14/3/13

Sông Đông êm đềm (PIV-C73-75)

Chương 73



PHẦN 4


Vừng mặt trời mùa thu chạy vòng trên khoảng trời đầy những đám mây trắng nhăn nheo như sóng gợn, chênh chếch bên cạnh thôn Tatarsky. Trên ấy, trên khoảng không cao tít, gió chỉ hiu hiu, đủ xua nhẹ những đám mây bập bềnh trôi về phía tây, nhưng dưới nầy, trên làn nước sông Đông màu xanh lá cây sẫm sịt phẳng như một dải đồng bằng, trên những khu rừng đã rụng hết lá, gió lại thổi ào ào từng trận rất mạnh, uốn rạp những ngọn liễu và tiêu huyền, xới tung mặt sông Đông, đuổi những đàn lá hung hung chạy dọc theo các phố. Trong sân đập lúa nhà Khristonhia có đống rơm lúa mì trên đỉnh đánh không cẩn thận lờm xờm như cái đầu bù. Một trận gió xoắn đến, bới một lỗ trên đỉnh đống rơm, lật đổ cái cào mảnh dẻ rồi bất thình lình vơ lấy một ôm rơm vàng óng, như có người cầm chàng nạng xốc lên, rồi bê rơm qua sân, cuốn ra phố, rắc một cách hào phóng xuống con đường vắng tanh và vắng ngắt, còn lại một nắm bù xù lại quăng nốt lên mái nhà Stepan Astakhov. Mụ vợ Khristonhia đầu tóc rũ rượi chạy bổ ra sân gia súc. Mụ kẹp hai đầu gối giữ váy, giương mắt nhìn cơn gió hoành hành trong sân đập lúa, rồi lại đi vào phòng ngoài.
Chiến tranh đã kéo dài đến năm thứ ba. Điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn trong thôn. Trong các nhà không còn có đàn ông ở lại nữa, các nhà kho đều xơ xác, trống huếch trống hoác, sân gia súc nứt nẻ tiêu điều, cảnh tang thương để lại những dấu vết chẳng đẹp mắt chút nào. Mụ vợ Khristonhia phải quán xuyến mọi công việc trong nhà cùng với thằng con mới lên chín. Mụ vợ của gã Anikey thì hoàn toàn chẳng lo gì đến công ăn việc làm, và trong tình cảnh vợ lính vắng chồng, mụ chỉ ra sức chăm nom cái mã của mình: mụ tô son trát phấn, và thiếu bọn Cô-dắc đã trưởng thành thì mụ nhận những thằng nhãi ranh mười bốn mười lăm. Chứng cứ hùng hồn của những chuyện như thế là hai cái cánh cổng bằng ván ghép trước kia đã bị bôi bê bết nhựa chưng, đến nay vẫn còn giữ những vết nâu xịt như những lời tố cáo1. Căn nhà của Stepan Astakhov thì chẳng còn ma nào ở. Trước khi ra đi, chủ nhà đã dùng ván bịt kín các cửa sổ. Mái nhà sụt vài chỗ, ngưu bàng mọc đầy sân, khoá cửa đã rỉ hoen, và sau cái cổng sân nuôi gia súc mở toang, cỏ dại và tàn lê đã lên um tùm, không còn lối nào mà đi nữa, nhưng bất cứ lúc nào những con bò hay ngựa thả rong cũng có thể vào kiếm chỗ tránh nắng hay mưa gió. Tường nhà Tomilin Ivan thì nghiêng ra phố, chỉ có cái cọc có chạc chống cho nó khỏi đổ. Có lẽ định mệnh đã thay mặt những ngôi nhà ở Đức hay ở Nga bị bắn phá huỷ, trả thù tên lính pháo binh ngang tàng điều khiển bộ phận nhằm của pháo.
Khắp thôn trong tất cả các phố các ngõ cũng đều như thế. Chỉ cuối phần dưới thôn mới còn một cơ ngơi nom ra hồn là nhà ông Panteley Prokofievich: tất cả đều đầy đủ, nguyên vẹn. Tuy vậy cũng không hoàn toàn tất cả. Trên mái nhà thóc, những con gà trống bằng sắt tây làm quá lâu năm đã rơi đâu mất, nhà thóc cũng hơi xiêu, một cặp mắt tinh đời vẫn có thể nhìn thấy vài chỗ còn chưa chu đáo trong công việc làm ăn. Hai bàn tay ông già làm thế nào hết mọi việc, đến thóc gieo cũng phải ít hơn. Còn các mặt khác thì chẳng có gì đáng nói - Nhưng chỉ có một điều là số người trong nhà Melekhov đã không giảm bớt: thay cho Petro và Grigori đang ruồi rong trên các mặt trận, đầu mùa thu năm ngoái.
Natalia đã đẻ sinh đôi. Nàng đã khéo làm vừa lòng bố mẹ chồng, sinh liền một trai một gái. Natalia đã chịu đựng thời kỳ thai nghén một cách rất đau đớn, có khi mấy ngày liền không thể đi đâu được vì hai chân đau nhức nhối. Nàng phải lê chân đi từng bước, nhưng vẫn chịu đựng mọi sự đau đớn một cách rất cứng cỏi, không bao giờ để lộ chút gì trên khuôn mặt ngăm ngăm, gày gò, tràn trề hạnh phúc. Chỉ những phút chân bị chuột rút quá đau, mới thấy hai bên thái dương nàng đổ ra những giọt mồ hôi lóng lánh như hạt cườm, và khi nhìn thấy thế bà Ilinhitna mới đoán ra. Bà lắc đầu, mắng con dâu:
- Có vào nằm đi không, con bé chết tiệt nầy! Sao mày cứ tự làm khổ mình như thế hả con?
Một ngày tháng chín đẹp trời, Natalia cảm thấy mình sắp sinh nở đến nơi, bèn ra phố.
- Mày đi đâu thế con? - Bà mẹ chồng hỏi.
- Con ra bãi cỏ hoang bên sông. Xem mấy con bò cái như thế nào?
Natalia vội vã đi ra ngoài thôn, vừa đi vừa lấm lét nhìn quanh.
Nàng rền rỉ, hai tay ôm chặt lấy phía dưới bụng, lần vào một đám mận gai rất rậm và nằm xuống. Mãi đến lúc trời đã tối, nang mới vòng sau nhà lần về, trong tay hai đứa trè sinh đôi bọc bằng một chiếc lạp dê vài thô.
- Con yêu của mẹ! Con bé chết tiệt nầy! Sao con lại làm như thế? Lúc nãy mày đi đâu thế hử? - Bà Ilinhitna nói rất to.
- Con ngượng quá phải ra ngoài kia… Có cha ở nhà con không dám… Bây giờ con sạch rồi, mẹ ạ con cũng tắm cho hai cháu rồi đấy. Mẹ bế lấy hai cháu nầy… - Natalia chống chế, mặt nhợt nhạt.
Đunhiska chạy bổ đi tìm bà mụ. Daria thì cuống quít đi lót một cái sàng. Nhưng bà Ilinhitna vội kêu lên, mặt cười không ra cười, mếu không ra mếu.
- Đaskca? Có quẳng cái sàng ấy đi không? Có phải con chó con mèo đâu mà cho chúng nó nằm trong cái sàng? Lạy Chúa tôi, hai đứa như thế nầy! Chao ôi, lạy Chúa tôi, sinh liền hai đứa một lúc! Nataliuska… Nhưng đưa nó vào giường mà nằm chứ?
Ông Panteley Prokofievich đang ở ngoài sân nuôi gia súc nghe nói con dâu đẻ sinh đôi, đầu tiên chỉ khoát rộng tay một cái, nhưng sau ông sướng quá, rã bù bộ râu, oà lên khóc. Rồi ông tự nhiên vô duyên vô cớ quát rầm lên với bà mụ đang hộc tốc chạy đến.
- Mụ chỉ được cái nói láo, mụ thật là đồ ngu xuẩn! - Ông vung trước mũi bà già một ngón tay móng dài nghêu - Mụ chỉ nói láo? Dòng giống nhà Melekhov nầy không tuyệt tự ngay được đâu? Con dâu lão vừa tặng cho lão một thằng Cô-dắc và một đứa cháu gái đấy.
Con dâu ra con dâu, thế mới là con dâu chứ? Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi! Chà, con dâu yêu con dâu quý của cha, tình nghĩa mày như thế cha biết lấy gì báo đáp bây giờ?
Năm ấy cái gì cũng sinh sôi nảy nở: con bò cái đẻ sinh đôi, trước lễ thánh Misen, mấy con cừu cũng đẻ sinh đôi, và cả những con dê…
Ông Panteley Prokofievich thấy thế lạ quá, bụng bảo dạ: "Năm nay quả là một năm may mắn, một năm phát tài phát lộc! Cái gì cũng sinh đôi cả. Bây giờ thì nhà mình đã đến lúc sinh sôi nảy nở rồi… à hà hà!".
Natalia cho con bú đến đầy tuổi thôi. Đến tháng chín thì nàng cho chúng nó cai sữa, nhưng đến cuối thu vẫn chưa lại người. Hai hàm rãng nàng lấp loáng mầu sữa trên khuôn mặt gầy rộc, cặp mắt ấm áp sáng bừng có vẻ quá mênh mông đối với những nét hốc hác trên mặt. Natalia dốc toàn bộ cuộc sống của nàng vào hai con bắt đầu sao nhãng, khòng chăm chút cho mình nữa. Ngoài các công việc làm lụng trong nhà hễ được lúc nào rỗi là nàng lại quẩn quanh với hai đứa: hết tắm rửa giặt giũ lại đan lát vá may, chốc chốc lại bế hai đứa bé sinh đôi trong nôi ra, ghé ngồi nghiêng nghiêng vào giường, thõng một chân ra ngoài, hất vai cho tuột cái áo lót rộng thùng thình để lộ cặp vú to tướng, trắng trắng vàng vàng, căng mọng như hai quả dưa bở, cho cả hai đứa bé cùng bú một lúc.
- Hai đứa bú rộc người mày mất con ạ! Mày hay cho nó bú quá đấy. Bà Ilinhitna nói xong lại phát vào đùi hai cháu, hai cặp chân bụ đến hằn ngấn lên.
- Cứ cho chúng nó bú đi! Đừng tiếc sữa làm gì! Sữa mày thừa cũng chẳng làm phó mát được đâu! - Ông Panteley Prokofievich chỉ nghĩ đến hai cháu cũng nói xen vào bằng một giọng thô lỗ.
Mấy năm ấy, cuộc sống cứ co hẹp dần như sông Đông sau mùa nước lũ. Những ngày sầu thảm ngao ngắn thay nhau trôi qua lúc nào không biết với những sự việc chạy ngược chạy xuôi không lúc nào ngớt, với công việc lao động, với cảnh thiếu thốn, với những niềm vui mỏng manh và nỗi lo lắng khủng khiếp luôn luôn canh cánh bên lòng về những người đang ruổị rong ngoài mặt trận. Năm thì mười hoạ Petro và Grigori mới gửi từ đơn vị chiến đấu về một bức thư phong bì nhớp nhúa, dấu bưu điện đóng nhằng nhịt. Bức thư gần đây nhất của Grigori đúng là đã qua tay một người nào xem trước; nửa trang bị bôi kín bằng mực tím và ở bên lề tờ giấy xám xám đánh một cái dấu bằng mực không hiểu ý nghĩa như thế nào. Petro viết thư về nhiều hơn Grigori. Trong những bức thư gửi cho Daria, anh chàng luôn luôn đe doạ, van xin Daria bỏ cái thói trăng hoa đĩ thoã. Xem ra lời ong tiếng ve về lốỉ sóng tằng tịu bừa bãi của vợ đã đến tai Petro. Cùng với những bức thư, Grigori có gửi tiền về nhà; đó là tiền lương và phụ cấp huân chương của chàng. Chàng có hứa đến khi nào nghỉ phép sẽ về nhà nhưng mãi chẳng thấy bóng vía đâu cả. Con đường công danh của hai anh em đã đi theo hai hướng, khác hẳn nhau. Chiến tranh đã dúi cho Grigori còng lưng xuống, hút hết vẻ hồng hào trên mặt chàng, nhuộm mặt chàng bằng màu mật đắng và chàng không mong chờ được đến ngày chấm dứt chiến tranh. Còn Petro thì thăng quan tiến chức rất nhanh chóng, trơn tru. Mùa thu năm một nghìn chín trăm mười sáu, anh chàng được đề bạt phó quản, và nhờ liếm gót viên đại đội trưởng, đã kiếm chác được hai tấm huân chương. Trong thư anh chàng có viết là đang cày cục đế được cử đi học trường sĩ quan. Mùa hè năm ấy Anikey được nghỉ phép: Petro có gửi về nhà một chiếc mũ sắt của quân Đức, một cái áo ca-pôt và một tấm ảnh. Trên miếng giấy cứng mầu xám, mặt anh chàng nom già đi, nhưng dương dương tự đắc với bộ ria trắng trắng xoắn ngược. Dưới cái mũi củ hành, một nụ cười quen thuộc làm nhe những cái răng giữa cặp môi cứng rắn. Chính cuộc đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho Petro, còn chiến tranh đã làm Petro sung sướng vì chiến tranh đã mở ra trước mặt Petro một tiền đồ tươi đẹp lạ lùng: một gã Cô-dắc tầm thường như anh, hồi nhỏ chuyên xoắn đuôi bò để nghịch thì làm thế nào dám mơ ước len chân vào giới sĩ quan và sống một cuộc đời vinh hoa phú quý khác hẳn. Cuộc đời Petro chỉ có một khía cạnh đen tối; trong thôn đang có những lời dị nghị chẳng tốt đẹp gì về vợ anh chàng.
Mùa thu năm ấy Stepan Astakhov được nghỉ phép. Sau khi trở về trung đoàn, anh ta đi rêu rao với toàn đại đội rằng mình đã được hú hí thoải mái với ả "gian-méc-ca"2 của Petro. Khi nghe các bạn kể lại chuyện ấy, Petro không tin. Anh chàng sầm mặt, mỉm cười và nói:
- Thằng Stepan nói láo đấy! Nó bôi nhọ mình để trả thù về chuyện thằng Grigori đấy thôi.
Nhưng một hôm, Stepan chui trong một căn hầm khoét bên cạnh chiến hào ra, không biết vô tình hay cố ý đánh rơi một chiếc khăn thêu. Petro đi sau nhặt lên chiếc khăn đăng-ten thêu rất khéo và nhận ra trên đó là đường kim của vợ. Thế là mối thù giữa Petro và Stepan càng thắt chặt thêm như một cái nút của dân Kalmys.
Petro chỉ chờ có cơ hội là trả thù. Thần chết rình Stepan: chưa biết chừng Stepan sẽ nằm lại trên bờ sông Tây Đanúp với vết một viên đại của Petro trên sọ. Nhưng chẳng bao lâu đã xảy ra chuyện Stepan bị phái đi chộp một vọng tiêu của quân Đức rồi không trở về nữa. Mấy gã Cô-dắc cùng đi chuyến ấy với Petro kể lại rằng có lẽ tên lính gác của quân Đức nghe thấy tiếng cắt hàng rào dây thép gai nên đã ném ra một trái lựu đạn. Tốp Cô-dắc đã kịp xông tới trước mặt nó, Stepan đấm cho tên lính gác Đức một quả làm nó gục xuống, nhưng tên gác thứ hai nổ súng, thế là Stepan cũng ngã theo. Bọn Cô-dắc đâm chết tên gác thứ hai và lôi tên gác thứ nhất đi, thằng cha ăn một trái đấm nặng như búa tạ của Stepan vẫn còn mê man bất tỉnh. Chúng đã xốc Stepan lên, định đưa cả về, nhưng gã Cô-dắc nầy nặng quá, nên chúng đành bỏ lại. Stepan bị thương cố van: "Anh em ơi? Đừng bỏ mình chết ở đây? Anh em ơi? Sao anh em lại bỏ tôi thế nầy?" Nhưng giữa lúc ấy một luồng đạn súng máy đã tuôn ra dọc theo dây hàng rào dây thép gai, thế là tốp Cô-dắc bò đi.
"Các bạn cùng trấn ơi? Anh em ơi!" - Stepan cố gọi với theo, nhưng trong lúc đó thì còn làm thế nào được nữa, anh nào cũng lo cho cái thân xác của mình trước đã. Sau khi được biết những điều xảy ra với Stepan, Petro cảm thấy nhẹ nhõm cả người, thật chẳng khác gì chỗ bong gân đang nhức nhối lại có mật gấu bôi vào. Nhưng dù sao anh chàng cũng quyết dịnh. "Tao về nghỉ phép phen nầy sẽ chọc tiết con Đaska! Tao không phải là thằng Stepan, không để cho làm như thế được đâu…" Anh chàng đã rắp tâm giết vợ nhưng lại lập tức xua đuôi ngay ý nghl ấy: "Giết con rắn độc ấy đi thì cũng phải, nhưng cả cuộc đời mình vì nó mà tan nát mất. Rồi sẽ là mọt xương trong tù, bao nhiêu công lao vất vả sẽ đi đời nhà ma hết, trơ thân cụ ra thôi…". Vì thế anh chàng chỉ quyết nện cho vợ một trận, nhưng phải là một trận bò lê bò càng, cho kệch đến già không còn dám ngo ngoe gì nữa. "Con rắn độc ấy mình phải móc mắt nó ra mới xong, lúc ấy thì quỷ quái nào vời đến nó nữa". Petro đã suy tính như thế trong khi ngồi dưới đường chiến hào đào ngay gần khoảng bờ đất sét rất dốc của sông Tây Dvina.
Tất cả các loại cỏ cây đều bị mùa thu làm cho héo nát, đều cháy vàng vì sương muối ban mai, mặt đất ngày càng lạnh giá, những đêm thu ngày một tối đen, ngày một dài. Trong chiến hào, ngày ngày binh lính Cô-dắc vẫn làm các thứ cỏ vê, vẫn bắn địch, vẫn chửi nhau với bọn quản về chuyện quần áo rét, vẫn ăn đói, nhưng chẳng có đầu óc người nào không luôn luôn nghĩ tới vùng sông Đông xa xôi, ở cách cái đất Ba Lan thờ ơ khắc nhiệt nầy bao nhiêu ngày đường.
Nhưng mùa thu năm ấy, ả Daria nhà Melekhov đã bù gỡ lại cả một quãng đời sống thiếu thốn xa chồng. Hôm đầu lễ Đức mẹ3, như mọi ngày, ông Panteley Prokofievich thức giấc trước cả nhà. Ông vừa bước ra sân nuôi gia súc đã đưa ngay hai tay lên ôm đầu: không biết những bàn tay quái ác nào đã kéo cánh cổng ra khỏi bản lề, quẳng ra giữa phố, nằm thườn thưỡn ngang đường. Thật là nhục nhã.
Ông già lập tức lắp cánh cổng lại, rồi sau khi ăn xong bữa sáng, ông gọi Daria vào chỗ nấu nướng mùa hè. Chẳng hiểu bố chồng đã nói với nàng dâu những gì, nhưng vài phút sau, Dunhiaska nhìn thấy Daria chạy bổ từ trong bếp ra, khãn bịt đầu tụt xuống vai đầu tóc rũ rượi, nước mắt nước mũi đầm đìa. Lúc đi qua trước mặt Dunhiaska, Daria nhún nhún vai, hai hàng lông mày đen láy rung cong hẳn lên thành hai vòng cung trên khuôn mặt tức tối, khóc sưng húp.
- Chờ đấy mà xem đồ chết tử chết tiệt! Gái nầy sẽ cho mày nhớ đến già? - Daria rít lên qua cặp môi sưng mọng.
Lưng áo của Daria bị rách toạc, một con lươn xanh tím hằn lên tên làn da trắng hếu. Daria rũ váy loạt xoạt: chạy lên thềm nhà trên lần vào phòng ngoài. Ông Panteley Prokofievich khập khiễng bước vào trong nhà bếp, mặt hung hãn như quỷ dữ. Ông vừa đi vừa gập tư những đoạn dây cương bằng da mới toanh.
Dunhiaska nghe thấy cái giọng khàn khàn của bố:
- Đồ chó cái, không phải chỉ nện cho mày như thế mà thôi đâu? Đồ bạ đâu đánh chịn đấy!
Thế là trật tự được lập lại trong gia đình. Được vài ngày, Daria đi đứng cư xử nhũn như con chi chi, tối tối vào giường nằm trước tất cả mọi người. Thấy Natalia nhìn mình có vẻ thương hại, Daria chỉ cười nhạt, rung rung cả vai lẫn lông mày, ra ý nói: "Không sao đâu, chờ đấy sẽ biết". Nhưng đến ngày thứ tư thì xảy ra một chuyện chỉ có hai người là Daria và ông Panteley Prokofievich biết mà thôi.
Sau đó thấy Daria nhăn nhăn nhở nhở ra vẻ khoái trá lắm, còn ông già thì suốt một tuần cứ ngượng ngùng, ngơ ngác như con mèo ăn vụng. Ông chẳng hé răng cho bà lão biết chút gì về việc xảy ra, và ngay khi xưng tội, ông cũng giấu cha Visarion giấu cả sự việc lẫn các ý nghĩ tội lỗi ám ảnh sau lần ấy.
Câu chuyện là như thế nầy. Sau lễ Đức mẹ không được mấy ngày, ông Panteley Prokofievich chắc mẩm rằng Daria đã hoàn toàn hối cải, bèn bảo bà Ilinhitna:
- Bà nó đừng thương con Daria làm gì. Phải thúc cho nó làm nhiều hơn mới được. Có việc nầy việc nọ thì nó sẽ không còn thì giờ đâu mà léng phéng lung tung. Con ngựa cái ấy, nó cứ phây phây ra… Đầu óc nó chỉ nghĩ tới bãi chơi và ngoài phố thôi.
Với chủ tâm như thế, ông đã ép Daria quét dọn sân đập lúa, khiêng những thanh củi cũ ra sân gia súc sau nhà, rồi ông cùng với Daria dọn dẹp nhà trấu. Măi đến lúc trời sắp tốỉ, ông mới nghĩ ra cái chuyện khiêng cái hòm quạt thóc vào nhà trấu, bèn cất tiếng gọi con dâu:
- Con Daria đâu?
Dạ, thưa cha gì thế ạ? - Daria trả lời vọng ra từ trong nhà trấu.
- Ra đây khiêng với tao cái quạt thóc nầy.
Daria sửa lại khăn bịt đầu, rũ trấu vụn bám trên cổ chiếc áo ngắn mặc ngoài, bước ra khỏi cửa nhà trấu rồi vòng qua cái cổng nhỏ chỗ sân đập lúa, đi về phía nhà kho. Trong cái áo bông ngắn vẫn mặc ngày thường và chiếc quần đi ngựa rách mướp, ông Panteley Prokofievich khập khiễng đi trước Daria. Trong sân nuôi gia súc chẳng có một ai. Dunhiaska và mẹ đang kéo chỗ lông cừu cắt trong mùa thu thành sợi. Natalia thì nhào bột. Bên ngoài thôn, ráng chiều đỏ tía đã sắp tắt, chuông nguyện kinh chiều vang lên gióng giả. Trên bầu trời trong vát, một đám mây tím ngắt đứng không nhúc nhích ngay giữa đỉnh đầu. Bên kia sông Đông, những con quạ đen đã đến đậu như những đám bông cháy đen sì trên những cái cành trơ trụi của đám tiêu huyền trắng phếch. Trong bầu không khí lặng tờ, không một tiếng động, và tưởng như rất giòn của buổi chiều tà, mỗi âm thanh đều vang lên rành rọt và gay gắt. Mùi phân bốc hơi và mùi rơm cỏ xông ra nặng nề từ sân nuôi gia súc. Ông Panteley Prokofievich ì ạch cùng Daria khiêng vào trong nhà trấu cái hòm quạt thóc hung hung đỏ đã bạc màu. Sau khi đặt cái hòm vào trong góc nhà, ông thấy đống trấu bị vãi xuống một đám bèn cầm cái cào vun gọn lại. Cào xông ông sắp sửa bước ra ngoài.
- Cha nầy? - Daria gọi ông, giọng trầm trầm, thầm thì.
Ông già chẳng nghi ngờ gì cả, bước ra từ sau cái hòm quạt thóc và hỏi.
- Có gì thế?
Daria đứng quay mặt vào bố chồng cái áo ngắn cởi phanh trước ngực. Ả đưa hai tay ra sau gáy, sửa lại tóc. Một dé ánh sáng mặt trời đang lặn xuyên qua cái khe trên tường rọi thẳng vào người ả.
- Ở chỗ nầy cha ạ: không biết có cái gì… Cha lại gần đây mà xem.
- Daria vừa nói vừa nghiêng nghiêng người: lấm lét nhìn qua vai bố chồng ra cái cửa mở loang như một con ăn cắp.
Ông già đi sát tới chỗ Daria. Bất thình lình ả vươn hai tay ôm lấy cổ bố chồng, rồi đan mười ngón tay vào nhau giật lùi lại, kéo ông lão theo, khẽ nói:
- Ở đây nầy cha ạ… ở chỗ nầy… êm lắm…
- Mày giở cái trò gì thế nầy? - Ông Panteley Prokofievich sợ hết hồn hết vía vội hỏi. Ông xoay đầu lung tung, cố tìm cách rút cổ khỏi hai cánh tay Daria, nhưng ả càng ghì chặt đầu ông vào sát mặt mình, hơi thở của ả nóng hôi hổi phả vào chòm râu của ông. Ả vừa cười vừa rủ rỉ không biết những gì.
- Buông tao ra, cái con thối thây! - Ông già cố vùng ra nhưng đã cảm thấy cái bụng rất căng của đứa con dâu đang cọ vào mình.
Daria siết chặt người vào bố chồng, ngã ngửa ra, kéo cả ông lão lăn xuống theo.
- Đồ quỉ cái! Mày hoá rồ rồi à? Buông tao ra!
- Ông không muốn à? - Daria thở hổn hển hỏi rồi ả nới lỏng hai cánh tay, đẩy vào ngực bố chồng - Không muốn à… Hay là không làm trò gì được? Có thế nầy ông mới chừa không rời ra lời vào gì về tôi nữa? Phải, như thế đấy.
Daria đứng chồm lên, vội vã vuốt lại váy, phủ những đám vỏ trấu bám trên lưng, rồi quát vào mặt ông Panteley Prokofievich lúc nầy đã không còn hồn vía gì nữa.
- Làm gì mà hôm nọ ông đánh tôi hử? Sao thế, hay là tôi đã là một con mụ già nua móm mém rói? Hồi ông còn trẻ, ông có thua chút nào không hử? Chồng tôi, nó đã một năm nay không vác mặt vê nhà rồi! Còn tôi, chẳng nhẽ để tôi nằm với một con chó đực hay sao? Nầy thì cho lão, lão thọt! Nầy có ăn thì ăn đi?
Daria làm một cử chỉ tục tĩu rồi giương cao hai hàng lông mày bước ra cửa. Ra đến cửa, ả lại nhìn khắp người mình rất cẩn thận một lần nữa, rũ lại bụi trên váy và trên khăn bịt đầu, rồi nói mà không nhìn bố chồng:
- Tôi không có cái ấy, thì không chịu được đâu… Tôi cần phải có một thằng Cô-dắc ở bên. Nếu ông không muốn thì để tôi tự kiếm lấy còn ông thì liệu mà giữ mồm giữ miệng!
Daria ưỡn ẹo bước nhanh ra cái cổng phía sân đập lúa, đi mất hút, không ngoái đầu lại nữa. Ông Panteley Prokofievich vẫn nhai nhai một món râu, đứng bên cái hòm quạt thóc hung hung đỏ, hết nhìn quanh cái nhà trấu lại nhìn xuống mũi đôi ủng vá, ánh mắt vừa phân vân vừa hối hận. "Chẳng nhẽ nó mới là đứa nói đúng hay sao? Chưa biết chừng mình cũng đến phải cùng với nó gánh lấy phần tội lỗi nầy thôi?" - Việc vừa xảy ra đã làm ông choáng váng cả đầu óc nên trong chốc lát đã có ý nghĩ hoang mang như thế.


Chú thích:
1 Nhựa chưng bôi vào cửa cho biết trong nhà có đàn bà ngoại tình ND.
2 Tiếng Cô-dắc "vợ lính vắng chồng" ND
3 Ngày mồng một tháng mười theo lịch Nga cũ ND.

Chương 74



PHẦN 4


Sang tháng mười một, ngày nào cũng rét như kim châm. Tuyết đầu mùa đã rơi. Ở chỗ khuỷu sông ngang với đầu trên của thôn Tatarsky nước bắt đầu đóng băng. Đôi khi đã có vài người đi bộ qua lớp băng xanh xanh rất giòn để sang bờ bên kia. Nhưng ở đoạn sông bên dưới, mới có dải nước ven bờ phủ một lớp băng xù xì những bọt là bọt còn giữa sông luồng nước xiết vẫn chảy cuồn cuộn, những làn sóng bạc đầu màu xanh lá cây vẫn sôi sục đuổi theo nhau. Trong cái hố trước mặt Vách Đen, từ lâu những con cá nheo đã lẩn xuống qua mùa đông giữa những cây gỗ đổ chìm sâu tới mười một xa-gien. Bên trên một chút là những con cá chép với một chất nhầy bọc quanh mình. Trên sông Đông chỉ còn những con cá trắng lượn đi lượn lại và cá măng vẫn sục sạo trong các khe các ngách để kiếm những con cá diếc. Những người đánh cá chi còn chờ trời rét ngọt hơn là dùng thuốn xọc qua lớp băng đầu mùa tìm cá đỏ.
Tháng mười một, nhà Melekhov có nhận được một bức thư của Grigori. Chàng viết từ Kubinsk, tận bên Rumani cho biết rằng mình đã bị thương ngay trong trận đầu, một viên đạn đã bắn nát một cái xương tay trái, vì thế chàng được cho về quân khu của mình, về trấn Kamenskaia để dưỡng bệnh. Tiếp theo bức thư ấy nhà Melekhov lại có ngay một tai nạn khác: trước đây một năm rưỡi, ông Panteley Prokofievich có lần cần tiền đã vay của lão Mokhov một trăm rúp bạc đồng. Mùa hè năm nay ông già bị gọi tới cửa hiệu. Tên Atepin "Chacha" kẹp cái kính gọng vàng vào mũi, nhìn qua phía trên mắt kính vào chòm râu ông già Melekhov và hỏi:
- Thế nào, ông Panteley Prokofievich, ông sẽ trả tiền chúng tôi hay thế nào?
Ông Panteley Prokofievich đưa mắt nhìn các giá hàng trống huếch trống hoác và cái quầy hàng cũ quá đã nhẵn bóng, ngập ngừng một lát rồi trả lời:
- Ông cho tôi khất ít lâu nữa, ông Emelian Konstantinovich ạ, cho tôi về xoay xở ít lâu rồi sẽ đem trả.
Câu chuyện tưởng đến đấy thì thôi. Ông già cũng chẳng còn biết xoay sở chỗ nào nữa: mùa màng chẳng ăn thua gì mà gia súc chưa dùng đến thì chẳng có con nào mà bán. Thế rồi đùng một cái, cứ như có nắm tuyết rơi đúng giữa đỉnh đầu, tên mõ toà về thôn, cho gọi người không trả nợ tới và tuyên bố không một lời phi lộ:
- Ông phải trả ngay một trăm rúp.
Trong phòng của viên mõ toà ở nhà trọ, có tờ giấy dài đặt trên bàn. Người bị gọi đến hãy đọc đi, không được nói lại một lời.
ÁN LỆNH
Chiếu theo Đạo dụ của Đức Hoàng đế bệ hạ ngày 27 tháng mười năm 1916: bản chức thẩm phán Toà án tạp tụng Quận 7 Quân khu Donesky đã xét vụ án dân sự giữa thương gia Sergey Mokhov và hạ sĩ Panteley Melekhov về 100 rúp vay có văn tự và chiếu theo các trang 81, 100, 129, 133, 145 trong bộ luật dân sự, đã xử vắng mặt, và phán quyết như sau:
Bắt bên bị, hạ sĩ Panteley Prokofievich Melekhov phải nộp để trả bên nguyên, thương gia Sergey Platonovich Mokhov, một trăm rúp theo văn tự lập ngày 21 tháng sán năm 1915, cộng thêm ba rúp phí tổn tố tụng. Đây chưa phải là phán quyết cuối cùng; mới chỉ là tuyến bố sau khi xử vắng mặt.
Phán quyết nầy, chiếu theo điểm 3 trang 156 Bộ luật tố tụng dân sự, đã có giá trị pháp lý và phải lập tức chấp lành ngay. Toà án tập trung Quận 7 Quận khu Donesky chiếtu theo đạo dụ của Đức Hoàng đế bệ hạ, ra lệnh: tất cả các địa phuơng và các cá nhân có thể có liên quan tới bản phán quyết nầy đều phải nghiêm chỉnh chấp hành, còn các nhà đương cục chính quyền, cảnh sát, quân sự đều phải hiệp trợ Mõ toà chấp hành phán quyết nầy theo luật pháp qui định, không được trì hoãn".
Ông Panteley Prokofievich nghe viên mõ toà đọc xong bản phán quyết bèn xin phép về nhà, hứa sẽ đem tiền đến nộp ngay. Hôm ấy ở nhà trọ ra, ông đi thẳng đến nhà ông thông gia Miron Grigorievich. Ông gặp gã cụt tay Aleksey Samin trên bãi thôn.
- Vẫn thọt như thường chứ, ông Prokofit? - Aleksey chào ông.
- Vẫn bình thường thôi!
- Chúa đưa ông đi có xa không?
- Tôi lại nhà ông thông gia. Có chút việc.
- Ồ! Ông bạn ạ. Ở nhà họ đang vui như tết ấy. Ông đã biết chưa? Thằng con trai của Miron Grigorievich ở ngoài mặt trận về rồi đấy. Bà con nói rằng thằng Mitka nhà lão đã về rồi.
- Thật ư?
- Tôi có nghe nói thế. – Cả má lẫn mặt Alesey đều giật lia lịa. Gã lấy túi thuốc ra rồi bước lại gần ông Panteley Prokofievich và nói - Ta cùng hút điếu thuốc nhé, bố già. Giấy của tôi còn thuốc thì của bố nhá.
Trong khi phì phèo điếu thuốc, ông Panteley Prokofievich lưỡng lự không biết có nên đi hay không, nhưng cuối cùng ông nhất quyết đi ông tạm biệt gã cụt tay rồi lại khập khiễng cất bước.
- Thằng Mitka cũng có huân chương rồi! Nó đang cố đuổi kịp hai thằng con của ông đấy. Bây giờ trên cành có bao nhiêu chim sẻ thì thôn ta có ngần ấy thằng được thưởng huân chương - Gã Aleksey vẫn quang quác sau lưng ông.
Ông Panteley Prokofievich lững thững đi về phía cuối thôn.
Ông ghé mắt qua cửa sổ nhìn vào trong nhà Korsunov rồi bước tới cửa hàng rào. Chính lão thông gia thân chinh ra đón ông. Niềm vui sướng tựa như đã cọ rửa bộ mặt đầy tàn hương của lão già nhà Korsunov, nom ông ta sạch sẽ nhẵn nhụi hơn hẳn ngày thường.
- Ông đã biết tin nhà chúng tôi có chuyện vui rồi đấy à? - Miron Grigorievich vừa bắt tay ông thông gia hỏi.
- Tôi đang đi ngoài đường thì được gã Aleksey Samin cho biết. Nhưng ông thông gia ạ, tôi đến tìm ông có việc khác cơ.
- Hượm đã nào, công với việc cái gì? Chúng ta vào nhà trong đi, ông hãy gặp thầy quyền cái đã. Xin thú thực với ông là chúng tôi vui quá nên đã có tí tỉ… Bà nhà tôi có dành được một chai loại thật là vương giả để uống trong dịp long trọng như thế nầy.
- Chẳng cần ông nói với tôi làm gì. - Ông Panteley Prokofievich mỉm cười, hai lỗ mũi của cái mũi quặp phập phồng. - Từ xa tôi đã đánh hơi thấy rồi.
Miron Griôrievich mở toang cánh cửa, nhường ông thông gia vào trước. Ông Panteley Prokofievich bước qua ngưỡng cửa và nhìn thấy ngay Mitka ngồi ở bàn trong góc phòng để các hình thánh.
- Đây thầy quyền nhà chúng tôi đây - Cụ Grisaka vịn vào vai Mitka lúc nầy đã đứng dậy, mếu máo kêu lên.
- Chà, mừng cậu được về thăm nhà, cậu Cô-dắc con.
Ông Panteley Prokofievich giữ lại một lát trong tay ông bàn tay rất dài của Mitka, lùi một bước, ngạc nhiên nhìn khắp người nó một lượt
- Có gì mà ông nhìn thế, thưa ông Panteley Prokofievich. - Mitka mỉm cười, hỏi bằng một giọng trầm khàn khàn.
- Tôi cứ nhìn cậu mà chẳng hiểu ra sao nữa: hồi đưa tiễn cậu và thằng Griska vào quân ngũ thì cả hai đều còn là trẻ con, thế mà bây giờ thì xem kìa… Cô-dắc ra Cô-dắc rồi còn gì. Tuyển vào trung đoàn Atamansky cũng được đấy!
Hai con mắt đẫm nước mắt của bà Lukinhitna cứ nhìn Mitka chằm chằm, bà rót rượu vào cái ly mà không nhìn thấy, để rượu tràn cả ra ngoài.
- Mụ thổ tả nầy! Rượu quý như thế mà rót cả ra ngoài. - Miron Grigorievich quát vợ.
- Mừng dịp vui của cả nhà ta và riêng cậu, cậu Miseri Mironyi, mừng cậu về nhà chơi được sung sướng!
Ông Panteley Prokofievich đảo hai cái lòng trắng con mắt xanh xanh nhìn quanh một lượt, rồi nín thở, hấp háy hai hàng mi, nhấm nháp uống cạn ly rượu to bụng. Ông từ từ đưa tay áo lên chùi miệng, chùi ria, rồi nhìn chằm chằm vào đáy cái ly, ngửa đầu mở hoác cái miệng có hàm răng đen sì lắc lắc cho giọt rượu cuối cùng rơi vào.
Mãi lúc ấy ông mới hà một hơi. Ăn một quả dưa chuột, lim dim mắt giờ lâu ra vẻ khoái trá lắm. Bà thông gia lại đem đến mời ông ly thứ hai và ông già bắt đầu chuếnh choáng, nom đến là buồn cười. Mitka tủm tỉm nhìn ông uống rượu. Tròng con mắt nó như tròng con mắt mèo, lúc thì co hẹp lại chỉ còn hai cái kẽ xanh biếc màu hương bồ, lúc thì nở rộng ra, đen lại. Mấy năm nay Mitka đã đổi khác rất nhiều, không còn nhận ra được nữa. Nhìn gã Cô-dắc da đen lực lưỡng nầy, hầu như không còn thấy lưu lại chút gì của thằng Mitka nhỏ nhắn, cân đối mới được người ta tiễn chân ra lính ba năm trước đây. Mitka đã lớn thêm nhiều, vai rộng ra, lưng hơi gù, người đẫy đà thêm, chắc hẳn cân ít nhất cũng phải năm pút1. Vẻ mặt cũng như giọng nói của nó đều trở nên thô lỗ, nom nó già trước tuổi. Riêng hai con mắt nó chẳng có gì thay đổi, vẫn cứ lấm la lấm lét, đầy xao xuyến như mắt chó sói, và bà mẹ hoàn toàn bị thu hút vào trong cặp mắt đó. Bà vừa cười vừa khóc thỉnh thoảng lại đưa bàn tay nhăn nhúm, nhột nhạt lên vuốt bộ tóc cắt ngắn, dựng đứng và cái trán hẹp trắng trắng của thằng con.
- Về như thế nầy là được thưởng huân chương rồi chứ? - Ông Panteley Prokofievich hỏi với nụ cười say sưa.
- Bây giờ thì thằng Cô-dắc nào chẳng có huân chương? - Mitka cau mày. - Đấy, người ta gắn cho thằng Kriuchev ba cái huân chương, nó nằm thối thây trên bộ tư lệnh kia kìa.
- Ông thông gia ạ, thằng cháu nhà tôi nó khái lắm. - Cụ Grisaka vội đỡ lời - Cái thằng chết tiệt nầy, nó giống tôi, giống ông nó như lột ấy. Nó không thể khom lưng uốn gối được đâu.
- Có lẽ không phải vì thế mà người ta gắn huân chương cho anh ta đâu - Hai hàng lông mày của ông Panteley Prokofievich đã nhíu lại nhưng Miron Grigorievich đã kéo ông vào nhà trong, mời ông ngồi lên chiếc rương và hỏi:
- Con Natalia và hai cháu ra sao hả ông?
- Khoẻ mạnh cả chứ?
- Thế ư, ơn Chúa? Ông thông gia ạ, hình như ông bảo đến đây có việc phải không? Tình hình công việc bên nhà ta như thế nào? Ông nói ngay đi kẻo chúng mình lại say mất, còn uống nữa cơ mà.
- Xin ông cho tôi ít tiền. Ông hãy vì Chúa mà cho tôi đi! Ông hãy cứu tôi lần nầy nếu không cũng đến tai vạ vì món tiền nầy mất.
Ông Panteley Prokofievich năn nỉ với cái vẻ quá ư quị lụy của một anh chàng say rượu nhưng ông thông gia vội ngắt lời ông:
- Thế bao nhiêu?
- Một trăm tờ.
- Loại nào cơ chứ? Giấy bạc thì cũng năm bảy thứ.
- Một trăm rúp.
- Ông nói ngay như thế có hơn không?
Miron Grigorievich sục trong chiếc rương, moi ra một chiếc khăn tay nhớp nhúa, cởi nút, đếm loạt soạt lấy mười tờ "đỏ".
- Xin cám ơn, ông thông gia yêu quý… ông thật đã giúp tôi thoát nạn.
- Thôi, có gì đáng kể. Chúng ta là người nhà mà.

***
Mitka về ở nhà được năm hôm. Đêm đêm nó ngủ ở nhà vợ Anikey. Nó thương cái cảnh thiếu thốn đau khổ của mụ, cũng thương cả bản thân mụ, một người đàn bà đơn giản xuề xoà, chẳng từ chối ai bao giờ. Ban ngày nó láng cháng qua các nhà bà con thân thuộc, ăn cơm khách nơi nọ nơi kia. Với một thân hình cao lớn, nó phong phanh chiếc vét lính mỏng màu ka-ki hất lệch mũ lưỡi trai sang một bên, và cứ thế lênh khênh, ngật ngưỡng đi khắp các phố trong thôn để khoe cái cứng rắn, khoẻ chịu rét của mình. Rồi một hôm, lúc trời đã sâm sẩm, nó mò đến nhà Melekhov, đem theo vào trong căn bếp đốt lửa nóng rực hơi lạnh của băng giá cùng cái mùi lính tráng chua chua hắc hắc ngửi qua một lần thì không bao giờ quên được. Nó ngồi lại một lát tán gẫu vài câu về chiến tranh về những chuyện mới xảy ra trong thôn, rồi nheo cặp mắt xanh lè như màu lá lau ra hiệu cho Daria và sửa soạn ra về. Daria không rời mắt khỏi thầy quyền nhà ta một giây nào. Đèn khi Mitka đóng sầm cửa bước ra ngoài, Daria lảo đảo như ngọn lừa trên đầu một cây nén, mím chặt môi, chít cái khăn lên đầu. Nhưng bà Ilinhitna hỏi:
- Mầy đi đâu đấy, Đaska?
- Con ra ngoài kia… đi đồng.
- Chờ tao cùng đi với.
Ông Panteley Prokofievich cứ gục đầu ngồi yên như không hề nghe thấy những lời trao đổi giữa vợ và con dâu. Daria đi qua mặt ông ra cửa, một ánh mắt như mắt cáo lấp loáng dưới hai hàng mi hạ xuống. Bà mẹ chồng rên ư ử, lon ton lăn theo con dâu như quả bóng.
Mitka đứng bên cái cửa xép ở hàng rào, hút thuốc trong bàn tay khum khum. Nó húng hắng ho, đế ủng ọt ẹt trên tuyết. Nghe tiếng then cửa lách cách, nó bước về phía thềm nhà.
- Cậu đấy à, cậu Mitka? Vào sân nhà người lạ không tìm được lối mà đi hay sao thế? - Bà Ilinhitna chọc cho nó một câu. - Cậu ra đến bên ngoài thì nhớ cài then cửa xép lại nhé, kẻo đêm gió cứ đập ầm ầm… Gì gì mà khiếp thế nầy…
- Không sao đâu, tôi vẫn nhớ lối đi đấy… Vâng, tôi sẽ đóng cửa…
Mitka nín lặng một lát rồi trả lời tức tối. Nó húng hắng ho băng qua phố đi thẳng vào sân nhà Anikey.
Như con chim, Mitka sống một cuộc đời hoàn toàn vô tư lự. Hôm nay còn sống, tốt lắm, còn chuyện ngày mai sẽ ra sao thì mai hẵng hay. Công việc nhà binh, nó làm thẫn thờ được chăng hay chớ, và tuy một dòng máu của kẻ không biết sợ là gì chảy trong tim nó, nhưng nó cũng không để tâm tìm kiếm những dịp lập công. Hơn nữa hồ sơ lý lịch quân nhân của nó xem ra có phần chẳng hay ho gì: hai lần bị kết án, một lần bị buộc tôi cưỡng dâm một người đàn bà Ba Lan quốc tịch Nga và một lần vì tội cướp bóc. Trong ba năm chiến tranh nó đã bị thi hành kỷ luật không biết đến bao nhiêu làn. Một lần toà án binh dã chiến thiếu chút nữa thì tuyên bố đem nó ra xử bắn, nhưng nó vẫn tìm được cách thoát nạn. Tuy bị coi là một thằng tồi tệ nhất trung đoàn, nhưng bọn Cô-dắc vẫn thích nó vì tính nó vui nhộn, cởi mở vì những bài hát tục tĩu của nó về cái tài nầy thì Mitka không phải là một tay hạng xoàng, vì nó tốt với bạn và có một lối sống bộc tuệch bộc toạc. Còn các sĩ quan thì thích nó ở cái thói liều lĩnh của một thằng cướp. Mitka cứ đi trên đường đời với nụ cười trên môi và với cặp chân bước nhẹ nhàng như chân chó sói. Của đáng tội người ngợm nó cũng mang nhiều điểm rất giống loài thú rừng nầy: đi đứng thì ngật ngưỡng lừng khừng, thủng thẳng từng bước, mắt nhìn thì gườm gườm với hai tròng con mắt rất to xanh lè. Ngay đến các cử động của đầu nó cũng thế: không bao giờ Mitka quay cái cổ cứng đờ vì bị dập thương. Nếu nó muốn nhìn về phía sau thì chỉ còn cách quay cả người. Người nó gân guốc, to xương, rắn thịt, nó làm gì cũng nhanh nhẹn, nhẹ nhàng nhưng rất dè sẻn động tác. Nó toả ra cái mùi nồng nồng hăng hắc của những con người khoẻ mạnh, thừa sức lực, hệt như mùi đất đen bị lưỡi cày rạch bửa ra dưới những cái mương xói. Cuộc sống của Mitka thẳng đuồn đuỗn, không có chút gì phức tạp, và cứ kéo dài như luống cày. Mitka đi trên luống cày ấy như một người chủ có toàn bộ quyền hành. Các ý nghĩ trong đầu óc nó đều không có gì phức tạp, đều đơn giản một cách ấu trĩ: đói thì có thể và cần phải ăn cắp, dù là ăn cắp của bạn bè, vì thế hễ đói là nó kiếm cái gì xoáy ngay. Ủng mòn hỏng thì cách đơn giản nhất là lột ở chân một tên tù binh. Làm lỗi ư? Làm lỗi thì phải chuộc tội, và thế là Mitka chuộc tội: nó đi trinh sát, bắt và mang về những tên lính gác Đức bị bóp cổ đến gần tắt thở, hoãc tình nguyện xin làm những việc mạo hiểm nhất. Năm 1915 nó đã bị bắt làm tù binh, đã được nếm một trận đòn nhừ tử và bị thương vì những nhát lưỡi lê, nhưng đến đêm nó đã bới mái nhà kho chuồn thẳng, một móng tay cũng không còn nguyên vẹn nhưng vẫn mang về được một bộ đồ thắng ngựa và xe tải làm kỷ niệm. Chính vì thế người ta đã tha thứ cho Mitka nhiều điều.
Mitka ở nhà đến ngày thứ sáu thì Miron Grigorievich đánh xe đưa con trai ra ga Minlerovo. Ông tiễn chân Mitka lên toa xe rồi lắng nghe tiếng cả một chuỗi những chiếc hộp màu xanh lá cây lạch xạch rời xa dần và cứ lấy cán roi ngoáy mãi xuống đóng than xỉ đồ trên sân ga, mà chẳng buồn ngước cặp mắt cay xè nhìn lên. Bà Lukinhitna khóc lóc về chuyện thằng con trai lại phải ra đi. Cụ Grisaka thì luôn miệng rên rỉ chốc chốc lại hỉ mũi vào lòng bàn tay, tiếng hỉ mũi vang lên trong nhà như tiếng kèn, hỉ xong lại chùi tay vào vạt áo tréch-men bẩn như ma lem. Mụ "gian-méc-ca" vợ gã Anikey cũng khóc lóc nhớ lại cái thân hình hộ pháp, nóng rực trong lúc yêu đương của Mitka, và mụ cũng đau khổ vì cái bệnh lậu vừa bị nó đổ cho.
Thời gian đan ngày nọ với ngày kia như gió đan bờm ngựa. Trước lễ Nô-en, trời bỗng tan băng. Mưa liền một ngày một đêm. Nước trên những ngọn núi ven sông Đông đổ xuống điên cuồng theo các khe suối. Trên những khoảng đất đá nhô ra đã tan hết tuyết, cỏ năm ngoái hiện ra xanh rờn cùng với những tảng đá phấn đầy rêu. Hai bên bờ sông Đông, bọt sủi lên nham nhở từng đoạn, băng trương lên, xám ngoét như xác người chết. Chất đất đen được bóc trần toả ra một mùi hương ngọt lịm rất khó tả. Trên con đường của các vị ghetman, nước sủi bong bóng trên những vết bánh xe năm ngoái.
Những đám đất sét mới lở mở hoác ra trên những đoạn vách đứng bên ngoài thôn. Gió nồm đã đưa lới từ vùng sông Tria mùi cỏ mục thum thủm. Đến giữa trưa, trên đường chân trời đã thấp thoáng cái bóng xanh ngát, rất dịu mắt, cứ như trời đã sang xuân. Khắp thôn, đã có những váng nước gợn lăn tăn bên những đống tro đổ cạnh các hàng rào. Trong các sân đập lúa, đất quanh các cây rơm đã tan tuyết, mùi rơm ủng ngọt ngọt lờm lợm chọc vào mũi những người đi qua.
Ban ngày trên gờ các mái nhà những que băng rủ từ lớp rơm nhỏ xuống những giọt nước đen như nhựa chưng. Những con chim ác lại đậu trên những dãy hàng rào kêu xé ruột xé gan. Con bò mộng của thón gửi ở sân gia súc nhà Miron Grigorievich cho qua mùa đông rống ầm lên, mùa xuân đến quá sớm đã làm nó xao xuyến rao rực. Nó văng sừng nát tung cả dãy hàng rào nó có mình vào cái cày gỗ sồi mọt, lắc lắc cái yếm mượt như lụa, dẫm nát lớp tuyết lõm bõm nước tuyết tan trong sân gia súc.
Lễ Nô-en hôm trước thì hôm sau băng nứt vỡ trên sông Đông. Những tảng đá băng xô dồn vào nhau trôi giữa dòng với những tiếng ràn rạt, rất to. Cũng có những tảng băng khổng lồ bị đẩy lên bờ nằm như những con quái vật dưới nước đang ngủ thiếp. Bên kia sông, làn gió nồm xao xuyến xô những cây tiêu huyền ngật ngưỡng mềm mại, nom cứ như đang chạy tại chỗ.
Su...u… uu... - Không biết từ đâu vẳng tới một thứ tiếng khàn khàn trầm trầm. Nhưng tối hôm ấy, trong núi bắt đầu có những tiếng ì ầm, nhưng con quạ trên bãi thôn kêu loạn xạ, con lợn của Khristonhia chạy qua trước nhà Melekhov với một nắm rơm trong mõm. Ông Panteley Prokofievich nhận định: "Mùa xuân bị kẹt lại rồi, mai lại rét ngọt cho mà xem". Đến đêm thì gió chuyển sang hướng đông, các váng nước nát nham nhở trong mấy hôm tuyết tan lại phủ một lớp băng mỏng trong như pha lê. Đến sáng thì gió bắt đầu thổi từ hướng Moskva, không khí băng giá đè nặng lên thôn xóm. Mùa đông đã hồi cư. Như để nhắc nhở rằng vừa có những ngày tuyết tan, chỉ giữa dòng sông Đông là còn vài tảng băng nhỏ bập bềnh như những tàu lá trắng khổng lồ và trên ngọn gò, khoảng đất bị lột trần bốc hơi lạnh ngùn ngụt.
ít lâu sau lễ Nô-en, viên thư ký gặp ông Panteley Prokofievich tại đại hội toàn trấn, có báo cho ông biết rằng hắn đã gặp Grigori ở Kamenskaia và chàng còn nhờ hắn tin cho gia đình biết rằng không mấy ngày nữa chàng sẽ về nhà.

Chú thích:
1 Tương đương 85kg ND.

Chương 75



PHẦN 4


Với hai bàn tay nhỏ ngăm ngăm, đầy những sợi lông lơ thơ bóng nhoáng lão Sergey Platonovich Mokhov cố mò mẫm ba bề bốn bên xem cuộc đời lão sẽ ra sao. Có lúc cuộc sống đã làm vừa lòng lão, nhưng có lúc nó lại vít nặng như tảng đá buộc vào cổ người chết đuối. Trong cuộc đời của lão, Sergey Plantonovich đã được nếm đủ mùi và đã trải qua lắm cuộc tang thương. Trước đây đã lâu, hồi còn làm cái nghề đầu cơ ngũ cốc, có lần lão đã mua được thóc của bà con Cô-dắc với giá rẻ mạt, nhưng sau lại phải chở ra ngoài thôn đổ xuống đoạn bờ sông Durnoi Yar bốn nghìn pút lúa mì bị cháy.
Lão cũng còn nhớ cái đêm mùa thu năm 1905, có một kẻ nào đó trong thôn nã vào lão một phát đạn ghém. Lão Mokhov đã làm giàu rồi lại khánh kiệt gia sản, nhưng cuối cùng vẫn vơ vét được sáu vạn rúp, gửi cả vào nhà băng Volgo-Kamsky. Nhờ cái tài đánh hơi rất nhậy, lão cảm thấy rằng đang sắp có một sự rung chuyển kinh thiên động địa, không thể nào tránh khỏi. Lão ngồi chờ những ngày đen tối và lão đã không lầm lẫn: tháng giêng năm một nghìn chín trăm mười bảy, gã giáo viên Balanda đang chết dần chết mòn vì bệnh lao đã tới than vãn với lão:
- Cách mạng đã ập đến cửa rồi mà ông xem, tôi lại sắp sửa toi mạng vì cái bệnh cực kỳ ngu xuẩn, cái bệnh đa sầu đa cảm cùng cực nầy. Thật đáng giận, vì như thế là tôi sẽ không được chính mắt nhìn thấy họ moi hết tài sản vốn liếng của ông và lôi cổ ông ra khỏi nơi giường êm đệm ấm nầy như thế nào nữa rồi.
- Thế thì có gì đáng giận?
- Còn sao nữa? Ông cũng biết đấy được nhìn thấy tất cả biến thành tro bụi thì dù sao cũng là chuyện thú vị.
- Thôi đi, anh bạn thân mến ạ! Anh chết hôm nay, rồi mai mới đến lượt tôi! - Sergey Platonovich nói. Lão đã điên tiết lắm rồi nhưng văn cố không để lộ ra nét mặt.
Đến tháng giêng thì trong các thôn trấn đã bắt đầu nghe thấy tiếng vang của những lời xào bàn tán ở thủ đô về Rasputin1 và họ hàng nhà vua, rồi đến đầu tháng ba, cái tin chế độ chuyên chế bị lật đổ bất thần chụp lên đầu xéc gây Platonovich như một cái lưỡi bẫy vịt trời. Trước cái tin về cuộc đảo lộn ấy, dân Cô-dắc có thái độ vừa lo lắng rụt rè vừa chờ đợi. Hôm ấy các bô lão và cả những gã Cô-dắc ít tuổi hơn tới xúm đông xúm đỏ đến tối trước cửa hiệu Mokhov cửa đóng im ỉm. Tên ataman thôn Kiriutka Sondatov lên thay tên Manytkov đã chết trận mặt mày ủ dột, hầu như không tham dự gì vào những cuộc tranh cãi diễn ra sôi nổi bên cạnh cửa hàng. Hắn là một gã Cô-dắc to lớn, có bộ ria đỏ như râu ngô, mắt hơi lác. Thỉnh thoảng hắn lại hiếng hiếng mắt, nhìn khắp mặt bọn Cô-dắc và kêu lên bằng một giọng đầy vẻ hoang mang:
- Chúng nó làm cho mọi việc đều rối như bòng bong rồi! Trời ơi là trời? Bây giờ thì còn biết làm ăn sinh sống thế nào đây?
Sergey Platonovich đứng trong cửa sổ nhìn ra thấy có đám người đứng túm tụm trước cửa hiệu, bèn quyết định bước ra chuyện trò vài câu với các cụ già. Lão khoác chiếc áo lông gấu chuột vào rồi chống cái gậy màu nâu nạm đơn giản mấy chữ đầu tên bằng bạc, đi ra khoảng thềm trước nhà. Những tiếng nhao nhao từ ngoài cửa hiệu vang vào.
- Nầy. Ông Platonyk ạ, ông là người chữ nghĩa còn chúng tôi thì tối tắm dốt nát, ông thử bảo cho chúng tôi biết tình hình bây giờ như thế nào và sau nầy sẽ ra sao đây? - Matvey Casulin hỏi với một nụ cười đầy vẻ khiếp hãi, vô số vết nhãn chéo tụ lại quanh cái mũi lạnh cóng của lão.
Khi Sergey Platonovich cúi chào các cụ lễ phép ngả mũ tránh ra nhường lối cho lão bước vào trong đám.
- Chúng ta sẽ sống không có vua… - Sergey Platonovich ngập ngừng một lát rồi trả lời.
Các cụ già nhao nhao cùng nói:
- Không có vua làm sao được?
- Ông cha cũng như tổ tiên chúng ta đều sống có vua, chẳng nhẽ từ nay không cần có vua nữa hay sao?
- Lấy béng mất cái đầu đi rồi, còn độc hai cẳng thì sống làm sao được?
- Thế chính quyền nào sẽ lên thay?
- Ông đừng có ngại, ông Platonyk ạ! Thấy như thế nào cứ nói toạc móng heo với chúng tôi… Việc gì mà ông phải sợ?
- Có lẽ chính lão cũng chẳng biết cóc gì đâu. - Lão Apdeit "Vua nói phét" mỉm cười, làm hai cái lúm đồng tiền trên cặp má hồng hào càng lún sâu thêm.
Sergey Platonovich đờ đẫn dán mắt xuống đôi ủng cũ bằng cao su của lão, nói dặn ra từng tiếng coi bộ rất là đau khổ.
- Quyền cai trị sẽ thuộc về Duma quốc gia. Chúng ta sẽ thành lập một nước cộng hoà.
- Chúng nó làm lung tung beng cả rồi, mẹ chúng nó chứ.
- Hồi còn mồ ma đức vua Alexandr đệ nhị, chúng tôi vào phục vụ trong quân ngũ… - Lão Apdeit vừa mở miệng thì lão già Bogaturev đã nghiêm khăc ngắt lời lão:
- Nghe mãi rồi? Bây giờ không phải là lúc nói chuyện ấy nữa.
- Như thế là bà con Cô-dắc sẽ đi đến chỗ mạt vận hay sao?
- Trong lúc chúng ta đứng vô công rồi nghề ở đây thì ngay giờ phút nầy quân Đức đã tiến tới Saint Peterburg rồi.
- Đã nói bình đẳng thì tức là muốn chúng ta cá mè một lứa với bọn mu-gích hay sao?
- Cẩn thận đấy chưa biết chừng chúng nó sẽ tính đến ruộng đất của chúng ta cho mà xem…
Sergey Platonovich gắng gượng mỉm cười, lão đưa mắt nhìn những khuôn mặt đầy ưu phiền của các cụ già, trong lòng bỗng cảm thấy bực bội, khó chịu. Vẫn với cái cử chỉ quen thuộc từ xưa, lão lách bộ râu màu hạt dẻ ra làm hai, rồi nói bằng một giọng không hiểu tức tối với ai:
- Đấy thưa các cụ bô lão, nước Nga đã bị đưa đến nông nỗi như thế nầy rồi đấy. Họ coi các cụ cùng một giuộc với bọn mu-gích, họ tước mất của các cụ các quyền lợi mà riêng các cụ được hưởng, mà sẽ còn nhắc lại các thù cũ oán xưa nữa là khác. Đã đến thời kỳ sống khổ sống nhục rồi đây… Nhưng tất cả còn tuỳ theo chính quyền sẽ rơi vào tay ai, nếu không chúng ta sẽ bị đưa đến chỗ chết không kịp ngáp mất thôi.
- Chúng ta còn sống thì còn được thấy tình hình ra sao? - Lão Bogaturev lắc lắc đầu rồi cau hai hàng lông mày rậm rì nhìn Sergey Platonovich, ánh mắt đầy vẻ nghi ngờ. - Ông Platonyk ạ, ông nói như thế là dựa theo quyền lợi của ông, chứ chúng tôi thì biết đâu chẳng nhờ thế mà được nhẹ xác đôi chút?
- Thế các cụ có gì được chuyện nầy làm cho nhẹ nhàng hơn nào? - Sergey Platonovich hỏi vặn.
- Rất có thể là chính quyền mới sẽ chấm dứt được chiến tranh…
- Có thể như thế được không? Thế nào?
Sergey Platonovich khoát tay một cái rồi chập chững bước về phía cái thềm nhà mầu xanh da trời trang trí rất sang của lão. dáng đi nom già hẳn đi. Lão vừa đi, vừa nghĩ tản mạn về đủ mọi chuyện: tiền nong, nhà máy xay, công việc buôn bán ngày càng xuống dốc, vào lão bỗng nhớ ra rằng Lida hiện nay đang ở Moskva còn thằng Vladimir thì chẳng bao lâu nữa sẽ ở Novocherkask về nhà. Nỗi lo lắng day dứt về con cái cũng không xua nổi các ý nghĩa không đầu không đũa rối bời trong đầu óc. Lão cứ thế lê chân về tới thềm nhà.
Lão cảm thấy rằng chỉ trong một ngày hôm nay mà cuộc đời lão bỗng nhiên tối sầm hẳn lại, và ngay bản thân lão cũng tựa như bạc mầu đi trong lòng vì những suy tư nhức nhối. Lão bỗng cảm thấy trong miệng chua loét như có vị rỉ sắt, trào cả nước miếng ra.
Sergey Platonovich quay lại nhìn các cụ già vẫn còn đứng trước cửa hiệu, nhổ toẹt một bãi qua hàng lan can trạm trổ trên thềm, lệt sệt bước qua sân thượng vào trong nhà. Mụ Anna Ivanovna chờ chồng trong phòng ăn. Mụ đưa cặp mắt không có mầu sắc thờ ơ nhìn qua mặt chồng một cái như thường ngày rồi hỏi:
- Ông ăn qua chút gì trước khi dùng trà chứ?
- Không, không cần? Bây giờ thì cần ăn với uống cái gì? - Sergey Platonovich xua tay ra vẻ ghê tởm.
Trong khi cởi áo ngoài, lão vẫn còn cảm thấy cái mũi rỉ chua loét trong miệng và cái trống rỗng chán ngán trong đầu óc.
- Có thư của con Lida đấy!
Mụ Anna Ivanovna lật đật vào phòng ngủ ngay từ khi mới về nhà chồng, mụ đã bị ngay một khối công việc nội trợ rất lớn đè nặng lên mình, nên đã bắt đầu đi lật đật như thế nầy rồi. Mụ đem ra một chiếc phong bì đã mở.
"Con bé nầy đầu óc rỗng tuếch và xem ra chẳng có gì thông minh đâu" - Sergey Platonovich nhăn mũi vì mùi nước hoa bốc lên từ chiếc phong bì dầy và đây là lần đầu tiên lão có ý nghĩ như thế về con gái lão. Lão đọc qua bức thư một cách lơ đãng- và không hiểu sao đọc đến mấy chữ "trạng huống" thì lão dừng lại, ngăm nghĩ rất lâu cố tìm ra cái ý nghĩa mà lão còn chưa hiểu trong đó. Cuối bức thư Lida xin cha gửi tiền cho mình. Trong khi Sergey Platonovich đọc nốt những dòng cuối cùng, đầu óc lão vẫn tràn ngập một cảm giác trống rỗng và nhức nhối. Bỗng nhiên lão chỉ muốn âm thầm khóc một mình. Trong giây phút nầy cuộc sống hiện ra rõ mòn mòt trước mắt lão, với cái nội dung càng trống rỗng hơn của nó.
"Nó thật là xa lạ đối với mình. - Lão nghĩ về con gái - Mà cả mình cũng xa lạ đối với nó. Nó chỉ có tình cảm bố con khi nào cần tiền mà thôi… Thật là một đứa con gái bẩn thỉu, nhân tình nhân ngãi lung tung… nhưng hồi nó còn nhỏ, tóc nó vàng, nó đáng yêu đến thế? Lạy chúa tôi? Sao cái gì cũng biến đổi ghê thế? Mình thật là một thằng ngu xuẩn cho đến già, mình cứ tin vào một cái gì tốt đẹp trong cuộc sống tương lai, nhưng thật ra mình trơ trọi chẳng khác gì toà nhà thờ giữa ngã ba đường… Mình đã làm giầu một cách bẩn thỉu - nhưng của đáng tội, sạch sẽ thì làm giàu thế nào được? Mình đã dối trá lừa bịp, đã bóp mồm bóp miệng, thế mà bây giờ đùng một cái nổ ra cách mạng, thế là ngày mai bọn con đòi đầy tớ nhà mình sẽ có thể tống cổ mình ra khỏi cửa… Tất cả đều lộn tùng phèo mẹ nó lên cả! Thế còn hai đứa chúng nó? Thằng Vladimir thì ngớ nga ngớ ngẩn… nhưng dù sao nó cũng có thể có tích sự gì? Đằng nào cũng đến thế thôi, muốn ra sao thì ra…".
Không hiểu do những dây mơ rễ má lung tung như thế nào mà bỗng nhiên lão nhớ lại một chuyện xảy ra ở nhà máy xay từ ngày xửa ngày xưa: một gã Cô-dắc đánh xe đến xay thóc, thấy mức hao bị tính quá cao bèn làm rầm lên và không chịu trả tiền. Lúc ấy, lão, chính lão Mokhov nầy đang ở trong phòng máy. Lão nghe thấy những tiếng ầm ĩ bên ngoài bèn ra hỏi rõ đầu đuôi, rồi ra lệnh cho gã đứng cân và bọn thợ xay không trao trả số bột đã xay. Gã Cô-dắc loắt choắt, xấu xí kia nắm lấy cái tai của túi bột cố lôi đi còn gã thợ xay lực lưỡng, ngực to bè bè tên là Zava thì lôi lại. Lúc ấy gã Cô-dắc cố đẩy gã thợ xay một cái. Gã kia quay luôn lại quai chéo gã Cô-dắc một quá vào thái dương, nắm đấm vừa to vừa chắc. Gã Cô-dắc nhỏ bé ngã dúi xuống rồi lại lảo đảo đứng dậy, thái dương bên trái bị toạc một miếng, máu chảy ròng ròng. Rồi bỗng nhiên gã đi đến trước mặt Sergey Platonovich, cô tự chủ cho khỏi quát to lên: và khẽ nói qua một tiếng thở dài:
- Bột đấy? Cướp lấy mà hốc hết đi! - Nói xong gã bỏ đi, hai vai run run.
Sergey Platonovich nhớ lại hình như vô duyên vô cớ câu chuyện ấy cùng hậu quả của nó: mụ vợ của gã Cô-dắc sau đó có đến xin trả lại chỗ bột. Mụ cố hết sức nuốt nước mắt, nói với những người đến xay bột, để họ đồng tình với mình:
- Thế nầy thì còn trời đất nào nữa, hả các bà con nhân hậu? Còn ra luật vua phép nước gì nữa? Trả lại bột cho tôi!
- Nầy nhà bác kia, không hồn xéo đằng nào thì xéo, kẻo tôi vặt hết tóc bây giờ! Gã Zava vừa cười vừa nói.
Anh chàng thợ cân tên là "Bồi" hom hem, lẻo khoẻo như y gã Cô-dắc kia, đã xông tới đánh nhau với Zava. Nhìn sự việc xảy ra như thế thật đáng bực mình. Sau khi bị Zava nện cho một trận nhừ tử, "Bồi" đã đến đòi thanh toán tiền công. Tất cả những chuyện ấy đã hiện lại loang loáng trong óc Sergey Platonovich lúc lão cuộn tròn bức thư đã đọc xong, mặt đăm đăm về phía trước mà chẳng nhìn thấy gì cả.
Ngày hôm ấy đã để lại cho Sergey Platonovich một nỗi đau đớn nhức nhối luôn luôn làm tình làm tội lão. Đến đêm, lão trằn trọc mãi mà không sao ngủ được người như bị đè bẹp dưới những ý nghĩ mung lung chẳng có mạch lạc gì cả và những niềm hy vọng mỏng manh. Mãi đến nửa đêm lão mới chợp được mắt và sáng hôm sau, khi được tin Evgeni Litnhitki vừa từ mặt trận về Yagonoie với bố, lão bèn quyết định tạt qua bên ấy để dò xem tình hình thực tế ra sao, cố tẩy cho hết các dự cảm khủng khiếp lắng đọng trong tâm hồn lão như chát thuốc đắng. Emelian vừa hút cái tẩu vừa thắng con ngựa nhỏ nhưng kéo rất khoẻ vào chiếc xe trượt tuyết kiểu thành thị, đưa chủ đi Yagonoie.
Mặt trời chín nẫu bên trên thôn xóm như một quả mơ mầu da cam. Những đám mây bên dưới bốc hơi, tan rữa dần. Không khí đại hàn rét thấu xương nặc mùi hoa quả mọng nước. Lớp băng mỏng trên mặt đường vỡ ràn rạt dưới vó ngựa. Hơi con ngựa thở ra bị gió tạt ngay từ hai lỗ mũi về phía sau, bám lại trên bờm nó như sương muối. Xe chạy nhanh, trời lại lạnh, làm cho Sergey Platonovich cảm thấy trong lòng bớt xao xuyến. Lão lắc lư ngủ gà ngủ gật, lưng cọ đi cọ lại trên cái ghế trải đệm. Trong khi đó một đám Cô-dắc mặc áo lông đứng đen ngòm trên bãi thôn. Bọn đàn bà khép tà những chiếc áo lông kiểu sông Đông viền lông rái cá nâu, đứng túm tụm với nhau như đàn cừu.
Gã giáo viên Balanda đứng giữa đám người, một chiếc khăn che cặp môi xám ngoét trên cái khuyết của chiếc áo lông ngắn có đính một dải đỏ. Gã nói sôi nổi, hai con mắt long lanh.
- Bà con thấy đấy, thế là chấm dứt được cái chính thể chuyên chế chết tiệt ấy rồi! Bây giờ thì con em bà con không còn bị chúng nó sai mang roi đi trấn áp công nhân nữa, bà con không còn phải đi phục dịch nhục nhã cho cái thằng Nga hoàng hút máu ấy nữa. Quốc hội lập hiến sẽ làm chủ nước Nga mới, một nước Nga tự do. Quốc hội lập hiến sẽ có thể xây dựng một cuộc sống mới, có thể nói là một cuộc sống sáng lạng?
Mụ nhân tình ăn ở với gã đứng sau lưng kéo gấu cái áo lông ngắn của gã, khẽ van:
- Thôi đi anh Michia? Anh không nhớ là làm như thế nầy có hại cho anh à thôi đừng nói nữa! Lại đến ho ra máu mất thôi… anh Michia!
Những người Cô-dắc đứng nghe Balanda nói rồi bối rối cúi gầm mặt xuống, họ húng hắng ho, cố giấu nét cười. Nhưng người ta đã không để cho gã giáo viên nói hết lời. Trong mấy hàng đầu có một giọng trầm trầm nói vẻ thương hại:
- Chưa biết chừng cuộc đời rồi cũng sáng sủa thật đấy, nhưng anh bạn thân mến ạ, anh sẽ không được sống tới ngày ấy đâu. Thôi tốt nhất hãy về nhà đi kẻo ngoài nầy lạnh lắm…
Balanda lắp bắp nói không hết câu rồi rời khỏi đám đông mặt mày ủ rũ.
Sergey Platonovich đến Yagonoie thì đã giữa trưa. Emelian nắm dây hàm thiếc, dắt con ngựa ra chỗ những cái máng ăn đan bằng cành cây ở gần tàu ngựa, và trong khi chủ hắn xuống xe, lật tà áo lông móc ra một chiếc khăn tay, hắn đã kịp tháo xong đồ thắng cho con ngựa, đắp lên lưng nó cái áo. Một con chó săn rất cao lông trắng đốm nâu thấy có người lạ bèn duỗi những cái chân gân guốc dài nghêu, ngáp dài đứng dậy, ra đón Sergey Platonovich ở ngoài thềm.
Những con chó khác đang nằm nối đuôi nhau thành một chuỗi đen sì ở bên thềm, cũng lười nhác bắt chước con chó kia đứng dậy.
"Mẹ khỉ, đâu ra mà lắm thế nầy!" - Sergey Platonovich sợ hãi đưa mắt nhìn quanh, chân cứ giật lùi trên những bậc thềm.
Phòng ngoài khô ráo và sáng sủa nhưng nặc mùi chó và mùi dấm chua loét. Bên trên một cái rương lớn, có đóng một cái mắc áo bằng sừng hươu với những cái gạc vươn ra rất rộng, trên mắc áo tren một chiếc mũ sĩ quan lông cừu non, một chiếc mũ có tai dài, dây ngù bạc và chiếc áo choàng dạ kiểu Kavkaz. Sergey Platonovich đưa mắt nhìn về phía ấy, bất giác có cảm tưởng như một người đen sì, mình đầy lông lá, đáng đứng trên chiếc rương, và nhún vai như thắc mắc điều gì. Từ căn phòng bên bước ra một người đàn bà mắt đen thân hình đầy đặn. Người ấy chăm chú nhìn Sergey Platonovich cởi áo ngoài và cất tiếng hỏi, song những nét nghiêm trang trên bộ mặt ngăm ngăm rất đẹp không có chút gì thay đổi:
- Ông đến gặp cụ Nicolai Alexeevich phải không? Tôi sẽ vào trình cụ lớn ngay.
Người đàn bà bước vào phòng khách mà không gõ cửa vào xong khép chặt cánh cửa sau lưng. Nhìn người đàn bà mắt đen: đẫy đà và xinh đẹp, Sergey Platonovich mãi mới nhận ra Acxinhia nhà Astakhov. Còn nàng thì vừa trông thấy lão đã nhận ra ngay, rồi mím chặt cặp môi chín mọng như quả anh đào, bước vào nhà trong: người ưỡn thẳng nom rất thiếu tự nhiên, hai khuỷu tay trần trắng bệch hơi đưa ra đưa vào. Một phút sau chính lão già Litnhitki bước ra theo Acxinhia. Lão mỉm cười với một vẻ hồ hởi không vồ vập lắm và nói trầm trầm, giọng kẻ cả:
- À! Nhà thương gia. Ngọn gió nào đưa ông tới đây thế nầy? Xin mời… - Lão đứng tránh sang bên, khoát tay mời khách vào phòng khách.
Với cái vẻ cung kính mà lão đã quen phơi bày mỗi khi đứng trước một nhân vật quyền thế. Sergey Platonovich cúi rạp mình chào rồi bước vào phòng khách. Evgeni Nicolaevich nheo hai con mắt sau cái kính kẹp mũi, ra đón lão:
- Ông đến chơi thế nầy thật tốt quá, ông Sergey Platonovich yêu quý? Xin chào ông. Nhưng tại sao hình như ông già đi như thế nầy? Hả?
- Thôi đi, thưa ngài Evgeni Nicolaevich. Tôi còn đang muốn sống lâu hơn cả ngài nữa đấy. Mà tình hình của ngài thì như thế nào? Ngài vẫn nguyên vẹn không sứt mẻ gì chứ?
Evgeni cười nhe mấy cái răng bịt vành vàng rồi khoác tay khách kéo đến chiếc ghế tựa. Hai người ngồi bên chiếc bàn nhỏ, trao đổi với nhau những câu chẳng có ý nghĩa gì cả và chỉ cố tìm ra trên mặt nhau những nét biến đổi từ sau cuộc gặp gỡ lần trước. Lão địa chủ bảo người nhà pha trà đãi khách rồi cũng bước vào, cái tẩu cong to kếch xù cắn giữa hai hàm răng bốc khói mù mịt. Lão đứng lại bên chiếc ghế bành. Sergey Platonovich ngồi, đặt một bàn tay già nua xương xẩu, rất dài lên bàn và hỏi:
- Trong thôn ông tình hình như thế nào? Ông đã được nghe… tin mừng chưa?
Sergey Platonovich đưa mắt từ dưới lên nhìn những vết nhăn nheo nhợt trên cổ và trên cái cằm cạo nhẵn nhụi của viên tướng rồi thở dài:
- Chưa nghe thấy sao được!
- Tình hình chuyển biến tới bước nầy cũng là do một sự tiền định nghiệp báo thế nào ấy… - Viên tướng nuốt một hơi khói, chỗ lộ háu, rung rung. - Hồi chiến tranh mới bùng nổ tôi đã dự cảm thấy chuyện nầy rồi. Bây giờ tôi lại nhớ tới Merekovsky2… con còn nhớ không, Evgeni? Cuốn "Petro và Aleksey" ấy mà3 Trong đó, sau khi bị tra tấn, đông cung thái tử Aleksey đã nói với bố: "Máu của tôi rồi sẽ chảy xuống đầu con cháu của cha…".
- Ở chỗ chúng tôi chẳng được biết điều gì rành rọt - Sergey Platonovich nói giọng xúc động, lão ngọ nguậy trên chiếc ghế bành, châm thuốc hút rồi nói tiếp - Đã tuần nay chẳng nhận được tờ báo nào. Toàn những tin đồn hết sức hoang đường, cả một tinh thần hoang mang ngỡ ngàng. Đúng là tai vạ đến nơi rồi? Tôi vừa nghe tin ngài Evgeni Nicolaievich về nghỉ phép là lập tức quyết định đến hầu cụ lớn để hỏi xem ngoài ấy hiện nay tình hình ra sao và sau nầy sẽ có những chuyện gì xảy ra.
Evgeni bắt đầu kể, nụ cười đã biến mất trên bộ mặt trắng bệch cạo nhẵn nhụi của hắn.
- Những biến cố thật là khủng khiếp… Binh sĩ đúng là đã hoàn toàn mất tinh thần, chúng không muốn chiến đấu nữa vì mệt mỏi. Nếu nói hai tiếng "binh sĩ theo nghĩa mà chúng ta đã quen hiểu thì thật ra năm nay chúng ta đã không còn một tên binh sĩ nào nữa rồi. Binh sĩ đã biến thành những bầy tội phạm, man rợ, không còn có kỷ luật nào kiềm chế được nữa. Nhưng cha tôi đây chẳng hạn… cha tôi không thể nào hình dung được tình hình như thế nào đâu. Cha tôi không thể tưởng tượng được quân đội ta đã tan rã tới mức độ như thế nào. Tự ý bỏ vị trí chiến đấu, cướp của, giết dân chúng, giết sĩ quan… Hiện nay không chấp hành mệnh lệnh chiến đấu là điều rất thông thường.
- Con cá nó thối từ trên đầu, - lão già Litnhitki thở ra một câu cùng với một hơi thuốc.
- Con thì không nói thế đâu, - Evgeni cau mày, hai bên thái dương đầy những sợi gân giật giật trong một cơn thần kinh. - Con thì không nói như thế… Bị bọn Bolsevich làm tan rã, quân đội ta đã thối từ dưới thối lên. Ngay các đơn vị Cô-dắc, nhất là các phân đơn vị đóng gần sát bộ binh, càng không vững vàng về tinh thần. Chúng mệt mỏi không tả được và chỉ khao khát được về nhà… Trong khi đó bọn Bolsevich…
- Thế chúng nó muốn gì? Sergey Platonovich không nhịn được nữa.
- Ồ, - Evgeni cười nhạt. - Chúng nó muốn… điều chúng nó muốn thì cả vi trùng dịch tả cũng không tai hại bằng! Tai hại ở chỗ nó rất dễ nhiễm vào người và ăn sâu vào các đám quần chúng binh sĩ. Tôi nói đây là về mặt tư tưởng. Trong chuyện nầy thì dùng đến phương pháp cách ly nào cũng không có tác dụng gì cả. Tất nhiên bọn Bolsevich cũng có những đứa có tài, tôi đã từng được tiếp xúc với những thằng như thế, chúng nó đúng là những thằng cuồng tín, nhưng tuyệt đại đa số là những thằng bê tha bạt mạng, vô đạo đức. Bọn chúng nó thì chẳng nghĩ gì tới nội dung của học thuyết Bolsevich mà chỉ muốn kiếm cơ hội cướp bóc, chuồn khỏi mặt trận. Trước hết chúng nó muốn cướp chính quyền vào tay chúng nó, chấm dứt cái mà chúng nó gọi là "chiến tranh đế quốc" bằng bất cứ điều kiện nào, dù bằng con đường ký hoà ước riêng, rồi trao ruộng đất cho dân cày, nhà máy cho thợ thuyền. Tất nhiên những điều đó thì vừa không tưởng vừa ngu xuẩn, nhưng chính nhờ những chuyện ấu trĩ như thế mà chúng nó chiếm được cảm tình của lính tráng.
Evgeni vừa nói vừa xoay xoay trong năm đầu ngón tay cái "bót" bằng ngà voi và cố giữ không để lộ nỗi tức tối nấu nung trong lòng. Sergey Platonovich ngả hẳn người về phía trước lắng nghe như sắp sửa nhảy chồm lên. Lão già Litnhiki nhai nhai chòm ria trắng xanh, loạt soạt chiếc áo choàng lông đen lồm xồm, đi đi lại lại trong phòng.
Evgeni kể lại chuyện ngay trước cuộc chính biến, hắn đã bắt buộc phải chạy khỏi trung đoàn vì sợ bọn Cô-dắc trả thù, về những sự kiện xảy ra ở Petrograd mà hắn đã được chứng kiến.
Câu chuyện lắng đi một phút. Lão già Litnhitki nhìn thẳng vào chỗ tinh mũi của Sergey Platonovich và hỏi:
- Thế nào, ông có mua con ngựa xám không? Mùa thu qua ông đã xem nó rồi đấy, con của con "Boiarunhia" ấy mà.
- Bây giờ thì còn bụng dạ nào mà nghĩ tới việc ấy nữa, bẩm cụ lớn Nicolai Alexeevich? - lão Mokhov nhăn nhó mặt mày nom đến là thảm hại và vung tay một cách tuyệt vọng.
Trong khi đó, dưới nhà đầy tớ, Emelian đã sưởi ấm, đang ngồi uống trà và lau mồ hôi trên má hây hây như củ cải đường bằng một chiếc khăn tay đỏ, kể những chuyện mới xảy ra trong thôn. Acxinhia cuốn quanh mình một chiếc khăn len lồm xồm, đứng tì ngực vào lưng giường trạm trổ.
- Có lẽ nhà tôi đổ dụi mất rồi còn gì? - Nàng hỏi.
- Làm gì đến nỗi đổ dụi vẫn còn vững chán? Có ai động gì đến nó đâu? - Emelian trả lời tách bạch từng tiếng một cách rất vất vả. - Nhà láng giềng chúng tôi, nhà Melekhov ấy, không hiểu họ làm ăn sinh sống ra sao?
- Họ sinh sống cũng bình thường thôi.
- Petro không về nghỉ phép à?
- Hình như chưa về thì phải.
- Thế còn Grigori? Griska nhà bên ấy ra sao?
- Sau lễ Nô-en, thằng Griska có về. Năm nay vợ nó đẻ sinh đôi… mà Grisaka thì… bị thương, nên được về.
- Bị thương hả bác?
- Chứ còn sao nữa? Nó bị thương ở tay. Khắp người rách nát như con chó dái sau trận xâu xé! Thật khó biết trên người nó bây giờ huân chương hay những vết đâm chém nhiều hơn.
- Thế anh ta nom người ra sao, Griska ấy mà? - Acxinhia cố nén một cơn nghẹn khổ trong họng, hỏi xong húng hắng ho để giọng đỡ thất thanh.
- Vẫn thế thôi. Mũi thì quặp, mặt mũi thì đen sì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoàn Thổ Nhĩ Kỳ, đáng như thế nào thì đúng là như thế.
- Tôi có hỏi như thế đâu… Anh ấy có già đi hay không?
- Dịch tả dịch hạch nào biết được nó: có lẽ cũng già đi chút ít. Vợ nó đẻ sinh đôi, thế thì nó cũng chẳng già đi nhiều lắm đâu.
- Ở đây lạnh quá… - Acxinhia run run hai vai, nói xong bỏ ra ngoài.
Emelian rót tách trà thứ tám đưa mắt nhìn Acxinhia, rồi nói dấm dẳn từng tiếng, giọng chập chững như bước chân người mù:
- Đồ bẩn thỉu đê tiện, đồ thối thây: đốn mạt như thế là cùng. Hồi còn đi đôi ủng thô chạy khắp thôn đã lâu la gì đâu thế mà nay đã thích nói chữ rồi. "Buốt" thì bảo là "lạnh". Những con đàn bà như thế nầy chỉ gây tai hoạ. Những của thối thây ấy tôi thì… Cái loài rắn độc! Cũng ra cái điều… "ở đây lạnh quá"… Khắm quá nước mũi ngựa! Xì!
Hắn tức quá, chưa uòng hết tách trà thứ tám đã đứng dậy, làm dấu phép đàng hoàng nhìn quanh rồi vừa bước ra ngoài, vừa cố ý quệt ủng làm bẩn cái mặt sàn sạch bong.
Suốt chặng đường về, cả thầy lẫn tới đều mặt mũi cau có, chẳng ai kém ai. Cơn giận do Acxinhia gây nên, Emelian đổ cả lên đầu con ngựa. Hắn quật đầu roi vào chỗ hiểm của nó, chửi nó nào là "đồ ườn xác chảy thây", nào là "đồ thọt". Trái với lệ thường, cho đến khi về tới thôn, Emelian chẳng nói với chủ một lời nào. Sergey Platonovich cũng len lét không hé răng.

Chú thích:
1 Rasputin 1871- 1915 Cố đạo trong cung Nicolai đệ nhi, có uy tín rất lớn đối với vua Nga và hoàng hậu, can thiệp nhiều vào các công việc trong nước, cả bên đạo lẫn bên đời. Thật ra chỉ là một kẻ đầu cơ chính trị, xuất thân làm nghề ăn cắp ngựa. Nổi tiếng là dâm loạn và ngu dốt. Ngày 31-12-1916 bị một nhóm quí tộc Nga giết chết. ND.
2 Merekovsky 1865 - 1941 một nhà văn phản động Nga, tác giả của nhiều tiểu sử nhân vật nổi tiếng và nhiều tiểu thuyết lịch sử, sau Cách mạng tháng Mười bỏ trốn sang Paris, hoạt động chống chính quyền Xô-viết ND.
3 Aleksey Petrovich 1690 - 1718 con cả của hoàng đế Petro đệ nhất, chống lại các chính sách cải cách của bổ, cùng với bọn phản nghịch bên trong và bọn can thiệp bên ngoài âm mưu làm loạn, bị bố ra lệnh truất ngôi đóng cung rồi đem xử tử ND.

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/