PHẦN 5
Đêm ấy, dưới những ngôi sao vàng nhợt lấm tấm khắp trời như màu sữa, mọi người gần như không sao ngủ được trong cái cửa hiệu nhỏ bé chật ních những người. Những lời trao đổi chỉ ngắn ngủi, không thể nào kéo lại được. Ai nấy đều như nghẹt thở vì bầu không khí ngột ngạt và những nỗi lo lắng canh cánh.
Từ tối đã có một đồng chí Xích vệ xin ra sân:
- Mở hộ cửa, đồng chí ơi! Tôi cần phải ra ngoài, phải ra ngoài để đi giải!
Chân không, đầu tóc rối như bòng bong, chiếc áo sơ-mi lót bằng vải thô tuột ra ngoài chiếc quần đi ngựa, anh ta áp khuôn mặt đen sạm vào lỗ khoá, nhắc lại:
- Mở hộ ra đi, đồng chí ơi!
- Con sói độc là đồng chí của mày. - Cuối cùng có một thằng gác trả lời!
- Mở hộ cái, người anh em! - Người hỏi xin bèn đổi cách xưng hô.
Tên gác đặt khẩu súng trường xuống, lắng nghe trong bóng tối tiếng vỗ cánh ràn rạt của những con vịt trời bay đi ăn đêm. Nó hút hết điếu thuốc rồi ghé miệng vào lỗ khoá:
- Cứ bĩnh ra quần cũng được, ông bạn thân mến ạ. Một đêm cũng chẳng bục được quần đâu, rồi sáng mai người ta sẽ mở cửa mời cậu lên thiên đàng với cái quần ẩm ấy.
- Chúng ta nguy mất rồi! - Anh Xích vệ rời khỏi chỗ cửa phòng, nói một cách tuyệt vọng.
Mọi người ngồi kề vai nhau. Pochenkov ngồi trong một góc phòng dốc tất cả các túi ra, rồi vừa lầu bầu chửi một thôi một hồi, vừa xé vụn một đồng giấy bạc. Xong xuôi với chuyện số tiền còn lại anh cởi giầy tất rồi đặt tay lên vai Krivoslykov nằm bên cạnh và nói:
- Hai năm rõ mười là bọn mình đã bị chúng nó lừa rồi. Chúng nó đã đánh lừa mình, mẹ chúng nó chứ? Bực thật, Mikhail ạ! Hồi còn nhỏ, mình thường xách khẩu súng cổ lỗ của ông cụ nhà mình sang bên kia sông Đông đi săn. Vào trong rừng thì cứ như chui dưới một cái lều vải xanh rờn ấy… Ra đến chỗ dòng sông uốn khúc là sẽ thấy những con vịt trời sà xuống. Lần nào không bắt kịp là mình tức đến phát khóc lên được. Và lần nầy mình lại cảm thấy tức cũng như thế: mình đã lỡ mất cơ hội. Nếu bọn mình ra khỏi Rostov sớm hơn được ba ngày thì đã không đến nỗi vác xác đến đây chịu chết. Tất cả bọn phản cách mạng đã bị chúng ta đánh cho thất điên bát đảo rồi!
Krivoslykov ngồi trong bóng tối nhe răng cười một cách đau khổ va nói:
- Quỷ dữ bắt chúng nó đi, cứ mặc cho chúng nó giết. Bây giờ chết thì cũng chẳng có gì đáng sợ… Mình chỉ sợ một điều là sang đến thế giới bên kia, chúng mình không còn nhận ra nhau nữa Fedor ạ, sang đến thế giới bên kia, mình với cậu gặp nhau sẽ như người dưng nước lã… Thật là khủng khiếp!
- Thôi đi! Pochenkov bực bội nói to rồi đặt cả hai bàn tay vừa to vừa nặng lên vai người bạn nằm bên - Vấn đề đâu phải ở chỗ đó.
Laguchin kể cho một đồng chí nào đó nghe về thôn anh, về chuyện ông nội anh thường gọi đùa anh là "Cái nêm" vì đầu anh dài và chính ông cụ đã có lần dùng roi ngựa đánh anh về tội ăn cắp dưa của người khác.
Đêm ấy, mọi người nói với nhau toàn những chuyện phiến đoạn, không đầu không đũa.
Buntruc ngồi ngay gần cánh cửa, anh hé môi hít lấy ít để từng chút gió lọt qua kẽ cửa. Trong khi hồi tưởng lại những chuyện đã qua, anh thoáng nghĩ đến mẹ, rồi như bị một mũi kim nóng bỏng châm vào tim, anh cố xua ngay những ý nghĩ về bà cụ để chuyển sang những hồi ức về Anna, về những ngày gần đây… Các hồi ức ấy đã làm anh nhẹ nhõm hẳn đi, trong lòng tràn ngập một hạnh phúc lâng lâng. Những ý nghĩ về cái chết không làm anh sợ hãi chút nào.
Không như những người khác, mỗi khi nghĩ rằng tính mạng của mình sắp bị kẻ khác cướp đi, anh không hề cảm thấy một cơn run bất giác chạy rân rân suốt dọc xương sống, không hề thấy một sự đau khổ day dứt nào. Anh sẵn sàng tiếp nhận cái chết, như sắp sửa về tới một nơi nghỉ ngơi chẳng có gì là vui thú sau một chặng đường đầy đắng cay và vất vả, khi mà cái mệt mỏi đã choán hết tất cả, khi toàn thân đau như rần, cho nên không còn gì có thể làm cho mình xao xuyến nữa.
Ngay gần bên Buntruc, anh em bàn tán về đàn bà, về tình yêu, về những niềm vui lớn nhỏ vương vấn trong tâm khảm từng người, câu chuyện khi vui khi buồn.
Người ta kể về gia đình, về bố mẹ, về những người thân thuộc. Người ta bàn tán về chuyện năm nay lúa tốt: những con quạ đen có thể lẩn vào trong những đám lúa mạch mà không bị trông thấy.
Người ta than phiền là không có vodka và mất tự do, người ta chửi Pochenkov. Song hàng ngàn cái cánh đen ngòm của giấc ngủ đã trùm lên tất cả. Bị làm tình làm tội cả về thể xác lẫn tinh thần, mọi người thiếp dần đi, ngủ ngồi cũng có, ngủ nằm cũng có, ngủ đứng cũng có.
Mãi đến lúc trời sắp rạng mới có một người không biết mê hay tỉnh oà lên khóc, tiếng khóc nghe sao mà ghê rợn, đúng là tiếng khóc của những con người thô lỗ đã lớn tuổi, đã quên mất cái vị mặn của nước mắt từ thời thơ ấu. Ngay lập tức nhiều người cũng kêu lên xua tan bầu không khí yên lặng mơ màng:
- Có câm đi không, đồ khốn kiếp!
- Thật là đàn bà!
- Tao vặn hết răng bây giờ, câm ngay!
- Làm bố trẻ con rồi mà còn chảy nước mắt!
- Anh em còn đang ngủ mà nó… chẳng biết xấu nữa?
Anh chàng vừa khóc hỉ mũi, sụt sịt thêm vài tiếng rồi nín bặt.
Tất cả lại hoàn toàn chết lặng. Góc nào cũng lốm đốm những ánh thuốc lá, nhưng chẳng ai nói gì nữa. Nồng nặc mùi mồ hôi đàn ông, mùi những thân hình đầy sức khoẻ chen chúc nhau, và cái mũi nhạt thếch nhưng ngây ngất của cả một đêm sương.
Gà trong thôn đã gáy sáng. Có những tiếng chân bước và tiếng sắt đập vào nhau xoang xoảng.
- Ai? - Một tên gác khẽ hỏi:
Từ xa có tiếng húng hắng ho rồi một giọng rất trẻ vui vẻ trả lời:
- Anh em mình đây. Bọn mình đi đào hố chôn bọn đồng đảng của Pochenkov đây.
Trong hiệu tạp hoá lập tức nhốn nháo hẳn lên…
Chương 119
PHẦN 5
Đội Cô-dắc thôn Tatarsky dưới quyền chỉ huy của tên thiếu uý Petro Melekhov đến thôn Ponomariev ngày mười một tháng năm lúc trời vừa rạng.
Bọn Cô-dắc vùng sông Tria đang lăng xăng chạy tới chạy lui trong thôn. Chúng dắt ngựa đi uống nước, kéo đàn kéo lũ ra đầu thôn. Petro cho chi đội của hắn đứng lại giữa thôn, ra lệnh xuống ngựa. Vài gã Cô-dắc bước tới trước mặt hắn.
- Các bạn đồng hương từ đâu đến đấy? - Một gã hỏi.
- Từ thôn Tatarsky.
- Các cậu đã muộn mất một chút… Không có các cậu bọn mình cũng tóm cổ được thằng Pochenkov rồi.
- Thế chúng nó đâu cả rồi? Đã giải đi chưa?
- Còn kia kìa! - Gã Cô-dắc khoát tay chỉ cái mái thoai thoải của hiệu tạp hoá, phá lên cười - Lốc nhốc một lũ như đàn gà trong chuồng ấy.
Khristonhia, Grigori Melekhov và vài người nữa bước tới.
- Nhưng bây giờ sẽ giải chúng nó đi đâu? - Khristonhia hỏi…
- Cho về với ông bà ông vải.
- Sao lại thế… Cậu nói bậy nói bạ cái gì thế? - Grigori nắm lấy tà áo ca-pôt của gã Cô-dắc.
- Bẩm quan lớn, ngài còn nói bậy nói bạ cừ hơn tôi nhiều! - Gã Cô-dắc trả lời ngạo nghễ rồi khẽ giật áo khỏi những ngón tay nắm rất chắc của Grigori. - Xem đấy, người ta đã sửa soạn phương tiện giao thông cho chúng nó rồi đấy. - Gã giơ tay chỉ cái giá treo cổ dựng giữa hai cây liễu khẳng khiu.
- Cho ngựa phân tán vào các nhà! - Petro ra lệnh.
Mây đen che kín bầu trời. Mưa rơi thưa thớt rất vang. Đàn ông đàn bà Cô-dắc lũ lượt kéo nhau ra đầu thôn. Dân chúng Ponomariev đã được báo tin là đến sáu giờ sẽ chấp hành án tử hình. Họ vui vẻ đến nơi như để xem một trò vui hiếm có. Đàn bà con gái Cô-dắc đều quần lành áo tốt như ngày hội, nhiều người còn đưa cả con đi. Đám người vây quanh bãi chăn công cộng, họ chen chúc quanh cái giá treo cổ và cái hố dài, sâu chừng một ác-sin. Bọn trẻ con dẫm loạn trên cái ụ đất sét ẩm chừng một ác-sin. Bọn trẻ con dẫm loạn trên cái ụ đất sét ẩm đắp ở một bên hố. Bọn đàn ông đứng túm tụm một chỗ, bàn tán sôi nổi về cuộc hành quyết sắp diễn ra. Bọn đàn bà xì xào một cách chua xót.
Tên đại uý Popop bước tới. Hắn ngủ đã đẫy giấc, mặt mày nghiêm nghị, điếu thuốc nhai nhai trong miệng cho thấy những cái răng thô chắc. Hắn ra lệnh cho bọn Cô-dắc trong đội canh gác giọng khàn khàn:
- Đuổi hết dân chúng ra khỏi cái hố! Bác Spiridorov giải tốp thứ nhất ra! Hắn xem đồng hồ lùi sang một bên nhìn đám dân chúng bị bọn canh gác dồn đuổi, lùi khỏi chỗ hành hình, cuối cùng vây lấp pháp trường thành một hình bán nguyệt sặc sỡ.
Spiridonov cùng một nhóm Cô-dắc đi nhanh đến tiệm tạp hoá. Đến giữa đường hắn gặp Petro Melekhov.
- Thôn ngài có ai tình nguyện không?
- Tình nguyện làm gì cơ chứ?
- Chấp hành bản án.
- Không có và không thể có đâu? - Petro trả lời gay gắt và đi vòng qua chỗ Spiridonov đứng ngáng đường.
Nhưng vẫn có những kẻ tình nguyện: Mitka Korsunov vuốt những sợi tóc mượt xoã xuống dưới cái lưỡi chai mũ cát-két, ngật ngưỡng bước tới trước mặt Petro. Hắn nheo hai con mắt long lanh, xanh như lá lau và nói;
- Tôi sẽ bắn. Sao lại bảo "không". Tôi nhận lời, - nói đến đây hắn đưa mắt nhìn xuống, mỉm cười - Nhưng cho tôi đạn. Tôi chỉ còn một kẹp thôi.
Tự nguyện xung vào đội xử bắn có nó, gã Andrey Kasulin với bộ mặt nhọt nhạt hết sức hung hãn và gã Fedot Bodovskov mặt như dân Kalmys.
Những tiếng thì thầm và xôn xao cố ghìm nén lan ra trong đám người rất đông đứng xen vai thích cánh khi tốp thứ nhất những người bị kết án bắt đầu rời khỏi tiệm tạp hoá.
Pochenkov đi đầu, chân không, với chiếc quần đi ngựa bằng dạ đen rộng thùng thình và cái áo da ngắn mở phanh. Anh đặt hai bàn chân vừa to vừa trắng xuống bùn một cách vững vàng, chợt trượt chân một cái, bèn hơi giơ tay trái ra để lấy lại thăng bằng.
Krivoslykov lê bước khó khăn bên cạnh Pochenkov, mặt nhợt nhạt như xác chết. Hai con mắt anh long lanh ráo hoảnh, miệng giật giật một cách đau khổ. Anh hất hất vai để sửa lại chiếc áo ca-pôt khoác trên lưng, có vẻ như đang lên một cơn lạnh khủng khiếp. Không hiểu sao hai người không bị lột áo ngoài trong khi các anh em khác chỉ còn có áo lót. Buntruc bước thình thịch, Laguchin chạy lon ton bên cạnh anh. Cả hai đều đi chân không. Chiếc quần lót của Laguchin bị rách hở một bắp chân với làn da vàng ệch, lông mọc lơ thơ. Anh vừa đi vừa ngượng nghịu xốc bên ống quần rách, môi run lập bập.
Buntruc ngó qua đầu mấy tên áp giải, nhìn về phía trời xa mây xám mịt mùng. Hai con mắt tỉnh táo và lạnh lùng của anh hấp háy một cách căng thẳng như chờ đợi điều gì, anh luồn bàn tay to bè bè vào cổ chiếc sơ-mi mở phanh, gãi bộ ngực lông lá rậm rì, mặt có vẻ như đang chờ cái gì rất thú vị nhưng không thể nào thực hiện được…
Một số người còn giữ được trên nét mặt một vẻ tựa như phớt lạnh. Orlov người chiến sĩ Bolsevich râu tóc bạc phơ hiên ngang nhổ xuống chân bọn Cô-dắc. Song cũng có hai ba người cho thấy tất cả nỗi đau buồn âm ỉ trong con mắt và một sự kinh hoàng không bờ bến trên những khuôn mặt méo xệch, làm những tên áp giải cũng phải quay đi không dám nhìn mỗi khi bắt gặp con mắt của họ.
Đoàn người đi khá nhanh. Krivoslykov chốc chốc lại trượt chân, Pochenkov phải đỡ anh. Họ đi mỗi lúc một gần tới đám đông.
Những chiếc khăn bịt đầu trắng trắng hiện lên lốm đốm giữa cả một cái biển những mũ cát-két xanh xanh đỏ đỏ. Pochenkov gườm gườm nhìn đám người, vặc một câu hết sức tục tĩu, nhưng bỗng nhiên anh bắt gặp cặp mắt Laguchin liếc nhìn mình bèn hỏi:
- Cậu nhìn gì thế?
- Có mấy hôm nay mà tóc cậu bạc phơ… Bọn chó má chúng nó đã cắn xé cậu xơ xác như thế nầy rồi…
- Tất nhiên tóc phải bạc ra chứ còn gì nữa, - Pochenkov thở một cách nặng nề, anh lau mồ hôi trên vừng trán hẹp, nhắc lại. - Gặp chuyện thú vị thế nầy thì tóc phải bạc ra chớ còn gì nữa. Con chó sói mất tự do, lông nó còn trắng ra, huống chi mình lại là con người.
Hai người không nói thêm gì nữa. Đã tiến tới sát đám đông. Ở bên phải, anh em đã nhìn thấy màu đất sét vàng vàng của cái rãnh đào làm huyệt. Spiridonov ra lệnh:
- Đứng lại!
Pochenkov tiến ngay thêm một bước, đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn một lượt mấy hàng đầu của đám dân chúng: phần lớn là những kẻ râu bạc phơ hoặc đã hoa râm. Bọn cựu chiến binh đứng lui cả về phía sau: lương tâm chúng cũng có cắn rứt. Hai hàng ria chảy xễ của Pochenkov rung rung, anh nói giọng âm thầm nhưng rõ ràng:
- Thưa các cụ bô lão! Xin các cụ cho phép tôi và Krivoslykov được xem anh em đồng chí của chúng tôi tiếp nhận cái chết như thế nào, rồi sẽ treo cổ hai chúng tôi lên sau cũng được. Trong lúc nầy chúng tôi muốn nhìn thấy anh em đồng chí của mình lần cuối cùng và khuyến khích nâng đỡ những người tinh thần yếu đuối.
Tất cả lặng đi, nghe thấy cả tiếng những giọt mưa rơi xuống những chiếc mũ cát-két.
Tên đại uý Popop đứng phía sau mỉm cười, nhe hai hàm răng vàng khè vì khói thuốc lá. Hắn không phản đối. Bọn bô lão hò hét loạn lên:
- Chúng tôi cho phép!
- Cho hai đứa sống thêm vài phút!
- Lôi chúng nó ra khỏi cái hố!
Krivoslykov và Pochenkov bước tới chỗ đám người, bọn bô lão lánh ra, dành một lối đi nhỏ trước mặt hai người. Hai người đứng lại ở một chỗ không xa lắm và bị lèn như nêm giữa những con người đứng quanh từ phía với hàng trăm cặp mắt nhìn chằm chằm đầy vẻ thăm dò. Hai người nhìn bọn Cô-dắc lúng túng bắt anh em Xích vệ đứng quay lưng vào cái hố. Pochenkov nhìn thấy rất rõ.
Krivoslykov cứ phải kiễng chân vươn cái cổ ngẳng chưa cạo râu ra nhìn.
Buntruc đứng ở cuối hàng bên trái. Anh gù gù lưng, thở nặng nề, mắt dán xuống đất, mãi chẳng thấy ngửng đầu lên. Bên cạnh Buntruc, Laguchin khom người cố kéo vạt áo sơ-mi xuống che chỗ quần rách. Người thứ ba là anh chàng Ichnát người trấn Tambobskaia, rồi đến Vanca Bondyrev thay đổi đến không nhận ra được nữa vì có vẻ như già đi ít nhất hai mươi tuổi. Pochenkov đăm đăm nhìn người thứ năm: anh nhận ra rất khó khăn Matvey Sarcmatov, chàng Cô-dắc trấn Kazanskaia đã cùng anh chia xẻ mọi nỗi buồn từ hồi ở Kamenskaia. Thêm hai người nữa bước tới miệng hố rồi quay lưng lại Petro Luxikov cười một cách rất khiêu khích, rất ngang ngược, thét lên chửi những lời rất tục tĩu và giơ nắm tay bẩn thỉu lên đe đám dân chúng lúc nầy đã lặng đi. Koretkov thì cứ ngậm tăm. Người cuối cùng thì bọn kia phải xốc tay lôi đi. Anh ta ưỡn người ra, hai bàn chân không có sức sống thõng xuống kéo trên mặt đất, hai tay bám chắc lấy những tên Cô-dắc đang lôi mình đi, anh ta lắc đi lắc lại khuôn mặt đầm đìa nước mắt, vừa cố giằng ra, vừa kêu lên khàn khàn:
- Tha cho tôi, anh em ơi! Tha cho tôi, hãy vì Chúa mà tha cho tôi!
- Anh em ơi! Anh em thân mến ơi? Anh em làm gì thế nầy? Tôi đã được thưởng bốn huân chương trong trận chiến tranh chống Đức!
- Tôi còn mấy đứa con nhỏ? Lạy chúa tôi, tôi làm gì nên tội? Lạy Chúa tôi, sao mà anh em lại thế?
Một gã Cô-dắc cao lớn trước kia ở trung đoàn Atamansky đưa đầu gối huých vào ngực anh ta, đẩy anh ta tới miệng hố. Mãi lúc nầy Pochenkov mới nhận ra người vừa giằng nhau với bọn kia và bất giác thất kinh: đó là một trong những chiến sĩ Xích vệ gan dạ nhất, người trấn Migulinskaia, tuyên thệ vào lính năm 1910, đã được thưởng huân chương thánh Gioóc cả bốn hạng. Bọn kia xốc anh ta đứng lên, nhưng anh ta lại ngã lăn ra, bò lết dưới chân bọn Cô-dắc, và vừa áp cặp môi khô nẻ vào những chiếc ủng của chúng, những chiec ủng đá vào mặt mình, vừa khẩn khoản van lơn bằng một giọng khàn khàn nghe đến là khủng khiếp:
- Anh em đừng giết tôi! Hãy rủ lòng thương lấy tôi! Tôi còn ba đứa, còn ba đứa con nhỏ… một đứa con gái nhỏ… Các anh em ruột thịt của tôi ơi!
Anh ta ôm lấy đầu gối tên lính trung đoàn Atamansky, những tên nầy vùng ra, nhảy lui lại rồi vung chân đá cái đế ủng đóng cá sắt vào tai anh ta. Như từ trong một cái ống, máu ở tai bên kia toé ra, chảy lênh láng xuống cái cổ áo trắng.
- Lôi nó đứng dậy! Spiridonov điên tiết quát lên.
Cuối cùng bọn Cô-dắc cũng đại khái lôi được anh dậy, đỡ cho đứng thẳng rồi bỏ chạy ra chỗ khác. Trong hàng trước mặt, những tên tình nguyện làm đao phủ đã giương súng sẵn sàng. Đám dân chúng ồ lên một tiếng rồi nín lặng. Có người đàn bà rú lên một tiếng rùng rợn…
Buntruc còn muốn nhìn lại gần nữa màn mây mù xám xịt trên trời và mảnh đất sáu thảm trên đó anh đã rong ruổi hai mươi chín năm ròng. Nhưng anh vừa ngửng đầu lên thì thấy cách mình năm mươi bước có một hàng những tên Cô-dắc đứng sát nhau và một thằng to lớn có hai con mắt xanh lè nheo nheo và món tóc xoã dưới lưỡi chai xuống vừng trán hẹp trắng, đang ngả người về phía trước, mím chặt môi, nhằm vào anh, vào Buntruc, vào đúng ngực. Trước khi phát súng nổ, một tiếng rú kéo dài xé mang tai Buntruc. Anh kịp quay đầu nhìn thấy một người đàn bà còn trẻ, mặt đầy tàn hương, nhảy ra khỏi đám người để vùng chạy về thôn, một tay áp chặt đứa con vào ngực, còn tay kia bịt mắt nó.
Sau khi loạt súng nổ loạn xạ, khi tám người đứng trên miệng hố đã ngã vật xuống, những tên vừa nổ súng chạy tới bên cái hố.
Mitka Korsunov nhìn thấy người chiến sĩ Xích vệ vừa bị hắn bắn còn cố vùng lên, tự cắn vào vai mình, bèn bồi thêm cho anh ta một phát và khẽ bảo Andrey Kasulin:
- Cậu xem cái thằng quỷ sứ nầy, nó cắn vào vai nó đến chảy máu và chết như một con sói, không một tiếng kêu.
Thêm mười người bị kết án nữa bị báng súng thúc vào lưng phải đi tới miệng hố…
Sau loạt súng thứ hai bọn đàn bà đều kêu thét lên, len ra khỏi đám đông, xô nhau dắt con bỏ chạy. Có cả những tên đàn ông cũng bắt đầu bỏ về. Cái cảnh giết chóc đáng kinh tởm ấy, tiếng kêu rên của những người ngắc ngoải, tiếng la thét của những người chờ chết, tất cả cái cảnh tượng thê thảm và gớm ghiếc ấy đã làm cho người ta không thể nào ở lại được nữa. Những kẻ còn nán lại chỉ là những tên cựu chiến binh đã chứng kiến quá nhiều chết chóc cùng những tên bô lão hung hăng điên cuồng nhất.
Những nhóm chiến sĩ Xích vệ khác bị dẫn tới, chân không, quần áo ngoài bị lột hết. Bọn đao phủ tình nguyện cũng được thay thế.
Những loạt súng nổ lên ầm ầm, những phát súng lẻ đì đẹt khô khan.
Những người chưa chết bị bắn thêm cho chết hẳn. Trong giờ nghỉ, đống xác chết đầu tiên được đổ đất lấp quàng quấy.
Pochenkov và Krivoslykov đi đến chỗ những người đang chờ lượt, định tìm lời khuyến khích, những lời nói không còn ý nghĩa như ngày thường nữa rồi. Trong giây phút nầy, khi mà chỉ một phút nữa tính mạng của họ sẽ bị đứt đoạn như cái lá gãy cuống trên cây, thì con người chịu quyền chi phối của những cái gì khác.
Grigori Melekhov đang len qua đám người bắt đầu tan tác, định về thôn thì bất ngờ chạm trán với Pochenkov. Hai người mặt giáp mặt. Pochenkov lùi một bước, nheo mắt hỏi:
- Cả cậu cũng ở đây à, Melekhov?
Grigori đứng lại, mặt tái xám đi.
- Có ở đây! Như anh thấy đấy…
- Tôi thấy… - Pochenkov nhếch mép cười, nhìn thẳng vào bộ mặt nhợt nhạt của Grigori với cả một lòng căm hờn bất thần nổ bùng ra.
- Sao thế, bắn vào anh em mình à? Thay lòng đổi dạ rồi à? Té ra cậu là con người như thế đấy… Pochenkov tiến sát tới trước mặt Grigori, khẽ nói - Làm cho cả bên nầy lẫn bên kia à? Chà, cái thằng!
Grigori nắm lấy tay áo Pochenkov, vừa thở hổn hển vừa hỏi:
- Anh còn nhớ trận đấu ở gần Glubokaia không? Có còn nhớ cuộc bắn giết bọn sĩ quan không… Họ đã bị giết chính là theo lệnh của anh. Có đúng không? Bây giờ thì phải chịu lấy hậu quả! Thôi đừng đau khổ làm gì! Thế là không còn giở được trò gì nữa nhé, ông chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông ạ! Đồ khốn kiếp, mày đã đem người Cô-dắc bán rẻ cho bọn Do thái! Đã hiểu chưa? Còn muốn nói gì nữa không?
Grigori như hoá điên hoá ngộ, Khristonhia ôm lấy chàng lôi ra chỗ khác.
- Đi lấy ngựa thôi. Đi đi! Mình với cậu chẳng ở đây làm gì nữa.
Lạy Chúa tôi, cũng là con người, sao lại làm như thế…
Hai người đã bỏ đi, nhưng chợt nghe thấy tiếng Pochenkov nói, bèn đứng lại. Đứng giữa những tên cựu chiến binh và bô lão vây kín chung quanh, Pochenkov thốt lên sang sảng, giọng đầy nhiệt tình:
- Các người tăm tối… các người mù quáng! Các người mù cả rồi! Bọn sĩ quan đã lừa dối các người, chúng nó đã bắt các người giết hại anh em ruột thịt của mình? Các người tưởng rằng giết được chúng tôi là mọi việc đều chấm dứt phải không? Không đâu! Hôm nay các người chiếm được phần thắng, nhưng chỉ ngày mai người ta sẽ đem các người ra xử bắn thôi! Chính quyền Xô viết sẽ được thành lập trên khắp nước Nga. Các người hãy nhớ lấy lời tôi nói! Các người đang làm đổ máu đồng bào mình một cách vô ích! Các người thật là một bọn ngu xuẩn~
- Đối với những thằng như chúng mày thì chúng tao phải làm như thế mới được? - Một lão già nhảy chồm lên.
- Nầy ông bô ơi, bắn sao được tất cả mọi người? - Pochenkov mỉm cười - Không thể treo cổ được hết nhân dân Nga đâu. Liệu liệu mà giữ lấy cái đầu! Sau nầy các người hối lại thì đã quá muộn!
- Mày chớ có doạ chúng tao?
- Tôi không doạ đâu. Tôi chỉ vạch cho các người thấy con đường phải đi thôi.
- Nầy Pochenkov, chính anh mới là thằng mù! Moskva đã làm cho hai con mắt anh mù mất rồi.
Không chờ nghe hết những lời qua tiếng lại, Grigori gần như chạy tế về cái sân buộc con ngựa đang cuống lên vì nghe thấy những tiếng súng nổ. Grigori và Khristonhia, buộc chặt đai bụng ngựa, cho phi nước đại ra khỏi thôn, vượt qua ngọn gò, không ngoái đầu lại nữa.
Trong khi đó ở Ponomariev, khói đạn vẫn cứ tuôn ra theo từng phát súng: những người Cô-dắc ở Vosenskaia, Karginskaia, Bokovskaia, Krasnokurskaia, Miliuchinskaia bắn giết những người Cô-dắc ở Kazanskaia, Migulinskaia, Radorcskaia, Kumsakaia, Baklanovskaia.
Cái hố đã đầy đến miệng. Bọn Cô-dắc lấp đất lên rồi lấy chân giậm. Hai tên sĩ quan đeo mặt nạ đen nắm lấy Pochenkov và Krivoslykov, đẩy đến trước cái giá treo cổ.
Pochenkov dũng cảm và kiêu hãnh ngửng cao đầu, bước lên chiếc ghế đẩu, cởi khuy áo sơ-mi, phanh cái cổ ngăm ngăm to đần đẫn, rồi tự tay lồng cái vòng thòng lọng có bôi xà phòng vào cổ, không một bắp thịt nào trên người anh run. Krivoslykov bị chúng kéo đi, một tên sĩ quan đỡ anh leo lên chiếc ghế đẩu, và anh cũng tự tay lồng cái vòng thòng lọng.
- Xin cho phép tôi nói một lời trước khi chết! - Pochenkov đề nghị.
- Cứ nói đi!
- Xin mời! - Bọn cựu chiến binh kêu lên.
Pochenkov khoát tay chỉ đám người đã thưa nhiều:
- Các người hãy trông, những người muốn ở lại xem chúng tôi chết còn được bao nhiêu? Lương tâm cắn rứt mà! Chúng tôi đã vì nhân dân lao động, vì quyền lợi của nhân dân lao động mà chiến đấu với bè lũ tướng tá chó má, không ngại hy sinh tính mạng, thế mà bây giờ sắp phải chết dưới bàn tay các người đây! Nhưng chúng tôi không nguyền rủa các người! Các người là những kẻ bị lừa dối một cách cay đắng? Cho đến khi chính quyền cách mạng được thiết lập, các người sẽ thấy rõ chân lý ở về bên nào. Các người đã đem những con người ưu tú nhất cả vùng sông Đông vùi dưới cái hố nầy…
Những tiếng lao xao mỗi lúc một to, những lời Pochenkov nói không rõ nữa. Một tên sĩ quan lợi dụng tình thế đó đạp một cái rất lẹ chiếc ghế đẩu dưới chân Pochenkov bắn ra. Cả cái thân hình hộ pháp nặng như đá của anh ngả nghiêng rồi rơi thõng xuống, nhưng hai chân văn còn chạm đất. Cái vòng thòng lọng thít vào cổ làm Pochenkov tức thở, bắt anh phải dướn người lên. Anh ấn mười ngón chân to tướng của hai bàn chân không giầy không tất lên lớp đất ẩm đã bị dẫm nát, cố kiễng lên để hít lấy chút không khí, rồi đưa cặp mắt lồi hẳn ra ngoài nhìn đám người đứng im thin thít, khẽ nói:
- Chúng nó còn chưa học được cách treo cổ người ta… Nầy Spiridop, nếu tao treo cổ mầy, thì chân mầy không chạm tới đất đâu.
Rớt rãi chảy ra đầm đìa từ miệng Pochenkov. Hai tên sĩ quan đeo mặt nạ và mấy gã Cô-dắc đứng gần đấy bấn cả lên, hì hục mãi mới nâng được cái thân hình nặng chịch và đã hoàn toàn kiệt sức của Pochenkov lên chiếc ghế đẩu.
Krivoslykov cũng không được chúng để cho nói hết lời: chiếc ghế đẩu văng ra khỏi chân anh, đập vào một cái xẻng không biết có tên nào ném lại đấy. Cái thân hình khô đứt, không chút mỡ thừa của anh đung đưa rất lâu, hết co rúm lại như con tôm, đầu gối chạm vào cằm, lại duỗi thẳng ra trong cơn giãy chết. Trong lúc Krivoslykov còn co giật, cái lưỡi đen sịt thè lè sang một bên mép còn ngọ nguậy thì chiếc ghế dưới chân Pochenkov lại bị đá bật ra lần thứ hai. Cái thân hình nặng nề của anh lại rơi thõng xuống, đường chỉ trên vai bục ra, và đầu ngón chân anh lại chạm đất. Đám Cô-dắc đồng thanh khẽ kêu lên. Một số vừa làm dấn phép vừa bỏ đi. Tất cả số còn lại đều bối rối hoảng hốt đến nỗi cứ đứng đực ra một lát như bị mạ ám, và cứ nhìn bộ mặt xạm lại như màu gang của Pochenkov với một tâm trạng không phải không khiếp hãi.
Có người chợt nghĩ ra một cách là lấy xẻng bới, bèn vội vã xúc đi những cục đất dưới chân Pochenkov, và sau mỗi nhát xẻng, người anh chàng thõng xuống thẳng hơn, cổ anh càng vươn ra dài hơn, và cái đầu có bộ tóc hơi xoăn của anh càng ngật ra sau lưng. Sợi chão khó nhọc lắm mới chịu nổi cái trọng lượng sáu pút. Cái giá kêu răng rắc, hơi đưa đi đưa lại và theo nhịp lắc đều đặn của cái giá, Pochenkov từ từ quay ra tứ phía, tựa như muốn giơ cho bọn sát nhân xem bộ mặt tím đen và bộ ngực đầm đìa những dòng nước dãi và nước mắt nóng hổi của mình.
Chương 120
PHẦN 5
Mãi đến thứ hai Miska Kosevoi và "Bồi" mới ra khỏi trấn Karginskaia. Sương mù sủi ngầu trên đồng cỏ, cuộn lên trong các khe núi, luồn xuống các vùng đất trũng, phủ kín những chỗ nhô ra từ các vách dốc đứng. Những nấm kurgan hiện lên mờ mờ sau làn sương mù. Cun cút kêu ríu rít trong đám cỏ non. Mặt trăng bập bềnh trôi trên bầu trời cao ngất như đoá hoa sen đã nở hết trong một cái đầm mọc đầy cỏ lác và bàng tử.
Hai người đi đến khi trời rạng. Chòm sao Đại tiểu hùng tinh đã mờ đi. Sương bắt đầu rơi. Đã gần tới thôn Hạ Yablonovsky. Nhưng giữa lúc ấy, khi chỉ còn cách cái thôn nầy ba vec-xta, bọn Cô-dắc đã đuổi kịp hai người trên đường xuống đồi. Sáu tên cưỡi ngựa đã lần theo vết chân, đuổi theo. Miska và "Bồi" đã chạy lao sang bên cạnh đường nhưng cỏ quá thấp, trăng lại sáng… Thế là hai người bị chúng tóm được và giải trở về. Cả đám đi chừng một trăm xa-gien chẳng nói chẳng rằng. Sau đó đùng lên một phát súng… "Bồi" loạng choạng, đi mỗi lúc một nghiêng sang một bên, như con ngựa sợ cái bóng của nó. Rồi "Bồi" không ngả mà chỉ như nằm xuống một cách vụng về, mặt rúc vào một đám ngải cứu xanh xanh xám xám.
Miska đi thêm chừng năm phút, không còn cảm thấy cơ thể mình nữa, hai tai ù lên, như có tiếng chuông, chân bước trên mặt đất khô mà cứ như thụt xuống bùn. Cuối cùng Miska hỏi:
- Sao chưa bắn đi, lũ chó đẻ? Còn làm khổ người ta gì nữa?
- Đi đi đi đi. Nhưng im cái mồm! - Một Cô-dắc nói giọng nhẹ nhàng. - Thằng mu-gích đã bị khử rồi, nhưng cậu thì chúng tớ thương. Trong cuộc chiến tranh chống Đức cậu ở trung đoàn Mười hai à?
- Phải. Mười hai.
- Cậu sẽ lại về trung đoàn Mười hai thôi. Cậu còn trẻ. Mới lầm lỡ một chút, chưa tai vạ gì lắm. Bọn mình sẽ chữa cho!
Ba ngày sau toà án quân sự dã chiến trấn Karginskaia đã "chữa" cho Miska thật. Hồi ấy toà án chỉ có hai hình thức trừng phạt là xử bắn và đánh bằng roi. Đối với những người bị tuyên án bắn thì ban đêm bọn Cô-dắc lôi họ ra ngoài trấn, tới sau nấm kurgan Pertranuri, còn những người được coi là còn có hy vọng cải tạo thì chúng trừng trị bằng cách lấy roi quật trước công chúng trên bãi họp.
Hôm chủ nhật ấy, từ lúc sáng sớm, dân chúng vừa thấy một chiếc ghế dài được kê ra giữa bãi là họ bắt đầu đổ tới. Không những trên bãi đông nghịt mà người ta còn đứng đầy các quầy hàng, trên những tấm ván kê bên các nhà kho, trên nóc các ngôi nhà và các cửa hiệu.
Kẻ đầu tiên bị đánh đòn là Alexandrov, con trai lão cố đạo ở Grachevskaia. Anh chàng nổi tiếng là một tay Bolsevich rất hăng, luận tội đáng bị xử bắn, nhưng bố lại là một lão cố đạo tốt, được mọi người kính trọng, vì thế toà án chỉ quyết định đánh thằng con hai chục roi thôi. Người ta lột quần Alexandrov, rồi đặt anh chàng không quần không khố như thế nằm sấp trên chiếc ghế dài, hai tay bị trói bên dưới chiếc ghế. Một gã Cô-dắc ngồi lên chân Alexandrov, hai gã nữa cầm hai bó nhánh liễu đứng hai bên. Bị đánh xong, Alexandrov phủ bụi bẩn trên người, kéo quần lên vái tứ phương, rồi mừng rơn vì thấy mình không bị đem xử bắn lại cúi đầu chào lấy chào để và cám ơn:
- Xin cám ơn các cụ bô lão?
- Mặc quần lại cho cẩn thận đi! - Một người trả lời.
Tiếng cười rộ lên khắp cái bãi họp, đến nỗi mấy anh chàng bị bắt ngồi ngay gần đấy, trong một nhà kho, cũng phải cười.
Chiều theo lời tuyên án. Miska bị nện hai mươi roi. Nhưng cái đau vì bị làm nhục còn rát hơn cái đau vì ăn roi nhiều. Nhân dân cả trấn, già trẻ lớn bé đều giương mắt nhìn mình. Miska xốc chiếc quần đi ngựa, thiếu chút nữa thì oà lên khóc. Anh bảo gã Cô-dắc vừa đánh mình:
- Thật chẳng còn ra thể thống gì nữa.
- Nhưng sao vậy?
- Đầu làm đít chịu. Nhục nhã suốt một đời.
- Không sao, cái nhục không phải là khó, nó không làm cay mắt đâu - Gã Cô-dắc kia an ủi Miska rồi như muốn làm vui lòng người bị trừng phạt, gã nói thêm - Kể ra cậu cũng là một thằng cứng rắn đấy chứ: đã hai lần mình quật thẳng tay, định bắt cậu phải kêu lên… Nhưng sao mình cũng thấy rằng một thằng thế nầy thì không thể nào bắt nó kêu được. Hôm nọ bọn mình quật một thằng, con ông cụ bĩnh cả ra quần. Cái thằng đến là yếu bụng yếu dạ.
Ngay hôm sau, chiếu theo lời tuyên án, Miska bị tống ra mặt trận.
Sau đó hai ngày, xác "Bồi" mới được chôn cất. Hai gã Cô-dắc bị tên ataman phái đi đào một cái huyệt nông hoen hoẻn rồi thõng chân xuống huyệt ngồi nghỉ, hút thuốc rất lâu.
- Đất chỗ nầy rắn khiếp, - một gã nói.
- Rắn như thép ấy! Xưa nay có cày bao giờ đâu, lâu ngày lại càng rắn.
- Phải… cái thằng nầy được một chỗ thật là đắc địa, ngay trên đỉnh… Gió lồng lộng, khô ráo, quang đãng… Chắc hẳn cũng lâu mới rữa đấy.
"Bồi" nằm áp mặt xuống lớp cỏ. Hai gã đưa mắt nhìn anh rồi đứng dậy:
- Lột ủng nó chứ?
- Còn sao nữa, đôi ủng của nó còn tốt đấy.
Hai gã đặt "Bồi" xuống huyệt theo đúng ghi thức của đạo Thiên chúa: đầu quay về hướng tây, rồi lấp chất đất đen chắc quánh lên.
- Dẫm thêm cho chặt nhé? - Gã còn trẻ thấy đắp đã được ngang huyệt bèn hỏi - Chẳng cần, thế nầy cũng được rồi, - Gã kia thở dài. - Khi nào các thiên sứ thổi kèn báo ngày phán xét cuối cùng, nó sẽ đứng dậy nhanh hơn.
Nửa tháng sau cỏ sa tiền và ngải cứu non đã mọc trên nấm mồ nhỏ xíu. Yến mạch dại đã kết bông trên đó, sơn giới cũng nở những đám hoa vàng xum xuê ngay bên cạnh. Cỏ sông Đông rủ những đám lá mung lung như khói thuốc lá. Bạc hà, đại tái và châu quả toả hương thơm phức. Chẳng bao lâu từ cái thôn gần đấy có một ông cụ đến bới một cái hố trên đầu ngôi mộ, trồng một cái cột bằng gỗ sồi mới bào và đặt lên đó một cái bàn thờ nhỏ có mái. Bên dưới cái mái che hình tam giác thấy hiện ra trong bóng tối nét mặt hiền hậu đầy đau khổ của Đức mẹ và trên thành gỗ của cái mái có dòng chữ đen kẻ không trau chuốt lắm bằng chữ Slavơ:
Năm loạn lạc con người đồi trụy,
Anh em nhà chớ xử án nhau.
Ông cụ không còn nữa nhưng cái miếu nhỏ vẫn còn lại trên đồng cỏ. Cái vẻ đau thương của nó mãi mãi còn đập vào mắt những người đi bộ hay cưỡi ngựa qua, gây trong lòng họ một nỗi buồn man mác.
Và sau đó, đến tháng Năm, có mấy con gà nước đến đánh nhau bên cái miếu, dẫm phẳng một khoảng ngải cứu xanh lơ, làm nát cả đám cỏ mao rất dày đang chín bông: chúng đánh nhau để tranh nhau con mái, vì quyền sống, vì ái tình, vì sự sinh con đẻ cái. Nhưng chỉ ít lâu sau, cũng gần cái miếu ấy, dưới một nấm đất, dưới một bụi ngải cứu già lờm xờm, một con gà nước cái đẻ chín quả trứng màu xanh lốm đốm, đẻ xong nó đem cả hơi ấm của mình ra ấp và xoè đôi cánh bóng nhoáng bảo vệ chín quả trứng ấy.
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/