14/3/13

Sông Đông êm đềm (PVI-C126-127)

Chương 126



Phần 6


Cỏ vũ mâu đã chín rũ, trên mấy vec-xta liền, đồng cỏ khoác một tấm áo choàng rung rinh uyển chuyển. Gió rập rình dũi đầu lớp cỏ xuống, dồn cỏ lại thành gò đống, làm cỏ xơ ra và xua những làn sóng xanh xanh trăng trắng như đá mắt mèo hết chạy về phía nam iại chạy về phía tây. Ở những nơi có một luồng không khí chảy qua, cỏ vũ mâu lại rạp đầu làm lễ, và trên những ngọn cỏ bạc phếch còn lưu rất lâu một vệt thâm thâm.
Các thứ cỏ đã nở rộ với đủ mọi màu hoa. Trên các đường sống gò ngải cứu chín rữa buồn bã rũ đầu xuống. Đêm rất ngắn, chưa nằm đã sáng. Đêm đêm cơ man nào là sao sáng lên lấm tấm trên bầu trời đen như cháy thành than. Vành trăng lưỡi liềm, vừng mặt trời nhỏ của người Cô-dắc, dè sẻn toả xuống một làn ánh sáng bềnh bệch. Dòng sông Ngân hà rộng thênh thang đan quyện với nhiều con đường khác cũng toàn là sao. Không khí hắc hắc và đặc quánh, gió hanh nặc mùi ngải cứu. Mặt đất thẫm đẫm vị đắng của cây ngải cứu mọc lan trên khắp nơi, khao khát gió mát. Những con đường dệt bằng sao, chưa từng bị vó ngựa hay chân người dẫm lên, kiêu hãnh lượn uyển chuyển. Các vì sao rắc đầy trên nền trời khô khan đen kịt mầu đất đen như những hạt thóc, nhưng chỉ chết uổng mà không nấy mầm, không cho mắt con người được thưởng thức những mầm non mới nhú… Mặt trăng nom như một mảnh đất muối khô nẻ, khắp đồng cỏ bị đại hạn, cỏ chết rũ, chỗ nào cũng có những con cun cút đánh nhau liên miên làm bay lên những đám lông trắng bong và tiếng châu chấu kêu lanh lảnh như tiếng kim khí…
Ban ngày trời nóng như thiêu như đốt, ngột ngạt, sương khói mịt mùng. Trên bầu trời xanh phai màu không vẩn một đám mây nào, chỉ thấy vừng mặt trời tàn nhẫn và một con chim ưng với đôi cánh nâu nâu vươn ra như một cây cung bằng thép. Trên đồng cỏ, cỏ vũ màu sáng lên chói lọi, loá cả mắt. Một thứ cỏ nóng, màu hung hung như lông lạc đà bốc hơi mù mịt. Con chim ưng nghiêng cánh lượn trên khoảng trời xanh thẳm, trong khi bên dưới, cái bóng khổng lồ của nó cứ lừ lừ lướt trên mặt cỏ.
Những con chuột nhảy rít lên khàn khàn, mệt mỏi. Những con ngân thử ngủ gật trong hang sau những đống đất vàng bốc hơi ngùn ngụt. Đồng cỏ nóng hổi nhưng không có sức sống, muôn vật chung quanh đều trong suốt và không động đậy. Ngay đến nấm kurgan cũng hiện lên xanh xanh ở nơi tận cùng của tầm mắt, huyền ảo, mờ nhạt, như trong một giấc mộng…
Ôi đồng cỏ thân yêu! Một ngọn gió đắng bắc thổi rạp bờm những con ngựa cái và ngựa giống trong đàn. Gió làm mũi ngựa vừa khô vừa mặn. Con ngựa ngửi thấy cái mùi đăng đắng mặn mặn ấy, cảm thấy có gió và nắng bèn nhay nhay hai cái môi mịn như lụa hí dài.
Ôi đồng cỏ thân yêu dưới bầu trời là sát mặt sông Đông! Những khe núi ngoằn ngoèo chia nhánh trong những thung lũng khô nẻ, những vách đất sét dựng đứng đỏ lòm, những vùng cỏ vũ nâu mênh mông với những vết móng ngựa in sâu dưới đất, những nấm kurgan trầm mặc như những nhà hiền triết gìn giữ cài vinh quang Cô-dắc chôn sâu bên trong… Ta rạp đầu làm lễ, đem cả một lòng hiếu thuận của người con hôn chất đất nhạt thếch của người, chất đất sông Đông, chất đất Cô-dắc, ôi cánh đồng cỏ thấm đẫm dòng máu không hoen ố!
Đầu nó nhỏ và khô như đầu một con rắn. Hai tai nó thon và rất linh hoạt. Các bắp thịt trên ức nó nở đến cực độ. Bốn chân nó thanh và khỏe, các khớp xương không có một chút khuyết tật nào, bốn móng nó nhẵn thín như những hòn đá củ đậu ngoài sông. Mông nó hơi xuôi, lông đuôi nó to sợi. Nó là một con ngựa sông Đông thuần giống. Hơn thế nữa dòng máu nó rất cao quí, chảy trong các mạch máu của nó không có một giọt máu lai nào. Nhìn bất cứ chỗ nào cũng thấy rõ là một con ngựa nòi. Tên nó là Manbruc. Ở chỗ uống nước, nó đã đánh nhau với một con ngựa giống khác để bảo vệ con ngựa cái của nó. Con kia nhiều tuổi hơn, khỏe hơn nó, và tuy những con ngựa giống thả ăn rong bao giờ cũng được tháo cá sắt nhưng con kia đã đá nó bị thương nặng ở chân trước bên trái. Cả hai con đều đứng chồm hẳn lên, cắn nhau, đá nhau bằng chân trước, xé toạc da nhau…
Gã coi ngựa không có mặt ở đấy, gã đang ngủ trên đồng cỏ, lưng phơi ra nắng, hai chân dang rộng trong đôi ủng nóng bỏng và lấm bụi. Con Manbruc bị địch thủ đánh ngã xuống đất, bị đuổi ra xa đàn, rồi nằm lại đấy, mất máu dần. Con kia chiếm cả hai đàn ngựa, rồi dẫn đi theo sườn khe Tovkaia.
Con ngựa giống bị thương được đưa về chuồng ngựa, gã y sĩ chữa cho nó cái chân bị đau. Nhưng sáu ngày sau Miska Kosevoi có việc lên báo cáo với viên giám thị đã được chứng kiến sự việc dưới đây: tuân theo cái linh tính của một kẻ mang sứ mệnh lưu truyền nòi giống, con Manbruc đã gặm đứt dây buộc, nhảy ra khỏi cái khung buộc ngựa, chiếm lấy mấy con ngựa cái bị buộc chân sau đang ăn cỏ ở cạnh nhà nhân viên và để sẵn đấy cho bọn coi ngựa, giám thị và y sĩ cưỡi. Nó đuổi mấy con ngựa cái ra đồng cỏ, đầu tiên cho chạy nước kiệu rồi sau nó cắn những con chậm lại phía sau, bắt phải chạy nhanh. Bọn coi ngựa chỉ còn được nghe thấy tiếng dây buộc chân sau mấy con ngựa cái đứt phừn phựt.
- Con khốn kiếp, nó bắt chúng ta phải đi bộ rồi!
Tên giám thị đưa mắt nhìn theo những con ngựa chạy xa dần, chửi ầm lên, nhưng trong thâm tâm không khỏi lấy làm hài lòng.
Đến giữa trưa con Manbruc dẫn mấy con ngựa cái ra chỗ uống nước. Mấy gã coi ngựa đi bộ đến dắt những con ngựa cái của nó đi, còn chính Manbruc thì bị Miska đóng yên, đưa ra đồng cỏ và trả về đàn cũ.
Trong hai tháng làm công việc coi ngựa, Miska đã để tâm nghiên cứu cẩn thận đời sống của những con ngựa thả rong trong trại. Anh đã theo dõi sâu sắc và cảm thấy rất tôn trọng trí thông minh và tinh thần cao thượng không giống con người chút nào của loài ngựa.
Những con ngựa đực đã nhảy cái ngay trước mắt anh và cái động tác ngàn đời ấy, thực hiện trong những hoàn cảnh nguyên thuỷ một cách tự nhiên, trong sạch và giản dị đến nỗi trong đầu óc Miska tự nhiên nảy ra những ý nghĩ so sánh không lợi cho con người chút nào.
Nhưng trong quan hệ của loài ngựa với nhau cũng có nhiều điểm giống con người. Chẳng hạn Miska nhận thấy rằng Bakha là một con ngựa giống bắt đầu về già hung ác, bất kham. Nó đối xử có phần thô bạo với những con ngựa cái khác, nhưng lại hoàn toàn không như thế đối với một con ngựa cái rất đẹp, bốn tuổi, có ngôi sao to trên trán và hai con mắt sáng bừng bừng. Con Bakha luôn luôn lượn quanh con ngựa cái vẻ lo lắng và nóng nảy bồi hồi, nó luôn luôn hít hít con ngựa cái với những tiếng hí đặc biệt, khe khẽ và say đắm.
Khi bị buộc trong tàu, nó thích đặt cái đầu hung hãn của nó lên mông con ngựa cái yêu dấu và cứ thế mơ màng rất lâu. Miska đứng bên cạnh nhìn con Bakha, thấy đầu gân các bắp thịt dưới da nó khẽ giật giật và anh thấy như nó yêu con ngựa cái nầy đắm đuối với cả một mối tình tuyệt vọng và âu sầu của một ông già.
Miska làm việc rất cần mẫn. Có lẽ cái tin anh làm việc chăm chỉ đã đưa đến tai tên ataman trấn, cho nên đến đầu tháng Tám, viên giám thị đã nhận được chỉ thị trả Miska về cho nhà hội đồng trấn điều động.
Miska sửa soạn chỉ loáng cái đã xong, anh trao trả các đồ chăn ngựa của công và ngay chiều hôm ấy đã lên ngựa về nhà. Con ngựa cái luôn bị chủ nó thúc. Lúc mặt trời lặn anh đã đi qua Kargin và tại đấy trên đỉnh một ngọn gò anh đuổi kịp một chiếc xe ngựa chạy về hướng Vosenskaia.
Người Ukraina lái xe đánh hai con ngựa béo căng đổ mồ hôi như tắm. Một người đàn ông vai rộng, thân hình cân đối, nửa ngồi nửa nằm phía sau chiếc xe nhẹ có lắp díp. Người ấy mặc một chiếc áo vét-tông cắt theo kiểu thành thị, chiếc mũ phớt màu xẫm hất ra sau gáy Miska cưỡi ngựa đi theo chiếc xe một lát, và cứ nhìn hai cái vai xuôi của người đội mũ phớt rung lên mỗi khi xe vấp và cái cổ áo trắng đầy bụi. Dưới chân người khách đi xe có một cái túi du lịch và một cái bao, trên phủ chiếc áo bành tô gấp lại. Mùi khói xì-gà rất lạ chọc vào mũi Miska. "Có một viên quan nào đó về trấn". - Miska vừa nghĩ thầm vừa cho con ngựa tiến lên ngang chiếc xe. Anh liếc nhìn xuống dưới vành mũ phớt, bất giác há hốc miệng và một cảm giác vừa sợ vừa hết sức ngạc nhiên làm cho lưng anh cứ như bị một kẻ tinh nghịch rắc kiến lên. Stepan Astakhov đang xoài người trong chiếc xe, một mẩu xì gà đen nhai nhai trong miệng đầy vẻ nóng nảy, cặp mắt sáng ngang tàng nheo nheo. Còn chưa tin hẳn vào mắt mình, Miska nhìn lại lần nữa cái khuôn mặt quen thuộc nhưng đã thay đổi lạ lùng của người cùng thôn, rồi cuối cùng anh quả quyết rằng con người đang nhún nhảy trên cặp xe đích xác là anh chàng Stepan còn sống sờ sờ. Anh cảm động quá mướt cả mồ hôi húng hắng ho và hỏi:
- Thưa ông, xin ông thứ lỗi cho ông có phải là ông Astakhov không?
Người ngồi trên xe bắt đầu cho chiếc mũ dạ chạy ra trước trán, quay mặt lại, ngước nhìn Miska:
- Vâng, tôi là Astakhov. Nhưng có việc gì thế? Bác phải chăng… Hượm đã nào, cậu là Kosevoi phải không? - Anh ta nhỏm đậy, mỉm cười đưới hàng ria màu hạt dẻ xén tỉa ngay ngắn, nhưng chỉ cái cặp môi là cười, hai con mắt và toàn bộ khuôn mặt già đi vẫn giữ một vẻ nghiêm nghị rất khó gần. Rồi khuôn mặt già đi vẫn giữ một vẻ nghiêm nghị rất khó gần. Rồi anh ta ngơ ngác và sung sướng chìa tay ra. – Kosevoi! Miska! Té ra chúng ta lại được gặp nhau thế nầy? Tôi rất sung sướng…
- Sao thế nhỉ? Sao lại thế nầy nhỉ? - Miska ném dây cương xuống, dang hai tay như còn hồ nghi. - Người ta nói rằng anh đã bị giết rồi. Nhưng tôi nhìn ra lại đúng là Astakhov…
Miska toét miệng cười, anh bấn cả lên, cứ ngọ nguậy mãi trên yên. Nhưng cái mã ngoài của Stepan cùng cách phát âm trầm trầm đúng tiếng Nga của anh la đã làm Miska luống cuống, và từ lúc ấy cho đến cuối cuộc gặp gỡ, anh cứ gọi Stepan là "bác" vì đã mơ hồ cảm thấy một đường ranh giới vô hình nào đó ngăn cách mình với Stepan.
Hai người bắt đầu nói chuyện với nhau. Những con ngựa đi bước một. Phía tây, ráng chiều đã nở ra những đoá hoa huy hoàng, nhưng trên trời, những đám mây nhỏ màu xanh xanh đã bay tới đón trời đêm. Trong những khoảng kề bên đường có con cun cút gân cổ kêu khàn khàn. Một bầu không khí tịch mịch và mù bụi trùm khắp đồng cỏ sự nhộn nhịp và mọi tiếng động ban ngày đã bị xua đi hết trong lúc chiều xuống. Cái hình ảnh ảm đạm của một toà nhà thờ nhỏ hiện lên rầu rĩ trên nền trời mầu hoa cà ở ngã tư giữa hai con đường về trấn Trucarinskaia và trấn Krugilinskaia. Những đám mây lổn nhổn đỏ như gạch chồng chất ngay bên trên nhà thờ.
- Bác ở đâu về thế, bác Stepan Andreevich? - Miska vui vẻ hỏi.
- Từ bên Đức về. Bây giờ tôi về quê đây.
- Nhưng tại sao trong thôn lại có những anh em Cô-dắc nói rằng, Stepan đã bị giết ngay trước mắt họ?
Stepan trả lời một cách dè dặt, giọng đều đều, tựa như những câu trả lời ấy làm anh ta phiền não:
- Tôi đã bị thương hai chỗ, còn anh em Cô-dắc… Anh em Cô-dắc cái gì? Chúng nó đã mặc xác tôi… Tôi bị bắt làm tù binh… Bọn Đức đã chữa cho tôi khỏi, rồi bắt đi làm việc…
- Hình như bác chẳng viết bức thư nào gửi về thì phải?
- Còn có ai mà viết? - Stepan vứt mẩu xì gà đi rồi châm ngay điếu thứ hai.
- Nhưng còn vợ? Bác gái vẫn sống, vẫn khỏe mạnh cơ mà?
- Tôi không ăn ở với nó nữa rồi, chuyện ấy ai chẳng biết.
Giọng Stepan nghe rất khô khan, trong đó không thể nhận thấy một chút gì ấm áp. Việc nhắc tới vợ cũng không làm anh ta xúc động chút nào.
- Thế nào, sống nơi đất nước người bác không thấy buồn à? - Miska gần như áp hẳn ngực xuống mũi yên, hỏi hết câu nọ đến câu kia.
- Đầu tiên cũng có buồn, nhưng rồi cũng quen đi. Tôi đã được sống đầy đủ. - Anh ta nín lặng một lát rồi nói thêm - Tôi đã định ở lại hẳn bên Đức, lấy quốc tịch Đức. Nhưng bây giờ nhớ nhà không chịu được, bèn quẳng hết bên ấy bỏ về.
Stepan mỉm cười, lần đầu tiên những vết nan quạt cứng đờ trên mắt anh ta dịu đi.
- Nhưng ở quê ta, tất cả đều đang lộn tùng phèo như thế nào, bác có biết không? Người mình đang đánh nhau với người mình.
- Pha-a-ải… tôi có nghe nói.
- Bác đã về bằng con đường nào?
- Tôi qua nước Pháp, đi tầu thuỷ từ Mácxây đến Novorossisk. Mácxây là một thành phố ra thành phố.
- Bác có thể bị gọi ra lính không?
- Có lẽ cũng bị… Thế trong thôn có chuyện gì mới không?
- Nhưng làm thế nào mà kể cho hết được? Chuyện thì nhiều lắm.
- Cái nhà của tôi vẫn còn chứ?
- Gió thổi cũng lung lay rồi…
- Còn bà con láng giềng? Hai thằng nhà Melekhov còn sống không?
- Còn sống.
- Anh có biết tin về con vợ cũ của tôi không?
- Vẫn ở bên ấy, ở Yagonoie.
- Còn thằng Grigori… vẫn ở với nó à?
- Không. Grigori ở với vợ chính thức của nó. Đã cắt đứt với Acxinhia của bác rồi.
- À ra vậy… Tôi không được biết.
Hai người nín lặng một phút. Miska vẫn chăm chú nhìn Stepan mãi không chán. Anh nói đầy vẻ thán phục và kính trọng:
- Xem ra bác đã làm ăn khá lắm. Bác Stepan Andreevich nhỉ. Quần áo của bác sang trọng cứ như một nhà quý tộc ấy.
- Bên ấy người nào cũng ăn vận sạch sẽ. - Stepan cau mày đặt tay lên vai người đánh xe. - Nầy, ta đi nhanh lên một chút.
Người đánh xe vung roi có vẻ không vui, hai con ngựa mệt mỏi kéo giật chiếc xe, chân bước không ăn nhịp. Bánh xe khẽ cọt kẹt, chốc chốc lại thụt xuống những chỗ ổ gà. Stepan quay lưng về phía Miska, hỏi một câu để cắt đứt câu chuyện:
- Cậu về thôn à?
- Không, tôi lên trấn.
Đến ngã tư, Miska kiễng chân trên bàn đạp, rẽ ngựa sang phải.
- Thôi tạm biệt bác Stepan Andreevich nhé!
Stepan nặng nề đưa mấy ngón tay lên vành chiếc mũ phớt đầy bụi, trả lời một cách lạnh nhạt, giọng nói rành rọt, tách bạch từng tiếng, nghe chẳng có vẻ người Nga chút nào.
- Đi cho khỏe nhé!


Chương 127



Phần 6


Mặt trận đã di chuyển tới tuyến Filonovo - Povorino. Hồng quân đang điều động lực lượng, tập trung thành một nắm đấm chuẩn bị ra đòn. Quân Cô-dắc triển khai thế tấn công một cách uể oải, chúng cảm thấy đạn dược thiếu quá nhiều, nên không muốn vượt ra ngoài địa giới Quân khu. Trên mặt trận Filonovo, các trận đánh diễn ra với phần thắng khi thì thuộc về bên nầy, khi thì thuộc về bên kia.
Đến tháng Tám thì tình hình tạm yên. Những tên Cô-dắc nghỉ phép ngắn hạn từ mặt trận trở về, xì xào rằng sang thu sẽ có thể đình chiến.
Trong khi đó ở hậu phương, các trấn và các thôn dang bàn gặt hái. Công việc không có đủ người làm. Những người già và đàn bà không thể nào đảm đương hết công việc. Thêm vào đó họ lại luôn luôn bị cắt đi áp tải những đoàn xe chở đạn dược và lương thực ra mặt trận.
Hầu như ngày nào thôn Tatarsky cũng có năm sáu chiếc xe đi Vosenskaia, và đến Vosenskaia, dân trong thôn còn phải xếp những hòm đạn súng trường và đạn pháo lên xe, chở đến địa điểm chuyển giao là thôn Androvovsky, nhưng có khi thiếu xe, họ còn phải đi xa hơn nữa, đến tận các thôn ven sông Khop.
Cuộc sống trong thôn tất bật, nhưng bế tắc. Mọi ý nghĩ trong đầu óc mọi người đều hướng về mặt trận xa xôi, người ta lo lắng và đau khổ chờ những tin không may về bọn Cô-dắc. Stepan Astakhov trở về làm toàn thôn náo cả lên: trong tất cả các nhà, tất cả các sân đạp lúa, chỗ nào cũng chỉ bàn tán về chuyện đó. Anh chàng tưởng như đã nằm sâu dưới đất từ bao giờ, anh chàng mà họ tên chỉ còn được các bà già nhớ ghi lên các bảng danh sách cầu hồn, anh chàng mà người ta hầu như đã quên hẳn, thế mà nay lại lù lù trở về. Đó chẳng phải là một chuyện kỳ quặc hay sao?
Stepan nghỉ tạm ở chỗ mụ vợ gã Anikey. Anh ta đem đồ đạc hành lý vào trong nhà, và trong khi mụ sửa soạn cho anh ta ăn tối, anh lại sang thăm nhà mình. Với những bước chân nặng nề của một người chủ nhà, Stepan đi dọc đi ngang giờ lâu trên cái sân gia súc trắng loá ánh trăng, rồi bước xuống hàng hiên cái nhà kho gần đổ dụi. Anh ta nhòm vào trong nhà, ra lay lay dãy cọc hàng rào… ở nhà mụ Anikey, đĩa trứng lập là trên bàn đã nguội tanh từ bao giờ, nhưng Stepan vẫn còn xem xét cái cơ ngơi cỏ mọc rậm rì của anh ta. Anh ta vừa bẻ ngón tay răng rắc vừa lẩm bẩm không biết những gì như người líu lưỡi.
Tối hôm ấy có rất nhiều bà con Cô-dắc đến thăm Stepan. Họ muốn xem anh ta hiện nay như thế nào và hỏi han về đời sống tù binh. Phòng trong căn nhà mụ Anikey đầy đàn bà và trẻ con. Họ đứng sát vào nhau như một bức tường, nghe Stepan kể chuyện há hốc như những cái hố đen ngòm. Stepan nói một cách miễn cưỡng, và chẳng bao giờ thấy một nụ cười làm sáng khuôn mặt đã già đi nhiều của anh ta. Xem ra cuộc đời đã bẻ anh ta gãy gập, gãy tận gốc, đã làm anh ta biến đổi, đã nhào nặn anh ta thành một con người khác.
Sáng hôm sau, trong lúc Stepan còn đang ngủ ở nhà trong, ông Panteley Prokofievich sang chơi. Ông đưa tay lên che miệng, húng hắng khẽ ho, chờ Stepan tỉnh dậy. Từ nhà trong xông ra mùi sàn đất xốp mát lạnh, mùi thuốc lá lạ, nặng đến tức thở và mùi đường trường, thứ mùi thường bám rất lâu trên những kẻ đi xa.
Đã nghe thấy tiếng Stepan thức dậy: anh ta đánh diêm châm thuốc hút.
- Bác cho phép tôi vào chứ? - Ông Panteley Prokofievich hỏi xong, hấp tấp sửa lại những nếp trên chiếc áo sơ-mi mới phồng lên trên người, cứ như sắp vào gặp quan trên. Chiếc sơ-mi nầy bà Ilinhitna đã đặc biệt lấy ra cho ông mặc trong dịp nầy.
- Xin mời ông vào.
Stepan mặc quần áo, mẩu xì-gà phì phèo trên miệng, hai con mắt nheo nheo vì khói thuốc. Ông Panteley Prokofievich bước qua ngưỡng cửa mà trong lòng không khỏi cảm thấy chờn chờn. Ông hết sức ngạc nhiên trước khuôn mặt biến đổi của Stepan cũng như những cái khoá bằng kim khí trên cặp bơ-rơ-ten lụa của anh ta. Rồi ông đứng lại, chìa bàn tay đen sì to như cái thuyền.
- Chào bác láng giềng! Vẫn còn sống để được trông thấy nhau…
- Chào ông!
Stepan sửa lại cặp bơ-tơ-ren trên hai cái vai xuôi to mập, nhún vai vài cái, rồi đàng hoàng đặt bàn tay mình vào bàn tay sần sùi của ông già. Hai người đưa nhanh mắt nhìn nhau. Cặp mắt Stepan bừng lên một ánh xanh xanh có vẻ hằn học, còn cặp mắt vừa lồi vừa xếch của ông già Melekhov thì đầy vẻ kính trọng, nhưng hơi châm biếm và ngạc nhiên.
- Bác già mất rồi, bác Stepan ạ… Già mất rồi, ông bạn thân mến ạ.
- Vâng, già mất rồi.
- Bà con đã làm lễ truy điệu cho bác, cũng như cho thằng Griska nhà tôi… - Nói đến đây ông bực mình ngắt lại, mình nhắc tới một chuyện thật chẳng đúng lúc chút nào. Rồi ông cố chữa lại câu nói lỡ lời - Ơn Chúa, bác vẫn còn sống, vẫn khỏe mạnh trở về… Thật là ơn Chúa! "Thằng Griska cũng đã được làm lễ truy điệu, nhưng cũng như ông Lada 1, nó vẫn sống lại trở về. Nó đã có hai đứa con với vợ nó, con Natalia ấy, ơn Chúa, cũng đảm đang. Con bé thật là ngoan… Còn bác, ông bạn thân mến, dạo nầy bác ra sao?
- Cảm ơn ông.
- Bác cũng sang thăm hàng xóm láng giềng chứ? Bác sang đi, cho chúng tôi được vinh dự… Chúng ta sẽ có dịp nóỉ chuyện với nhau.
Stepan từ chối, nhưng ông Panteley Prokofievich làm mặt giận, cố nài cho kỳ được, vì thế Stepan cũng phải nhận lời. Anh ta rửa mặt, chải ngược bộ tóc cắt ngắn, và khi ông già hỏi: "Cái bờm tóc trước trán đâu mất rồi? Rụng cả rồi hay sao?", anh ta chỉ mỉm cười rồi đội cái mũ phớt lên đầu và bước ra sân.
Ông Panteley Prokofievich có thái độ quá săn đón quỵ lụy, vì thế Stepan bất giác có ý nghĩ: "Vì cái thù cũ, lão ta cố…"
Bà Ilinhitna thấy chồng lừ mắt ra lệnh bèn vội vã vào bếp thúc Natalia và Dunhiaska, còn mình thì ra dọn bàn. Thỉnh thoảng mấy người đàn bà lại tò mò liếc mắt về phía mấy bức bình thánh chỗ Stepan ngồi. Họ nhìn thấy rất kỹ chiếc vét-tông, cái cổ giả, sợi dây đeo đồng hồ bằng bạc cùng bộ tóc của anh ta và đưa mắt cho nhau với những nụ cười ngạc nhiên không giấu nổi. Daria ra hiệu mua hàng về, mặt còn đỏ ửng. Chị chẳng ngượng ngùng mỉm cười, đưa góc tạp dề lên lau cặp môi mỏng dính, nheo mắt nói:
- Chà, bác láng giềng thân mến, tôi không nhận được ra bác nữa đấy Chẳng còn chút gì giống một anh chàng Cô-dắc nữa rồi!
Ông Panteley Prokofievich không muốn mất thì giờ bèn lấy luôn ra một chai rượu đặt lên bàn rồi rút cái nút bằng giẻ bít miệng chai, và vừa hít hít hương rượu ngọt ngọt cay cay vừa khen lấy khen để:
- Nếm thử đi bác. Tôi cất lấy đấy. Đánh cái diêm, dí gần vào là bùng ngay lên một ngọn lửa xanh xanh. Thật đấy!
Đầu tiên hai người chỉ nói con cà con kê với nhau những chuyện đâu đâu. Stepan uống một cách miễn cưỡng, nhưng sau khi có tí tửu vào rồi, anh ta chuếnh choáng ngay và thái độ đã dịu đi.
- Bác láng giềng thân mến ạ, bây giờ thì phải lấy vợ đi mới được.
- Ông nói gì vậy? Con vợ cũ của tôi, tôi bỏ đi đâu bây giờ?
- Vợ cũ ấy à? Vợ cũ cái gì? Vợ cũ, bác tưởng chị chàng chưa bị dùng mòn đi rồi hay sao? Vợ thì cũng như con ngựa ấy, trong mõm nó còn có răng thì ta còn cưỡi… Chúng tôi sẽ kiếm cho bác một cô còn trẻ.
- Cuộc đời của chúng ta đã rối như bòng bong rồi… Còn cưới với xin cái gì nữa? Tôi chỉ được nghỉ phép mười ngày rồi sẽ phải lên trình diện ở nhà hội đồng, và có lẽ sẽ phải ra trận - Stepan có vẻ đã ngà ngà, giọng nói mất dần tính chất ngoại quốc.
Chẳng mấy chốc anh ta ra về. Daria trầm trồ nhìn theo. Mọi người ở lại bàn tán sôi nổi.
- Xem nó bây giờ chữ nghĩa có ghê không, cái thằng chó đẻ! Cứ nghe giọng nói của nó mà xem! Thật như một thằng thanh tra thuế vụ hay một nhân vật quyền cao chức trọng nào khác ấy… Lúc tôi vào nó vừa ngủ dậy. Bên ngoài cái áo sơ-mi lót, trên hai vai nó có đeo hai cái đai ngựa bằng lụa với những cái khoá kim khí, thật đấy? Hai cái đai ôm lấy lưng và ngực nó y như đai ngựa ấy. Sao thế nhỉ?
Nó đeo như thế làm gì cơ chứ? Bây giờ nó thật chẳng khác gì một con người có hàng bồ chữ. - Ông Panteley Prokofievich trầm trồ khen không ngớt miệng. Rõ ràng ông đang nở từng khúc ruột vì thấy Stepan không từ chối sự mời mọc của mình và không còn nhớ thù xưa nữa.
Qua những lời trao đổi đã vỡ lẽ là Stepan dự định mãn hạn lính sẽ về sống trong thôn, sửa chữa căn nhà và bắt đầu gây dựng lại cơ nghiệp. Anh ta cũng cho biết qua rằng mình có sẵn tiền để làm việc đó làm cho ông Panteley Prokofievich phải suy nghĩ đến đau cả đầu và bất giác cảm thấy khâm phục.
- Có lẽ nó có của đấy, - Stepan đi rồi, ông mới nói. - Nó có vốn liếng đấy, cái thằng chó chết. Những thằng Cô-dắc khác bị bắt làm tù binh trở về đều nghèo xác mùng tơi, còn nó thì xem đấy, toàn tơ lụa lượt là… Đúng là nó đã giết người hoặc ăn cắp tiền của ai rồi.
Mấy ngày đầu, Stepan nghỉ nhờ ở nhà mụ Anikey, rất ít khi ló mặt ra phố. Bà con hàng xóm để ý theo dõi từng cử chỉ của anh ta, ngay đến mụ Anikey cũng bị người ta hỏi dò xem Stepan dự định sẽ làm gì. Nhưng mụ không hề hé răng, cứ làm như chẳng biết gì cả.
Trong thôn càng bàn ra tán vào nhiều hơn khi mụ Anikey sang thuê con ngựa nhà Melekhov và sáng sớm hôm thứ bảy, ra khỏi thôn đi đâu không biết. Chỉ mình ông Panteley Prokofievich đánh hơi thấy được câu chuyện đầu đuôi ra sao. "Nó đi gặp con Acxinhia đấy", ông già vừa thắng con ngựa cái thọt vào chiếc xe nhẹ, vừa nháy mắt nói với bà Ilinhitna. Và ông đã không lầm. Mụ kia quả đã làm theo lời Stepan và đến Yagonoie. Stepan đã bảo mụ: "Bác hỏi hộ Acxinhia xem có chịu quên hờn cũ oán xưa mà quay về với chồng không?"
Hôm ấy Stepan đã hoàn toàn mất hết vẻ bình tĩnh và tự chủ. Anh ta đi lang thang trong thôn suốt ngày đến chiều và ngồi rất lâu trên thềm nhà Mokhov, kể cho lão Sergey Platonovich và lão Chacha nghe về nước Đức, về con đường qua nước Pháp và về biển. Anh ta vừa kể vừa nghe những lời than vãn của lão Mokhov, chốc chốc lại xem đồng hồ đầy vẻ sốt ruột…
Trời hoàng hôn thì mụ chủ nhà hắn trọ đi Yagonoie về. Mụ vừa sửa soạn bữa tối trong căn nhà bếp mùa hè, vừa kể lại rằng khi nghe cái tin bất ngờ ấy, Acxinhia có vẻ rất kinh hoàng. Nàng đã hỏi han nhiều về hắn, nhưng dứt khoát từ chối không về.
- Chị chàng chẳng lo lắng thiếu thốn gì đâu, sống cứ như bà lớn ấy. Người nuột nà ra, da mặt trắng trắng là. Công việc nặng nhọc không phải mó tay vào. Như thế thì còn cần gì nữa? Áo sống của chị chàng thật là nằm mơ cũng không tưởng tượng được. Không phải là ngày lễ, mà cái váy mặc trắng như tuyết ấy, hai tay thì sạch bong. - Mụ vừa nói vừa cố nén những tiếng thở dài ghen tị.
Hai gò má Stepan có ánh hồng hồng, trong hai con mắt sáng quắc nhìn dán xuống đất bùng lên những tia hung hãn và đau khổ rồi lại tắt ngấm. Anh ta cố giữ cho tay khỏi run, cầm chiếc cùi dìa hớt sữa chua trong cái tách sứ lên ăn, rồi gắng hết sức hỏi bằng một giọng từ tốn:
- Bác bảo rằng Acxinhia khoe được sống đầy đủ lắm à?
- Còn sao nữa? Sống như thế thì ai chả muốn sống!
- Có hỏi về tôi à?
- Còn sao nữa! Thấy tôi nói rằng bác đã về, mặt chị chàng tái nhợt đi.
Ăn tối xong, Stepan bước ra cái sân cỏ mọc um tùm.
Buổi hoàng hôn ngắn ngủi của một ngày tháng Tám xồng xộc ập tới rồi lại tức khắc tắt ngay. Trong không khí mát rượi và ẩm ướt của buổi tối, tiếng máy quạt thóc kêu ầm ầm như ám ảnh, và vẳng có những tiếng người nói giật giọng. Dưới vầng trăng vàng mang những vết xam xám, con người đang bận rộn với những công việc túi bụi hàng ngày: người ta quạt những đống thóc vừa đập xong trong một ngày, người ta khiêng thóc vào kho. Toàn thôn chìm dưới mùi lúa mới đập hâm hấp hăng hắc và mùi bụi trấu. Ở một chỗ nào đó cạnh thao trường có tiếng chiếc máy đập lúa chạy bằng hơi nước kêu xình xịch lẫn với tiếng chó sủa oăng oẳng. Từ những sân đập lúa đằng xa với tiếng hát ề a. Ngoài sông lùa vào một làn hơi ẩm nhạt thếch.
Stepan đứng tựa hàng rào, thừ người ra ngắm rất lâu dòng sông Đông có thể nhìn thấy qua dãy phố, làn nước ngoằn ngoèo lung linh như đèn rạng dưới ánh trăng xuyên chéo. Muôn ngàn con sóng nhỏ lăn tăn trên dòng nước. Bên kia sông Đông, rặng tiêu huyền đứng lặng yên như buồn ngủ. Một nỗi buồn khổ xâm chiếm Stepan không sao cưỡng lại được.
Trời vừa rạng thì có mưa, nhưng sau khi mặt trời mọc mây đen lại tan hết, và hai giờ sau, chỉ còn những đám bùn bám lên những bánh xe đang khô dần còn làm người ta nhớ rằng có trận mưa vừa tạnh.
Sáng hôm ấy Stepan đến Yagonoie. Trong lòng hồi hộp, anh ta buộc ngựa bên cánh cổng rồi bước những bước nhanh nhẹn rắn rỏi đi thẳng tới nhà đầy tớ.
Không một bóng người trên lớp cỏ cháy sém của cái sân rộng thênh thang. Vài con gà mái bới tung một đống phân bên cạnh tầu ngựa. Một con gà trống đen như quạ đứng dẫm hết chân nọ đến chân kia trên dãy hàng rào đổ dụi. Nó lên tiếng gọi đàn gà mái, nhưng vẫn làm ra vẻ mổ mấy con bọ rùa đỏ lòm bò trên hàng rào. Một đàn chó săn rất béo nằm trong một chỗ mát bên cạnh nhà để xe.
Sáu con chó cộc đuôi, lông khoang đen, xô cho con chó mẹ ngã xuống rồi kiễng những cái chân nhỏ xíu, lôi những đầu vú xám khô bú lấy bú để. Con chó mẹ còn ít tuổi, mới đẻ lứa đầu. Sương mai còn bóng nhoáng trên nửa chưa có nắng của cái mái tôn ngôi nhà tên địa chủ ở.
Stepan nhìn chăm chú tất cả rồi bước vào nhà đầy tớ. Anh hỏi mụ đầy tớ to béo:
- Tôi có thể gặp Acxinhia được không?
- Nhưng bác là ai? - Mụ kia kéo chiếc tạp dề để lau khuôn mặt rỗ nhằng rỗ nhịt đẫm mồ hôi, tò mò hỏi.
- Việc ấy bác không cần biết. Acxinhia đang ở đâu thế?
- Đang ở chỗ cụ chủ. Bác chờ đây một lát.
Stepan ngồi xuống, đặt chiếc mũ phớt lên đầu gối, cử chỉ mệt mỏi một cách khủng khiếp. Mụ đầu bếp đặt mấy cái nồi gang lên bếp lò, đập đập cái gắp than và không chú ý tới người khách nữa.
Trong bếp nặc mùi pho mát tươi đang đông và mùi hố bết chua loét. Ruồi bám đen ngòm trên bếp lò, trên bốn bức tường và trên cái bàn bê bết những bột. Stepan căng thẳng đầu óc lắng nghe, chờ đợi.
Tiếng những bước chân quen thuộc của Acxinhia như làm anh nẩy bật khỏi chiếc ghế dài. Anh đứng dậy, để rơi cả chiếc mũ trên đầu gôl.
Acxinhia bê một chồng đĩa bước vào. Mặt nàng nhợt ra như mặt người chết, hai bên mép cặp môi đầy đặn run run. Nàng đứng lại, áp chồng đĩa vào ngực một cách bất lực, hai con mắt hốt hoảng vẫn không rời Stepan. Nhưng rồi nàng vẫn cất bước lên được, đi nhanh tới bên cạnh cái bàn, đặt chồng đĩa xuống.
- Chào anh!
Stepan thở từ từ từng hơi rất dài như trong giấc ngủ, một nụ cười nứt ra trên môi một cách vất vả. Anh ta không nói gì cả, chỉ ngả người về phía trước và chìa tay cho Acxinhia.
- Mời anh về phòng tôi… - Acxinhia đưa tay mời.
Stepan nhấc chiếc mũ phớt lên như một vật rất nặng, máu dồn lên đầu làm mắt anh ta mờ đi. Hai người vừa bước vào phòng Acxinhia là ngồi ngay xuống, một chiếc bàn ngăn cách họ, Acxinhia liếm cặp môi khô bỏng, hỏi qua một tiếng rên:
- Anh ở đâu về!
Stepan mỉm nụ cười không dứt khoát và không tự nhiên, anh ta khoát tay như một người say rượu, nụ cười vừa sung sướng vừa đau khổ vẫn không rời khỏi miệng.
- Đi làm tù binh về… Bây giờ về với Acxinhia đây…
Không hiểu sao anh ta tự nhiên bấn cả lên, luống cuống đứng chồm dậy, móc trong túi ra một cái gói nhỏ, rồi với những ngón tay run lẩy bẩy mà anh ta không làm chủ được nữa, Stepan hấp tấp xé miếng giẻ bọc, lấy ra một chiếc đồng hồ đeo tay vỏ bạc của phụ nữ và một chiếc nhẫn nạm viên ngọc màu lam hạng rẻ tiền. Anh ta đặt cả hai thứ lên bàn tay đẫm mồ hôi, đưa cho nàng, nhưng hai con mắt Acxinhia vẫn không rời khuôn mặt bây giờ đã xa lạ đối với nàng, khuôn mặt méo đi trong một nụ cười quị lụy.
- Acxinhia cầm lấy đi, tôi đã giữ cho Acxinhia đây… Chúng ta đã từng chung sống với nhau…
- Tôi cần đến những thứ nầy làm gì? Hượm đã… - Acxinhia khẽ nói, môi tái nhợt như môi người chết.
- Thôi cầm lấy đi… đừng làm tôi bị tủi… Xưa kia chúng ta đã có những chuyện dại dột thì bây giờ cũng nên đổ cả xuống sông xuống biển.
Acxinhia đưa một tay lên che mặt, đứng dậy đi đến bên cạnh cái giường.
- Người ta bảo rằng anh đã chết rồi…
- Acxinhia nghe thấy thế mừng lắm à?
Nàng không trả lời. Lúc nầy nàng đã ngắm toàn bộ cái thân hình của chồng, từ đầu xuống chân, một cách bình tĩnh hơn, hai tay vuốt một cách hoàn toàn vô cớ những cái nếp trên chiếc váy là phẳng lì.
Rồi nàng chắp hai tay sau lưng và nói:
- Anh nhờ mụ vợ gã Anikey lại đây phải không? Mụ ta bảo rằng anh gọi tôi về… sống với anh…
- Acxinhia về chứ? - Stepan ngắt lời nàng.
- Tôi, - giọng Acxinhia vang lên khô khan, - Không, tôi không về.
- Sao lại thế?
- Tôi không quen sống với anh nữa, mà bây giờ cũng khá muộn rồi… Muộn mất rồi.
- Nhưng bây giờ tôi đang muốn về nhà làm ăn đây. Tôi ở bên Đức về trước kia đã định ở lại bên đấy, nhưng cứ phải luôn luôn suy nghĩ về chuyện ấy… Thế nào Acxinhia, Acxinhia sẽ như thế nào? Thằng Grigori nó đã bỏ rồi… Hay Acxinhia đã sống với người nào khác? Nghe nói với con trai cụ chủ… Có thật thế không?
Má Acxinhia rực lên như lửa đốt, nước mắt ứa ra dưới hai hàng mi trĩu xuống vì tủi nhục.
- Bây giờ tôi sống với hắn. Đúng thế đấy.
- Tôi không trách gì đâu, - Stepan hoảng lên. - Tôi muốn nói rằng Acxinhia còn chưa quyết định một hướng cho đời mình phải không? Nó sẽ không cần đến Acxinhia lâu dài đâu, chẳng qua chỉ là một trò chơi… Xem kìa, dưới mắt Acxinhia đã có những vết nhăn… Nó sẽ ruồng bỏ, khi nó chán Acxinhia, nó sẽ đuổi Acxinhia đi. Lúc ấy sẽ nương cậy vào đâu? Sống mãi cái thân con đòi đầy tớ còn chưa chán hay sao? Tự Acxinhia thử ngẫm mà xem… Tôi có mang tiền về. Sau khi chiến tranh chấm dứt, chúng ta sẽ có thể sống đầy đủ Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hoà hợp với nhau. Tôi muốn quên hết chuyện cũ…
- Nầy anh bạn Stepan thân mến ơi, thế xưa kia anh nghĩ những gì? - Giọng Acxinhia nói run run, ánh mắt vui hẳn lên qua hai hàng nước mắt, nàng rời khỏi chiếc giường bước tới sát mép bàn. - Thế trước kia anh nghĩ những gì, hồi anh làm tan nát cả tuổi trẻ của tôi ấy? Chính anh đã đẩy tôi đi theo Griska… Anh đã làm tim gan tôi khô héo… Anh còn nhớ anh đã làm tình làm tội tôi những gì không?
- Tôi đến đây không phải để tính nợ cũ… Acxinhia… làm thế nào hiểu được? Có lẽ chính vì thế tôi đã ốm liệt giường liệt chiếu. Hình như hễ nhớ lại những chuyện ấy, tôi lại thấy như phải sống thêm cuộc đời cơ cực một lần nữa… - Stepan nhìn rất lâu hai bàn tay anh ta đặt trên bàn. Anh ta nói rất chậm, lời nói tựa như dứt mãi mới bật được ra khỏi miệng. - Nghĩ tới Acxinhia… máu trong tim tôi đông đặc lại. Hình ảnh Acxinhia đêm ngày không buông tha tâm hồn tôi… ở bên ấy tôi sống với một người đàn bà goá, người Đức… tôi đã sung túc, nhưng đã vứt bỏ hết… Chỉ muốn về nhà…
- Anh muốn tìm đến một cuộc sống thái bình vô sự à? - Acxinhia hỏi, lỗ mũi phập phồng rất hung dữ. - Anh muốn gây dựng cơ nghiệp à? Có lẽ còn muốn có con cái, có vợ để giặt giũ, hầu hạ cơm nước cho anh nữa phải không? - Rồi nàng mỉm cười, một nụ cười âm thầm, không chút thiện ý gì. - Lạy Chúa tôi, không thể được nữa rồi? Tôi già mất rồi, mặt nhăn nheo như thế nào, anh đã thấy đấy… Còn chuyện con cái thì tôi không còn biết đẻ nữa đâu. Vả lại tôi đang làm nhân tình nhân ngãi của người ta, mà làm nhân tình nhân ngãi thì không nên có con đâu… Anh có cần đến một con đàn bà như thế không?
- Mồm mép Acxinhia bây giờ khiếp thật…
- Vốn dĩ như thế thôi.
- Như thế là không về à?
- Không, không về. Không.
- Thôi được chúc Acxinhia khỏe mạnh. - Stepan đứng dậy, quay quay chiếc đồng hồ trong tay, không hiểu để làm gì, rồi lại đặt xuống bàn. - Lúc nào Acxinhia quyết định thì sẽ báo cho tôi biết.
Acxinhia đưa tiễn Stepan ra đến cổng. Nàng nhìn rất lâu đám bụi mù thốc lên từ dưới bánh xe, che cả hai cái vai rộng của Stepan.
Nàng không ghìm nổi những giọt nước mắt tức tối trào ra. Nàng mơ hồ tưởng tượng những chuyện có thể xảy ra, chốc chốc lại nức nở một tiếng xót thương cho cuộc đời mình rồi đây sắp sửa phải phiêu linh. Sau khi biết rằng Evgeni không cần đến mình nữa và nghe tin chồng vừa trở về, nàng đã quyết định lại về với chồng để hàn gắn từng mảnh nhỏ cái hạnh phúc mà trước kia mình đã không được hưởng… Nàng đã chờ đợi Stepan với quyết tâm như thế. Nhưng khi nhìn thấy Stepan, quị lụy, nhẫn nhục, thì một niềm kiêu hãnh dữ dội, chính cái niềm kiêu hãnh nó không cho phép nàng ở lại Yagonoie sau khi bị ruồng bỏ, đã chồm dậy trong lòng nàng.
Một ý chí hung dữ mà nàng không làm chủ được đã chi phối mọi lời nói và hành động của nàng. Nàng nhớ lại những sự nhục nhã mà mình đã phải chịu đựng, nhớ lại tất cả những gì mà con người có hai bàn tay hộ pháp cứng như sắt ấy đã gây ra cho mình, vì thế tuy bản thân không muốn có chuyện tan vỡ và trong thâm tâm cũng có hoảng sợ trước việc mình làm, nhưng nàng vẫn thốt ra những lời gay gắt. "Không, tôi không về với anh đâu. Không".
Nàng đưa mắt nhìn theo lần nữa chiếc xe chạy xa dần. Stepan vung roi ngựa và bị che khnất sau khóm ngải cứu tim tím thấp lè tè bên đường.
Hôm sau, Acxinhia nhận nốt số tiền công còn lại rồi sửa soạn khăn gói lên đường. Lúc chia tay với Evgeni, nàng khóc và nói:
- Anh Evgeni Nicolaievich, nếu có điều gì không phải, anh cũng bỏ qua cho tôi.
- Ồ, sao lại nói thế, Acxinhia thân mến! Cám ơn Acxinhia về tất cả! - Giọng hắn vờ ra bộ vui vẻ để che giấu sự bối rối trong lòng.
Thế là Acxinhia ra đi. Và đến chiều đã có mặt ở thôn Tatarsky.
Stepan ra cổng đón Acxinhia:
- Acxinhia đã về đấy à? - Anh ta mỉm cười hỏi. - Về hẳn chứ? Tôi có thể hy vọng rằng Acxinhia sẽ không bỏ đi nữa?
- Tôi không đi nữa đâu, - Acxinhia chỉ trả lời như thế. Nàng cảm thấy tim mình thắt lại khi đưa mắt nhìn căn nhà đã gần đổ dụi và cái sân gia súc mọc đầy tân lê và cỏ dại đen sì.

Chú thích:
1 Lada đã chết rồi còn được Giêsu làm phép mầu cứu sống Phúc âm, chương 1 ND

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/