14/3/13

Sông Đông êm đềm (PII-C26-29)

Chương 26



PHẦN 2

Natalia sống hoà hợp ngay với gia đình Melekhov. Miron Grigorievich thật biết dạy con. Tuy giàu có, và ngoài các con ra trong nhà còn có người làm, nhưng ông vẫn bắt các con ông phải lao động cho quen công quen việc. Natalia hay lam hay làm nên được mẹ chồng quý mến. Daria thích làm dáng làm đỏm nên bà Ilinhitna ghét ngầm con dâu trưởng. Còn Natalia thì mới vài ngày đầu, bà đã yêu quý nàng ngay.
- Cứ ngủ nữa đi, cứ ngủ nữa đi, con yêu của mẹ? Mày làm gì mà dậy sớm thế? - Bà vừa lê cặp chân to đần đẫn đi lại trong bếp, vừa âu yếm khẽ bảo con dâu. - Lại vào trong nhà đi, cứ ngủ đến sáng đi, không có mày công việc vẫn làm xong cơ mà!
Natalia đã dậy từ tảng sáng để giúp công việc bếp núc. Nàng nghe nói thế lại vào nhà trong ngủ thêm.
Ông Panteley Prokofievich vốn rất nghiêm khắc đối với gia đình, thế mà ông cũng thường bảo vợ:
- Bà mày có nghe thấy không, đừng gọi con Natalia dậy nhé. Ban ngày nó tối mắt tối mũi như thế là đủ rồi. Lại còn phải sắp sửa đi cày với thằng Griska nữa. Còn cái con Daria, con Daria thì phải quật cho nó mới xong. Đàn bà gì mà ườn thây ườn xác, hư thân mất nết… Hết đánh má hồng lại tô lông mày, cái con chó đẻ.
- Năm đầu hãy cho chúng nó hú hí với nhau đã, - Bà Ilinhitna thở dài nhớ lại cuộc đời lao động cực nhọc của mình.
Grigori cũng dần dần có phần quen quen với cuộc sống mới của chàng, cuộc sống của một kẻ có vợ. Nhưng sau chừng ba tuần, chàng vừa bực bội vừa hoảng sợ nhận thấy rằng trong thâm tâm, mình vẫn chưa cắt đứt được hẳn với Acxinhia, và trong lòng vẫn còn sót một cái gì như một cái gai. Mà nỗi đau khổ ấy thì không phải ngày một ngày hai mà gạt bỏ được. Grigori đã từng đinh ninh rằng trong hoàn cảnh có vợ, được sống thoả mãn, mình sẽ gạt bỏ được hết dễ như trở bàn tay: tất cả rồi cũng sẽ quên đi… Nhưng đến nay chàng lại thấy là không thể nào quên được và mỗi khi nhớ lại thì vết thương lại rỉ máu. Ngay từ hồi còn chưa cưởi, có lần Petro đã hỏi Grigori trong lúc đập lúa trên sân:
- Griska à, mầy định sẽ như thế nào với con Acxinhia?
- Sao cơ chứ?
- Có lẽ bỏ thì thương?
- Tôi bỏ thì lại có người nhặt chứ sao? - Hôm ấy Grigori còn cười mà nói thế.
- Nhưng mày phải cẩn thận đấy. - Petro nhay nhay một đám ria nhai đã nát nhừ. - Nếu không mầy lấy vợ thật không đúng lúc.
- Ăn no béo mầm, việc gì chẳng quên. - Grigori pha trò.
Nhưng rồi tình hình đâu có diễn ra như thế. Đêm đêm, trong khi Grigori làm nhiệm vụ người chồng âu yếm vuốt ve vợ, trong khi chàng cố truyền cho Natalia cái lửa tình ngùn ngụt của tuổi trẻ, thì lại chỉ gặp thấy về phía Natalia một thái độ lạnh lùng, vâng chịu ngượng ngùng. Việc vợ chồng đi lại với nhau, Natalia làm rất miễn cưỡng, vì ngay từ khi lọt lòng, nàng đã được mẹ truyền cho một dòng máu thờ ơ hờ hững, chảy như rất chậm. Nhớ lại cái kiểu yêu đương đến cuồng dại của Acxinhia, Grigori thở dài:
- Natalia à, chắc hẳn ông cụ nhà em đã làm bà cụ nhà em thụ thai ra em trên băng… Em băng giá quá chừng.
Còn Acxinhia thì mỗi lần gặp Grigori, nàng đều mỉm một nụ cười ỡm ờ, tròng con mắt đục đi, giọng nói dính như keo:
- Chào anh, anh Griska yêu quý! Lấy cô vợ trẻ như thế, nâng niu chìu chuộng nhau thế nào?
- Vẫn sống như thường thôi. - Grigori trả lời qua loa cho xong chuyện, và chỉ mong mau chóng thoát khỏi ánh mắt ve vuốt của Acxinhia.
Stepan thì hình như đã làm lành với vợ. Anh ta đã bớt la cà ở quán rượu và một buổi chiều, trong khi quạt thóc trên sân đập lúa, lần đầu tiên sau chuyện lục đục vừa qua, Stepan bảo vợ:
- Acxiutca à, ta thử hát một bài đi!
Hai vợ chồng ngồi dựa lưng vào đống lúa mạch mới đập xong còn đầy bụi. Stepan cất giọng hát một bài của lính, Acxinhia hoà theo bằng một giọng rất cao, rất mạnh, phát ra từ trong ức. Hai người hát rất ăn giọng, cứ như đang sống lại tuần trăng mật.
Lại có lần, trong khi ráng chiều phủ khắp cánh đồng một làn ánh sáng đỏ tía, Stepan đi làm đồng về ngồi lắc lư trên chiếc xe tải, kéo dài giọng hát một bài cổ, giọng hát trường và buồn, như con đường trên cánh đồng cỏ hoang vu đầy cỏ dại, không một bóng người. Acxinhia ngả hẳn đầu lên bộ ngực nở nang của chồng, hát tiếp. Hai con ngựa kéo chiếc xe chạy cót két, gọng xe lắc sang bên nầy rồi lại lắc sang bên kia. Từ xa, mấy cụ già trong thôn lắng nghe bài hát:
- Stepan kiếm được cô vợ đến là tốt giọng.
- Nghe mà xem… họ hát ăn giọng quá!
- Cả giọng của Stepan cũng tốt nhỉ, sang sảng như tiếng chuông ấy!
Mấy cụ già ngồi trên những bức tường đất đắp quanh nhà đưa tiễn ánh chiều đỏ rực, mung lung sương khói nói vọng với nhau qua đường phố:
- Họ đang hát bài của trung đoàn Nizovsky đấy.
- Ông bạn đồng ngũ ạ, bài nầy được soạn ở Gruzia.
- Mồ ma bác Kiriuska thích bài nầy lắm!
Chiều nào Grigori cũng nghe thấy hai vợ chồng nhà Astakhov cùng hát với nhau sân đập lúa nhà Grigori nằm sát sân đập lúa nhà Stepan. Mỗi lần đập lúa, chàng lại nhìn thấy Acxinhia với cái vẻ tự tin, hình như hạnh phúc như xưa. Ít nhất là chàng có cảm tưởng như thế.
Stepan không chào hỏi những người trong nhà Melekhov nữa. Anh ta vác cái chàng nạng đi đi lại lại trong sân, cặp vai rộng nhưng xuôi khẽ động đậy, và thỉnh thoảng lại nói đùa với vợ một câu.
Acxinhia cười, cặp mắt đen láy long lanh dưới khăn bịt đầu. Grigori nhắm mắt lại vẫn thấy cái váy màu xanh lá cây của Acxinhia gợn sóng trước mắt. Một sức mạnh vô hình cứ xoay cổ của Grigori, làm cho chàng chốc chốc lại quay đầu nhìn sang sân nhà Stepan.
Chàng không biết rằng tuy Natalia đang giúp ông Panteley Prokofievich xếp các bó lúa, nhưng lần nào nàng cũng bắt gặp cái nhìn không tự chủ của chồng bằng cặp mắt vừa buồn vừa ghen.
Grigori cũng không thấy rằng trong khi đuổi mấy con ngựa chạy vòng tròn, Petro hếch mũi nhìn mình với một nụ cười châm biếm kín đáo.
Giữa những tiếng ầm ì trầm trầm tiếng rên siết của mảnh đất bị hành hạ dưới những quả lăn bằng đá, đầu óc Grigori rối bời với những ý nghĩ mung lung. Chàng cố tìm cách nắm những mảnh ý nghĩ vụn vặt trơn tuồn tuột lẩn trốn ý thức, nhưng không tài nào năm nổi.
Từ những sân đập lúa ở gần cũng như ở xa, tiếng đập lúa, tiếng trẻ chăn bò đuổi đàn bò, tiếng roi quất đen đét, tiếng hòm quạt thóc kêu phành phạch, vẳng tới rồi lại tan đi trên bãi cỏ hoang ven sông.
Thôn xóm béo đẫy ra trong ngày mùa nằm đê mê dưới cái nắng tháng chín mát rượi trải ra trên sông Đông như con rắn thuỷ tinh nằm vắt ngang đường. Trong mỗi căn hộ nằm giữa những dãy hàng rào, dưới mỗi mái nhà đều có một cuộc sống riêng quay tít như con thò lò, một cuộc sống sôi nổi, đầy đắng cay ngọt bùi, tách biệt với các cuộc sống khác: cụ Grisaka bị lạnh, đang đau khổ vì đau răng; Sergey Platonovich quỵ xuống sau cái nhục vừa qua, đang đưa hai tay lên vo chòm râu chải tẽ sang hai bên, và cứ nghiến răng, khóc thầm một mình; Stepan vẫn mang nặng trong lòng mối thù với Grigori, đêm đêm lại vò nát cái chăn đã rách bươm trong hai bàn tay rắn như thép; Natalia chạy vào nhà kho, lăn mình xuống đống phân kho, nằm co quắp, khóc nức nở vì hạnh phúc của mình bị người ta phá hoại; Khristonhia đi chợ phiên, đem số tiền bán con bê ăn nhậu sạch, đang bị lương tâm dày vò; Grigori đau khổ vì những dự cảm trong khi các thèm khát của chàng chưa được thoả mãn, và vì vết thương lòng lại mở miệng, đang thở dài thườn thượt; Acxinhia vừa vuốt ve đi lại với Stepan vừa tưới nước mắt lên lòng căm thù không sao nguôi được đối với chồng. Chàng thợ cán bột Davydka bị đuổi khỏi nhà máy xay ngồi thâu đêm trong căn nhà đắp bằng đất trộn rơm của "Bồi". "Bồi" long lanh hai con mắt đầy căm hờn nói:
- Khô-ô-ông, khô-ô-ông thể như thế được. Chẳng bao lâu nữa người ta sẽ cắt mạch máu của chúng nó. Đối với chúng nó thì một cuộc cách mạng còn chưa đủ. Chúng nó sẽ phải nếm lại cái năm một nghìn chín trăm linh năm lần nữa 1, lúc đó chúng ta sẽ tính sổ? Chúng ta sẽ tính sổ! - "Bồi" giơ một ngón tay đầy sẹo lên doạ rồi nhún vai sửa lại cái áo vét-tông khoác trên lưng.
Nhưng thời gian vẫn trôi qua trên thôn xóm, hết ngày lại đêm, hết tuần nầy qua tuần khác. Hết tháng nọ qua tháng kia. Gió vẫn thổi, trời dông bão vẫn làm những ngọn núi ầm ầm tiếng sấm, và sông Đông in hình bầu trời thu xanh trong suốt vẫn thờ ơ trôi ra biển.


Chú thích:
1 Ý muốn nói cuộc cách mạng tư sản thất bại ở nước Nga năm 1905. ND

Chương 27



PHẦN 2

Đến cuối tháng mười, vào một ngày chủ nhật, Fedot Bodovskov đánh xe lên trấn.
Hắn mang ra chợ bốn đôi vịt béo căng nhốt trong một cái lồng, bán được hết rồi vào hiệu mua cho vợ ít vải hoa rất diêm dúa. Hắn đã tì chân vào vành bánh xe, siết chặt đoạn dây buộc dưới cổ ngựa, sắp sửa ra về, thì vừa lúc ấy có một người dân vùng khác, không phải là trong trấn, bước tới:
- Chào bác! - Người ấy đưa những ngón tay ngăm ngăm lên vành chiếc mũ dạ đen chào Fedot.
- Chào bác! - Fedot nheo cặp mắt xếch như mắt người Kalmys, nói lí nhí qua kẽ răng, chờ xem có chuyện gì.
- Bác ở đâu đến thế?
- Tôi ở dưới thôn lên, không phải người ở đây đâu.
- Thế bác ở thôn nào vậy?
- Thôn Tatarsky.
Người lạ kia lấy trong túi bên ra một cái hộp thuốc lá bằng bạc, nắp hộp có chạm hình một chiếc thuyền nhỏ. Anh ta mời Fedot hút điếu thuốc và hỏi tiếp:
- Thôn ta có to không bác?
- Cám ơn bác, tôi vừa hút xong. Thôn chúng tôi ấy à! Một thôn khá đấy. Có lẽ chừng ba trăm bộ.
- Có nhà thờ không?
- Còn sao nữa, phải có chứ.
- Có thợ rèn không?
- Lò rèn ấy à? Lò rèn cũng có đấy.
- Thế nhà máy xay đã có xưởng nguội chưa?
Con ngựa không chịu đứng yên, Fedot phải giữ chặt dây cương. Hắn nhìn một cách không thân thiện cái mũ dạ đen cùng những vết nhăn trên khuôn mặt trắng bệch của người lạ, các vết nhăn nầy đều hướng cả vào chòm râu đen ngăn ngắn.
- Bác cần gì mà hỏi thế?
- Tôi chuyển đến ở thôn bác đây. Tôi vừa ở chỗ ông ataman trấn ra. Bác về xe không à?
- Vâng, xe không.
- Bác cho tôi về cùng nhé. Nhưng tôi không phải chỉ đi một mình đâu, còn cả nhà tôi và hai chiếc hòm chừng tám pút.
- Về cùng cũng được thôi.
Tiền xe ngã giá là hai rúp. Fedot đánh xe đến nhà mụ làm bánh mì vòng Frotka, nơi người đi nhờ xe của hắn thuê phòng, đón một người đàn bà tóc vàng, gầy yếu lên xe, rồi khiêng hai chiếc hòm đánh đai sắt đặt lên phía sau xe.
Ra khỏi trấn. Fedot chặc lưỡi, vung đoạn dây cương bện bằng lông đánh con ngựa nhỏ nhưng chạy rất khỏe. Chốc chốc hắn lại quay cái đầu méo mó trên cái gáy phẳng đứng để nhìn lại: hắn không cưỡng nổi tính tò mò. Hai người khách đi xe của hắn ngồi khiêm tốn phía sau, chẳng nói chẳng rằng. Đầu tiên Fedot xin đốt điếu thuốc rồi hỏi.
- Hai bác từ đâu về ở thôn chúng tôi thế?
- Từ Rostov.
- Cố cựu ở đấy à?
- Bác bảo sao?
- Tôi hỏi bác ở sinh quán ở đấy à?
- À, phải phải, tôi vốn người ở đấy, ở Rostov.
Fedot ngẩng hai gò má màu đồng thau, nhìn kỹ những đám cỏ dại mọc xa tít trên đồng cỏ: con đường của các Ghết-man kéo dài tới chỗ ngoặc, và trên sống đồi, trong đám cỏ khô nâu nâu, cách con đường chừng nửa vec-xta, cặp mắt giàu kinh nghiệm, tinh như mắt người Kalmys đã nhận ra những cái đầu nhỏ xíu của vài con vịt trời đang di động rất khó thấy.
- Tiếc là không mang súng, nếu không chúng ta dã tạt vào đấy kiếm vài chú vịt trời. Bác trông nó đang đi kia kìa… - Fedot thở dài giơ tay chỉ.
- Tôi chẳng thấy gì cả. - Người khách đi xe thú nhận, hai con mắt anh ta hấp háy như mắt người thong manh.
Fedot đưa mắt theo dõi mấy con vịt trời sà xuống một cái khe, rồi quay lại nhìn người thuê xe. Khách là một người tầm thước, xương xương, có hai con mắt linh lợi long lanh rất gần chỗ tinh mũi lồi lên. Trong khi nói chuyện, anh ta rất hay cười. Người vợ quấn một chiếc khăn choàng đan tay, ngủ gà ngủ gật. Fedot không trông thấy mặt người đàn bà.
- Vì sao mà hai bác phải đến ở thôn chúng tôi?
- Tôi làm thợ nguội, muốn đến mở một cửa hiệu thợ nguội. Tôi còn làm cả đồ mộc.
Fedot nhìn hai bàn tay to bè bè của người khách đi xe, có ý nghi ngại. Người kia bắt gặp ánh mắt của Fedot bèn nói thêm:
- Tôi cũng làm thêm đại lý cho hãng "Singer" cung cấp máy khâu - Thế tên bác là gì? - Fedot hỏi.
- Họ của tôi là Stokman.
- Có lẽ bác không phải là người Nga?
- Không, tôi là người Nga đấy. Nhưng ông nội tôi gốc ở Latvia.
Chỉ một lát sau, Fedot đã được biết rằng anh thợ nguội Stokman Yosif Davidovich trước kia làm việc ở nhà máy "Acxai", sau đó đến một nơi nào đó ở Kuban, rồi vào làm tại xưởng sửa chữa đường sắt Đông Nam. Ngoài ra Fedot vốn tính tò mò còn hỏi được thêm rất nhiều chi tiết về cuộc đời của anh ta.
Xe chạy tới rừng cấm thì câu chuyện cạn dần. Con ngựa chạy đã toát mồ hôi, Fedot cho nó uống nước ở một cái giếng bên cạnh đường Xe lắc trên chặng đường bắt đầu làm Fedot thần ra, hắn ngủ gà ngủ gật. Từ đây về đến thôn còn chừng năm vec-xta.
Fedot cuộn dây cương, thõng chân, ngả người ra cho thoải mái. Nhưng hắn đã không được chợp mắt.
- Vùng ta sinh sống như thế nào hả bác? - Stokman bị lắc rất ghê, cứ nhảy chồm chồm trên ghế, nhưng anh ta vẫn hỏi.
- Chúng tôi vẫn sống, vẫn có bánh mì ăn.
- Bà con Cô-dắc nói chung có vừa ý với cuộc sống không?
- Có người vừa ý, có người thì không. Làm thế nào mà tất cả mọi người đều vừa ý được?
- Đúng đấy, đúng đấy… - Người thợ nguội tỏ vẻ đồng ý. Anh ta nín lặng một lát rồi lại đưa ra những câu hỏi như có hàm một ý ngầm gì đó - Bác bảo mọi người đều no đủ à?
- Cuộc sống cũng khá sung túc.
- Nhưng có lẽ công việc nhà binh cũng là một gánh nặng đấy nhỉ? Có phải không?
- Công việc nhà binh ấy à? Chúng tôi đã quen rồi. Còn sống thì còn nằm trong quân số.
- Tai hại nhất là người Cô-dắc phải tự trang bị lấy tất cả.
- Còn sao nữa, mẹ chúng nó chứ! - Fedot bắt đầu hăng lên. Hắn liếc nhìn có ý nghi ngại người đàn bà lúc nầy đã quay đầu sang bên. Với cái bọn quan lớn như thế thì thật là tai hoạ… Hồi tôi đi lính, phải bán mấy con bò đi sắm một con ngựa. Nhưng họ mang đi khám xong lại bảo là không đủ tiêu chuẩn.
- Bảo là không đủ tiêu chuẩn à? - Người thợ nguội vờ ngạc nhiên.
- Hoàn toàn đúng thế đấy. Họ bảo chân có khuyết tật. Tôi cố nài: "Xin các ngài cứ nhận cho. Bốn chân nó có gì khác một con ngựa thi giật giải. Chỉ có điều là nước kiệu chạy nom giống con gà trống… Nó có cái nước kiệu kiểu gà trống mà lại". Nhưng họ vẫn không nhận. Thế là hết nghiệp!
Câu chuyện nói mỗi lúc một thêm rôm rả. Mải mê với câu chuyện, Fedot vui vẻ nhảy từ trên xe xuống, sẵn sàng kể về bà con trong thôn, hết chửi lão ataman thôn về chuyện chia bãi cỏ không công bằng, lại khen hết lời lối làm ăn ngăn nắp ở Ba Lan, nơi trung đoàn của Fedot đóng trong thời gian hắn ở đơn vị. Fedot đi bên cạnh xe. Hai con mắt sắc như dao nheo lại rất nhỏ của người thợ nguội nhìn khắp người hắn. Anh ta hút một thứ thuốc lá nhẹ bằng một cái bót xương trên có những câi vòng nhỏ, một nụ cười luôn nở trên môi. Nhưng chéo ngang vầng trán hơi dốc, da rất trắng, có một vết nhăn hằn sâu, vết nhăn nầy di động chậm chạp, nặng nề, cứ như bị đẩy lên đẩy xuống từ bên trong bởi những ý nghĩ gì thầm kín.
Xe về tới thôn trước khi trời hoàng hôn.
Theo lời khuyên của Fedot, Stokman xuống xe trước nhà mụ goá Lukeska Popopa và thuê của mụ hai gian phòng.
- Bác đưa ai từ trên trấn về đấy? - Mấy mụ láng giềng đã chờ Fedot ở cổng để hỏi.
- Một người đại lý.
- Đại lý gì cơ chứ?
- Chà ngốc gì mà ngốc khổ ngốc sở! Tôi xin nói cho các bà các chị biết rằng người đại lý nầy bán máy khâu. Ai đẹp được biếu không, còn xấu như thím, thím Maria ạ, thì phải trả tiền.
- Đồ quỷ dữ tay chuối mắn như bác mà cứ tưởng mình đẹp đẽ lắm đấy phỏng. Cái mặt Kalmys của bác thì cứ nhìn mà tởm… Đến ngựa cũng chẳng dám gần: trông thấy đã đủ khiếp.
- Nầy thím chớ tưởng đùa, trên thảo nguyên thì chỉ có người Kalmys và người Tarta là nhất đấy thôi! - Fedot cố chống chế rồi bỏ đi.
Anh thợ nguội Stokman đã dọn xong chỗ ở tại nhà mụ Lukeska, một người đàn bà vừa lác vừa lắm mồm. Anh ta chưa kịp ngủ yên một đêm, khắp thôn đã thấy bọn đàn bà bàn ra tán vào.
- Nầy bà bạn đỡ đầu, bác đã nghe thấy chuyện chưa?
- Chuyện gì thế?
- Gã Kalmys Fedot đưa ở đâu về một thằng Đức đấy.
- Thật ư?
- Tôi dám thề trước Đức Mẹ là đúng như thế đấy! Đội mũ dạ, tên là Stôpôn hay Stôcan gì đó…
- Hay là mật thám?
- Nhân viên phòng thuế đấy, bà bạn thân mến ạ.
- I-i i các bà các chị ạ, thiên hạ nói láo tuốt. Nghe nói hắn ta làm kế toán cũng như cậu cả con cha Pankrati thì phải.
- Paska, con yêu của mẹ, mày thử chạy đến tìm bác Lukeska, hỏi bác ấy khẽ khẽ thôi nhé: "Bác ơi, xe đưa ai về nhà bác thế?" Chạy ù lên nhé, thằng bé đến là ngoan!
Hôm sau, người mới đến ngụ cư tới gặp lão ataman thôn Fedor Manykov giữ cái gậy ataman 1 đến nay đã được ba năm.
Lão lật đi lật lại mãi trong tay tờ giấy thông hành bọc vải dầu đen. Rồi đến lượt viên thư ký Egor Zakov cũng lật lật xem qua. Hai tên đưa mắt cho nhau, rồi theo thói quen của một viên quản kỵ binh, lão ataman trịnh trọng khoát tay:
- Ông được ở lại đây.
Người mới đến cúi chào rồi ra ngoài. Suốt một tuần liền anh ta chẳng ló mặt đi đâu, cứ sống ru rú như một con chuột đồng trong hang. Bắt đầu có tiếng rìu đẽo chan chát, rồi xưởng thợ nguội được đặt trong gian bếp mùa hè, bỏ không từ lâu. Bọn đàn bà trước kia tò mò dò hỏi không biết chán, đến nay không còn để ý gì nữa, chỉ còn bầy trẻ là ngày nào cũng leo lên hàng rào nhìn người khách lạ của thôn.

Chú thích:
1 Mỗi ataman các cấp đều có một cái gậy tượng trưng chức quyền của mình ND

Chương 28



PHẦN 2


Vợ chồng Grigori đi cày ba ngày trước lễ Đức Mẹ 1 Ông Panteley Prokofievich bị mệt cũng ra đưa tiễn. Ông chống cái nạng, chỗ thắt lưng đau quá chốc chốc lại làm ông kêu lên.
- Griska à, mày hãy cày trước hai mảnh sau bãi chăn bò chung ở cái khe nước Đỏ ấy nhé.
- Vâng, vâng. Thế còn cái khoảng ở gần bờ Vách Liễu thì sao? - Grigori khẽ hỏi, khàn khàn. Chàng đi câu bị cảm, phải quấn một cái khăn quanh cổ.
- Qua lễ Đức Mẹ hẵng hay. Đi một lần cày hai mảnh ấy đủ rồi.
Chỗ gần khe nước Đỏ cũng đến một kruk 1 rưỡi rồi đấy. Đừng quá tham.
- Thế anh Petro không đến giúp thêm à?
- Nó với con Daria còn phải ra nhà máy xay. Hôm nay phải xay cho xong, nếu không sẽ quá lượt mất.
Bà Ilinhitna giúi vào trong cái áo ngắn của Natalia vài cái bánh mềm và khẽ bảo nàng:
Hay bảo con Dunhiaska đi thêm cho nó đánh bò?
- Hai chúng con làm cũng được rồi.
- Thôi cẩn thận nhé, con yêu của mẹ. Cầu Chúa che chở cho con.
Dunhiaska khiêng một đống quần áo ướt, nặng quá oằn cả cái lưng mảnh dẻ. Cô bé chạy qua sân để ra sông giũ.
- Chị Natasa, chị Natasa yêu quý, ở khe nước Đỏ quả toan mô mọc nhiều lắm đấy, chị nhớ hái về đấy!3
- Ừ chị sẽ hái, chị sẽ hái.
- Câm ngay, léo nha léo nhéo như con mẹ ranh! - Ông Panteley Prokofievich vung cái nạng.
Ba cặp bò mộng kéo lê trên đường cái cày gieo hạt lật ngửa, vạch hằn một vệt trên mặt đất vốn đã rắn lại bị khí trời mùa thu thiếu mưa làm càng rắn thêm. Grigori húng hắng ho đi bên lề đường, thỉnh thoảng lại sửa cái khăn cuốn cổ. Natalia đi bên cạnh Grigori, túi thức ăn lủng lẳng sau lưng.
Ra đến ngoài thôn, không khí trên đồng cỏ lặng như tờ, vừa trong vừa lạnh. Sau bãi chăn nuôi chung, sau ngọn gò nom như cái lưng gù những lưỡi cày đang xới tung mặt đất, trẻ chăn bò huýt sáo ầm ĩ nhưng ở đây, hai bên con đường cái nầy, chỉ có những bụi ngải cứu thấp lè tè màu xanh da trời lốm đốm như tóc hoa râm, những bụi linh lăng hương dại cừu cắn nham nhở, những đám gô-riu-nốc4 khom khom như người làm lễ ở nhà thờ, ngoài ra chỉ có bầu trời dội tiếng, trong vắt như thuỷ tinh, mỗi lúc một lạnh. Loáng thoáng có những cái mạng nhện lấp loáng màu ngọc quý bay lơ lửng.
Sau khi đưa tiễn hai vợ chồng Grigori đi cày, Petro và Daria cũng sửa soạn ra nhà máy xay. Petro treo một cái máy sàng trong nhà thóc, bắt đầu quạt thóc. Daria đổ thóc vào những chiếc bao tải, mang ra chiếc britka.
Ông Panteley Prokofievich thắng ngựa xong còn sửa lại rất cẩn thận các đồ thắng.
- Đã sắp xong chưa?
- Chúng con xong ngay đây, - Petro trả lời vọng ra từ trong nhà thóc.
Tại nhà máy xay, mọi người đang luân phiên đưa bột vào xay.
Những chiếc xe tải đỗ san sát trên cái sân. Người ta chen nhau quanh bàn cân. Petro ném dây cương cho Daria rồi nhảy trên chiếc britka xuống.
- Sắp đến số của tôi chưa? - Petro hỏi "Bồi" đang đứng ở bàn cân.
- Anh đến vừa kịp đấy.
- Đang xoá số bao nhiêu thế?
- Ba mươi tám.
Petro ra khiêng những bao thóc xuống. Giữa lúc ấy trong nhà cân bỗng vang lên tiếng chửi nhau. Không biết người nào quát lên, giọng khàn khàn, hung hãn, nghe như tiếng chó sủa:
- Ngủ cho béo mắt để quá lượt, bây giờ còn muốn leo lên à? Cút ngay đi, đồ khốn, không ông nện cho bây giờ!
Petro nghe giọng, đoán là gã Yakov Móng ngựa bèn chú ý lắng nghe thêm. Trong phòng cân có tiếng kêu to vang ra qua cửa.
Rồi có tiếng một miếng đòn rất gọn, và từ trong cửa phòng, một người Tavria5 râu xồm đã có tuổi lăn vật ra, cái mũ lưỡi trai đen tụt xuống sau gáy.
- Sao mày đánh tao? - Người ấy ôm lấy một bên má, kêu lên.
- Ông không cho mày gãy răng không xong!
- Không dễ đâu, mày chờ đấy sẽ biết!
- Mikíchvo, lại đây?
Hồi Yakov đi lính, một hôm gã đóng móng ngựa, bị con ngựa lồng lên, đá vào mặt. Gã bị dập cái mũi, toạc cả môi, và cái móng ngựa đã in hình trên mặt gã. Vết thương để lại một cái sẹo hình bầu dục, xám ngoét, những cái đinh nhọn cũng in những chấm đen, vì thế mới có cái biệt hiệu Móng ngựa. Yakov Móng ngựa vốn là tay pháo thủ can đảm, vạm vỡ. Gã xắn tay áo, chạy trong cửa ra. Một người Tavria cao lớn, mặc sơ-mi màu hồng, đuổi theo, giáng cho gã một quả đấm nên thân. Móng ngựa lảo đảo, nhưng vẫn còn đứng được.
- Anh em ơi, chúng nó đánh người Cô-dắc!
Như bị dốc trong ống tay áo ra, những người Cô-dắc và người Tavria đổ xô từng đám, từng đám từ trong cửa nhà máy xay ra khoảng sân ngổn ngang xe cộ. Trước đó họ đã kéo tới đây từng toán đông.
Cuộc loạn đả nổ ra ở ngay cổng chính. Cái cửa kêu răng rắc vì bị bao nhiêu thân người ùa ra cùng xô mạnh. Petro ném bao thóc xuống, kêu lên rồi lon ton chạy về phía phòng máy xay. Daria nhổm người trên xe, nhìn thấy Petro xô gạt những người gần anh ta, len vào giữa đám. Đến khi thấy Petro bị đấm dồn vào tường, bị đánh ngã xuống và bị đạp túi bụi, Daria kêu rầm lên, Mitka Kosevoi nhảy cỡn từ trong góc phòng máy ra, tay vung một chiếc bù-loong sắt.
Chính người Tavria lúc nãy đánh vào sau lưng Móng ngựa, bây giờ chạy vùng ra khỏi đám người, một tay áo màu hồng rách toạc đập lõng thõng sau lưng hắn như cái cánh con chim bị thương. Hắn khom lưng xuống thật thấp, hai tay quệt xuống đất, chạy tới chiếc xe tải đầu tiên, rồi tháo ra rất dễ dàng một cái càng. Trên sân nhà máy xay ầm ầm những tiếng la thét kéo dài, khản cả giọng:
- A-a-a-a…
- Ôi -i-i-a-a-a…
Tiếng đánh đấm. Tiếng đập phá. Tiếng rên la. Tiếng gào rú…
Ba anh em nhà Samin ở trong nhà chúng chạy ra. Gã cụt tay Aleksey vướng chân vào những đoạn dây cương không biết có ai ném ra, ngã lăn xuống chỗ cái cửa xép ở hàng rào. Nhưng gã chồm ngay dậy, nhét bên tay áo rỗng vào bụng, và nhảy qua những chiếc gọng xe đặt san sát. Gã Marchin, em của Aleksey thấy một ống quần của gã tuột ra ngoài chiếc bít tất trắng bèn cúi xuống định nhét lại, nhưng giữa lúc ấy, từ bên nhà máy xay vang tới một tiếng rú.
Không biết tiếng người nào kêu mà bay vút lên rất cao trên cái mái rất dốc của nhà máy xay, như một cái mạng nhẽn bị cuốn đi trong cơn gió lốc, Marchin lại đứng thẳng dậy, vùng chạy theo Aleksey.
Daria đứng trên xe cứ vặn ngón tay, thở hổn hển nhìn ra chung quanh. Chỗ nào cũng có tiếng phụ nữ rít the thé hoặc gào khóc ầm ĩ. Những con ngựa hoảng sợ vểnh tai, những con bò đứng sát vào những chiếc xe tải và xe britka kêu rống lên… Sergey Platonovich mím môi mím lợi khập khiễng chạy qua, mặt cắt không còn hột máu, cái bụng tròn xoay như một quả trứng khổng lồ lúc lắc dưới chiếc áo gi-lê. Daria trông thấy gã người Tavria mặc chiếc áo sơ-mi màu hồng rách tả tơi cầm chiếc càng xe phạt ngã Mitka Korsunov, nhưng chính gã cũng ngã lăn kềnh ra, chiếc càng xe bị gãy văng khỏi tay. Gã Aleksey cụt tay dẫm chân lên gã người Tavria và giáng xuống gáy gã những nắm đấm nặng như chì. Những cảnh đòn hội chợ không đầu không đũa diễn ra loang loáng trước mắt Daria như những mảnh giẻ rách muôn màu. Sergey Platonovich vừa chạy qua, Mitka Korsunov quì luôn dậy, cho lão một cú bù loong sắt.
Daria thấy vậy, chẳng ngạc nhiên chút nào. Sergey Platonovich vươn hai tay lên trời ngoáy loạn xạ, rồi bò lổm ngổm về phía nhà cân như một con tôm. Lão bị những chân người dẫm lên lăn kềnh ra… Daria phá lên cười như hoá dại, cặp lông mày lô đen hình vòng cung cong gập hẳn lại. Nhưng mắt Daria bỗng bắt gặp Petro thế là tiếng cười rồ dại tắt ngấm. Petro lảo đảo len ra khỏi đám người đang ngả nghiêng gào rú, lần đến nằm dưới gầm một chiếc xe tải và nhổ ra một bãi máu. Daria gào lên, chạy bổ tới chỗ chồng. Trong khi đó, dân Cô-dắc trong thôn tiếp tục cầm gậy gộc chạy tới, một người vung cái thuốn sắt vẫn dùng để chọc băng. Cuộc loạn đả lan ra tới mức độ kinh người. Đâu chỉ như những cuộc say rượu đánh nhau trong quán hay những cuộc xô xát trong ngõ nhân lễ tiễn mùa đông.
Một thanh niên người Tavria bị đánh vỡ đầu nằm thẳng cẳng ở cạnh cửa nhà cân. Hai chân anh ta dạng rộng, đầu ngâm trong vũng máu đen đã vón cục, vài món tóc xoã xuống mặt. Xem ra linh hồn chàng trai nầy đã về tới thiên đàng…
Những người Tavria đã bị dồn lại thành một đám lúc nhúc như đàn cừu ở trước gian xưởng nhỏ. Vụ nầy có lẽ sẽ kết thúc tai hại hơn nhiều nếu một cụ già người Tavria không nghĩ ra một kế: cụ nhảy vào trong gian xưởng, rút trong lò ra một thanh củi lửa bắn tung tóe.
Rồi cụ chạy ra khỏi cửa, đến nhà kho chứa thóc đã xay, trong có hơn một ngàn pút thóc. Qua vai ông cụ người ta thấy khói bốc lên như một làn lụa mỏng, những tia lửa tóe ra tứ phía, nom chỉ lờ mờ dưới ánh sáng ban ngày.
- Lão đốt đây! - Cụ gầm lên, giọng man rợ rồi giơ thanh củi gần mái lau, lửa vẫn nổ lách tách.
Bọn Cô-dắc rùng mình, ngừng tay không đánh nhau nữa. Gió hanh thổi từng đợt từ phía đông, tạt khói từ trên mái gian xưởng nhỏ xuống đám người Tavria đang đứng túm tụm một chỗ.
Mái lau cũ đã bết chắc lại, rất khô, vì thế chỉ một tàn lửa khá to bắn vào là khói lửa sẽ trùm lên khắp thôn…
Những tiếng kêu trầm trầm, ngắn ngủi vang lên trong đám dân Cô-dắc. Có người đã bị giật lùi về phía gian máy xay. Ông lão người Tavria kia vẫn vung thanh củi, những tàn lửa vẫn văng tung tóe qua làn khói xám. Cụ vẫn gào lên:
- Lão đốt đây? Đốt đây! Ra khỏi sân mau!
Gã Yakov Móng ngựa, kẻ gây ra cuộc loạn đả, là tên đầu tiên rời khỏi sân nhà máy xay với nhiều chỗ xanh tím trên khuôn mặt bất thành nhân dạng của gã. Những gã Cô-dăc khác cũng vội vã đổ xô ra theo.
Bọn người Tavria cũng bỏ những bao thóc đấy để ra thắng ngựa vào xe. Họ vung những nút dây cương, quất roi đen đét, in những vạch dài trên lưng ngựa. Đoàn xe xông ra khỏi sân, chạy long xòng xọc qua phố ra ngoài thôn.
Gã cụt tay Aleksey đứng ngay giữa sân, đầu ống tay áo sơ-mi rỗng buộc túm lại, lủng lẳng trước cái bụng dài ngoẵng nhưng rất chắc, mắt và má giật lia lịa trong cơn kinh giật thường ngày.
- Anh em Cô-dắc lên ngựa!
- Đuổi theo chúng nó?
- Chúng nó sẽ không kịp chạy quá đường sống đồi đâu?
Mitka Korsunov né né người chạy trong sân ra. Bọn Cô-dắc đứng túm tụm bên cạnh gian máy xay lại nhốn nháo hẳn lên, ồn ào như một đợt sóng. Nhưng giữa lúc ấy, từ trong buồng máy thấy có một người đội mũ dạ đen đi ra rất nhanh. Người ấy lạ mặt nhưng từ nãy chẳng có ai chú ý đến anh ta. Hai con mắt sắc ngọt của người ấy nheo hẳn lại, lướt trên đám người như hai lưởi bào. Người ấy giơ tay:
- Hượm cái đã!
- Anh là ai hử? - Móng ngựa nhíu hai hàng lông mày rung rung.
- Hắn ở đâu mò ra thế?
- Trói nó lại!
- Hừ!
- Phì!
- Bà con hãy hượm cái đã!
- Chỉ bọn chó cộc6 mới bà con với anh!
- Đồ mu-gích!
- Đồ guốc gỗ!
- Cho nó một trận, Yakov?
- Đấm vào hai con mắt nó ấy! Cho nó một quả vào mắt ấy!
Người kia mỉm một nụ cười ngượng nghịu, nhưng không có vẻ gì sợ hãi. Anh ta bỏ mũ, đưa tay lên xoa trán, cử chỉ rất hồn nhiên. Cuối cùng nụ cười của anh ta đã tước được vũ khí của bọn Cô-dắc.
- Có việc gì vậy? - Người ấy vung cái mũ dạ gập đôi, chỉ đám máu đen đã ngấm xuống đất bên cạnh cửa phòng cân.
- Đánh bọn khô-khon, - Gã cụt tay Aleksey trả lời, giọng ôn hoà, cả má lẫn mắt đều giật lia lịa.
- Nhưng vì sao đánh chứ?
- Để xếp hàng cho có trật tự. Khỏi có cái lỗi chèn lên trên. - Móng ngựa vừa bước lên trước, vừa khoát rộng tay quệt một đám nước mũi đỏ lòm.
- Cho chúng nó nhớ đến già.
- Chà, nếu đuổi kịp chúng nó nhỉ… Trên đồng cỏ thì đừng có hòng đốt được cái gì.
- Ban nãy chúng mình hoảng sợ đấy thôi, chứ có lẽ nó chẳng dám đốt đâu - Con người đã đến lúc liều mạng thì phóng hoả cũng là chuyện dễ như trở bàn tay.
- Cái bọn khô-khon, chúng nó chúa là dễ nổi nóng. - Afonka Ozerov cười nhạo.
Người lạ mặt vung cái mũ dạ về phía Afonka:
- Thế anh là người gì?
Gã Afonka chúm cái miệng rỗ nhằng rỗ nhịt, nhổ một bãi nước bọt ra vẻ khinh bỉ, rồi dạng chân nhìn theo những tia nước bọt rơi xuống đất.
- Tôi là người Cô-dắc, còn anh có phải dân Di-gan không?
- Không. Tôi cũng như anh, cả hai chúng mình đều là người Nga.
Anh nói láo! - Afonka nói dằn từng tiếng. - Người Cô-dắc bắt nguồn từ người Nga đấy. Anh có biết điều đó không?
- Còn tôi thì tôi bảo cho anh biết tổ tiên của người Cô-dắc là người Cô-dắc.
- Xưa kia những người nông nô bỏ bọn địa chủ, chạy trốn đến vùng sông Đông, chính họ đã được gọi là Cô-dắc đấy.
- Thôi anh bạn thân mến ạ, anh hãy cứ đi con đường của anh. - Gã cụt tay Aleksey nắm chặt những ngón tay xưng vù, khuyên bằng một giọng tức tối cố trấn tĩnh và nháy mắt càng dữ.
- Trong thôn lại đến thêm một thằng chết tiệt? Chà, đồ chó chết, nó lại muốn biến mình thành dân mu-gích.
- Nó là đứa nào thế hả? Cậu có biết không, Afonka?
- Nó là một thằng cha nào đó mới đến đây. Nó thuê phòng ở nhà mụ lác Lukeska đấy.
Bây giờ mà đuổi theo thì đã muộn. Bọn Cô-dắc kéo nhau ra về, họ vừa đi vừa bàn tán sôi nổi về trận ẩu đả vừa nãy.
***
Đêm ấy, ở một nơi trên đồng cỏ cách thôn tám vec-xta, Grigori nằm cuộn tròn trong chiếc áo choàng lông cứng rất bền, buồn rầu nói với Natalia:
- Natalia cứ như một người xa lạ thế nào ấy… Natalia chẳng khác gì vừng trăng kia: không làm tôi lạnh, cũng chẳng sưởi cho tôi ấm. Tôi nói Natalia đừng giận, nhưng tôi không yêu Natalia. Tôi đâu muốn nói như thế, nhưng rõ ràng là không thể sống mãi như thế nầy được nữa rồi… Tôí thương Natalia, và hình như trong những ngày gần đây chúng ta có gần gũi nhau hơn, nhưng trong lòng vẫn chẳng cảm thấy chút gì… Hoàn toàn trống rỗng. Y như cánh đồng cỏ trong lúc nầy.
Natalia không nói gì, nàng chỉ ngước nhìn lên cánh đồng sao mà mình không tài nào với tới, nhìn tấm màn hư ảo và âm thầm của những đám mây chập chờn trên đầu hai người. Từ trên kia, trên tít khoảng không xanh thẫm, vài con sếu lạc đàn cất lên những liếng gọi lanh lảnh như tiếng chuông bạc.
Từ lớp cỏ cuối mùa xông lên một mùi hương u uất, đầy tử khí. Ở một chỗ nào đó trên ngọn gò, lấp loáng ánh lửa đo đỏ nhỏ xíu còn lại trong đống củi mà những người đi cày đã nhóm…
Grigori thức giấc trước khi trời hửng. Tuyết phủ trên tấm áo choàng dầy tới hai véc-sốc. Đồng cỏ nằm chết lịm dưới lớp tuyết đầu mùa nhấp nhoáng một màu xanh đồng trinh. Bên cạnh chỗ nghỉ đêm còn hằn rõ những vết chân xanh xanh của con thỏ bị lớp tuyết mới rơi làm cho lạc đường.

Chú thích:
1 Theo lịch của người Nga lễ Đức Mẹ vào ngày mồng một tháng mười
2 Một kruk bằng bốn héc ta. Lời chú của bản tiếng Nga
3 Quả toan mô đốt ra than có thể dùng để giặt quần áo. ND
4 Một thứ rau đắng ỏ vùng sông Đông. ND
5 ở vùng sông Đông, người Tavria là cái tên dùng để gọi những người Ukraina mà tổ tiên đã theo lệnh nữ hoàng Ekaterina đệ nhị di cư đến đây từ những địa điểm miền Nam sát với Krym Tavria, Lời chú của bản tiếng Nga
6 Chỉ người Tavria. ND

Chương 29



PHẦN 2


Từ những thời rất xa xưa các cụ đã truyền lại rằng nếu trên con đường đi Minlerovo mà một người Cô-dắc đơn thương độc mã chạm trán với vài người Ukraina các làng của người Ukraina bắt đầu từ thôn Hạ Yablovsky và kéo dài tới Minlerovo trên một khoảng bảy mươi lăm vec-xta mà không nhường đường thì sẽ bị những người Ukraina kia đánh cho thừa sống thiếu chết. Vì thế hễ họ lên trấn là phải có mấy chiếc xe cùng đi để nhỡ có một cuộc chạm trán trên đồng cỏ thì cũng không sợ đấu khẩu.
- Nầy, thằng khô-khon! Tránh đường mau? Đồ chết tử chết tiệt, mày sống ngụ cư trên đất của người Cô-dắc mà không muốn tránh cho chúng ông đi hay sao?
Cả đến người Ukraina cũng không cảm thấy thoải mái khi phải chở thóc ra kho thóc Paramonovskaia bên sông Đông. Tại đấy những cuộc đánh lộn thường nổ ra vì bất cứ nguyên nhân nhỏ mọn nào, dù chỉ vì hai tiếng "khô-khon". Hễ "khô-khon" là choảng nhau liền.
Một trăm năm trước đây đã có một bàn tay tìm mọi cách gieo rắc trên mảnh đất nầy hạt giống của sự bất hoà giữa các tầng lớp và vun bón chăm sóc cho nó đâm chồi nảy lộc. Trong các cuộc loạn đả, máu của người Cô-dắc cũng như máu của dân ngụ cư, Nga và Ukraina đã tưới đẫm mảnh đất nầy.
Hai tuần sau vụ đánh nhau ở nhà máy xay, viên cảnh sát trưởng và viên dự thẩm trên trấn đã xuống thôn.
Người đầu tiên bị gọi tới thẩm vấn là Stokman. Viên dự thẩm là một công chức còn trẻ, xuất thân trong một gia đình quý tộc Cô-dắc.
Hắn lục lọi trong cái cặp, hỏi:
- Trước khi đến đây ông ở đâu?
- Ở Rostov.
- Năm một nghìn chín trăm linh bảy vì sao ông bị kết án tù?
Stokman nhìn lướt qua cái cặp và đường ngôi lệch đầy gàu trên cái đầu cúi gầm của viên dự thẩm.
- Vì gây mất trật tự.
- Hừ-ừ-ừm… Thế hồi ấy ông làm việc ở đâu?
- Ở xưởng sửa chữa xe lửa.
- Nghề nghiệp?
- Thợ nguội.
- Ông có phải là dân Do Thái không? Có phải là dân công giáo mới theo đạo không?
- Không. Tôi nghĩ rằng…
- Tôi không cần biết ông nghĩ gì. Ông đã bị đi đày phải không?
- Vâng, có.
Viên dự thẩm ngẩng đầu lên khỏi cái cặp. Hắn nhay nhay cặp môi cao nhẵn nhụi, đầy mụn nhọt:
- Tôi khuyên ông nên đi khỏi nơi nầy… - Rồi hắn tự nói với mình - Mà mình cũng phải làm cho kỳ được việc đó…
- Vì sao vậy, thưa ngài dự thẩm.
Trả lời câu hỏi ấy lại là một câu hỏi:
- Hôm xảy ra vụ đánh nhau ở nhà máy xay ông đã nói những gì với những người Cô-dắc địa phương?
- Thật ra…
- Thôi, ông có thể ra ngoài.
Stokman bước ra khỏi sân thượng của nhà Mokhov bọn quan lại bao giờ cũng tránh ở nhà trọ và đến ở nhà Sergey Platonovich rồi nhún vai, ngoái cổ lại nhìn hai cánh cửa sơn.

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/