24/3/13

Những vụ án nổi tiếng thế giới (V4-6)

Vụ án 4: Chứng Cớ Nắm Trong Tay

Truyện ngắn Anh.
Trên một đường phố giữa trung tâm thủ đô London, một người phụ nữ trẻ đẹp vừa phải, áo quần và nữ trang đáng giá vừa phải đang đứng chờ xe điện. Một người đàn ông đi giầy da bóng loáng, cổ choàng khăn lụa, mặc áo khoác lông thú đang dạo chơi trên đường bỗng đứng khựng, sửa cặp kính trên mũi ngắm kỹ thiếu phụ. Rồi tới bên, cất giọng sang sảng bắt chuyện:
- Xin được tự giới thiệu: nhà quý tộc Winston. Chẳng hay tôi có được hân hạnh đứng đây cùng đợi xe với cô chăng? Mong cô vui lòng cho phép…
Chẳng mấy chốc câu chuyện giữa hai người đã trở nên cới mở thân tình. Wistion được biết: thiếu phụ góa chồng hiện đang sống độc thân, ngày tháng trôi qua trong buồn chán vì còn trẻ mà chưa kiếm ra việc gì làm, nguốn sống chỉ là khoản lợi tức…
Nhà quý tộc tỏ vẻ cảm thông, cau mày suy nghĩ rồi chợt nảy ra một ý hay.
- Vậy thì… Nhưng thôi, chả dám nhờ cậy cô việc này, sợ cô cho là không xứng đáng.
- Không sao đâu, xin ngài cứ nói.
- Thế này nhé, cô gái đáng mến! Hiện nay tôi đang sống một thân một mình trong ngôi nhà quá rộng. Tôi có nhiều đầy tớ nhưng chắc cô chẳng lạ gì đàn ông chúng tôi không quen cai quản họ. Từ lâu tôi đã để tâm tìm kiếm một người quản gia, thực ra là kiếm một nữ chủ nhân để giúp tôi cai quản bọn tôi tớ lười chảy thây, quen làm ăn luộm thuộm, chuyên ăn cắp vặt. Mới gặp cô vài phút mà chẳng hiểu sao tôi đã thấy ngay cô chính là người tôi cất công tìm kiếm bấy lâu. Tôi thường bị công việc làm ăn choán hết thời giờ lại phải đi xa luôn nên thật khó lòng… Mong cô hiểu cho.
- Xin lỗi về câu hỏi hơi tọc mạch: ngài làm công việc gì à?
- Vài hầm mỏ. Một ngân hàng. Vài ba thứ lặt vặt khác… Ý cô thế nào?
- Điều ngài vừa cho biết thật tuyệt diệu. Hoàn cảnh sinh sống của em hiện nay cũng khá dễ chịu nhưng còn khiêm nhường lắm. Từ khi nhà em mất đi, em mắc thêm chứng buồn. Được trông coi cơ ngơi của ngài thật không gì bằng. Không gì bằng…
Nhà quý tộc Wiston mới trạc ngũ tuần, giàu sụ, lại chưa vợ, biết đâu một tổ ấm sẽ được xây nên! Wiston băn khoăn nhìn bộ đồ trên người thiếu phụ trẻ.
- Thưa cô, xin thứ lỗi cho tính thẳng thắng của tôi. Tôi muốn người quản gia phải trang phục sao cho tương xứng với địa vị xã hội của tôi. Cô đừng ngại! Tôi sẽ lo hết. Nhưng trước tiên xin mời cô đi dùng trà với tôi trong đại khách sạn tôi quen. Vừa uống trà vừa thỏa thuận với nhau về các chi tiết. Tôi có thói quen giải quyết công việc thật lẹ, dứt điểm ngay không lề mề mất thì giờ.
Mấy phút sau hai người đã vào uống trà trong đại khách sạn London. Khung cảnh qúa lộng lẫy khiến thiếu phụ choáng ngợp. Nhà quý tộc đưa cô tấm ngân phiếu khá nặng tay để mua sắm nhiều bộ đồ hợp thời trang, một ngân phiếu thứ hai nặng tay hơn nhiều về các khoản: ứng trước tiền công, thanh toán các khoản chi về phí tổn thu xếp nơi ăn ở…
Wiston còn tỏ ra chu đáo hơn:
- Cho tôi được thay mấy món nữ trang của cô bằng những thứ khác đẹp hơn. Đối với cô chắc chẳng có nghĩa lý gì, nhưng tôi rất coi trọng chuyện này.
- Khỏi cần, thưa ngài. Nhẫn của em gắn kim cương thứ thiệt, đôi bông tai cũng vậy.
- Tôi biết. Nhìn qua là tôi biết liền. Nhưng mong cô đừng giận, tôi thấy mấy thứ đó làm theo kiểu hơi xưa. Cô đưa tôi, mấy chú thợ kim hoàn chuyên làm cho tôi lâu nay sẽ gia công lại biến chúng thành những món đồ tuyệt hảo. Chỉ sau hai mươi bốn giờ là hoàn tất. Họ còn có sẵn một sợi dây chuyền tuyệt đẹp, tôi sẽ thêm vào đây để cô có hẳn bộ đồ nữ trang hoàn chỉnh tương xứng với nhan sắc của cô. Tôi muốn cô phải thật lộng lẫy khi tiếp các vị khách của tôi.
Sáng hôm sau, thiếu phụ tới chỗ hẹn. Chờ mãi… không thấy nhà quý tộc Wiston tới. Vàng và kim cương không thấy châu về hợp phố. Giật mình, cô kiểm tra lại các tờ ngân phiếu, thì chẳng tờ nào có tiền bảo chứng tại ngân hàng.
Loại phụ nữ ngốc nghếch dại khờ như cô này không phải ít. Chỉ trong vòng vài tháng, nhà quý tộc Wiston đã vào những nơi có sẵn con mồi: rạp hát, phòng hòa nhạc, vũ trường… dùng những mánh khóe đúng như vậy, nói những câu y hệt như vậy, dụ dỗ được mười bảy cô. Chắc không chỉ có từng ấy, vì nhiều cô há miệng mắc quai không dám trình báo thưa kiện mà đành chịu ngậm quả bồ hòn làm ngọt. Riêng một mình cô thứ mười bảy kịp thời tỉnh ngộ và có đủ can đảm đi báo cảnh sát. Wiston bị tóm cổ.
Tên thật của hắn là John Smith, công dân Anh sinh ở Áo. Hắn bị đưa ra xử tại tòa. Chánh án Fulton kết tội hắn 5 năm tù ngồi vì tội lừa đảo. Đếm hết ba cuốn lịch, Smith được thả. Hắn tung tin sẽ trở về Áo. Và từ đó biệt âm vô tín…
Bốn năm sau, một người đàn ông chứng hơn năm mươi dọn tới London. Ông có vẻ giàu có, trọ trong khách sạn, mướn thư ký riêng giúp công việc giấy tờ kể cả việc thư từ với các cô gái trong vùng. Vì ông là người Na Uy, nói tiếng Anh chưa sõi và càng không viết được tiếng Anh. Tuy vậy ông rất giỏi khoa tán gái, giỏi tởi mức nhiều bà vợ cho vay những món tiền lớn để ông trang trải công nợ trong việc làm ăn, tuy chẳng bà nào biết ông ta làm ăn những gì. Ông sống độc thân nên thỉnh thoảng lui tới các ổ diếm mà cảnh sát London vẫn để ý canh chừng. Tên ông là Beck. …
Thời gian trôi qua. Một hôm, cũng trên đường phố London này, một người đàn ông đỏm dáng tự xưng là nhà quý tộc Wiston tới bắt chuyện với một phụ nữ trẻ vừa phải, đeo những nữ trang vừa phải đang đi trên đường phố. Ông ta mời thiếu phụ đi dùng trà với ông trong đại khách sạn, mời làm quản gia cho ông, đưa những tờ ngân phiếu hậu hĩnh đề cô mua sắm váy áo đẹp, bảo cô giao đồ trang sức cho ông mang đi đánh thành những đồ hợp thời trang hơn… và biến mất. Vẫn diễn viên cũ, kịch bản cũ, những lời lẽ cũ. Một vụ, hai vụ, rồi nhiều vụ xảy ra liên tiếp. Điều rất lạ là có rất nhiều bà mắc hợm. Trong số nạn nhân, không chỉ các mụ khờ dại hoặc tham lam mà có cả những bà có học thức, thông minh, khá giả, có bà góa, có các bà nạ dòng và có cả nhiều cô gái tơ mơn mởn… Đơn thưa kiện xếp thành chồng cao ngất trong Sở Cảnh sát London, tuy vẫn không ít bà chịu ngậm đắng nuốt cay còn hơn ra tòa thưa kiện.
Vào một ngày cuối năm ấy, cô Ottili nữ giáo sư âm nhạc người Đức gặp nhà quý tộc Wiston trên đường Thắng Lợi. Sau vài câu xã giao, cô Ottili mời nhà quý tộc bữa sau tới nhà cô uống trà. Như mọi bận, trong khi uống trà, Wistion tuôn ra những điệp khúc quen thuộc về người quản gia, váy áo, ngân phiếu, nữ trang…
Sau khi vị khách quý tộc ra về, cô Ottili thấy chiếc đồng hồ bằng vàng của mình đã không cánh mà bay. Những ngày sau đó, cô đi tuần khắp các ngả dường, nhìn thẳng mặt mọi người đàn ông gặp trên đường. Một tháng truy tìm như vậy. Cho tới bữa kia, đang đi trên đường cô Ottili bỗng giật nảy: Tên lừa đảo kia rồi! Cô Ottili chạy băng qua đường túm áo gã, tri hô:
- Cảnh sát! Gọi cảnh sát giúp tôi với! Thằng kẻ trộm đây rồi!
Người bị túm áo tỏ vẻ rất ngạc nhiên, cố vùng chạy. Nhưng dân chúng bủa tới đông nghẹt, không còn đường thoát. Tuy cố biện bạch kêu oan, gã vẫn bị điệu về đồn cùng với cô Ottili.
Tại đồn, cô Ottili khai hết đầu đuôi vụ việc, không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Cảnh sát mừng rơn: thằng cha này đúng là thủ phạm mấy chục vụ lừa đảo tại thủ đô.
- Tên gì?
- Adolf Beck.
- Anh mạo nhận là nhà quý tộc Wiston?
- Không. Tôi không hề quen biết ông ta.
- Dĩ nhiên! Vì làm gì có nhà quý tộc đó? Tên thật của anh là John Smith, người Áo nhập quốc tịch Anh. Giấy tờ tùy thân của anh là đồ dỏm!
- Đâu có! Toàn thứ thiệt cả. Tôi chẳng hiểu gì hết. Tên tôi là Beck, người Na Uy hẳn hoi. Mà đâu có quen biết cô này! Bữa nay mới gặp lần đầu!
Chiều hôm đó, cảnh sát tổ chức cuộc nhận mặt. Bẩy người đàn ông hao hao giống Beck đứng xếp hàng chung với gã, trong bộ quần áo y hệt gã…
Cả tám người phải quay mặt ra chỗ thật sáng đối diện với mười một bà mới bị Wiston lừa trong một năm gần đây. Không do dự, mười bà chỉ tay giữa mặt Beck: "Đúng thằng này mồi chài lừa lọc chúng tôi. Cam đoan đúng thằng này không sai!". Tất nhiên cảnh sát không nghi ngờ lời xác nhận của những mười bà. Và cũng không thể tin vào lời chối cãi của Beck: gã chẳng viện dẫn được bằng chứng ngoại phạm nào có giá trị, đã vậy, khám nhà gã, cảnh sát thu được mấy tờ biên lai của các tiệm cầm đồ nhận những món nữ trang gã ký gửi. Beck vẫn một mực kêu oan, nói đó là những món quà tặng, là đồ vay mượn của mấy bà, mấy cô thân thiết. Nhưng ai mà tin được!
Tuy nhiên, viên cảnh sát trưởng vốn tất thận trọng, bèn triệu hai thám tử hưu trí trước đây đã tham gia điều tra vụ Wiston - John Smith tới nhận mặt. Cả hai thám tử lão luyện dạn dày kinh nghiệm đồng thanh khẳng định: “Đúng gã đó, không sai”. Một nhân viên đại khách sạn đã nhiều bữa phục vụ trà cho ngài quý tộc cũng quả quyết đây chẳng phải Bếch biếc gì hết, chính là John Smith!
Nhưung Beck vẫn một mực kêu oan, cam đoan không dính líu gì tời John Smith với Wiston. Cam đoan đây là lần đầu tiên trông thấy mười một bà tới chỉ tay day mặt mình. Thề không hề phạm tội nào trong những tội họ trút lên đầu gã. Gã chỉ có mỗi khuyết điểm không đáng gọi là tội: thỉnh thoảng vay mượn chỗ này một món, chỗ kia một ít, và vì có số đào hoa nên được các bà các cô ưu ái, kể cả các cô gái điếm cũng như các bà thuộc giới thượng lưu… Và của đáng tội, cũng có lợi dụng ưu thế đó tí ti chứ không hề lừa đảo ai. Tên họ đích thực là Adolf Beck…
Mặc cho gã kêu gào thảm thiết, mọi người vẫn khăng khăng: thằng này là John Smith, tên tái phạm nguy hiểm số một, chuyên nặn hầu bao những phụ nữ yếu đuối. Không những cảnh sát mà các nhà báo và dân chúng đều tin như vậy. Chỉ riêng có một mình vị luật sư bào chữa cho gã tin ngược lại. Ông cho rằng thân chủ của ông bị oan. Nên ông rất hy vọng vào kết quả giám định của các chuyên gia so chữ. Các chuyên gia so sánh chữ viết của Beck với chữ của John trên các bức thư tình, tuy một đằng là chữ Na Uy một đằng là chữ Anh nên cũng hơi khó. Luật sư còn có một hy vọng thứ hai: Chánh án Flton sẽ buộc tội Beck lại chính là người ngày trước đã xét xử John Smith năm xưa. Vị quan tòa này chắc chắn không thể nhầm lẫn giữa Beck với John, John với Beck. Đứng trước vành móng ngựa, Beck lộ vẻ lo lắng cực kỳ. Cuộc diễu hảnh trước toà của các nhân chứng bắt đầu. Cô Faust khai:
- Chính tên này đưa tôi vào đại khách sạn. Hôm sau lại gặp tôi lần nữa.
Cô Marion:
- Chẳng nó thì ai? Khi dự hòa nhạc, nó đã nói với tôi về Goethe!
Cô Evelin:
- Đúng cái mặt nó đấy! Tôi gặp trong vũ hội các nhà hảo tâm từ thiện. Suốt tôi hôm đó. hắn cặp kè bên tôi không rời nửa bước. Các cô Alice, Sinclair, Ethel, Khoud thảy đều đồng thanh:
- Chính nó! Chính nó!
Các cô líu ríu cung cấp đủ cả ngày tháng, địa điểm, lặp lại những câu đối thoại, những mẩu chuyện… tất cả đều hết sức chân thật khiến mọi người dự phiên tòa đều tin chắc như đinh đóng cột: đúng gã này là John Smith…
Beck hoang mang tột độ, gần như phát điên. Đến lượt các chuyên gia so chữ công bố kết quả giám định. Họ tuyên bố chắc nịch:
- Tuy tên can phạm đã khôn khéo thay đổi cách viết, nhưng hắn làm sao che mắt được chúng tôi. Những chuyên gia đầy kinh nghiệm. Chính tay hắn đã viết những bức thư mà tòa giao cho chúng tôi kiểm định.
Nghe vậy, Beck choáng váng như bị trời đánh. Luật sư tung nốt con chủ bài cuối cùng. Vẻ rất tự tin, ông nói với tòa:
- Thân chủ tôi và chính bản thân tôi nữa xin phó thác số phận vào tay ngài Fulton đáng kính. Ngài biết rõ nhân dạng John Smith bởi lẽ chính ngài đã xử tội hắn tại phiên tòa bảy năm về trước. Thưa ngài Fulton, bị cáo đang đứng trước ngài tại đây hôm nay là ai?
Ngài Fulton nghiêm trang, cả quyết:
- Tât nhiên tôi không thể lầm, và cảng không được phép lẩm. Vì đang phải gánh vác một trách nhiệm cực kỳ nặng nề và vô cùng cao cả. Thưa tòa, tôi trịnh trọng tuyên bố: người này là … John Smith!
Chuyện có vẻ vô lý, nhưng lại có thật trăm phần trăm!
Adolf Beck và John Smith có những điểm rất giống nhau. Cả hai đều là người gốc nước ngoài nên giọng nói tiếng Anh đều lơ lớ trọ trẹ, ngoại hình cũng có những nét hao hao giống, và cả hai đều được phái đẹp thủ đô ưa thích…
Nhưng tất cả những điểm giống nhau ấy cùng lắm chỉ có thể làm cho vài ba nhân chứng nhầm lẫn là cùng. Đằng này có những mười nạn nhân, cộng với một cậu bồi bàn, hai thám tử kỳ cựu và một vị quan tòa lâu năm trong nghề đều bé cái lầm thì thật khó hiểu!
Bỏ qua lời bào chữa thống thiết của luật sư, hội đồng xét xử cứ tuyên án Beck bảy năm tù. Beck vào xà lim với tập hồ sơ John Smith, đội tên của John Smith, đeo số tù cũ và ngồi trong xà lim trước kia của John Smith, gánh chịu muôn vàn khổ ải mà chế độ tù danh riêng cho những tên tái phạm. Trong khi đó, tên John Smith thứ thiệt lâu nay vẫn lẩn quất trong các xó xỉnh London, nay thấy đã có người ngồi tù thay, bèn chuốn sang Mĩ làm ăn dưới cái tên "Bác sĩ Master". Thủ phạm đã bán sới, các vụ lừa đảo ở London không còn người trình diễn, Mọi người càng vững tin: pháp luật đã trừng trị đúng thủ phạm. Beck càng bị coi là John!
Nhưng vị luật sư của Beck vẫn không chịu bỏ cuộc. Công sức ông bỏ ra cuối cùng dẫn tới một sáng kiến tài tình. Sau mấy trăm lần cặm cụi lật đống hồ sơ John Smith, ông phát hiện tờ chứng nhận tên này theo đạo Do Thái. Mọi người đều biết đạo Do Thái có một nghi lễ bắt buộc đối với mọi bé trai: cất bao quy đầu. Qua khám xét, thấy rõ Beck không bị xẻo mất khoản đó. Sự thật hiển nhiên như vậy, nhưng nhà chức trách không chịu thừa nhận, không trả tự do cho Beck. Với tài liệu do luật sư vừa phát hiện được việc xác minh Beck là Beck hay là John đâu có khó? Chỉ cần hỏi mấy bà đã chỉ mặt Beck là biết liền: Làm gì các bà chả từng nắm cái… bằng chứng đó trong tay!
Vị luật sư tận tụy với thân chủ lần này cam chịu thất bại. Beck ngồi tù sáu năm mới được tạm tha. Anh bỏ ra nhiều món tiền lớn hòng chứng minh mình vô tội nhưng chẳng kết quả gì. Đã thế… Sau khi Beck được tạm tha, ở London lại có những phụ nữ bị quyến rũ, họ trao hết nữ trang cho Wiston, nhận những tờ ngân phiếu vô giá trị… Đơn thưa kiện lại ùn ùn gửi tới cảnh sát. John Smith vẫn còn lưu luyến phụ nữ London, nhưng búa rìu lại nhè đầu Beck giáng xuống. Vì các bà lại chỉ mặt anh ta, thề không nhầm đến một sợt tóc. Ra trước tòa lần này, chàng Beck tội nghiệp không cãi, không nói, không gào lên được nữa. Bất chấp mọi quy tắc phòng xử án, anh ta ngồi phệt xuống, ôm mặt khóc nức nở. Vừa phải ngồi tù thay thằng khốn kiếp sáu năm đằng đẵng, nay lại bị gán ghép tội tái phạm, cầm chắc sẽ lãnh mười năm đếm lịch! Trời cao đất dày có thấu chăng?
Thấy bị can khóc lóc thảm thiết, chánh án hơi phân vân. Chỉ hơi hơi thôi, vì ông đã từng thấy nhiều tên lưu manh giả bộ oan ức, khóc lóc hòng làm mủi lòng thiên hạ. Dù sao ông cũng hoãn tuyên án trong mười lăm ngày và đòi cung cấp thêm chứng cứ. May thay, sau bảy ngày ngồi tạm giam, Beck đang chờ một tuần nữa ra tòa lãnh thêm bản án nữa thì Wiston lại tái xuất giang hồ. Lần này nó phạm sai lầm "bắt cá hai tay", cùng một lúc cặp bồ những hai cô gái. Một trong hai cô nổi cơn tam bành, bám theo hắn tới tiệm cầm đồ, gọi cảnh sát…
Wiston bị bắt quả tang. Báo chí cả nước làm ồn ào xung quanh vụ bê bối, chỉ trích dữ dội các sai sót điều tra, xét xử. Các chuyên gia so chữ thú nhận sai lầm, xin rút kết luận trước kia. Quan tòa Fulton bị khiển trách. Hệ thống xét xử của Anh có thêm một cơ quan mới: tòa Phúc thẩm Hình sự. Tòa quyết định phục hồi danh dự, phục hồi quyền công dân của Beck, bồi thường cho anh 5.000 bảng. Năm năm sau, Beck qua đời trong cô đơn vì bệnh sưng phổi do hậu quả những năm oan ức trong nhà tù ẩm thấp của London sương mù… Beck chết oan uổng vì có những hai chục bà nhất quyết khẳng định anh là tên lừa đảo, chỉ có ba người chịu nhận đã khai lầm. Công luận cho rằng hai chục bà kia sợ phải trả lời câu hỏi cắc cớ: "Ngài Wiston có theo đạo Do Thái không?”.


Vụ án 5: Chuột Sa Bẫy 

Truyện ngắn Mỹ.
Năm 1974, sau mười hai năm góa vợ, Kenneth Benson vẫn ở vậy, vẫn điều hành công ty bảo hiểm, vẫn là một triệu phú hiếm có và vẫn ở trong biệt thự mang tên vợ tại Los Angeles. Các tường phòng treo la liệt chân dung người vợ yêu, ngôi biệt thự gần như trở thành đền thờ người đàn bà bạc mệnh. Kỷ niệm xưa không vì thời gian trôi qua mà phai nhạt trong tâm trí Kenneth. Dường như có cái gì đó vỡ vụn, khiến sau mười hai năm ông già hẳn đi…
Hai đứa con trai cũng đã thay đổi nhiều: John năm nay đã mười tám, Spencer mười sáu. Cả hai đều lớn bổng lên, phổng phao, khỏe mạnh. Và thay đổi sâu sắc về mặt tư cách đạo đức. Sau khi Elisa qua đời, người bố tự mình lo việc giáo dục hai đứa con, tất cả tình thương yêu dành cho vợ, bây giờ ông trao hết cho con. Nói là ông cưng chiều chúng có lẽ chưa đủ, vì cưng chiều không có nghĩa là thỏa mẵn bất cứ đòi hỏi nào của con cái. Đằng này, ông Kenneth không bao giờ từ chối một yêu sách nào của hai đứa con. Chúng đòi mua món đồ chơi vừa trông thấy trong tay thằng bạn con nhà tỷ phú ư? Có ngay. Một thằng phàn nàn người hầu của nó không chịu ngồi yên để nó thúc mũi giầy bào mạng mỡ anh ta ư? Lập tức ông chủ ra lệnh đuổi ngay anh hầu. Vừa đủ tuổi quy định, mỗi đứa đều được bố tặng vài ba chiếc mô tô phân khối lớn, sau đó là những chiếc xe hơi. Những chứ không phải một…
Ít lâu nay, ông Kenneth bắt đầu thấy lo lo, John lại vừa tông nát chiếc xe hơi thứ hai của nó. Lần này nó còn làm một người đi đường bị chấn thương…
Spencer tuy mới mười sáu tuổi nhưng không chịu kém. Nhiều lần bị giải vào đồn cảnh sát vì đánh lộn gây thương tích. Cả hai chẳng thiết học hành gì nữa, ngày đêm la cà hết quán rượu này tới hộp đêm khác trong thành phố, tới đâu gây chuyện bê bối tới đó. Mỗi khi các con càn quấy gây thiệt hại ở đâu đó, ông Kenneth lại vung tiền bồi hoàn gấp nhiều lần tổn thất, dàn xếp ổn thỏa chẳng ai thưa kiện thắc mắc gì. Đôi khi ông rụt rè trách móc con liền bị chúng gạt phăng:
- Có sao đâu bố? Vì bố nhiều tiền, khỏi lo. Tuổi chúng con là tuổi chơi bời thoải mái…
Tuy bắt đầu lo lo, nhưng ông Kenneth thấy chưa cần phải mạnh tay, chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở qua loa thôi, Ông muốn các con được hạnh phúc trong cuộc sống, niềm hạnh phúc ông không kịp trao tặng trọn vẹn cho Elisa đã ra đi quá sớm…
Lúc hai mươi mốt giờ ngày 06 tháng Ba năm 1974, Kenneth đang ngồi đợi hai con đi từ sáng chưa thấy về, bỗng nghe tiếng còi hụ ngoài đường. Tiếng bánh xe rít trên sỏi. Hai cảnh sát đi kèm John và Spencer giải vào. Viên trung úy lịch sự nói với nhà tỷ phú:
- Thưa ông Kenneth, chúng tôi dẫn hai con trai của ông về. Vì là con ông nên chúng tôi bỏ qua. Nhưng đây là lần cuối cùng.
John và Spencer cười nhâng nháo khi ông Kenneth lo lắng hỏi trung úy:
- Lạy Chúa, chúng nó sinh sự gì vậy?
- Lấy trộm chiếc xe đạp.
- Ủa để làm gì mới được chứ?
Trung úy cảnh sát nhìn thẳng vào mắt nhà tỷ phú:
- Thưa ông Kenneth, ông nên hỏi các con ông thì hơn. Tôi chỉ có một lời khuyên: ông cần quản lý chặt hai cậu con, trước khi quá muộn…
Tiễn chân cảnh sát ra về, ông Kenneth vào hỏi hai đứa:
- Sao các con lại làm chuyện đó? Ăn cắp một chiếc xe đạp, lạ thiệt. Muốn mua mấy trăm chiếc chả được?
Spencer cười nhăng nhở:
- Bố chẳng hiểu gì hết! Xoáy chơi cho vui vậy thôi, để coi thử có những phản ứng gì. Chẳng lẽ chỉ bọn khố rách áo ôm mới trộm cắp, còn bọn con lại không?
Không tự chủ được nữa, Kenneth Benson giang thẳng tay tát giữa mặt Spencer. Phản ứng quyết liệt của người bố lần đầu tiên nổ bùng khiến thằng con choáng váng, đứng lặng hồi lâu rồi co cẳng chạy khỏi nhà. Thằng anh bám theo. Lát sau, tiếng mô tô phân khối lớn gầm lên. Còn lại một mình trong nhà, ông Kenneth bưng đầu gục xuống. Tất cả sự thực phũ phàng đột ngột phơi bày trước mắt…
Lỗi tại ông. Không nuôi dạy hai đứa con với tình thương yêu sáng suốt, ông đã làm chúng thối nát. Đã biến chúng thành quái vật, thành những hạt giống sát nhân. Ôi, giá như mẹ chúng vẫn còn chắc chắn tình hình sẽ khác hẳn, nhưng đau khổ thay, Elisa đã vắng bóng từ mười hai năm nay!
Ngay lập tức, Kenneth có một quyết định dứt khoát. Vốn là con người hành động, khi thấy có vấn đề đặt ra là ông tìm bằng được cách giải quyết rốt ráo. Tin rằng John va Spencer hư hỏng vì thiếu vắng sụ giáo dục của một người mẹ, ông quyết định: mình sẽ tục huyền. Cáng sớm chừng nào càng hay!
Kenneth Benson đã bắt tay vào việc thì tất yếu công việc phải được giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Một tuần sau ông chấm được ý trung nhân. Người trúng cử là Dorothy Smith. Một phụ nữ bốn mươi lăm tuổi, tóc nâu sậm, người khô đét và dài như cây sào, khuôn mặt nhiều góc cạnh. Kenneth không quan tâm tới vẻ ngoài không mấy hấp dẫn của người vợ mới. Ông ấn định ngay vị trí và chức trách cho bà ta. Không có chuyện chăn gối gì hết, điều duy nhất phải làm cho tốt: dạy dỗ hai đứa con trai, không để chúng biến thành hai kẻ giết người. Dorothy Smith hiểu rất rõ nhiệm vụ được giao:
- Ông cứ tin ở tôi. Tôi chỉ yêu cầu ông đảm nhận mọi chi phí trong gia đình.
Nhà tỷ phú nhận lời. Đám cưới được tổ chức tháng Sáu năm 1974, rất giản dị. Từ đó tình hình biến đổi hẳn…
Dorothy ngự trị trong biệt thự Elisa như một nữ hoàng tối thượng. Nắm chặt tay hòm chìa khóa, kẻ ăn người ở phải tường trình mọi khoản chi tiêu mỗi ngày. Và dĩ nhiên, John cũng như Spencer đều bị cắt đứt mọi khoản tiêu vặt. Mô tô và xe hơi đều bị tịch thu hết. Việc học hành được mẹ kế giám sát rất chặt, một lời đe dọa được lặp lại nhiều lần: nếu không đủ điểm sẽ bị đuổi khỏi biệt thự, đi nơi khác ở và kiếm việc làm để sống như mọi người…
Thời gian đầu, hai anh em tìm mọi cách chống lại nền trật tự mới, nhưng chúng nhanh chóng nhận ra đối thủ cao tay hơn nhiều. Mỗi lần chúng phản đối đều bị Dorothy trừng mắt nhìn tuyên bố đanh thép:
- Mẹ đã quyết định như vậy, các con cứ vậy mà làm. Không bằng lòng thì đi khỏi nhà này…
Phải công nhận Dorothy rất công bằng, đối xử với hai anh em như nhau nên không đứa nào dám tỵ nạnh. Hai anh em biết thân biết phận nghiến răng chịu đựng, ôm chặt hận thù, giã từ cuộc sống phởn phơ trong hộp đêm, giã từ những cuộc đua xe bạt tử, những canh bạc bốc trời. Chúng phải vùi đầu vào học. Kenneth rất mừng. Nỗi tiếc thương người vợ trước vẫn âm thầm hủy hoại sức khỏe Kenneth rồi một bữa phá vỡ tim ông…
Một tuần sau công chứng viên của gia đình Kenneth Benson mở di chúc ông ta để lại. John và Spencer thực lòng yêu quý bố nên rất tiếc thương, nhưng lúc này chúng chỉ nghĩ tới một điều: được thừa kế gia tài, nhận hàng trăm triệu đôla, được vui chơi xả láng gấp nhiều lần trước… Phen này con mụ già thần nanh đỏ mỏ đừng hòng chọc gậy bánh xe!
Công chứng viên lấy giọng trịnh trọng đọc to: “Tôi để lại cho John và Spencer phần gia tài theo luật quy định tức là mỗi con tôi được nhận 300.000 đôla. Số tiền này sẽ được trao tận tay chúng khi nào vợ tôi là Dorothy qua đời. Tôi trao quyền cho Dorothy quản lý toàn bộ di sản của tôi. biệt thự Elisa là tài sản không chia phần, thuộc quyền sở hữu chung của hai con trai tôi và vợ tôi…"
Hai chàng té ngửa, gần nghẹt thở… Mất quyền thừa kế! Chúng bị mắt quyền thừa kế, chỉ được mỗi đứa 300 ngàn so với vô số triệu rơi vào tay mụ…
Dorothy ngồi thẳng lưng trên ghế bên khẽ nhấc miệng cười… Thì ra mụ đã biết từ trước. Đồ rắn độc!
John va Spencer căm uất nhìn mụ, trong mắt cả hai đứa lóe lên tia lửa hận thù man rợ… Tuy vậy bộ ba vẫn phải sống chung dưới một mái nhà, không ai chịu bỏ phần biệt thự của mình…
Thêm hai năm nữa qua đi. Bây giờ là tháng Ba năm 1979. Sự chung đụng trong biệt thự Elisa đã càng thẳng đến tột bực, mỗi hận thù của hai thằng con đối với dì ghẻ đã lên tới đỉnh điểm. Bỗng nhiên Dorothy Benson bị một cơn đột quỵ. Được cấp cứu kịp thời, mụ thoát chết. Bác sĩ của gia đình khi đưa mụ về nhà, dặn dò hai chàng:
- Điều chủ yếu là bà phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nếu tái phát lần sau thì khó lòng…
"Nếu tái phát thì khó lòng…" Hai anh em chẳng cần đưa mắt, chẳng cần nói với nhau nửa lời đã hiểu rõ bụng nhau. Lời dặn dò ngắn gọn đã rút ngắn số mệnh Dorothy…
Một tháng sau, ngày 24 tháng Tư năm 1979, bác sĩ gia đình của nhà Benson nhận được cú điện thoại cấp báo:
- Mời tới ngay!
Bà mẹ kế chúng tôi ngát xỉu trong bồn tắm. Có vẻ nguy kịch. Bác sĩ phóng xe như bay tới biệt thự Elisa. Lao vào phòng tăm. Thoáng nhìn cũng biết ngay bệnh nhân đã hết thở. Dorothy ngòi bệt trong bồn, đầu lật ra sau, mắt trợn ngươc, mồm há hốc. Khám nghiệm qua loa, bác sĩ kết luận: chết vì suy tim. Ông cấp giấy phép chôn cất. Ông chẳng hồ nghi gì hết, kết cục bi thảm này đã được ông dự báo trước rồi.
Bác sĩ vừa đi khỏi, hai anh em thả sức bộc lộ niềm vui thắng lợi. Vị bác sĩ đáng kính đã sa bẫy. Án mạng đã được chúng dàn dựng tuyệt vời, không một kẽ hở nhỏ. Dù gia tài này có rơi vào tay đứa con gái riêng đời chồng trước của Dorothy thì mỗi đứa vẫn còn 300 ngàn đô và chiếc biệt thự này. "Chà, ngón đòn đúng là tuyệt chiêu! Thì ra mụ ta cũng không ghê gớm lắm. Ăn nhau ở chỗ dám liều. Dám liều nên hai đứa mình toàn thắng. Sự đồng tâm nhất trí của hai anh em mình là yếu tố quan trọng lắm lắm trong vụ này…".
Ít bữa sau, John và Spencer lại có mặt trong văn phòng viên công chứng của gia đình. Con riêng của Dorothy ngồi bên hai anh em. Cô ta là người sẽ đút túi tài sản khổng lồ của nhà Benson. Hai anh em thỉnh thoảng lừ mắt nguýt đầy ghen tức. Nhưng biết không thể xoay chuyển tình thế, chúng ấm ức chấp nhận số phận, cam chịu bằng lòng với phần đã được chia. Và thản nhiên nhìn công chứng viên gỡ xi gắn chiếc phong bì đựng di chúc người mẹ kế. Lần này sẽ không có gì khiến chúng kinh ngạc như lần nghe di chúc của bố. Công chứng viên cất giọng nhà nghề đọc to: “Tôi, Dorothy Benson, tuyên bố người nhận toàn bộ di sản của tôi là Spencer Benson, con trai riêng của chồng tôi…" Không khí trong văn phòng lặng ngắt. Một lát sau, tiếng rú thất thanh, tiếng đổ ghế cái rầm. Con gái Dorothy vùng chạy đi, kêu khóc thảm thiết. Còn lại hai anh em đối diện công chứng viên. Chúng quay nhìn nhau hồi lâu.
Một tuần sau khi mở chúc thư của Dorothy Benson, ngày 09 tháng Năm năm 1979, John Benson dừng xe trước đồn cảnh sát cận biệt thự Elisa. Viên cảnh sát tiếp gã lại chính là trung úy cách đây vài năm đã bắt giữ hắn cùng với Spencer về tội trộm xe đạp.
- Thưa trung úy, tôi muốn lương tâm được thanh thản. Nên mới tố giác: em trai tôi phạm tội giết người. Nó dìm mẹ kế tôi chết ngạt để thừa hưởng gia tài…
Sau phút bàng hoàng dễ hiểu, trung úy hỏi thêm chi tiết. John khai báo cặn kẽ, chính xác. Ngay hôm đó, Spencer bị bắt tại Los Angeles giải về gặp trung úy. Trung úy không rào đón úp mở, ném thẳng vào gã lời buộc tội:
- Anh đã ám hại Dorothy Benson. Dìm bà chết ngạt dưới bồn nước tắm. Nào, khôn hồn thì thú nhận.
Gã tân triệu phú đôla lấy giọng trịch thượng:
- Biết đang nói chuyện với ai không trung úy?
Viên sỹ quan vẫn điềm nhiên.
- Đừng lên gân cho mệt. Tôi biết hết rồi. Anh trai anh đã bật mí.
Nghe vậy, gã gục liền. Nghe trung úy hạ lệnh bắt giữ, gã chợt bật tỉnh:
- Thế còn John? Ông đã bắt hắn rồi chứ? Hai chúng tôi chung sức giết mụ già mà. John Benson bị tóm nốt, cảnh sát Los Angeles thay nhau lấy khẩu cung nhưng gã một mực chối.
- Spencer tự tay làm từ đầu đến đuôi. Nó được thừa kế, đâu phải tôi. Tôi phản đối hành động đó.
Sau bảy mười hai giờ thẩm vấn, gã mới chịu nhận tội. Và tỏ vẻ nhẹ nhõm, thanh thản. Xin một điếu thuốc, rít lấy rít để. Rồi nhếch mép cười mỉm, vệt cười nhếch mép trông kỳ cục chuyển dần thành tiếng cười rũ rượi kéo dài mấy phút không sao kìm nổi. Mãi sau hắn mới nói được giữa hai đợt nấc cụt:
- Hay thật! Hay cực kỳ!… Di chúc của con đĩ già ấy… Tôi vừa hiểu ra rồi… Hiểu tại sao mụ cho thằng Spencer tuốt tuột mà không cho tôi một đồng nào… Mụ biết trước…
Gã ngưng bặt, lấy lại hơi thở dốc.
- Mụ biết trước thế nào cũng bị chúng tôi thịt, nên nghĩ mẹo chia rẽ hai anh em tôi. Cho Spencer hết, để tôi trắng tay, mụ buộc tôi phải nghi ngờ thằng em phản. Và cuối cùng tôi sẽ không chịu thua, sẽ tố giác để nó không được hưởng gia tài. Thế là cả hai đứa đều nhịn luôn. Cả hai chuột đều sa bẫy. Tờ di chúc hay thật!
Cái bẫy tài tình sập một phát được cả hai chuột liền. Dorothy Benson đối xử với hai anh em như nhau, không phân biệt, không thiên vị đứa nào tuy trong di chúc lại làm ra vẻ ưu đãi thằng em hơn. Hội đồng bồi thẩm tòa Los Angeles không phân biệt tội trạng của hai anh em nhà Benson. Cả hai tên đều bị buộc tội ngang như nhau, John và Spencer đều lãnh án tù chung thân.

Vụ án 6: Cô Gái Trên Đoàn Tàu Tốc Hành 

Truyện Đan Mạch.
Đoàn tàu chạy vào đường hầm Mulehortz, Thuỵ Sĩ. Dưới luồng đèn pha, người lái tàu chợt thấy hình như có người nép vào góc hầm. Một xác chết. Cô gái cao 1.60m, khoảng ngoài đôi mươi, rất xinh đẹp. Biên bản khám nghiệm tử thi vẫn miêu tả cô rất xinh đẹp: thon thả, mặt trái xoang, lông mi dài, mắt to rất xanh, răng đều, tóc vàng mượt. Trên người có sẹo mổ ruột thừa. Bận đồ nhẹ, vải caro xanh đậm và trắng, túi to, có nhãn đề “Chế tạo tại Đan Mạch”. Đeo nhẫn, không đi giầy. Tính giờ, đoán chừng cô bị rơi từ đoàn tàu tốc hành tuyến Bắc, đoàn tàu này đã dừng ở Zurich rồi đi Roma. Tất cả các quốc gia đoàn tàu đi qua: Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Tây Đức, Italia dều được Interpol yêu cầm tham gia cuộc điều tra.
Trung uý cảnh sát Đan Mạch Brenxen được cảnh sát Thuỵ Sĩ báo: họ tìm thấy trong đường hầm những mảnh hộ chiếu chắc là của nạn nhân. Chắp lại thấy số hộ chiếu là 146945 cấp ngày 22-6-1961 cho một cô gái Đan Mạch tên là Epba, sinh ngày 20-8-1937 ở Djetol, bác sỹ vật lý trị liệu ngủ ở Copenhaghen. Trung uý Brenxen tìm đến nhà cô gái, trên lầu 2 một ngôi nhà loại trung bình. Anh bỏ mũ, lấy bộ đưa đám hỏi người đàn ông đứng tuổi vừa mở cửa:
- Bác là người nhà của Epba Guttensen?
- Vâng, tôi là bố. - Ông ta tái mặt, sửa lại kính, nhìn kỹ viên trung uý rồi hỏi - Chắc có chuyện gì?
- Con gái bác đi vắng ạ?
- Vâng.
- Đi tàu tốc hành tuyến Bắc?
- Tôi vừa tiễn chân nó cách đây ba ngày. Có gì nghiêm trọng lắm không?
- Tôi sợ là có, bác ạ.
- Rất nghiêm trọng à?
- Vâng.
Những cuộc viếng thăm loại này bao giờ cũng nặng nề, khó nói. Nhất là những phút đầu tiên tiếp xúc. Lần lần, trung uý mới đỡ lúng túng, xem ra ông già đã hiểu.
- Người ta tìm thấy thi thể của một cô gái bận đồ ca-rô xanh trắng trong đường hầm bên Thuỵ Sỹ, trên đường tàu tuyến Bắc chạy qua. Có cả hộ chiếu của con gái bác.
- Nó ngã chắc?
- Có thể.
- Bác ở nhà một mình đấy chứ? Bác gái không có nhà chứ? Tôi có ba tấm ảnh của cảnh sát Thuỵ Sĩ chụp để nhận dạng nạn nhân. Tuy người ta cố thu xếp nhưng cảnh tượng vẫn rất nặng nề. Nếu bác thấy không đủ can đảm thì thôi, để nhờ người khác nhận diện cũng được.
- Không sao, cứ đưa tôi xem. Nhanh lên, bà nhà tôi sắp về. Sau đó người bố khốn khổ kể lại cuộc đời ngắn ngủi của con mình.
Cô Epba từ nhà đi ngày 10-5, lúc 13h30, tới Zurích bằng đoàn tàu tốc hành tuyến Bắc. Cô được tuyển vào làm bác sỹ vật lý trong một bệnh viện, sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 1-6 tới. Ông bố đã tiễn cô ra ga, đứng lại với con cho đến lúc tàu chuyển bánh. Bố bùi ngùi, con cũng xúc động, hai bố con chưa bao giờ phải xa nhau. Tuy vậy, cô vẫn không tỏ ra quá yếu đuối, mệt mỏi. Không có lý do gì khiến cô tự sát.
- Cô Epba đi một mình?
- Một mình.
- Bác có thấy người nào đứng gần hoặc tỏ vẻ quan tâm đến cô ấy?
- Không. Vả lại nó không mua vé ghi số, định ngang đường sẽ mua vé nằm.
- Tôi xin thành thật chia buồn với bác. Các đồng nghiệp của tôi sẽ tới gặp bác để ghi lời khai.
- Anh cho rằng nó bị ngã à?
- Ít có khả năng. Ít khi bị ngã từ trên tàu xuống mà chân không đi giày và vẫn mặc đồ dạo phố. Cảnh sát Thuỵ Sỹ nghĩ đến án mạng nhiều hơn. Chào bác, tôi thành thật chia buồn cùng bác.
Khi xuống đến tầng, trung uý gặp một bà già trạc 60. Bà cụ mỉm cười chào anh. Anh biết đó là ai, cúi đầu đi thẳng, không dám nhìn lại.
Trung uý mua vé đi Zurich trên đoàn tàu tuyến Bắc, khởi hành từ Copenhagen lúc 13h30. Anh đứng trên tàu nhìn đám đông dưới sân ga, kẻ cười người khóc, tưởng tượng cảnh ông già tóc bạc tiễn chân con gái lần đầu đi xa. Chắc có những giọt nước mắt đọng trên cặp kính lão. Lúc tàu gần chạy, ông còn mua cho nó tờ báo "Ô chữ" và cuốn phim. Tàu vừa rùng mình, cô nghịch ngợm bấm một tấm ảnh chụp bố đứng tần ngần dưới sân ga, rồi nắm chặt bàn tay bố trong lòng bàn tay nóng ấm, bảo: "Bố đừng lo lắng gì. Bữa nào được nghỉ ba bốn ngày, con sẽ chạy về thăm bố. Không lâu đâu bố ơi!". Trung uý đi kiếm chỗ ngồi, gặp người kiểm soát vé đang tíu tít kiểm tra vé trước khi đến biên giới. Bác ta đang vội nên cau có trả lời trung uý:
- Phải. Hôm kia tôi có công tác trên tàu.
- Bác có thấy một cô gái tóc vàng từ Copenhagen đi Zurich?
- Hỏi hay nhỉ. Một cô gái tóc vàng, lên tàu hôm kia? Mỗi ngày có hai trăm cô gái tóc vàng đi tàu, ai nhớ được.
- Nếu muốn thuê giường nằm cô ta phải hỏi bác chứ?
- Không. Hỏi nhân viên chuyên trách. Vào tìm trong các khoang vé nằm ấy.
- Tên người ấy là gì? Bác soát vé nguýt dài, định tống khứ anh chàng ấm ớ này đi cho khuất mắt, nhưng Brenxen nhanh hơn.
- Cảnh sát đây nhé, đừng giỡn!
- Dạ, dạ... vâng, mời anh gặp Letto, người Đức.
Letto nhỏ con, tóc nâu, mắt lấm lét. Trung uý nhìn anh ta hồi lâu.
- Giường nằm à? Chậm mất rồi. Nhưng cứ đợi xem. Đến ga Putgarza may ra... Tôi sẽ cố gắng... Anh ta lên mặt quan trọng. Phân phối giường nằm, đút túi số tiền phụ trội à khoản "bồi dưỡng" không nhỏ. Tàu đỗ ga Lubech. Trung uý tranh thủ gọi điện báo cho đồng nghiệp bên Đức biết anh vừa qua biên giới và xin một cảnh sát Đức đến tiếp sức vì anh không được quyền hành động trên lãnh thổ nước khác. Anh sẽ nhận ra người đó ở tờ báo Hamburg mở rộng cầm tay.
Từ ga Hamburg đi tiếp, trung uý đã có thêm người giúp. Anh và viên cảnh sát Đức phải đợi nửa giờ mới thấy Letto làm xong việc phân phát giường.
- Ông là Letto?
- Phải.
- Ông có nhớ một cô gái tóc vàng, cách đây ba ngày hỏi thuê giường nằm trên đoàn tàu này không?
Cặp mắt lấm lét của Letto lướt qua hai nhân viên cảnh sát.
- Có biết bao nhiêu người hỏi mua vé nằm! Làm sao nhớ?
- Đúng, nhưng sau đó cô ta đã chết. Rất xinh đẹp. Mặc đồ caro xanh trắng.
- Vậy à? Cô đó hả? Trời, khủng khiếp quá!
- Thế ra, ông còn nhớ?
- Nhớ! Một cô gái đẹp hết sức... mà có vẻ ngơ ngác, như con chim non rớt khỏi tổ.
- Ông xếp được chỗ nằm cho cô ấy chứ?
- Tất nhiên.
- Ở đâu?
- Toa 6 thì phải... Nhưng không nhớ khoang số mấy.
- Cố nhớ lại xem.
- Không chắc lắm, có lẽ khoang 12.
- Cô ấy có một mình ở đấy?
- Hừm... không.
- Với ai?
- Để nhớ xem đã. Không biết là một hay hai người. Chắc chắn có một cậu mặc bludong màu be.
- Ông có nói chuyện với cô ta chứ?
- Có, đôi ba câu.
Letto nở nụ cười hiểu ngầm rất khó coi. Nhân đà, trung uý hỏi luôn:
- Gạ gẫm cô ta chứ gì?
- Đại khái cũng có gạ tí tỉnh. Chuyện thường tình phải không? Nhưng thấy không ăn tôi cho qua luôn. Trò vặt vãnh kể gì. Không thiếu con gái, chả cần.
- Cô ấy xuống ga nào?
- Cái đó thì chịu. Để xem nào! Xuống Zurich thì phải. Ga cuối cùng của cô nàng mà.
- Ông có thấy cô ấy xuống tàu không?
- Không.
- Qua Zurich có thấy xuống không?
- Không. Ai để ý làm gì nữa. Tôi nghiệp cô bé! Sao mà chết?
- Ông không biết thì lạ thật. Báo cả nước Thuỵ Sỹ sáng nay đều đăng tin.
- Tôi không đọc báo Thụy Sỹ.
- Tìm xác thấy trong hầm Mulehorzt. Có thể rơi xuống đường tàu này.
- Anh vặn vẹo tôi chuyện đó hử? Chắc anh là cảnh sát?
- Đúng. Ông theo tàu tới tận Roma chứ?
- Tới Roma.
- Ta còn gặp nhau.
Trên chặng Francfurt đi Bale, viên cảnh sát Đức cùng Brenxen chuyển chỗ tất cả hành khách nằm toa 6 sang toa khác. Đến Zurich sẽ cắt toa này lại để cảnh sát Thuỵ Sỹ lên khám xét kỹ. Trung uý vào khoang 12 ngồi. Ánh đèn ngủ lờ mờ soi chiếc giường tầng dưới. Cô Epba đã nằm đây đêm hôm kia. Có khi cô đã bị giết trên đó, sau cuộc vật lộn kịch liệt, nếu không bị bất ngờ đánh chết. Có nhiều khả năng chính cô đã tự mình gây ra cái chết thảm thương đó, sắc đẹp của người con gái nhiều khi là con dao hai lưỡi. Trên đoàn tàu ai biết được có những loại người gì? Nhân viên soát vé rụt rè đến gặp trung uý đang gà gật. Trung uý giật mình giơ vé ra.
- Không, - bác xua tay, thì thầm - Tôi vừa đọc báo Francfurt, có bài về cô bé đáng thương ấy. Tôi cố nhớ lại...
- Bác nhớ ra cái gì?
- Nhớ nhưng không dám chắc. Trước khi tới ga Zurich, cô bé đánh thức tôi và hỏi tàu có đi đến Sua không? Ga Sua dưới Zurich. Tôi bảo: Phải trả thêm tiền vé. Điều làm tôi để ý là... Hình như không phải cô ấy trả tiền. Lúc ấy Letto đứng gần đó thì phải. Cô ấy cười, trao tiền cho tôi như thể anh ta vừa trao tiền cho cô bé.
- Bác cho rằng chính anh ta xúi cô bé đi tới Sua?
- Có thể lắm. Nhưng anh mới là người làm nghề đặt giả thuyết này, giả thuyết nọ, không phải tôi. Lúc cô bé hỏi tôi là 5 giờ sáng. Tàu sẽ đến Zurich lúc 8h17 phút.
Trung uý tỉnh hẳn ngủ, đi dọc hành lang tìm Letto. Anh ta nằm trên giường dành riêng cho nhân viên. Brenxen đứng nhìn không dám hỏi, vì anh không được quyền điều tra trên đất Đức. Vả lại, dại gì đánh động.
Đoàn tàu tới ga Bale. Trong sương mù đêm tối, có một thanh tra cảnh sát Thuỵ Sỹ tới truyền đạt lai lịch của Letto do Interpol cung cấp: sinh ngày 3-10-1934 ở Rey, Cộng hoà Liên bang Đức, quốc tịch Đức, đã có nhiều tiền án, một lần can tội năm 1956.
Đúng 8h17 phút, tàu tốc hành tuyến Bắc vào ga Zurich. Cảnh sát Thuỵ Sỹ tới còng tay Letto. Hắn thú nhận: thấy cô Epba tỏ ra có cảm tình với gã, gã rủ cô ở lại trên tàu cho tới ga Sua rồi sẽ quay lại Zurich trên chuyến tàu thứ nhất, để có dịp tìm hiểu nhau thật sâu... Nhưng cô gái không cho gã vượt qua giới hạn nào đó, ít ra cũng không cho vượt vào đêm nay, trên con tàu này. Thế là gã đùng đùng nổi giận, bóp cổ cô bé rồi vứt xác qua cửa sổ. Khi khám nhà hắn, cảnh sát còn thấy chiếc máy ảnh Kodak của Epba trong có cuộn phim, quà tặng của ông bố già trước khi cô đi xa. Cuộn phim được trả lại cho ông gần như còn nguyên vẹn... Trừ một tấm chụp bố già rơm rớm nước mắt giơ bàn tay gầy guộc vẫy đứa con yêu khi đoàn tàu chuyển bánh. Lần đầu tiên nó rời tổ ấm, ngờ đâu cũng là lần cuối cùng... Nhũng con chim non khi rời tổ thường thích bay thật nhanh đến những chân trời mới lạ mà không lường hết những cạm bẫy rình rập trên mọi nẻo đường...


Nguồn: http://motsach.info/