện gì mới…
Quả nhiên, sự kiện đó xảy ra ngay hôm sau, dưới dạng chuyến bay London - Sydney. Olivia Bedford từ Anh trở về. Được cảnh sát sân bay cấp báo, trung úy Clack lập tức ra lệnh đưa cô nàng tới văn phòng đồ cảnh sát để đối chất với Nick. Vừa trông thấy Nick, cô ả đã hốt hoảng kêu lớn:
- Tôi không có tội! Không tiếp tay ông ta! Một mình ông ta làm hết!
Nick tái mặt. Hắn biết mình đã thua cuộc, thẫn thờ bảo Bedford:
- Đồ ngu! Ai bảo viết nhật ký!
Olivia Bedford ngơ ngác:
- Nhật ký nào? Anh nói gì lạ vậy?
- Chủ ngân hàng nhăn mặt nhìn viên trung úy:
- Đểu! Quá đểu! Không chính quy nhưng quá giỏi!
Tòa trả tự do cho Francis ngay tức thì. Tuy tội trộm cắp gã phạm đáng phạt tù lâu hơn, nhưng xét thấy trận thử thách vừa rồi đã đủ cho gã đền tội nên tòa cho gã được tự do có điều kiện.
Tháng Sáu năm 1981, chủ ngân hàng Nick và cô bồ nhí ra trước tòa. Cô ả được trắng án, Nick ngồi tù chung thân. Số phận? Francis Barber ra sao đây?
Sau khi được tha, anh kiếm ngay được chỗ làm: chạy giấy tờ cho George Higgins, thám tử.
Vụ án 13: Một Cuộc Đời Hai Kiếp Sống
Truyện Đức.
Qua ánh mắt ta có thể phát hiện ra một tâm hồn đồng điệu, một mối tình chớm nở. Ánh mắt đắm say, giọng nói ngọt ngào, bàn tay nóng hổi của bạn tình đưa ta vào cõi lâng lâng của hạnh phúc tuyệt vời…
Đôi mắt, giọng nói, bàn tay của thầy thuốc có thể dùng phép thôi miên chữa khỏi một số bệnh thần kinh, tâm thần… Và cặp mắt, lời nói, bàn tay của một số kẻ cũng có thể biến những con người bình thường thành hung tợn, cuồng dâm hoặc thành tên giết người man rợ…
Hồ sơ lưu trữ của nhiều cơ quan pháp luật trên thế giới còn ghi lại bằng chứng xác thực về những kẻ lợi dụng phép thôi miên để thực thi những âm mưu đen tối. Dưới đây là một trong những vụ được lưu giữ trong “Hồ sơ Interpol”. Các chuyên gia nghiên cứu về thôi miên cho rằng: "Giấc thôi miên là một giấc ngủ không hoàn toàn. Ý thức cuả người bị thôi miên tuy tê liệt, nhưng không mất hẳn. Người đó vẫn có khả năng tập trung sự chú ý, các cơ quan cảm giác vẫn còn nguyên vẹn. Trong thời gian bị thôi miên, người đó hành động theo ý chí của người thôi miên, nhưng chỉ trong một giới hạn nhất định”. Chắc chắn quan điểm này còn được bàn cãi, bổ sung thay đổi. Bản chất của thôi miên là gì? Cơ chế phát sinh và tác động của nó ra sao?
Là những câu hỏi còn đang chờ được giải đáp. Nhưng đó là việc của các nhà khoa học. Câu chuyện dưới đây mới thực sự liên quan tới tất cả những người bình thường chúng ta.
Cô thôn nữ Julia mười bảy tuổi, xinh đẹp lộng lẫy, vừa lấy chồng được một tháng. Chồng là công nhân một nhà máy ở Heidelberg (Đức), cha mẹ cô là những nông dân chất phác, khỏe mạnh. Một bữa kia, trên chuyến xe lửa về quê thăm cha mẹ, hình như cô ngồi cùng toa với một người đàn ông. Người đó tên gì, mặt mũi ra sao… sau này Julia không nói được, chỉ nhớ mang máng anh ta là bác sỹ. Từ sau bữa đó, Julia mắc một chứng bệnh hiểm nghèo không rõ nguyên nhân, lúc nào người cũng bần thần, đôi khi có những hành vi khác thường không ra điên không ra tỉnh, không ra ngủ, không ra thức. Cô tới nhà người bác sỹ ấy khám bệnh nhưng bệnh không thuyên giảm. Chồng cô lo lắng:
- Hai chúng mình cùng đi tới nhà bác sĩ hỏi xem sao. Từ khi anh ta chữa chạy cho em, anh thấy em càng đau yếu hơn. Bác sỹ đó tên gì?
- Em không biết.
- Ủa. Tuần nào em cũng đến đó hai ba lần mà soa không biết tên gì. Sao kỳ vậy?
- Thôi đừng dày vò em nữa anh ơi. Em đau đầu lắm.
- Ít ra em cũng biết nhà bác sỹ chớ. Em vẫn thường tới đó một mình mà. Nào, ta đi.
Heidelberg là một thành phố cổ kính, có rừng bao bọc, có con sông tươi mát đôi bờ, có trường đại học nổi tiếng khắp châu Âu. Julia dẫn chồng vào trung tâm thành phố. Tới một quảng trường nhỏ có vòi nước phun, cô đột nhiên đứng khựng ngay giữa vỉa hè.
- Em không biết phải đi tiếp về hướng nào nữa. Hình như nhà bác sỹ ở ngay gần đây thôi. Chắc chắn vậy mà không tài nào nhớ ra đường… Em van anh, đừng bắt em đi tiếp, em chịu không thấu nữa rồi.
Heinrich sửng sốt nhìn vợ. Cô ta như đang lên cơn thần kinh, toàn thân run bần bật, mắt dại hẳn đi, miệng không ngớt lặp đi lặp lại:
- Em không thể… em không thể…
- Cố lên chút nữa nào Julia. Em biết nhà bác sỹ. Nhất định em biết, cố nhớ coi.
Julia buông mình ngồi bệt xuống hè, bưng mặt khóc rưng rức, không nói không rằng. Heinrich đành dìu vợ quay về. Sau đó anh còn tiếp tục thử bảo vợ đưa mình đi như vậy nhiều lần. Lần nào cũng chỉ tới quảng trường vòi nước phun là Julia dừng lại, lên cơn thần kinh. Mãi về sau, qua nhiều lần anh khéo léo dỗ ngọt, vợ anh mới thổ lộ đôi điều:
- Chỉ một mình anh ấy mới chữa được bệnh cho em. Anh ấy biết cách chữa: đặt tay lên đầu em và nhìn chằm chặp hồi lâu, thế là hết đau đầu.
- Có nói gì không?
- Nói: "Julia bình tĩnh nào. Ngủ đi”. Thế là em ngủ luôn và lành hết bệnh.
Heinrich không moi thêm được gì hơn. Những tháng sau đó Julia vẫn kêu đau đầu dữ dội, khóc lóc suốt ngày, gầy tọp đi, luôn miệng thở than sẵp chết đến nơi. Nhưng hễ chồng vừa đi làm là cô tót ngay tới nhà viên bác sỹ bí ẩn, mang cho anh ta những món tiền khá lớn. Heinrich nhận ra mình đang bị cứa cổ ngày càng sâu thêm nên từ chối không đưa tiền cho vợ nữa. Julia bèn lấy cắp, bán thêm đồ nữ trang để cung phụng cho bác sỹ. Nhưng sức khỏe của cô ngày càng suy kiệt. Heinrich mấy lần bí mật bám theo nhưng lần nào cũng bị vợ phát hiện. Mới đi được chừng nửa đường cô ta đã quay về không đi tiếp nữa. Thế là bệnh cô ngày càng trầm trọng hơn, các cơn đau càng dữ dội hơn trước. Thương vợ Heinrich đành bỏ cuộc. Chỉ còn một cách duy nhất: tới báo cảnh sát nhờ can thiệp.
- Thưa, một người không rõ là ai. Từ gần bảy năm nay hắn chữa bệnh cho vợ tôi, nhưng tôi chưa hề biết mặt, biết tên, cũng chẳng rõ địa chỉ. Hắn đã lấy của vợ chồng tôi trên ba ngàn Mác…
Viên sỹ quan cảnh sát trực ban ghi lời khai, nhưng ông ta thấy nó kỳ cục. Heinrich phải trở về nhà lôi toàn thể họ hàng, láng giềng thân quen, lôi cả bác sỹ gia đình tới Sở cảnh sát làm chứng anh ta không điên, chuyện anh ta thưa kiện là có thật..v.v..
Cảnh sát Heidelberg lúng túng không biết nên mở cuộc điều tra như thế nào, xưa nay họ chưa hề gặp chuyện này. Chỉ biết đặt giả thuyết vụ này chắc có liên quan tới thuật thôi miên. Họ bèn nhờ giáo sư Mayer tiếp tay. Ông là giáo sư rất nổi tiếng, chuyên gia về khoa tâm thần kinh, một trong những vị thành thạo về khoa thôi miên hồi này còn rất hiếm ở Đức. Ngay sau lần khám bệnh đầu tiên, giáo sư khẳng định:
- Cô này đang trong trạng thái thôi miên rất sâu. Thủ phạm đang thôi miên Julia rất giỏi. Hắn dùng những khóa mật mã bằng từ ngữ để ngăn cản cô ấy nói ra những điều muốn giữ kín. Nếu ta không tìm ra chìa khóa thích hợp để giải mã thì không thể biết hắn sai Julia làm những việc gì. Suy nghĩ hồi lầu, giáo sư Mayer tiếp:
- Để tôi thử xem. Bằng cách tôi cũng thôi miên Julia. Phải rất kiên nhẫn, phải mất nhiều thì giờ mới mong thành công. Nhưng tôi hy vọng Julia là tuýp người rất nhạy cảm, nhạy cảm quá mức bình thường. Tôi lo tên kia đã bắt cô ấy làm nhiều chuyện nghiêm trọng. Tình hình thật đáng ngại.
Buổi thôi miên thứ nhất, Julia kể đôi điều với cảnh sát bằng giọng khó nhọc, đều đều, khác lạ:
- Tôi ngồi xe lửa. Đau đầu. Người đàn ông ngồi bên nói: "Tôi là bác sỹ thiên nhiên liệu pháp, tên là Berjen. Cô đang bệnh. Để tôi chữa giùm. Mang va-li giúp tôi. Cầm tay. Nhìn vào mắt tôi. Tôi mất hết ý chí. Hắn bảo: "Xung quanh cô tối den", tôi không nhìn thấy gì nữa, nhưng chân vẫn bước. Hắn đưa tôi vào một căn nhà, một cầu thang, hai lầu. Hắn đặt tay lên đầu tôi, nói: “Bình tĩnh"… và tôi không thấy gì nữa.
- Tả người đó coi.
- Không được, không nhìn thấy gì.
- Xóa hết mọi hình ảnh khác. Chỉ nghĩ về người đó. Hắn làm gì để cô khỏi đau đầu?
- Đặt tay trái lên ngực tôi, tay phải đưa lên đầu tôi xoa xoa rồi đưa dần xuống trước mặt tôi.
- Tiếp tục nghĩ về hắn, cô thấy gì?
- Ống chân trái có vết sẹo. Bận áo tắm màu trắng, thắt lưng xanh. Cao lớn.
- Tóc màu gì?
- Màu sáng.
- Mặt thế nào?
- Hàm phải có một răng vàng. Chỉ thấy thế, không thấy gì hơn. Cho tôi nghỉ…
Dần dần, mỗi buổi một ít, bằng cách ghép các từ với nhau, thu gọn các câu hỏi và sử dụng vô vàn kỹ thuật phức tạp tinh vi mà chỉ các nhà tâm thần học, thôi miên học mới nắm được, giáo sư Mayer mon men tới gần cái cơ chế đã kìm hãm ý thức của Julia. Cô tả thêm những nhân vật mới, những địa điẻm mới, những đồ đạc có hình thù, màu sắc. Đặc biệt có một phòng khách được tả tỉ mỉ đến mức cảnh sát căn cứ vào những đồ đạc trang trí trong phòng do Julia kể lại mà tìm đúng căn phòng đó, trong một khách sạn tại thành phố. Điều đã xảy ra trong phòng khách sạn này được Julia thuật lại qua những câu rời rạc đứt đoạn, trong tiếng khóc nức nở. Cô bưng hai tay che kín mặt, cô giãy giụa lăn lộn trên giường khám. Rõ ràng Julia đã bị ép phải hiến thân cho kẻ kia. Trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Thông thường người phụ nữ bị thôi miên không chịu vâng lệnh cởi bỏ váy áo. Nhưng Julia thì tuân lệnh. Cô là người dễ điều khiển, nhạy bén với thôi miên. Và gã kia là một tên cực kỳ nguy hiểm, trình độ rất cao.
Một hôm, cảnh sát vùng Speyer tình cờ bắt giữ tên Kanter, cựu nhân viên ngân hàng về tội mạo nhận là lương y để trấn lột vài trăm Mác của một bệnh nhân nhẹ dạ cả tin. Vì câu chuyện về Julia đang gây dư luận bàn tán sôi nổi khắp nước Đức, nên cảnh sát Speyer gửi tấm hình của Kanter tới Heidelberg. Cảnh sát Heidelberg đưa tấm hình cho Julia coi, cầu may vậy thôi, với hy vọng làm bật lên trong ý thức cô một chân dung rõ nét. Nhưng cô không nhận ra đó là ai. Chỉ thấy một mặt tối đen chùm lên bức hình. Cảnh sát giải Kanter tới tận nơi để đối chất với Julia. Hắn chối bay chối biến mọi chuyện.
- Không biết người phụ nữ này. Không tới Heidelberg. Không biết thôi miên là thứ gì…
Tuy cãi rất hăng nhưng thái độ lại lúng túng, không dám nhìn thẳng vào Julia. Cặp mắt hắn rất lạ: nhợt nhạt như của người khác cấy vào, như tự chúng đứng riêng một mình, không hề ăn nhập với khuôn mặt. Nhưng hắn có tất cả những đặc điểm mà nạn nhân đã mô tả: ống chân có vết sẹo, một cái răng vàng, mặc áo lót trắng, thắt lưng màu xanhv.v…
Nhưng hắn vẫn gân cổ chổi bai bải. Điều rất lạ là tuy Julia đứng ngay trước mặt nhưng cô không nhận ra hắn.
Cảnh sát thực sự bối rối. Cho dù đúng hắn là thủ phạm đi nữa, nhưng buộc tội hắn sao được? Căn cứ vào bằng chứng gì? Cuối cùng lại phải nhờ đến giáo sư Mayer mới giải nổi bài toán hóc búa này. Giáo sư phải bỏ ra một thời gian dài tìm tòi, suy luận, làm việc cật lực. Ông đã tìm ra được khóa mật mã đầu tiên: Flosila. Từ này tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng chính vì thế nên rất khó khám phá. Trong khi hỏi chuyện Julia, giáo sư nhận thấy thỉnh thoảng cô thốt ra những âm tiết lẻ tẻ, rời rạc, khó hiểu. Giáo sư ghép những âm tiết đó lại, thử nhiều lần, thay đổi thứ tự… cuối cùng mới nắm được chìa khóa giải mã. Sau Flosila, giáo sư Mayer tìm thêm được hai từ khác; Combarus và Filofi.
Khóa Flosila mở chiếc cửa cho Julia nói ra những quan hệ tình dục hỗn loạn mà cô buộc phải chấp thuận. Kanter chỉ cần nói "Flosila" là đủ khiến cho Julia chịu để hắn thỏa sức cưỡng bức. Với từ này hắn có thể làm điều đón mạt đó với bất cứ người phụ nữ nào bị hắn khống chế. Flosila đã biến cô gái nông thôn thùy mị nết na thành con người dâm dục trơ trẽn tột độ. Kanter còn nói:
- Filofi… Heinrich nó định giết em đấy… Em phải xuống tay trước mới ổn… Này, nó có súng không?
- Có.
- Để chỗ nào?
- Trong hộc bàn ngủ.
- Tối nay em lấy súng bỏ sẵn dưới gối. Chờ khi Heinrich ngủ say, em mở khóa an toàn, gí sát nòng súng vào thái duơng nó rồi xiết cò. Xong, đặt súng vào tay nó làm như nó tự sát. Em phải bắn, Julia. Anh ra lệnh cho em phải bắn Heinrich!
Julia đã làm đúng như lời dẫn dụ của tên phù thủy gian ác. Nhưng chồng cô không chết. Vì Heinrich đã cảnh giác tháo hết đạn trong súng, đem giấu kín từ khi nghe vợ nói nhiều tới chuyện tự sát. Mỗi lần ra lệnh, Kanter lại dùng một từ khóa thích hợp với từng loại hành động và dặn Julia: "Không được nói cho bất cứ ai biết tôi bảo cô làm gì. Cô không được nhớ gì hết. Chỉ khi nào tôi đập vào tay cô và bẻ ngón tay út cô mới nhớ lại và nói kết quả công việc đã làm với tôi". Công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư Mayer dày cộp, không thể trích hết trong bài này. Sau sáu tháng thử công phu, ông mới dựng lại được kiếp sống thứ hai của Julia với đủ ba lần mang thai rồi bị nạo thai mà vẫn không hề hay biết tý gì!
Tuy cực kỳ tài giỏi nhưng giáo sư Mayer vẫn không phanh phui hết mọi tình tiết của vụ án. Cuối cùng chính Julia đã tình cờ nhận ra tên Botmor chủ cửa hàng thịt heo, kẻ đã trả một giá cắt cổ cho Kanter để thuê cô một đêm. Sau phiên tòa kéo dài ba tuần, tòa án Heidelberg tuyên phạt Kanter với hình phạt cao nhất vì phạm tội lừa đảo, phá hoại thuần phong mỹ tục, gây thương tật cho nạn nhân. Bọn đồng phạm cũng bị trừng trị thích đáng. Julia dần dần hồi phục. Cô trở lại cuộc sống bình thường sau bảy năm sống đồng thời hai kiếp sống dưới luồng mắt, lời dẫn dụ và bàn tay ma quái của phù thủy Kanter.
Vụ án 14: Những Vụ Tống Tiền Khó Hiểu
Truyện ngắn Ý.
Tối mùng 10 tháng sáu năm 1960, ông chủ trại giầu có Giorogio Canetto ở thị trấn Marazini trên đảo Sicile vừa dùng xong bữa tối cùng với vợ và con trai thì có tiếng đập cửa dồn dập. Cậu con đứng lên, trước khi ra mở cửa chính, cậu tới ngó qua cửa sổ coi thử vị khách nào tới nhà vào lúc trời tối này... Cậu trở lại bên bố:
- Bố ơi, có vị tu sĩ dòng Thánh Françoise!
Giorgio ngạc nhiên, đứng lên ra mở cửa. Người tu sĩ này muốn gì mà tới đây khi đêm đang xuống?
Người vừa hiện ra trên bục của choàng chiếc áo dài nâu sồng bằng vải len thô, chiếc mũ trùm nhọn đầu sụp tận mặt. Tuy thế, Giorgio vẫn nhận ra đây là cha Vicenzo, bề trên trong nhà thờ gần Marazini. Cha lật mũ, để lộ khuôn mặt nghiêm nghị dưới mái tóc trắng phau.
- Ông Giorgio này, tôi tới đây vì một công việc… tế nhị. Yêu cầu ông đưa tôi một số tiền… một số tiền lớn: 2 triệu lia.
Giorgio há hốc mồm kinh ngạc, lát sau mới cười ồ lên.
- Thì ra là cha… Cha quyên tiền kiểu gì lạ vậy? Nét mặt tu sĩ sa sầm:
- Đâu phải cho nhà thờ, mà cho… xã hội đáng kính. Họ tới kiếm Antonio Bronzini, anh làm vườn cho nhà thờ, bảo rằng các tu sĩ phải làm trung gian thu tiền của con chiên trong vùng, nếu không tu viện sẽ bị đốt cháy và tất cả các tu sĩ sẽ bị giết chết. Thoạt tiên cha đâu có tin, nhưng chỉ ba ngày sau đó, cha Beppino bị một phát đạn. Các cha chẳng còn cách nào khác, đành tuân theo họ. Họ bắt cha phải tới kiếm ông để lấy số tiền này.
Giorgio phản ứng quyết liệt:
- Chuyện này không liên quan gì tới con. Cha đi báo cảnh sát mới đúng. Vị tu sĩ buồn bã lắc đầu.
- Ông thừa biết thế là không thể được.
Đúng, Giorgio biết rõ như vậy. Ngay chuyện gọi đích danh chúng là mafia còn chẳng dám, cứ phải gọi trệch đi là "xã hội đáng kính”, huống hồ đi báo cảnh sát. Có mà chết đầu nước! Chủ trại quyết định chấm dứt câu chuyện.
- Con rất tiếc, thưa cha. Xưa nay con chưa bao giờ lùi bước trước những lời hù dạo. Vả lại, có lẽ không có gì nghiêm trọng đâu. Họ chỉ thử làm cha hoảng thôi. Cha hãy làm như con: không chịu và rồi đâu vào đấy.
Tu sĩ biết nói nữa cũng vô ích. Đành thở dài, trùm mũ lên rồi đi thẳng…
Cha Vicenzo đi giữa bóng đêm, lưng còng xuống như đeo một gánh nặng vô hình. Những điều cha vừa nói với người chủ trại giầu có là sự thực trăm phần trăm. Cách đây một tuần, Antonio Bronzini đã tới gặp cha. Anh ta ba mươi tuổi, rất tốt, hoàn toàn mù chữ. Bố mẹ chết hết trong chiến tranh, anh được tu viện mang về, trở thành người làm vườn cho tập thể. Tận tụy với công việc, sống độc thân trong căn nhà nhỏ gần tu viện. Cha Vicenzo rất thương, coi gần như con đẻ. Thành ra khi nghe Antonio báo tin, cha thực sự choáng váng.
- Thưa cha, bữa qua có hai ông tới kiếm con. Họ tự giới thiệu là người của xã hội đáng kính. Và bảo: "Này Antonio, mày tới bảo cha Vicenzo rằng từ nay các tu sĩ của viện Marazini phải quyên tiền cho bọn tao. Các tu sĩ đưa tiền cho mày, bọn tao sẽ tới nhận. Nếu các tu sĩ không chịu, tụi tao sẽ đốt cháy tu viện và giết mày".
Antonio kể lại như vậy, mặt cắt không còn giọt máu. Cha Vicenzo thì bực, cho là có những kẻ đùa dai với anh chàng chất phác này. Cha cố trấn an Antonio, nhưng ba ngày sau xảy ra vụ cha Beppino bị bắn trúng lưng trên đường đi cầu nguyện. Viên đạn chỉ sượt qua da, tuy kẻ nổ súng ở vị trí rất thuận tiện có thể dễ dàng bắn hạ cha nếu nó muốn. Rõ ràng đây chỉ là đòn cảnh cáo. Chính Antonio Bronzini xác nhận ngay sáng bữa sau:
- Hai ông đó bữa qua vừa trở lại, bảo: "Tụi tao chỉ xin cha Beppino tí tiết thôi. Lần sau sẽ cho đi đứt luôn”. Họ cho biết tên người đứng đầu danh sách: Giorgio Canetto, số tiền: 2 triệu lia.
Đó là những sự kiện làm cuộc sống trong tu viện đảo lộn. Bọn Mafia liều lĩnh và trắng trọn tới mức dám biến cả một tập thể tu sĩ thành những kẻ tống tiền… Về tới tu viện, cha Vicenzo báo cho Antonio biết cha trở về tay không. Anh chàng khốn khổ hết sức lo sợ, khóc nức nở và lạy van:
- Cha ơi, chúng sẽ giết con mất thôi! Chúng có những con dao to đùng, cả súng nữa. Xin cha quay lại gặp ngài Canetto lần nữa. Nhân danh Đức Mẹ Nhân từ!
Giorgio Canetto không coi cuộc viếng thăm bữa đó của cha Vicenzo là chuyện nghiêm túc. Sáng sau, ông đi kể cho cả làng nghe. Và chế nhạo cái cách các tu sĩ dòng Thánh Françoise quyên góp… Nhưng dân làng không ai dám cười. Khi dính dáng tới Mafia thì đứng có đùa, rất có thể xảy ra những chuyện tày đình. Ngay tối đó cha Vicenzo trở lại gặp chủ trại Giorgio. Lần này, chủ trại chẳng thèm mở cửa, chỉ nói qua cửa sổ:
- Tôi đã nói không là không. Cha không hiểu à?
Tu sĩ cố nài:
- Chúng sẽ giết Antonio! Giết ông!
Chủ trại không phải loại người thích tranh cãi. Ông ta cố nghĩ một câu trả lời quyết định, hét thẳng vào mặt tu sĩ già:
- Đi với ma quỷ cho rồi!
Cha Vicenzo trùm mũ che mặt, nói bằng giọng khàn khàn:
- Chúa phù hộ cho con, Giorgio…
7 giờ tối hôm sau, những tá điền làm thuê ăn công thấy Giorgio nằm thõng thượt, mắt trợn ngược trên rìa con đường dẫn tới đồi trồng nho. Trên ngực có hai vết đạn… Sự kiện gây hoảng loạn khắp làng. Không ai còn nghi ngờ gì nữa, tất cả đều biết mình phải giữ mồm giữ miệng: Không thể tính chuyện đi báo cảnh sát. Coi như Giorgio bị tử thương trong “tai nạn săn bắn”. Khá đông dân làng đi trong đám tang chủ trại, nhưng không ai nói với ai một câu, thậm chí không dám nhìn mặt nhau. Tên sát nhân có thể trà trộn đâu đây… Làng Marazini chìm trong khiếp sợ, trong thời gian khá dài…
Bữa sau khi mai táng Giorgio, dân làng thấy tu sĩ già dòng Thánh Françoise đi về phía ngôi nhà Giorgio Canetto, mũ trùm kín mặt. Mọi người đoán biết cha mang tới đây thông điệp gì. Cái chết của người chồng không thay đổi tình thế: cha tới đòi góa phụ nộp tiền. Quả nhiên, cha Vicenzo rầu rĩ bảo Carmela Canetto:
- Bữa qua chúng lại tới gặp Antonio. Bảo nếu con không giao nộp 2 triệu lia, nạn nhân thứ hai phải trả giá sẽ là con trai của con…
Camela đã biết thế từ trước. Bà chuẩn bị đủ số tiền gói trong mảnh vải. Bà đưa cho tu sĩ… Người làng Marazini đã nộp khoản tiền chuộc mạng đầu tiên. Cỗ máy đã khởi động. Ngày 18 tháng Sáu năm 1960. Trời vừa chạng vạng tối, một bóng người choàng áo len vải thô đi qua làng, dừng lại trước ngôi nhà bề thế. Nhà của dược sĩ Bartolo Cordl, giầu thứ nhì trong vùng, chỉ thua nhà Giorgio. Cha Vicenzo gõ cửa, vào nhà… Dược sĩ sống một mình trong ngôi nhà mênh mông. Ông góa vợ từ nhiều năm nay. Tu sĩ đi ngay vào việc.
- Con chắc biết cha tới có chuyện gì chứ?
Bartolo biết. Và không coi đây là chuyện có thể coi thường. Mồ hôi chảy đầm đìa trên bộ mặt xám ngoét chứng tỏ như vậy. Khốn nỗi, bản tính con người này rất keo kiệt… Cha Vicenzo nói tiếp:
- Chúng ấn định số tiền là 2 triệu.
Con số làm dược sĩ nhăn mặt đau xót. Ông la lên:
- Không có đâu! Nếu có, con sẵng sàng nộp cho chúng, nhưng đào đâu ra bây giờ!
Tu sĩ cố thuyết phục:
- Cha biết con có đủ mà. Đủ 2 triệu lia. Đừng chống cự vô ích. Chúng dám làm mọi chuyện, không biết ghê tay là gì. Hãy nghĩ tới Giorgio.
- Không có! Nhờ cha nhắn lại cho chúng.
- Thôi được, cha sẽ nhắn. Cha cầu nguyện cho con.
Đêm hôm sau, cả làng Marazini choàng dậy: cửa hàng dược bốc cháy… Khi lính cứu hỏa tới thì đã muộn. Ngọn lửa hung hãn từ những can xăng phụt ra hết sức dữ dội, chẳng mấy chốc cơ ngơi nhà Bartolo biến thành tro. Ngay bữa đó, đêm vừa buông xuống, đúng giờ đã thành lệ, mọi người lại thấy bóng đen khoác áo chùng đội mũ trùm đầu tới gõ cửa nhà Bartolo. Như trường hợp đã xảy ra với Giorgio, đòn trừng phạt không thay thế khoản tiền phải cống nộp. Mafia vẫn đòi bằng đủ. Người mở cửa cho tu sĩ gần như kiệt sức.
- Con mất hết rồi cha ơi. Nhưng phải cố giữ mạng sống… Ông ta đưa một bọc tròn gói giấy.
- Con cất được ít vàng. Chỗ này vừa đủ 2 triệu lia. Đáng lẽ nghe cha từ bữa qua. Giờ đây chẳng còn hy vọng gì nữa.
Hỏa hoạn tại hiệu dược phẩm Bartolo như trái bom nổ giữa Marazini. Cả làng kinh khiếp tột độ, không nghĩ tới gì khác được nữa, chỉ nơm nớp chờ xem tu sĩ sẽ gõ cửa nhà ai. Lúc này, càng không một ai nghĩ tới việc báo cảnh sát. Các tu sĩ trở lại làng. Bây giờ không chỉ một mình Vicenzo như trước, nhiều tu sĩ khác cũng phải nhận làm trung gian cho bọn Mafia, mỗi tuần hai hoặc ba lần vào làng lúc trời tối. Dân làng Marazini vừa thấy mặt trời lặn là nín thở, chờ các tu sĩ tới "quyên góp" như Giorgio bất hạnh đã gọi hành động tống tiền như vậy.
Nhiều tuần lễ trôi qua, bóng đen choàng áo vải thô lần lượt gõ cửa các nhà, bất kể giàu nghèo. Không một ai được miễn, tất cả dân làng lần lượt bị tống tiền. Bọn Mafia tỏ ra nắm rất chắc khả năng từng nhà, chúng ấn định số tiền phải nộp theo tỷ lệ gia sản từng hộ. Những nhà nghèo nhất chỉ phải nộp khoảng vài ngàn lia. Càng ngày Marazini càng chìm sâu vào ác mộng. Cuộc sống hàng ngày bị lệ quyên góp chi phối hoàn toàn, mọi sinh hoạt đều xoay quanh cái trục quái ác đó. Đêm đêm, đàn ông cũng như đàn bà con trẻ đều mơ thấy toàn tu sĩ đen đúa trùm mũ kín mít. Những cha đạo hiền hậu, được cả vùng yêu mến đã bị Mafia biến thành tu sĩ ma quỷ.
Ngày 8 tháng Tám năm 1960. Một tu sĩ cầm trên tay vài tờ 10.000 lia ra khỏi nhà người vừa bị tống tiền bước ra. Căn nhà xoàng xĩnh của Bernardo Stoppia, nhân viên gác rừng. Anh đóng cửa đăm chiêu suy nghĩ. Và quyết định. Anh chán ngấy đến tận cổ tình hình này. Dân làng quá nhu nhược không dám đứng lên tự bảo vệ, anh sẽ bảo vệ họ. Anh còn trẻ, chưa vợ con, đây là việc củâ anh. Anh sẽ một mình cáng đáng hết. Biết là nguy hiểm lắm, nhưng chúng không dễ gì lột được da anh mà không trả giá đắt: anh là tay thiện xạ trong vùng. Bernardo tính toán suốt đem, đến sáng thì kế hoạch hành động đã hình thành. Cũng như mọi người trong làng, anh biết các tu sĩ không trực tiếp gặp Mafia. Bọn này chỉ tiếp xúc với Antonio, người làm vườn cho tu viện. Các tu sĩ giao tiền cho anh ta, Mafia sẽ tới nhà anh thu tiền. Vậy thì Bernardo sẽ theo dõi Antonio và từ đây lần ra đường dây Mafia.
Thời khóa biểu hàng ngày của Antonio rất dễ theo dõi: sáng nào cũng ra khỏi nhà lúc 6 giờ để tới tu viện, 7 giờ tối trở về nhà. Đường đi không xa quá 300 mét. Ngoài ra, anh làm vườn rất ít giao du, gần như chưa lần nào vào làng. Một anh chàng có vẻ chất phác, coi mảnh vườn rau là cả thế giới rồi… Tối 9 tháng Tám, Bernardo phục trước tu viện. 7 giờ, thấy rõ Antonio đi ra và về thẳng nhà. Ngay phía đối diện có căn nhà đổ, dùng làm đài quan sát rất tốt. Bernardo vào nấp sau khung cửa sổ, đặt súng trước mặt…
Đêm xuống. Anh hồi hộp chờ những bóng đen xuất hiện, nhưng không thấy gì. Trời gần sáng, anh gác rừng trở về nhà. Trong mười lăm ngày tiếp theo. Bernardo không rời mắt khỏi anh làm vườn nhưng không kết quả. Mafia đánh hơi thấy rồi chăng? Nhưng chúng vẫn quyên góp đều đều như trước. Gần như mỗi tối lại có một tu sĩ đến tống tiền ai đó trong làng. Tiền vẫn giao cho Antonio như thường lệ. Mafia đợi gì mà không tới lấy?
Ngày 24 tháng Tám năm 1960. Như mọi bữa, anh gác rừng bám sát Antonio. Đang đi trước Bernardo mấy mét, bất thình lình Antonio quay lại. Bernardo không kịp lẩn tránh.
- Tớ biết cậu bám đuôi từ mấy bữa nay - Anh làm vườn nói - Xéo ngay! Còn lảng vảng ở đây, chúng sẽ giết cả cậu và tớ luôn.
- Chúng là ai? Tớ chẳng thấy có người nào tới đây.
Antonio vung tay:
- Chúng ở khắp nơi, nhưng làm sao cậu thấy được. Đi ngay, đừng để bị biến thành thây ma.
Anh gác rừng không hỏi nữa, bỏ đi thẳng, biết mình sẽ phải làm gì… Mãi khi chỉ còn cách đồn cảnh sát Marazini chừng 500 mét anh mới nhận ra mình đã phạm sai lầm: Phải chạy thật lẹ lên, thay vì đi từ tốn như thế này. Anh cắm đầu lấy đà lao lên, và đúng lúc vửa tới cửa đồn thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Bernardo thấy lưng bị đập rất mạnh, anh ngã vật xuống… Khi tỉnh lại, Bernardo nhận ra mình đang nằm dưới nền đồn cảnh sát. Một bác sĩ đang khám vết thương, trung úy chỉ huy đồn cũng có mặt. Trung úy nói nhẹ nhàng:
- Vết thương không nặng, sẽ qua khỏi thôi. Đừng sợ, chúng tôi sẽ bảo vệ anh khỏi tay Mafia. Lâu nay chúng tôi chưa hành động vì không ai khiếu kiện gì, nhưng giờ đây đã khác rồi.
Anh gác rừng thấy mình đang kiệt sức. Phải nói ngay những gì mình biết, nếu không sẽ muộn mất. Cố thu hết nghị lực còn lại, anh thều thào:
- Không phải Mafia… thằng Antonio Bronzini là chủ mưu… Vừa nãy, nó biết tôi đã phát hiện ra nên bám đuôi tôi… Nó bắn tôi, trước đây nó đã bắn chết Giorgio và đốt nhà thuốc. Bắt lấy nó!
Nói vừa dứt, Bernardo xỉu luôn. Trên đường chạy tới nhà gã làm vườn của tu viện, cảnh sát hết sức ngạc nhiên. Antonio mù chữ, dáng vẻ thật thà, chăm chỉ, mà lại là tác giả của kế hoạc kỳ quái này sao? Một kế hoạch bịt mắt cả một tu viện, cả một làng trong nhiều tháng ròng! Một gã trông hiền lành thế, mà lại giết người không ghê tay. Khi tới nơi, cảnh sát thấy nhà Antonio trống trơn. Hắn đã bỏ trốn, mang theo vài thứ lặt vặt. Không làm được gì hơn, cảnh sát đành báo động cho tất cả các đồn trên toàn đảo Sicile, nói rõ hung thủ rất nguy hiểm. Một lần nữa, nhà chức trách lại đánh giá thấp Antonio Bronzini. Họ tưởng thằng cha đần độn chưa một lần thò mặt ra khỏi làng phen này chỉ lẩn quất đâu đó trên đảo. Thế nhưng cuối cùng người ta tóm được gáy hung thủ ở tận Bergame, miền cực bắc nước Ý. Nó định tậu một căn nhà để ẩn náu tới ngày xuống lỗ. Công chứng viên thấy gã nông dân mù chữ mà lại có trong tay những 15 triệu lia tiền mặt bèn mật báo cảnh sát… Khi tra tay vào còng số 8, Antonio gật đầu thú tội. Và nói:
- Ngày mai, tôi sẽ khai hết.
Sáng hôm sau, cảnh sát thấy nó đã treo cổ lên cửa sổ xà lim tạm giam. Thành thử không ai biết tại sao và bằng cách nào nó nẩy ra ý thực hiện một vụ được coi là kỳ lạ nhất trong lịch sử hình sự của đảo Sicile. Được xếp hạng số một ở nơi xảy ra không ít vụ án li kỳ, kế hoạch tống tiền của Antonio Bronzini quả là vô tiền khoáng hậu!
Vụ án 15: Người Bán Xà Bông
Truyện ngắn Nga.
Ngày 16 tháng Mười một năm 1913, Anna Firsova nữ chủ nhân ngôi nhà cho thuê trên đường Letchourov thành phố Saint Pétersbourg tới đồn cảnh sát phường. Người tiếp bà ta, trung úy Boris Yarochenko không hề ngạc nhiên khi thấy Anna. Ngôi nhà khá tồi tàn của bà thường do những người không mấy tử tế thuê mướn làm nơi trú chân. Bà đã tam tứ phen tới đồn trình báo về những kẻ nghi là bất lương hoặc phản loạn chống chế độ Sa hoàng. Đặc biệt hôm nay bà Anna tỏ vẻ rất lo lắng.
- Hắn mướn phòng số 11 từ hai tháng nay. Xưng tên là Muller, quốc tịch Đức, nhưng chắc là người Nga… Bốn ngày nay không thấy thò mặt ra ngoài, nhưng tôi biết chắc hắn có ở trong phòng. Nhiều lần tôi thử mở cửa, nhưng cửa khóa trái.
Trung úy Boris dẫn hai cảnh sát tới ngay đường Letchourov. Đúng là cửa phòng 11 khóa từ bên trong. Không có cách nào khác, phải phá cửa…
Vừa thò mũi vào, các cảnh sát viên đã bị một mùi kinh tởm xộc lên tận óc, trước mắt hiện ra cảnh tượng hãi hùng: trên chiếc giường dơ dáy, nằm thõng thượt cái xác đồ sộ nhưng cụt đầu của một người đàn ông bận comple. Lát sau, một cảnh sát nhìn thấy trong lò bếp cái đầu cháy thành than. Ngoài ra không có dấu vết gì: không giấy tờ tùy thân, không tư trang, không quần áo nào khác ngoài bộ trên thi thể nạn nhân. Rõ ràng hung thủ đã dọn kỹ trước khi tẩu thoát. Và chuồn qua cửa sổ, tụt theo máng xối, nên phòng vẫn khóa trái.
Trung úy Boris biết mình bị vướng vào một vụ khó gỡ. Theo thói quen nhà nghề, anh nhìn chiếc veston của nạn nhân. Biết đâu đấy, có thể hung thủ quên không gỡ bỏ nhãn hiệu tiệm may. Chuyện này thường hay xảy ra. Quả nhiên như thế thật. Trung úy Boris đọc trên túi áo trong dòng chữ: "Nikitine, thợ may. Saint Pétersbourg". Trung úy tìm địa chỉ trong sổ rồi lao tới. Nikitine là một ông già, mắt rất tinh tường nhanh nhẹn. Vừa trông thấy chiếc veston trung úy đưa ra, ông già nói ngay:
- Tôi mới làm cách đây hai tháng thôi. Chờ tôi coi sổ nghe!
Trong khi bác thợ may lúi húi tra sổ, trung úy Boris cầu trời ông ta đừng tìm phải cái tên Muller, rõ ràng đây là tên giả…
Nhưng một lần nữa, may mắn lại mỉm cười với trung úy. BácNikitine trở ra, chìa cuốn sổ:
- Đây rồi, trung úy. Người may bộ đồ này tên Vladimir Yakov, buôn bán xà bông ở Saint Pétersbourg.
Trung úy phấn khởi rời tiệm may. Sau có vài giờ, cuộc điều tra của anh tiến triển như đi hia bảy dặm. Bây giờ là lúc tìm hiểu kỹ về Yakov, tính cách nhân vật này có khi giúp tìm ra hung thủ. Và lần thứ ba này, may mắn lại thuọc về trung úy. Gã Yakov, ba mươi tuổi có tên trong sổ đen của cảnh sát. Hắn đã có tiền án về tội trộm cắp và hành vi trái đạo đức với thanh niên. Hồ sơ có hình nhưng tiếc rằng không có vân tay. Vì hồi lập hồ sơ, chưa có quy tắc phải lấy vân tay. Hôm sau, trung úy Yarochenko nhận được biên bản của bác sỹ pháp y, xác nhận các ý tưởng của anh: nạn nhân khoảng ba mươi, không có dấu vết gì đặc biệt ngoài chiếc sẹo nhỏ bên đùi trái…
Trung úy triệu bà Valentina Yakov, mẹ người bán xà bông tới văn phòng. Bà mặc đồ đen gần như ngã phịch xuống ghế, rút khăn chấm chấm hai mắt. Trung úy muốn tránh cho bà khỏi cơn thử thách quá nặng nề: tới nhà xác để nhận mặt cái xác không đầu. Vả lại, bà già làm sao nhận ra nổi?
Anh hỏi:
- Theo bà, con trai bà có dấu vết gì đặc biệt không?
Bà Yakov không chần chừ:
- Có, một vết sẹo trên đùi trái. Tự gây ra từ hồi nhỏ xíu.
Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa. Trung úy Yarochenko ngỏ lời chia buồn cùng bà mẹ khốn khổ. Định hỏi vài câu, nhưng lại thôi, để sau sẽ hỏi. Việc khó khăn nhất đã làm xong, nếu vận may vẫn còn chắc sẽ gỡ ra hết trong thời gian ngắn. Nhưng trung úy không ngờ tới những chuyện sẽ xảy ra tiếp. Cho tới giờ, anh toàn gặp may, ít ra là có vẻ may. Từ lúc này trở đi, anh sẽ gặp hết bất ngờ này tới ngạc nhiên khác…
Đầu tiên là cuộc viếng thăm của Mikhail Golovine ngay sáng hôm sau. Mikhail Golovine nhỏ thó, dáng vẻ tầm thường. Trung úy tiếp ông tại văn phòng sau khi biết ông định nói về vụ Yakov. Ông mở đầu với giọng nhỏ nhẹ:
- Thưa trung úy, tôi tới để hỏi xem có thể xin một văn bản chính thức chứng nhận nạn nhân đúng là Vladimir Yakov?
Boris tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tôi tin chắc như vậy. Sao ông lại hỏi thế?
Mikhail Golovine vẫn nhỏ nhẹ:
- Tôi là đại điện công ty bảo hiểm “Phượng Hoàng". Ông thấy đấy, chúng tôi phải có chứng thực đó mới chi tiền. Số tiền rất lớn.
Trung úy cảm thấy công trình anh xây tưởng là chắc chắn hóa ra lại có vết nứt.
- Số tiền lớn lắm à?
- Phải. Cách đây ba tháng, ông Yakov đăng ký bảo hiểm nhân thọ 250.000 rúp, nhân đôi nếu bị chết bất đắc kỳ tử, nghĩa là 500.000 rúp. Người thụ hưởng là bà mẹ, tên Valentina Yakov. Đầu óc trung úy rối tung. Phải chăng sự thật lại phức tạp, lại khủng khiếp hơn anh tưởng đến vậy sao?
Nạn nhân không phải là người anh đã phát hiện sao?
Những tình cờ mà anh cho là vận may: nhãn hiệu trên áo veston, tên người ghi trong sổ…chẳng lẽ chỉ là những dấu vết ngụy tạo đề đánh lạc hướng?
Nếu vậy, Yakov không phải là nạn nhân đáng thương mà lại là hung thủ đáng trừng trị… Có lẽ vì vậy nên hung thủ phải chặt đầu nạn nhân và thiêu cháy để phi tang…
Nhưng bà già Yakov nói trên đùi trái có vết sẹo. Một ý nghĩ khủng khiếp thoáng hiện trong đầu viên trung úy.
Không! Đời nào bà ta bịa chuyện để lĩnh 500.000 rúp! Người mẹ khóc thương con thảm thiết như vậy chắc không đang tâm giết con. Nếu thế thì thật quái gở. Nhưng trên đời này vẫn có những quái vật đấy chứ!…
Dù sao, ngay lúc này trung úy chưa thể nói gì với đại diện công ty bảo hiểm, chỉ tuyên bố ngắn gọn: cuộc điều tra đang tiếp tục. Đang tiếp tục, hay đang bắt đầu từ con số không thì đúng hơn. Boris thấy cần hỏi Valentina đôi điều…
Bà già ngụ trong căn nhà nhỏ ven đô Saint Pétersbourg. Từ xa, trung úy thấy bà ngồi trên bực cửa. Tự nhiên không hiểu vì sao, anh rón rén nấp sau hàng rào tiến tới gần. Khi biết đã có thể nhìn được rõ, anh dướn người lên đảo mắt và thấy tim giật thót: bà mẹ tội nghiệp vừa tủm tỉm cười. Phải, cười với vẻ khoái trá…
Đúng lúc đó thì phát hiện ra Boris, bà già giật mình, rút vội chiếc khăn trong túi. Khi Boris tới bên, mặt bà già đã đầm đìa nước mắt. Bà hỏi trung úy bằng giọng của người hấp hối:
- Trung úy đã tìm ra hung thủ rồi chứ?
Boris đáp với giọng cục cằn ngoài ý muốn:
- Chưa. Kể tôi nghe về bạn bè của con bà!
Valentina khó nhọc kể:
- Vladimir kín lắm. Ít chuyện trò với mẹ. Tôi chỉ biết nó thường hay lui tới một phòng tắm hơi kiểu Phần Lan ngay gần nhà nó và kết bạn ở đó…
Trung úy không khai thác được gì hơn, bỏ về. Trong bụng cảm thấy nhẹ nhõm: hướng điều tra phải thay đổi, Valentina đúng là con quái vật đã giết hoặc có thể đã thuê giết con trai để lĩnh tiền bảo hiểm. Giờ đây, anh phải tìm ra kẻ đã thực thi vụ án mạng ghê tởm này, mụ già Valentina rõ ràng không thể tự tay hành quyết thằng con. Sự tàn nhẫn quái vật dù sao cũng có giới hạn.
Chủ phòng tắm hơi tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi cảnh sát tới.
- Cơ sở này rất đàng hoàng. Khách của tôi toàn những vị đáng kính trọng.
Trung úy liếc mắt nhìn qua cơ ngơi tồi tàn, không như chủ nó vừa vỗ ngực khoe. Nhưng anh không quan tâm chuyện này.
- Kể tôi nghe về Yakov. Ông biết người đó chứ?
Giám đốc phòng tắm hơi mỉm cười cáo lỗi:
- Ông ta là khách hàng thật, nhưng tôi khó lòng cung cấp được gì nhiều về ông ấy… Ông Brodski may ra có thể. Hai người thường cùng tới đây một lúc. Mà hình như ông ta hiện đang ở đây.
Vài phút sau, trung úy Boris gặp Brodski, chừng ba mươi tuổi, rất to con.
- Vâng, tôi vẫn còn nhớ. Cách nay ba tháng chúng tôi gặp nhau tại đây. Kết bạn với nhau cho tới bữa tôi nổi giận. Vừa tắm xong, Yakov nhìn tôi bằng cặp mắt rất kỳ, rồi bảo: "Hay thật kìa, thân hình hai chúng mình sao giống nhau như đúc thế này. Nếu chặt cụt đầu, chắc không thể phân biệt nổi”. - Brodski lúng túng nói tiếp - Tôi nghĩ,,, Yakov có những ý tưởng không lành mạnh, hơn nữa, có vẻ thuộc vào loại…Tôi bảo anh ta đừng bắt chuyện với tôi nữa, và sau đó hình như anh ta không quay lại đây nữa thì phải…
Giám đốc phòng tắm có vẻ choáng váng khi nghe về vụ đồi phong bại tục xảy ra ngay trong cơ sở của ông ta:
- Xin cam đoan với trung úy đây là lần đầu tiên tôi nghe có chuyện như vậy…
Boris bực mình dẹp ngay thói ba hoa của ông chủ. Một lần nữa, phải làm lại từ đâu. Như vậy Yakov không phải là nạn nhân một gã đâm thuê giết mướn do mẹ hắn trả công. Chính hắn đã xuống tay, chính hắn là tên sát nhân quái vật, nó đã rắp tâm bỏ ra nhiều tháng để kiếm ra người có thân hình giống hệt nó.
- Tuy vẫn có một chi tiết đáng ngờ: chiếc sẹo trên đùi trái. Khó có thể tin có sự trùng hợp kỳ lạ đó. Vậy xác chết không đầu trên đường Letchourov là ai? Là Yakov hay là nạn nhân của Yakov?
Trung úy Boris chưa tìm được lời giải thì vài ngày sau có một bà già tới xin gặp. Olga Larionova, trạc độ ngũ tuần, khá mau mồm miệng:
- Thưa trung úy, tôi rất lo. Về thằng cháu Ivan Laronov, mồ côi bố mẹ. Tôi là dì nó, góa chồng, là người thân độc nhất của nó. Tôi cư ngụ tại Matxcova. Ở Thủ đô đầy rẫy người ngoại quốc, mà thằng Ivan nhà tôi lại quá tin họ.
Trung úy cố gắng sắp xếp trật tự cho mớ ngôn từ đang cuồn cuộn tuôn ra:
- Khoan đã, cháu bà bao nhiêu tuổi?
- Hăm tám, thưa trung úy.
- Bà gặp lần mới nhất hồi nào?
- Cách đây ba tháng. Cháu tôi nói đi Saint Pétersbourg rồi bặt tin luôn… Tôi lo xa quá. Mà lại nhận được lá thư này nữa, càng lo dữ…
- Thư gì, thưa bà?
Bà khách rút trong xắc tay chiếc bì thư dán tem dày đặc:
- Thư tới đúng ngày tôi rời khỏi Matxcova. Gửi đi từ Paris. Viết về khoản tiền gì vậy?
Trung úy không đáp, mở ra đọc: “Thưa dì kính mến, Cháu tới Paris nhận món tài sản được thừa kế do bố cháu gửi ngân hàng, như dì đã biết. Để cháu được nhận quyền sở hữu hợp pháp, mong dì vui lòng cho cháu một bản trích lý lịch kèm một bản sao tờ di chúc của bố cháu. Cháu yêu của dì. Ivan" Trung úy Boris đăm chiêu suy nghĩ.
- Bà nhận đúng là chữ cháu bà chứ?
Olga vội đáp:
- Kể ra thì cũng giông giống. Nhưng nó không bao giờ nói với tôi "Cháu yêu của dì"… Mấy lại cần gì phải viết "Như dì đã biết"? Dĩ nhiên tôi phải biết rõ ông anh tôi qua đời ở Paris…
Trung úy thấy chỉ còn một câu hỏi:
- Bà có thấy cháu bà có vết sẹo trên đùi trái không?
Bà Olga Larionova không do dự:
- Có. Hồi bảy tuổi nó bị thủng đùi khi trèo cây. Trung úy Boris thở dài:
- Tôi rất buồn, thưa bà. E rằng cháu bà không còn sống trên đời này nữa…
Gương mặt bà Olga như chàm đổ. Giọng nghẹn ngào:
- Phải bắt tên giết người.
Boris rắn rỏi đáp:
- Vâng. Mong bà sẽ tiếp tay. Bà gửi ngay tới Paris những giấy tờ nó đòi. Mọi việc để tôi lo. Trung úy tức tốc đi gặp các sếp. Các quan chức Bộ Nội vụ thấy ngay tầm quan trọng của vụ án. Họ liên lạc ngay với các quan chức Pháp và nhận được lời cam kết cộng tác. Trung úy Boris Yarochenko được cử sang Paris theo dõi cuộc điều tra…
Olga gửi mọi giấy tờ sang Paris theo cách lưu ký, đúng như kế hoạch của trung úy. Vì vậy, Boris cùng các đồng nghiệp người Pháp bí mật phục trước phòng bưu điện trung tâm trên đường Louvre. Anh có trong tay tấm hình Vladimir Yakov…
Họ chờ ba ngày ròng rã…
Cuối cùng, gã bán xà bông thành Saint Pétersbourg xuất hiện. Nhắm loại trừ mọi vấn đề có thể còn tồn tại, trung úy Boris chờ tới lúc nó đến cửa ghise nhận lá thư vào tay mới tới tóm cổ. Nó phản đối quyết liệt:
- Tôi là Ivan Laronov. Ông muốn gì?
Lúc trông thấy tấm hình trên tay trung úy, nó biết mình thua rồi. Mấy phút sau Vladimir Yakov khai trong đồn cảnh sát trên đường Louvre:
- Tôi cần tiền. Nghĩ ra cách giết ai đó nhưng giả làm như người bị giết là tôi. Trước đó tôi đăng ký bảo hiểm để bà già lĩnh. Lần thứ nhất. định thử với thằng cha gặp tại phòng tắm hơi nhưng nó tỏ vẻ đề phòng. Sau đó tôi gặp Ivan Laronov trong quán café. Tôi thấy ngay nó rất ngây ngô, nhất là lại giống tôi y hệt về thân hình. Yakov ngưng một lát trước khi tả lại lúc nó xuống tay giết Ivan.
- Một buổi chiều, tôi đổ votka cho nó uống trong phòng tôi. Sau một giờ nó xỉn như chết, vì không biết uống rượu. Tôi cứa cổ, rồi…
Hung thủ ngưng bặt, rồi khai tiếp:
- Tôi mặc cho Ivan bộ đồ của tôi. Kiểm tra kỹ trên người nó có dấu vết gì đặc biệt không, và phát hiện vết sẹo trên đùi trái. Khi rời phòng, tôi tời gặp bà già nói rõ chi tiết đó, như vậy khỏi ai nghi ngờ khi nhận dạng xác chết.
Giờ đây nội vụ đã sáng tỏ. Mụ già Yakov đồng lõa với thằng con giết người. Vì thế nên Boris mới bắt gặp mụ mỉm cười, nụ cười từ 500.000 rúp do án mạng mang về cho chúng. Vladimir Yakov kết thúc lời khai:
- Ivan Laronov đã có lần kể với tôi về khoản thừa kế đang chờ nó ở Paris. Tôi muốn bắn một phát hạ hai con mồi. Sai lầm! Đáng lẽ chỉ nên bằng lòng với khoảng tiển bảo hiểm…
Trung úy Boris Yarochenko chia tay các đồng nghiệp Pháp, phần việc còn lại do người Pháp giải quyết tiếp. Anh chỉ còn một nhiệm vụ cuối cùng: trở về Saint Pétersbourg tóm gáy mẹ Yakov. Một tuần sau khi hoàn tất công vụ, trung úy Boris Yarochenko đã tưởng thế là xong, không ngờ lại có thêm việc mới: báo cho Valentina Yakov biết tin con trai mụ đã tự sát ngay đêm bị bắt, bằng cách nuốt chửng món hàng mẫu mới nhất của nó: một cục xà bông, bên trong gã giấu sẵn một ống cyanua.
Vụ án 16: Người Tình Của Kenedy Thú Nhận
Truyện Mỹ.
Năm 1960 Judith Campbell 25 tuổi là một trong những người tình đông đảo của J.F. Kennedy. Trong hai năm sau đó, Judith vừa là người tình vừa là đại sứ của tổng thống Mỹ bên cạnh Sam Giancana bố già Mafia Chicago nhằm thực hiện âm mưu của JFK ám sát chủ tịch Fidel Castro. Năm 1975 Judith đã khai trước uỷ ban Thượng viện về liên hệ giữa chính quyền và mafia. Năm 1977 viết hồi ký nhưng chỉ dám kể lại một phần câu chuyện vì lo sợ bị trả thù. Mới đây, trước cái chết cận kề vì bệnh ung thư giai đoạn cuối, Judith Campbell Exner bộc lộ toàn bộ sự thật...
Ngày 7 tháng Ba 1960, trong căn phòng đại khách sạn Plaza ở New York, một cô gái trẻ hết đứng lại ngồi không yên, vừa sung sướng hồi hộp vừa hoảng sợ: cô có hẹn với người tình, một người đã có vợ và hơn nữa, là một chính khách cỡ bự. Đây là lần đầu tiên hai người hẹn gặp trong khách sạn. Cô ngồi xuống mép giường. Lát sau, cửa phòng nhẹ nhẹ mở. Vừa trông thấy người đàn ông tươi cười bước vào, cô gái càng nhận rõ mình đang đặt chân vào cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm và đầy ngang trái. Người đàn ông tỏ ý thông cảm, thăm hỏi cô gái rất ân cần, rồi giả bộ ra về. Cô vội chạy theo nắm áo, ngước mắt van nài: "Jack!". Sau này cô thú nhận: "Tôi không sao cưỡng nổi sức quyến rũ của Kenedy". Cuộc truy hoan bữa đó trong khách sạn Plaza sẽ không phải là một cuộc tình thoáng qua, nó nhanh chóng biến thành thiên tình sử kéo dài hai năm rưỡi. Judith không biết mình chỉ là một trong vô số nhân tình của vị tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. "Nếu biết ông ta còn dắt nhiều phụ nữ khác vào Nhà Trắng, tôi đã cắt đứt rồi". Hai năm sau, bài viết của nhà báo đầy thế lực Walterr Winchenll trên tờ "Người quan sát Los Angeles" đã chính thức đưa Judith bước vào lịch sử nước Mỹ. Ông viết: "Nàng Judith Campbell của Palm Springs và Beverly Hills đang là đề tài chính trong các câu chuyện ngồi lê đôi mách của giới chính khách". Đây là lần đầu tiên tên tuổi của Judith Campbell được nêu trên mặt báo.
Qua bức thông điệp này, phải chăng nhà bình luận thời sự có ảnh hưởng lớn nhất nước nhờ các bài viết về giới thượng lưu dã muốn cảnh tỉnh, hoặc đe doạ vị tổng thống trẻ người non dạ và liều lĩnh? Tuy nhiên, nhà báo danh tiếng này dù đã được đích thân J. Edgar Hoover giám đốc FBI cung cấp tin tối mật đó cũng không biết được gì hơn. Vì không một công dân hay quan chức nào được phép làm hoen ố ảo ảnh đẹp đẽ của cuộc tình duyên đầy thơ mộng giữa Kenedy và Jackie trong đầu óc người Mỹ hồi ấy.
Sau đó, suốt mười ba năm liền, công chúng Mỹ không nghe thấy nói tới Judith Campbell nữa. Cho tới năm 1975, khi Quốc hội quyết định thành lập uỷ ban đặc biệt của Thượng viện chịu trách nhiện làm rõ mối liên hệ giữa chính quyền liên bang với mafia, mọi người mới lại thấy Judith Campbell xuất hiện. Cô đã lấy chồng, đổi tên thành Judith Exner. Một thiếu phụ tóc nâu xinh đẹp tuy đã trạc tứ tuần nhưng vẫn còn bốc lửa, có đôi mắt sắc như dao. Cô được mời lên đứng ở bục nhân chứng và được giới thiệt là một "bạn gái" của cố tổng thống Kennedy, là một người tự nguyện hoạt động cho ông ta trong chiến dịch vận động bầu cử. Theo một vài nguồn tin, hồi đầu thập niên 60, Judith là đầu mối liên lạc giữa anh em Kennedy với Sam Giancana bố già mafia Chicago và Johny Roselli bố già Las Vegas. Những tin đồn đại này đã phá vỡ một mảng lớn trong huyền thoại về gia đình Kennedy. Nhưng báo chí Mỹ có lẽ không muốn chuyện này đổ bể vì "xấu chàng, hổ ai" nên trong suốt mười năm liền, họ hùa theo tờ "Bưu điện Washington" thi nhau bêu xấu Judith, gọi cô ta bằng đủ thứ tên nhục mạ: nhân tình mafia, gái bao của Giancana và Roselli, gái giang hồ ưa lượn lờ trong bóng đêm Hollywood, gái gọi ngốc nghếch...
Năm 1977, Judith viết cuốn tự thuật kể lể những cuộc hẹn hò với Tổng thống, nhưng không dám nói hết sự thật vì các giới thân cận mafia đe doạ nếu nói toạc mọi chuyện, sẽ có đổ máu, kể cả máu của chính Judith. Chúng không nói suông: kể từ sau khi Judith cắt đứt với Kennedy, hàng ngũ những người trong cuộc đã thưa thớt dần: hai anh em Jack và Bobby lần lượt ngã gục dưới làn đạn những tên sát thủ, cô Mary Meyer một người tình khác của Kennedy bị ám sát trên bờ sông Potomac năm 1964, Marilyn Monroe chết ngay trong đêm Bobby Kennedy tới nhà, năm 1975 Sam Giancana bảo kê của Judith mặc dầu được FBI che chở nhưng vẫn bị bắn hạ ngay trong bếp, chưa kịp khai báo lời nào với uỷ ban Thượng viện; một năm sau đến lượt Johny Roselli bị đúc trong khối bê tông ở Miami, cảnh sát phải đào bới mãi mới lôi được xác ra. Trong những năm khủng khiếp đó, Exner luôn giấu dưới gối một khẩu súng nòng lên đặt sẵn. Giờ đây, cô biết mình sẽ không chết vì bọn đâm thuê chém mướn, mà vì bệnh ung thư đã di căn vào xương và phổi. Cô quyết định tính sổ với lịch sử.
Cuối tháng Mười hai 1996 vừa rồi, cô tiết lộ toàn bộ các bí mật của đời mình với Liz Smith nữ phóng viên tờ Vanity Fair và Barbara Walters của đài truyền hình. Tự thuật của Judith được đăng tải trên 70 tờ báo ngày trong cả nước, cô xuất hiện trên kênh truyền hình ABC.
Judith nói: "Đôi khi có những người đổ tội cho tôi làm hỏng sự nghiệp của Tổng thống Kennedy. Thật oan uổng tôi quá. Sở dĩ tôi tiếp xúc với Giancana và Roselli là do Kennedy khẩn thiết yêu cầu tôi làm việc đó. Hồi ấy tôi mới 26 tuổi và đang yêu say đắm. Tôi làm sao hiểu rõ mọi chuyện bằng ông Tổng thống Hoa Kỳ? Ông ta thấy tôi xuất hiện đúng lúc ông ta cần. Đúng lúc ông cho ta giao nhiệm vụ ám sát Fidel Castro cho mafia tốt hơn giao cho CIA. Ồng có biệt tài hiểu rõ người xung quanh, biết rõ nên tin ai và đã sử dụng tôi".
Câu chuyện khởi đầu năm 1960. Cô gái Cali 25 tuổi thuộc tầng lớp trung lưu, theo đạo Thiên chúa, sau khi thất bại cuộc hôn nhân với một diễn viên vô danh, đã theo ca sĩ Frank Sinatra tới Las Vegas chung sống với nhau một thời gian ngắn. Chẳng bao lâu sau, Judith đã mê anh chàng dáng vẻ hấp dẫn, khéo kể chuyện về đạo, về đời, về các ngóc ngách của Hollywood, thường xuyên gọi điện tới nhà hỏi mẹ cô ta xem Judith đi đâu vắng...
Tháng Tư năm đó, nhân dịp Jackie đi khỏi Washington, JFK tranh thủ mời Judith tới ăn tối tại biệt thự của ông ở Georgetown cùng với nhà "chính khách hậu trường" Bill Thompson. Tiệc tan, JFK nhờ cô mang tới Chicago đưa cho Sam Giancana một xắc đầy giấy bạc. Tới Ilinois, Judith mới hay Sam chính là một doanh nhân đáng ngờ cô đã gặp tháng trước trong bữa dạ tiệc do ca sĩ Frank Sinatra thiết đãi ở Miami. Tháng Mười một 1960, trúng cử Tổng thống. Cương vị mới khiến cho cuộc tình giữa ông ta với Judith càng thêm rắc rối. JFK mời người tình tới dự lễ tuyên thệ nhập chức ở Itoie nhưng cô từ chối. Sau đó, nhiều lần ông ta nhờ cô tận tay chuyển thư của ông cho Sam Giancana về chuyện ám sát Fidel Castro, rồi yêu cầu cô tổ chức một cuộc gặp Sam. Tổng thống và trùm mafia bí mật gặp nhau trong một phòng khách sạn Chicago, trong khi Exner ngồi chờ trong phòng tắm.
Mỗi lần tiếp xúc về công chuyện, Judith đều được Sam khoản đãi hậu hĩ và dần dà, vị "nữ sứ giả" thấy ưa Sam, con người rất mực hào phóng, có thế lực, có quyền uy lớn. Ngược lai, tên trùm mafia cũng không ngại làm Tổng thống nổi cơn ghen. Quả nhiên JFK luôn nhắc nhở Judith "Đừng mất quá nhiều thì giờ với Giancana và cả với Sinatra cũng vậy". Ông ta còn luôn gọi điện tra hỏi cô đi đâu, với ai... Nhiều lần yêu cầu cô dọn về Washington "Ở đây, anh mới che chở em được!” Judith than phiền cô bắt đầu bị FBI quấy rối, họ đập cửa gọi bất cứ ngày đêm, tự tiện vào khám nhà không có giấy phép, một bữa còn định bắt cô ngay tại bãi xe. Còn Giancana luôn mồm tự đề cao trước mặt cô: “Không có anh giúp một tay, anh bạn Kennedy của em đừng hòng trúng cử. Anh em Kennedy không tốt với em đâu. Chúng huỷ hoại đời em". Tuy nhiên tên trùm mafia Chicago không lần nào đả động tới sự móc ngoặc giữa chúng với CIA và âm mưu sát hại Castro.
Tháng Giêng năm 1963, Exner quyết định chấm dứt với Kennedy. Hai người đã cãi nhau kịch liệt vì cô khăng khăng không dọn về Wasington. JFK chưa dứt nổi, vẫn muốn gặp người tình nên yêu cầu cô về dự một số dạ tiệc trong Nhà Trắng. Nhưng Judith buồn bực vì sự hiện diện của Jackie, ngày càng chán chường tình cảnh "người tình bóng tối". Cô nói với phóng viên tờ Vanity Fair "Tôi hết chịu nổi. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày cuộc tình càng gây đau nhiều hơn. Thêm vào đó, FBI mỗi ngày càng làm tôi phát điên nặng hơn. Phải chấm dứt thôi. Jack bảo tôi tới gặp để bàn cách cứu vãn mối quan hệ. Ông ta bảo tôi: "Ta vẫn có thể tiếp tục như thường". Cuối tháng Mười hai 1962, tôi trở lại Nhà Trắng gặp Jack lần cuối cùng, tôi bảo Jack "Thế là hết, em sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa". Đây cũng là lần cuối cùng hai người làm tình với nhau. Tôi vẫn còn yêu Jack say đắm. Rời Washington, tôi về New York rồi về Chicago. Không biết có phải Chúa muốn trừng phạt tôi hay sao ấy, về tới đây tôi mới hay mình có mang. Tôi hoảng hồn. Trong thời gian mê Kennedy, tôi không hề biết đến một người đàn ông nào khác. Tôi gọi điện “Jack! Đièu tồi tệ nhất đã xảy ra: em có bầu!". Trong máy, im lặng rát lân. Mãi mới nghe tiếng đap: “Em sẽ làm thế nào bây giờ?" Chừng như biết mình lỡ lời, Jack chữa: "Xin lỗi, chúng ta làm thế nào bây giờ? Em có muốn giữ lại cái thai này không?" Tôi oà khóc: "Jack, anh thừa biết em không thể giữ đúa con này. FBI nó bám theo chúng mình không một lúc nào ngơi. Suốt từ bữa gõ cửa nhà em lần đầu năm 1960 tới giờ, nó đâu có buông tha em một phút nào!". Giọng Jack lúc này rất dịu dàng: "Em có thể giữ con lại, không sao. Anh bảo đảm cho. Ta có thể tính đến sự lựa chọn này. Và sẽ thu xếp ổn thoả". Nghe vậy, tôi đáp: “Không xong đâu. Với cương vị hiện tại của anh, chúng mình khó lòng rút chân ra khỏi vụ này". Jack dặn tôi: "Anh sẽ gọi lại cho em sau". Ngay trong bữa dó, Jack gọi điện tới, hai người lại trao đổi cách giải quyết. Tôi đã mang thai hai tháng, càn xử trí gấp. Nhưng ở Mỹ, phá thai là phạm pháp. Cuối cùng Jack bảo: "Em thấy liệu Sam có giúp chúng mình được không? Em thử bàn với anh ta xem. Em thấy có trở ngại gì không?" Tôi rất ngạc nhiên trước đề nghị đó, nhưng trả lời Jack rằng tôi sẽ hỏi Sam. Tôi gọi điện cho Sam, rủ đi ăn tối và cho anh ta biết tôi đang cần gì. Sam giật bắn người, hét to: "Thằng quỷ tha ma bắt Kennedy, thẳng quỷ tha ma bắt".
Sam Giancana tích cực thu xếp mọi bề để đưa Exner vào phá thai trong bệnh viện Grand Hospital. Hiện giờ cô vẫn còn giữ các hoá đơn viện phí, tên họ những người đã thực hiện thủ thật nạo thai cho cô hồi đó. Ngày 28 tháng Giêng năm 1963 Giancana tới đón cô xuất viện. Ngay sau đó, Kennedy gọi điện tới, nài nỉ cô về Washington. Lúc này Judith vừa cảm thấy bơ vơ, bị bỏ rơi, vừa sợ: sợ FBI, sợ CIA, sợ cả Sam Giancana và mafia nữa. Cô thú nhận thết với Kennedy và nhận lời sẽ tới gặp. Nhưng số phận trớ trêu thế nào không hiểu, tự nhiên cô quên phứt địa điểm hai người đã gặp nhau lần trước.
Sau này, khoảng giữa cuối những năm 60 Judith còn gặp lại Sam Giancana một lần, khi hắn từ bữa ăn tối với ca sĩ Frank Sinatra trong khách sạn ở Palm Springs bước ra. Sinatra không để ý tới Judith. Tên trùm mafia tuy trông thấy cô nhưng làm lơ giả bộ không quen, Có thể đó là cách hắn chở che cho cô chăng?
Nhà báo Liz Smith trong khi đi xác minh câu chuyện cua Judith Campbell Exner đã tìm thấy hoá đơn điện thoại của Nhà Trắng trong mười ngàn ngày trị vì của Kennedy và phát hiện Judith đã gọi 80 cuộc cho thư ký riêng của John Kennedy, nhiều cuộc gọi từ đây gọi cho cô, và nhiều cuộc gọi từ máy riêng của Kennedy trực tiếp gọi Judith Campbell Exner. Cô gái tóc nâu Judith Campbell đã đi vào lịch sử nước Mỹ như vậy, tuy cho tới nay người ta vẫn chưa khẳng định cô chỉ là một người tình cuồng nhiệt và dại khờ, hay một nạn nhân vô tội của những thế lực đầy quyền uy đã lợi dụng cô nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối? Dù thế nào đi nữa, điều không may chính là ở chỗ cô hiện diện đúng nơi và đúng thời điểm mà mafia, CIA và Tổng thống Hoa Kỳ đều đang cần móc ngoặc với nhau.
Nguồn: http://motsach.info/