14/3/13

Sông Đông êm đềm (PII-C30-32)

Chương 30



PHẦN 2


Trời không chuyển sang mùa đông. Tuyết đã rơi trước lễ Đức mẹ, nhưng sau ngày lễ người ta lại có thể cho gia súc ra ăn cỏ ngoài đồng. Gió nồm thổi suốt một tuần, trời ấm lại, mảnh đất lại tỉnh táo, ngoài đồng cỏ, cỏ xanh cuối mùa loăn xoăn như rêu cố nở vớt những đoá hoa tươi thắm.
Thời tiết ấm trở lại cho đến ngày lễ thánh Misen. Sau đó lại bắt đầu rét ngọt, tuyết đổ xuống như trút, và mỗi ngày một rét dữ. Lại rơi thêm một phần tư ác-sin tuyết. Trong các vườn rau hoang vắng ven sông Đông, những chuỗi vết chân thỏ hình cánh hoa chạy qua bên dưới những dãy hàng rào tuyết phủ đến ngọn, nom như những hình thêu rua trên áo các cô gái. Phố xá không một bóng người.
Khói phân khô bốc lên tãi ra khắp thôn. Vài con quạ đen tìm đến chỗ có người ở đi đi lại lại gần đống tro đổ ven đường. Xe trượt tuyết chạy trong thôn vạch thành những đường ngoằn ngoèo trông như những dải vải xanh bạc màu.
Một hôm trên bãi họp việc làng có một cuộc họp: sắp đến ngày chia phần chặt củi. Dân trong thôn, kẻ áo da dài, người áo da ngắn, đứng chen chúc bên thềm nhà hội đồng, những chiếc ủng dạ dẫm ken két. Vì lạnh nên mọi người ùa cả vào trong nhà. Những người già cả, râu bạc như cước, được trọng vọng thì được ngồi ở cái bàn bên cạnh lão ataman và viên thư ký. Còn bọn Cô-dắc ít tuổi hơn, râu đủ các màu hoặc chưa có râu thì đứng túm tụm từng đám, chuyện trò ầm ĩ qua những cái cổ ấm của áo lông cừu. Viên thư ký viết những dòng li ti trên một tờ giấy. Lão ataman nhìn qua vai hắn xem hắn viết. Trong khi đó căn phòng của nhà hội đồng ầm ĩ những giọng nói cố nén thầm:
- Cỏ bây giờ thì…
- Hừ-hừ… Cỏ ngoài bãi còn cho bò ngựa ăn được, chứ trên đồng cỏ thì chỉ có loại linh lăng hương chẳng được tích sự gì.
- Thời các cụ xưa có thể thả bò ngựa cho ăn cỏ tới Nô-en cơ đấy.
- Thế thì thú cho bọn Kalmys lắm nhỉ?
- Hừ-ừ-ừm…
- Cổ của lão ataman cứ như cổ chó sói ấy: lão có xoay đầu được đâu?
- Lão bạnh cổ ấy ăn hốc lắm vào, béo như con lợn, thật là của quỷ!
- Thế nào ông thông gia, ông sợ lạnh à? Sao phải mặc một cái áo da ghê gớm như thế nầy…
- Hôm nay có thằng Di-gan bán chiếc áo da.
- Một đêm Nô-en, bọn Di-gan ngủ trên đồng cỏ, chẳng có gì đắp. Một thằng đắp cái lưới đánh cá, ruột già ruột non lạnh cứng cả lại. Nó tỉnh dậy, thò một ngón tay qua mắt lưới, rồi bảo mẹ nó: "Hừ-hừ, mẹ ơi, sao ngoài sân lạnh dữ đến thế nầy!"
- Lạy Chúa tôi, đường trơn đến nơi rồi.
- Đến phải đóng móng sắt cho bò mất, chẳng còn cách nào khác cả.
- Mấy hôm nọ mình đi chặt liễu trắng ở khe Con quỷ, đẹp đẹp là.
- Zakha à, có cài khuy quần vào không… Cóng sun lại thì cái mụ nhà bác đến tống cổ bác đi thôi.
- Nầy, bác Apdeit, bác chăn còn bò mộng giống của thôn đấy phải không?
- Tôi không nhận chăn nữa rồi. Mụ Paranca Mrykhina chăn đấy. Mụ ta bảo: "Tôi goá chồng, chăn cho vui cửa vui nhà". Tôi bảo: "Chịu khó mà chăn, may ra còn sinh con đẻ cái…"
- A-hà-hà-hà-hà!
- Ô-khồ khồ-khồ-khồ?
- Thưa các cụ bô lão? Cái chuyện chia củi chúng ta sẽ giải quyết thế nào đây? Khẽ chứ nào!
- Tôi bảo rằng nếu có sinh con đẻ cái… tôi sẽ làm bố đỡ đầu cho…
- Yên lặng một chút! Chúng tôi tha thiết đề nghị!
Cuộc họp bắt đầu. Lão ataman vuốt cái na-xê-ca1 lấm tấm hơi nước, réo họ tên những người được chia, hơi lão thở ra trắng như khói và thỉnh thoảng lão lại đưa ngón tay út lên gỡ những miếng băng nhỏ trên râu. Sau lưng lão, bên cái cửa luôn đập thình thình, người ta chen chúc, hơi bốc ngùn ngụt, tiếng sì mũi ầm ĩ.
- Thứ năm không thể lấy làm ngày đốn củi được đâu? - Gã Ivan Tomilin nghiêng cái đầu đội mũ cát-két màu lam của lính pháo binh, xát xát hai cái tai đỏ tía, cố hét át tiếng lão ataman.
- Tại sao vậy?
- Nầy cái anh pháo thủ hạng bét kia, giứt béng hai cái tai đi cho xong!
- Chúng ta sẽ khâu thay vào cho hắn hai tai bò.
- Thứ năm, đến nửa thôn phải tập trung đi chở cỏ rồi còn gì. Chúng ta hãy bàn cho kỹ đã!
- Thế thì đi đốn củi ngày chủ nhật vậy.
- Thưa các cụ bô lão?
- Chẳng sao cả!
- Chúc mọi sự tốt lành!
- Khư-ừ-ừ-ừ-ừ?
- Khô ồ-ồ-ồ ồ?
- Khà à-à-à-à!
Lão già Matvey Casulin vươn mình qua cái bàn lung lay như răng bà lão, cầm cái nạng làm bằng gỗ tần bì nhẵn thín xỉa xỉa về phía Tomilin. Lão bực tức rít lên:
- Cái chuyện cỏ hãy để lại đã! Có gì phải lo cơ chứ? Việc ấy là việc chung… Anh vốn dĩ chỉ quen chọc gậy bánh xe mà thôi. Anh bạn trẻ của tôi ạ, anh xuẩn vừa chứ! Đây nầy! Anh hãy xem? Đây nầy…
- Chính lão mới là cái thằng đến già mà vẫn phải dựa vào trí khôn của láng giềng… - Gã cụt tay Aleksey đứng ở những hàng sau nhô đầu lên phía trước nói liến thoắng. Gã nháy mắt lia lịa, bên má thủng lỗ chỗ giật giật như lên cơn thần kinh.
Đã sáu năm nay, gã mang thù với lão Casulin chỉ vì một mẩu đất cày dôi. Mùa xuân năm nào gã cũng nện cho lão già một trận, mà của đáng tội, lão kia cũng chỉ chiếm của gã một mảnh đất bằng một phần tư con chim sẻ2, nhăn mặt một cái là có thể nhổ phẹt bãi nước bọt từ bên nầy sang bên kia.
- Thôi câm đi, cái thằng kinh giật!
- Tiếc là quá xa, không với tới, nếu không ông đã cho mày một quyền đổ máu mũi rồi!
- Nầy, cái thằng cụt tay nháy mắt!
- Thôi cả hai im đi, lại gây sự với nhau rồi!
- Có muốn cắn nhau thì cút ra sân mà cắn nhau? Đúng thế đấy.
- Thôi đi, Aleksey, cậu xem kìa, lão già đã hết hồn hết vía rồi, cái mũ lông trên đầu lão đang nảy bần bật lên kia kìa.
- Những ai đánh nhau cãi nhau thì cho vào nhà giam!
Lão ataman đấm mạnh xuống chiếc bàn ọp ẹp:
- Tôi gọi cảnh sát bây giờ đây! Có im đi không!
Những tiếng ầm ầm lặng đi, lan dần xuống tới những hàng cuối cùng rồi im hẳn.
- Thứ năm trời rạng là đi đốn củi ngay.
- Thưa các cụ bô lão, các cụ thấy thế nào?
- Mong mọi sự tốt lành?
- Cầu Chúa che chở!
- Ngày nay chúng nó không chịu nghe lời người già nữa rồi…
- Không lo, rồi chúng nó sẽ phải vâng lời thôi. Chẳng nhẽ không kiếm được cách nào trị chúng nó hay sao? Cái thằng Alosa thổ tả nhà tôi, định đánh cả tôi. Tôi đã làm cho nó phải câm miệng ngay: "Tao sẽ ra trình với ông ataman và bô lão trong thôn, người ta sẽ lôi mày ra bãi họp việc làng mà nện cho một trận…". Thế là nó phải biết thân ngay, phải nằm rạp xuống như ngọn cỏ dưới nước lũ.
- Còn việc nầy nữa, thưa các cụ bô lão, tôi vừa nhận được lệnh của ông ataman trấn. - Lão ataman thôn đổi giọng, xoay xoay đầu cái cổ đứng của chiếc áo quân phục nâng hẳn lên, siết chặt lấy cổ lão - Thứ bảy nầy, những ai đến tuổi tráng đinh đều phải làm lễ tuyên thệ. Trước lúc trời tối đã phải có mặt ở nhà hội đồng trấn.
Ông Panteley Prokofievich co bên chân thọt, đứng bên cạnh ông thông gia ở chỗ cái cửa sổ sát với cửa ra vào. Miron Grigori phanh chiếc áo da dài ngồi trên bậu cửa sổ, một nụ cười lấp loáng sau chòm râu hung hung. Sương muối long lanh trên hai hàng mi ngắn cũn, trắng phếch. Những cái nốt ruồi nâu to tướng mọng máu vì lạnh xám ngắt đi. Cạnh đấy, một đám Cô-dắc trẻ hơn đứng túm tụm, nháy mắt cho nhau, mỉm cười. Lão Apdeit, biệt hiệu là Vua nói phét, kiễng chân đứng lắc lư giữa đám với chiếc mũ lông đỉnh màu lam có đính chữ thập bạc của trung đoàn Atamansky lật ra sau cái gáy phẳng lì. Apdeit cùng tuổi với ông Panteley Prokofievich nhưng chưa có vẻ gì là già, cặp má lúc nào cũng đỏ hồng hồng như quả táo chín.
Apdeit có đi lính trong trung đoàn ngự lâm Atamansky. Lúc đi lão còn mang cái họ là Xinhilin, nhưng lúc về lão đã trở thành… Vua nói phét.
Lão là người đầu tiên trong thôn được biên chế vào trung đoàn Atamansky và một điều quái đản đã xảy ra với lão Cô-dắc nầy, Apdeit đã lớn lên cũng như tất cả các thanh niên khác, chỉ phải cái hồi ít tuổi hơi ngớ ngẩn một chút, nhưng đi lính về thì mồm mép liến thoắng không lúc nào ngơi. Ngay hôm đầu, vừa về thôn, Apdeit đã bắt đầu kể cho mọi người nghe những mẩu chuyện lạ lùng về thời gian lão đóng trong cung điện của vua Nga, và về những việc phi thường lão đã làm ở Peterburg. Đầu tiên người ta còn kinh ngạc, há hốc miệng ra nghe, tin là thật, nhưng sau cũng biết là Apdeit nói khoác. Quả thật từ khi các cụ thành lập thôn nầy cho đến nay, chưa từng thấy có một tay nói khoác như thế nầy bao giờ. Khi đã có chứng cớ rành rành là những chuyện kỳ dị của lão đều do lão bịa ra, người ta cười ngay vào mũi lão, nhưng lão cũng chẳng đỏ mặt có lẽ lão cũng có đỏ mặt đấy, nhưng vì da lão lúc nào cũng đã đỏ rồi nên người ta không nhận ra thôi và sau đó vẫn tiếp tục nói khoác như thường. Về già, lão càng thêm điên cuồng rồ dại. Nếu bị hỏi vặn đến cứng lưỡi thì lão nổi khùng, gây sự đánh nhau, nhưng nếu người ta lặng thinh, chỉ mỉm cười chế nhạo thì lão càng một tấc đến trời, bất chấp những lời thiên hạ chế giễu.
Trong công việc làm ăn, Apdeit là một tay Cô-dắc tháo vát, chăm chỉ cần cù, việc gì cũng làm đâu vào đó, có khi còn khôn ngoan ranh ma nữa là khác. Nhưng hễ động đến chuyện lão đi lính ở trung đoàn Atamansky… là bất cứ ai cũng phải khoát tay vì ngạc nhiên hay ôm bụng ngồi xuống đất mà cười nôn ruột.
Hôm nay Apdeit lại lắc lư trên đôi ủng dạ mòn gót, đứng giữa một đám Cô-dắc xúm đông chung quanh. Lão đưa mắt nhìn khắp lượt rồi nói bằng một giọng trầm trầm đầy vẻ nghiêm trọng:
- Những thàng Cô-dắc ngày nay hoàn toàn là của vứt đi. Loắt choắt, nhỏ bé, chẳng được tích sự gì cả. Bất cứ thằng nào cũng xỉ mũi bẻ cái làm đôi được. Nói tóm lại… - Lão mỉm một nụ cười khinh bỉ, lấy mũi ủng di di bãi nước bọt. - Ở trấn Vosenskaia tôi đã từng thấy những xương người chết, đó mới thật là người Cô-dắc, đúng thế đấy!
- Đào được ở đâu thế, bác Apdeit? - Gã Anikey mặt mũi nhẵn thín vừa hỏi vừa hích khuỷu tay vào gã đứng bên.
- Thôi ông bạn đồng ngũ ơi, tết nhất đến nơi rồi, đừng khoác lác nữa làm gì. - Ông Panteley Prokofievich nheo cái mũi mỏ quạ, lắc lắc chiếc vòng tai. Ông vốn không ưa những chuyện ba hoa.
- Không đâu ông bạn ạ, từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi có nói điều gì không đúng sự thật bao giờ đâu, - Apdeit tuyên bố rất long trọng rồi ngạc nhiên giương mắt nhìn Anikey run bần bật như lên cơn sốt rét. - Tôi đã được thấy những cái xương người chết ấy, hôm người ta làm nhà cho cậu em vợ tôi. Vừa bắt đầu đào móng là quật lên được một ngôi mộ. Đúng là xưa kia ven sông Đông, ở gần nhà thờ đã có một cái bãi tha ma.
- Thế những cái xương ấy như thế nào? - Ông Panteley Prokofievich đã sắp sửa bỏ đi chỗ khác, nhưng lại bực mình hỏi thêm.
- Tay thì thế nầy nầy, - Apdeit vung rộng hai tay như hai cái cào.
- Còn cái đầu, thật đấy, tôi không nói ngoa đâu, chẳng kém gì một cái nồi Ba Lan.
- Nầy bác Apdeit ạ, tốt nhất bác hãy kể cho bọn trẻ nghe chuyện bác bắt tên cường đạo ở Saint Peterburg thì hơn. - Miron Grigorievich xúi thêm rồi khép tà áo lông, tụt trên bậu cửa sổ xuống.
- Chuyện ấy thì có gì mà kể. - Apdeit vờ khiêm tốn.
- Thôi kể đi bác?
- Tôi van bác đấy?
- Nể chúng tôi một chút, bác Apdeit!
- Thôi được câu chuyện đã xảy ra như thế nầy nầy. - Apdeit húng hắng ho, lấy trong túi quần ra một túi thuốc lá. Rồi lão khum khum bàn tay, dốc ra ít thuốc vụn và bỏ lại vào túi thuốc hai đồng tiền đồng rơi trong đó ra. Xong đâu đó lão mới sung sướng đưa mắt nhìn một lượt tất cả những người đứng nghe. - Có một tên hung thủ bị bắt vừa vượt ngục, trốn khỏi pháo đài. Đã tìm khắp chốn khắp nơi mà chẳng thấy bóng vía nó đâu cả. Quan lớn quan bé đều chẳng còn biết đằng nào mà lần. Chim trời cá nước, thế là biệt tăm biệt tích? Đến đêm ngài sĩ quan giám thủ cho gọi mình. Mình bèn lên gặp… Phải… Quan giám thủ nói: "Anh hãy vào cung bái yết hoàng đế bệ hạ… Hoàng đế cho vời anh đấy". Tất nhiên mình cũng có lo, nhưng vẫn cứ đến. Mình bước vào, đứng nghiêm và Người, đấng Đại ân đại đức của chúng ta, đưa tay vỗ vai mình và bảo: "Có chuyện thế nầy, Ivan Apdeit ạ, tên hung phạm nguy hiểm nhất đối với quốc gia đã trốn mất rồi. Dù phải thăng thiên độn thổ, nhà ngươi cũng phải tìm bắt cho được nó. Nếu không đừng vác mặt về trông thấy trẫm nữa!". Mình bèn trả lời: "Thần xin lĩnh chỉ, thánh thượng vạn tuế?" Chà-à-à, các cậu ạ thật là một chuyện làm mình tơi bời ruột gan… Mình bèn vào chuồng ngựa của hoàng đế, thắng những con tuấn mã hạng nhất vào một chiếc troika3, thế là xuất phát, xuất phát. - Apdeit châm thuốc hút, rồi đưa mắt nhìn một lượt những người đang cúi đầu lắng nghe. Lão phấn khởi hẳn lên, cất giọng oang oang qua làn khói thuốc chập chờn quanh đầu - Ngày rong ruổi, đêm ruổi rong, đến ngày thứ ba thì tóm cổ được cu cậu ở gần Moskva. Mình quẳng luôn anh bạn thân mến ấy lên xe rồi lại đường cũ đánh nước mã hồi. Nửa đêm mới về đến nơi, từ đầu đến chân những bùn là bùn, nhưng mình vẫn đi thẳng đến chỗ Ngài ngự. Tất cả các công tước, bá tước to nhỏ đủ mọi kiểu không cho mình vào, nhưng mình vẫn cứ vào. Phải… Mình gõ cửa: "Muôn tâu thánh thượng, thần xin phép được vào, Ngài ngựa hỏi: "Ngươi là ai thế? Mình thưa: "Tâu thánh thượng, thần đây, Ivan Apdeit đây". Trong nhà lục đục loạn cả lên, rồi mình nghe thấy chính Ngài ngự quát: "Bà Maria Fedorovna4 đâu? Dậy mau lên, mang samova5 ra đây, Ivan Apdeit về rồi đấy?"
Những hàng phía sau phá lên cười như nắc nẻ. Viên thư ký đang đọc tờ thông báo về gia súc bị thất lạc bị tắc ở câu: "chân trái vá trắng tới gót". Lão ataman vươn cổ như con ngỗng, gương mắt nhìn đám người đang cười ngặt nghẽo.
Apdeit bỏ chiếc mũ lông ra, cau mày, ngơ ngác đưa mắt nhìn từng người một.
- Hượm đã nào!
- Ô-hô-ha-ha-ha!
- Chao ôi, chê-ê-ết cười được!
- Khặc-khặc-khă-khă-khặc?
- Apdeit, cái con chó hói, ô-hô-hô!
- "Mang samova ra đây, Ivan Apdeit về rồi đấy?" ái chà chà!
Những người đến họp bắt đầu ra về. Những cái ngưỡng cửa làm bằng gỗ ở thềm bị lạnh giá cọt kẹt mãi không thôi. Stepan Astakhov cùng một gã Cô-dắc đang vật nhau trên đống tuyết bị dẫm nát bên cạnh nhà hội đồng cho nóng người. Gã nầy cao lớn, chân dài nghêu, là chủ cái máy xay gió kiểu Hà Lan.
- Bẻ quặt tay qua đầu? - bọn Cô-dắc đứng vây quanh mách miếng.
- Stepan, lắc cho nó phọt cám ra đi!
- Cậu không đủ sức chộp được nó đâu? Thằng cha nầy láu cá lắm đấy! - Lão Casulin thích quá, cứ nhảy cỡn như một con chim sẻ vì quá mải mê theo dõi, lão không biết rằng một giọt nước mũi sáng sáng rất to đang lủng lẳng ở đầu cái mũi xám ngoét của lão.

Chú thích:
1 Gậy tượng trưng cho chức quyền ataman. ND
2 Nguyên văn: "bằng một phần tư con chim sẻn ND
3 Một loại xe ba ngựa kéo, rất nhẹ, có thể dùng làm xe thi ND
4 Tên cúng cơm của hoàng hậu. ND
5 Một loại ấm đun nước của người Nga luôn giữ cho nước sôi, dùng để pha trà. ND


Chương 31



PHẦN 2


Ông Panteley Prokofievich vừa ở chỗ họp thôn trở về đã vào thẳng ngay căn buồng bên, nơi ông vẫn ở với bà già. Mấy hôm nay bà Ilinhitna bị mệt. Khuôn mặt phù thũng của bà đầy vẻ mệt mỏi và đau đớn. Bà nằm dài trên một cái đệm nhồi lông chim rất dầy, lưng tựa vào một cái gối dựng đứng. Nghe tiếng những bước chân quen thuộc, bà quay đầu ra, đưa mắt nhìn đức ông chồng với cái vẻ nghiêm khắc từ lâu đã ăn sâu trên khuôn mặt của bà. Mắt bà dừng lại trên những món râu quăn ướt đẫm vì hơi thở ôm chặt lấy miệng ông chồng, cùng hàng ria ẩm bị nén lại, mọc liền với bộ râu quai nón. Bà phập phồng cánh mũi, nhưng ông lão chỉ mang về hơi lạnh cùng mùi da cừu chua loét. "Hôm nay không có chai bố chai con gì rồi" - Bà vui vẻ nghĩ thầm rồi đặt lên cái bụng tròn xoe của bà chiếc bít tất đan chưa xong gót cùng với những chiếc kim đan.
- Việc đốn củi như thế nào hả ông?
- Đã quyết định là ngày thứ năm. - Ông Panteley Prokofievich vuốt ria. - Thứ năm, ngay từ sáng, - Ông vừa nhắc lại vừa ngồi xuống cái hòm kê bên cạnh giường. Thế nào, bà thấy trong người thế nào? Có nhẹ nhõm được chút nào không?
Bà Ilinhitna sầm mặt lại:
- Vẫn cứ thế… Các khớp xương đau như dần, khắp người ê ẩm.
- Sao bà cứ ương ương dở dở thế, đã bảo mãi là mùa thu thì chớ có mò xuống nước: Biết mình bệnh khổ bệnh sở như thế thì chớ có dính vào? - Ông Prokofievich phát khùng lên, vừa nói vừa cẩm cái nạng ngoáy những cái vòng rộng trên mặt đất. - Nhà còn ít đàn bà hay sao? Cái đống đay của bà thật ba lần đáng nguyền rủa: đi mà ngâm nước cho nó, để rồi bây giờ… Trời ơi là trơ-ơ-ời! Khổ quá lắm!
- Đay thì không thể để hỏng được. Mà đàn bà con gái có đứa nào ở nhà đâu? Thằng Grisca và vợ nó thì đi cày, thằng Petro và con Điria thì chúng nó đưa nhau đi đâu không biết.
Ông già hà hơi vào hai bàn tay chụm vào nhau, cúi xuống sát giường.
- Con Natasa thế nào hả bà?
Bà Ilinhitna sôi nổi hẳn lên, giọng bà trả lời đầy vẻ lo lắng:
- Tôi cũng chẳng biết làm thế nào nữa. Hôm kia nó lại khóc. Lúc ấy tôi ra sân gia súc, thấy cửa nhà thóc có người mở. Tôi định đến đóng lại, nhưng người vừa bước vào thì đã thấy con bé đứng bên cái vựa kê. Tôi hỏi nó: "Con yêu của mẹ, con làm sao thế?". Nó trả lời: "Con nhức đầu thế nào ấy, mẹ ạ". Sự thật là như thế nào thì tôi hỏi sao nó cũng không hé răng.
- Hay nó ốm chăng?
- Không đâu, tôi đã hỏi kỹ rồi… Chỉ sợ có đứa nào bùa chài hại nó, hoặc có chuyện gì với thằng Grisa thôi…
- Hay là thằng ấy với con ấy… nhỡ ra còn tằng tịu với nhau?
- Ông làm sao vậy, cái ông lão nầy? - Bà Ilinhitna hoảng sợ vỗ tay đen đét. - Thế Stepan, nó là một thằng ngớ ngẩn đấy chắc? Tôi chẳng nhận thấy gì cả, không có chuyện gì đâu.
Ông già ngồi thêm một lát rồi bỏ ra ngoài.
Grigori đang ngồi trong phòng của chàng, dùng giũa mài nhọn những cái móc để lắp vào lưới đánh cá. Natalia bôi mỡ lợn rán chảy vào những cái móc rồi lấy giẻ rách bọc cẩn thận từng cái một. Ông Panteley Prokofievich khập khiễng bước qua, đưa mắt nhìn kỹ xem Natalia ra sao. Trên cặp má vàng úa như tàu lá mùa thu của nàng loáng thoáng một màu hồng héo hon. Một tháng nay, Natalia gầy rộc đi, hai con mắt có một cái gì rất đáng thương, chưa từng thấy ở nàng bao giờ. Ông già đứng lại một lát ở cửa. "Chà, nó chăm chút vợ nó thế đấy!" - Ông vừa nghĩ thầm vừa nhìn lại lần nữa cái đầu chải mượt của Natalia, từ nãy vẫn cúi gầm xuống chiếc ghế dài.
Grigori ngồi bên cửa sổ vẫn cắm cúi giũa, cái bờm tóc đen rối như bòng bong đập đập trên trán.
- Vứt mẹ tất cả đi! - Ông già bất thình lình nổi xung, mặt đỏ như gấc. Ông quát to, tay nắm chặt cán cái nạng.
Grigori run bắn người, giương mắt nhìn bố, chẳng hiểu ra sao.
- Con định giũa cả hai đầu, cha ạ.
- Tao bảo mày là thôi ngay! Sửa soạn mà đi đốn củi!
- Con sửa soạn ngay đây.
- Xe trượt tuyết chẳng còn một cái chốt nào nữa, thế mà lại móc với miếc. - Giọng ông già có vẻ đã dịu đi. Ông nói xong còn đứng trùng trình một lát ở cửa phòng hình như ông còn có gì muốn nói thêm rồi bước ra ngoài và trút hết phần còn lại của cơn giận lên đầu Petro.
Grigori mặt chiếc áo bông ngắn vào rồi còn nghe thấy tiếng bố quát ngoài sân:
- Sao bây giờ còn chưa cho bò ngựa uống nước hả, mày nhòm ngó đến những việc gì hả, đồ mày là đồ gì hả? Đứa nào lấy rơm ở cây rơm bên hàng rào thế nầy? Tao đã bảo đứa nào là không được động đến cây rơm ở đầu cùng hử? Bọn chết tiệt, có ít rơm tốt nhất đem dùng hết thì sang xuân cày vỡ lấy gì cho bò ăn hử?
Đến hôm thứ năm, còn hai giờ nữa trời mới rạng, bà Ilinhitna đã gọi Daria dậy.
- Dậy đi thôi, nhóm bếp đi thì vừa.
Daria chạy tới bếp lò, trên mình mặc độc một chiếc áo sơ-mi lót, rồi mò mẫm trong ngách tường, tìm được bao diêm, châm lửa.
- Làm bếp quáng quàng lên nhé. - Petro giục vợ. Anh chàng hút thuốc ho sặc sụa, đầu tóc rối như ổ quạ.
- Người ta thương con Natalia hay sao mà không gọi nó dậy? Cái con mặt dày, bây giờ còn ngủ. Để tôi phải tự xé mình ra làm hai hay sao? - Daria, lầu bầu, giọng ngái ngủ, đầy vẻ tức tối.
- Thì vào đánh thức nó dậy. - Petro bảo vợ.
Nhưng Natalia đã dậy mà không cần ai gọi. Nàng mặc cái áo ngắn vào rồi ra lấy một ít phân khô.
- Đem mồi lửa lại đây! - Nàng dâu trưởng ra lệnh.
- Con Dunhiaska đã bị sai đi gánh nước rồi, mày có biết không.
- Daria? - Bà Ilinhitna lê rất vất vả hai cái chân trong bếp, nói khàn khàn.
Trong bếp nặc mùi hốt bố tươi, mùi những đồ thắng ngựa bằng da, mùi hơi người nóng ran. Daria chạy kéo lê đôi ủng dạ, quăng loảng xoảng những cái nồi gang. Dưới chiếc áo sơ-mi lót màu hồng, hai tay xắn lên đến khuỷu, cặp vú nho nhỏ của chị chàng cứ nẩy tâng tâng. Xem ra cuộc sống có chồng chẳng làm Daria héo hon tiều tụy chút nào: vẫn cái thân hình dong dỏng, thanh thanh, mềm mại như một nhành liễu đỏ, nom cứ như một cô gái chưa chồng. Đi đứng thì ưỡn à ưỡn ẹo vai đong đưa, chồng quát chỉ nhe hai hàm răng nhỏ sin sít ra cười nhạo, cặp môi đanh ác mỏng dính.
- Đáng là phải bỏ phân khô vào hong từ tối hôm qua. Xếp bên lò thì làm gì chẳng khô rồi - Bà Ilinhitna không vừa ý, lầu bầu.
- Con quên khuấy đi mất, mẹ ạ. Tai hại thật! - Daria trả lời thay mọi người.
Nấu nướng xong thì trời vừa hửng. Ông Panteley Prokofievich ăn vội quá, húp cháo bỏng cả miệng. Grigori nhai rất chậm, mặt chàng nhăn nhó, mấy cái hòn tròn tròn cứ lên lên xuống xuống bên dưới hai gò má. Dunhiaska đau răng phải buộc chặt lấy má. Petro cứ rình những lúc bố không biết, chốc chốc lại chòng em gái.
Trong thôn đã có tiếng xe trượt tuyết cót két. Vài chiếc xe bò chạy ra sông Đông trong làn sương mai xám xám. Grigori và Petro ra sân thắng bò vào xe. Grigori thở phải không khí lạnh lại hanh, vừa đi vừa quấn chiếc khăn quàng cổ mềm: quà của cô vợ chưa cưới tặng cho anh chồng chưa cưởi. Một con quạ đen bay qua sân buông xuống một tiếng kêu phát thoả sức từ trong họng nó ra. Trong cái lạnh đại hàn nghe rõ mồn một tiếng soàn soạt của hai cánh vẫy chậm rãi, Petro nhìn theo hướng con chim bay yà nói:
- Nó bay về nơi ấm áp, về miền nam đấy.
Một vành trăng lưỡi liềm mỏng manh ẩn hiện trên trời, sau một đám mây nhỏ đang nhuộm hồng, tươi tắn như nụ cườì một cô gái.
Khói từ trong ống khói bốc thẳng lên cao, như một người cụt tay, cổ vươn tới cái lưỡi mài sắc ngọt, vàng óng, xa lắc không sao với tới được của vành trăng khuyết.
Ngay trước nhà Melekhov, sông Đông còn chưa đóng băng. Nhưng sát ven bờ có một dải băng hơi có ánh sáng xanh lá cây bên dưới những đống tuyết bị dồn tới dã rắn chắc lại. Dưới dải băng ấy, nước không bị luồng nước mạnh giữa sông cuốn theo vẫn lừ đừ sủi bọt. Nhưng ra quá giữa sông, khoảng gần bờ bên kia, chỗ những mạch nước chảy xối từ trong cái vách đen ra, có một khoảng nước chưa đóng băng, đen ngòm đến rợn người, nằm giữa một viền tuyết trắng. Trong cái hố nước ấy, vài con vịt trời ở lại qua mùa đông đang hụp xuống ngoi lên, nom chỉ như những nốt ruồi đen.
Mọi người qua sông từ cái bãi giữa thôn.
Ông Panteley Prokofievich không chờ hai con trai, đã đi trước với hai con bò già. Petro và Grigori nán lại một lát rồi cũng đi theo.
Đến chỗ dốc xuống sông hai anh em đuổi kịp Anikey. Anikey thắt lưng vải xanh lá cây. Hắn gài chiếc rìu mới thay cán vào bên cạnh xe trượt tuyết và đi bên hai con bò. Vợ hắn, một người đàn bà nhỏ bé, đau yếu cầm cương. Từ xa Petro đã kêu lên:
- Nầy, bác láng giềng, đem cả bác gái đi theo cơ à?
Anikey vốn là một anh chàng hay cười. Hắn nhảy cỡn tới cái xe của hai anh em:
- Đem theo, đem theo cho đỡ lạnh lùng.
- Gầy như que củi thế kia thì lấy đâu ra hơi ấm?
- Nuôi toàn bằng yến mạch mà vẫn chẳng khá lên được chút nào.
- Hai nhà chúng ta cùng chung một phần củi phải không? -
Grigori nhảy trên xe xuống rồi hỏi.
- Nếu cho tôi hút thuốc thì cùng phần.
- Cái anh Anikey nầy, lọt lòng mẹ đã sống bám vào người khác.
- Của ăn cắp hệt của đi xin, bao giờ ăn cũng ngon hơn. - Anikey cười khà khà, khuôn mặt nhẵn thín như mặt đàn bà của hắn nhăn nhúm lại.
Vợ chồng Anikey và anh em Petro cùng đi với nhau. Một màu trắng khắc nghiệt, trùm lên khu rừng đầy những đám sương muối, rủ xuống như đăng-ten. Anikey đi trước, vừa đi vừa cầm roi quất vào những cành cây trĩu xuống bên trên con đường. Vợ hắn trùm kín người ngồi trên xe bị tuyết xốp nhọn như kim rơi lả tả từng đám xuống khắp người.
- Đồ quỷ sứ, đừng có làm trò khỉ? - Mụ rũ áo phành phạch kêu rầm lên.
- Giúi đầu mụ mẹ ranh xuống tuyết đi! - Petro vừa kêu lên vừa cố quất cái roi cho trúng dưới bụng con bò để thúc cho nó đi nhanh hơn.
Đến chỗ rẽ sang cái khe lở Bà già thì gặp Stepan. Stepan đang đuổi hai con bò đã tháo dây thắng nhưng còn mang ách. Anh ta bước những bước đài, đôi ủng dạ đóng đế da dẫm loạt soạt trên tuyết. Dưới cái mũ đội lệch, bờm tóc xoăn đầy sương muối rủ xuống như một chùm nho trắng.
- Nầy, Stepan, lạc đường à? - Anikey đi đến ngang Stepan thì hỏi to.
- Lạc đường cái gì, mẹ kiếp!… Xe vừa xuống dốc thì đòn trượt húc đánh rầm vào một gốc cây, gãy đôi. Thế là phải quay về.
Stepan vặc thêm một câu tục tĩu rồi bước qua mặt Petro. Dưới hai hàng mi dài, cặp mắt nhạt màu nom như mắt thằng ăn cướp nheo nheo ngang ngược.
- Thế xe quẳng lại đấy à? - Anikey ngoái cổ lại hỏi to thêm.
Stepan chỉ khoát tay. Gã giơ roi quất hai con bò định rẽ sang khoảng đất hoang ven đường và nhìn theo Grigori rất lâu, lúc nầy Grigori đang lẽo đẽo đi theo xe trượt tuyết. Đến cách cái khe lỡ thứ nhất không xa, Grigori nhìn thấy một chiếc xe trượt tuyết bỏ chỏng gọng giữa đường. Acxinhia đứng bên cạnh, tay trái nàng khép tà chiếc áo lông kiểu sông Đông, mắt đăm đăm nhìn theo con đường, đón hai chiếc xe đang đi tới.
- Nầy cô nàng không phải vợ anh, tránh ra ngay không anh cho xe chẹt bây giờ? - Anikey quát.
Acxinhia mỉm cười lui sang bên và ngồi lên chiếc xe bị lật nghiêng không có đòn trượt.
- Đã có bác gái ngồi kia cùng đi với bác rồi đấy!
- Mụ ấy cứ bám lấy tôi như quả ké bám vào đuôi con lợn, nếu không tôi đã mời cô lên rồi.
- Thôi cũng xin giả ơn bác.
Petro đi đến ngang Acxinhia thì liếc nhanh mắt nhìn Grigori.
Grigori đang đi tới, một nụ cười xao xuyến trên môi. Mỗi cử động của chàng đều cho thấy cả một tâm trạng lo lắng và chờ đợi.
- Chào chị láng giềng, chị có khỏe không? - Petro đưa chiếc găng tay lên vành mũ chào.
- Ơn Chúa!
- Xe bị gãy đấy à chị?
- Vâng, xe bị gãy, - Acxinhia kéo dài giọng trả lời, nhưng mắt lại không nhìn Petro. - Nàng đứng dậy, quay nhìn Grigori đang đi tới.
- Anh Grigori Panteleevich, tôi có chuyện cần nói với anh…
Grigori quay sang nhìn Acxinhia rồi nói theo Petro lúc nầy vẫn tiếp tục đi:
- Anh trông hộ bò nhé!
- Hừ, được, - Petro cười mỉa một cách khả ố, rồi nhét một món ria đắng khói thuốc lá vào miệng.
Hai người đứng trước mặt nhau, chẳng nói chẳng rằng. Acxinhia lo lắng nhìn quanh rồi ngước cặp mắt ướt đen láy nhìn Grigori.
Nàng thở hổn hển, trong lòng vừa xấu hổ vừa sung sướng. Hai má nàng nóng rực, môi khô bỏng.
Hai chiếc xe của Anikey và Petro đã lấp sau cánh rừng sồi.
Grigori nhìn thẳng vào mắt Acxinhia thấy bừng bừng một ánh nũng nịu liều lĩnh.
- Thế nào, anh Griska, anh muốn thế nào thì muốn, chứ thiếu anh, em không sao sống được, - Acxinhia nói giọng rất kiên quyết rồi mím chặt môi, chờ Grigori trả lời.
Grigori không nói gì. Bầu không khí chết lặng bó chặt lấy khu rừng như cái đai sắt. Không gian trong vắt rung lên trong tai như tiếng chuông. Con đường bị mài nhẵn bóng dưới đòn trưọt của những chiếc xe, bầu trời xám xịt với những đám mây rách mướp, khu rừng câm tiếng, thiếp lặng như chết… Chợt có tiếng quạ quang quác ngay gần đấy, Grigori bừng tỉnh sau giấc mơ ngắn ngủi. Chàng ngẩng đầu lên nhìn, thấy con chim có bộ lông đen bóng hơi phớt ánh xanh lam đang co chân, lặng lẽ vẫy cánh như từ biệt. Grigori bất giác nói như nói một mình:
- Trời sắp ấm rồi. Nó bay về nơi ấm áp… - Chàng rùng mình, bật cười khàn khàn… - Nào… - chàng dim mắt ngây ngất nhìn quanh như một thằng ăn cắp, rồi ôm phắt Acxinhia vào lòng.

Chương 32



PHẦN 2


Cứ tối đến lại có những người rất khác nhau kéo đến gian Stokman thuê của mụ lác Lukesa: Khristonhia, "Bồi" ở nhà máy xay với chiếc áo vét-tông bê bết dầu mỡ khoác trên vai; anh chàng Davydka hay cười sống vất vưởng đã ba tháng nay; anh thợ máy Kotliarov. Anh thợ giày Finka năm thì mười hoạ cũng lại chơi.
Nhưng người khách đến đều nhất là Miska Kosevoi, một chàng trai Cô-dắc chưa đến tuổi đi lính thường trực.
Đầu tiên mọi người chỉ đánh bài liên miên, nhưng một hôm Stokman đưa ra khéo léo tập thơ nhỏ của Nekrasov1 Anh em đọc to và thấy thích. Xong Nekrasov thì chuyển sang Nikitin2, nhưng đến khoảng lễ Nô-en thì Stokman bảo mọi người thử đọc một quyển vở nhàu nát, không có bìa. Trước kia Miska đã tốt nghiệp trường tiểu học của nhà chung, vì thế anh chàng được mọi người bảo đọc to để cùng nghe. Miska nhìn quyển vở nhớp nhúa, con mắt có vẻ coi thường.
- Cắt ra nấu làm mì sợi được. Béo lắm đấy.
Khristonhia phá lên cười khồ khồ, Davydka cũng nhe hai hàm răng trắng loá ra cười, nhưng Stokman chờ cho mọi người cười xong mới nói:
- Cậu thử đọc xem, Miska. Cuốn nầy viết về người Cô-dắc đấy. Hay lắm.
Miska cúi đầu làm cái bờm tóc vàng óng xoã xuống bàn, và bắt đầu đọc tách bạch từng tiếng: "Lịch sử tóm tắt về tầng lớp Cô-dắc sông Đông". Đọc xong Miska nheo mắt nhìn tất cả mọi người có vẻ chờ đợi.
- Cậu đọc đi - Kotliarov nói như ra lệnh.
Họ đọc ba tối liền. Về Pugachev3, về cuộc sống tự do, về Stepan Radin4 và Kondrati Bulavin5. Rồi họ đọc tới những thời kỳ gần đây. Tác giả vô danh đã dùng những lời dễ hiểu nhưng sâu cay để chế giễu cuộc sống thảm hại của người Cô-dắc, chế giễu các lề thói thủ tục và chế độ cai trị, chế giễu chính quyền của vua Nga và ngay cả tầng lớp Cô-dắc dấn thân làm những tên tay chân giúp vua Nga đàn áp. Mọi người đều bị kích động. Một cuộc tranh luận sôi nổi nổ ra. Khristonhia dựa ngay đầu vào cái dầm trên đầu, nói oang oang như lệnh vỡ. Stokman thì cứ ngồi bên cạnh cửa phòng, hút thuốc bằng cái bót xương có nạm những cái vòng nhỏ, và chỉ cười bằng hai con mắt.
- Đúng lắm! Nói thật là chí lý? - Khristonhia nói ngay.
- Không phải là lỗi của chúng ta, chính chúng nó đã làm cho người Cô-dắc đi tới tình trạng nhục nhã thế nầy. - Miska khoát hai tay đầy vẻ băn khoăn, khuôn mặt rất đẹp có hai con mắt sẫm màu nhăn lại.
Người Miska vạm vỡ, vai và hông rộng ngang nhau, thành thử trông cứ như hình vuông. Cái cổ đần đẫn đỏ như gạch đặt rất vững vàng trên một cái nền chắc nịch như đúc bằng gang. Nhưng chỉ lạ một điều là trên cái cổ như thế lại có một cái đầu nhỏ nhắn, với cặp má trắng mịn mang những đường nét của phụ nữ, cái miệng nhỏ nhưng bướng bỉnh, hai con mắt màu sẫm dưới một bộ tóc loăn xoăn vàng óng rất dầy. Anh thợ máy Kotliarov là một người Cô-dắc cao lớn to xương, tranh cãi rất hăng. Mỗi tế bào của cái thân hình xương xẩu đó đều thấm đẫm các truyền thống Cô-dắc. Kotliarov long lanh hai con mắt lồi tròn xoe để đập Khristonhia và bênh vực người Cô-dắc.
- Cậu biến thành một thằng mu-gích mất rồi, Khristonhia ạ, cậu đừng cãi làm gì vô ích… Trong cái máu bẩn thỉu của cậu, cả một thùng chỉ có được một giọt máu Cô-dắc mà thôi. Bà cụ nhà cậu đã ngủ với một thằng bán trứng ở Voronez đẻ ra cậu chứ gì!
- Sao cậu ngu khổ ngu sở thế? - Chà, cậu đúng là một thằng ngu xuẩn, người anh em ạ. - Giọng Khristonhia trầm trầm - Mình chỉ bảo vệ sự thật thôi.
- Mình chưa từng đi lính trung đoàn Atamansky bao giờ. - Kotliarov nói ác. - Chỉ trung đoàn Atamansky mới toàn là một phường ngu xuẩn…
- Nhưng các đơn vị khác còn có những thằng điên rồ bằng vạn.
- Thôi cậu im đi, đồ mu-gích!
Thế mu-gích không phải là người hay sao!
- Chúng nó là mu-gích chính là vì chúng nó được làm bằng vỏ cây bằng cành khô.
- Người anh em ạ, hồi mình đi lính đóng ở Peterburg, mình đã được thấy đủ hạng người. Và một lần đã có một câu chuyện như thế nầy, - Khristonhia nhấn rất mạnh vào âm "a" của tiếng cuối cùng. - Bọn mình phải canh gác hoàng cung, nhưng khi yên tĩnh cũng có những giờ phải ra bên ngoài. Ở bên ngoài bọn mình cưỡi ngựa đi dưới chân hoàng thành: hai thằng đi theo hướng nầy, hai thằng đi theo hướng kia. Hễ gặp nhau lại hỏi nhau: "Tất cả đều bình an vô sự chứ! Không có chuyện nổi loạn chứ?" - "Chẳng có gì cả" thế là mỗi đằng lại đi một nẻo, nán lại nói với nhau thêm vài câu cũng không được phép. Bọn mình thì người ngợm cũng phải lựa chọn: họ bắt hai thằng cùng đứng ở một cái cửa phải giống nhau như hai giọt nước.
Thằng tóc đen đứng với thằng tóc đen, thằng tóc vàng đứng với thằng tóc vàng. Không riêng tóc mà cả khuôn mặt cũng phải giống nhau. Chính vì những chuyện ngu xuẩn ấy mà có lần lão thợ cạo đã nhuộm cả bộ râu của mình. Hôm ấy mình phải đứng gác với thằng Nikifo Meseriakov. Đại đội của mình vốn có một thằng Cô-dắc trấn Tefikinskaia tên là như thế. Thằng quỷ quái ấy, râu tóc nó đỏ rực như lửa ấy. Dịch tả dịch hạch nào biết được vì sao, hai thái dương nó cứ như có lửa cháy bùng bùng. Tìm đi tìm lại mãi mà trong các đại đội chẳng thấy có thằng nào râu tóc cùng màu như thế. Lão đại đội trưởng Báckin bèn bảo mình: "Mày ra ngay hiệu thợ cạo bảo nó nhuộm thật nhanh râu ria đi". Mình bèn đi nhuộm… Nhưng vừa soi gương thì thấy lạnh cả tim: mình đang cháy! Đúng là mình cháy bùng bùng, hoàn toàn là thế? - Mình đưa tay lên nắm lấy râu, ngón tay cứ như phải bỏng. Đúng thế đấy!
- Nầy, Khristonhia ạ, cậu nói toàn những chuyện ba láp gì ấy! Cậu định bắt đầu nói về cái gì thế hử? - Kotliarov ngắt lời Khristonhia.
- Mình đang nói về con người mà.
- Được thế thì cậu kể nốt đi. Còn bộ râu của cậu thì có quan hệ quái gì đến chúng mình.
- Đây mình nói ngay đây: Một lần mình phải cưỡi ngựa đi tuần. Cùng đi còn có một cậu nữa. Chợt thấy một bọn sinh viên đổ ra từ một góc tường. Đông ơi là đông. Bọn chúng nó trông thấy hai đứa chúng mình bèn hò la rầm lên: "Ha-a-a-a-a…!" Rồi lại lần nữa: "Ha-a-a-a-a?" Chúng mình chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao đã bị vây chặt. "Nầy, hai anh Cô-dắc, hai anh cưỡi ngựa đi chơi đâu thế?" Mình bèn trả lời: "Chúng tôi đi tuần đây, còn anh thì bỏ dây cương ra, không được nắm như thế!" - mình vừa nói vừa nắm lấy cán gươm. Nhưng gã kia lại nói: "Nầy, anh bạn đồng hương ơi, anh đừng nghi ngờ gì cả, chính chúng tôi chôn rau cắt rốn ở trấn Kamenskaia đấy, tôi đến đây theo học trường cao… cao cẳng", đại khái cao chân cao cẳng gì đó. Lúc ấy mình lại thúc ngựa tiến lên, nhưng một gã mũi to rút trong ví ra một tờ mười rúp và bảo: "Nầy hai anh Cô-dắc, hai anh hãy cầm lấy uống vì vong linh ông cụ nhà tôi, ông cụ nhà tôi nay đã mồ yên mả đẹp rồi". Gã đưa cho chúng mình mười rúp rồi lấy trong cặp ra một bức chân dung và nói: "Đây là mặt mũi ông cụ nhà tôi đây, hai anh hãy giữ lấy làm kỷ niệm". Thế là chúng mình nhận tấm ảnh vì không nhận cũng không tiện. Sau đó bọn sinh viên bỏ đi và lại: "Ha-a-a-a-a?" rồi cứ thế tiến về phía đại nộ lộ Nhepxki. Lão đại đội trưởng đem một trung đội phi ngựa từ cổng sau hoàng cung tới chỗ chúng mình. Phi ngựa đến nơi lão ta hỏi: "Có chuyện gì thế?" Mình bèn trả lời: "Vừa có một đám sinh viên đến vây quanh chúng tôi và bắt chuyện. Chúng tôi chiếu theo điều lệnh đã định rút gươm ra chém, nhưng sau họ lại buông chúng tôi ra, vì thế chúng tôi lại đi". Bọn mình được thay phiên xong bèn nói với lão chánh quản: "Thưa ngài Lukit, chúng tôi vừa kiếm được mười đồng rúp nầy đây, nhưng chúng mình phải mua rượu uống hết để vong linh ông bố già nầy được yên nghỉ nơi thiên đàng" và chúng mình cho lão xem bức chân dung. Đến tối lão chánh quản đem vodka tới, bọn mình tuý luý càn khôn hai ngày hai đêm liền, nhưng sau mới vỡ lẽ là bị chơi xỏ. Gã sinh viện nọ, cái thằng chó chết ấy, nó không đưa cho mình ảnh thằng bố nó mà lại đưa bức hình chụp lão trùm phiến loạn người Đức. Mình đã tin lời nó, nhận lấy và đem treo ngay lên đầu giường để tưởng nhớ, vì mình thấy người trên bức chân dung có chòm râu bạc phơ, mặt mày cũng phúc hậu, y như một lái buôn vậy. Nhưng lão đại đội trưởng nhìn thấy lại hỏi: "Đồ thổ tả, mày tha bức chân dung nầy ở đâu về đây hử?" Mình bèn trả lời: "Như thế, như thế đấy". Lão bèn chửi rầm lên, cho mình mấy cú vào quai hàm, rồi lại một chập nữa… Lão gầm lên: "Mày có biết không, đây là lão ataman của chúng nó, là Karl…" Chà, mình quên khuấy đi mất rồi. Không biết tên lão ta là gì nhỉ, cầu Chúa ban cho mình trí nhớ…
- Karl Marx? - Stokman mỉm cười khẽ nhắc.
- Đúng đấy, đúng đấy? Đúng lão ta là Karl Marx đấy… - Khristonhia sung sướng nói. - Chính lão đã chơi mình bị một vố suýt chết… Có khi chính đông cung thái tử Aleksey cũng cùng với các thầy dạy của thái tử tới thăm phòng cảnh vệ. Họ có thể nhìn thấy, và nếu thế thì không biết câu chuyện sẽ như thế nào.
- Thế mà cậu cứ khen bọn mu-gích nữa đi. Xem đấy, chúng nó đã cho cậu một bài học như thế đấy. - Kotliarov giễu Khristonhia.
- Nhưng dù sao bọn mình cũng đã đem mười rúp mua vodka uống sạch. Tuy là uống vì lão Karl râu xồm nhưng dù sao cũng đã uống rồi.
- Vì Karl Marx thì cũng đáng cạn chén lắm đấy, - Stokman mỉm cười nghịch nghịch cái vòng trên cái bót bằng xương vàng khè vì khói thuốc lá.
- Thế ông lấy đã làm được điều gì tốt? - Miska hỏi.
- Lần sau mình sẽ kể, hôm nay khuya mất rồi, - Stokman gõ cái bót vào lòng bàn tay, tống đầu điếu thuốc đã tắt ra.
Sau một thời gian sàng sảy và lọc đi lọc lại rất lâu, trong căn nhà nhỏ của mụ lác Lukeska đã thành lập được một nhóm nòng cốt chừng mười anh chàng Cô-dắc. Stokman là hạt nhân của nhóm, anh kiên nhẫn tiến về phía một mục đích mà chỉ mình anh biết. Như con mọt đục khoét thân một cây gỗ, anh ăn mòn dần những khái niệm và thói quen sơ lược cũ, nhen lên một niềm kinh tởm, căm thù chế độ hiện hành. Đầu tiên anh cũng có vấp phải chất thép lạnh của lòng hoài nghi, nhưng anh vẫn không lui bước, vẫn cứ gặm cho kỳ thủng…

Chú thích:
1 Nicolai Alekseevich Nekrasov 1821 - 1877. Nhà thơ lớn nước Nga, theo phái cách mạng dân chủ. ND
2 Ivan Savich Nikitin 1824 - 1861. Nhà thơ trữ tình Nga, theo phái cách mạng dân chủ. ND
3 Emelian Ivanovich Pugachev chết 1775 thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa của nông dân Nga, vốn là lính Cô-dắc, xưng vương, sau những thắng lợi đầu tiên, bị bắt và bị xử tử ND
4 Stepan Radin chết 1671 thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa của nông dân Nga, bị xử tử sau khi thất bại. ND
5 Kondrati Bulavin 1660 - 1707 lãnh tụ cuộc khởi nghĩa của dân Cô-dắc ở miền Nam nước Nga trong hai năm 1707 - 1708, bị xử tử. ND

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/