15/3/13

Sông Đông êm đềm (PVI-C128-129)

Chương 128



Phần 6


Trung đoàn của trấn Vosenskaia giao chiến lần đầu với các đơn vị Hồng quân đang rút lui ở một nơi gần trấn Durnovskaia.
Đến giữa trưa, đại đội dưới quyền chỉ huy của Grigori Melekhov chiếm một thôn nhỏ cây cối và cỏ dại mọc âm u. Grigori cho bọn Cô-dắc xuống ngựa dưới bóng râm ẩm thấp của những cây liễu, gần chỗ một con suối chảy lâu ngày ăn sâu xuống thành cái khe nông.
Ở một chỗ nào đó gần đấy có mấy nguồn nước róc rách tuôn ra từ đám đất đen nhão. Nước suối lạnh như băng. Bọn Cô-dắc lấy mũ cát-két múc nước uống lấy uống để rồi lại dội nước trong những cái mũ ấy lên những cái đầu đẫm mồ hôi, miệng khẽ rên khoái trá. Mặt trời đổ nắng thẳng từ trên xuống cái thôn đang ngủ gật trong không khí nồng nặc. Mặt đất bị hun bỏng dưới làn hơi mù mịt lúc giữa trưa.
Bị những tia nắng nóng bỏng như có chất độc chiếu vào, cỏ và lá liễu đều khô héo rũ đầu. Nhưng bên bờ suối, dưới bóng liễu lại mát rượi. Ngưu bàng mọc xanh rờn thành những tấm áo diêm dúa cùng với những loại cỏ nào đó rất sum suê vì được chất đất ẩm nuôi dưỡng.
Những đám bèo tấm sáng lên như nụ cười cô gái đáng yêu ở những suối nhỏ. Vài con vịt lội bì bõm dưới nước và vỗ cánh phành phạch ở một chỗ nào đó sau một khúc suối. Những con ngựa thở phì phì, chân giăm lõm bõm trên lớp bùn ẩm, cổ vươn về phía làn nước. Chúng giằng dây cương khỏi tay bọn chăn ngựa, chạy vùng ra tới giữa dòng, rúc mõm xuống tìm luồng nước mát nhất, làm nước đục ngầu. Làn gió nóng hổi thổi bay tứ tung những giọt nước to lóng lánh như kim cương trên môi ngựa. Mùi lưu hoàng xông lên nồng năc từ đất bùn bị khuấy tung. Rễ liễu bị ngâm thối dưới nước toả ra một mùi đắng đắng lờ lợ…
Bọn Cô-dắc ngả lưng trên một đám ngưu bàng. Chúng vừa nói chuyện vừa hút thuốc được một lát thì nhóm trinh sát trở về. Một tiếng kêu: "Bọn Đỏ!" đã làm tất cả nhảy chồm dậy trong nháy mắt.
Chúng buộc lại đai bụng ngựa rồi lại ra suối lấy nước vào đầy bình toong, và có lẽ gã nào cũng thầm nghĩ: "Liệu còn được uống thứ nước trong mát như nước mắt con nít nầy lần nữa hay không?"
Trên đường đi, họ vượt qua con suối rồi dừng lại.
Ở sau cái thôn, trinh sát địch đang tiến cách đó chừng một véc-xta trên ngọn đồi cát xám mọc đầy ngải cứu. Tám người cưỡi ngựa thận trọng tiến về phía thôn.
- Để bọn mình tóm gọn chúng nó? Cậu cho phép nhé! - Miska Korsunov đề nghị với Grigori.
Nó đem nửa trung đội đi vòng ra sau thôn, nhưng toán trinh sát phát hiện thấy quân Cô-dắc bèn quay ngược trở về.
Một giờ sau, hai đại đội kỵ binh cuối cùng của trung đoàn đã đến nơi, trận tấn công mở màn. Trinh sát báo cáo rằng Hồng quân đang tiến thẳng từ phía trước với lực lượng chừng một ngàn tay súng. Các đại đội của trung đoàn trấn Vosenskaia mất liên lạc với trung đoàn 33 của hai trấn Elanskaia và Bukanovskaia tiến ở cánh bên phải, nhưng vẫn quyết định ứng chiến. Chúng vượt qua ngọn gò rồi xuống ngựa. Bọn giữ ngựa dắt ngựa tới khoảng đất trũng rất rộng, dốc thoai thoải về phía thôn. Trinh sát hai bên đã chạm trán với nhau ở một nơi bên phải. Một khẩu trung liên tặc tặc một tràng rất hung hãn.
Chẳng mấy chốc đã nhìn thấy những đội hình tản khai thưa thớt của Hồng quân. Grigori cho đại đội của chàng triển khai trên mép khoảng đất trũng. Bọn Cô-dắc nằm bố trí trên đường gờ của mặt dốc, giữa những bụi cây nhỏ mọc lờm xờm như bờm ngựa. Grigori nằm dưới cây táo dại thấp lè tè, dùng ống nhòm theo dõi các đội hình tản khai của địch đang còn xa. Chàng nhìn thấy rõ hai tuyến đầu, và sau những đám lúa đã gặt nhưng chưa lượm về, còn có một đội hình hành quân đen đen đang triển khai thành đội hình chiến đấu.
Cả Grigori lẫn bọn Cô-dắc đều rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một người cưỡi ngựa trắng cao lớn, có lẽ là chỉ huy, tiến ngay trước đội hình chiến đấu đầu tiên. Trước tuyến thứ hai cũng có hai người tiến hơi tách rời nhau. Cả tuyến thứ ba cũng do một người chỉ huy dẫn đầu, bên cạnh anh ta có lá cờ phấp phới. Lá cờ hiện lên đỏ rực như giọt máu nhỏ trên cái nền vàng bẩn của cánh đồng đã gặt xong.
- Bọn chính uỷ của chúng nó tiến trên hàng đầu kìa? - Một gã Cô-dắc kêu lên.
- Xem đấy! Như thế mới là anh hùng? - Thằng Mitka nhà Korsunov phá lên cười, khen trầm trồ.
- Các cậu xem đấy? Bọn Đỏ chúng nó như thế đấy!
Gần như toàn đại đội đều đứng cả dậy và gọi nhau ơi ới. Chúng đưa tay che mắt đứng nhìn. Mọi tiếng lao xao dần dần lắng đi. Rồi một bầu không khí trầm lặng hùng vĩ và trang nghiêm, cái trầm lặng mở đường cho cái chết, trùm lên đồng cỏ và khoảng đất trũng, một cách nhẹ nhàng, ngoan ngoãn như đám mây.
Grigori nhìn lại phía sau. Một đám bụi đang bốc lên và lượn uyển chuyển sau đám liễu màu tro xám mọc bên cạnh thôn như hòn đảo.
Đại đội hai đang cho ngựa chạy nước kiệu xông ra đánh vào sườn quân địch. Trong lúc nầy cái khe còn che khuất không cho Grigori theo dõi bước tiến của đại đội ấy, nhưng sau khi vượt được chừng bốn vec-xta nó đã chia làm hai nhánh để leo lên ngọn gò. Grigori nhẩm tính khoảng cách và thời gian đại đội ấy có thể tới ngang sườn địch.
- Nằm xu-u-uống! - Grigori quay phắt lại ra lệnh rồi cất ống nhòm vào trong vỏ.
Chàng trở về đội hình chiến đấu của đơn vị mình. Bọn Cô-dắc quay lại nhìn Grigori với những khuôn mặt bóng nhẫy đỏ tía hay đen xạm vì nắng và bụi. Rồi chúng đưa mắt nhìn nhau và nằm xuống.
Sau khẩu lệnh: "Sẵn sàng chiến đấu!" vang lên những tiếng qui-lát lách cách hung hãn. Grigori nhìn từ bên trên xuống chỉ thấy những cặp chân dạng rộng, những đỉnh mũ cát-két và những cái áo quân phục cổ chui đầy bụi với những đường sống lưng và hai bên bả vai đẫm mồ hôi. Bọn Cô-dắc chọn những chỗ thuận lợi nhất để bò tới ẩn cho kín. Vài gã thử dùng gươm đào đất rắn như sành.
Giữa lúc ấy, một làn gió hiu hiu đưa từ phía Hồng quân đến đường gờ trận địa của họ những âm thanh mơ hồ của một bài hát…
Các đội hình tản khai của địch vẫn tiến ngoằn ngoèo từng đợt chỗ nhanh chỗ chậm. Từ phía đó những tiếng hát trầm trầm, loãng ra trong khoảng không gian oi bức, vẫn chập chờn vẳng tới.
Grigori cảm thấy tim chàng rụng xuống, đập thình thịch như không còn giữ được nhịp… Trước kia chàng đã từng nghe những tiếng hát rên siết ấy. Ở Glubokaia, chàng đã thấy những chàng thuỷ binh "Ria ẩm" hạ mũ nồi xuống hát bài nầy như cầu kinh với những cặp mắt long lanh xúc động. Trong lòng chàng bỗng nhiên nảy ra một tâm trạng lo lắng mênh mang có sức mạnh cũng ngang với sự khiếp sợ.
- Chúng nó gào lên những gì thế nhỉ? - Một gã Cô-dắc đã già ngọ nguậy cái đầu đầy vẻ lo lắng và hỏi.
- Đại khái một bài kinh cầu nguyện gì đó, - một gã nằm bên phải trả lời hắn.
- Chúng nó có một bài kinh cầu nguyện thật là ma quái! - Andrey Kasulin mỉm cười nói rồi ngang ngược giương mắt nhìn Grigori đứng bên cạnh và hỏi - Nầy, anh Panteleev, anh đã từng ở bên chúng nó, có lẽ anh cũng biết tại sao chúng nó hát vào lúc nầy chứ?
Chưa biết chừng anh cũng đã cùng hát với chúng nó bằng cái giọng cao như con nít của anh rồi chứ gì?
"Làm chủ ruộng đất!" 1 - Lời hát nghe không rõ ràng vì vẳng tới xa quá bỗng dội lên thành một tiếng gào phấn khởi, rồi sau đó cánh đồng cỏ lại chết lặng. Bọn Cô-dắc vui nhộn hẳn lên, một sự vui nhộn chẳng có gì thú vị. Ngay giữa đội hình bố trí có một tên cười khà khà. Mitka Korsunov cựa quậy một thôi một hồi.
- Nầy các cậu, đã nghe thấy chưa? Chúng nó muốn làm chủ ruộng đất đấy? - Rồi nó văng một câu rất tục. - Grigori Panteleev nầy! Để mình cho thằng cưỡi ngựa kia hạ mã nhé! Mình nổ một phát nhé!
Nó không chờ được đồng ý, nổ súng luôn. Viên đạn làm cho người cưỡi ngựa lo lắng. Anh ta xuống ngựa, trao ngựa cho một người khác, nhưng vẫn đi chân trước đội hình chiến đấu, thanh gươm tuốt trần lấp loáng trong tay.
Bọn Cô-dắc bắt đầu nổ súng. Các chiến sĩ Hồng quân nằm xuống, Grigori ra lệnh cho bốn xạ thủ súng máy bắt đầu bắn. Sau hai loạt súng máy, tuyến tản khai đầu của địch chồm dậy, chạy chừng một chục xa-gien rồi lại nằm xuống. Grigori nhìn qua ống nhòm thấy các chiến sĩ Hồng quân dùng xẻng đào công sự. Những đám bụi xám bốc lên trên đầu họ, và phía trước đội hình của họ chẳng mấy chốc hiện lên những cái ụ nhỏ tương tự như những mô đất bên cạnh các hang chuột đồng. Từ phía đó nổ ra những loạt đạn rền. Hai bên bắn nhau mỗi lúc một hăng. Trận chiến đấu đe doạ kéo dài. Một giờ sau, trong hàng ngũ Cô-dắc bắt đầu có thiệt hại: đạn địch bắn chết một gã ở trung đội một, ba gã bị thương bò về khoảng đất trũng, chỗ những tên giữ ngựa. Đại đội hai xuất hiện bên sườn Hồng quân, bắt đầu xung phong. Đợt xung phong bị hoả lực súng máy đánh bật lại. Mọi người nhìn thấy rõ bọn Cô-dắc hốt hoảng chạy lui, chúng xô nhau dồn lại thành một đám và lại tản ra như hình dẻ quạt. Đại đội rút lui, chỉnh đốn hàng ngũ rồi lại lầm lì xông lên, không hò hét gì cả. Song hoả lực súng máy bắn từng loạt dồn dập đã lại xua chúng chạy lui, như gió thu quét lá.
Tuy vậy các đợt xung phong cũng có làm lung lay tinh thần kiên định của Hồng quân. Mấy tuyến tản khai trên đầu chuyển động, lui về phía sau.
Grigori không ra lệnh ngừng bắn, cứ thế cho đại đội của chàng xông lên. Bọn Cô-dắc tiến thẳng, không nằm xuống lần nào. Đầu tiên chúng cũng có phần trù trừ, hoang mang, nhưng rồi tất cả đã tự nhiên tiêu tan hết. Tinh thần phấn khởi của chúng đã được cổ vũ thêm khi chúng thấy một đại đội pháo cho ngựa chạy nước kiệu tới trận địa. Trung đội pháo đầu tiên vừa tiến tới vị trí xạ kích đã nổ súng ngay. Grigori sai chuyển cho bọn coi ngựa mệnh lệnh dắt ngựa tới. Chàng chuẩn bị xung phong. Một cây khẩu pháo thứ ba đang được tháo khỏi xe bên cạnh cây táo nhỏ, chỗ chàng quan sát Hồng quân lúc chiến trận vừa mở màn. Một viên sĩ quan cao lớn, mặc quần đi ngựa hẹp ống, vừa đập roi ngựa vào ủng vừạ chạy tới chỗ khẩu pháo. Hắn cất giọng nam cao rất hung hãn, quát những tên coi ngựa quá lóng ngóng:
- Tháo ngựa ra! Nghe thấy không? Quăng mẹ vào mõm chúng mầy bây giờ?
Ở chỗ cách đại đội pháo nửa vec-xta, tên quan trắc và một tên sĩ quan cao cấp trên xuống ngựa, đứng trên một nấm kurgan nhỏ.
Chúng dùng ống nhòm quan sát các đội hình tản khai của địch đang rút lui. Bọn lính điện thoại vừa chạy vừa kéo đường dây nối liền đại đội pháo với điểm quan trắc. Những ngón tay chuối mắn của viên đại uý có tuổi đại đội trưởng đại đội pháo nóng nảy xoay xoay cái bánh xe trên ống nhòm một chiếc nhẫn cưới bằng vàng lấp lánh trên một ngón tay hắn. Hắn lẩn quẩn rất vô tích sự bên cạnh khẩu pháo thứ nhất, chốc chốc lại cúi đầu như muốn tránh viên đạn viu viu bay qua. Mỗi khi hắn quay người mạnh, chiếc túi dết dã chiến đã sờn cũ lại lúc lắc bên sườn.
Sau một phát đạn pháo nổ phá ra ròn tan, Grigori chú ý theo dõi điểm rơi của phát đạn bắn điều chỉnh. Chàng quay đầu nhìn lại: mấy gã pháo thủ đang ra sức đẩy khẩu pháo, miệng rên è è. Phát đạn ghém đầu tiên nổ chụp lên những dãy lúa mạch chưa thu lượm, và trong một thời gian rất lâu còn thấy gió thổi vật vờ một đám khói trắng lờm xờm như bông trên nền trời xanh.
Bốn khẩu pháo bắt đầu lần lượt nhả đạn về phía đó, sau những hàng lúa mạch đã cắt, nhưng trái với sự mong đợi của Grigori, hoả lực pháo binh đã không làm rối loạn đến mức đáng kể các tuyến chiến đấu của Hồng quân. Họ vẫn cứ tiếp tục rút lui không vội vã, rất có tổ chức, và đã vượt qua một đoạn dốc, xuống tới một khoảng đất trũng, ra khỏi tầm mắt của đại đội. Grigori biết rằng bây giờ xung phong lên cũng chẳng có ý nghĩa gì, nhưng chàng vẫn đến bàn với tên đại đội trưởng đại đội pháo. Chàng ngật ngưỡng bước tới, đưa tay phải lên vê vê hàng ria loăn xoăn đỏ ra vì dãi nắng, mỉm một nụ cười thân thiện:
- Tôi muốn xung phong một cái.
- Bây giờ thì xung phong xung phiếc cái gì! - Tên đại uý lắc đầu bướng bỉnh, rồi đưa mu bàn tay lên chùi những giọt mồ hôi chảy ròng ròng dưới lưỡi trai mũ. - Bọn chó đẻ, ngài thấy chúng nó rút lui như thế nào rồi chứ? Chúng nó sẽ không chịu lép đâu? Mà kể ra cũng buồn cười vì trong các đơn vị nầy thành phần chỉ huy lại gồm toàn những sĩ quan chính ngạch. Tôi có thằng bạn là lão trung tá Serov, cũng trong đám chúng nó2…
- Ngài làm thế nào biết được. - Grigori nheo mắt cỏ vẻ không tin.
- Có những thằng đầu hàng… Thôi bắn! - Tên đại uý ra lệnh rồi nói như để thanh minh - Bắn nữa cũng chẳng được tích sự gì, mà đạn lại ít, Ngài là Melekhov à? Chúng ta làm quen với nhau đi: tôi là Poltachev. - Hắn đặt một bàn tay to tướng, đẫm mồ hôi vào tay Grigori rồi không giữ lâu, khẽ rút nhanh ra và luồn vào cái xắc cốt đựng bản đồ mở hoác, lấy thuốc lá. - Mời ngài hút điếu?
Bọn giữ ngựa của đại đội pháo xông ám ầm từ dưới khoảng đất trũng lên. Các khẩu pháo được lắp vào xe. Grigori ra lệnh lên ngựa rồi dẫn đại đội của chàng xông lên truy kích đám Hồng quân đang rút lui ra sau ngọn gò.
Hồng quân chiếm cái thôn gần đấy, nhưng lại rút đi, không chống cự gì cả. Ba đại đội pháo thuộc trấn Vosenskaia và một đại đội pháo vào đóng trong thôn. Dân chúng sợ khiếp vía không dám ra phố.
Bọn Cô-dắc chạy lăng xăng vào các nhà, sục tìm cái ăn. Grigori xuống ngựa gần một ngôi nhà dựng ngoài thôn, rồi dắt ngựa vào sân, buộc bên thềm. Chủ nhà là một lão Cô-dắc có tuổi người dài nghêu.
Lão nằm trên giường vừa rên hừ hừ vừa xoay xoay cái đầu quá nhỏ, nom như đầu chim trên cái gối bẩn thỉu.
- Bác ốm à? - Grigori chào xong mỉm cười.
- Ô-ô-ốm…
Chủ nhà giả vờ ốm và cứ nhìn cặp mắt hấp háy đầy lo lắng của lão cũng có thể thấy rằng lão biết người ta không tin mình.
- Bác cho anh em Cô-dắc ăn nhé! - Grigori hỏi bằng một giọng không cho phép từ chối.
- Thế các bác có bao nhiêu người? - Vợ chủ nhà bước ra khỏi chỗ bếp lò.
- Năm người.
- Thế thì được thôi, các bác cứ vào đi, Chúa cho được bao nhiêu thì chúng tôi sẽ mời các bác xơi bấy nhiêu.
Ăn xong bữa sáng với mấy tên Cô-dắc, Grigori bước ra phố.
Đại đội pháo đóng bên một cái giếng, các công việc chuẩn bị chiến đấu đã làm xong xuôi. Những con ngựa đóng dây thắng sẵn sàng lắc lắc những cái túi lúa đeo trên đầu, ăn nốt chỗ đại mạch. Bọn giữ ngựa và pháo thủ tránỉl nắng dưới bóng những hòm đạn, kẻ ngồi người nằm bên cạnh mấy khẩu pháo. Một gã pháo thủ nằm úp mặt xuống đất, hai chân bắt chéo, ngủ mà vai cứ giật giật. Có lẽ đầu tiên hắn vốn nằm trong bóng râm, nhưng mặt trời đã di chuyển nên bây giờ nắng đang thiêu cái đầu trần của hắn với bộ tóc xoăn đầy mùn rơm.
Lông của những con ngựa ướt đẫm bóng nhoáng dưới những đoạn dây thắng rất rộng, mồ hôi sủi bọt vàng vàng. Vài con ngựa cưởi của những tên sĩ quan và pháo thủ buộc bên hàng rào, co một chân đứng ủ rũ. Bọn Cô-dắc lặng thinh nghỉ ngơi, mồ hôi và bụi bậm đầy người. Vài tên sĩ quan và viên đại đội trưởng đại đội pháo ngồi dưới đất hút thuốc, lưng dựa vào thành gỗ của cái giếng. Ngay gần đấy có mấy gã Cô-dắc nằm xoạc cẳng thành hình một ngôi sao sáu cánh trên một đống tân lê đã phơi khô. Chúng múc sữa chua trong một cái thùng uống lấy uống để, thỉnh thoảng lại có gã nhổ trong miệng ra một hạt đại mạch.
Trời nắng thiêu đốt. Không một bóng người trên những dãy phố trong thôn kéo dài tới chân gò. Bọn Cô-dắc nằm ngủ trong những nhà thóc, dưới hiên những nhà kho, bên những dãy hàng rào, dưới bóng râm vàng vàng của những bụi ngưu bàng. Những con ngựa chưa tháo yên cương đứng chen nhau bên những dãy hàng rào đang khổ vì nóng nực và buồn ngủ. Một gã Cô-dắc cưỡi ngựa qua, hắn lười nhác nâng cái roi lên tới ngang lưng con ngựa. Và sau khi hắn đi rồi thì dãy phố lại hoang vắng như một con đường bỏ không ai đi nữa trên đồng cỏ. Những khẩu pháo sơn xanh lá cây và những con người đang ngủ thiếp đi sau khi kiệt sức vì hành quân và phơi nắng, tất ả đều có vẻ không cần thiết và không hiểu tự nhiên xuất hiện ở nơi nầy làm gì.
Grigori chán quá, định bỏ về chỗ nghỉ, nhưng bỗng trông thấy ba gã Cô-dắc đại đội khác cưỡi ngựa đi dọc theo dãy phố. Chúng dồn một đám tù binh Hồng quân không đông lắm. Bọn lính pháo binh nháo cả lên, chúng nhổm dậy, phủi bụi trên những chiếc áo quân phục cổ chui và quần đi ngựa. Mấy tên sĩ quan cũng đứng dậy. Trong sân nhà bên có một gã sung sướng kêu lên:
- Các cậu ơi tù binh bị giải đến đây rồi? Nói láo ấy à? Có Đức mẹ chứng giám đấy.
Những tên Cô-dắc còn ngái ngủ chạy trong mấy cái sân ra. Toán tù binh đã tới nơi, tám anh chàng còn trẻ, bụi lấm bê bết, mồ hôi chua loét. Họ lập tức bị vây vòng trong vòng ngoài.
- Chúng nó bị tóm cổ ở đâu thế? - Tên đại đội trưởng pháo binh vừa hỏi vừa nhìn mấy người tù binh bằng cặp mắt tò mò lạnh như ttền.
Một gã áp giải trả lời, giọng không phải không cố ra bộ ngang tàng:
- Lính với tráng gì cái bọn nầy! Chúng nó bị chúng tôi tóm cổ trong đám hướng dương bên cạnh thôn đấy. Cứ rúc đầu xuống đất như những con cun cút khi thoáng bóng diều hâu… Chúng tôi ngồi trên ngựa sục ra chúng nó thế là đuổi. Một thằng bị bắn chết…
Mấy chiến sĩ Hồng quân sợ hãi đứng sát vào nhau. Rõ ràng là họ sợ bị tàn sát. Mắt họ nhìn lướt trên mặt bọn Cô-dắc đầy vẻ bất lực.
Chỉ một người nom nhiều tuổi hơn là mím chặt cặp môi bị giập đến chảy máu, nhìn qua đầu mọi người một cách khinh bỉ bằng hai con mắt đen hiêng hiếng. Người ấy có khuôn mặt rám nắng đến nâu xịt, hai gò má cao, cái áo quân phục cổ chui nhớp nhúa, đôi xà cạp rách như xơ mướp. Anh ta lùn choằn choằn, vai rất rộng. Chiếc cát-két kẹp dí còn hằn vết quân hiệu, có lẽ giữ lại từ hồi chiến tranh với Đức, ngồi chồm chỗm trên bộ tóc xoăn đen, cứng như lông ngựa, nom cứ như một cái bánh tráng màu xanh lá cây. Người ấy đứng trong tư thế nghỉ, những ngón tay chuối mắn đen sì đặt lên cái cổ áo lót mở phanh và chỗ lộ hầu nhọn hoắt đầy những sợi lông đen cứng, trên móng tay có những vết máu khô. Nhìn bề ngoài thì chiến sĩ. Hồng quân nầy hình như rất thản nhiên, nhưng bên chân đưa ra phía trước hơi run run như bị lạnh, với cái cẳng chân to đần đẫn từ dưới lên tới đầu gối, nom rất khó coi vì bên ngoài vải bọc chân còn cuốn xà cạp.
Mặt mấy người kia đều nhợt nhạt, không có chút cá tính gì cả. Riêng anh chàng nầy làm người ta phải chú ý với cặp vai quá rộng và khuôn mặt đầy nghị lực như người Tarta. Có lẽ chính vì thế mà tên đại đội trưởng pháo binh hỏi anh ta:
- Mày là ai?
Cặp mắt tí hí, đen như hai hòn than gầy của người chiến sĩ Hồng quân linh hoạt hẳn lên, và toàn thân anh ta cũng nhanh nhẹn lấy lại tư thế đàng hoàng:
- Hồng quân. Người Nga.
- Quê quán ở đâu?
- Tỉnh Pezen.
- Lính tình nguyện à? Đồ khốn nạn!
- Đâu có. Thượng sĩ quân đội cũ. Vào Hồng quân từ năm một nghìn chín trăm mười bảy và ở lại cho đến ngày nay…
Một thằng áp giải nói chõ vào:
- Nó nổ súng vào chúng tôi đấy, cái thằng thù địch!
- Mày nổ súng à? - Tên đại uý cau mày, hỏi với vẻ mặt cay độc.
Hắn bắt gặp cặp mắt của Grigori đứng trước mặt bèn đưa mắt chỉ người tù binh.
- Một thằng như thế đấy! Mày đã nổ súng à, có phải không? Mày làm sao thế, không nghĩ rằng sẽ bị tóm cổ à? Nếu ngay bây giờ lôi cổ mày đi xử bắn về tội đó thì sao?
- Tôi chỉ nghĩ tới việc bắn để tự vệ. - Cặp môi giập nát của chiến sĩ Hồng quân chúm lại thành một nụ cười như nhận lỗi.
- Đồ khốn nạn, sao mày không bắn để tự vệ nữa đi!
- Bắn hết đạn mất rồi.
Á-à-à ánh mắt của tên đại uý lạnh hẳn đi. Hắn nhìn người lính với vẻ khoái trá không giấu giếm.
- Còn bọn chó đẻ nầy, chúng mày là người ở đâu? - Hắn đưa cặp mắt vui vẻ nhìn mấy người tù binh kia và hỏi bằng một giọng hoàn toàn đổi khác:
- Bẩm quan lớn, chúng tôi bị bắt đi lính đấy ạ? Chúng tôi là dân các tỉnh Saratov… Balasov… - Một gã thanh niên cao lêu đêu, cổ dài ngẳng, mếu máo trả lời. Hắn nháy mắt lia lịa, tay gãi gãi bộ tóc đỏ lòn như màu gỉ.
Grigori rất khổ tâm trong khi tò mò nhìn những gã thanh niên áo quần màu cứt ngựa, với những khuôn mặt mu-gích giản dị và cái vẻ xấu xí thường thấy ở những người lính bộ binh. Riêng người có hai gò má cao làm chàng cảm thấy căm ghét. Chàng bèn hỏi anh ta bằng một giọng châm biếm và cay độc:
- Sao mầy lại thú nhận tất cả như thế hử? Có lẽ mày chỉ huy một đại đội của chúng nó phải không? Chỉ huy à? Đảng viên cộng sản à? Mầy bảo rằng đã bắnl hết đạn rồi phải không? Nếu vì cái tội ấy mà chúng tao dùng gươm chẻ xác mày ra thì sao hả?
Người Hồng quân phập phồng cái mũi bị báng súng đập bẹp, trả lời bằng một giọng can đảm hơn:
- Tôi đã nhận như thế đâu phải vì muốn tỏ ra mình ngang tàng? Tôi giấu diếm làm gì cơ chứ? Đã có bắn thì cứ nhận là có bắn… Tôi nói thế có đúng không hử? Còn cái chuyện kia… các anh cứ xử tử tôi đi ở các anh… - người ấy lại mỉm cười. - Thì tôi chẳng chờ đợi một hành động gì tốt đâu, chính vì thế các anh mới là Cô-dắc.
Mọi người chung quanh mỉm cười đồng tình. Grigori bị cứng lưỡi trước những lý lẽ vững vàng của người lính bộ binh. Chàng thấy mấy người tù binh ra giếng uống nước. Trong ngõ có một đại đội bộ binh Cô-dắc tiến ra theo đội hình trung đội.


Chú thích:
1 Một câu trong đoạn ba của bài "Quốc tế ca" ND
2 Nghị quyết của Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Nga đã nêu là ngoài việc tăng cường đào tạo những cán bộ chỉ huy quân đội thuộc các tầng lớp vô sản và nửa vô sản, còn phải thu hút sử dụng những chuyên gia quân sự cũ, nhưng phải thông qua các chính uỷ mà tiến hành việc kiểm tra thường xuyên đối với họ về chính trị và đảng phái. ND

Chương 129



Phần 6


Ngay cả sau nầy, khi trung đoàn đã tiến vào khu vực chiến đấu liên miên, khi không phải chỉ có một lưới lửa mà có cả một mặt trận ngoằn ngoèo chốc chốc lại đứt quãng, những khi ở sát liền với kẻ địch, chạm trán với họ, Grigori bao giờ cũng có một cảm giác tò mò nhức nhối, muốn tìm hiểu không biết chán về Hồng quân, về những người lính Nga mà chàng đã bị bắt buộc phải đánh nhau với họ vì một lý do nào đó. Trong lòng chàng tựa như vĩnh viễn còn lại cái cảm giác ngây thơ và ẫu trĩ đã xảy ra trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh bốn năm. Cái cảm giác ấy chàng đã bắt đầu có ở Lesnhuc, lúc chàng leo lên ngọn gò và lần đầu tiên nhìn kỹ cái cảnh đi lại nhốn nháo của quân đội Áo - Hung cùng các xe vận tải của chúng. "Họ là những con người như thế nào nhỉ?" Tựa như trong đời chàng chưa từng có những ngày ở gần Glubokaia, hồi chàng đánh nhau với chi đội của Chernekov. Hồi ấy chàng biết rất rõ mặt mũi kẻ thù: chúng nó phần lớn là những tên sĩ quan sông Đông, là dân Cô-dắc. Nhưng bây giờ chàng lại chạm trán với những người lính bộ binh Nga, những con người hoàn toàn khác hẳn, những kẻ họp thành cả một khối người ủng hộ chính quyền Xô-viết, và như chàng nghĩ đang muốn chiếm lấy đất đai và các quyền lợi của người Cô-dắc.
Một lần khác ngay trong chiến đấu, chàng đã có dịp gần như mặt giáp mặt với một toán Hồng quân bất thần xông lên từ dưới đáy một cái khe. Hôm ấy chàng đem theo một trung đội đi trinh sát. Đang đi dọc theo lòng khe ra một chỗ cái khe phân nhánh thì nghe thấy những giọng nói tiếng Nga với những âm "ô" rất gắt, kèm theo tiếng chân bước loạt soạt. Vài chiến sĩ Hồng quân, trong đám có một người Trung Quốc, nhảy lên bờ khe. Vì không ngờ chạm trán với toán Cô-dắc, họ kinh ngạc đứng đực ra trong một giây.
- Quân Cô-dắc! - Một người ngã xuống hốt hoảng kêu lên.
Người Trung Quốc nổ một phát súng. Người có bộ tóc trắng trắng vừa ngã cũng lập tức lắp bắp kêu lên:
- Các đồng chí. Bố trí khẩu "Maxim!" Có Cô-dắc!
- Nổ súng đi! Bọn Cô-dắc đấy!
Mitka Korsunov dùng khẩu Nagan bắn chết luôn anh chàng Trung Quốc rồi kéo ngoặt dây cương, làm ngựa của nó xô ngựa của Grigori, bỏ chạy trước nhất theo con đường lòng khe, giữa hai sườn khe rất dốc. Nó giật dây cương, thoắt cái bên nầy, thoắt cái bên kia, hướng con ngựa chạy ngoằn ngoèo trên chất đất dội tiếng. Những tên còn lại cũng quay ngựa chạy theo, tên nọ cố vượt tên kia. Sau lưng họ, khẩu súng máy nặng tặc tặc liên hồi với cái giọng nam trung của nó, phạt rụng hết lá những cây mận dại và sơn trà mọc đầy trên sườn dốc và những chỗ đất nhô ra, hung hãn bắn nát và xới tung lớp đá dưới lòng khe…
Vài lần nữa, Grigori còn có dịp nhìn sát mặt những chiến sĩ Hồng quân. Chàng nhìn thấy những viên đạn Cô-dắc xới tung đất dưới chân những chiến sĩ ấy, và họ đã ngã xuống, đã chia tay với cuộc đời trên mảnh đất nầy, mảnh đất phì nhiêu và xa lạ đối với họ.
Nhưng dần dần Grigori cũng bắt đầu cảm thấy căm thù người Bolsevich. Họ đã nhảy xổ vào đời chàng như quân thù, bắt chàng phải rời bỏ ruộng đất! Chàng thấy tất cả những người Cô-dắc khác cũng đang bị xâm chiếm bởi tình cảm đó. Tất cả những người Cô-dắc cảm thấy như cuộc chiến tranh nầy nổ ra là hoàn toàn do lỗi của người Bolsevich xâm nhập vào Quân khu vì thế mỗi khi nhìn thấy những làn sóng lúa mạch chín rũ chưa được gặt về, thấy lúa chín bị dẫm nát dưới vó ngựa, thấy những sân đập lúa hoang vắng, mỗi khi nghĩ tới những người mẹ già vợ dại không đủ sức mà vẫn phải quần quật với những đê-xi-a-chin đất ở nhà thì lòng họ rắn lại, và họ trở nên hung hãn như loài thú dữ. Trong khi chiến đấu, đôi khi Grigori cũng có cảm tưởng như các kẻ thù của mình, những người mu-gích thuộc các tỉnh Tambob, Riazan, Saratov, họ cũng đi chiến đấu với một lòng ghen tuông vì ruộng đất như thế.
"Chúng ta chiến đấu vì ruộng đất cũng y như để giữ lấy người yêu". - Grigori nghĩ thầm.
Quân Cô-dắc bắt đầu ít bắt tù binh. Mỗi ngày một xảy ra nhiều trường hợp tàn sát tù binh. Những chuyện cướp bóc lan tràn khắp mặt trận như một làn sóng lớn: họ lấy đồ đạc của những người bị tình nghi có cảm tình với Bolsevich, của những gia đình Hồng quân, tù binh bị lột trần trụi…
Cái gì cũng lấy, từ ngựa, xe, cho tới những đồ đạc cồng kềnh hoàn toàn vô ích. Lính tráng cũng như sĩ quan, chẳng tên nào không lấy. Các xe vận tải tuyến hai đều chất đầy chiến lợi phẩm. Trên xe chẳng thiếu một thứ gì! Quần áo, samova, đồ thắng ngựa, máy khâu tất cả những thứ gì hơi có chút giá trị đều bị cướp đi. Rồi các của vơ vét lại được chất lên xe chở về nhà. Họ hàng thân thuộc của bọn lính Cô-dắc sẵn sàng đánh xe chở đạn dược và lương thực tới đơn vị rồi từ đấy các của cướp bóc lại được chất đầy lên các xe tải chở về. Các trung đoàn kỵ binh đặc biệt hoành hành ngang ngược, mà kỵ binh lại chiếm đa số. Bộ binh thì ngoài cái ba-lô ra họ chẳng còn có chỗ nào khác để cất đồ. Nhưng kỵ binh thì có thể nhét đầy các túi yên, buộc vào những đoạn dây sau yên. Vì thế những con ngựa của họ nom tương tự như ngựa thồ hơn là ngựa chiến. Cái thói cá mè một lứa vô kỷ luật bắt đầu nảy nở. Từ xưa đến nay, cướp bóc trong chiến tranh vẫn là động lực quan trọng nhất thúc đẩy người Cô-dắc ra mặt trận, Grigori biết như thế lắm qua những câu chuyện được nghe các cụ kể về các cuộc chiến tranh trước kia cũng như qua kinh nghiệm bản thân. Ngay từ khi tiến vào hậu phương của nước Phổ, viên lữ đoàn trưởng, một tên tướng có nhiều công trạng, đã tập hợp mười hai đại đội, giơ roi ngựa chỉ cái thành phố nhỏ nằm dưới chân mấy ngọn đồi và nói:
- Các anh hãy chiếm lấy nó. Trong hai tiếng đồng hồ, thành phố nầy sẽ hoàn toàn thuộc quyền tự do hành động của các anh. Nhưng sau hai tiếng đồng, kẻ đầu tiên bắt quả tang đang cướp bóc sẽ bị xử bắn?
Nhưng không hiểu sao Grigori không thể nào quen chuyện ấy. Chàng chỉ lấy thức ăn cho người và lương thực cho ngựa. Chàng sờ sợ không dám động đến của cải của người khác và kinh tởm các hành động cướp bóc. Chàng đặc biệt cảm thấy gớm ghiếc khi thấy những tên Cô-dắc dưới quyền mình đi ăn cướp. Chàng giữ rất nghiêm kỷ luật trong đại đội. Nếu bọn Cô-dắc dưới quyền chàng có cướp bóc thì cũng chỉ là những chuyện giấu diếm và hạn hữu. Chàng không hề ra lệnh giết và lột quần áo giầy ủng của tù binh. Thái độ bị coi là quá mềm yếu như thế đã gây lòng căm phẫn của bọn Cô-dắc cũng như của bọn thủ trưởng trung đoàn. Một tên sĩ quan cấp trên đã giật giọng thô bạo, và nói với chàng mất mặn mất nhạt:
- Nầy thiếu uý, tại sao anh lại làm hỏng một đại đội của tôi như thế? Tại sao anh lại có cái kiểu tự do chủ nghĩa như thế hử? Anh trải sẵn rơm để phòng bất trắc, để nếu ngã cũng đỡ đau có phải không? Anh vẫn theo thói cũ muốn bắt cá hai tay có phải không? Như vậy thì làm thế nào khỏi sỉ vả anh được? Thôi, không cần nhiều lời làm gì nữa? Anh không thuộc kỷ luật quân đội à? Sao, đổi anh đi à? Chúng tôi sẽ đổi ngay! Tôi ra lệnh ngay hôm nay bàn giao đại đội? Còn cái chuyện kia thì người anh em hãy nhớ lấy… Chớ có giở trò gì nữa đấy!
Đến cuối tháng, trung đoàn của Grigori hợp đồng tác chiến với vài đại đội của trung đoàn 33 trấn Elanskaia, cùng đánh chiếm thôn Gremiachi Lok.
Bên dưới, khoảng đất trũng mọc đầy liễu, tần bì và tiêu huyền. Chừng ba chục căn nhà tường trắng nằm rải rác trên sườn núi giữa những bức tường bao thấp lè tè bằng đá. Trên núi, cao hơn cái thôn một chút, có một cái cối xay chạy bằng sức gió, gió thổi hướng nào cũng tới. Bốn cái cánh quạt bị buộc lại hiện lên đen sì trên nền đám mây trắng bay tới từ phía sau ngọn gò, nom như một cây thánh giá để nghiêng. Ngày hôm ấy mưa tầm tã, sương rơi mù mịt. Một trận bão tuỵết làm rơi xuống khe núi một làn bụi vàng vàng, lá cây xào xạc rụng xuống đầy mặt đất. Những cây liễu đỏ cành lá xum xuê tím lại như màu máu. Những đống rơm to nổi lện như những ngọn gò lấp loáng trong các sân đập lúa. Bức màn sương mềm mại của ngày sắp sang đông đã phủ lên mặt đất nồng nặc một mùi ngai ngái.
Grigori cùng trung đội của chàng vào ở căn nhà được tiền trạm phân cho. Chủ nhà đã đi theo Hồng quân. Người vợ béo tốt, đã có tuổi, cùng một đứa con gái nhỏ ra sức hầu hạ lấy lòng trung đội.
Grigori từ dưới bếp bước vào nhà trong, đưa mắt nhìn quanh. Xem ra chủ nhà sống cũng khá khẩm: sàn nhà sơn, những chiếc ghế dựa kiểu Viên, tấm gương soi, trên tường treo những bức ảnh kiểu các quân nhân thường chụp và một tấm bằng khen của học sinh đóng khung đen. Grigori treo cái áo mưa ướt đẫm lên bếp lò rồi cuộn thuốc hút.
Prokho Zykov bước vào, hắn dựa khẩu súng trường vào thành giường rồi cho biết giọng lãnh đạm:
- Đoàn xe vận tải đã tới đây. Ông cụ nhà anh cùng đi đấy, anh Grigori Panteleevich ạ.
- Sao? Đừng có nói bậy!
- Nói thật đấy. Ngoài ông cụ nhà anh, bà con trong thôn ta đại khái có sáu người đem xe tới. Anh ra mà đón?
Grigori khoác cái áo ca-pôt lên vai, bước ra.
Ông Panteley Prokofievich đang nắm dây hàm thiếc, dắt hai con ngựa vào trong cổng. Daria ngồi thu lu trên xe trong chiếc áo khoác bằng dạ nhà làm lấy. Daria cầm cương. Dưới cái mũ trùm đầu ướt đẫm của cái áo khoác, chị chàng long lanh cặp mắt ướt ướt, tươi cười nhìn Grigori.
- Bà con đồng hương đến đây làm gì thế nầy? - Grigori mỉm cười nhìn bố, hỏi to.
- Thế nào, con yêu của cha, còn được thấy mày sống sót cơ à? Chúng tao đến chơi với mày đây, không được mời mà cũng đến đây.
Grigori bước qua ôm lấy cặp vai rộng của bố và bắt đầu tháo đồ thắng khỏi xe.
- Mày bảo không ngờ chúng tao lại đến à, Grigori?
- Tất nhiên rồi.
- Chúng tao đang ở trong đội dân công vận tải… Bị bắt đi. Đem đạn dược đến cho chúng mầy đấy, cứ yên trí mà đánh nhau.
Hai cha con vừa tháo ngựa vừa trao đổi những câu nhát gừng.
Daria hạ các thức ăn và thóc ngựa trên xe xuống.
- Còn chị thì đến đây làm gì?
Đi theo cha mà. Cha ở nhà ốm đấy, từ Nô-en đến nay còn chưa khỏi. Mẹ chỉ lo xảy ra chuyện gì, một thân một mình nơi đồng đất nước người…
Ông Panteley Prokofievich ném cho hai con ngựa vài nắm cỏ nga quan thơm thơm xanh mướt rồi bước tới trước mặt Grigori. Ông lo lắng giương tròn cặp mắt đen, lòng trắng đỏ ngầu nom chẳng có gì là khỏe mạnh, và thầm thì hỏi bằng một giọng khàn khàn:
- Thế nào, tình hình ra sao?
- Cũng chẳng sao. Chúng con vẫn đánh nhau.
- Tao nghe có tin đồn là bọn Cô-dắc không chịu tiến ra khỏi biên giới… Có đúng thế không?
- Mồm miệng thiên hạ… - Grigori đánh trống lảng?
- Nhưng sao lại thế, các anh em? - Ông già tự nhiên nói bằng một giọng hốt hoảng và xa lạ hẳn. - Sao lại như thế được? Thế mà các cụ bô lão ở nhà cứ hy vọng… Ngoài chúng mầy ra lấy ai bảo vệ sông Đông, bảo vệ cha đẻ của chúng ta bây giờ? Lạy Chúa tôi, nếu chúng mầy không chịu chiến đấu… Nhưng sao lại có thể như thế được? Bọn đánh xe vận tải của chúng mày đã nói láo… Chỉ gieo rắc hoang mang, cái quân chó đẻ?
Ba người vào trong nhà. Những tên Cô-dắc khác cũng kéo đến.
Đầu tiên câu chuyện chỉ xoay quanh các tin tức trong thôn. Daria rỉ tai người chủ nhà rồi cởi cái tay nải đựng các món ăn, sửa soạn bữa tối:
- Nghe nói mầy bị mất chức đại đội trưởng rồi phải không? - Ông Panteley Prokofievich vừa hỏi vừa cầm một cái lược xương nhỏ rất đẹp chải bộ râu chảy xệ.
- Bây giờ con làm trung đội trưởng.
Câu trả lời lãnh đạm của Grigori như chọc vào tim ông già. Ông cau mày làm những vết nhăn trên trán thu cả vào một chỗ, khập khiễng bước tới bên cạnh cái bàn, rồi vừa vội vã đọc vài câu kinh vừa kéo tà áo trermen lên lau cùi dìa và hỏi bằng một giọng bực bội:
- Tại sao tự nhiên lại có chuyện ghét bỏ như thế? Hay là mày không biết làm vừa lòng cấp trên?
Grigori không muốn nói về chuyện nầy trước mặt bọn Cô-dắc bèn nhún vai ra vẻ khó chịu:
- Họ đưa một anh chàng Cô-dắc mới đến… Có văn hoá.
- Nhưng con ạ, mày cứ phục vụ họ cho hết lòng đi! Chẳng bao lâu họ sẽ lại biết quý mày thôi! Chà, họ cứ mang cái thói thích những thằng có chữ nghĩa! Mày cứ nói là tôi đã được huấn luyện thực tế trong cuộc chiến tranh chống Đức nên còn hiểu biết hơn nhiều so với bất kỳ một thằng đeo kính nào?
Rõ ràng là ông lão đang phẫn nộ. Còn Grigori thì chàng chỉ cau mày liếc nhìn sang bên: không biết bọn Cô-dắc có cười không?
Chuyện bị hạ cấp không làm chàng buồn chút nào. Chàng đã sung sướng bàn giao đại đội, vì nghĩ rằng từ nay mình không còn phải chịu trách nhiệm về tính mạng của anh em trong thôn nữa.
Nhưng dù sao lòng tự ái của chàng cũng bị xúc phạm và việc cha chàng bới lại chuyện đó bất giác làm chàng cảm thấy khó chịu.
Người chủ nhà đã xuống bếp. Ông Panteley Prokofievich thấy anh chàng đồng hương Bogatyrev bước vào, nghĩ rằng mình đã có được người ủng hộ, bèn bắt đầu nói:
- Thế là bụng dạ các anh đúng là nhất định không muốn tiến quá địa giới Quân khu à?
Prokho Zykov chỉ hấp háy hai con mắt dịu dàng như mắt bò non, lặng yên mỉm cười, không nói gì cả. Mitka Korsunov ngồi xổm bên cạnh bếp lò hút nốt mẩu thuốc, cháy cả tay. Ba gã Cô-dắc khác nằm ngồi ngả nghiêng trên những chiếc ghế dài, và không hiểu sao chẳng gã nào trả lời câu hỏi nêu ra. Bogatyrev vung tay một cách đau khổ:
- Chúng nó có lo nghĩ gì lắm về các chuyện ấy đâu, - hắn bắt đầu nói với cái giọng ồm ồm dội lên như tiếng còi xe lửa. - Chúng nó thì cỏ ngoài đồng không mọc nữa chúng nó cũng mặc…
- Nhưng tiến đi xa nữa làm gì cơ chứ? - Ilin, một gã hiền lành và ốm yếu hỏi bằng một giọng lười nhác. - Tiến ra để làm cái gì? Vợ tôi đã chết đi để lại mấy đứa con côi cút mà tôi lại bỏ mạng một cách vô ích hay sao?
- Chúng ta đánh bật chúng nó ra khỏi vùng đất Cô-dắc rồi người nào về nhà người nấy! - Một gã khác kiên quyết ủng hộ Ilin.
Mitka Korsunov xoắn bộ ria vừa mềm vừa nhỏ, chỉ cười bằng hai con mắt xanh lè.
- Còn đối với tôi thì chiến tranh cứ kéo dài năm năm nữa cũng được! Tôi thích đánh nhau!
- Ra ngo-o-oài! Đóng yên! - Ngoài sân có tiếng hô to.
- Ông đã thấy chưa? - Ilin kêu lên một cách tuyệt vọng. - Các ông đã thấy chưa, hai ông bố già? Chưa kịp ráo mồ hôi mà ngoài kia đã lại quát: "Ra ngoài" rồi đấy! Như thế là lại phải đi bố trí rồi! Thế mà ông cứ bảo: địa giới! Còn có thể có địa giới địa giếc gì nữa? Phải chuồn về nhà đi thôi? Phải giảng hoà cho kỳ được, thế mà các ông lại bảo…
Vốn chỉ là báo động nhầm. Grigori bực tức dắt ngựa vào sân. Con ngựa chẳng làm gì nên tội cũng bị ăn một cái ủng vào bẹn. Grigori điên tiết trợn tròn con mắt quát lên:
- Đồ quỉ dữ! Đi cho thẳng lên!
Ông Panteley Prokofievich đứng ở cửa hút thuốc. Ông để cho bọn Cô-dắc vào hết rồi mới hỏi:
- Làm gì mà loạn lên thế?
- Báo động? Có đàn bò mà quáng mắt trông ra bọn Đỏ.
Grigori cởi áo ca-pốt, ngồi vào bàn. Những tên Cô-dắc khác cũng lầu bầu cởi áo, ném gươm, súng trường và băng đeo đạn lên chiếc ghế dài.
Khi mọi người đã nằm xuống ngủ cả, ông Panteley Prokofievich mới gọi Grigori ra sân. Hai cha con ngồi trên thềm nhà.
- Tao muốn bàn với mày một việc, - Ông già vỗ vào đầu gối Grigori và khẽ nói - Tuần trước tao có đến chỗ thằng Petro. Trung đoàn Hai mươi tám của chúng nó hiện nay ở Kalat… Tao đến đằng ấy kiếm được khá lắm con ạ. Thằng Petro nó cừ lắm, nó làm ăn cừ lắm. Nó đã cho tao quần áo, một con ngựa, lại còn đường nữa… Con ngựa tốt quá.
- Thôi đi! - Đoán ra ý bố, Grigôri cảm thấy như bị bỏng, chàng nghiêm khắc ngắt lời ông già. - Cha đến đây cũng vì việc ấy có phải không?
- Nhưng sao cơ chứ?
- Lại còn sao cơ chứ?
- Người ta đều lấy cả cơ mà, Griska…
- Người ta! Người ta lấy! - Grigori điên tiết, không nghĩ ra được câu nào khác mà nói, chỉ nhắc lại. - Ở nhà còn thiếu thốn lắm hay sao? Thật là lưu manh! Trên mặt trận đánh nhau với Đức đã bao nhiêu đứa bị xử bắn vì làm những trò như thế rồi đấy!
- Nầy, đừng có quàng quạc lên như thế nữa? - Người cha lạnh lùng ngắt lời chàng. - Tao có ngửa tay ra xin mầy đâu. Tao chẳng cần gì cho cái thân xác của tao cả. Bây giờ còn sống, nhưng mai kia đã hai tay buông xuôi… Mầy hãy lo cho cái thân mày đi đã. Kỳ cục thật, kiếm được một thằng sang trọng giàu có như thế nầy? Cả nhà có độc một chiếc xe, thế mà nó… Mà tại sao lại không lấy của những đứa đã đi theo bọn Đỏ cơ chứ? Không lấy của chúng nó là có tội đấy! Mà lấy về nhà thì một mảnh vỏ cây cũng có chỗ dùng.
- Thôi ông đừng nói với tôi những chuyện ấy nữa! Nếu không, tôi mời ông đi ngay khỏi chỗ nầy bây giờ! Bọn Cô-dắc làm thế tôi đã đấm vào mõm cho, thế mà bố tôi lại đến để cướp của dân chúng! - Grigori thở hổn hển, người run bắn lên.
- Chính vì thế mà người ta mới tống cổ không cho mầy làm cấp đại đội nữa đấy? - Người cha quái ác chọc cho chàng một câu.
- Chuyện ấy đối với tôi có ra cái quái gì! Ngay cái trung đội nầy tôi cũng sẽ thôi không nắm nữa?
- Thì cũng chẳng sao! Thông minh thật, thông minh thật…
Hai người nín lặng một phút. Grigori châm thuốc hút. Dưới ánh que diêm, chàng đưa nhanh mắt nhìn khuôn mặt vừa ngượng vừa tức tối của bố. Mãi đến lúc nầy chàng mới hiểu rõ lý do của việc bố đến đây "Chính vì thế mà đem cả Daria theo, cái con quỉ già? Kéo nhau đến ăn cướp?" - Chàng nghĩ thầm.
- Thằng Stepan Astakhov về rồi đấy. Mầy đã được biết chưa? - Ông Panteley Prokofievich nói, giọng như dửng dưng.
- Sao lại có chuyện ấy? - Grigori đánh rơi cả điếu thuốc.
- Thế đấy vốn là nó chỉ bị bắt làm tù binh chứ không bị giết. Về nom ra dáng con người lắm. Mang về cơ man nào quần áo và của cải! Phải chở bằng hai chiếc xe tải. - Ông già nói tố thêm và cứ huênh hoang như Stepan là ruột thịt với mình không bằng. - Nó đã gọi con Acxinhia, và đăng lại vào quân đội ngay. Người ta đã dành cho nó một chân tốt lắm, đại khái chủ nhiệm binh trạm gì đó, ở Kazan thì phải.
- Thóc nhà ta đập có được nhiều không? - Grigori hỏi lái sang chuyện khác.
- Bốn trăm mera.
- Hai đứa cháu của cha như thế nào?
- Ái chà chà, người anh em ạ, hai đứa cháu của tao thì đúng là hai vị anh hùng! Mầy phải có quà gửi về cho chúng nó mới được.
- Đang ở mặt trận thì quà với cáp cái gì. - Grigori thở dài rầu rĩ, nhưng đầu óc chàng chỉ lẩn quẩn với Acxinhia và Stepan.
- Mầy có kiếm được khẩu súng trường nào không? Có thừa khẩu nào không?
- Cha cần súng trường làm gì?
- Để ở nhà dùng. Vừa chống thú dữ vừa chống kẻ gian. Phòng có chuyện gì xảy ra. Tao đã lấy được nguyên vẹn một hòm đạn. Người ta lấy, thế là tao cũng lấy.
- Cha ra đội vận tải mà lấy. Cái của ấy thì vô thiên lủng. - Grigori cau mày mỉm cười. - Thôi cha đi ngủ đi. Con còn phải đi kiểm tra vọng gác.
Sáng hôm sau một phần trung đoàn rời khỏi thôn nầy. Grigori lên ngựa ra đi, chàng chắc mẩm rằng mình đã nói cho ông bố ngượng và sẽ trở về tay không. Nhưng vừa tiễn bọn Cô-dắc xong, ông Panteley Prokofievich đã đàng hoàng vào nhà kho như chính mình là chủ nhà. Ông lấy những chiếc cổ ngựa và những đoạn dây thắng trên cái giá xuống, mang ra chiếc xe của ông. Chủ nhà lật đật chạy theo, nước mắt đầm đìa. Người ấy nắm lấy vai ông, kêu lên:
- Bố già ơi! Ông cụ không sợ mang tội à? Sao lại làm khổ đứa trẻ côi cút như thế nầy? Trả lại cặp cổ ngựa cho tôi đi! Trả lại đi, cụ hãy vì Chúa mà trả lại đi!
Không, không, bà hãy để cho Chúa được yên, - Ông già Melekhov vừa lắp bắp trả lời vừa giằng tay khỏi tay người đàn bà. - Chồng bà mà đến vùng chúng tôi thì cũng sẽ cướp thôi. Chồng bà là chính uỷ có phải không? Thôi buông tay ra? "Của người của ta đều là của Chúa" cả cơ mà, vì thế bà hãy im đi, đừng tiếc làm gì nữa?
Rồi dưới sự yên lặng đồng tình của những tên dân công vận tải khác, ông bẻ khoá những chiếc hòm, chọn lấy những chiếc quần đi ngựa và áo quân phục còn mới nhất, đem ra chỗ sáng ngắm nghía, vò vò trong những ngón tay đen thủi ngắn cũn và bó tất cả lại…
Ông ra đi trước giờ ăn trưa. Daria mím chặt cặp môi mỏng dính, ngồi trên đống tay nải trong chiếc xe chất đầy đến ngọn. Phía sau có một chiếc nồi nấu nước tắm úp lên tất cả. Ông Panteley Prokofievich đã tháo cái nồi nầy trên những viên gạch trong buồng tắm, ông vừa lặc lè khiêng nó ra tới xe thì bị Daria cho một câu:
- Cha, cha thì đến cứt cũng không từ!
Ông bèn trả lời bằng một giọng phẫn nộ:
- Câm cái mồm, con mẹ ranh nầy! Tao mà đề lại cái nồi nầy cho chúng nó hay sao? Lo lắng công việc nhà cửa như mày thì cũng chẳng khác gì thằng khốn nạn Griska! Đối với tao thì cái nồi nầy cũng dùng được. Đúng thế đấy! Thôi đánh xe đi! Việc gì đến mày mà hoác mồm ra?
Người chủ nhà chạy ra theo đóng cửa, hai con mắt khóc đến sưng vù. Ông Panteley Prokofievich nói giọng ôn tồn:
- Thôi chào bà nhá! Đừng có giận. Còn người thì còn của…

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/