PHẦN 4
Trước khi cuộc chính biến tháng hai bùng nổ, lữ đoàn đầu tiên của một sư đoàn bộ binh nằm trong lực lượng dự bị của Mặt trận Tây Nam đã bị điều khỏi mặt trận cùng với Trung đoàn Cô-dắc sông Đông số 27 phối thuộc với nó. Mục đích là chuyển tới những vùng quanh kinh đô để đàn áp các vụ rối loạn mới chớm nở. Lữ đoàn nầy được về hậu phương, được phát quân trang mùa đông mới, ăn uống phè phỡn một ngày một đêm, rồi ngay hôm sau đã bị tống lên những toa xe lửa để đưa đi. Nhưng các sự kiện đã xảy ra nhanh hơn các trung đoàn hành quân về hướng Minsk; ngay hôm lên đường đã truyền lan những tin dồn dập nói rằng hoàng đế đã ký tuyên cáo thoái vị tại Tổng hành dinh.
Lữ đoàn tiến quân đến giữa đường thì quay trở lại. Trung đoàn 27 được lệnh xuống tàu ở ga Razgol. Các đường ray đều đầy những đoàn tàu. Một số lính bộ binh đi lại trên sân ga, họ đeo những băng đạn trên áo ca-pốt, súng trường mới toanh chế tạo tinh xảo, kiểu Nga nhưng làm ở Anh. Trong đám bộ binh đó, nhiều người có vẻ hồi hộp xao xuyến. Họ ngại ngùng đưa mắt nhìn đơn vị Cô-dắc tập hợp thành từng đại đội.
Một ngày ảm đạm sắp trôi qua. Nước róc rách chảy xuống từ trên mái các ngôi nhà trong ga những vũng nước trên các tuyến đường loang lổ váng dầu phản chiếu bầu trời xám xịt với những đám mây lổm ngổm như đàn cừu. Các đầu máy dồn toa rúc còi, tiếng còi âm thầm, nghe như kiệt sức. Trung đoàn tập hợp sau dãy nhà kho trong đội hình trên ngựa chờ lão lữ đoàn trưởng. Chân ngựa ướt đăm đến túm lông phía trên móng bốc hơi mù mịt. Những con quạ chẳng sợ gì cả, đến đậu ngay phía sau đội hình, vừa bới vừa mổ những đống phân ngựa lổn nhổn vàng vàng.
Lão lữ đoàn trưởng cưỡi một con ngựa huyền có chiều cao tiêu chuẩn, tới gần đơn vị Cô-dắc, có viên trung đoàn trưởng đi theo. Lão ghìm cương đưa mắt nhìn các đại đội trưởng. Lão bắt đầu nói, bàn tay không đeo găng của lão cứ như xua ra những lời âm thầm, không chút tin tưởng:
"Hỡi anh em đồng hương? Thuận theo ý dân, Hoàng đế Nicolai đệ nhị trị vì đến nay thì… è-è-è… thoái vị. Quyền bính được chuyển cho Uỷ ban lâm thời của Duma Quốc gia. Quân đội, trong đó có anh em, phải bình tĩnh chịu đựng… è-è-è… cái tin đó… Nghĩa vụ của người dân Cô-dắc là bảo vệ Tổ quốc chống lại những sự mưu hại của các kẻ thù… è-è-è… có thể nói là các kẻ thù bên ngoài. Chúng ta sẽ không dính dáng vào những vụ rối loạn đã bắt đầu nổ ra, chúng ta hãy để cho bên dân sự chọn lấy con đường tổ chức chính phủ mới.
Chúng ta phải đứng ngoài, không can dự vào việc đó! Đối với con nhà binh thì chiến tranh và chính trị là hai chuyện không dung hợp với nhau… Trong những ngày mà mọi cơ sở đều… è-è-è… bị lay chuyển ghê gớm như thế nầy… è-è-è… chúng ta phải cứng rắn như…
Lão lữ đoàn trưởng nầy vốn là một viên tướng già bất tài, suốt đời sống với lính tráng, không quen nói ở chỗ đông người, nên luống cuống mãi moi óc không ra một hình ảnh làm thí dụ. Trên khuôn mặt bóng nhãy của lão, hai hàng lông mày đưa lên đưa xuống một cách đau khổ trong cơn cấm khẩu đột ngột. Các đại đội vẫn kiên nhẫn chờ đợi.
- è-è-è… như gang thép. Là dân Cô-dắc nhiệm vụ nhà binh của anh em kêu gọi anh em phục tùng các quan trên. Chúng ta sẽ vẫn chiến đấu chống quân giặc một cách dũng cảm, vinh quang, cũng như trước kia, còn trên kia… - Viên tướng uể oải đưa chéo tay về phía sau - ta cứ để Duma Quốc gia quyết định vận mệnh của nước nhà. Chúng ta hãy chấm đứt chiến tranh đã, rồi đến lúc ấy sẽ có thể tham dự vào đời sống trong nước, còn bây giờ thì è-è-è… không thể được. Chúng ta không thể giao phó quân đội cho ai được Không thể có chính trị trong quân đội!
***
Vài hôm sau, cũng tại ga nầy, người ta làm lễ tuyên thệ trung thành với chính phủ lâm thời, người ta đi dự những cuộc mít tinh, tụ tập thành những nhóm đồng hương rất lớn, nhưng vẫn xa lánh những người lính bộ binh đóng đầy sân ga. Sau đó người ta bàn tán rất lâu về những bài diễn văn được nghe, cố đoán mò một cách thiếu tin tưởng những từ ngữ người ta thấy là đáng nghi. Nhưng không biết vì sao trong tất cả mọi người đều tự nhiên hình thành một niềm tin có được tư do thì tức là sẽ chấm dứt được chiến tranh. Niềm tin ấy đã mọc rễ sâu trong lòng binh sĩ, đến nỗi bọn sĩ quan không tài nào nói lại được mà chúng thì chỉ muốn nhồi vào đầu óc mọi người một điều là nước Nga phải chiến đấu đến cùng.
Sau cuộc chính biến bùng nổi, tinh thần hoảng loạn đã xâm chiếm các phần tử lớp trên trong quân đội, rồi sau cũng phản ánh cả trong các tầng lớp dưới. Sư đoàn bộ tựa như quên bẵng cái chuyện hiện có một lữ đoàn điều đến giữa đường thì bị nghẽn. Từ hôm xuống xe, lữ đoàn đã chén sạch tám ngày lương thực được cấp, vì thế bọ lính kéo đàn kéo lũ đến các làng lân cận, ngoài chợ bát đầu có rượu bán ở những chò nào đó, và trong những ngày ấy chẳng ai lấy làm lạ khi thấy những tên say nhè đeo lon hạ sĩ quan và sĩ quan.
Bị cuộc chuyển quân làm xa rời các công việc mà họ thường phải làm hàng ngày, bọn Cô-dắc mệt mỏi chán ngán trong các toa xe có sưởi ấm, và chỉ chờ ngày được về vùng sông Đông có tin đồn những tên bị gọi khoá hai sẽ được phục viên, và người ta đã tin như thế trong một thời gian rất lâu, họ chểnh mảng không chịu chăm sóc ngựa, ngày ngày thất thểu ngoài bãi chợ, họ bán tống bán táng những thứ thường dùng mang từ mặt trận về: chăn Đức, lưỡi lê, cưa, áo ca-pôt, balô da, thuốc lá…
Lệnh quay trở về mặt trận đã được đón bằng những lời kêu ca phàn nàn công khai. Đại đội hai từ chối không chịu lên đường, lính Cô-dắc không để cho nối đầu máy vào các toa xe, nhưng viên trung đoàn trưởng doạ tước vũ khí, vì thế tinh thần phản đối đã giảm dần, lắng đi. Đoàn tàu nhà binh chuyển bánh ra mặt trận.
- Thế là nghĩa lý ra sao hở anh em? Tự do chỉ là tự do, còn chiến tranh thì như thế là lại phải đổ máu à?
- Cái lối đè nén áp bức cũ lại ngóc đầu rồi đấy!
- Vậy cho cái lão vua ấy về vườn thì được tích sự gì?
- Đối với chúng ta thì điều gì hồi có lão là tốt, bây giờ cũng vẫn thích hợp…
- Vẫn chỉ là một cái quần, có điều là mặt trước xoay thành mặt sau thôi.
- Đúng thế đấy!
- Không biết đến bao giờ mới hết tội hết nợ?
- Đã hơn hai năm khẩu súng không rời tay rồi! - Đó là những lời bàn ra tán vào trên các toa xe.
Khi đoàn tầu chạy đến một ga đầu mối bọn lính Cô-dắc đều nhảy hết trên các toa xe xuống như đã hẹn nhau từ trước, rồi không kể gì đến những lời khuyên bảo và đe doạ của viên trung đoàn trưởng, họ mở luôn một cuộc mít tinh. Viên chỉ huy và người xếp ga đã già chạy rối lên trong biển áo ca-pôt xám xịt của binh sĩ Cô-dắc, cố dỗ họ giải tán trở về các toa xe và để cho các tuyến đường được thông nhưng vô hiệu quả. Bọn Cô-dắc căng thẳng tinh thần chú ý nghe từ đầu đến cuối lời phát biểu của một hạ sĩ đại đội ba. Sau anh ta đến lượt Mangiulov, một anh chàng nhỏ bé, nhưng người rất cân đối.
Môi Mangiulov tái nhợt, miệng méo xệch, nom đến là hung dữ, những lời căm hờn bật ra một cách khó khăn:
- Anh em đồng hương ạ? Không thể để như thế nầy được nữa? Một lần nữa, họ lại muốn lôi chúng ta vào cảnh sống khổ sống nhục. Họ muốn lừa dối chúng ta! Một khi cách mạng đã bùng nổ và tự do đã đem lại cho toàn dân, thì tức là phải chấm dứt chiến tranh, nhân dân cũng như chúng ta nào có muốn chiến tranh làm gì? Tôi nói có đúng không hử? Có thật như thế không hử?
- Đúng đấy!
- Chiến tranh thì kẹp mẹ nó xuống dưới đuôi con ngựa cái ấy!
- Tất cả chúng ta đều ngấy chiến tranh lắm rồi!
- Quần sắp bục ra đến nơi… còn chiến tranh cái gì?!
- Chúng ta khô-ô-ông muốn chiến tranh nữa!
- Về nhà thôi!
- Tháo đầu máy ra! Nào Fedot, lại đây một tay!
- Anh em đồng hương ơi? Hượm đã nào! Anh em đồng hương ơi? Anh em ơi! Ma quỉ đã ám vào mồm miệng, ruột gan, tâm hồn anh em rồi! Anh em ơi? - Mangiulov gào lên, cố át những tiếng la thét của hàng ngàn con người - Hượm đã nào! Đừng động đến đầu máy làm gì! Chúng ta chẳng cần gì đến nó, còn cái chuyện có lừa dối hay không thì… cứ để quan lớn trung đoàn trưởng tuyên đọc cho chúng ta nghe văn kiện chính thức cho biết đơn vị thật có bị gọi ra mặt trận hay chỉ là họ tự tiện làm liều thôi.
Viên trung đoàn trưởng như điên như cuồng, không tự chủ được nữa. Môi run bần bật lão đọc to cho mọi người nghe bức điện điều trung đoàn trở về mặt trận mà lão đã nhận được ở sư đoàn bộ. Mãi lúc ấy trung đoàn mới chịu lên các toa xe.
Có sáu gã Cô-dắc người thôn Tatarsky thuộc trung đoàn 27 cùng ngồi trên một toa xe có sưởi ấm: Petro Melekhov, Nicolai Kosevoi chú ruột của Miska Kosevoi, Anikey, Fedot Bodovskov, Merkulov, một gã mặt mũi hao hao như dân Di-gan, có bộ râu đen xoăn tít và hai con mắt màu nâu nhạt lúc nào cũng long xòng xọc; Maxim Grianov, láng giềng nhà Korsunov, một gã phóng đãng, vui nhộn. Trước chiến tranh Maxim đã dành được khắp trấn cái danh tiếng chẳng có gì vẻ vang là một thằng ăn cắp ngựa gan liều tướng quân. "Thằng Merkulov mới trông thì cứ tưởng nó vừa dắt ngựa nhà người ta đi, vì của đáng tội nom nó hệt như một thằng Di-gan, nhưng… nhưng nó có lấy gì của người khác đâu. Còn cậu Maxim cậu thì thoáng thấy cái đuôi con ngựa là đã ngứa ngáy chân tay rồi?" - Bọn Cô-dắc luôn luôn chế Grianov như thế.
Maxim đỏ mặt, nheo hai con mắt xanh da trời như màu hoa đay, pha trò một cách thô bỉ để chống chế: "Bà cụ thằng Merkulov đã ngủ với một gã Di-gan, có lẽ bà cụ nhà mình đã ghen, nếu không mình làm sao mà… cầu Chúa chứng giám cho…"
Gió thổi thông thống qua toa xe. Những con ngựa được đắp áo và buộc bên những máng ăn làm vội vã. Giữa toa có một đống củi đốt trên đám đất giá băng. Khói bốc lên mù mịt từ củi ướt cứ bị hút ra khe cửa. Bọn lính Cô-dắc ngồi quanh đống lửa trên những chiếc yên ngựa. Họ hong những dải băng quấn chân ẩm ướt hôi khắm vì mồ hôi. Fedot Bodovskov hơ lửa hai bàn chân cong cong, một nụ cười thoả mãn ẩn hiện trên bộ mặt có hai gò má nhọn hoắt như mặt dân Kalmys, Grianov dùng chỉ sáp khâu quàng khâu quáy cái đế ủng bị tuột chỉ. Hắn vừa lúi húi khâu vừa kể bằng một giọng khàn đặc vì khói, không biết hắn định kể cho ai nghe:
- Hồi còn nhỏ, mùa đông mình thường leo lên chỗ nằm trên bếp lò cho bà mình mò mẫm bới tóc bắt chấy cho mình những năm ấy cụ đã hơn trăm tuổi rồi!. Cụ thường nói: "Cháu yêu của bà, thằng Maxim yêu quý của bà! Xưa kia các cụ sinh sống có khuôn phép và chẳng phải chịu một tai ương hoạn nạn nào cả. Nhưng cháu yêu của bà ơi, cháu sẽ phải sống tới một thời mà cháu sẽ thấy khắp mặt đất chăng đầy dây thép, thấy những con chim mỏ sắt bay trên trời xanh, bổ nhào xuống mổ người ta như những con quạ trắng mổ quả dưa bở ấy. Con người sẽ chết như rạ về các bệnh dịch tả, dịch hạch, sẽ phải chịu đói kém, anh em sẽ đánh lẫn nhau, con sẽ chống lại bố… Những người còn sống sót thì cũng chẳng khác gì những sợi cỏ sau một đám cháy". Thật chăng là như thế, - Maxim nín lặng một lát rồi nói tiếp - Những điều cụ nói đến nay đã sờ sờ trước mắt. Người ta đã nghĩ ra điện tín, dây thép đấy chứ còn gì nữa. Còn những con chim sắt là máy bay. Nó đưa anh em mình về với ông bà ông vải có phải ít đâu? Rồi sẽ còn có nạn đói. So với những năm trước, số thóc nhà mình gieo chỉ còn một nửa, mà nhà nào cũng đều như thế. Trong các trấn chỉ còn độc người già và trẻ con, nếu chẳng may mất mùa thì đói ngay chứ gì?
- Nhưng còn cái chuyện anh em đánh lẫn nhau thì có lẽ là nói bậy đấy, - Petro Melekhov vừa cời lại củi trong đống lửa vừa hỏi.
- Chờ đấy mà xem, nhân dân rồi cũng sẽ đi đến cái cảnh ấy thôi.
- Không lập được một chính quyền sẽ loạn cho mà xem - Fedot Bodovskov nói xen vào.
- Rồi sẽ còn phải đi trấn áp cái bọn quỷ sứ.
Đầu tiên cậu hãy nếm cho hết những cái khổ vì bọn Đức đã, - Miska bật cười và nói.
- Không sao, chúng ta sẽ còn choảng nhau…
Anikey vờ làm vẻ sợ hãi, hắn nhăn bộ mặt nhẵn thín như mặt đàn bà, kêu lên:
- Lạy Đức mẹ lắm lông chân của chúng con, sẽ vẫn còn cái chuyện "choảng nhau" ấy đến bạo giờ nữa mới thôi?
Cho đến khi cái thằng tín đồ phái Skopet1 như cậu mọc lông mới thôi, - Miska cho luôn Anikey một câu.
Những tên lính ngồi quanh đống lửa cùng phá lên cười Petro sặc khói, ho một thôi một hồi, rồi nhìn Anikey bằng cặp mắt ràn rụa nước mắt và chỉ chỉ ngón tay về phía hắn.
- Lông lá là một thứ ngu xuẩn…, - Anikey ngượng quá, lắp bắp:
- Nó mọc cả ở những chỗ chẳng cần mọc làm gì… Nhưng Miska ạ, cậu đã anh em như thế cũng chẳng được gì đâu.
- Thôi, như thế đủ rồi? Anh em mình chịu đựng quá quắt lắm rồi! - Maxim bất thần phát khùng. - Chúng ta ở đây thì chịu khổ sở, chết vì chấy rận, trong khi đó thì vợ con ở nhà túng thiếu đói khổ, như thế thì còn nghĩa lý ra sao nữa? Cắt thịt ra cũng chẳng còn máu mà chảy nữa đâu.
- Có gì mà cậu lên cơn phẫn nộ như thế hử? - Petro nhai nhai một món râu vàng như màu lúa chín, hỏi giọng vẻ nhạo báng.
- Có gì thì đã hai năm rõ mười rồi, - Merkulov cố giấu nét cười sau bộ râu xoăn tít như râu một gã Di-gan, trả lời thay Maxim. - Rõ ràng là những thằng Cô-dắc chúng ta đang ăn không ngồi rồi đến chán ngấy, đang nhớ nhà… Ta hãy tưởng tượng cảnh một anh chàng chăn gia súc xua bò ngựa ra đồng ăn cỏ. Trong khi sương mai chưa bị nắng hút khô thì bò ngựa chẳng sao cả, vẫn ăn cỏ như thường, nhưng đến khi mặt trời lên cao bằng cây sồi, mòng bắt đầu vo ve bay đến cắn gia súc, thế là… - Merkulov đưa mắt cho bọn Cô-dắc một cách tinh quái, rồi quay về phía Petro nói tiếp - Đến lúc ấy thì thưa ngài quản, cả đàn bắt đầu phát điên phát cuồng. Mà chính ngài cũng biết đấy! Hẳn là ngài cũng chẳng xuất thân từ gia dình quan lại hay trí thức gì? Chính ngài cũng đã từng xoắn đuôi bò để nghịch chứ gì… Thường chỉ cần có một con bò cái tơ vắt đuôi lên lưng, rống lên một tiếng, và làm thêm cái trò gì nữa, thế là cả đàn lồng lên chạy theo ngay. Và anh chàng chăn gia súc chỉ còn cách chạy theo: "ái chà chà! ái chà chà…" Nhưng đến lúc ấy thì còn làm gì được nữa? Cả đàn lao đi ào ào như nước vỡ bờ, chẳng kém gì hồi chúng ta tràn vào địa trận của quân Đức ở gần Netvilska. Đến lúc như thế thì thử hỏi còn có gì ngăn cản nổi?
- Cậu nói loanh quanh như thế rồi định đi đến đâu vậy?
Merkulov không trả lời ngay. Hắn cuốn chòm râu vào quanh một ngón tay, giật một cái thật mạnh, rồi nói bằng giọng thiết thực, không cười nữa:
- Chúng ta đánh nhau đến nay đã là năm thứ ba rồi… có phải thế không? Chúng ta đã bị lôi cổ vào trong các chiến hào đã đến năm thứ ba rồi. Để làm gì và vì sao thế? - Chẳng ai có thể hiểu được… Điều mà mình muốn nói là không bao lâu nữa sẽ có một anh chàng Grianov hay Melekhov nào đó chuồn khỏi mặt trận, rồi toàn trung đoàn sẽ theo anh ta, và toàn thể quân đội sẽ làm theo trung đoàn đó…
- Thế là sạch sành sanh!
- Cả cậu cũng theo…
- Theo hẳn đi chứ! Mình có mù đâu, mình nhìn thấy rõ ràng lắm chứ: tất cả đều đang treo trên đầu sợi tóc. Trong lúc nầy chỉ cần có một người hô lên: "xéo đi!" thế là tất cả sẽ sụp đổ như chiếc áo choàng cũ tụt khỏi vai. Đến năm thứ ba thì đối với chúng ta mặt trời đã cao bằng cây sồi rồi.
- Vừa vừa chứ cậu? - Bodovskov khuyên. - Khéo không Petro… không biết Petro đã là "ngài quản" rồi à?
- Đối với anh em từ xưa mình đã động tới ai đâu, - Petro đỏ mặt tía tai.
- Cậu chớ vội nóng! Mình nói đùa đấy thôi. - Bodovskov luống cuống ngọ nguậy những ngón chân sần sùi trên hai bàn chân không đi ủng, rồi đứng dậy, đi lệt sệt về phía dãy máng ngựa.
Trong một góc toa, những gã Cô-dắc thuộc những thôn khác thì thào bàn tán với nhau bên những hòm đựng rơm nén. Trong số đó chỉ có hai anh chàng là người thôn Karginsky: Fadeev và Kargin, còn tám gã kia là dân những thôn, những trấn khác.
Một lát sau nhóm nầy bắt đầu hát. Alimov, một gã vùng sông Tria cất giọng hát một điệu nhảy, nhưng một gã khác đã vỗ ngay vào lưng gã, gầm lên, giọng như người bị cảm:
- Thôi đi!
- Nầy các cậu mồ côi mồ cút kia ơi, lại ngồi quanh lửa cho ấm? - Miska mời.
Mọi người cho thêm củi vào đống lửa những thanh củi nầy là di tích của một hàng rào bị phá ở một ga xép. Quanh đống lửa tiếng hát vang lên vui vẻ hơn:
Con ngựa chiến sẵn yên cương trang bị
Hí cạnh giáo đường, có lẽ nó chờ ai.
Bà mẹ già dắt cháu thơ đứng khóc,
Vợ trẻ tràn trề dòng lệ chua cay.
Từ trong cửa nơi thánh đường tôn kính
Chàng bước ra, giáp trụ hiên ngang,
Thế là từ nay chàng Cô-dắc lên đàng.
Trong toa xe bên, một chiếc accordeon hai dây phím kéo phù phù cái hộp da xếp, chơi bài "người đàn bà Cô-dắc". Sàn gỗ đấy, ủng nhà binh phát đấy, tha hồ mà dận văng mạng. Có một anh chàng gào lên, giọng đến là khó nghe:
Nói sao hết nỗi niềm cay đắng,
Vòng của nhà vua
Siết lên cổ nhân dân Cô-dắc
Chặt như vậy, thở sao cho đặng
Fugachev khắp sông Dông rong ruổi
Kêu gọi hạ du, vùng khố rách áo ôm
"Hỡi các ataman, hỡi anh em Cô-dắc!
Một giọng thứ hai kể lể liến thoắng, át cả giọng thứ nhất, không biết anh chàng nầy hát mà cao một cách khó tưởng tượng.
Thờ vua ta trung thành
Để vợ nhà ta nhớ
Kiếm được nhân tình, thế là quên vợ.
Còn nhà vua… ta tráng cho lớp thiếc
Nào ta đổ! Nầy thì xèo!
Huhu Hu Hu Ha!
Ha ha-hu hô hu ha- ha.
Bọn Cô-dắc bên toa nầy đã ngừng tiếng hát một lúc lâu rồi. Họ lắng nghe những tiếng ồn ào vui nhộn hồn nhiên từ toa bên kia vọng sang. Họ nháy mắt với nhau, mỉm cười đồng tình. Petro Melekhov không nhịn được nữa, cũng phá lên cười.
- Chà, chúng nó bị quỷ dữ nhập vào hay sao thế?
Hai con mắt nâu, lấm tấm những tia vàng óng của Merkulov lấp loáng những ánh rất vui. Hắn nhảy chồm dậy, chờ đúng nhịp rồi khẽ đập rất nhanh mũi ủng xuống sàn, nghe như tiếng trống rung và bất thình lình ngồi sụp xuống, nhẹ nhàng xoay tròn, nhảy điệu pri-xi-at-ca" người nhún nhún uyển chuyển. Tất cả đều luân phiên nhảy, cố vận động mạnh cho người nóng lên. Chiếc accordeon ở toa xe kia đã câm bặt từ bao giờ, thay vào đó đã có những giọng khàn khàn chửi nhau rất tục tằn. Nhưng bên nầy vẫn cứ nhảy chết thôi, làm cho những con ngựa cũng có vẻ lo lắng sợ hãi. Mọi người chỉ thôi nhảy khi Anikey hăng say đến không tự kiềm chế được nữa, muốn nhảy một bước đặc biệt phức tạp, nên ngã phệt ngay vào đống lửa. Mọi người phá lên cười, lôi Anikey dậy, châm mẩu nến soi mãi khoảng bị cháy dưới mông chiếc quần đi ngựa còn mới toanh và đoạn gấu áo bông hơi bị xém.
- Cậu tụt quần ra thôi? - Merkulov thương hại khuyên Anikey.
- Cái thằng Di-gan nầy, mày điên à? Thế thì mình mặc bằng gì?
Merkulov bèn lục một lát trong cái túi yên rồi lấy ra một cái áo lót đàn bà bằng vải thô. Mọi người thổi cho lửa cháy to thêm.
Merkulov cầm hai bên vai cái áo rất hẹp, ngửa người ra sau, cười như nắc nẻ nói:
- Thì đây? Hà! Hà? Mình đã tháu được nó trong trấn, trên một dãy hàng rào… Định làm vải bọc chân… Hà! Thôi chẳng xé nó ra nữa, cậu lấy mà mặc.
Anikey chửi rầm lên nhưng mọi người vẫn bắt hắn mặc cho kỳ được Bọn Cô-dắc phá lên cười, tiếng cười nghe khoái trá và to đến nỗi trong cửa các toa bên có những gã tò mò thò đầu ra, quát lên trong đêm tối, giọng đầy vẻ ghen tị:
- Các cậu bên ấy làm sao thế?
- Cái bọn ngựa đực chết tiết nầy!
- Có gì mà họ phởn thế nhỉ?
- Bọn nhân tình của những mụ dở người nầy, chúng mày tìm được mẩu sắt vụn đấy à?
Tầu vừa đến ga, mọi người lôi luôn gã accordeon ở toa trên xuống. Từ những toa khác cũng có những gã mò tới làm toa xe chật như nêm. Họ xô đẩy nhau, làm nát cả cái máng ngựa ăn, họ dồn những con ngựa vào sát thành xe, còn lại ở giữa toa một khoảng trống nhỏ. Anikey nghênh ngáo đứng giữa. Chiếc áo dài lót xem ra là của một người đàn bà rất cao lớn, vì thế quá dài đối với hắn và cứ làm vướng chân hắn. Song những tiếng hò hét và tiếng cười rộ đã làm hắn hào hứng nhảy múa tới kiệt sức mới thôi.
Trong khi đó các tinh tú trên trời đang buồn thảm đổ nước mắt quanh chòm sao Belorussia đẫm máu. Bầu trời đêm đen kịt, mung lung, mù mịt, mở hoác ra như một vực thẳm. Gió thổi là là mặt đất thấm đẫm mùi lá rụng đắng hắc, mùi đất sét ẩm chua loét như rỉ sắt, mùi tuyết tháng ba…
Chú thích:
1 Một giáo phái hồi thế kỷ thứ 18, những người theo giáo phái nầy đều bị hoạn ND.
Chương 77
PHẦN 4
Tàu đã chạy được một ngày một đêm, trung đoàn không còn cách mặt trận xa lắm nữa. Đoàn tàu nhà binh dừng lại ở một nhà ga đầu mối. Bọn quản truyền đạt mệnh lệnh: "Xuống xe!" Bọn lính Cô-dắc vội vã dắt ngựa qua những cái cầu xuống toa, đóng yên, rồi lại quay lên lấy hết các đồ vật để quên trong lúc bấn tinh bấn mù. Họ cuống cuồng hất bừa những hòm rơm ném xuống lớp cát ẩm giữa đường tầu.
Gã liên lạc của viên trung đoàn trưởng đến gọi Petro Melekhov:
- Ngài vào trong ga, quan trung đoàn trưởng cho gọi.
Petro khệnh khạng bước lên sân ga, vừa đi vừa sửa dây da thắt ngoài áo ca-pôt.
- Anikey, để mắt coi hộ con ngựa của mình nhé, Petro thấy Anikey đang luẩn quẩn bên mấy con ngựa bèn nhờ.
Anikey nhìn theo Petro bộ mặt hắn ngày thường vốn đã nhăn nhó khổ sở, nay lại thêm một vẻ nửa lo lắng nửa chán ngán. Petro dán mắt xuống đôi ủng bê bết những đám bùn đất sét vàng vàng, chân vẫn bước mà bụng cứ nghĩ quẩn quanh không biết trung đoàn trưởng cần gọi mình lên làm gì nhỉ? Petro chợt để ý tới một đám lính không đông lắm, đang đứng túm tụm ở đầu sân ga, bên cái thùng nước sôi, bèn bước lại gần và từ xa đã lắng nghe xem họ nói với nhau những gì. Chừng hai mươi người lính bộ binh đứng vây quanh một gã Cô-dắc cao lớn, râu tóc hung hung đỏ, đứng quay lưng về phía thùng nước, nom vẻ bối rối như một con thú bị săn đuổi.
Petro vươn cổ nhìn bộ mặt râu ria đỏ như râu ngô của gã Cô-dắc trung đoàn Atamansky có con số "52" trên cái lon hạ sĩ màu xanh lơ chợt thấy quen quen. Petro nghĩ rãng chắc chắn mình đã có lần gặp mặt gã, nhưng không nhớ là ở đâu và hồi nào.
- Sao cậu lại giở cái trò như vậy? Thế mà họ còn đính cho cậu cái lon nầy à? - Một tên lính tình nguyện có khuôn mặt thông minh đầy tàn hương hỏi sói móc gã Cô-dắc râu tóc hung hug.
- Có chuyện gì thế các cậu? - Petro vỗ vai một ga tân binh quay lưng về phía mình, tò mò hỏi.
Gã kia quay đầu lại, trả lời miễn cưỡng:
- Vừa tóm được một thằng đào ngũ… cũng là dân Cô-dắc như các cậu đấy!
Petro moi trong ký ức, cố nhớ xem mình đã từng gặp tên hạ sĩ trung đoàn Atamansky có khuôn mặt rộng bè bè, râu ria và lông mày đều đỏ lòm nầy ở đâu rồi. Gã hạ sĩ trung đoàn Atamansky chẳng thèm trả lời những câu hỏi móc của tên lính tình nguyện cứ uống nước nóng từng ngụm chậm rãi trong cái ca đồng làm bằng vỏ đạn đại bác và ăn lương khô đen nhúng nước cho mềm. Hai con mắt lồi rất xa tinh mũi của gã nheo lại, trong lúc nhai nhai nuốt nuốt, gã vẫn rung rung hai hàng lông mày, hết nhìn xuống dưới lại nhìn khắp chung quanh. Một người lính bộ binh vạm vỡ, đã có tuổi, áp giải tên hạ sĩ đào ngũ. Anh ta đứng ngay bên cạnh, một tay nắm lưỡi lê khẩu súng trường chống dưới đất, đứng ngay bên cạnh. Gã hạ sĩ trung đoàn Atamansky uống hết ca nước, ngước cặp mắt mệt mỏi nhìn khắp mặt những tên lính bộ binh đang soi mói chằm chằm nhìn gã, rồi bỗng nhiên hai con mắt xanh lơ, ngây thơ như mắt con nít của gã sáng bừng lên hung tợn. Gã vội vã nuốt ực một cái, liếm môi và quát lên bằng một giọng trầm thô bạo, ngang ngạnh:
- Chúng mầy thấy lạ lắm à? Quân khốn nạn, chẳng để yên cho người ta ăn nữa! Chúng mầy làm sao thế, chưa được trông thấy một con người bao giờ à, hả?
Bọn lính bộ binh phá lên cười. Petro vừa nghe thấy giọng nói của tên đào ngũ bất giác bừng nhớ ra hết sức rành rọt rằng gã nầy người thôn Rubezyn, trấn Elanskaia, và có họ là Fomin. Trước chiến tranh có lần Petro cùng với bố tới cuộc chợ phiên hàng năm của trấn Elanskaia và đã mua của gã một con bò đực ba tuổi. Con người ta thường loáng cái nhớ ra như thế.
- Fomin? Yakov! - Petro vừa gọi vừa len đến gần tên hạ sĩ trung đoàn Atamansky.
Gã kia ngơ ngác đặt vụng về cái ca lên thùng nước. Gã vừa tiếp tục nhai, vừa nhìn Petro bằng cặp mắt tươi cười đầy vẻ bối rối và nól:
- Mình không nhận được ra cậu nữa rồi, anh bạn ạ…
- Cậu ở thôn Rubezyn có phải không?
- Đúng đấy. Còn cậu cũng là dân Elanskaia à?
- Mình ở Vosenskaia cơ, nhưng mình còn nhớ cậu. Chừng năm năm trước hai bố con mình đã mua của cậu một con bò mộng mà.
Fomin có vẻ cố nhớ lại, trên mặt hắn vẫn còn nụ cười ngượng nghịu của con nít như nãy.
- Không, mình quên mất rồi,… không còn nhớ ra cậu nữa rồi. - Gã nói rõ ràng có lấy làm tiếc.
- Cậu ở trung đoàn Năm mươi hai à?
- Phải, ở Năm mươi hai.
- Thế ra cậu đào ngũ à? Sao cậu lại làm như thế, người anh em?
Lúc đó Fomin đã bỏ mũ lông xuống, móc trong đó ra túi đựng thuốc lá tàng tàng. Gã còng lưng, từ từ nhét cái mũ xuống dưới nách, xé lấy một mẩu giấy chéo góc, rồi mãi lúc nầy, gã mới nhìn Petro chằm chằm bằng hai con mắt nghiêm khắc, ướt ướt long lanh:
- Không chịu được nữa rồi, người anh em ạ? - Gã nói thều thào.
Cái nhìn của Fomin như châm vào người Petro. Petro húng hắng ho, nhét một món ria vàng hoe vào trong miệng.
- Thôi đi các bạn đồng hương, chấm dứt câu chuyện đi, nếu không các bạn sẽ làm cho bao nhiêu tội nợ đổ cả lên đầu thằng nầy thôi. - Anh lính bộ binh vạm vỡ đi áp giải thở dài, hất khẩu súng trường lên vai - Nào đi đi, bố!
Fomin vội vã nhét cái ca vào túi dết, liếc ngang chào từ biệt Petro, rồi đi vào ban tư lệnh, dáng đi nặng nề, chậm chạp như con gấu.
Trong căn phòng nhà ga, trước kia dùng làm buffet cho hạng nhất, viên trung đoàn trưởng và hai đại đội trưởng đang gù lưng ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ.
- Gã Melekhov nầy, mày bắt người ta đợi mày lâu quá rồi đấy. - Cặp mắt mệt mỏi và tức tối của viên trung đoàn trưởng hấp háy một thôi một hồi.
Petro được cho biết rằng đại đội của anh ta bị điều lên cho sư đoàn bộ sử dụng và anh ta phải hết sức theo dõi bọn Cô-dắc, hễ thấy tinh thần của chúng hơi có chút gì biến đổi là phải báo cáo ngay cho viên đại đội trưởng biết. Petro nhìn không chớp mắt vào viên đại tá và hết sức chú ý lắng nghe, nhưng cặp mắt ướt long lanh cùng câu nói thều thào của Fomin: "Không chịu được nữa rồi, người anh em ạ" vẫn cứ ám ảnh mãi trong đầu óc anh chàng, như đã dán chặt trong đó.
Petro bước ra khỏi căn phòng nhà ga ấm áp, hơi bốc ngùn ngụt, trở về đại đội. Đoàn xe vận tải đợt hai của trung đoàn đã tới đỗ ở ngay đây, trong ga. Trong khi đi về phía toa xe có sưởi ấm của anh ta, Petro nhìn thấy bọn Cô-dắc áp tải đoàn xe và gã đóng móng ngựa của đại đội, Petro vừa thoáng thấy gã đóng móng ngựa, Fomin cũng như câu chuyện trao đổi với gã đã tựa như bị gió thổi bay khỏi đầu óc anh, và anh rảo bước ngay tới gần định bàn về chuyện đóng lại móng cho con ngựa của mình trong giây phút nầy Petro đã hoàn toàn bị chìm trong những nỗi lo lắng về công việc hàng ngày. Nhưng giữa lúc, từ trong một góc sơn đỏ của toa xe bước ra một người đàn bà đầu trùm chiếc khăn len xồm mầu trắng rất diện, ăn vận không giống người vùng nầy chút nào. Hình dáng và tư thái quen thuộc một cách lạ lùng của người đàn bà làm Petro phải dán mắt nhìn. Người đàn bà bất thình lình quay mặt về phía anh ta rồi hối hả bước tới, hai vai đong đưa một cách rất kín đáo, thân hình mảnh mai, chẳng có vẻ gì là một người có chồng. Petro chưa nhìn rõ mặt nhưng chỉ dáng đi nhẹ nhàng, ưỡn ẹo ấy cũng đã làm cho anh ta nhận ra vợ. Một cảm giác lành lạnh, nhoi nhói nhưng rất thống khoái chạy rân rân lên tới tim anh chàng. Niềm vui quá bất ngờ, vì thế càng vui dữ. Thấy những gã trong đoàn vận tải nhìn mình chằm chằm, Petro cố đi ngắn bước lại để họ khỏi biết rằng mình đang nở từng khúc ruột. Anh ta từ tốn bước tới ôm lấy vợ, hôn vợ ba lần, và muốn hỏi một câu gì đó, nhưng niềm bồi hồi sôi sục tận trong đáy lòng đã tràn cả ra ngoài, làm môi anh ta khẽ run run, lưỡi như bị cắt đứt.
- Anh thật không ngờ… - Mãi anh ta lắp bắp được một câu.
- Con bồ câu nhỏ của em? Sao nom anh khác đi nhiều đến thế? - Daria vỗ hai tay đánh đét. - Trông anh cứ như người lạ ấy… Anh thấy chưa, em đến thăm anh đấy nhé… ở nhà cứ không cho đi: "Mày biết đằng nào mà đi bây giờ?" Nhưng em lại nghĩ, không, phải đi mới được, phải đi thăm anh yêu của em mới được. - Daria đã liến thoắng một thôi một hồi và cứ ghì chặt lấy chồng, hai con mắt đẫm lệ nhìn thẳng vào mắt chồng.
Trong khi đó những gã Cô-dắc khác đã kéo đến đông nghịt bên các toa xe: họ nhìn hai vợ chồng, họ hậm hậm hoẹ hoẹ, họ nháy mắt với nhau, họ pha trò.
- Cái số của thằng Petro đỏ thật…
- Cái con sói cái nhà mình không đến đâu, nó bỏ đi với thằng khác rồi.
- Ở nhà, ngoài thằng Nhetche ra nó còn đến chục thằng nữa là ít - Nếu như thằng Petro chịu hi sinh cho trung đội nó mượn vợ nó một đêm nhỉ… Cũng phải thương cái cảnh côi cút của bọn mình một chút chứ… Hư-ừm?
- Thôi đi các cậu? Ruột gan mình bời bời ra rồi đây nầy?
- Xem con bé nó cứ dính chặt lấy thằng cha có ghê không?
Trong giờ phút nầy, Petro đã quên bẵng rằng đã có lúc anh chàng định tâm nện cho vợ một trận nhừ tử, và cứ vuốt ve vợ ngay trước mặt mọi người những ngón tay thô to ám khói thuốc lá cứ mơn mơn cặp lông mày tô đen, cong lên như vòng cung, trong lòng sung sướng khôn tả. Daria cũng quên rằng mới hai đêm trước ả còn nằm trong toa xe cùng với gã y sĩ thú y trong kỵ binh cùng đi từ Kharkov tới trung đoàn. Gã y sĩ đó có hàng ria đen đến là rậm, nhưng đó là chuyện hai đêm trước, chứ bây giờ thì ả chỉ biết ghì chặt lấy chồng với những giọt nước mắt sung sướng rất chân thành và nhìn chồng bằng hai con mắt thật thà như đếm.
Chương 78
PHẦN 4
Sau khi hết phép trở về đơn vị, viên đại uý Cô-dắc Evgeni Litnhitkit nhận được lệnh điều đến trung đoàn Cô-dắc sông Đông số mười bốn. Hắn đã tới thẳng sư đoàn bộ chứ không vác mặt về trung đoàn của hắn trước kia, trung đoàn mà hắn đã bỏ chạy một cách nhục nhã trước cuộc chinh biến tháng Hai bùng nổ. Trưởng ban tham mưu sư đoàn là một viên tướng trẻ thuộc một dòng họ danh tiếng lẫy lừng trong giới quý tộc Cô-dắc sông Đông.
- Đại uý ạ, - Hắn đưa Evgeni về phòng riêng rồi bảo - tôi biết rằng ngài lại về làm việc trong hoàn cảnh cũ thì sẽ rất khó khăn, vì bọn Cô-dắc đã có thái độ chống đối ngài chúng nó ghét cay ghét đắng tên họ của ngài, do đó cách khôn ngoan hơn là ngài hãy về trung đoàn Mười bốn. Ở đấy toàn là những sĩ quan được lựa chọn rất tốt, ngay đến bọn Cô-dắc cũng vững vàng hơn, đáng tin hơn, phần lớn là dân những trấn phía Nam thuộc quân khu Ust - Medvedisky. Ngài đến đấy thì tốt hơn. Hình như cụ thân sinh ra ngài là ngài Nicolai Alexeevich Litnhitki có phải không? - Viên tướng nín lặng một lát, hỏi rồi sau khi trả lời là đúng thế, bèn nói tiếp - Theo ý riêng tôi thì tôi có thể cam đoan với ngài rằng chúng tôi rất quí những sĩ quan như ngài. Ở thời điểm nầy thì ngay trong thành phần sĩ quan, phần lớn cũng là những kẻ lá mặt lá trái. Chẳng có gì dễ dàng hơn là lừa thầy phản chúa, nếu không thì cũng một lúc cầu nguyện hai vị thần cũng được… - Viên tham mưu trưởng chấm dứt câu chuyện bằng một giọng chua chát.
Evgeni sung sướng nhận lệnh thuyên chuyển. Ngay hôm ấy hắn đã đến Dvinsk, nơi trung đoàn Mười bốn đóng, và hai mươi bốn giờ sau đã đến gặp viên trung đoàn trưởng, đại tá Bukadorov.
Hắn lấy làm hài lòng vì thấy viên tham mưu trưởng sư đoàn đã nói đúng; phần lớn trong bọn sĩ quan là những kẻ bảo hoàng, còn bọn Cô-dắc thì một phần ba là dân cựu giáo không ngoan đạo lắm thuộc các trấn khác, tinh thần của chúng tuyệt nhiên không ngả theo cách mạng chúng chỉ miễn cưỡng tuyên thệ trung thành với Chính phủ lâm thời, còn các sự kiện đang nổ ra sôi sục chung quanh thì chúng không hiểu rõ, thậm chí không muốn tìm hiểu: những tên Cô-dắc được chọn vào các Uỷ ban1 trung đoàn và đại đội đều là những thằng xu nịnh và mũ ni che tai… Tới được một hoàn cảnh công tác mới như thế nầy, Evgeni thở dài khoái trá.
Trong đám sĩ quan, hắn có gặp hai tên trước kia đã cùng phục vụ ở trung đoàn ngự lâm Atamansky, hai tên nầy đứng tách hẳn ra, nhưng tất cả các tên khác lại rất ăn cánh với nhau, rất thống nhất ý kiến, chúng công khai bàn tán về chuyện lập lại chế độ quân chủ.
Trung đoàn đóng lại ở Dvinsk chừng hai tháng để nghỉ ngơi, tổ chức lại thành một đơn vị tấn công chặt chẽ, đến nay nom vẻ đã nghiêm chỉnh đàng hoàng. Trước kia các đại đội của nó đều được phái đi phối thuộc với các sư đoàn bộ binh, lang thang khắp các mặt trận từ Riga tới Dvinsk, nhưng đến tháng tư thì đã có bàn tay mẫn cán của một người nào đó thâu tóm tất cả các đại đội thành một khối Trung đoàn đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Dưới sự theo dõi nghiêm ngặt của bọn sĩ quan, bọn Cô-dắc không chịu chút tác động nào từ bên ngoài. Hàng ngày chúng ra thao trường luyện tập, chăm nom ngựa, nhịp sống của chúng đều đặn, chậm rề rề như con sên.
Đám Cô-dắc cũng đã có dự đoán mơ hồ về nhiệm vụ thật sự sau nầy của trung đoàn, nhưng bọn sĩ quan đã nói toạc ra, không giấu giếm, rằng không bao lâu nữa trung đoàn sẽ được những người đáng tin cậy đem ra sử dụng để làm chuyển động bánh xe lịch sử.
Mặt trận ở ngay gần đó. Các tập đoàn quân đang run bần bật trong một cơn sốt rét chết người, không đủ số đạn dược dự trữ để chiến đấu, thiếu lương ăn. Các tập đoàn quân đang vươn hàng ngàn vạn bàn tay ra với lấy hai tiếng "hoà bình" mong manh như một ảo ảnh. Các tập đoàn quân đã nghe tin Kerensky2 được đưa lên làm người đứng đầu Chính phủ lâm thời của nước cộng hoà với những thái độ khác nhau, nhưng do những lời la hét điên cuồng rồ dại của hắn, tất cả húc đầu phải đinh trong đợt tấn công tháng sáu. Trong các tập đoàn quân, lòng căm hờn lên tới cực điểm, đang sôi sục như dòng nước ở chỗ có nhiều luồng ngầm chẩy xối vào nhau…
Trong khi đó bọn Cô-dắc ở Dvinsk vẫn sống những ngày bình an, lặng lẽ. Dạ dày của những con ngựa ra sức tiêu hoá lúa yến mạch và khô dầu. Các điều đau khổ phải chịu đựng ngoài mặt trận đã thành chai sẹo trong trí nhớ binh sĩ Cô-dắc. Bọn sĩ quan thì đến dự rất đều các buổi họp của sĩ quan, chúng ăn uống quá phè phỡn, và bàn tán sôi nổi về vận mệnh của nước Nga…
Tình hình kéo dài như thế đến những ngày đầu tháng bảy. Đến ngày mồng ba thì có lệnh: "Lập tức xuất phát, không được chậm một phút". Các đoàn xe nhà binh của trung đoàn chạy thẳng về phía Petrograd. Ngày mồng bảy, vó ngựa Cô-dắc đã đập chan chát trên các mặt đường lát của kinh đô.
Trung đoàn đến đóng ở đại lộ Nepsky. Đại đội của Evgeni được dành cho một ngôi nhà trước kia là hiệu buôn nay bỏ không.
Đơn vị Cô-dắc được người ta mong chờ như con mong mẹ về chợ, cuộc đón tiếp rất vui vẻ. Điều đó đã được chứng minh hùng hồn bởi sự ân cần chu đáo của các nhà cầm quyền ở kinh đô trong việc sửa sang dọn dẹp các chỗ ở dành trước cho bọn Cô-dắc. Các bức tường mới quét vôi lại đều trắng bong, sàn nhà mới lau rửa bóng lộn như gương, những tấm ván gỗ thông mới kê làm giường, còn thơm phức mùi nhựa. Gần như có thể nói rằng đời sống sẽ ấm cúng, dễ chịu trong tầng hầm một nửa vượt lên khỏi mặt đất, sáng sủa, tươm tất nầy. Evgeni cau mày dưới cái kính kẹp mũi, chãm chú xem xét chỗ ở của đại đội hắn. Hắn đi đi lại lại bên những bức tường trắng loá, nghĩ thầm rằng về mặt tiện nghi thì chẳng còn phải mong gì hơn. Thoả mãn về kết quả của buổi xem trước nhà ở, hắn đi ra cổng ngôi nhà cùng với viên đại biểu của nhâ đô chính được trao trách nhiệm đón tiếp đơn vị Cô-dắc, một thằng cha nhỏ bé, ăn vận rất diện. Nhưng hai gã vừa ra tới cổng thì gặp ngay một chuyện khó chịu. Evgeni đặt tay lên nắm đấm cửa, nhìn thấy trên tường có một hình vẽ rất khéo vạch bằng vật nhọn: một đầu chó đang nhe nanh và một cái chổi. Có lẽ trong đám công nhân làm công việc sửa sang, trang bị cho ngôi nhà, có người đã biết trước nơi nầy sẽ dành cho ai…
- Cái gì thế nầy? - Evgeni hỏi tên đại biểu cùng đi, hai hàng lông mày hắn rung rung.
Tên đại biểu đưa cặp mắt láu lỉnh, gian như mắt chuột nhìn loáng qua hình vẽ và thở phì phì như kéo bễ. Máu dồn lên làm mặt hắn đỏ tía, thậm chí cái cổ áo sơ mi hồ bột cũng như phớt ánh hồng hồng…
- Thưa ngài sĩ quan, xin ngài thứ lỗi cho… lại có bàn tay của một thằng nào đó ác tâm…
- Tôi mong rằng các ngài đã không biết gì khi cái huy hiệu của bọn Oprinin3 nầy được vẽ ở đây?
- Đâu có thế? Đâu có thế? Xin ngài thứ lỗi cho! Đây là một trò bất ngờ của bọn Bolsevich… Đúng là có thằng khốn nạn nào đó làm liều! Tôi xin lập tức bảo quét vôi lại bức tường ngay. Ma quỷ nào học được chữ ngờ! Xin ngài thứ lỗi cho… một chuyện vô nghĩa lý như thế nầy… tôi dám cam đoan với ngài rằng chính tôi cũng lấy làm hổ thẹn khi thấy có kẻ khác làm việc hèn đớn nầy…
Evgeni bỗng cảm thấy thực tâm thương hại thái độ quị luỵ của gã thường dân bối rối cuống quít nầy. Ánh mắt hắn đã có phần dịu đi, không còn lạnh lùng, gay gắt như nãy nữa. Hắn nói giọng điềm tĩnh:
- Thằng hoạ sĩ nầy đã tính sai một điều không phải là nhỏ: bọn Cô-dắc có thuộc lịch sử nước Nga đâu. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng tôi khuyến khích người ta có thái độ như thế đối với chúng tôi.
Gã đại biểu kiễng chân trước bức tường, dùng những ngón tay được chăm chút cẩn thận cạo cái hình vạch trên mặt vôi, một đám bụi trắng rơi xuống lả tả, làm bẩn cả chiếc áo bành tô kiểu Anh rất đắt tiền của hắn. Evgeni mỉm cười lau kính kẹp mũi, nhưng trong giây phút ấy, tâm hồn hắn tràn ngập một nỗi buồn cay đắng.
"Đấy bọn mình được đón tiếp như thế đấy và đằng sau bộ mặt phô ra ngoài là như thế đấy!… Nhưng chẳng nhẽ đối với toàn nước Nga ở đâu bọn mình cũng bị người ta nhìn qua hình ảnh của bọn Oprinin hay sao?" - Hắn đã nghĩ thầm như thế trong khi đi qua sân ra xem tàu ngựa và chỉ nghe một cách dửng dưng những lời tên đại biểu chạy lon ton theo hắn nói với hắn.
Ánh nắng dọi thẳng xuống cái giếng rất sâu, rất rộng đào trong sân. Từ trên các khung cửa sổ của những ngôi nhà nhiều tầng, dân chúng nhô hẳn người ra nhìn xuống đám lính Cô-dắc đứng đầy trong sân. Đại đội dắt ngựa vào trong tàu ngựa. Sau khi được giải tán, bọn Cô-dắc đi từng đám đến bên bức tường, trong chỗ mát, kẻ đứng, người ngồi xổm.
- Thế nào anh em, sao các cậu không vào trong nhà đi? – Evgeni hỏi.
- Bẩm ngài đại uý, lát nữa vào cũng kịp.
- Ngoài nầy đã chán ngất rồi: vào trong ấy lại càng…
- Chúng tôi sắp xếp cho ngựa xong đâu đó hẵng hay.
Evgeni xem kỹ căn nhà kho dùng làm tàu ngựa. Hắn cố lấy lại cái ác cảm lúc nãy đối với tên đại diện vẫn đi theo hắn và nói bằng một giọng nghiêm khắc:
- Xin ngài hãy đi thương lượng với những người cần thiết và hãy thoả thuận cho xong việc nầy: cần phải đục thêm cho chúng tôi một cái cửa nữa. Vì với một trăm hai mươi con ngựa, chúng tôi không thể chỉ có một cái cửa. Cứ như thế nầy thì khi có báo động chúng tôi sẽ phải mất đến nửa tiếng đồng hồ mới dắt được hết ngựa ra ngoài… Thật là khủng khiếp! Chẳng nhẽ trong hoàn cảnh hiện nay không thể tính tới tình huống ấy hay sao? Tôi sẽ bắt buộc phải báo cáo lên quan trung đoàn trưởng về chuyện nầy.
Sau khi nhận được lời cam đoan là ngay hôm ấy sẽ đục xong không phải một, mà hai cái cửa, Evgeni chìa tay với gã đại diện.
Hắn lãnh đạm cám ơn gã đã bận tâm giúp đỡ, ra lệnh cắt trực nhật rồi lên tầng thứ hai, nơi tạm thời được dọn làm chỗ ở của các sĩ quan. Hắn leo những bậc thang tối om về phòng, vừa đi vừa cởi cúc cái áo cổ đứng và lau mồ hôi dưới mũ lưỡi trai. Hắn sung sướng cảm thấy cái không khí ẩm ẩm lành lạnh trong phòng. Trong đó, ngoài gã thượng uý Atasikov, không còn một tên nào khác.
- Mọi người đầu cả rồi? - Evgeni vừa hỏi vừa nằm vật xuống chiếc giường vải bạt và nặng nề duỗi hai chân đi đôi ủng đầy bụi.
- Ra phố rồi. Họ muốn xem Petrograd.
- Còn cậu thì sao?
- Chà, cậu cũng biết đấy, có gì mà đáng xem? Họ thì vừa mới chân ướt chân ráo đến nơi đã kéo nhau ra phố ngay rồi. Mình đang đọc tin tức về những chuyện mới xảy ra ở đây mấy hôm trước. Mình đang bận đây!
Evgeni nằm yên chẳng nói chẳng rằng. Hắn khoái chí cảm thấy chiếc sơ mi đẫm mồ hôi dính vào lưng lành lạnh. Hắn ngại không muốn đứng dậy lau rửa; xem ra hắn đã thấm mệt sau chặng đường dài. Nhưng hắn vẫn cố cưỡng lại mình, đứng dậy gọi tên lính cần vụ. Sau khi thay đồ lót, hắn lau rửa rất lâu, vừa lau rửa vừa thở phì phì ra vẻ rất thống khoái. Hắn lấy một chiếc khăn lông lồm xồm lau cái cổ đen xạm vì rám nắng.
- Lau rửa đi Vanhia, - Hắn khuyên Atasikov - cậu sẽ cảm thấy như trút được một quả núi trên vai… Thế nào, báo chí viết những gì?
- Có lẽ đúng là cũng nên lau rửa một cái. Cậu bảo thủ lắm à? Còn trong báo chí viết những gì ấy à? Họ kể các hoạt động đấu tranh của bọn Bolsevich, các biện pháp đối phó của chính phủ… Cậu thử đọc mà xem.
Tắm xong thấy trong lòng vui hẳn lên, Evgeni cầm lấy tờ báo định đọc, nhưng hắn bỗng được viên trung đoàn trưởng gọi lên. Hắn miễn cưỡng đứng dậy, mặc chiếc áo cổ đứng mới giặt còn nặc mùi xà phòng nhưng đã khá nhàu nát trong khi đi đường, nom rất khó coi, rồi cài thanh gươm vào dây lưng, và bước ra đại lộ. Hắn vừa đi sang hè đường bên kia, vừa ngoái nhìn ngôi nhà đại đội hắn mới đến ở. Nhìn bề ngoài và kiểu xây dựng thì ngôi nhà nầy cũng chẳng có gì khác với các ngôi nhà khác: năm tầng, mặt ngoài ốp đá ong xám thủng lỗ chỗ, thẳng hàng với những ngôi nhà cũng y như thế.
Evgeni châm thuốc hút, thủng thẳng đi trên vỉa hè. Người đông như kiến, đủ mọi thứ mũ chen chúc nhau như bọt sủi: mũ rơm, mũ quả dưa, mũ cát-két của đàn ông, mũ phụ nữ: cái thì loè loẹt diêm dúa, cái thì giản dị trong cái cầu kỳ của nó. Trong tất cả dòng người ấy thỉnh thoảng cũng thấp thoáng một chiếc mũ lưỡi trai của quân nhân mầu xanh lá cây hìện lên như một đốm dân chủ, nhưng nó lại lập tức biến ngay, chìm ngập trong cái đám nhấp nhoáng đủ mọi mầu sặc sỡ.
Gió mát rượi rất khoẻ người thổi từ ngoài biển vào từng đợt, nhưng mỗi đợt lại vấp ngay phải những khối kiến trúc khổng lồ đứng sừng sững, rồi tản ra thành nhiều luồng yếu hơn lớn nhỏ không đều nhau. Những đám mây đen trôi về phía nam trên bầu trời ảm đạm tím tím mầu thép. Đường viền của những đám mây trắng như sữa nom nham nhở với những cái răng nhọn. Một làn hơi nồng nực, đầy khí ẩm lúc trời sắp mưa rập rờn trên thành phố. Nồng nặc mùi nhựa đường bị hun nóng, mùi xăng khét lẹt, mùi biển ngay gần đấy, mùi nước hoa đàn bà ngây ngất và huyền ảo, ngoài ra còn cái mũi hỗn hợp không thể phân tách, gồm đủ thứ mùi khác nhau, cái mùi đặc biệt của các thành phố đông dân.
Evgeni phì phèo điếu thuốc, lững thững đi bên phải hè phố.
Thỉnh thoảng hắn lại bắt gặp những cái liếc nhìn đầy vẻ kính trọng của những người hắn gặp. Đầu tiên hắn cũng có phần ngượng ngùng vì áo quân phục thì nhầu nát mà mũ két thì bẩn, nhưng sau hắn lại tự nhủ: một chiến sĩ ngoài mặt trận trở về thì chẳng có gì đáng hổ thẹn về cái mã ngoài của mình, vả lại hắn vừa ở trên toa xe bước xuống hôm nay thì làm thế nào chải chuốt được.
Trên hai hè phố có những cái bóng rung rinh lười nhác, vàng vàng mầu ô-liu, in hình những tấm màn cửa làm bằng vải buồm treo trước cửa các hiệu buôn và các quán cà phê. Gió đung đưa, đập phần phật những tấm màn vải buồm nóng bỏng dưới nắng, những cái bóng in trên hè phố di động và bị xé nát dưới những bước chân loạt soạt Tuy đang giờ sau bữa trưa, nhưng đại lộ vẫn đông nghìn nghịt.
Sau mấy năm chiến tranh Evgeni đã quên lối sống thành thị. Hắn sung sướng thu nhận tất cả các thứ tiếng động đa dạng chung quanh: những tiếng cười quyện vào nhau, tiếng còi xe hơi bím bom, tiếng rao của trẻ bán báo, và trong khi len lỏi giữa những con người ăn no mặc đẹp nầy, hắn cảm thấy họ gần gũi, thân thuộc với hắn và cứ nghĩ thầm:
Trong lúc nầy tất cả các người nom sao mà thoả mãn sung sướng, tràn trề hạnh phúc như thế? Đúng là tất cả các người: thương nhân, nhân viên giao dịch ở thị trường chứng khoán, quan lại các cấp các chủ đất, cũng như những con người có dòng máu màu lam!4 Nhưng thử hỏi ba bốn hôm trước thì các người như thế nào? Thử xem mặt mũi các người đã như thế nào khi mà bọn dân đen, bọn lính tráng tràn vào các đại lộ, các đường phố như những dòng quặng nấu chảy? Nói thật lòng thì nhìn thấy các người, trong lòng ta vừa vui, vừa không vui. Còn đối với hạnh phúc của các người, ta cũng không biết nên lấy làm vui hay không…"
Hắn cố phân tích cái tình cảm hai mặt của mình xem nguyên nhân ở đâu mà ra, và hắn đã dễ dàng đi tới kết luận: hắn suy nghĩ như thế, cảm thấy như thế chính vì chiến tranh cùng những điều mà hắn phải chịu đựng ngoài mặt trận đã làm hắn có phần xa lạ với cái đám những con người ăn no béo mầm sung sướng dư dật nầy.
"Hãy xem cái gã trẻ trai, béo tốt kia, - Evgeni bắt gặp cặp mắt của một anh chàng phục phịch, không có râu ria, má đỏ hây hây, bèn nghĩ thầm - Tại sao nó không ra mặt trận nhỉ? Chắc hẳn nó là con một tên chủ xưởng hoặc thương nhân phản động5 nào đó. Thằng đê tiện, nó trốn nhiệm vụ nhà binh, nó mặc mẹ Tổ quốc muốn ra sao thì ra, thế mà vẫn ra cái điều "góp phần vào công tác quốc phòng" để phát phì như con lợn, để chơi gái thả cửa…"
"Nhưng chính mình cuối cùng sẽ đi với ai cơ chứ?" Hắn tự đặt cho mình câu hỏi ấy rồi lại mỉm cười tự trả lời: "Chà, tất nhiên là cùng đi với bọn nầy chứ còn với ai khác. Trong bọn nầy có một phần của bản thân mình, và mình cũng là một phần của cái giới những con người nầy…" Mọi cái gì của chúng, dù tốt hay xấu, cũng đều có trong người mình tới mức nào đó. Có lẽ vì da mình chưa đến nỗi bì bì như da con lợn béo núc kia, vì thế cho nên rnình mới phản ứng tất cả mọi thứ một cách ghê gớm như thế, và chắc hẳn chính vì thế mình đã thật thà ra mặt trận chứ không chỉ "góp phần vào công tác quốc phòng". Cũng chính vì thế cho nên mùa đông vừa qua, khi còn ở Mogilov, lúc mình nhìn thấy hoàng đế vừa bị truất ngôi ngồi trong chiếc xe hơi chạy ra khỏi Đại bản doanh, lúc mình nhìn thấy cặp môi người đầy vẻ đau khổ, hai tay người run run, buông thõng trên đầu gối một cách bất lực không sao tả xiết, mình đã ngã lăn xuống tuyết mà khóc nức nở như đứa con nít… Như thế mình đã làm đúng lương tâm là không công nhận cách mạng, không thể nào công nhận được? Trái tim cũng như khối óc mình đều chống lại việc đó… Mình sẽ hiến dâng đời mình cho chế độ cũ, không chút dao động, không một cử chỉ huênh hoang, một cách giản dị, như một người lính. Nhưng không biết những kẻ làm như thế có nhiều hay không?
Evgeni tái mặt, hồi tưởng rành rọt với cả một niềm xúc động sâu sắc buổi chiều là giàu màu sắc của cái ngày tháng hai ấy trước dinh viên tổng đốc Mogilov, dãy hàng rào sắt đổ mồ hôi dưới bầu trời rét ngọt, và lớp tuyết hồng hồng bên kia hàng rào ánh lên những sắc cầu vồng dưới những tia mầu vàng của vừng mặt trời đã lặn thấp sau làn hơi lạnh mung lung như lụa mỏng. Sau đoạn bờ sông Dnepr thoai thoải, bầu trời chỗ thì xanh lam, chỗ thì đỏ như chu sa, chỗ thì vàng như rỉ sắt, mỗi nél trên đường chân trời đều mung lung huyền ảo, làm con mắt nhìn vào như cảm thấy đau. Ở lối ra có đám đông những quan chức trong Tổng hành dinh, cả văn lẫn võ. Chiếc xe hơi có mui chạy ra. Sau cửa kính hình như có Frederix 6 và nhà vua ngồi vật ra lưng ghế. Khuôn mặt gầy rộc của nhà vua có những ánh tím tím, Cái mũ lông đen in một hình bán nguyệt lệch trên vừng trán trắng bệch, những bộ quân phục ngự lâm Cô-dắc của đoàn hộ tống.
Evgeni đã gần như chạy bổ qua trước mặt những người ngạc nhiên nhìn. Trong con mắt hắn còn in hình bàn tay nhà vua giơ lên chào rồi thõng xuống từ mép chiếc mũ lông đen. Trong tai hắn còn vang mãi tiếng chiếc xe hơi lặng lẽ chạy xa dán và cái nín thinh nhục nhã của đám người đưa tiễn hoàng đế cuối cùng…
Evgeni từ từ bước lên những bậc thang trong ngôi nhà của trung đoàn bộ. Hai má hắn run run, cặp mắt hắn khóc đến sưng húp đỏ ngầu, nước mắt ròng ròng… Lên tới đầu cầu thang tầng thứ hai, hắn hút liền một lúc hai điếu thuốc rồi lau mặt kính, và ba chân bốn cẳng chạy lên tầng ba.
Viên trung đoàn trưởng đánh dấu trên bản đồ khu vực đại đội của Evgeni gánh trách nhiệm bảo vệ các cơ quan chính phủ, kể rõ các cơ quan đó, và cho biết rất tỉ mỉ về địa điểm cùng thời gian đặt gác, thay gác. Cuối cùng lão nói:
- Ở Cung điện Mùa Đông, chỗ Kerensky…
- Xin ngài đừng đả động gì tới Kerensky! - Evgeni khẽ nói, nhưng tiếng vẫn vang rất to, mặt hắn nhợt đi như cái xác chết.
- Ngài Evgeni Nicolaevich, phải cố gắng tự chủ mới được…
- Thưa ngài đại tá, tôi xin ngài!
- Nhưng anh bạn thân mến ạ…
- Tôi xin ngài?
- Chà cái máu hoàng bào.
- Ngài ra lệnh phái ngay trinh sát tới nhà máy Puchilov chứ? - Evgeni thở hổn hển hỏi.
Viên trung đoàn trưởng cắn môi mỉm cười, rồi nhún vai trả lời:
- Lập tức đi ngay! Và nhất định phải có một sĩ quan phụ trách trung đội cùng đi.
Evgeni bước ra khỏi trung đoàn bộ với cả một cảm giác trống rỗng trong tâm hồn, những hồi ức cũ cùng câu chuyện trao đổi với viên trung đoàn trưởng đè nặng lên người hắn. Hắn về đã gần đến nhà thì gặp một đội tuần tiễu của trung đoàn Cô-dắc sông Đông số 4 đóng ở Petrograd. Vài bông hoa héo rũ trên dây hàm thiếc con ngựa lông hồng nhạt của viên sĩ quan. Một nét cưởi thoáng hiện trên hàng ria trăng trắng của hắn.
- Các vị cứu tinh của Tổ quốc vạn tuế… - Một thân sĩ đã có tuổi cảm động quá bước từ trên hè đường xuống, vung mũ kêu lên.
Viên sĩ quan đưa tay lên lưỡi trai mũ, chào lại rất lịch sự. Đội tuần tra cho ngựa chuyển sang nước kiệu. Evgeni liếc nhìn khuôn mặt cảm động, cái cravat hoa hoét thắt rất cẩn thận và cặp môi ươn ướt của vị thân sĩ vừa chào toán lính Cô-dắc, rồi hắn cau mày, gù gù cái lưng, lẩn rất nhanh vào trong nhà.
Chú thích:
1 Tức là các Uỷ ban binh sĩ được bầu ra trong các đơn vị quân đội hồi bấy giờ theo sắc lệnh số 1 của Xô viết công nhân và binh sĩ Petrograd ND.
2 Kerensky sinh năm 1881 vốn là luật sư ở Saratov, 1914 nghị viên Công đảng rồi nghị viên Đảng xã hội Cách mạng ở Duma Quốc gia. Sau tháng hai 1917 làm bộ trưởng tư pháp Chính phủ lâm thời rồi bộ trưởng chiến tranh, 30-7 được đưa lên làm thủ tướng, 10-9 năm ấy trở thành tổng tư lệnh độc tài. Bị cách mạng tháng mười lật đổ, hắn hoá trang làm đàn bà bỏ trốn, nương náu ở chỗ Kaledin vùng sông Đông, cuối cùng chạy sang Pháp, rồi Mỹ, tuyên truyền chống cách mạng. ND.
3 Lực lượng cảnh sát vũ trang dưới thời Ivan đệ tứ 1333 - 1547, đàn áp nhân dân một cách rất tàn ác. ND
4 Chỉ giai cấp tư sản ND.
5 Phản động theo quan điểm của giai cấp quý tộc đại địa chủ. Hồi nầy giai cấp tư sản Nga đã núp bóng giai cấp vô sản lập đổ vua Nga, chóp bu của giai cấp quý tộc đại địa chủ ND
6 Frederix V. Bá tước, một bộ trưởng trong cung của vua Nga. Lời chú của hản tiếng Nga.
Nguồn:
http://www.sahara.com.vn/