Phần 6
Đến tháng Tư năm 1918 trên vùng sông Đông đã hoàn thành một sự phân hoá lớn: bọn cựu chiến binh các khu miền Bắc: Khopesky, Ust-Medvedisky và một phần Đông Thượng đi theo các đơn vị Hồng quân rút lui. Còn bọn Cô-dắc các khu phía dưới thì truy kích họ, dồn họ về phía địa giới Quân khu.
Dân Khopesky theo Hồng quân gần hết, dân Ust-Medvedisk theo một nửa, còn dân Đông Thượng thì chỉ theo một số không đáng. Mãi đến năm 1918, lịch sử mới dứt khoát tách rời dân miền trên với dân miền dưới. Nhưng mầm mống của sự phân hoá nầy đã có từ mấy trăm năm trước, hồi những người Cô-dắc ít của ăn của để ở các khu miền Bắc, không có những vùng đất màu mỡ ở ven biển Azov, cũng không có những vườn nho, những khu săn bắn và đánh cá giàu có, thỉnh thoảng lại rời bỏ Cherkask, ngang ngạnh tràn vào những vùng đất của Đại Nga để cướp phá và trở thành dinh luỹ hết sức chắc chắn của tất cả các cuộc nổi loạn, từ Radin tới Xecat.
Ngay đến thời gian gần đây, trong khi toàn Quân khu chỉ âm ỉ phẫn nộ dưới bàn tay đàn áp của kẻ thống trị, người dân Cô-dắc các khu trên đã công khai nổi lên bạo động, và dưới sự lãnh đạo của các ataman, họ đã làm lung lay nền tảng của ngai vàng: họ chiến đấu chống lại quân đội nhà vua, cướp những đoàn thuyền trên sông Đông, tràn sang vùng sông Vônga, kích động vùng Zaproroge đã bị đánh bại nổi dậy.
Đến cuối tháng Tư, Hồng quân phải bỏ hai phần ba vùng sông Đông. Sau khi mọi người đã thấy rõ là cần phải thành lập một chính quyền Quân khu, những tên chỉ huy các nhóm vũ trang chiến đấu ở miền Nam bèn đề nghị triệu tập hội nghị Cơ-rúc. Chúng quyết định đến ngày 28 tháng Tư sẽ triệu tập các uỷ viên Chính phủ lâm thời sông Đông cùng đại biểu các trấn và các đơn vị quân đội đến họp đại hội ở Novocherkask.
Thôn Tatarsky nhận được thông tin của ataman trấn Vosenskaia báo cho biết là ngày 22 tháng nầy ở Vosenskaia sẽ họp đại hội đại biểu nhân dân toàn trấn để bầu đại biểu đi họp Cơ-rúc Quân khu.
Miron Grigorievich Korsunov đọc tờ thông tri trước đại hội thôn. Thôn đã cử lão, lão Bogatyrev và ông Panteley Panteley Prokofievich cũng được bầu đi họp Cơ-rúc. Ngay hôm ấy ở Vosenskaia về và hôm sau quyết định cùng với thông gia lên Minlerovo để có thể tới Novocherkask kịp ngày Grigorievich cần đi Minlerovo để mua dầu lửa, xà phòng và vài thứ khác cần dùng cho công việc trong nhà, nhân tiện lão cũng muốn kiếm chác chút ít bằng cách giúp lão Mokhov mua những cái rây và hợp kim babit 1 cho nhà máy xay.
Hai người ra đi lúc trời vừa rạng. Cặp ngựa huyền của Miron Grigorievich kéo chiếc xe bốn bánh chạy băng băng. Hai ông thông gia ngồi bên nhau trong cái thùng xe sơn hoa lòe loẹt. Sau khi xe chạy lên gò, câu chuyện mỗi lúc một thêm mê mải. Đang có quân Đức đóng ở Minlerovo, vì thế Miron Grigorievich không khỏi có phần lo lắng. Lão hỏi:
- Thế nào, ông thông gia, quân Đức chúng nó có làm phiền gì chúng ta không nhỉ? Cái quân ấy tồi tệ lắm đấy, tọng cho chúng nó cái gọng xe vào mồm!
- Không đâu, - Ông Panteley Prokofievich nói cho lão kia yên lòng. - Hôm kia bác Matvey Kasulin lên trên ấy về, có bảo là quân Đức nhát như cáy… Chúng nó sợ không dám động đến người Cô-dắc đâu!
- Ông nghĩ cũng hay đấy nhỉ! - Miron Grigorievich cười gằn sau chòm râu đỏ như lông cáo, nghịch nghịch một lát cái roi ngựa có cái cán bằng gỗ anh đào. Rồi lão chuyển sang chuyện khác vì xem ra đã vững tâm - Ông nghĩ sao, chúng ta sẽ lập nên một chính quyền như thế nào bấy giờ.
- Chúng ta sẽ chọn lấy một vị ataman. Một người của chúng ta! Một người Cô-dắc!
- Cầu Chúa cho được như thế! Các ông hãy cố chọn lấy người tốt nhất! Các ông tướng ấy, các ông phải sờ nắn xem xét thật kỹ, như bọn Di-gan chọn ngựa ấy. Chớ để lọt vào một của vứt đi.
- Chúng ta sẽ lựa chọn. Vùng sông Đông nầy chưa đến nỗi thiếu những đầu óc thông minh.
- Phải đấy, phải đấy, ông thông gia thân mến ạ… Người thông minh cũng như những kẻ ngu xuẩn, họ mọc lên có cần phải gieo hạt đâu - Miron Grigorievich nheo nheo mắt, bộ mặt lấm tấm tàn hương của lão thoáng vẻ buồn. - Thằng Mitka nhà tôi, vốn là tôi cũng muốn lo cho nó nên thân nên người một chút, cũng muốn nó học hành để làm sĩ quan, nhưng ngay đến trường tiểu học nhà chung nó cũng chẳng được tốt nghiệp, mới theo đuổi hơn một năm đã trốn học rồi.
Hai người cùng lặng đi một lát và cùng nghĩ tới mấy đứa con trai giờ phút nầy đang rong ruổi không biết nơi đâu theo vết người Bolsevich. Chiếc xe chạy long lên như đang cơn sốt rét trên quãng đường mấp mô. Con ngựa huyền bên phải chợt đạp móng sau lên móng trước, những cái cá sắt chạy chưa mòn kêu lách cách. Thùng xe xóc mạnh. Hai ông thông gia ngồi sát sạt cứ cọ sườn vào nhau như hai con cá mùa đẻ trứng.
- Mấy thằng Cô-dắc nhà chúng ta không biết đang ở nơi nào nhỉ? - Ông Panteley Prokofievich thở dài.
- Đã tiến dọc theo sông Khop. Thằng Fedot Kalmys vừa ở Kumyngienskaia về, con ngựa của nó đã bị giết. Nó có bảo hình như đang tiến quân tới thị trấn Chisanskaia thì phải.
Hai người lại nín lặng một lát. Gió hiu hiu thổi, rùng cả lưng. Phía sau, bên kia sông Đông, những cánh rừng, những bãi cỏ, những cái hồ, những cánh đồng xơ xác cháy rực, lặng lẽ và huy hoàng dưới ánh mặt trời hồng hồng lúc bình minh như một đống lửa. Ngọn đồi cát nằm thườn thượt như một mảng mật vàng trong tầng tổ ong. Vài cái gò nhấp nhô hơi loáng áng đồng đen, nom như những cái bướn lạc đà Mùa xuân đến không đều với muôn vật. Những cánh rừng màu ngọc lam đã thay một bộ cánh xanh lá cây sẫm rất diêm dúa. Đồng cỏ bắt đầu nở hoa. Nước lũ rút đi để lại trên bãi cỏ hoang ven sông Đông vô số những vũng nước nhấp nhoáng. Nhưng sau mùa tuyết tan, trong vài cái khe dưới chân những khoảng dốc dứng, vẫn còn những đám tuyết nham nhở trắng loá một cách rất khêu gợi, nằm áp lên mặt đất sét.
Hôm sau, lúc trời sắp hoàng hôn, hai người đến Minlerovo nghỉ đêm ở nhà một người Ukraina quen biết, ngôi nhà được xây ngay cạnh bức tường nâu xịt của kho thóc cơ giới hoá. Sáng hôm sau, ăn sáng xong. Miron Grigorievich thắng ngựa vào xe để lên tiệm. Khi vượt qua đường sắt, lão không gặp trở ngại gì nhưng đến đấy thì lần đầu tiên trong đời lão trông thấy mấy tên Đức. Ba tên Landsturm 2 chạy ra chặn đường lão. Một tên trong bọn vẫy tay gọi. Nó nhỏ bé, có bộ râu màu hạt dẻ loăn xoăn đến mang tai.
Miron Grigorievich ghìm cương, nhay nhay cặp môi có vẻ lo lắng và chờ đợi. Ba tên Đức tiến lại gần. Một tên người Phổ cao lớn, béo tốt, cười nhe hàm răng trắng nhởn, bảo bạn nó.
- Đây thật là một thằng Cô-dắc chính cống nhé! Cậu xem, nó mặc cả đồng phục Cô-dắc nữa kìa! Hoàn toàn chắc chắn là những thằng con trai nó đã nện nhau với chúng ta. Bọn mình hãy bắt sống nó, lôi về Berlin. Nó sẽ là một vật triển lãm kỳ quặc bậc nhất đấy.
Chúng mình chỉ cần hai con ngựa của nó thôi. Còn nó thì mặc mẹ nó đi đằng nó? - Thằng cha có bộ râu màu hạt dẻ và hai tay như hai cái càng cua trả lời nhưng không cười. Nó vòng tránh hai con ngựa, có vẻ sợ sợ, đi tới bên chiếc xe.
- Xuống xe ngay, lão già nầy. Chúng ta cần hai con ngựa của lão để chở một số bột mì từ nhà máy xay kia ra ga. Nào, xuống xe ngay, tao bảo kìa! Mày sẽ đến chỗ quan tư lệnh mà lĩnh lại ngựa. - Thằng Đức đưa mắt về phía nhà máy xay và giơ tay ra hiệu bảo Miron Grigorievich xuống xe, ý nghĩa các cử chỉ, điệu bộ của nó hoàn toàn rõ ràng.
Hai tên kia bỏ đi về phía nhà máy xay, vừa đi vừa ngoái đầu lại cười. Mặt Miron Grigorievich đỏ lên với những đám vàng vàng xám xám. Lão buộc dây cương vào thành gỗ ngang trước thùng xe, nhảy rất nhẹ nhàng từ trên xe xuống rồi đi tới trước hai con ngựa.
"Ông thông gia lại không có ở đây, - lão thoáng nghĩ và lạnh toát cả người. - Đến bị chúng nó lấy mất ngựa thôi? Chao ôi, bỏ mẹ rồi? Thật ma dẫn lối quỉ đưa đường mình tới đây?"
Tên Đức mím chặt môi, nắm tay áo Miron Grigorievich, ra hiệu bảo lão đi ra nhà máy xay.
- Buông ra! - Miron Grigorievich nhô người về phía trước, mặt càng tái thêm. - Đừng có động vào tao? Tao không để cho lấy ngựa đâu?
Nghe giọng nói, thằng Đức cũng đoán được ý nghĩa của câu trả lời. Nó bất thần nhe những cái răng trắng xanh nom hết sức hung tợn, đồng tử hai con mắt nó nở to đầy vẻ đe doạ, giọng nó choang choang như muốn bắt đối phương tuân lệnh ngay. Nó đã quơ tay lên dây da cây súng trường đeo trên vai, nhưng ngay trong nháy mắt. Miron Grigorievich chợt sống lại thời trai tráng của lão: gần như không cần vung tay, lão quạng luôn cho thằng cha một cái đánh hự vào quai hàm, quả đấm thật xứng đáng với một nhà quyền thủ. Miếng đòn đó làm cho đầu thằng Đức ngật ra sau, rắc một cái, dây mũ sắt đứt dưới cằm đánh phựt. Nó ngã sóng soài rồi vừa cố nhỏm dậy vừa nhổ trong miệng ra một cục máu đặc màu tiết dê. Miron Grigorievich bồi luôn cho nó một quả nữa, lần nầy vào gáy, rồi lấm lét nhìn ra bốn phía và cúi xuống giật phắt khẩu súng trường. Trong giây phút ấy, đầu óc lão hoạt động nhanh nhạy và sáng suốt lạ lùng. Lúc quay ngựa, lão biết rằng không thể bị thằng Đức bắn vào lưng mình nữa, nhưng chỉ sợ có những tên lính gác đứng sau dãy hàng rào bên kia đường sắt hay trên đường nhìn thấy.
Ngay trong các cuộc đua ngựa, cặp ngựa huyền nầy cũng chưa từng phi nước đại điên cuồng như thế nầy bao giờ? Ngay trong những buổi đón dâu, bốn cái bánh xe cũng chưa từng quay tít như thế nầy bao giờ! "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi? Nhân danh Đức chúa cha!" - Miron Grigorievich lẩm nhẩm trong bụng, chiếc roi quất liên hồi xuống lưng hai con ngựa. Cái tính tham lam keo kiệt bẩm sinh thiếu chút nữa làm lão mất mạng: lão đã định quay về chỗ trọ lấy tấm thảm đắp chân còn để lại đấy, nhưng lý trí vẫn chiếm phần thắng, vì thế lão lại cho xe chạy hướng khác. Lão thúc ngựa phi như bay hai mươi vec-xta tới làng Orekhovaya. Về sau, lão có kể lại rằng lần ấy lão đánh xe nhanh hơn cả nhà tiên tri Ilia trên chiếc xe của ngài 3. Đến Orekhovaya lão vào ngay nhà một người Ukraina quen biết, rồi trong lúc vẫn chưa hoàn hồn, lão kể đầu đuôi câu chuyện cho chủ nhà nghe và xin người ấy giấu hộ cả người lẫn ngựa. Người dân Ukraina giấu thì có giấu, nhưng vẫn dặn trước:
- Tôi sẽ giấu cho ông, nhưng nếu chúng tra khảo nhiều quá tôi sẽ khai đấy, vì ông Grigorievich ạ, lợi lộc gì mà cắn răng chịu khổ? Chúng nó sẽ đốt nhà, trói tôi, và tròng cái vòng thòng lọng vào cổ tôi cho mà xem!
- Ông bạn thân mến ơi, ông cứ làm ơn giúp tôi trốn đi! Rồi ông muốn gì tôi cũng xin tạ ơn ông! Chỉ cần ông cứu tôi khỏi chết, cho tôi nấp kín vào một chỗ nào đó, tôi sẽ xin lùa đến đây cả một đàn cừu! Một chục con cừu hạng nhất tôi cũng sẽ không tiếc đâu! - Miron Grigorievich vừa đánh xe vào dưới mái hiên nhà kho vừa năn nỉ hứa hẹn.
Lão sợ bị đuổi hơn là sợ chết. Lão ở lại nhà người Ukraina đến lúc hoàng hôn, trời vừa sâm sẩm là chuồn thẳng một mạch. Lão cho ngựa phi như điên suốt chặng đường từ Orekhovaya về. Cả hai con ngựa đều sủi mồ hôi như bọt xà phòng. Chiếc xe chạy long lên ghê quá các nan hoa quay nhoang nhoáng, không còn phân biệt được cái nào với cái nào. Mãi khi về gần tới thôn Hạ Yablonovsky lão mới hoàn hồn. Lúc xe chưa chạy vào trong thôn, lão lấy khẩu súng trường cướp được giấu dưới chỗ ngồi, ngắm nghía cái dây da mặt trong có ghi đầy những chữ bằng bút chì hoá học. Lão "À hà" một tiếng, nhẹ nhõm cả người:
- Thế nào, chúng mầy có đuổi được hay không, lũ quỷ ranh kia? Bản lĩnh của chúng mầy thật là hạng bét!
Nhưng lão đâu có đem một con cừu nào đến biếu người Ukraina kia. Mùa thu năm ấy, lão có dịp qua đấy, thấy người chủ nhà nhìn mình vẻ chờ đợi, bèn nói.
- Cừu nhà chúng tôi chết sạch rồi. Nuôi cái giống ấy thật chẳng ăn thua gì… Nhưng đây có ít lê vườn nhà, tôi đem biếu ông để cảm tạ lòng tốt của ông! - Lão đổ trên xe xuống chừng hai mera 4 những trái lê đã nẫu trên đường, rồi vừa nói vừa đưa cặp mắt giảo quyệt nhìn ra chỗ khác - Lê nhà chúng tôi ngon và ngọt… lê chín cây đấy - Lão nói xong từ biệt về ngay.
Trong lúc Miron Grigorievich phóng xe chuồn khỏi Minlerovo, ông thông gia của lão đã tới nhà ga. Một tên sĩ quan Đức còn trẻ ký vào giấy thông hành, hỏi ông Panteley Prokofievich vài câu qua thông ngôn, rồi vừa châm một điếu xì gà rẻ tiền, vừa nói giọng kẻ cả:
- Ông lên xe đi, nhưng ông hãy nhớ rằng các ông cần phải có một Chính phủ khôn ngoan mới được. Các ông bầu ra một tổng thống cũng được, một ông vua cũng được, nhưng phải với điều kiện là người đó không được thiếu một đầu óc sáng suốt để quản lý quốc gia và phải biết tiến hành chính sách trung thực đối với nước chúng tôi.
Ông Panteley Prokofievich nhìn tên Đức bằng cặp mắt khá hằn học. Ông không muốn bắt chuyện với hắn nên vừa nhận được giấy thông hành là ra lấy vé ngay.
Ở Novocherkask ông rất ngạc nhiên không biết bọn sĩ quan trẻ vỡ tổ đâu ra mà nhiều thế, chúng kéo đàn kéo lũ đi lượn phố, dạo chơi với các cô tiểu thư, đi lại lăng xăng gần dinh ataman và toà nhà của pháp viện là nơi Cơ-rúc sẽ họp đại hội.
Tại nhà ký túc của các đại biểu, ông Panteley Prokofievich gặp vài người cùng trấn và một người quen ở trấn Elanskaia. Phần lớn các đại biểu là binh sĩ và dân thường, bọn sĩ quan không thấy có nhiều, vẻn vẹn chỉ được vài chục tên, đại diện cho giới trí thức các trấn. Mọi người bàn ra tán vào một cách thiếu tin tưởng về chuyện bầu chính quyền Quân khu. Nhưng chỉ có một điều rõ ràng là dứt khoát phải bầu lấy một ataman. Các đại biểu nêu tên vài viên tướng Cô-dắc có uy tín, trao đổi ý kiến về những kẻ ứng cử.
Tối hôm mới đến, sau khi uống trà, ông Panteley Prokofievich về phòng ông, ngồi ăn ít đồ nguội mang từ nhà đi. Ông gỡ một khoanh cá chép khô, cắt bánh mì. Hai đại biểu trấn Migadinskaia lại chơi với ông, ngoài ra còn đến thêm vài người nữa. Câu chuyện mở đầu bằng tình hình ngoài mặt trận, rồi dần dần chuyển sang chuyện bầu chính quyền.
- Không thể kiếm đâu ra một người tốt hơn ông Kaledin vừa mồ yên mả đẹp, cầu cho ông ấy được hưởng phúc nơi thiên đường? - Một đại biểu có bộ mặt xám xịt, người trấn Migulinskaia thở dài nói.
- Có lẽ thế thật đấy, - một lão người trấn Elanskaia cũng đồng ý.
Một viên thượng uý đại biểu của trấn Besegenevskaia có mặt trong câu chuyện thấy thế bèn phát biểu, giọng không thiếu vẻ sôi nổi.
- Sao lại không kiếm được người xứng đáng? Sao các vị lại nói thế? Còn tướng Krasnov thì sao?
- Krasnov nào thế?
- Sao lại phải hỏi Krasnov 5 nào? Các vị hỏi thế mà không biết thẹn hay sao? Một vị tướng trứ danh, tư lệnh Quân đoàn kỵ binh số ba, một người rất khôn ngoan, đã được thưởng Huân chương thánh Gióoc, một nhà chiến lược đại tài đấy?
Lời phát biểu say sưa, cảm động đến nghẹn ngào của viên thượng uý đã làm một gã đại diện của một đơn vị ngoài mặt trận tức điên lên:
- Còn tôi thì tôi xin nói sự thật cho các vị hay: chúng tôi cũng đã biết thiên tài của ông ấy lắm rồi? Chẳng qua là một ông tướng hạng bét! Trong chiến tranh chống Đức, bản lĩnh của ông ta đã biểu hiện khá đầy đủ! Nếu không có cách mạng thì cũng đến lẹt đẹt với cái cấp lữ đoàn trưởng!
- Nầy ông bạn thân mến, ông chưa được hiểu rõ về tướng quân Krasnov mà lại có thể nói năng như vậy? Hơn nữa, tại sao ông lại dám dùng những lời lẽ như thế để chỉ trích một vị tướng mà tất cả mọi người đều tôn kính? Xem ra ông đã quên rằng ông chỉ là một gã Cô-dắc lính trơn.
Viên thượng uý rít răng nói ra những lời lạnh như băng miệt thị một cách không thương tiếc như thế, làm cho gã Cô-dắc kia luống cuống, hoảng lên, phải nén giận nói lúng búng:
- Bẩm quan lớn, tôi chỉ muốn nói rằng chính tôi đã đi lính dưới quyền tướng quân Krasnov. Trên mặt trận áo, chính tướng quân đã làm trung đoàn chúng tôi đâm đầu vào hàng rào dây thép gai? Vì thế chúng tôi coi tướng quân là một ông tướng hạng bét? Ngoài chuyện đó ra tướng quân như thế nào ai mà biết được… Cũng có thể là hoàn toàn không phải như thế…
- Thế người ta đem Huân chương thánh Gióoc tặng cho ông ấy làm gì? Đồ ngu! - Ông Panteley Prokofievich hóc một cái xương cá ho sặc lên một hồi rồi cũng xông vào mắng nhiếc anh chàng ở mặt trận về - Các anh cứ giữ khư khư trong đầu óc mình một mớ tư tưởng ngu xuẩn, bạ ai các anh cũng chửi, ai các anh cũng coi là không tốt… Cái kiểu gì mà lại như vậy? Nếu các anh ít lời đi một chút thì đã không đến nỗi có chuyện đổ vỡ như bây giờ. Nếu không cũng đã thông minh hơn được nhiều. Chỉ được cái trò chó sủa trăng!
Các đại biểu ở Novocherkask và các vùng dưới đều hết sức ủng hộ Krasnov. Viên tướng đeo huân chương thánh Gióoc nầy rất hợp ý bọn bô lão. Nhiều lão đã chịu quyền chỉ huy của hắn trong cuộc chiến tranh với Nhật. Quá khứ của Krasnov cũng làm mê mẩn tâm thần bọn sĩ quan: một sĩ quan đơn vị ngự lâm, xuất thân trong giới thượng lưu, một vị tướng có trình độ học vấn cao, trước kia đã từng phục vụ trong hoàng cung, tham gia đoàn hộ giá hoàng đế. Đối với giới trí thức tự do thì có một điều thoả mãn họ là Krasnov không những là một viên tướng, một tay vũ biền quẩn quanh với những phương pháp huấn luyện và chỉ huy khắc nghiệt, mà dù sao cũng còn là một nhà văn, đã có những truyện ngắn viết về sinh hoạt của giới sĩ quan đăng trong phụ trương của tờ "Niva" xưa kia đã từng có người thích đọc. Mà đã là nhà văn thì tất nhiên là một con người có văn hoá.
Ở nhà ký túc, người ta tích cực vận động ủng hộ Krasnov. Tên tuổi các tướng lĩnh khác đều mờ nhạt bên cạnh cái tên của hắn. Về African Bogaevsky thì những tên sĩ quan trung thành với Krasnov thì thầm truyền đi những tin đồn nói rằng Bogaevsky vốn là bạn nối khố của Denikin, vì thế nếu bầu Bogaevsky làm ataman thì hễ tiêu diệt được người Bolsevich, tiến vào Moskva là tất cả đặc quyền và quyền tự trị của người Cô-dắc đều đi đời nhà ma.
Nhưng ngay Krasnov cũng không khỏi có những kẻ phản đối. Một gã đại biểu là giáo viên cố bôi tro trát trấu lên tên tuổi của viên tướng, nhưng không thu được kết quả. Gã chạy lăng xăng khắp các phòng đại biểu, dùng một giọng hiểm độc, vo ve như con muỗi bên những cái tai lông lá của bọn Cô-dắc.
- Krasnov ấy à? Tướng thì tướng vô tài, mà nhà văn thì nhà văn vứt đi. Một cái thùng rỗng chốn cung đình, một kẻ liếm gót. Có thể nói ông ta là một con người vừa muốn lôi kéo các phần tử tư bản dân tộc, lại vừa muốn có cái thanh danh là theo chủ nghĩa dân chủ. Rồi các ngài xem, hễ có kẻ nào muốn mua là ông ta bán rẻ ngay vùng sông Đông! Một kẻ tiểu nhân. Tài chính trị của ông ta chỉ là một con số không. Phải bầu Ageev mới được! Ageev lại hoàn toàn là chuyện khác.
Nhưng anh chàng giáo viên nầy đã chẳng thu được kết quả gì. Đến ngày mồng một tháng Năm, khi Cơ-rúc họp đến ngày thứ ba thì nghe thấy những tiếng hò la:
- Xin mời tướng quân Krasnov!
- Xin ngài làm ơn…
- Chúng tôi hết sức thành tâm…
- Xin mời ngài!
- Ngài là niềm tự hào của chúng tôi!
- Mời tướng quân lên nói cho chúng tôi rõ về cuộc sống hiện nay?
Khắp căn phòng họp rộng thênh thang rộn hẳn lên. Bọn sĩ quan vỗ tay, tiếng vỗ trầm trầm. Bọn Cô-dắc thấy thế cũng ngượng nghịu bắt chước khẽ vỗ lộp bộp. Song những bàn tay đen đủi da như bị thuộc cứng vì lao động, chỉ vỗ lên những tiếng khô khan, nghe như tiếng nứt rạn, có thể nói là rất khó nghe, khác hẳn tiếng nhạc êm tai phát ra từ những bàn tay chau chuốt, mịn như đệm bông của các vị tiểu thư, các bà quí phái, các ngài sĩ quan, các cậu sinh viên đứng đầy hành lang và các lối đi.
Đến khi viên tướng đẹp lão, cao lớn đã có tuổi mà người vẫn còn cân đối, hùng dũng bước lên sân khấu như trong khi duyệt binh, thì toàn hội trường đều vỗ tay như sấm và gầm lên từng đợt. Hắn mặc chiếc áo quân phục đeo nhằng nhịt cơ man nào huân chương, huy chương, ngù vai cùng mọi cái gì khác đặc trưng cho một cấp tướng.
Tiếng vỗ tay mỗi lúc một to rồi chuyển thành những tiếng hô vang dậy. Tinh thần hân hoan phấn khởi lan khắp các hàng đại biểu như một trận bão. Nhiều người nhìn thấy cái uy vũ của thời đế chế lờ mờ hiện ra trong viên tướng có bộ mặt bồi hồi xúc động đứng với tư thế như người trong tranh nầy.
Ông Panteley Prokofievich cảm động chảy nước mắt và cứ hỉ mũi vào chiếc khăn tay màu đỏ rút ra từ trong chiếc mũ cát-két.
"Đây mới là một ông tướng ra ông tướng. Vừa nhìn một cái đã biết ngay là một nhân vật vĩ đại rồi! Nom cứ như là hoàng đế ấy, cả đến tướng mạo cũng y hệt. Có cái gì đến là giống mồ ma đức Alexandr!" - Ông đã nghĩ thầm như thế trong khi xúc động ngắm Krasnov đứng sát dãy đèn đặt ở ngay viền trước sâu khấu.
Tuy lấy tên là "Cơ-rúc cứu nguy sông Đông", nhưng Cơ-rúc lần nầy họp chẳng có chút gì vội vã. Theo lời đề nghị của viên chủ tịch Cơ-rúc là đại uý Ianov, đại hội thông qua nghị quyết về việc đeo lon cùng tất cả các phù hiệu quân hàm. Krasnov lên phát biểu một bài rất đặc sắc, sắp xếp rất khéo léo. Bằng một giọng đầy nhiệt tình, hắn nói về "Nước Nga bị quân Bolsevich lăng nhục", về "Sự hùng cường trước kia" của nước Nga, về vận mệnh của vùng sông Đông.
Hắn phác ra những nét chính của tình thế hiện nay, đả động đôi chút tới sự chiếm đóng của quân Đức, và cuối cùng khi hắn nói say sưa về cuộc sống độc lập của Quân khu sông Đông sau khi người Bolsevich bị đánh bại, thì hội trường ầm ầm tỏ ý đồng tình.
- Một Cơ-rúc Quân khu có đầy đủ quyền lực sẽ nắm chính quyền ở quân khu sông Đông! Người Cô-dắc được cách mạng giải phóng sẽ khôi phục lại toàn bộ nếp sống cổ truyền tốt đẹp của người Cô-dắc, và cũng như tổ tiên chúng ta xưa kia, chúng ta sẽ nói thật to, thật kiên quyết: "Kính chào Hoàng đế Trắng, xin ngài cứ ở trong cái thành Moskva bằng đá của ngài, còn chúng tôi, những người Cô-dắc, chúng tôi cứ ở sông Đông êm đềm!"
Ngày mồng ba tháng Năm, trong buổi họp tối, thiếu tướng Krasnov đã được bầu làm ataman Quân khu với một trăm linh bảy phiếu thuận, ba mươi phiếu chống và mười phiếu trắng. Hắn không nhận ngay chiếc gậy ataman trong tay viên đại uý chủ tịch Cơ-rúc Quân khu mà còn đặt điều kiện: trước hết phải thông qua các điều luật cơ bản mà hắn đã đề ra với Cơ-rúc và trao cho hắn quyền hành vô hạn trong cương vị ataman.
- Đất nước chúng ta đang đi tới bước diệt vong! Tôi chỉ nhận chiếc gậy ataman với điều kiện ataman được tuyệt đối tin tưởng.
Các tình huống hiện nay đang đòi hỏi phải làm việc với đầy đủ tín tâm và với ý thức hân hoan trước nhiệm vụ hoàn thành, khi người ta biết rõ rằng Cơ-rúc, cơ quan tối cao, nói lên ý chí của vùng sông Đông, đã tín nhiệm mình, khi đã sắp định ra những tiêu chuẩn pháp trị vững vàng, chắc chắn, trái hẳn vớl cái thói hỗn loạn vô Chính phủ của bọn Bolsevich.
Các điều luật mà Krasnov kiến nghị chỉ là những điều luật của đế quốc Nga được thay hình đổi dạng đang vội vã và có sửa chữa chút ít. Làm gì mà Cơ-rúc chẳng thông qua! Các đại biểu đã vui vẻ chấp thuận. Tất cả đều nhắc nhở thời xưa, ngay đến lá cờ được cải lại một cách vụng về: ba cái băng nằm ngang màu lam, màu đỏ và màu vàng dân Cô-dắc, dân ngụ cư, dân Kalmys, chỉ có quốc huy là bị thay đổi hẳn chiều theo tinh thần Cô-dắc thay cho con đại bàng hai đầu hung dữ cánh vươn móng duỗi, người ta đã vẽ một gã Cô-dắc trần như nhộng đội mũ lông, đeo gươm súng và toàn bộ vũ trang cưỡi trên một thùng rượu.
Một tên đại biểu đầu óc giản đơn, chuyên xu nịnh, khúm núm nêu câu hỏi:
- Có lẽ trong số các điều luật cơ bản vừa được thông qua, quan lớn sẽ còn đề nghị thay đổi hoặc sửa chữa điều gì nữa chăng?
Krasnov mỉm một nụ cười khoan dung, quyết định nói đùa một câu. Hắn nhìn khắp lượt bọn uỷ viên Cơ-rúc một cách đầy hứa hẹn rồi nói bằng cái giọng của một kẻ quen được tất cả mọi người nuông chiều:
- Có thể lắm. Mấy điều bốn mươi tám, bốn mươi chín và năm mươi về quốc kỳ, quốc trưng và quốc ca. Các ngài có thể đề ra cho tôi bất kỳ một lá cờ nào, ngoài lá cờ đỏ, bất kỳ một kiểu quốc trưng nào ngoài ngôi sao năm cánh của bọn Do Thái hay một phù hiệu nào khác của bọn Tam điểm 6, và bất kỳ bài quốc ca nào ngoài bài "Quốc tế ca".
Cơ-rúc vừa cười vừa thông qua các điều luật cơ bản. Và sau đó câu nói đùa của ngài ataman còn được truyền miệng trong một thời gian rất lâu.
Ngày mồng năm tháng Năm, Cơ-rúc giải tán. Mấy bài diễn văn cuối cùng đã được phát biểu nốt. Viên đại tá Denisov, cánh tay phải của Krasnov, tư lệnh Binh đoàn miền Nam, lên hứa rằng trong một thời gian hết sức ngắn, hắn sẽ nhổ rễ xong cuộc phiến loạn Bolsevich. Bọn uỷ viên Cơ-rúc ra về, yên tâm và sung sướng trước việc bầu ataman tiến hành có kết quả cũng như những tin nhận được từ mặt trận.
Ông Panteley Prokofievich rời khỏi thủ phủ Quân khu sông Đông ra về, trong lòng bồi hồi xúc động, niềm hân hoan bên trong chỉ muốn nổ tung ra. Ông tin như đinh đóng cột rằng chiếc gậy ataman đã được trao tay một người đáng tin cậy, chẳng bao lâu nữa người Bolsevich sẽ bị đánh bại và hai đứa con trai ông sẽ lại được quay về với công việc đồng áng. Ông già ngồi bên cửa sổ toa xe, hai khuỷu tay tì trên chiếc bàn con, trong tai còn văng vẳng những dư âm như từ biệt của bài quốc ca sông Đông, lời ca đầy sinh khí thấm tới đáy lòng ông, và ông có cảm tưởng như thật quả "sông Đông êm đềm, sông Đông chính giáo" đang "ầm ầm chuyển động, sóng cuộn ào ào.
Nhưng tàu vừa chạy ra khỏi Novocherkask được vài vec-xta, ông Panteley Prokofievich nhìn qua cửa sổ đã thấy những tiền tiêu của bọn kỵ binh Bavaria. Một nhóm kỵ binh Đức đang cho ngựa chạy hai bên đường sắt, tiến từ phía trước đoàn tàu tới. Chúng gù gù cái lưng ngồi trên yên một cách rất bình an vô sự, những con ngựa béo tốt, mông to bè bè, ve vẩy những cái đuôi cắt ngắn cũn, lông ngựa loáng nhoáng dưới ánh nắng chói chang. Ông Panteley Prokofievich ngả hẳn người về phía trước, cong một bên lông mày lên nom hết sức đau khổ, nhìn những vó ngựa của quân Đức nhún nhảy dày xéo lên mảnh đất Cô-dắc với dáng vẻ của nhủng kẻ chiến thắng. Ông xoay cái lưng cánh phản ra cửa sồ, gù hẳn xuống và cứ gục đầu như thế rất lâu mà thở phì phì.
Chú thích:
1 Hợp kim đồng, kẽm, thiếc dùng để giảm mức hao mòn Mazarin sát cho các trục.
2 Một loại dân quân theo chế độ quân dịch trước kia của người Đức N.D.
3 Theo Kinh thánh, Ilia là một nhà tiên tri Israel, được Đức chúa trời trao cho sứ mệnh đi khuyên dân Israel đừng theo tà đạo. Làm nhiều phép mầu. Sau bị nữ hoàng nước đó hành hạ, phải chạy ra xa mạc, cuối cùng cười một chiếc xe phụt lửa bay lên trời ND
4 Một mera bằng 26, 24 lít ND
5 Krasnov 1869 - 1947 một viên tướng của Nga hoàng. Tháng 5-1915 làm ataman Quân khu sông Đông, dựa vào quân Đức chiếm đóng để đàn áp cách mạng. Năm 1919 chạy sang Đức, sau trở thành gián điệp của Hitle. 1947 bị Toà án tối cao của Liên Xô kết án treo cổ. ND
6 Một cuộc vận động tôn giáo, chính trị trong thế kỷ 18 dưới hình thức một tổ chức quốc tế bí mật với những nghi thức mê tín và mục đích "hoàn thiện đạo đức", xây dựng "những tôn giáo đường của việc thiện" do đó mới có cái tên Pháp là francs macons những người thợ nề tự do ND
Chương 122
Phần 6
Từng đoàn tàu sơn đỏ xuất phát từ vùng sông Đông chạy xuyên qua Ukraina, chở về Đức bột mì, trứng, bơ, bò. Những tên lính Đức đứng ở đầu các toa xe với những chiếc mũ nồi, những chiếc áo quân phục ngắn màu xanh xám, lưỡi lê cắm sẵn trên đầu súng. Những đôi ủng da màu vàng rất tốt của quân Đức, với những cái đế đóng cá sắt, đầm phẳng những con đường của vùng sông Đông.
Bọn kỵ binh Bavaria dắt ngựa ra sông Đông uống nước… Trong khi đó ở vùng giáp ranh với Ukraina, những gã thanh niên Cô-dắc vừa được huấn luyện ở Pécxianovca, gần Novocherkask, bị gọi ra lính để đánh nhau với bè lũ Petliura 1 Gần một nửa Trung đoàn Cô-dắc sông Đông số 12 vừa được tổ chức lại đã nằm lại ở gần Starobensk để dành giật cho Quân khu một mẫu đất thừa trên lãnh thổ Ukraina.
Trên miền Bắc, trấn Ust-Medvedskaia luôn luôn bị truyền từ tay nọ sang tay kia, chi đội Hồng quân Cô-dắc tràn tới từ các thôn của các trấn Gladunovskaia, Novo-Alexandrovskaia, Kumyngienskaia Xcurisenskaia cùng những trấn khác vừa đánh chiếm được nó thì một tiếng đồng hồ sau họ đã bị chi đội du kích Bạch vệ của tên sĩ quan Alekseev đánh bật ra, và trên các phố đã thấp thoáng những chiếc áo ca-pốt của bọn học sinh trung học, học sinh trường thực nghiệp và trường thầy dòng là thành phần cốt cán của chi đội Bạch vệ nầy.
Quân Cô-dắc Đông Thượng tiến dần từng chặng về phía Bắc, từ trấn nọ qua trấn kia, Hồng quân rút lui về phía địa giới tỉnh Saratov, bỏ lại gần toàn bộ khu Khopesky. Đến cuối mùa hạ, quân đội vùng sông Đông, gồm những tên Cô-dắc đủ các lứa tuổi, chỉ cần cầm nổi cây súng, đã tiến tới các địa giới. Được tổ chức lại trên đường tiến quân, được bổ sung thêm bằng những tên sĩ quan được điều từ Novocherkask, nom nó đại khái đã có vẻ một quân đội thật sự: các đội dân quân ít người do các trấn điều đi được biên chế hỗn hợp với nhau; các trung đoàn chính qui cũ được khôi phục lại với những tên quan binh cũ còn sống sót sau chiến tranh chống Đức; các trung đoàn được ghép lại thành sư đoàn; trong các ban chỉ huy, những tên đại tá già kinh nghiệm đã thay thế bọn thiếu uý, các cấp thủ trưởng cũng dần dần được thay đổi.
Đến cuối mùa hạ, các đơn vị chiến đấu thành lập với các đại đội Cô-dắc của mấy trăm Migulinskaia, Meskovskaia, Kazanskaia và Sumilinskaia, đã theo lệnh tên thiếu tướng Alferov vượt địa giới vùng sông Đông, rồi sau khi chiếm Doneskskoie, làng đầu tiên thuộc địa phận tỉnh Voronezskaia, chúng bao vây huyện lỵ Bogutra.
Đã bốn ngày liền, đại đội Cô-dắc thôn Tatarsky dưới quyền chỉ huy của Petro Melekhov vượt qua thôn và trấn để tiến về phía Bắc của khu Ust-Medvedisky. Ở một nơi nào đó bên phải họ, Hồng quân vội vã rút lui ra đường sắt, không chịu nghênh chiến một lần nào. Suốt thời gian đó, bọn Cô-dắc thôn Tatarsky không hề thấy bóng vía địch đâu cả. Các chặng hành quân cũng không dài. Tuy không ước hẹn gì với nhau, nhưng Petro cùng các gã Cô-dắc khác đều quyết định rằng không tội vạ gì mà vội vã đâm đầu đi tìm cái chết vì thế mỗi ngày họ chỉ để lại sau lưng ba chục vec-xta là cùng.
Đến ngày thứ năm thì họ tiến vào địa hạt trấn Kumyngienskaia. Họ vượt sông Khop ở thôn Didunkov. Muỗi nhắt rùng rùng bay lơ lửng trên đồng cỏ như một tấm màn the, tiếng vo vo rất thanh rung lên trong tai mỗi lúc một to. Hàng triệu triệu con muỗi lúc nhúc lượn tròn một cách mù quáng, chui cả vào tai vào mắt người và ngựa. Những con ngựa tức tối, chốc chốc lại hắt hơi, còn bọn Cô-dắc thì vung tay loạn xạ để xua muỗi, thuốc lá nhà trồng tha hồ đem ra mà hun khói.
- Đùa kiểu gì mà lạ, con muỗi khốn kiếp nầy! - Khristonhia đưa tay áo lên chùi nước mắt kêu lên.
- Sao thế, bị nó lọt vào mắt à? - Grigori mỉm cười hỏi.
- Đốt cả vào mắt. Chưa biết chừng muỗi độc đấy, con quỉ dữ!
Khristonhia giương cái mí mắt đỏ rực, đưa một ngón tay sần sùi lên sờ vào trong con mắt, rồi hắn chẩu môi, dụi mãi mu bàn tay lên mắt.
Grigori cho ngựa đi bên cạnh Khristonhia. Từ hôm lên đường hai người vẫn cùng đi với nhau. Nhập bọn với họ có thêm Anikey. Thời gian gần đây anh chàng nầy đẫy ra, vì thế nom càng giống đàn bà.
Quân số không được đủ một đại đội. Tên quản Latysev đến lấy vợ ở thôn Tatarsky làm đội phó cho Petro. Grigori chỉ huy một trung đội. Những gã trong trung đội của chàng gần như toàn là dân nửa dưới thôn: Khristonhia, Anikey, Fedot Bodovskov, Marchin Samin, Ivan Tomilin, gã Borsev lêu đêu như cây sào và gã Dakha Korolev nặng nề phục phịch như con gấu, Prokho Zykov, gã Merkulov nòi Digan, Epifan Marsaev, Egor Sinilin và chừng mười lăm gã thanh niên cùng tuổi tác.
Trung đội trưởng trung đội hai là Nicolai Kosevoi, trung đội ba do Yakov Koloveydin chỉ huy, còn trung đội bốn thì trung đội trưởng là Mitka Korsunov. Sau vụ hành quyết Pochenkov, Mitka đã được tên tướng Alferov đề bạt ngay lên cấp thượng sĩ.
Đại đội cho ngựa chạy một nước kiệu đặc biệt dừng trên đồng cỏ. Con đường lượn vòng những cái đầm lầy nước, trườn xuống một cái khe nhỏ mọc đầy lau sậy non và liễu rồi bò ngoằn ngoèo trên đồng cỏ.
Trong mấy hàng cuối, Yakov "Móng lừa" cười khề khề bằng một giọng trầm. Andrinsca Kasulin hoà theo bằng giọng nam cao. Thằng cha nầy cũng đã kiếm được cái lon hạ sĩ nhờ có máu của những người bạn chiến đấu của Pochenkov.
Petro Melekhov cho ngựa chạy bên cạnh hàng quân cùng với Latysev. Hai gã khẽ nói với nhau không biết những gì. Latysev nghịch nghịch cái dây ngù mới của thanh gươm. Petro đưa tay trái ra vuốt lông và gãi gãi khoảng giữa hai tai con ngựa. Một nụ cười nở trên khuôn mặt phúng phính của Latysev, dưới hàng ria thưa thớt nhe ra mấy cái răng ám khói thuốc lá, nửa vàng nửa đen, chân răng sứt nham nhở.
Con ngựa cái khoang thọt cẳng nhỏ loắt choắt của gã Anchipnhip Apdeevich, con trai lão "Vua nói khoác" lon ton chạy sau cùng. Gã đã được anh em Cô-dắc tặng cho cái biệt hiệu là Anchip Brekhovich, nghĩa là "Anchip con trai lão nói khoác".
Một gã nào đó trong đám Cô-dắc kể chuyện. Có những gã phá rối hàng ngũ, cho ngựa leo lên đi hàng năm, những gã khác chăm chú ngắm vùng đất xa lạ, với cánh đồng cỏ lỗ chỗ ao đầm như một bộ mặt rỗ, dãy tiêu huyền và dương liễu mọc xanh rờn như một bức rào.
Cứ nhìn cách trang bị cũng có thể thấy rằng đội Cô-dắc đang tiến hành một cuộc trường chinh: các túi yên đựng quá nhiều đều phồng to các túi thồ đầy ắp, và người nào cũng lo buộc áo ca-pôt vào đai yên. Ngay đến các đồ thắng cũng có thể giúp cho việc nhận xét: mỗi cái dây da nhỏ đều còn mang vết chỉ, mọi thứ đều được khâu lại, buộc lại, sửa chữa lại. Một tháng trước đây mọi người còn tin tưởng rằng sẽ không có chiến tranh, nhưng hiện nay ai nấy đề buồn rầu chịu đựng ý nghĩ là không sao tránh khỏi đổ máu nữa. "Hôm nay còn giữ được cái thân xác, nhưng có lẽ ngày mai bị quạ đen rỉa thây ở nơi đồng không mông quạnh nầy", - anh chàng nào cũng nghĩ như thế.
Mọi người đã qua thôn Krepchy. Những căn nhà lợp lau thưa thớt thấp thoáng ở bên phải, Anikey lấy trong túi quần ra một miếng bánh khô, cắn một nửa, những cái răng cửa nhỏ như răng chuột nhe ra đầy vẻ háu ăn, cắn xong lại đưa quai hàm nhai rất nhanh như con thỏ.
Khristonhia liếc nhìn hắn.
- Cậu đói lắm à?
- Không đói thì ăn làm gì? Vợ mình làm cho đấy.
- Nhưng cậu nhai khỏe thật? Có lẽ cái bụng của cậu cũng chẳng kém gì bụng con lợn đực thiến. - Rồi hắn quay sang nhìn Grigori và nói giọng bực bội than vãn - Cái thằng quỉ sứ nầy nó ăn như thần trùng, đến là khó coi? Không biết nó chứa chỗ nào cho hết mà tọng vào lắm thế? Mấy hôm nay, mình chỉ nhìn nó ăn mà sờ sợ thế nào ấy. Kể ra người ngợm nó cũng chẳng to lớn gì, thế mà ngốn ngấu quá cái thùng không đáy.
- Mình ăn của mình chứ có ăn của ai đâu, vì thế phải ra sức mà ăn. Buổi tối vừa ăn thịt cừu, thế mà sáng hôm sau đã lại thèm rồi. Chúng mình thì thanh bông hoa quả, thứ gì cũng có thể chén được. Hễ đưa được lên miệng, ăn vào là đều có ích cả.
Thấy Khristonhia nhổ bãi nước bọt có vẻ bực bội, Anikey nháy mắt với Grigori và hất hàm về phía Khristonhia, cười khà khà:
- Anh Petro Panteleev nầy, anh định cho nghỉ đêm ở đâu thế? Anh xem, những con ngựa nom đã mệt lử cả rồi! - Tomilin kêu lên.
Merkulov cũng hùa theo Tomilin:
- Đến lúc dừng lại nghỉ đêm rồi đấy. Mặt trời sắp lặn rồi.
Petro vung cái roi ngựa.
- Chúng ta sẽ nghỉ đêm ở Kliutri. Còn có thể kéo đến Kumynga cũng chưa biết chừng.
Merkulov tủm tỉm cười sau bộ râu đen loăn xoăn, khẽ bảo Tomilin:
- Thằng chó, nó muốn tâng công với lão Alferov đấy? Vội vội vã vã.
Có gã đã tinh nghịch trong khi tỉa râu hộ Merkulov, đem cắt ngắn hẳn đi, làm cho cả bộ râu xồm chỉ còn nhỏ xíu, rồi lại xén nhọn thành hình một cái nệm xiên xẹo. Nom anh chàng lạ hẳn đi, đến là buồn cười, nhờ đó anh em đã có một chuyện để lúc nào cũng có thể đem ra pha trò. Tomilin không nhịn được nữa bèn nói:
- Còn cậu thì không muốn thăng quan tiến chức đấy phỏng?
- Mình làm gì để thăng quan tiến chức?
- Chẳng phải cậu đã tỉa râu theo kiểu những ông tướng rồi đấy sao? Có lẽ cậu nghĩ rằng cứ tỉa râu theo kiểu một ông tướng là người ta sẽ đem ngay một sư đoàn trao cho cậu phải không? Thế mà là không muốn gì à?
- Đồ ngu, đồ quỉ sứ! Người ta nói chuyện đứng đắn với nó mà nó chỉ tếu.
Mọi người tiến vào thôn Kliutri giữa tiếng cười, tiếng nói.
Andriusca Kasulin được phái đi trước để kiếm chỗ ở đã chờ đón đại đội ở căn nhà đầu thôn.
- Trung đội tôi theo tôi? Trung đội một ở ba cái nhà kia, trung đội hai ở bên trái, trung đội bốn ở cái nhà có cái giếng và tiếp liền bốn cái nữa. Petro tới bên hắn:
- Cậu có nghe thấy phong phanh gì không? Có đi hỏi han thăm dò không?
- Vùng nầy không có hơi hướng gì của chúng nó đâu. Nhưng người anh em ạ, ở đây mật ong nhiều ghê lắm. Có một mụ già nuôi tới ba trăm tổ. Đến đêm thế nào cũng phải phá một tổ mới được!
Thôi thôi, đừng có giở trò? Nếu không tôi cho một trận đấy! - Petro cau mày giơ roi đánh ngựa.
Mọi người về chỗ nghỉ. Những con ngựa được sắp xếp chăm nom. Trời đã tối. Các chủ nhà dọn bữa tối cho bọn Cô-dắc ăn. Trong sân các ngôi nhà, bọn Cô-dắc đinh lính và những gã trong thôn ngồi trên những đống củi liễu đỏ đẵn từ năm ngoái, tán hươu tán vượn chuyện nầy chuyện nọ rồi chia tay nhau đi ngủ.
Sáng hôm sau đại đội lại tiến ra khỏi thôn. Đến khi hành quân gần tới Kumyngienskaia thì có một tên liên lạc đuổi kịp đại đội.
Petro mở cái phong bì đựng công văn, đọc rất lâu, người ngật ngưỡng trên yên, bàn tay giơ ra cầm tờ giấy rất vất vả, cứ như đỡ một vật gì rất nặng. Grigori cho ngựa tới gần.
- Mệnh lệnh à?
- Phải!
- Họ viết gì thế?
- Có việc đây! Họ ra lệnh bàn giao đại đội. Tất cả những thằng ra lính cùng một năm với tao bị gọi đi Kazanskaia, họ đang thành lập Trung đoàn Hai mươi tám. Cả những thằng pháo binh và súng máy cũng thế.
- Thế số còn lại thì đi đâu?
- Đã có viết trong nầy đây: "Đến Argenovskaia chịu quyền chỉ huy của trung đoàn trưởng Trung đoàn Hai mươi hai. Hoả tốc chuyển quân". Mày xem đấy! "Hoả tốc"!
Latysev cho ngựa chạy tới, tiếp lấy bản mệnh lệnh trong tay Petro. Hắn cong xếch hai hàng lông mày, vừa đọc vừa động đậy cặp môi dầy cứng đờ.
- Tiến! - Petro hô to.
Đại đội lại đi tiếp ngựa đi bước một. Bọn Cô-dắc thỉnh thoảng ngoái đầu lại, chăm chú nhìn Petro, chờ xem hắn có nói gì không.
Đến Kumyngienskaia thì Petro công bố bản mệnh lệnh. Những tên Cô-dắc nhiều tuổi quân hối hả sửa soạn quay trở về. Mọi người quyết định sẽ nghỉ lại trong trấn một ngày rồi sáng sớm hôm sau nữa sẽ chia tay nhau mỗi toán đi một ngả. Petro tới chỗ Grigori ở. Suốt ngày hôm ấy, hắn đã cố tìm kiếm một dịp nói chuyện với thằng em.
- Ta ra chỗ thao trường một lát đi.
Grigori lặng lẽ bước ra cổng. Mitka Kosevoi đã chạy theo hai anh em, nhưng Petro lạnh lùng bảo nó:
- Thôi cậu đi chỗ khác đi, Mitka. Anh em mình có câu chuyện muốn nói với nhau.
- Cũng được thôi, - Mitka mỉm cười ra vẻ thông cảm và đứng lại.
Grigori liếc nhìn Petro, thấy hắn có vẻ muốn nói với mình một chuyện quan trọng. Chàng đã đoán ra ý định của anh, nhưng muốn đánh trống lảng, bèn vờ nói bằng một giọng vui vẻ:
- Thật là kỳ quặc: mới ra khỏi nhà một trăm vec-xta mà dân chúng đã khác hẳn. Lời ăn tiếng nói cũng khác vùng ta, nhà cửa cũng dựng theo một kiểu khác, y như ở chỗ bọn theo giáo phái Polipon ấy. Anh xem, bên trên cổng nhà nào cũng có một cái mái nhỏ ghép bằng ván, cứ như ở các miếu thờ ấy. Vùng ta làm gì có như thế? Và kia nữa, - chàng chỉ một ngôi nhà giàu có ở gần đấy, - ngay đến cái ụ đất đắp chung quanh nhà cũng có ốp ván: có phải để cho gỗ khỏi mục hay không?
- Thôi cái chuyện ấy đi. - Petro cau mày. - Đâu phải là mày muốn nói những chuyện ấy… Nhưng hượm đã, chúng mình vào hàng rào đi. Người ta nhìn đấy.
Vài người dân Cô-dắc, vừa đàn ông vừa đàn bà, đi từ chỗ thao trường tới, tò mò nhìn hai anh em. Một cụ già mặc chiếc áo sơ-mi màu lam không thắt dây lưng đứng lại hỏi, cái mũ cát-két Cô-dắc đội trên đầu quá cũ nên vành mũ đã bạc thành màu hồng.
- Ngày mai các bác còn nghỉ lại chứ?
- Vâng, chúng cháu muốn nghỉ lại một ngày.
- Thế đã có lúa yến mạch cho ngựa chưa?
- Cũng đã có chút ít, - Petro trả lời.
- Nếu không thì cứ tạt vào nhà tôi, tôi có thể đong cho hai ba mê-ra.
- Lạy Chúa tôi, cám ơn cụ!
- Lạy Chúa tôi… Bác cứ lại. Nhà tôi kia, có cái mái tôn màu xanh lá cây ấy.
- Anh muốn nói chuyện gì bây giờ? - Grigori sốt ruột cau mày hỏi.
- Đủ mọi chuyện. - Petro mỉm một nụ cười đau khổ như kẻ có lỗi hắn nhay nhay món ria màu lúa mạch nhét vào một bên mép. - Grisatca ạ, thời buổi như thế nầy thì anh em mình chưa biết chừng không còn được trông thấy nhau nữa đâu…
Nụ cười thảm hại của Petro và cái tên gọi "Grisatca" còn lại từ một thời xa xưa lắm, từ hồi còn thơ ấu, đã làm tan biến trong nháy mắt lòng căm ghét mà không hiểu sao từ nãy Grigori cứ cảm thấy đối với anh. Petro âu yếm nhì thằng em, vẫn nụ cười gượng gạo trên môi. Nhưng hắn đã động môi xoá hết nét cười, nghiêm nét mặt và nói:
- Mày xem, cái bọn chó đẻ ấy, chúng nó chia rẽ dân chúng có ghê không! Cứ như vừa có một lưỡi cày kéo qua, đằng sau lưỡi cày ấy là một phần đất ngả sang bên nầy, một phần đất ngả sang bên kia. Một cuộc sống ma quái, thời thế đến là khủng khiếp? Người nầy không còn đoán được ra tâm tư của người khác nữa… Như mầy đây, Petro bỗng lái ngoặt câu chuyện, - mầy là em ruột của tao, nhưng tao chẳng làm thế nào hiểu được mày, thật thế đấy? Tao cảm thấy rằng mầy cứ tựa như dần dần rời xa tao… Tao nói có đúng không? - Hắn hỏi xong lại tự trả lời - Thật thế đấy. Mầy cứ sục ngầu lên… Tao chỉ sợ mầy sẽ chạy sang bọn Đỏ mất thôi… Grisatca, đến bây giờ mầy vẫn còn chưa tìm được cho mình con đường đi.
- Thế anh tìm ra rồi à? - Grigori vừa hỏi vừa nhìn vừng mặt trời đang lặn sau dòng sông Khop mà chàng không trông thấy, sau dãy núi đá phấn, nhìn ráng chiều cháy bừng bừng và những đám mây trôi từ phía đó lại nom như những đám bông cháy đen, tìm ra rồi. Tao đã đi theo đúng luống cày của tao. Mầy sẽ không đẩy được tao ra khỏi luống cày ấy đâu! Grisatca ạ, tao sẽ không ngả nghiêng nghiêng ngả như mày đâu.
- Thật thế ư? - Grigori cố nặn ra được một nụ cười bực bội.
- Tao sẽ không nghiêng ngả đâu! - Petro tức tối xoắn ngược hàng ria, hai con mắt hấp háy giờ lâu như chói nắng. - Tao thì có bị lồng cái vòng thòng lọng vào cỗ cũng không ai lôi được sang với bọn Đỏ đâu. Người Cô-dắc chống lại chúng nó, tao cũng chống lại chúng nó. Tao không muốn làm trái lại, và sẽ không làm trái lại đâu! Tao không có gì phải sang với chúng nó, tao với chúng nó không đi cùng đường!
- Thôi không nói chuyện ấy nữa. - Grigori đề nghị, giọng mệt mỏi.
Chàng bỏ đi trước về chỗ ở của chàng, chân cố bước thật vững vàng, hai cái vai gù gù hơi động đậy.
Về đến cổng, Petro chậm bước lại hỏi:
- Mầy thử bảo cho tao biết… Nói đi, Grisatca, mầy có chạy sang với chúng nó không?
- Chưa chắc… Còn chưa biết được.
Grigori trả lời thẫn thờ và miễn cưỡng. Petro thở dài, nhưng thôi không hỏi nữa. Hắn bỏ đi, vẻ mặt xao xuyến, nom tiều tụy hẳn đi.
Cả hắn lẫn Grigori đều đã nhìn thấy hết sức rõ rằng: những con đường trước kia nối liền hai người nay đã mọc đầy những bụi rậm không thể nào len qua được, các bụi rậm ấy là những điều thể nghiệm trong đời, và người nầy không còn có thể đi vào trái tim của người kia nữa. Thật cứ như bên trên một cái khe có một con đường trườn ngoằn ngoèo theo sườn dốc, con đường rất phẳng phiu vì đã có những móng chân dê dẫm trụi hết cỏ, nhưng bỗng nhiên đến một chỗ ngoặt nào đó, con đường ấy đâm thẳng xuống đáy khe, như bị cắt đứt và từ đấy không còn thấy có lối đi nào nữa, những bụi ngưu bàng dựng lên như một bức tường, nom bạc bẽo với khách như cái ngõ cụt.
Hôm sau Petro đem một nửa đại đội quay về Vosenskaia. Số Cô-dắc còn trẻ thì tiến về hướng Argenovskaia dưới quyền chỉ huy của Grigori.
Từ sáng mặt trời đã thiêu đốt không thương tiếc. Đồng cỏ sôi lên dưới một làn sương mù màu nâu. Phía sau, những nhánh núi tím ngắt của dãy núi ven sông Khop đã chuyển thành màu xanh da trời, bãi cát trải dài như làn nước màu vàng nghệ. Dưới những chàng kỵ sĩ ngồi trên yên, những con ngựa đẫm mồ hôi lảo đảo đi bước một.
Nắng làm cho da mặt bọn Cô-dắc xạm lại, mất hết vẻ hồng hào. Các giá yên, bàn đạp, các bộ phận bằng kim khí trên dây hàm thiếc đều nóng bỏng, tay không dám động vào nữa. Vào đến trong rừng cũng chẳng cảm thấy mát mẻ chút nào, vì hơi nước ngột ngạt không tản đi đâu được mùi nước mưa xông lên nồng nặc.
Một nỗi buồn u uất xâm chiếm tâm hồn Grigori. Suốt ngày chàng ngồi lắc lư trên yên với những ý nghĩ không đầu không đũa về tương lai. Những lời Petro nói vẳng lại trong óc chàng như một chuỗi hạt thuỷ tinh, làm chàng cảm thấy day dứt đau khổ. Mùi ngải cứù hắc hắc và ngây ngất như đốt cặp môi Grigori. Con đường bị hun đến bốc khói. Đồng cỏ vàng vàng nâu nâu nằm sóng soài dưới nắng. Những làn gió hanh mò mẫm khắp đồng cỏ, uốn rạp những lớp cỏ rối bết, thốc lầm cát bụi.
Lúc trời sắp hoàng hôn có lớp mây mù trong suốt che phủ mặt trời. Bầu trời bệch màu đi, xám lại. Phía Tây thấy hiện lên những đám mây nặng chịch. Những đám mây đó đứng sừng sững, đuôi mây thõng xuống, chạm tới đường chân trời mong manh như dệt bằng một thứ sợi mịn. Rồi gió lùa mây lừng lững trôi tới, đầy vẻ hăm doạ, kéo lê những cái đuôi nâu nâu rất thấp như khiêu khích, còn đỉnh đám mây thì tròn lại, trắng ra như đường.
Đội quân vượt sông Kumynga lần thứ hai, rồi lại chui xuống cái mái tròn của một khu rừng tiêu huyền. Lá cây lăn lộn dưới những làn gió, lật mặt trái lên, xanh xanh bạc bạc mịn như sữa, với những tiếng xào xạc trầm trầm rất êm tai. Ở một nơi nào đó bên kia sông Khop, một trận mưa đá rơi xuống chếch chếch từ dưới cái vạt trắng loá của một đám mây và quất mạnh xuống mặt đất. Một dải cầu vồng lao cái dây lưng ngũ sắc của nó bó ngang tất cả các tia mưa.
Đội quân ngủ đêm trong một thôn nhỏ, rất hẻo lánh. Grigori thu xếp chăm nom cho con ngựa xong, bèn ra chỗ nuôi ong. Chủ nhà là một ông lão Cô-dắc tóc xoăn đã rất già. Ông cụ gỡ mấy con ong bám vào chòm râu ông rồi nói với Grigori giọng lo lắng:
- Tổ ong nầy tôi mới mua hôm kia đấy. Mang về đến đây thì không hiểu sao bao nhiêu ong non đều chết ráo. Bác xem, ong chúng nó đang lôi những con chết ra đấy. - Ông lão dừng lại bên một cái tổ ong làm bằng khúc gỗ đục rỗng, chỉ vào một cái cửa, trong đó vô số những con ong lớn đang lôi xác những con ong non ra ngoài rồi mang đi với những tiếng vo vo trầm trầm.
Người chủ nhà nheo cặp mắt hung hung đỏ nhìn có vẻ tiếc rẻ và chép miệng một cách đau khổ. Người ấy cứ đi đi lại lại, vụt cái chỗ nầy, vụt cái chỗ kia, hai tay đưa đi đưa lại một cách vụng về. Thân hình ông lão thô kệch nhưng lại quá hiếu động, các cử động thì hấp tấp giật giật, làm người khác cảm thấy bị truyền sang cho mình một tâm trạng lo lắng. Người ấy có vẻ thừa bên cạnh cái tổ ong, trong đó tập thể khổng lồ nhưng trật tự và hoà hợp của những con ong đang từ tốn làm một công việc khôn ngoan. Grigori nhìn ông lão với cảm giác hơi khó chịu. Cái cảm giác ấy đã tự nhiên nẩy sinh trong lòng chàng vì ông già Cô-dắc vai rộng nầy cứ bất thình lình động chân động tay và nói bằng một giọng đã nhanh lại rin rít.
- Năm nay mật ong thu hoạch khá lắm. Bách lý hương ra nhiều hoa, mật làm bằng nhụy bách lý hương đấy. Nuôi khung thì tốt hơn nuôi hòm. Tôi nuôi đấy…
Grigori uống nước trà với thứ mật ong đặc sệt như keo. Mật ong toả ra mùi thơm ngọt ngọt của bách lý hương, hoa chua me, và các thứ hoa khác trên đồng cỏ. Con gái chủ nhà, một ả vợ lính vắng chồng dong dỏng cao, đẹp gái, ra rót nước trà. Chồng của chị đã ra đi theo Hồng quân, vì thế người chủ nhà có thái độ rất xum xoe, quỵ lụy ông ta không nhận thấy rằng con gái ông cứ mím chặt cặp môi nhợt nhạt, mỏng dính, chốc chốc lại đưa nhanh mắt nhìn Grigori qua hàng mi. Lúc ả vươn tay với lấy ấm trà, Grigori nhìn thấy một đám lông loăn xoăn, đen như nhựa chưng dưới nách ả, và nhiều lần chàng bắt gặp cặp mắt, cặp mắt tò mò của ả nhìn như sờ nắn mình, thậm chí còn có cảm tưởng như lúc con mắt hai ngươi bắt gặp nhau, gò má người thiếu phụ Cô-dắc ửng lên, và bên mép thoáng hiện một nét cười kín đáo.
- Tôi sẽ dọn giường cho ngài ở phòng trong. - Grigori uống trà xong, ả vừa ôm gối và đệm đi qua, vừa nói với chàng, cặp mắt thèm khát trắng trợn như muốn đốt cho chàng cháy bùng lên. Ả đập đập cái gối và líu nhíu nói rất nhanh như không có chủ tâm gì. - Tôi xuống nằm dưới nhà kho… Trong nhà bức quá, lại bị rệp cắn…
Vừa nghe thấy người chủ nhà bắt đầu gáy, Grigori đã tháo ủng, chỉ đi bít tất xuống ngay nhà kho với ả. Ả tránh ra, nhường cho chàng một chỗ bên cạnh mình trên chiếc xe bò tháo phần trước, rồi vừa kéo cái áo chòng lông cừu đắp lên mình, vừa đưa chân cọ vào Grigori rồi lại nằm yên. Môi ả khô cứng, nặc mùi hành và một vị tươi mát kỳ lạ. Grigori gối đầu lên cánh tay mảnh khảnh và rám nắng của ả, hú hí với ả đến khi trời hửng. Suốt đêm ả ghì chặt Grigori vào lòng, vuốt ve chàng không biết chán và vừa cười, vừa cắn đùa vào môi chàng đến chảy máu, để lại trên cổ, trên ngực, trên vai chàng dấu vết tím bầm của những cái hôn cắn da cắn thịt, của những cái răng nhỏ và nhọn như răng thú. Sau khi gà gáy đợt ba, Grigori sắp sửa trở vào phòng trong để ngủ nốt, nhưng ả giữ chàng lại.
- Buông ra nào, em yêu của anh, buông ra nào, của quí của anh? - Grigori mỉm cười sau hàng ria đen chảy xệ, nhẹ nhàng tìm cách vùng ra cố khuyên.
- Nằm lại chút nữa anh… cứ nằm lại đi!
- Nhưng người ta nhìn thấy mất! Xem kìa, trời sắp rạng rồi?
- Không sao, mặc người ta!
- Thế còn cha em?
- Cha em biết rồi.
Làm thế nào biết được? - Grigori ngạc nhiên rung rung hai hàng lông mày.
- Biết hẳn đi chứ…
- Nói gì mà lạ! Làm thế nào biết được!
- Anh biết không, cha em, hôm qua cha em đã bảo em rằng nếu ông sĩ quan gạ gẫm thì cứ nằm với người ta, van xin người ta, kẻo lại vì thằng Gerasin hạng bét, mà bị lấy mất ngựa hoặc còn chuyện gì nữa chửa biết chừng. Chồng em, gã Gerasin ấy, nó đi theo quân Đỏ mà…
- À à à ra vậy! - Grigori mỉm cười châm biếm, nhưng trong thâm tâm thật ra chàng đã phật ý.
Tuy vậy ả đã đánh tan ngay cái cảm giác khó chịu ấy. Ả âu yếm sờ vào con chuột trên cánh tay Grigori rồi rùng mình:
- Chồng em, cái gã mà em không yêu nữa ấy, hắn chẳng được như anh đâu…
- Thế hắn làm sao? - Grigori vừa tò mò hỏi thêm, vừa đưa cặp mắt đã tỉnh hẳn nhìn lên khoảng đỉnh trời đang nhợt nhạt dần.
- Hắn chỉ là một của vứt đi… lẻo khẻo lèo khèo… - Ả nằm sát vào Grigori một cách tin cậy, giọng ả ấm ức như muốn khóc, nhưng lại không có nước mắt. - Em ăn ở với hắn mà chẳng được hưởng chút ngọt bùi nào… Về chuyện đi lại với đàn bà, hắn chẳng được tích sự gì cả…
Một tâm hồn mới gặp, ngây thơ như con nít, đã tự cởi mở một cách đơn giản với Grigori, đơn giản như một đoá hoa xinh xinh nở ra sau khi đã uống chán sương đêm. Điều đó làm chàng ngây ngất trong lòng bất giác thấy thương thương. Grigori nhắm cặp mắt mệt mỏi, âu yếm vuốt ve bộ tóc tả tơi của người đàn bà ngẫu nhiên chung chăn gối với mình.
Ánh trăng sắp lặn rỉ xuống qua kẽ mái lau của hàng hiên. Một vì sao sa rời bỏ bầu trời vụt rơi xuống đường chân trời, để lại một vết lân tinh ngưng đọng trong nháy mắt trên màn trời xám như rắc tro.
Trong đầm có con vịt cái quàng quạc cất tiếng gọi, con vịt đực âu yếm trả lời, giọng khàn khàn.
Grigori quay vào phòng trong, chàng nhẹ nhõm cảm thấy cái thể xác vừa bị dốc cạn của mình còn rung lên một cách khoái trá. Rồi chàng thiếp đi, trên môi còn lưu cái vị mặn mặn của cặp môi người đàn bà. Chàng trân trọng gìn giữ trong ký ức thân hình người đàn bà Cô-dắc khao khát vuốt ve yêu đương cùng mùi hương của cái thân hình ấy, mùi hương hỗn hợp của mật ong làm bằng nhụy bách lý hương của mồ hôi và hơi ấm.
Hai giờ sau bọn Cô-dắc đánh thức chàng dậy. Prokho Zykov thắng ngựa và dắt ra cổng cho chàng. Grigori từ giã người chủ nhà, nhìn lại một cách cứng cỏi cặp mắt âm thầm đầy vẻ thù địch của ông lão và gật đầu chào người con gái ông cụ đang bước qua sân vào trong nhà với một nét cười luyến tiếc và cay đắng ẩn hiện hai bên mép cặp môi mỏng nhợt nhạt. Grigori vừa cho ngựa đi dọc theo cái ngõ, vừa quay đầu nhìn lại. Cái ngõ ôm vòng lấy căn nhà chàng vừa nghỉ đêm như một cánh cung. Chàng thấy người đàn bà đêm qua sưởi ấm cho chàng vẫn quay đầu nhìn theo mình qua dãy hàng rào, một bàn tay nhỏ nhắn ngăm ngăm đưa lên che mắt. Grigori cảm thấy một niềm nhớ tiếc nhoi nhói trong lòng mình. Chàng quay đầu lại, cố nhớ lại nét mặt của ả, thân hình của ả, toàn bộ đáng dấp của ả, nhưng chẳng hình dung được gì. Chàng chỉ nhìn thấy đầu người đàn bà Cô-dắc từ từ quay nhìn theo mình. Một đoá hoa hướng dương theo dõi con đường di động xoay vòng chậm rãi của mặt trời cũng quay đầu như thế.
Miska Kosevoi đã bị giải từ trấn Vosenskaia ra mặt trận như một tên phạm nhân. Nhưng khi đến trấn Fedorseevskaia, viên ataman trấn nầy đến giữ anh lại một ngày rồi cho người áp giải trở về trấn Vosenskaia.
- Tại sao các ông lại trả tôi trở về! - Miska hỏi tên thư ký của trấn.
- Có nhận được chỉ thị gửi tới từ Vosenskaia, - tên kia miễn cưỡng trả lời.
Vốn là đại biểu trong đại hội thôn, bà mẹ của Miska đã quì sụp xuống van lạy bọn bô lão, và bọn nầy đã nhân danh tập thể viết một bản kiến nghị xin cho Miska Kosevoi được chỉ định làm coi ngựa, vì anh là người lao động duy nhất để nuôi sống cả gia đình. Miron Grigorievich thân chinh mang bản kiến nghị lên gặp tên ataman trấn và đã xin được cho Miska.
Trong nhà công sở trấn. Miska đứng cứng người trước mặt tên ataman. Thằng cha quát tháo một thôi một hồi rồi hạ giọng kết luận một cách tức tối:
- Chúng ta không thể tin cậy những thằng Bolsevich, không thể trao cho chúng việc bảo vệ sông Đông? Bây giờ cho mầy về sở chăn nuôi, làm coi ngựa, rồi sau sẽ hay. Đồ chó đẻ, đối với tao thì liệu cái thần hồn? Tao cũng thương con mẹ mầy, nếu không thì… Thôi xéo đi!
Miska đã có thể đi qua những dãy phố nóng như rang mà không còn bị áp giải. Sợi dây đeo chiếc ca-pôt cuộn tròn trên lưng như cắt vào vai. Sau chặng đường một trăm năm mươi vec-xta, hai chân anh đau như dần không còn muốn tuân theo ý muốn của anh nữa. Cố gắng lắm mới lê được về tới thôn trước khi đêm xuống. Nhưng ngay hôm sau anh đã lại phải lên đường tới trại chăn nuôi. Mẹ anh khóc như mưa, vuốt ve anh, và anh đã ra đi mang theo trong ký ức hình ảnh khuôn mặt già sọm của mẹ cùng những món tóc bạc mà anh nhận thấy lần đầu trên đầu bà.
Ở phía nam trấn Karginskaia có một khoảng đồng cỏ hoang, ngàn đời nay chưa từng có ai cày bừa trồng trọt. Khu bãi nầy dài hai mươi tám vec-xta, rộng sáu vec-xta. Khoảng đất rộng hàng mấy ngàn đê-xi-a-chin nầy vốn được dành cho việc chăn nuôi ngựa công của trấn, vì thế mới có cái trên là "sở chăn nuôi". Hàng năm cứ đến ngày lễ thánh Egor2 những người coi ngựa ở Vosenskaia lại đuổi những con ngựa giống ở các chuồng ngựa ra trại chăn nuôi. Người ta đã dùng tiền công quỹ của trấn dựng ở giữa sở những tầu ngựa lộ thiên dùng cho mùa hạ, mỗi tầu đủ nuôi mười tám con ngựa giống.
Cạnh đấy có ngôi nhà bằng ván ghép dùng cho bọn chăn ngựa, giám thị và y sĩ thú y. Những người Cô-dắc ở khu du mục Vosenskaia đem những con ngựa cái đến đấy. Khi nhận ngựa cái, viên y sĩ và bọn giám thị kiểm tra rất kỹ để con nào cũng cao ít nhất hai ác-sin3 và đủ bốn tuổi trở lên. Những con khoẻ mạnh được phân thành từng đàn, mỗi đàn bốn chục con. Mỗi con ngựa giống đưa đàn của nó ra đồng cỏ và theo dõi rất sát những con ngựa cái trong đàn.
Miska ra đi với con ngựa cái duy nhất trong nhà. Lúc tiễn con đi, bà mẹ kéo tạp dề lên lai nước mắt và nói:
- May ra thì con ngựa cái nhà ta lấy được giống… Con phải trông nom nó, đừng bắt nó chạy quá mệt. Nếu có được thêm con ngựa nữa thì may quá!
Đến giữa trưa, Miska nhìn qua làn mây mù tràn ngập trên vùng đất trũng, thấy những cái mái tôn của đám nhà ở, dãy hàng rào và cái mái bằng ván ép của chuồng ngựa đã xám xịt vì nắng gió. Anh thúc cho con ngựa rảo bước. Lên đến đường sống đồi thì thấy rõ ràng các khu nhà và làn cỏ trăng trắng như sữa đang lượn sóng phía sau. Xa xa, về đằng đông có một đàn ngựa chạy ra cái đầm, nom như những điểm màa hạt dẻ sẫm. Bên cạnh đàn ngựa có gã coi ngựa ngồi trên yên cho ngựa chạy nước kiệu, nom chẳng khác gì một thằng người đồ chơi đính trên con ngựa đồ chơi.
Vào đến trong sân, Miska xuống ngựa, buộc dây cương bên thềm, bước vào trong nhà. Anh gặp một gã chăn ngựa lùn lùn, mặt đầy tàn hương, trong dãy hành lang rất rộng.
- Hỏi ai thế? - gã vừa nhìn soát Miska từ chân lên đầu, vừa hỏi bằng một giọng chẳng có gì là thân thiện.
- Tôi cần gặp ông giám thị.
- Strukov ấy à? Không có nhà đâu, ra ngoài rồi. Nhưng phó giám thị Xadanov có nhà đấy. Cửa thứ hai bên trái… Nhưng có việc gì thế? Ở đâu đến?
- Đến chỗ các cậu làm coi ngựa đây.
- Bạ thằng nào cũng tống đến được…
Gã lầu bầu bước ra cửa, cái dây thòng lọng vắt qua vai kéo lệt sệt trên sàn nhà. Sau khi đã mở cửa, gã coi ngựa vung roi nói bằng một giọng đã ôn tồn hơn, nhưng vẫn không quay mặt lại:
- Người anh em ạ, công việc ở chỗ bọn mình cực nhọc lắm đấy. Có khi hai ngày hai đêm liền không được xuống ngựa đâu.
Miska nhìn theo cái lưng gù gù không thể dướn thẳng lên được nữa và cặp chân vòng kiềng rất cong của gã. Trong khoảng sáng của khung cửa, mỗi nét trên cái thân hình thô xấu méo mó của gã đều nổi bật lên. Hai chân cong ra như cái bánh xe của gã coi ngựa làm Miska cảm thấy vui vui. "Có lẽ thằng cha nầy đã cười bốn chục năm liền trên một cái bánh xe", - anh nghĩ bụng và vừa cười thầm, vừa đưa mắt tìm quả đấm cửa.
Xadanov tiếp nhận chàng coi ngựa với một vẻ oai vệ lãnh đạm.
Chẳng mấy chốc chính viên giám thị cũng ở đầu mò về. Viên giám thị nầy là một gã Cô-dắc cao lớn lực lưỡng, trước kia đã đóng quân ở trung đoàn Atamansky, tên hắn là Aphanxi Strukov. Hắn ra lệnh ghi Miska vào sổ được lĩnh lương ăn và quần áo xong, bèn cùng anh bước ra khoảng thềm nhà nóng bỏng dưới ánh nắng trắng loá:
- Mầy có biết huấn luyện những con ngựa chưa thuần không? Đã làm quen công việc nầy chưa?
- Việc nầy tôi chưa được làm bao giờ. - Miska thành khẩn thú nhận và thấy ngay rằng khuôn mặt của tên giám thị đang đờ đẫn dưới khí trời oi bức bỗng trở nên linh hoạt và thoáng có vẻ không vừa ý.
Hắn ưỡn hai cái xương bả vai rất khoẻ, gãi cái lưng đẫm mồ hôi rồi thần thờ nhìn vào chỗ giữa hai con mắt Miska.
- Mầy có biết ném dây thòng lọng không?
- Tôi ném được.
- Thế có thương yêu ngựa không?
- Có thương yêu.
- Chúng nó cũng như con người ấy, chỉ có điều không biết nói thôi. Mầy phải thương chúng nó, - hắn ra lệnh như thế rồi vô duyên cô cớ nổi giận đùng đùng, quát rầm lên - Mầy phải thương yêu chúng nó, nếu không sẽ ăn cặc bò ngay!
Trong giây phút bộ mặt hắn nom như vừa lanh lợi vừa thông minh, nhưng lập tức cái vẻ lanh lợi ấy đã biến đâu mất, và mỗi nét mặt lại mang một lớp vỏ cứng trên đó chỉ còn thấy đần độn và lãnh đạm.
- Mầy lấy vợ chưa?
- Chưa ạ!
- Đồ ngu? Lấy vợ đi có hơn không? - Tên giám thị vui vẻ nói thêm.
Hắn nín lặng một lát như chờ đợi điều gì, chốc chốc lại đưa mắt nhìn bộ ngực mở phanh của cánh đồng cỏ, rồi vừa ngáp dài vừa đi vào trong nhà, Miska coi ngựa hơn một tháng mà chẳng thấy hắn hé răng một lời nào nữa.
Trong trại chăn nuôi tất cả có năm mươi nhăm con ngựa giống. Mỗi gã coi ngựa phải trông nom hai ba đàn. Miska được trao cho một đàn lớn, đầu đàn là một con ngựa giống già rất khỏe tên là Bakha, ngoài ra còn một đàn nữa nhỏ hơn, có chừng hai mươi con ngựa cái theo một con ngựa giống tên là Banannui. Tên giám thị cho gọi Sodratov Ilia, một trong những gã coi ngựa tháo vát và gan góc nhất, rồi ra lệnh cho gã:
- Đây là thằng coi ngựa mới Kosevoi Miska, quê ở thôn Tatarsky. Mày chỉ cho nó hai đàn của con Banannui và con Bakha, cho nó một cái dây thòng lọng. Nó sẽ ở cùng chỗ với chúng mầy. Có gì chỉ bảo cho nó. Thôi đi đi.
Sondatov lặng thinh hút thuốc lá rồi gật đầu ra hiệu cho Miska:
- Ta đi thôi.
Ra đến thềm, hắn đưa mắt chỉ con ngựa cái của Miska đang đứng rũ dưới nắng và hỏi:
- Của cậu đấy à?
- Phải, của mình.
- Có mang chưa?
- Chưa!
- Cho nó lấy giống con Bakha ấy. Ở chỗ bọn mình chỉ có con Bakha là của trại ngựa giống Hoàng gia thôi, lai giống ăng-lê đấy, nó hăng ra hăng! Nào, lên ngựa.
Hai người cho ngựa chạy bên nhau. Hai con ngựa chạy vướng chân trong cỏ đến đầu gối. Khu nhà ở và các tầu ngựa đã lui lại rất xa phía sau. Phía trước, cánh đồng cỏ nằm lặng, trang nghiêm dưới một màn khói rất dịu màu lam. Trên đỉnh đầu, mặt trời hiện lên mệt mỏi sau một dải những đám mây trắng như đá mắt mèo. Trời nóng quá cỏ toả ra một làn hương thơm đặc quánh. Bên phải, dải đầm Girov tươi cười trải dài, trắng như ngọc trai, sau một khoảng đất trũng mung lung sương khói. Ba bề bốn bên, tầm mắt đưa đến đâu cũng chỉ thấy một vùng mênh mông xanh rờn dưới những làn sương mù rung rinh. Cánh đồng cỏ nguyên thuỷ nằm đờ đẫn dưới khí trời oi bức của buổi giữa trưa, và ở đường chân trời có một cái kurgan xám xám ưỡn bộ ngực mênh mông của nó, nom có vẻ không sao đi tới được như trong thần thoại.
Cỏ rậm và xanh sẫm từ ngọn tới gốc, đầu những lá cỏ sáng loáng lên dưới nắng như rỉ đồng. Cỏ vũ mâu chưa già mọc lờm xờm, lẫn với những đám thường xuân loăn xoăn. Cỏ nga quan khao khát vươn những bông nặng hạt đón ánh mặt trời. Chỗ chỗ lại có những khoảng mã tiền lùn choằn choằn bạ đâu mọc đấy, nhưng rễ bám rất chắc.
Năm thì mười hoạ mới thấy mọc xen vài nhánh thử vĩ, rồi vũ mâu lại lan tràn như nước vỡ bờ, bên trong có lẫn đủ mọi thứ hoa: yến mạch đại, hoàng sơn giới, đại tái, trần cát, giống cỏ thô bạo, thích sống cô độc, mọc lên ở đâu là chen lấn tất cả các thứ cỏ khác.
Hai chàng Cô-dắc lặng lẽ cho ngựa chạy, Miska cảm thấy trong lòng thanh thản và sẵn sàng chịu đựng, một cảm giác mà anh đã mất từ lâu Đồng cỏ đã có sức ghìm nén anh với bầu không khí tịch mịch trang nghiêm như một nhà hiền triết. Người bạn đường của anh thì chỉ luôn luôn ngủ gà ngủ gật trên yên, đầu gục xuống bờm ngựa, hai bàn tay đầy tàn hương đặt trên mũi yên như trước khi nhận chiếc bánh thánh.
Một con gà nước bay vụt lên dưới vó ngựa và lao tới chỗ khe mát với bộ lông trắng phát ra những tia sáng dưới nắng. Một làn gió hiu hiu thổi tới từ miền Nam, uốn rạp ngọn cỏ. Có lẽ sáng nay làn gió nầy đã làm gợn sóng mặt biền Azov.
Nửa giờ sau hai người đến chỗ đàn ngựa ăn cỏ ở gần đầm Oxinovyi. Sodratov tỉnh dậy, vươn vai trên yên và nói một cách lười nhác:
- Đàn ngựa của lão Lomakhin Panteliuska đấy. Nhưng không hiểu sao chẳng thấy bóng vía lão đâu cả.
- Con ngựa giống tên là gì thế? - Miska vừa hỏi vừa trầm trồ ngắm con ngựa lông hồng nhạt, giống Donesk, có cái lưng rất dài.
- Fraze. Nó ác lắm đấy, cái con khốn kiếp! Xem nó giương mắt nhìn chúng ta kia kìa? Nó làm đầu đàn đến là giỏi?
Con ngựa giống rẽ sang hướng khác. Đàn ngựa cái lốc nhốc chạy theo nó.
Miska tiếp nhận hai đàn ngựa được trao cho anh rồi đặt hành lý của mình vào một chiếc lều dã chiến. Trước khi anh đến đây đã có ba người sống trong cái lều nầy: Sondatov, Lomakhin và một người được thuê đến coi ngựa tên là Turoverov, một gã không còn trẻ nữa, suốt ngày chẳng nói chẳng rằng. Trong bọn, Sondatov có vẻ đứng đầu. Hắn sẵn lòng dạy cho Miska biết các công việc phải làm và ngay hôm sau đã nói cho anh nghe về tính nết và các thói quen của những con ngựa giống. Hắn mỉm cười hóm hỉnh, khuyên Miska:
- Theo qui định thì cậu phải làm công việc với con ngựa của cậu đấy. Nhưng nếu quần hết ngày nầy sang ngày khác nó cũng mệt đến mất xác thôi. Cậu cứ thả nó vào trong đàn, thắng yên vào một con khác, nhưng phải thay luôn ngựa cưỡi mới được.
Rồi ngay trước mắt Miska, hắn xua một con ngựa cái ra khỏi đàn và vừa cho ngựa phi vừa lăng cái vòng thòng lọng vào cổ con ngựa cái động tác rất thành thạo, rất chính xác, rồi hắn lấy bộ yên của Miska thắng lên lưng con ngựa run như cầy sấy, hai chân sau cứ khuỵu xuống.
- Cậu cưỡi nó đi. Đúng là con quỉ sứ nầy còn chưa thuần! Nhưng cưỡi lên đi chứ! - Hắn giận dữ quát lên đưa tay phải kéo mạnh dây cương, còn tay trái bóp vào chỗ dưới cái mũi nở phồng của con ngựa. - Đối với chúng nó cậu phải nhẹ nhàng một chút. Cậu phải làm thế nào để có thể đứng trong tàu quát tháo một con ngựa giống: "Đứng sang một bên!" thế là nó đứng sát ngay vào một bên cái khung của nó, nhưng chớ có lấy chuyện ấy làm trò đùa! Con Bakha thì đối với nó phải đặc biệt cẩn thận, chớ lại gần, nó đá đấy, - Hắn vừa nói vừa khom người trên bàn đạp, âu yếm sờ vào cái vú thẳng căng, đen mịn như xa-tanh của con ngựa cái đang dẫm hết chân nọ đến chân kia.
Chú thích:
1 1879 - 1926 Tên đầu sỏ phản cách mạng ở Ukraina hồi nội chiến. Sau khi thất bại, hắn bỏ chạy sang Ba Lan rồi sang Paris ND
2 Một ngày lễ tôn giáo của người Nga vào tháng sáu lịch cũ ND.
3 Một ác-sin bằng 0,71m ND.