Truyện ngắn Mỹ.
Ernest Foutch ba mươi hai tuổi là một người Mỹ bình thường, không dễ mến cũng không dễ ghét, không đần độn, không độc ác. Hồ sơ tư pháp không ghi anh ta làm nghề gì, chỉ miêu tả hình dạng: tóc màu hạt dẻ, mắt xanh xám, Ông ta rất lo: nếu Margaret cứ hôn mê như thế này rồi đi thẳng sang thế giới bên kia, việc truy tìm hung thủ sẽ rất khó khăn nếu không nói là gần như không thể được. Nhưng bác sỹ cương quyết không cho gặp nạn nhân: cô bé vẫn đang bất tỉnh, dù vào gặp cũng chẳng hy vọng lượm được lời khai nào.
- Đúng thế - Viên cảnh sát cố nài - nhưng ít ra cũng cho tôi xem mặt. Thật kỳ diệu, bộ đồng phục màu xanh dương của viên cảnh sát đã tác động như phép lạ tới Margaret trước cặp mắt kinh ngạc của mọi ngưồi, cô bé nhỏm dậy kêu lên:
- Thằng Ernest.
- Ernest nào, họ gì?
- Ernest Foutch…
Cô bé thều thào rồi lập tức hôn mê trở lại. Bác sĩ nhẹ nhàng đẩy viên cảnh sát ra cửa, tin chắc nạn nhân đang bắt đầu hấp hối. Xe cảnh sát hú còi inh ỏi tới đậu trước nhà Ernest Foutch. Hắn chẳng cần giả bộ kinh ngạc mà thực sự sửng sốt thấy cảnh sát ập tới lẹ thế. Tuy vậy, tất nhiên hắn chối bai bải:
- Thưa, đúng là cả ngày thứ bảy và một phần chủ nhật tôi ở cùng Margaret, nhưng từ chiều chủ nhật không thấy cô ta đâu hết.
- Thôi đi, chính cô bé đã tố cáo anh. Ernest trợn tròn mắt không tin, lẩm bẩm:
- Vô lý. - Vẻ sửng sốt lúc này cũng không phải là đóng kịch, hắn hỏi - - Cô ta tố cáo tôi à? Thật chứ?
- Thật, trong bệnh viện… Cô bé đã tỉnh lại giây lát, vừa đủ thì giờ khai ra tên anh.
- Cô ta mê sảng đó thôi. Hoặc định nói điều gì đó nhưng mấy ông hiểu sai đi.
Viên cảnh sát túm ngực Ernest:
- Để rồi coi.
Lát sau, Ernest tay đeo còng, đi giữa toán cảnh sát áp giải, phía sau là viên cảnh sát già trong hành lang bệnh viên. Ngang qua bố mẹ, bạn bè của Margaret mà số đông là chỗ quen biết lâu nay, hắn lải nhải không ngớt:
- Đâu phải tôi. Xin cam đoan, xin thề độc là không phải tôi. Chắc các vị cũng tin rằng không phải tôi. Ông cảnh sát đây lầm to rồi. Có thể Margaret đã kêu tên tôi nhưng kêu tên là một chuyện, tố cáo tôi là hung thủ lại là một chuyện. Chuyện này thật vô lý.
Bố mẹ Margaret đều rất đỗi phân vân. Họ vẫn coi Ernest Foutch là một chàng trai tốt bụng, không thể làm hại ai bao giờ. Cậu ta say đắm con gái họ, điều đó là hiển nhiên, nhưng con người tử tế và bình thường này khó có thể giết người. Ông cảnh sát già có khi lẩm cẩm hiểu sai ý Margaret cũng nên.
Ernest đã hoàn toàn trấn tĩnh sau mấy phút bàng hoàng hoảng hốt ban đầu. Ngay cả khi viên cảnh sát mở cửa phòng bệnh rồi ra hiệu bảo hắn vào, hắn vẫn bình tĩnh. Nghĩ bụng: "Chúng dựng cảnh này để chơi đòn cân não mình đây. Nhưng hắn sợ. Con bé nằm ngay đơ thế kia, mặt mũi trắng bệch, thở không ra hơi, sắp tử đến nơi làm quái gì được”. Hắn quay nhìn bác sĩ. Thì thầm rất lễ phép:
- Thưa bác sĩ, khi cô ta nói lên tên tôi, bác sĩ có hiện diện tại đây không?
Bác sĩ gật đầu.
- Lạ nhỉ. Vô lý hết sức, không thể có chuyện đó…
Bác sĩ cam đoan có nghe cô ta kêu tên Foutch chứ?
- Không… - Bác sĩ thừa nhận - Tôi đang đứng đây thì nghe cô ta nói một cái tên. Tôi cho rằng, nói đúng ra thì tôi tin chắc rằng cô ta nói tới một người tên là Ernest. Sau đó còn thều thào nói lên một tên họ gì đó nữa tôi nghe không rõ… Ông cảnh sát cho rằng đã nghe được… còn tôi thì không dám chắc.
Ba người im lặng nhìn nhau. Cô y tá nhìn họ với vẻ khó chịu: nếu cần nói chuyện thì ra ngoài hành lang cho rồi.
- Thưa ông cảnh sát - Ernest vẫn tiếp tục với giọng nhỏ nhẹ - Tôi xin thề không dính chút nào vào vụ này. Tôi sẵn sàng trả lời mọi chất vấn của ông, có điều là không ở đây… và sau khi đã tháo những của nợ này ra.
Hắn giơ hai cổ tay bị còng với vẻ công dân lương thiện bị xúc phạm. Viên cảnh sát bắt đầu bối rối. Rất có thể ông đã nghe nhầm. Vả lại, khi nói tên Ernest Foutch chắc gì Margaret có ý tố cáo kẻ tấn công cô ta?
Trong điều kiện như vậy mà bắt giữ tay này đâu có được. Ông ngó ra cửa định gọi đồng nghiệp đứng chờ ngoài hành lang mang chìa khóa vào mở còng cho Ernest. Ông không tính tới sức sống mãnh liệt trong cơ thể trẻ trung của Margaret. Một tiếng thủy tinh rơi vỡ làm tất cả đều giật nảy, cô y tá vừa đánh rơi lọ thuốc trên tay trợn tròn hai mắt nhìn thẳng phía sau ba người. Cả ba quay phắt lại. Margaret dứt tung dây chuyền máu, lột mặt nạ dưỡng khí, nhỏm hẳn người trên đống chăn, hét lên tuy cổ bị cứa đứt:
- Nó đấy… Nó đấy… Bắt lấy nó.
Sức chống đỡ của Ernest lập tức tan biến. Hắn tái xanh tái tử, hai hàm răng đập vào nhau lập bập, khiếp sợ tột cùng trước lời tố cáo từ thế giới bên kia bắn tới. Vài phút sau hắn cúi đầu thú tội.
Trong cả tháng nằm xà lim chờ ra hầu tòa, hắn cũng như cư dân Corington, mỗi ngày đều trông ngóng nghe tin tức về bệnh tình Margaret. Cô sẽ sống sót? Hay cô sẽ chết?
Cũng như mọi người dân trong thành phố, hắn thực lòng cầu mong Margaret tai qua nạn khỏi. Không phải vì hắn ăn năn hối cải đâu. Mà vì nếu cô bé được chữa lành, hắn sẽ chỉ án tù chung thân là cùng. Còn nếu cô không qua khỏi hắn sẽ phải lên ghế điện là cái chắc. Bọn sát nhân đều thế cả: chúng không gớm tay reo rắc chết chóc cho người khác nhưng chính chúng lại rất sợ chết. Margaret cũng ham sống lắm, nên sau thời gian được cứu chữa cô không chết. Kẻ giết hụt cô nhờ vậy cũng được sống, Nhưng trò Petting Party "gỡ gạc xả láng" vẫn đang thịnh hành, những bậc bố mẹ không để mắt xem con mình chơi với ai, đi đâu vẫn còn rất đông. Nên vẫn còn có những Margaret khác và những Ernest khác.
Vụ án 8: Đoạn Kết Một Cuộc Tình Vương Giả
Truyện Thái Lan.
Vào khoảng gần 9 giờ sáng ngày 21 tháng Tám năm 1995, viên thư ký riêng của hoàng thân Thitipan Yugala phát hiện thấy ông chủ của mình nằm bất tỉnh trong căn phòng tiếp tân rộng mênh mông ốp đá cẩm thạch của điện Asawin, một trong những tòa lâu đài lộng lẫy nhất thủ đo Bangkok. Bầu không khí trong căn phòng đã bắt đầu oi ả, da mặt vị hoàng thân 60 tuổi xanh xám chằng chịt nhiều vết bầm tím, hai môi sưng vù, từ lỗ mũi rỉ ra một vệt nước trắng đục.
Được gia nhân cấp báo, hoàng thân phu nhân chạy tới. Chalassa, một thiếu phụ mới 22 cái xuân xanh có sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng thành đứng lặng trước ông chồng đang mê man bất động nhưng vẫn còn thở. Không chần chừ, các người hầu cận tức tốc đưa hoàng thân vào bệnh viện Vichaivuth trong lúc cập rập, không ai để mắt ngắm nhìn các dãy máy thu, máy phát vô tuyến điện giăng giăng khắp phòng rộng. Và càng không để ý tới chiếc tách trà uống gần cạn đặt trên bàn đá hoa, bên bó hoa phong lan xum xuê…
Tám ngày sau hoàng thân Thitipan qua đời. Bác sỹ riêng của hoàng thân, ông Leechawenwong triệu tập cuộc họp báo thay cho bài điếu văn. Bác sỹ công bố: “Hoàng thân, cháu nội của vua Chulalongkom Rama thứ năm, anh họ nhà vua đương triều, có trong dạ dày những dấu vết thuốc độc!” Một hoàng thân bị đầu độc! Báo chí khắp Bangkok lập tức sôi sùng sục và hầu như chúng khẩu đông từ: “Thủ phạm không thể ai khác, đích thị là Chalassa - cô vợ trẻ mới 22 của cụ già 60 nọ".
Từ lâu đã có nhiều lời đàm tiếu về cô ta. Kẻ hầu người hạ trong cung đều nói: đêm trước bữa xảy ra thảm kịch, cô ta từ chối không chiều theo ý hoàng thân vào ngủ một mình trong phòng riêng. Các mẩu chuyện kỳ quặc và khó hiểu về nàng Chalassa được đăng tải trên trang nhất tờ báo ngày phổ thông nhất của Bangkok, tờ "Thai Rath". Tiểu sử của cô lần đầu tiên được phơi bày trước thần dân. Năm 1972 cô ra chào đời tại cô nhi viện Chulalankorn tiều tụy nhất thủ đô. Sau vài tháng, được chuyển vào nuôi trong cơ sở từ thiện do em của hoàng thân, bà vương phi Ransinopadah đỡ đầu. Lên 6 tuổi, vận may bất chợt từ trên trời rơi xuống: cô bé mồ côi được tuyển vào cung Asawin làm nữ tỳ hầu hạ cho một cô con gái nhỏ của hoàng thân Thitipan. Từ nay, những bộ xiêm y nhung lụa đắt tiền đã thay thế những tấm áo vải thôi trên thân hình cô gái. Và trở thành gần như người nhà của vị hoàng thân, ngang hàng với ba người con của ông. Cô được đi học. Cô lớn phổng lên. Và càng ngày càng xinh. Bữa tròn 14 tuổi, Chalassa chợt nhận thấy cặp mắt hoàng thân đặt lên thân hình cô không còn như ngày trước. Và cô trở thành tình nhân của Thitipan - người đã kiên quyết bỏ ngoài tai lời dị nghị của những người hầu cận và thuận tình li dị vợ thứ ba theo yêu cầu của bà ta. Từ nay trở đi, hoàng thân được tự do chung sống với cô nhân tình trẻ măng được ông đặt cho biệt hiệu là "Baby fish" (Bé Cá), đáp lại cô ta cũng gọi ông ta bằng biệt danh khá kỳ cục: “Bé Ếch”.
Từ đây, các chùm đèn mạ vàng trong cung điện trên đường Sukhumvit luôn chao đảo giữa những cơn cuồng phong điên dại. Vị hoàng thân si tình bỏ bê mọi công chuyện quốc gia để chúi đầu vào hai niềm đam mê quyện chặt: Bé Cá và thú vui vô tuyến điện nghiệp dư. Căn phòng tiếp tân chất đầy rẫy những thiết bị điện tử hiện đại liên lạc với các tay chơi rađio trên toàn thế giới. Chẳng mấy chốc, cuộc sống gần như cấm cung khiến Bé Cá buồn chán. Lúc này đã 20 tuổi, cô ta không còn là cô bé vị thành niên e lệ ngày xưa đêm đêm đỏ mặt đón hoàng thân cất lẻn tới chung chạ trong phòng kín. Cô mặc váy ngắn nhún nhảy trong các vũ trường nhộn nhịp. Làm cách nào thoát ra khỏi cái lồng vàng son này? May nhờ được hoàng thân chỉ vẽ cách sử dụng các thiết bị thông tin điện tử, cô tận dụng các cánh én vô hình đó để tìm bạn và chọn ra một số tâm đầu ý hợp. Để mỗi khi Bé Ếch vừa đi khỏi, Chalassa lập tức hạ trát gọi bọn người tình vào cung, hú hí với họ trong vài giờ dưới con mắt sững sờ của quân hầu. Thần dân thủ đô Bangkok tha hồ lan truyền những chuyện nực cười về cuộc tình quái gở trong cung cấm. Một tối kia, vừa bước chân ra khỏi tiệm ăn tỏng công viên Siam, cô nàng Chalassa đứng khựng lại trước Uther Chupeva, một chàng trai 19 tuổi đẹp như thiên thần chuyên bán hạt dẻ. Chàng ở với bố mẹ trong túp lều dựng tạm tại phường tồi tàn nhất thủ đô, gần cảng sông Chao Phrava... Chalassa không ăn hạt dẻ của anh ta nhưng vẫn như ăn phải bùa mê, mời anh ta cùng vào rạp coi phim rồi qua đêm đó trong vòng tay anh chàng đẹp trai.
Những ngày đầu, Chalassa không tiết lộ lai lịch, có lẽ do cô muốn được yêu vì bản thân con người mình chư không phải vì cuộc sống giàu sang của cô...Cô không ngần ngại có những hành động rồ dại nhất miễn là được gặp người yêu: nhiều đêm cô bí mật lẻn vào tự tình với Uther trong lớp học của ngôi trường do bố anh ta làm bảo vệ. Cho tới đêm nọ, Chalassa quyết định vén hẳng chiếc màn bí mật. Cô đưa anh chàng bán hạt dẻ tới thành phố nghỉ mát Hua Hin bên bở Vịnh Thái Lan và thú nhận: vì mình là một vương phi nên cuộc tình này vô cùng mạo hiểm. Uther tái xanh mặt, nhưng được trấn an ngay: trở về Bangkok, anh ta sẽ được giời thiệu chính thức với hoàng thân dưới danh nghĩa bạn thân từ thủa hàn vi, bạn tâm giao hiện tại. Sau buổi lễ ra mắt đó, chàng bán hạt dẻ nghiễm nhiên được tự do lui tới cùng Chalassa đú đởn ngay trước mũi gia nhân và các thợ săn ảnh. Tuy biết bị cô nhân tình trẻ cắm sừng nhưng Thitiphan sợ mất Bé Cá, nên chẳng những không dám hé răng mà còn tìm mọi cách níu kéo cô ả bằng của cải, thứ duy nhất ông ta có trong tay; những bộ đồ thời trang đắt giá, các đồ nữ trang bằng đủ loại đáquý, một chiếc máy bay, một tàu thủy và một chiếc Ferranri. Kết quả ngược hẳn với dự tính của hoàng thân: Bé Cá tận dụng những phương tiện ấy để mang người tình đi thật xa, thật lâu, đến nỗi hoàng thân phải đăng báo hứa thưởng số tiền lớn (tương đương 100 triệu VNĐ) cho ai tìm được cô gái. Nhưng tự cô ả sau khi no nê thỏa mãn lại tìm đường quay lại chiếc lồng son. Hoàng thân thấy chỉ còn nước tung ra con chủ bài cuối cùng: làm lễ cưới.
Ngày 19 tháng Mười năm 1994, lễ cưới được tổ chức tưng bừng trong đại khách sạn Amari Waterrgate. Nhưng một lần nữa, kết quả không như hoàng thân trù định: những nghi thức tôn giáo và pháp luật chẳng bền chắc gì hơn chỉ buộc chân voi. Dư âm buổi hôn lễ chưa tan, đôi trai gái lại cắp nhau đi biền biệt! Các tay săn tin giật gân viết lên bao nhiêu chi tiết hấp dẫn những đọc giả tò mò: "Vương phi thiếu tiền chi cho những chuyến đi hoang đã đem gán chiếc nhẫn cưới lấy 200 ngàn tuy nó đáng giá tới 90 triệu”. Mỗi tối ăn cơm ở nhà, Bé Cá đều bí mật pha thuốc ngủ vào ly rượu của hoàng thân để mau chóng rảnh chân đi tới nơi hò hẹn…
Vụ việc trở thành nghiêm trọng đối với hoàng gia. Bartolo người con đẻ chịu không thấu những trò chơi trống bỏi của ông bố, đã vậy còn phải nghe ông nói khắp nơi mọi chỗ: nhất định sẽ làm Bé Cá đẻ cho ông một đứa con nữa. Khi biết cô ả mắc chứng vô sinh, ông lớn tiếng tuyên bố: sẽ cho thụ tinh nhân tạo làm cô đẻ luôn một lúc hai đứa! Xem chừng vụ bê bối có thể kéo dài không biết bao nhiêu năm… Nếu không xảy ra chuyện bất ngờ.
Ngày 21 tháng Tám, Hoàng thân lăn ra bất tỉnh. Ngay sau khi Bé Cá vừa từ một chuyến du hí trở về vài tiếng đồng hồ. Sáng tinh mơ hôm sau, cảnh sát ập tới khám xét túp lều dơ dáy của Uther. Chàng bán hạt dẻ bị thẩm vấn nhiều ngày liên nhưng vẫn một mực kêu oan. Bé Cá cũng thề độc: không đời nào nỡ đụng tới người mà từ giờ phút này cô bắt đàu gọi bằng "bố". Tám ngày sau, hoàng thân trút hơi thở cuối cùng. Nhóm điều tra viên cho rằng: Chalassa thủ tiêu ông chồng hờ đã quá khọm để hưởng trọn cuộc tình sôi động với chàng bán hạt dẻ khỏe mạnh và điển trai. Nhưng công luận rất phân vân. Có thật Chalassa đã xuống tay? Luật sư của cô nói: cô không được quyền thừa kế của hoàng thân vì di chúc do ông ta viết từ năm 1993 tức là trước lễ cưới, vậy cô chẳng được lợi gì nếu trở nên góa bụa. Trong khi chờ kết luận, Chalassa trở thành ngôi sao sáng trên truyền hình Thái. Công chúng khám phâ thêm nhiều nét mới trong cuộc đời của cô gái bất trị: Năm 12 tuổi đã bị bố nuôi cưỡng hiếp rồi trở thành nhân tình của ông ta. Mơ ước của cô: trở thành người mẫu. Ảnh cô được đăng trên bìa tờ Lady, chuyên san phụ nữ in ấn rất đẹp. Cô đỡ đầu nhiều món hàng xa xỉ bày bán trong thành phố. Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, cô đều đeo trên tay chiếc nhẫn hình trái tim do chàng bán hạt dẻ tặng… Giờ đây Chalassa đã trở lại Chiang Mai. Cô ở trong phường có cô nhi viện đã nuôi nấng cô mấy năm đầu cuộc đời. Luật sư của cô ngăn không cho giới báo chí tiếp xúc hòng tìm hiểu rõ thêm về những nghi vấn đang còn lơ lửng. Do đó, nàng vương phi bốc lửa dần dần vắng bóng trên các phương tiện thông tin. Vả lại, cuộc điều tra kéo dài gần như bất tận đã làm công chúng chán ngấy. Tuy Bé Cá vấn không ngớt phản đối sự đối xử bất công, từ nhà tù vẫn không ngớt vọng ra tiếng Uther kêu oan. Vậy trong hai người này, ai là kẻ nói dối? Ai bỏ thuốc độc vào tách trà của ông hoàng thân Thitiphan? Cuộc giải phẫu thi thể ông ta cho thấy những gì? Dù câu trả lời như thế nào đi chữa, Chalassa cũng sẽ cưới chàng bán hạt dẻ. Cô đã tuyên bố như vậy. Và còn cho biết: đám cưới sẽ được tỏ chức thật giản dị tại túp lều của bố mẹ chông, bên bờ sông Chao Phrava… Có lẽ bữa đó, cô sẽ bán bản quyền ghi hình cho hãng CNN của Mỹ. Đầu óc kinh doanh của Chalassa vẫn nguyên vẹn như xưa.
Vụ án 9: Hai Cha Con
Truyện ngắn Pháp.
Pierrot biệt hiệu "Thộn" ngồi tù lần này là lần thứ tư kể từ khi ra chào đời. Cũng như ba lần trước, lần này bản án lại xác nhận biệt hiệu của gã rất hợp với con người gã: gã thộn tới mức liên tiếp nhiều lần định vượt ngục bằng những thủ đoạn không giống ai sau khi giở trò chôm chỉa cũng chẳng giống ai. Như lần mới đây chẳng hạn: gã lẻn vào ngôi nhà vắng chủ, cầm dao định... nậy cửa két sắt của người ta. Hì hục mãi không bật được cửa, gã ném chiếc két xuống thang gác, tưởng sẽ làm nó vỡ tung. Thấy nó vẫn gan lỳ, gã ôm lên ném qua cửa sổ. Két vẫn trơ trơ. Tức điên lên, Pierrot chôm luôn một chiếc xe tải nhẹ chở chiếc két sắt ma quái về nhà gã. Trong nhà có sẵn đồ nghề: xà beng, búa tạ và nhiều thứ khác... nên sau một hồi loay hoay toát mồ hôi hột, Pierrot buộc được chiếc két ngoan cố phải phơi bày hết kho tàng trong lòng nó: vừa đúng 25 frans. Một thành quả thảm hại!
Càng thảm hại hơn bội phần vì nó khoác lên cổ gã cái án 5 năm tù, để lại ngoài đời cô vợ trẻ với đứa con thơ. Kể ra thì cũng đáng đời, vì Pierrot tái phạm nhiều lần rồi. Bà con xóm giềng thấy gã bị còng tay lần thứ tư đều thở phào nhẹ nhõm: ít ra họ cũng khỏi lo bị khua khoắng các đồ vặt vãnh trong 5 năm gã ngồi đếm lịch. Mà gã có phải con nhà cầu bơ cầu bất hoặc thất cơ lỡ vận gì cho cam! Bố là lính sen đầm rất oai vệ trong bộ quân phục bảnh bao, mồm hét ra lửa đe nẹt dân bất lương, chỉ phải mỗi tội: hết phiên trực tại đồn lại la cà hết quán rượu này đến hộp đêm kia, chẳng lo dạy dỗ gì thằng nhỏ thành ra mới mười lăm tuổi nó đã nuôi miệng bằng bánh mỳ của nhà trừng giới, và lúc này đang lao động cải tạo trong một nhà tù tỉnh lẻ, bằng việc nhồi rơm vào nệm ghế với số tiền công 80 xu một nệm. Năm nay vừa đến tuổi "tam thập nhi lập" gã bắt đầu biết suy nghĩ: bạn bè đều có nghề có nghiệp, cuộc sống ít nhiều ổn định, con cái đàng hoàng. Cả xóm chỉ có một mình gã chưa đâu vào đâu. Lần đầu tiên trong đời Pierrot mới nhận ra rằng: sống lương thiện được nhiều mất ít, sự kính trọng của mọi người đáng quý hơn sự tha thứ. Một bữa cuối năm 1955, Pierrot nằng nặc xin gặp quan tòa. Gã nói với quản ngục:
- Thả tôi ra, tôi có công chuyện cực kỳ hệ trọng phải hoàn tất. Nếu tự do là cái đúng như các vị đại diện pháp luật vẫn giải thích thì ông không có quyền từ chối. Thả ra?
Đúng là lời lẽ gã Thộn. Làm gì có chuyện ra khỏi nhà tù dễ dàng như vậy, nhất là khi mới đếm hết một năm cuốn lịch phải đếm. Chưa đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách tù nhân thuộc diện xét cho ân xá nữa là!
Mà việc gặp quan tòa đâu có dễ, phải có lý do cực kỳ chính đáng, cực kỳ khẩn thiết, tuyệt đối bất khả kháng mới được xét. Pierrot thấy mình có một lý do đủ tiêu chuẩn: gã vừa sực nhớ tới thằng con.
- Tôi có đứa con trai. Bổn phận tôi phải chăm lo cho nó. Việc này không quan trọng sao?
Ông quản ngục có dám cho rằng chăm lo dạy dỗ con cái là không quan trọng không?
- Quan trọng, quan trọng, tối ư quan trọng, biết rồi, khổ lắm. Thằng con chú mày được sáu tháng rồi, phải không? Đáng nhẽ chú mày phải hiểu được điều này từ lâu. Và chịu thương chịu khó làm ăn thay vì ôm két sắt nhà người ta ném qua cửa sổ hòng cuỗm tiền bên trong. Vả lại, chú mày chỉ là bố nó thôi, thằng nhóc còn có mẹ nữa chứ. Mẹ nó chăm sóc con nhất định hơn hẳn chú mày. Chui đầu vào tù rồi, đâu còn xứng đáng mang danh hiệu làm bố! Thôi, nghỉ khỏe, để mẹ nó lo.
Khốn nỗi thằng bé nhà Pierrot tuy có mẹ nhưng là cách đây mấy tháng. Mới bữa vừa qua, gã vừa nhận tin từ con đường chính thức gửi tới tận xà lim. Từ khi vào tù đến giờ gã có lần nào nhận được thư của ai, vậy mà bữa qua lại được trao tờ giấy in tiêu đề cơ quan chính quyền, chi chít những dấu mộc, lời lẽ cộc lốc và hách dịch: "Gửi đương sự Jean X... Báo để đương sự biết: Cô X... người vẫn chung sống ngoài hôn thú với đương sự, người đã nhận là mẹ đứa trẻ do thụ thai với đương sự đã từ bỏ vĩnh viễn quyền làm mẹ thông qua việc cô giao con đương sự cho cơ quan Cứu trợ xã hội. Đứa con trai mang tên Jean, hai tháng tuổi. Xét hoàn cảnh hiện tại, đương sự không có khả năng đảm đương nuôi dạy đứa trẻ vừa nêu, ban giám đốc cơ quan Cứu trợ xã hội đã giao thằng nhỏ cho những người nhận về làm con nuôi. Sinh hoạt phí của nó sẽ do các tổ chức từ thiện chi trả một phần, một phần do đương sự lo liệu tùy khả năng ban quản lao ấn định. Ký tên: Không rõ". Từ sau khi đọc thư, Pierrot không ngớt la to:
- Cho tôi gặp quan tòa, phải thả tôi ra... thằng nhóc nhà tôi gặp khó khăn.
La tới mức quản lao chịu không thấy, phải mách nước hòng xoa dịu:
- Làm đơn xin cấp trên, ban quản lao sẽ chuyển cho.
Thấy đây là một lối thoát, Thộn nghuệch ngoạc viết tờ đơn kể lể tình đầu thảm thiết nói lên nỗi lo về số phận người kế nghiệp vừa tròn sáu tháng tuổi. Mảnh giấy hồi âm viết: "Khỏi lo vô ích. Con đương sự đang ở trong tay những người rất tốt, nó sẽ được nuôi dạy chu đáo. Nếu đương sự lo lắng về mức sống của nó, ngoài giờ làm trong xưởng, hãy nhồm rơm đệm ghế thêm nhiều nữa để tăng tiền gửi nuôi dưỡng con. Chúng tôi có thể giúp đương sự chừng đó là tối đa". Pierrot bắt đầu nhồi đệm cật lực. Tiền công mỗi ghế được 80 xu, tiền ăn phải phụ thêm cho con mỗi tháng 120 frans, vị chi phải làm ngoài giờ 150 ghế. Buổi trưa, buổi tối, sáng tinh mơ, trong lúc các tù nhân ngủ, chơi bài, đi dạo quanh sân... các giám thị đều thấy Pierrot ngồi tựa lưng vào tường xà lim với đống rơm và xấp vỏ đệm, luôn tay nhồi nhồi, khâu khâu. Khi thằng nhỏ lên hai, Thộn đã nhồi được 4700 ghế, được trả công xấp xỉ 4000 frăng. Vậy là gã một mình cáng đáng toàn bộ tiền ăn của thằng con. Nhưng Thộn chưa cho thế là đã làm tròn bổn phận. Gã nói:
- Phải thả tôi ra. Năm nay thằng nhỏ đã lên hai, cần có bố. Tuổi đó là tuổi đứa con rất cần bố. Nó đang học nói, ai dạy nó nói? Nếu không phải là tôi! Tôi không dạy, sau này hai bố con làm sao hiểu được nhau? Tôi là bố nó.
Pierrot được trả lời:
-Yên chí. Nó đã có bố khác rồi, không phải thứ bố tạm thời, chốc lát như cậu. Họ sẽ chính thức nhận nó làm con, nếu cậu chịu cải tạo tốt. Như vậy thằng nhóc sẽ có cuộc sống bình thường nhưng những đứa trẻ khác, khỏi vướng mặc cảm là con một kẻ ở tù vì chôm chỉa.
Pierrot không chịu, nắm tay đập cửa ầm ầm, đòi được gặp nhà chức trách có thẩm quyền, gặp cha tuyên úy trại giam... kiên trì cuộc đấu tranh giành quyền làm cha, cuối cùng, quản lao đành phải cho Thộn gặp quan tòa chịu trách nhiệm thi hành án. Vị này chính là vị quan tòa "của" Pierrot. Vị đã nhẵn mặt Thộn. Lần nào bị điệu ra hầu tòa gã cũng chạm trán ông ta. Và lần nào cũng nghe ông mắng, nửa mắng nửa dạy bảo:
- Pierrot, càng ngày anh càng trượt dài. Phải dừng lại chứ! Anh không phải là người bất trị, không phạm trọng tội, hãy thử tu tỉnh một phen, cố trở thành người ra người coi thử. Nhất định được, cố lên!
Vị quan tòa này rất nhân hậu. Là một trong số không nhiều những người tin chắc vào khả năng cải tạo những kẻ phạm tội với xã hội. Một trong những quan tòa bao giờ cũng giải thích, khuyên răn trước khi lên án, cho dù việc làm đó thường không có tác dụng trong hai trên ba trường hợp, thậm chí chín trong mười trường hợp. Trước mặt vị quan tòa tốt bụng, Pierrot lại mở chiếc đĩa hát cũ:
- Tôi muốn ra khỏi đây, thưa ông. Vì thằng con tôi. Lúc này nó đang rất cần bố. Xin ông thả tôi ra. Xin thề thật độc là sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
- Pierrot, anh còn những ba năm nữa. Không thể cho anh ra. Vả lại, ai dám tin lời anh, trước sau gì anh cũng đào tường khoét gạch nhà thiên hạ, không thì lần lưng móc túi người ta. Anh sinh ra không phải để làm bố. Muộn quá rồi, Pierrot. Muộn quá. Tôi đã mấy lần báo động cho anh biết anh đang xuống dốc đấy, nhưng anh đều bỏ ngoài tai. "Thật bất công hết mức", Pierrot nghĩ bụng rồi nói:
- Các vị giảng giải đến nhàm cả hai lỗ tai tôi về công lý suốt bao năm nay. Bây giờ, xin hãy để tôi nói ngài hay cái công lý của ngài đang sắp làm nên trò trống gì. Nó sẽ biết thằng nhóc nhà tôi thành một thằng thộn như tôi. Ngài có biết tại sao tôi dám nói chắc như vậy không? Vì khi tôi bằng tuổi nó bây giờ thì bố tôi qua đời, mộ ông chưa xanh cỏ thì bà mẹ quý mến của tôi đã vội vã khăn gói ra đi theo tiếng gọi của một người đàn ông. Pierrot này bị gửi vào nhà tế bần ở thôn quê, và mới lên năm đã biết giở trò mất dạy. Lên bảy đã biết lấy trộm áo của nhà chủ, lên mười đã biết móc bóp của cô nuôi dạy trẻ lấy tiền đi chơi hội chợ, mười hai tuổi ăn cắp xe đạp, mười ba vào trại cải huấn, mười lăm đi cải tạo, mười bảy vào tù. Sau đó cứ đà ấy tiếp tục dài dài... Thằng con tôi sẽ lặp lại y hệt bố nó nếu không ai đưa nó thoát ra khỏi cái vòng ma quỷ ấy. Ai sẽ đưa nó ra, nếu không phải là tôi? Tôi sẽ lấy lại thăng bằng cho cái cân không cho nó lệch. Phải thả tôi ra!
Quan tòa rất đỗi phân vân:
- Anh biết con anh như thế nào không?
- Tôi có tấm hình đây.
- Chưa gặp mặt, anh có yêu nó không?
- Vì con, tôi quên ăn quên ngủ, nhồi ghế cả ngày lẫn đêm. Tôi sẽ làm tất cả vì con, tất cả mong sao con không trở thành như bố nó.
- Nếu được tha, anh sẽ tiếp tục phấn đấu hết mình vì con chứ?
- Xin thả tôi ra, chỉ như vậy tôi mới có cơ may.
- Chịu khó đợi ít lâu, rồi sẽ được tha.
- Đợi tới ngày đó thì muộn mất. Ngay từ hôm nay nó phải biết gọi tôi bằng bố, tôi phải có mặt để hỉ mũi cho nó hoặc đá đít nó khi cần. Dạy cho nó biết cách sống với người thương yêu nó, thuộc về nó, nó có thể đòi, có thể hiểu mọi thứ, mọi điều... Tôi van ông, hãy cho tôi ra...
Luật sư của Pierrot, ông chủ tịch đoàn luật sư, các bạn tù đều đồng thanh:
- Nên thả anh ta ra. Bằng cách nào đây? Có lẽ phải gộp án này vào án trước, coi vụ két sắt có 25 frans bên trong cũng nằm trong vụ đó luôn, coi vụ vượt ngục không nghiêm trọng như đã kết luật trước đây, cân nhắc kỹ mọi khả năng giảm tội và phải nghĩ thêm những mẹo khác nữa dù có nguy cơ phải gánh chịu nhiều nguy hiểm có thể trút lên vai những người chịu trách nhiệm thi hành án.
Pierrot có may mắn gặp được vị quan tòa rất tốt bụng. Xưa nay ông vẫn tốt bụng với những kẻ trót phạm lỗi lầm. Thấy Pierrot lần đầu tiên tỏ ra thộn một cách khôn ngoan, ông nói:
- Để thử anh xem sao.
Và nhìn Pierrot đang chảy nước mắt vui mừng. Vị quan tòa mang hết tài năng, kinh nghiệm cùng với tấm lòng nhân hậu của mình để xóa tội cho Pierrot.
Ít bữa sau đó Thộn ra khỏi trại giam. Việc đầu tiên là phải tìm cách làm quen với thằng con. Thằng nhỏ vừa thấy cái ông nó chưa gặp hồi nào, mang đầu tóc bù xù, bộ râu gớm chết, nước da xám ngoét, cúi xuống định ôm nó vào lòng thì khóc thét lên, bỏ chạy một mạch không quay lại. Pierrot rất thông cảm, bảo bà nuôi trẻ:
- Nhờ bà nuôi cháu giúp tôi ít bữa nữa. Và nói về tôi cho nó hiểu. Tôi phải đi kiếm tiền nuôi con và nuôi thân. Không lâu đâu. Giờ đây tôi đã đủ can đảm rồi, không sợ khó sợ khổ như trước nữa. Chỉ nhờ bà luôn luôn nói với cháu về bố cho nó quen dần, nói tôi sắp trở về và sẽ ở bên nó mãi. Nếu nó quậy phá, bà hãy nhắc đến tôi và răn dạy cháu... luôn luôn nói về tôi. Tôi sẽ nhanh chóng trở về...
Nhưng con đường hoàn lương đâu có xuôi chèo mát mái như Pierrot tưởng, nó đòi hỏi rất nhiều ý chí, nghị lực. Tình thương con, quyết tâm làm lại cuộc đời để nuôi dạy con đã giúp Pierrot vượt qua mọi trở ngại. Không một xu dính túi, ngay đêm đầu được tự do anh không kiếm đâu ra chỗ ngả lưng, cuối cùng phải trở lại trại giam xin tá túc qua đêm đông tuyết phủ. Trại không nhận, anh phải trà trộn với đám người cầu bơ cầu bất, hòng kiếm chút hơi ấm mong manh từ họ truyền sang. Từ bữa sau, anh đi lượm ve chai ngửa tay xin việc khắp hang cùng ngõ hẻm nhưng chẳng ai dám thu nạp con người có lý lịch tư pháp ghi lắm án tù như anh. Biết thân biết phận, Pierrot không nề hà bất cứ việc gì: kéo bễ lò rèn, lượm giấy lộn cho Đội quân Cứu nạn, bốc dỡ xe tải, chùi rửa bàn cầu, quét đường, gác kho, ban ngày đi bán dạo vài thứ đồ lặt vặt, đêm ngủ vạ vật dưới gầm cầu, thỉnh thoảng may mắn dành được một chỗ trong dạ lữ viện. Và tháng tháng vẫn trả đủ 120 frans tiền ăn của con.
Sông có khúc, người có lúc, hết cơn bĩ cực ắt tới ngày cam lai. Mãi cũng tới ngày Pierrot kiếm được chân nhân viên giao hàng cho một cửa hiệu có ông chủ thương người. Anh được cấp phiếu chấm công, có tiền thuê căn phòng nhỏ, và dám tậu cả một... chiếc quần mới cứng. Bữa đó, Thộn đóng bộ đàng hoàng chễm chệ ngồi tàu hỏa đi đón con, đưa nó tới khoe quan tòa, vị quan tòa tốt bụng "của mình". Đứng trước quan tòa, Thộn ngẩng cao đầu nói dõng dạc:
- Xin ông nhìn kỹ thằng nhỏ này. Đây là con trai Thộn, tên Jean, ba tuổi. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nó tới trình diện ông trong tư cách ông là một quan tòa. Thộn này dám cam đoan như vậy. Cho tới nay, tin cho biết: Pierrot tức Thộn đã giữ đúng lời hứa. Anh nuôi dạy thằng con trở thành một công dân lương thiện được bà con lối xóm tin yêu.
Vụ án 10: Kẻ Hèn Nhát
Truyện Mỹ.
Cảnh vật khô cằn hai bên đường vùn vụt lùi lại dưới ánh nắng chói chang. Nắng Mỹ chiếu trên bảng báo đây là vùng Medway. Xa xa chừng một kilômét thấp thoáng mấy ngôi nhà gỗ đầu tiên của Medway. Bầu trời đỏ rực cố níu vầng dương đang lặn nơi tận cùng thảo nguyên. Lề đường bên trái là trạm sửa xe bỏ hoang, bên phải có một quán rượu treo tấm bảng huênh hoang: "Bán bánh mỳ nhồi xúc xích nóng ngon nhất. Bán loại bia ngon nhất…"
Xe thắng gấp dừng lại bên vệ đường, người lái xe đưa cặp mắt hoảng hốt nhìn về quán rượu. Nhưng quán bỏ không từ lâu. Người đàn ông tuy biết thế, nhưng vẫn sợ. Bây giờ anh ta biết chắc không bị ai nhìn thấy, không thể có người nào đã nhìn thấy anh ta, anh ta mới hạ kính xe ngoái nhìn lại đoạn đường sau lưng. Chừng một trăm mét phía sau anh ta, thẳng vệt bánh xe xiết trên mặt đường có một khối tròn nhỏ nằm lăn bên mép đường. Khối tròn màu sáng. Bất động. Quanh nó một đám bụi đang lặng lẽ rơi xuống dưới ánh nắng chiều. Người đàn ông hít một hơi thật dài để trấn tĩnh lại. Không khí nóng tràn vào phổi không làm cho anh ta mát mẻ dễ chịu, trái lại càng làm anh vã mồ hôi. Áo sơ mi dán chặt vào ghế xe như thiêu đốt lưng anh. Đôi chân run bần bật sau những giây căng thẳng vừa rồi. Anh vẫn ngồi im không dám cựa quậy. Đầu óc rối tinh. Làm gì bây giờ? Xuống xe, nhào tới khối bất động kia, rồi làm gì tiếp? Lỡ nó chết rồi thì sao đây? Lúc đó sẽ nổ máy chạy trốn như một tên sát nhân chăng? Nhưng có thể nó vẫn còn sống, mình sẽ làm gì?
Người đàn ông có một quyết định thật đột ngột. Anh ta nổ máy, cài số lùi vội vã đến nỗi hộp số rít lên trèo trẹo và lùi xe một trăm mét tới chỗ khối tròn nhỏ. Tới sát bên nó, anh lấy hết can đảm nhìn xuống. Bé gái bận tấm áo màu hồng khá dơ dáy, chân đi dép cói. Bé nằm co tôm, mặt úp xuống đường đè lên hai cánh tay, trông như đang ngủ. Loáng thoáng nhìn thấy một mảng cổ và má nó nhợt nhạt. Hai chân bé co quắp, tay phải còn nắm chiếc quai giỏ. Người đàn ông đưa mắt nhìn quanh tìm chiếc giỏ, thấy nó bị văng khá xa. Một trái cam, một khúc bánh mì từ giỏ lăn ra ngoài. Giữa lòng đường có một chiếc mũ rơm bẹp dí đánh dấu nơi xảy ra tai nạn.
Câu chuyện là như vậy: một mình trên xa lộ, người đàn ông này đã tông ngã một bé gái, và đang lo sợ tự hỏi nên làm gì sau khi gây tai nạn. Tuy đáng lẽ anh ta không được chần chừ đắn đo gì hết. Phải lập tức xuống xe, xem tình trạng đứa nhỏ, trấn an nó, kiếm bác sỹ cứu chữa nó vì bản thân anh ta không phải là thầy thuốc nên không thể xác định đứa nhỏ bị thương tổn nặng nhẹ thế nào. Trong trường hợp rủi ro nhất, đứa nhỏ đã chết, anh ta phải chạy thật lẹ vào thành phố cách đây một kilomet báo với cảnh sát. Nhưng người đàn ông này không làm thế. Anh ta sợ. Sợ không dám xuống xe, quan sát, sờ nắn, xợ biết rõ sự thật. Một cái gì đó trong đầu anh ta vừa báo động, vừa rỉ tai: Chẳng có chuyện gì xảy ra. Xe anh không thể cán lên bé gái này. Không, không thể có chuyện đó. Anh ta không muốn và không thể thấy lại cảnh đứa nhỏ chạy băng qua lộ, thân hình bé bỏng của nó bị hất tung…
Cảnh ấy quá tàn nhẫn, anh ta không muốn nhớ lại, không muốn coi đó là sự thật. Không thể xảy ra chuyện đó. Nhưng đứa nhỏ đang nằm kia. Một khối tròn nhỏ màu hồng đầy bụi, bất động một cách đáng sợ, nó nằm sờ sờ ngay trước mắt anh ta, không muốn nhìn vẫn cứ thấy. Anh rụt rè, rón rén mở cửa xe. Rồi lại đặt chân xuống, bước tới một bước, ngập ngừng, hơi cúi xuống, khẽ gọi. Tiếng nói của anh ta khiến anh hoảng hồn. Anh nhảy giật lùi chui vội vào xe nổ máy chạy như phát điên, không dám nhìn vào kính chiếu hậu. Nắng tắt hẳn. Những ánh đèn đầu tiên của thành phố nhìn người đàn ông lẩn vào đám đông vô danh. Anh ta vào quán nốc một bữa rượu ê hề chưa từng có trong đời. Lúc này là 8 giờ tối.
Y hệt nhiều thành phố khác của Hoa Kỳ, Medway cũng có một đài phát thanh địa phương, làm công việc chủ yếu là ca ngợi nhạc rock, bột giặt sinh học và xà bông vớ vẩn. Xướng ngôn viên duy nhất của đài là Ronald Green, một người dường như từng giây từng phút đều phải sống với tốc độ 100km/h. Bằng chất giọng cực kỳ nhiệt thành, anh ta nhai nhải với niềm tin tưởng không thay đổi tất cả các tựa đề bài hát cũng như mọi tin tức trong thành phố và mọi mặt hàng được quảng cáo. Vương quốc của anh là tầng trệt ngôi nhà cũ, nơi anh sống trong mối liên hệ mật thiết với một kỹ thuật viên có bộ thần kinh cũng luôn căng thẳng và một nữ thư ký chuyên trách thư từ và điện thoại. Trong phòng có hai chiếc bàn, một máy chạy băng, hai máy quay đĩa, bình nước tự động và Ronald Green ngồi trước chiếc micro. Đài phát từ 9 giờ sáng tới 7 giờ tối liên tục không nghỉ. Khi nào xướng ngôn viên đói bụng thì kỹ thuật viên mở đĩa nhạc trong một tiếng hoặc mười phút, thời gian ngốn hết ổ bánh mỳ kẹp thịt. Ronald 26 tuổi, hơi đần nhưng rất năng nổ, hàng loạt thành tích chinh phục nữ giới được móc lủng lẳng trên đầu anh ta dưới dạng những bức hình có lời đề tặng đàng hoàng.
Sáng nay Ronald có vẻ bị "lỏng ốc". Lỏng ốc là cụm từ kỹ thuật viên ưa dùng để chỉ trạng thái thiếu nhiệt tình cháy bỏng của Ronald, thứ nhiên liệu tối cần cho sức năng động của đài. Tuy thế buổi sáng vẫn qua đi không chút trục trặc nhỏ nào mặc dầu Ronald bị lỏng ốc. Sau đó nữ thư ký chuyển cho anh ta bản thông báo gửi tới qua điện thoại của quận trưởng cảnh sát Medway. Ông yêu cầu giúp một tay. Nhờ Ronald phát trên làn sóng, nếu cần thì mỗi giờ một lần, bản thông báo yêu cầu tìm kiếm bé gái 12 tuổi tên Cory Materson rời khỏi nhà bố mẹ từ bữa qua cho tới giờ vẫn chưa về. Ronald nhận lời. Chí ít cũng có thể giúp được bằng cách đó. Lâu nay bạn nghe đài thường nhờ anh ta tìm giúp chiếc xe mô-tô mất cắp, chiếc xe hơi hoặc con mèo lạc. Một bé gái mất tích là chuyện quan trọng hơn gấp bội. Với tinh thần trách nhiệm thật cao. Ronald miêu tả nhận dạng đứa nhỏ: chiều cao, màu mắt, quần áo. Sau lần phát thứ ba, tức ba giờ sau quận trưởng cảnh sát lại gọi điện nhờ giúp một việc khác. Xe tuần tra đã kiếm ra đứa nhỏ, bây giờ cần thông báo nhằm tìm ra người lái xe đã tông phải nó. Vì rõ ràng nó gặp tai nạn giao thông. Đang nằm trong bệnh viện trong tình trạng hôn mê tuy không có thương tích rõ rệt ngoài mấy vết bầm tím…
Quận trưởng muốn kêu gọi lương tâm người lái xe đó. Để biết chắc đó là một tai nạn chứ không phải một vụ tấn công. Ronald không mấy thích thú loại việc này. Nguyên tắc lâu nay của anh khi nói trên đài là tọa nên không khí vui tươi liên tục trong thính giả. Anh đã vi phạm nguyên tắc này khi thông báo tìm kiếm đứa nhỏ mất tích, giờ đây không muốn bi kịch hóa hơn nữa không khí với thông báo truy lùng kẻ gây tai nạn giao thông. Nhưng quận trưởng cảnh sát cố ép. Ronald đành đồng ý với điều kiện quận trưởng tự tay soạn thảo lời kêu gọi. Lúc trưa Ronald đọc trước micro bản tin dưới đây xen giữa hai đĩa nhạc: "Tôi ngỏ lời với người chạy xe hơi đã tông vào bé gái Cory Materson trong buổi chiều hoặc trong đêm qua. Hiển nhiên người đó đã hoảng sợ. Chúng tôi biết chắc người đó sợ đã giết chết đứa nhỏ. Cory không chết, nhưng các bác sỹ hết sức dè dật. Người đó nên tự thú. Lẩn tránh sẽ khiến cho cư dân thành phố chúng ta lảng vảng hình bóng một kẻ hèn nhát. Bố mẹ Cory không có khả năng chi trả phí tổn điều trị thuốc thang và sự chằm sóc vô cùng tốn kém cho đứa con của họ. Nhưng nếu người phạm lỗi tự thú và nhận trách nhiệm, hãng bảo hiểm sẽ chi trả. Tôi xin nhắc lại. Tôi xin nhắc lại…"
Không mệt mỏi, mỗi giờ một lần Ronald lặp lại lời thông báo. Vả lại dù không muốn cũng không được: ông chủ đài phát thanh trực tiếp gọi điện cho anh:
- Sáng tác cho tôi một bài thật lâm li thống thiết về đạo đức công dân, về danh dự, về đủ thứ… Tìm ra thằng cha cán người đó là màn quảng cáo tuyệt vời cho địa phương ta đấy.
Ronald Green bèn nặn ra một mẩu rất lâm li thống thiết về đạo đức của công dân, về danh dự, về đủ thứ… Kỹ thuật viên tạo một nền nhạc thật thảm cho bài văn, có thể làm rơi nước mắt tất cả các bà nội trợ của Medway. Đột nhiên… Lúc 17h56, Ronald không đọc quảng cáo, không lặp lại bản thông báo mà yêu cầu thính giả chú ý. Anh nói:
- Chào quý bà, chào quý ông. Buổi phát thanh của chúng tôi tới đây chấm dứt. Chấm dứt hoàn toàn, nhưng mong quý vị yên tâm, người ta sẽ có cách thích hợp để phục vụ quý vị trong một ngày gần đây. Rồi anh tới gặp quận trưởng cảnh sát, khai: "Chính tôi đã tông ngã đứa nhỏ”. Quận trưởng nhìn anh ta. Và nói:
- Cory đã khá hơn, sẽ qua khỏi thôi, Ronald.
Và kiểm tra lại mảnh chắn bảo hiểm đã nhặt được tại hiện trường, nó cũng là mảnh từ xe Ronald vỡ ra nhưng anh ta không hay biết. Trong cuộc sống thường nhật từ trước tới nay anh ta chẳng hề hay biết tí gì vì quen mồm nói mãi những điều không thay đổi bằng một giọng không thay đổi, như một cái máy. Tuy vậy, dù sao anh ta cũng đã nhận ra một điều… kẻ hèn nhát đáng khinh chính là anh ta.
Vụ án 11: Mẹ Người Bị Tù Oan
Truyện ngắn Mỹ
Người phụ nữ 58 tuổi này mang cái tên mà các cậu bé, cô bé Mỹ thường đặt cho con chuột bạch nhỏ xíu nuôi chơi trong lồng sắt: Minnie. Kể ra thì cũng có gì đáng ngạc nhiên, vì Minnie không khác con chuột nhỏ bao nhiêu. Trong lồng, chuột miệt mài suốt ngày đạp bốn cái chân quay chiếc vòng không ngơi nghỉ. Trên tầng 40 tòa cao ốc số 56 đường Đông NewYork, Minnie cũng ngày ngày bò bốn chân cọ rửa, lau chùi sàn nhà từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Sau đó từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều cùng ngày lại tới cọ rửa, lau chùi sàn các hộp đêm trên đường số 42. Ngày lại ngày cứ vậy, không ngơi nghỉ…
Thẻ đoàn viên "Công đoàn Người Lao công" của Minnie ghi: Minnie Rolls. Da trắng, 58 tuổi. Ngụ tại khu Brooklyn. Thế thôi. Thẻ công đoàn không ghi, giấy căn cước cũng không ghi một sự kiện tày đình trong đời sống riêng của bà: năm 18 tuổi chẳng may rơi vào tay một gã du đãng dưới gầm một cây cầu nọ ở Brooklyn. Và từ cuộc đụng độ bất ưng này đã ra đời một chú bé. Minnie đặt tên con là Till để tưởng nhớ người ông nội gốc Áo. Rồi ngay từ đó bắt đầu cuộc đời lao công nhọc nhằn để nuôi thân và nuôi con. Trong 40 năm đằng đẵng, từ 18 đến 58 tuổi, bà đã lết hai gối trên không biết bao nhiêu cây số vuông sàn nhà, chỉ biết rằng hai đĩa xương bánh chè đều mòn vẹt, mười đầu ngón tay thành chai cứng như gỗ. Nhưng vẫn không dám nghỉ, mong sao thằng con không vì đói mà làm liều không bị nay tù mai tội như biết bao đứa cùng cảnh "con hoang". Tội nghiệp Minnie!
Mơ ước chỉ có thế mà cũng không thực hiện nổi: Till bị cảnh sát bắt giam. Người mẹ biết con mình không trộm cắp, không giết người. Bà chắc chắn biết điều bất hạnh đã xảy ra với con bà là ở chỗ nó vô phúc rơi vào một viên cảnh sát nhầm lẫn nó với một tên khác. Hoặc cố tình bắt tội nó để khỏi tốn công truy tìm một tên khác. Chỉ một mình người mẹ biết và tin như vậy. Bữa đó nhằm ngày tháng Chạp năm 1932, Till bảo mẹ:
- Mẹ ơi, xin mẹ tin con. Con làm than suốt ngày trong nhà mình, đâu có lai vãng tới tiệm bán đồ, đâu có biết ai bị giết hồi nào!
Minnie tin. Nên từ bữa đó càng ra sức quét rửa, lau chùi không ngơi nghỉ, vì Till để lại cho bà một cô vợ trẻ và thằng cháu nội mới sinh. Dần dà, một ý nghĩ cháy bỏng nảy ra trong đầu, phát triển thành nỗi ám ảnh day dứt đêm ngày: phải tìm ra hung thủ, giải thoát con khỏi chốn ngục tù oan uổng. Muốn vậy, phải có điều kiện đầu tiên: đôla, thật nhiều đôla. Từ nay không thể ngủ tới 3 tiếng mỗi đêm. Cũng không được ăn mỗi ngày hai bữa... Nhờ nhịn ăn, nhịn mặc tăng giờ lau chùi cọ rửa nên mỗi cuối tuần Minnie lại tới ngân hàng gửi được chín phần mười số tiền vừa lãnh. Nhân viên thu tiền chăm chú nhìn mặt bà già héo hon trước tuổi, nhìn những ngón tay cong queo, khô khốc run rẩy đếm từng tờ giấy bạc, từng đồng xu lẻ. Rồi anh nói vui: “Bà là người lao công giàu có nhất NewYork". Thực ra Minnie đâu có giàu tiền giàu bạc, mà chỉ giàu hi vọng. Hy vọng kiếm đủ 5.000 đôla để cứu con…
Till lãnh án tù chung thân, vào tù từ năm 1932. Đến nay đã 12 năm trôi qua. Minnie đã gom được 5.000 đôla. Bà xin nghỉ việc. Nói với các ông bà chủ đang thuê mướn mình: "Tôi nghỉ xả hơi ít bữa". Minnie về căn nhà ổ chuột của mình tại Brooklyn, ở lỳ trong đó. Một mình vò võ. Vì từ lâu rồi cô con dâu đã bỏ cuộc: cô quá trẻ, quá xinh nên không thể thăm nuôi mãi người tuy gọi là chồng nhưng đã bị kết án tù chung thân. Cũng trong thời gian này, ở cuối thành phố NewYork có một nữ phóng viên trẻ măng của tờ báo nhỏ nhưng đầy tham vọng nổi danh. Cô phóng viên trẻ đang nóng lòng thi thố tài năng. Phụ nữ làm phóng viên ở những năm đầu thập niên 40 đòi hỏi phải thật sôi nổi, cả gan và tài giỏi hơn bất cứ nghề nào khác. Năm 1944 này, nữ phóng viên Elisabeth Falsh mới hai mươi hai tuổi, nhưng đã có đủ những phẩm chất đó. Trong khi những đồng nghiệp nam giới có những đề tài viết về âm mưu chính trị, ngụp lặn trong các vụ ganster, bới móc công đoàn và giành độc quyền về đề tài chiến tranh; Elisabeth có quan niệm khác hẳn họ về nhiệm vụ viết báo. Cô cho rằng tờ báo phải giúp bạn đọc thấu hiểu cảnh ngộ người đồng loại, nhất là những người dân bình thường. Cuộc sống thường nhật của họ thiếu gì những điều vĩ đại, những chuyện khác thường, sao cứ đua nhau vung phí giấy mực tả những vụ li hôn quái đản, những cuộc truy hoan của tỷ phú, những đám cưới hỏi của cô con gái dầu mỏ?
Nghĩ vậy nên sáng nào cô cũng chăm chú đọc mục tin vặt của tất cả các tờ báo trong nước. Sáng 20 tháng Mười, cô đọc trên tờ Time của Chicago mấy dòng sau đây: “Giải thưởng 5.000 đôla sẽ được trao tặng cho ai giúp phát hiện hung thủ giết một cảnh sát ngày 6 tháng Mười hai năm 1932. Xin gọi điện thoại số 522-44-16, tiếp suốt ngày". Elisabeth quay số, đinh ninh sẽ nghe giọng một đàn ông tiếp chuyện. Nhưng từ đầu dây bên kia vọng tới tiếng nói nhỏ nhẹ run run:
- Minnie Rolls đây, cô muốn gì vậy?
Tội nghiệp Minnie, từ bữa thuê đăng mấy dòng trên báo, bà đã nhận cơ man cú điện thoại của đủ loại người: lưu manh có, lừa đảo có, thám tử có, mà những kẻ rỗi mồm, tọc mạch và nhân chứng giả cũng không ít. Nên mỗi bận nghe máy bà đều trả lời:
- Xin thứ lỗi, tôi không có nhiều thời giờ tiếp chuyện lâu, nếu ông (hoặc bà) có bằng chứng gì, xin vui lòng viết thư gửi cho ngài biện lý. Bằng chứng nào đáng giá nhất sẽ nhận được tiền thưởng. Minnie không còn cách nào khác. Bà chỉ đủ tiền trả bảy kỳ báo. Tuy có 5.000 đôla gửi ngân hàng, nhưng đó là món tiền bất khả xâm phạm. nếu qua một tuần chưa có kết quả, bà sẽ lại đi làm, dành dụm rồi thuê đăng mấy ngày nữa. Elisabeth khẩn khoản nài:
- Tôi là nhà báo, thưa bà, xin đừng bỏ máy.
- Cũng phải như mọi người thôi. Tôi không muốn mất thời giờ vì tính tò mò của người khác.
- Tôi muốn được gặp bà. Cách bà theo đuổi chẳng có tích sự gì hết, thật đấy. Đời thủa nhà ai lại truy tìm tên sát nhân bằng mấy dòng rao vặt trên báo, như thể rao tìm việc làm?
Minnie đáp rằng con người thường tử tế khi ta cho họ cơ hội và đôla. Bà tận dụng thói ham tiền của các nhân chứng chứ không ảo tưởng tên giết người sẽ hối lỗi. Elisabeth vẫn vật nài đòi gặp. Minnie thẳng thừng từ chối:
- Bữa con tôi bị kết án, báo chí các cô đều im re. Tât cả mọi người không một ai mở miệng. Một cảnh sát bị giết, thế là người ta tóm một thằng bé ngốc nghếch và bắt nó trả giá. Cô muốn biết thì tới hỏi cảnh sát, họ sẽ thuật lại cho mà nghe. Tôi kể sao bằng họ được! Vả lại tôi bận ngập đầu, phải nghe trả lời điện thoại không kịp thở nữa kia. Mỗi giờ ngồi nói như thế này, không đi làm là tôi mất đứt nửa đô. Cô thử tính mà coi, tôi phải bỏ ra mười hai năm quần quật không ăn không ngủ mới tích cóp được 5.000 đôla.
Minnie gác máy. Elisabeth quyết định nhập cuộc, coi đây là sự nghiệp cả cuộc đời mình. Ông chủ báo hỏi cô căn cứ vào đâu cô tin chắc “Mụ già điên" có lý, Elisabeth đáp:
- Vì bà ta tin chắc mình có lý…
Tại đồn cảnh sát, Elisabeth được biết vụ Till xảy ra như sau: Ngày 6 tháng Mười hai năm 1932, một cảnh sát vào cửa hàng nọ uống vại bia, đúng lúc hai tên cướp tấn công người thu ngân. Viên cảnh sát định can thiệp thì bị chúng giết chết rồi biến mất. Bà quản lý cửa hàng khai Till là một tên trong bọn. Till cãi: ngày đó anh ta chở than về nhà, vào đúng giờ đó, vì cô vợ đang chuyển dạ trong bệnh viện, mùa đông năm nay sẽ rất giá buốt, nhà lại có trẻ sơ sinh. Tối đó, có người đàn ông nhìn không rõ mặt tới gọi cửa, nói:
- Chúng đang truy đuổi, tôi van anh, hãy giấu tôi đi…
Sau đó, Till khai thêm: người kia cố tình chui xuống hầm nhà nấp một lát rồi đi không nói năng gì. Anh đã kể hết đầu đuôi với chòm xóm, với mẹ rồi với vợ. Nhưng cảnh sát cho rằng vợ Till đồng lõa với chồng. Bà quản lý cửa hàng khai: "Đúng nó, không sai”. Vậy là đủ để kết tội Till giết người. Chỉ riêng ông thẩm phán điều tra vụ việc coi đây là một sai lầm tư pháp, khốn nỗi ông bị chết đột tử trước khi kịp đòi xem xét lại bản án. Tiền thuê luật sư thì quá cao, vả lại các luật sư đều biết rõ: bào chữa cho kẻ đã giết nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ là chuyện chẳng ngon lành gì. Till không bị tử hình là do thiếu bằng chứng: bà quản lý cửa hàng không khẳng định chính tay anh ta đã nổ súng… Nắm được diễn biến vụ án, Elisabeth cùng với các đồng nghiệp bỏ ra nhiều tháng đi thu thập thêm lời khai của nhân chứng, tìm gặp từng người trong hội đồng bồi thẩm. Trong khi Minnie đều đặn quay về với chổi và giẻ lau nhà để lại tiếp tục đăng trên báo: "Giải thưởng 5.000 đôla sẽ được trao tặng cho ai giúp phát hiện hung thủ giết một cảnh sát ngày 6 tháng Mười hai năm 1932. Xin gọi điện thoại số 522-44-16, tiếp suốt ngày". Elisabeth tới hỏi bà con chòm xóm của mẹ con Minnie. Họ đều nói:
- Cả buổi chiều bữa đó, cậu ấy bốc than đem vào nhà. Sáng sau cậu ấy kể với bọn tôi là có người đàn ông lạ mặt tới nấp ít lâu trong nhà rồi bỏ đi. Elisabeth tới gặp bà quản lý cửa hàng… sau một hồi quanh co cuối cùng bà ta thú thực:
- Mấy chú cảnh sát dặn tôi nhận đúng cậu Till là một tên trong bọn. Thật tình mà nói, cậu ấy hơi hao hao giống, tuy có thấp nhỏ hơn… nhưng tôi nhìn đâu có còn tinh lắm…
Ngày 16 tháng Chín năm 1945, Ủy ban ân xá quyết định thả Till. Anh trở về căn nhà ổ chuột Brooklyn với khoản trợ cấp của chính quyền đền bù cho mười hai năm ngồi tù oan uổng. Trở về nhưng mất vợ, mất con, không biết làm một nghề gì kiếm sống, vì suốt mười hai năm đó anh chỉ được người ta dạy bảo có một điều duy nhất: "chờ".
Líu ríu bên con bước ra khỏi tòa án, mắt bà Minnie ướt đẫm, hai tay ghì chặt trước ngực một bọc nho nhỏ. Bà tới nhà cô phóng viên Elisabeth Falsh, hai tay nâng gói nhỏ đưa cô:
- 5.000 đôla của con đây, cầm lấy. Con rất xứng đáng được nhận món tiền thưởng này của mẹ.
Elisabeth khăng khăng từ chối. Giằng co mãi, bà Minnie mới thuận giữ lại cho mình kết quả của mười lăm tiếng quần quật mỗi ngày trong mười hai năm ròng rã. Bài báo của Elisabeth được đăng trên trang nhất với tựa đề: 65.699 giờ cọ rửa để chùi sạch vết nhơ oan ức trên người đứa con.
Nguồn: http://motsach.info/